Phía sau trang sách

Chiếc xe đạp mất cắp: Quá khứ quên lãng dưới điêu tàn của sắt

Một số chuyện từng xảy ra sẽ lưu lại ở đâu đó trong món đồ, giống như hạt giống vậy.

Published

on

Trung Quốc, với phần lãnh thổ to lớn, vốn từ lâu trở thành đất nước của những nghĩa địa: “nghĩa địa xe đạp”, “nghĩa địa xe máy” hay “nghĩa địa ô tô”. Sau các chính sách cấm cửa đi liền với động thái siết chặt quản lý, bong bóng của nền kinh tế chia sẻ sụp đổ một cách không thể lường trước. Và nếu vào ngày nào đó, người thân của ta mất tích cùng chiếc xe đạp thì biết tìm đâu dấu tích của một trong hơn 23.000 chiếc xe ở bãi nghĩa địa của riêng một thành phố?

Dời ngược thời gian trở lại cơn bĩ cực sau thời Hậu đệ nhị Thế chiến, Wu Ming-Yi (Ngô Minh Ích) bằng một chuỗi dài khoan sâu đã viết nên câu chuyện độc đáo, lồng lộng và tràn đầy xúc cảm về thời đoạn kéo dài hơn một thế kỷ với chiếc xe đạp – chiếc xe đạp bị mất cắp trong cuộc đời của một ai đó.

Cuốn sách xoay quanh câu chuyện của nhân vật “tôi” trên hành trình đi tìm lại bóng dáng người cha chỉ qua đầu mối duy nhất là chiếc xe đạp ông mang theo vào ngày ông biến mất mãi mãi. Càng đáng nói hơn, đây không hẳn là lần đầu tiên chiếc xe đạp bị mất cắp. Qua một lịch sử trải dài đằng đẵng từ thời Đệ nhị Thế chiến đến khi Internet phổ cập và mọi ứng dụng trên nền tảng xã hội phát triển, những câu chuyện đời, chuyện người được khắc họa tựu trung vào điểm gốc là chiếc xe đạp. Ở đó ta có thể bắt gặp đời sống Đài Loan cả những năm trước, trong và sau cuộc chiến, những hậu chấn tâm lý ảnh hưởng đến cả một thế hệ đi vào chiến tranh. Từ đó, lịch sử gian khó mà đầy biến động của Đài Loan hiện lên, khắc rõ; để con người và mọi sinh vật khác đều trở nên nhỏ bé trước số mệnh.

Chiếc xe đạp sống đời lận đận như một con người

Điểm gốc của mọi phối cảnh đều tựu trung về chiếc xe đạp. Việc mượn vật thể rồi từ đó khắc họa nên diễn tiến câu chuyện không hẳn là hiếm trong văn chương châu Á. Nếu ta từng bắt gặp Mạc Ngôn trong Phong nhũ phì đồn (Báu vật của đời) với hình tượng mông – vú, thì ở đây, Ngô Minh Ích dùng chiếc xe đạp có dây cu-roa để nối những vòng lịch sử như bánh đằng trước, và vòng đời ở bánh phía sau; bằng sức mạnh vận mệnh để đạp cho xe chuyển động. Cả hai câu chuyện song hành cùng nhau (bi, tiếng Latin), nối nhau như những vòng tròn (kyklos, tiếng Hy Lạp) gắn kết vào nhau, làm nên sự vận động theo hình tròn luân hồi của thời gian và những kiếp người.

Nếu câu chuyện không mở đầu bằng cảnh bé gái chạy vụt lên chiếc xe đạp về nhà khi cánh đồng vừa bị san phẳng, nếu chiếc xe đạp Khổng Minh của nhân vật chính không mất đến tận bốn lần, thì câu chuyện của tiểu thuyết này đã trở nên rất khác. Vì bối rối mượn chiếc xe đạp của một người Nhật mà bọn cảnh sát trói đầu gông cổ không nghe giải thích; vì đem cho đứa con gái khi lỡ đẻ quá nhiều để chờ một mụn con trai, vì chở cu cậu rong ruổi khám bệnh hay hồi hộp vui mừng khi đi xem điểm – mà chiếc xe đạp sống đời lận đận như một con người.

Chiếc xe đứng đó, chứng nhân cho rất nhiều điều, cho phong tục cổ hủ, cho bối cảnh chiến tranh, cho tình cảm trìu mến. Chiếc xe chứng kiến tình cảm cha con vốn thường khó nói, về một cậu bé khi nhỏ rất hay bệnh vặt, về một người cha sung sướng xem điểm cho đứa con trai, về cô gái nhỏ ngồi sau A Vân những chiều tan làm ở xưởng cánh bướm… Xe đạp ở đó lướt đi trong từng tầng gió khác nhau, có tầng tha thiết yêu đương là thế, nhưng cũng có tầng vô cùng muốn quên.

Hơn thế, đó là chiến tranh với chiếc xe đạp là phương tiện mới. Là đơn vị hành quân Bánh xe bạc không lốp lần đầu xuất hiện trong cuộc hành quân xẻ rừng xuyên Myanmar, là quân đoàn Hoa cúc những tối trăng treo, là Basuya chôn chiếc xe đạp ở ngôi làng nọ mà sau này lão Trâu lại một lần nữa khai quật nó lên. Chiếc xe ở đó và là chứng nhân cho những thời đoạn vô cùng biến động. Những chiếc xe đạp không lốp còn như một dấu gạch nối để con người ta tìm về quá khứ, về thời đã qua, thúc đẩy khai quật những gì từng là, dẫn đến công cuộc đi tìm người cha của nhân vật tôi hay quá trình về lại con đường hành quân đi xuyên Miến Điện bằng chiếc xe đạp của Abbas nơi cha cậu một thời chiến đấu.

Dễ thấy xe đạp đóng vai trò quan trọng trong dòng chảy thời gian. Nó ở đó gạn lọc đầy đủ những thứ trôi qua mắt lưới, gìn giữ những thứ còn lại dù cho nhỏ nhất. Xe đạp chứa trong nó không chỉ lịch sử, mà còn con người, phong tục, tập quán, quê hương, nguồn cội và ti tỉ hàng hà thứ khác. Nó như di chỉ, nó như xác ướp; để từ đó niên đại được hoàn về đúng thực tế. Rằng nếu bạn nghe ai đấy gọi xe tự quay, thì người ấy nhất định chịu nền giáo dục của Nhật, nếu gọi ngựa sắt hoặc xe Khổng Minh thì tiếng mẹ đẻ của anh ta là tiếng Đài, nếu gọi xe đơn hay xe tự hành thì rất có khả năng người này đến từ miền Nam Trung Quốc hay xem xét tỉ mỉ tình trạng hoen gỉ của từng chiếc xe, sẽ có thể phát hiện ra điều kiện khí hậu của một số vùng, thói quen của chủ xe hay cảnh ngộ của chiếc xe.

Chiếc xe đạp của thời hậu chiến tranh

Thông qua chính hình tượng ấy, Ngô Minh Ích tiếp tục triển khai để cho ta thấy còn gì ẩn sâu dưới những điêu tàn của vật liệu sắt. Ở đó, con người sau thời hậu chiến trở nên cuồng loạn và mất kiểm soát. Nếu trong Bên dòng sông Hằng, Endo Shusaku viết lại chính cái dằn vặt của nhân vật Kiguchi khi lỡ một lần ăn thịt đồng loại lúc quân Đồng Minh nắm thế thượng phong ở rừng Mã Lai; thì trong Chiếc xe đạp mất cắp, đó là Basuya tự đâm vào tai vì tiếng vo ve cứ tồn tại mãi dẫn đến bi kịch tự tử bằng khí gas, là đội trưởng Mục cứ bị ám ảnh mãi leo lên cây rồi đến khi té chết. Và liệu đó có phải là nguyên nhân người cha bỏ đi, khi ông cũng góp phần sang Nhật lắp máy bay phục vụ chiến tranh? Khó mà có thể giải thích được gì. Nhưng trên hết, bằng hình tượng chiếc xe đạp, bằng khoảng dài lịch sử, Ngô Minh Ích phần nào cho thấy con người nhỏ bé và yếu ớt đến mức độ nào trước cuồng nộ, hoang dại và giết chóc lẫn nhau.

Vấn đề sinh thái mới mẻ, thú vị và chiếm một dấu ấn quan trọng trong toàn tiểu thuyết làm nên cái cuốn hút cho người đọc. Mượn sở thú Maruyama những ngày cận chiến, những con voi vốn từng tham gia cuộc chiến nay trở về đây với môi trường nuôi nhốt, những con khỉ vốn quen tự do từ lâu, nay đứng lặng mình trước tấm màn sắt. Những con voi to lớn ấy vốn tổn thương từ lâu, chịu những ám ảnh từ bom đạn, pháo súng; bị con người thúc ép không có đường lui, hoang mang đứng trên chiếc thuyền, đi trên cỏ, trên đường nhựa hay hàng vạn dặm đường để còn mãi ám ảnh trong chúng một thời chiến tranh. Đến khi quân Đồng minh ập vào, vì sự an toàn của cư dân, chúng lại bị bắn, bỏ đói hay thậm chí xẻo thịt cho những viên chức cấp cao. Tối ấy, voi mơ thấy trong tử cung của mình có một voi con, nó ở trong đó đầm đìa máu, trên mình găm đầy mảnh bom vỡ. Voi thò vòi vào âm đạo móc nó ra, đó là cách duy nhất có thể cứu vớt nó. Voi con vẫn chưa hoàn toàn thành hình lấy vòi của nó móc lấy vòi voi mẹ, nhưng vì dùng sức quá mạnh, thông đạo lại quá hẹp, voi con được móc ra đã ngạt thở, còn âm hộ của voi mẹ thì bị mảnh bom rạch chi chít vết thương.

Những động vật ấy bị lột trần hết mức ở thời chiến tranh, chúng không được sống đúng với tự do và chết đi tuân theo số mệnh. Ngô Minh Ích ngoài một nhà văn còn là họa sĩ. Việc đưa voi, khỉ và cây cối lên bìa cuốn sách chứng tỏ những sinh vật này chiếm phần nào đó quan trọng trong ông. Những ngày này, khi văn chương sinh thái có một vị thế vô cùng mạnh mẽ bằng tiếng nói và những khẩu hiệu ngầm, Ngô Minh Ích chứng tỏ góc nhìn sâu sát thời đại, tiệm cận thế giới mà hài hòa với tự nhiên. Thú vật trong tác phẩm ông chịu nhiều bất công, cây cối trong cuốn sách này vừa hiền hòa bao dung lại vừa thống thiết bi thảm. Một góc nhìn mới, thức thời, hiện đại và tràn ngập tình cảm.

Về nghệ thuật viết, Ngô Minh Ích kết hợp hài hòa giữa lối viết tuần tự, đảo ngược thời gian, truyện lồng trong truyện và những phân đoạn hiện thực – kỳ ảo vô cùng đắt giá. Chi tiết đầu truyện khi Abbas đi lặn cùng lão Trâu và những ảo ảnh huyền diệu nơi cửa sông, hình tượng con sáo đá chết hiện thân cho sỹ quan Nhật hay cơn mơ của con voi mẹ giữa những lằn ranh lửa đạn… Tất cả cho thấy một lối viết mới giữa những ảo ảnh song song, với ý nghĩa vô cùng gợi mở, tỏa ra nhiều hướng. Chẳng hạn đường hầm ánh sáng mà Abbas và lão Trâu cùng nhau lặn xuống, liệu có liên quan gì đến hình tượng loài mối ở phía sau sách? Khả năng chịu mất nước của mối rất thấp, bọn chúng nhất định phải có nước, nên dù có chết bao nhiêu mạng mối, bỏ ra bao nhiêu thời gian, bọn chúng chắc chắn sẽ đào xuống tiếp bằng bất kể giá nào, đây là trời định, là bản năng. Rằng rốt cuộc con người cũng không hơn gì loài côn trùng ấy, nhỏ bé, xót xa, lao theo cái chết theo đúng bản năng, vì tự giết nhau, thèm khát vật chất?

Nhưng cũng không hẳn cuốn sách này không chứa điểm yếu. Ngoài những nổi bật phía trên, việc dùng phần lớn thời lượng kể về cuộc chiến không quá thú vị. Một góc nhìn, một giọng kể, không đa dạng và gây nhàm chán với hằng hà những cột mốc thời gian. Hơn thế nữa, cách diễn tiến cốt truyện của Ngô Minh Ích vẫn còn hơi thô và chưa tinh tế. Đơn cử chi tiết trao đổi email với những nội dung không rõ nguồn cơn không biết ai gửi, chúng không thực tế và gợi nhớ lại sự lỗi thời. Một sự cục bộ châu Á, một sự sến súa thường thấy là những điểm yếu lẽ ra có thể tinh giảm nếu đào sâu hơn. Nhưng vượt lên trên hết, Chiếc xe đạp mất cắp vẫn là một tiểu thuyết hay, gợi mở và sừng sững giá trị hiện sinh.

Tạm kết

Với Chiếc xe đạp mất cắp, bằng những đẹp đẽ – xấu xa, đen tối – tươi sáng, trường đoạn mất mát – bài ca hy vọng lồng trong phong cách viết điềm tĩnh và kiểm soát tốt cốt truyện, những chi tiết hiện thực – kỳ ảo ấn tượng, Ngô Minh Ích đã làm nên một lịch sử Đài Loan qua nhiều biến động trong hơn 100 năm và số phận con người sau thời Hậu chiến. Ở đó con người có thể ngu ngốc, chết vị tỵ hiềm, tự giết lẫn nhau như loài mối chúa lao đầu xuống nước; nhưng song song cùng đó, hy vọng cũng được nhân lên, vẻ đẹp mãi mãi trường tồn, trong bầu trời u ám sẽ luôn hiện lên tia sáng soi rọi một điều gì đó từ trong tâm thức. Khúc chiết, điềm tĩnh mà sâu lắng, Chiếc xe đạp mất cắp như loại đĩa nhạc làm từ chất bài tiết của cánh kiến đỏ, tinh than, trộn với hoàng thổ; mà cũng có người gọi đó là chiếc đĩa than.

Hết.

Ngô Thuận Phát

Phía sau trang sách

Cánh cửa mở vào nội tâm của Maupassant

Published

on

By

Cùng với Chekhov, Guy de Maupassant từ lâu đã được suy tôn là “bậc thầy của thể loại truyện ngắn”. Điều này không chỉ bởi văn phong độc đáo, mà còn nằm ở sự đa dạng về thể loại. Trong đó Horla và những truyện ngắn khác ra mắt gần đây chính là minh chứng cho nhận định này.

Tuy chỉ viết trong vỏn vẹn có 4 thập kỷ, nhưng những di sản mà Maupassant để lại là tương đối lớn. Ông nổi tiếng nhất với các tiểu thuyết cũng như truyện ngắn mang tính hiện thực, hài hước, lãng mạn, như những tập truyện Sáng trăng, Nơi nhà người bạn

Nhà văn nổi tiếng Guy de Maupassant

Nhưng ít người biết ông cũng bén duyên với thể loại kinh dị, và nó cũng truyền cảm hứng cho nhiều tác giả sau này, trong đó có H.P.Lovecraft với Lời hiệu triệu của Cthulhu. Vừa mới ra mắt trong thời gian qua, Horla và những truyện ngắn khác tập hợp 5 tác phẩm có màu sắc kinh dị, siêu nhiên, được Maupassant viết trải dài từ năm 1875 – 1890.

Trí tưởng tượng phong phú

Trong tập truyện Horla và những truyện ngắn khác, bạn đọc có thể thấy rõ 2 giai đoạn mà Maupassant tiến hành tiếp cận thể loại kinh dị. Trong 3 truyện ngắn được viết sớm nhất là Bàn tay bị lột da (1875), Hắn? (1883) và Nỗi sợ (1884), ta đơn thuần thấy đây là một tác phẩm ẩn chứa yếu tố siêu nhiên mà vị tác giả cố gắng khai thác.

Chúng đơn giản xoay quanh những nỗi ám ảnh mà các cá nhân yếu bóng vía hay là nhạy cảm thường cảm nhận được. Chẳng hạn như trong truyện Hắn?, một người đàn ông vì bị ám ảnh bởi một bóng ma trong căn phòng của mình mà đã cưới lấy một người vợ mới, hay ở Nỗi sợ, chỉ vì trên tuyến tàu lửa khi nhìn thấy có 2 người đàn ông xuất hiện trong khu rừng vắng, mà nhân vật chính bỗng dưng cảm thấy trong mình trỗi dậy nỗi sợ chỉ vì không thể lý giải được động cơ của câu chuyện ấy…

Horla và những truyện ngắn khác là tác phẩm mới từ Maupassant

Đây đều là các nhân vật hoàn toàn tỉnh táo, họ nhận thức được những gì xảy ra và khó có thể nói họ có vấn đề riêng về tâm lý. Và vì tính hiện thực đó, Maupassant qua các tác phẩm cũng gửi gắm được bài học của mình. Chẳng hạn trong truyện Bàn tay bị lột da, thông qua nhân vật Pierre B. – một sinh viên trường luật, người xuất thân từ một trong những gia đình danh giá nhất xứ Normandie – ông đã cho thấy chỉ vì chính thói hư vinh cũng như trưởng giả mà y đã mạo phạm đến một phần thân thể của vị phù thủy, từ đó phải chịu cái chết có phần đau đớn.

Hay trong Nỗi sợ, Maupassant cũng khẳng định “cùng với những điều siêu nhiên, nỗi sợ hãi đích thực đã biến mất khỏi hành tinh này, bởi con người ta chỉ thực sự sợ những gì nằm ngoài tầm hiểu biết của mình”. Câu nói này như đại diện cho tất cả những gì ông muốn nhắm tới, về sự nhỏ bé và đầy mông muội của con người với những kỳ bí chưa được lý giải.

Như vậy những tác phẩm này đều được viết bởi một Maupassant khách quan, đứng ở bên ngoài, từ đó đưa ra những lời lý giải hoàn toàn hợp lý. Thế nhưng ở 2 truyện sau là Horla viết năm 1887 và Ai mà biết được? viết năm 1890, thì ta lại thấy có phần ngược lại, khi chính nhà văn dường như không thể thoát được cái bóng của bản thân mình.

Bi kịch của Maupassant

Hai truyện ngắn này có được điểm chung khi nhân vật chính đều là người đàn ông rơi vào loạn trí. Nhân vật chính này đã từng không dưới một lần thừa nhận chính mình như có đến 2 bản thể cùng nhau tồn tại. Một bên kêu gào giữ lại lý trí, trong khi phía còn lại đòi hỏi rất nhiều hành động mang tính tàn phá.

Sự chia đôi này gợi ta nhớ đến trường hợp của bác sĩ Jekyll và ông Hyde tương đối kinh điển trong tác phẩm nổi tiếng của Stevenson. Như vậy chủ đề của Maupassant đã chuyển từ những nỗi sợ tương đối hữu hình thành ra vô hình và khó lý giải, khi được bao bọc bởi những vấn đề có liên quan đến thần kinh cũng như tinh thần.

Tình tiết của những câu chuyện cũng khó nắm bắt. Ở Ai mà biết được?, đó là một người gần như điên loạn bởi sự xuất hiện và rồi biến mất của những vật dụng ngay trong nhà mình một cách liên tục. Còn ở Horla, đó là một sinh vật gần như trong suốt, thứ được nuôi sống bằng sữa và nước, luôn luôn theo dõi vật chủ mà nó bám theo, từ đó khiến họ “sống không bằng chết”.

Maupassant và những ám ảnh tâm trí của bản thân mình

Theo Charlotte Mandell – dịch giả của truyện ngắn này cho nhà xuất bản Melville House, thì “horla” là từ ghép của “hors” (“bên ngoài”), và “la” (“ở đó”). Vì vậy “horla” có nghĩa là “người ngoài cuộc”, “người bên ngoài”, và có thể được dịch theo nghĩa đen là “cái gì ở ngoài đó”. Thế nhưng cũng có những lý giải khác, khi nhiều người xem đây là một sự kết hợp của cụm “hors-la-loi” (tức “ngoài vòng pháp luật”) và “horsain” (có nghĩa là “thứ lạ lùng”).

Thế nhưng dù có là gì, thì Maupassant như đang cảm nhận những nỗi ám ảnh đến từ sâu hơn và khó lý giải hơn. Xét về bối cảnh của chính tác giả, thì những truyện này tương đối trùng khớp với thời kỳ mà ông có những dấu hiệu đầu tiên của chứng điên loạn, khi ông xuất hiện nhân cách kép và ngày càng gặp nhiều ảo giác do bệnh giang mai. Một năm sau đó, vào năm 1891, ông có dấu hiệu của chứng hoang tưởng.

Có thể là bởi xuất phát từ những trải nghiệm chính ông kinh qua, nên 2 truyện này trở nên chân thật và đầy ám ảnh đối với người đọc. Nếu được viết từ một người tỉnh táo, thì đây chính là tài năng của sự tưởng tượng. Nhưng với Maupassant thì đó là nỗi đau và sự sợ hãi mà bản thân ông mong muốn giải bày thông qua việc viết.

Như vậy đi từ mục đích sáng tạo ở buổi ban đầu, Maupassant dần dần chuyển sang hành động kể lại điều đã trải qua, và làm sáng tỏ chứng bệnh tâm lý mà thời kỳ đó còn bị che khuất bởi những định kiến mà những quan điểm mang tính thủ cựu. Có thể nói Horla và những truyện ngắn khác không chỉ mở ra cánh cửa khám phá một Maupassant rất khác, mà có thể nói cũng đã góp phần giúp ta hiểu được những gì đã từng xảy đến với một trong những nhà văn lớn của nhân loại.

Anh Đoàn

Đọc bài viết

Phía sau trang sách

Tư duy tích cực tạo thành công: Chìa khóa dẫn đến sự thịnh vượng

Published

on

Tác phẩm Tư duy tích cực tạo thành công của Napoleon Hill và William Clement Stone là một cẩm nang hữu ích cho bất kỳ ai muốn đạt được thành công trong cuộc sống. Cuốn sách không chỉ cung cấp những nguyên tắc và chiến lược hiệu quả để phát triển bản thân mà còn truyền cảm hứng giúp người đọc có một thái độ tích cực hơn trong cuộc sống.

Tư duy tích cực tạo thành công là một tác phẩm kinh điển về chủ đề phát triển bản thân, đã truyền cảm hứng cho hàng triệu người trên khắp thế giới kể từ khi xuất bản lần đầu tiên vào năm 1959, khẳng định vị trí là một trong những tác phẩm self-help bán chạy nhất mọi thời đại. Cuốn sách vén màn bí mật về sức mạnh của tư duy tích cực, giúp người đọc khai phá tiềm năng bản thân và đạt được những thành tựu phi thường trong mọi lĩnh vực của cuộc sống.

Tìm kiếm hình mẫu thành công làm ngọn đuốc soi sáng

Để có thêm động lực và định hướng rõ ràng cho bản thân, tác giả gợi ý rằng người đọc có thể xây dựng cho riêng mình một hình mẫu thành công từ những câu chuyện về người thật, việc thật trong sách báo. Khi dành thời gian tìm hiểu về hành trình của họ, những khó khăn họ đã trải qua và cách họ vượt qua những thử thách đó, ta sẽ có thể biến kinh nghiệm của họ trở thành ngọn đuốc soi sáng cho con đường của chính mình.

Bên cạnh đó, người đọc còn có thể chọn một bức ảnh có ý nghĩa đặc biệt với mình để đặt câu hỏi khi nhìn bức ảnh đó rồi lắng nghe câu trả lời từ chính tâm thức bật ra. Bức ảnh ấy có thể là hình ảnh về mục tiêu ta muốn đạt được, về một giá trị sống mà ta trân trọng, hoặc đơn giản là một khoảnh khắc đẹp trong cuộc sống. Chẳng hạn, nếu người đọc muốn mua nhà nhưng chưa có đủ tài chính thì có thể chọn bức ảnh về một mái ấm khang trang để ngắm nhìn và tự đặt câu hỏi rằng mình phải làm gì để đạt được số tiền sở hữu căn nhà đó. Không phải lúc nào câu trả lời cũng đến ngay lập tức, nhưng việc cụ thể hóa mục tiêu bằng một hình ảnh rõ ràng sẽ giúp người đọc tăng cường ý chí nỗ lực.

Ngoài ra, niềm tin chính là nguồn động lực mạnh mẽ giúp mỗi người vượt qua mọi khó khăn và chinh phục mục tiêu. Trong Tư duy tích cực tạo thành công, có một công thức thường được lặp lại nhiều lần để người đọc ghi nhớ là: “Khi con người người nghĩ đến và tin tưởng vào điều gì, họ sẽ có thể đạt được điều đó với thái độ tích cực.” Đây cũng là một biện pháp tự truyền cảm hứng.

Hai mặt của tình thế bức bách: Thành công hay tội ác?

Tư duy tích cực tạo thành công nhấn mạnh tầm quan trọng của tính lương thiện trong hành trình chinh phục thành công. Cuốn sách khẳng định rằng thành công đích thực không chỉ dựa trên kết quả mà còn phải dựa trên phương tiện đạt được kết quả đó. Một người có thể đạt được thành công bằng mưu mô, thủ đoạn, nhưng đó chỉ là thành công giả tạo, thiếu bền vững và không mang lại hạnh phúc thực sự.

Ngoài ra, tác giả cũng bàn về vai trò của tình thế bức bách: nó như một con dao hai lưỡi, có thể đưa con người đến đỉnh cao thành công hoặc vực sâu tội ác. Tình thế bức bách là phép thử cho bản lĩnh, đạo đức và thái độ của mỗi cá nhân. Khi đó, thành công hay thất bại đều tùy thuộc vào thái độ:

Thái độ tích cực: Khi đối mặt với nghịch cảnh, người có thái độ tích cực sẽ biến nó thành cơ hội để học hỏi, rèn luyện và phát triển bản thân. Họ kiên trì nỗ lực, tìm kiếm giải pháp sáng tạo và không bao giờ bỏ cuộc. Nhờ vậy, họ có thể vượt qua mọi khó khăn và gặt hái thành công.

Thái độ tiêu cực: Ngược lại, người có thái độ tiêu cực sẽ dễ dàng gục ngã trước nghịch cảnh. Họ chìm trong lo âu, sợ hãi, nghi ngờ bản thân và tìm kiếm lối thoát bằng những hành vi sai trái. Hậu quả là họ đánh mất bản thân, vướng vào vòng xoáy tội ác và tự hủy hoại cuộc đời.

Từ đó, cuốn sách đưa ra hai công thức đơn giản nhưng đầy ý nghĩa:

Tình thế bức bách + Thái độ tích cực = Thành công
Tình thế bức bách + Thái độ tiêu cực = Tội ác.

Cân bằng cảm xúc, rèn luyện tư duy và đặt mục tiêu hiệu quả

Cảm xúc và lý trí đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống, mỗi người cần học cách cân bằng hai yếu tố này để đưa ra những quyết định sáng suốt. Đôi khi, ta cũng nên lắng nghe tiếng nói con tim và hành động theo những gì mình mong muốn. Chẳng hạn, khi phải lựa chọn giữa một công việc ổn định và theo đuổi đam mê, ta cần cân nhắc kỹ lưỡng cả hai yếu tố cảm xúc và lý trí: ta thường dùng lý trí để đánh giá khả năng thực tế của bản thân, nhưng cũng đừng quên lắng nghe tiếng nói con tim.

Bên cạnh đó, tác giả cho rằng mỗi ngày, chúng ta chỉ cần dành 1% thời gian để nghiên cứu, suy nghĩ, lập kế hoạch là đã có nhiều cơ may tạo ra sự khác biệt để vươn đến thành công. Theo ước tính, một ngày có 1440 phút, 1% sẽ tương ứng với 14 phút. Trong 14 phút đó, nếu ta chú tâm suy nghĩ kế hoạch cho những gì mình muốn làm, ta sẽ dần hình thành được thói quen có thể suy nghĩ sáng tạo mọi lúc, mọi nơi: khi rửa chén, lúc ngồi trên xe bus, hay thậm chí là khi đang tắm.

Ngoài ra, đặt mục tiêu là bước đầu tiên và quan trọng nhất trên kế hoạch chinh phục thành công. Mục tiêu rõ ràng sẽ giúp bạn tập trung nỗ lực, đưa ra quyết định sáng suốt và duy trì động lực để đạt được ước mơ. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách đặt mục tiêu hiệu quả. Dưới đây là bốn điều quan trọng cần ghi nhớ khi đặt mục tiêu:

1. Viết mục tiêu ra giấy: Khi viết mục tiêu ra giấy, bạn sẽ buộc bản thân phải suy nghĩ cẩn thận về những gì mình muốn đạt được. Việc này giúp bạn tập trung và ghi nhớ mục tiêu tốt hơn.

2. Đặt mốc thời gian: Mốc thời gian giúp bạn chia mục tiêu lớn thành những mục tiêu nhỏ hơn, dễ quản lý hơn. Việc này giúp bạn có động lực để hoàn thành từng bước và tiến đến mục tiêu cuối cùng.

3. Đặt tiêu chuẩn thật cao: Khi đặt tiêu chuẩn cao, bạn sẽ buộc bản thân phải nỗ lực hết mình và phát huy tiềm năng tối đa.

4. Đặt mục tiêu cao: Mục tiêu cao sẽ giúp bạn có tầm nhìn xa và thúc đẩy bạn không ngừng phát triển.

Nhìn chung, Tư duy tích cực tạo thành công đã mang đến cho người đọc những bài học quý giá về sức mạnh của tư duy tích cực trong việc gặt hái thành công và hạnh phúc. Hãy nhớ rằng, thành công không phải là đích đến mà là hành trình. Hành trình chinh phục thành công bắt đầu từ việc nuôi dưỡng tư duy tích cực. Ta cần tin tưởng vào bản thân và những điều kỳ diệu mà cuộc sống có thể mang lại. Từ đó, ước mơ sẽ thành hiện thực bằng chính những hành động mà ta lựa chọn ngay từ hôm nay.

Hoàng Đức Nhiên

Đọc bài viết

Phía sau trang sách

Tình yêu đích thực từ góc nhìn của Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Published

on

Trong vô vàn những định nghĩa về tình yêu, quan điểm của Thiền sư Thích Nhất Hạnh về “tình yêu đích thực” được trình bày trong cuốn tiểu luận True Love đã mang đến một sự giản dị, mộc mạc nhưng lại ẩn chứa sức mạnh lay động tâm hồn sâu sắc.

Tình yêu là một trong những chủ đề muôn thuở của nhân loại, luôn ẩn chứa sức hút mãnh liệt và khơi gợi những cảm xúc dạt dào. Nhưng không phải ai cũng hiểu được bản chất của tình yêu. Trong True Love, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã kể lại câu chuyện Thiếu phụ Nam Xương, rồi từ đó rút ra một kết luận mà thoạt nghe sẽ có vẻ vô cùng đơn giản nhưng càng ngẫm nghĩ thì ta càng thấy sự đơn giản ấy chính là vẻ đẹp của minh triết.

Thông điệp ý nghĩa từ ba câu khẳng định trong tình yêu

Đối với thầy, câu chuyện Thiếu phụ Nam Xương có kết cuộc đau lòng là vì người chồng đã không chịu lắng nghe người vợ, anh cứ gạt phăng lời vợ nói, cơn nóng giận đã che mờ tình yêu và cả lí trí. Vợ anh cũng đã không cố gắng hơn để giải thích rõ ràng cho anh hiểu. Chính vì vậy, cả hai người đều không thực sự hiện diện khi ở trước mặt đối phương, họ ở đó nhưng không thực sự ở đó, mà ở trong khoảnh khắc khác, trong những chiều không gian khác. Bi kịch của họ đơn giản chỉ là như thế.

Từ đó, Thiền sư Thích Nhất Hạnh rút ra kết luận là tình yêu thực sự chỉ đơn giản nằm gói gọn trong ba câu sau đây: “Anh ở đây. Em ở đây. Và anh ở đây vì em.” (I’m here. You’re here. And I’m here for you.)

Câu khẳng định đầu tiên mang hàm ý rằng anh đang ở đây ngay giây phút này khi đối diện với em, bằng trăm phần trăm con người anh, không hề có sự tản mác, phân mảnh đi bất cứ nơi đâu. Một điều tưởng chừng đơn giản nhưng thực ra trong cuộc sống bộn bề lo toan này, việc một người có thể tập trung hoàn toàn tinh lực của mình khi đối diện trước một người mà không bị vướng bận tâm trí bởi điều gì khác cũng thật khó khăn.

Câu khẳng định thứ hai là sự tiếp nối ý từ câu đầu tiên. Anh ở đây, và em cũng đang ở đây. Anh ghi nhận sự tồn tại của em, em ghi nhận sự tồn tại của anh. Vì em cũng đang ở đây cùng anh trong giây phút này nên em không cô đơn, em không tản mác, em không phân mảnh.

Câu khẳng định cuối cùng là một sự quả quyết mạnh mẽ: Anh ở đây, anh dành hết trăm phần trăm sự tồn tại của mình ở đây là vì chính em, không vì ai khác cả. Vậy nên, em có thể yên tâm mà thổ lộ tất cả mọi điều với anh, vì trong giây phút này, hai ta đều cùng hiện diện.

Thông qua đó, ba câu khẳng định này có thể diễn dịch lại thành thông điệp phổ quát như sau:

“I’m here”: Khẳng định sự hiện diện trọn vẹn của bản thân, tập trung toàn bộ sự chú ý và tinh thần vào người mình yêu thương. Trong cuộc sống bận rộn, việc dành trọn vẹn tâm trí cho đối phương là điều không dễ dàng, nhưng lại vô cùng quan trọng để xây dựng một mối quan hệ bền vững.

“You’re here”: Ghi nhận sự tồn tại của đối phương, trân trọng và thấu hiểu cảm xúc, suy nghĩ của họ. Khi cả hai cùng “ở đây”, họ sẽ cảm nhận được sự kết nối sâu sắc, chia sẻ và đồng hành trong từng khoảnh khắc.

“And I’m here for you”: Thể hiện sự cam kết, dành trọn vẹn tình yêu và sự quan tâm cho người mình yêu thương. Lời khẳng định này mang đến sự an toàn, tin tưởng và là động lực để cả hai cùng vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống.

Ba câu khẳng định tưởng chừng đơn giản nhưng lại là chìa khóa cho một tình yêu đích thực. Khi cả hai cùng thực hiện được điều này, họ sẽ tạo dựng được một mối quan hệ bền chặt, hạnh phúc và viên mãn.

Chìa khóa cho một mối quan hệ tốt đẹp

Để thực sự “ở đây”, mỗi người cần học cách chánh niệm, tập trung vào hiện tại, gạt bỏ những lo toan, phiền muộn và dành trọn vẹn sự chú ý cho đối phương. Khi ta thực sự “ở đây”, ta sẽ cảm nhận được trọn vẹn vẻ đẹp của người mình yêu thương, thấu hiểu những cảm xúc và suy nghĩ của họ. Tình yêu đích thực không chỉ là những khoảnh khắc lãng mạn, mà còn là sự cam kết và hy sinh cho nhau. Khi yêu thương ai đó, ta sẵn sàng dành thời gian, tâm sức và cả những hy sinh để cùng nhau xây dựng hạnh phúc.

Giao tiếp là yếu tố quan trọng trong bất kỳ mối quan hệ nào. Lắng nghe cởi mở và thấu hiểu là cách để hai người kết nối tâm hồn, chia sẻ những cảm xúc, suy nghĩ và vun đắp tình cảm ngày càng sâu sắc.

Tình yêu đích thực không phải là điều viển vông hay khó kiếm tìm. Nó ẩn chứa trong chính những khoảnh khắc bình dị của cuộc sống, chỉ cần ta biết trân trọng và gìn giữ. Ba câu khẳng định của Thiền sư Thích Nhất Hạnh là lời nhắc nhở nhẹ nhàng nhưng sâu sắc về cách để vun đắp và nuôi dưỡng một tình yêu thương bền chặt, viên mãn.

Hoàng Đức Nhiên

Đọc bài viết

Cafe sáng