Cách đây bảy năm, hay sáu năm về trước, tôi không còn nhớ rõ, có lẽ là bảy năm, một người chị đồng nghiệp từng hỏi dạo gần đây tôi có viết gì không, tôi trả lời là tôi không viết gì – tôi không viết gì thật. Hình như vài tháng sau, vẫn là người chị ấy, vẫn là câu hỏi cũ ấy, và vẫn là cùng câu trả lời ấy. Từ nhiều tháng rồi, tôi không viết gì mới, “không tiểu thuyết, cũng chẳng truyện ngắn” – nếu đó là điều chị muốn hỏi. Truyện ngắn lần gần nhất tôi viết ở thời điểm đó là một truyện được viết vào khoảng tháng Ba, năm 2014 – đến lúc câu hỏi ấy được nêu ra lần thứ hai (hoặc có thể chị chỉ hỏi một lần), hình như cũng đã nhiều tháng trôi qua kể từ đó. Có thể tình huống này đã diễn ra vào cuối năm 2014. Tôi không hiểu vì sao chỉ là một câu hỏi và tình huống đơn giản như thế này nhưng cứ khiến tôi thỉnh thoảng nhớ lại những năm về sau.
“Không, ý của chị cũng không phải chỉ là hỏi việc sáng tác thôi không đâu.”
“Dạ, vậy thì cũng không ạ. Ngoài những cái viết cho công ty, em cũng không viết gì khác.”
“Sao vậy? Em không viết cái gì đó vu vơ, tản mạn để giải tỏa cảm xúc sao?”
“Dạ không ạ. Vì em thấy viết cái đó mất thời gian quá. Em muốn dành thời gian thay vì viết như thế để đọc sách sẽ hay hơn. Em còn đọc chậm và ít quá nên muốn đọc nhiều hơn để cải thiện lối viết của mình cho các sáng tác chính.”
“Nhưng vậy cũng không tốt đâu. Chị thấy em căng cứng quá, nghiêm túc quá. Chuyện này không hẳn lúc nào cũng tốt đâu. Đôi khi em cần thả lỏng bản thân một chút. Viết là một công cụ xả stress rất hiệu quả. Nó là một món quà với tất cả người viết chúng mình. Sao lại tự tước đi một công cụ xả stress của mình vậy em? Đôi khi, em đừng đặt đòi hỏi, yêu cầu bản thân mình cao quá. Đừng bắt mình lúc nào cầm bút, gõ máy cũng chỉ là để viết cái gì đó vì công việc hay sáng tác. Em vẫn có thể viết những thứ nhẹ nhàng, đơn giản hơn mà, một bài blog hay một status vu vơ. Nếu cứ như vậy, lâu dần em sẽ stress vì không có cái gì đó viết để xả ra – cũng có thể chính cái này sẽ dẫn đến việc em ngán viết, viết khi đó trở thành một thứ thuần công việc với em. Nhưng, là một người viết, em phải để viết là niềm vui với mình. Nó nên là niềm vui như vốn dĩ mục đích ban đầu khi mình đến với nó, đừng để bị tước mất điều đó sau một thời gian dài làm việc. Một lúc nào đó, em nên viết đơn thuần chỉ để thư giãn thôi.”
Sau lần đó, hình như về sau không còn lần nào chị hỏi tôi câu này nữa.
“Dạo này em có viết gì không?” – là một câu hỏi tôi thường xuyên nghe trong một khoảng thời gian quá dài kể từ lúc bắt đầu viết. Thời còn trẻ, có lẽ vì sức khỏe tốt hơn nhiều hoặc nhận thức về sức khỏe ở thời điểm đó chưa cao như giai đoạn về sau nên tôi vẫn nhớ các anh chị em văn chương khi gặp nhau luôn chào câu cửa miệng là: “Dạo này em có viết gì không?” – câu hỏi ấy thường thay cho lời chào, cho câu hỏi “Dạo này em có khỏe không?”; đôi lúc cả hai câu cùng được hỏi và câu hỏi về sức khỏe lại đi trước nhưng tôi luôn cảm thấy trọng tâm đổ dồn về câu hỏi phía sau, có lẽ người hỏi không có ý đó nhưng tôi lại luôn tự mặc định ngầm như thế. Trên thực tế, không hẳn lúc nào cũng như vậy. Có khi trọng tâm ở câu trước, có khi trọng tâm không ở câu nào cả, chỉ là một sự chào hỏi vu vơ không hơn không kém. Nhưng mỗi khi câu trả lời tôi dành cho câu hỏi về việc viết là “không”, tôi sẽ luôn có cảm giác áy náy: áy náy cho chính mình là lẽ tất nhiên vì tôi vốn từng có nhiều dự định viết mà đến thời điểm được hỏi lại chưa hoàn thành; thế nhưng, tôi lại còn thấy áy náy cho cả người hỏi, áy náy vì tôi nghĩ khi hỏi như thế, họ đã kì vọng vào mình, vậy mà câu trả lời lại là không – trong khi, một lần nữa, rất có thể, đó chỉ là câu hỏi vu vơ, hoặc không phải là họ đã đặt một kì vọng gì vào tôi khi hỏi câu đó. Cũng chính vì thế, trong số lần hiếm hoi tôi có thể nói “có”, tôi cảm thấy nhẹ nhõm và tự hào một chút về mình vì để nói được chữ “có” ấy, đúng là tôi đang viết gì đó thật – tiểu thuyết hoặc truyện ngắn, không phải có nghĩa là viết một cái gì đó để xả stress.
Có lẽ, vì quá xem trọng câu hỏi: “Dạo này em/bạn có viết gì không?”, biết bao năm qua, tôi đã dần tự tích lũy căng thẳng cho chính mình mà không biết. Hầu hết, khi tôi trả lời là “không” thì mọi người đều có những phản ứng giống nhau, đa phần sẽ cười cho qua rồi chuyển sang chủ đề khác vì việc đang không viết một cái gì cả cũng là điều nhẹ nhàng thôi mà, không có gì cần phải xoáy sâu; số còn lại sẽ hỏi lí do tại sao và dù tôi có trả lời lí do như thế nào, họ cũng sẽ quay về như nhóm đầu tiên: chuyển sang chủ đề khác, không có gì cần phải xoáy sâu.
Nhưng ngày hôm ấy, chị khiến tôi ngạc nhiên vì chiều hướng hội thoại lại không đi theo đúng như những gì tôi đã dự định. Tuy cũng chỉ là vài câu nói nhẹ nhàng nhưng tôi có cảm giác chị lo cho vấn đề sức khỏe tinh thần của tôi khi không thể viết một cái gì đó chỉ đơn thuần là để bộc bạch, giãi bày cảm xúc, chị sợ tôi bị stress vì giờ đây viết với tôi chỉ mang mục đích sáng tác và công việc, là cái gì đó cần phải chưng cất sau một thời gian quá lâu bằng việc vây phủ những đầu sách đã đọc chất đống xung quanh thật dày rồi thì mới được xuất chiêu. Có lẽ, với chị viết nên là một việc được nạp vào xả ra tuần tự song song với việc đọc thì sức khỏe tinh thần người viết mới được đảm bảo. Thời điểm 2014 ấy, tôi đã không thấy được tầm quan trọng và chí lí của nhận định này. 2014 là một năm tôi còn quá quá ổn, cả về sức khỏe thể chất lẫn tinh thần, cả năm không bị bệnh vặt, cũng chẳng có bệnh gì nghiêm trọng, tinh thần lại cực kì say sưa học tập, đọc sách, tận hưởng những thú vui. Tôi đã không lo gì về sức khỏe tinh thần của mình khi đó. Và có lẽ, khi chứng kiến một tôi như vậy, mọi người xung quanh lại càng không mảy may nghĩ về vấn đề đó – cả đến tôi còn không nghĩ cơ mà. Ấy thế nhưng, ngay cả từ lúc đó, có lẽ dù chỉ là một chút thắc mắc nho nhỏ và rồi chuyển sang một sự cảnh báo (giờ ngẫm lại tôi nghĩ có khi nó đến từ kinh nghiệm của chính chị cũng nên), chị lại đặt vấn đề về sức khỏe tinh thần của tôi khi tôi không biết cách sử dụng việc viết như một công cụ giúp tôi xả stress.
Vậy là, kể từ khi ngừng viết vào năm 2014 đến nay, tôi đã xả stress bằng cách nào? Câu trả lời đơn giản là đọc sách, xem phim, nghe nhạc, design – và dù tôi rất muốn ghi thêm cả nhiếp ảnh vào danh sách này nhưng đó là một hoạt động được diễn ra quá ít ỏi để có thể liệt vào (vì tôi thích chụp người hơn là chụp cảnh nên ở đây, vấn đề nảy sinh là chuyện này bị phụ thuộc vào cả sự đồng ý của phía bên kia, không do tôi tự quyết được, và cũng không phải lần nào đôi bên đều ăn ý với nhau). Đó cũng là cách hoạt động xả stress thông thường giống mọi người, ở đây tôi không có gì đặc biệt hay khác lạ cả. Nhưng ngoại trừ việc nghe nhạc, hình như ở mỗi một hình thức mà tôi chọn làm giải trí, nó đều tiềm tàng cách thức sai lầm dẫn đến hậu quả ngược hoàn toàn ở mảng đọc sách, và một chút độc hại ở mảng xem phim.
Đầu tiên là đọc sách. Vì suốt một thời gian dài đã xem viết là sự nghiệp theo đuổi, đọc sách nghiễm nhiên cũng trở thành một cái gì đó hết sức nghiêm túc với tôi. Như vậy có nghĩa là, lúc tôi đọc sách, dù ở công ty hay ở nhà, thực chất tôi đâu có được giải trí vì đang xem nó là công việc cơ mà. Nhưng vấn đề là tôi đã nhập nhằng ở đây, vừa xem nó là công việc vừa xem nó là giải trí – cuối cùng tôi đều dở dở ương ương và bị mất cả hai. Nếu đã xem nó là công việc (trên thực tế, nó cũng đã là công việc của tôi trong một tuần năm ngày, một ngày tám tiếng thật), lẽ ra tôi không nên đem việc về nhà vào mỗi tối sau giờ làm, vào mỗi thứ bảy, chủ nhật, các ngày nghỉ lễ, Tết. Nhưng ngẫm lại tôi cũng không trách mình vì đặc thù công việc lại yêu cầu tôi phân biệt sách của công ty và sách dành cho nhu cầu muốn tìm hiểu, rèn luyện kĩ năng viết của riêng bản thân. Tôi chỉ ngồi đọc sách nên hầu như cảm thấy mình chẳng làm gì cả, nhưng có lẽ tâm thức lại đã ngầm xem là mình đang làm việc, mình đang làm việc. Quanh năm suốt tháng, ngoại trừ lúc xem phim và đi học, tôi hầu như chỉ cắm mặt vào bản thảo trên giấy và trên máy tính, có lẽ vì vậy mà việc stress âm thầm gia tăng.
Sau đó là chuyện xem phim. Tôi không còn những hoài bão cao xa trong điện ảnh nữa, chỉ muốn xem phim thuần túy vì sở thích. Lẽ ra sở thích này nên dừng lại ở sự giải trí vừa phải nhưng rốt cuộc, tôi lại bị cuốn theo những top list của người khác, hay top trend mọi người đang theo. Đôi khi, cảm giác ghen tị tại sao người ta xem phim này rồi mà mình chưa xem, cảm giác sợ bị lỡ nhịp một cái gì đó khi hầu như người ta đều đang xem phim thịnh hành này, bàn tán về phim thịnh hành nọ mà mình không xem kịp hóa ra cũng có nhiều lúc khiến tôi khổ sở và dày vò không dứt. Chỉ là xem phim để giải trí thôi mà, tại sao lại ghen tị và hành hạ mình nhiều như thế chỉ để xem. Nhiều lần tôi tự nhủ mình như vậy. Hãy nhẹ nhàng, hãy thả lỏng trong cả vấn đề này nữa. Nhưng rồi tôi cứ quên bài học này và rốt cuộc bây giờ lại đang phải chịu một hậu quả từ nó, đang cố gắng khắc phục.
Lúc đó, hình như tôi cũng nói với chị như thế. Rằng nếu không viết thì tôi vẫn có thể xả stress bằng những hình thức trên, tôi nhất quyết khăng khăng rằng mình nên xem trọng việc viết ở mức không dễ tuôn ra những từ, những chữ chỉ để thành một status, bài note xả stress nữa; với tôi, nó luôn nên là một cái gì đó nghiêm túc, việc viết chỉ có thể xảy ra khi việc đọc đã đủ nhiều. Cũng chính từ đây, có lẽ tôi đã bắt đầu sai lầm của mình trên cương vị một người viết. Tôi tự đặt ra cho mình một nguyên tắc (mà hình như đây cũng không hẳn là nguyên tắc do tôi đặt ra vì quan niệm này, nhiều người trong nghề cũng có): nếu muốn viết một cái gì đó, bất kể là thể loại gì, số sách tôi đọc (bao gồm cả sách xếp vào nhóm bổ trợ kĩ thuật viết và sách tài liệu tìm hiểu về chính chủ đề đó) phải có số lượng ít nhất là gấp ba, bốn lần dung lượng sách tôi định viết. Vì tự đặt cho mình qui tắc này, vào những lúc có thôi thúc viết mãnh liệt một dự án nào đó đã ấp ủ từ lâu, tôi lại gạt phăng ngay cái suy nghĩ đó, tự nhủ mình rằng: “Thôi, chưa viết được. Đợi đọc thêm cuốn A về cái này, B về cái kia, và C để xem văn phong người ta thế nào rồi mới viết sau.” Nhưng kết quả là khi tôi đọc xong A, B, C lại có D, E, F xuất hiện và cứ thế, tiến trình dời việc viết của tôi cứ kéo dài mãi, chớp mắt một cái đã gần tám năm không viết gì (lần cuối cùng viết một tập truyện ngắn là vào tháng Ba, 2014 mà giờ cũng sắp hết năm 2021 rồi nên tôi cứ tính tám năm cho chẵn).
Hệ quả của suy nghĩ “số sách mình đọc phải nhiều gấp trăm lần số sách mình viết” (tôi không phóng đại đâu, nhiều người vẫn hay truyền tụng câu đọc một trăm cuốn sách rồi mới viết một cuốn, vậy chẳng phải là gấp trăm lần còn gì) đã khiến tôi dần lười viết – lười viết một cách thực sự theo nghĩa là giờ đây nghĩ đến chuyện viết nghiêm túc tôi cũng lười chứ đừng nói gì viết xả stress (hình như suy nghĩ hơi bị ngược, lẽ ra phải là viết xả stress cũng lười huống hồ gì là viết nghiêm túc). Lâu dần, tôi lại lấy chuyện đọc sách thành một cái cớ biện minh quá hoàn hảo cho chuyện lười viết, và rồi dẫn đến việc không viết – nó đã mất đi động cơ tươi sáng ban đầu là đọc càng nhiều sách để những gì mình viết càng chất lượng hơn, tốt hơn; khi đi đến mức độ thái quá, nó trở thành thứ tương tự như lí do vắng mặt của người học sinh nhìn trời mưa lâm râm mà xin nghỉ học. Tôi cũng đã suy nghĩ đến chuyện này khoảng ba năm về trước. Vậy thì vấn đề là phải đặt giới hạn cho số lượng mình cần đọc để viết, số lượng này nên cụ thể, không nên chung chung là cả trăm cuốn, và tên sách cũng phải cụ thể, phục vụ cho chính cái dự án mình đang muốn viết (đương nhiên cùng lúc bạn sẽ có nhiều dự án muốn viết và bạn phải hết sức thận trọng ở điểm này). Vì vậy, tôi từng nghĩ mình đã tìm được lối thoát cho cái guồng quay vô tận đọc mãi mà vẫn không thể viết, không dám viết này bằng cách lập danh sách. Cách đây hai năm, tôi quyết tâm không dời nữa mà sẽ chọn một ý tưởng từ nhiều ý tưởng mình đã có sẵn để viết, cẩn thận lập danh sách giới hạn trong khoảng hai mươi cuốn sách hơi nặng đô mà tôi nghĩ rằng mình cần phải đọc trước khi thực hiện dự án đó. Rốt cuộc, cả khi lập danh sách cẩn thận như vậy, còn đặt cả chồng hai mươi cuốn sách đã soạn ra giới hạn đó để trong tầm mắt ngay trước giường ngủ của mình để nhìn thấy nó mỗi đêm, tôi lại vẫn không đọc được cuốn nào trong cả một năm đó. Khi hình dạng hai mươi quyển sách đó lù lù hiện ra trước mắt vào mỗi đêm nằm ngủ, tôi cứ nghĩ nó sẽ cho tôi động lực để sớm đọc xong nó mà viết cái tiểu thuyết tôi đang muốn viết kia. Nhưng hóa ra cách này có lẽ phản tác dụng, từ động lực nó biến thành áp lực: giờ đây, để viết được tiểu thuyết kia vào nhiều lúc khao khát trong lòng tôi mãnh liệt quá, tôi vẫn không được quyền viết ngay vì sẽ phải đọc hết đống sách dày hai mươi quyển đó trước. Thế là sách từ danh sách tôi soạn ra dường như biến thành bức tường ngăn cản, là vật chắn giữa tôi và điều tôi mong muốn. Nhiều lúc, tôi cứ tự nhủ: “Hay là mình cứ viết đi. Mình có sẵn hồi một và hồi ba rồi mà, mình chỉ không biết hồi hai như thế nào thôi. Nhưng có hồi một, nhân vật rồi thì cứ viết đi rồi tính tiếp. Bí ở đâu, gỡ ở đó. Đến lúc viết giữa chừng kẹt thì dừng lại, xoay ra đọc sách tiếp rồi viết sau cũng được mà. Mình đâu thể chuẩn bị sẵn sàng hoàn hảo hết nguyên liệu, các đường đi nước bước cho mọi thứ trước khi bắt tay vào viết được chứ. Cứ viết đi. Kẹt thì dừng, sai thì sửa. Mà viết đi, viết đi.” Không biết bao nhiêu lần tôi tự nhủ mình như thế nhưng rồi bao năm dài chỉ ở bên lề của việc viết bằng cách đọc tác phẩm của người khác, khiến cho cái con người lười biếng nhưng luôn viện cớ cần đọc nhiều hơn viết nhiều trong tôi luôn chiến thắng. Qua một thời gian dài như thế, tôi thực sự chẳng còn khao khát viết mà cũng mất luôn khao khát đọc. Mọi thứ căng cứng giống như một đường dây thần kinh bị viêm và rồi không truyền được chất dinh dưỡng, hay máu huyết đến nơi nó muốn truyền nữa. Thế là tôi bèn ngưng luôn hoạt động của cái dây thần kinh đó, không đụng tới nó nữa, ngót nghét đến nay đã được hai năm. Tôi không ngần ngại mà thành thật thú nhận ở đây rằng đã hai năm rồi tôi hầu như không viết gì, đọc gì. Những tác phẩm nổi bật nào đã được xuất bản trong hai năm qua, tôi gần như cũng không biết. Và tôi cũng hài lòng với sự buông bỏ, sự vô minh này vì đã luôn miệt mài tìm hiểu một lĩnh vực khác mà mình thường ước mơ được làm hồi nhỏ – tôi đã viết về việc này quá nhiều rồi nên không lặp lại ở đây nữa mà chỉ nhắc lướt qua. Tuy nhiên, nếu như nói rằng trong suốt hai năm qua, những suy nghĩ về văn chương chưa từng một lần chen ngang đời sống miệt mài học nhạc thì là không đúng. Tôi có nghĩ về văn chương, về việc viết nhưng với những suy nghĩ đầy hằn học, bực dọc, và luôn tự nhủ mình bỏ là đúng rồi. Những suy nghĩ này chưa từng thay đổi trong suốt hai năm nay cho đến tận hôm qua.
Tôi đã có một đêm khá kinh hoàng vào ngày hôm qua, sự kinh hoàng này chủ yếu diễn ra trong tâm trí theo kiểu tự hù dọa mình là chính nhưng tôi cứ luẩn quẩn với nó suốt năm ngày nay, không thoát ra được. Phần lớn thời gian, tim tôi đập nhanh, tay chân lạnh ngắt, dù đắp mền vẫn lạnh, khi nằm hẳn xuống giường thì cảm giác đánh trống ngực rõ ràng đến nỗi phần giường bên dưới run run tựa như thể đang ngồi ghế massage – mà thực ra thì nào phải, chỉ có tôi đang run rẩy đấy thôi. Tôi chú ý quá mức đến các tiếng động, những cái bóng đồ vật khúc xạ chồng lên nhau giữa đồ vật này với đồ vật kia, diễn giải các họa tiết trông thấy theo hướng kì dị và sợ hãi. Có đôi lúc, tưởng chừng như tôi còn sắp thấy ảo giác tới nơi, cảm giác không làm chủ được bản thân mình thật kinh khủng. Đỉnh điểm là khi đang nằm, chân trái tôi đột ngột bị chuột rút thắt chặt ở phần dưới đầu gối, cơn đau thắt giống như có ai nhấn và bóp ở đó thật mạnh khiến tôi hãi hùng. Lúc này, không chỉ thân người phía trên nơi ngực và tim run run, cả phần chân phía dưới cũng vừa đau và run theo – tóm lại cả người run rẩy theo đúng nghĩa đen thực sự, không phải là phép tu từ hoa mĩ nữa rồi. Tôi biết những lúc này, nguyên tắc hàng đầu là giữ ấm cơ thể và từ từ bình tĩnh lại. Nhưng dù xoa bóp chân thế nào, tôi vẫn không cách gì cảm thấy ấm lại dưới thời tiết cũng đang khá lạnh lúc đó. Khi ấy đã là hai giờ đêm, mọi người đều đi ngủ, tôi không muốn phiền đến một ai cả. Tôi nghĩ đến việc có thể lấy đàn guitar ra đệm hát một số bài mình thích chắc sẽ đỡ hơn giống như đợt hồi cuối năm 2019 tôi từng làm. Nhưng hôm qua phần vì chân tôi đau, phần vì tâm trí cũng đang hoảng loạn nên không thể lết nỗi đến nơi có đàn, vị trí gần nhất mà tôi có thể nhảy lò cò đến là chỗ cắm sạc điện thoại trước đó cũng gần sắp hết pin. Tôi ào đến bên chiếc điện thoại, vớ lấy nó như vớ lấy một thứ vũ khí, một cái phao cứu sinh.
Bước tiếp theo, cầm cái phao cứu sinh đã được sạc 27% pin, tôi lại có chút hoang mang, lạc lõng, không biết nên làm gì. Trong những tình huống như thế này, tôi thường sẽ có ba lựa chọn: bật Youtube, xem phim, hoặc lướt Facebook, tin tức để thấy đời sống vẫn đang chuyển động. Tôi bật Youtube đầu tiên thì Youtube đề cử cho tôi những video nhạc thư giãn tinh thần kéo dài mấy tiếng – cũng là cách video tôi thường phải bật những lúc ngủ dạo gần đây, tôi kéo một hồi mà vẫn không có hứng thú xem gì. Tôi vào Facebook lướt một hồi thì thấy Facebook hình như chưa hiểu ý tôi bao ngày qua: mỗi lần lỡ lướt đến một post giới thiệu phim kinh dị nào đó, tôi đều bấm “Turn off this notification” để nó hiểu là tôi không muốn xem những post tương tự thế này nữa. Nhưng rốt cuộc, không page này thì cũng page khác, không giới thiệu phim kinh dị này thì cũng là phim kinh dị khác. Chẳng lẽ, người thời nay thích xem phim kinh dị đến thế sao? Hơn phân nửa phim chiếu rạp vào mọi thời điểm trong vòng một thập niên vừa qua đều là phim kinh dị. Như hiện nay, các rạp phim đang chiếu khoảng 14 phim thì hết 7 là kinh dị, và sắp tới tỉ lệ này vẫn sẽ duy trì như thế. Thế là tôi lại tắt Facebook. Tôi thử xem tập 1 của Now, We are breaking up được khoảng mười lăm phút đầu phim mà cũng thấy không thể nào tập trung được, giống như tôi và bộ phim là hai cái gì đó tách rời ở hai đầu thế giới. Thế là dùng hết cả ba cách. Có một khoảnh khắc tôi hoang mang run rẩy và suýt bật khóc. Mới có hai giờ đêm thôi. Mặt trời sẽ mọc vào năm giờ năm mươi bảy phút – dạo gần đây tôi thường xem thông tin mặt trời sẽ mọc lúc mấy giờ như một cách để trấn an mình, để biết cái bình minh ấm áp sẽ cứu rỗi mình đó bao giờ nó mới đến. Vẫn còn bốn tiếng đồng hồ. Tôi phải làm gì bây giờ? Tôi phải làm gì bây giờ? Tôi có nên liều mạng lết đến chỗ lấy đàn guitar để đàn không? Nhưng tôi không dám, chân tôi đau và thân người lại lạnh run bần bật – tôi đã vi phạm nguyên tắc quan trọng nhất lúc này là phải giữ ấm. Tôi liệu còn có thể làm gì với chiếc điện thoại này? Tôi ngồi suy nghĩ một hồi và bỗng đâu nhớ lại lời người chị ngày xưa nói. Tôi nhớ ra trước đây, cũng vào những lần tôi đang buồn, stress (nhưng chưa có cơn căng thẳng nào trong quá khứ bằng giai đoạn này cả), tôi vẫn thường nhớ đến lần trò chuyện đó, nhớ chị nói viết không chỉ là sáng tác, viết còn là để xả stress, thư giãn tinh thần, và cái câu hỏi đau đáu đó trở lại trong tôi: “Viết là một công cụ xả stress rất hiệu quả. Nó là một món quà với tất cả người viết chúng mình. Sao lại tự tước đi một công cụ xả stress của mình vậy em?”
Phải rồi. Sao tôi lại tự tước đi một món quà, một công cụ xả stress của mình chi vậy? Tôi còn muốn tự hành hạ bản thân đến bao giờ nữa. Thế là tôi lại run rẩy mở Samsung Note lên, vừa mở vừa nhớ đến những ngày xưa biết bao đêm tôi viết hăng say thâu đêm suốt sáng có sợ gì đâu, trời sáng lúc nào tôi còn không hay, tôi nhớ lần đỉnh điểm nhất là viết từ chín giờ tối hôm trước cái vèo một phát cho đến chín giờ sáng hôm sau xong được một truyện ngắn dài hơi bằng một truyện vừa, rồi thanh thản ngả lưng xuống giường ngủ đầy đủ tám tiếng mà không trằn trọc gì. Tôi nhớ lại những ngày quá khứ xa vời. Tôi nhớ đến thời mình còn học lớp tám, bị bắt nạt và có những suy nghĩ tồi tệ, đêm tối ngồi một mình trong toilet gần cả nửa đêm rồi quyết định với tay lấy cuốn sổ cây bút, viết ào ào hết gần cả nửa cuốn sổ khổ nhỏ chắc chừng chín mươi trang, vừa viết vừa khóc mà viết xong thấy ổn hơn rất nhiều. Tôi đã sống sót qua những năm cấp hai theo cách đó – lúc ấy, tôi làm gì mà biết đàn, vẫn chưa biết đàn, vẫn chưa biết đàn… Tôi bắt đầu học đàn từ năm lớp tám và bị bắt nạt thì từ năm lớp sáu rồi, thời điểm một đêm kinh khủng tồi tệ trong lớp tám ấy, tôi chắc chỉ mới biết đàn vài câu nhạc cơ bản, chưa ra hẳn một giai điệu, làm sao nó có thể giúp tôi giải tỏa được những ẩn ức đây? Nếu muốn giải tỏa bằng âm nhạc, bằng đàn, ít nhất tôi còn phải học hành chăm chỉ thêm một năm nữa. Nhưng cứu người như cứu hỏa, cứu chính mình cũng như cứu hỏa, chờ đến lúc đó, có khi còn chưa đến được thì chắc là căn nhà tinh thần của tôi đã cháy rụi tan tành rồi. Cũng vì nhớ lại trải nghiệm năm lớp tám, và cả trải nghiệm trong mới hôm qua, tôi nhận ra văn chương – cứ hiểu nó theo nghĩa đơn giản nhất ở đây là bạn diễn đạt được những suy nghĩ của mình qua câu văn, là môn nghệ thuật thực sự dành cho tất cả mọi người, không phân sang hèn đói kém giàu sang, không phân trạng thái sức khỏe tinh thần hay thể chất của bạn đang ở mức nào bởi nó đòi hỏi điều kiện rất tối thiểu: bạn chỉ cần một cái đầu còn chứa suy nghĩ của bạn, một phương tiện để ghi chép lại những suy nghĩ đó thành vật chất cụ thể là mặt chữ – thế là xong rồi đấy, đơn giản, ai cũng có. Nó đâu phải là món quà chỉ dành riêng cho người viết hay yêu thích văn chương, theo đuổi một cách quá nghiêm túc. Nó là món quà dành cho tất cả mọi người, ai ai cũng làm được. Và hơn thế, nó giống như bình xịt cứu hỏa dự phòng mỗi nhà đều có, nó luôn ở đó sẵn sàng, chỉ cần lửa bốc lên là dùng để dập. Với tôi, đêm hôm qua có lẽ đã diễn ra như thế. Tôi quáng quàng cầm điện thoại lên gõ liên hồi như chưa bao giờ gõ những suy nghĩ lóe lên liên tục trong đầu mình. Trong quyển sách How to stop worrying and start living của Dale Carnegie, ông cũng có nói đến một phương pháp rất đơn giản để giành lại sự tập trung, kiểm soát lo lắng chính là viết ra toàn bộ những điều bạn đang lo, đang suy nghĩ, nó ở đó thành chữ lồ lộ rồi, không còn chơi trò ẩn nấp trong suy nghĩ của bạn nữa thì sẽ khiến bạn đỡ hơn phần nào. Quả thực, hiếm có hoạt động nào bạn có thể tập trung cao độ mà lại không dễ bị phân tán suy nghĩ như viết thư giãn (đương nhiên viết sáng tác sẽ khác). Bình thường, làm việc nào đó khác có thể sợ phân tán suy nghĩ chứ viết thư giãn thì hẳn là không. Bạn chỉ đơn thuần nghe những suy nghĩ trong đầu và gõ lại thôi, một công việc hết sức đơn giản mà hữu hiệu để kiểm soát lo lắng. Một hai câu đầu tiên, tôi còn viết dè dặt và đang tìm từ để diễn đạt cái cảm giác, suy nghĩ bên trong mình; nhưng sang đến câu thứ ba rồi câu thứ tư, càng viết tôi cảm giác giống như mình càng được bung lụa. Bao nhiêu tiếng cửa đập, tiếng gió lùa tơi bời, tiếng cót két, tiếng chó sủa ngoài đường mà trước đó chỉ nghe thôi cũng khiến tôi phóng đại lên và sợ hãi đột nhiên khoảnh khắc đó biến mất hoàn toàn, như thể tôi không còn nghe thấy nó nữa, vì giờ tôi đang bận nghe tiếng nói trong suy nghĩ của mình, bận ghi chép lại nó, bàn tay tôi gõ chữ trên điện thoại và dòng suy nghĩ trong đầu ra rả đọc cho nó để cái tay tự chép chính tả như thực hiện một cuộc chạy đua marathon với nhau – bằng ấy ý thức, năng lượng xả vào việc viết như thế, hỏi làm sao tôi còn đủ ý thức để tập trung vào xung quanh đang diễn ra gì nữa.
Như một phép màu kì diệu, khi tôi dừng lại việc viết đêm qua thì cũng là hơn ba giờ sáng một chút. Một tiếng trong đêm tối vào cái khoảng thời gian kinh khủng từ hai giờ đến ba giờ đã qua đi – tôi sợ nhất là khoảng giờ này. Tôi viết xong và tạm dừng lại ý thì ngạc nhiên không ngờ nãy giờ mình đã viết được một tiếng và lạ lùng là trong lúc viết người tôi không hề lạnh, không hề run cầm cập, cảm giác sợ hãi cũng giảm bớt đi rất nhiều mặc dù tôi đang viết về chính nỗi sợ đó. Kì lạ, thực sự kì lạ. Tôi thấy người được ấm lại, mắt bắt đầu buồn ngủ và tôi nghĩ là mình ngủ được rồi, không cần phải sợ hãi xung quanh nữa. Tôi bèn cất điện thoại sạc tiếp, bật nhạc lên và nhanh chóng ngủ thiếp đi. Hình như lúc đó tôi ngủ không hề mộng mị, tôi bật dậy, có cảm giác mình đã ngủ rất lâu mà rồi phát hiện ra khi đó là bốn giờ rưỡi sáng, vậy là tôi cũng chỉ ngủ được hơn một tiếng thôi – không nhiều nhặn gì, nhưng vẫn là hôm những đêm trước. Các đêm trước, cũng có khi tôi ngủ được một tiếng nhưng là trong trạng thái sợ hãi, thức dậy thấy rất mệt. Đêm qua, tôi cũng vẫn ngủ nông, chỉ ngủ được một tiếng nhưng mà kì lạ là lúc thức dậy giữa bốn giờ rưỡi đêm đó, tôi không còn cảm thấy hoảng sợ mà rất bình tĩnh – lần đầu tiên trong rất nhiều đêm vừa qua, tôi mới có lại sự bình tĩnh đó khi thức dậy giữa đêm. Tôi thử nhắm mắt nhưng thấy sao mà mình tỉnh quá, không mệt hay có cảm giác buồn ngủ nữa. Cơ thể tôi lúc đó vẫn ấm. Tôi biết điều này là do đêm qua tôi đã viết. Trong lòng tôi lúc đó tràn ngập cảm giác xúc động và biết ơn, tôi biết ơn việc viết lại một lần nữa cứu rỗi tôi. Bất kể có ai đọc hay không, tôi vẫn sẽ viết và nội việc viết thôi đúng là đã giúp tôi giải tỏa được rất nhiều. Nó thực sự là món quà quí giá của tôi. Tôi nhận ra suốt thời gian vừa qua mình đã quá ngu ngốc, tôi giữ sự phòng vệ với thế giới nên không muốn viết gì nhiều nữa trên mạng xã hội, nhưng tôi cũng đâu biết rằng việc giữ sự phòng vệ một cách thái quá với thế giới để tránh khỏi thương tổn đồng thời cũng đã ngăn tôi ra khỏi niềm vui khi viết – một trong những trụ cột tinh thần của tôi. Tôi đã có chút phân vân khi nghĩ mình nên để bài viết này ở chế độ Friend hay Public. Cuối cùng, tôi quyết định gạt bỏ hết mọi nỗi sợ mà để Public. Giữa việc sợ để người khác phán xét trạng thái tinh thần của mình và việc muốn cho một người xa lạ nào đó tình cờ một ngày dạo qua Facebook của tôi, nếu lúc đó họ cũng đang ở trạng thái căng thẳng tinh thần mà đọc được những lời tôi viết, rồi chính họ cũng tự viết ra những lời của mình và được tạm giải phóng phần nào khỏi nỗi sợ hãi – tuy rằng cái xác suất để việc thứ hai xảy ra thấp hơn so với việc đầu tiên nhưng tôi vẫn quyết định chọn Public mở tất tần tật ra để trải nghiệm của tôi vô tình có giúp được ai thì giúp.
Hiện tại, tôi vẫn chưa biết đêm nay giấc ngủ có đến với mình dễ dàng hơn không, mình liệu có thể ngủ đủ tám tiếng được không nhưng tôi sẽ tử tế với chính mình. Tôi biết mình phải bình tĩnh và cũng phải có lòng kiên nhẫn với chính mình. Nghĩ một cách lạc quan thì ngủ một tiếng vẫn đỡ hơn là không ngủ được gì, và rồi ta tiến đến cái mốc hai tiếng, ba tiếng, bốn tiếng. Chỉ cần đến được cái mốc bốn tiếng thì cái mốc năm, sáu tiếng rổi sẽ dễ dàng đạt được – đợt trước của tôi là như thế. Khi được năm, sáu tiếng rồi, ta sẽ chẳng mấy chốc ngủ lại được bảy, tám tiếng lúc nào không hay. Cứ hi vọng lạc quan như thế.
Tuy chưa biết rằng buổi tối nay của mình như thế nào, mình có vào giấc nhanh không, có ngủ được sâu không nhưng cả ngày hôm nay, sau khi đã được viết, được giải tỏa, tôi trải qua cảm giác thanh thản hơn những ngày trước rất nhiều. Ít nhất tôi đã có cả một ngày yên bình từ sáu giờ sáng đến chín giờ tối. Lúc này, đó đã là điều quý giá. Nếu biết được, viết có thể giúp người tôi ấm lại như vậy, giải tỏa được như vậy chắc là tôi đã viết sớm hơn. Nhưng không sao, giờ vẫn là chưa quá muộn. Chị nói đúng. Sao tôi lại tự tước đi một công cứu rỗi mình như thế. Khi viết, tôi thấy trong đầu mình nhảy số nhanh kinh khủng. Sự nhảy số này có lẽ không có nhiều hoạt động khác khiến tôi làm được tương tự như thế. Tôi cứ liên tục bị bất ngờ bởi những gì mình viết ra, các ý tứ sao mà được sắp xếp hợp lí và so sánh liên tưởng cũng khá ổn (tự khen mình một chút – điều trước đây tôi ít khi làm để nâng cao tinh thần hơn lúc này là cần thiết). Thú nhận luôn cả cái này có vẻ hơi quá, nhưng hôm qua trong lúc viết, lần đầu tiên tôi mới nhận ra một cách hết sức rõ ràng cái sự thật này, cái sự thật lâu nay tôi không tin: tôi cảm thấy khi viết, mình chợt “thông minh” đột xuất, “thông minh” hơn hẳn cái tôi thường ngày sinh hoạt trong đời sống. Việc phải đấu tranh giữa trạng thái tinh thần bất ổn trong suốt thời gian qua khiến nhiều lúc tôi cảm thấy mình cứ ù ù cạc cạc, đờ đẫn và không thông suốt. Nhưng thực sự, hôm qua khi lần đầu tiên viết lại sau nhiều năm dài từ bỏ kiểu viết để thư giãn, viết không cần bận tâm đến điều gì khác ngoài việc cho chính mình, để an ủi mình, tôi cảm giác mình giống như một vận động viên đã nghỉ thi đấu từ lâu phải ra sân thi đấu lại, trước khi hiệu lệnh được cất lên, trong lòng hãy còn nhiều mối lo ngại về bản thân, liệu tôi còn có thể viết được như xưa không, nhưng chỉ cần tiếng chuông reo lên giữa không trung, tôi lập tức phóng như bay, chạy như chưa bao giờ được chạy. Tôi bỗng sản sinh ra cái ý nghĩ “mình thật thông minh quá khi viết”. Cho dù đó có là sự thật hay không cũng không quan trọng, quan trọng là ngay giây phút tuyệt vọng đó, chính cái suy nghĩ “mình thật thông minh quá” – một sự thông minh dù chỉ có được mỗi khi viết cũng đã an ủi tôi rất nhiều. Tôi như tự nói được với chính tôi rằng: “Ngoan nào! Ngoan nào! Đừng khóc nữa! Đừng run rẩy nữa! Mày thấy không, mày đâu có bị phân mảnh, đâu có bị mất kiểm soát suy nghĩ. Mày vẫn là chính mày. Một trăm phần trăm nguyên vẹn là chính mày đấy thôi. Mày vẫn luôn có chính bản thân mình, sự thông minh đó đấy thôi. Mày không bị mất khả năng kiểm soát ngôn ngữ. Mày vẫn là mày.” Và tôi nhận ra tôi yêu con người mình khi viết vì tôi yêu chính cái cảm giác về sự thông minh đó, về việc được thông minh đó, về việc được vẹn toàn đó.
Vậy thì, viết thôi nào. Viết thôi nào.
Bảy năm qua, tôi cứ nạp vào, nạp vào không chịu phát ra gì cả khiến cơ thể tôi, đầu óc tôi đã phải chịu nhiều căng thẳng, không được thư giãn vậy mà tôi lại chẳng hề biết. Đúng thật, có nạp vào thì phải có phát ra. Tôi đã luôn suy nghĩ quá nhiều và muốn cố gắng trau chuốt hết mức cái phát ra. Bây giờ, tôi không muốn bận tâm đến điều đó nữa. Thích thì viết thôi. Tôi mệt rồi. Tôi sẽ không bận tâm liệu mình có đọc đủ sách để viết chưa, cần đọc thêm bao nhiêu cuốn nữa để viết, liệu mọi người đọc những dòng này thì sẽ suy nghĩ gì, nó đem lại trải nghiệm tiêu cực hay tích cực cho họ vì giờ đây điều tôi khao khát khi làm nghệ thuật là mong muốn mọi người có trải nghiệm tích cực từ những gì tôi làm dù có thể tôi đang tiêu cực gần chết đi được. Và tôi trở nên căm ghét tột độ các tác phẩm mang lại cho người ta cảm giác tiêu cực dù tôi ý thức được rằng nghệ thuật cũng như cuộc đời, sự tích cực và cả tiêu cực cần được cân bằng nhưng tôi vẫn là cứ ghét những tác phẩm thuần túy chỉ làm người ta sợ hãi, đánh động vào những điểm hoài nghi yếu nhất của con người dù trước đây tôi vẫn rất thích xem, nhưng bây giờ, trạng thái sức khỏe tinh thần của tôi không còn đủ để đáp ứng nữa.
Vậy thì giờ tôi không bận tâm gì nữa.
Vậy thì giờ tôi xả hết ra đây. Cho thấm công tình bảy năm mệt nhọc đọc sách vừa qua.
Vậy thì giờ tôi viết đây.
Kodaki
Tác phẩm được đề cập trong bài viết:
97,200đ
Cuộc sống không dễ dàng giải thoát bạn khỏi căng thẳng. Quẳng Gánh Lo Đi Và Vui Sống khuyên bạn hãy khóa chặt dĩ vãng và tương lai lại để sống trong cái phòng kín mít của ngày hôm nay. Mọi vấn đề đều có thể được giải quyết, chỉ cần bạn bình tĩnh và xác định đúng hành động cần làm vào đúng thời điểm.
169,000đ
In this classic work, How to Stop Worrying and Start Living, Carnegie offers a set of practical formulas that you can put to work today. It is a book packed with lessons that will last a lifetime and make that lifetime happier!