Trích đăng

Chương 1 “Đừng nói chúng ta không lợi quyền” – Madeleine Thien

Madeleine Thien dẫn dắt người đọc đi sâu vào cuộc sống đầy biến động của một gia đình Trung Hoa qua hai thế hệ tiếp nối nhau: thế hệ những người sống qua cuộc Cách mạng Văn hóa của Mao Trạch Đông giữa thế kỷ XX, rồi đến đời con cái của họ – những sinh viên tham gia biểu tình ở Quảng trường Thiên An Môn (1989), Hành trình của hai cô gái trẻ Marie và Ai-Ming không chỉ ráp nối lại từng mảnh ghép của câu chuyện gia đình, mà còn dần hé lộ những bi kịch của một giai đoạn đầy biến động trong lịch sử Trung Quốc, khi mỗi người nghệ sĩ phải đấu tranh với chính cái tôi của mình để sống còn, giữ vững lòng trung thành và cống hiến cho nền âm nhạc mà mình đang theo đuổi.

Published

on

[Trích đoạn Chương 1] Đừng nói chúng ta không lợi quyền

Trích từ: Đừng nói chúng ta không lợi quyền

Tác giả: Madeleine Thien

Đơn vị giữ bản quyền: Phương Nam Book

Phát hành: tháng 1.2019

*

Trong vòng một năm, cha bỏ chúng tôi hai lần. Lần đầu tiên là khi ông kết thúc cuộc hôn nhân, và lần thứ hai, là khi ông tự kết liễu mình. Vào năm 1989 đó, mẹ tôi bay tới Hồng Kông và đưa cha tôi về an nghỉ ở một nghĩa trang gần biên giới Trung Quốc. Sau đấy, lòng rối bời, bà vội vã trở về nhà ở Vancouver nơi tôi đang ở một mình. Khi đó tôi mười tuổi.

Đây là những gì tôi nhớ:

Cha tôi có khuôn mặt đẹp trai không tuổi; ông là một người tử tế nhưng u sầu. Ông đeo kính không gọng và tròng kính mang lại ấn tượng là chúng chỉ lơ lửng ngay trước mặt ông như tấm màn mỏng nhất. Đôi mắt ông nâu sẫm, thận trọng và bất an; ông chỉ mới 39 tuổi. Cha tôi tên là Jiang Kai và ông sinh ra tại một làng nhỏ ngoại vi Trường Sa[1]. Sau này, khi tôi biết được rằng cha tôi là một nghệ sĩ dương cầm nổi tiếng ở Trung Quốc, tôi nghĩ đến cách những ngón tay ông gõ trên bàn bếp, cách chúng nhẹ gõ qua mặt bàn và trên đôi cánh tay mềm của mẹ tôi cho tới tận đầu những ngón tay, khiến bà phát điên và khiến tôi bùng lên niềm vui thú. Ông đặt cho tôi tên tiếng Trung là Jiang Li-ling và tên tiếng Anh là Marie Jiang. Khi ông mất, tôi mới chỉ là một đứa trẻ, và cho dù có rời rạc và không chính xác thì một vài ký ức vẫn là tất cả những gì tôi có về ông.

Tôi không bao giờ để mất chúng.

Trong những năm tháng tuổi hai mươi, những năm tháng khó khăn sau khi cả cha mẹ tôi đều đã mất, tôi toàn tâm toàn ý dành thời gian cho quan sát số, giả thuyết, lô-gích và chứng minh, đây là những công cụ mà các nhà toán học chúng tôi dùng không chỉ để diễn giải, mà còn đơn giản là để mô tả thế giới. Suốt chục năm qua tôi là giáo sư tại Đại học Simon Fraser, Canada. Các con số cho phép tôi di chuyển giữa một lượng lớn không tưởng và một lượng nhỏ vô cùng, cho phép tôi sống một cuộc đời biệt lập khỏi cha mẹ tôi, khỏi những giấc mơ không được hồi đáp của họ, và như tôi từng nghĩ, để sống cuộc đời của chính tôi.

Mấy năm trước, hồi năm 2010, trong khi đi dạo nơi phố Tàu ở Vancouver, tôi đi qua một tiệm bán đĩa DVD. Tôi nhớ rằng trời đang đổ mưa và trên vỉa hè không có ai. Tiếng nhạc cổ điển vang lên từ hai cái loa vĩ đại nằm bên ngoài tiệm. Tôi biết bản nhạc đó, bản Xô-nát số 4 dành cho dương cầm và vĩ cầm của Bach, và tôi bị kéo về phía bản nhạc một cách mãnh liệt như thể ai đó đang dùng tay kéo tôi lại. Bản hòa âm mang nhà soạn nhạc, các nhạc công và thậm chí cả sự im lặng lại với nhau, bản nhạc ấy, với những con sóng xoắn ốc từ nỗi buồn và lòng oán giận là tất cả những gì tôi nhớ.

Choáng váng, tôi dựa vào lớp kính.

Và rồi đột nhiên tôi đang ở trong xe ô-tô với cha tôi. Tôi nghe tiếng mưa văng lên lốp và tiếng cha tôi hát nho nhỏ.

Ông sống động quá, thương yêu quá, đến nỗi sự khó hiểu về việc ông tự sát lại một lần nữa khiến tôi buồn ghê gớm. Lúc đó cha tôi đã mất được hai thập kỷ, và mảnh ký ức về ông tinh nguyên đến như vậy chẳng bao giờ trở lại với tôi nữa. Khi ấy tôi ba mươi mốt tuổi.

Tôi đi vào tiệm. Người nghệ sĩ dương cầm với cái tên Glenn Gould xuất hiện trên màn hình phẳng: ông và Yehudi Menuhin đang trình diễn bản xô-nát của Bach mà tôi đã nhận ra. Glenn Gould đang cong mình trên chiếc dương cầm, ông mặc bộ lễ phục sẫm màu và đang nghe những giai điệu vượt quá tầm mà phần lớn chúng ta có khả năng cảm nhận, ông ta… quá đỗi thân thuộc đối với tôi, giống như cả một ngôn ngữ, cả một thế giới mà tôi đã quên.

Vào năm 1989, cuộc sống trở thành một chuỗi những việc cần thiết hàng ngày đối với mẹ con tôi: đi làm và đi học, xem ti-vi, ăn, ngủ. Lần ra đi đầu của cha tôi xảy đến cùng lúc với những sự kiện quan trọng diễn ra ở Trung Quốc, mẹ tôi chăm chăm xem tin tức về những sự kiện đó trên kênh CNN. Tôi hỏi bà những người biểu tình đó là ai, bà nói rằng họ là sinh viên và dân thường. Tôi hỏi liệu cha tôi có ở đó, và bà nói “Không đâu, đó là Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh.” Các cuộc biểu tình khiến hơn một triệu người dân Trung Quốc xuống đường bắt đầu vào tháng Tư, khi cha vẫn sống với chúng tôi, và tiếp tục đến sau khi ông biến mất để tới Hồng Kông. Và rồi, vào ngày 4 tháng Sáu, cũng như những ngày, rồi những tuần sau đó, mẹ tôi khóc. Tôi ngó bà hết đêm này đến đêm kia. Cha đã rời khỏi Trung Quốc vào năm 1978 và bị cấm quay trở lại. Nhưng sự khó hiểu của tôi gắn liền với những điều tôi có thể thấy: đó là những hình ảnh hỗn loạn và khủng khiếp của người và xe tăng, và hình ảnh mẹ tôi trước màn hình.

Mùa hè năm đó cảm tưởng như một giấc mơ, tôi tiếp tục các bài học thư pháp ở trung tâm văn hóa gần nhà, dùng bút lông và mực sao chép thơ tiếng Trung, hết dòng này đến dòng khác. Nhưng những từ tôi có thể nhận ra được không nhiều, những từ như Đại, Tiểu, Nữ, Nguyệt, Thiên. Cha tôi nói tiếng Quan Thoại còn mẹ nói tiếng Quảng Đông, nhưng tôi chỉ rành tiếng Anh. Hồi đầu, những hình ghép tiếng Trung dường như là một trò chơi hay thú vui, nhưng rồi việc không hiểu được bắt đầu gây trở ngại cho tôi. Tôi viết đi viết lại những ký tự mà tôi không thể đọc được, càng viết càng lớn cho tới khi phần mực thừa làm ướt đẫm tờ giấy mỏng rồi xé mất tờ giấy. Tôi chẳng quan tâm. Tôi không đến lớp nữa.

Vào tháng Mười, hai sĩ quan cảnh sát đến cửa nhà chúng tôi. Họ báo cho mẹ biết rằng cha đã đi rồi, và rằng văn phòng điều tra ở Hồng Kông sẽ lo trường hợp này. Họ nói cái chết của cha là do tự sát. Sau đó, sự im lặng trở thành một người nữa sống trong nhà chúng tôi. Nó ngủ trong tủ đồ cùng với áo, quần và giày của cha, nó bảo vệ những bản nhạc của Beethoven, Prokofiev và Shostakovich, đám mũ, chiếc ghế bành và chiếc cốc đặc biệt của cha. Im lặng chuyển vào tâm trí chúng tôi và dữ dội như biển cả trong mẹ con tôi. Mùa đông năm đó, Vancouver thậm chí còn xám hơn và ướt át hơn lệ thường, như thể làn mưa là chiếc áo len dày mà chúng tôi không thể cởi ra được. Tôi đi ngủ mà vẫn chắc rằng đến sáng, cha sẽ đánh thức tôi dậy như ông luôn làm, giọng ông kéo tôi ra khỏi giấc ngủ, cho tới khi ảo tưởng trộn lẫn với mất mát và gây đau đớn hơn nhiều cảm xúc mang tới trước đó.

Tuần theo tuần trôi qua, và năm 1989 chuyển thành 1990. Mẹ con tôi ăn tối trên ghế xô-pha mỗi tối vì không có chỗ trên bàn ăn. Giấy tờ pháp lý của cha tôi bao gồm các chứng chỉ đủ loại và chứng nhận khai thuế đã được sắp xếp, nhưng các giấy tờ linh tinh vẫn còn. Khi mẹ kiểm tra căn hộ triệt để hơn, các giấy tờ khác được tìm thấy, bao gồm các bản nhạc, một nắm thư từ cha tôi viết nhưng chưa từng gửi (ví dụ như “Chim Sẻ ơi, em không biết liệu lá thư này có tới được với anh không, nhưng…”), và ngày càng nhiều những cuốn sổ. Khi tôi thấy những món đồ này cứ tăng lên, tôi hình dung mẹ tin rằng cha sẽ tái sinh trong một khối hình bằng giấy. Hoặc có thể là giống như tổ tiên mình, bà tin rằng chữ viết trên giấy là bùa hộ mệnh và bằng cách nào đó có thể bảo vệ chúng tôi khỏi nguy hại.

Hầu hết các đêm, mẹ ngồi với đám giấy tờ trong khi vẫn mặc nguyên đồ công sở.

Tôi cố gắng không làm phiền bà. Tôi ở trong phòng khách sát bên và thỉnh thoảng nghe thấy trang giấy giở gần như không phát ra tiếng động.

Nghe thấy hơi thở yên lặng của bà.

Nghe thấy mưa rào chảy xuống khung cửa sổ.

Chúng tôi bị ngưng lại trong dòng thời gian.

Hết lần này đến lần khác, chiếc xe buýt điện số 29 ồn ào chạy qua.

Tôi tưởng tượng ra những cuộc nói chuyện. Tôi cố hình dung cha tái sinh ở thế giới bên kia, đang mua một cuốn nhật ký mới, dùng một loại tiền mới, và nhét tiền thừa vào túi chiếc áo khoác mới, chiếc áo nhẹ làm từ lông vũ, hoặc có thể là áo trùm làm bằng lông lạc đà, áo này đủ chắc cho cả thiên đàng và thế giới bên kia.

Trong lúc đó, mẹ tôi làm mình sao lãng bằng việc cố gắng tìm gia đình của cha tôi để báo cho họ biết rằng người con trai, người anh hay người chú đã mất tích từ lâu của họ không còn sống trên đời này nữa, bất kể họ đang ở đâu. Bà bắt đầu với việc tìm kiếm người cha nuôi của cha, ông từng sống ở Thượng Hải và được biết đến như là “vị Giáo sư”. Ông là người thân duy nhất cha từng nhắc đến. Công cuộc tìm kiếm thông tin diễn ra chậm chạp và nhẫn nại; thời đó chưa có thư điện tử hay mạng Internet, vì thế việc mẹ gửi thư đi thì dễ nhưng khó nhận được câu trả lời chính xác. Cha tôi đã rời Trung Quốc từ lâu và nếu Giáo sư vẫn còn sống, ông phải già lắm rồi.

Bắc Kinh mà chúng tôi thấy trên ti-vi với những nhà xác và những gia đình đau buồn, với xe tăng đóng ở mỗi ngã tư, trang bị đầy súng trường, là một thế giới khác xa với Bắc Kinh mà cha tôi từng biết. Tuy thế, thỉnh thoảng tôi nghĩ, cuối cùng thì cũng không khác nhau nhiều lắm.

Vài tháng sau, tháng Ba năm 1990, mẹ đưa cho tôi xem cuốn Những Bản Ghi. Đêm hôm đó, mẹ ngồi chỗ quen thuộc nơi bàn ăn, đọc cuốn sổ. Cuốn sổ trong tay bà dài và hẹp, kích thước như một cánh cửa nhỏ. Cuốn sổ có một sợi dây cô-tông màu hồ đào buộc hờ lại.

Quá giờ đi ngủ của tôi đã lâu, đột nhiên mẹ để ý thấy tôi.

“Có việc gì với con thế hả!” Bà nói. Và rồi, bối rối bởi chính câu hỏi của mình, bà tiếp: “Con đã làm xong bài tập về nhà chưa? Mấy giờ rồi?”

Tôi đã làm xong từ lâu lắm, và giờ đang xem một bộ phim kinh dị tắt tiếng. Tôi vẫn còn nhớ đó là cảnh một người đàn ông vừa bị giết bằng một chiếc cuốc băng. “Nửa đêm rồi ạ,” tôi nói, thất thần vì ông ta đã mềm như bún.

Mẹ tôi đưa một tay ra và tôi tới chỗ bà. Bà ôm một tay quanh eo tôi, siết chặt. “Con có muốn xem thứ mẹ đang đọc không?”

Tôi nghiêng người qua cuốn sổ và chăm chú nhìn đám chữ. Các ký tự tiếng Trung chạy xuống trang giấy như những dấu chân thú trên tuyết.

“Đó là một câu chuyện,” mẹ nói.

“Thế ạ. Thể loại gì ạ?”

“Mẹ nghĩ đó là tiểu thuyết. Một người ưa mạo hiểm tên là Da-wei giong buồm về châu Mỹ và một nữ anh hùng tên là May Fourth[2] đi bộ qua sa mạc Gobi…”

Tôi cố gắng hơn nữa nhưng những từ ngữ vẫn không thể đọc được.

“Ngày xưa người ta sao nguyên cả quyển sách bằng cách chép tay,” mẹ nói. “Người Nga gọi đó là ‘samizdat’, còn người Trung Quốc gọi là… ờ, mẹ không nghĩ là mình có một từ riêng cho việc đó. Con nhìn xem cuốn sổ này bẩn chưa, có cả ít cỏ trên sổ nữa. Ai mà biết được bao nhiêu người đã mang cuốn sổ tới những nơi nào… cuốn sổ này tuổi đời hơn con mấy chục năm đấy, Li-ling.”

Tôi tự hỏi có thứ gì ít tuổi hơn mình không? Rồi tôi hỏi bà liệu có phải cha đã sao chép cuốn sổ.

Mẹ lắc đầu. Bà nói chữ viết đẹp lắm, phải từ một nhà thư pháp tài giỏi, chứ chữ viết của cha thì chỉ tàm tạm thôi. “Cuốn sổ này là một chương của một cuốn sách dài. Ở đây có ghi ‘Số 17’. Không thấy ghi tên tác giả, nhưng con xem này, có tựa đề là ‘Những Bản Ghi’”.

Bà đặt cuốn sổ xuống. Trên bàn ăn, giấy tờ của cha chất đống như những đợt sóng bạc đầu lao về phía trước, như muốn lao khỏi mặt bàn mà đổ xuống mặt thảm. Tất cả đám thư từ của chúng tôi cũng nằm đó. Từ năm mới đến nay, mẹ bắt đầu nhận được thư từ Bắc Kinh, đó là những lời chia buồn của các nhạc công trong Dàn nhạc Giao hưởng Trung ương, mãi gần đây họ mới biết về cái chết của cha. Mẹ đọc những lá thư này với quyển từ điển trong tay bởi chúng được viết bằng tiếng Trung Giản thể, kiểu chữ mẹ chưa từng học. Mẹ tôi được giáo dục ở Hồng Kông, bà học chữ tiếng Trung truyền thống. Nhưng ở đại lục, trong những năm 1950, một bảng chữ mới đơn giản hơn đã trở thành luật tại Trung Hoa Cộng sản. Hàng ngàn từ đã thay đổi; ví dụ, từ “viết” đổi từ 寫 thành 写, từ “biết” đổi từ 識 thành 识. Thậm chí từ “Đảng Cộng sản” cũng đổi từ 共產黨 thành 共产党. Đôi khi mẹ nhìn ra được từ cũ, còn lại mẹ đoán nghĩa. Bà bảo giống như là đọc một lá thư từ tương lai hoặc nói chuyện với một người quay lưng về phía mình vậy. Đã thế còn thêm phức tạp vì thực tế là hiếm khi bà đọc tiếng Trung nữa, bà chủ yếu bộc lộ suy nghĩ bằng tiếng Anh. Bà không thích tiếng Quan Thoại của tôi vì bà nói “Trọng âm của con méo mó hết thảy.”

“Ở đây lạnh quá,” tôi thì thầm. “Mẹ con mình mặc đồ ngủ rồi vào giường đi mẹ.”

Mẹ nhìn cuốn sổ chằm chằm, không nghe thấy.

“Đến sáng mẹ sẽ bị mệt đấy,” tôi khăng khăng. “Mẹ sẽ ngủ gà gật tới hai chục lần cho xem.”

Mẹ mỉm cười nhưng đôi mắt sau cặp kính căng lại vì điều gì đó. “Đi ngủ đi con,” bà nói. “Đừng thức chờ mẹ.”

Tôi hôn gò má mềm mại của bà. Bà hỏi, “Nhà sư nói gì với thợ làm bánh pizza?”

“Nói gì ạ?”

“Làm cho tôi một cái đầy đủ các thứ.”

Tôi cười lớn, rên rỉ rồi lại cười lớn, đoạn rùng mình khi nghĩ đến nạn nhân trong bộ phim trên ti-vi, nghĩ đến làn da trắng bệch của ông ta. Mỉm cười, bà kiên quyết dùng khuỷu tay đẩy tôi ra.

Nằm trên giường, tôi cân nhắc mấy điều thực tế.

Điều đầu tiên là ở lớp Năm mà tôi đang theo học, tôi là một người khác hẳn. Tôi rất thuần hậu, biết cư xử và đạt kết quả tốt đến nỗi tôi phải tự hỏi liệu bộ não và linh hồn mình có tách biệt không.

Điều thứ hai là tại những nước nghèo hơn, người như mẹ con tôi sẽ không cô đơn đến thế này. Trên ti-vi, những nước nghèo đông đúc lắm, họ là những chiếc thang máy quá tải đang cố vươn lên trời cao. Người ta ngủ tới sáu người chung một giường và cả tá người chung một phòng. Ở đó bạn có thể luôn nói lớn suy nghĩ của mình, yên tâm là sẽ có ai đó nghe thấy bạn kể cả nếu họ không muốn. Thật ra, cách trừng phạt một người chắc là loại bỏ họ khỏi gia đình và bè bạn, cô lập họ ở một đất nước lạnh lẽo và phá vỡ họ bằng nỗi cô đơn.

Điều thứ ba không phải là một thực tế mà là một câu hỏi:

Vì sao tình yêu của chúng tôi lại không mấy ý nghĩa đối với cha?

Hẳn là tôi đã ngủ, vì thình lình tôi thức dậy và thấy mẹ đang khom người phía trên tôi. Ngón tay bà lau mặt tôi. Tôi chẳng bao giờ khóc vào ban ngày cả, chỉ đêm thôi.

“Đừng thế này, Li-ling,” mẹ nói. Bà lẩm bẩm nhiều thứ. Bà nói, “Nếu con bị mắc kẹt trong một căn phòng và không ai đến cứu con thì con có thể làm gì? Con phải đập mạnh vào tường và phá cửa sổ. Con phải trèo ra và cứu chính mình. Li-ling à, hiển nhiên là khóc không giúp người ta sống sót đâu.”

“Tên con là Marie,” tôi gào. “Là Marie!”

Bà mỉm cười. “Con là ai?”

“Con là Li-ling!”

“Con là Nữ.” Bà dùng tên ở nhà cha gọi tôi, vì chữ “nữ” vừa có nghĩa là nữ, vừa có nghĩa là con gái. Ông thích nói đùa là ở nơi ông sinh ra, người nghèo còn chẳng buồn đặt tên cho con gái họ. Mẹ sẽ đánh vào vai ông và nói bằng tiếng Quảng Đông, “Đừng tiêm nhiễm mấy thứ vớ vẩn vào đầu óc con bé.”

Được bảo bọc trong vòng tay mẹ, tôi cuộn mình vào giấc ngủ một lần nữa.

Sau đó tôi thức giấc nghe tiếng mẹ lẩm bẩm dòng suy tư và bà đang cười nhẹ. Sáng mùa đông thật tối tăm, nhưng tiếng cười bất chợt của mẹ cắt ngang phòng như tiếng kêu của chiếc máy sưởi điện. Da bà thơm mùi gối sạch và mùi kem hương hoa mộc tê ngọt ngào mà bà dùng.

Khi tôi thì thầm tên bà, bà lẩm bẩm, “Ha.” Rồi sau đó, “Ha ha.” Tôi hỏi bà, “Mẹ đang bước đi trên đất liền hay dưới biển vậy?”

Với vẻ rất khác lạ, bà nói, “Ông ấy đây rồi.”

“Ai cơ ạ?” Tôi cố nhìn trong bóng tối của căn phòng. Tôi thực sự tin là ông ấy ở đây.

“Người nhận nuôi. Người… Ừm… Vị Giáo sư đó.”

Tôi nắm chặt tay bà. Phía bên kia tấm màn cửa, bầu trời đang đổi màu. Tôi muốn theo bà đi vào quá khứ của cha, vậy nhưng tôi không tin được. Người ta có thể đi xa vào ảo tưởng, họ có thể thấy điều gì đó quá thu hút khiến họ không màng quay lại. Tôi sợ rằng giống như cha, bà sẽ không còn nhớ lý do để về nhà nữa.

Cuộc sống bên ngoài, từ việc bắt đầu năm học mới, các bài kiểm tra thường kỳ, đến các trại toán học đầy vui thú, vẫn tiếp tục như thể chưa từng dừng lại, cuộc sống ấy được lái về phía trước bởi các mùa vòng đi vòng lại. Áo hè và áo đông của cha vẫn chờ đợi bên cánh cửa, bên dưới mũ và phía trên giày của ông.

Sớm tháng Mười hai, một phong bì thư dày được gửi đến từ Thượng Hải, một lần nữa mẹ ngồi xuống với cuốn từ điển. Cuốn từ điển cỡ nhỏ, bìa cứng cực kỳ dày với lớp bìa màu xanh lá và trắng. Khi tôi giở sách, các trang trong mờ và nhẹ gần như không khí. Đây đó, tôi thấy một vệt dầu mỡ hoặc vết cà phê hình khuyên, chắc là do cốc cà phê của mẹ hoặc có thể của tôi cũng nên. Mỗi từ được viết dưới phần gốc của từ đó, hay còn gọi là ngữ căn. Ví dụ như từ 門 nghĩa là “môn” (cánh cổng), nhưng nó cũng là một ngữ căn, có nghĩa nó là một khối cơ sở xây nên các từ và khái niệm khác. Nếu ánh sáng, hay “nhật” 日, soi sáng qua “môn”, chúng ta có từ “không gian” 間. Nếu có chữ “mã” 馬 trong “môn”, nó có nghĩa là sự mai phục 闖, và nếu có chữ “khẩu” 口 trong “môn”, chúng ta có từ “câu hỏi” 問. Nếu có chữ “thị” (mắt) 目 và “cẩu” 犬 bên trong, chúng ta có từ “yên lặng” 闃.

Lá thư từ Thượng Hải dài ba mươi trang được viết bởi một bàn tay viết rối; sau vài phút tôi thấy mệt khi nhìn mẹ khó khăn đọc nó. Tôi đi ra phòng trước và chằm chằm nhìn sang hàng xóm. Ngang qua sân, tôi thấy một cây thông Noel khốn khổ. Trông như thể ai đó đã cố gắng làm cái cây ngộp thở bằng vòng kim tuyến.

Mưa trút xuống và gió thổi qua. Tôi mang cho mẹ một cốc kem trứng.

 “Thư mang tin tốt không ạ?”

Mẹ đặt những trang thư xuống. Hai mí mắt bà trông sưng lên. “Đây không phải là điều mẹ chờ đợi.”

Tôi đưa ngón tay chạy ngang qua phong bì và bắt đầu giải nghĩa tên người gửi. Cái tên đó khiến tôi ngạc nhiên. “Một phụ nữ ạ?” Tôi hỏi, đột nhiên thấy sợ.

Mẹ gật đầu.

“Bà ấy có một yêu cầu,” mẹ nói khi lấy phong bì từ tay tôi rồi đẩy nó xuống dưới mấy trang giấy. Tôi dịch lại gần mẹ hơn, như thể bà là một lọ hoa sắp rơi khỏi bàn, nhưng cặp mắt sưng tấy của mẹ mang một thứ cảm xúc không ngờ. Phải chăng là sự an ủi? Hay là, trước sự kinh ngạc của tôi, có lẽ nào đó là niềm hân hoan? Mẹ tiếp lời: “Bà ấy muốn xin một ân huệ.”

“Mẹ sẽ đọc lá thư cho con nghe chứ?”

Mẹ nhéo đầu sống mũi giữa hai mắt mình và nói. “Cả lá thư dài lắm. Bà ấy nói rằng đã nhiều năm rồi bà ấy không gặp cha con. Nhưng đã có lúc họ thân thiết như gia đình.” Mẹ ngập ngừng ở từ gia đình. “Bà ấy nói rằng chồng bà là giáo viên soạn nhạc của cha con ở Học viện Âm nhạc Thượng Hải. Nhưng rồi họ mất liên lạc với nhau trong những năm tháng khó khăn đó.”

“Những năm tháng khó khăn nào ạ?” Tôi bắt đầu nghi ngờ là cái ân huệ kia có liên quan đến đô-la Mỹ hoặc một cái tủ lạnh mới, và tôi sợ rằng bà sẽ bị lợi dụng.

“Trước khi con ra đời cơ, hồi những năm 1960. Khi cha con còn là một sinh viên nhạc.” Mẹ nhìn xuống với một biểu cảm không thể đọc được. “Bà ấy nói rằng năm ngoái cha con liên lạc với họ. Cha gửi thư cho bà ấy từ Hồng Kông vài ngày trước khi ông mất.”

Một chuỗi câu hỏi nảy ra trong tôi. Tôi biết mình không nên làm phiền bà nhưng cuối cùng chỉ vì muốn hiểu được câu chuyện, tôi hỏi, “Bà ta là ai ạ? Tên bà ta là gì?”

“Họ của bà ấy là Đặng.”

“Tên bà ta cơ ạ.”

Mẹ mở miệng nhưng không thốt ra lời nào. Cuối cùng, bà nhìn thẳng vào mắt tôi và nói, “Tên bà ấy là Li-ling.”

Bà ta có cùng tên với tôi, chỉ có điều viết bằng tiếng Trung giản thể. Tôi với tay về phía lá thư. Mẹ kiên quyết đặt tay lên tay tôi. Chặn trước câu hỏi tiếp theo của tôi, bà nói tiếp, “Ba mươi trang thư này nói về hiện tại chứ không phải quá khứ. Con gái của Đặng Li-ling đã đến Toronto nhưng hộ chiếu của con bé không thể sử dụng được. Con gái bà ấy không có nơi nào để đi và bà ấy cần sự giúp đỡ của chúng ta. Con gái bà ấy…” Mau lẹ, bà đẩy lá thư vào trong bì thư. “Con gái bà ấy sẽ tới sống với chúng ta một thời gian. Con có hiểu không? Lá thư này là về hiện tại.”

Tôi cảm thấy ruột gan vặn xoắn và thế giới đảo lộn tùng phèo. Vì sao một người lạ lại sống cùng chúng tôi chứ?

“Con gái bà ấy tên là Ai-ming,” mẹ nói, ráng đưa tôi về thực tại. “Giờ mẹ sẽ đi gọi điện để sắp xếp cho con bé đến đây.”

“Con và cô ta có cùng tuổi không?”

Trông mẹ bối rối. “Không đâu con, cô ấy hẳn phải mười chín tuổi rồi và đang là sinh viên. Đặng Li-ling nói rằng con gái bà ấy… bà ấy nói rằng Ai-ming dính vào rắc rối ở Bắc Kinh trong thời gian biểu tình Thiên An Môn diễn ra. Con bé đã chạy trốn.”

“Rắc rối thế nào ạ?”

“Đủ rồi,” mẹ tôi nói. “Đó là tất cả những gì con cần biết.” “Không! Con cần biết nữa.”

Bực bội, mẹ đóng mạnh cuốn từ điển lại. “Ai nuôi con lớn thế hả? Con còn quá bé để tọc mạch thế này!”

“Nhưng mà…“

“Đủ rồi.”

Mẹ chờ cho tới khi tôi vào giường mới gọi điện. Bà nói bằng tiếng mẹ đẻ của mình, tiếng Quảng Đông, với một ít tiếng Quan Thoại chen vào, thậm chí qua cánh cửa đóng, tôi có thể nghe thấy giọng bà ngấp ngứ với những thanh dấu vốn chưa bao giờ trở thành một phần ngôn ngữ tự nhiên đối với bà.

“Nơi cháu đang ở có lạnh lắm không?” Tôi nghe mẹ nói.

Rồi tiếp: “Cháu sẽ nhận vé xe buýt của hãng Greyhound ở…”

Tôi bỏ kính xuống rồi trông ra ngoài cửa sổ mờ mịt. Mưa nhìn như tuyết. Giọng mẹ nghe như tiếng nước ngoài.

Sau một hồi lâu im lặng, tôi đeo lại kính qua tai, trèo ra khỏi giường và đi ra ngoài. Mẹ đang cầm cây bút trong tay, một đống hóa đơn nằm trước mặt bà như thể chờ để sai khiến. Bà thấy tôi và hỏi, “Dép của con đâu?” Tôi nói là tôi không biết.

Mẹ bùng nổ. “Vào giường đi Nữ! Sao con không hiểu hả? Mẹ chỉ muốn một chút yên bình thôi! Con không bao giờ để mẹ một mình cả, con cứ nhìn mẹ và cứ như là con nghĩ mẹ sẽ…” Bà đập cây bút xuống. Một số mảnh vỡ ra và lăn qua sàn nhà. “Con nghĩ mẹ sẽ rời bỏ à? Con nghĩ mẹ ích kỷ như cha con à? Con nghĩ sẽ có lúc mẹ bỏ rơi con và làm con tổn thương như ông ấy đã làm à?” Một từ tiếng Quảng Đông dài dữ dội bùng ra, rồi bà tiếp: “Đi về giường đi!”

Trông bà có tuổi và mong manh quá, ngồi đó với cuốn từ điển cũ nặng nề.

Tôi lao vào phòng tắm, đóng sầm cửa, mở ra, rồi đóng sầm lớn tiếng hơn, và đổ ra khóc. Tôi mở nước vào bồn, nhận ra rằng quả thực điều tôi thật sự muốn là đi về giường. Những tiếng nức nở của tôi trở thành tiếng nấc, và khi tiếng nấc cuối cùng cũng ngưng, tất cả những gì tôi nghe được là tiếng nước rơi xuống. Ngồi lên cạnh bồn, tôi ngắm chân mình méo đi dưới làn nước. Cặp chân xanh xao của tôi gập lại khi tôi nhúng mình xuống nước.

Người cha trong ký ức trở lại với tôi. Ông đẩy băng cát-xét vào máy chạy cát-xét, bảo tôi cuộn cửa sổ xuống, rồi chúng tôi chạy xe tới Main Street, dọc theo Great Northern Way, kèn vang theo bản Công-xéc-tô Hoàng Đế của Beethoven do Glenn Gould trình diễn dưới sự chỉ huy của Leopold Stokowski. Những nốt nhạc lộn xộn chảy xuống như thác và lên vô tận, cha tôi chỉ huy bằng tay phải trong khi lái xe bằng tay trái. Tôi nghe tiếng ông ngân nho nhỏ, đầy giai điệu và gõ nhịp: DA! DA-de-de-de DA!

Da, da, da! Tôi có cảm giác rằng khi chúng tôi diễu hành trong khúc khải hoàn ngang qua Vancouver, khúc nhạc đầu tiên được tạo ra bởi cha tôi chứ không phải Beethoven. Tay ông chuyển động theo nhịp 4/4, điểm nhấn treo ngang giữa nhịp bốn và nhịp một, và tôi tự hỏi việc một người đã từng nổi tiếng, từng trình diễn tại Bắc Kinh trước mặt chính Mao Trạch Đông mà thậm chí không có một chiếc dương cầm trong nhà mình, việc đó có thể hiểu như thế nào? Phải chăng ông kiếm tiền bằng công việc trong một cửa tiệm? Thực ra, mặc dù tôi đã nài nỉ được học chơi vĩ cầm, câu trả lời của cha tôi luôn là “không”. Vậy mà giờ chúng tôi đang ở đây, băng ngang thành phố, được bao trùm trong giai điệu chiến thắng này, để cho quá khứ của cả Beethoven và của cha tôi, chưa bao giờ chết mà chỉ phản chiếu lại bên dưới kính chắn gió, rồi trỗi dậy và bao phủ chúng tôi như vầng mặt trời.

Chiếc xe hiệu Buick đó không còn nữa vì mẹ đã bán nó rồi. Mẹ đã luôn là người mạnh mẽ hơn cha, giống như cây xương rồng trong phòng khách – cái cây trong nhà duy nhất còn sống sót sau sự ra đi của cha. Để sống thì cha tôi cần nhiều hơn nữa. Nước trong bồn phủ qua người tôi. Xấu hổ vì để phí nước, tôi vặn mạnh khóa nước vào. Cha tôi từng nói rằng âm nhạc tràn đầy những khoảng lặng. Ông không để lại gì cho tôi hết, không thư từ, không nhắn gửi. Không một lời.

Mẹ gõ cửa.

“Marie ơi,” bà nói. Mẹ vặn tay nắm nhưng cửa bị khóa.

“Li-ling ơi, con có ổn không?”

Một khoảng lặng dài trôi qua.

Sự thật là tôi đã yêu cha nhiều hơn thế. Nhận thức đó đến với tôi cùng lúc khi tôi biết mà không chút hồ nghi rằng cha hẳn đã phải đau đớn lắm, rằng mẹ sẽ không bao giờ bỏ rơi tôi. Mẹ cũng đã yêu cha. Nước mắt rơi, tôi đặt hai bàn tay lên mặt nước. “Con chỉ muốn tắm thôi.”

“Ồ,” bà nói. Giọng bà dường như vang vọng lại trong chính chiếc bồn. “Đừng để bị lạnh trong đó nhé.”

Bà cố mở cửa lần nữa nhưng cửa vẫn khóa.

“Chúng ta sẽ ổn thôi,” cuối cùng bà nói.

Hơn tất thảy, tôi muốn đánh thức cả hai chúng tôi dậy khỏi giấc mơ này. Thay vì thế, tôi té nước một cách vô vọng lên dòng nước mắt của mình và gật đầu, “Con biết.”

Tôi lắng nghe tiếng dép của bà xa dần khi chúng rời đi.

Vào ngày 16 tháng 12 năm 1990, mẹ về nhà trong xe tắc-xi cùng với đứa con gái mới nhận, người đó không mặc áo khoác, chỉ quấn một chiếc khăn dày, mặc áo len, quần bò xanh và đi giày bằng vải bố. Trước đây tôi chưa từng gặp một cô gái người Trung Quốc – người cũng đến từ Trung Hoa đại lục giống cha tôi. Một đôi găng tay màu xám treo tòn ten từ một sợi dây quanh cổ cô ta, chúng lắc lư theo nhịp một cách căng thẳng trên đôi chân cô. Hai đầu chiếc khăn xanh viền tua, một ngã ra trước, một nằm phía sau, khiến cô trông giống như một học giả. Mưa đang rơi nặng hạt, cô ta bước đi, đầu cúi xuống, tay cầm chiếc va-li cỡ trung trông như trống rỗng. Cô ta xanh xao, tóc cô ta nhấp nhánh màu biển.

Tôi mở cửa ra như bình thường, mắt mở to như thể tôi không nghĩ có khách đến.

“Nữ ơi,” mẹ nói. “Cầm va-li đi con. Mau nào.”

Ai-ming bước vào nhà, dừng lại bên rìa thảm chùi chân. Khi tôi với tay cầm chiếc va-li, tay tôi tình cờ chạm tay cô ta, nhưng cô ta không rụt lại. Thay vì thế cô ta đưa bàn tay kia ra và nhẹ phủ lên tay tôi. Cô ta nhìn thẳng vào tôi với một sự cởi mở và hiếu kỳ đến mức khiến tôi xấu hổ mà nhắm mắt lại.

“Ai-ming à,” tiếng mẹ đang nói. “Để chị giới thiệu với em, đây là con gái của chị.”

Tôi rút tay ra và mở mắt.

Mẹ tôi vừa cởi áo khoác vừa liếc nhìn trước tiên là tôi, rồi đến căn phòng. Ghế xô-pha màu nâu với ba sọc màu lạc đà trông đã khá cũ, nhưng tôi đã trang hoàng nó với gối hoa và thú nhồi bông lấy từ giường tôi. Tôi cũng đã bật ti-vi lên để khiến căn phòng có diện mạo sống động hơn. Mẹ gật mạnh đầu với tôi. “Nữ à, chào cô con đi.”

“Ô kìa, cứ gọi em là Ai-ming là được rồi. Làm ơn ạ. Ừm, thật ra, em thích như vậy hơn.”

Để cả hai đều vừa lòng, tôi nói, “Xin chào.”

Đúng như tôi nghi ngờ, chiếc va-li rất nhẹ. Tay kia tôi đưa ra để cầm áo khoác cho Ai-ming, nhưng nhớ ra quá muộn là cô không mặc áo khoác. Tay tôi ve vẩy trong không khí như một dấu hỏi. Cô đưa tay ra nắm lấy tay tôi rồi bắt tay tôi thật chặt.

Đôi mắt cô dò hỏi. Tóc cô được ghim lại một bên và buông xõa phía bên kia, khiến cô tựa như luôn mãi ở góc nghiêng và đang chực quay sang tôi. Cô bỏ giày ra khỏi chân không một tiếng động trong khi vẫn nắm tay tôi, xong chiếc này đến chiếc kia. Những vệt mưa mờ đọng trên khăn của cô. Cuộc sống của chúng tôi đã thu nhỏ lại đến mức mà tôi không thể nhớ nổi lần cuối cùng một người lạ bước vào nhà chúng tôi là bao giờ nữa; sự hiện diện của Ai-ming khiến mọi thứ trở nên lạ lẫm, như thể những bức tường tụ lại gần hơn để ngó cô ấy. Đêm hôm trước, cuối cùng thì chúng tôi cũng đã xếp gọn giấy tờ, sổ sách của cha, đặt chúng vào các thùng rồi chất dưới bàn bếp. Giờ đây tôi thấy mặt bàn trống không đầy giả dối. Tôi lấy tay mình ra, bảo rằng tôi sẽ đặt va-li trong phòng cô ấy.

Mẹ chỉ cô đi xem quanh nhà. Tôi quay lại ghế xô-pha, giả vờ đang xem kênh Thời tiết, dự báo là mưa đến hết tuần, mưa đến hết năm 1990, mưa đến hết thế kỷ, thậm chí là đến hết phần còn lại của vô tận thời gian. Hai giọng nói vang lên tiếp nối nhau như những toa xe cáp treo, thi thoảng ngắt quãng bởi im lặng. Sự căng thẳng trong căn hộ trườn vào bên trong tôi và tôi có cảm giác rằng sàn nhà làm bằng giấy, rằng mọi chốn đều có chữ viết lên mà tôi không thể đọc được, và chỉ cần một cử chỉ không suy nghĩ cũng có thể nghiền nát toàn bộ nơi này.

Chúng tôi ngồi quanh bàn ăn tối cùng nhau. Mẹ đã bỏ đi một bên lá bàn, biến đổi chiếc bàn từ hình trứng sang hình tròn. Bà tự ngắt lời nói dông dài của mình để ném cho tôi một cái nhìn nói rằng, Thôi nhìn chằm chằm đi.

Thỉnh thoảng chân tôi lại tình cờ đá vào một trong những chiếc thùng dưới gầm bàn, khiến Ai-ming giật mình.

“Ai-ming, em có thấy trời lạnh không?” Mẹ nói một cách vui vẻ, lờ tôi đi. “Chính chị cũng chưa từng trải nghiệm mùa đông cho tới khi chị tới Canada.”

“Ở Bắc Kinh cũng có mùa đông nhưng em không thấy phiền. Thực ra nơi em lớn lên cách xa Bắc Kinh, nơi đó ở miền Nam nên nóng ẩm, vì vậy khi chuyển lên Bắc Kinh em mới biết cái lạnh là thế nào.”

“Chị chưa bao giờ đến thủ đô, nhưng chị nghe nói bụi bay đến từ các sa mạc phía tây.”

“Đúng ạ.” Ai-ming gật đầu, tươi cười. “Bụi dính vào quần áo với tóc, rồi cả vào đồ ăn thức uống nữa.”

Ngồi đối diện cô trên bàn, tôi có thể thấy cô đúng thực mười chín tuổi. Đôi mắt cô sưng tấy mệt mỏi, và không ngờ điều đó lại nhắc tôi nhớ tới khuôn mặt đau buồn của mẹ. Tôi nghĩ rằng, đôi khi bạn có thể nhìn một người và biết rằng họ chứa đầy từ ngữ. Có thể lời lẽ bị giữ lại vì nỗi đau hay sự riêng tư, hoặc là một sự lừa gạt. Có thể là những lời lẽ sắc như dao đang chờ rút máu. Tôi cảm giác như mình vừa là trẻ con vừa là người lớn. Tôi muốn mẹ con tôi được ở một mình, nhưng vì lý do nào đó không thể giải thích được, tôi cũng muốn được gần cô.

“Chữ ‘ming’ trong từ Ai-ming nghĩa là gì?” tôi hỏi bằng tiếng Anh, vừa đá một thùng để nhấn mạnh. “Chữ ‘ming’ có nghĩa là hiểu, hay nghĩa là số phận?” Cả hai người họ nhìn tôi.

“Ăn phần gà của con đi,” mẹ nói.

Người con gái quan sát tôi, vẻ mặt hài lòng. Cô vẽ một hình trong không trung giữa chúng tôi, 明 – “nhật” và “nguyệt” kết hợp lại nghĩa là hiểu biết hoặc sáng suốt. Đó là một từ thông dụng.

“Cha mẹ cô đặt tên theo nghĩa của từ aì-míng,” cô nói. “Nghĩa là ‘tôn vinh sự thông thái’. Nhưng cháu nói đúng, tiếng đó cũng chứa đựng hồ nghi. Nghĩa là… ừm, không phải là tôn vinh số phận đâu, mà là chấp nhận số phận.” Cô lại nhấc bát lên rồi thọc đầu đũa vào phần cơm mềm.

Mẹ hỏi xem cô có cần gì hoặc cô có muốn làm gì không.

Ai-ming đặt bát xuống. “Nói thật với chị, em có cảm tưởng như đã lâu lắm rồi không có lấy một giấc ngủ ngon. Em không thể nào nghỉ ngơi ở Toronto. Cứ mỗi vài tuần em lại di chuyển.” “Chuyển nhà à?” Mẹ hỏi.

Ai-ming run rẩy. “Em đã nghĩ là… em sợ cảnh sát. Em sợ họ sẽ gửi em về nước. Em không biết liệu mẹ em đã kể với chị hết mọi chuyện chưa. Em hi vọng vậy. Ở Bắc Kinh, em không làm gì sai cả, không phạm tội gì cả, nhưng kể cả thế… Dì và chú em giúp em rời khỏi Trung Quốc, em đi xuyên qua biên giới sang Kyrgyzstan và sau đó… chị mua vé cho em tới đây.

Bất chấp tất cả mọi điều, chị đã giúp em… Em rất biết ơn, em e là mình sẽ không bao giờ cảm ơn chị cho đủ. Em xin lỗi về mọi thứ…”

Trông mẹ ngượng ngùng. “Đây,” bà nói. “Ăn gì đi.”

Nhưng một thay đổi xuất hiện nơi Ai-ming. Hai tay cô run rẩy dữ dội đến nỗi không thể cầm đũa. “Mỗi ngày em nghĩ đi nghĩ lại về mọi chuyện nhưng em không thể hiểu nổi làm thế nào mình lại đến đây. Giống như em là một kẻ trốn chạy vậy. Ở nhà, mẹ em đang vật lộn. Em sợ giấc ngủ… đôi khi em mơ rằng tất cả những chuyện này không thật sự diễn ra, nhưng rồi việc thức dậy trở thành cơn ác mộng. Nếu mà em ở bên mẹ, giá mà cha em còn sống, giá mà ông đã không… nhưng điều quan trọng nhất là em phải khiến mình trở thành một điều gì đó, bởi vì ngay lúc này đây, em không có gì hết. Em còn không có cả hộ chiếu nữa. Em sợ dùng cuốn hộ chiếu em có lúc trước, bởi vì cuốn hộ chiếu đó là… bất hợp pháp. Cuốn hộ chiếu đó không phải của em, nhưng em không có lựa chọn nào khác. Em nghe nói là nếu có thể xuyên biên giới sang Mỹ thì ở đó có lệnh ân xá cho sinh viên Trung Quốc và em có thể đủ tiêu chuẩn. Kể cả nếu không có gì chăng nữa thì em cũng sẽ trả lại chị mọi thứ, em thề đấy. Em hứa mà.”

Zhí nǔ,” mẹ nghiêng người về phía cô và nói. Từ ấy khiến tôi lúng túng. Từ ấy có nghĩa “con gái của anh tôi”, nhưng mẹ không có anh em trai nào cả.

“Em muốn chăm sóc họ nhưng mọi thứ thay đổi nhanh quá. Mọi thứ đi sai hết cả.”

“Em không cần biện giải cho mình ở đây,” mẹ nói. “Chúng ta là gia đình, và đó không chỉ là lời nói đâu, em hiểu không? Nó có nghĩa hơn lời nói nhiều.”

“Và nữa,” Ai-ming nói, trở nên xanh xao, “em thật lòng chia buồn với sự mất mát của chị.”

Mẹ tôi và Ai-ming nhìn nhau. “Cảm ơn em,” mẹ nói. Những giọt nước mắt bất thần nơi mắt bà khiến mọi thứ trong tôi bất động. Bất chấp tất cả những gì chúng tôi đã trải qua, mẹ hiếm khi khóc. “Chị cũng chia buồn với sự mất mát của em. Chồng chị rất yêu thương cha em.”

Vào ngày thứ Bảy đầu tiên mẹ không phải đi làm, bà xuống phố rồi về nhà với tất, áo len, một đôi giày đi mùa đông cùng một áo khoác. Hồi đầu, Ai-ming ngủ rất nhiều. Cô thường xuất hiện từ phòng ngủ của mẹ với mái tóc rối, khi đang mặc đôi quần tất của tôi cùng chiếc áo phông cũ của mẹ. Ai-ming sợ đi ra ngoài, vì thế đã mấy tuần trôi qua trước khi cô đi đôi giày mới. Tuy nhiên cô mặc chiếc áo khoác hàng ngày. Vào các buổi chiều, cô đọc sách nhiều lắm, cô ngồi bên bàn ăn với một đống sách của cha tôi. Cô để hai tay trong túi áo khoác khi đọc và dùng một con dao phay để giữ sách thẳng ra. Đôi khi tóc cô trượt về phía trước che mất ánh sáng, khi ấy cô sẽ cuộn tóc lên rồi nhét búi tóc vào trong cổ áo len.

Một đêm, sau khi ở với chúng tôi chừng một tuần, cô bảo mẹ cắt tóc cho. Tôi nhớ là lúc ấy vừa sau Giáng sinh. Vì không phải đến trường nên tôi dành phần lớn thời gian ăn sô-cô-la Turtles trước truyền hình. Mẹ yêu cầu tôi qua giúp xịt nước từ bình nhựa vào tóc của Ai-ming nhưng tôi từ chối, nói là không nên cắt tóc vị khách của chúng tôi.

Hai người phụ nữ cười lớn. Ai-ming nói rằng cô muốn có vẻ ngoài hiện đại. Họ đi vào bếp rồi đặt các tấm giấy báo xuống, Ai-ming cởi áo khoác ra, trèo lên ngồi trên chiếc ghế đẩu kê chân để mái tóc dài của cô buông xõa tự do tiện đường cho mấy cây kéo của mẹ. Tôi đang xem một tập phim “The A-Team” nhưng tiếng kéo lách cách và tiếng họ cười khúc khích khiến tôi không thể tập trung được. Đến đoạn quảng cáo đầu tiên, tôi vào bếp xem họ làm đến đâu rồi.

Hai tay Ai-ming chắp lại như thể đang cầu nguyện, cô đảo mắt về phía tôi. Mẹ đã cắt một phần ba mái tóc của cô, phần đuôi tóc ướt nằm dài trên sàn như những sinh vật biển bị tàn sát. “Ôi,” tôi nói, “sao mẹ cắt thế này?”

Mẹ giơ vũ khí của mình lên. “Con là người tiếp theo đấy, Nữ.”

“Ma-li à, gần năm mới rồi. Đây là lúc cắt tóc.” Ai-ming khó phát âm cái tên Marie, vì vậy cô đã chọn một biến thể tiếng Trung, từ này trong từ điển có nghĩa là “khoáng chất hấp dẫn”.

Ngay lúc đó, mẹ cắt một đám tóc khá lớn nữa. Đám tóc lượn bay xuống sàn, như thể vẫn còn đang thở.

“Đây là năm mới ở Canada. Người Canada không cắt tóc vào năm mới. Họ uống rượu sâm-banh.”

Mỗi lần mẹ kéo cò chai nước nhựa, một làn hơi nước bao phủ Ai-ming, cô nhắm chặt mắt chống lại cái lạnh. Tôi quan sát Ai-ming biến đổi ngay trước mắt tôi. Ngay đến làn da tái của cô cũng bắt đầu có vẻ bớt tệ. Khi đã cắt tóc đến ngang vai, mẹ bắt đầu tạo dáng cho những lọn tóc nằm ngang qua trán Ai-ming theo phong cách sang chảnh rõ ràng. Cô rất, rất xinh đẹp. Đôi mắt sẫm màu trong veo, khuôn miệng như nụ hồng trên làn da của cô – giống như các nhà thơ vẫn tả. Gò má Ai-ming ửng hồng, sắc độ này chưa từng thấy chỉ một giờ trước, màu hồng càng ngày càng đậm mỗi lần mẹ nhìn cô chăm chú một lúc lâu nhằm đánh giá tác phẩm thủ công của mình. Họ quên hết về tôi.

Tôi quay lại căn phòng kia, danh sách những người làm phim “The A-Team” đang chạy. Tôi ngồi sụp xuống đi-văng, kéo gối lên đến ngực. Gần như ở cửa sổ nào đèn trang trí cũng đang tỏa sáng, chỉ mỗi cửa sổ nhà chúng tôi là không, và tôi có cảm giác rằng căn hộ của chúng tôi nằm dưới sự giám sát của một đám người ngoài hành tinh trong vật thể bay của họ, họ không chắc là liệu nên đỗ xuống Vancouver hay là bay đi nơi khác. Những người ngoài hành tinh đó đang hỏi lẫn nhau: Họ có sô-đa không nhỉ? Họ ăn đồ gì vậy? Có lẽ chúng ta nên chờ rồi quay lại vào mùa xuân nhỉ? Đỗ xuống đi, tôi bảo họ. Người ta không có cấu tạo để trôi nổi được trong không gian. Trừ khi chúng ta biết trọng lượng cơ thể mình và cảm nhận được trọng lực, nếu không chúng ta sẽ quên mất mình là gì, và sẽ để mất mình mà thậm chí còn không để ý.

Ai-ming đang đọc một trong những cuốn thơ song ngữ của cha tôi. Giờ tôi cầm cuốn sách lên, cuốn sách thân thuộc với tôi vì tôi đã dùng sách cho các bài học thư pháp. Tôi giở sách cho tới khi thấy một bài thơ mà tôi biết, bài thơ có các từ mà cha tôi gạch chân,

Ngắm từng chút một màn đêm quay đầu.

Tiếng dội trong nhà; muốn đi lên mà không dám.

Ánh sáng rực rỡ sau tấm mành; mong đi qua mà không thể.

Đau đớn lắm khi thấy chú chim nhạn trên trâm cài tóc của em.

Tôi thật xấu hổ khi thấy phượng hoàng trong gương của em.

Tôi trở về Hoành Đường lúc bình minh

Mờ dần đi như ánh sáng trên yên ngựa nạm ngọc.

Tôi đọc bài thơ hai lần rồi đóng sách lại. Tôi hi vọng rằng ở kiếp sau nơi cha tôi chuyển sinh, ông cũng đang đón Giáng sinh và năm mới, nhưng tôi sợ rằng ông đang cô đơn, và giống như Ai-ming, ông chưa tìm được một gia đình để bảo bọc ông. Bất chấp sự giận dữ của tôi đối với ông và nỗi đau không rời xa mình, tôi không thể hất bỏ lòng khao khát cho ông được hạnh phúc.

Đương nhiên không thể tránh khỏi việc Ai-ming khám phá ra những chiếc thùng dưới bàn. Vào tháng Một, tôi về nhà sau buổi học và thấy giấy tờ của cha bị mở ra hết, Ai-ming không di chuyển đám thùng mà đẩy bàn ăn về phía sau. Một thùng hoàn toàn trống rỗng. Các cuốn nhật ký của cha trải khắp bàn, khiến tôi nghĩ đến một phiên chợ trời nghèo nàn ở Vancouver. Tệ hơn nữa là Ai-ming có thể đọc được tất cả những ký tự mà tôi, đứa con gái duy nhất của ông, không thể đọc nổi một dòng.

Cô đang làm xà-lách cải bắp, cô đã mài quá nhiều cải ngựa đến nỗi tôi tự hỏi liệu từ xà-lách cải bắp có thực là cái tên phù hợp.

Tôi bảo rằng tôi không biết liệu bụng mình có thể tiêu hóa từng đó cải ngựa hay không.

Cô gật đầu bâng quơ và quăng đám cải bắp vào, đảo mạnh tay. Các nguyên liệu bay lên không trung rồi rơi xuống một chiếc bát. Ai-ming đang đeo chiếc tạp dề đề chữ “Canada: Thế Giới Hàng Xóm” của mẹ, chiếc áo khoác đông của cô nằm bên dưới.

Cô đi về bàn. “Có lần, hồi cô còn rất nhỏ, cô đã gặp cha cháu.”

Tôi đứng nguyên tại chỗ. Ai-ming và tôi chưa từng nói về cha. Việc cô biết cha tôi và chưa từng nhắc chuyện đó với tôi khiến tôi tràn ngập một nỗi thất vọng quá mãnh liệt đến khó thở.

“Chiều nay,” cô nói, “cô bắt đầu xem những thứ trong thùng. Đó là những món đồ của cha cháu đúng không?

Dĩ nhiên là cô biết mình nên xin phép trước, nhưng có bao nhiêu là sổ sách.”

Tôi đáp mà không nhìn cô. “Cha cháu chuyển đến Canada vào năm 1979. Đó là mười hai năm ghi chép. Cả cuộc đời ông. Ông hầu như không để lại gì cho mẹ con cháu cả.”

“Cô gọi những thứ này là phòng zá jì,” cô nói. “Nơi chứa những thứ không phù hợp. Những mẩu nhỏ thứ này thứ kia…”

Để nguôi cơn run rẩy bắt đầu từ ngực và giờ đang tỏa xuống tứ chi, tôi lặp đi lặp lại trong đầu từ mà Ai-ming đã dùng, từ đó tôi chưa từng nghe trước đây: zá jì.

“Cháu hiểu đúng không?” Cô nói. “Những thứ chúng ta chưa bao giờ nói ra sẽ kết thúc ở đây, nằm trong nhật ký và sổ sách, nằm tại những nơi riêng tư. Đến lúc chúng ta khám phá ra chúng thì đã quá trễ rồi.” Ai-ming đang giữ chặt một cuốn sổ. Tôi nhận ra nó tức thì: cuốn sổ dài nhưng mỏng có hình dạng như một cánh cửa nhỏ với dây buộc hờ bằng sợi cô-tông.

Đó là cuốn Những Bản Ghi.

“Thế cháu đã thấy cuốn sổ này chưa?” Khi thấy tôi vẫn không trả lời, cô mỉm cười buồn bã với tôi. “Đây là chữ viết tay của cha cô. Cháu thấy không? Chữ của ông ấy trông quá nghệ thuật và được viết ra quá dễ dàng. Ông luôn viết rất cẩn thận, kể cả nếu đó là một chữ dễ viết. Bản tính của ông là để ý đến từng chi tiết.”

Cô mở cuốn sổ. Những từ ngữ dường như nổi trên mặt giấy và chuyển động theo ý chúng. Tôi lui lại. Cô không cần chỉ cho tôi xem, tôi biết cuốn sổ trông thế nào.

“Cô có zá ji của chính mình,” cô nói tiếp. “Nhưng giờ nó ở khắp nơi và cô không biết làm sao để chứa nó. Cháu có biết vì sao chúng ta giữ ghi chép không Ma-li? Hẳn phải có lý do, nhưng giữ những thứ không đáng kể này thì ích gì chứ? Cha cô từng là một nhà soạn nhạc tài ba, một nhạc công tuyệt vời, nhưng ông đã từ bỏ tài năng ấy để có thể bảo vệ cô. Ông là con người ngay thẳng và trung thực, thậm chí cha cháu cũng muốn giữ một phần của ông ấy. Thậm chí cha cháu cũng yêu thương ông ấy. Nhưng họ đã để ông chết. Họ đã giết ông như thể ông là một con vật. Làm thế nào có ai đó có thể giải thích những điều này cho cô chứ? Nếu cha cô vẫn còn sống, cô đã không ở đây. Cô đã không phải ở một mình. Còn cha cháu, cha cháu sẽ không cần… Ôi Ma-li, cô xin lỗi. Cô rất xin lỗi.”

Ai-ming làm một điều mà tôi chưa từng thấy cô làm kể từ khi đến đây hơn một tháng trước. Cô không chỉ khóc, cô mất tự chủ đến nỗi không quay đi hay che mặt lại. Âm thanh đó khiến tôi rối loạn quá đỗi, tiếng khóc ai oán nho nhỏ ấy phá vỡ mọi thứ. Tôi nghĩ cô đang nói, “Hãy giúp tôi, hãy giúp tôi.” Tôi sợ rằng nếu tôi động vào cô, nỗi đau đớn nơi cô sẽ phình lên trong tôi và vĩnh viễn trở thành nỗi đau của chính tôi. Tôi không thể chịu đựng được. Tôi quay người khỏi cô. Tôi vào phòng mình và đóng cửa lại.

Căn phòng cảm giác rất nhỏ. Tôi thì thầm với chính mình, gia đình là chiếc hộp quý giá không thể mở ra đóng lại tùy ý chỉ bởi vì mẹ nói vậy. Bức ảnh cha trên tủ áo khiến tôi đau đớn quá đỗi. Không, không phải do bức ảnh của cha, mà là cảm giác nó gây ra, thứ cảm xúc tức tối này đã biến tất cả mọi thứ, kể cả tình yêu tôi dành cho mẹ và Ai-ming, trở nên cay đắng. Tôi muốn ném bức ảnh xuống sàn nhưng lại sợ rằng hình ảnh là thực, bức ảnh thực sự chứa đựng cha tôi, và nếu tôi làm hỏng nó thì ông sẽ không bao giờ có thể về nhà. Mưa bên ngoài nện vào dòng suy nghĩ của tôi. Dưới lớp kính cửa sổ, nước mưa thay đổi và trượt xuống, và tất cả những lạch nước nhỏ ấy trở thành những dòng lớn nhỏ, tụ lại và run rẩy, chúng bắt đầu khiến tôi khó nghĩ và thôi miên tôi. Phải chăng tôi cũng nhỏ nhoi như vậy? Liệu tôi có bao giờ thay đổi được gì không? Bỗng nhiên tôi nhớ mùi của cha, mùi đó ngọt ngào như lá non hoặc như cỏ mới cắt, đó là mùi hương xà phòng cha dùng. Giọng ông vang lên với cú pháp nghiêm trang kỳ cục, “Con gái muốn nói gì với cha nào? Vì sao con khóc?” Giọng ông không giống bất cứ giọng người sống nào.

Dù không mong muốn, tôi nhớ lại mình nghe lỏm mẹ nói rằng khi cha được tìm thấy, ông ấy hầu như không có đồ đạc gì cả. Mẹ lúc ấy đang nói chuyện trên điện thoại trong một cú gọi đường dài với một người bạn ở Hồng Kông. Bà nói rằng chiếc va-li đầy ắp khi ông rời đi giờ trống rỗng. Cha đã từ bỏ mọi thứ, bao gồm cả chiếc nhẫn cưới, máy chơi đĩa CD cầm tay hiệu Sony và nhạc của mình. Thậm chí ông còn không mang một tấm ảnh nào của chúng tôi. Mẩu giấy nhắn duy nhất ông để lại không phải là lời từ biệt. Mẩu giấy chỉ nói rằng ông có những khoản nợ không thể trả được, những thất bại ông không thể sống cùng, và rằng ông mong được chôn ở Hồng Kông nơi biên giới Trung Quốc. Ông nói rằng ông yêu chúng tôi.

Mỗi năm một lần, cha thường đưa chúng tôi đi nghe nhạc giao hưởng. Chẳng bao giờ chúng tôi có ghế tốt cả nhưng cha nói điều đó không thành vấn đề, quan trọng là được ở đó, là có mặt trong phòng khi bản nhạc, cho dù già cỗi đến mấy, được hồi sinh. Cha thường bảo rằng cuộc sống tràn đầy những trở ngại, và không ai có thể chắc chắn rằng ngày mai hay năm tới, mọi thứ sẽ vẫn y nguyên như vậy. Ông kể rằng khi ông còn là một cậu bé, người cha nuôi của cha, vị Giáo sư, đã đi cùng ông tới một buổi hòa nhạc ở Thượng Hải, và trải nghiệm đó đã mãi mãi thay đổi ông. Bên trong ông, những bức tường mà ông chưa từng biết đến sự tồn tại của chúng đột nhiên để lộ chính mình. “Cha biết là mình được số mệnh sắp đặt cho một cuộc đời kiểu khác,” ông nói. Một khi nhận thức được những bức tường này, tất cả những gì ông nghĩ được là làm sao để kéo ngã chúng.

“Những bức tường nào ạ?” Tôi hỏi.

Mìng,” ông nói. “Nghĩa là số phận.” Chỉ sau này khi tôi tra từ này một lần nữa, tôi mới biết rằng mìng có nghĩa là số phận, nhưng cũng có nghĩa là cuộc sống.

Tiếng gõ cửa đưa tôi về hiện tại với mưa, với căn phòng và với bản thân tôi.


[1] Thủ phủ tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc – ND.

[2] Nghĩa là ngày 4 tháng Năm – ND.

-Còn tiếp-

Tác phẩm được trích đăng với sự đồng ý của Phương Nam Book.

Trích đăng

Trích đăng “Hành trình người viết” – Christopher Vogler

Published

on

Trích từ: Hành Trình Người Viết
Tác giả: Christopher Vogler
Đơn vị giữ bản quyền: Phương Nam Book

Phát hành: tháng 11.2024
Tác phẩm được trích đăng với sự đồng ý của Phương Nam Book.

./.

HƯỚNG DẪN THỰC HÀNH

“Loài người thật ra chỉ có tầm hai hay ba câu chuyện thôi,

và chúng được lặp đi lặp lại mải miết cứ như lần đầu được kể.”

— Willa Cather, trong O Pioneers!

Về lâu dài mà nói, Người Hùng Mang Ngàn Gương Mặt của Joseph Campbell là một trong những quyển sách có sức ảnh hưởng lớn nhất thế kỷ 20.

Những tư tưởng mà quyển sách truyền tải đang ảnh hưởng to lớn tới cách thức kể chuyện. Các tay viết đang dần nhận thức rõ hơn về các hình mẫu trường tồn mà Campbell đã đưa ra, và góp phần làm giàu thêm bằng chính công sức của họ.

Hiển nhiên Hollywood cũng đã nhận ra công trình của Campbell hữu ích thế nào. Những nhà làm phim như George Lucas và George Miller đều bày tỏ lòng biết ơn tới Campbell, tầm ảnh hưởng của ông còn được thể hiện trong các phim của Steven Spielberg, John Boorman, Francis Coppola, Darren Aronofsky, Jon Favreau, và nhiều người khác.

Không có gì ngạc nhiên khi Hollywood rất ưng các tư tưởng mà Campbell trình bày trong tác phẩm của mình. Những khái niệm ông đưa ra như hộp dụng cụ vào nghề cho biên kịch, nhà sản xuất, nhà thiết kế… Chúng ẩn chứa đầy đủ các công cụ chắc chắn để phục vụ hoàn hảo cho mục đích sáng tác. Những công cụ này cho phép người dùng dựng nên câu chuyện đáp ứng đủ loại tình huống, một câu chuyện vừa có thể ẩn chứa bi kịch, lại vừa mang tính giải trí, và còn chuẩn xác về mặt tâm lý. Chúng cho phép người dùng chẩn đoán mọi vấn đề ẩn chứa trong các kịch bản khó nhằn, cũng như cung cấp giải pháp chỉnh sửa để đưa kịch bản lên tới tầm khả thi đỉnh cao của nó.

Thời gian là bảo chứng rõ ràng nhất cho tác dụng của hộp đồ nghề này. Chúng tồn tại lâu đời hơn cả những kim tự tháp, vòng tròn đá Stonehenge hay những hình vẽ sơ khai trên vách hang động.

Bộ công cụ này được Joseph Campbell hoàn thành khi ông bỏ công sức góp nhặt và quy mọi nhánh tư tưởng về một mối, sau đó nhìn nhận, diễn giải, đặt tên, và sắp xếp lại toàn bộ. Chính ông là người đầu tiên đem những hình mẫu chứa đựng trong các câu chuyện ra ánh sáng.

Người Hùng Mang Ngàn Gương Mặt là bản báo cáo của Campbell về cấu trúc bền vững nhất trong văn học, xét cả văn nói lẫn văn viết: thần thoại về người anh hùng. Trong nghiên cứu của mình về thế giới thần thoại, Campbell nhận ra rằng về bản chất mọi câu chuyện đều y hệt nhau, một cấu trúc lặp đi lặp lại bất tận với vô hạn biến thể.

Ông nhận ra rằng trong mọi cách kể chuyện, dù vô tình hay hữu ý, thì cũng theo các khuôn mẫu cổ đại từ thần thoại. Và mọi câu chuyện, từ những chuyện đùa thô thiển nhất cho tới đỉnh cao văn học, đều có thể diễn giải dựa trên Hành Trình Anh Hùng: vòng lặp hành trình cùng các nguyên tắc của nó.

Các hình mẫu trong Hành Trình Anh Hùng mang tính chung nhất, áp dụng ở bất kỳ nền văn hóa, bất kỳ thời điểm nào. Hệt như chính loài người chúng ta, khả năng biến thể tái lặp của các hình mẫu là vô hạn, dẫu cho bản chất nguyên thủy không hề thay đổi. Hành Trình Anh Hùng là một chuỗi các yếu tố bền bỉ bật lên từ sâu thẳm nhất trong tâm trí con người, có khác biệt qua các nền văn hóa, nhưng về bản chất vẫn là một.

Suy nghĩ của Campbell cũng song hành với nhà tâm lý học người Thụy Sỹ Carl G. Jung, người từng viết về các cổ mẫu (hoặc nguyên mẫu) như sau: chúng là những nhân vật hoặc nguồn năng lượng được lặp lại, liên tiếp, xuất hiện trong giấc mơ của mọi người và các câu chuyện thần thoại trong mọi nền văn hóa. Jung cũng gợi ý rằng những nguyên mẫu trên phản ánh những khía cạnh khác nhau của tâm trí con người, rằng bản dạng của chúng ta được phân thành nhiều tính cách để đối ứng với những thăng trầm khác nhau của cuộc đời. Ông nhận ra có sự tương thích mạnh mẽ giữa các hình ảnh trong giấc mơ của bệnh nhân mình chăm sóc với các cổ mẫu trong thần thoại. Ông cho rằng cả hai đều xuất phát từ những nguồn sâu thẳm hơn: vô thức tập thể (collective unconscious) của loài người.

Những nhân vật được lặp đi lặp lại trong thế giới thần thoại cũng chính là những thứ thường xuyên xuất hiện trong giấc mơ và tưởng tượng của chúng ta: các anh hùng trẻ tuổi, những bô lão thông thái, người biến hình, và các nhân vật phản diện núp trong bóng tối. Điều đó lý giải tại sao thần thoại và các câu chuyện được dựng nên từ hình mẫu của chúng đều chứa đựng triết lý về tâm lý.

Các câu chuyện như thế là những hình mẫu chính xác cho việc khai thác tâm trí con người, bản đồ chân thực của tâm hồn. Chúng chính xác về mặt tâm lý, và đưa ra cảm xúc chân thật ngay cả khi được dùng để diễn giải các sự kiện siêu phàm, phi thường, phi thực tế.

Vì lẽ đó, các câu chuyện trên đều sở hữu tính phổ quát. Bất cứ ai cũng có thể cảm thụ được sức hấp dẫn của những câu chuyện dựa trên mô hình Hành Trình Anh Hùng, chính bởi nguồn gốc phổ quát và phản ánh được vạn vật tự nhiên.

Chúng giải thích những câu hỏi phổ biến thuở còn trẻ thơ của mọi người: Tôi là ai? Tôi đến từ đâu? Khi chết rồi tôi sẽ tới đâu? Thiện ác là gì? Tôi phải đối phó với chúng ra sao? Ngày mai sẽ thế nào? Ngày hôm qua đã trôi về đâu? Bên ngoài kia còn ai không?

Những tư tưởng được lồng vào trong thần thoại, sau đó được Campbell định dạng lại trong tác phẩm Người Hùng Mang Ngàn Gương Mặt có thể được dùng để thấu hiểu hầu hết vấn đề nhân sinh. Chúng là chìa khóa hữu ích cho cuộc sống, cũng như công cụ hiệu quả để lôi cuốn đám đông khán giả.

Nếu bạn muốn hiểu rõ các tư tưởng đằng sau Hành Trình Anh Hùng, chẳng có cách nào khác ngoài việc tìm đọc tác phẩm của Campbell. Đó sẽ là trải nghiệm thay đổi đời người.

Đọc nhiều thần thoại cũng là ý hay, nhưng đọc sách của Campbell thì hiệu quả cũng chẳng khác là bao bởi lối kể chuyện bậc thầy, và ông cũng thích minh họa những luận điểm bằng ví dụ lấy từ chính kho tàng thần thoại đồ sộ.

Trong Chương 4 của Người Hùng Mang Ngàn Gương Mặt có tên “Những Chiếc Chìa Khóa”, Campbell đã đưa ra dàn bài cho Hành Trình Anh Hùng. Tôi đã mạn phép thay đổi dàn bài một chút, cố gắng phản ánh thêm về các chủ đề phổ biến trong điện ảnh bằng các minh họa trích từ các bộ phim đương đại, và cả một vài phim cổ điển khác. Độc giả có thể so sánh hai dàn bài và các thuật ngữ thông qua Bảng 1 ngay dưới đây.

HÀNH TRÌNH NGƯỜI VIẾTNGƯỜI HÙNG MANG NGÀN GƯƠNG MẶT
HỒI MỘTKHỞI HÀNH, LY BIỆT
Thế Giới Bình Phàm
Tiếng Gọi Phiêu Lưu
Lời Từ Chối
Gặp Gỡ Sư Phụ
Vượt Ải Đầu Tiên
Thế Giới Thường Nhật
Tiếng Gọi Phiêu Lưu
Lời Từ Chối
Sự Trợ Giúp Siêu Nhiên
Vượt Ải Đầu Tiên
Bụng Cá Voi
HỒI HAIDẤN THÂN, KHỞI ĐẦU, VƯỢT QUA
Thử Thách, Đồng Minh, Kẻ Thù
Tiếp Cận Hang Động Trong Cùng
Khổ Hình   



Phần Thưởng
Con Đường Thử Thách 

Gặp Gỡ Nữ Thần
Ải Mỹ Nhân
Chuộc Tội Cùng Thánh Thần
Sự Sùng Bái
Ân Huệ Tối Thượng
HỒI BATRỞ VỀ
Con Đường Trở Về




Hồi Sinh
Quay Về Cùng Thần Dược
Từ Chối Trở Về
Hành Trình Kì Diệu
Sự Giải Cứu
Vượt Qua Thử Thách
Trở Về
Bậc Thầy Ở Hai Thế Giới
Tự Do Để Sống
BẢNG 1
So sánh dàn bài và thuật ngữ

Tôi sẽ kể lại giai thoại Anh Hùng theo cách riêng mình, và độc giả cũng nên làm tương tự. Mọi tay viết đều có thể nhào nặn các hình mẫu thần thoại theo mục đích riêng, hoặc theo nhu cầu của một nền văn hóa cụ thể nào đó.

Đó là lý do tại sao người hùng lại có muôn vàn gương mặt.

Một chú thích về thuật ngữ “anh hùng” được dùng ở đây, cũng tương tự như “bác sĩ”, hay “nhà thơ”, hoàn toàn có thể chỉ bất kỳ giới tính nào.

HÀNH TRÌNH ANH HÙNG

Dẫu cho có muôn vàn biến thể, bản chất câu chuyện về Anh Hùng luôn là một hành trình. Họ từ bỏ cuộc sống dễ chịu quen thuộc cố hữu để dấn thân vào thế giới xa lạ đầy thử thách. Đó có thể là một hành trình hướng ngoại đến một địa điểm cụ thể nào đó: một mê cung, một khu rừng, hay một hang động, một thành phố, một quốc gia xa lạ, một địa điểm mới toanh, nơi sẽ trở thành võ đài cho chính họ chiến đấu với những thế lực phản diện khó nhằn.

Nhưng cũng có nhiều câu chuyện đưa ra hành trình hướng nội, tìm về tâm trí, trái tim, linh hồn của con người. Trong bất kỳ câu chuyện hấp dẫn nào cũng chứa đựng hành trình trưởng thành và thay đổi của nhân vật chính: từ tuyệt vọng đến hy vọng, từ yếu ớt đến mạnh mẽ, từ điên cuồng đến khôn ngoan, từ yêu thành hận, và ngược lại. Những hành trình đầy cảm xúc này mê hoặc khán giả và tăng cường giá trị theo dõi của chính câu chuyện.

Có thể nhận ra các chặng đường trên Hành Trình Anh Hùng ở khắp mọi câu chuyện, không chỉ gói gọn trong các phiên bản phiêu lưu hành động nảy lửa. Nhân vật chính luôn là người hùng trong mọi hành trình, dù cho con đường phiêu lưu kia chỉ xoay quanh tâm lý hay những mảng quan hệ của họ.

Các chặng trong Hành Trình Anh Hùng xuất hiện và liên kết theo một lẽ tự nhiên, ngay cả khi người viết chẳng hề để ý tới, nhưng những kiến thức góp nhặt từ kho tàng xa xưa này vẫn chứng tỏ độ hữu dụng trong việc nhìn nhận vấn đề và cải thiện cách kể chuyện. Hãy xem 12 chặng đường này như một địa đồ cho Hành Trình Anh Hùng, không chỉ để soi rọi đường đi, mà còn là con đường bền bỉ, linh hoạt, và đáng tin cậy bậc nhất.

CÁC CHẶNG ĐƯỜNG TRONG HÀNH TRÌNH ANH HÙNG

1. THẾ GIỚI BÌNH PHÀM

2. TIẾNG GỌI PHIÊU LƯU

3. LỜI TỪ CHỐI

4. GẶP GỠ SƯ PHỤ

5. VƯỢT ẢI ĐẦU TIÊN

6. THỬ THÁCH, ĐỒNG MINH, KẺ THÙ

7. TIẾP CẬN HANG ĐỘNG TRONG CÙNG

8. KHỔ HÌNH

9. PHẦN THƯỞNG (ĐOẠT LẤY GƯƠM BÁU)

10. CON ĐƯỜNG TRỞ VỀ

11. HỒI SINH

12. QUAY VỀ CÙNG THẦN DƯỢC

Đọc bài viết

Trích đăng

Vài chuyện linh tinh mà cây cối dạy cho mình về tình yêu – Trích “Bước qua nước mắt, tự khắc trưởng thành”

Published

on

Trích từ: Bước qua nước mắt, tự khắc trưởng thành
Tác giả: Anh Khang
Đơn vị giữ bản quyền: Phương Nam Book

Phát hành: tháng 11.2024
Tác phẩm được trích đăng với sự đồng ý của Phương Nam Book.

Có một dạo, cứ mỗi lần nhớ người thương cũ, mình lại đi mua một cái cây, về trồng ngoài ban công.

Thói quen ấy đều đặn thành nếp sống. Đến một ngày, trước cửa sổ phòng, đã là cả một khu vườn nho nhỏ xinh xanh.

Những buổi sáng, tỉnh dậy, nắng len qua ô kính, dụi mắt đánh thức mình. Điều đầu tiên mình nhìn thấy, là cả một khoảng trời xanh mướt của từng phiến lá khẽ đung đưa, như vẫy tay chào, và bảo: “Ê, ngày mới tới rồi. Đừng nằm lì ở ngày hôm qua nữa. Dậy đi tưới cây, ngắm nắng, tỉa lá, chăm hoa,... Vườn nhà biết bao việc. Nằm đó nhớ nhung gì!”.

Đó là khi mình nhận ra, sau rất nhiều năm tháng chia tay, điều đầu tiên mình nghĩ đến khi thức dậy, không còn là người ấy nữa.

Mình bắt đầu nghĩ về bổn phận của một người làm vườn có trách nhiệm với mầm xanh trước cửa, của một người “nông dân cày xới trên mảnh đất tinh thần”. Và nhất là, không còn nghĩ về danh phận mà mình đã truy cầu suốt thời tuổi trẻ, khiến xói mòn tiêu hao rất nhiều “hạt giống niềm tin” vào quả ngọt mang tên “tình yêu” chưa bao giờ kết trái.

Hồi xưa, mình từng cho rằng bản thân chẳng có tay trồng cây, mọi hạt giống gieo xuống đều chẳng nảy lên xanh. Cũng giống như bản tính thích yêu và được-yêu, nhưng lại chẳng có duyên với mấy chuyện yêu đương. Nhưng, nhờ những ngày tháng hiện tại, bầu bạn cùng cỏ cây, quanh quẩn bên hoa lá, chăm chút từng mầm xanh,... mình học thêm được vài bài học mới, vài cách nghĩ khác đi, từ “người thầy” xanh màu diệp lục tố.

Như là, tại sao cứ mặc định bản thân là “vô năng bất khả”, tại sao cứ hạn định mọi nỗ lực và cố gắng của chính mình?

Dù là chuyện trồng cây.

Hay là chuyện yêu đương cũng thế.

#1

Càng bớt cố chấp, càng đỡ mệt thân

Mình có một chấp niệm, với cây hương thảo.

Loài thảo mộc bản địa của vùng Địa Trung Hải, vốn đã theo chân mình suốt dặm đường rong ruổi hồi trẻ qua biết bao thành phố ở vùng cựu lục địa. Thế nên, một trong những chậu cây đầu tiên mà mình mang về khu vườn nhỏ của mình, hiển nhiên, phải là hương thảo.

Dù đã được nhiều người chủ vựa cây kiểng dặn dò về thuộc tính đỏng đảnh “ưa nước nhưng ghét ẩm”, “thích nắng nhưng sợ hạn” của loài cây thơm lừng từ ngọn tới lá này, mình vẫn một mực tìm mua đủ mọi giống hương thảo. Từ loại giâm cành chiết ngọn ở miền Bắc đến miền Tây, rồi cả giống cây thuần khí hậu miền Nam, hay được dưỡng thân hóa gỗ thành dáng bonsai vững vàng...

Nhưng bất kể bao cố gắng kiên trì của mình, thì không một chậu cây hương thảo nào chịu sống đời dai dẳng, ở lại bên mình dài lâu được cả.

Mình càng cố, thì kết quả, vẫn chỉ là cành khô ngọn rủ, từng bụi hương thảo cứ thế héo hắt rời đi. Vì nhiều lý do, từ giá thể thổ nhưỡng đến vị trí trồng trọt, và còn hằng hà sa số điều kiện thiên thời địa lợi đã không thể chiều lòng chấp niệm “trồng hương thảo” của mình.

Không phải mình cứ cố gắng là sẽ đạt được ý nguyện ban đầu. Có những thứ mà ngay từ đầu, có lẽ, đã là chấp niệm viển vông của riêng bản thân. Chứ chẳng thể thành toàn viên mãn.

#2 

Nếu đã là duyên phận thuộc về bạn,

cơ bản bạn chẳng cần làm gì cũng viên mãn

Vẫn tiếp tục câu chuyện về hương thảo.

Trong rất nhiều bụi hương thảo đã bỏ mình đi, thì duy nhất, trong vườn còn lại một bụi thơm lừng, bền bỉ tỏa hương, nhẫn nại vươn cành.

Ban đầu, đây vốn chỉ là một bầu cây nhỏ xíu mình mua hú họa, chẳng dụng công trồng hay đặt nhiều hy vọng. Tiện tay, ướm vào chậu treo, thấy vừa khít, nên tùy ý móc lên mái tôn trước bệ cửa sổ. Ai ngờ, cây hương thảo bé nhỏ chẳng được chăm chút mấy, lại trở thành loài thảo mộc ở lại bên mình kiên tâm lâu dài nhất.

Ngẫm lại, cả khu vườn trải qua bao mùa cây cối tụ tán, hoa lá nở tàn, thì chỉ có duy nhất cây hương thảo treo đó, vẫn cam tâm tình nguyện cùng mình kết một đoạn duyên phận, lặng lẽ nhưng thâm tình, bình đạm nhưng thành tâm.

Để bây giờ, mỗi lần mở cửa sổ, hương thơm the mát vương mùi thảo mộc, thoảng đầy ý vị bình an, cứ thế len lỏi khắp phòng.

#3

Yêu thương khi không thấu hiểu,

chỉ gây thêm gánh nặng cho người mình yêu

Có một lần, quá nôn nóng vì cây hạnh ngọt chưa chịu ra hoa và hoa rụng trước kỳ đậu quả, mình bèn mua đủ loại phân bón.

Khỏi nói cũng biết kết quả. Mình, chẳng chịu tìm hiểu kỹ lưỡng nguyên tắc dưỡng trồng, cứ vung tay quá trớn, sơ sẩy thiển cận. Thành ra, cây hạnh ngọt đang li ti hoa trắng, ngấp nghé vài quả non, chỉ sau một đêm, lập tức khô khốc trụi cành, hoàn toàn héo rũ.

Sau đó, mới nhận ra bản thân đã sai ngay từ đầu, trong những khâu cơ bản như tìm hiểu, chọn lựa thành phần, chế độ, liều lượng,... của các loại chế phẩm chăm cây. Hóa ra, chính sự yêu thương thiếu kiến thức của mình đã đẩy đối tượng mình yêu thương (là cái cây) đi đến chỗ đang xanh-màu thành xanh-cỏ.

Tình yêu, suy cho cùng, nếu thiếu đi sự thấu hiểu, sẽ chẳng thể đồng hành lâu dài, giúp nhau tăng tiến. Mù quáng trao đi yêu thương mà không nhận thức rõ ràng đâu là đủ-thiếu, đâu là đúng-sai, thì chỉ chuốc thêm đau lòng cho chính mình và phiền lòng cho người mình yêu.

#4

Có những kết thúc chính là để bắt đầu

Có mấy chậu cây, mình chăm dữ lắm, nhưng cứ được vài tháng là bắt đầu vàng lá mục cành.

Mình, bắt đầu chấp nhận sự đến-đi của vô thường, ngay cả cây cối cũng đâu thể tránh khỏi thành-trụ-hoại-không. Định bụng, chào cái cây lần cuối, xong sẽ bỏ đất, thay chậu, chôn cây, cho xong một vòng tuần hoàn của đời thảo mộc. Ai dè, ngay kế cành cây sắp mục ruỗng ngã đổ, một mầm xanh bé xíu đang gắng sức vươn lên. Chiếc lá non xanh biếc, giống hệt dáng hình của chiếc lá đang ngả vàng của nhánh cây héo rũ kế bên. Một sự tiếp nối, lặng lẽ diễn ra. Những mầm xanh bé nhỏ, còn bền bỉ tách đất vươn lên. Huống hồ tuổi trẻ, vốn chẳng có một giới hạn nào, sao chúng ta lại cứ ngại, sợ? Có kết thúc nào là mãi mãi dừng lại ở đó đâu, khi đằng sau nó luôn là cả một khởi đầu miên viễn. Bạt ngàn. Vô tận.

Đời sống luôn là một bản trường ca mà khi một nốt trầm lặng xuống thì chính là báo hiệu một đoạn tấu khúc réo rắt sắp bắt đầu khởi xướng.

#5

Rừng xanh nào cũng bắt đầu từ hoang sơ

Có những hôm trời bất chợt đổ mưa. Ngó ra khoảng không xanh mướt mắt đang ướt đẫm trong màn nước trong vắt bên ngoài. Mình bỗng mềm lòng, nhớ lại. Chỉ mới vài tháng trước, khoảnh sân này chỉ là một mái tôn trơ trọi xám lạnh. Giờ đã thành vườn xanh. Mấy bông hoa chanh đã đậu quả thành trái non lúc lỉu trên cành. Mấy trái tắc mới vài tuần trước còn li ti như những hạt sương lấm tấm xanh xanh giờ đã tượng hình thành trái múp míp. Và cả bụi hoa hồng đã rụng hết đợt hoa bừng sắc tháng trước, đến nay cũng đã ươm mầm mới nở thành nụ phơn phớt dịu dàng.

Và cái đứa từng nghĩ rằng bản thân không có tay trồng cây, không có thể ươm xanh nụ mầm... sau tất cả, cũng đã tự tay có được khu vườn của riêng mình.

Chỉ cần mình chịu bắt đầu. Từ một việc đơn giản nhất. Là gieo mầm. Thay vì cứ đứng đó trơ mắt nhìn vào trống trải tiêu sơ.

Trộm nghĩ, một khu rừng rậm rạp cách mấy, cũng đều phải khởi sự từ những nhánh cây mầm cỏ bé nhỏ ban đầu. Nếu không có hoang tàn trơ trọi lúc đó, thì làm sao có hùng vĩ trong lành hôm nay? Điều quan trọng là chúng ta đừng chỉ nhìn chăm chăm vào mớ hỗn độn ngổn ngang rồi chùng lòng chán nản, thoái thác tháo lui, mà phải chấp nhận dấn thân, lao tâm khổ tứ. Dù là trồng rừng, trồng cây, hay là trồng lại hy vọng, niềm tin của chính mình. Vào tình yêu. Vào con người.

#6

Ai rồi cũng sẽ có khoảng trời thuộc về mình

Ngồi viết những dòng này, khi bên ngoài, hoàng hôn vừa xuống. Cảm giác bình yên choáng ngợp trong lòng. Có điều, sự choáng ngợp này, không khiến bản thân kinh hãi, mà chỉ càng làm thấm thía trân trọng thêm khoảnh khắc hiện tại.

Đi khắp Đông-Tây-Nam-Bắc. Trải qua yêu-ghét-thương-hờn. Nếm đủ tụ-tan-ly-hợp. Đến giờ, đã có thể bình thản, một mình, ngồi ngắm hoàng hôn mà trong lòng không còn bất kỳ một lời đồng vọng. Dù là nhớ nhung chuyện cũ. Hay là trách cứ tình xưa.

Hoàng hôn để ôn chuyện cũ. Đã từng nghĩ như vậy suốt thời tuổi trẻ. Thế nên, từng có một giai đoạn bị ám ảnh hoảng loạn với hoàng hôn. Cứ thấy trời chiều, là lo lắng. Cứ thấy nắng tắt, là hoang mang. Bởi lẽ, buổi chiều, đã-từng là khi chúng ta hẹn hò, là khi chúng ta đợi chờ đến lúc gặp nhau, là khi anh cùng em rong ruổi phố phường, đuổi bắt hoàng hôn. Buổi chiều, cũng là khi chim về tổ, người về nhà, là khi ai cũng mong cầu tìm cho mình một chốn về nương náu yên thân.

Thế nhưng, bản thân ở hiện tại, đối diện buổi chiều, lại chỉ thấy bình yên. Một mình hay mấy mình, giờ đã không còn mấy quan trọng. Chỉ biết là trong khoảnh khắc mặt trời le lói, vẫn thấy lòng ngập tràn ánh sáng. Thứ ánh sáng của an vui hỉ lạc, của tự tại tùy duyên.

Hóa ra, huyền cơ của việc thuận theo ý trời, tuân lời thiên mệnh, chỉ nằm trong một khoảnh khắc như thế này.

Đó là nhìn trời chiều, không buồn không tiếc, không nấn ná dây dưa cũng không hối hả sợ sệt. Chỉ thấy biết ơn năm tháng dù hối hả trôi qua, ghi ân thời gian dù vội vã giục giã, nhưng vẫn luôn độ lượng khoan dung dành cho chúng ta một chốn về yên ả.

Anh và em. Tôi và người. Bạn và chúng ta. Tất cả rồi cũng đều sẽ có một khoảng trời riêng. Nơi mưa nắng bão dông đều trở nên dịu dàng. Nơi bình minh hay hoàng hôn đều đầy đặn ánh sáng. Nơi mình hiểu ra nhân duyên đẹp đẽ nhất mà ông trời ban tặng, không phải là gặp đúng ý trung nhân trọn kiếp chung tình, mà là được gặp gỡ và trở thành phiên bản trọn vẹn nhất, tốt đẹp nhất, bình an nhất, của chính mình.

Cũng giống như một cái cây, đâu phải vì muốn kết duyên đôi lứa với một cành cây cọng cỏ nào khác, nên mới sum suê xanh tốt. Cây cối, tự mình vươn cành, vì mình xanh mướt.

Việc của cây là xanh. Không bận tâm vì ai mà tươi tốt. Cũng không vì ai lìa bỏ mà héo tàn.

Vậy nên, việc của chúng ta,

là cứ bình an,

là cứ hạnh phúc.

Đọc bài viết

Trích đăng

Sứ đoàn Iwakura – Chuyến Tây du khảo cứu nhằm canh tân dưới thời Duy Tân Minh Trị

Published

on

Trích từ: Sứ đoàn Iwakura
Tác giả: Ian Nish
Đơn vị giữ bản quyền: Phương Nam Book

Phát hành: tháng 11.2023

Nhắc đến Duy Tân Minh Trị, không gì ý nghĩa hơn khi lật lại trang sử về Sứ mệnh Iwakura vì tính khai sáng như Columbus đi tìm Tân thế giới. Họ đem Văn minh khai sáng về trồng trên mảnh đất Phù Tang, để mãi mãi là di sản chung của châu Á. 

Minh Trị Duy Tân có tác động cách mạng không chỉ cho Nhật Bản, mà cho cả châu Á trong tiến trình phát triển và tìm lại mình, với đầy những kịch tính. 

Chuyến công du Iwakura với khẩu hiệu nước giàu quân mạnh và độc lập dân tộc

Cải cách Minh Trị tôn Hoàng đế Minh Trị lên ngôi năm 1868 (lúc đó ông mới 16 tuổi), xoá bỏ chế độ Mạc Phủ, xoá bỏ các bất bình đẳng giữa các đẳng cấp xã hội, thành lập chính truyền trung ương, tái lập mối quan hệ hàng dọc và hàng ngang trong xã hội, người Nhật tạo điều kiện cho cuộc thay đổi một cách triệt để và hệ thống trong việc xây dựng một nhà nước hiện đại và một nền khoa học công nghệ hiện đại. Khẩu hiệu chính của họ là Fukoku kyohei (Nước giàu quân mạnh), và độc lập dân tộc, từng bước ngang bằng với các cường quốc phương Tây.

Iwakura Tomoki (người mặc trang phục truyền thống Nhật Bản) bên cạnh 4 phó sứ, từ trái sang phải, Kido Takayoshi, Yamaguchi Masuka, Ito Hirobumi và Okubo Toshimichi. Hình ảnh được Ishiguro Keisho sưu tầm).

Họ bắt đầu bằng Sứ mệnh Iwakura do công tước Iwakura Tomomi (1835-1883) dẫn đầu với khoảng 50 thành viên gồm nhiều nhân vật chính phủ cao cấp, trong đó có Ito Hirobumi, lúc đó mới 30 tuổi và là Thứ trưởng Bộ Công nghiệp, chưa tính khoảng 60 du học sinh phục vụ việc thông dịch, thông tin. Họ đi thăm Hoa Kỳ và hàng chục các quốc gia châu Âu, như Anh, Pháp, Đức, Áo, Ý, Bỉ, Hà Lan, Đan Mạch, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Nga. Chuyến đi được thực hiện chỉ ba năm sau cuộc cách mạng Minh Trị, giữa lúc một cuộc khủng hoảng chính trị nổ ra tại quê nhà về bán đảo Triều Tiên.

Để động viên các sứ thần, Nhật hoàng Minh Trị đã đọc một bài diễn văn:

“Sau khi nghiên cứu và quan sát kỹ, “trẫm” có ấn tượng sâu sắc và tin rằng các quốc gia hùng mạnh và khai sáng nhất của thế giới là những quốc gia đã có những nỗ lực cần cù để vun xới trí tuệ, và tìm cách phát triển đất nước họ một cách đầy đủ và hoàn hảo... Nếu muốn ứng dụng khoa học, các kỹ xảo và những điều kiện của xã hội đang thịnh hành tại các quốc gia khai sáng, chúng ta hoặc phải tự học hỏi, hoặc gửi một đoàn nghiên cứu gồm những quan sát viên có óc thực tế đến các nước khác, tiếp thu những gì nhân dân đang thiếu để làm lợi cho quốc gia.”

Rõ ràng đây là trọng tâm của chuyến công du. Họ sẽ đi thăm từ nhà máy, công xưởng, đến trường học, đại học, bệnh viện, bảo tàng, thư viện, toà án; nghiên cứu đời sống tính tình dân chúng, làng xã, thành thị, đặc thù của mỗi quốc gia, sự phồn vinh thời Victoria của Anh quốc, các thể chế chính trị khác nhau, các cơ quan chính trị, quân sự. Họ gặp tất cả đại diện giới thương mại, công nghiệp, thượng lưu, cầm quyền, chính khách, quân sự, vua chúa, Tổng thống Grant của Hoa Kỳ (người hùng trong cuộc chiến tranh Nam Bắc dưới thời Tổng thống A. Lincoln), Nữ hoàng Victoria của Anh, Vua Wilhelm I và Thủ tướng Bismarck của Phố (Đức), Tổng thống Thiers của Pháp... Họ xuất hiện trong những bộ Âu phục quý phái. 

Họ muốn làm rõ nền tảng của “văn minh khai sáng”, các nguồn gốc sức mạnh và sự phồn vinh của phương Tây. Trong giáo dục, một lĩnh vực hết sức quan trọng, họ muốn học hỏi các mô hình tổ chức giáo dục tiểu học, trung học và đại học. Đó là chuyến công du lịch sử đi tìm khai sáng (khai minh) cho Nhật Bản.

Nhật Bản cởi mở chấp nhận những giá trị phương Tây

Sau chuyến công du kết thúc các nhà lãnh đạo Nhật Bản nhận định rằng, nguy cơ trực tiếp cho nền độc lập Nhật Bản không cấp bách như họ nghĩ. Sự ưu việt của phương Tây chưa lâu, và Nhật Bản có thể đuổi kịp. Kume chỉ ra trong nhật ký hành trình: “Của cải và sự phồn vinh ở mức độ đáng kể mà người ta nhìn thấy tại châu Âu xuất hiện sau 1800... Năm 1830, tàu thủy hơi nước và xe lửa mới xuất hiện. Đó là sự thay đổi đột ngột trong nền thương mại châu Âu, và người Anh là người đầu tiên dồn hết năng lượng đầu tư vào sự đổi mới.”

Nhật Bản do đó chưa phải là tuyệt vọng. Tuy nhiên, phải nhanh chóng thay đổi toàn diện. Sự đối đầu quân sự chưa phải lúc, mà phải chấn hưng đất nước trước (như Phan Châu Trinh sau này). Đoàn có mang theo một số người bảo thủ, để cho họ thấy, phải cải cách đất nước trước, và một số người quá khích để họ thấy đối đầu quân sự là vô vọng. Những năm 1863-1864, dưới thời Hoàng đế Komei, bố của Minh Trị, người rất thù ghét phương Tây, Nhật Bản đã gây chiến với hải quân các nước Hoa Kỳ, Anh, Pháp và Hà Lan, nhưng đại bại, và phải bồi thường $3.000.000, một bài học đắt giá. Khác với những chuyến công du khác trong lịch sử có đích đến là Trung Hoa, chuyến đi này hướng về phương Tây.

Đoàn cũng nhận ra sâu sắc rằng, không có sự tham gia của nhân dân vào các định chế đại nghị thì không thể có sự đồng thuận cho các hành động của chính quyền. Kido dẫn kinh nghiệm của Ba Lan để chứng minh rằng, thiếu vắng sự tham gia của dân chúng sẽ là tai họa cho nền độc lập quốc gia. Ông cho rằng Năm điều thề ước năm 1868 chính là nền tảng của Hiến pháp cho phép mọi người tham gia; rằng (điều 2) “tất cả các giai cấp, cao cũng như thấp, sẽ hợp lại thực hiện mạnh mẽ chương trình của chính quyền; (điều 3) “tất cả các giai cấp được quyền thực hiện những hoài bão của họ mà không gặp phải khó khăn nào”.

Họ hiểu và tỏ ra kính trọng hơn giá trị của tôn giáo trong đời sống công dân cũng như chính trị. Khi trở về họ đã bỏ lệnh cấm hành đạo Kitô giáo.

Nhật Bản sẽ chấp nhận những giá trị phương Tây: tham gia, cạnh tranh và luôn luôn mở rộng ảnh hưởng. Chỉ có phát triển nội lực mới bảo đảm sự tồn tại của mình. Nhật Bản chấp nhận cuộc chơi mới. Giáo dục là then chốt. Trong khoảng 1868-1902, Nhật Bản đã cấp 11.148 visa du học. Đó là đợt thủy triều du học đầu tiên từ châu Á. Tư nhân tự nỗ lực cho con du học rất nhiều. Bản thân Iwakura và Kido cũng có con trai du học tại Mỹ (ở Rutgers) trong thời gian công du của đoàn.

Năm nữ sinh được gửi đi du học theo Sứ tiết Iwakura, từ trái sang phải: Nagai Shigeko, Ueda Teiko, Yoshimasu Ryoko, Tsuda Umeko và Yamakawa Sutematsu.

Sau chuyến đi, phái đoàn Iwakura thuê ngay hai chuyên gia quan trọng: Giáo sư David Murray của Đại học Rutgers cho lĩnh vực giáo dục tổng quát; Kỹ sư Henry Dyer của Đại học Glasgow làm cố vấn quan trọng cho Nhật Bản về việc xây dựng Kobu Daigakko (Đại học Kỹ thuật).

Chuyến đi mở màn làn sóng thuê chuyên viên nước ngoài toàn diện và ồ ạt. Năm 1875 Nhật đã thuê tổng cộng 500-600 chuyên viên nước ngoài về làm việc cho chính phủ. Tính đến năm 1890 Nhật đã thuê khoảng 3.000 chuyên viên tư vấn thường xuyên làm việc tại Nhật, đủ mọi lĩnh vực, ngành nghề. Riêng trong giáo dục, trong vòng 50 năm Bộ Giáo dục Nhật Bản đã thuê khoảng 400 thầy giáo nước ngoài từ các quốc gia phương Tây để dạy ở các đại học và các tổ chức học thuật khác. Năm 1873, Bộ Giáo dục phải trả một số tiền bằng khoảng 14% ngân quỹ cho giáo viên nước ngoài. Năm 1877 một phần ba ngân quỹ của Đại học Tokyo là dành cho người nước ngoài. Nhật Bản lần lượt thực hiện hai cuộc cách mạng công nghiệp trọng tâm, thứ nhất là công nghiệp nhẹ, thứ hai là công nghiệp nặng. 

Sứ đoàn Iwakura thực hiện đúng điều thứ 5 trong Năm điều thề ước của Hoàng đế Minh Trị và các nhà lãnh đạo trẻ xung quanh ông, rằng: “Tri thức phải được tìm kiếm khắp nơi trên thế giới, để mở rộng và tăng cường quyền lực của đế chế”. 

Chuyến công du Iwakura là một bài học kinh điển cho công cuộc đi tìm mô hình phát triển từ các quốc gia phương Tây. Chưa có dân tộc nào có năng lực quan sát trung thực và đưa ra những ý tưởng dự phóng, cũng như đủ quyết tâm theo đuổi đến khi thành công như họ.

Tác phẩm được trích đăng với sự đồng ý của Phương Nam Book.

Đọc bài viết

Cafe sáng