Chuyện người cầm bút

Điều cần thiết là “Phép thuật”: Lời khuyên viết lách từ Haruki Murakami

Ngoài ra: Tài năng, Tập trung, và Sức bền

Published

on

WHAT’S NEEDED IS MAGIC: WRITING ADVICE FROM HARUKI MURAKAMI
Emily Temple

Bài viết gốc được đăng ngày 14 tháng Một năm 2019, kỷ niệm sinh nhật 70 tuổi của nhà văn Haruki Murakami.

Nếu bạn tin được điều này, thì tiểu thuyết gia người Nhật, người cuồng mèo và là nhà biên niên sử dị hợm Haruki Murakami đã tròn 70 tuổi vào cuối tuần này. 70! Nhưng tôi cho rằng chúng ta nên tin vào điều đó, vì bất chấp ma thuật sáng tạo tươi trẻ trong văn chương của ông, vị tác giả bán chạy quốc tế đã cho ra đời 14 tiểu thuyết cùng vài truyện ngắn ngoại hạng, và không ngoa khi nói ông là một trong những nhà văn đương đại nổi tiếng nhất thế giới. Để chúc mừng sinh nhật ông, và như là món quà cho những ai hy vọng sẽ trở thành một nhà văn như Murakami ở tuổi 70, tôi đã thu thập vài lời khuyên viết lách hữu ích nhất của ông ấy dưới đây.

Đọc.

Tôi nghĩ thử thách đầu tiên đối với người tham vọng thở trành tiểu thuyết gia là việc đọc hàng tấn tiểu thuyết. Xin lỗi khi bắt đầu bằng một nhận định thông thường như thế, nhưng chẳng có cách rèn giũa nào thiết yếu hơn cả. Để viết một cuốn tiểu thuyết, trước hết bạn phải hiểu được, ở mức độ vật lý, cách chúng được khớp nối lại với nhau… Điều đặc biệt quan trọng là kinh qua càng nhiều tiểu thuyết càng tốt trong khi bạn còn trẻ. Tất cả mọi thứ nằm trong tầm với của bạn – những cuốn tiểu thuyết vĩ đại, những cuốn tiểu thuyết không-mấy-vĩ đại, những tiểu thuyết dở tệ, đó chẳng phải là vấn đề (không hề!) miễn là bạn tiếp tục đọc. Hấp thu càng nhiều câu chuyện càng tốt trong khả năng bạn có thể. Trình diện bản thân trước các tác phẩm tuyệt vời. Với các tác phẩm xoàng xĩnh cũng vậy. Đây là nhiệm vụ tối quan trọng của bạn.

– trích từ tiểu luận “Vậy tôi sẽ viết về điều gì đây?” của Murakami năm 2015, bản dịch của Ted Goossen

Nắm lấy những từ ngữ cũ và làm mới chúng lần nữa.

Một trong những nghệ sĩ piano jazz ưa thích mọi thời đại của tôi là Thelonious Monk. Một lần, khi ai đó hỏi làm thế nào ông có thể khiến chiếc piano phát ra âm thanh đặc biệt nhất định, Monk chỉ vào những phím đàn và nói: “Nó không thể tạo thêm nốt nhạc mới mẻ nào. Khi anh nhìn vào phím đàn, mọi nốt nhạc đã ở sẵn đó. Nhưng nếu rót đủ ý nghĩa vào trong nốt nhạc, chúng sẽ ngân vang theo cách khác nhau. Anh phải lựa chọn những nốt anh thực sự muốn!”

Tôi thường nhớ lại những từ này khi đang viết, và tự nhủ bản thân, “Đúng thế. Không có từ nào mới. Việc của chúng ta là đem lại những ý nghĩa mới và âm bội đặc biệt cho những từ hết sức thông thường.” Tôi thấy yên lòng với ý nghĩ này. Điều đó có nghĩa là những khoảng không rộng mở, vô danh vẫn đang ẩn nấp phía trước chúng ta, những vùng đất màu mỡ vẫn đang chờ ta đào xới.

– trích từ tiều luận “Sứ giả Jazz” của Murakami năm 2007

Giải thích rõ ràng.

[Khi viết,] Tôi có một số ý tưởng và ghép từng mảnh lại với nhau. Đó là cốt truyện. Rồi tôi diễn giải cốt truyện cho độc giả. Anh phải rất tử tế khi giảng giải điều gì đó. Nếu anh nghĩ, Ổn thôi; tôi biết điều đó, thì thật là kiêu ngạo. Ngôn từ đơn giản và ẩn dụ, phúng dụ tốt. Vậy, đó là những gì mà tôi làm. Tôi giải thích rất chi li và tỏ tường.  

– trong một bài phỏng vấn với John Wray cho tờ The Paris Review năm 2004

Chia sẻ những giấc mơ của bạn.

Mơ mộng là chuyện thường ngày của các tiểu thuyết gia, nhưng sẻ chia giấc mơ còn là nhiệm vụ quan trọng hơn đối với chúng tôi. Ta không thể là tiểu thuyết gia mà không có ý thức chia sẻ điều gì.

– trích diễn từ nhận Giải thưởng Catalunya quốc tế của Murakami năm 2011

Viết để khám phá.

Bản thân tôi, khi viết, không hề hay biết ai đã làm việc đó. Độc giả và tôi bình đẳng. Khi bắt đầu viết một câu chuyện, tôi chẳng hề biết cái kết và cũng không rõ chuyện gì xảy đến kế tiếp. Nếu ban đầu xảy ra một vụ mưu sát, tôi không biết ai là kẻ sát nhân. Tôi viết sách bởi vì tôi muốn tìm ra. Nếu tôi biết ai là hung thủ, thì câu chuyện được viết ra sẽ chẳng vì mục đích gì.

– trong một bài phỏng vấn với John Wray cho tờ The Paris Review năm 2004

Tích trữ mọi thứ để đưa vào tiểu thuyết của bạn.

Bạn có nhớ phân cảnh trong bộ phim E.T. của Steven Spielberg nơi E.T. lắp ráp một thiết bị dẫn truyền từ đống phế liệu mà cậu lôi ra khỏi gara của mình? Có một cái dù, một cái đèn chân đế, mấy cái bình rồi chảo, máy ghi âm – tôi xem bộ phim đã lâu, vì vậy tôi không thể nhớ hết mọi thứ, song cậu xoay xở để ghép tất cả những đồ gia dụng lại với nhau theo một phương thức để rốt cuộc tạo thành cỗ máy kỳ cục hoạt động đủ tốt để liên lạc với hành tinh quê nhà cách xa hàng ngàn năm ánh sáng của mình. Tôi đã nhận được cú hích lớn từ phân cảnh đó khi xem trong rạp, nhưng giờ đây tôi nhận ra rằng việc gắn kết một cuốn tiểu thuyết hay cũng gần giống như vậy. Thành tố chủ chốt không phải là chất lượng của chất liệu – thứ ta cần là phép thuật. Nếu phép thuật hiện diện, những vấn đề ngày thường căn bản nhất và ngôn ngữ đơn sơ nhất cũng có thể biến thành một thiết bị vi tế đáng kinh ngạc.

Tuy vậy, trước hết và quan trọng nhất, là những gì chất đống trong gara của bạn. Phép thuật không thể vận hành nếu gara trống trơn. Bạn phải thu thập nhiều thứ linh tinh để dùng nếu và khi E.T. mời gọi!

– trích từ tiểu luận “Vậy tôi sẽ viết về điều gì đây?” của Murakami năm 2015, bản dịch của Ted Goossen

Những vòng lặp hữu ích.

Khi ở chế độ viết tiểu thuyết, tôi dậy lúc bốn giờ sáng và làm việc từ năm đến sáu tiếng. Buổi chiều, tôi chạy mười cây số hoặc bơi một ngàn năm trăm mét (hoặc làm cả hai), sau đó tôi đọc một ít và nghe chút nhạc. Tôi đi ngủ lúc chín giờ tối. Tôi giữ thói quen này mỗi ngày mà không thay đổi. Sự lặp lại bản thân nó trở thành điều quan trọng; nó là một dạng thôi miên. Tôi thôi miên chính mình để đạt tới cảnh giới ý thức sâu hơn. Nhưng để giữ được sự lặp lại như vậy trong một thời gian dài – từ sáu tháng đến một năm – thì đòi hỏi một sức mạnh thể chất và tinh thần đủ tốt. Theo lẽ đó, viết một cuốn tiểu thuyết dài tựa như huấn luyện sinh tồn. Thể lực cũng cần thiết giống như sự nhạy cảm nghệ thuật.

– trong một bài phỏng vấn với John Wray cho tờ The Paris Review năm 2004

Tập trung vào một điều tại một thời điểm.

Nếu tôi được hỏi phẩm chất quan trọng nhất kế tiếp [sau tài năng] của một tiểu thuyết gia là gì, thì cũng dễ thôi: tập trung – khả năng tập trung tất cả tài năng có hạn của bạn vào bất cứ điều gì quan trọng ngay tại thời điểm ấy. Nếu không tập trung, bạn không thể hoàn thành bất cứ điều gì có giá trị, trong khi, nếu bạn có thể tập trung hiệu quả, bạn sẽ có thể bù đắp cho một tài năng chập chờn hay thậm chí là sự thiếu vắng tài năng… Ngay cả một tiểu thuyết gia đầy tài năng và đầu óc ngập tràn những ý tưởng mới mẻ tuyệt vời cũng có khi chẳng thể viết ra được một cái gì nếu, ví dụ, anh ta đang chịu nhiều đau đớn vì cái răng sâu.

– trích Tôi nói gì khi nói về chạy bộ

Mặc dù tôi viết các bài tiểu luận đan xen với các tác phẩm hư cấu, trừ khi hoàn cảnh bắt buộc nếu không thì, tôi tránh làm bất cứ việc gì khác khi đang viết một cuốn tiểu thuyết… Cố nhiên, chẳng có quy tắc nào nói rằng cùng một chất liệu thì không thể sử dụng cho một bài tiểu luận và một câu chuyện, nhưng tôi nhận thấy rằng việc đúp lên như vậy làm suy yếu tiểu thuyết của tôi theo cách nào đó.

– trích từ tiểu luận “Vậy tôi sẽ viết về điều gì đây?” của Murakami năm 2015, bản dịch của Ted Goossen

Vun đắp sức bền.

Sau tập trung, điều quan trọng nhất kế tiếp đối với một tiểu thuyết gia là, thật rõ ràng, sức bền. Nếu bạn tập trung viết ba hoặc bốn giờ một ngày và cảm thấy mỏi mệt sau một tuần, bạn sẽ không thể viết một tác phẩm dài. Điều cần thiết cho một nhà văn viết tiểu thuyết – ít nhất là cho ai đó mong muốn viết một tiểu thuyết – là nghị lực để tập trung mỗi ngày trong nửa năm, hay một năm, hay hai năm.

– trích Tôi nói gì khi nói về chạy bộ

Thử nghiệm với ngôn ngữ

Đặc quyền vốn thuộc về tất cả các nhà văn là thử nghiệm khả năng của ngôn ngữ theo mọi cách họ có thể tưởng tượng ra – mà nếu không có tinh thần phiêu lưu đó, không điều gì mới mẻ có thể ra đời.

– trích “Sự ra đời của cuốn tiểu thuyết bên bàn ăn của tôi”, bản dịch của Ted Goossen năm 2015

Hãy tự tin.

Điều quan trọng nhất là sự tự tin. Bạn phải tin rằng bạn có khả năng kể chuyện, để nhắm vào huyết mạch, để làm cho các mảnh của câu đố khớp nối với nhau. Nếu không có sự tự tin đó, bạn chẳng đi đến đâu. Nó giống như quyền anh. Khi bạn thượng đài, bạn không thể leo ra trở lại. Bạn phải chiến đấu cho đến khi trận đấu kết thúc.

– trích từ một bài giảng năm 1992 tại Berkeley, cũng được chép trong Haruki Murakami và Âm nhạc trong Ngôn từ của Jay Rubin

Viết từ phe của quả trứng.

[Đây] là điều mà tôi luôn giữ trong tâm trí khi viết tiểu thuyết. Tôi chưa bao giờ đi xa đến mức viết nó lên một tờ giấy và dán nó lên tường: Thay vào đó, nó được khắc lên bức tường tâm trí tôi, và đại ý nó là thế này:

“Khi chọn giữa một bức tường cao, vững chắc và một quả trứng đập vào nó, tôi sẽ luôn đứng về phe quả trứng.”

Vâng, dù cho bức tường có thể đúng và quả trứng có thể sai thế nào chăng nữa, tôi sẽ  đứng cùng quả trứng. Ai đó khác sẽ phán xét cái gì đúng và cái gì sai; có lẽ thời gian hay lịch sử sẽ định đoạt. Giả nếu có một tiểu thuyết gia, vì lẽ nào đó, đã viết các tác phẩm mà đứng về phía bức tường, thì những tác phẩm như vậy sẽ có giá trị gì chăng?

– trích diễn từ nhận Giải thưởng Jerusalem của Murakami năm 2009

Quan sát thế giới của bạn.

Suy ngẫm về những gì bạn thấy. Tuy nhiên hãy nhớ rằng, ngẫm không phải để vội vàng định đoạt cái nào đúng cái nào sai hay ưu nhược điểm của những việc, những người mà bạn đang quan sát. Cố gắng dùng ý thức kiềm chế những xét đoán về giá trị – đừng vội kết luận. Cố gắng kiềm chế một cách có ý thức những đánh giá giá trị. Điều quan trọng không phải là đi đến kết luận rõ ràng mà là vẫn giữ được các chi tiết cụ thể của một tình huống nhất định… Tôi cố gắng giữ lại một hình ảnh hoàn chỉnh nhất có thể của cảnh tôi đã quan sát, người tôi đã gặp, trải nghiệm mà tôi đã kinh qua, xem nó như là một “mẫu” độc nhất, một ca kiểm thử. Tôi có thể trở lại và ngắm nhìn nó sau này, khi cảm xúc của tôi đã lắng xuống và khung cảnh bớt bức bách hơn, lần này dò xét nó từ nhiều góc độ khác nhau. Cuối cùng, nếu và khi dường như điều đó là cần thiết, thì tôi có thể tự mình rút ra kết luận.

– trích từ tiểu luận “Vậy tôi sẽ viết về điều gì đây?” của Murakami năm 2015, bản dịch của Ted Goossen

Cố đừng làm tổn thương bất kỳ ai.

Tôi luôn giữ trong tâm trí để mà “không có mũi bút nào quá sắc bén” khi tôi viết. Tôi chọn lời sao cho ít người bị tổn thương nhất, nhưng điều đó cũng khó đạt được. Bất kể thứ gì được viết ra, đều có khả năng làm tổn thương hoặc xúc phạm ai đó. Giữ tất cả những điều ấy trong tâm trí, tôi cố gắng hết sức để viết ra gì đó mà không làm tổn thương bất kỳ ai. Đây là một phẩm hạnh mà mỗi nhà văn nên làm theo. 

– trích chuyên mục tư vấn của Murakami năm 2015

Đưa độc giả của bạn vào một cuộc hành trình.

Khi tôi viết Cuộc săn cừu hoang, tôi đã tin chắc rằng một câu chuyện, một monogatari, không phải là thứ bạn tạo ra. Nó là một thứ gì đó mà bạn kéo ra từ bản thân. Câu chuyện đã ở đó, bên trong bạn. Bạn không thể tạo nên nó, bạn chỉ có thể mang nó ra. Điều này đúng với tôi, ít nhất thì: đó là câu chuyện tự phát. Với tôi, một câu chuyện là phương tiện đưa độc giả đến nơi nào đó. Bất cứ thông tin nào bạn cố truyền đạt, bất cứ điều gì mà bạn cố dẫn dắt cảm xúc người đọc hướng về, thì điều đầu tiên bạn phải làm là đưa độc giả vào trong phương tiện. Và phương tiện – câu chuyện – monogatari – phải có sức mạnh khiến mọi người tin tưởng. Trên tất cả, đó là những điều kiện mà câu chuyện phải đáp ứng.

– trích từ một bài giảng năm 1992 tại Berkeley, cũng được chép trong Haruki Murakami và Âm nhạc trong Ngôn từ của Jay Rubin

Viết để làm sáng tỏ con người.

Tôi chỉ có một lý do để viết tiểu thuyết, và đó là vạch trần phẩm giá của tâm hồn cá nhân và chiếu ánh sáng lên nó. Mục đích của một câu chuyện là gióng lên hồi chuông báo động, để giữ ánh sáng được tôi rèn trên Hệ Thống nhằm ngăn nó quấn lấy tâm hồn ta vào lưới nhện để rồi làm mất đi phẩm giá. Tôi hoàn toàn tin rằng đó chính là công việc của tiểu thuyết gia, nhằm tiếp tục cố gắng soi tỏ tính độc nhất trong tâm hồn mỗi cá nhân bằng cách viết nên những câu chuyện – những câu chuyện về sự sống và cái chết, những câu chuyện tình yêu, những câu chuyện khiến con người ta khóc than và run lên vì sợ hãi và rung lên bởi tiếng cười. Đó là lý do tại sao chúng ta tiếp tục, ngày qua ngày, bịa ra những điều hư cấu với sự nghiêm túc tuyệt đối.

– trích diễn từ nhận Giải thưởng Jerusalem của Murakami năm 2009

Dù gì đi chăng nữa, tất cả phải bắt đầu bằng tài năng…

Trong mọi cuộc phỏng vấn, tôi luôn được hỏi phẩm chất quan trọng nhất một tiểu thuyết gia phải có là gì. Câu trả lời hiển nhiên: tài năng. Cho dù bạn nhiệt tình và nỗ lực viết lách như thế nào chăng nữa, nếu bạn hoàn toàn thiếu vắng tài năng văn chương, bạn có thể quên đi việc trở thành một tiểu thuyết gia. Đây phần nhiều là điều kiện tiên quyết hơn là một phẩm chất cần thiết. Nếu bạn không có nhiên liệu, ngay cả chiếc xe tốt nhất cũng không thể chạy.

– trích Tôi nói gì khi nói về chạy bộ

Viết lách tương tự như khi cố gắng tán tỉnh một người phụ nữ. Có nhiều thứ phải luyện tập, song đa phần là thiên phú. Dù sao thì, chúc may mắn.

– trích chuyên mục tư vấn của Murakami năm 2015

… trừ khi bạn làm việc thật chăm chỉ!

Những nhà văn được ban phước với tài năng thiên bẩm có thể viết rất dễ dàng, bất kể những việc họ làm – hay không làm. Giống như nước từ dòng suối thiên nhiên, các câu văn cũng trào ra như thế, và với rất ít hay chẳng cần nỗ lực, các nhà văn này vẫn có thể hoàn thành một tác phẩm. Thật không may, tôi không nằm trong số này. Tôi phải đập liên hồi vào một tảng đá với cái đục và đào một cái hố sâu trước khi tôi có thể xác định được nguồn sáng tạo của mình. Mỗi khi bắt đầu tiểu thuyết mới, tôi phải nạo ra một hố khác. Song, khi đã duy trì nếp sống này trong nhiều năm, tôi trở nên sành sỏi, cả về kỹ thuật lẫn thể chất, trong việc mở những hố trên đá và định vị các mạch nước mới. Ngay khi tôi nhận thấy một nguồn đang cạn dần, tôi chuyển sang nguồn khác. Nếu những người dựa vào một dòng suối tài năng tự nhiên đột ngột thấy nguồn của họ cạn kiệt, thì họ sẽ gặp rắc rối.

Nói cách khác, hãy đối mặt với sự thật: cuộc sống về cơ bản là không công bằng. Nhưng, ngay cả trong tình thế bất công, tôi nghĩ vẫn khả thi khi tìm kiếm một kiểu công bằng.

– trích từ tiểu luận “Tiểu thuyết gia đang chạy” của Murakami năm 2008, bản dịch của Philip Gabriel

Hết.

3V dịch.

Bài gốc được thực hiện bởi Emily Templet, đăng tại Literary Hub.

*

Xem tất cả những bài viết của 3V.


Muôn màu của Haruki Murakami





Click to comment

Viết bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chuyện người cầm bút

Elvis Phương: Âm nhạc là sự lựa chọn duy nhất của tôi từ năm 16 tuổi

Ở tuổi này mà Elvis Phương còn nhớ và thuộc gần 100 bài hát thì cuộc đời, kỉ niệm của chính mình làm sao mà quên được.

Published

on

By

Dòng đời là những trang viết trải lòng của danh ca Elvis Phương về chính cuộc đời mình. Hơn 60 năm ca hát, Elvis Phương đã trải qua nhiều thăng trầm để được thành danh và đứng vững trên sân khấu cho đến tận ngày nay. Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về những tâm tư của danh ca Elvis Phương xoay quanh Dòng đời, Bookish đã có buổi phỏng vấn độc quyền với nam danh ca.

Trong quyển hồi ký Dòng đời, Elvis Phương có nhắc đến việc cha mình cấm cản đi theo nghiệp ca hát. Vậy đến thời điểm nào, cha ông nguôi ngoai và chấp nhận việc ông theo đuổi ước mơ ca hát?

Hai năm sau khi Elvis Phương bị ba mình đuổi ra khỏi nhà thì một buổi tối sau khi đi hát xong, lúc trở về nhà nơi Elvis Phương đang mướn và ở cùng với ban nhạc thì thấy má của Elvis Phương ngồi sẵn trong nhà và bà nói: “Ba nói nhớ Phương và muốn con về nhà.” Thế là được trở về nhà. Vui sướng vô cùng vì biết rằng mình sẽ được tiếp tục hát để theo đuổi ước mơ dù má chả nói những điều như mình đã tự nghĩ nhưng cho trở về nhà là chắc cho đi hát rồi…

Được biết, ông là ca sĩ đầu tiên về nước, thời gian đầu, Elvis Phương nhận được tình cảm, sự đón nhận từ khán giả như thế nào? Ông có thể chia sẻ kỷ niệm ấn tượng với khán giả khi về Việt Nam?

Elvis Phương là một trong những ca sĩ về nước rất sớm; từ 1996 rồi 1998 để quay hai cuốn video nhưng mãi đến 2000 mới được hát live lần đầu vào ngày 20 và 21 tháng 5 năm 2000. Cả hai đêm hát đều sold out nhưng điều đáng nói nhất là tình cảm của khán thính giả dành cho Elvis Phương là động lực duy nhất khiến Elvis Phương quyết định mua nhà để được ở lâu dài và mãi đến tận hôm nay. Elvis Phương nhớ và nhớ rất rõ dư âm của hai đêm hát tại nhà hát Bến Thành lúc đó và sự yêu thương của khán thính giả đã làm Elvis Phương choáng ngợp sung sướng; có nhiều gia đình cả ba thế hệ đều đi xem Elvis Phương hôm đó. Sự bày tỏ lòng yêu thương của khán thính giả là một kỉ niệm đẹp cho lần trở về đầu tiên và được hát tại Việt Nam của Elvis Phương.

Ông từng mổ tim, cơn thập tử nhất sinh vào năm 1998, lúc đó ông cũng đã 53 tuổi. Nhưng tại sao, ông không lựa chọn cuộc sống an dưỡng mà tiếp tục sự nghiệp ca hát, hầu như ngày nào cũng đi hát?

Đối với Elvis Phương hát cũng giống như thở và mình phải cần thở mới được sống. Đúng vào tháng 5 năm 1998 Elvis Phương đã trải qua một cuộc giải phẫu tim phải nói là thập tử nhất sinh lúc đó. Elvis Phương đúng 53 năm tuổi mà dòng họ của mình từ ông nội, đến ba và người chú – em của ba – đều mất vào tuổi 53.

Phải nói là cuộc giải phẫu mười phần nguy hiểm nhưng khi được bình phục. Elvis Phương cảm thấy mình như được hồi sinh và niềm khao khát được hát lại cháy bỏng như những ngày đầu… Thế là hát và hát mãi đến tận bây giờ. Sự lựa chọn duy nhất của Elvis Phương từ lúc 16 tuổi đến ngày hôm nay: còn sống là còn hát.  

Sự nghiệp ca hát hơn 62 năm - một quãng đường dài và đồ sộ, khi viết cuốn hồi ký Dòng đời, làm sao ông có thể nhớ lại hết chi tiết cụ thể chuyện nhiều năm đã qua, sau đó xây dựng cấu trúc nội dung mạch lạc, tường thuật cho độc giả?

Elvis Phương không những nhớ một chuyện, mà cả trăm, cả nghìn câu chuyện. Vợ Elvis Phương hay đùa “phải chi Bố nhớ và giữ được tiền như những câu chuyện của đời Bố dù bao nhiêu năm đã trôi qua thì tốt biết mấy.”

Tài liệu và hình ảnh thì còn giữ được nhiều vô số kể. Bây giờ những lúc rảnh rỗi ngoài giờ đi hát thì Elvis Phương lại viết, lại ghi lại. Viết ra để làm gì? Chỉ biết viết vì kỉ niệm cả một đời đi hát thì nhiều quá; có những điều càng nhớ và viết ra thì thấy thú vị vô cùng. Ở tuổi này mà Elvis Phương còn nhớ và thuộc gần 100 bài hát thì cuộc đời, kỉ niệm của chính mình làm sao mà quên được.

Cuộc đời của ông trải qua nhiều thăng trầm. Khi viết xong quyển hồi ký Dòng đời và nhìn lại tất cả một cách hệ thống, ông cảm nhận điều gì là quan trọng nhất trong cuộc sống và sự nghiệp của mình? Chặng đường nào đối với ông là đáng nhớ nhất?

Đáng nhớ nhất là phải nhớ tất cả, vì cuộc đời ca hát của Elvis Phương thật là có quá nhiều thăng trầm. Đọc đi đọc lại Dòng đời, Elvis Phương vẫn thấy, vẫn cảm nhận trong cuộc sống và sự nghiệp của mình, tất cả những chặng đường đã trải qua đều quan trọng.

Có thăng, có trầm mới có Elvis Phương ngày hôm nay. Elvis Phương chưa bao giờ cảm thấy là mình không muốn hát và còn hát thì còn nhớ. Nhớ tất cả để cảm thấy cuộc đời mình còn thật nhiều may mắn. Điều gì cần nhớ thì phải nhớ thôi. Nhất là âm nhạc và những bài hát đã đi theo mình cả cuộc đời…

Cảm ơn những chia sẻ chân tình từ danh ca Elvis Phương. Chúc ông có thật nhiều sức khỏe dồi dào để tiếp tục thăng hoa với âm nhạc.

Danh ca Elvis PhươngMC Minh Đức tại buổi giao lưu, ra mắt sách Dòng đời ngày 9.9.2023
Danh ca Elvis Phương kí tặng bạn đọc tại buổi giao lưu, ra mắt sách Dòng đời ngày 9.9.2023
Đọc bài viết

Chuyện người cầm bút

Lê Nguyễn Nhật Linh: Chiến thắng vẻ vang nhất là khi ta vượt qua chính mình

Việc gì mình muốn làm thì hãy làm và làm với lòng nhiệt huyết hết sức có thể, đừng chờ đợi kết quả vì nhiều khi kết quả còn hơn cả mong đợi của mình. Có lòng, dốc sức thì sẽ được toại nguyện.

Published

on

Sáng ngày 27.8, tại Đường Sách TP. Hồ Chí Minh đã diễn ra buổi giao lưu cùng tác giả Lê Nguyễn Nhật Linh – chị đã có ba tựa sách do NXB Trẻ phát hành được tái bản nhiều lần: Đến Nhật Bản học về cuộc đời, Nín đi con, Giá ngày tháng ấy có người hiểu tôi.  

Nhắc đến Lê Nguyễn Nhật Linh, bạn đọc hẳn sẽ thường nhớ đến tác phẩm Đến Nhật Bản học về cuộc đời của chị. Quyển sách này đến nay đã đạt đến con số gần 30.000 bản in. Bên cạnh đó, chị Lê Nguyễn Nhật Linh còn là một nhà thiết kế kim hoàn rất thành công.

Quyết tâm trở thành người tốt vì đã được gặp nhiều người tốt

Tại buổi giao lưu, Nhật Linh không chỉ chia sẻ về những trải nghiệm xoay quanh tập tản văn Đến Nhật Bản học về cuộc đời mà còn có những chia sẻ sâu sắc về cuộc sống, tâm lý, con đường lập nghiệp và sáng tác. Một số bạn đọc đến tham dự tại buổi giao lưu chia sẻ rằng những dòng chị viết cả trên sách lẫn trên mạng xã hội đã đem lại những giá trị tích cực, trở thành nguồn động viên lớn với những ai đang trải qua giai đoạn khó khăn trong cuộc đời.

Ở phần chia sẻ những cảm nhận về nước Nhật, Nhật Linh cho biết, đối với chị, năng lượng của nước Nhật là hòa khí. Năm 16 tuổi, lần đầu tiên đến Nhật, chị đã có một ước mơ và quyết tâm: chị muốn mình trở thành người tốt vì đã gặp được rất nhiều người tốt ở Nhật; tuy có những người chị chỉ có cơ hội được gặp họ một lần, nhưng chị vẫn nhớ mãi sự tử tế và ấm áp ở họ. Giai đoạn ấy, chị đã dốc hết lòng phấn đấu vì: “Khi đại diện cho một quốc gia đến một quốc gia khác, bạn sẽ muốn nỗ lực cố gắng nhiều hơn; bởi lẽ khi đó, sự phát triển của bản thân sẽ trở thành sự phát triển của quốc gia.”

Trước câu hỏi tại sao những trang viết của Nhật Linh chắt lọc rất nhiều trải nghiệm sâu sắc về cuộc sống, có phải là do cuộc đời chị đã quá chông chênh, Nhật Linh chia sẻ rằng sự chông chênh đó không phải là câu chuyện của riêng chị. Bất cứ một người trẻ tự lập nào bước vào hành trình cuộc đời thì con đường đều sẽ có ít nhiều chông gai. Bản thân chị đã từng có những cột mốc nghĩ rằng mình trầm cảm. Vào năm đầu tiên học đại học, khi phải xa cha mẹ, quê hương – sự thay đổi môi trường đột ngột khiến chị chông chênh. Giai đoạn thứ hai là khi chị đi du học ở nước Nhật. Đây cũng là sự thay đổi môi trường nhưng ở mức độ tàn khốc hơn. Sự mất thăng bằng thường xuyên khiến chị cạn kiệt về năng lượng. Bây giờ – khi đã vượt qua và nhìn lại thời điểm đó – chị nhận ra rằng mỗi độ tuổi có một áp lực khác nhau và ta phải chiến đấu với nó. Nếu muốn sống một cuộc đời như mơ thì phải nỗ lực, mà bản thân sự nỗ lực vốn dĩ đã không phải là một điều đơn giản. “Khi chúng ta chiến đấu với chính mình và chiến thắng thì đó mới là chiến thắng vẻ vang nhất,” chị chia sẻ.  

Có lòng, dốc sức thì sẽ được toại nguyện

Bên cạnh Đến Nhật Bản học về cuộc đời, Lê Nguyễn Nhật Linh còn có một tác phẩm khác cũng đặc biệt không kém là Giá ngày tháng ấy có người hiểu tôi với đề tài về trầm cảm. Chị Linh cho rằng khi phải thường xuyên ở trong tình trạng không ai hiểu mình, người ta sẽ dễ mắc bệnh trầm cảm. Bất kì ai cũng có thể rơi vào giai đoạn phải đối mặt với cảm giác không được thấu hiểu này. Nguyên nhân chỉ đơn giản là vì ta không thể chia sẻ với người khác. Khi cứ để tình trạng này tiếp diễn thì nếu ở mức độ nhẹ nhàng, ta sẽ thấy nó chỉ là một khối đá; còn nếu ở mức độ nặng nề, nó sẽ trở thành khối u. Và nếu không tìm cách thay đổi, ta sẽ rơi xuống đáy. Mỗi người lại có một cái đáy khác nhau. Ta phải luôn quan sát những cảm xúc của bản thân để ý thức được rằng những điều ấy có ổn không.

Để tháo gỡ cảm giác đó, chị Linh cho rằng rất khó đúc kết thành vài từ khóa ngắn gọn. Mỗi chúng ta là những thế giới khác nhau. Có những người chỉ vài ngày thôi là đã đi qua được một biến cố. Nhưng có những người lại mất cả vài tháng, hay thậm chí là vài năm. Không có một công thức chung nào cả, nhưng nếu chúng ta cố gắng giữ ý thức thấu hiểu bản thân thì sẽ tìm được cách tháo gỡ. Bước đầu tiên là phải đặt câu hỏi cho bản thân – đây là một hình thức tự trò chuyện với chính mình để tìm giải pháp. Nếu như đến chính ta còn không muốn nói chuyện với ta thì làm sao có thể trông mong người khác sẽ đến giúp ta giải quyết vấn đề.

Hãy đặt thật nhiều câu hỏi khi chúng ta mắc kẹt trong những vấn đề của bản thân. Nhưng cách đặt câu hỏi rất quan trọng. Khi biết cách đặt câu hỏi đúng thì ta mới có thể tìm được câu trả lời then chốt. Những câu hỏi nên có sự cân bằng giữa lí trí và cảm xúc; nếu là chuyện liên quan đến người khác thì cần tránh suy diễn mà cố gắng trực tiếp hỏi đối phương. Khi đã đến cái đích của sự rõ ràng, ta sẽ tránh được tình trạng rối tung rối mù. Sau đó là đến giai đoạn quyết định. Mọi quyết định của chúng ta đều có thể sai và đúng, không thể lúc nào cũng đúng được. Nhưng nếu đã quyết định sai thì hãy cố gắng học nhiều nhất từ cái sai đó. Quá trình này sẽ giúp ta hiểu được nhiều hơn về bản thân. Và một khi đã hiểu bản thân, ta sẽ có thể học được cách hiểu và giúp đỡ người khác.

Cuối buổi giao lưu, Nhật Linh bật mí rằng Đến Nhật Bản học về cuộc đời sẽ được dịch sang tiếng Nhật, dự kiến xuất bản ở Nhật vào cuối năm nay. Chị cũng đưa ra lời khuyên cho những bạn trẻ từ kinh nghiệm nghề nghiệp của mình rằng: “Việc gì mình muốn làm thì hãy làm và làm với lòng nhiệt huyết hết sức có thể, đừng chờ đợi kết quả vì nhiều khi kết quả còn hơn cả mong đợi của mình. Có lòng, dốc sức thì sẽ được toại nguyện. Nếu không đặt trái tim mình vào công việc đã lựa chọn mà chỉ làm hời hợt qua loa thì sẽ không có kết quả như ý.”

Hoàng Đức Nhiên

Đọc bài viết

Chuyện người cầm bút

Kazuo Ishiguro: Lộ trình đọc cho người mới bắt đầu

Published

on

Nhà văn người Anh gốc Nhật Kazuo Ishiguro là một trong những tác giả Anh ngữ được giới chuyên môn đánh giá cao nhất hiện nay: cây bút 68 tuổi này đã hai lần được vinh danh trên tạp chí Granta chuyên đề Những tiểu thuyết gia trẻ nổi bật nhất ở Anh năm 1983 và 1993; và sau đó, hành trang của ông lần lượt có thêm giải Booker, Nobel, và tước hiệp sĩ.

Đối diện với văn nghiệp đồ sộ của Kazuo Ishiguro, hẳn không ít người băn khoăn nên bắt đầu đọc từ tác phẩm nào trước. Bài viết dưới đây được dịch từ The Guardian sẽ cung cấp cho người đọc một lộ trình hợp lí để khám phá thế giới của Kazuo Ishiguro.

Điểm xuất phát

Hai cuốn tiểu thuyết đầu tiên của Ishiguro là Cảnh đồi mờ xámMột họa sĩ phù thế đều có mối liên hệ trực tiếp đến gốc gác Nhật Bản vốn ít nhiều đã trở nên xa lạ với nhà văn – gia đình ông chuyển đến nước Anh khi ông mới năm tuổi và ông không về thăm lại Nhật Bản trong suốt gần 30 năm, dù đến thời điểm đó ông đã là một tác giả có tiếng tăm. Cả hai cuốn tiểu thuyết đều khai thác góc nhìn của Ishiguro về những con người chiêm nghiệm lại cuộc đời mình trong nỗi hoang mang, tiếc nuối, để lại cho độc giả nhiều suy ngẫm.

Cả hai đều là tác phẩm chất lượng, cuốn sau có sự cải thiện so với cuốn đầu tiên, nhưng chính ở cuốn tiểu thuyết thứ ba cũng có cùng chủ đề mới thực sự đúng nghĩa là điểm khởi đầu để tiếp cận văn nghiệp của ông: tiểu thuyết Tàn ngày để lại.

Tàn ngày để lại kể câu chuyện về Stevens – một quản gia người Anh với tất cả mọi hàm nghĩa của từ này: tận tụy, chỉn chu, trung thành, và trên hết, luôn luôn có một ý thức mãnh liệt về phẩm giá nghề nghiệp. Mong muốn cải thiện chất lượng phục vụ tại dinh thự và chấm dứt những sa sút hiện tại, Stevens dấn thân vào một cuộc hành trình đi qua Miền Tây nước Anh. Mỗi chặng trên cuộc hành trình mở ra một cánh cửa nối về quá khứ, và dần dà hành trình ấy làm hé lộ những mất mát và nuối tiếc theo sau những ảo tưởng của một đời người.

Lạ lùng thay, Tàn ngày để lại vừa bi vừa hài, “vừa đẹp đẽ vừa tàn nhẫn,” như lời nhận xét của Salman Rushdie. Tác phẩm này đã thắng giải Booker và bản phim chuyển thể với sự góp mặt của ngôi sao Anthony Hopkins và Emma Thompson cũng được đánh giá là thành công khi có đến tám đề cử Oscar.

Ishiguro thừa nhận rằng ông đã viết cùng một cuốn tiểu thuyết đến những ba lần, để ngày càng tiệm cận hơn đến điều ông muốn truyền tải. Kết quả là một cuốn sách hoàn hảo về mọi mặt đã ra đời.

Chặng thử thách

Sau khi đã đạt được thành công với chủ đề vừa nêu trên, ở cuốn tiểu thuyết kế tiếp, nhân vật chính của Ishiguro không phải là một người nhìn về quá khứ nữa, mà đang ở giữa nguồn cơn hoang mang. Tiểu thuyết The Unconsoled kể về nhạc công Ryder, anh đến một vùng nào đó ở trung tâm châu Âu để tham dự một buổi hòa nhạc, nhưng rồi mọi thứ xung quanh anh lại biến hóa khôn lường. Nếu so sánh với ba tác phẩm đầu tiên của Ishiguro thì có thể nhận thấy cuốn tiểu thuyết này vận hành theo nguyên tắc của một giấc mơ vì thời gian, không gian và nhân dạng thường xuyên thay đổi. Những người đầu tiên đọc quyển sách này đã phải thất kinh, James Wood – cây bút phê bình của tờ The Guardian cũng nằm trong số đó – nhận xét rằng quyển sách này đã “tự mở ra một thể loại tồi tệ”. Nhưng đây cũng chính là tác phẩm thể hiện rõ ràng nhất quan điểm sâu sắc của Ishiguro về việc không ai trong chúng ta thực sự biết cuộc đời mình sẽ đi về đâu; điều đó khiến nó càng mang dáng dấp của một kiệt tác hơn, với bầu không khí Kafka thời đương đại.

Tiểu thuyết ở giai đoạn hậu Nobel

Khi thắng giải Nobel năm 1948, nhà thơ TS Eliot từng phát biểu rằng: “Giải Nobel là một tấm vé tiễn người ta đến thẳng huyệt mộ của mình. Chẳng có ai làm thêm được gì cả sau khi nhận giải.” Ishiguro thắng giải Nobel Văn chương năm 2017; lúc đó, ông đã viết một bài diễn văn nhận giải dễ thương, khiêm tốn có nhan đề là My Twentieth Century Evening and Other Small Breakthroughs (Tạm dịch: Buổi xế chiều trong thế kỉ thứ hai mươi của tôi và những bước đột phá nho nhỏ khác). Năm kế tiếp sau đó, ông được phong tước hiệp sĩ.

Tiểu thuyết Klara and the Sun (Tạm dịch: Klara và Mặt trời) xuất bản năm 2021 không có dấu hiệu nào cho thấy rằng Ishiguro đã trở thành một người hữu danh vô thực hay một nhà hiền triết đạo mạo. Người kể chuyện lần này (toàn bộ tiểu thuyết của Ishiguro đều được viết ở ngôi thứ nhất) là Klara, một AI hoạt động dựa trên nguồn năng lượng mặt trời, cô ngây thơ nhưng trung thành, được mua về để dốc hết lòng chăm sóc cho một cô bé. Giống như những tác phẩm khác của Ishiguro, tiểu thuyết này cũng có văn phong trung tính, điềm tĩnh, không bao giờ đi thẳng vào những sự kiện được đề cập; tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể cảm nhận rõ những sự kiện ấy và thấy đau lòng. Một lần nữa, nó tạo ra dư chấn theo lối khác thường mà không một tiểu thuyết gia nào làm được ngoài Ishiguro.

Nếu như bạn chỉ có thể đọc một tác phẩm, đó sẽ là…  

Thoạt đọc qua nội dung, tiểu thuyết Mãi đừng xa tôi có vẻ như thuộc thể loại khoa học viễn tưởng: tác phẩm kể về những bản sao vô tính, được tạo ra chỉ với mục đích duy nhất là để hiến tạng cho đến chết. Tuy nhiên, câu hỏi cốt lõi được đặt ra là tất cả chúng ta phải chọn cách sống như thế nào khi đều biết rằng thời gian của ta là giới hạn và không ai thoát được án tử.

Kathy, Ruth và Tommy xuất thân từ một ngôi trường đặc biệt: trường nội trí Hailsham. Những con người ở đó đều có chung một số phận được định đoạt. Họ chấp nhận số phận, nhưng vẫn khát khao trì hoãn. Với giọng điệu bình thản như mặt biển sóng ngầm, câu chuyện kể về một hiện thực đáng sợ diễn ra trong một thế giới “giả tưởng”, nhưng cũng không xa lắm thế giới “thật tưởng” mà chúng ta đang sống. Câu chuyện ám ảnh chúng ta bởi tiếng kêu đau đớn đến xé lòng về tình yêu và hạnh phúc. Nó buộc chúng ta phải suy nghĩ lại về giá trị Người của chính mình.

Hoàng Đức Nhiên dịch

Đọc bài viết

Cafe sáng