Trà chiều

Ba bước đơn giản để luận bàn về một tác phẩm văn chương theo kiểu nouveau riche

Published

on

Cả thế giới đang hướng về một thế giới với những binh đoàn hợp chủng quốc nouveau riche ngang tàn và bạo sát và giương cờ khởi nghĩa. Họ quét qua những nẻo đường miễn là nơi đó có tri thức, họ đánh sập những hệ thống giáo điều và nghiên cứu dài lâu của Friedrich Nietzsche, Martin Heidegger,… để thốt lên những điều thâm sâu, có khi vô lý nhưng rất thuyết phục (với đại đa số chúng ta, nên họ được tung hê ở mọi nơi mọi lúc, nhất là trên phiếc-búc lúc chờ trà hãm), về cuộc đời, về tồn tại và lời nào là hiện sinh lời đó. Lời nào là thấy cảm động đến tận tâm can lời đó, khiến ai nấy cũng đều vỗ tay thán ngạc không thôi, ai nấy cũng đều thấy mình cần phải làm gì đó để sánh vai với những đại nouveau riche đó. Thế là họ quên thân cống hiến cho đội quân bằng những triết lý và lời lẽ riêng (mới lượm lặt được) của mình như ngày ấy sử ta viết ông Nguyễn Trãi dâng Bình Ngô sách, còn bây giờ họ không cần nhiều nhời như thế, chỉ cần like, share, subscribe là đã thật dụng công rồi. Những diễn ngôn của họ làm lay động hàng triệu thính giả (nhất là những nouveau riche khác) bằng cách như thế đấy, điều mà Carl Jung có mãi thăm dò trong tiềm thức hay Albert Camus tìm hết đời mình xem liệu cuộc đời vô lý đến chừng nào thì cũng chẳng thế nào có được số lượng tín đồ hùng cường đến thế.

Đến đây, có lẽ quý vị độc giả không hiểu rằng liệu tên nhãi tác giả đang huyên thuyên về cái gì thế này, nươ-vồ rít-che là gì mà ghê gớm? Có phải là tên một bọn buôn thịt bán người lai phối cùng hội giải cứu niềm tin đổ vỡ tuổi mười nhăm hay không. Thưa rằng, chẳng được huy hoàng như thế. “Nouveau riche” tiếng Pháp dịch ra tiếng ta chỉ một tầng lớp quý tộc mới nổi với xuất thân là nhà nghèo, nhờ các biến chuyển xã hội thời đại mà giàu có lên. Hiểu nôm na, một cái thùng rỗng, một ông-nghè-chưa-đỗ-đã-đe-hàng-tổng, một trưởng giả, một nhân vật hát dở tuồng lâu. Nghe có vẻ chướng tai gai mắt, thế thì tại sao nhiều người lại cố gắng đi theo dòng chảy của nouveau riche đến như vậy? Câu trả lời nằm trong chính định nghĩa mà tôi đã sơ sài kể cùng quý bạn, những biến chuyển thời đại. Ta đang sống trong một thời đại tri thức kiệt cùng, tri thức khắp mọi nơi nài nỉ người tri nhận, tri thức có mặt trong tất cả những gì quý bạn thấy, ăn, ngửi, thậm chí là cảm giác sâu thẳm nhất trong con người của chúng ta, từ thời hang đá ở lùm đến ở skycraperspenthouse. Ta được “văn học” và văn hóa đại chúng quét qua người từng giây từng phút, tâm hồn ta rộn rã và tràn ngập tiếng chim ca như thi sĩ Tố Hữu. “Văn học” đó đến với ta dưới nhiều dạng thức: những tản mạn, tùy bút, tùy tiện bút, bán phóng sự bán tự sự,… của những nhân vật thành đạt post lên trang cá nhân của mình, những chia sẻ tuổi thầm kín của một cô ca sỹ nhạc dance về nhân sinh quan, của một f-boy về hoa và nhà chùa. Điều đó kết nối những tâm hồn nhạy cảm với nhau, trên cái sân chơi cyber-world, với ước muốn đem những cảm xúc riêng tư của mình sục sạo tìm những tâm hồn đồng điệu (nếu đồng điệu hãy like, thả tim, bình luận). Làm nouveau riche đồng nghĩa với việc hóa bản thân mình thành một tập đoàn tảo lục hùng mạnh, chăm chút cho sự thông minh có hạn của nhau, cùng nhau thỏa mãn với kiến thức của mình, đặc biệt, phù phiếm cảm xúc cùng với nhau.

Bao nhiêu đặc quyền của việc trở thành một nouveau riche tôi chỉ nói được có thế, trong dung lượng của bài. Vậy, nếu đủ mẫn cán và dụng công, quý bạn sẽ có cơ hội trở thành một quý tộc mới ngay trong những status tới trên wall nhà mình. Sau đây, trong khuôn khổ của một trang tin về sách báo chí, tôi xin mạn phép giới thiệu những bí quyết vỡ lòng để trở thành một nhân vật bất hủ trong thời đại hôm nay chỉ với những phương pháp viết luận những tác phẩm văn chương (điểm sách, review sách, PR sách, tham gia thi cảm thụ sách,… thậm chí rất hữu dụng để viết nghị luận văn học trong chương trình phổ thông từ lớp 6 đến lớp 12) mà bạn có thể áp dụng ngay trong lần tới.

1. Trích dẫn những tác phẩm – tác giả thật hàn lâm và xa rời chủ đề

Đừng bao giờ quên rằng, cách để mọi người biết mình là một nouveau riche qua những bài luận là có những kiến thức thâm sâu và uyên bác bậc nhất về văn học, nền văn học, tác giả, phong cách sáng tác,… Nhưng chẳng có ai dư dả thời gian để tới nghe bạn trình chiếu powerpoint về Vladimir Nabokov hay một cái ông đã chết lẩu lâu. Trích dẫn không ngừng nghỉ vào trong bài viết của quý bạn là một giải pháp toàn vẹn cả đôi đường. Nhiều khi bạn không cần đọc Ulysses để trích dẫn James Joyce, hãy search chúng, và đặt cốt truyện cùng những chương văn xuôi cách điệu và sáng tạo của văn hào Ireland kia vào trong bài của bạn. Thật sáng tạo và nhiều tri thức làm sao! Bạn đã tạo ra trong tác phẩm của bạn những gương mặt có máu có me trong làng văn và chắc chắn ai ai cũng ngưỡng mộ, dù phần lớn, sẽ tra xem đó là ai, ngoài tác phẩm được trích còn có gì, hoặc tra thêm bút pháp, rút gọn nhất có thể, vừa thời gian uống một cốc latte.

Cũng đừng ngần ngại rằng liệu những tác phẩm mà quý bạn đem vào thực sự nó có giúp ích, nâng cao hay thậm chí, chỉ là minh hoạ cho chủ đề, cuốn sách bạn đang nói về hay không. Tin tôi rằng, nếu ngoan tay một tí, tất cả những cuốn sách trong cuộc đời này đều liên quan tới nhau, đều là những câu chuyện phiếm không đầu không cuối góp trong một lần nhiều chuyện trong chợ lúc giã giề. Hãy dùng Paulo Coelho mà nói về Finnegans Wake (nhân tiện, thì Happy Bloomsday!), một người thật mainstream và một văn nhân thập cổ lai hi chẳng ai thèm đọc ư? Chẳng sao cả.

Hãy sưu tập những cái tên nổi tiếng ngay bây giờ để trích dẫn vào bài viết của mình, dù chỉ sẽ dùng như là những cái tên sau ngàn dấu phẩy liệt kê để dẫn nhập vào tác giả mà mình muốn nói. Giả dụ, Mỹ-La tinh sao có thể bỏ qua Jorge Luis Borges, Gabriel Garcia Marquez. Đông Âu làm sao quên László Krasznahorkai, Bruno Schulz,… Ứng với đó, Borges có Cuốn sách cát, Khu vườn những lối đi phân nhánh, Mê hồn trận; Marquez làm sao quên Trăm năm cô đơn, Hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi, Tình yêu thời thổ tả; László Krasznahorkai rối rắm với Nỗi buồn kháng cự (thêm phim của Bela Tarr nữa thì còn gì bằng), Chiến tranh và chiến tranh trong khi Schulz có Những cửa hiệu quếPhố cá sấu.

Nhưng hãy chú ý rằng, đừng bao giờ đem những cái tên mà những người khác đã đem vào hàng trăm lần rồi, nhưng cũng đừng vận công vào những nhà văn chẳng có ai biết. Ernest Hemingway, Lev Tolstoy, Honore de Balzac, Truyện Kiều, Vội vàng là lựa chọn phù hợp, nhưng không phải lúc nào cũng an toàn.

2. Rước cho mình một giọng văn như nhà phê bình chán đời và khó tính

Dù quý bạn khó tính hay không khó tính, dù quý bạn có nhìn đời bằng màu hồng hay màu mực, khi muốn tỏ ra là một người giàu kinh nghiệm, hãy tỏ ra khó nhằn. Tại sao lại như thế, việc tung hê ai đó một cách sỗ sàng thường được gán cho vài tính từ hạ bệ kinh khủng đối với người viết: bợ đít, níu váy,… Và dĩ nhiên các nhà nouveau riche không hề thích thú làm gì việc đó. Nên dù khi đối mặt với một trang văn không tì vết và hợp gu đến lạ lùng (đó là tôi khi đọc Friedrich Durrenmatt) thì đừng có mà suồng sã khen một cách tới tấp. Hãy học cách Joseph Conrad giải mã chậm và ẩn ý, bằng việc phân tích một cách lớp lang: tổng, phân, tích, kết. Hãy chê bai thứ gì đó, ví dụ chê đời sống tình dục và phàm ăn tục uống của ông Balzac khi chẳng còn gì để chê (hoặc sợ chê sai), hoặc nếu khó khăn để bới móc, hãy lôi ai đó vào, và chê bai chép miệng, như một người bạn thân thiết biết rõ từng tính nết của gã ta (nhà văn, nhà thơ,…).

3. Dùng những ngôn ngữ lạ lùng

Đó không phải là những dạng thức teencode vung vãi trên từng dòng tin nhắn của quý bạn trên mạng xã hội khi muốn người khác nhìn bạn với tất cả sự dễ thương và hóm hỉnh, đó chính là những thuật ngữ khoa học chính cống và rất mang sức đánh động. Dù có hơi khó khăn để nhớ vì rối rắm, hãy rước cho mình những câu từ quý phái để làm một nhà bình phẩm chính cống: sự nới lỏng tổ chức (looseness of association), hiện thực thậm phồn (hyperreality), rễ chùm (rhizone),… Có vô vàn thuật ngữ sang trọng để quý bạn cho vào trong bài viết của chính mình để mà tô điểm. Dù đó là một công trình nghiên cứu rất cật lực và từ ngữ mang nhiều sắc thái và luận đề, hãy cứ bỏ nó vào một tình tiết hay nghệ thuật nào đó bất kỳ, vì thật may mắn làm sao, tất cả những ngôn từ, bình dân đến bác học, mới phù phiếm và tự do vận động đến bất ngờ. Một số cuốn sách nên đọc với lượng từ khổng lồ để sưu tầm là Văn học hậu hiện đại (Lê Huy Bắc), Cấu trúc thơ (Thụy Khuê), Triết học của tự do (Nikolai Alexandrovich Berdyaev),…

Không chỉ thế, thật ấn tượng làm sao nếu bạn đã đọc bản gốc của tác phẩm và trích nó lại bằng chính ngôn ngữ của nó. Thậm chí trích luôn D. H Lawrence, T.S Eliot hay Charles Dickens bằng tiếng Pháp thì chẳng ai phàn nàn gì, mà chỉ thấy ôi, sao mà giỏi thế!

Có rất nhiều bí kíp để thực hành làm một nouveau riche đúng điệu qua từng lời nói và bài viết của bạn, về văn học nói riêng và cuộc đời nói riêng. Việc mua những cuốn sách của Paul Valery hay Wittgestein và chẳng hiểu gì thật là trác tuyệt, việc cặp kè Franz Kafka và thảo luận liên hồi về kafkaesque, iceberg theory, lost generation,… mới hiểu biết làm sao, việc coi Bắt trẻ đồng xanh (J. D. Salinger) và Bay trên tổ chim cúc cu (Ken Kesey) là tuyên ngôn đi tìm chính mình của quý bạn thật sâu sắc nhường nào. Đó là lúc bạn đã trở thành một nouveau riche vang dội.

(Bài viết vận dụng những bí kíp chia sẻ, dù tác giả chẳng mặn mà gì mấy.)

Hết.

Gia Bin


Đọc tất cả những bài viết của Gia Bin.


*

Chuyện bình sách


Trà chiều

Sài Gòn – Hồi sinh từ ký ức, vươn mình đến tương lai

Từ ngày 1/7/2025, cái tên “Sài Gòn” chính thức trở lại trên bản đồ hành chính Việt Nam. Đây không phải là tên thành phố, mà là tên của một phường trung tâm thuộc TPHCM. Một sự thay đổi tưởng chừng kỹ thuật, hành chính, nhưng lại gợi lên những suy tư lớn hơn: về ký ức đô thị, về cách chúng ta gọi tên một vùng đất và về hướng đi của tương lai giữa dòng chảy đổi mới.

Published

on

Từ nay, người dân sẽ phải làm quen với những tên gọi mới, địa giới mới và cả cách quản lý mới. Nhưng giữa tất cả những đổi thay ấy, cái tên “Sài Gòn” không trở lại như một nỗi hoài niệm, mà như một sợi chỉ đỏ âm thầm nối liền ký ức và hiện tại: bền bỉ, lặng lẽ nhưng chưa từng đứt đoạn. Một cái tên chưa bao giờ mất đi trong tâm thức người dân, nay được trả về đúng vị trí của nó: chính danh và được ghi nhận.

Tên cũ hồi sinh, đô thị vươn mình

Không chỉ hiện diện trong ký ức của hàng triệu người dân, Sài Gòn còn là mạch nguồn cảm hứng bất tận cho nhiều thế hệ người viết, người sáng tác. Trong đó, có thể kể đến tác giả Phạm Công Luận - một cây bút gắn bó lâu năm với Phương Nam Book và được xem là người dành trọn tâm huyết để viết về Sài Gòn. Gần như mỗi năm, ông lại cho ra đời một tác phẩm mới, nhưng điều đặc biệt là dù đã viết rất nhiều năm, rất nhiều sách, ông vẫn luôn tìm ra được những góc nhìn mới, tinh tế và giàu cảm xúc về vùng đất này.

Từ Sài Gòn ngoảnh lại trăm năm, Hồi ức Phú Nhuận,đến Có một thời ở Chợ LớnMade in Sài Gòn - hai tác phẩm vừa được phát hành đầu năm nay, những trang viết của ông như một hành trình gom nhặt lại những ký ức xưa cũ về Sài Gòn. Chính những tác phẩm ấy là bằng chứng cho thấy: Sài Gòn không chỉ tồn tại trên bản đồ, mà sống động trong văn hóa, tâm tưởng và cả trong từng chi tiết đời sống hàng ngày của người dân.

Bởi vậy, khi cái tên “Sài Gòn” trở lại trong một vị trí hành chính cụ thể, đó không đơn thuần là sự phục dựng danh xưng, mà là sự thừa nhận giá trị văn hóa, tinh thần mà vùng đất này đã và đang mang trong mình. Nhưng câu chuyện không chỉ dừng ở ký ức hay bản sắc. Việc sáp nhập, thay đổi đơn vị hành chính lần này còn là một phần trong chiến lược cải tổ toàn diện, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, tinh gọn bộ máy và hướng đến một đô thị hiện đại.

Bởi vậy, mô hình hành chính mới không đơn thuần là tinh gọn bộ máy, mà còn là cơ hội để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, hiện đại hóa quản lý, nâng cao chất lượng dịch vụ công và cuộc sống người dân. Đây là một phần trong chiến lược phát triển bền vững, toàn diện và hội nhập sâu rộng mà Việt Nam đang theo đuổi. Và để chiến lược đó đi vào thực tế, không thể thiếu sự góp sức của mỗi cá nhân - những người đang sống, làm việc, học tập và trực tiếp cảm nhận từng thay đổi nhỏ nhất trong đời sống hàng ngày.

Đổi mới không chỉ đến từ chính sách, mà bắt đầu từ chính chúng ta - những người kiến tạo nên diện mạo mới cho đô thị mỗi ngày.

Thế hệ trẻ giữ vai trò tiên phong trong hành trình đổi mới

Đổi mới không phải là khẩu hiệu treo tường, mà là từng hành động cụ thể mỗi ngày: một sinh viên chọn học thêm kỹ năng mềm; một kỹ sư chủ động cập nhật công nghệ mới; một giáo viên thay đổi cách giảng dạy để học sinh dễ tiếp cận tri thức hơn. Con đường học vấn không chỉ là hành trang cá nhân, mà còn là cách mỗi người góp phần xây dựng quốc gia trong thời đại tri thức. Như lời Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói: “Mỗi ngày làm việc là một ngày kiến tạo”. Và với người trẻ hôm nay, sự kiến tạo ấy chính là học tập, là tư duy phản biện, là sự dấn thân vào hành trình đổi mới - không chỉ để thay đổi bản thân, mà còn để thay đổi xã hội.

Những thay đổi ấy đang diễn ra ở khắp nơi: từ miền núi, hải đảo xa xôi đến các đô thị trung tâm hay những vùng sáp nhập mới. Và câu chuyện của Sài Gòn hôm nay - một địa danh cũ trở lại trong hình hài hành chính mới chỉ là một lát cắt trong bức tranh cải tổ rộng lớn mà cả nước đang cùng nhau vẽ nên.

Tên gọi có thể đổi. Địa giới có thể gộp. Nhưng khát vọng vươn lên, ý chí tự cường và tinh thần làm chủ vận mệnh thì vẫn còn nguyên vẹn, thậm chí mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Sài Gòn hôm nay đang bước vào một hành trình mới: hành trình của hiện đại, của tinh gọn, của đổi mới. Nhưng trên hết, đó là hành trình mà trong đó, người dân không chỉ là đối tượng của thay đổi, mà là chủ thể kiến tạo.

Một cái tên trở lại. Và cả một thời đại mới - bắt đầu.

Thùy Dương

Đọc bài viết

Trà chiều

Tết Đoan Ngọ ở Việt Nam có gì khác các nước đồng văn?

Published

on

Mỗi năm vào ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch, Việt Nam và các nước đồng văn như Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản lại cùng nhau chào đón một dịp lễ truyền thống mang đậm dấu ấn văn hóa phương Đông: Tết Đoan Ngọ. Dù tên gọi và nghi lễ có phần khác biệt, ngày lễ này đều gắn liền với ý nghĩa thanh lọc cơ thể, xua đuổi bệnh tật và bảo vệ sức khỏe trong thời khắc giao mùa quan trọng của năm. Từ bữa cơm "diệt sâu bọ" của người Việt, tục uống rượu hùng hoàng ở Trung Quốc, đến gội đầu và xông hơi bằng thảo dược ở Hàn Quốc; Tết Đoan Ngọ không chỉ phản ánh đời sống tâm linh mà còn cho thấy sự giao thoa và phát triển đa dạng của các nền văn hóa Á Đông.

Nguồn gốc và tục lệ Tết Đoan Ngọ ở Việt Nam

Ở nước ta, Tết Đoan Ngọ được dân gian gọi bằng một cái tên dân dã: Tết diệt sâu bọ vì người ta tin rằng khi ăn món đầu tiên trong ngày này thì sâu bọ, giun sán trong người sẽ bị chết hết. Theo nhà nghiên cứu văn hóa Trần Ngọc Thêm, ngày Tết này của Việt Nam có nguồn gốc chung với các dân tộc Bách Việt sinh sống ở khu vực Nam Trung Hoa và Bắc Đông Dương. Đây là vùng canh tác lúa nước lâu đời, nơi khí hậu mùa hè nóng bức ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người. Tuy nhiên, nhờ vào kinh nghiệm quan sát thời tiết để canh tác, người dân nơi đây đã hình thành nên Tết Đoan Ngọ như một nghi lễ nhằm thích ứng và tận dụng quy luật tự nhiên trong chu kỳ khí hậu hàng năm. 

Đặc biệt hơn, đây còn là ngày mang tính biểu tượng của ngày giỗ Quốc Mẫu Âu Cơ - ngày vô cùng quan trọng trong đời sống văn hóa tâm linh của mỗi người dân Việt. Ca dao ông cha ta có câu: Tháng Năm ngày tết Đoan Dương/ Là ngày giỗ Mẹ Việt Thường Văn Lang.  

Theo truyền thống của dân tộc Việt, người dân ăn tết Đoan Ngọ bằng sự cúng lễ. Tại các làng xã có lễ thần tại đình, đền; ở thôn, xóm có cúng tại miếu còn trong mỗi gia đình, mâm cỗ được dâng lên tổ tiên. Vì đây là thời điểm tiết trời nắng gắt nhất trong năm (Cực Âm – tiết Hạ chí), nên các món ăn thường là đồ nguội, mát mang tính hàn. Những món không thể thiếu trong mâm cỗ cúng Tết Đoan Ngọ ở khắp 3 miền là rượu nếp (cơm rượu) và trái cây. Trái cây được chọn có hình tròn như vải, mận (miền Nam gọi là mận bắc), hạt sen (làm chè). 

Ngoài ra, ẩm thực Tết Đoan Ngọ cũng có nhiều điểm khác nhau ở 3 miền. Miền Bắc thường có bánh gio trên bàn cúng, từ Thanh Hóa vào đến Huế thường nấu xôi ăn với thịt vịt. Người dân từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi thường cho trẻ nhỏ vào vườn hái quả ăn, một số ít gia đình nấu xôi chè cúng lễ. Trong khi đó, người nông dân miền Nam thường đúc bánh lọt, nấu chè trôi nước và xôi gấc cúng tổ tiên rồi cả nhà quây quần cùng nhau ăn. Với tư duy tiếp biến làm mới cách chế biến, trang trí, phong vị các món chay truyền thống cùng mong muốn giao thoa ẩm thực 3 miền, bạn có thể tham khảo công thức món chè trôi nước tam sắc trong cuốn Thanh tịnh mâm cỗ Việt của hai tác giả Hồ Đắc Thiếu Anh Nguyễn Hồ Tiếu Anh.

Nguồn gốc và tục lệ Tết Đoan Ngọ ở Trung Quốc 

Khác với Việt Nam, ý nghĩa ngày tết Đoan Ngọ của người Trung Hoa gắn với tích về ông Khuất Nguyên nước Sở cuối thời chiến quốc. Là một nhà thơ và chính trị gia nước Sở, ông nổi tiếng vì lòng yêu nước và tài văn chương. Sau khi bị vu cáo và thất sủng, ông sống trong đau khổ và sáng tác thiên "Ly Tao" thể hiện nỗi lòng. Những ngày cuối đời, ông bị đày đến Giang Nam, rồi trong tuyệt vọng, đã tự vẫn bằng cách ôm đá nhảy xuống sông Mịch La. Theo truyền thuyết ấy, hàng năm người ta tổ chức ngày mồng 5 tháng 5 là ngày Tết Đoan Ngọ để tưởng nhớ ông. 

Cũng theo tích trên, sau khi Khuất Nguyên trầm mình xuống sông Mịch La, người dân Trung Quốc xưa đã tổ chức chèo thuyền ra cứu ông nhưng không thành. Từ đó, truyền thống đua thuyền rồng vào ngày Tết Đoan Ngọ ra đời để tưởng niệm ông. Ngoài ra, người Trung Quốc còn giữ nhiều phong tục đặc trưng trong dịp lễ này như đeo túi thơm để xua đuổi tà ma, hái thuốc, hái trà và tổ chức lễ hội rước rồng ở một số vùng dân tộc thiểu số như người Mèo.

Hoạt động đua thuyền rồng trong ngày Tết Đoan Ngọ

Về ẩm thực, người Trung Quốc ăn bánh ú (zongzi) với nhiều loại nhân tùy vùng như thịt, đậu xanh, long nhãn, trứng muối hay bột dẻ…và uống rượu hùng hoàng - một loại rượu có pha khoáng chất màu vàng, được tin là có thể xua đuổi sâu bọ và tà khí.

Nguồn gốc và tục lệ ở Hàn Quốc 

Còn tại xứ sở kim chi, ngày Tết Đoan Ngọ được biết đến với tên gọi Dano (단오) hay Surinal (수릿날). Ở đây, “Suri” có nghĩa là “Thần”, là “cao”, tức là vị thần tối cao, ám chỉ mặt trời. Tết Đoan Ngọ báo cho mọi người biết ánh nắng chói chang của mùa hè sắp lan tỏa khắp nơi, cây cối hoa màu cũng sắp tới thời điểm sinh trưởng tốt tươi nhất trong năm. Người ta tổ chức các hoạt động ăn chơi nhằm tượng trưng cho sức mạnh và sự cường tráng, cầu nguyện cho mùa màng bội thu không bị sâu bệnh phá hoại.

Phong tục tập quán truyền thống tiêu biểu nhất của Hàn Quốc trong ngày Tết Đoan Ngọ là đấu vật truyền thống Ssireum. Trước kia, người giành chiến thắng trên sân đấu vật thường được thưởng một con bê. Vào ngày Tết Đoan Ngọ xa xưa, phụ nữ thường kéo nhau ra suối gội đầu bằng nước lá cỏ Thạch Dương Bồ, rồi chơi đánh đu. Đến cả các cô gái đài các giới thượng lưu ngày thường chỉ quanh quẩn trong dinh thự, nhưng tới Tết Đoan Ngọ cũng được cha mẹ cho phép ra ngoài ngắm cảnh.

Bánh Suritteok và Yaktteok là hai loại bánh truyền thống làm từ gạo, các loại hạt và lá cây được người Hàn thưởng thức trong ngày 5/5 này. Nếu như bánh Suritteok chỉ đơn giản là chiếc bánh ngải cứu hình bánh xe thì những chiếc bánh Yaktteok đa dạng hơn khá nhiều. Cũng được làm từ gạo không dính nấu chín nhưng không phải với lá ngải cứu mà với các loại hạt khác nhau và tạo thành những hình dáng phong phú.

Như vậy, không chỉ là dịp đánh dấu bước chuyển quan trọng trong chu kỳ mùa vụ và thời tiết, Tết Đoan ngọ còn là tấm gương phản chiếu bản sắc văn hóa riêng của các quốc gia Á Đông. Dù cùng chung cội nguồn từ nền văn minh nông nghiệp lúa nước và chịu ảnh hưởng của triết lý phương Đông, mỗi dân tộc lại sáng tạo nên những phong tục, nghi lễ mang màu sắc riêng. Việc tiếp nối và gìn giữ các giá trị này không chỉ giúp mỗi dân tộc lưu giữ ký ức văn hóa truyền thống, mà còn góp phần tạo nên sự đa dạng và sâu sắc trong di sản tinh thần chung của khu vực.

Hà Nhi

Đọc bài viết

Trà chiều

Phía sau Ngày của Mẹ: Câu chuyện lịch sử bị lãng quên

Published

on

Ít ai biết rằng, Ngày của Mẹ khởi nguồn như một phong trào của những người phụ nữ mong muốn mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân Mỹ. Nguồn gốc bị lãng quên ấy xuất phát từ hai nhà hoạt động suốt đời cống hiến những nỗ lực cải thiện y tế, phúc lợi và hòa bình. Hiểu về lịch sử Ngày của Mẹ - để thêm trân trọng và tìm thấy cảm hứng từ đó.

Ai là người sáng lập ra Ngày của Mẹ?

Việc tạo ra một ngày lễ quốc gia dành riêng cho mẹ phần lớn là công lao của ba người phụ nữ: Julia Ward Howe, Ann Reeves Jarvis, và con gái của Ann - Anna M. Jarvis.

Ann Reeves Jarvis

Được nhiều người gọi trìu mến là “Mẹ Jarvis”, Ann Reeves Jarvis là một người nội trợ trẻ sống ở vùng núi Appalachian, từng giảng dạy trong lớp học Kinh Thánh mỗi Chủ nhật. Nhưng bên cạnh đó, bà còn là một nhà hoạt động xã hội suốt đời. Vào giữa thế kỷ 19, bà đã tổ chức các “Câu lạc bộ hành động của những người Mẹ” (“Mothers’ Day Work Clubs”) tại West Virginia nhằm chống lại điều kiện sống mất vệ sinh nghiêm trọng lúc bấy giờ. Mẹ Jarvis lo lắng trước tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong quá cao - thậm chí trở nên tràn lan tại khu vực này, đồng thời mong muốn hỗ trợ và giáo dục các bà mẹ đang gặp khó khăn nhất.

Trong thời kì nội chiến Hoa Kỳ, bà tiếp tục tổ chức các đoàn phụ nữ, khuyến khích họ cùng giúp đỡ, bất kể chồng con họ đang đứng về phe nào. Sau chiến tranh, bà đề xuất tổ chức một “Ngày tình thân của những người Mẹ” (Mothers’ Friendship Day) - với hy vọng hàn gắn những rạn nứt giữa các gia đình từng đứng ở hai chiến tuyến: Liên minh miền Nam và Liên bang miền Bắc.

Julia Ward Howe

Julia Ward Howe là một nhà thơ và nhà cải cách nổi tiếng. Trong thời kỳ Nội chiến, bà tình nguyện làm việc cho Ủy ban Vệ sinh Hoa Kỳ, góp phần mang lại môi trường sạch sẽ cho các bệnh viện và đảm bảo điều kiện vệ sinh trong việc chăm sóc thương binh, bệnh binh. Năm 1861, bà sáng tác bài thánh ca nổi tiếng của thời Nội chiến – “The Battle Hymn of the Republic”, lần đầu được phát rộng rãi vào tháng 2 năm 1862. 

Khoảng năm 1870, Julia đã kêu gọi tổ chức riêng một “Ngày của Mẹ vì hòa bình” (“Mother’s Day for Peace”) để tôn vinh hòa bình và chấm dứt chiến tranh. Trong bản “Tuyên ngôn Ngày của Mẹ” (“Mother’s Day Proclamation”) do bà viết, Julia cảm thấy rằng chính những người mẹ - những người phải gánh chịu và thấu hiểu cái giá phải trả của chiến tranh - cần phải cùng nhau lên tiếng chống lại sự tàn khốc và sự phí hoài cuộc sống vì súng gươm. 

“Ngày của Mẹ” theo góc nhìn của Julia từng được tổ chức tại Boston và một vài nơi khác trong khoảng 30 năm nhưng nhanh chóng biến mất vào những năm trước Thế chiến thứ nhất.

Không có gì mới mẻ diễn ra trong phong trào này cho đến năm 1907, khi cô Anna M. Jarvis ở Philadelphia tiếp tục giương cao ngọn cờ ấy. 

Anna M. Jarvis

Sau khi mẹ qua đời vào năm 1905, cô Anna M. Jarvis ở Philadelphia đã ấp ủ ước nguyện tưởng nhớ cuộc đời đầy cống hiến của mẹ mình. Cô bắt đầu vận động một ngày lễ toàn quốc nhằm tôn vinh tất cả những người mẹ. “Tôi hy vọng và cầu nguyện rằng rồi sẽ có ai đó, vào một lúc nào đó, lập nên một ngày tôn vinh mẹ - để ghi nhận những cống hiến vĩ đại mẹ dành cho nhân loại trong mọi khía cạnh của cuộc sống,” Anna từng khẳng định - “Mẹ xứng đáng với điều đó.” 

Ý tưởng của Anna không xoay quanh những công việc xã hội như mẹ cô từng theo đuổi, mà thiên về việc tôn vinh vai trò thiêng liêng của người mẹ và những hy sinh thầm lặng trong mái ấm gia đình. Cô không ngừng gửi điện tín, thư từ, và gặp gỡ trực tiếp các nhân vật có tầm ảnh hưởng cũng như các tổ chức xã hội để thuyết phục họ ủng hộ. Dù tổ chức lớn hay nhỏ, cô đều kiên trì gửi thư trình bày ý tưởng của mình. Bằng chính tiền túi, Anna viết, in và phát hành hàng loạt tập sách ca ngợi Ngày của Mẹ.

Vì sao Ngày của Mẹ ở Mỹ lại rơi vào tháng 5?

Tháng 5 năm 1907, Anna tổ chức buổi lễ tưởng niệm để tưởng nhớ hành trình hoạt động không ngơi nghỉ của mẹ tại nhà thờ Giám Lý ở Grafton, West Virginia – nơi bà từng giảng dạy. Một năm sau, vào ngày 10 tháng 5, một buổi lễ chính thức nhân Ngày của Mẹ được tổ chức tại chính nhà thờ đó, lần này để vinh danh tất cả những người mẹ. Từ đây, ý tưởng dành riêng Chủ nhật thứ hai của tháng 5 để tôn vinh mọi người mẹ - dù còn sống hay đã khuất - bắt đầu hình thành.

Nỗ lực của Anna dần gây được sự chú ý. Thị trưởng Philadelphia là người đầu tiên tuyên bố tổ chức Ngày của Mẹ tại địa phương. Từ đó, Anna tiếp tục hành trình vận động ở thủ đô Washington, D.C. Các chính trị gia ở đây nhanh chóng nhận thấy đây là một đề xuất đáng giá và bày tỏ sự ủng hộ công khai.

West Virginia là bang đầu tiên chính thức công nhận ngày này. Sau đó, nhiều bang khác cũng làm theo. Việc các bang liên tiếp đưa ra tuyên bố công nhận Ngày của Mẹ đã dẫn đến việc Hạ nghị sĩ J. Thomas Heflin (bang Alabama) và Thượng nghị sĩ Morris Sheppard (bang Texas) cùng đệ trình một nghị quyết lên Quốc hội nhằm công nhận Ngày của Mẹ là ngày lễ trên toàn quốc. Cả hai viện của Quốc hội đều thông qua nghị quyết.

Đến năm 1914, Tổng thống Woodrow Wilson đã ký ban hành đạo luật chính thức công nhận Chủ nhật thứ hai của tháng 5 là ngày lễ quốc gia với tên gọi “Ngày của Mẹ” - dành riêng cho “người mẹ tuyệt vời nhất trên đời: mẹ của bạn.”

Trong những năm đầu tiên, Ngày của Mẹ được tổ chức một cách mộc mạc và đầy thành kính - thường là qua các buổi lễ nhà thờ để tưởng nhớ và vinh danh các bà mẹ, dù còn sống hay đã qua đời.

Ngọt ngào xen lẫn đắng cay khi kế thừa Ngày của Mẹ

Theo nhiều tài liệu, điều duy nhất mà Anna mong muốn là tưởng nhớ mẹ mình - người mà cô tin là người khởi xướng thực sự của Ngày của Mẹ. Nhưng khi ngày lễ trở nên phổ biến, Anna dần cảm thấy thất vọng khi nó bị thương mại hóa: người ta gửi thiệp, tặng hoa một cách máy móc. Thậm chí cô không đồng tình khi các tổ chức phụ nữ hay hội từ thiện dùng Ngày của Mẹ để gây quỹ - điều khá mâu thuẫn nếu nhìn vào lý tưởng y tế cộng đồng mà mẹ cô từng theo đuổi.

Năm 1948, Anna Jarvis qua đời tại một viện dưỡng lão trong tình trạng sa sút trí tuệ.

Ngày của Mẹ hiện nay

Ngày của Mẹ vẫn bền bỉ tồn tại và không ngừng phát triển. Cũng giống như khởi nguồn ngày lễ bắt đầu từ sự sáng tạo của nhiều người phụ nữ, Ngày của Mẹ trong thời đại hiện nay tôn vinh sự đa dạng trong vai trò của người mẹ hiện đại. Chúng ta nhớ ơn những người mẹ đã đấu tranh để cải thiện cuộc sống của con cái bằng nhiều cách - từ phúc lợi xã hội đến lý tưởng phi bạo lực. Và hơn hết, chúng ta thấu hiểu, trân trọng tinh thần dũng cảm cùng đức hy sinh quý giá vô ngần dành cho con trẻ từ lúc chúng mới lọt lòng.

Hà Nhi dịch từ Almanac

Đọc bài viết

Cafe sáng