Trà chiều

Ba bước đơn giản để luận bàn về một tác phẩm văn chương theo kiểu nouveau riche

Published

on

Cả thế giới đang hướng về một thế giới với những binh đoàn hợp chủng quốc nouveau riche ngang tàn và bạo sát và giương cờ khởi nghĩa. Họ quét qua những nẻo đường miễn là nơi đó có tri thức, họ đánh sập những hệ thống giáo điều và nghiên cứu dài lâu của Friedrich Nietzsche, Martin Heidegger,… để thốt lên những điều thâm sâu, có khi vô lý nhưng rất thuyết phục (với đại đa số chúng ta, nên họ được tung hê ở mọi nơi mọi lúc, nhất là trên phiếc-búc lúc chờ trà hãm), về cuộc đời, về tồn tại và lời nào là hiện sinh lời đó. Lời nào là thấy cảm động đến tận tâm can lời đó, khiến ai nấy cũng đều vỗ tay thán ngạc không thôi, ai nấy cũng đều thấy mình cần phải làm gì đó để sánh vai với những đại nouveau riche đó. Thế là họ quên thân cống hiến cho đội quân bằng những triết lý và lời lẽ riêng (mới lượm lặt được) của mình như ngày ấy sử ta viết ông Nguyễn Trãi dâng Bình Ngô sách, còn bây giờ họ không cần nhiều nhời như thế, chỉ cần like, share, subscribe là đã thật dụng công rồi. Những diễn ngôn của họ làm lay động hàng triệu thính giả (nhất là những nouveau riche khác) bằng cách như thế đấy, điều mà Carl Jung có mãi thăm dò trong tiềm thức hay Albert Camus tìm hết đời mình xem liệu cuộc đời vô lý đến chừng nào thì cũng chẳng thế nào có được số lượng tín đồ hùng cường đến thế.

Đến đây, có lẽ quý vị độc giả không hiểu rằng liệu tên nhãi tác giả đang huyên thuyên về cái gì thế này, nươ-vồ rít-che là gì mà ghê gớm? Có phải là tên một bọn buôn thịt bán người lai phối cùng hội giải cứu niềm tin đổ vỡ tuổi mười nhăm hay không. Thưa rằng, chẳng được huy hoàng như thế. “Nouveau riche” tiếng Pháp dịch ra tiếng ta chỉ một tầng lớp quý tộc mới nổi với xuất thân là nhà nghèo, nhờ các biến chuyển xã hội thời đại mà giàu có lên. Hiểu nôm na, một cái thùng rỗng, một ông-nghè-chưa-đỗ-đã-đe-hàng-tổng, một trưởng giả, một nhân vật hát dở tuồng lâu. Nghe có vẻ chướng tai gai mắt, thế thì tại sao nhiều người lại cố gắng đi theo dòng chảy của nouveau riche đến như vậy? Câu trả lời nằm trong chính định nghĩa mà tôi đã sơ sài kể cùng quý bạn, những biến chuyển thời đại. Ta đang sống trong một thời đại tri thức kiệt cùng, tri thức khắp mọi nơi nài nỉ người tri nhận, tri thức có mặt trong tất cả những gì quý bạn thấy, ăn, ngửi, thậm chí là cảm giác sâu thẳm nhất trong con người của chúng ta, từ thời hang đá ở lùm đến ở skycraperspenthouse. Ta được “văn học” và văn hóa đại chúng quét qua người từng giây từng phút, tâm hồn ta rộn rã và tràn ngập tiếng chim ca như thi sĩ Tố Hữu. “Văn học” đó đến với ta dưới nhiều dạng thức: những tản mạn, tùy bút, tùy tiện bút, bán phóng sự bán tự sự,… của những nhân vật thành đạt post lên trang cá nhân của mình, những chia sẻ tuổi thầm kín của một cô ca sỹ nhạc dance về nhân sinh quan, của một f-boy về hoa và nhà chùa. Điều đó kết nối những tâm hồn nhạy cảm với nhau, trên cái sân chơi cyber-world, với ước muốn đem những cảm xúc riêng tư của mình sục sạo tìm những tâm hồn đồng điệu (nếu đồng điệu hãy like, thả tim, bình luận). Làm nouveau riche đồng nghĩa với việc hóa bản thân mình thành một tập đoàn tảo lục hùng mạnh, chăm chút cho sự thông minh có hạn của nhau, cùng nhau thỏa mãn với kiến thức của mình, đặc biệt, phù phiếm cảm xúc cùng với nhau.

Bao nhiêu đặc quyền của việc trở thành một nouveau riche tôi chỉ nói được có thế, trong dung lượng của bài. Vậy, nếu đủ mẫn cán và dụng công, quý bạn sẽ có cơ hội trở thành một quý tộc mới ngay trong những status tới trên wall nhà mình. Sau đây, trong khuôn khổ của một trang tin về sách báo chí, tôi xin mạn phép giới thiệu những bí quyết vỡ lòng để trở thành một nhân vật bất hủ trong thời đại hôm nay chỉ với những phương pháp viết luận những tác phẩm văn chương (điểm sách, review sách, PR sách, tham gia thi cảm thụ sách,… thậm chí rất hữu dụng để viết nghị luận văn học trong chương trình phổ thông từ lớp 6 đến lớp 12) mà bạn có thể áp dụng ngay trong lần tới.

1. Trích dẫn những tác phẩm – tác giả thật hàn lâm và xa rời chủ đề

Đừng bao giờ quên rằng, cách để mọi người biết mình là một nouveau riche qua những bài luận là có những kiến thức thâm sâu và uyên bác bậc nhất về văn học, nền văn học, tác giả, phong cách sáng tác,… Nhưng chẳng có ai dư dả thời gian để tới nghe bạn trình chiếu powerpoint về Vladimir Nabokov hay một cái ông đã chết lẩu lâu. Trích dẫn không ngừng nghỉ vào trong bài viết của quý bạn là một giải pháp toàn vẹn cả đôi đường. Nhiều khi bạn không cần đọc Ulysses để trích dẫn James Joyce, hãy search chúng, và đặt cốt truyện cùng những chương văn xuôi cách điệu và sáng tạo của văn hào Ireland kia vào trong bài của bạn. Thật sáng tạo và nhiều tri thức làm sao! Bạn đã tạo ra trong tác phẩm của bạn những gương mặt có máu có me trong làng văn và chắc chắn ai ai cũng ngưỡng mộ, dù phần lớn, sẽ tra xem đó là ai, ngoài tác phẩm được trích còn có gì, hoặc tra thêm bút pháp, rút gọn nhất có thể, vừa thời gian uống một cốc latte.

Cũng đừng ngần ngại rằng liệu những tác phẩm mà quý bạn đem vào thực sự nó có giúp ích, nâng cao hay thậm chí, chỉ là minh hoạ cho chủ đề, cuốn sách bạn đang nói về hay không. Tin tôi rằng, nếu ngoan tay một tí, tất cả những cuốn sách trong cuộc đời này đều liên quan tới nhau, đều là những câu chuyện phiếm không đầu không cuối góp trong một lần nhiều chuyện trong chợ lúc giã giề. Hãy dùng Paulo Coelho mà nói về Finnegans Wake (nhân tiện, thì Happy Bloomsday!), một người thật mainstream và một văn nhân thập cổ lai hi chẳng ai thèm đọc ư? Chẳng sao cả.

Hãy sưu tập những cái tên nổi tiếng ngay bây giờ để trích dẫn vào bài viết của mình, dù chỉ sẽ dùng như là những cái tên sau ngàn dấu phẩy liệt kê để dẫn nhập vào tác giả mà mình muốn nói. Giả dụ, Mỹ-La tinh sao có thể bỏ qua Jorge Luis Borges, Gabriel Garcia Marquez. Đông Âu làm sao quên László Krasznahorkai, Bruno Schulz,… Ứng với đó, Borges có Cuốn sách cát, Khu vườn những lối đi phân nhánh, Mê hồn trận; Marquez làm sao quên Trăm năm cô đơn, Hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi, Tình yêu thời thổ tả; László Krasznahorkai rối rắm với Nỗi buồn kháng cự (thêm phim của Bela Tarr nữa thì còn gì bằng), Chiến tranh và chiến tranh trong khi Schulz có Những cửa hiệu quếPhố cá sấu.

Nhưng hãy chú ý rằng, đừng bao giờ đem những cái tên mà những người khác đã đem vào hàng trăm lần rồi, nhưng cũng đừng vận công vào những nhà văn chẳng có ai biết. Ernest Hemingway, Lev Tolstoy, Honore de Balzac, Truyện Kiều, Vội vàng là lựa chọn phù hợp, nhưng không phải lúc nào cũng an toàn.

2. Rước cho mình một giọng văn như nhà phê bình chán đời và khó tính

Dù quý bạn khó tính hay không khó tính, dù quý bạn có nhìn đời bằng màu hồng hay màu mực, khi muốn tỏ ra là một người giàu kinh nghiệm, hãy tỏ ra khó nhằn. Tại sao lại như thế, việc tung hê ai đó một cách sỗ sàng thường được gán cho vài tính từ hạ bệ kinh khủng đối với người viết: bợ đít, níu váy,… Và dĩ nhiên các nhà nouveau riche không hề thích thú làm gì việc đó. Nên dù khi đối mặt với một trang văn không tì vết và hợp gu đến lạ lùng (đó là tôi khi đọc Friedrich Durrenmatt) thì đừng có mà suồng sã khen một cách tới tấp. Hãy học cách Joseph Conrad giải mã chậm và ẩn ý, bằng việc phân tích một cách lớp lang: tổng, phân, tích, kết. Hãy chê bai thứ gì đó, ví dụ chê đời sống tình dục và phàm ăn tục uống của ông Balzac khi chẳng còn gì để chê (hoặc sợ chê sai), hoặc nếu khó khăn để bới móc, hãy lôi ai đó vào, và chê bai chép miệng, như một người bạn thân thiết biết rõ từng tính nết của gã ta (nhà văn, nhà thơ,…).

3. Dùng những ngôn ngữ lạ lùng

Đó không phải là những dạng thức teencode vung vãi trên từng dòng tin nhắn của quý bạn trên mạng xã hội khi muốn người khác nhìn bạn với tất cả sự dễ thương và hóm hỉnh, đó chính là những thuật ngữ khoa học chính cống và rất mang sức đánh động. Dù có hơi khó khăn để nhớ vì rối rắm, hãy rước cho mình những câu từ quý phái để làm một nhà bình phẩm chính cống: sự nới lỏng tổ chức (looseness of association), hiện thực thậm phồn (hyperreality), rễ chùm (rhizone),… Có vô vàn thuật ngữ sang trọng để quý bạn cho vào trong bài viết của chính mình để mà tô điểm. Dù đó là một công trình nghiên cứu rất cật lực và từ ngữ mang nhiều sắc thái và luận đề, hãy cứ bỏ nó vào một tình tiết hay nghệ thuật nào đó bất kỳ, vì thật may mắn làm sao, tất cả những ngôn từ, bình dân đến bác học, mới phù phiếm và tự do vận động đến bất ngờ. Một số cuốn sách nên đọc với lượng từ khổng lồ để sưu tầm là Văn học hậu hiện đại (Lê Huy Bắc), Cấu trúc thơ (Thụy Khuê), Triết học của tự do (Nikolai Alexandrovich Berdyaev),…

Không chỉ thế, thật ấn tượng làm sao nếu bạn đã đọc bản gốc của tác phẩm và trích nó lại bằng chính ngôn ngữ của nó. Thậm chí trích luôn D. H Lawrence, T.S Eliot hay Charles Dickens bằng tiếng Pháp thì chẳng ai phàn nàn gì, mà chỉ thấy ôi, sao mà giỏi thế!

Có rất nhiều bí kíp để thực hành làm một nouveau riche đúng điệu qua từng lời nói và bài viết của bạn, về văn học nói riêng và cuộc đời nói riêng. Việc mua những cuốn sách của Paul Valery hay Wittgestein và chẳng hiểu gì thật là trác tuyệt, việc cặp kè Franz Kafka và thảo luận liên hồi về kafkaesque, iceberg theory, lost generation,… mới hiểu biết làm sao, việc coi Bắt trẻ đồng xanh (J. D. Salinger) và Bay trên tổ chim cúc cu (Ken Kesey) là tuyên ngôn đi tìm chính mình của quý bạn thật sâu sắc nhường nào. Đó là lúc bạn đã trở thành một nouveau riche vang dội.

(Bài viết vận dụng những bí kíp chia sẻ, dù tác giả chẳng mặn mà gì mấy.)

Hết.

Gia Bin


Đọc tất cả những bài viết của Gia Bin.


*

Chuyện bình sách


Trà chiều

Văn hóa đọc tại Việt Nam: Hành trình tỉnh thức trong thời đại mất tập trung

Khi cả thế giới đang quay cuồng trong cơn lốc của tốc độ, của công nghệ số và mạng xã hội, văn hóa đọc – vốn là một hoạt động tĩnh tại, cô độc và đòi hỏi sự kiên nhẫn – bỗng trở thành hiện tượng lạ giữa đời sống hiện đại.

Published

on

Một cú chạm màn hình có thể đưa bạn tới bất kỳ đâu: từ buổi hòa nhạc ở Vienna đến một bữa ăn đường phố ở Bangkok, từ những khoảnh khắc riêng tư của người xa lạ đến bản tin thời sự lúc rạng đông. Nhưng càng dễ dàng kết nối, chúng ta lại càng khó khăn trong việc lắng nghe chính mình. 

Và trong cuộc hành trình ấy, đọc sách - hành động tưởng như đã cũ kỹ, đang âm thầm trở lại như một nơi trú ẩn cuối cùng của tâm hồn hiện đại.

Văn hóa đọc không chỉ là việc “đọc sách”

Văn hóa đọc không nên được định nghĩa đơn giản chỉ là hành vi tiếp nhận văn bản in ấn, cần phải nhìn nó như là một cấu trúc hệ giá trị, nơi người đọc không chỉ tiêu thụ thông tin, mà còn tương tác với tri thức, phản tư, và từ đó tạo ra tầng sâu văn hóa cá nhân. Nên hiểu đọc là một hành vi văn hóa, không chỉ là kỹ năng.

Thế nhưng, tại Việt Nam, hành vi đọc nhiều khi bị giản lược thành “hoạt động học thuộc”. Cái gốc của việc đọc để hiểu mình và hiểu thế giới vẫn còn mờ nhạt trong đời sống học đường lẫn đời sống đô thị.

Chúng ta từng được dạy rằng đọc là để biết nhiều hơn. Nhưng biết không đồng nghĩa với hiểu. “Biết” là quá trình tiếp nhận và lưu trữ dữ liệu dưới dạng thông tin. “Hiểu” vượt lên trên điều đó - nó đòi hỏi sự tham gia của trải nghiệm cá nhân, khả năng phân tích, đồng cảm và cả những va chạm nội tâm. Một tác phẩm có giá trị không chỉ cung cấp tri thức ngoại tại, mà còn tạo điều kiện cho chủ thể tiếp nhận được soi chiếu, phản tỉnh từ đó nhận diện những lớp ẩn sâu của bản thể qua hình ảnh của người khác trong trang sách. 

Khi một đứa trẻ đọc Những tấm lòng cao cả, em sẽ không chỉ học đạo đức, mà bắt đầu cảm nhận được trái tim nhân loại. Khi một thiếu niên lần đầu đọc Người xa lạ của Camus, cậu ấy có thể không lý giải nổi thế giới, nhưng sẽ bắt đầu đặt câu hỏi về nó và về chính mình.

Vấn đề không nằm ở việc thiếu sách, mà thiếu “thái độ văn hóa” với sách

Mặc dù Việt Nam có hơn 30.000 đầu sách xuất bản mỗi năm (theo Cục Xuất bản), thế nhưng lượng sách bán ra tập trung chủ yếu ở thể loại giải trí, ngôn tình, self-help, còn các dòng sách triết học, văn hóa, nhân văn… chiếm tỷ lệ nhỏ hơn. Ta không thiếu sách, ta thiếu một nền tảng thẩm mỹ và nhân văn để lựa chọn sách một cách có chủ đích.

Nguyên nhân không chỉ nằm ở thời đại số làm thay đổi thói quen tiếp nhận thông tin, mà còn nằm ở cách giáo dục về đọc sách. Tại nhiều trường học, việc đọc vẫn gắn liền với hình thức kiểm tra, chấm điểm, làm bài văn nghị luận sách giáo khoa - điều khiến đọc sách trở thành một “nghĩa vụ” hơn là một hành trình khám phá. Gia đình, các bậc phụ huynh còn chưa thực sự nghiên cứu và đặt mối quan tâm lớn lao cho việc giáo dục con trẻ dẫn đến việc các em phụ thuộc quá nhiều vào các thiết bị công nghệ. 

Nhưng tín hiệu đáng mừng là trong những năm gần đây, chúng ta chứng kiến sự nở rộ của các phong trào đọc sách tự phát, không phải từ chỉ đạo hành chính, mà từ những con người đang đi tìm lại bản thân giữa cơn hỗn loạn của thông tin.

Đáng chú ý, sự phát triển của nền tảng số cũng không còn là lực cản, mà đang dần trở thành đòn bẩy cho việc tiếp cận sách: audio book, book podcast, nền tảng chia sẻ tóm tắt sách hay các cộng đồng đọc sách online đang lan tỏa mạnh mẽ. Sách không còn là một vật thể bất động mà trở thành dòng chảy đồng hành với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, âm thanh và cảm xúc.

Tất cả đang làm sống lại một giá trị xưa cũ: sự tĩnh lặng nội tâm. Đọc sách giờ đây không chỉ là tiếp nhận thông tin, mà là một hành động phản kháng với sự phân tán, ồn ào, và tiêu dùng giải trí mang tính chất "mì ăn liền".

Văn hóa đọc trong thời đại “siêu dữ liệu”

Thách thức lớn nhất với văn hóa đọc trong thời đại kỹ thuật số không phải là sự biến mất của sách giấy, mà là sự thoái hóa khả năng tập trung, năng lực phản tư và thái độ nghiêm túc của con người với tri thức. Chúng ta sống trong thời đại mà nội dung có thể bị tiêu thụ như thức ăn nhanh, nơi mọi người “đọc để phản ứng”, thay vì “đọc để cảm nghiệm”. Bởi vậy, chọn đọc - nhất là đọc sâu, đọc chậm giờ đây không chỉ là một lựa chọn mang tính trí tuệ, mà còn là một cách gìn giữ bản thân trước sự xao nhãng của thế giới hiện đại.

Đọc là kháng cự lại tốc độ. Là từ chối cái dễ. Là chọn cái sâu - dù biết nó chậm.

Văn hóa đọc giờ đây không chỉ là sách, mà còn là cách ta sống. Không chỉ là hành động cá nhân. Nó phản ánh cả một văn hóa. Một đất nước biết trân trọng sách là một đất nước không dễ bị lãng quên ký ức. Một thế hệ đọc sách là một thế hệ có nội lực.

Ở Việt Nam, từng có một thế kỷ mà sách được đọc bằng ánh đèn dầu, được chép tay, được truyền tay như những báu vật. Sách đi qua chiến tranh, qua đói nghèo, qua đạn bom, nhưng vẫn sống. Vấn đề của hôm nay không phải là thiếu sách, mà là quá nhiều thứ giành giật tâm trí ta khỏi sách.

Vấn đề sâu xa hơn: ta không còn coi đọc là một phần của việc sống đẹp. Thế giới đang dần lãng quên sự im lặng, sự chậm rãi, sự suy tư. Trong truyền thống tư tưởng phương Đông, đọc không phải là phương tiện để đạt được cái bên ngoài, mà là trở về với cái bên trong. Từ thời Lão - Trang, việc học, việc đọc vốn gắn liền với sự tĩnh tại của tâm. Đọc là tu thân. Đọc là dưỡng khí. Đọc là hành động đi ngược lại với sự xao động của đời sống, để khơi mở “minh tâm kiến tánh”, thấy lại chân diện mục của chính mình. 

Ngày xưa, các nho sĩ khi đọc sách thường đặt một bát nước trong veo bên cạnh, để “nếu tâm xao động thì nước đục” như một cách tự phản tỉnh. Người đọc không chỉ là kẻ truy cầu tri thức, mà còn là người gìn giữ đạo lý, tiết tháo và sự lặng thầm bền bỉ của văn hóa.

Trong thời đại siêu kết nối hiện nay, nghịch lý lớn nhất là con người càng lúc càng rỗng hơn giữa vô số dữ liệu. Chúng ta “biết” rất nhiều thứ nhưng lại hiểu rất ít điều, và càng ít sống sâu. Văn hóa đọc nếu được xem là một hệ sinh thái văn hóa bền vững - chính là cơ chế tự phòng vệ của trí tuệ trước sự tha hóa của thị hiếu và tốc độ.

Bởi vì đọc không chỉ là để “biết”, mà để nghi ngờ cái mình biết. Không chỉ để “giỏi lên”, mà để hiểu mình và hiểu người hơn. Và không chỉ để có tri thức, mà để trở nên người hơn trong thế giới ngày càng thiếu vắng chất người. 

Đọc - tự bản thân nó là một hành động kháng cự lại sự lãng quên, sự cạn mỏng và cả sự dễ dãi. Nó khơi mở lại điều tưởng như đã mất: một chiều sâu văn hóa không thể số hóa, không thể sao chép, thứ văn hóa được chưng cất từ mỗi lần lật trang, từ mỗi khoảnh khắc im lặng tự đối diện chính mình. Để được sống với một trái tim có lớp lang. 

Và nếu phải chọn một hành động lặng lẽ nào đó để định nghĩa tinh thần của một dân tộc đang muốn trở mình từ bên trong, thì đó hẳn phải là: đọc sách.

Ngọc Trâm

Đọc bài viết

Trà chiều

Vẻ đẹp từ những cuộc đời bình thường

Không cần phải nổi bật, bạn vẫn có thể sống một đời ý nghĩa.

Published

on

Làm người bình thường giờ đây bị ngầm hiểu là một thất bại trong một thế giới say mê những con người xuất chúng. Từ những giải vàng trong các trường tiểu học đến danh hiệu “nhân viên xuất sắc của tháng”; từ những tấm hình, thước phim được chọn lựa kĩ càng để đăng trên Instagram đến cuộc đua trở thành “phiên bản rực rỡ nhất của chính mình”, văn hóa của chúng ta không ngừng nâng cao chuẩn mực cho những tính từ “thành công”, “xứng đáng” hoặc thậm chí là “đủ”. Nhưng liên tục chạy đua để trở thành người xuất chúng liệu có khiến chúng ta hạnh phúc hơn hay chỉ đang gieo thêm lo âu, mặc cảm và đứt gãy trong kết nối giữa người với người?

Ẩn giấu trong những cuộc đời không mấy nổi bật vẫn tồn tại sự bình yên sâu lắng, đích đến đáng quý, thậm chí là vẻ đẹp đáng tôn vinh. Có lẽ đã đến lúc ta nên giành lại chân lý ấy - rằng không cần rực rỡ để sống một đời đáng sống.

Những chuẩn mực ngày càng leo cao

Ngay cả trẻ con giờ đây cũng không thoát khỏi chuỗi dài những kì vọng từ gia đình và xã hội. Trước kia, thời chúng ta đi học, “trung bình” được coi là nền tảng để phấn đấu, không có gì đáng xấu hổ. Nhưng nhìn xem, lũ trẻ bây giờ đang bị áp lực phải trở thành những người có thành tựu từ khi còn chưa học được cách chơi đùa vô tư. Giành được điểm A vẫn bị coi là chưa đủ tốt nếu chúng không mang thêm giải thưởng, tham gia hoạt động ngoại khóa và trong vai những người dẫn dắt, lãnh đạo đội nhóm. Những rào chắn vô hình không ngừng cao lên, vì thế chẳng ngạc nhiên khi những sinh viên mới bước vào ngưỡng cửa đại học hay thị trường lao động đã kiệt sức thay vì hạnh phúc. 

Mạng xã hội chỉ đổ thêm dầu vào lửa, đốt cháy cuộc đua kì vọng ấy hơn. Không dừng lại ở việc lướt xem những khoảnh khắc rực rỡ của người khác, chúng ta bắt đầu so sánh với cuộc đời chưa được đánh bóng của bản thân. Đọc được câu chuyện về những bạn trẻ 22 tuổi khởi nghiệp, đi du lịch vòng quanh thế giới, tự sắm nhà riêng - ta cảm thấy mình tụt lại vì mỗi ngày chỉ dậy đi làm và thanh toán hóa đơn. Những điều ấy trước kia từng được coi là phi thường, nay bỗng hóa tiêu chuẩn tối thiểu.

Ngay cả trong đời sống riêng, áp lực vẫn len lỏi. Ta phải là những người yêu lý tưởng, cha mẹ dịu dàng, giỏi chăm sóc bản thân và công dân đầy chánh niệm - tốt nhất là xong hết trước 9 giờ sáng. Người ta truyền nhau một quan niệm hiện đại, rằng: bạn đang lãng phí tiềm năng nếu không tối ưu từng giây phút của cuộc đời mình.

Nhưng nếu tiềm năng không phải là một chiếc thang để leo, mà là một không gian để ta an trú thì sao?

Phẩm giá ẩn sau lựa chọn một đời an yên

Hãy đổi cách ta kể câu chuyện. Sẽ ra sao nếu một cuộc sống “tầm trung” lại chính là một công việc đủ nuôi sống bản thân, những mối quan hệ đầy yêu thương, và một mái nhà rộn tiếng cười xen lẫn tiếng bát đũa? Không phải thứ để ta trốn chạy khi nhắc đến, mà là điều đáng để gìn giữ và trân trọng đúng không?

Thật tuyệt khi bạn xuất hiện trên mạng xã hội với những khoảnh khắc như vậy, dù cho chẳng có lời tán dương nào. Chúng ta vẫn luôn cần một người bạn chân thành, một người lạ biết cảm thông, và một đồng nghiệp đáng tin cậy. Những vai trò ấy hiếm khi xuất hiện trên mạng xã hội, nhưng chúng là sợi chỉ âm thầm dệt nên kết cấu bền chặt của xã hội -  điều mà danh vọng và tiền bạc đôi khi không thể làm được.

Hãy nghĩ về những giáo viên, lao công, y tá, tài xế, đầu bếp, điều dưỡng - những con người mà công việc thầm lặng của họ vẫn đang giữ cho thế giới vận hành. Họ có thể không bao giờ được gọi tên rộng rãi, nhưng công sức của họ chạm đến cuộc sống của biết bao người. Những tên gọi nghề nghiệp nghe có vẻ “bình thường”, nhưng những gì họ làm được thì không hề nhỏ bé.

Bình thường không có nghĩa là tầm thường. Đó là sự biết đủ với những gì bạn có, thay vì liên tục đem so với những cuộc đời khác. Đó là việc bạn hiểu rằng mình không thất bại chỉ vì không xuất chúng - chỉ cần là một con người đã luôn là điều đặc biệt. 

Những đánh đổi phía sau niềm tin phải trở nên xuất chúng

Bị cuốn vào cuộc đua theo đuổi sự vĩ đại thường dẫn ta đến tình trạng kiệt sức, lo âu và cô đơn. Chủ nghĩa cầu toàn gây ra chứng tê liệt cảm xúc, còn việc so sánh khiến ta đánh mất niềm vui. Ai cũng có thể “trên mức trung bình” - rõ ràng về mặt thống kê quan niệm này sai. Ấy vậy mà xã hội vẫn tiếp tục bán giấc mơ ấy, và ta vẫn tiếp tục mua nó, rồi cảm thấy mình chưa bao giờ đủ.

Ở một góc độ khác, việc tôn vinh thành công thái quá cũng hình thành một tâm thức thiếu hoàn thiện: nếu chỉ có một vài người ở đỉnh cao, thì phần còn lại ắt phải là kẻ thua cuộc. Nhưng cuộc sống đâu phải là một bảng xếp hạng, nó là bức tranh khảm đầy những niềm vui nhỏ bé, những khoảnh khắc yên tĩnh, và những kết nối thành thật giữa con người với nhau.

Ta chỉ thực sự sống trong hiện tại khi ngừng đuổi theo những cột mốc tiếp theo. Ta có thể tìm thấy sự đủ đầy, không phải trong việc trở nên khác biệt, mà trong cảm giác được thuộc về gia đình, cộng đồng và chính bản thân mình.

Viết lại định nghĩa “cuộc đời ý nghĩa”

Định hình lại những gì là cốt lõi của cuộc sống đòi hỏi sự can đảm - nhất là trong nền văn hóa đầy rẫy phô trương. Nó đồng nghĩa với việc khước từ lối sống "cày cuốc", chọn thầm lặng thay vì tiếng tăm, chọn sống sâu thay vì sống gấp, chọn sống đúng với hệ giá trị riêng của bản thân thay vì đứng trên những tiếng vỗ tay hào nhoáng.

Một cuộc đời ý nghĩa không được xây nên từ giải thưởng hay thuật toán mà được dệt từ những cuộc trò chuyện chân thật, những thói quen bồi đắp nên chúng ta, những bữa cơm trong gian bếp, những bước đi chậm rãi, những cử chỉ tử tế nhỏ nhoi - và nghỉ ngơi mà không mang theo cảm giác tội lỗi.

Hà Nhi dịch từ Psychology Today

Đọc bài viết

Trà chiều

“Cạm bẫy tiện lợi” của AI

Published

on

Vào thứ Sáu ngay trước ngày khai mạc Hội sách Thiếu nhi Bologna, OpenAI đã tung ra công nghệ tạo hình ảnh mới tích hợp trong GPT-4o. Công nghệ này giới thiệu các khả năng đa phương thức tiên tiến, cho phép người dùng tạo ra những hình ảnh vô cùng chi tiết bằng nhiều phong cách nghệ thuật đa dạng. Gần như ngay lập tức, người dùng đã thử tạo hình ảnh theo phong cách thẩm mỹ đặc trưng của Studio Ghibli và thử nghiệm với nhiều phong cách minh họa sách thiếu nhi kinh điển. Độ chính xác của kết quả và khả năng bắt chước các họa sĩ minh họa nổi tiếng của công nghệ này đã thực sự gây sốc cho những người đang tề tựu tại Bologna.

Nổi bật trong các tiếng nói quan ngại về những bước tiến mới này là Nurgül Senefe, họa sĩ minh họa người Thổ Nhĩ Kỳ. Bà là nhà sáng lập của tổ chức vận động Illustrator’s Platform và Mạng lưới ZNN, một công ty đại diện tác giả và họa sĩ minh họa, đồng thời là Tổng Thư ký của Diễn đàn Họa sĩ Minh họa Châu Âu. Bà Senefe chia sẻ với tờ Publisher Weekly rằng, “sự lười biếng trong nhận thức” đang đe dọa khiến con người ngày càng phụ thuộc vào AI.

Bà Nurgül Senefe. Nguồn: Diễn đàn Họa sĩ Minh họa.

Từ kinh nghiệm điều hành một tổ chức với 400 nhân sự đang tận tâm bảo vệ quyền của họa sĩ minh họa và xây dựng những phương thức kinh doanh bền vững, bà Senefe cho rằng: “Điểm yếu lớn nhất của con người là cảm giác vui sướng đến từ sự tiện lợi mà AI mang đến”.

Mạng lưới ZNN hoạt động như một cầu nối trung gian giữa họa sĩ và bên đặt hàng, giúp thiết lập các quy chuẩn tối ưu cho ngành, đồng thời giám sát quy trình đặt hàng tác phẩm. Công việc của họ nay càng trở nên cấp bách hơn bao giờ hết khi AI ngày một tác động mạnh mẽ đến lĩnh vực sáng tạo.

“Đặc biệt với trí tuệ nhân tạo, chúng tôi đang nỗ lực xây dựng một nền tảng để đại diện cho quyền lợi của họa sĩ minh họa”, bà Senefe cho biết.

Khi khảo sát các thành viên trong tổ chức, bà Senefe thường đưa ra một câu hỏi lấy ví dụ từ bộ phim Ma trận (The Matrix), hỏi họ sẽ chọn viên thuốc nào – đỏ hay xanh. “Mọi người đều nói, ‘Tôi sẽ chọn viên màu đỏ’, bà kể lại, dùng phép ẩn dụ này để nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giữ chính mình “tỉnh táo nhận thức về những gì đang diễn ra hôm nay”.

Mối bận tâm hàng đầu của bà Senefe xoay quanh chính bản chất của con người. “Nếu bạn không ý thức được hành vi của mình, nó sẽ dần định hình nên tính cách của bạn.” Dù vấp phải sự phản đối từ nhiều chuyên gia sáng tạo – “Mọi người nói chúng ta không sử dụng AI tạo sinh, chúng ta chống lại nó”, bà vẫn quan sát thấy người ta tiếp tục thử nghiệm công nghệ này và ghi nhận rằng một số người cho biết nó “khá tiện lợi”.

Bà Senefe nhận định: Yếu tố tiện lợi này chính là mấu chốt của vấn đề. Bà cũng đưa ra các ví dụ tương tự trong đời thực. “Nếu bạn để ý, tôi chắc chắn bạn sẽ thấy ở ga tàu điện hoặc nhà ga xe lửa, mọi người xếp hàng dài hàng mét chỉ để đi thang cuốn, nhưng tại sao họ không leo thang bộ cơ chứ?” Các ví dụ khác bao gồm sự lệ thuộc của xã hội vào thức ăn nhanh, bất chấp những rủi ro sức khỏe đã được chứng minh, hay việc nhiều bậc cha mẹ dùng máy tính bảng làm "người giữ trẻ kiểu mới cho con” khi quá tải hay xao nhãng.

Họa sĩ Hayao Miyazaki, đồng sáng lập Studio Ghibli luôn thể hiện sự phản đối mạnh mẽ đối với AI trong sáng tạo. Trong bộ phim tài liệu Never - ending man: Hayao Miyazaki năm 2016, khi được giới thiệu về một dự án hoạt hình sử dụng AI, ông Hayao Miyazaki đã thẳng thừng chỉ trích công nghệ này. Ông gọi nó là "một sự xúc phạm đến cuộc sống" và nhấn mạnh rằng nghệ thuật không chỉ là kỹ thuật mà còn là cảm xúc, trải nghiệm và tinh thần con người.

Bà Senefe tỏ ra lo lắng về một khả năng trong tương lai, nơi những người làm sáng tạo cuối cùng sẽ phải “làm việc cho máy móc”, khi các nhà xuất bản có khả năng chọn AI thay vì sản phẩm của con người vì chúng “quá tiện lợi, rẻ, hiệu quả và nhanh chóng”.

“Dần dà, chúng ta sẽ quen xem cái ‘chưa đủ’ là đủ, ‘không đẹp’ là đẹp, ‘phi nghệ thuật’ là nghệ thuật. Điều này sẽ kéo tụt mặt bằng giá trị của nhận thức chung, hiểu biết và sự chấp nhận của xã hội, làm thay đổi cả một lĩnh vực mà chúng ta thậm chí không hề hay biết”.

Để mô tả quá trình bình thường hóa đáng lo ngại này, bà Senefe đã đặt hàng một bức tranh minh họa dựa trên ẩn dụ về con ếch trong nồi nước đang nóng dần lên, không nhận ra mối nguy hiểm đang cận kề. Bức tranh này đặt ra một câu hỏi nhức nhối: “Bạn sẽ dùng AI một cách có ý thức và để máy móc phục vụ cho bạn, hay bị AI thống trị và trở thành tay chân cho máy móc?”

“Thử thách lớn nhất của chúng ta trong cuộc đối đầu với AI chính là sự lười biếng trong nhận thức”, bà Senefe kết luận. Bà cho rằng, cũng như sự nghiện ngập và các thói quen độc hại khác, sự phụ thuộc vào AI có thể bén rễ từ từ và len lỏi vào đời sống một cách khó nhận biết nếu giới chuyên môn sáng tạo không duy trì cảnh giác.

Hoàng Thảo dịch từ Publishers Weekly

Đọc bài viết

Cafe sáng