Trà chiều

Em đã dạy tôi tất cả những điều quan trọng nhất về văn chương

Mỗi khi viết, em đều nghĩ đến thời gian người đọc sẽ dành cho nó, và em trân trọng thời gian của người đọc, đôi khi em còn trân trọng nó hơn cả thời gian mình dành ra để viết.

Published

on

Em đã dạy cho tôi biết về sách, về việc viết, những niềm vui và nỗi buồn xoay quanh văn chương… Vì nghĩ rằng biết đâu những điều em đã dạy tôi cũng sẽ có ích cho một người nào đó, tôi đã quyết định viết ra những điều này để lưu lại và chia sẻ với nhiều người. Và vì, việc đọc và việc viết sẽ luôn là điều quan trọng (có thể là quan trọng nhất) với chúng ta – tôi tin, hay ít nhất là hi vọng vào điều đó.

Đừng đọc em

Có lẽ, người viết nào cũng mong những gì mình viết ra được người khác đọc, đồng cảm và số người đọc như thế càng nhiều sẽ càng tốt. Nhưng buổi trưa ngày hôm ấy, em đem đến cho tôi một ấn tượng ngược lại hoàn toàn. Vì nhớ nhau, chúng ta chat với nhau. Khi đó, Facebook vẫn còn chưa có chế độ chat như bây giờ, chúng ta dùng Yahoo! Messenger để chat. Em hỏi tôi rằng tôi đang làm gì. Tôi bảo tôi đang đọc thơ em. Mà quả thật, lúc đó tôi đang đọc thơ em thì tình cờ em lại online và hỏi tôi điều đó. Tôi đã nói ra việc này rất thật thà, không hề có ý nghĩ nói để làm em vui lòng. Khi nói ra, tôi cứ nghĩ theo phản ứng thông thường, em sẽ hỏi tôi đang đọc bài thơ gì, cảm nhận của tôi như thế nào. Thế nhưng, dòng chữ đầu tiên hiện lên trên khung chat lại là: “Đừng đọc em, thơ em không hay lắm đâu. Đọc thử Wislawa Szymborska đi. Có lẽ anh sẽ thích.” Và em không chỉ nói suông, ngay lập tức, em gửi cho tôi một đường link để đọc Szymborska. Tôi đành bỏ dở việc đọc thơ em mà chuyển sang đọc Szymborska. Quả nhiên, bà viết rất hay. Ấn tượng của tôi lúc đó là sao bà có thể viết về nỗi buồn, nỗi đau khổ của con người, sự mất mát, chiến tranh bằng một giọng điệu giản dị, chân thành nhưng ngôn ngữ thơ lại giàu hình ảnh, cảm xúc, có vài ý tứ mới lạ, sáng tạo như thế. Quả thực, đến thời điểm đó, tôi chưa từng có cảm giác thán phục như vậy khi đọc thơ ai bao giờ. Trong lúc, tôi đọc Szymborska, em còn gửi kèm thêm cho tôi file PDF trọn tập thơ bằng tiếng Anh của một nhà thơ nào đó nữa mà lúc ấy tôi chưa kịp đọc, tôi lưu nó vào một nơi nào đó trong máy tính và sau nhiều lần chuyển đổi dữ liệu trong ổ cứng, bây giờ tôi không còn tìm thấy nữa, tôi cũng không nhớ nổi tiêu đề của tập thơ hay là tên nhà thơ.

Ngày đó và cả bây giờ vẫn vậy, tôi luôn muốn cảm ơn em vì đã giới thiệu Wislawa Szymborska với tôi dù rằng nếu em không giới thiệu, sau một thời gian mò mẫm đọc thơ, biết đâu một lúc nào đó, tôi cũng sẽ đọc đến bà. Nhưng điều đó không quan trọng, điều quan trọng là phản ứng của em khi ấy thật dễ thương, nghiêm túc đến là dễ thương trong mắt tôi. Bây giờ, tôi nhận ra rằng khi tôi đọc thơ em và cả khi tôi nói với em tôi đang đọc thơ em, có một điều ẩn ý mà tôi muốn nói với em lúc đó: “Anh đang quan tâm em đấy. Vì muốn hiểu em hơn, anh đã làm việc đó đấy.” Nghĩa là, tôi đã đọc thơ em không phải chỉ với tư cách một độc giả đọc thơ của một nhà thơ thông thường, hành động đọc khi ấy còn có nghĩa là hành động tìm hiểu, quan tâm người yêu. Nhưng em nghiêm túc với việc viết, việc đọc, với chính bản thân mình đến mức em nói với tôi – một độc giả tiềm năng của em rằng thực ra còn có một tác giả khác xứng đáng hơn để tôi dành thời gian đọc người đó thay vì đọc em, rằng nếu đọc người đó thì tôi sẽ có được nhiều lợi ích hơn thay vì đọc em. Ở đây, em đã hoàn toàn bỏ qua vai trò người tình của tôi, nếu xét đến văn chương thì chỉ có người viết và người đọc. Em nghiêm túc như thế. Nhưng em rất thích kinh doanh và trong kinh doanh, người ta thường hay nói rằng có một điều cấm kị là: đừng giới thiệu với khách hàng sản phẩm của công ty đối thủ. Vì vậy, điều em đã làm với tôi có lẽ sẽ trở thành ví dụ không hay trong giới kinh doanh. Nhưng, kể cả trong giới viết lách, tôi cũng chưa thấy ai có phản ứng tương tự thế này bao giờ. Có thể, em cho rằng tôi dở hơi nhưng điều đơn giản em đã làm lúc ấy khiến tôi nhớ mãi đến bây giờ, khiến tôi như cảm thấy chính mình cũng được sưởi ấm vì tình yêu thơ của em, vì sự nghiêm túc, vì sự đam mê, nhiệt huyết em dành cho văn chương. Đó cũng là điều đã khiến tôi vô cùng yêu em khi mình còn ở cạnh nhau.

Và hôm ấy, sau khi đọc xong thơ của Wislawa Szymborska, tôi vẫn lén đọc thơ em.

Trân trọng thời gian của người đọc

Trước em, đã có rất nhiều người chê tôi viết dài. Tự bản thân tôi cũng nhận thấy điều đó nhưng không cách nào khắc phục được. Đâu là ranh giới cho cảm nhận dài và ngắn? Rõ ràng mọi thứ chỉ là phép đo đạc cảm tính. Vì thế, tôi không biết nên tiếp tục triển khai ý đang viết hay chuyển sang một ý mới. Mọi người hầu như chỉ nói cảm giác dài một cách chung chung. Nhưng em thì khác. Em đã giúp tôi hiểu được thêm điều trước đó tôi chưa bao giờ chú ý: thời gian của người đọc.

“Anh biết không, khi viết anh đừng chỉ nghĩ đến việc sẽ dành bao nhiêu thời gian để hoàn thành nó. Anh phải nghĩ đến thời gian người đọc sẽ dành ra cho nó. Họ có thể dành thời gian để làm những việc khác hay đọc những thứ khác, thế nhưng, họ lại chọn đọc những gì anh viết. Vì vậy, anh phải viết như thế nào đó để họ đọc xong, họ không có cảm giác bỏ phí thời gian đã đọc. Đời người có bao lâu, đúng không? Thế nên, mỗi giây phút họ đã dành ra để đọc những gì ta viết, dù là khoảng thời gian dài hay ngắn ngủi đều đáng quí trọng như nhau. Viết ngắn không có nghĩa là viết ít chữ lại. Số lượng chữ không phải là vấn đề. Điều quan trọng nằm ở hàm lượng nội dung chứa trong chữ. Anh phải viết như thế nào để người đọc nhận được nhiều nhất trong số lượng chữ ít nhất có thể. Mỗi khi viết, em đều nghĩ đến thời gian người đọc sẽ dành cho nó, và em trân trọng thời gian của người đọc, đôi khi em còn trân trọng nó hơn cả thời gian mình dành ra để viết. Khi nghĩ như thế, em cố gắng làm sao để tiết kiệm thời gian giúp họ, làm sao để khoảng thời gian bỏ ra ấy trở nên có ý nghĩa nhất. Anh muốn viết ngắn ư? Vậy thì, cứ thử như em xem. Mỗi lần viết hãy nghĩ đến thời gian của người đọc và học cách trân trọng nó. Nếu như anh thực sự chân thành nghĩ về họ, từ từ anh sẽ có thể viết ngắn hay viết cô đọng.”

Trân trọng thời gian của người đọc mỗi khi viết – đó là điều thậm chí đến bây giờ chưa một ai nói với tôi ý tương tự như vậy. Hầu hết, mọi người sẽ nói đến việc làm cách nào để viết hay hơn, để trau dồi kĩ năng, để giữ được ước mơ trong cuộc sống hối hả này… nghĩa là mọi thứ chỉ xoay quanh bản thân người viết, người đọc được nhìn nhận như người vô danh và không cần phải chú tâm, miễn sao có thể truyền đạt những gì người viết mong muốn là đủ. Nhưng em nhắc tôi nhớ rằng vai trò giữa người viết và người đọc là hoàn toàn bình đẳng. Vì vậy, thời gian của cả hai là quí giá và đáng trân trọng như nhau. Mọi người thường hay nói một nhà văn đã dành bao nhiêu năm, bao nhiêu thời gian để viết một tác phẩm nào đó nhưng mấy ai lại nói đến một độc giả đã dành bao nhiêu thời gian để đọc một tác phẩm nào đó dù rằng việc đọc đã khiến họ phải đánh đổi những giây phút ở bên người thân yêu hay tận hưởng cuộc sống theo cách khác. Sau khi em gieo vào đầu tôi ý niệm này, mỗi lần đọc các kiệt tác của những nhà văn lớn, tôi lại càng biết ơn họ hơn, không chỉ biết ơn vì họ đã viết ra tác phẩm đó mà còn biết ơn vì họ đã dành ngần ấy thời gian, có thể là cả một phần đời của mình để viết ra tác phẩm chứa nhiều ý nghĩa như thế nhưng lại chỉ lấy đi ít thời gian để người khác đọc, hoặc dù người đọc có mất nhiều thời gian thế nào vẫn không bằng thời gian người viết đã bỏ ra.

Bao năm qua, tôi vẫn luôn cố gắng trân trọng thời gian của người đọc mỗi khi viết để viết ngắn lại. Tôi không rõ liệu bây giờ mình đã tiến bộ trong việc này hơn chưa nếu so với ngày trước.

Nghĩ về những quyển sách ta chưa đọc

Em nói với tôi rằng em rất dễ dàng trong việc tặng sách. Đa phần, sách nào đọc xong là em đều tặng. Em không muốn sở hữu quá nhiều bất cứ điều gì, kể cả sách. Em muốn mình càng tự do càng tốt. Hơn nữa, em cũng nghĩ rằng một cuốn sách hay có nhiều người đọc sẽ càng nhân giá trị của nó lên. Vì vậy, em tặng sách để nó tiếp tục có đời sống mới trong tay một người khác.

Một lần, em nói thêm cho tôi biết về ý nghĩa của việc này: em tặng những quyển sách đã đọc rồi để trước mặt em chỉ còn những quyển sách em chưa đọc, để em sẽ luôn nhìn thấy nó, luôn nghĩ về nó và tìm cách đọc hết nó trong thời gian ngắn nhất có thể.

“Em không thích để những cuốn sách đã đọc trước mắt mình. Có thể, một ngày nào đó, khi em càng đọc nhiều, em sẽ càng thấy nhiều hơn những quyển sách em đã đọc trưng bày trước mắt em. Điều đó có thể khiến em nghĩ rằng mình đã đọc nhiều lắm. Nhưng thực tế, em vẫn chưa đọc được bao nhiêu và vẫn còn rất nhiều quyển sách to lớn chờ đợi em đọc. Vì vậy, em tặng sách cũng là để trong phòng em chỉ còn những quyển sách em chưa đọc. Anh có hiểu cảm giác đó không? Rằng tuy có những quyển sách anh chưa đọc, nhưng nó cứ ở đó, có đời sống riêng của nó, anh nhìn nó một thời gian và dường như trưởng thành cùng nó dù vẫn chưa đọc nó. Và rồi, bỗng nhiên đến một lúc, anh cảm thấy mình đã đủ lớn để đọc nó. Thế là anh đọc.”

Có lẽ phần nào đó, đối với em, những quyển sách chưa đọc còn quan trọng hơn cả những quyển sách đã đọc nữa. Hình như, Umberto Eco đã nói điều này, và hình như, chính em cũng đã từng nói với tôi: những quyển sách chưa đọc có ý nghĩa quan trọng hơn những quyển sách đã đọc vì chúng giúp ta học cách khiêm tốn, chúng nhắc ta biết thế giới rộng lớn thế nào, chúng là minh chứng cho một phần cuộc sống ta vẫn chưa từng thử bước vào…

Từ khi em đi, bốn năm vừa qua, tôi đã tặng sách rất nhiều. Em biết đấy, tôi từng là người rất keo kiệt trong việc này. Đó là việc ít khi nào thoáng qua suy nghĩ của tôi. Tôi chỉ cho mượn sách và lúc nào cũng nơm nớp lo sợ không biết người ta có trả cho mình không. Nhưng khi không còn gặp em nữa, tôi mới nhận ra rằng việc giữ những quyển sách đã đọc rồi, việc cố gắng để sở hữu chúng quả thực chẳng đem lại mấy lợi ích gì. Nếu như những tinh hoa trong quyển sách đã được bản thân thẩm thấu thì việc xa rời chúng không có nghĩa là mất đi những điều đã ở lại trong lòng. Tương tự như vậy, nếu bản thân đã không thể thu vào lòng những điều hay của quyển sách thì việc khăng khăng giữ lại quyển sách bên mình, không đồng nghĩa với việc giữ những tinh chất đó bên trong mình. Vật chất hay thể xác không bao giờ quan trọng bằng tinh thần hay ý niệm. Điều này không chỉ áp dụng trong mối quan hệ giữa con người với nhau mà còn trong mối quan hệ giữa người với sách. Thực ra, nếu suy xét kĩ thì sách cũng là một con người, nó chính là một phần của người đã tạo ra nó. Vậy nên, việc chia tay một quyển sách không quan trọng bằng việc rốt cuộc đã có bao giờ, ta thực sự sống trong nó chưa.

Khi hiểu ra những điều ấy, tôi trở nên vô cùng thoải mái trong việc tặng sách. Có thời điểm, đi đâu, gặp ai, tôi cũng đều sẽ chọn ra ba quyển sách mà tôi nghĩ rằng phù hợp với người sắp gặp để tặng họ. Tại sao lại là ba? Vì tặng một thì tôi sợ là không đúng quyển người đó thích, tặng hai thì sợ người ta nghĩ hai quyển sách có liên quan với nhau; vậy nên, ba là số an toàn. Theo thời gian, cuối cùng tôi cũng tặng hết những quyển sách tôi đã đọc, chỉ còn những quyển sách tôi chưa đọc. Vì vậy sau này, tôi cũng không thể tặng một lần ba quyển khi gặp ai đó nữa mà chỉ có thể là một quyển tôi mới đọc xong. Tôi không biết liệu em có ngạc nhiên về điều này không nhưng chính tôi thì ngạc nhiên về tôi đấy. Vì tôi của khoảng chừng mười năm trước đó không thể nào hình dung ra được tôi của mười năm sau này lại tặng sách nhiều như vậy. Trước đây, tủ sách của tôi ngập tràn sách văn học Nhật. Bao nhiêu sách của Haruki, Banana, Ryu, Yoko Ogawa, Yamada Amy… phát hành trên thị trường là tôi mua hết. Đến nỗi có thời gian hầu như chẳng còn sách văn học Nhật mới trên thị trường cho tôi đọc. Nhưng bây giờ, nếu chỉ nhìn vào tủ sách của tôi thì có lẽ khó ai đoán được rằng tôi đã từng thích văn học Nhật đến vậy. Bởi vì, bao nhiêu sách văn học Nhật – nằm trong nhóm sách tôi đã đọc rồi đều được tôi đem đi tặng hết và những năm vừa qua, tôi không mua cũng như đọc sách văn học Nhật nhiều nữa. Thay vào đó, sách chiếm phần lớn tủ sách của tôi bây giờ là sách văn học phương Tây. Đây cũng là điều mà tám năm về trước, khi lần đầu bước chân vào trường đại học, tôi đã không thể ngờ sẽ có ngày tủ sách của mình biến thành như vậy.

Bây giờ, trước mắt tôi chỉ còn những quyển sách tôi chưa đọc. Ngày ngày tôi nhìn chúng, ngày ngày tôi đối diện với chúng, với việc chưa đọc chúng, với việc mình ngu dốt như thế nào, với việc còn rất nhiều thế giới tôi chưa biết đến. Và quả thực, việc này đã phần nào kích thích tôi, buộc tôi cố gắng dành nhiều thời gian hơn để đọc những cuốn sách tôi chưa đọc. Nếu là lúc trước, khi những quyển sách đã đọc và chưa đọc được đặt kề nhau, hỗn độn với nhau, có lẽ, sự kích thích này sẽ giảm đi rất nhiều.

Tạm biệt em

Vẫn còn một vài điều quan trọng em đã dạy cho tôi biết, nhưng tôi chỉ có thể chia sẻ ba điều quan trọng ấy với tất cả mọi người khi nghĩ về việc đọc, việc viết: sự nghiêm túc – cạnh tranh một cách công bằng, sự trân trọng, sự khiêm nhường. Cảm ơn em vì đã dạy cho tôi biết những điều quan trọng này. Và cũng xin lỗi em vì khoảng thời gian mình còn quen nhau, có lẽ tôi đã không thể mang đến cho em những điều quan trọng, sâu sắc tương tự hay những điều mới mẻ hơn điều em đã vốn có trong cuộc sống trước đó. Dù đã xảy ra nhiều chuyện, dù không gặp đã lâu, dù tình yêu ngày trước không còn nữa, nhưng thực sự trong lòng tôi lúc nào cũng nghĩ về em với cảm giác trân trọng. Dù nhiều lúc tôi từng nghĩ giá mà ngày ấy không gặp em sẽ tốt hơn, nhưng rồi ngay sau đó, tôi lại nghĩ thật may mắn vì đã gặp được em.

Có thể em đã quên tất cả những điều này, những gì đã xảy ra, những lời em đã nói, bởi lẽ chúng chỉ là những mảnh nhỏ tưởng chừng vụn vặt trong nhiều ngày bình dị và cũng nhiều ngày đầy biến động ta đã ở bên nhau. Tuy vậy, những điều ấy luôn khắc sâu trong tôi bốn năm vừa qua. Ba điều này hay ba vệt kí ức này là thứ tôi thường nghĩ về mỗi khi cảm thấy bản thân dần mất đi ý chí để viết hay những khi tôi dường như bị sao lãng khỏi điều tâm niệm cốt yếu, dường như đi chệch điểm trọng tâm của giấc mơ văn chương tôi muốn hướng đến. Thật may mắn vì ba điều này đã giúp tôi phần nào có thể đứng vững và cố gắng tiếp tục viết đến bây giờ. Tôi mong rằng, trong tương lai sẽ vẫn luôn như thế.

Và em như thế nào? Em vẫn ổn chứ? Vẫn đọc và viết nhiều chứ?

Câu trả lời ấy không dành cho tôi nữa và việc biết nó hay không cũng không còn quan trọng nữa. Nhưng dù thế nào, dù viết hay không viết, vẫn luôn mong em bình yên và hạnh phúc. Bởi vì, cuối cùng em đã khiến tôi thật sự cảm thấy thanh thản, không còn đau khổ khi nghĩ về quá khứ nữa. Bây giờ, chỉ còn sự thanh thản và chút hoài niệm tuổi trẻ khi nhớ về ngày ấy.

Vậy nên, tôi đã quyết định lần này sẽ thực sự là lần cuối cùng tôi viết về em. Từ bây giờ, tôi sẽ để mọi thứ âm thầm trôi qua và mặc cho bản thân quên lãng. Duy chỉ có ba điều này là ba điều tôi không bao giờ muốn quên. Nó không chỉ là những kí ức đẹp; hơn hết, nó là điều quan trọng với một người đã lựa chọn con đường văn chương là tôi. Tôi không muốn quên đi điều sơ tâm của mình, điều sơ tâm mà em đã vô tình khai sáng cho tôi.

Fretto Frek

Click to comment

Viết bình luận

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Trà chiều

Vũ Đằng kết đôi cùng “nàng Kiều” Trình Mỹ Duyên trong Chợ Tết Tình Quê

Published

on

By

Nam diễn viên Vũ Đằng sẽ sánh đôi cùng “nàng Kiều” Trình Mỹ Duyên trong bộ phim phát sóng vào ngày mùng một Tết nguyên đán Ất Tỵ.

Chợ Tết Tình Quê là câu chuyện tình cảm của một đôi bạn trẻ diễn ra trong những ngày giáp Tết Ất Tỵ ở cù lao An Bình (tỉnh Vĩnh Long). Gia Bảo (Vũ Đằng đóng) là một chàng công tử chính hiệu, chán chường cuộc sống xa hoa, xô bồ nơi phố thị cũng như muốn thoát khỏi sự kìm kẹp của mẹ, Bảo bỏ nhà đi bụi vào một buổi chiều tháng chạp. Anh xuôi về miền Tây sông nước, nơi có làng nghề gốm đỏ, làm nhang, trồng trái cây, hoa kiểng để tìm lại những ký ức thời thơ ấu, khi gia đình còn trọn vẹn. Tình cờ gặp được Vũ Nghi (Trình Mỹ Duyên), Bảo choáng váng và thậm chí ghét bỏ, nhiều lần cản trở, gây tai họa cho cô vì hiểu lầm cô là người thực dụng, lợi dụng tình nghĩa của bà con dưới quê để kiếm danh.

Vũ Nghi vốn là người sinh ra ở cù lao An Bình. Cô mồ côi cha mẹ, sống với người cậu từ bé nên tính cách cứng cỏi, đạt giải một hoa khôi nhưng từ chối mọi sự săn đón của các đại gia mà muốn đi lên từ thực lực. Vũ Nghi hoạt động như một hot streamer trên mạng xã hội, sở hữu những trang cá nhân có lượt theo dõi khủng. Chương trình thực tế 100 nghề của cô nhận được nhiều sự quan tâm của công chúng, trong đó có những tập quảng bá về ngành nghề truyền thống cũng như du lịch sinh thái ở quê hương Vĩnh Long. Hoàn cảnh đưa đẩy cả hai thành cặp đôi “oan gia ngõ hẹn”, ban đầu là ghét nhau, sau dần dần cảm mến rồi tiến tới tình yêu.

Bên cạnh chuyện tình của cặp trai tài gái sắc Gia Bảo – Vũ Nghi, đạo diễn Quách Khoa Nam và biên kịch Phan Ngọc Diễm Hân còn dẫn dắt khán giả màn ảnh nhỏ tham quan cù lao An Bình cũng như những miền quê xinh đẹp, trù phú của tỉnh Vĩnh Long. Người xem sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp bình dị của làng nghề gốm đỏ, làm nhang, những làng hoa Tết sum suê, vườn trái cây trĩu quả… Không khí của phim diễn ra trong những ngày giáp Tết, thời khắc mùa Xuân hiện hữu đẹp nhất với những màu sắc, mùi vị đặc trưng của xứ Nam Bộ.

Khi nhận được kịch bản Chợ Tết Tình Quê, diễn viên Vũ Đằng  cảm thấy rất lo lắng vì nhân vật không có chút gì giống mình ở ngoài đời. “Với một thanh niên 28 tuổi thì ai lại không muốn thành công và được nhiều cô gái vây quanh nhưng Gia Bảo thì ngược lại, anh trốn tránh hết tất cả. Tuy nhiên, tôi đọc kỹ kịch bản, tìm cách thấu hiểu và cảm thông với nhân vật. Tôi đặt ra những câu hỏi “Tại sao?” và tìm cách giải đáp để làm dày lý lịch  để khi ra bối cảnh không còn khúc mắc với nhân vật” – anh chia sẻ. Tuy nhiên, đây không phải là điều làm khó Vũ Đằng mà chính việc hóa trang mới tạo cho anh nhiều trở ngại nhất trong quá trình thực hiện phim. Trước đó ít lâu, anh vừa hoàn thành một phim cổ trang, phải cạo đầu ba vá cho phù hợp nên sang Chợ Tết Tình Quê, Vũ Đằng không kịp để tóc trở lại bình thường, vậy nên ekip thực hiện quyết định cho anh đội tóc giả. Việc hóa trang tóc cho anh trước khi vào cảnh quay mất hơn một giờ, thêm nữa, thời tiết cũng khá nóng nên Vũ Đằng cũng không thực sự thoải mái với bộ tóc khi diễn. “Nó có thể rớt ra bất cứ lúc nào hoặc sai phom dáng nếu mình xoay đầu quá nhiều. Có một số cảnh nặng về tâm lý hay cần động tác hình thể nhiều thì buộc mình phải quên đi chuyện đội tóc giả để nhập tâm hơn. Nếu đội quá lâu thì bộ tóc cũng làm tôi cảm thấy đau đầu. Khi diễn những cảnh cuối cùng của phim, tôi thực sự thở phào nhẹ nhõm vì… được cởi hẳn và tạm biệt bộ tóc giả từ đây!”- anh dí dỏm.

Ngoài ra, phim còn có sự tham gia của các diễn viên: Quang Thái, Hoài An, Thanh Bình, Lê Trang…

Bộ phim do PNF sản xuất kéo dài 20 tập, phát sóng lúc 20h từ thứ hai đến thứ bảy hàng tuần trên kênh THVL1, khởi chiếu từ mùng 1 Tết nguyên đán Ất Tỵ (tức 29.01.2025)

Đọc bài viết

Trà chiều

“Hành trình Anh Hùng” ẩn trong Xứ Cát

Published

on

    Dựa trên công trình nổi tiếng Người hùng mang ngàn khuôn mặt của Joseph Campbell và các tương đồng trong lĩnh vực tâm lý học của Jung và Freud, tác giả Christopher Vogler đã cho độc giả một cái nhìn khác về cấu trúc tương đồng của hàng triệu câu chuyện từ cổ chí kim qua cuốn Hành trình người viết vừa được ra mắt.

Một cuốn sách quan trọng

       Cấu trúc nói trên xuất hiện từ các truyện cổ dân gian đến tiểu thuyết hiện đại, từ những bài đồng dao quen thuộc đến các bộ phim “làm mưa làm gió” tại Hollywood… Hành trình người viết không chỉ là một cuốn sách giúp ta nhận ra những rường mối quan trọng của nghệ thuật kể chuyện, mà song song đó còn là bài học để mỗi độc giả có được khả năng là một người viết.

       Vốn là một người tư vấn cốt truyện của Hollywood và đã kinh qua hàng nghìn kịch bản trong cuộc đời mình, Vogler có khả năng nhìn thấy những mối liên kết cũng như những điểm suy yếu trong các tác phẩm. Từ những đúc rút và kho kinh nghiệm bản thân có được, ông đã tạo nên cuốn sách vô cùng hấp dẫn. Để kiếm chứng điều đó, hãy thử lần ngược siêu phẩm Xứ cát chuyển thể tiểu thuyết khoa học viễn tưởng cùng tên của Frank Herbert do đạo diễn Denis Villeneuve thực hiện và so nó với những gì được tổng kết lại, để xem hành trình anh hùng của Vogler có giao điểm nào với Paul Atreides – người thanh niên đã làm nên những khoảnh khắc vô cùng chói lọi.

       Theo Vogler, nói thật gọn ghẽ thì hành trình anh hùng bắt đầu khi nhân vật chính được giới thiệu ở THẾ GIỚI BÌNH PHÀM nhận được TIẾNG GỌI PHIÊU LƯU. Ban đầu họ MIỄN CƯỠNG, thậm chí buông lời TỪ CHỐI, nhưng do nhận được sự khích lệ từ SƯ PHỤ để VƯỢT QUA RÀO CẢN ĐẦU TIÊN, mà họ đã tiến vào Thế Giới Đặc Biệt - nơi họ sẽ gặp các KHẢO THÍ, ĐỒNG MINH VÀ KẺ THÙ. Sau đó họ TIẾP CẬN HANG ĐỘNG TRONG CÙNG, vượt qua rào cản thứ hai, nơi phải chịu đựng KHỔ HÌNH. Họ vượt qua, chiếm lĩnh PHẦN THƯỞNG và bị truy đuổi trên ĐƯỜNG VỀ với Thế Giới Bình Phàm. Không dừng ở đó, họ vượt qua rào cản thứ ba, trải nghiệm HỒI SINH và được chính trải nghiệm đó biến đổi. Cuối cùng họ TRỞ VỀ CÙNG THẦN DƯỢC, cùng lợi ích hoặc kho báu có lợi cho Thế Giới Bình Phàm.

Hành trình người viết không chỉ là một cuốn sách giúp ta nhận ra những rường mối quan trọng của nghệ thuật kể chuyện, mà song song đó còn là bài học để mỗi độc giả có được khả năng là một người viết. Ảnh: N.M.

Chặng đường phân tích      

       Áp vào Xứ cát, THẾ GIỚI BÌNH PHÀM của chuỗi phim này bắt đầu ở một hành tinh cách xa Trái Đất - nơi mà mọi thứ đều như không tưởng với những tiến bộ liên hành tinh và những thực thể vô cùng kỳ dị. Ở đó Công tước Leto của Gia tộc Atreides – người cai trị hành tinh đại dương Caladan - là nhân vật chính và nổi bật nhất. Nơi ông cai trị là phiên bản khác của một Trái Đất ngay bây giờ đây, với cây xanh bao phủ tươi tốt, với biển cả vỗ sóng và bầu không khí vô cùng trong lành. Về mặt chính trị, nhà Atreides được cư dân vô cùng ủng hộ vì mang đến sự bình yên và cân bằng. Sơ lược qua những nét này, có thể thấy Herbert (và cả Villeneuve) đã làm rất tốt trong việc xây dựng bối cảnh có tính đối lập liền ngay sau đó, để nhân vật chính bước vào hành trình của bản thân mình.

THẾ GIỚI BÌNH PHÀM của chuỗi phim này bắt đầu ở một hành tinh cách xa Trái Đất, nơi mọi thứ tươi tốt bất ngờ. Ảnh: Screen Rant

       Như đã nói trên, TIẾNG GỌI PHIÊU LƯU nhanh chóng xuất hiện khi Hoàng đế Shaddam của toàn đế chế nhanh chóng bí mật liên minh với nhà Harkonnen nhằm tránh khỏi sự uy hiếp mà rất có thể trong tương lai gần Leto sẽ tự đạt được. Vậy là một cuộc tàn sát được lên kế hoạch. Thoạt nhìn, có thể thấy Herbert dùng một motif vô cùng thân quen trong các sử thi từ cổ chí kim, khi đó là tranh giành quyền lực, đấu đá lẫn nhau. Và để tạo ra 2 phe kình chống, ông cho một bên lăng kính tích cực, còn phía còn lại tiến hành liên minh, và cũng vì thế mà thế trận ấy nhanh chóng cân bằng. Ta thấy điều này trong rất nhiều nơi, từ Tam quốc diễn nghĩa đến Con ngựa thành Troy, từ bộ Shogun đến bộ Taiko…Một điểm chung khác là sự báo hiệu cho câu chuyện dịch chuyển, khi người cha Leto nhanh chóng mất mạng để Paul Atreides – người con trai cả - sẽ thay bản thân bảo vệ gia đình, trả thù cho điều đã mất. Do đó mà Paul quyết định lên đường.

Herbert dùng một motif vô cùng thân quen trong các sử thi từ cổ chí kim, khi đó là tranh giành quyền lực, đấu đá lẫn nhau. Ảnh: LA Times

       Ở đây ta có thể thấy có những cổ mẫu vô cùng truyền thống được Herbert sử dụng. Trong đó Paul là anh hùng bị động – một người được đặt vào tình thế không thể khác hơn, và suốt hành trình sau đó từng bước học hỏi sẽ khiến cho anh dần dần chủ động. Đối diện trước trọng trách đặt lên bản thân, Paul dường như không có được động lực nào – một điều cũng là một chặng đường khác trên hành trình anh hùng. Rất may mẹ anh – Lệnh bà Jessica – người vừa là SƯ PHỤ, vừa là ĐỒNG MINH nhưng cũng có khi là kẻ ĐEO MẶT NẠ và cả BÓNG ĐÊM đã nâng đỡ anh và hướng anh theo con đường đúng đắn. Quê nhà tan tác trong khi bản thân thì bị truy sát, anh sớm VƯỢT QUA RÀO CẢN ĐẦU TIÊN để giữ được mạng sống nhờ vào những cận thần trung thành với mình. Hành trình này dễ thấy không quá phức tạp, và Herbert sẽ lại dồn nhiều sức hơn ở phía sau.

Paul và mẹ mình, thoạt nhìn, chính là 2 cổ mẫu anh hùng và sư phụ theo cấu trúc của Vogler. Ảnh: Den of Geek

       Chính khi bước vào THẾ GIỚI ĐẶC BIỆT - ở chiều rộng hơn là một cuộc sống không còn uy quyền của cha, không còn hành tinh Caladan mình vốn quen thuộc, anh đã gặp được những người bản địa Arrakis - những chiến binh thiện nghệ sống nơi sa mạc gọi là Fremen. Như vậy kể từ lúc này thì chặng thứ 2 của hành trình anh hùng chính thức bắt đầu. Cả Herbert và Villeneuve đều dành rất nhiều thời lượng cho giai đoạn này, để khắc ghi một hành tinh mới với loài sâu cát và quy luật sinh tồn ở thế giới mới, với các chi tiết như dịch nhầy sâu, với hương dược, với cách tạo nước và những con người mắt xanh biêng biếc có kỹ năng phi thường… Trong chương đoạn này, những cuộc KHẢO THÍ mà ĐỒNG MINH và KẺ THÙ liên tục xuất hiện cũng được diễn ra. Chẳng hạn KHẢO THÍ nằm ở chi tiết Paul phải chiến đấu với một người Fremen để chứng minh mình thuộc về nơi này trước khi được họ cứu giúp. Đối với những người bản địa, anh vừa là ĐỒNG MINH nhưng cũng là KẺ THÙ khi đã giết chết một trong số họ để mà bước tiếp.

Trận chiến của Paul trước một chiến binh Fremen chính là một cuộc KHẢO THÍ. Ảnh: Screen Rant

Những vòng lặp kép      

       Thế nhưng KHẢO THÍ không dừng ở đó, mà sau đấy liên tục là những bài học để cưỡi sâu cát, những trận oanh tạc vì phát hiện ra căn cứ bên dưới lòng đất của người Fremen… Chúng liên tục xuất hiện để thử thách Paul, để rồi cuối cùng anh được mọi người nhận ra chính là vị Thánh ghi trong sử sách toàn cõi ngân hà. Đa số thời lượng của phần 2 tương ứng với HANG ĐỘNG TRONG CÙNG – nơi anh chứng minh bản thân và giành được quyền vươn lên dẫn đầu. Ta thấy ở đây Herbert rất tài tình khi song song với những bước tiến về mặt quyền lực, thì cõi lòng Paul cũng chịu tra tấn trong những thay đổi của bản thân mình. Có thể nói tuy chặng đầu tiên của HÀNH TRÌNH ANH HÙNG đã gần hoàn thành xong với nhân vật này ở phía bên ngoài, nhưng thật ra một HÀNH TRÌNH ANH HÙNG khác cũng đang mở ra trong nội tâm anh, khi phải chứng kiến mục đích thật sự của mẹ anh – Lệnh bà Jessica, cuộc hôn phối với Công chúa của vua Shaddam và những biến động bên trong Chani.

Chani cũng là một nhân vật có hành trình anh hùng song song khác. Ảnh: Collider

       Khép lại 2 phần phim của Villeneuve, hiện Paul và Xứ cát đang dừng trước “trận đánh” quyết định để mang về PHẦN THƯỞNG và dần tiến đến HÀNH TRÌNH TRỞ VỀ. Tuy khép lại tại đây nhưng có thể thấy Xứ cát là bộ tác phẩm đậm tính sử thi mà mỗi nhân vật lại tự sở hữu một HÀNH TRÌNH ANH HÙNG riêng biệt. Ta thấy nó trong Chani mà “con đường” cô đi chính là tình cảm với Paul và trách nhiệm với cộng đồng Fremen của mình. Ta thấy nó trong Lệnh bà Jessica và tham vọng của bà với nhóm tôn giáo Bene Gesserit. Trong khi đó một nhân vật mới – em gái của Paul – cũng sắp xuất hiện. Và tuy chỉ mới nằm trong bụng mẹ nhưng nó cũng đang dần có những HÀNH TRÌNH ANH HÙNG nhất định, trong việc nhất tề chi phối và biến các nhân vật xung quanh mình trở nên phức tạp.

Ở phần 2, Lệnh bà Jessica là một nhân vật vô cùng bí hiểm. Ảnh: Screen Rant

       Ngoài điều đó ra, Herbert cũng rất thành công trong việc “đeo mặt nạ” cho các nhân vật, để ta không thể lường trước đường đi nước bước của bản thân họ. Chẳng hạn phút trước Paul và Chani còn rất mặn mà, nhưng ngay sau đó mọi chuyện đổi khác khi anh chấp nhận lấy Công chúa như đại diện cho chiến thắng của mình. Lệnh bà Jessica cũng nằm trong “ngã ba” ấy, khi không ai biết một cách rõ ràng bà đang từng bước leo lên theo quyền lực của con trai mình, hay chính bà mới là kẻ thao túng tất cả, trả thù cho điều đã mất? Và nếu điều ấy là thật, hóa ra cổ mẫu anh hùng mà ta xác định ngay từ ban đầu đã đổi bản chất. Paul từ mẫu bị động chuyển sang chủ động với chính những gì mà mình học hỏi, nhưng nếu vai trò của mẹ anh lớn hơn, thì hóa ra Paul chỉ là một kiểu anh hùng xúc tác – người có vị trí là bàn đạp cho hình tượng khác bước lên vũ đài danh vọng. Áp chính lý thuyết của Vogler vào Xứ cát bản phim của Villeneuve, ta thấy vì sao mà tác phẩm này thành công vang dội trong các năm qua. Dù biết một cách khái quát đó là trùng trùng lớp lớp âm mưu, nhưng khi được phân tích dưới cổ mẫu và những điểm nút quan trọng của hành trình anh hùng, ta sẽ lại thấy những chi tiết này hiện ra phức tạp, gắn kết ra sao.

Ngô Minh

Đọc bài viết

Trà chiều

Sứ Đoàn Iwakura đạt Giải thưởng sách Quốc Gia 2024

Published

on

Giải thưởng Sách Quốc gia là giải thưởng do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức hàng năm, trao giải cho những cuốn sách (bộ sách) có giá trị nổi bật về nội dung tư tưởng, tri thức, thẩm mỹ nhằm tôn vinh tác giả, dịch giả, nhà khoa học và người làm công tác xuất bản.

Tối ngày 29.11.2024 tại lễ trao Giải thưởng Sách Quốc gia lần VII, tác phẩm Sứ Đoàn Iwakura - Chuyến Tây Du Khảo Cứu Nhằm Canh Tân Nhật Bản Thời Minh Trị (Ian Nish biên soạn, Nguyễn Hoàng Mai - Nguyên Tâm dịch) hân hạnh được vinh danh giải Khuyến khích.

Sứ Đoàn Iwakura là tác phẩm nghiên cứu tập hợp nhiều tư liệu giá trị, giúp độc giả hiểu rõ hơn về chuyến du khảo nhằm canh tân Nhật Bản thời Minh Trị dưới góc nhìn của người phương Tây. Để có một đường lối phát triển đất nước hoàn toàn mới, người Nhật đã khởi động chuyến công du gọi là Sứ mệnh Iwakura thăm Hoa Kỳ và nhiều nước châu Âu. Đây là một chuyến đi lịch sử có tầm quan trọng đến mức khi nhắc về Minh Trị Duy Tân, người ta lập tức nhớ đến chuyến đi này.

Sách dày 427 trang, gồm 11 chương tổng hợp các bài viết của Ian Nish và 12 chuyên gia trong lĩnh vực quan hệ quốc tế khu vực Nhật Bản và Đông Á. Tám chương đầu, độc giả sẽ cùng phái đoàn đi qua tám cường quốc từ Mỹ, Anh, Pháp, Bỉ, Đức, Nga, Thụy Điển và Italy. Bản ghi chép của những học giả góp phần tái hiện hành trình tìm kiếm “văn minh khai sáng” của sứ đoàn Iwakura tại trời Âu dưới góc nhìn của người phương Tây. Ba phần còn lại trong ấn phẩm là bài phân tích, nhận định của chuyên gia lịch sử, đánh giá tình hình nước Nhật sau chuyến công du.

Để hiểu thêm về một lát cắt lịch sử quan trọng của Nhật Bản, cũng như đọc thêm về chuyến đi được mệnh danh là “Chuyến công du lịch sử thay đổi nước Nhật”, mời bạn tìm đọc sách tại đây hoặc tại hệ thống các nhà sách Phương Nam trên toàn quốc.

Đọc bài viết

Cafe sáng