Với Taylor Swift, âm nhạc không chỉ là giai điệu cảm xúc, là nhật kí cá nhân, là người bạn tâm giao để trút bầu những muộn phiền trong cuộc sống…; trên tất cả, âm nhạc với người con gái ấy dường như là một câu chuyện được kể ra bằng sự say đắm ngôn ngữ không khác gì phương thức của văn chương.
Nhiều bản nhạc Taylor viết ra không đơn thuần chỉ là các phiến đoạn cảm xúc ngắn mà những tác phẩm ấy dường như có cấu trúc hoàn chỉnh như một truyện ngắn hẳn hoi: All Too Well, White Horse, You Belong With Me, Back to December… Và chính Taylor cũng tiết lộ sách là nguồn cảm hứng lớn cho trí tưởng tượng của cô bên cạnh âm nhạc. Dưới đây là những chia sẻ của Taylor Swift về việc đọc sách với độc giả nhà xuất bản Scholastic trong chương trình giao lưu trực tuyến “Read Every Day”.
Chuyển từ Philadelphia đến Nashvile, việc đó đã ảnh hưởng đến bạn như thế nào trên phương diện là một người viết nhạc?
Taylor Swift (TS): Tôi bị ám ảnh với thơ ca từ khi còn rất sớm bởi những cuốn sách mà tôi yêu thích từ lúc ấy là sách của Dr. Seuss, Shel Silverstein và tất cả những sách có câu chuyện kết nối với nhau qua nhịp điệu. Đó luôn là loại sách tôi thích đọc vì chúng có âm điệu như một bản nhạc. Giống như khi bạn đọc một dòng thơ mà nhịp thơ dừng ngay tại điểm kết thúc những câu thơ, giọng thơ khi đó sẽ vang lên giống như lời bài hát vậy. Tiết học tiếng Anh đã luôn luôn là tiết học tôi thích nhất vì tôi được đọc, được viết và hơn cả là vì có thơ.
Những giáo viên có nhận ra khả năng sáng tạo của bạn sớm không?
TS: Có một giáo viên đã nói với mẹ tôi – tôi nghĩ đó là khi tôi học lớp một: “Tôi bảo các em trong lớp viết một bài tiểu luận, và em ấy viết đầy cả bốn trang giấy. Vì thế, tôi muốn cô biết rằng đó có thể là lĩnh vực con bé yêu thích. Bé viết không ngừng.” Tôi lúc nào cũng yêu thích việc kể ra một câu chuyện hay với những nhân vật thú vị, đó là lí do tại sao rất nhiều bài hát của tôi là những câu chuyện.
Bản nhạc đầu tiên mà bạn viết là gì?
TS: Bản nhạc đầu tiên mà tôi thực sự hoàn thành không phải là một bản nhạc ngẫu hứng, bản nhạc tám phút được viết năm tôi 12 tuổi có tên gọi là Lucky You kể về một cô gái khác biệt. Cô ấy tin vào chính mình. Tôi không biết làm sao mà bản nhạc này bị rò rỉ trên mạng nữa nhưng đó thật là một trải nghiệm kinh khủng khi mọi người đưa nó lên vì giọng tôi nghe giống như “Tôi hát như một con sóc. Tôi mới 12 khi đó.” Nhưng bạn có dịp nhìn lại những trải nghiệm đầu tiên của mình với việc viết và từng trải nghiệm ấy đã giúp bạn dần trở thành con người hiện tại. Vì thế, tôi không nghĩ rằng bạn có thể coi thường bất cứ sự sáng tạo nào bạn làm ra khi còn rất trẻ.
Có phải sách là nguồn cảm hứng lớn cho âm nhạc và cuộc sống của bạn?
TS: Sách đã luôn là nguồn cảm hứng lớn cho trí tưởng tượng của tôi. Tôi đã từng là fan trung thành của thể loại truyện cổ tích dành cho người lớn, bạn có thể thấy nhiều chi tiết trong bài hát của tôi giống như Romeo and Juliet và The Scarlet Letter, đó đều là từ vốn kiến thức đọc của tôi. Đó là những câu chuyện đã cùng tôi lớn lên. Vì vậy, bạn biết đấy, điều này hoàn toàn nhờ vào việc đọc.
Cô Fisher, một giáo viên ở
Michigan muốn biết: “Việc đọc sách đã ảnh hưởng đến những lựa chọn trong
cuộc sống của bạn, đặc biệt là trong sự nghiệp như thế nào?”
TS: Rất nhiều cuốn sách tôi thích đọc khi còn nhỏ là loại sách dạy bạn một bài học nào đó – kiểu vui nhộn như Amelia Bedelia, hoặc là The Giving Tree dạy ta phải biết tử tế với người khác. Những câu chuyện đó thực sự đính kèm một chuẩn mực đạo đức xứng đáng để là cuốn sách đầu tiên mà các bậc phụ huynh hay giáo viên của chúng ta giới thiệu cho con trẻ. Nếu đó là những câu chuyện đầu tiên bạn được đọc, nó sẽ có ảnh hưởng thực sự đến tính cách của bạn. Đối xử tốt với người khác là tinh thần chủ đạo mà tôi thực sự yêu thích ở những cuốn sách này.
Danny: Tuổi thơ của bạn như thế nào?
TS: Tôi lớn lên ở một trang trại trồng cây Giáng sinh. Chúng tôi chăm sóc cây Giáng sinh để những người khác có thể mua về và đặt trong nhà họ. Và có rất nhiều loài động vật khác nhau chạy vòng quanh chúng tôi, tôi nhớ rằng có rất nhiều không gian để chạy nhảy, để đuổi bắt những câu chuyện hoang dã, tôi cảm thấy đó đã là khoảng thời gian tôi thực sự có thể cho trí tưởng tượng của mình bay bổng. Nhưng, bạn biết đó, tôi không nghĩ rằng bạn nhất thiết phải có một không gian rộng mở để tưởng tượng. Bạn có thể thấy được những thứ đẹp đẽ, huyễn tưởng, những thứ không có thực và những thứ kì ảo tại bất cứ nơi nào bạn lớn lên nếu bạn chịu khó suy nghĩ và nắm bắt tâm trí mình. Nhưng tôi đã có một tuổi thơ vui vẻ. Nó giống như một tia chớp thoáng qua vậy, nên tôi muốn cảm ơn bạn vì đã đặt câu hỏi này. Thực sự là một câu hỏi hay.
Câu hỏi tiếp theo đến từ tập thể
lớp ba của cô Zeidler. Các em muốn biết: “Quyển sách chị yêu thích nhất
mà bố mẹ đã đọc cho chị là gì?”
TS: Bắt đầu từ khi chị còn rất nhỏ. Quyển đầu tiên là Big Bird on the Farm, sau đó là Winnie the Pooh và chị thích tất cả những tập thơ kinh điển dành cho trẻ em, những quyển sách dạng như thế rồi cả truyện ngụ ngôn, truyện cổ tích.
Thật vui khi có thể thoát ra nơi mà các
em đang sống rồi nhảy vào cuộc đời của một nhân vật khác. Em biết đấy,
khi em đọc một cuốn sách, nếu em thực sự có thể hòa mình vào một nhân
vật nào đó, em sẽ cảm thấy mình có thể vượt thoát và đến một nơi nào đó.
Cũng phần nào giống như sự hồi hộp mà mọi người có được khi đến rạp và
xem câu chuyện diễn ra trên màn ảnh vậy. Nhưng chẳng có gì thực sự giống
như việc đọc cả. Em chỉ cần tìm một nơi thật yên tĩnh và cứ thế mà đi
đến thế giới khác.
Câu hỏi tiếp theo đến từ tập thể
lớp bốn của cô Chris Tweedie ở Singapore. Các em muốn biết: “Chị chọn
những cuốn sách chị muốn đọc bằng cách nào?”
TS: Chị chọn những cuốn sách chị muốn đọc khi nghe nhiều điều cực kì hấp dẫn về chúng, hoặc nếu như những cuốn sách đó có liên quan đến lịch sử thì chị cũng rất quan tâm. Hồi chị còn nhỏ, người ta có xuất bản những cuốn nhật kí của một người lính tham gia nội chiến hoặc của con gái người lính trong cuộc Cách mạng Mỹ. Họ đã từng xuất bản tất cả những loại sách như thế về lịch sử, và chị thực sự đắm mình vào những câu chuyện đó vì lúc nào chị cũng yêu thích ý tưởng quay ngược trở về thời gian và biết được mọi thứ như thế nào cách đây hàng trăm năm.
Alexandra: Những việc chị đã phải làm khi ở tuổi của chúng em để bây giờ trở thành một nghệ sĩ thành công?
TS: Ừm, giai đoạn trung học sẽ có đôi lúc khó khăn. Bước vào trung học và nhận ra rằng tất cả mọi người ít nhiều đều có khoảng thời gian tồi tệ trong giai đoạn này, thật khó để thích ứng và em sẽ phải luôn cố hình dung ra ai là người mình muốn kết bạn và có thể là bạn, mình phải cư xử như thế nào… Thời trung học cũng là một trong những khoảng thời gian khó khăn nhất với chị để thích ứng. Vì vậy, nếu như em gặp phải bất kì khó khăn nào, cứ nghĩ rằng rất nhiều người cũng như thế. Em có thể cảm thấy rất cô đơn khi không biết ai là bạn của mình và khi em không biết phải nói chuyện với ai hoặc ngồi kế ai trong giờ ăn trưa. Không ai hiểu được cảm giác đó dữ dội và kinh khủng như thế nào, những quyết định kiểu như sẽ ngồi ăn với ai trong bữa trưa. Đó thực sự là những giây phút căng thẳng với chị khi nhìn lại khoảng thời gian trung học. Nếu em tập trung học thật nhiều hết mức có thể vào những thứ em yêu thích, đó sẽ là lối thoát cho những ngày tồi tệ ấy. Chị cũng có những ngày rất khó khăn ở trường học và chị chờ từng ngày dài qua đi để về nhà đàn guitar, viết lời bài hát trong sổ tay riêng. Với chị, việc đó khiến chị cảm thấy ổn. Vậy nên, em có thể tìm việc gì đó giúp em bộc lộ bản thân mình, thời trung học sẽ không quá khó khăn nếu em có một điều nào đó để trông đợi sau khi giờ học kết thúc. Một câu hỏi tuyệt vời. Ừm, đúng là sẽ rất khó khăn, các em à. Cố lên nhé.
Marnie: Bạn đã từng viết một cuốn
tiểu thuyết và cũng thắng một cuộc thi thơ. Bạn có thể kể chi tiết hơn
cho chúng tôi biết về việc đó không?
TS: Tôi đã từng thắng giải một cuộc thi thơ với bài thơ có tên là Monster in My Closet. (tạm dịch: Con quỉ trong phòng tôi) Đó là khi tôi học lớp bốn, tôi đã viết bài thơ rất dài, dài, dài này đại loại là: “Có một con quỉ trong phòng của tôi và tôi không biết phải làm gì. Bạn có bao giờ thấy nó chưa? Nó có bao giờ tấn công bạn?” Bài thơ có 12 khổ. Tôi đã gửi đến cuộc thi thơ quốc gia và khi thắng giải, người ta gửi tặng tôi quyển sách qua đường bưu điện, thế là tôi được đọc hết tất cả các bài thơ của những đứa trẻ khác. Vui lắm. Một vài năm sau đó khi tôi khoảng chừng 12 hay 13, gia đình tôi nghỉ hè tại bãi biển. Tôi nhớ những người bạn ở nhà rất nhiều nên đã dành cả ngày nhốt mình trong phòng, đối diện với máy tính chỉ để viết một cuốn tiểu thuyết. Tôi cho tất cả bạn bè trong trường trở thành nhân vật trong tiểu thuyết đó để đỡ nhớ họ, và tôi gửi cho họ đọc những chương trong tiểu thuyết. Tiểu thuyết đó kết thúc với độ dài khoảng 400 trang. Viết dù ở dạng thức nào cũng là lối thoát cho tôi, không chỉ là viết nhạc. Nếu như bạn có thể theo đuổi một câu chuyện và bạn có cách để kể nó theo ý muốn, đôi lúc cả thế giới của bạn dường như bừng sáng rực rỡ chỉ với việc bạn có thể lôi câu chuyện ấy ra và viết nó xuống giấy. Cảm ơn bạn vì câu hỏi này.
Câu hỏi tiếp theo đến từ một học
sinh lớp 7 ở California: “Taylor, chị thường đọc sách như thế nào? Giáo
viên của em nói rằng chúng ta nên đọc sách mỗi ngày.”
TS: Chị cũng nghĩ thật là tốt khi có thể đọc mỗi ngày. Chắc chắn rồi. Hoàn toàn là như thế. Cô giáo của em đã đúng về việc này. Chị đang cố gắng đọc càng nhiều càng tốt và đọc những thứ khác nhau. Chị cố gắng đọc báo, những bài báo chứa thông tin hữu ích mỗi ngày. Chị cố gắng cập nhật tình hình về quyền con người, những gì đang diễn ra trên thế giới và chính trị, những vấn đề trong thế giới của chúng ta, bởi vì, em biết đó, những việc ấy rất quan trọng. Chị nghĩ ở độ tuổi 22 của mình hiện tại, việc hiểu những gì đang diễn ra trên thế giới thực sự tối cần thiết. Nhưng khi còn đang học ở trường, chị nghĩ đây là giai đoạn em nên mở rộng trí tưởng tượng của mình, và nếu em muốn thoát khỏi nơi này, đến một thế giới khác hoặc đọc một cuốn sách như sách lịch sử, sách khoa học viễn tưởng về người ngoài hành tinh, nếu thích em hãy cứ đọc. Em biết đấy, bất cứ lĩnh vực nào em quan tâm, chị nghĩ đọc mỗi ngày là điều quan trọng, nhưng điều đó không có nghĩa là em không được đọc những gì em thích. Em biết không, điều tuyệt vời là có rất nhiều loại sách khác nhau mà em có thể đọc. Chị thích đọc những cuốn sách như The Hunger Games (dành cho lứa tuổi từ 12 trở lên) và Harry Potter. Các em thật đặc biệt.
Kel: Bạn có nhớ quyển sách đầu
tiên mà bạn đọc say mê đến mức không thể dứt ra, và rồi khi đọc xong,
quyển sách ấy có làm bạn phải thốt lên: “Ôi, thật tuyệt vời!” không?
TS: Ồ, thật là một câu hỏi rất rất thú vị. Ôi trời ơi. Tôi nghĩ ra được vài quyển sách như thế. Đó là quyển Stargirl của Jerry Spinelli. Và quyển To Kill a Mockingbird của Harper Lee đã thực sự thay đổi cách tôi nhìn cuộc sống. Sau khi đọc hết The Hunger Games, tôi cũng rất buồn vì sê-ri này đã kết thúc. Tôi đã từng muốn đọc đi, đọc lại những quyển sách ấy. Và, có rất nhiều quyển sách mang tính gây nghiện như thế, cũng có nhiều nhà văn rất giỏi trong việc đặt câu kết thúc ở cuối mỗi chương khiến bạn cứ muốn đọc chương kế tiếp. Việc đó làm tôi thực sự ngưỡng mộ các nhà văn.
Lớp học của cô Lasko ở New Jersey
muốn biết: “Bạn chỉ viết về những kỉ niệm của bạn thôi, hay bạn có sáng
tạo những ý tưởng, câu chuyện từ trí tưởng tượng của mình không?”
TS: Tôi lấy cảm hứng từ nhiều nguồn khác nhau. Đôi lúc, bạn biết đấy, từ chuyện một người bạn của tôi đang cãi nhau với bạn trai và tôi viết về những gì họ đã trải qua. Hoặc tôi xem được một cảnh hay tuyệt vời trong một bộ phim rồi tôi nghĩ: “Nếu như mình có thể viết được nhạc cho khoảnh khắc đó, giai điệu ấy sẽ vang lên thế nào nhỉ?” thế là tôi có ý tưởng cho bài hát mới. Và rồi cũng có nhiều trường hợp tôi viết các bản nhạc về những vấn đề trong mối quan hệ của chính mình.
Cody: Quá trình viết nhạc của bạn
như thế nào? Bạn mất bao lâu để viết xong một bài hát, và bạn bắt đầu
bằng cái nào trước, giai điệu hay lời? Rồi khi bạn kết hợp cả hai, bạn
có bao giờ sửa đổi chúng?
TS: Quá trình viết nhạc của tôi mỗi lần mỗi khác nhau. Đó là lí do vì sao tôi rất vui khi viết nhạc bởi vì bạn luôn luôn không thể dự đoán trước bất cứ điều gì. Bạn không bao giờ biết cái nào sẽ đến trước. Và rất khó để giải thích bạn đã lấy những ý tưởng đó từ đâu. Bạn biết đấy, đôi lúc bạn có một ý tưởng tuyệt vời và bạn nói với mọi người, “Tôi không biết ý tưởng này đến từ đâu.” Đại loại thế, giống như có một đám mây nhỏ lơ lửng trước mặt bạn và có một ý tưởng ghi trên đó. Tôi thích nghĩ những ý tưởng này giống như mảnh ghép đầu tiên của trò chơi ghép hình vậy. Có thể tôi sẽ lấy được một mảnh ghép và tôi không biết nó sẽ trở thành câu đầu tiên của bài hát hay câu cuối cùng của bài hát hay một phần của đoạn điệp khúc hay có khi chỉ là một phần của đoạn hát đệm. Công việc sau đó của tôi là phải định hình được những mảnh ghép còn lại của trò chơi này, phải đặt chúng ở đâu và phải tạo ra bài hát hoàn chỉnh như thế nào từ ý tưởng nhỏ này. Tôi thường viết nhạc vào lúc bốn giờ sáng, hoặc lúc đi dạo trong sân bay, tôi có ý tưởng và cứ thế mà viết lời bài hát lên một cuộn khăn giấy. Chẳng ai biết trước được khi nào tôi bắt đầu viết một bài hát, bạn bè tôi cũng đã quá quen thuộc với cách tôi tóm lấy một ý tưởng nào đó. Nỗi lo sợ lớn nhất của tôi khi có ý tưởng cho một bài hát mới là tôi sợ mình sẽ quên nó đi mất, vì thế tôi thường hay thu âm lại giọng của mình trong điện thoại. Bạn bè tôi cũng quen với việc khi chúng tôi đang ngồi trong xe, họ đang nói không ngừng, không ngừng về ngày hôm qua của mình, rồi họ quay ra đằng sau và thấy tôi đang thu âm trong điện thoại của tôi, tôi lấy tay che miệng và hát nhỏ, rồi họ sẽ nói như thế này, “Cậu lại viết nhạc nữa rồi. Cậu nên cho tớ biết khi nào cậu sắp viết và tớ sẽ ngưng nói chuyện. Ổn mà.”
Cô từng nói rằng mình là fan của The Hunger Games (dành
cho lứa tuổi từ 12 trở lên) và cô đã viết một số bản nhạc cho phim
chuyển thể từ tác phẩm này. Vậy chúng tôi muốn biết cô làm thế nào để
lời nhạc khớp với không khí của quyển sách và tâm trạng của nhân vật?
TS: Tôi đã viết hai bản nhạc cho The Hunger Games, một bài có tên là Eyes Open, một bài có tên là Safe and Sound. Tôi viết Safe and Sound chung với The Civil Wars. Khi chúng tôi ngồi lại với nhau để viết, chúng tôi đã bàn luận về việc làm sao để viết một bài hát diễn tả mối quan hệ giữa Katniss và Rue, chúng tôi cũng muốn bài hát này tượng trưng cho mối quan hệ giữa Katniss và Prim nữa. Vì vậy, bài hát phần nào giống như lời hát ru, phần nào giống như lời động viên: “Mọi chuyện sẽ ổn thôi. Em cứ nhắm mắt lại. Rồi sẽ ổn thôi. Chúng ta sẽ an toàn.” Mọi thứ diễn ra trong thế giới của The Hunger Gamesrất tàn khốc và tràn ngập bóng tối. Vậy nên chúng tôi muốn viết một bài hát đem lại niềm tin rằng vẫn còn khả năng ngày nào đó mọi thứ sẽ bình yên và họ có thể vươn mình đứng dậy từ trong bóng tối ấy. Thật thú vị khi viết dưới góc nhìn của một người khác, sống trong một thế giới rất khác với thế giới bạn đang sống, việc đó đã dạy tôi nhiều bài học quí giá.
Evelyn: Đến bây giờ, tổng cộng bạn đã đọc được bao nhiêu cuốn sách?
TS: (Cười) Ừm, 4522 quyển. Ôi không, tôi không biết nữa. Bạn biết đấy, dù bạn đọc bất cứ loại sách gì, bạn cũng sẽ nhận được một lượng kiến thức và nó sẽ ảnh hưởng đến bạn dù bạn có nhận ra hay không. Điều quan trọng là bạn đọc nhiều thể loại sách ở mức bạn có thể – những quyển sách cực kì ngắn mà khi bạn vừa đọc thì đã đến ngay kết thúc rồi, và những quyển sách dài kinh khủng khiến đôi lúc bạn cảm thấy thật khó khăn để đọc hết, rồi sách hư cấu, sách về những câu chuyện có thật. Nếu như bạn cứ tiếp tục đọc những loại sách khác nhau, bạn sẽ hình dung ra được thể loại mình yêu thích nhất là gì, khi đó bạn sẽ học được rất nhiều. Thật là một câu hỏi thú vị. Có lẽ tôi cần phải suy nghĩ kĩ lưỡng về việc này một khoảng thời gian dài và chắc là tôi sẽ không bao giờ tìm ra được câu trả lời thực sự. (Cười) Câu hỏi khó nhất của ngày hôm nay. Tôi tự hào về bạn.
Samantha: Cuộc sống của bạn đã thay đổi thế nào những năm gần đây, và bạn cảm nhận bản thân mình như thế nào?
TS: Samantha, bạn dễ thương quá, tôi thích bạn. Cuộc sống của tôi đã thay đổi rất nhiều sáu năm gần đây vì tôi phát hành album đầu tiên vào năm 16 tuổi, và một khi nhiều người biết đến âm nhạc của tôi, bạn cũng đoán được rồi đó, cuộc sống của bạn khi ấy sẽ thay đổi nhiều. Giống như là việc mỗi ngày bạn rời khỏi nhà, bạn biết rằng bạn sắp trò chuyện với rất nhiều người lạ. Bạn biết không? Khi bạn trưởng thành, bố mẹ thường dặn bạn điều gì? Đừng nói chuyện với người lạ. Tôi cảm thấy phần nào phải thay đổi suy nghĩ đó bởi vì mỗi lần tôi rời khỏi nhà, tôi lại gặp được những người dễ thương, họ đến gần tôi và nói, “Tôi đã mua album này,” hoặc “Tôi thích bài hát này,” và “Chụp một tấm hình với tôi chứ?” Đó là một cách khác để sống cuộc đời của bạn vì bạn phải dự đoán trước những việc bất ngờ xảy ra. Đến cửa hàng tạp hóa có thể mất nhiều thời gian hơn, nhưng không phải chỉ vì việc đó mất nhiều thời gian hơn và bạn phải trò chuyện thêm với một vài người mà có nghĩa là bạn không thể sống một cuộc sống bình thường theo cách bình thường. Việc nổi tiếng thật phiền phức nhưng cũng rất vui. Tôi cảm giác mình vẫn sẽ là một người giống như bây giờ nếu tôi không nổi tiếng. Cuộc sống của tôi đã khác trước rất nhiều. Tôi có một cuộc sống rất, rất không bình thường nhưng tôi cảm giác việc gần gũi với gia đình giúp tôi vẫn là bản thân mình giống như thể bây giờ tôi đang học ở một trường đại học nào đó hoặc đang cố gắng tìm việc, bất cứ việc gì mà không phải là âm nhạc. Tôi nghĩ điều quan trọng là bạn nhận được sự ảnh hưởng tốt trong cuộc đời mình, cho dù ảnh hưởng đó là từ giáo viên, bố mẹ, bạn bè, chỉ cần là những người có phẩm chất tốt và thực sự ảnh hưởng đến bạn theo hướng tích cực, tôi nghĩ bạn nên gần gũi với những người ấy. Cảm ơn bạn rất nhiều vì câu hỏi này.
Clarissa: Khoảnh khắc đáng nhớ nhất trong cuộc đời bạn là gì?
TS: Tôi sẽ kể bạn nghe câu chuyện về bài hát tôi đã viết có tên là Mean. Đó là bài hát tôi viết về một nhà phê bình. Khi bạn ra một album hoặc khi bạn trình diễn một tiết mục trên TV, tất cả những nhà phê bình đều viết những gì họ nghĩ. Đôi lúc họ rất tế nhị, nhưng đôi lúc thì không. Và tay phê bình này đã viết về tôi, hắn dùng những lời tồi tệ nhất, tàn nhẫn nhất. Đó chẳng phải là lời phê bình có tính xây dựng. Bạn cũng biết đấy, khi giáo viên dạy bạn nói rằng, “Em có thể làm cái này tốt hơn. Em có thể làm cái kia tốt hơn.” Không chỉ đơn giản là như thế. Điều đó có nghĩa là gã ấy hoàn toàn ghét tôi. Thế là tôi viết bài hát Mean để bày tỏ rằng điều đó đã làm tôi cảm thấy bất lực như thế nào, tôi cảm thấy như thể mình chẳng làm được gì hoặc nói gì để gã đừng chỉ trích tôi nữa. Khi bài hát ấy được phổ biến, nó đã trở thành một bản nhạc chống nạn bắt nạt, và có nhiều người hâm mộ gặp tôi nói rằng, “Bài hát này thực sự đã giúp em đứng vững trước nhóm bạn bắt nạt em ở trường.” Điều đó thực sự làm tôi xúc động. Tôi vô cùng tự hào khi bài hát đã trở thành nguồn động viên như thế khi nó chào đời thế giới này. Chúng tôi cuối cùng đã thắng hai giải Grammy cho Mean. Vậy nên tôi nghĩ đó là khoảnh khắc đáng nhớ nhất trong toàn bộ cuộc đời mình. Cảm ơn bạn vì câu hỏi này. Bạn rất dễ thương. Và thân thiện nữa.
Hết.
Buổi giao lưu trực tuyến này được thực hiện vào tháng 10.2012.
Chú thích thêm:
Romeo and Juliet: đã được xuất bản ở Việt Nam dưới tên Romeo và Juliet The Scarlet Letter: đã được xuất bản ở Việt Nam dưới tên Chữ A màu đỏ The Giving Tree: đã được xuất bản ở Việt Nam dưới tên Cây táo yêu thương The Hunger Games: đã được xuất bản ở Việt Nam dưới tên Đấu trường sinh tử Harry Potter: đã được xuất bản ở Việt Nam dưới tên Harry Potter To Kill a Mockingbird: đã được xuất bản ở Việt Nam dưới tên Giết con chim nhại
Giải thưởng Sách Quốc gia là giải thưởng do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức hàng năm, trao giải cho những cuốn sách (bộ sách) có giá trị nổi bật về nội dung tư tưởng, tri thức, thẩm mỹ nhằm tôn vinh tác giả, dịch giả, nhà khoa học và người làm công tác xuất bản.
Tối ngày 29.11.2024 tại lễ trao Giải thưởng Sách Quốc gia lần VII, tác phẩm Sứ Đoàn Iwakura - Chuyến Tây Du Khảo Cứu Nhằm Canh Tân Nhật Bản Thời Minh Trị (Ian Nish biên soạn, Nguyễn Hoàng Mai - Nguyên Tâm dịch) hân hạnh được vinh danh giải Khuyến khích.
Sứ Đoàn Iwakura là tác phẩm nghiên cứu tập hợp nhiều tư liệu giá trị, giúp độc giả hiểu rõ hơn về chuyến du khảo nhằm canh tân Nhật Bản thời Minh Trị dưới góc nhìn của người phương Tây. Để có một đường lối phát triển đất nước hoàn toàn mới, người Nhật đã khởi động chuyến công du gọi là Sứ mệnh Iwakura thăm Hoa Kỳ và nhiều nước châu Âu. Đây là một chuyến đi lịch sử có tầm quan trọng đến mức khi nhắc về Minh Trị Duy Tân, người ta lập tức nhớ đến chuyến đi này.
Sách dày 427 trang, gồm 11 chương tổng hợp các bài viết của Ian Nish và 12 chuyên gia trong lĩnh vực quan hệ quốc tế khu vực Nhật Bản và Đông Á. Tám chương đầu, độc giả sẽ cùng phái đoàn đi qua tám cường quốc từ Mỹ, Anh, Pháp, Bỉ, Đức, Nga, Thụy Điển và Italy. Bản ghi chép của những học giả góp phần tái hiện hành trình tìm kiếm “văn minh khai sáng” của sứ đoàn Iwakura tại trời Âu dưới góc nhìn của người phương Tây. Ba phần còn lại trong ấn phẩm là bài phân tích, nhận định của chuyên gia lịch sử, đánh giá tình hình nước Nhật sau chuyến công du.
Để hiểu thêm về một lát cắt lịch sử quan trọng của Nhật Bản, cũng như đọc thêm về chuyến đi được mệnh danh là “Chuyến công du lịch sử thay đổi nước Nhật”, mời bạn tìm đọc sách tại đây hoặc tại hệ thống các nhà sách Phương Nam trên toàn quốc.
F1 in Schools là một giải đấu mang tính giáo dục, cạnh tranh toàn cầu do Formula One kết hợp với chương trình quốc tế STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học). Giải đấu được tổ chức hàng năm dành cho học sinh trung học với mục đích giới thiệu kỹ thuật cho những người trẻ tuổi trong một môi trường thú vị. Mỗi đội thi (từ 3 - 6 học sinh) phải thiết kế và chế tạo một chiếc xe đua Công thức 1 cỡ nhỏ từ Khối mô hình F1 chính thức bằng các công cụ thiết kế CAD/CAM.
Năm 2024, ADUA Racing - đội bao gồm các học sinh cấp 2 của trường British International School Ho Chi Minh City đã vinh hạnh giành được cơ hội tham gia vòng chung kết cuộc thi F1 in Schools ở Dubai, Ả Rập Saudi. Đây là đội duy nhất đại diện Việt Nam tham gia vòng chung kết năm nay.
Những nỗ lực rèn luyện, khả năng sáng tạo, tư duy học tập đáng ngưỡng mộ của các em học sinh trong giải đấu này phù hợp với định hướng và giá trị cốt lõi mà Nhà Sách Phương Nam luôn muốn đem lại cho các bạn đọc và khách hàng trên toàn quốc.
Vì vậy, Nhà Sách Phương Nam hân hạnh trở thành nhà tài trợ đồng hành cùng đội thi ADUA Racing trên hành trình vươn ra thế giới. Nhà Sách Phương Nam hy vọng nỗ lực này sẽ góp phần ươm mầm cho những tài năng tương lai, khuyến khích người trẻ phát triển tư duy độc lập, sáng tạo.
Nhà Sách Phương Nam luôn chú trọng hỗ trợ, khuyến khích thế hệ trẻ phát huy tối đa tiềm năng của bản thân. Bên cạnh đó, hệ thống Nhà Sách Phương Nam vẫn luôn nỗ lực trên hành trình kết nối bạn đọc đến với thế giới tri thức thông qua những cuốn sách hay và các hoạt động ý nghĩa.
Cảm ơn sự ủng hộ của các độc giả và khách hàng đã tạo điều kiện để Nhà Sách Phương Nam tiếp tục đồng hành cùng thế hệ trẻ trên những chặng đường đầy ý nghĩa trong tương lai.
Nhân dịp ra mắt tác phẩm mới Bước qua nước mắt, tự khắc trưởng thành, Nhà Sách Phương Nam và Phương Nam Book phối hợp cùng tác giả Anh Khang tổ chức sự kiện giao lưu và ký tặng vào lúc 16g00, thứ Bảy ngày 16.11.2024 tại sân khấu A – Đường sách TP. Hồ Chí Minh (Nguyễn Văn Bình, P. Bến Nghé, Q.1, TP. HCM).
Bước qua nước mắt, tự khắc trưởng thành là tác phẩm kỷ niệm hơn một thập kỷ viết văn của tác giả Anh Khang. Anh gọi đây là một “cuốn sách làm lành” – thay vì “chữa lành” như cách gọi thường thấy trong xã hội hiện đại. Tác phẩm được chia làm hai phần, mở đầu bằng “Độc thoại” với những dòng tư lự đơn lẻ như tự trấn an “đứa trẻ bên trong đang ăn vạ trên đường trưởng thành”, rồi sang đến “Đối thoại” là những lời tâm can san sẻ cùng Gen Z lẫn Gen Z(à) để tìm sự ủi an. Mỗi câu, mỗi lời tâm tình thủ thỉ đều quá đỗi chân thành, như chính lời tác giả tự nhận thì đây “chính là những ghi chép trong lúc ‘khóc một trận đã đời’, rồi từ nay, chỉ nhìn về phía trước”.
Kể từ khi xuất bản tác phẩm đầu tay Ngày trôi về phía cũ… vào năm 2012, đến nay Anh Khang đã trở thành “tác giả triệu bản” với nhiều tác phẩm nhận được sự đón nhận nồng nhiệt của độc giả. Anh còn được bạn đọc thương tặng tên gọi “nhà văn của những nỗi buồn tuổi trẻ” vì những chia sẻ sâu sắc và đầy cảm thông trong từng trang sách. Sách Bước qua nước mắt, tự khắc trưởng thành đánh dấu sự trở lại của Anh Khang sau 4 năm tạm vắng mặt trên văn đàn, đồng thời cũng là món quà tri ân dành tặng cho thế hệ độc giả đã trưởng thành cùng những bài viết của anh.
Đến với sự kiện giao lưu và ký tặng, độc giả sẽ có cơ hội trò chuyện cùng nhà văn Anh Khang và lắng nghe anh chia sẻ về những thăng trầm trong quá trình sáng tác cuốn Bước qua nước mắt, tự khắc trưởng thành. Đặc biệt, sự kiện còn chào đón sự góp mặt của ca sĩ - nhà văn Hamlet Trương.
Giao Lưu & Ký Tặng: Bước Qua Nước Mắt, Tự Khắc Trưởng Thành
Thời gian: 16:00 – Thứ bảy, ngày 16.11.2024
Địa điểm: Sân khấu A – Đường sách TP. Hồ Chí Minh (Nguyễn Văn Bình, P. Bến Nghé, Q.1, TP. HCM)
Vào cửa tự do
Về tác giả:Quách Lê Anh Khang
Công việc chính là làm báo, công việc phụ là làm mệt mình bằng những cảm xúc đa mang. Mọi nghề nghiệp đã và đang làm như phóng viên, biên tập viên, PR, MC... đều có vẻ khá nghiệp dư, nhưng lại rất chuyên nghiệp trong vai trò làm “người độc thân nhạy cảm”.
Ngày sinh: 11/8
Cung Hoàng đạo: Sư Tử (Leo)
Cử nhân khoa Báo chí & Truyền thông – Đại học KHXH&NV TP.HCM
Sách đã xuất bản:
Ngày trôi về phía cũ... (2012)
Đường hai ngả, người thương thành lạ (2013)
Buồn làm sao buông (2014)
Đi đâu cũng nhớ Sài Gòn và... Em (2015)
Thương mấy cũng là người dưng (2016)
Trời vẫn còn xanh, em vẫn còn anh (2017)
Người xưa đã quên ngày xưa (2018)
Những năm tháng đó, có tôi yêu người (2019)
Thả thính chân kinh (2020)
Bước qua nước mắt, tự khắc trưởng thành (mới xuất bản – năm 2024)