Chuyện người cầm bút

Một cuộc chuyện trò với Wu Ming-yi, tác giả Người mắt kép

Published

on

Về Người mắt kép:

Trong cuốn tiểu thuyết Người mắt kép vừa được giới thiệu, chuyển ngữ và ra mắt gần đây; có một quy luật trên đảo Wayo Wayo rằng: người con trai thứ trong mỗi gia đình vào ngày tròn mười lăm tuổi phải dong talawaka (một kiểu thuyền độc mộc tự làm) ra biển như vật hiến tế cho Kabang – Thần Biển. Atile’i là một cậu bé như thế, với thiên tư bơi lội và tài đi biển, đã quyết tâm bất chấp vận mệnh để trở thành người đầu tiên sống sót trở về.

Cũng trong lúc đó, Alice Shih – một người phụ nữ vừa mất chồng và con trai trong một tai nạn leo núi, đang âm thầm chuẩn bị tự sát trong ngôi nhà bên bờ biển của mình. Nhưng kế hoạch ấy sẽ mãi gián đoạn, khi vòng xoáy rác ập vào bờ biển Đài Loan, cuốn theo Atile’i.

Sau sự kiện ấy, Alice nhờ sự hợp sức của Atile’i lần theo dấu vết người chồng quá cố lên núi, với hy vọng giải đáp được sự bí ẩn về việc mất tích của cậu con trai. Trong cuộc hành trình của họ, ký ức là những chướng ngại; các mối liên kết bắt đầu thành hình; trong khi những bí ẩn đen tối dần được hé lộ sẽ buộc Alice phải đặt câu hỏi về tất cả những gì cô nghĩ mình biết.

Câu chuyện hài hước và đầy đau buồn này gợi lên rất nhiều những cung bậc cảm xúc khác nhau. Nó nhắc tôi nhớ trí tưởng tượng trong các tiểu thuyết đôi khi cũng có quyền năng mang đến góc nhìn rộng mở và “vượt trội” hơn những sự thật vẫn đang diễn ra trước mắt, về biến đổi khí hậu, về môi trường… mà ta vẫn còn mù mờ. Phép ẩn dụ về đôi mắt kép cũng đồng thời ám chỉ những góc nhìn đa dạng của thiên nhiên xung quanh. Wu Ming-Yi là một trong nhiều tiểu thuyết gia mà tôi từng trò chuyện hoàn toàn không có chủ ý viết về biến đổi khí hậu ngay lúc ban đầu, nhưng những vấn đề này đã đến với anh và câu chuyện của mình vô cùng tự nhiên.

“Chúng ta chưa từng đọc thứ gì như cuốn tiểu thuyết này. Chưa bao giờ. Nam Mỹ đã trao cho chúng ta chủ nghĩa hiện thực huyền ảo – còn Đài Loan thì trao cho chúng ta gì đây? Một cách kể mới về hiện thực mới của chúng ta, đẹp đẽ, thú vị, đáng sợ, phi lý, chân thật. Hoàn toàn không ủy mị nhưng cũng chưa bao giờ tàn bạo, Wu Ming-Yi đối xử với sự yếu ớt của con người và của thế giới bằng sự dịu dàng đầy can đảm.”– Ursula K. Le Guin, tác giả của Mê cung xứ hải địa, Bến bờ xa nhất…

Đài Loan đang có nhiệt độ ấm hơn, và cũng tương tự nhiều nơi trên thế giới, được dự báo sẽ phải đối mặt với nước biển dâng cao và những cơn bão cực mạnh. Nằm trong làn sóng các nhà hoạt động vì khí hậu trẻ, Kaisanan Ahuan đến từ Thị trấn Puli, Đài Loan – một thành viên của những sắc dân thiểu số, từng chia sẻ thế này trên tờ The Guardian:

Là người dân bản địa Đài Loan, chúng tôi đặc biệt dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu. Truyền thống của chúng tôi bắt nguồn sâu xa từ sự hài hòa vốn có với tinh thần tự nhiên. Chúng tôi phải đối mặt với mất mát đau thương do các hiện tượng thời tiết ngày càng trở nên khắc nghiệt.

Trò chuyện với Wu Ming-Yi:

Mary: Người mắt kép kể về hai câu chuyện: một thần thoại và một đương đại, về những cá thể bị ảnh hưởng bởi sự nóng lên toàn cầu và những vấn đề cá nhân của bản thân họ. Đó là sự tưởng tượng mới mẻ trong cách kể chuyện đầy độc đáo. Điều gì khiến anh lựa chọn viết nó?

Wu Ming-Yi: Nhiều năm trước tôi đã nghe đến thông tin về các xoáy rác ở biển Bắc Thái Bình Dương. Ngay cả khi không có những tấm ảnh chụp, một chuỗi những cảnh tượng cứ thế vẫn ám ảnh tôi hết đêm đến ngày. Khi thời gian trôi qua, chúng trở nên gắn kết và thành một khối thống nhất trong tâm trí tôi. Nó làm tôi nhớ đến nơi mình đang sống, Hualian. Hualian là một thành phố nhỏ hướng ra bờ Thái Bình Dương. Tôi hay đứng đó ngắm nhìn những cánh chim bay. Lúc đó ý tưởng về việc rất có thể một ngày nào đó tất cả rác thải sẽ bay ngược về để gặp người đã tạo ra chúng – chính chúng ta. Ngoài ra, với sự hiểu biết về biến đổi khí hậu và sự đam mê với biển, tôi bắt đầu chương đầu tiên của Người mắt kép.

Mary: Tôi thích câu chuyện về Atile’i và hòn đảo Wayo Wayo. Điều này có điểm chung nào với các truyền thuyết có thật của Đài Loan không?

Wu Ming-Yi: Về mạch truyện này, tôi đã nghiên cứu rất nhiều cuốn sách trong lĩnh vực dân tộc học, và dĩ nhiên, có tồn tại một hòn đảo xinh đẹp mang tên Lanyu và những cư dân của nó là người bản địa Tao. Do đó, Wayo Wayo được tôi phôi thai như là một nhóm dân cư sống đời tập trung vào biển, có một khả năng nào đó sẽ giao tiếp được với các nền văn minh khác dựa trên đất liền. Tôi cũng tham vọng mô tả sự phức tạp của các chủng tộc và sắc tộc Đài Loan bản địa. Do đó, tôi đã thêm bộ tộc Bunun vào câu chuyện của mình.

Mary: Câu chuyện về Alice cũng thú vị không kém. Ngôi nhà của cô ấy thực sự đang chìm trong nước biển dâng, và đồng thời cũng phải đối mặt với sự mất mát và đau buồn tột độ. Điều gì đã khiến anh nghĩ mình phải tạo nên được nhân vật này?

Wu Ming-Yi: Tôi sống giữa Đài Bắc và Hualian. Đài Bắc là thành phố lớn mà mọi người đang cố quên đi bản thân vẫn được che chở dưới bàn tay của tự nhiên; trong khi Hualian là một vùng đất khá nhỏ nằm ở khúc giao giữa một ngọn núi cao 3.000 foot và biển Thái Bình Dương. Những người sống gần tự nhiên có thể cảm nhận được ​​những thay đổi và xúc động hơn trước thực tế môi trường ngày càng xấu đi. Sự tuyệt vọng trong đời sống cá nhân đan xen với nỗi thất vọng gấp bội khi nhận thức về môi trường. Tôi đã xây dựng Alice vì muốn bày tỏ cảm giác này.

Mary: Người mắt kép đề cập đến một số tác động môi trường như biến đổi khí hậu, xoáy rác, săn bắt cá voi, xây dựng – quy hoạch và săn hải cẩu. Thật ngạc nhiên khi anh xây dựng những vấn đề này thành một cuốn tiểu thuyết trong khi chỉ như đang kể về một câu chuyện tuyệt vời. Anh có nghĩ tiểu thuyết có thể trở thành công cụ để khám phá các vấn đề về môi trường không?

Wu Ming-Yi: Những vấn đề này đến với câu chuyện một cách tự nhiên. Trên thực tế, tôi không chủ ý cho thêm chúng vào. Trong quá trình tạo ra các nhân vật, những sự kiện trên chỉ đơn giản là có xuất hiện trong cuộc sống của họ, vì vậy tôi buộc mình xem xét sự thật ẩn sâu trong những vấn đề mà bạn đề cập. Bản thân tôi cũng từng tham gia một số nhóm hoạt động về môi trường, và mặc dù có vài chủ đề vẫn còn lạ lẫm với độc giả đại chúng, nhưng tôi hiểu rõ và muốn được giới thiệu đến đông đảo độc giả hơn.

Mary: Anh thấy Đài Loan thay đổi thế nào trong thời kỳ môi trường ô nhiễm, trái đất nóng lên…?

Wu Ming-Yi: Đài Loan đang trở thành nạn nhân của biến đổi môi trường do các doanh nghiệp phương Tây thiết lập các ngành công nghiệp ô nhiễm cao ở đây. Tất nhiên, Đài Loan phải tự trách mình vì chính phủ không chú ý đến việc bảo vệ môi trường. Hiện tại, Đài Loan đang đứng trước một sự lựa chọn: đó là trở thành điển hình về môi trường cho Đông Nam Á; hoặc, bị bỏ rơi trên con đường tăng trưởng kinh tế. Một số người cho rằng mục tiêu kép này có thể đạt được đồng thời, nhưng là một quốc gia có nguồn lực hạn chế, với thực tế là dân số đang giảm nhanh chóng, cũng như sức ép từ phía Trung Quốc hiện tại; thì có thể nói ý tưởng này như đang mơ hảo. Đài Loan phải tìm bằng được giá trị của mình như một phần của nền văn minh nhân loại, đồng thời phải quan tâm hơn đến những vẻ đẹp tự nhiên. Đài Loan do đó rất nên quyết tâm chống ô nhiễm để tạo ra tác động tích cực chống lại sự nóng lên toàn cầu.

*

Wu Ming-Yi sinh năm 1971 tại Đài Loan, và cũng là nơi anh hiện sinh sống. Là một nhà văn, nhà thiết kế, nhiếp ảnh gia, giáo sư văn chương, nhà sưu tầm bướm và nhà hoạt động về môi trường; anh giảng dạy môn viết sáng tạo tại Đại học Quốc gia Dong Hwa từ năm 2000 và hiện là giáo sư Khoa tiếng Trung. Wu Ming-Yi là tác giả của nhiều cuốn sách viết về thiên nhiên, trong đó Người Mắt KépChiếc xe đạp mất cắp đã được dịch và giới thiệu tại Việt Nam. Cuốn tiểu thuyết thứ hai, The Way of Butterflies (tạm dịch: Đường bay của những con bướm) đã được trao Giải Sách mở rộng của Thời báo Trung Hoa (China Times Open Book Award) vào năm 2003. Cuốn tiểu thuyết đầu tay, Routes in the Dream (Tạm dịch: Đường về trong những giấc mơ) cũng được vinh danh là một trong mười cuốn sách viết bằng tiếng Trung hay nhất do tạp chí Asian Weekly bình chọn. Trong khi đó Chiếc xe đạp mất cắp đã đưa anh trở thành người Đài Loan đầu tiên lọt vào danh sách để cử Man Booker Quốc tế. Người Mắt Kép là cuốn sách đầu tiên của anh được dịch sang tiếng Anh.

Hết.

Cuộc phỏng vấn được thực hiện bởi Mary Woodbury cho tờ dragonfly.eco.
minh dịch.

Chuyện người cầm bút

Đọc gì để hiểu Seoul?

Published

on

By

Han Kang - tiểu thuyết gia

Han Kang lớn lên ở Seoul, Hàn Quốc và cô gọi nó là một thành phố trải qua “nghìn năm khuynh biến”. Bài viết sau đây là những gợi ý từ nhà văn Hàn Quốc đầu tiên thắng giải Man Booker Quốc tế cho cuốn “Người ăn chay” để hiểu hơn nữa quê hương của mình.

Seoul là một siêu đô thị với dân số gần 10 triệu người và được phát âm giống như “linh hồn” (soul). Có lúc tôi như bất lực không thể chịu nổi quy mô và tốc độ thay đổi của nó, nhưng cuối cùng thì cũng đã tìm được một góc yên tĩnh và tiếp tục sống ở thành phố này.

Mặc dù thoạt nhìn khá là hiện đại, nhưng Seoul lại có lịch sử tương đối lâu đời. Dân cư lần đầu tập trung tại đây cách đây đã 6.000 năm. Qua nhiều thế kỷ, thành phố dần dần trở thành trung tâm của các triều đại cai trị khu vực và hiện vẫn là thủ đô của Hàn Quốc hiện đại.

Nói cách khác, thành phố tồn tại dưới lớp thời gian dày đặc. Tin tức về các dự án xây dựng đôi khi hay bị dừng lại sau khi đào bới rồi phát hiện ra công trình thoát nước từ nghìn năm trước, hay món đồ sứ có niên đại hàng trăm năm tuổi… là lời nhắc nhở về chính điều đó.

Tranh của Raphaelle Macaron

Khi đi ngang qua những tấm bia đá của những tòa nhà cũ bị phá hủy trong thời Nhật Bản chiếm đóng từ năm 1910 - 1945, hay cuộc chiến tranh ý thức hệ tàn khốc từ năm 1950 - 1953, tôi thấy những chung cư mới vẫn được xây dựng xen kẽ vào đó…

Những năm 1960, chúng dần phát triển thành những tòa nhà cao tầng rực rỡ với ánh đèn hàng đêm. Những cảnh quan xung đột, chồng chéo, hội tụ này tạo nên bản giao hưởng riêng của thành phố này. Không có gì ngạc nhiên khi nhiều tác phẩm văn học hoặc nghệ thuật được tạo ra ở đây đều chứa đựng những cảm xúc sâu sắc.

Những cuốn sách nào để tận hưởng các lớp thời gian trong thành phố này?

Đó là một trong những cuốn sách hấp dẫn nhất thời thơ ấu của tôi, Tam Quốc Di Sự có niên đại hàng nghìn năm, được nhà sư Phật giáo Il Yeon (Nhất Nhiên) biên soạn vào thế kỷ 13, dưới triều Goryeo. Nó bao gồm những câu chuyện kỳ ​​quái, siêu nhiên như những vị vua được sinh ra từ quả trứng, một cây sáo thần có thể ru ngủ những cơn bão lớn…


Ngoài ra Những chuyện kỳ ​​lạ của một nhà sư gồm 5 câu chuyện từ đầu triều đại Joseon, bắt đầu vào cuối thế kỷ 14, cũng rất hấp dẫn. Các nhân vật nam trong cuốn sách này dành ra vài ngày với những hồn ma của những người phụ nữ duyên dáng mà họ yêu, và sống phần đời còn lại trong cô độc và đau buồn.

Câu chuyện về Hong Gildong cũng từ triều đại Joseon cũng là một lựa chọn tốt. Gildong sinh ra trong một gia đình quý tộc nhưng không thể nhận cha ruột vì địa vị thấp kém của mẹ mình. Chịu đựng sự phân biệt đối xử, anh đã trở thành một tên trộm, phân phát của cải lại cho người nghèo. Cuốn sách từ lâu được coi là tác phẩm của Heo Gyun - một nhà tư tưởng tiến bộ, người đã bị xử tử vì tội phản quốc vào thế kỷ 17, nhưng các câu hỏi về quyền tác giả của nó đã được đặt ra suốt thời gian dài trong giới học thuật.

Để mô tả gần đây hơn về quá khứ của Seoul, thì cuốn hồi ký Ai đã ăn hết những cây Sing-a ngày ấy? của Park Wan-suh đề cập từ những năm 1930 - 1950 tương đối lý lí thú. Sau khi bắt đầu với những ký ức tuổi thơ lấp lánh ở Kaesong - nay thuộc Bắc Triều Tiên - câu chuyện chuyển sang Seoul giữa Chiến tranh Triều Tiên. Thành phố vắng tanh, hầu hết người dân chạy trốn trong sợ hãi, nhưng gia đình Park chọn ở lại để chăm sóc cho người anh trai ốm yếu của cô. Đoạn kết, nơi cô ấy nhìn ra những con phố cực kỳ yên tĩnh và quyết tâm viết về tất cả những thử thách này vào một ngày nào đó, thật sự hấp dẫn.

Tôi nên đọc gì trước khi đến Seoul?

Tác phẩm của các nhà thơ hiện đang sống ở Seoul. Nếu bạn ngẫu nhiên mở ra và đọc các bộ sưu tập như Tôi ổn, tôi là con lợn, Điện thoại vào buổi ban trưa của Lee Jangwook, Mười lăm giây không sầu muộn của Shim Bo-seon, Cố lên nàng thơ của Kim Yi-deum hoặc Đẹp và vô dụng của Kim Min Jeong thì bạn có thể có được cảm giác chung về Seoul.

Tương tự như vậy, các tuyển tập truyện ngắn sẽ đưa ra ví dụ về các khía cạnh khác nhau của cuộc sống ở đây. Chẳng hạn Chú thỏ bị nguyền rủa của Bora Chung, Tình yêu ở thành phố lớn của Sang Young Park hay Nụ cười của Shoko từ Choi Eunyoung.


Các tiểu thuyết như Về nhà với mẹ của Kim Hye-jin, Tháng năm rực rỡ của Ae-ran Kim, và Your Republic Is Calling You của Kim Young-ha cũng là những lựa chọn tốt.

Những cuốn sách nào có thể cho tôi thấy những khía cạnh khác của thành phố này?

Một trăm cái bóng của Hwang Jungeun lấy bối cảnh ở Euljiro, một khu vực đặc trưng sầm uất với đầy cửa hàng thiết bị chiếu sáng. Cuốn tiểu thuyết kể về một người đàn ông và một người phụ nữ làm việc trên những con phố và rồi quen nhau. Sau đó họ đã thảo luận về một diễn biến siêu nhiên kỳ lạ: Bóng tối của những con người bị gạt ra ngoài lề xã hội bắt đầu “nổi lên”. Một khi con người đi theo những cái bóng này, họ sẽ lập tức mất mạng. Những nỗ lực tinh tế của cặp đôi để đồng hành cùng nhau, mỗi người cẩn thận đảm bảo rằng cái bóng của người kia không phủ lên trên của người còn lại, để lại ấn tượng lâu dài.

Bạn muốn giới thiệu những điểm đến văn học nào?

Bắt đầu bằng chuyến viếng thăm nhà của Yi Sang, người sinh năm 1910 và được đào tạo thành kiến ​​trúc sư trước khi trở thành một nhà văn tiên phong sáng chói và qua đời ở tuổi 27 vì bệnh lao. Ông từng được in một tập sách là Tuyển tập Yi Sang bao gồm những bài thơ, truyện ngắn, tiểu luận và tranh minh họa đặc sắc, kèm theo những bài tiểu luận sâu sắc của các dịch giả.

Mặc dù không gian trưng bày các tác phẩm của người nghệ sĩ có diện tích khiêm tốn nhưng nó mang lại những khoảnh khắc tiếp xúc đặc biệt cho những người đã quen thuộc với hành trình ngắn ngủi, dũng cảm của ông từ thời thơ ấu, lúc được nhận nuôi cho đến giây phút cuối đời,

Từ địa điểm này nên tiếp tục đi lên, men theo con hẻm dốc thoai thoải dẫn đến địa điểm là một trong những khu nhà trọ của nhà thơ Yoon Dong-ju. Yoon bị bắt trong thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng và cũng là thời bị áp bức dữ dội ở Hàn Quốc. Ông chết trong tù vào tháng 2 năm 1945, năm cuối cùng của chế độ nói trên, ở tuổi 28. Nhiều người ở Hàn Quốc, bao gồm cả một số nhà sử học, tin rằng cái chết của ông có thể là kết quả của các thí nghiệm y học trên cơ thể người do quân đội Nhật Bản tiến hành.

Lên đồi thêm 5 phút nữa, bạn sẽ bước vào một thung lũng yên tĩnh, nơi thỉnh thoảng tôi nhúng tay vào làn nước trong vắt, lạnh lẽo của dòng suối giống như cậu bé Yoon rửa mặt mỗi sáng. Nước chạm vào tay tôi không giống như nước chạm vào bàn tay ông nhiều chục năm trước, nhưng lại mang đến cảm giác gần gũi.

Yoon là nhà thơ yêu thích của tôi khi tôi còn học cấp hai. Tôi đặc biệt thích bài thơ Tám Phước Lành của ông. Ông nghĩ gì khi viết “Phúc cho những ai than khóc” tám lần, và rồi kết thúc bằng câu “Họ sẽ đau buồn mãi mãi” sau khi để lại một dòng trống, im lặng chứ?

Dịch từ The New York Times.

Đọc bài viết

Chuyện người cầm bút

Phạm Công Luận và những tâm tình về “Hồi ức Phú Nhuận”

Cho dù “Hồi ức Phú Nhuận” không phải là sách biên khảo nhưng cũng cần được sắp xếp tương đối mạch lạc theo từng nhóm nội dung để độc giả dễ theo dõi, để có cái nhìn từ khái quát đến từng lãnh vực, sau đó đọng lại là những tâm tình của người sống ở đó.

Published

on

By

Hồi ức Phú Nhuận tập hợp những bài viết của nhà báo Phạm Công Luận về dòng chảy thời gian đi qua một vùng đất bằng việc sưu tầm và ghi lại những hồi ức tản mạn không chỉ của riêng tác giả – một người sinh ra, lớn lên và gắn bó với Phú Nhuận, mà còn từ lời kể của nhiều cư dân nơi đây qua các thế hệ.

Trong bài phỏng vấn này, Bookish sẽ giúp bạn đọc khám phá quá trình nhà báo Phạm Công Luận đã tái hiện một Phú Nhuận từ cổ chí kim qua từng trang sách trong Hồi ức Phú Nhuận diễn ra như thế nào, cũng như những khó khăn mà anh phải đối mặt. Hãy cùng tìm hiểu bạn nhé.

Trong quá trình thực hiện Hồi ức Phú Nhuận, anh có gặp phải những khó khăn nào khi tìm ý tưởng, nguồn tư liệu, hay nhân vật để phỏng vấn không? Nếu có, anh đã vượt qua những khó khăn đó bằng cách nào?

Viết sách tư liệu luôn có những thách thức từ việc ý tưởng tổ chức cho đến tập hợp tài liệu, cuốn Hồi ức Phú Nhuận cũng vậy. Cần có những ý tưởng cốt lõi từ cách tổ chức các chương mục cho đến thể hiện từng bài. Ở từng đề tài, nếu không tìm ra nhân chứng để phỏng vấn hoặc tài liệu hay thì dễ đi vào bế tắc. Khi gặp trường hợp đó, tôi xếp lại, khai triển một bài viết khác và lúc nào đó sẽ quay lại đề tài cũ khi thấy đã có những thứ cần thiết để viết nó ra.    

Bài viết nào trong Hồi ức Phú Nhuận khiến anh tâm đắc nhất? Anh có thể chia sẻ lí do tại sao không?

Có hai dạng bài tôi cảm thấy tâm đắc trong cuốn này.

Một là những bài tôi tìm được tư liệu hay, viết được những đề tài hầu như không ai viết về, mà lâu nay bản thân tôi luôn thắc mắc: bài viết về gốc gác của chợ Ga, về nhà hàng bò bảy món Ánh Hồng nổi tiếng khắp Sài thành một thời, về xóm cô đầu ở Phú Nhuận trước 1945, về đất Phán Hùng trong đường Cô Giang v.v...   

Hai là những bài được viết với nhiều cảm xúc, hầu hết nằm trong phần ôn chuyện xưa, về ẩm thực và về những con hẻm.  

Hồi ức Phú Nhuận được chia thành 9 phần (8 phần nội dung chính và 1 phần phụ lục) để bao quát những khía cạnh khác nhau trong đời sống Phú Nhuận. Từ khi bắt đầu viết sách, anh có hình dung trước là sách sẽ có 9 phần với các chủ đề như thế để lên kế hoạch viết không hay anh viết bài trước rồi trong quá trình tập hợp lại bài viết cho cuốn sách, anh mới chia bài viết theo chủ đề? Theo anh, phương pháp nào đem lại nhiều hiệu quả hơn?

Cuốn sách này, cho dù không phải là sách biên khảo nhưng cũng cần được sắp xếp tương đối mạch lạc theo từng nhóm nội dung để độc giả dễ theo dõi, để có cái nhìn từ khái quát đến từng lãnh vực, sau đó đọng lại là những tâm tình của người sống ở đó. Dù ban đầu đã có ý định sắp xếp một cách tương đối, khi viết tôi chọn những đề tài mình có hứng thú hoặc có tư liệu hay để viết trước. Sau một thời gian, tôi rà soát lại từng phần nội dung và tiến hành bù đắp những chỗ còn thiếu bằng những bài khác. Có thể cách của tôi không đúng bài bản nhưng ít ra nó giúp tôi duy trì được cảm hứng để viết một cuốn sách khá “lắm chuyện” như vầy.     

Trong Hồi ức Phú Nhuận, có những bài viết kể về các con đường, quán ăn và tiệm cà phê hiện đã không còn tồn tại. Vậy anh tìm kiếm và ghi lại những thông tin này bằng cách nào? Làm sao để anh cân bằng tính trung thực và chi tiết khi tái hiện những ký ức trong Hồi ức Phú Nhuận?

Tôi sống ở Phú Nhuận từ nhỏ đến nay nên không quá khó khăn để nhận diện những gì từng tồn tại và mất đi trong hơn nửa thế kỷ qua. Bên cạnh đó, còn có những nhân chứng chung quanh tôi, họ có thể kể về những quán xá họ từng lui tới, ăn uống ở đó hay về những gì đã xảy ra từ rất lâu trên một con đường. Trang “Phú Nhuận ngày xưa” trên Facebook do tôi lập ra, là nơi tập hợp những người từng hay đang gắn bó với vùng đất này cũng góp phần cung cấp cho tôi tư liệu về các quán, các nhà hàng trong quận, bên cạnh những câu chuyện ở lãnh vực khác.

Đã là hồi ức thì có “nhớ nhớ, quên quên” không tránh khỏi thiếu sót, tôi hạn chế tối đa điều đó bằng cách đối chiếu với các ý kiến khác nhau trên trang “Phú Nhuận ngày xưa” về một sự kiện, đưa ra trước cộng đồng để hỏi ý kiến và gửi bản thảo cho một số người quen nhờ xem giúp và phát hiện lỗi nếu có. Sau khi ra sách, tôi vẫn tiếp tục theo dõi dư luận để nếu cần thì đính chính hay chỉnh sửa sau.    

Hồi ức Phú Nhuận vừa có hình ảnh tư liệu, vừa có tranh minh họa của họa sĩ Phạm Công Tâm. Đâu là tiêu chí để anh quyết định lựa chọn giữa hình ảnh hay tranh minh họa cho một bài viết?

Việc chọn tranh hay ảnh minh họa cho phù hợp bài vở nằm trong góc nhìn từ nghề báo của tôi. Hầu hết bài trong sách được minh họa bằng ảnh, nhất là bài tài liệu. Bên cạnh đó có một số bài được minh họa bằng tranh màu nước, do không có ảnh đủ thể hiện được nội dung và còn giúp trang sách mềm mại hơn, đẹp hơn.

Sau Hồi ức Phú Nhuận, kế hoạch sáng tác tiếp theo của anh là gì? Anh có dự định viết thêm về Phú Nhuận hoặc những quận khác không?

Cho dù Phú Nhuận vẫn còn nhiều điều hay để khám phá và chia sẻ, tôi chưa có ý định viết tiếp ở dạng một cuốn sách mà sẽ dành thời gian cho những đề tài khác.

Tôi vừa viết xong bản thảo cuốn sách về Chợ Lớn, một khu vực đô thị không nhiều người phía Sài Gòn có điều kiện tiếp cận theo chiều sâu. Cuộc sống ở đó, với đa số là di dân người Hoa có những đặc thù riêng, rất thú vị để tìm hiểu. Qua cuốn này, tôi mong có thể phản ánh được một phần nhỏ đời sống, tâm tình, sinh hoạt của vài thế hệ người sống trong Chợ Lớn trong gần trăm năm qua. Đó là một nơi mà một số nhà văn, ký giả nước ngoài như Gontran de Poncins, Georges Ribon hay Kermendec... đã đến và ở lại một thời gian để viết những bài báo và cuốn sách thật lý thú.    

Cảm ơn tác giả Phạm Công Luận vì đã dành thời gian cho một cuộc chia sẻ sâu với Bookish. Chúc anh luôn thành công với những dự án trong tương lai.

Đọc bài viết

Chuyện người cầm bút

Elvis Phương: Âm nhạc là sự lựa chọn duy nhất của tôi từ năm 16 tuổi

Ở tuổi này mà Elvis Phương còn nhớ và thuộc gần 100 bài hát thì cuộc đời, kỉ niệm của chính mình làm sao mà quên được.

Published

on

By

Dòng đời là những trang viết trải lòng của danh ca Elvis Phương về chính cuộc đời mình. Hơn 60 năm ca hát, Elvis Phương đã trải qua nhiều thăng trầm để được thành danh và đứng vững trên sân khấu cho đến tận ngày nay. Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về những tâm tư của danh ca Elvis Phương xoay quanh Dòng đời, Bookish đã có buổi phỏng vấn độc quyền với nam danh ca.

Trong quyển hồi ký Dòng đời, Elvis Phương có nhắc đến việc cha mình cấm cản đi theo nghiệp ca hát. Vậy đến thời điểm nào, cha ông nguôi ngoai và chấp nhận việc ông theo đuổi ước mơ ca hát?

Hai năm sau khi Elvis Phương bị ba mình đuổi ra khỏi nhà thì một buổi tối sau khi đi hát xong, lúc trở về nhà nơi Elvis Phương đang mướn và ở cùng với ban nhạc thì thấy má của Elvis Phương ngồi sẵn trong nhà và bà nói: “Ba nói nhớ Phương và muốn con về nhà.” Thế là được trở về nhà. Vui sướng vô cùng vì biết rằng mình sẽ được tiếp tục hát để theo đuổi ước mơ dù má chả nói những điều như mình đã tự nghĩ nhưng cho trở về nhà là chắc cho đi hát rồi…

Được biết, ông là ca sĩ đầu tiên về nước, thời gian đầu, Elvis Phương nhận được tình cảm, sự đón nhận từ khán giả như thế nào? Ông có thể chia sẻ kỷ niệm ấn tượng với khán giả khi về Việt Nam?

Elvis Phương là một trong những ca sĩ về nước rất sớm; từ 1996 rồi 1998 để quay hai cuốn video nhưng mãi đến 2000 mới được hát live lần đầu vào ngày 20 và 21 tháng 5 năm 2000. Cả hai đêm hát đều sold out nhưng điều đáng nói nhất là tình cảm của khán thính giả dành cho Elvis Phương là động lực duy nhất khiến Elvis Phương quyết định mua nhà để được ở lâu dài và mãi đến tận hôm nay. Elvis Phương nhớ và nhớ rất rõ dư âm của hai đêm hát tại nhà hát Bến Thành lúc đó và sự yêu thương của khán thính giả đã làm Elvis Phương choáng ngợp sung sướng; có nhiều gia đình cả ba thế hệ đều đi xem Elvis Phương hôm đó. Sự bày tỏ lòng yêu thương của khán thính giả là một kỉ niệm đẹp cho lần trở về đầu tiên và được hát tại Việt Nam của Elvis Phương.

Ông từng mổ tim, cơn thập tử nhất sinh vào năm 1998, lúc đó ông cũng đã 53 tuổi. Nhưng tại sao, ông không lựa chọn cuộc sống an dưỡng mà tiếp tục sự nghiệp ca hát, hầu như ngày nào cũng đi hát?

Đối với Elvis Phương hát cũng giống như thở và mình phải cần thở mới được sống. Đúng vào tháng 5 năm 1998 Elvis Phương đã trải qua một cuộc giải phẫu tim phải nói là thập tử nhất sinh lúc đó. Elvis Phương đúng 53 năm tuổi mà dòng họ của mình từ ông nội, đến ba và người chú – em của ba – đều mất vào tuổi 53.

Phải nói là cuộc giải phẫu mười phần nguy hiểm nhưng khi được bình phục. Elvis Phương cảm thấy mình như được hồi sinh và niềm khao khát được hát lại cháy bỏng như những ngày đầu… Thế là hát và hát mãi đến tận bây giờ. Sự lựa chọn duy nhất của Elvis Phương từ lúc 16 tuổi đến ngày hôm nay: còn sống là còn hát.  

Sự nghiệp ca hát hơn 62 năm - một quãng đường dài và đồ sộ, khi viết cuốn hồi ký Dòng đời, làm sao ông có thể nhớ lại hết chi tiết cụ thể chuyện nhiều năm đã qua, sau đó xây dựng cấu trúc nội dung mạch lạc, tường thuật cho độc giả?

Elvis Phương không những nhớ một chuyện, mà cả trăm, cả nghìn câu chuyện. Vợ Elvis Phương hay đùa “phải chi Bố nhớ và giữ được tiền như những câu chuyện của đời Bố dù bao nhiêu năm đã trôi qua thì tốt biết mấy.”

Tài liệu và hình ảnh thì còn giữ được nhiều vô số kể. Bây giờ những lúc rảnh rỗi ngoài giờ đi hát thì Elvis Phương lại viết, lại ghi lại. Viết ra để làm gì? Chỉ biết viết vì kỉ niệm cả một đời đi hát thì nhiều quá; có những điều càng nhớ và viết ra thì thấy thú vị vô cùng. Ở tuổi này mà Elvis Phương còn nhớ và thuộc gần 100 bài hát thì cuộc đời, kỉ niệm của chính mình làm sao mà quên được.

Cuộc đời của ông trải qua nhiều thăng trầm. Khi viết xong quyển hồi ký Dòng đời và nhìn lại tất cả một cách hệ thống, ông cảm nhận điều gì là quan trọng nhất trong cuộc sống và sự nghiệp của mình? Chặng đường nào đối với ông là đáng nhớ nhất?

Đáng nhớ nhất là phải nhớ tất cả, vì cuộc đời ca hát của Elvis Phương thật là có quá nhiều thăng trầm. Đọc đi đọc lại Dòng đời, Elvis Phương vẫn thấy, vẫn cảm nhận trong cuộc sống và sự nghiệp của mình, tất cả những chặng đường đã trải qua đều quan trọng.

Có thăng, có trầm mới có Elvis Phương ngày hôm nay. Elvis Phương chưa bao giờ cảm thấy là mình không muốn hát và còn hát thì còn nhớ. Nhớ tất cả để cảm thấy cuộc đời mình còn thật nhiều may mắn. Điều gì cần nhớ thì phải nhớ thôi. Nhất là âm nhạc và những bài hát đã đi theo mình cả cuộc đời…

Cảm ơn những chia sẻ chân tình từ danh ca Elvis Phương. Chúc ông có thật nhiều sức khỏe dồi dào để tiếp tục thăng hoa với âm nhạc.

Danh ca Elvis PhươngMC Minh Đức tại buổi giao lưu, ra mắt sách Dòng đời ngày 9.9.2023
Danh ca Elvis Phương kí tặng bạn đọc tại buổi giao lưu, ra mắt sách Dòng đời ngày 9.9.2023
Đọc bài viết

Cafe sáng