Trích đăng

Nỗi sợ hãi trong tôi

“Chó đen” là hình ảnh ẩn dụ cho chứng trầm cảm. Năm 2014, nhân ngày Phòng chống tự sát thế giới, WHO đã thực hiện video “I Had a Black Dog: His Name was Depression” (dựa theo tên quyển sách của Matthew Johnstone phát hành năm 2005).

Published

on

Có ai khác trong tôi là tác phẩm tập hợp những bài viết của các tác giả chuyên viết cho giới trẻ, kể về kinh nghiệm cá nhân khi phải đương đầu với những chứng bệnh tâm lý phổ biến như: lo lắng, trầm cảm, rối loạn lưỡng cực,…  Quyển sách muốn đem đến một chỗ dựa tinh thần, giúp mọi người nhận ra tình trạng hỗn loạn và sự tranh đấu nội tâm mà gia đình, bạn bè và chính bản thân mình đang gặp phải, từ đó gắn kết tất cả lại với nhau.

“Ellen Hopkins, Lauren Oliver, Francisco X. Stork, Sara Zarr, và 27 cộng sự khác trong tuyển tập này đều là những tác giả của các đầu sách bán chạy và đạt nhiều giải thưởng, nhưng chính họ cũng phải thừa nhận rằng bài viết về chứng bệnh tinh thần là những dòng chữ khó khăn nhất mà họ từng đặt bút. Các tác giả giải thích chứng rối loạn tâm lý xuất hiện như thế nào và họ bị mất quyền kiểm soát cuộc sống của mình vào tay “nó” hay “con quái vật” ấy ra sao. Cam đoan rằng những câu chuyện đầy thuyết phục trong sách sẽ giúp bạn không còn thấy đơn độc.” — Angela Leeper (Booklist “Starred Review”, 01/02/2018)

  • Trích từ: Có ai khác trong tôi
  • Tác giả: Nhiều tác giả (Jessica Burkhart biên soạn)
  • Phát hành: Tháng 04.2019
  • Đơn vị giữ bản quyền: Phương Nam Book

*
CHƯƠNG 1
Nỗi sợ hãi trong tôi

(Scott Neumyer)

Tôi có một lời thú nhận. Tôi đã nói dối. Rất nhiều.

Không phải là những lời nói dối nghiêm trọng hay có thể làm thay đổi vận mệnh gì cả. Tôi chưa bao giờ lừa dối vợ hay vi phạm luật pháp, hoặc làm gì đó bất hợp pháp trong sự nghiệp của mình. Tôi xử sự ngay thẳng theo như Kinh thánh.

Nhưng trong thập kỷ qua, dường như tôi đã nói dối quá nhiều đến nỗi không thể đếm hết. Trong đó có một vài chuyện tôi không thể nhớ nổi để kể, và một vài chuyện có lẽ tôi đã thuyết phục bản thân mình rằng vào thời điểm đó tôi không nói dối. Đó là những điều tôi đã nói và đã làm trên thực tế. Đó là sự thật.

Tuy nhiên tôi quá thông minh để suy nghĩ (ngay cả trong chốc lát) rằng tôi đã hoàn toàn thành thật với bản thân và mọi người xung quanh tôi khá lâu rồi.

Bây giờ bạn đã biết. Tôi là một kẻ nói dối. Một kẻ chuyên nói dối, bẩn thỉu, thối tha. Nhưng chờ đã! Trước khi bạn lật trang và chuyển sang câu chuyện của người khác, nghĩ rằng họ thật sự chân thành và thành tâm hơn tôi, hãy nán lại trong vài phút và đọc tiếp đã.

Tôi là một người tốt. Thực sự. Tôi thề. Tôi có thể đã nói dối vô số lần trong mười năm qua, nhưng tôi thực sự là một người tốt, dễ thương và thông minh. Tôi nói nghiêm túc đấy! Chỉ cần hỏi mẹ tôi thì biết!

Bạn thấy đấy, tôi chưa bao giờ thực sự muốn nói dối. Tôi đã luôn tự hào về việc chân thành và trung thực với mọi người. Bạn cần ai đó nói thật? Đó chính là tôi!

Nhưng khi nói đến tôi, đó là nơi bắt đầu những rắc rối, bởi vì tôi có sự sợ hãi bên trong tôi – giọng nói kì lạ này – luôn nói cho tôi biết những gì phải làm và nếu tôi có thể làm cho nó câm mồm, tôi sẽ bị nguyền rủa. Được rồi, trước khi tôi nhận được tất cả Jiminy Cricket [1] ở bạn hoặc cuối cùng nói cho bạn biết về một số điều điên rồ mà tôi đã nói dối, hãy để tôi trở lại từ đầu. Hãy để tôi đưa bạn đến thời điểm cái ác dần dần lóe ra bên trong tôi giống như tác nhân gây nổ lồng ngực trong phim Alien (Quái vật không gian).

Tôi đã 36 tuổi rồi (Tôi biết… Tôi biết… Tôi đã già rồi!), vì vậy mọi việc bắt đầu có lẽ khi tôi 24 tuổi. Bạn gái của tôi vào thời điểm đó (bây giờ là vợ và là mẹ của các con tôi) đã quyết định đưa tôi đến thành phố New York để xem phim Rent (Những người bạn) nhân sinh nhật tôi. Chúng tôi đã quen nhau từ thời trung học nhưng chỉ bắt đầu hẹn hò khoảng năm tháng trước chuyến đi, và đó là lần đầu tiên chúng tôi ăn mừng sinh nhật cùng nhau.

Sáng sớm hôm đó chúng tôi đã đi chơi ở New Brunswick, New Jersey và nhảy lên một chuyến tàu đi đến Big Apple[2], giống như nhiều lần trước đây. Với nhiều thời gian rảnh rỗi khi đến Manhattan, chúng tôi quyết định ăn tối trước khi đến Broadway. Và rắc rối bắt đầu từ đây. Chúng tôi chưa kịp dùng bữa thì Denise xin phép vào nhà vệ sinh. Cô ấy có vẻ lo lắng, nhưng tôi đã chờ khi cô ấy chạy đi. Khoảng năm phút sau, Denise vội vàng trở lại. “Chúng ta phải đi”, Denise nói. “Chúng ta phải đi bây giờ. Ngay lập tức. Tôi không biết liệu cô ấy có khóc hay không, vì có những giọt mồ hôi chảy xuống má cô ấy, nhưng tôi có thể chắc chắn ngay lập tức từ vẻ mặt của cô ấy, quả thực, đã đến lúc phải đi.

“Em ổn chứ?” Tôi hỏi. “Mọi chuyện ổn chứ?”
“Chúng ta phải đi thôi. Nhé anh. Ngay bây giờ. Em không được khỏe.”

Và, với lời đề nghị đó, tôi níu bồi bàn, thanh toán hóa đơn và chạy ra ngoài gặp cô ấy, tôi bước lên vỉa hè, vẫy tay đón taxi.
“Không có taxi”, cô nói. “Chúng ta phải đi. Hãy đi thật nhanh.”
Vì vậy, chúng tôi đi bộ thật nhanh đến ga Penn, nơi chúng tôi đã may mắn bắt kịp chuyến tàu tiếp theo quay trở lại Jersey.

Hoang mang và lo lắng cho Denise, tôi đã cố gắng xoa lưng cô ấy trên đường về nhà, nhưng lại nghĩ đến việc làm vậy ngay thời điểm đó chỉ làm cô ấy tồi tệ hơn. Vì vậy, thay vào đó, tôi đã gọi bố mẹ đón chúng tôi tại nhà ga. Cô chơi trò con rắn trên điện thoại di động phổ thông Nokia của mình để cố gắng rũ bỏ muộn phiền và bất cứ điều gì làm phiền cô ấy ra khỏi tâm trí. Sáng hôm sau Denise đã đi đến bác sĩ của mình, giải thích chính xác những gì đã xảy ra và được chẩn đoán cô bị mắc chứng rối loạn hoảng sợ và lo âu. Trong tám tháng tiếp theo, tôi đã chứng kiến bạn gái tôi chịu đựng những thứ kinh khủng, phải vật lộn với cảm giác lo lắng khi cô ấy cố gắng làm việc, hoàn thành lớp điều dưỡng, và trở thành người phụ nữ vui vẻ, yêu đời, như cô ấy đã từng. Tôi nắm tay cô ấy, xoa lưng và khóc cùng với cô ấy khi mọi việc trở nên khó khăn hơn bình thường.

Và rồi, một ngày nào đó, giống như mùi hương quen thuộc bạn luôn có thể ngửi ngay sau khi kết thúc cơn mưa, mọi vấn đề sẽ qua. Cô ấy đã hoàn thành công việc bằng cách gặp chuyên gia trị liệu, thực hành liệu pháp phơi nhiễm, và vượt qua nỗi sợ của mình. Tất cả đều không có thuốc đặc trị.

Phải, cô ấy vẫn sẽ phải đối phó với sự lo lắng từ ngày này qua ngày khác (tất cả chúng ta cũng vậy), nhưng cô ấy không còn lo lắng bị nỗi sợ tấn công nữa. Cô ấy không còn tưởng tượng có con gấu đằng sau cánh cửa sẵn sàng nhảy ra bất cứ lúc nào. Cô ấy được tự do. Và đó là khi tôi đến gặp Bruce Springsteen sống tại Lincoln Financial Field ở Philadelphia, Pennsylvania.

Tôi đã nói đến điều này rất chi tiết về tất cả sự kinh hãi của nó trước khi tôi viết một câu chuyện cho SBNation.com được gọi là I am Royce White (Tôi là Royce White) nhưng tôi sẽ thông tin cho bạn những nét chính: Ngồi trên những chai thuốc tẩy, tôi vừa xem nhóm nhạc Boss hát thật to bài Thunder Road (Con đường sấm sét) vừa dán đầu vào giữa hai đầu gối trong một phòng tắm công cộng. Tôi đã khốn khổ vì bệnh tật và sợ hãi… Tôi không biết gì cả. “Anh nghĩ rằng anh đang có một cơn hoảng loạn”, tôi nói với Denise từ trong phòng tắm. “Anh đổ mồ hôi không ngừng, và tất cả những gì anh có thể nghĩ là CHẠY NGAY RA KHỎI ĐÂY ĐỂ VỀ NHÀ.”

Tôi đã đổ mồ hôi rất nhiều đến nỗi chiếc Nokia màu cam của tôi gần như trượt khỏi tay tôi, rơi xuống sàn nhà. Bạn biết rằng tôi đã chứng kiến những thứ tồi tệ mà bạn gái tôi vượt qua trong khoảng tám tháng? Tôi đã ở trong tình trạng kinh khủng tương tự. Chỉ là tình trạng của tôi diễn ra trong một hoàn cảnh khác, trong nhà vệ sinh bẩn thỉu, với khoảng năm mươi người hâm mộ Springsteen cuồng nhiệt tự hỏi khi nào cửa ngăn sẽ mở ra. Đêm đó là khởi đầu của mọi thứ đối với tôi.

Nó chưa thực sự bắt đầu cho đến khi một vài tháng sau đó khi mùa hè đã qua và tôi đã có cơn hoảng loạn nghiêm trọng trong khi thay thế giảng dạy một lớp giáo dục thể chất trung học. Ngay khi chuông reo kết thúc tiết học, tôi đã nói với văn phòng chính là tôi phải rời khỏi và lao xuống tiền sảnh đến bãi đậu xe, không bao giờ quay lại giảng dạy.

Sau khoảng một tháng, hầu như tôi không rời khỏi phòng ngủ, chứ đừng nói là nhà, tôi đã tìm được một công việc khác và được điều trị bởi rất nhiều thuốc chống trầm cảm Zoloft (sau khi chứng kiến những khó khăn mà bạn gái tôi đối mặt khi điều trị mà không dùng thuốc, tôi dám chắc tôi đã đi đúng hướng), cuộc sống của tôi dần ổn. Đó là hơn mười năm trước. Một thập kỷ của đời người. Mười năm dài, những năm tháng đau đớn, mệt mỏi, đầy lo lắng. Nhưng hãy đoán xem? Tôi vẫn ở đây. Bây giờ trở lại nơi mà chúng ta bắt đầu – tôi đang là kẻ nói dối tồi tệ, vô tích sự.

Vì vậy, phải, hơn thập kỷ qua, tôi đã nói rất nhiều lời nói dối vô hại để bản thân thoải mái hơn. Tôi chủ yếu nói với họ để tôi không phải làm thứ gì đó hoặc phải đi đâu đó mà khiến tôi lo lắng xoắn cả lên về việc đi lại. Trong mười năm đó, tôi đã nói dối vợ và con tôi về việc phải làm việc để không đi nghỉ mát. Tôi đã nói dối về việc quá bận rộn nên không xem bóng đá cùng bạn bè vì tôi sợ hãi khi xem bóng đá với bạn bè của tôi. Tôi đã giả bộ đau đầu, đau lưng và mọi loại đau khác mà bạn có thể nghĩ ra để giữ cho tôi yên ổn, không cảm thấy lo lắng. Tôi đã nói dối về việc ăn quá nhiều thức ăn và cả ăn quá ít. Tôi đã nói dối về mọi thứ để làm cho bản thân mình cảm thấy tốt hơn – để không cảm thấy từng cơn nhói lo âu kéo dài trong ruột.

Tôi đã mất bạn bè và làm gia đình hoang mang, những người không thể nắm bắt những gì đang diễn ra trong đầu tôi. Cơ bản là tôi đã hủy hoại những tấm hình cưới của một trong những người bạn thân của mình, tôi đã chán ngấy sự lo âu. Tôi nuốt lời quá nhiều đến nỗi tôi không ngạc nhiên chút nào khi người bạn thân nhất trong đời không mời tôi dự đám cưới của anh ấy. Tất nhiên tôi buồn nhưng hoàn toàn thông cảm. Đôi khi tôi ngạc nhiên là tôi đã vượt qua đám cưới của chính mình. Và, tôi chưa bao giờ thừa nhận điều này với bất kỳ ai trước đây (thậm chí cả chuyên gia trị liệu), nhưng tôi đã thực sự nằm vật xuống cầu thang để khỏi phải tham dự một bữa tiệc sinh nhật lớn của một thành viên gia đình.

Tôi có thể nói gì? Tôi cảm thấy hoàn toàn khủng khiếp về những điều tôi đã làm. Tôi đã làm những điều ấy. Tôi không thích tôi nói dối quá nhiều. Tôi ghét vì tôi đã thất hứa những việc mà tôi sẽ không bao giờ có cơ hội làm lại (đặc biệt khi điều đó liên quan những đứa con tôi). Tôi ghét một thực tế rằng tôi là người mà mọi người không muốn nhờ làm việc gì vì họ biết tôi sẽ nói không ngay lập tức (ơ, ít nhất tôi đã không nói dối nữa!).

Nhưng hãy đoán xem? Tôi vẫn ở đây. Và đó là lý do tôi dành tất cả thời gian nói về mọi thứ khủng khiếp, ngu xuẩn, ích kỉ mà tôi đã làm để kiềm chế sự sợ hãi bên trong tôi. Tôi đã phơi bày tất cả ở đây vì tôi mệt mỏi với lời nói dối. Tôi chán việc thất hứa. Và tôi chán khi phải là “ai khác”.

Và tôi cũng đã thổ lộ những điều sâu kín trong tâm hồn mình ở đây vì tôi biết rằng bạn cũng từng nói dối. Bạn nuốt lời. Và bạn từng là “ai khác”.

Và tôi ở đây để nói với bạn rằng mọi việc sẽ trở nên tốt hơn. Có vẻ không giống vậy. Có thể bạn là Artax trong The Neverending Story (Chuyện dài bất tận), và bạn đang chết đuối trong đầm lầy nỗi buồn[3]. Có thể cảm thấy quá khó khăn. Tin tôi đi, tôi đã ở trong tình huống đó và cảm nhận được. Nhưng hãy đoán xem? Bạn vẫn còn ở đây. Và đó là bài học trong câu chuyện của tôi cho những đứa trẻ. Nỗi lo thu hút nỗi lo, nhưng sẽ dần được chữa lành với thời gian, sự siêng năng làm việc và giúp sức. Nó thực sự trở nên tốt hơn.

Mười năm trước, tôi đã thua, đã sợ hãi và thất nghiệp sau khi chạy trốn khỏi công việc tôi có. Hôm nay tôi vô cùng tự hào khi có thể nói rằng tôi viết báo cho các tờ New York Times, GQ, Esquire, Sports Illustrated và ESPN. Tôi đã tổ chức các công việc dài hạn, trở thành một biên tập viên và giành được một giải thưởng khi kể câu chuyện của mình. Và tôi có thể viết đi viết lại nhiều lần về nhận thức về sức khỏe tâm thần và phá vỡ sự kỳ thị bệnh tâm thần ở đất nước này. Tôi có một người vợ, hai đứa con tuyệt vời và một đôi mèo, tất cả cùng sống dưới một mái nhà. Tôi vẫn có những ngày khó khăn và nhiều lần sự lo lắng trở nên nghiêm trọng, nhưng tôi đã học cách khiến sự sợ hãi bên trong tôi im lặng và để tôi yên một lúc. Mọi người, đây là những gì bạn có thể mong đợi nếu bạn ngẩng cao đầu, yêu cầu giúp đỡ và làm việc.

Cảm giác lo lắng giống như bạn đang rơi vào một cái hố đen tối rồi cứ tiếp tục rơi xuống và rơi xuống. Nhưng, hãy tin tôi khi tôi cho bạn biết, có một ngôi nhà có khả năng nẩy ở dưới đáy, vì vậy bạn sẽ ổn thôi. Trong nhiều năm nay tôi đã nhắc đi nhắc lại trong đầu rằng hy vọng đứa con gái 7 tuổi của tôi không giống như tôi. Ngay cả tối nay, khi tôi đang đu đưa cho đứa con gái ba tháng tuổi của tôi ngủ, tôi thậm chí đã thì thầm với nó: “Khi con lớn lên đừng như bố nhé.” Nhưng bạn biết gì không? Có thể giống như bố sẽ không tệ đến vậy.

-Còn tiếp-

Chú thích:

  1. Jiminy Cricket: một lời tuyên thệ trong đạo Công giáo, thể hiện sự ngạc nhiên hoặc sốc. (Các chú thích trong sách là của người dịch)
  2. Big Apple: biệt danh của thành phố New York.
  3. Swamps of Sadness: một đầm lầy chết người tượng trưng cho nỗi buồn và sự bất hạnh, một địa điểm trong tác phẩm Chuyện dài bất tận của tác giả Michael Ende.

Tác phẩm được trích đăng với sự đồng ý của Phương Nam Book.

Ảnh đầu bài: The Yak Magazine

Trích đăng

Sứ đoàn Iwakura – Chuyến Tây du khảo cứu nhằm canh tân dưới thời Duy Tân Minh Trị

Published

on

Trích từ: Sứ đoàn Iwakura
Tác giả: Ian Nish
Đơn vị giữ bản quyền: Phương Nam Book

Phát hành: tháng 11.2023

Nhắc đến Duy Tân Minh Trị, không gì ý nghĩa hơn khi lật lại trang sử về Sứ mệnh Iwakura vì tính khai sáng như Columbus đi tìm Tân thế giới. Họ đem Văn minh khai sáng về trồng trên mảnh đất Phù Tang, để mãi mãi là di sản chung của châu Á. 

Minh Trị Duy Tân có tác động cách mạng không chỉ cho Nhật Bản, mà cho cả châu Á trong tiến trình phát triển và tìm lại mình, với đầy những kịch tính. 

Chuyến công du Iwakura với khẩu hiệu nước giàu quân mạnh và độc lập dân tộc

Cải cách Minh Trị tôn Hoàng đế Minh Trị lên ngôi năm 1868 (lúc đó ông mới 16 tuổi), xoá bỏ chế độ Mạc Phủ, xoá bỏ các bất bình đẳng giữa các đẳng cấp xã hội, thành lập chính truyền trung ương, tái lập mối quan hệ hàng dọc và hàng ngang trong xã hội, người Nhật tạo điều kiện cho cuộc thay đổi một cách triệt để và hệ thống trong việc xây dựng một nhà nước hiện đại và một nền khoa học công nghệ hiện đại. Khẩu hiệu chính của họ là Fukoku kyohei (Nước giàu quân mạnh), và độc lập dân tộc, từng bước ngang bằng với các cường quốc phương Tây.

Iwakura Tomoki (người mặc trang phục truyền thống Nhật Bản) bên cạnh 4 phó sứ, từ trái sang phải, Kido Takayoshi, Yamaguchi Masuka, Ito Hirobumi và Okubo Toshimichi. Hình ảnh được Ishiguro Keisho sưu tầm).

Họ bắt đầu bằng Sứ mệnh Iwakura do công tước Iwakura Tomomi (1835-1883) dẫn đầu với khoảng 50 thành viên gồm nhiều nhân vật chính phủ cao cấp, trong đó có Ito Hirobumi, lúc đó mới 30 tuổi và là Thứ trưởng Bộ Công nghiệp, chưa tính khoảng 60 du học sinh phục vụ việc thông dịch, thông tin. Họ đi thăm Hoa Kỳ và hàng chục các quốc gia châu Âu, như Anh, Pháp, Đức, Áo, Ý, Bỉ, Hà Lan, Đan Mạch, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Nga. Chuyến đi được thực hiện chỉ ba năm sau cuộc cách mạng Minh Trị, giữa lúc một cuộc khủng hoảng chính trị nổ ra tại quê nhà về bán đảo Triều Tiên.

Để động viên các sứ thần, Nhật hoàng Minh Trị đã đọc một bài diễn văn:

“Sau khi nghiên cứu và quan sát kỹ, “trẫm” có ấn tượng sâu sắc và tin rằng các quốc gia hùng mạnh và khai sáng nhất của thế giới là những quốc gia đã có những nỗ lực cần cù để vun xới trí tuệ, và tìm cách phát triển đất nước họ một cách đầy đủ và hoàn hảo... Nếu muốn ứng dụng khoa học, các kỹ xảo và những điều kiện của xã hội đang thịnh hành tại các quốc gia khai sáng, chúng ta hoặc phải tự học hỏi, hoặc gửi một đoàn nghiên cứu gồm những quan sát viên có óc thực tế đến các nước khác, tiếp thu những gì nhân dân đang thiếu để làm lợi cho quốc gia.”

Rõ ràng đây là trọng tâm của chuyến công du. Họ sẽ đi thăm từ nhà máy, công xưởng, đến trường học, đại học, bệnh viện, bảo tàng, thư viện, toà án; nghiên cứu đời sống tính tình dân chúng, làng xã, thành thị, đặc thù của mỗi quốc gia, sự phồn vinh thời Victoria của Anh quốc, các thể chế chính trị khác nhau, các cơ quan chính trị, quân sự. Họ gặp tất cả đại diện giới thương mại, công nghiệp, thượng lưu, cầm quyền, chính khách, quân sự, vua chúa, Tổng thống Grant của Hoa Kỳ (người hùng trong cuộc chiến tranh Nam Bắc dưới thời Tổng thống A. Lincoln), Nữ hoàng Victoria của Anh, Vua Wilhelm I và Thủ tướng Bismarck của Phố (Đức), Tổng thống Thiers của Pháp... Họ xuất hiện trong những bộ Âu phục quý phái. 

Họ muốn làm rõ nền tảng của “văn minh khai sáng”, các nguồn gốc sức mạnh và sự phồn vinh của phương Tây. Trong giáo dục, một lĩnh vực hết sức quan trọng, họ muốn học hỏi các mô hình tổ chức giáo dục tiểu học, trung học và đại học. Đó là chuyến công du lịch sử đi tìm khai sáng (khai minh) cho Nhật Bản.

Nhật Bản cởi mở chấp nhận những giá trị phương Tây

Sau chuyến công du kết thúc các nhà lãnh đạo Nhật Bản nhận định rằng, nguy cơ trực tiếp cho nền độc lập Nhật Bản không cấp bách như họ nghĩ. Sự ưu việt của phương Tây chưa lâu, và Nhật Bản có thể đuổi kịp. Kume chỉ ra trong nhật ký hành trình: “Của cải và sự phồn vinh ở mức độ đáng kể mà người ta nhìn thấy tại châu Âu xuất hiện sau 1800... Năm 1830, tàu thủy hơi nước và xe lửa mới xuất hiện. Đó là sự thay đổi đột ngột trong nền thương mại châu Âu, và người Anh là người đầu tiên dồn hết năng lượng đầu tư vào sự đổi mới.”

Nhật Bản do đó chưa phải là tuyệt vọng. Tuy nhiên, phải nhanh chóng thay đổi toàn diện. Sự đối đầu quân sự chưa phải lúc, mà phải chấn hưng đất nước trước (như Phan Châu Trinh sau này). Đoàn có mang theo một số người bảo thủ, để cho họ thấy, phải cải cách đất nước trước, và một số người quá khích để họ thấy đối đầu quân sự là vô vọng. Những năm 1863-1864, dưới thời Hoàng đế Komei, bố của Minh Trị, người rất thù ghét phương Tây, Nhật Bản đã gây chiến với hải quân các nước Hoa Kỳ, Anh, Pháp và Hà Lan, nhưng đại bại, và phải bồi thường $3.000.000, một bài học đắt giá. Khác với những chuyến công du khác trong lịch sử có đích đến là Trung Hoa, chuyến đi này hướng về phương Tây.

Đoàn cũng nhận ra sâu sắc rằng, không có sự tham gia của nhân dân vào các định chế đại nghị thì không thể có sự đồng thuận cho các hành động của chính quyền. Kido dẫn kinh nghiệm của Ba Lan để chứng minh rằng, thiếu vắng sự tham gia của dân chúng sẽ là tai họa cho nền độc lập quốc gia. Ông cho rằng Năm điều thề ước năm 1868 chính là nền tảng của Hiến pháp cho phép mọi người tham gia; rằng (điều 2) “tất cả các giai cấp, cao cũng như thấp, sẽ hợp lại thực hiện mạnh mẽ chương trình của chính quyền; (điều 3) “tất cả các giai cấp được quyền thực hiện những hoài bão của họ mà không gặp phải khó khăn nào”.

Họ hiểu và tỏ ra kính trọng hơn giá trị của tôn giáo trong đời sống công dân cũng như chính trị. Khi trở về họ đã bỏ lệnh cấm hành đạo Kitô giáo.

Nhật Bản sẽ chấp nhận những giá trị phương Tây: tham gia, cạnh tranh và luôn luôn mở rộng ảnh hưởng. Chỉ có phát triển nội lực mới bảo đảm sự tồn tại của mình. Nhật Bản chấp nhận cuộc chơi mới. Giáo dục là then chốt. Trong khoảng 1868-1902, Nhật Bản đã cấp 11.148 visa du học. Đó là đợt thủy triều du học đầu tiên từ châu Á. Tư nhân tự nỗ lực cho con du học rất nhiều. Bản thân Iwakura và Kido cũng có con trai du học tại Mỹ (ở Rutgers) trong thời gian công du của đoàn.

Năm nữ sinh được gửi đi du học theo Sứ tiết Iwakura, từ trái sang phải: Nagai Shigeko, Ueda Teiko, Yoshimasu Ryoko, Tsuda Umeko và Yamakawa Sutematsu.

Sau chuyến đi, phái đoàn Iwakura thuê ngay hai chuyên gia quan trọng: Giáo sư David Murray của Đại học Rutgers cho lĩnh vực giáo dục tổng quát; Kỹ sư Henry Dyer của Đại học Glasgow làm cố vấn quan trọng cho Nhật Bản về việc xây dựng Kobu Daigakko (Đại học Kỹ thuật).

Chuyến đi mở màn làn sóng thuê chuyên viên nước ngoài toàn diện và ồ ạt. Năm 1875 Nhật đã thuê tổng cộng 500-600 chuyên viên nước ngoài về làm việc cho chính phủ. Tính đến năm 1890 Nhật đã thuê khoảng 3.000 chuyên viên tư vấn thường xuyên làm việc tại Nhật, đủ mọi lĩnh vực, ngành nghề. Riêng trong giáo dục, trong vòng 50 năm Bộ Giáo dục Nhật Bản đã thuê khoảng 400 thầy giáo nước ngoài từ các quốc gia phương Tây để dạy ở các đại học và các tổ chức học thuật khác. Năm 1873, Bộ Giáo dục phải trả một số tiền bằng khoảng 14% ngân quỹ cho giáo viên nước ngoài. Năm 1877 một phần ba ngân quỹ của Đại học Tokyo là dành cho người nước ngoài. Nhật Bản lần lượt thực hiện hai cuộc cách mạng công nghiệp trọng tâm, thứ nhất là công nghiệp nhẹ, thứ hai là công nghiệp nặng. 

Sứ đoàn Iwakura thực hiện đúng điều thứ 5 trong Năm điều thề ước của Hoàng đế Minh Trị và các nhà lãnh đạo trẻ xung quanh ông, rằng: “Tri thức phải được tìm kiếm khắp nơi trên thế giới, để mở rộng và tăng cường quyền lực của đế chế”. 

Chuyến công du Iwakura là một bài học kinh điển cho công cuộc đi tìm mô hình phát triển từ các quốc gia phương Tây. Chưa có dân tộc nào có năng lực quan sát trung thực và đưa ra những ý tưởng dự phóng, cũng như đủ quyết tâm theo đuổi đến khi thành công như họ.

Tác phẩm được trích đăng với sự đồng ý của Phương Nam Book.

Đọc bài viết

Trích đăng

Sứ đoàn Iwakura và bí mật từ chuyến Tây du lịch sử khiến nước Nhật phát triển thần kỳ

Published

on

Sứ đoàn Iwakura

Nhắc đến Minh Trị Duy Tân, không gì ý nghĩa hơn khi lật lại trang sử về Sứ mệnh Iwakura vì tính khai sáng như Columbus đi tìm Tân thế giới. Họ đem văn minh khai sáng “về trồng” trên mảnh đất Phù Tang, để mãi mãi là di sản chung của châu Á. 

Cải cách Minh Trị tôn Hoàng đế Minh Trị lên ngôi năm 1868 (lúc đó ông mới 16 tuổi), xoá bỏ chế độ Mạc Phủ, xoá bỏ các bất bình đẳng giữa các đẳng cấp xã hội, thành lập chính truyền trung ương, tái lập mối quan hệ hàng dọc và hàng ngang trong xã hội, người Nhật tạo điều kiện cho cuộc thay đổi một cách triệt để và hệ thống trong việc xây dựng một nhà nước hiện đại và một nền khoa học công nghệ hiện đại. Khẩu hiệu chính của họ là Fukoku kyohei (Nước giàu quân mạnh) và độc lập dân tộc, từng bước ngang bằng với các cường quốc phương Tây. 

Chuyến hải hành khám phá Hoa Kỳ và các nước châu Âu của sứ đoàn Iwakura kéo dài 1 năm 10 tháng (1871 - 1873), với một phái đoàn hùng hậu, gồm khoảng 100 người. Đoàn cũng có nhiều nữ sinh trẻ tuổi theo du học, phục vụ cho việc giáo dục phụ nữ sau này. 

Quyển sách Sứ đoàn Iwakura, tác giả Ian Nish biên soạn.

Ban đầu, họ lên kế hoạch đi thăm từ nhà máy, công xưởng, đến trường học, đại học, bệnh viện, bảo tàng, thư viện, toà án; nghiên cứu đời sống tính tình dân chúng, làng xã, thành thị, đặc thù của mỗi quốc gia, sự phồn vinh thời Victoria của Anh quốc, các thể chế chính trị khác nhau, các cơ quan chính trị, quân sự. Họ gặp tất cả đại diện giới thương mại, công nghiệp, thượng lưu, cầm quyền, chính khách, quân sự, vua chúa, Tổng thống Grant của Hoa Kỳ (người hùng trong cuộc chiến tranh Nam Bắc dưới thời Tổng thống A. Lincoln), Nữ hoàng Victoria của Anh, Vua Wilhelm I và Thủ tướng Bismarck của Phổ (Đức), Tổng thống Thiers của Pháp... Họ xuất hiện trong những bộ Âu phục quý phái.

Sứ đoàn Iwakura muốn làm rõ nền tảng của “văn minh khai sáng”, các nguồn gốc sức mạnh và sự phồn vinh của phương Tây. Trong giáo dục, một lĩnh vực hết sức quan trọng, họ muốn học hỏi các mô hình tổ chức giáo dục tiểu học, trung học và đại học. Đó là chuyến công du lịch sử đi tìm khai sáng (khai minh) cho Nhật Bản.

Nhà sử học Kume Kunitake nhìn thấy ở các viện bảo tàng Hoa Kỳ bản ghi chép về quá trình khai sáng, ông ý thức được rằng: “Nếu ý chí của con người không mạnh, họ không thể mở rộng quyền lực vươn ra khoảng cách lớn. Sự hưng vong của các quốc gia liên quan đến ý chí con người (dân tộc). Kỹ năng và sự giàu có, những điều này chỉ là thứ hai”.

Iwakura Tomomi (người mặc trang phục truyền thống) cùng 4 phó sứ (từ trái sang) Kido Takayoshi, Yamaguchi Masuka, Ito Hirobumi và Okubo Toshimichi. Ảnh: Ishiguro Keisho sưu tầm

Đối với phó sứ Kido không gì tạo ấn tượng cho ông bằng giáo dục ở Hoa Kỳ. Ông viết: “Không có gì khẩn trương đối với chúng ta hơn là các trường học, trừ khi chúng ta tạo được một nền tảng quốc gia vững vàng không lay chuyển được, chúng ta không thể nào nâng cao thanh thế đất nước trong nghìn năm tới... Dân tộc chúng ta không khác với các dân tộc Mỹ và châu Âu ngày nay; đó là vấn đề của giáo dục, hay sự thiếu hụt giáo dục”.

Nhật Bản sẽ chấp nhận những giá trị phương Tây: tham gia, cạnh tranh và luôn luôn mở rộng ảnh hưởng. Chỉ có phát triển nội lực mới bảo đảm sự tồn tại của mình. Nhật Bản chấp nhận cuộc chơi mới. Giáo dục là then chốt. Trong khoảng 1868-1902, Nhật Bản đã cấp 11.148 visa du học. Đó là đợt thủy triều du học đầu tiên từ châu Á. Tư nhân tự nỗ lực cho con du học rất nhiều. Bản thân Iwakura và Kido cũng có con trai du học tại Mỹ (ở Rutgers) trong thời gian công du của đoàn.

Sau chuyến đi, phái đoàn Iwakura thuê ngay hai chuyên gia quan trọng: Giáo sư David Murray của Đại học Rutgers cho lĩnh vực giáo dục tổng quát; Kỹ sư Henry Dyer của Đại học Glasgow làm cố vấn quan trọng cho Nhật Bản về việc xây dựng Kobu Daigakko (Đại học Kỹ thuật).

Chuyến đi mở màn làn sóng thuê chuyên viên nước ngoài toàn diện và ồ ạt. Năm 1875 Nhật đã thuê tổng cộng 500-600 chuyên viên nước ngoài về làm việc cho chính phủ. Tính đến năm 1890 Nhật đã thuê khoảng 3.000 chuyên viên tư vấn thường xuyên làm việc tại Nhật, đủ mọi lĩnh vực ngành nghề. Riêng trong giáo dục, trong vòng 50 năm Bộ giáo dục Nhật Bản đã thuê khoảng 400 thầy giáo nước ngoài từ các quốc gia phương Tây để dạy ở các trường đại học và các tổ chức học thuật khác. 

Hình ảnh đoàn cấp cao do nhà quý tộc Iwakura Tomomi dẫn đầu đến thăm Hoa Kỳ và các nước phương Tây vào năm 1871 với sứ mệnh Iwakura. Nguồn ảnh Kameda Kinuko.

Chuyến công du Iwakura là một bài học kinh điển cho công cuộc đi tìm mô hình phát triển từ các quốc gia phương Tây. Cuộc canh tân Nhật Bản theo mô hình phương Tây, như thực tế là con đường nhanh nhất. Năm 1895, Nhật Bản đã đánh thắng quân đội nhà Thanh của Trung Hoa. Cùng lúc, các quốc gia phương Tây chính thức chấp nhận các hiệp ước thương mại bình đẳng như giữa họ với nhau, có hiệu lực năm 1899, thay cho hiệp ước cũ bất bình đẳng. Điều đó mặc nhiên công nhận Nhật Bản bước vào “câu lạc bộ” các quốc gia phát triển. Chỉ vỏn vẹn sau 30 năm! Nhật Bản đã sao chép thành công mô hình xã hội phương Tây và cuộc công nghiệp hóa chỉ trong vòng ba thập niên mà không có mô hình phát triển nào trước đó làm tiền đề, quả thật là điều thần kỳ. 

Một trong những nhật báo, Kokunim Shimbun, hãnh diện đăng đàn rằng: “Như hệ quả của cuộc chiến (Trung - Nhật), vị thế của Nhật Bản trên thế giới đã thay đổi với sự lộ diện của ba đặc tính cơ bản của người Nhật. Trước hết, Nhật Bản vượt trội thế giới ở lòng ái quốc. Thứ hai, ở năng lực có một không hai là hấp thụ, sử dụng và ứng dụng nền văn minh hiện đại. Thứ ba, là bản chất hay tính khí mạnh mẽ và vững chắc”.

Nhắc đến Minh Trị Duy Tân, không gì ý nghĩa hơn khi lật lại trang sử về Sứ mệnh Iwakura vì tính khai sáng như Columbus đi tìm Tân thế giới. Họ đem Văn minh khai sáng về trồng trên mảnh đất Phù Tang, để mãi mãi là di sản chung của châu Á. Minh Trị Duy Tân có tác động cách mạng không chỉ cho Nhật Bản, mà cho cả châu Á trong tiến trình phát triển và tìm lại mình, với đầy những kịch tính. 

Năm 1878, biên bản hành trình của Kume Kunitake được xuất bản thành một bộ sách năm tập có tên Beio Kairan Jikki, gọi tắt là Kairan Jikki, được in lại nhiều lần từ năm 1977, có giá trị như bộ sử của chính phương Tây công nghiệp hóa thế kỷ XIX dưới cái nhìn sắc sảo của các lãnh đạo Nhật Bản. Đây là một bộ sách kinh điển rất đáng được tham khảo, nhất là cho những quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Những bài học năm xưa đọc lại vẫn thấy còn nóng hổi.

Trích đoạn

Không có sự phồn vinh, văn hóa của nhân dân không thể phát triển. Để cho lòng ái quốc tăng trưởng, nó phải phục vụ việc tạo ra của cải. Người ta nói, chúng ta phải bảo vệ đất nước, nhưng ích lợi gì nếu đất nước chỉ là mảnh đất cằn cỗi?

Chính sách quốc gia của Nhật Bản "mở cửa đất nước" không chỉ là một hành động mang tính ngoại giao. Nhiều quốc gia trên thế giới mở rộng cửa nhưng vẫn tiếp tục thực hành các tập quán man di, và bất lực trong cải cách, cũng như tu chỉnh các tập quán đó để có thể tiến lên trình độ văn minh", Ito Hirobumi - Thủ tướng đầu tiên của Nhật Bản.

***

"Chuyến đi có hai mục tiêu, thứ nhất là muốn giới thiệu với phương Tây về những gương mặt lãnh đạo mới của Nhật Bản và thương thảo lại các hiệp ước bất bình đẳng. Thứ hai là quan sát và đánh giá sự phát triển của phương Tây trong mọi lĩnh vực, từ chính trị, quân sự, văn hóa đến khoa học, công nghệ, sản xuất, thương mai, giáo dục và cách tổ chức quốc gia. Qua đó, tìm một mô hình khả thi phù hợp cho Nhật Bản nhằm chuyển đổi xã hội phong kiến lâu đời sang một quốc gia hiện đại, điều chưa có tiền lệ ngoài khu vực phương Tây. Nói đến Minh Trị Duy Tân, người ta không thể không nhắc đến chuyến đi lịch sử có tầm quan trọng chiến lược này", trích đoạn từ sách Sứ đoàn Iwakura, Ian Nish.

Về tác giả

Ian Nish (1926 – 2022) là học giả người Anh, nhà nghiên cứu Nhật Bản học, Giáo sư danh dự về Lịch sử Quốc tế tại Học viện Kinh tế và Chính trị London.

Đọc bài viết

Trích đăng

Tiếng đờn ca ở tiệm hớt tóc

Published

on

Hồi ức Phú Nhuận

Đầu thập niên 1960, dân cư quanh khu Bàn Cờ thấy có một tiệm hớt tóc được mở ra ở số 405B đường Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu - TP.HCM), đoạn giữa chợ Vườn Chuối và đường Cao Thắng. Tiệm có tên Đời Mới, bảng hiệu vẽ ba đầu tóc đàn ông chải bồng kiểu tăng gô không khác gì những mái tóc của kép Dũng Thanh Lâm, kép Minh Phụng sau này. Tiệm không có gì đặc biệt, bề ngang chỉ 2,2m, nhưng ai nấy đều chú ý vì ở đó thỉnh thoảng lại có tiếng đờn ca cổ...

Ban đờn ca tài tử này, tuy lúc rảnh mới tụ lại với nhau mà tồn tại hơn chục năm. Dấu ấn của nó sâu đậm tới mức đến giờ người vùng Bàn Cờ còn nhắc, dù đã hơn 40 năm và các nhân vật trong câu chuyện này hầu như không còn mấy ai.

Ông Tư Triều, chủ tiệm hớt tóc Đời Mới vốn dân gốc ở quận Củ Chi, tỉnh Hậu Nghĩa. Về Sài Gòn lập nghiệp giữa thập niên 1950 sau khi gãy đổ cuộc hôn nhân đầu, ông cưới vợ lần nữa và mở tiệm hớt tóc khi vừa có đứa con gái.

Tiệm cũng là nhà ở, ông sống cùng hai người thợ. Vì có máu văn nghệ, thích ca cổ lại có nghề làm nhạc cụ, ông biến tiệm hớt tóc của mình thành nơi đờn ca tài tử những lúc rảnh. Từ hồi trai trẻ, ông đã mê cải lương, đờn ca cổ nhạc bên cạnh những thú vui khác như đá gà, đua ngựa...

Bạn thân ông đều là người thích tiếng hát, tiếng đờn như bác Năm Trèo ở Hóc Môn, cha của nghệ sĩ cải lương Hoài Thanh. Trước khi có tiệm hớt tóc, giữa thập niên 50, ông chơi thân với nghệ sĩ tài danh Hữu Phước và danh hài Văn Hường. Lúc đó họ chưa nổi tiếng, ông gọi Hữu Phước là Ri vì ông này quốc tịch Pháp có tên Henry và nghệ danh Hữu Phước chưa xuất hiện.

Ông Tư Triều cắt tóc cho một người khách ái mộ cải lương (ảnh tư liệu gia đình ông Tư Triều)

Khách đến hớt tóc có đủ loại người, già trẻ lớn bé, từ người trong giới bình dân, trí thức, luật sư, cảnh sát, hoặc phục vụ trong quân đội Sài Gòn, có cả một vị bộ trưởng. Ông Tư Triều là người từng trải, lịch duyệt lại có máu nghệ sĩ nên giỏi ăn nói, rành chuyện cải lương, rành nhạc cụ cổ nhạc. Ông còn biết sửa chữa nhạc cụ. Thoạt đầu, ông mua đờn cũ mang về chỉnh sửa theo ý mình rồi đưa cho bạn bè trong nhóm đờn ca dùng thử. Đến khi cứng tay nghề, ông đến xưởng gỗ bên Chánh Hưng (quận 8) đặt từng thanh gỗ để làm cần đờn, mặt đờn.

Về nhà, ông tiếp tục gọt giũa từng chi tiết rất công phu. Ông tự chế keo dán gỗ, mua dây đàn nhập từ Tây Đức... Khi đờn hình thành, ông đem đi cẩn ốc xà cừ. Ông cầu kỳ đến mức mua đờn tranh, thấy 16 “con nhạn”(miếng gỗ kê dây đờn) không đẹp, đặt luôn những miếng gỗ hình tam giác mang về gọt giũa thành những “con nhạn” mới.

Từ khi nhóm đờn ca tài tử của ông bắt đầu tụ lại, khách đến đông thêm. Những người thường ghé chơi là mấy thầy dạy bên trường Quốc gia âm nhạc như bác Hai Khuê, bác giáo Thinh và bác Bảy Hàm, có nhạc sĩ Vĩnh Bảo, nghệ sĩ tiền phong Duy Lân, bác Mười Phú, chú Mười Hoa (nhạc phụ nghệ sĩ Viễn Sơn), nhạc sĩ nổi tiếng Văn Giỏi, anh Minh Hữu nghệ sĩ đờn kìm, bác Tư Tuất (nghệ sĩ đờn cò một thời của gánh Hương Mùa Thu, thân phụ các nghệ sĩ Hoài Dung, Hoài Mỹ)...

Trong số đó, ông Tư Triều thương anh Minh Hữu vì anh có tài và khiêm tốn, luôn nho nhã với sơ mi trắng và đeo kính cận. Sau này, khi gánh hát Phụng Hảo của nghệ sĩ Phùng Há lên tivi, bà mời anh Minh Hữu chơi đờn kìm cho tuồng của bà và ông Tư Triều rất sung sướng khi nhìn thấy cây đờn kìm ông làm được Minh Hữu dùng biểu diễn trên truyền hình.

Hầu hết họ đều là các nghệ sĩ đánh đờn, chỉ có vài giọng ca là anh Biện (hay Biền) to cao nhưng hiền lành. Một giọng khác là anh Ngọc, đẹp trai còn hơn nghệ sĩ với mái tóc chải ép, ca rất hay. Ngày đó không dễ gì liên lạc nhau nhưng không hiểu sao mấy nghệ sĩ tài tử này "đụng" nhau thường xuyên ở tiệm Đời Mới như đã hẹn hò từ trước. Mỗi tuần ông Tư Triều đều dành một buổi chơi đờn hay hòa đờn với nhau. Lâu lâu vào buổi tối ông mời bạn bè lên gác hát xướng, hòa điệu cho đến khuya.

Bà Tư niềm nở hiếu khách nên bạn bè ông Tư không ngại. Khách đến chơi, hứng thú khi nhìn chung quanh tiệm treo đầy những cây đờn. Ở nhà sau treo trên hai bên vách hơn 30 loại nhạc cụ (kìm, cò, tranh, sến, guitar, gáo, đoản...), có cây vĩ cầm trong chiếc hộp gỗ thiệt đẹp, bên trong lót vải nhung đỏ rực. Đó là tất cả gia tài và niềm đam mê của ông Tư Triều.

Chú bé Tâm, con trai út của ông Tư Triều nay đã ở tuổi năm mươi, sinh sống tại Đức còn nhớ những ngày vui đầu thập niên 1970 khi mới lên bảy. Lúc đó, cuộc sống còn dễ thở, khách đến đông và giới đờn ca tài tử thường xuyên đến góp vui. Mỗi lần tụ họp thường từ 9, 10 giờ sáng đến quá trưa rồi ai về nhà nấy. Khách qua đường thường đứng lại nghe đờn. Nếu có người ca thì người xem đông hơn.

Có chị hàng xóm dắt con đến cắt tóc, cũng xin ngồi vào ca vài bài, rất đúng nhịp trong khi đợi cậu con trai. Các chú các anh ít khi ca bài vọng cổ mà thường ca những bài cổ, khó hơn như Tây Thi, Lưu Thủy Trường, Xàng Xê, Tứ Đại Oán... Anh Ngọc, giọng ca chính có bài ca Phù Đổng Thiên Vương cách thể hiện rất hào hùng. Ông Tư Triều thỉnh thoảng cũng góp giọng, dù làn hơi yếu nhưng điệu ca lạ tai, vững nhịp.

Nhóm đờn ca tài tử ở tiệm hớt tóc Đời Mới (ảnh tư liệu gia đình ông Tư Triều)

Tâm còn nhớ nghệ sĩ Duy Lân thường chở cô học trò cưng Ngọc Hoa (bây giờ là nghệ sĩ Thoại Miêu) đến chơi. Thầy bảo hát gì là chị răm rắp nghe lời. Có lần, tàn cuộc thầy dắt chiếc xe Mobylette ra về, đạp hoài không nổ. Thầy bảo: “Phụ thầy đẩy đi con” là chị lập tức cột hai vạt áo dài trắng tinh, cong lưng đẩy ngay. Một lần Tâm chứng kiến ông Tư Triều đồng ý bán cây đờn do ông chế tác.

Số là trong số khách đến hớt tóc có trung tá X., luôn đi bằng xe Jeep. Anh này thích tiếng của cây đờn tranh, có mướn thầy về dạy riêng ở nhà. Anh kính mến ông Tư, nhiều khi tóc chưa dài cũng ghé cắt, chỉ để nói chuyện với ông. Anh mê một cây đờn tranh cẩn xà cừ rất đẹp của ông và sau nhiều lần thuyết phục, anh được ông Tư đồng ý đổi chiếc đờn lấy một tivi Sanyo 17 inch mới toanh, giá lúc ấy 90.000 đồng. Hẳn ông rất quý anh bạn trẻ và cũng muốn có tivi cho vợ con xem cải lương nên chấp nhận cho cây đờn ra đi.

Từ năm 1973, tiệm hớt tóc Đời Mới dần vắng khách. Kinh tế lúc đó bắt đầu đi xuống do người Mỹ rút đi. Chính quyền đặt ra loại thuế T.V.A (trị giá gia tăng), ngoài thuế môn bài. Tất cả cửa tiệm kinh doanh đều phải kê khai từ ngày thành lập cho đến thời điểm hiện tại và phải đóng một số tiền khổng lồ, nếu không thì dẹp. Ông Tư Triều quyết định đóng cửa tiệm lui về Củ Chi trồng rau nuôi gà và cắt tóc cho dân quanh vùng mưu sinh, cuối tuần lại về Sài Gòn thăm vợ con.

Mấy mươi năm theo tiếng đờn ca của những ban nhạc tài tử, ông gặp đủ loại người. Nhưng không bao giờ gặp lại những bạn bè cùng đi hát trên xe vespa từ khi họ nổi danh, thậm chí còn không nhận ra ông là người quen. Đó là lý do ông không thích đến rạp hát nữa. Nhóm đờn ca tài tử, nơi quy tụ những người cùng ngân nga những bài ca cổ đề cao nhân hiếu tiết nghĩa, cũng là nơi lui tới của những người “vui đâu chầu đó”, điều đó không có gì lạ.

Năm 1979, Tâm gặp lại anh trung tá năm xưa mua cây đờn tranh. Biết tin ông Tư đã về Củ Chi, anh buồn buồn chia tay. Sau đó vài năm, ông Tư Triều mất vì tai biến lúc Tâm đã ra nước ngoài.

Ông Tư Triều và ban đờn ca tài tử của ông chỉ là một mảnh nhỏ xíu trong đời sống văn hóa người Sài Gòn - Gia Định. Họ có thể vô danh hay hữu danh, yêu lời ca tiếng nhạc bằng tâm hồn rộng mở, hồn nhiên và tình cờ góp phần tạo nên mạch ngầm chảy âm ỉ nhưng đủ sức nuôi dưỡng vốn cổ văn hóa của ông bà, từ thời mở cõi vô Nam.

Hồi ức Phú Nhuận | Phạm Công Luận

Đọc bài viết

Cafe sáng