Chuyện người cầm bút

Ngôn từ có quyền năng xóa bỏ và bóp méo: Một cuộc phỏng vấn với Madeleine Thien

“Ngôn ngữ thật mỏng manh. Ngôn từ có quyền năng xóa bỏ và bóp méo nhiều thứ. Công bằng, lý trí, dân chủ, tự do, lòng tốt, sự thật – chúng ta sử dụng những từ này phục vụ cho các ý định khác xa nhau. Chúng ta dùng chúng để phục vụ cho cả nhân đạo và bạo lực sâu sắc.”

Published

on

Madeleine Thien là tác giả nổi tiếng quốc tế với bốn tác phẩm hư cấu, bao gồm tập truyện ngắn Simple Recipes (tạm dịch Những công thức giản đơn), các tiểu thuyết Certainly (tạm dịch Chắc chắn) và Dogs at the Perimeter (tạm dịch Những chú chó trên vành đai). Cuốn tiểu thuyết gần đây nhất của cô, Do Not Say We Have Nothing (Phương Nam Book đã dịch và phát hành tại Việt Nam với tựa đề Đừng Nói Chúng Ta Không Lợi Quyền1), là câu chuyện hấp dẫn về các thế hệ bị cuốn vào di sản thời kỳ Cách mạng Văn hóa của Mao Trạch Đông và sự kiện Thiên An Môn. Cuốn tiểu thuyết được ca ngợi rộng khắp trong giới phê bình Anh ngữ và từng lọt vào danh sách rút gọn của giải Man Booker, cũng như nằm trong đề cử Huy chương Andrew Carnegie cho tác phẩm hư cấu xuất sắc. Mới đây, Đừng Nói Chúng Ta Không Lợi Quyền đã thắng hai giải thưởng văn học uy tín nhất Canada: giải Toàn quyền Canada cho tác phẩm hư cấu và giải thưởng Giller. Dẫn lời ban giám khảo giải Toàn quyền Canada, cuốn sách được nhận định là “một tiểu thuyết thanh lịch, đa sắc, hoàn hảo, tựa như một tẩu pháp2 trình bày đời sống các cá nhân, tập thể và các thế hệ bị vướng vào mớ bòng bong lịch sử.”

David Chariandy (DC): Chúc mừng những danh hiệu mới nhất, Madeleine. Tôi biết chị đã có một năm vô cùng bận rộn.

Madeleine Thien (MT): Tôi thấy như mình đang bay qua hầm gió! Nhưng cảm giác vẫn ổn.

DC: Là người ngưỡng mộ tác phẩm của chị từ lâu, tôi muốn bắt đầu bằng một câu hỏi về cách mà chị đã chuyển từ tiểu thuyết trước đó, Dogs at the Perimeter nói về nội chiến Cambodia, sang Đừng Nói Chúng Ta Không Lợi Quyền với bối cảnh cách mạng văn hóa Trung Quốc và những cuộc biểu tình tại Thiên An Môn. Cả hai tiểu thuyết đều bàn về những cá nhân bị cuốn vào lịch sử đau thương của tổ quốc, nhưng ở Đừng Nói Chúng Ta Không Lợi Quyền có sự chuyển hướng nổi bật sang âm nhạc. Làm thế nào và tại sao mà âm nhạc, đặc biệt là nhạc cổ điển phương Tây lại trở thành đội hợp phối tràn đầy năng lượng trong cuốn tiểu thuyết này?

MT: Tôi thấy buồn không tưởng sau Dogs at the Perimeter, vì tôi bắt đầu nghĩ rằng bản thân ngôn ngữ mâu thuẫn với chính những điều ta cần ở nó: để nghe, để nói, để hiểu. Ngôn ngữ thật mỏng manh. Ngôn từ có quyền năng xóa bỏ và bóp méo nhiều thứ. Công bằng, lý trí, dân chủ, tự do, lòng tốt, sự thật – chúng ta sử dụng những từ này phục vụ cho các ý định khác xa nhau. Chúng ta dùng chúng để phục vụ cho cả nhân đạo và bạo lực sâu sắc.

Một trong những nền tảng nghệ thuật và câu hỏi mang tính khái niệm trong Đừng Nói Chúng Ta Không Lợi Quyền, là làm thế nào để ngôn ngữ tự nó hoàn thiện, làm sao để gắn kết một từ và ý nghĩa của nó khi chúng rất dễ bị tách ra? Làm cách nào để chúng ta tìm được ngôn từ để tư duy theo nhiều lối khác nhau? Âm nhạc, toán học, nghệ thuật thị giác, với những hình thái ký hiệu riêng biệt, đều làm thực tế trở nên phức tạp. Lấy ví dụ, Bản giao hưởng số 5 của Dimitri Shostakovich nổi tiếng với những cách diễn giải khác nhau. Cách hiểu đầu tiên (và ơn trời là phổ biến nhất, vì chính cách hiểu này có lẽ đã cứu sống Shostakovich), rằng nó “đại diện cho những lý tưởng cao đẹp nhất của Hiện thực Xã hội chủ nghĩa…[và] lời đáp trả sáng tạo của một nhà soạn nhạc Xô Viết đến những lời phê phán công tâm”. Cách hiểu thứ hai là sự công khai thương tiếc vì bạo lực thảm khốc xảy ra trong suốt các chiến dịch chính trị và thanh trừng của Stalin.

Trong kỷ nguyên Baroque và Lãng mạn, âm nhạc cổ điển phản ánh những đổi thay chính trị và trong Đừng Nói Chúng Ta Không Lợi Quyền, nó nói lên nhiều điều về các nhạc sĩ Trung Quốc sống giữa thời cách mạng. Âm nhạc bộc lộ những ý tưởng phản thời thế, nó giữ cho cuộc sống muôn màu, nó là giọng nói đa tầng nghĩa. Hình thái âm nhạc, xét theo phương diện cấu trúc, đặt ra câu hỏi làm sao để sự thay đổi mang tính cách mạng có thể sản sinh ra giữa vòng tuần hoàn cũ mèm của những việc đã xảy ra? Làm sao để ta mở lòng mình chào đón những bước nhảy đột phá mà không phá hủy tổng quan?

“Âm nhạc bộc lộ những ý tưởng phản thời thế, nó giữ cho cuộc sống muôn màu, nó là giọng nói đa tầng nghĩa.”

DC: Trong đoạn gần mở đầu Đừng Nói Chúng Ta Không Lợi Quyền, khi Marie nghe Bản Sonata số 4 cho piano và violin của Bach, cô đã mô tả: “Thuật đối âm giữ nhà soạn nhạc, nhạc công, thậm chí cả thinh không ở cùng với nhau; còn âm nhạc, với những làn sóng xoắn ốc giữa khổ đau và hân hoan, là tất cả những gì tôi còn nhớ”. Tôi bị ấn tượng bởi, dù vô tình hay cố ý, trải nghiệm nghe nhạc của Marie luôn gắn bó chặt chẽ với những hồi tưởng của cô về cuộc đời của cha mình.

MT: Vô tình là từ hoàn toàn chính xác. Những gì cô ấy nghe thấy, tức âm nhạc, thứ nghệ thuật trừu tượng này, chứa đựng những mâu thuẫn – những điều cô ấy biết và không biết, những điều cô ấy đồng thời yêu thương và chối bỏ, cô ấy là ai và không thể chẳng trở thành ai – trôi qua trong đúng một giây phút. Trong khi đó, ngôn ngữ lại tuyến tính. Đôi khi tôi nghĩ thử nghiệm trong nghệ thuật kể chuyện phần nào đó thách thức sự tuyến tính của ngôn ngữ, mãnh liệt hơn là sự tuyến tính của thời gian. Hình tượng, mô-típ, cộng hưởng, vọng âm, và những gì Mikhail Bakhtin gọi là giọng-nước đôi3, tất cả làm bóp méo những giá trị bề mặt phẳng lặng và chồng chéo các ý tưởng khác nhau trong khi vẫn giữ được mọi thứ rõ ràng. Việc này giống như gấp tờ giấy phẳng phiu để tạo ra nhiều chiều hơn.

DC: Trong một dịp phỏng vấn và giao lưu đọc sách gần đây, chị đã gợi ý ngắn gọn rằng kết cấu của Đừng Nói Chúng Ta Không Lợi Quyền dựa trên Bản giao hưởng Goldberg Variations của Glenn Gould. Ý của chị lúc đó là gì?

MT: Goldberg Variations bắt đầu với một giai điệu rất đơn giản, theo sau bởi ba mươi biến tấu và đối âm dựa trên mô-típ cho điệu nhạc cơ bản, cuối cùng kết thúc bằng các điệp khúc. Khi ta trở ngược lại từ đầu, ta đã đi xuyên qua nhiều thế giới. Cứ như thể Bach đang nói với chúng ta, khởi đầu và kết thúc, sinh và tử đưa chúng ta trở lại cùng một nơi, nhưng ở giữa là những biến thể phi thường của niềm vui và nỗi buồn cùng nhiều trạng thái mà ta chẳng thể gọi tên. Âm nhạc là cả sự cụ thể (sóng âm) lẫn phù du (ký ức, cảm xúc), nó đồng thời gợi lên sự cụ thể và phù du trong chúng ta.

Tôi muốn sử dụng mô hình của Bach và những cảm quan chuyển động của ông để viết một cuốn tiểu thuyết đã biết được khởi đầu và kết thúc (được lịch sử ghi lại), nhưng vẫn tự do trong cách hiểu câu chuyện. Mọi việc vẫn lặp lại, nhưng bạn không thể dự đoán trước được điều gì. Lịch sử vẫn quen thuộc: khát vọng hướng tới utopia4, cách mạng, những cơ chế hủy diệt khoác lớp vỏ sáng tạo (để kiến tạo thế giới mới, chúng ta phải hủy diệt cái cũ, hoặc những slogan kiểu: “nếu cái đẹp chống lại cái xấu, hãy chọn cái xấu”, v.v) và ngược lại. 

Tôi nghĩ tới mô tả của Italo Calvino về thành phố vô hình Berenice, thành phố bất công, nơi đồng thời chứa một Berenice khác, thành phố công bằng. Chúng liên tục chuyển hóa lẫn nhau, cái này nằm trong cái kia, vô cùng tận. Hạt mầm cái ác mãi mãi bén rễ bên trong cái thiện; tình yêu công lý đâm chồi mỗi khi bị đốn hạ.

“Hạt mầm cái ác mãi mãi bén rễ bên trong cái thiện; tình yêu công lý đâm chồi mỗi khi bị đốn hạ.”

DC: Khi đề cập đến Cách mạng Văn hóa và sự kiện Thiên An Môn, Đừng Nói Chúng Ta Không Lợi Quyền đại diện cho các sự kiện mang tính toàn cầu. Nhưng đồng thời, thành công lớn của cuốn sách cũng nằm ở việc gợi mở đời sống phong phú thường ngày và xúc cảm thân mật duy trì xuyên suốt tiểu thuyết. Chị đã viết cuốn sách phức tạp này như thế nào, bởi thực tế chị có thể được coi là một nhà văn Canada, là “người phương Tây”, hay “người Trung Quốc tha hương”. Giống như nhân vật Marie trong tiểu thuyết của mình, chị dường như sinh sống trong một nền văn hóa và xã hội tách biệt với Trung Quốc đương đại.

MT: Anh nói đúng rồi, David. Thật là phức tạp. Tôi thực sự bị cách li về mặt văn hóa và ngôn ngữ. Nhưng đồng thời, giữa tôi và nền văn hóa Trung Hoa có sự thân thuộc trẻ thơ (nhiều năm học thư pháp, lớp múa truyền thống, phim truyền hình Hồng Kông những năm 80, gia đình, v.v). Tôi luôn cảm thấy tuy lịch sử có vẻ xa xăm (Cambodia, Indonesia, Chile, Ghana, Iraq, liên tu bất tận), trên thực tế nó phơi bày chính chúng ta. Chúng là những câu chuyện liên quan đến ta mà ta cố quên.

Tôi nghĩ, cho dù tôi viết ra thứ gì đó gần gũi hay xa lạ, tôi luôn tự vấn về những gì tôi cho rằng mình biết. Những giả thuyết về thế giới chiếm phần lớn không gian não bộ của ta. Kiến thức có sẵn có thể che mù chuyện xảy ra trước mắt. Đó là niềm vui và cũng là thách thức lớn khi tôi viết Đừng Nói Chúng Ta Không Lợi Quyền. Tôi không phải nhạc sĩ, tôi không sống thời Cách mạng Văn hóa, và tôi xem những cuộc biểu tình ở Thiên An Môn năm 1989 trên truyền hình. Tôi bắt đầu từ chỗ biết rất ít, nhưng tôi tin rằng sự chu đáo, sáng tạo cùng kỷ luật bằng cách nào đó sẽ mang cả thế giới phức tạp vào trong tầm nhìn của tôi. Có lẽ khát khao nghệ thuật chính là làm cho cái gì đó trở nên sống động. Nghệ thuật có quá nhiều khuôn phép, thậm chí khó chịu, và lại ràng buộc cùng tự do.

Ảnh: Nhà Sách Phương Nam Nguyễn Văn Bình, TP. HCM

DC: Tôi cho rằng chị không quan tâm lắm đến những người có thể đe dọa kiểm duyệt hay những hậu quả nghiêm trọng vì những gì chị viết.

MT: Đúng, rất đúng. Có hàng tá chủ đề nhạy cảm tại Trung Quốc, các nhà văn phải quyết định họ sẽ sáng tạo ra sao trong tình cảnh như vậy. Và kết quả thật mê hoặc, đầy đủ từ giả tưởng đến ngụ ngôn rồi tất cả mọi thứ ở giữa, kể cả siêu-ảo5, thể loại mà Ning Ken gọi là “chaohuan”.

Tôi luôn nghĩ đến việc chúng ta sử dụng sự tự do của mình như thế nào, và dùng nó ít ỏi ra sao. Ở Bắc Mỹ, nhận thức khán giả, văn hóa xuất bản, tiền tài, giải thưởng, chương trình MFA6, hội nhóm và xu hướng, v.v, tất cả đều định hình nền văn học và quyết định của tác giả. Bắc Mỹ thật lạ bởi giới nghệ sĩ dễ dàng cảm thấy họ cần phải áp đặt giới hạn cho chính mình. Thỉnh thoảng điều khó nhận thấy nhất là khi chúng ta lựa chọn gói gọn mình trong khoảng không gian bó hẹp, mà Doris Lessing gọi là nhà tù tự thân.

DC: Trong tiểu thuyết Dogs at the Perimeter, nhân vật Janie tiến hành tổ chức sắp xếp và giải thích các “tháp nghiên cứu chứa những ghi chú, đoạn trích, bản sao phỏng vấn hay những bản thu âm” của việc ban hành tội diệt chủng do Khmer Đỏ ủy quyền và lưu giữ. Công việc của Janie khiến tôi nghĩ rằng phải chăng các nhà văn luôn tìm cách lí giải tận cùng những sự kiện thảm khốc như Holocaust7 hay Transalantic Slavery8 để rồi đối mặt với văn khố khủng khiếp do những kẻ bạo tàn tạo ra.  

Tuy nhiên, trong Đừng Nói Chúng Ta Không Lợi Quyền, Marie dựng nên một “kho lưu trữ” rất khác biệt. Cô ấy thừa hưởng từ cha mình một loạt sổ tay đề Những Bản Ghi, hóa ra là một mớ lộn xộn và gần như là “tiểu thuyết” vô hình. Nó thực sự là kho tàng chứa đựng những huyền thoại, lịch sử, trải nghiệm chép tay ngày càng dài ra sau mỗi lần đổi chủ. Thông qua Những Bản Ghi, Marie đủ sức chắp nối cuộc đời cha cô cùng lịch sử Trung Quốc hiện đại. Chị có thể chia sẻ một chút về bước ngoặt này không, khi mà cuốn tiểu thuyết chuyển từ bạo lực in hằn trên thư khố sang những mảnh đời được sinh ra từ ghi chép vụn vặt?

MT: Đó là điểm mấu chốt, khi những kẻ chiến thắng hay kẻ thủ ác thường lưu giữ những bản ghi như là chứng cứ của tài năng và sức mạnh, thậm chí là quyền định đoạt số phận con người. Bọn chúng mưu toan định hình lại thế giới. Văn thư có thể mở và đóng, tạo cho người giữ nó ảo giác họ kiểm soát được khởi đầu lẫn kết thúc câu chuyện. Và rằng họ chính là thượng đế, nắm giữ dòng chảy thời gian.

Đừng Nói Chúng Ta Không Lợi Quyền đưa ra lập luận: tất cả chúng ta đều là tác giả. Tiểu thuyết, thơ ca, hình ảnh, bản sao sự vật, khổ nhạc, bản thu âm, tất tần tật, đóng vai trò bản ghi không chính thức, một bản ghi lộn xộn, rộng mở và hỗn độn tựa dòng sông. Không ai định được mở đầu hay kết thúc. Những Bản Ghi không ngừng mở ra nhiều biến thế, mãi mãi dang dở chẳng tìm thấy tác giả đích thực. Đối với độc giả, họ sẽ chẳng thể hiểu nó là tấm gương soi ngược quá khứ hay là ảnh tượng của một tương lai đang tới gần. Độc giả cũng chẳng biết nó là chuyện bịa hay lịch sử. Tất cả mọi điều họ biết là Những Bản Ghi đã cầm giữ họ, và họ chẳng thể quên được. Nó đã trở thành họ.

DC: Đừng Nói Chúng Ta Không Lợi Quyền được tạo ra bởi phụ nữ cũng như kể về họ. Tuy câu chuyện liên quan đến nỗ lực “tìm” cha của Marie, nó được trần thuật qua giọng kể của cô và kết nối bằng tình bạn với người phụ nữ ở Vancouver tên là Ai-Ming. Hơn nữa, cuốn tiểu thuyết cẩn trọng ghi lại cuộc sống của những thế hệ phụ nữ trước đó, tỉ như người dì và người bà vĩ đại của Ai-Ming (Swirl và Đại Dao Mẫu), đặc biệt là con gái của Đại Dao Mẫu, Zhuli – cô trở thành nghệ sĩ vĩ cầm tài giỏi. Chị đã bao giờ có ý định lên đường khám phá đồng thời lan tỏa những số phận phức tạp của phụ nữ Trung Quốc trong cuộc cách mạng hay chưa?

MT: Tôi nghĩ ban đầu mình không có ý định đó, nhưng đó lại là cách tôi trải nghiệm thế giới. Khi nói về các nhân vật của tôi, họ gần như hoàn toàn là chính họ, cả đàn ông lẫn phụ nữ. Họ bước vào thế giới với khí khái mạnh mẽ, đặc biệt trường hợp của Đại Dao Mẫu, đó là cái tôi cá nhân chống lại cái tôi xã hội. Đó là điều mà ta thường gọi là con người chống đối xã hội. Tôi cho rằng anh đã hiểu đúng. Trong tiểu thuyết này, vì nhiều lý do mà Kai và Chim Sẻ đã chấp nhận hoặc thỏa hiệp hoặc từ bỏ cái tôi của mình, còn Đại Dao Mẫu, Swirl hay Zhuli cự tuyệt điều đó. Họ tinh khôi từ tận bên trong, và ít khi ảo tưởng.

DC: Cuốn tiểu thuyết của chị mang đến cái nhìn thoáng qua về hàng triệu sinh mạng bị tước đoạt bởi nạn đói tàn khốc Đại Nhảy Vọt tạo ra, cũng như những mạng sống đánh mất trong Cách mạng Văn hóa và sự kiện Thiên An Môn. Tuy vậy, phần ám ảnh nhất trong câu chuyện không chỉ là việc chối bỏ bản thân mà còn phải tạo ra cái tôi mới dưới sự kiểm soát của nhà nước. Tôi nghĩ ở điểm này cuốn sách khắc họa những mật nghị căng thẳng, những phiên đấu tố, và không thể thiếu những cá nhân như người cha Jiang Kai của Marie – tái hiện thông qua lời tự thú bị ép buộc cùng thứ nghi thức mệt mỏi “tự phê bình”.

MT: Vâng, con người mới. Một xã hội tân thời cùng một Trung Quốc hiện đại sinh ra từ bạo lực cách mạng. Vậy câu hỏi có thể đặt ra là xã hội cũ biến đi đâu? Câu trả lời là có lẽ nó đã nhập vào vào bên trong con người: thành như ký ức, như hệ giá trị xưa cũ hay lòng kiên trung chẳng bật thành lời. Vậy nên mỗi người phải tự gột sạch chính mình thông qua tự phê bình cùng các phiên đấu tố. Anh đã đưa ra một nhận định đau buồn và chính xác rằng nhà nước kiếm soát cái tôi cá nhân, rằng cái tôi đó bị đem đi phục vụ nhà nước, Đảng và ý thức hệ. Đó là chế độ quân phiệt, chẳng khác gì việc tạo ra binh sĩ hay người tiêu dùng, đó là cách chúng ta khống chế suy nghĩ để lợi dụng thể chất và tinh thần của cá nhân. Cái ý tưởng rằng chính phủ có thể chiếm hữu cái tôi và thể xác của cá nhân có vẻ không thể bị tiêu diệt, nhưng ta phải cố tiêu diệt nó.

“Cái ý tưởng rằng chính phủ có thể chiếm hữu cái tôi và thể xác của cá nhân có vẻ không thể tiêu diệt, nhưng ta phải cố tiêu diệt nó.”

DC: Khi Marie đọc lời tự phê bình của cha, cô ấy diễn tả cái cách mình “lướt xuyên qua nhiều cái tôi mà ông ấy cố hình thành, cái tôi bị ruồng bỏ và được tái tạo, cái tôi muốn tan biến nhưng không thể”. Tôi tự hỏi liệu có mối liên hệ nào ở đây với hình thức cũng như giọng kể trong tiểu thuyết của chị. Mặc dù Marie là người duy nhất lên tiếng trong câu chuyện, nhưng những gì độc giả chúng tôi bắt gặp lại là một lượng đáng kinh ngạc các quan điểm cùng nhân vật nổi trội tại nhiều thời điểm và bối cảnh. Câu chuyện khởi đầu với chỉ một giọng kể về người cha đã mất sau cùng vỡ thành vô vàn lăng kính của cái tôi.

MT: Đẹp thật đấy, David. Tôi cho rằng mỗi nhân vật là một ô cửa hay cổng vào, một loạt cánh cửa dẫn người đọc bước qua. Với tôi, Marie là người bảo tồn những bản ghi. Nói về hồ sơ Thiên An Môn – tập hợp các tài liệu bí mật được tuồn ra khỏi Trung Quốc, ghi lại phản ứng từng ngày từng giờ của chính phủ trước các cuộc biểu tình tại Thiên An Môn – những phần tử vô danh thu thập chúng được gọi là “Người Biên dịch”. Marie là loại người như thế. Cô chưa bao giờ chấp nhận cha mình tự sát. Nhưng chuyện cô kể chẳng phải chuyện cha cô, càng không phải tiểu sử. Thay vào đó cô kể câu chuyện về những người ông ấy quý mến – Chim Sẻ cùng Zhuli – và tôi đồ rằng cô kể như vậy để nhắc bản thân luôn nhớ tới khả năng yêu thương vô bờ bến của người cha. Hệ quả của tình yêu là trên thực tế câu chuyện đã chuyển dịch vì nó mang Ai-Ming (con gái Chim Sẻ, rời Trung Quốc sau cuộc biểu tình năm 1989) bước vào đời cô. Tôi thích cách anh dùng từ lăng kính.

DC: Chiến thắng giải Giller của chị diễn ra ngay trước ngày kết thúc cuộc bầu cử sôi động và đầy lo âu của nước Mỹ. Nhiều người lo ngại đến tương lai nền dân chủ Mỹ. Marie tuyên bố ở gần cuối tiểu thuyết một dòng thế này: “Cuối cùng, tôi tin những trang này cùng Những Bản Ghi đáp lại ước ao kiên định của chúng ta: hiểu về thời đại mà ta đang sống”. Đừng Nói Chúng Ta Không Lợi Quyền giúp ta hiểu hiện thời như thế nào?

MT: Tôi nghĩ cuốn sách giúp ta hiểu hiện thời theo lối khó đi. Thông qua việc dõi theo từng li từng tí các chiến dịch chính trị tại Trung Quốc, mà trước tiên là tạo ra những tình trạng theo đó bất cứ ai cũng có thể bị coi là kẻ thù của nhân dân; kế tiếp thiết lập giọng điệu và ngôn ngữ phù hợp với diễn văn chính trị. Với tôi, khi bài diễn văn trở nên chói tai, khi chỉ có hét lên mới nghe được thì có nghĩa chúng ta đang trong thời điểm nguy hiểm. Đồng nghĩa với việc tất cả chúng ta chỉ được chọn một quan điểm cực đoan và sự va chạm giữa các giá trị cực đoan dẫn tới bạo lực. Cuộc bầu cử ở Mỹ chứng minh hết lần này tới lần khác, người ta sử dụng “chúng tôi” hay “họ” và chúng tôi/họ đổi chỗ tùy thuộc ai được nhắc tới trong diễn văn. Đó là ham muốn thuần túy của con người. Cả hai thái cực cực đoan đều không chấp nhận hồ nghi, tiết chế hay hòa nhập. Cực đoan sẽ dẫn đến yêu cầu thanh lọc. Sự thanh lọc sau cùng ăn sâu vào máu bất kể chủng tộc, đẳng cấp. Tình trạng này làm cho các chiến dịch chính trị ở Trung Quốc càng thêm bạo tàn, do chúng là công cụ thanh lọc.

Đọc trích đăng chương 1 tại đây

DC: Đừng Nói Chúng Ta Không Lợi Quyền là chiến thắng phi thường của nghiệp viết, tôi biết nhiều người sẽ đọc rồi luận bàn nó những năm sắp tới. Tuy vậy, tôi tự hỏi liệu tôi có nên kết thúc cuộc phỏng vấn bằng việc đề cập đến cuốn tiểu thuyết trước đó của chị, Dogs at the Perimeter, tôi mừng khi nghe dự kiến nó sẽ sớm được Norton xuất bản ở Mỹ. Phải chăng lúc viết Đừng Nói Chúng Ta Không Lợi Quyền đã giúp chị rõ hơn về các dự định cũng như định khu chính trị trong cuốn tiểu thuyết trước?

MT: Tôi thích câu hỏi này, nhưng thật khó nhìn lại những cuốn sách theo lối trừu tượng rồi đi nói về dự định. Chúng là cách tôi nhận thức và do đó là cách tôi sống. Tôi luôn luôn có nhiều câu hỏi. Khi sống sót sau các sự kiện thảm khốc, bản năng con người tôi là nhìn về phía sau để xem lại khoảnh khắc đỉnh điểm của chuyện đã xảy ra, để thấy con đường tôi đi trông ra làm sao. Tại sao ta chọn cái này mà không phải cái kia? Điều gì làm ta tin tưởng, điều gì làm ta mù quáng? Tư duy cho phép ta xuyên ngược qua từng ô cửa để hồi tưởng lại mỗi dấu chân của mình, và từ sự am hiểu đó ta hình dung ra cuộc sống tiếp diễn thế nào. Để mà sống tốt hơn. Tôi nghĩ Dogs at the Perimeter là cuốn sách định hình con người tôi, bởi câu chuyện thật cam go và là nhiệm vụ bất khả thi. Tôi đặt niềm tin vào cuốn tiểu thuyết ấy, vì nó tựa hòn đá nhỏ xíu chìm trong đại dương.

Hết.

3V dịch.

Bản gốc được thực hiện bởi David Chariandy, đăng tại Literary Hub

Ảnh đầu bài: Lithub.com

Chú thích:

David Chariandy sống tại Vancouver và là giảng viên Anh ngữ tại đại học Simon Fraser. Tiểu thuyết đầu tay của ông mang tên Soucouyant xuất bản quốc tế rộng rãi đồng thời được đề cử 11 giải thưởng và danh hiệu.

  1. Trong bài viết gốc ghi là Do Not Say We Have Nothing nên người dịch giữ nguyên kiểu viết hoa các chữ cái đầu.
  2. Tẩu pháp (fugue) là tiến trình nhạc Phức điệu trong đó một chủ đề được trình bày lúc ban đầu bằng mối tương quan chủ âm/át âm, sau đó được khai triển bằng kỹ thuật Đối âm. Thuật ngữ Tẩu pháp còn ám chỉ một tác phẩm âm nhạc nhiều chương (tương tự như thuật ngữ Sonata) có cấu trúc chặt chẽ, với quá trình sáng tác có tính cách luận lý (logic) (theo wikipedia). Ở đây ý của ban giám khảo có lẽ muốn nói cuốn tiểu thuyết giống như một bản nhạc.
  3. Nguyên bản là double-voicedness.
  4. Từ mô tả xã hội không tưởng, hay vườn địa đàng trần gian được Thomas More sử dụng đầu tiên.
  5. Nguyên bản là ultra-unreal.
  6. Master of Fine Arts – Thạc sĩ Mỹ Thuật.
  7. Nạn diệt chủng người Do Thái của Đức Quốc xã.
  8. Buôn bán nô lệ từ châu Phi xuyên Đại Tây Dương sang châu Mỹ ở thời kỳ đầu chủ nghĩa thực dân.

Đọc tất cả những bài viết của 3V.


1 Comment

1 Bình luận

Viết bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chuyện người cầm bút

Hải Âu: Dịch Siêu Nhân Loại là khóa học tôi trân trọng về hiện thực

Tôi không coi hành trình dịch sách Siêu Nhân Loại là một công việc, mà là một khóa học bổ ích và hết sức đáng trân trọng. Tôi thấy mình thật may mắn.

Published

on

By

Siêu Nhân Loại – tác phẩm mới nhất do Phương Nam Book tổ chức xuất bản và phát hành – là sự kết hợp hoàn hảo giữa thể loại sách tâm linh và sách khoa học tâm lí, đem đến cho bạn đọc nhiều kiến thức thú vị về tâm lí con người nói chung, khái niệm Siêu Nhân Loại nói riêng. Deepak Chopra – tác giả của quyển sách – từng được tạp chí Time vinh danh là “1 trong 100 anh hùng và biểu tượng hàng đầu thế kỷ”.

Xoay quanh tác phẩm này, Bookish đã có cuộc trò chuyện với Hải Âu – dịch giả chuyển ngữ sang tiếng Việt của Siêu Nhân Loại để bạn đọc có thể biết được câu chuyện hậu trường về quá trình dịch tác phẩm, đồng thời tiếp cận Siêu Nhân Loại từ góc nhìn của người dịch.

Siêu Nhân Loại là một tác phẩm có hàm lượng kiến thức khổng lồ từ nhiều lĩnh vực khác nhau, chủ yếu là các lĩnh vực nằm trong khoa học tự nhiên. Khi dịch sách, bạn có gặp khó khăn về vấn đề này không và bạn đã vượt qua bằng cách nào?

Hàm lượng thông tin khoa học khá dày và đa dạng trong sách đúng là một thử thách với tôi xuyên suốt quá trình dịch thuật. Song tôi không thấy mệt mỏi chút nào, ngược lại còn rất phấn khích. Có lẽ vì tôi vốn đã luôn dành nhiều thiện cảm và thời gian cho các đầu sách/bài nghiên cứu khoa học từ trước. Hơn nữa, đồng hành cùng tôi trên con đường này còn có Bác sĩ – Tiến sĩ Vũ Phi Yên, một nhà khoa học và tâm lý học kỳ cựu. Chị cũng chính là người đã giới thiệu cho tôi đọc sách Siêu Nhân Loại bản gốc tiếng Anh. Những thông tin khoa học mà tôi chưa nắm rõ, đặc biệt là ở lĩnh vực y tế và sinh học, đều được chị Vũ Phi Yên cố vấn tỉ mỉ.

Ngoài ra, tôi cũng chủ động tham vấn ý kiến chuyên gia trong những lĩnh vực khác mà Siêu Nhân Loại đề cập. Từ thầy giáo vật lý, kỹ sư công nghệ cao, cho tới người làm vườn, đầu bếp và nhà ngôn ngữ học... chỉ cần có cơ hội tôi đều cắp sách tới học hỏi. Đây là lý do tôi không coi hành trình dịch sách Siêu Nhân Loại là một công việc, mà là một khóa học bổ ích và hết sức đáng trân trọng. Tôi thấy mình thật may mắn.

Hải Âu

Deepak Chopra thậm chí còn trích dẫn một số bài thơ để phục vụ cho luận điểm của mình trong sách. Thơ là một mạch nguồn cảm xúc khác hẳn với văn phân tích; những lúc đó, bạn chuyển đổi mạch nguồn tư duy thế nào để dịch thơ?

Xuất phát điểm của tôi là ngành khoa học xã hội, cụ thể là ngôn ngữ học. Vậy nên tôi vốn đã quen thuộc với việc dịch các bản thảo văn chương và thi ca từ thời còn đi học. Cuốn sách dịch đầu tay của tôi cũng thuộc thể loại tiểu thuyết chứ không phải phi hư cấu. Tôi chuyển mình từ văn phân tích sang thơ hay các trích đoạn kịch cổ điển cũng tự nhiên, giống như đổi từ bút bi sang bút mực nước vậy thôi.

Cái khó của quá trình này thực ra nằm ở việc tái hiện phong cách của từng tác giả được trích dẫn. Thơ William Blake chắc chắn phải khác thơ Rumi hay Kabir; kịch Shakespeare từ nước Anh thế kỷ 16 không thể dịch cùng một lối với lời kinh cổ về thần Shiva của Ấn Độ được. Mong muốn chuyển ngữ sao cho trung thành với văn phong của tác giả nhất, tôi cố gắng tham khảo từ các tác phẩm cùng chủ bút và các bản dịch kinh điển khác. Ngoài ra, tôi cũng có một típ dịch văn chương yêu thích là tìm nghe âm nhạc cùng thời đại, cùng xuất xứ với tác giả để khám phá không gian cảm xúc đã nuôi dưỡng tâm hồn họ. Trải nghiệm này luôn thú vị và khơi dậy cảm hứng.

Điều gì khiến bạn thích thú nhất về miền đất của Siêu Nhân Loại mà tác giả đã vẽ ra?

Điều tôi thích thú nhất về miền đất Siêu Nhân Loại có lẽ là ý tưởng “con người thật của bạn vượt khỏi cả thời gian và không gian”. Tiềm năng của con người là vô hạn – nghe như kịch bản của một bộ phim viễn tưởng nhưng lại được tác giả chứng minh bằng rất nhiều lập luận đáng suy ngẫm. Khao khát được tự do và vượt thoát là điểm chung của con người ở mọi thời đại, mọi nền văn hóa. Cảm giác bản thân mênh mang như vũ trụ, tràn đầy tiềm năng và sự tự chủ có sức mạnh động viên to lớn với cá nhân tôi.

Hải Âu

Trong Siêu Nhân Loại, tác giả thường nhấn mạnh ý mỗi chúng ta thường chỉ tập trung lao vào vòng xoáy của vật chất – thứ vốn là ảo ảnh giữa đời thường, mà không bận tâm cải tạo hiện thực của riêng mình. Mỗi người lại có một định nghĩa về hiện thực khác nhau. Định nghĩa về hiện thực của bạn là gì và định nghĩa đó thay đổi như thế nào sau khi bạn dịch Siêu Nhân Loại?

Nhiều năm trước, tôi từng chắc mẩm mình có tư duy “thực tế”, sát với hiện thực cuộc sống. Và “hiện thực cuộc sống” là hiện thực tôi nhìn – nghe – chạm – ngửi thấy. Sau đó, tôi có cú chuyển nhận thức lần một vào ngày hiểu ra rằng: hiện thực khác nhau trong ý thức của từng người. Trước khi biết đến Siêu Nhân Loại, có nhiều tác phẩm điện ảnh và học thuyết khoa học khác đã khiến tôi phải đặt câu hỏi về hiện thực. Nổi bật trong số đó, tất nhiên là series phim kinh điển The Matrix. Tiên đề của hành trình Siêu Nhân Loại cũng như The Matrix, mô tả một hiện thực ảo đã được lập trình mà con người ra sức bám chắc lấy, tự làm cùi mòn đi tiềm năng vô hạn sẵn có trong mình. Đứng trước sự phát triển như vũ bão của công nghệ AI, đôi khi tôi cũng trộm nghĩ, liệu có khả năng nào con người trên Trái đất là AI bậc cao đang được người ngoài hành tinh thí nghiệm không? Và chúng ta chỉ đang sống trong một ma trận giả lập mà thôi? (cười).

Có một khoảng thời gian dài tôi không còn dám chắc hiện thực là gì và bây giờ là bao giờ. Đến nay, tôi vẫn chưa thể đưa ra lời khẳng định rành rọt nào cho bạn. Song ít nhất tôi đã phát hiện được ở mức này: hiện thực khó định nghĩa còn siêu hiện thực với đa số chúng ta, là chưa thể định nghĩa. Vậy thì chúng ta cứ tạm sống cùng hiện thực mình đang tri nhận, nhưng đồng thời cũng sẵn lòng mở trí để tin rằng, hiện thực ấy có thể là đồ giả. Mọi sướng vui buồn khổ có thể đều chỉ là mơ. Một giấc mơ sáng suốt.

Ở phần cuối sách, Deepak Chopra đem đến cho người đọc một liệu trình để thức tỉnh tâm trí trong 31 ngày. Khi dịch xong sách, bạn có thử thực hiện liệu trình này?

Tôi không đợi kết thúc bản thảo dịch mới thực hành liệu trình Một Tháng Thức Tỉnh. Khi còn đang làm việc ở phần một cuốn sách, tôi đã in riêng liệu trình này ra giấy và đặt thường trực ở nơi dễ thấy nhất trong nhà để nhắc nhở mình thực hành. Có thể nói rằng phần mô tả của mỗi ngày trong liệu trình là tinh túy của cả cuốn sách được chắt lọc.

Tôi thích bài tập của toàn bộ 31 ngày; mỗi bài tập lại mang đến những trải nghiệm đặc biệt riêng. Thế nhưng nếu buộc phải chọn ra một ngày ấn tượng nhất, có lẽ tôi sẽ chọn ngày thứ 16 – ngày tác giả nói về giấc mơ sáng suốt và so sánh hiện thực hằng ngày là một giấc mơ sáng suốt. “Tưởng tượng xem, đây chỉ là một giấc mơ, và tôi chỉ là kẻ đang mơ”.

Deepak Chopra

Trong Siêu Nhân Loại, tác giả cung cấp rất nhiều câu chuyện, thông tin, những thí nghiệm khoa học thú vị. Đâu là phần khiến bạn thấy bất ngờ và thú vị nhất vì chưa được biết qua trước khi dịch tác phẩm này?

Rất khó để nêu một ví dụ duy nhất, vì có nhiều phần khiến tôi ngạc nhiên xen lẫn thích thú trong quá trình dịch. Tôi đành mượn vô thức bật thật nhanh ra câu trả lời đầu tiên trong tâm trí, nhưng lại có tới hai dữ kiện đồng thời xuất hiện. Thứ nhất là đoạn nói về loài chim hải âu pêtren tuyết – một loài chim hiếm, kiên cường sinh sống ở lục địa Nam Cực hoang lạnh. Trước đây tôi chưa từng biết đến loài chim này. Chúng xinh đẹp theo cách kỳ lạ lắm.

Dữ kiện thứ hai là chi tiết rất nhỏ thôi, nằm phần đầu sách: “Thông tin đến mắt chỉ cho thấy căn phòng bạn đang ngồi có những bức tường tụ vào nhau ở góc phòng, nhưng bạn biết căn phòng này hình vuông, vì vậy bạn nắn chỉnh dữ liệu cho khớp với hiểu biết đó”. Tôi vẫn nhớ như in cảm giác “a ha” khi hiểu được ẩn ý của ví dụ này. Một thông tin tưởng chừng hiển nhiên, các bức tường phòng thường tình sao có thể trông giống góc gì khác ngoài góc vuông được? Nhưng bạn thử làm bài tập này với tôi nhé. Bạn nhìn thật kĩ xem, thực tế ở điểm giao nhau của 3 mặt tường phòng, bạn thấy góc gì vậy? Hoặc bạn có thể phác thảo ra giấy chính xác hình ảnh mắt nhìn thấy để dễ hình dung hơn.

Bật mí với bạn, tôi đã ngỡ ngàng nhận ra hình ảnh thực tế mắt mình nhìn thấy là góc tù, nhưng ý thức lại tự động “điều chỉnh” thông tin ghi được thành vuông cho khớp với thực tế là tôi đang đứng trong một khối hộp lập phương. Thật thú vị phải không?

Deepak Chopra thường được xem là đứng giữa khoa học và tâm linh khi ông dùng nhiều kiến thức khoa học để lí giải vấn đề tâm linh. Những người theo khoa học thuần túy cho rằng sách của ông là ngụy khoa học; tuy nhiên, đứng từ góc nhìn khách quan, sách của ông tạo được ảnh hưởng rộng lớn đến công chúng phổ thông có lẽ cũng đến từ sự kết hợp hài hòa giữa khoa học và tâm linh. Là người dịch quyển sách, là người đã chậm rãi đi cùng quyển sách trong suốt một năm, bạn có thể chia sẻ một đoạn trích trong tác phẩm mà cá nhân bạn cho rằng đó là những dòng đẹp nhất, kết hợp những điều tinh túy nhất từ khoa học và tâm linh trong tác phẩm không?

Tiếp tục là một câu hỏi khó cho tôi vì hầu như ở chương nào của cuốn sách, độc giả cũng có thể tìm được bằng chứng thuyết phục về sự kết hợp khéo léo này. Tôi lại xin chọn một ví dụ ngẫu nhiên bật ra từ vô thức, nằm ở trang 156-157 (Chương 5 – Tâm trí, Cơ thể, Não bộ, và Vũ trụ đều là ý thức biến đổi):

“Thay vì thụ động chấp nhận thế giới thông thường, siêu hiện thực cho chúng ta một lựa chọn mới – coi vạn vật trong vũ trụ đều là những biểu hiện biến đổi của ý thức. Ví dụ, một cái cây thực ra đã được tùy chỉnh sao cho phù hợp với cách con người tiếp nhận nó. Bất kỳ đặc tính nào của cái cây cũng có thể tháo rời khỏi khung nhận thức xác định và gắn vào một khung nhận thức khác, không còn thuộc về con người. Với người mù, màu sắc của cái cây không tồn tại. Với neutrino – một hạt hạ nguyên tử có thể lao xuyên qua Trái đất dễ dàng như giữa khoảng không vũ trụ, độ rắn của cái cây không tồn tại. Nếu bạn bứng cái cây lên Trạm Vũ trụ Quốc tế, trọng lượng của nó biến mất. Nếu so sánh với thời gian hàng tỷ năm để phân rã proton trong hạt nhân phân tử, tuổi thọ của cái cây cũng không còn đáng là bao.

Vạn vật có “tính thực” thông qua phương pháp biến đổi mà ý thức áp dụng. Khi bạn ngủ, toàn bộ thế giới vật chất mờ đi và biến mất. Thế giới ấy vẫn tồn tại nói chung, được duy trì bằng những quy luật của bầu thực tế ảo. Nhưng khi ngủ, bạn thoát khỏi thực tế ảo bằng cách mở rộng trải nghiệm tới một thế giới khác, nơi không phải miền vô thức trống rỗng như con người vẫn tưởng. Chúng ta có thể cảm nhận giấc ngủ sâu như một nhận thức thuần khiết mà không có các kích thích – thật vậy, đó chính là trải nghiệm của những bậc thầy tâm linh, yogi và nhiều dạng thức siêu nhân khác qua hàng thế kỷ. Khái niệm Niết Bàn của Phật giáo gần với trạng thái ngủ say hơn là tỉnh táo, bởi Niết Bàn tái kết nối con người với miền nhận thức thuần khiết”.

Cảm ơn bạn vì những chia sẻ về Siêu Nhân Loại. Chúc bạn sẽ luôn vững bước trên hành trình phát triển bản thân, mở khóa tiềm năng vô hạn trong bạn.

Đọc bài viết

Bookish Best

Nguyễn Hoàng Mai: Tôi muốn viết về những vấn đề gai góc nhất của tuổi trẻ

Published

on

By

Nguyễn Hoàng Mai là tác giả của hai tác phẩm đầy cảm xúc về tuổi trẻ: Đung đưa trên những đám mây (tiểu thuyết, 2018), Bây giờ mình đi đâu (tập truyện ngắn, 2019). Hiện nay, cô đang sinh sống và làm việc tại Tokyo. Tuy đã xa Việt Nam nhiều năm, Hoàng Mai vẫn đọc và thường xuyên theo dõi tình hình văn chương nước nhà. Trong khuôn khổ của giải thưởng Bookist Best 2022, Ban Tổ chức đã có cuộc trò chuyện với Hoàng Mai xoay quanh việc đọc và sáng tác văn chương.

Chào Nguyễn Hoàng Mai. Cảm ơn Mai vì đã nhận lời phỏng vấn của Bookish về những tác phẩm bạn đã đọc năm 2022 nhân dịp mùa giải Bookish Best lần II đang diễn ra. Bạn nghĩ gì về giải thưởng Bookish Best?

Được biết Bookish Best là một giải thưởng văn học mới được thành lập tròn một năm nhưng mang nhiều ý nghĩa đặc biệt đi cùng với cộng đồng – hầu hết là những bạn trẻ thực sự yêu, dành nhiều tâm huyết với sách vở. Bookish Squad có hơn 13.000 thành viên mà tôi cũng “nằm vùng” trong số đó. Ở giải thưởng này, độc giả những người trực tiếp thưởng thức văn học được cất lên tiếng nói, tự tay bình chọn cho những tác phẩm gần với trái tim của mình nhất.

Là một người viết trẻ, tôi mong sẽ có nhiều sân chơi hơn nữa, để thị trường sách Việt Nam thêm sắc màu, sôi động, gần hơn với độc giả trẻ tuổi, và dòng chảy xã hội.

Năm nay, Mai có theo dõi tình hình xuất bản trong nước không? Có cuốn sách của tác giả Việt Nam nào khiến bạn ấn tượng không?

Do sống học tập ở Nhật nhiều năm, tôi đã không có cơ hội đọc văn học trong nước trong một khoảng thời gian dài. Sau này khi có dịp tiếp xúc trò chuyện, với những cây bút trẻ có tiếng như chị Nguyễn Dương Quỳnh, Huỳnh Trọng Khang, Thái Cường, Phát Dương… Ở họ, tôi đều cảm nhận sự nghiêm túc, trăn trở với nghề. Những bạn văn tôi được tiếp xúc đều sáng tạo, nghị lực, khiến tôi học hỏi nhiều.

Về văn học trong nước đã đọc gần đây tôi ấn tượng với tập truyện Chuyến Bay Tháng Ba của tác giả Lê Khải Việt, Chopin biến mất của Hiền Trang. Và đặc biệt tôi quá yêu mến Đà Lạt bàng bạc, ẩn hiện trong cuốn Thành phố những lục địa bay của tác giả Nguyễn Vĩnh Nguyên.

Là một người viết, khi đọc tác phẩm Thành phố những lục địa bay, bạn có học hỏi được gì về kĩ năng viết không?

Như đã nói, tôi thích chất thơ man mác lạnh như sương mù trên đỉnh núi, phảng phất trong từng câu văn, nhịp điệu của cuốn sách này.

Từng câu chữ không hề nhắc đến danh từ Đà Lạt, nhưng thành phố ấy vẫn hiện ra trong từng lát cắt mỏng, rồi nhẹ nhàng len lỏi vào lòng người như những hơi thở nhẹ. Vì tôi luôn nghĩ cuốn sách đẹp nhất, ý nghĩa nhất không phải nằm im lìm trên những ngôn từ trang giấy, mà sẽ không ngừng sinh sôi nảy nở trong tâm trí người đọc theo trải nghiệm của cá nhân nên rất ấn tượng với tập truyện mỏng của anh Nguyễn Vĩnh Nguyên.

Thành phố những lục địa bay là một thực hành của nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên về việc phá vỡ ranh giới những thể loại, bất phân giữa hư cấu và phi hư cấu. Mai nghĩ gì về thực hành này? Bạn có cảm hứng muốn thực hành thủ pháp này cho những truyện sắp tới của mình không? Nếu có thì đâu sẽ là địa danh được bạn chọn lựa?

Tôi cảm nhận Thành phố những lục địa bay là cuốn sách rất đặc biệt bởi lẽ nó đã phá vỡ ranh giới của các thể loại. Độc giả khi lần đầu bước vào thế giới trong sách sẽ đầy nghi hoặc: Truyện ngắn? Tất nhiên không rồi. Hư cấu? Không hẳn, cũng không phải tản văn hay phi hư cấu. Những nhà nghiên cứu sẽ không gọi đó là Haiku hay truyện cực ngắn dù rất gần trong bản chất.

Và đáp án dành cho mỗi người có lẽ là, thực ra không cần phải quá chú trọng vào ranh giới giữa các thể loại văn học. Giữ trí tưởng tượng của chúng ta vượt qua những khuôn khổ, vượt qua những giới hạn, biết đâu đó là vùng đất văn chương thực sự?

Tôi được tác giả tặng tập truyện này trong một chuyến về Việt Nam chơi, khi đang ấp ủ viết cuốn truyện mới về thành phố tôi đang sống – Tokyo. Đó là tuổi trẻ hoang hoải đầy rực rỡ và cũng nhiều vấp ngã tôi đã trải qua, và vẫn muốn khám phá thêm. Giống như một cái Duyên vậy, nên tôi cũng muốn học hỏi một chút thôi vào tập truyện mới của mình. Không, tôi sẽ không phân tích bút pháp cụ thể để cố “bắt chước” cho giống đâu, mà muốn mình học tập từ trong vô thức khi đã gấp sách lại, để thời gian lắng xuống. Tập truyện mới về Tokyo của tôi sẽ đi giữa vùng đất của những địa danh hiện thực và trí tưởng tượng.

Mai có thường xuyên theo dõi tình hình xuất bản ở Nhật không? Nếu có thì năm vừa qua, có cuốn sách nào mới xuất bản khiến bạn ấn tượng không? Bạn có nhận thấy thị trường sách ở Nhật có điểm nào hay mà thị trường Việt còn đang thiếu không?

Tôi rất thích không gian của những chuỗi nhà sách lớn, lâu đời của Nhật như Maruzen, Kinokuniya, Junkudo… Mỗi khi đến đó tôi đều cảm nhận được văn hóa đọc, niềm say mê với sách của người Nhật không thể diễn tả thành lời. Nhà sách là nơi những cuốn sách ấy thực sự sống, theo kịp với những thay đổi của xã hội theo đúng nghĩa đen.

Vì yêu sách nên mỗi năm tôi đều theo dõi hai giải thưởng văn học uy tín, lớn nhất của Nhật Bản cũng đồng thời tượng trưng cho hai trường phái văn học Nghệ Thuật và Đại Chúng là: Giải thưởng Akutagawa và Naoki.

Tôi thích hầu hết những tác phẩm bước ra từ giải thưởng này như: Hibana (2015, tác giả Naoki Matayoshi), Konbini ningen (2016, tác giả Sayaka Murata)… nhưng gần đây, đặc biệt ấn tượng cuốn tiểu thuyết tâm lý ngắn Oishigohan ga taberaremasu youni (tạm dịch: Để thưởng thức được thức ăn ngon) của nữ tác giả 34 tuổi Junko Takase, vừa mới đoạt giải Akutagawa năm 2022. Tôi nghĩ sự phức tạp của tính cách và mối quan hệ chân thành, vừa đối nghịch vừa gắn bó giữa bộ ba nhân vật, được miêu tả tinh tế thông qua những món ăn trong cuốn sách này sẽ chạm đến trái tim của nhiều độc giả trẻ tuổi.

Được biết bạn đang viết một tập truyện ngắn xoay quanh đời sống du học sinh ở Nhật và có dự định xuất bản thời gian sắp tới. Bạn có thể chia sẻ một chút điều mình tâm đắc về tác phẩm này không?

Như đã đề cập ở trên, tập truyện ngắn tôi đang viết mang tên Tokyo, khi những cánh hoa anh đào rơi. Tôi đã muốn khai thác sâu hơn những vùng đất mới mẻ, đầy thách thức chưa nhiều người tìm đến, những vấn đề gai góc nhất của tuổi trẻ như: tình một đêm, xăm mình…

Tập truyện này gồm 10 truyện ngắn nhỏ, về cuộc sống, tình yêu, tâm tình của những người trẻ ở Nhật Bản. Ở đó, tôi đã muốn khắc họa một thế giới nơi tuổi trẻ có những niềm đau, cô đơn nỗi sợ hãi, nhưng cũng sẽ tràn đầy tình yêu, sự tươi sáng, ấm áp trên nền thành phố nổi tiếng của Nhật Bản như: Tokyo, Fukuoka, Kyoto.

Cảm ơn Mai đã dành thời gian để tham gia cuộc trò chuyện với Bookish Best.

Đọc bài viết

Chuyện người cầm bút

Nhật Chiêu: Truyện tuyệt ngắn không dễ viết

Published

on

By

Lời tiên tri của giọt sương (xuất bản năm 2011) do nhà văn Nhật Chiêu chấp bút là tập truyện tuyệt ngắn và truyện một câu đầu tiên được xuất bản ở Việt Nam. Qua đó, Nhật Chiêu cũng là một trong những nhà văn tiên phong cho thể loại này ở Việt Nam. Bookish đã có cuộc trao đổi với nhà văn về truyện tuyệt ngắn.

Tại sao ông lại viết truyện tuyệt ngắn?

Có người gọi truyện tuyệt ngắn và truyện một câu là Hint fiction, tức là truyện có số lượng trên dưới khoảng 25 từ, là loại truyện khơi gợi một cái gì lớn hơn và phức tạp hơn với số lượng chữ ít ỏi nhất. Trong văn chương, tôi thích những gì khơi gợi hơn là những gì thuyết lí, phô bày lộ liễu. Sự khơi gợi sẽ đưa ta đến chân trời khoáng đạt, còn sự phô bày lộ liễu chỉ là hủy diệt mà thôi.

Có nhiều ý kiến cho rằng khi chuyển sang viết truyện tuyệt ngắn là ông đang chọn hướng đi dễ dãi với mình hơn, ông viết truyện tuyệt ngắn vì ông không thể viết những truyện dài. Ông nghĩ sao về ý kiến này?

Truyện một câu không hề dễ như người ta tưởng tượng. Bởi vì ngay cả trên thế giới, dù thể loại này đã tồn tại trước Việt Nam thì số lượng tác giả thành công cũng như tác phẩm thành công là rất hiếm. Nếu hỏi truyện một câu trên thế giới mà được nhớ đến và thường được trích dẫn thì chỉ có một, hai trường hợp. Trong đó, có Augusto Monterroso - tác giả Guatemala với truyện một câu: Khủng long gồm 8 chữ chữ như sau: “Thức dậy, con khủng long vẫn còn đó.” Truyện này được nhiều nhà văn lớn, trong đó có Italo Calvino ca ngợi hết lời, là đề tài cho nhiều tiểu luận khác nhau. Nếu truyện một câu là dễ dàng thì thử hỏi vì sao ít truyện một câu đạt được thành tựu đến thế. Người ta vẫn nói thơ Haiku dễ làm nhưng thật ra có bao nhiêu bài thơ Haiku được nhớ đến như là tuyệt tác. Tại sao quanh đi quẩn lại cũng chỉ là Basho, Issa, Buson, Shiki? Cho nên hãy cứ tạm xem truyện một câu hoặc hai, ba câu cũng giống như trường hợp thơ Haiku. Dễ hay khó không chắc gì quyết được và cũng chẳng cần tranh luận. Ai cảm thấy nó dễ thì cứ thử viết chơi vài trăm truyện. Thế thôi, bao giờ cũng vậy, dễ nhất là nói. Làm lại là một chuyện khác.

Trong văn học của nhiều nước vẫn luôn luôn tồn tại những nhà văn chỉ viết truyện ngắn. Như vậy, ngắn hay dài không phải là thước đo và thật sự càng ngày càng có xu hướng nhiều nhà văn viết truyện tuyệt ngắn. Tôi có rất nhiều tập truyện tuyệt ngắn của nhiều nhà văn loại này như Augusto Monterroso hoặc như tập truyện Hint fiction do Robert Swartwood tuyển của nhà xuất bản lừng danh Norton, hoặc các tập sách mang tên Flash fiction, Micro fiction…Mỗi ngày tôi đều đọc một vài truyện tuyệt ngắn hoặc truyện một câu của các nhà văn trên thế giới mà tôi đã may mắn sưu tầm được và càng đọc tôi càng thấy khó viết. Đó là ý kiến của tôi.

Là người đi tiên phong ở thể loại truyện tuyệt ngắn, trong quá trình viết, điều gì khiến ông cảm thấy khó khăn nhất?

Do thói quen thường xuyên đọc thơ Haiku và công án Thiền tông, đôi khi chỉ có vài từ hoặc chỉ duy nhất một từ, tôi từng ao ước trong thể loại truyện này cũng có những hình thức tương tự. Nhưng vấn đề là làm sao để cho dài ngắn thế nào thì truyện cũng phải có cái gọi là diễn biến truyện, nghĩa là có tính chất tự sự. Muốn vậy, phải có phương pháp, có cách sử dụng ngôn từ đặc biệt. Nếu không thì mọi sự sẽ thành nhảm và ai cũng làm được dễ dàng. Ví dụ: truyện có chữ Đất sẽ chẳng có nghĩa lí gì nếu như nó không có một tiêu đề thích hợp để gợi lên một vận động của truyện. Tiêu đề ở đây là Sử thi nàng Sita và “toàn văn” của truyện nhờ cái tiêu đề đó mà phát tiết ý nghĩa.

Khó khăn lớn nhất theo tôi vẫn là làm sao để nó đến được với người đọc một cách thuyết phục. Điều này không một tác giả nào có thể nắm chắc. Có những cái thuộc về thói quen, thành kiến, tầm đón đợi, thiếu thông tin… sẽ là những chướng ngại cho việc người đọc bước vào văn bản mà không e dè. Còn trong khi sáng tác, tôi cảm thấy mình quen thuộc với thể truyện tuyệt ngắn như thể có “nhân duyên gắn kết” - theo cách nói của Hoàng Lương, người viết lời bạt cho Lời tiên tri của giọt sương.

Ảnh: Thiên Kim
Bài viết: Kodaki

Đọc bài viết

Cafe sáng