Trà chiều
Nỗi hổ thẹn trong văn học
Marina Endicott về lịch sử giáo dục cưỡng chế với những người Canada bản địa

Trà chiều
Một đốm diêm tàn
Ngày tuyển U22 giành huy chương vàng SEA Games và phủ kín sóng truyền thông, có một chuyện quan trọng khác xảy ra – Công ty Diêm Thống Nhất chính thức thông báo dừng sản xuất.

Thật khó diễn đạt cảm xúc của tôi trong buổi sáng ấy. Làn sóng ký ức ập tới, ồ ạt vỗ vào từng góc não, lớp sau xô lớp trước. Mùi diêm sinh ngắn ngủi và mong manh đã góp phần định hình tuổi thơ. Từ ngọn nến sinh nhật đến câu đố vui trên báo Thiếu Niên Tiền Phong, từ tủ hàng của mẹ đến nơi bố ngồi xem thời sự, từ lúc ngây ngô đến khi nổi loạn.
Biểu tượng con chim bồ câu ngậm bông hồng, sải cánh bay trên nền trời xanh đã ăn sâu vào tâm khảm tôi, tưởng chừng không thể tan biến. Chúng đáng lẽ phải luôn hiện hữu trong thực tế, dù tôi mỗi năm lại già đi và cuộc sống vốn luôn đổi thay.
Đợt sóng ký ức dừng lại ở tuổi 20, nơi bức ảnh này ra đời. Đó là một ngày Hà Nội mùa Đông tại cà phê Cộng. Hộp diêm Thống Nhất trên bàn, ba ly nước, hai chiếc gạt tàn.
Và tôi sực nhớ ra nhiều điều khác, những mảnh rời rạc được chắp vá, tạo thành bức tranh quá vãng hoàn chỉnh. 20 tuổi, tôi từng coi Anything but Ordinary của Avril Lavigne là ca khúc phản thân.
“Sometimes I get so weird
I even freak myself out
I laugh myself to sleep
It’s my lullaby
Sometimes I drive so fast
Just to feel the danger
I want to scream
It makes me feel alive…”
Bị khùng bị điên là đặc quyền của tuổi 20 phải không? Chặng đường nào đã dẫn tôi rời khỏi Anything but Ordinary, những cuộc trò chuyện bất tận về truyện của Haruki Murakami, tình yêu và tình bạn trong năm tháng ấy?
Gần đây, tôi có cuộc nói chuyện dài sau nhiều năm với một trong những người bạn thân ở tuổi 20. Haruki Murakami thật sự có biệt tài đưa mọi viễn cảnh mờ nhạt và tế vi nhất phô diễn trên câu chữ. Tôi đã quên gần hết nội dung cuốn Tazaki Tsukuru Không Màu, nhưng màn tái ngộ đập vào mặt tôi ký ức về một cuộc hội thoại trong sách. Chính là khi Tsukuru gặp lại Xanh, thành viên thuộc nhóm bạn tâm giao thời niên thiếu của anh, nay đã thành sales xịn trong hãng xe Lexus. Xanh phệ bụng, mỗi tuần đi đánh golf một lần để tiếp khách. Xanh chỉ làm việc với giới thượng lưu. Kết thúc của chương sách như sau:
“Khoảng thời gian ba mươi phút có thể là ngắn ngủi đối với hai người bạn cũ sau mười sáu năm hội ngộ. Chắc chắn còn nhiều chuyện chưa nói hết. Nhưng đồng thời, Tsukuru cũng cảm thấy giữa hai người đã gần như chẳng còn gì quan trọng để nói với nhau hơn nữa”.
Cái cách diêm Thống Nhất có thể khơi dậy tất cả những điều này mới thật sống động và kỳ quặc. Trong đêm, khi ngoài phố là tiếng reo hò và chiêng trống của đoàn xe đi bão, tôi chỉ có một ý nghĩ duy nhất: “Những người bạn năm 20 của tôi, các bạn có khỏe không?”.
P/S: Và sau đó, trước những than van và nuối tiếc của cộng đồng, Công ty Diêm Thống Nhất đã quyết định tiếp tục sản xuất diêm!
Hải Âu
Trà chiều
Tình yêu không ai bán, nhưng chúng ta lại đang mua (rất nhiều)

Nếu bạn tình cờ có người yêu và xài mạng Viettel vào những năm 2010, tình yêu lúc đó là 3k/100 tin nhắn/ngày, giới hạn 80 kí tự một tin nhắn có dấu hoặc 160 kí tự tin nhắn không dấu. 10 năm sau, tình yêu là khung chat mạng xã hội, online 15 phút trước nhưng không đọc, seen 3 giờ trước nhưng không trả lời.
Thời gian thay đổi phương tiện biểu đạt tình cảm, nhưng đồng thời cũng thay đổi cách thức diễn giải tình yêu.
Thời cổ đại, triết gia Hy Lạp Plato tin rằng dạng thức tình yêu cao nhất là không-lãng mạn, không-sex; như tình gia đình hay tình huynh đệ. Người ta không cưới vì yêu, vì yêu làm quái gì khi kiếm cái ăn nhét vào mồm và sinh con đẻ cái mới là vấn đề sống còn. Nhiều nền văn hóa xem tình yêu như một căn bệnh không may mà tất cả chúng ta đều phải trải qua để bước vào đời, như bệnh sởi (Mark Manson).
Mãi đến thế kỉ 19, khi chủ nghĩa Lãng mạn bước ra sân khấu thế giới, cảm xúc con người mới đột nhiên có giá trị. Những cặp đôi bắt đầu mơ màng về tình yêu thiêng liêng, hạnh phúc cùng nhau đến suốt kiếp. Tình yêu kiểu đại gia Gatsby: đốt tiền hàng tuần tổ chức tiệc tùng với hy vọng người trong mộng vô tình đặt chân đến nhà. Tình yêu kiểu bà Bovary: “Tình yêu, cô tin, phải đến, bất thần, với tiếng sét đinh tai và tia chớp chói lòa, một cơn bão từ trên trời giáng xuống đời mình, như một cuộc tàn phá, tước nát lý tưởng như chiếc lá và ném linh hồn của mình xuống đáy vực sâu.”
Các nhà sinh hóa thế kỉ 20 giải thiêng tình yêu là nồi lẩu hormone của serotonin, dopamine, oxcytoxin và một nhúm các chất hóa học khác. Mọi người kêu lên: Nếu tình yêu là kết quả của hormone thì đó cũng là hormone của tôi. Việc tôi tiết hormone với người này mà không tiết hormone với người kia chứng tỏ tình yêu vẫn là định mệnh viết trong sách trời.
Mọi người chắc chưa?
Chúng ta tin tình yêu không ai bán nhưng kì thực lại đang mua một tá định nghĩa về tình yêu. Từ những nhà làm phim, nhà buôn bán, nhà marketing. Phim ảnh và mạng xã hội bán cho chúng ta tình yêu là kim cương và danh vọng, là ba vòng và sáu múi, là người sẵn sàng chết trong lòng một ít hay bán trong nhà một mớ vì ta. Dạng người khiến ta thổn thức bồi hồi, dạng người khiến ta tiết hormone tình yêu ào ạt là dạng người mà ta xem qua phim, đọc trong sách, lướt trên mạng ngày này qua tháng nọ. Chẳng có tình yêu thiên định, chỉ có tình yêu được đóng gói đẹp đẽ và bán cho ta với giá hời.
Mua những gói tình yêu có sẵn, khi yêu, chúng ta yêu ai đó không vì chính bản thân họ, mà yêu những ảo tưởng về họ mà ta dựng lên trong đầu mình. Tình yêu thăng hoa khi đối phương hành xử y hệt định nghĩa của mình về tình yêu. Nhưng ảo tưởng thì không có thật và tình yêu dựa trên ảo tưởng cũng vậy. Ngay lúc chàng soái ca bắt đầu ngoáy mũi, ngay lúc nàng kẹo ngọt bất ngờ chửi thề, tình yêu văng mảnh.
Nhưng chính thời điểm người ta vỡ mộng về nhau cũng chính là lúc tình yêu thật sự bắt đầu. Yêu là chấp nhận yêu lúc người ta trả lời tin nhắn sau 30 giây, và lúc họ không nhắn được một cái tin tử tế trong vài ngày. Yêu là chấp nhận yêu lúc người ta khiến mình tiết hormone hạnh phúc, và lúc họ gây cho mình những ức chế của hormone. Yêu là chấp nhận yêu lúc người ta nói yêu mình, và lúc họ nói không còn yêu mình nữa. Vì có thể loại tình yêu nào có thể bất thần chuyển thành ghét bỏ khi người ta từ chối yêu mình?
Chẳng mấy ai chịu ở lại để dọn những mảnh tình ảo tưởng vỡ và để sự thật trần trụi của yêu đương cứa vào tay. Chúng ta bỏ chạy ngay khi tình yêu vừa kịp đến, chọn mua tình yêu ăn liền thay vì bỏ công cực nhọc nấu nướng, để Bích Phương cứ phải hát đi hát lại: “Tại sao anh yêu biết bao người mà vẫn không hiểu tình yêu?”
Nguyễn Bích Trâm

Cỗ máy thời gian đưa nhà du hành tới năm 802.701 sau Công Nguyên. Ở đó, con người đã chia thành hai chủng. Một chủng lao động quần quật dưới lòng đất lạnh, tăm tối và hôi thối; một chủng sống đời nhàn hạ, lụa là, biếng nhác trong ánh mặt trời. Một chủng vượt trội về ưu thế tiến hoá do phải đấu tranh, giành giật thực phẩm; một chủng ngày càng suy thoái, tàn nhược do được sống trong nền công nghiệp hoá tối ưu đến mức sức lao động của con người trở nên thừa thãi.
Năm 1895, H. G. Wells hẳn không thể hình dung nổi cái gọi là AI hay ASI. Trí tuệ nhân tạo mà Stephen Hawking và Elon Musk luôn nhắc đến như quỷ dữ đang được triệu hồi là khái niệm quá trừu tượng trong thế kỷ 19. Thậm chí vẫn chưa thật quen trong hiện tại này, thời điểm này.
H. G. Wells có thể mường tượng đến cảnh Trái Đất nóng lên nhiều lần, độ nghiêng trục quay Trái Đất thay đổi dẫn đến những biến đổi về khí hậu và hệ sinh thái. Tuy nhiên trong những tưởng tượng xa nhất của ông, con người vẫn sống và chỉ bị tuyệt diệt bởi điều kiện tự nhiên như mặt trời hết năng lượng và tàn lụi. Ông không thể hình dung ra cảnh một con robot vô tri bỗng dưng hoá thành đấng sáng tạo với IQ cao hơn con người 12.000 lần và có thể thổi bay cả hành tinh chỉ trong vài giờ.
Học thuyết Kurzweil dựa trên Luật tăng tốc theo cấp số nhân nói rằng, chỉ trong 14 năm từ 2000 tới 2014, con người đã tạo ra khối lượng phát triển tương đương với khối lượng của toàn thế kỷ 20 dồn lại. Một người ở thế kỷ 19 nếu có thể du hành đến hôm nay, anh ta sẽ chết điếng chỉ vì Siri của Apple chứ chưa nói đến những AI cao cấp và đắt đỏ hơn cả ngàn lần khác.
Chỉ cần nhắm mắt lại và suy nghĩ về tất cả những điều này, tôi lại thấy số phận con người thật quá nhạt nhẽo và bé nhỏ trong vũ trụ. Và tôi không hiểu tại sao lại phải mất thời gian hằn học một ai đó. Không phải vì tôi nhân ái, mà vì tôi còn bận ngước cổ lên tìm sao trăng và phân tích bộ gân của một cái lá cây. Tôi quan tâm tới chuyện chòm Đại Hùng Tinh đang ở đâu trên trời hơn chuyện bị ai đó nghĩ sai, thật sự.
Rảnh quá thì coi hành trình tới ngày tàn của thời gian còn hơn.
Hải Âu
-
Book trailer3 tháng ago
Bức thư tình gửi đến Việt Nam từ một nhà thơ người Mỹ
-
Top sách hay3 tháng ago
Xử trí ra sao khi phải đối mặt với những lựa chọn khó khăn trong cuộc đời?
-
Sáng tác3 tháng ago
Truyện ngắn: Thiếu nhi đánh cờ tướng (Kỳ Y)
-
KOMOaudio2 tháng ago
Nếu yêu mến Trịnh Công Sơn, bạn không thể bỏ qua những cuốn sách này
-
Book trailer2 tháng ago
‘Đũa – Chuyện linh dị’ khám phá những truyền thuyết rùng rợn về đôi đũa
-
KOMOaudio2 tháng ago
SUMMER READING: Phiêu lưu cùng những trang sách hè
-
Cafe sáng2 tháng ago
Summer Reading Fun 2022: Thỏa thuê mua sắm với nhiều ưu đãi lên đến 50% tại Nhà sách Phương Nam
-
Top sách hay3 tháng ago
Làm thế nào để bình thường hóa những lời từ chối?