Chuyện người cầm bút

Diêm Liên Khoa: Điều gì sẽ xảy ra sau đại dịch Corona?

Ký ức cộng đồng và khi ta lặp lại sai lầm của chính mình.

Published

on

YAN LIANKE: WHAT HAPPENS AFTER CORONAVIRUS
Diêm Liên Khoa

Ngày 21.02, Diêm Liên Khoa, giáo sư bộ môn Văn hóa Trung Hoa tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông (HKUST), đã giảng bài điện tử cho lớp sinh viên cao học về đại dịch Covid-19, ký ức cộng đồng và phương thức mà những người kể chuyện, một ngày nào đó, sẽ bàn về đại dịch. Dưới đây là bản dịch bài giảng, được đăng lần đầu tiên tại ThinkChina và được dịch bởi Grace Chong.

*

Các bạn sinh viên thân mến của tôi!

Hôm nay là bài giảng điện tử đầu tiên. Trước khi ta bắt đầu, cho phép tôi đi lạc đề một chút.

Khi tôi còn nhỏ, bất cứ khi nào tôi mắc phải cùng một lỗi sai hai đến ba lần liên tiếp, bố mẹ tôi sẽ kéo tôi đến trước mặt họ, chỉ vào trán tôi và mắng:

“Tại sao con lại đãng trí như thế cơ chứ?!”

Trong những tiết học tiếng Trung, khi tôi không thể nào ghi nhớ một đoạn văn ngay cả khi tôi đã đọc nó không dưới mười lần, giáo viên sẽ yêu cầu tôi đứng lên và hỏi tôi trước cả lớp:

“Tại sao em lại đãng trí thế cơ chứ?!”

Khả năng ghi nhớ là mảnh đất màu mỡ nơi kí ức sinh sôi, và kí ức cũng là trái ngọt của mảnh đất ấy. Việc sở hữu kí ức và khả năng ghi nhớ là những khác biệt cơ bản giữa con người và động vật hoặc thực vật. Đó là yêu cầu đầu tiên để ta lớn lên và trưởng thành. Rất nhiều lần, tôi cảm thấy rằng nó thậm chí còn quan trọng hơn cả việc ăn, mặc và thở. Một khi ta đánh mất kí ức, ta sẽ quên cách ăn hoặc sẽ mất đi khả năng làm việc. Chúng ta sẽ quên mất mình để quần áo ở đâu vào mỗi buổi sáng thức dậy. Chúng ta sẽ đinh ninh rằng vị hoàng đế ở trần trông đẹp mắt hơn là khi mặc quần áo. Tại sao hôm nay tôi lại nói về điều này? Bởi vì Covid-19, một thảm họa quốc gia và toàn cầu, chưa hề nằm trong tầm khống chế đúng mực; những gia đình vẫn còn bị chia xa đôi ngả, cùng với đó là những tiếng khóc thương tan nát cõi lòng vọng từ Hồ Bắc, Vũ Hán và nhiều nơi khác. Thế mà, bài ca khải hoàn đã vang lên khắp mọi nơi. Tất cả chỉ vì những con số thống kê đang đi lên theo chiều hướng khả quan.

Những thi thể vẫn chưa kịp nguội lạnh và mọi người vẫn đang tiếc thương. Thế mà, ta đã sẵn sàng cất lên khúc ca thắng trận, và mọi người đã sẵn sàng để tuyên bố: “Ôi, thật khôn ngoan và thật tuyệt vời!”

Từ ngày dịch Covid-19 thâm nhập vào cuộc sống của chúng ta cho đến tận bây giờ, chúng ta không biết chính xác có bao nhiêu người đã thiệt mạng, bao nhiêu người đã tử vong trong bệnh viện, bao nhiêu người ở bên ngoài đã vĩnh viễn ra đi. Chúng ta thậm chí chưa có cơ hội để điều tra và đặt nghi vấn về điều này. Tệ hơn nữa, những cuộc điều tra và những câu hỏi như vậy có thể sẽ đi vào quên lãng khi thời gian trôi đi và mãi mãi sẽ là một bí ẩn.

Khi dịch bệnh cuối cùng cũng thuyên giảm, chúng ta không thể giống như dì Tường Lâm (祥林嫂, nhân vật hư cấu trong tiểu thuyết của nhà văn Lỗ Tấn, được miêu tả là một người phụ nữ nhà quê thấp hèn, ngốc nghếch bị mắc kẹt trong chế độ phong kiến), vĩnh viễn chỉ biết nói: “Tôi chỉ biết rằng thú hoang sẽ rình mò ngôi làng trong suốt mùa đông khi không có gì để ăn trên núi; tôi không hề biết rằng chúng cũng làm vậy vào mùa xuân.” Nhưng chúng ta cũng phải khác AQ (阿Q, một nhân vật hư cấu trong tiểu thuyết của Lỗ Tấn, được miêu tả là luôn tự lừa dối bản thân, luôn tin rằng mình thành công hoặc vượt trội hơn người khác), luôn khẳng định rằng chúng ta là kẻ chiến thắng ngay cả sau khi bị đánh đập, bị lăng mạ và đang trên bờ vực của cái chết.

Trong quá khứ và hiện tại, tại sao bi kịch và thảm họa luôn xảy đến với cá nhân, gia đình, xã hội, thời đại hay đất nước, hết lần này đến lần khác? Và tại sao những thảm họa của lịch sử luôn phải trả giá bằng mạng sống của hàng chục ngàn người dân vô tội? Giữa vô số những yếu tố mà ta không biết, không hỏi hoặc không được phép hỏi (những thứ mà chúng ta phải ngoan ngoãn lắng nghe), có một yếu tố này – con người; tất cả chúng ta đều là loài người, giống như loài kiến – chúng ta là những sinh vật hay quên.

Kí ức của chúng ta đã luôn được chỉnh lý, thay thế và xóa đi. Chúng ta nhớ những gì mà người khác bảo ta nên nhớ, và quên những gì ta được dạy nên quên. Chúng ta giữ im lặng khi được yêu cầu và hát theo lệnh. Kí ức đã trở thành tay sai của thời đại, được sử dụng để rèn giũa thành kí ức tập thể và quốc gia, được tạo thành từ những gì chúng ta được yêu cầu quên hoặc nhớ.

“tất cả chúng ta đều là loài người, giống như loài kiến – chúng ta là những sinh vật hay quên.”

Hãy tưởng tượng: ta sẽ không bàn về những điều xưa cũ nằm trong những cuốn sách bám bụi – những điều đã đi vào dĩ vãng; hãy hồi tưởng lại những sự kiện gần đây nhất trong vòng hai mươi năm qua. Những sự kiện mà những người giống như các bạn, những đứa trẻ sinh ra vào thập niên 80, 90, đều đã trải nghiệm và ghi nhớ – những thảm họa quốc gia như AIDS, SARS, và Covid-19 – liệu chúng là thảm họa do chính con người tạo ra, hay chúng là thảm họa tự nhiên như động đất Đường Sơn và Văn Xương khiến con người bó tay chịu chết? Tiếp theo, tại sao yếu tố con người trong các thảm họa quốc gia trước đây hầu như giống nhau? Đặc biệt là dịch SARS mười bảy năm trước và tình hình leo thang của đại dịch Covid-19, dường như chúng là tác phẩm kịch nghệ của cùng một bàn tay đạo diễn. Bi kịch tương tự đang tái hiện ngay trước mắt chúng ta. Là người trần mắt thịt, ta không có năng lực đi tìm chân tướng vị đạo diễn này, cũng không có chuyên môn để khám phá ra và hiểu được suy nghĩ, ý tưởng và sự sáng tạo của vị biên kịch. Nhưng khi đứng trước sự tái hiện của “trò chơi tử thần” này, chẳng phải ta ít nhất nên tự vấn rằng, kí ức của ta về những đại họa gần đây nhất là gì?

Ai là người đã xóa kí ức của ta và phủi sạch tất cả?!

Những người đãng trí, về bản chất, là bụi bẩn trên các cánh đồng và trên đường. Rãnh trên đế giày có thể giẫm lên chúng theo bất cứ cách nào họ muốn.

Những người đãng trí, về bản chất, là những khối gỗ và tấm ván đã cắt đứt quan hệ với cái cây đã cho chúng sự sống. Cưa và rìu có toàn quyền kiểm soát và tạo hình chúng trong tương lai.

Đối với chúng ta, những người đã thêm vào cuộc sống một chút ý nghĩa bởi tình yêu dành cho văn học, những người dành cả cuộc đời cho Hán tự; với các sinh viên thạc sĩ của HKUST hiện đang theo dõi trực tuyến, và đương nhiên là gồm cả những học giả đã tốt nghiệp hoặc vẫn đang theo học lớp sáng tác của trường Đại học Nhân dân Trung Quốc – nếu chúng ta cũng từ bỏ kí ức về máu và sự sống, việc sáng tác còn có ý nghĩa gì? Giá trị của văn chương là gì? Tại sao xã hội cần các tác gia? Những tác phẩm sáng tác với sự cần mẫn và tâm huyết liệu có khác gì những con rối do người khác nắm quyền kiểm soát? Nếu phóng viên không báo cáo trung thực những gì họ chứng kiến, và các tác giả không viết về ký ức và cảm xúc của họ; nếu con người trong xã hội, những người biết nói và biết cách nói, mà chỉ luôn luôn kể lại, đọc và tuyên bố những điều đúng đắn rập khuôn chính trị thì còn ai có thể cho chúng ta biết sống trên đời này còn có ý nghĩa gì?

Hãy tưởng tượng: tác giả Phương Phương không tồn tại ở Vũ Hán ngày nay. Cô không lưu giữ và không ghi lại kí ức và cảm xúc cá nhân của mình. Cũng không có hàng ngàn người, những người giống như Phương Phương, phát ra những tiếng kêu cầu viện thông qua điện thoại di động. Chúng ta còn nghe thấy điều gì? Chúng ta sẽ còn nhìn thấy gì?

Kí ức của người bình thường, giữa dòng chảy lớn của thời đại, thường bị đối xử như bọt biển, như ngọn sóng và như thanh âm thừa thãi bị thời đại xóa sạch hoặc bất cẩn ném sang một bên, làm chúng im lặng bằng giọng nói và bằng lời nói, như thể chúng không bao giờ tồn tại. Than ôi, mỗi thời đại trôi qua, mọi thứ lại chìm vào quên lãng. Máu và thịt, xác và hồn lại biến mất. Tất cả đều ổn và điểm tựa nhỏ bé của sự thật có thể nâng đỡ cả thế giới đã bị diệt vong. Như vậy, lịch sử nay biến thành tập hợp các truyền thuyết, của những câu chuyện đã mất và được tưởng tượng ra, tất cả là vô căn cứ. Từ quan điểm này, điều quan trọng là chúng ta có thể nhớ và sở hữu những ký ức của riêng ta, chưa hề bị sửa đổi hay xóa bỏ. Đó là sự chắc chắn và bằng chứng tối thiểu mà ta có thể cung cấp khi chúng ta nói lên sự thật. Điều đó đặc biệt quan trọng với sinh viên lớp sáng tác này. Phần lớn chúng ta ở đây được định sẵn là sẽ cống hiến cuộc đời mình cho sự nghiệp sáng tác, tìm kiếm chân lý và sống như một con người thông qua kí ức. Nếu có một ngày mà ngay cả những người như chúng ta mất đi tính xác thực và lượng ký ức đáng thương đó, liệu có còn sự xác thực về lịch sử cá nhân và lịch sử trên thế giới?

Trên thực tế, ngay cả khi khả năng ghi nhớ và ký ức của chúng ta không thể thay đổi thế giới hay thực tại, ít nhất nó cũng có thể giúp chúng ta nhận ra rằng có gì đó không ổn khi chúng ta đối mặt với “sự thật” tập quyền và được chỉnh lý. Từ nội tâm ta sẽ phát ra tiếng nói nhỏ bé: “Điều đó không đúng!” Ít nhất, trước khi bước ngoặt của dịch bệnh thật sự bùng phát, chúng ta vẫn có thể nghe và nhớ đến tiếng khóc than thương tâm của cá nhân, gia đình và những kẻ bên lề, giữa hàng hà những bài ca khải hoàn hân hoan chói tai.

Kí ức không thể thay đổi thế giới, nhưng nó mang cho ta một trái tim chân thật.

Dẫu kí ức không thể trao cho ta sức mạnh để thay đổi thực tại, ít nhất nó có thể đặt ra những lời tự vấn khi một lời nói dối xuất hiện. Nếu có một kế hoạch Đại nhảy vọt khác xuất hiện vào một ngày nào đó và mọi người quay trở lại sử dụng lò nung ở sân sau, thì ít nhất có thể thuyết phục chúng ta rằng cát sẽ không biến thành sắt, và một mu (một đơn vị đo lường, xấp xỉ 667 mét vuông) hoa màu sẽ không nặng bằng 100.000 cân (một đơn vị đo lường của Trung Quốc, xấp xỉ 600 gam). Ít nhất chúng ta sẽ biết rằng đây là thường thức cơ bản nhất, và không phải phép màu ý thức nào đó tạo ra vật chất, hay không khí tạo ra thức ăn. Nếu có một cuộc Cách mạng văn hóa nào đó khác, ít nhất chúng ta sẽ có thể đảm bảo rằng chúng ta sẽ không đưa cha mẹ vào tù hoặc lên máy chém.

Các sinh viên thân mến của tôi, tất cả chúng ta là các sinh viên nghệ thuật, những người có lẽ sẽ dành cả đời để đối mặt với thực tế và ký ức thông qua ngôn ngữ. Chúng ta đừng nói về những ký ức tập thể, ký ức quốc gia, hay những ký ức về dân tộc của chúng ta, mà là của bản thân ta; vì trong lịch sử, những ký ức dân tộc và tập thể luôn che đậy và thay đổi ký ức của chính chúng ta. Ngày nay, tại thời điểm hiện tại, khi Covid-19 vẫn còn rất lâu mới trở thành ký ức, chúng ta đã có thể nghe thấy những bài hát chiến thắng và tiếng ca chiến thắng vang dội từ khắp nơi xung quanh chúng ta. Vì điều này, tôi hy vọng rằng mỗi người trong các bạn, và tất cả chúng ta, những người đã trải qua dịch Covid-19 thảm khốc sẽ trở thành những người ghi nhớ, những người lấy được ký ức từ ký ức.

Trong tương lai gần có thể dự đoán được, khi quốc gia ăn mừng chiến thắng trước trận chiến quốc gia chống lại Covid-19 với nhạc điệu và lời ca, tôi hy vọng rằng chúng ta sẽ không trở thành những nhà văn ruột rỗng chỉ phát ra những tiếng vang mù quáng, mà là những người đơn giản sống đúng với ký ức của chính mình. Khi buổi biểu diễn hoành tráng ấy diễn ra, tôi hy vọng rằng chúng ta sẽ không phải là một trong những diễn viên hay người kể chuyện trên sân khấu hay là một trong những người vỗ tay vì là một phần của buổi diễn. Tôi hy vọng rằng chúng ta sẽ là những người dè dặt và tuyệt vọng đứng ở góc xa nhất của sân khấu, lặng lẽ nhìn sau màn nước mắt. Nếu tài năng, lòng can đảm và sức mạnh tinh thần của chúng ta không thể biến chúng ta thành một nhà văn như Phương Phương, thì có lẽ chúng ta vẫn sẽ không nằm trong số những người lên tiếng nghi ngờ và chế giễu Phương Phương. Khi mọi việc cuối cùng cũng trở lại trạng thái êm đềm và thịnh vượng, phủ rợp trong lời ca, nếu chúng ta không thể lớn tiếng đặt câu hỏi về nguồn gốc và sự lan truyền của Covid-19, thì chúng ta có thể nhẹ nhàng lẩm bẩm và ngân nga, vì đó cũng là để biểu lộ lương tâm của chúng ta và lòng can đảm. Viết những bài thơ sau thời kỳ trại tập trung Auschwitz thực sự là man rợ, nhưng còn man rợ hơn nếu chúng ta chỉ đơn giản chọn cách quên nó trong lời nói, trong các cuộc trò chuyện và trong ký ức – điều đó thực sự man rợ và kinh khủng hơn nhiều.

“…tôi hy vọng rằng chúng ta sẽ không trở thành những nhà văn ruột rỗng chỉ phát ra những tiếng vang mù quáng, mà là những người đơn giản sống đúng với ký ức của chính mình.”

Nếu chúng ta không thể là một người cảnh báo về dịch bệnh như Lý Văn Lượng, thì ít nhất chúng ta hãy là người biết lắng nghe sự cảnh báo đó.

Nếu chúng ta không thể nói lớn tiếng, thì chúng ta hãy thì thầm. Nếu chúng ta không thể thì thầm, thì chúng ta hãy là những người im lặng có ký ức. Trải qua sự khởi đầu, tấn công và lan rộng của Covid-19, chúng ta hãy là những người âm thầm bước sang một bên khi đám đông đoàn kết hát bài ca chiến thắng sau trận chiến thành công – những người có mộ trong lòng, với những ký ức khắc sâu trong họ; những người nhớ và một ngày nào đó có thể truyền lại những ký ức này cho thế hệ tương lai của chúng ta.

Hết.

Vũ Phương Thùy dịch.

Bài viết gốc được thực hiện bởi Diêm Liên Khoa (Yan Lianke), đăng tại Literary Hub.


Bài viết có thể bạn sẽ thích



Chuyện người cầm bút

Kazuo Ishiguro: “Tôi chưa bao giờ là một nhà viết văn xuôi vĩ đại”

Nhân kỉ niệm 20 năm ra mắt tiểu thuyết Mãi đừng xa tôi, tác giả đoạt giải Nobel Văn chương người Anh gốc Nhật Kazuo Ishiguro đã nói về vai trò của nhà văn trong thế giới hậu sự thật, và lý do tại sao ông “không phải là một nhà viết văn xuôi vĩ đại”.

Published

on

Bán chạy vì giống tiểu thuyết Young Adult

40 năm qua, Ishiguro là một trong những cây viết được đánh giá cao qua hàng chục tiểu thuyết, nhưng có lẽ không cuốn sách nào được yêu thích và nổi tiếng hơn cuốn sách thứ 6 Mãi đừng xa tôi. Nó bán chạy hơn bất kì tác phẩm nào khác trong văn nghiệp ông, đồng thời cũng được chuyển thể thành phim điện ảnh lẫn kịch sân khấu.  

Vẫn tìm được độc giả mới sau 20 năm xuất bản, cuốn tiểu thuyết này được Ishiguro ghi nhận là đã khởi đầu cho một chuỗi ngẫm nghĩ và định hình nên những tác phẩm tiếp theo như Người khổng lồ ngủ quên hay Klara và mặt trời sau này. Ông cho biết bộ 3 tác phẩm đều xoay quanh một sự thật cơ bản và không thể tránh khỏi là tất cả chúng ta đều sẽ chết, nhưng ta hiện sống như thể không bao giờ chết.

Xuất phát từ góc nhìn này, Mãi đừng xa tôi lấy bối cảnh một xã hội giả tưởng nơi trẻ em được nhân bản vô tính để cung cấp các cơ quan khỏe mạnh nhằm kéo dài cuộc sống cho người khác. Sau 2 hay 3 lần hiến không tự nguyện, những đứa trẻ sẽ hoàn thanh xong sứ mệnh và chết đi. Nhưng cũng có tin đồn rằng trong một số trường hợp nếu chứng minh được bản thân đang yêu, thì chúng sẽ được phép sống.

Chính niềm tin vô căn cứ này rằng đã tạo nên mạch vận động chính cho cuốn tiểu thuyết. Ishiguro giải thích: “Chúng ta dường như không bao giờ chấp nhận số phận và luôn khao khát tìm ra lối thoát đặc biệt. Tôi nghĩ điều đó không phải vì ta cứ muốn sống mãi, mà bởi chúng ta không muốn đối mặt với nỗi đau, nỗi buồn và sự cô đơn đi kèm cái chết. Chúng ta sợ mất đi những người thân yêu. Chúng ta sợ sự chia ly.”

Tựa đề cuốn tiểu thuyết là một bài hát mà người kể chuyện, Kathy H, phát đi phát lại trong thời gian cô ở trường nội trú Hailsham của những người nhân bản. Nó vừa là một hiện hữu vật lí dưới dạng cuộn băng cassette bị mất, vừa là lá bùa hộ mệnh - một biểu tượng của thời điểm trước khi cô biết cuộc sống của mình và của những người bạn như Tommy và Ruth sẽ phát triển như thế nào. Ishiguro đã sáng tác ra bài hát, sau đó được người bạn và cộng sự của ông - ca nhạc sĩ dòng jazz Stacey Kent thu âm. 

Mãi đừng xa tôi đã trải qua một thời kỳ thai nghén dài và chỉ tồn tại như những suy nghĩ và ghi chép về một nhóm sinh viên có tuổi thọ khác biệt rõ rệt so với những người cùng trang lứa – có lẽ cũng tương tự như tác hại của một thảm họa hạt nhân gây ra. Bước đột phá đến thông qua sự kết hợp của các yếu tố bên ngoài và thời điểm: sự quan tâm của xã hội đối với những lợi ích và nguy cơ tiềm ẩn của nhân bản trong giai đoạn mà hình ảnh chú cừu Dolly liên tục xuất hiện. 

Nói về điều này, Ishiguro cho biết: “Tôi cho phép bản thân sử dụng những gì mà theo truyền thống có thể được coi là phép ẩn dụ. Đó không phải vì tôi quá dũng cảm để tạo ra lối đi mới hay gì cả. Tôi nghĩ bầu không khí xung quanh thay đổi là nguyên nhân chính cho điều này, bởi thế hệ nhà văn tiếp sau - những người trẻ hơn tôi khoảng 15 tuổi như David Mitchell hoặc Alex Garland chẳng hạn – lại thấy nó không có gì kì lạ. Họ lấy cảm hứng từ đủ mọi nơi và tôi thực sự thích tác phẩm của họ.”

Thế hệ đề cao sáng tạo

Bên cạnh sự đột phá về thể loại là tiểu thuyết khoa học viễn tưởng phản địa đàng, Ishiguro từ đó cũng phát hiện ra một thể loại mới. Theo đó, lượng độc giả của Mãi đừng xa tôi đã vượt xa các tiểu thuyết khác của ông, bao gồm cả Tàn ngày để lại, và từ đó thu hút nhiều độc giả hơn đến các buổi đọc sách. Ông cho biết: "Tôi nghĩ một trong những lý do khiến tác phẩm này nổi bật vì nó giống như một cuốn sách YA trước khi thể loại này trở thành loại sách rất được yêu thích. Nó không nhất thiết dành cho những người trẻ tuổi, nhưng nó có rất nhiều thứ mà bây giờ đã trở thành đặc trưng của dòng chảy này: những đứa trẻ ở trường, các cảm xúc phức tạp, sự đố kỵ, tranh giành, nông nổi... Tôi nghĩ đó là một phần lý do khiến Mãi đừng xa tôi tiếp tục tìm được lượng độc giả mới."

Ông nói điều này khiến cho bản thân cảm thấy thú vị, khi nó dường như tách khỏi dòng chung là các tiểu thuyết văn chương xuất hiện trước những năm 1990 để thuộc về thế hệ mới là những tên tuổi ông được đặt cùng trong danh sách Granta's Best of Young British Novelists năm 1983, gồm Martin Amis, Salman Rushdie, Julian Barnes và Pat Barker. Ở giai đoạn đó, ông chia sẻ, “Chúng tôi tuy lạ lẫm với giới xuất bản khi đó nhưng khá tự hào vì mình là những người sáng tác văn chương thực thụ và hiểu giá trị của văn chương”. Khi được hỏi vì sao Doris Lessing cũng viết một cách linh hoạt rất nhiều thể loại nhưng không bị coi nhẹ, Ishirguro nói: “Chà, tôi cho rằng bà ấy chẳng quan tâm cải tiến, đổi mới gì đâu! Bà ấy chỉ đuổi theo trí tưởng tượng của mình mà thôi. Margaret Atwood cũng vậy nhưng thuộc thời này. Ý tôi là, những người này, họ không quan tâm đến kiểu sứ mệnh xây dựng một trào lưu mới”.

Nhưng khi bối cảnh văn học bắt đầu thay đổi, Ishiguro đã ở vị trí thuận lợi, xét về mặt ảnh hưởng và tính khí, để tận dụng lợi thế từ sự “nới lỏng của các dây buộc”. Ông đã đọc và sáng tác truyện tranh dẫu trước đó còn tương đối mơ hồ về thuật ngữ "tiểu thuyết đồ họa", nhưng niềm đam mê âm nhạc và phim ảnh suốt đời đã mang đến cho ông một góc nhìn khác về ý tưởng kết hợp các phong cách viết và thể loại. Người ông hâm mộ gồm Bob Dylan, Miles Davis, Picasso cũng như Stanley Kubrick trong điện ảnh.

"Tôi chưa bao giờ là một nhà viết văn xuôi vĩ đại"

Mặc dù nhiệt tình đón nhận dòng chảy của các thể loại và phong cách mới, nhưng Ishiguro vẫn kiên quyết một cách đáng kinh ngạc về những hạn chế của mình. Khi nói về sở thích của ông đối với câu chuyện kể ngôi thứ nhất và cam kết tạo ra những giọng nói đặc biệt sẽ thiết lập nên tông điệu và nội dung cho các tiểu thuyết của mình, ông đã đưa ra một tuyên bố thẳng thừng: "Tôi chưa bao giờ là một nhà viết văn xuôi vĩ đại cả". Ông giải thích thêm “Đôi khi tôi đọc nhiều cuốn sách mà bản thân thấy kinh ngạc trước vẻ đẹp của thứ văn xuôi được in ở đó. Tôi chẳng thể nào viết ra được chúng”.

Nói về trách nhiệm của mình với tư cách một nhà văn, Ishiguro cho biết: “Tôi khá hoài nghi sức mạnh khơi gợi cảm xúc ở người đọc mà người ta hay ngợi ca tôi, hay Uỷ ban Nobel đã từng trích dẫn khi gọi tên tôi. Sách của tôi không cho độc giả biết thêm điều gì. Nếu họ muốn biết về các sự kiện, thì chẳng phải đã có các sử gia ở đó rồi sao?” Nhưng trong vài năm trở lại đây, ông ngày càng lo ngại rằng việc khơi dậy những phản ứng cảm xúc mạnh mẽ có một chiều hướng đen tối hơn nhiều, khi chúng bị lợi dụng cho những múc đích khác nhau.

Ông nói thêm: “AI sẽ trở nên rất giỏi trong việc điều khiển cảm xúc. Tôi nghĩ chúng ta đang ở bờ vực của điều đó. Hiện tại, chúng ta chỉ nghĩ đến việc AI xử lý dữ liệu hoặc làm gì đó khô khan. Nhưng rất sớm thôi, AI sẽ có thể tìm ra cách tạo ra một số loại cảm xúc nhất định ở con người - tức giận, buồn bã, cười đùa.” Cũng vì AI có khả năng cũng sẽ có tác động đáng kể đến nghệ thuật sáng tạo nên Ishiguro gần đây đã kêu gọi chính phủ Anh bảo vệ tác phẩm của các nhà văn và nghệ sĩ khỏi sự săn mồi của các tập đoàn công nghệ, mô tả kỷ nguyên hiện tại là “khoảnh khắc ngã ba đường”.

Đối mặt với câu hỏi rằng trong một xã hội hậu sự thật được hỗ trợ bởi AI và thuật toán, liệu tiểu thuyết có đủ sức gây ấn tượng về mặt cảm xúc không? Ông trả lời: “Nếu tôi triển khai công nghệ đó để phục vụ một chính trị gia hoặc một tập đoàn lớn muốn bán dược phẩm, bạn sẽ không nghĩ đó là điều gì đáng chú ý cả. Nhưng nếu dùng nó để mà kể chuyện, thì nó sẽ được đánh giá rất cao. Chính nó khiến tôi ngày càng cảm thấy không thoải mái, bởi tôi chưa được khen ngợi về phong cách đáng kinh ngạc hoặc vì tiểu thuyết của mình giúp vạch trần những bất công lớn trên thế giới. Thay vào đó tôi được khen ngợi vì làm cho mọi người khóc”. Ông cười lớn và sau đó nói: “Họ đã trao cho tôi Nobel Văn chương chỉ vì điều đó”.

Ngô Minh dịch từ The Guardian

Đọc bài viết

Chuyện người cầm bút

Băng: Hành trình lạc lối trong thế giới hậu tận thế

Published

on

By

Tiểu thuyết Băng của tác giả Anna Kavan là một câu chuyện giả tưởng độc đáo, kể về mối tình tay ba tuyệt vọng đan xen với bối cảnh hậu tận thế ảm đạm do thảm họa sinh thái và chính trị gây ra.

Băng không tuân theo lối kể chuyện truyền thống. Thay vào đó, Kavan sử dụng nhiều hình ảnh ẩn dụ và biểu tượng để dẫn dắt người đọc vào thế giới nội tâm của các nhân vật. Cuốn sách mang đến cho người đọc trải nghiệm đầy ám ảnh, khơi gợi những suy tư về bản chất con người và tương lai của thế giới. Để giúp độc giả hiểu rõ hơn về Băng, Bookish đã có cuộc phỏng vấn với Tâm Anh – dịch giả của quyển sách. 

Băng là một tác phẩm không viết theo lối tuyến tính thông thường. Điều này có khiến bạn gặp phải khó khăn nào trong quá trình dịch tác phẩm sang tiếng Việt không? Nếu có thì bạn đã vượt qua được bằng cách nào?

Khó khăn lớn nhất là ban đầu chính mình cũng thấy tương đối hoang mang, không nắm bắt được câu chuyện. Đến khoảng một phần ba sách rồi nhưng mình không thực sự hiểu tác giả muốn nói về điều gì. Thật tình cờ, khoảng thời gian ấy mình tham dự một buổi giao lưu trực tuyến với dịch giả Trần Nguyên của tác phẩm Bà Dalloway. Trong phần thảo luận, dịch giả An Lý đặt một câu hỏi liên quan đến bút pháp unreliable narrator, tạm dịch là người kể chuyện không đáng tin cậy. Lần đầu tiên mình nghe thấy khái niệm này, nhưng không cần viện đến định nghĩa hay tra cứu thêm, ngay khoảnh khắc đó trong đầu mình như reo vang “Eureka!” Đây chính là cách mình tiếp cận phần còn lại của tác phẩm. Mình không còn quá áp lực chú tâm vào việc lần theo một cốt truyện mạch lạc, mà tự đặt mình vào vị trí người lắng nghe một câu chuyện mơ hồ, đứt quãng, không nhân quả, không đầu cuối của nhân vật tường thuật dường như đã đạt đến đỉnh cao của thuật thao túng tâm lý ở chỗ anh ta đánh lừa được cả chính bản thân. Từ đây, mình đọc hiểu tác phẩm dễ dàng hơn và cảm giác thoải mái hơn với việc chuyển ngữ sang tiếng Việt. Dĩ nhiên đây chỉ là cách tiếp cận tác phẩm của riêng mình, và mình chắc chắn rằng còn rất nhiều cách phân tích Băng khác không chỉ của các nhà phê bình, nghiên cứu mà của từng độc giả. Nhưng điều mình đúc kết được là người dịch cần hiểu và có cảm giác thân thuộc với tác phẩm. 

Trong bức tranh hậu tận thế mà tác giả đã khắc họa, điều gì khiến bạn cảm thấy ấn tượng nhất? Đồng thời, có điều gì khiến bạn cảm thấy gần gũi với bối cảnh hiện đại ngày nay và lo sợ rằng viễn cảnh trong Băng cũng sẽ sớm xảy đến với nhân loại không?

Mình rất thích những đoạn mô tả “băng” trong tác phẩm, đây dường như là một nhân vật còn sinh động hơn “cô gái”. Tuy nhiên hiện tượng băng tràn đi khắp nơi có lẽ trái ngược với biến đổi khí hậu ngày nay – ấm lên toàn cầu dẫn đến băng tan. Dẫu vậy, mình nghĩ chi tiết này trong sách và tình trạng biến đổi khí hậu thực tế chia sẻ nhiều điểm chung: tác động quy mô toàn cầu và sức ảnh hưởng đến mọi người, không ai tránh được, song chịu thiệt thòi nhất sẽ là những nhóm người yếu thế. Mình nghĩ tác giả cố tình chọn chi tiết ngược với thực tế để câu chuyện không bị trói buộc trong lớp nghĩa duy nhất về biến đổi khí hậu mà đa tầng nghĩa, giàu tính khái quát hơn.

Có lẽ viễn cảnh trong Băng sẽ không xảy ra, ít nhất là trong tương lai gần. Nhưng mình lo lắng rằng chúng ta sẽ không hành động kịp thời để ngăn chặn các thảm họa khí hậu mà khoa học đã cảnh báo nhiều thập kỷ qua.

Bạn tâm đắc nhất điều gì về văn phong của Anna Kavan, cũng như cách tác giả xây dựng câu chuyện?

Mình có cảm giác gắn bó và kết nối kỳ lạ với “cô gái” – nhân vật nữ được kể từ góc nhìn của người nam. Mình nghĩ ngôi kể và góc nhìn này đã khắc họa rất tốt cái theo mình cảm nhận là tính nam độc hại. Không khí vô định mất phương hướng ban đầu khiến mình chật vật về sau khi nghĩ lại, chính là điểm khiến cho tác phẩm hấp dẫn đối với mình – chỉ trong những lần đọc đi đọc lại và suy ngẫm về sau, mình mới càng hiểu hơn những điều mà trước đó chưa mảy may thoáng qua tâm trí mình.

Dịch giả Tâm Anh

Việc câu chuyện này không có một nhân vật nào được đặt tên mang lại cho bạn cảm giác gì khi dịch?

Cũng như lối kể không tuyến tính, đó là cảm giác mơ hồ mất định hướng. Và mình nghĩ đây là chủ đích của tác giả. Một người bạn của mình gần đây đọc sách cũng nói đến điểm này, và rằng bạn ấy cảm nhận như thể có hai nhân vật hóa ra chính là một (các bạn đọc sẽ rõ mình sợ tiết lộ mất).

Bạn có gặp phải những từ hoặc cụm từ nào trong bản gốc khiến bạn cân nhắc rất kỹ lưỡng khi dịch không? Ví dụ, có cụm từ hay câu văn nào có thể hiểu theo nhiều nghĩa hay không?

Có một điểm là xuyên suốt cuốn sách tác giả dùng rất nhiều tính từ “white” – trắng, tuy nhiên nếu chỉ dịch đơn thuần là “trắng” trong tiếng Việt thì đôi khi vừa không nhịp nhàng, thuận tai, lại vừa như thiếu đi nét nghĩa nào đó. Do đó trong một số trường hợp mình có cân nhắc và mượn đến một số sắc thái trắng trong tiếng Việt mà mình nghĩ là phù hợp để dịch tính từ “white”. Còn về cụm từ làm khó mình thì cũng có kha khá, đa số mình đều tham khảo nhiều từ điển Anh-Anh lẫn Anh-Việt để tìm nét nghĩa tương đương nhất. Rất nhiều chỗ tra theo từng từ đơn lẻ sẽ bị sai nghĩa, vì phải tra cứu đúng cả cụm từ (ngữ) mới ra nghĩa chính xác.

Một chia sẻ thực lòng là dịch cuốn này mình còn rất non tay nên bản dịch sau cuối trên tay độc giả hiện nay cũng có sự trợ giúp biên tập, hiệu đính của một dịch giả uy tín. Bản thân mình trong quá trình dịch đã tự học được rất nhiều và khi đối chiếu với bản thảo dịch đã biên tập lại càng học thêm được nhiều điều hơn. Mình hy vọng nhờ được biên tập kỹ lưỡng như vậy nên cuốn sách xuất bản là một bản dịch trọn vẹn, hoàn thiện, cho độc giả một trải nghiệm đọc xứng đáng.

Bạn có lời nhắn nhủ nào cho những ai muốn đọc/ sắp sửa đọc tác phẩm này không? Chẳng hạn như, trước khi đọc cần phải chuẩn bị một tâm thế ra sao để việc thưởng thức tác phẩm được diễn ra trọn vẹn nhất?

Mình nghĩ với hầu hết các tác phẩm chứ không riêng gì Băng, ta có thể cứ thế bắt đầu đọc và thả mình theo câu chuyện, nếu cần tra cứu thông tin bổ trợ thì tìm kiếm thêm sau. Tuy nhiên nếu cảm giác đọc mà hoang mang không hiểu, không nắm bắt được, mình thường sẽ tìm đến các bài viết, thường là các bình luận trên The New Yorker, The New York Times hoặc một trang gần gũi hơn, tổng hợp nhiều ý kiến như Goodreads, đọc qua một số ý chính về cách tiếp cận tác phẩm, sau đó thử áp dụng vào cuốn sách mình đang đọc. Với riêng Băng, mình nghĩ các bạn đừng quá chú trọng đến cốt truyện hay một thông điệp nào. Mình cảm giác chỉ đến khi đọc xong và ngẫm lại, đọc đi đọc lại nhiều lần nữa, trong mình mới ngờ ngợ được những gì tác giả muốn nói (với một độc giả là mình, còn với người khác có lẽ bà lại nói điều khác).

Cảm ơn Tâm Anh vì đã mang đến cho Bookish một buổi trò chuyện ý nghĩa. Chúc bạn luôn thành công và gặt hái nhiều thành tựu trong tương lai.

Đọc bài viết

Chuyện người cầm bút

Tokyo và em – Khi cánh hoa anh đào rơi: Biến mất cũng có thể là một điều rất đẹp

Published

on

By

Nhà văn Nguyễn Hoàng Mai vừa ra mắt bạn đọc tập truyện ngắn Tokyo và em – Khi cánh hoa anh đào rơi về chủ đề tình yêu và những nỗi trăn trở của người trẻ. Tác phẩm tạo nên sức hút riêng với lối văn trầm tĩnh, sâu lắng. Bookish đã có cuộc trò chuyện cùng nhà văn để giúp bạn đọc hiểu hơn về tác phẩm này.

Nguyễn Hoàng Mai là tác giả của hai tác phẩm đầy cảm xúc về tuổi trẻ: Đung đưa trên những đám mây (tiểu thuyết, 2018), Bây giờ mình đi đâu (tập truyện ngắn, 2019). Bên cạnh đó, cô còn là đồng dịch giả của tác phẩm nghiên cứu Sứ đoàn Iwakura viết về chuyến du khảo nhằm canh tân Nhật Bản thời Minh Trị, vừa được Phương Nam Book phát hành trong năm 2023.

Năm 2023 vừa qua có vẻ là một năm bội thu trong lĩnh vực văn chương với Mai. Bạn vừa ra mắt tác phẩm đồng dịch thuật là Sứ đoàn Iwakura vào tháng 7 thì đến cuối năm lại ra mắt tập truyện ngắn Tokyo và em – Khi cánh hoa anh đào rơi vào ngày có số đôi đặc biệt là 12.12. Được biết, công việc của Mai ở Nhật cũng rất bận rộn; vậy bạn thu xếp thời gian ra sao để vẫn có thể vừa làm việc vừa sáng tác với năng lượng dồi dào như thế?

Thật ra hai tác phẩm được ra mắt vào năm nay Sứ đoàn Iwakura và tập truyện ngắn Tokyo và em – Khi cánh hoa anh đào rơi đều là quả muộn của quá trình viết lách từ rất nhiều năm về trước. Việc tác phẩm ra mắt vào ngày có số đôi 12.12 tuy ngẫu nhiên nhưng trở thành điểm trùng hợp khá thú vị. Trong thời gian tôi viết Tokyo và em – Khi cánh hoa anh đào rơi có những cột mốc đều gắn với con gắn liền với con số 12. Sau này tìm hiểu thì tôi mới biết khái niệm về “con số thiên thần” (Angel Number) 1212 nhằm mục đích dẫn lối đến sự mạnh mẽ dấn thân, tiến tới sự trưởng thành trong tâm thức, để sau này khi đối mặt với những sóng gió kinh khủng nhất cũng không thể làm bản thân gục ngã.

Công việc và cuộc sống ở Nhật cũng khá nhanh và bận rộn nhưng tôi luôn tìm kiếm một khoảng trời riêng, để tự do viết nên thế giới qua những trải nghiệm của chính mình. Thực ra quá trình viết cũng là quá trình tôi tự đối mặt với cảm xúc của mình, tìm ra con đường hướng tới sự an lành, bình yên trong tâm trí.

Nhân vật Mimi đã biến mất trong tiểu thuyết Đung đưa trên những đám mây, và trong tập truyện ngắn Tokyo và em – Khi cánh hoa anh đào rơi vừa ra mắt của bạn cũng có rất nhiều nhân vật biến mất. Tại sao Mai không cho họ hiện hữu lâu hơn?

Thời gian viết tập truyện, tôi đã gặp một cô gái – có thể gọi là nàng thơ cũng được – người lúc nào cũng nói về sự biến mất của chính mình. Điều đó làm tôi suy nghĩ, ngẫu nhiên cũng đã chạm vào những điều trong tâm tư của chính tôi. Một người lúc nào cũng suy nghĩ sự biến mất có lẽ luôn luôn chiêm nghiệm về sự tồn tại của mình. Có lẽ họ là những người mà đã nếm trải quá nhiều về sự vô thường trong kiếp người, và cảm giác mất mát lần lượt những thứ quan trọng trong đời.

Nhân vật người mẫu Mộc Anh mang nhiều mâu thuẫn, vừa dự cảm được vừa rất sợ sự biến mất. Nhân vật tôi đã cho cô ấy thấy biến mất cũng có thể rất đẹp, không cần phải quá sợ hãi, vì cô ấy luôn có người một người hiểu mình ở bên cạnh. Biến mất cũng có thể hiểu về cách hình dung đến cái chết. Hành trình sống của mỗi người là hành trình đi về cái chết. Nghe có vẻ bi quan nhưng có lẽ, ai cũng phải đối mặt với cái chết – sự thật này – dù sớm hay muộn. Suy nghĩ về thời gian sống còn lại, giúp người ta có thể sống một cách đam mê, dũng cảm, chân thành hơn.

Vì biết chắc một ngày nào đó, mình sẽ biến mất nên có thể sống một cách rực rỡ. Mộc Anh là một nhân vật luôn phải đấu tranh giữa những cám dỗ cuộc sống phồn hoa, nhưng một ngày cô ấy đã thức tỉnh tìm đến Tokyo – vùng đất mà cô tin mình có thể được chữa lành. Thời khắc những cánh hoa anh đào rơi trở thành điều kỳ diệu, một khoảnh khắc cũng có thể trở nên vĩnh hằng trong tâm trí những người trẻ mơ mộng ấy.

Những truyện ngắn trong Tokyo và em – Khi cánh hoa anh đào rơi lấy bối cảnh trải dài khắp các tỉnh thành ở nước Nhật. Bạn đã thực sự đi qua hết những địa điểm đề cập trong sách hay có nơi nào bạn chưa kịp đến và chỉ viết dựa trên sự hứng thú, nghiên cứu về nơi đó không? Trong các địa danh được đề cập trong sách, đâu là những nơi để lại cho Mai nhiều ấn tượng và kỉ niệm sâu sắc nhất?

Nhật Bản là quốc đảo có hình thể trải dài từ Bắc xuống Nam, gần giống như dáng hình của đất nước Việt Nam mình. Mỗi tỉnh thành của xứ sở này lại có những đặc sản riêng, màu sắc thiên nhiên, văn hóa lễ hội riêng biệt. Mỗi tỉnh thành như một nét vẽ, mảng màu kỳ diệu, hài hòa trong bức tranh tổng thể. Khi viết Tokyo và em – Khi cánh hoa anh đào rơi, tôi đã có một chút tham vọng, muốn độc giả chỉ qua những trang sách, những con chữ, vẫn có thể cảm nhận bằng giác quan, hình dung nên những câu chuyện, cảnh sắc, trải nghiệm về những nơi chốn tôi từng đặt chân đến.

Trong những tỉnh thành đó, để lại ấn tượng sâu đậm nhất có lẽ là Tokyo và Kyoto, hai thành phố có vẻ đối lập như những tấm gương phản chiếu cho nhau về lịch sử, văn hóa, phong cảnh, tính cách con người. Nơi chứa đựng nhiều kỷ niệm mang màu sắc cá nhân nhất là Tokyo sôi động, nhiệt huyết, nơi tôi đã trải qua hơn 7 năm tuổi trẻ của chính mình. Nơi lưu giữ một phần trái tim, tâm hồn tôi lại là Kyoto trầm mặc, có khả năng thấm sâu vào lòng người như hơi rượu sake ngày mưa, như những trang sách tuyệt đẹp trong tiểu thuyết Cố Đô của Kawabata Yasunari.

Ở tập truyện ngắn lần này, Mai thể hiện sự trưởng thành khá rõ trong lối viết ở cách chọn bối cảnh và những nghiên cứu kĩ lưỡng về nghề nghiệp của nhân vật được thể hiện qua các chi tiết trong truyện. Bên cạnh đó, Tokyo và em – Khi cánh hoa anh đào rơi còn có sự đa dạng về sắc thái tình yêu và những xu hướng tính dục khác nhau, không chỉ đơn thuần là tình yêu giữa hai người khác giới như nhiều tác phẩm khác trên thị trường hiện nay. Tại sao bạn lại có sự lựa chọn này?

Thông qua chủ đề khá nhạy cảm của giới trẻ là tình dục và giới tính, tôi đã muốn khắc họa sâu hơn gương mặt muôn vẻ của Tình yêu và Thanh Xuân Tuổi trẻ những ngọt ngào, mới mẻ, mơ mộng, đầy khát khao khám phá thế giới.

Về tình yêu, tôi đã luôn hiểu đó là khái niệm diệu kỳ bắt nguồn từ bên trong vẫn luôn ở đấy, nguồn sống bao trùm, tràn ngập thế giới này. Tình yêu luôn thuần khiết, mang năng lượng chữa lành vượt qua những ranh giới như: giới tính, vật chất, tuổi tác, khoảng cách địa lý v.v... Tôi đã nghĩ như vậy, muốn đem thông điệp đó vào tác phẩm của mình. Chúng ta luôn có vô vàn tình yêu trong trái tim mình. Chúng ta có bản năng yêu thương, có thể cho đi tình yêu vô điều kiện miễn là trước tiên chúng ta biết chấp nhận và yêu thương bản thân vô điều kiện. Sau khi trải qua những tháng năm tuổi trẻ ở cả Việt Nam và xứ sở Mặt Trời Mọc, tôi đã suy nghĩ, chiêm nghiệm như vậy.

Sau tập truyện ngắn Tokyo và em – Khi cánh hoa anh đào rơi, trong năm 2024, Mai có ấp ủ những dự định sáng tác mới nào không?

Giai đoạn này, tôi vẫn đang dành thời gian lắng đọng, trau chuốt lại bản thảo tiểu thuyết viết từ năm 21 tuổi. Cùng với đó là dự án kết hợp cùng một ca sĩ nhạc sĩ Gen Z viết cuốn sách về âm nhạc đường phố với bối cảnh là những khu ổ chuột Sài Gòn, một câu chuyện rất thật, khắc họa những nhân vật trẻ, cá tính, nhiều vấp ngã nhưng luôn biết cách đứng lên đầy mạnh mẽ. Với tập truyện này tôi muốn thể nghiệm một chút thay đổi trong phong cách viết, gai góc, hài hước, gần gũi hơn nhưng nếu có thể chạm sâu vào trái tim những người trẻ, gieo trong họ một câu chuyện truyền cảm hứng về sự nỗ lực không ngừng nghỉ, rằng đừng bao giờ ngừng tin tưởng vào bản thân, đừng bao giờ dập tắt ngọn lửa đam mê khi còn trẻ.

Tận sâu trong tôi vẫn còn nhiều nguồn cảm hứng sáng tác, muốn viết thêm về Tokyo, kể những câu chuyện theo những cách khác nhau, nhưng có lẽ theo một tâm thế tỉnh thức hơn.

Cảm ơn Mai đã dành thời gian trò chuyện với Bookish, chúc bạn có một hành trình thật rực rỡ trong năm mới.

Đọc bài viết

Cafe sáng