Top sách hay

6 quyển sách có từ khóa: Giới tính, Drama, Giải thưởng văn học

Với ba từ khóa thừa mắm mặn muối là “giới tính”, “drama”, “giải thưởng văn học”, các Mọt sách nhà Bookish Squad sẽ gợi ý những quyển sách hay ho nào?

Published

on

1. Trần Thị Thúy DiễmNgười Tình Sputnik

Ai đã từng đọc, từng thích Rừng Na Uy thì đừng ngó lơ trước Người tình Sputnik

Với Người tình Sputnik, Haruki Murakami đã lót sẵn một tấm thảm lụa ngôn từ mượt mà, êm ái. Người đọc chỉ việc tận hưởng sự ngọt dịu, mềm mại, phảng phất hơi sương của từng con chữ. Trên tấm thảm lụa ấy, ta bắt gặp những lẩn quẩn, quanh co của ái tình. K., một thầy giáo tiểu học, yêu và ham muốn tình dục đến nỗi sắp căng đứt giới hạn với Sumire, cô sinh viên nghỉ học giữa chừng vì đam mê viết lách, Sumire lại yêu và thèm thuồng được chiếm đoạt thân thể của Miu, một người đồng giới hơn mình 17 tuổi, Miu cũng yêu Sumire nhưng đã tắt ngúm sự ham muốn từ một sự cố ở Thuỵ Sĩ. Những tâm hồn này đều cô đơn. Sự cô đơn ngấm sâu vào từng tế bào, huyết quản và gặm nhấm họ. Họ đến với nhau, len lỏi vào tâm hồn nhau nhưng rốt cuộc vẫn cô đơn. Những sợi chỉ số phận mong manh của họ chẳng thể tạo nên mối buộc chắc chắn. Buộc đó rồi lại lơi lỏng, chới với. Những con người cô đơn tìm chỗ bấu víu ấy chẳng khác nào những vệ tinh đơn độc trong bóng tối vũ trụ. Chúng có thể gặp nhau, lướt qua nhau và rẽ theo các hướng khác nhau, không bao giờ lặp lại.

Murakami mơn trớn tâm hồn ta bằng những tình cảm chân thật và cũng lướt nhẹ trên cảm xúc của ta bằng những khát khao xác thịt của nam nữ và cả đồng tính nữ. Những trang văn như búa tảng làm ta quay cuồng, choáng váng bởi những từ ngữ, hình ảnh trần trụi, thật như đời nhưng không tục tằn, ghê sợ. Đó là những cánh đồng bao la của cảm xúc mà con người được sống thật với tất cả bản năng.

Kịch tính đã khêu to ngọn lửa nhỏ của Người tình Sputnik thành một đám cháy mà tàn tro, khói bụi ngập ngụa không gian. Đó là sự biến mất kì lạ của Sumire, một cô gái mặc trên người bộ đồ ngủ biến mất như một làn khói trên một hòn đảo không giếng, không dòng nước siết, không tội phạm náu mình. Cảnh sát, người thân, bạn bè đều không tìm ra.

Murakami khéo léo phủ một màn sương mờ giăng giăng bốn phía. Thấp thoáng ẩn hiện là một thế giới song song, là con người đa nhân cách, là những lesbian. Ông rất giỏi trong việc bóp chặt đôi khi muốn nghiền nát trái tim người đọc vì những mông lung như thế.

2. Trần Văn Quốc ViệtNhà Golden

Nhà Golden cũng có tí chút liên quan tới giới tính, phần lớn tập trung vào drama, tuy sách (hình như) không nhận được giải thưởng gì nhưng tác giả Salman Rushdie từng nhận được giải thưởng văn học Man Booker. Dưới đây là bài review của mình.

Nhà Golden
Ảnh: Tao Đàn.

Dưới ống kính máy quay.

Một kịch bản phim, là cảm giác đầu tiên và xuyên suốt khi tôi đọc Nhà Golden.

Lúc Obama trở thành tổng thống da màu đầu tiên của Hoa Kỳ, Nhà Golden cũng vừa bắt đầu cuộc lột xác của nó – một quá trình đầy nguy hiểm, một cuộc đấu tranh sinh tồn nhằm rũ bỏ quá khứ bí mật tại vùng đất không tên. Kế hoạch tinh vi, nhân vật đầy đủ, bố già Nero Golden tràn đầy tự tin đón chờ thách thức. Tuy nhiên, vạn vật đều chỉ tương đối. Nguy hiểm bắt nguồn từ nơi an toàn nhất, trong chính cung điện vàng hoàng đế ngự trị. Ba đứa con trai của Nero – Petya, Apu và D – ba chú bướm ngày đêm vỗ cánh, là nguồn cơn mọi sự. Và New York, miền đất hỗn loạn không ngừng, đã khuếch đại cánh bướm thành cơn bão. Kịch bản hoàn hảo nhanh chóng bị thay đổi, bị thu nhỏ, bị biến thành phân cảnh còn nhỏ hơn nữa trong vở kịch con người… Từng đứa con – trụ cột chống đỡ cho cuộc sống bế tắc, nhàm chán và đầy sợ hãi của Nero – nhanh chóng sụp đổ kéo theo triều đại của vị bạo chúa xuống vũng bùn.

Có thể hiểu Nhà Golden như một hình ảnh phản chiếu triều đại La Mã xa xưa, và đáng buồn thay, một lần nữa Nero lại thất bại, nhưng thất bại không có nghĩa là lão sai. Không có sai và đúng, chỉ có chọn lựa. Chúng ta là nhân vật chính trong đời mình, chúng ta có quyền chọn lựa. Mỗi việc ta làm, mỗi điều ta nói, mỗi chuyện ta nghĩ, tất cả sẽ phản chiếu thành những việc xảy đến khi ta còn sống, và cả sau khi ta chết đi. Con người có thể chết nhưng lựa chọn sẽ vẫn còn, quá khứ có thể vứt bỏ và nó vẫn nằm đó. Bi kịch xảy đến với Nhà Golden, Nero biết điều đó, bởi đó là lựa chọn của lão. Và lão chấp nhận, triều đại của lão kết thúc hệt tên lão, một triều đại tốt đẹp hơn mở ra từ lựa chọn đó. Hết phim.

Nước Mỹ và chủ nghĩa hiện thực.

Dù không còn huyền ảo ma mị như Những đứa con của nửa đêm, như Haroun, cái chất hiện thực làm nên tên tuổi Salman Rushdie vẫn ngự trị nơi Nhà Golden. Với Rushdie, luôn là hiện thực, tràn đầy, một thứ chất lỏng tuôn trào, ào ạt, không ngừng, trong tất cả các tác phẩm của ông. Thứ dung nham ấy đến gần như tự nhiên, chẳng hề có sự kiểm soát; ở lần phun trào này, nó xuất hiện trong hình hài nước Mỹ, phức tạp và khó lường. Đó là đất nước của những Superman, Batman, Spiderman,… những anh hùng chính nghĩa chẳng bao giờ lộ diện, chỉ thấy tên hề da trắng tóc xanh môi đỏ cười hềnh hệch diễn trò mọi lúc mọi nơi. Kỳ lạ thay, người ta lại thích hắn, cái tên Joker đã đánh bại Batwoman ấy, để rồi cho hắn thống trị chính họ. Đó còn là đất nước của giới tính và màu da, rất nhiều giới tính và rất nhiều màu da, nguồn gốc của xung đột, bất ổn. Chỉ trong màn đêm, những con người kia mới che giấu được bản thân, họ vội vã sống cuộc đời họ muốn, trước khi bị ánh đuốc của vị nữ thần soi rõ, mang theo kỳ thị và phân biệt. Đó cũng là đất nước của súng đạn và bạo lực. Người ta học cách sống chung với chúng, người ta học cách điều khiển chúng, nhưng người ta đâu biết rằng chúng cũng có tiêng nói riêng, và nhiều khi, tiếng nói ấy mạnh mẽ hơn lời họ. Đến lúc súng nổ, lương tri mới được đánh thức, bao giờ cũng vậy, thật muộn màng.

Đây là tiểu thuyết, và không chỉ là tiểu thuyết. Nhà Golden là tiếng nói mạnh mẽ của Rushdie trước ảo vọng về giấc mơ Mỹ – một giấc mơ dài chứa quá nhiều ác mộng.

Khủng hoảng căn tính.

Trong Nhà Golden, nhà văn tạo ra một kịch bản rất nhiều nhân vật và ở các trang thoại, mỗi nhân vật kể câu chuyện bằng tiếng nói riêng của họ. Người kể chuyện không biết tất cả câu chuyện, dù rằng đó là “tôi”, là hiện thân của tác giả. Tiểu thuyết được làm đầy bởi lời của các nhân vật. Bằng cách này, Rushdie có thể đi đến tận cùng bản chất con người mà không bị mâu thuẫn. Giữa những cơn khủng hoảng triền miên là tiếng nói thiết tha của số phận con người. Qua từng màn độc thoại, từ lời nói, xuyên màn ngôn từ, đến suy nghĩ, đến trái tim từng nhân vật hiện hữu, hội tụ trong “tôi”. Nhân vật “tôi” – người kể chuyện có thể chỉ là “tôi” mà cũng có thể là bất kỳ ai đang đọc “tôi”, vì thế “tôi” cũng được coi như bản thân người đọc. Điều này, một mặt làm câu chuyện thẩm thấu dễ dàng nhưng mặt khác lại làm chúng ta – người đọc, nảy sinh nhiều suy ngẫm chối bỏ “tôi” và như thể lại làm câu chuyện dễ thẩm thấu, cứ như thế đi vào xoáy ốc. Sự kết hợp tựa như một ngôi kể thứ hai – trong đó chúng ta đối thoại với chính tác giả – hút người đọc vào trong câu chuyện. Từng mẩu, từng mẩu bánh con người được bẻ nhỏ dần cho đến nát vụn. Và cho đến khi cái chết phủ trọn thiên tiểu thuyết, chúng ta mới nhận ra chính chúng ta, con người, mỏng manh dễ vỡ đến nhường nào.

3. Nguyễn Ánh NguyệtĐừng tự dối mình

Đừng tự dối mình
Ảnh: Tao Đàn

Là tác phẩm viết về đề tài tình yêu đồng giới do Tao Đàn phát hành, Đừng tự dối mình đã đoạt bốn giải thưởng văn học danh giá vào năm 2017 tại Pháp: giải Prix Psychologies du Roman inspirant, giải Finaliste du Prix Blù Jean-Marc Roberts, giải Prix Maison de la presse, giải Finalistes du Prix Orange.

Người đồng tính yêu nhau như thế nào? Đừng tự dối mình của tác giả Philippe Besson là câu chuyện về một mối tình đồng tính của hai chàng trai 17 tuổi. Một mối tình đầu, bí mật nhưng đầy nồng nhiệt. Đó là một tình yêu được miêu tả vô cùng tinh tế, minh chứng cho một điều rằng bất kể bạn là ai, thuộc giới tính nào, bạn cũng sẽ được yêu thương, một tình yêu chân thành, chân chính, chân phương, chân thiện mỹ.

Trước kia, mình luôn mang trong mình một thắc mắc về việc những người đồng tính họ yêu nhau như thế nào. Đó là khi mình vô tình biết được một người bạn nam của mình là gay, và bạn thích/ đam mê những chàng trai hơn là những cô gái. Rồi thời gian trôi đi, cũng là lúc nó trả lời cho câu hỏi của mình, hay chính bản thân mình tự khám phá ra, rằng những người đồng tính họ cũng yêu như những người bình thường, vì một điều đơn giản, họ là những người bình thường. Đó là một tình yêu chạm đến nơi tận cùng của trái tim. Có thể khiến người này “choáng váng” vì một hình bóng bất chợt thoáng qua trước mắt mình, sau một thời gian dài vắng bóng, hay còn gọi là bị sự chia ly làm cho vắng bóng. Một bóng hình “không thể có thật” lướt qua, khiến bao nhiêu ký ức về một “mối tình câm” bỗng chốc hiện ra như tất cả chỉ mới là ngày hôm qua.

Cuốn tiểu thuyết này là cuốn sách đầu tiên mình đọc trong năm mới Kỷ Hợi 2019. Một cuốn sách hay tinh tế đầy da diết về một câu chuyện tình giống như bao câu chuyện tình yêu khác trên trái đất này. Tình yêu của một thời tuổi trẻ “chẳng kéo dài bao lâu” mà chỉ là một khoảnh khắc. Tình yêu của hai chàng trai ở hai thế giới khác nhau và luôn có một ranh giới giữa họ. Ranh giới đó có thể là sự miệt thị, hay sự khinh thường mà người này dành cho người kia. Hay nói đúng hơn là ranh giới mà cả hai tự vạch ra, để không ai dám bước tới. Người này luôn tâm niệm mình là người xa lạ với người kia. Còn người kia thì cho rằng mình rồi sẽ là người ở lại cho người nọ ra đi. Nhưng rồi tình yêu giữa họ vẫn bắt đầu. Vì tiếng gọi của tình yêu thường không thể vượt qua. Cho dù là người nào tiến tới, thì người còn lại cũng sẽ giơ bàn tay ra mà nắm lấy. Theo kiểu chỉ cần một người bước tới trước một bước, người còn lại sẽ bước 999 bước cuối cùng để cả hai gặp nhau.

Bạn mong đợi một tình yêu như thế nào giữa hai người đồng tính? Họ yêu nhau. Làm tình với nhau. Đầy lạc thú. Nhưng lại sợ người khác biết. Một nỗi sợ không chỉ là sợ bị người khác phát hiện ra, mà là chính cả bản thân mình, nỗi sợ con người thật của chính mình. Mà lạc thú lại là một thứ nhìn thấy được, nên buộc cả hai phải kìm nén lại, đè nén xuống để nó không nhảy múa trước mặt người khác, khiến người khác nghi ngờ. Người đồng tính yêu nhau trong bí mật, như vậy. Vì họ sợ. Sợ con mắt của người đời, sợ cả căn bệnh SIDA thế kỷ không có thuốc chữa. Tuy nhiên, họ vẫn yêu, yêu hết mình, cuồng nhiệt, vì cho rằng tuổi trẻ không thể nào dính SIDA, một cơ thể khỏe mạnh như họ thì không thể nào. Đó là tình yêu giữa một người có vẻ ngoài khép kín và đầy cô độc, với một người mang lại cho người kia sự thoải mái khi nói. Tình yêu là gì? Người đồng tính yêu có khác người bình thường yêu không? Có khác gì nhau không, khi tình yêu muôn đời vẫn là sự tổng hòa của những: sự mủi lòng, sự lôi cuốn lẫn nhau khiến người này bối rối trước người kia, người kia bị quyến rũ bởi người nọ, dẫn đến sự say mê, thậm chí là bấn loạn, mù quáng…?

Những cuốn sách viết về tình yêu thường bao giờ cũng đẹp. Đau, nhưng đẹp. Bi thương, nhưng chói lòa. Tình yêu trong Đừng tự dối mình cũng vậy. Người này bị thương bởi người kia, bị người kia rời bỏ. Nhưng rồi vẫn được chữa lành. Vẫn thích ứng được với sự thiếu vắng người kia. Người ta yêu nhau muôn đời vẫn thế, vẫn minh chứng cho một sự thật rằng không có gì là mãi mãi, kể cả sự tổn thương bởi sự rời bỏ của người mà ta tin rằng sẽ yêu mình mãi mãi. Người bình thường yêu như vậy. Người đồng tính cũng yêu như vậy!

Có những mối tình đẹp như một bức tranh. Nhưng chỉ nằm trong hồi ức. Vì hồi ức bao giờ cũng đẹp, mà hồi ức từ một bức tranh lại càng đẹp.

4. Binh Boog Nghiệt tử

Cũng không biết quyển này có đạt giải thưởng văn học gì không? Đây cũng không phải là tác phẩm LGBT mà Boog thích nhất. Tuy nhiên đây là tác phẩm có cái nhìn khá toàn diện về cả một cộng đồng người LGBT để lại nhiều suy nghĩ và cảm xúc. Không chỉ là những mối tình đồng giới khắc cốt ghi tâm như Đừng tự dối mình, Gọi em bằng tên anh, hay thanh xuân vui vẻ như Nhật ký bí mật của Simon, Thẳng công khai.

Nghiệt tử là một cái gì đó ngậm ngùi, xót xa, cảm thông cho một cộng đồng bị hắt hủi, ruồng bỏ. Họ bị coi là những con người bên lề xã hội. Chật vật đấu tranh, sinh tồn để sống, đối mặt với bao hiểm nguy khó khăn rình rập. Đối mặt với định kiến nặng nề của xã hội. Boog vẫn không quên hình ảnh người cha chửi con mình là đồ súc sinh, đánh đuổi con mình ra khỏi nhà lao vào cuộc sống lang thang ở công viên lay lắt qua ngày chỉ vì là một người đồng tính.

Cũng may là đọc quyển này xong thì Boog nghe thông tin chính phủ Đài Loan đã hợp pháp hoá hôn nhân đồng giới. Đó là một sự tiến bộ lớn, bước ngoặt lớn cho cộng đồng LGBT.

Chắc hẳn khi Nghiệt tử được giới thiệu là tác phẩm về không chỉ cặp đôi đồng tính mà về cộng đồng người đồng tính cũng gây được sự chú ý không nhỏ của những bạn đọc quan tâm về vấn đề này. Là tác phẩm của một tác giả Đài Loan. Không chỉ khắc hoạ về cuộc sống của cộng đồng người đồng tính ở đó mà nó còn khắc hoạ phần nào hiện thực xã hội. Cuộc sống của những người bình thường đã khó, cuộc sống của những người đồng tính càng khó hơn, nhất là ở Đài Loan hay Châu Á, định kiến về những người đồng tính vẫn còn rất nặng nề. Ở ngoài kia khi ánh mặt trời rực sáng chiếu rọi, cuộc sống vận hành, đường phố đông đúc tấp nập dưới những toà nhà chọc trời. Thì cuộc sống của họ là “Khi ánh sáng ban ngày vụt tắt, đời sống của chúng tôi bắt đầu”.

Chịu bao tủi nhục, coi khinh, họ là những người bị coi như sống ngoài lề xã hội. Được sinh ra mang nhiều kỳ vọng của gia đình. Cha mẹ hy vọng họ là người nối nghiệp làm rạng rỡ tổ tông, đem lại niềm tự hào cho gia đình, dòng họ. Nhưng hỡi ôi, cuộc sống đâu phải lúc nào cũng theo một đường thẳng. Khi phát hiện ra những đứa con mình không như mong đợi, cha mẹ gọi họ là đồ súc sinh, đồ nghiệt tử, sẵn sàng đuổi họ ra khỏi nhà lao vào cuộc sống lang thang trong những công viên với nhiều rủi ro. Rồi để kiếm sống thì họ cũng trở thành “đĩ đực”, “pha lê”, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về những bệnh tật lây qua đường tình dục, bị bạo dâm.

Nhưng chính sự đồng cảm với nhau, họ cũng trở thành chỗ dựa cho nhau, giúp đỡ nhau. Không chỉ là những mảng màu tối, Nghiệt tử cũng có những mảng màu sáng, đem lại sự ấm áp, tin tưởng vào sự thay đổi. Có thể nói Nghiệt tử là một tác phẩm có cái nhìn đa chiều về cộng đồng người đồng tính cũng như khắc hoạ hiện thực xã hội.

“Đời người sao lại rắc rối thế nhỉ, sống thôi cũng cực nhục quá.”

5. Binh BoogCarol

“Đám cưới phải có thịt gà 
Đàn ông phải có đàn bà mới vui.”

Cùng viết về chủ đề LGBT nhưng có vẻ “tình anh bán chiếu” (ý là nam – G á) được ưu ái và biết đến nhiều hơn nữ nhỉ. Boog nghe nói Carol là tác phẩm về LGBT nữ (L) nên cũng khá là tò mò, cũng mua về đọc. Nay Boog giới thiệu tác phẩm này cho nó cân bằng đồng đều.

Năm 1957 Patricia nhận giải thưởng Grand Prix de Litte’rature Policiere International Category. Biết tới Patricia Highsmith qua tác phẩm Người lạ trên tàu với tư cách là tác phẩm trinh thám trước khi biết tới Carol của bà. Được biết tới cuộc đời của P. Highsmith cũng rất nhiều điều khác lạ và thú vị.

Không chỉ viết nên những vụ án, tạo ra nhưng nhân vật khác thường, chính cuộc đời của Patricia cũng khác thường không kém. Bà yêu những người phụ nữ đồng giới, từng qua lại với Kathryn Cohen, vợ của một nhà xuất bản Anh, mê mẩn nhà báo Rosalind, Patricia lao vào những cuộc hẹn hò với cả nam và nữ. Tuổi thơ của bà chịu khá nhiều bất hạnh. Cha mẹ ly hôn trước cả khi bà ra đời, Patricia cực kỳ ghét cha dượng mình, thậm chí có lúc còn tưởng tưởng tượng ra cách giết ông. Cuối đời vào năm 1995, Patricia cho biết bà bị hai người đàn ông bán hàng dạo lạm dụng tình dục lúc chỉ mới 5 tuổi tại nhà bà ngoại.

Chính sự thiếu tình thương và gặp nhiều bất hạnh đã khiến Patricia có thiên hướng phát triển khác người. Khi những đứa trẻ khác thích đọc truyện thần thoại thì Patricia thích đọc các báo cáo về chứng ăn cắp vặt, tâm thần phân liệt và hoang tưởng của một nhà tâm lý học. Bà còn bị đồn là có những sở thích khá là khác người: không thích bật lò sưởi, thích nuôi ốc sên và bà đã nuôi tới tận 300 con ốc sên cùng bầy mèo trong nhà, và mỗi khi bay từ Anh sang Pháp, bà thường chuyển lậu chúng qua hải quan bằng cách dấu trong… ngực áo mình.*

Quay lại với tác phẩm Carol.

Nói thật là lần đầu đọc Boog định chê tác phẩm này hơi nhạt, không có gì đặc sắc hay gây thương nhớ như mấy tác phẩm LGBT của nam. Nhưng khi đọc lại sau một thời gian thì lại có một cái nhìn hoàn toàn khác. Đúng là mỗi thời điểm sẽ có cái nhìn khác nhau.

Mối tình của Carol và Therese cũng đẹp và không kém phần sâu sắc. Therese một cô gái 19 tuổi đang theo học thiết kế phong cảnh cho sân khấu kịch. Cô làm thêm ở trung tâm mua sắm. Cuộc sống tẻ nhạt của cô thay đổi khi trong dịp gần giáng sinh, tại quầy hàng mình phụ trách, cô gặp một người kỳ lạ Carol. 

Có thể nói Therese cũng có một số nét giống với tuổi thơ của Patricia. Ba mất, mẹ đi bước nữa. Therese lớn lên không có tình thương của mẹ nhất là sau này mẹ cô có con với người chồng sau. Cô sống ở cô nhi viện, không có ý định tìm gặp lại mẹ mình và cứ thế lớn lên.

Carol, một phụ nữ trung lưu, có chồng và con gái. Nhưng cuộc sống gia đình không hạnh phúc, cô đang chuẩn bị ly hôn. Carol sớm nhận ra mình từ nhỏ, bởi khi còn đi học cô đã thích một bạn gái cùng lớp.

Cuộc gặp gỡ ngắn ngủi với Therese ở trung tâm mua sắm trước kỳ nghỉ giáng sinh do duyên phận đưa đẩy. Họ tìm thấy tình cảm nồng nàn chìm trong mắt nhau, dành những cử chỉ dịu dàng cho nhau. Mới gặp mà tưởng như quen thân từ lâu lắm. Họ luôn muốn gặp lại nhau, chia sẻ về cuộc sống của nhau một cách dễ dàng tự nhiên mà trước kia họ chưa từng chia sẻ cho ai. Họ đến với nhau, dành tình cảm cho nhau một cách thật tự nhiên và nhẹ nhàng như nó vốn thế.

“Yêu một người là thế nào? Chính xác thì tình yêu là gì? Vì sao nó lại kết thúc hoặc kéo dài mãi mãi? Đó đều là những câu hỏi chân thật không biết ai có thể trả lời chúng đây”.

Tác phẩm này ra đời vào năm 1952. Vào giai đoạn đó thì việc một cô gái yêu một cô gái vẫn còn khá là xa lạ, khó có thể châp nhận. Tuy nhiên Patricia vẫn dũng cảm cho ra đời một tác phẩm khá độc đáo và sâu sắc. Tất nhiên trong giai đoạn xã hội còn quá xa lạ chưa thể chấp nhận thì tác giả đã dùng bút danh Claire Morgan.

*Có sử dụng một số tư liệu từ BachVietbooks.

6. Gia Bin Gọi em bằng tên anh

Tôi tin vào một câu của các bạn trẻ “Huấn luyện viên thì không ra sân” và mù quáng cộng thêm niềm tin vào cả cái mệnh đề ngược của nó. Ít có nhà văn nào thực sự nổi lên khi đang trong giảng đường hay làm ngành báo chí in ấn. Họ đều là những gã tay ngang bộc phát trong một cơn hoành hành của xúc cảm và diễn tiến tâm lý phức tạp tiềm ẩn. Cứ viết rồi được tung hê. Nhưng André Aciman là một ca thú vị nhưng không hoàn toàn là quá hiếm, và ông cũng không phải thực sự kinh điển gì cho lắm để mà lôi ngành nghiệp ra làm thú đặc biệt. Thực sự, cách mà André đến với ta mới đáng kinh ngạc. Đọc tiểu thuyết đầu tay của ông, ta chắc ngẩm đây là của một tay viết trẻ trung năng nổ, mới vào nghề và lập cú đúp như kiểu Old Town Road đây, nhưng không. Lần giở tiểu sử và ông khiến kẻ đọc rong chơi như tôi ngạc nhiên khi một nhà báo, giảng viên và học giả như ông lại lấn sân một cách đáng sợ như vậy. Và cú đúp Call me by your name là điều phải có, là thứ nội lực ông đã tiềm tàng trong Out of Egypt, về một tính văn chương bùng nổ hơn, đi nguy hiểm hơn so với khi vận áo vest quần tây lên giảng đường và tốn nước bọt (tôi thích cà khịa những vị giáo sư kiểu vậy, nó vui). Đó là giọng văn trữ tình, lai láng ẩn sau cuốn hồi ký đạt giải Whiting trên, và một loạt truyện ngắn vô danh (với tôi, với độc giả Việt Nam) nữa. Gọi em bằng tên anh xuất hiện không quá bất ngờ với những ai đã theo dõi hoặc biết ông thầy này.

Đọc tiếp bài viết ở đây.


Biệt Đội Mọt Sách (BOOKISH SQUAD) là ngôi nhà nhỏ của hơn 7.000 con người đáng yêu, hằng ngày chia sẻ về chuyện sách, chuyện đọc và vô số những nỗi niềm dở khóc dở cười, với những review sách muôn màu muôn dạng, từ những tác phẩm đoạt giải Pulitzer, Man Booker, Nobel danh giá,… đến những tác phẩm thiếu nhi kinh điển, truyện trinh thám kinh dị hết hồn,… cùng những minigame để các bạn đọ sức thi tài giật sách.

Bạn đã sẵn sàng để hòa mình vào không khí vừa nghiêm túc, vừa ngọt ngào, vừa mặn mòi này chưa? Còn ngại gì không nhấn #JOIN nhỉ?


Top sách hay

Ngày hội đọc sách 2024: Top 5 tựa sách đáng đọc của những chủ nhân giải Nobel Văn học

Published

on

Giải Nobel Văn học là giải thưởng cao quý đối với người theo nghiệp văn chương và các tác phẩm đoạt giải thưởng sẽ là những cuốn sách nên-đọc-một-lần trong đời.

05 tác phẩm này được Nhà Sách Phương Nam lựa chọn kỹ lưỡng, như một gợi ý để bạn đọc dễ dàng tìm đến những tác phẩm đỉnh cao.

Nhà Sách Phương Nam xin điểm danh 5 tác phẩm tiêu biểu, do Phương Nam Book phát hành, từ 5 tác giả nổi tiếng là những chủ nhân giải Nobel Văn học. Đặc biệt, 5 tác phẩm của những tác giả đoạt giải Nobel văn học đang được giảm giá đậm sâu trong chương trình Ngày Hội Đọc Sách – Enjoy Reading More.

1. Vỡ Tổ - Rabindranath Tagore

Cuốn tiểu thuyết ngắn Vỡ Tổ của tác giả Rabindranath Tagore ra mắt lần đầu năm 1901 và được đăng nhiều kỳ trên tờ tạp chí Bharāti. Năm 1909, ông đưa truyện này vào một tập truyện ngắn chọn lọc, và năm 1926, lần đầu tiên ‘Vỡ Tổ’ có mặt trong tuyển tập chính thức các tiểu thuyết ngắn của ông. Đây là một trong những tác phẩm hư cấu hay nhất của Rabindranath Tagore.

Cuốn truyện lại càng nổi bật hơn nữa vì lần đầu tiên nó xuất hiện bằng tiếng Bengal tại một thời điểm mà truyện ngắn hiện đại như một hình thức văn học đặt ra những câu hỏi sâu xa mà không nhất thiết đưa ra câu trả lời, một thể loại tương đối mới cả ở Ấn Độ lẫn phương Tây. Trong lúc đó, tiếng Bengal đang có nguy cơ thất bại trong cuộc đấu tranh để được thừa nhận như một phương tiện ngữ ngôn văn học nghệ thuật nghiêm túc.

2. Nắng Tháng Tám - William Faulkner

Dù biết rằng trong bóng tối mọi sự đều có thể, từ những nỗi ham muốn bí ẩn đến những tội lỗi khó thú nhận, và ngay cả những tội ác hung hãn, Faulkner vẫn thường để cho bi kịch bao giờ cũng thắt nút và gỡ nút giữa ban ngày, và vào mùa hè, tức tháng sáu, bảy, tám hay bắt sang tháng chín một chút.

Đọc Nắng Tháng Tám (William Faulkner) sẽ thấy rõ thiên nhiên và mặt trời tác động gần như định mệnh lên các nhân vật của ông, những con người sống một đời sống quẩn quanh ở miền nam nước Mỹ.

3. Kinh Cầu Nguyện Kaddis Dành Cho Đứa Trẻ Không Ra Đời - Kertész Imre

Mở đầu "Kinh cầu nguyện Kaddis dành cho đứa trẻ không ra đời" (Kertész Imre) là một chữ: "Không" và chữ đó cứ trở đi trở lại da diết, dai dẳng suốt toàn bộ cuốn sách, tạo ra sự lôi cuốn kỳ lạ, như một tứ thơ, với ý nghĩa cho dù cuộc đời bi thương đến mấy thì nó vẫn rất nên thơ.

"Việc luôn nói không của Kertész Imre không có nghĩa là một thái độ bi quan mà là sự phản kháng, tự phủ nhận - ý thức cao nhất của người trí thức…"

4. Những cảnh đời tỉnh lẻ - J.M.Coetzee

Vẫn lối hành văn giản dị mà chất chứa sức nặng của cả cuộc đời, nhà văn đoạt giải Nobel Văn học 2003 - J. M. Coetzee mang đến cho độc giả những áng văn chao đảo giữa thực tại và hư cấu.

Bộ ba tiểu thuyết ‘Những cảnh đời tỉnh lẻ‘ là một bức chân dung hài hước mà đau đớn về cuộc đời người nghệ sĩ, dưới ngòi bút của một trong những nhà văn vĩ đại nhất thế giới.

5. Người đẹp ngủ mê - Kawabata Yasunari 

Trong tác phẩm ‘Người đẹp ngủ mê’, Kawabata nhận định: “Trên thế gian không có gì cao quý bằng con người. Trong loài người không có gì vinh dự bằng thân thể trong trắng của người nữ. Tuy nhiên, để chiếm đoạt, sở hữu nó, người ta phải phá hủy sự trinh khiết đó”.

‘Người đẹp ngủ mê’ (Kawabata Yasunari) chính là thứ cảm giác không thể nhầm lẫn mách bảo ta rằng Kawabata đã khéo léo sử dụng vẻ đẹp của ngôn từ cần thiết cho tác phẩm. 

Đọc bài viết

Radio sách

“Together We Read – Đọc Sách Tháng Ba”: Tuyển tập sách hay nhất Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Published

on

Thiền sư Thích Nhất Hạnh dành thời gian cả cuộc đời mình cho Phật giáo, với mong muốn truyền cảm hứng sống hạnh phúc cho mọi người. Hãy cùng Bookish điểm qua những tựa sách hay nhất của thiền sư Thích Nhất Hạnh. Những quyển sách hay nhất của thiền sư Thích Nhất Hạnh giúp bạn nuôi dưỡng tình yêu thương, sự thấu hiểu và lòng tha thứ để nhìn nhận sự việc theo hướng tích cực. 

Thầy Thích Nhất Hạnh từng viết thế này: “Sự sống chân thật được làm bằng chất liệu của sự chết. Hạnh phúc chân thật được làm bằng chất liệu của khổ đau. Người nào trong chúng ta đã từng đau khổ thì đừng vì vậy mà buồn phiền. Những đau khổ đó chính là chất liệu cần thiết để chúng ta có thể tạo dựng ra hạnh phúc và giải thoát, như những người làm vườn biết sử dụng rác để làm phân, biến rác thành hoa. Những người chưa đau khổ thì khó thành công hơn những người đã từng đau khổ”.

Có lẽ, khi đọc xong những quyển sách này, bạn sẽ nhận ra, thấu hiểu nỗi đau của người khác là món quà to lớn nhất mà bạn có thể trao tặng họ. Thấu hiểu là tên gọi khác của yêu thương. Nếu bạn không thể thấu hiểu, thì bạn chẳng thể yêu thương.

1. Đường Xưa Mây Trắng

Tác phẩm Đường xưa mây trắng của Thầy Thích Nhất Hạnh có thể được coi như là một cuốn tiểu thuyết về cuộc đời Đức Phật, mà trong sách, tác giả gọi là Bụt. Bụt là phiên âm từ âm Buddha trong tiếng Phạn. Cuộc đời Đức Phật được kể qua con mắt của chú bé chăn trâu Svasti, sau xuất gia, trở thành một vị đệ tử của Phật. Svasti từng cúng dường cỏ bồ đề cho cho Đức Phật suốt 49 ngày trước khi thành đạo. Đây có thể là góc nhìn khác lạ của tác giả so với nhiều người kể về Đức Phật.

Qua đôi mắt đứa trẻ, mọi sự vật, sự việc sẽ được kể chân thật, hồn nhiên, không có gì phải giấu diếm. Đức Phật hiện diện lên trước hết, không phải là một thần linh, mà là một con người giản dị, có cuộc sống và mơ ước như bao người. Mơ ước của Đức Phật là làm lợi cho muôn loài.

Với văn phong nhẹ nhàng giản dị, với lối kể chuyện sinh động lôi cuốn, tác giả đã đưa chúng ta trở về tắm mình trong dòng sông Nguyên thủy cách đây gần 2.600 năm, để được hiểu và gần gũi với một bậc giác ngộ mà cuộc đời của Ngài tỏa rạng nếp sống đầy tuệ giác và từ bi. Đọc Đường Xưa Mây Trắng cho chúng ta cảm tưởng như đang đọc một thiên tình sử, nhẹ nhàng, gần gũi mà sâu lắng. Sách Đường Xưa Mây Trắng - Theo Gót Chân Bụt (thiền sư Thích Nhất Hạnh, Phương Nam Book) đã được dịch ra hơn 20 thứ tiếng, được tái bản nhiều lần ở các nước và được xếp vào hàng những quyển sách hay nhất của thế kỷ 20.

2. Thả một bè lau

Trong Thả một bè lau, thiền sư Thích Nhất Hạnh có đoạn viết thế này: ‘Chữ tài liền với chữ tai một vần’ là một câu chơi chữ rất khéo. Và mầm mống của những tai nạn, khổ đau kia đến từ đầu? Cụ Nguyễn Du nói đừng đổ lỗi cho ai hết. ‘Ðã mang lấy nghiệp vào thân’: khi mình đã có những tham, giận, kiêu căng trong người rồi, thì: ‘Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa’: đừng đổ lỗi cho ai hế, đừng trách trời.

Tại sao mình đau khổ? Mình nói: tại trời, tại xã hội, tại người này, người kia... Kỳ thực mình chịu trách nhiệm lớn về những đau khổ của mình. Vì vậy mình phải quay về tu sửa tâm mình, vun bồi gốc rễ của cái thiện trong tâm mình. Ðó là vấn đề tu tâm (citta bhavana). Thiện căn (kusalamula) là một danh từ Phật học, có nghĩa là gốc rễ của cái thiện.

Cụ Nguyễn Du thấy tu tâm là điều quá trình phải làm. Thiện căn ở tại lòng ta, Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài: một người có tâm lành, biết tu học thì sẽ có hạnh phúc và mang lại hạnh phúc cho người khác nhiều hơn (bằng ba) những người có tài mà không có tâm lành…

Truyện Kiều là truyện về cuộc đời, có những hoàn cảnh khổ đau, hạnh phúc và u mê của cuộc đời. Lấy con mắt của người quán chiếu nhìn vào truyện Kiều, chúng ta có thể thấy được bản chất của cuộc đời. Những điều xảy ra trong mười lăm năm của cô Kiều có thể xảy ra cho bất cứ một người nào. Vì vậy ở Việt Nam có truyền thống bói Kiều. 

Nếu có chánh niệm, đem những khổ đau, luân lạc, gian truân của mình ra đọc Truyện Kiều, chúng ta có cơ hội thấy được bản thân. Và như vậy đọc Truyện Kiều cũng là tu. Tu tức là nhìn tất cả những gì đã và đang xảy ra trong đời mình bằng con mắt quán chiếu. Nhìn như vậy trong khi đọc lại Truyện Kiều ta có thể thấy được những điều rất mới.

Tác giả Thích Nhất Hạnh chia sẻ: “Ngày xưa tôi cũng đã từng dạy văn chương ở Việt Nam và đã dạy truyện Kiều. Nhưng tâm của tôi lúc đó không được như bây giờ, tôi đã dạy với tư cách một giáo sư văn chương mà chưa bao giờ dạy với tư cách là một thiền sư. Nhìn với tư cách một thiền sư là nhìn sâu, nhìn kỹ, nhìn bằng sự khám phá, của thiền quán mọi sự kiện qua những nhận thức, đau khổ, hạnh phúc, thành công, thất bại, và qua sự tu học của mình. Nhìn như vậy trong khi đọc lại truyện Kiều ta có thể thấy được những điều rất mới…”

3. Bước tới thảnh thơi

Bước tới thảnh thơi truyền tải những lời dạy cốt lõi của Đức Phật, vì vậy, những trang sách có thể chạm đến trái tim của từng độc giả. Với hơn 200 trang sách, nội dung sách Bước tới thảnh thơi gồm 3 phần chính: Các bài thi kệ, 10 giới Luật, 39 uy nghi mà những sa di cần tuân thủ, gìn giữ để đạt được sự tiến bộ tinh thần trong sự nghiệp tu học của mình. Các bài thi kệ hỗ trợ sa di trong việc thực hành chánh niệm trong từng giây, từng phút, chú tâm vào từng khoảnh khắc sống trong hiện tại. 

Thầy Thích Nhất Hạnh có đưa vào sách Bước tới thảnh thơi bài thi kệ đánh răng rất đơn giản, dễ đọc, dễ nhớ như sau:

“Đánh răng và súc miệng

Cho sạch nghiệp nói năng

Miệng thơm lời chánh ngữ 

Hoa nở tự vườn tâm”.

Bước tới thảnh thơi của thiền sư Thích Nhất Hạnh phù hợp với những người tu học, tuy nhiên, những người ngoại đạo hay bất kỳ độc giả nào muốn trau dồi một cuộc sống phạm hạnh hơn thì đều có thể tiếp cận và chọn lọc những bài thi kệ, giới luật trong quyển sách. Từ đó, bạn đọc có thể gạn lọc bỏ những phiền muộn, tham sân si và sống cuộc đời bình an hơn. Những trang viết nhẹ nhàng, khi đọc xong quyển sách, độc giả như tắm trên dòng sông mát dịu của sự thanh tĩnh, bình yên và hạnh phúc. Những bài thi kệ và giới luật trong quyển sách đóng vai trò như những lời khuyên chân thành từ một người thầy từ bi và bạn có thể áp dụng vào cuộc sống hằng ngày của mình.  

4. Hạnh phúc mộng và thực

Hạnh phúc là gì? Tại sao những ý niệm của bạn về hạnh phúc lại lắm khi giam hãm bạn trong cực cùng khổ luỵ? Tại sao hạnh phúc lại quá đỗi mong manh? Có thứ hạnh phúc nào bền vững, an ổn và không tiềm ẩn những hệ lụy? Hạnh phúc đích thực là gì? Làm thế nào để có thể đạt được hạnh phúc đích thực ngay trong hiện tại? Với Hạnh phúc mộng và thực, thiền sư Thích Nhất Hạnh sẽ tặng cho bạn những gợi ý thú vị để bạn có thể khám phá một cách tường tận diện mạo đích thực của hạnh phúc.

Trong Hạnh phúc mộng và thực, thiền sư Thích Nhất Hạnh có đoạn viết thế này: 

“Thở vào, thở ra,

Là hoa tươi mát,

Là núi vững vàng,

Nước tĩnh lặng chiếu,

Không gian thênh thang.

Thở vào biết thở vào, thở ra biết thở ra. Thở vào tôi thấy là hoa, thở ra tôi thấy tôi tươi mát, thở vào tôi thấy tôi là núi, thở ra tôi thấy tôi vững vàng, thở vào tôi thấy tôi là nước tĩnh…”. 

5. Hơi thở nuôi dưỡng, hơi thở trị liệu

Kinh Quán Niệm Hơi Thở là một kinh thiền tập căn bản của đạo Bụt. Đó là một bản đồ tu tập mầu nhiệm mà Bụt đã khám phá và cống hiến cho chúng ta. Người nào có được bản đồ này trên tay, chắc chắn sẽ không bị lạc đường. Những chỉ dẫn của kinh Quán Niệm Hơi Thở được trình bày trong cuốn sách này rất đơn giản, rõ ràng, dễ hiểu và thiết thực. Đó là cả một kho tàng tuệ giác hết sức thâm sâu. Tiếp xúc được với nguồn tuệ giác ấy thì tất cả những nỗi khổ niềm đau trong ta đều tan biến, hạnh phúc và tự do liền có mặt.

Mời các bạn hãy cùng lên đường cho một cuộc trở về. Trở về với hơi thở ý thức để tiếp xúc với sự sống mầu nhiệm trong ta và quanh ta. Hãy để cho thân tâm ta được chữa trị, cho những tế bào của cơ thể ta được nuôi dưỡng và chăm sóc bằng chính khả năng phục hồi và trị liệu của tự thân.

6. Giận

Khi đọc Giận, người đọc như đang trao đổi với chính nội tâm của mình. Bởi sân hận không phải bắt đầu từ một mối quan hệ sứt mẻ hay thái độ, hành động của người khác khiến chúng ta không hài lòng. Sân hận là bản ngã, là cảm xúc luôn luôn lưu hành trong mỗi con người dù người đó có duy trì mối giao thiệp giữa người với người hay không. Giận là cảm xúc cá nhân, chúng chỉ xuất hiện khi chúng ta cho phép chúng xuất hiện. Cũng từ đó, Thiền Sư Thích Nhất Hạnh đã chứng minh, con người có thể làm chủ cơn giận, biến cơn giận thành hành động tích cực.

Qua góc nhìn của một người con của Phật, Thích Nhất Hạnh đã mở ra một thế giới quan mới cho người đọc. Qua đó giúp mỗi người tự nhìn nhận cơn giận của mình, hóa giải cơn giận của mình từ những điều đơn giản nhất. Bằng ngôn ngữ giản dị nhưng đầy thâm thúy, Giận sẽ là lời nhắc nhở mỗi người chúng ta mỗi khi đi “trật đường ray cảm xúc” trong quãng đời này. Chắc chắn Giận sẽ là người bạn đồng hành tuyệt vời trên con đường nuôi dưỡng tâm hồn và rèn luyện bản thân của mỗi người.

Giận – một cuốn sách với tiêu đề chỉ gói gọn trong một chữ nhưng lại mở ra cho người đọc muôn vàn sự hiểu biết về cơn giận, từ khởi nguồn của cơn giận trong mỗi con người cho đến cách làm sao để chúng ta tháo gỡ được nó và sống đẹp với xã hội xung quanh mình.

7. Phép lạ của sự tỉnh thức

Phép lạ của sự tỉnh thức là những phương pháp nhiệm mầu thực tập thiền quán trong đời sống hàng ngày. Đọc sách, chúng ta cảm nhận được từng sát na hạnh phúc trong cuộc sống. Từ một bác sĩ, một người công nhân, một thợ may, một người thợ tiện, một bà nội trợ đến một kỹ sư... Tất cả những công việc thường nhật đó bỗng trở nên phép lạ khi thắp lên ánh sáng chánh niệm.

Sách đã dịch ra gần 30 thứ tiếng trên thế giới, được mọi độc giả, mọi thành phần trong xã hội nhiệt liệt hoan nghênh. Có thể thấy rằng đây không chỉ là một cuốn sách mà là những chia sẻ kinh nghiệm nếp sống chánh niệm trong đời sống hàng ngày, là bài học căn bản thực tập thiền quán của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Từ ngày 01.03 đến 31/3/2024, tại Nhà Sách Phương Nam sẽ diễn ra hội sách tháng Ba, chủ đề “Together We Read – Đọc Sách Tháng Ba” với nhiều ưu đãi và chương trình hấp dẫn. Cụ thể, những tựa sách Phương Nam Book và NXB Trẻ sẽ được giảm giá từ 10% đến 50% trên toàn hệ thống Nhà Sách Phương Nam và website nhasachphuongnam.com.

Rất nhiều tựa sách nổi bật và mới ra mắt sẽ được giảm giá từ 10% để bạn đọc tha hồ rinh về nhà nhâm nhi. Đặc biệt, nhiều tựa sách hay của Phương Nam Book và NXB Trẻ với giá ưu đãi từ 10 – 50%.Các bạn tranh thủ cơ hội này để sở hữu những cuốn sách hay mà bạn chờ đợi bấy lâu nay. Những tựa sách hồi ký – bút ký, chân dung nhân vật, biên khảo thú vị tái xuất ở hội sách như: tuyển tập Sài Gòn Chuyện đời của phố (nhà báo Phạm Công Luận), combo sách hay của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, những tựa sách thiếu nhi nổi bật của nhà văn Phương Huyền, sách Sài Gòn – Gia Định – Chợ Lớn: Ký ức rực rỡ (Sách đạt Giải thưởng Sách Quốc gia 2023)…

Các bạn tranh thủ săn sale sớm các tựa sách Phương Nam Book và NXB Trẻ, đồng thời, bạn tham gia chương trình để nhận vô vàn mã giảm giá lên đến 50k, nhận quà ngẫu nhiên khi mua sách và cùng rất rất nhiều chương trình ưu đãi “Together We Read – Đọc Sách Tháng Ba” siêu hấp dẫn: 

  • Đặc biệt mức giảm áp dụng luôn cho tất cả các thể loại hot, bán chạy, sách mới,…
  • Mã giảm giá đến 50k khi mua online tại www.nhasachphuongnam.com
  • Miễn phí vận chuyển cho đơn hàng từ 350k tại nhasachphuongnam.com
  • Vòng quay trúng thưởng các e-voucher 100% khi mua tại hệ thống Nhà sách Phương Nam.
  • Chương trình áp dụng toàn hệ thống Nhà Sách Phương Nam trên toàn quốc.
  • Thời gian diễn ra chương trình: Từ 01.03 – 31.03.2024.
Đọc bài viết

Radio sách

“Together We Read – Đọc Sách Tháng Ba”: 7 tác phẩm sống xanh hay nhất năm 2024

Published

on

Khi bạn biết rằng cây cũng biết đau, cũng có ký ức, và cây ba mẹ sống cùng con cái, thì bạn không còn có thể chặt chúng và phá vỡ cuộc sống của chúng bằng những cỗ máy to lớn nữa!

Top 7 tác phẩm xứng đáng theo vào tủ sách sống xanh hay nhất năm 2024 do Phương Nam Book phát hành, thôi thúc chúng ta suy ngẫm lại những gì đã được coi là hiển nhiên, khuyến khích chúng ta dùng tri kiến mỗi lần tiếp xúc với thiên nhiên, dùng sự tử tế để đối đãi với cây cối, xây dựng một mối quan hệ mà trong đó, các bên đều có lợi.

Mỗi quyển sách sống xanh là một tác phẩm hay, ngoài việc cung cấp cho người đọc những kiến thức về khía cạnh sinh học của cây, mà còn đánh thức sự đồng cảm của mỗi chúng ta, chưa bao giờ chúng ta thấy bản thân con người và cây cối lại có nhiều điểm tương đồng với nhau như thế.

Khát khao cây cỏ I Michael Pollan

Dưới ngòi bút cô đọng, trang nhã của Michael Pollan, quyển sách Khát khao cây cỏ (Phương Nam Book, NXB Thế Giới) đã trình bày các kiến thức khoa học chuyên sâu và những tham khảo đa ngành sống động. Tất cả đều góp phần soi sáng quan điểm cốt lõi của ông, đó là con người và thiên nhiên luôn với gắn nhau trong sự tiến hóa chung của dòng chảy lịch sử tự nhiên. 


Tác phẩm Khát khao cây cỏ mang tầm nhìn bao quát, nêu bật quá trình đồng tiến hóa của chúng ta đã len lỏi vào thiên nhiên. Bốn ham muốn của con người đó là vị ngọt trong câu chuyện về cây táo, yêu cái đẹp thể hiện qua hoa tulip, ham muốn sự say sưa (thoát tục) ẩn chứa trong cây cần sa, khả năng kiểm soát qua cây khoai tây. Đọc những lời văn của Michael Pollan, bạn sẽ cảm nhận rằng, cây cối không chỉ là giống loài của rừng rậm hoang sơ, nó còn gần gũi, điều khiển xúc cảm của con người. 

Tác giả Michael Pollan. Ảnh: azcentral

Đọc chậm rãi những trang viết của Michael Pollan, bạn tự khắc nhận ra rằng, cây cối cũng có đặc điểm tự chữa lành. Mỗi chiếc lá héo tàn rụng đi thì cũng là lúc một chiếc lá mới tiếp tục đâm chồi. Vòng đời sự sống của cây cối cứ thế tiếp diễn. Để từ đây, chúng ta học được bài học về sự kiên trì, vượt qua khó khăn để tồn tại, phát triển. Và còn nhiều điều để học hỏi từ những người anh em lớn của mình, từ cây cối, rừng rậm, côn trùng, muôn thú và trên hết là từ Đất Mẹ của chúng ta.

Khúc hát của cây I David George Haskell

David George Haskell là giáo sư đại học chuyên ngành sinh vật học và môi trường tại Tennessee, Mỹ. Là một nhà sinh vật học nhưng có tâm hồn nghệ sĩ, ông đã dung hòa hai phẩm tính đó trong những tác phẩm viết về thực vật. Độc giả có thể nhận ra điều này trong tác phẩm Khúc hát của cây – Câu chuyện về sự kết nối tuyệt vời của tự nhiên.

Cây cối không chỉ là giống loài của rừng rậm hoang sơ, nó còn gần gũi với loài người bằng cuộc hóa thân thành những đồ vật thiết yếu. Gỗ từ một thân cây nơi rừng sâu được lấy làm đàn. Bàn tay người nghệ sĩ đã quyện bản đàn của thiên nhiên và tâm hồn của mình để trình tấu những khúc nhạc cho những ai không nghe ra khúc hát của cây. 

Do đó mà David George Haskell kết luận: “Chúng ta không thể đứng ngoài lề bản nhạc cuộc sống. Âm nhạc này làm nên chúng ta, đó là bản chất của chúng ta […]. Đạo đức con người phải là một loại bổn phận, thứ mệnh lệnh khiến cho mọi thứ trở nên cấp bách hơn”. 

Niên lịch miền gió cát I Aldo Leopold

Sách Niên lịch miền gió cát là ghi chép của Aldo Leopold - nhà sinh thái học hoang dã - về các con người tôn trọng thiên nhiên. Sách gồm ba phần. Phần một là quan sát sinh vật thay đổi theo từng tháng tại trang trại ở Wisconsin. Phần hai là ghi chép hành trình khám phá đời sống hoang dã của ông trong 40 năm. Phần cuối là nhận định về việc bảo tồn thiên nhiên.

Thông qua thể văn xuôi đậm chất hóm hỉnh kết hợp yếu tố lịch sử, khoa học, Leopold truyền tải ý nghĩa về mối liên hệ giữa con người với môi trường, hy vọng độc giả yêu, tôn trọng thiên nhiên. Ông đề ra đạo đức môi trường tự nhiên (land ethic): “Một hành động là đúng đắn là khi hướng tới bảo tồn tính toàn vẹn, ổn định của cộng đồng sinh vật”. 

Leopold viết trong Niên lịch miền gió cát rằng: “Con người sẽ có ý thức bảo tồn khi tiếp xúc, hiểu, cảm nhận được vẻ đẹp của thiên nhiên”. Khi sống gần các sinh, thực vật, mỗi người sẽ hình thành đạo đức - cơ chế tự kiểm duyệt trước khi hành động tổn hại môi trường. Con người cần khám phá, kết nối với tự nhiên để có lòng yêu thương, quan tâm thế giới tạo hóa ban tặng.

Mùa xuân vắng lặng I Rachel Carson

Cuốn sách Mùa xuân vắng lặng của nhà sinh học, tác giả Rachel Carson, là lời cảnh tỉnh cho con người trước hiểm họa ô nhiễm hóa chất và nâng cao nhận thức xã hội về mối nguy hại từ thuốc trừ sâu.

Trong quá trình viết, Rachel Carson liên hệ với nhiều nhà khoa học để làm rõ tác hại của DDT để đưa ra những bằng chứng thuyết phục. Cách DDT thâm nhập vào chuỗi thức ăn và tích tụ trong mỡ động vật, bao gồm cả con người, sẽ gây ra các tổn hại di truyền và bệnh tật như ung thư.

Các loài chim gánh hậu quả nặng nề, đặc biệt là đại bàng đầu trắng, biểu tượng của nước Mỹ, vì thuốc DDT làm vỏ trứng trở nên mỏng hơn. Tựa đề Mùa xuân vắng lặng xuất phát từ những mô tả về viễn cảnh khi mọi loài chim hót trong mùa xuân đều biến mất vì DDT. Đó là một ẩn dụ về cách con người có thể hủy hoại môi trường.

Người trồng rừng I Jean Giono

Người trồng rừng (tác giả Jean Giono), xuất bản năm 1953, là câu chuyện dành cho thiếu nhi song mang sức nặng vượt thời gian. Quyển sách “tiên tri” về tình hình biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng hiện nay cùng lời kêu gọi chưa bao giờ là cũ: hãy chung tay cứu lấy môi trường. Câu chuyện sau đó được dịch ra nhiều thứ tiếng và gây được phong trào tái tạo rừng mạnh mẽ ở khắp nơi.

Chỉ dưới 4.000 chữ, sách kể câu chuyện về những nỗ lực đơn độc của người chăn cừu nhằm tái tạo lại một khu vực hoang vắng ở chân núi Alps trong nửa đầu thế kỷ 20. Câu chuyện của người chăn cừu trải qua hai cuộc chiến tranh thế giới và kéo dài nửa thế kỷ đẫm máu nhất trong lịch sử nhân loại. Mặc cho những hỗn loạn của cuộc chiến, người đàn ông chăn cừu Elzéard Bouffier lặng lẽ gieo trồng hạt giống mỗi ngày trên vùng đất cằn cỗi ở chân núi Alps. Ông âm thầm trồng cây ngày này qua ngày khác mà không mưu cầu được ghi công hay đền đáp. Để rồi nhiều năm sau trở về, vùng đất “chỉ thấy có sa mạc” trở thành một khu rừng với cây cối xum xuê, suối chảy trở lại, đồng cỏ cũng bắt đầu xuất hiện, và quan trọng nhất, người ta bắt đầu thấy được sự sống hiện diện trên mảnh đất.

Jean Giono (1895-1970) được tôn vinh là một trong những nhà văn vĩ đại nhất của văn học Pháp thế kỷ 20. Ông là tác giả của hơn 30 cuốn tiểu thuyết, một số truyện ngắn, tiểu luận, thơ ca, kịch bản phim và kịch. Trong một cuộc phỏng vấn trước khi ông qua đời, ông cho biết : “Quyển sách không mang lại cho tôi một xu nào, và đó là lý do nó hoàn thành sứ mệnh khi tồn tại."

Jean Giono từ chối nhận tiền bản quyền cho câu chuyện, ông giải thích rằng mục đích của ông khi viết Người trồng rừng là khuyến khích mọi người yêu cây và tạo cảm hứng trồng cây. Trong những năm cuối đời, Giono được vinh danh với giải thưởng văn học Prince Rainier of Monaco năm 1953, trao cho những thành tựu cả đời của ông.

Khu rừng trong chai I Huỳnh Trọng Khang

Khu rừng trong chai kể về hành trình phiêu lưu của An An từ khi nhận được hạt giống lạ. Mang theo giấc mơ về cây đậu thần khổng lồ, An An gieo hạt vào một cái chai thủy tinh. Trong thế giới bao bọc khép kín, hạt giống lặng lẽ nảy mầm, sinh sôi tạo nên cả khu rừng. Thế rồi gần cả thế kỷ trôi qua, khu rừng trong chai dần rơi vào quên lãng, màu xanh của cây cỏ cũng dần mất đi, giờ đây chỉ còn trơ trọi những tòa nhà chọc trời, khói bụi độc hại. Trái đất chìm trong biển nước ngập mặn, liệu con người sẽ tiếp tục tồn tại như thế nào? Và liệu khu rừng năm xưa trong chiếc chai nhỏ bé sẽ xảy ra điều gì kì diệu?

“Khu rừng trong chai” sẽ giúp trẻ nhỏ bảo vệ môi trường. Ảnh: NXB

Dạo bước đến Khu rừng trong chai cùng An An, độc giả không chỉ có thể khám phá vẻ đẹp muôn màu, mà còn là sức sống mãnh liệt của tự nhiên, dù bị giam hãm, lãng quên hay hủy hoại đến thế nào vẫn kiên cường gieo mầm hy vọng cho hành tinh xanh mãi.

Khu rừng trong chai được viết với kết cấu vòng tròn, thể hiện sự quay ngược thời gian về mặt ý niệm mang lại nhiều cảm xúc: trẻ thơ trở thành người lớn; và rồi, người lớn quay về thời thơ trẻ, như được sống lại lần nữa với hạt giống trong tay, quên đi bộn bề, hòa vào thiên nhiên. Bên cạnh việc xây dựng nội dung, nhà văn Huỳnh Trọng Khang và họa sĩ Nguyễn Nhân còn có ý tưởng rất tốt trong việc xây dựng tính điện ảnh cho truyện.

Những thiên thần của người gác rừng I Phương Huyền

Những thiên thần của người gác rừng là câu chuyện thiếu nhi chứa nhiều thông điệp về tình yêu thương, bảo vệ môi trường. Tác phẩm xoay quanh chuyến nghỉ hè nơi miền quê của cô bé Mi cùng các người bạn thú nhồi bông - Mèo Cà Chua và Bọt Biển. Ở lần dạo chơi ở bìa rừng, cả ba lạc bước đến một thế giới cổ tích kỳ lạ, nơi có những thiên thần bảo vệ rừng, rừng kẹo đủ màu, dòng sông si rô dâu, cỏ cây, hoa lá, chim muông đều biết nói và hát rất hay. 

Song chuyến phiêu lưu sau đó đưa nhóm bạn đến một nơi khác lạ: khu rừng chết chóc, dòng sông bẩn thỉu đầy rác, đàn cá không còn cất tiếng hát... Hình ảnh tương phản về khu rừng bí mật kỳ diệu và khu rừng bị ô nhiễm nặng nề trên thực tế khiến các nhân vật dần hiểu ra con người đã tàn phá thiên nhiên thế nào.

Những thiên thần của người gác rừng được tác giả Phương Huyền lấy cảm hứng từ chính con gái của mình, khi cô quan sát con trong sinh hoạt thường nhật, nhìn con trò chuyện với thú bông. Con gái nữ nhà văn trở thành “người bạn đồng sáng tạo” với mẹ. Phương Huyền chia sẻ: “Chúng tôi có những lúc làm việc cùng nhau khi con trong vai trò người biên tập. Tôi đọc, con sửa; tôi kể, con góp ý; tôi bí, con khơi nguồn... Cuốn sách này được hình thành như thế, bằng tất cả tình yêu tôi dành cho con, cho những cô, cậu bé trên cuộc đời”.

Từ ngày 01/03/2024 đến 31/3/2024, tại Nhà Sách Phương Nam sẽ diễn ra hội sách tháng Ba, chủ đề “Together We Read – Đọc Sách Tháng Ba” với nhiều ưu đãi và chương trình hấp dẫn. Cụ thể, những tựa sách Phương Nam Book và NXB Trẻ sẽ được giảm giá từ 10% đến 50% trên toàn hệ thống Nhà Sách Phương Nam và website nhasachphuongnam.com.

“Together We Read – Đọc Sách Tháng Ba”, Nhà Sách Phương Nam ưu đãi cực sốc lên đến 50%

Rất nhiều tựa sách nổi bật và mới ra mắt sẽ được giảm giá từ 10% để bạn đọc tha hồ rinh về nhà nhâm nhi. Đặc biệt, nhiều tựa sách hay của Phương Nam Book và NXB Trẻ với giá ưu đãi từ 10 – 50%. Các bạn tranh thủ cơ hội này để sở hữu những cuốn sách hay mà bạn chờ đợi bấy lâu nay. Những tựa sách hồi ký – bút ký, chân dung nhân vật, biên khảo thú vị tái xuất ở hội sách như: tuyển tập Sài Gòn Chuyện đời của phố (nhà báo Phạm Công Luận), combo sách hay của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, những tựa sách thiếu nhi nổi bật của nhà văn Phương Huyền, sách Sài Gòn – Gia Định – Chợ Lớn: Ký ức rực rỡ (Sách đạt Giải thưởng Sách Quốc gia 2023)…


Các bạn tranh thủ săn sale sớm các tựa sách Phương Nam Book và NXB Trẻ, đồng thời, bạn tham gia chương trình để nhận vô vàn mã giảm giá lên đến 50k, nhận quà ngẫu nhiên khi mua sách và cùng rất rất nhiều chương trình ưu đãi “Together We Read – Đọc Sách Tháng Ba” siêu hấp dẫn: 

  • Đặc biệt mức giảm áp dụng luôn cho tất cả các thể loại hot, bán chạy, sách mới,…
  • Mã giảm giá đến 50k khi mua online tại www.nhasachphuongnam.com
  • Miễn phí vận chuyển cho đơn hàng từ 350k tại nhasachphuongnam.com
  • Vòng quay trúng thưởng các e-voucher 100% khi mua tại hệ thống Nhà sách Phương Nam.
  • Chương trình áp dụng toàn hệ thống Nhà Sách Phương Nam trên toàn quốc.
  • Thời gian diễn ra chương trình: Từ 01.03.2024 – 31.03.2024.
Đọc bài viết

Cafe sáng