Trà chiều

Angel’s Egg – Nghệ thuật kể chuyện bằng thị giác độc đáo của Oshii Mamoru

Đạo diễn Oshii Mamoru đã truyền tải xuất sắc câu chuyện về sự sống và cái chết, nỗi cô đơn thuộc về bản chất tồn tại của mỗi người.

Published

on

Thông qua đề tài hậu tận thế, bộ phim hoạt hình Angel’s Egg (tên tiếng Nhật: Tenshi no Tamago, tạm dịch: Quả trứng của thiên thần, sản xuất năm 1985) của đạo diễn Oshii Mamoru đã truyền tải xuất sắc câu chuyện về sự sống và cái chết, nỗi cô đơn thuộc về bản chất tồn tại của mỗi người.

Trong một thành phố bỏ hoang – nơi dường như sự sống không còn tồn tại, có cô gái luôn mang theo một quả trứng bên mình. Ngày qua ngày, cô lang thang khắp nơi để tìm thức ăn, nước uống, những chiếc bình hình cầu. Bất kể đi đâu, làm gì, cô cũng không rời quả trứng ấy. Nó nằm bên trong lớp váy cô, ngay phần bụng, cô vừa đi vừa ôm nó như thể đó chính là bào thai của cô. Một hôm, cô gặp chàng trai xa lạ trên phố. Anh chất vấn cô về thứ bên trong quả trứng và muốn cô phá vỡ nó để tìm hiểu. Cô nổi giận và không chấp nhận ý tưởng này.

Đó là câu chuyện chính của Angel’s Egg: một câu chuyện có vẻ khá bài bản với một nhân vật có một mục tiêu và một nhân vật khác chống lại mục tiêu đó. Tuy nhiên, đạo diễn Oshii Mamoru từng phát biểu rằng cách tiếp cận phim của ông khác với công thức Hollywood thông thường; đối với ông thị giác là yếu tố quan trọng nhất, sau đó mới đến câu chuyện và nhân vật nằm ở vị trí cuối cùng. Có lẽ vì vậy mà câu chuyện trong Angel’s Egg rất mỏng, thiếu đi những nút thắt kịch tính; cả bộ phim chỉ có hai nhân vật và hai nhân vật ấy đều vô danh, không có tính cách rõ ràng, thoại rất ít. Do đó, nếu chỉ phân tích Angel’s Egg dựa trên những diễn biến chính, ta sẽ bỏ qua rất nhiều lớp nghĩa Oshii truyền tải thông qua những hình ảnh đơn lẻ, rải rác xuất hiện trong phim, đôi khi không dính líu thật chặt đến cốt truyện.

Dưới nghệ thuật thị giác độc đáo của Oshii, những hình ảnh xuất hiện trong phim được nâng thành biểu tượng và nỗi ám ảnh của nhân vật để thay phiên nhau cung cấp cho ta manh mối về một câu chuyện khác, dường như đã bị ẩn đi dưới câu chuyện chính. Khi câu chuyện đó không tồn tại rõ ràng trong phim, ta chỉ còn thấy những phản chiếu về các mảnh rời của chúng khi đã bị tách ra khỏi tổng thể. Việc quan sát những phản chiếu này khiến ta như bước vào công việc của người “nhìn bóng đoán vật”. Những cái bóng không phải lúc nào cũng cung cấp cho ta dự tưởng chính xác nhất về chủ sở hữu của nó. Như hiện tượng những từ đồng âm dị nghĩa, một cái bóng có thể là kết quả từ nhiều phiên bản vật chất khác nhau vì ở đây, chi tiết đã bị xóa mờ, chỉ còn lại hình khối tổng thể. Nhưng chính sự mơ hồ ấy đã khiến việc thưởng thức Angel’s Egg trở thành một trải nghiệm thú vị cho người xem.

Khung hình đầu tiên của Angel’s Egg cho ta thấy một hình ảnh rất ấn tượng và mang nhiều ngữ nghĩa. Đó là cận cảnh, góc máy chính diện một đôi tay trẻ thơ như đang nâng niu vật nào đó vô hình. Bàn tay ấy dần chuyển thành đôi tay thô kệch của người lớn, rồi nó co chặt lại như đang bóp nát thứ gì đó. Một tiếng “rắc” vang lên khiến ta liên tưởng thứ vô hình ấy chính là quả trứng. Một sự nâng niu rồi phá vỡ. Cảnh đầu tiên này đã tiết lộ cấu trúc trong câu chuyện chính của toàn bộ phim. Đôi tay nhỏ nhắn ấy có thể là đôi tay của cô gái, bàn tay người lớn sậm màu ấy có thể thuộc về chàng trai. Nhưng cách giữ nguyên khung hình và chỉ bằng một động tác tay xoay vòng cho sự biến đổi từ tay này thành tay kia có thể là một gợi ý của Oshii rằng: cô gái và chàng trai có khả năng chỉ là một cá thể; người này có thể đã tạo ra người kia, người kia có thể chỉ là phản chiếu của người này. Ngoài ra, nó cũng có thể diễn giải thành hai lớp nghĩa như sau. Lớp nghĩa thứ nhất có lẽ nhằm ám chỉ đến câu chuyện Chúa đã tạo ra thế giới, nhưng rồi vì phẫn nộ trước những tội ác của loài người, Ngài đã hủy diệt địa cầu bằng trận Đại hồng thủy – đây cũng là câu chuyện chàng trai kể cho cô gái nghe; và ở cuối phim, thế giới họ sống cũng có một trận mưa lớn. Lớp nghĩa thứ hai có vẻ như ít liên quan đến phim hơn nhưng tôi cảm nhận nó có thể hiểu là: trẻ con đôi khi lại biết gìn giữ những điều quan trọng hơn người lớn. Điều này khiến tôi suy tư về câu hỏi tại sao chúng ta thường có khuynh hướng muốn phá hủy những thứ ta đã từng trân trọng? Mỗi người có lẽ sẽ có một cách lý giải khác nhau nhưng ở bộ phim này, Oshii đã rất tinh tế khi chọn quả trứng làm hình ảnh biểu tượng. Quả trứng gợi cho ta cảm giác mong manh, sự sống chứa đựng trong nó khiến ta luôn muốn nâng niu bảo vệ; nhưng đồng thời, nó cũng có thể chứa đựng nỗi sợ hãi của ta, là thứ ta muốn lẩn tránh vì không thấy được cụ thể bên trong. Có lẽ chính sự song hành hai cảm giác đối nghịch ấy khiến ta muốn hủy diệt những thứ mình từng trân trọng.

Hình ảnh đôi bàn tay xuất hiện ở đầu phim

Ánh sáng cũng là yếu tố cần lưu ý trong Angel’s Egg. Cả thành phố diễn ra câu chuyện dường như ngập trong bóng tối, không có chút ánh sáng. Phân cảnh duy nhất người xem thấy được ánh sáng thiên nhiên là một trong những cảnh đầu phim: cô gái bị đánh thức bởi tiếng kêu từ khối cầu lơ lửng trên bầu trời, cô bước đến một nơi tương tự khung cửa sổ để ngắm cảnh vật bên ngoài chìm trong buổi hoàng hôn đỏ rực. Sự thiếu vắng ánh sáng đã tô đậm lên không khí mục ruỗng hậu tận thế, nhấn mạnh cảm giác những sinh hoạt đời thường của con người từ lâu đã rời xa nơi này.

Trong thành phố vô minh ấy, cô gái cô đơn lang thang mỗi ngày để tìm lương thực nuôi sống mình. Đó là mục tiêu kéo cô ra khỏi nơi cư ngụ, nhưng đó cũng là hành vi buộc cô phải bảo vệ quả trứng cẩn thận hơn trước những mối đe dọa từ bên ngoài. Quả trứng là thứ quý giá giúp cô thoát khỏi tình trạng đơn độc, cũng là thứ giúp cô tìm được lẽ sống. Một trong những điều cô lo sợ là những người đàn ông như tượng đá, tay cầm cây lao móc. Họ ngồi hoặc đứng khắp thành phố như chờ đợi một cuộc săn lớn nơi đại dương. Và rồi con mồi của họ: những đàn cá hay bóng của những đàn cá có hình dạng như cá vây tay cũng xuất hiện. Những người đàn ông điên cuồng đuổi theo những chiếc bóng của đàn cá bơi lướt qua mặt đường, vách tường để rồi những lưỡi câu của họ chạm leng keng vào gạch đá, phá hủy những ngọn đèn, những ô cửa sổ mà vẫn không thể bắt được bóng một con cá nào. Trong cảnh này, cô gái đã nói một thông tin quan trọng cho chàng trai và cũng là cho chúng ta: “Đàn cá không còn ở đây nữa, vậy mà họ vẫn đuổi theo chúng. Những động vật như cá chẳng nơi đâu còn nữa…” Đây có thể là một thông điệp của Oshii Mamoru về bảo vệ môi trường. Nhưng đồng thời, nghĩ rộng ra, đàn cá cũng có thể tượng trưng cho thứ con người luôn khao khát, nhưng chúng chỉ là những cái bóng, những ảo ảnh. Con người đã tàn phá chính quê hương của mình chỉ vì những điều vô nghĩa.

Bóng những đàn cá đi qua thành phố

Tại sao Oshii lại chọn cá mà không phải bất cứ động vật nào khác để nói lên điều đó? Trong phim xuất hiện khá nhiều hình ảnh bọt khí tròn nổi lên trong nước, chúng có hình dạng tương tự như những quả trứng. Có lẽ, đây cũng là lí do Oshii chọn cá. So với những động vật khác, ta rất dễ quan sát sự sống của cá biểu hiện qua hơi thở khi luồng khí ấy được tạo hình rõ ràng trong nước. Nước điêu khắc thứ vốn vô hình như hơi thở thành thứ hữu hình, cũng giống như quả trứng là trạm chuyển tiếp giữa cái chưa tồn tại và cái sắp tồn tại. Chàng trai và cô gái cũng đã từng có một cuộc trò chuyện về hơi thở khi cô ôm quả trứng vào lòng, lắng nghe âm thanh của nó.

“Cô có nghe thấy gì không?”

“Tôi nghe thấy. Đó là một tiếng thở rất khẽ.”

“Đó chỉ là hơi thở của cô thôi.”

“Tôi nghe thấy tiếng vỗ cánh. Nó hẳn đang mơ được bay trên bầu trời cao rộng.”

“Đó chỉ là tiếng gió thổi ngoài kia.”

Đây không chỉ là cuộc đối thoại đơn thuần về quả trứng, nó còn là cuộc đối thoại giữa sự sống và sự phủ nhận sự sống, giữa ý thức và vật chất, giữa dự tưởng và thực tế.

Khi chàng trai và cô gái đi qua cửa hang nơi cô sống, cỡ cảnh toàn cho thấy hình ảnh cửa hang có sự tương đồng về thị giác với âm hộ phụ nữ. Đó vốn là nơi sự sống phôi thai. Nhưng khi tiến vào trong, ta lại thấy ngay bộ xương khô lớn có cấu trúc tựa như một con Leviathan bị mắc cạn.  Ngoài ra, trong hang còn rất nhiều xương của động vật đã chết nhưng chỉ có duy nhất một quả trứng tượng trưng cho sự sống. Điều đó lại càng khắc sâu trong ta cảm giác cuộc sống mong manh như thế nào giữa cái chết còn hiển nhiên hơn cả hiển nhiên.  

Cửa hang nơi cô gái sinh sống

Sau khi chàng trai đập vỡ quả trứng, cảnh cô gái nằm ngủ trên giường xuất hiện ở đầu phim được lặp lại. Từng động tác của cô khi vừa tỉnh dậy đều giống hệt phân cảnh đầu phim. Điều này khiến người xem dễ lầm tưởng thời gian đã quay ngược nhưng thực tế, câu chuyện vẫn tiếp diễn. Điểm khác biệt duy nhất là cô gái không tìm thấy quả trứng trên giường, cô phát hiện trứng đã vỡ trên nền đất. Ở đây, việc lặp lại giống hệt góc máy, từng động tác khi cô gái vừa thức dậy có tác dụng xóa mờ lằn ranh giữa hiện thực và giấc mơ. Có khả năng quả trứng vốn đã bị vỡ, và từ đầu phim đến phân đoạn này chỉ là giấc mơ của cô nhằm đánh lừa chính mình rằng quả trứng vẫn nguyên vẹn, cô vẫn đang ấp nó, bảo vệ nó. Tuy nhiên, cô không thể tự lừa dối mình mãi. Khi chàng trai xuất hiện trong giấc mơ, tính hiện thực dần trở lại, mối đe dọa dành cho quả trứng bắt đầu gia tăng. Có lẽ đó cũng là lí do ngay từ đầu, cô gái chạy trốn chàng trai. Thế nhưng, rồi cũng đến lúc quả trứng trong giấc mơ vỡ nát. Cô phải tỉnh dậy, đối diện với thực tế đau lòng ấy.

Cảnh cô gái thức dậy ở đầu phim

Oshii đã rất khéo khi chọn phân cách hai mốc sự kiện quan trọng nhất trong phim bằng giấc ngủ và sự tỉnh thức của cô gái, khiến ta luôn có cảm giác không chắc chắn giữa mơ và thực. Chàng trai có khả năng là người xuất hiện trong giấc mơ của cô gái; nhưng đồng thời, điều ngược lại cũng có thể xảy ra. Chàng trai có thể là người cuối cùng còn sống trong thế giới ấy. Cô gái thực chất chỉ là giấc mơ hay ảo giác do anh tạo ra vì quá cô đơn. Hình ảnh đôi bàn tay chạm vào quả trứng vô hình ở đầu phim có thể là một ám hiệu rằng: thực tế, quả trứng đó đã mất đi. Chàng trai chỉ tái tạo lại quả trứng bằng cách cho cô gái giữ gìn nó trong giấc mơ.

Nhập nhằng giữa những phiên bản khác nhau của hiện thực và giấc mơ, cô gái liên tục hỏi chàng trai cả trong mơ lẫn ngoài đời thực: “Anh là ai?” Câu hỏi ấy dường như không chỉ đơn giản để lấy được thông tin lý lịch cơ bản của chàng trai, nó như muốn phơi bày đến tận cùng thân phận anh, mục đích tồn tại của anh. Nó bỗng dưng trở thành độ rỗng vô tận khi chính anh cũng hỏi lại cô rằng “cô là ai” và cả hai đều không trả lời được câu hỏi của đối phương. Rồi nó chuyển hóa thành vực sâu hun hút khi chàng trai nói về con chim của Noah và sự lãng quên.

“Tất cả những loài động vật trên Trái Đất đều chết. Những con chim, gia cầm, thú hoang, tất cả những loài bò trên mặt đất và tất cả con người. Chỉ có Noah và những loài động vật trên con thuyền của ông là sống sót. Rồi ông cho một con bồ câu do thám xem nước đã rút bớt trên mặt đất chưa. Ông đợi thêm bảy ngày và lại cho nó bay đi… nhưng nó không trở về nữa. Con chim đã đậu nơi đâu? Hay là nó đã kiệt sức và bị những làn nước nuốt chửng? Không ai biết được. Mọi người chỉ có thể chờ nó quay trở lại. Chờ đợi và dần chán nản vì chờ đợi. Họ quên rằng đã phóng con chim đi, quên rằng đã từng có một con chim. Họ thậm chí cũng quên rằng có cả một thế giới đã chìm dưới nước. Họ quên mình từ đâu đến, mình đã phiêu bạt bao lâu, mình đang đi về đâu. Đó là chuyện đã xảy ra rất lâu trước khi những loài động vật bắt đầu hóa thạch. Con chim tôi từng nhìn thấy, tôi cũng không nhớ rõ đã thấy nó ở đâu hoặc khi nào, chuyện đã từ rất lâu rồi. Có lẽ đó chỉ là một giấc mơ.  Có lẽ tôi, cô và đàn cá chỉ tồn tại trong ký ức của một người đã mất. Có lẽ không ai thực sự tồn tại và chỉ có mưa rơi ngoài kia. Có lẽ con chim ấy chưa từng tồn tại.”

Lời thoại này của chàng trai không khác gì một áng văn tự sự đẹp và buồn, một bài thơ u uất. Có lẽ cả bộ phim cũng chỉ là một giấc mơ trong một giấc mơ. Hình ảnh chàng trai chúng ta thấy có thể không phải là hình ảnh thực của chàng trai đang nằm mơ giấc mơ chồng chéo nhiều tầng này. Người ta có thể tự tái tạo hình ảnh của chính mình trong giấc mơ. Suy cho cùng, đôi bàn tay xuất hiện đầu phim có vẻ như là hình ảnh hiện thực nhất ta thấy được.

Cả chàng trai và cô gái đều có đôi mắt tam bạch nhãn với tròng đen khá nhỏ. Họ luôn cúi đầu và ngước mắt nhìn lên đối phương khi trò chuyện. Tại sao họ không thể nhìn thẳng mặt nhau? Những lúc không đối thoại, hầu như họ cũng luôn cúi đầu và ngước mắt lên để quan sát xung quanh. Chi tiết này phần nào cho ta cảm giác về sự rụt rè, khép mình của họ với đối phương, với cuộc sống, với chính mình.

Đôi mắt tam bạch nhãn của cô gái và chàng trai

Phân cảnh cuối phim khi máy quay từ từ đi xa khung hình chàng trai đứng lẻ loi bên bờ biển cho thấy vùng đất xung quanh trống vắng, hoang liêu ở cấp độ vĩ mô hơn khiến tôi nhớ đến cảnh kết với chuyển động máy tương tự trong Into the wild (2007). Cảnh toàn được tạo ra từ động tác zoom out dần xóa nhòa sự gần gũi với đối tượng ghi hình, nhấn chìm ta trong nỗi cô đơn của không gian mênh mông. Nhưng ở Angel’s Egg, cú máy ấy đã cung cấp cho người xem một thông tin vô cùng quan trọng: đó là lần đầu tiên ta được thấy tổng thể vùng đất này, nó là một hòn đảo nằm giữa đại dương mà nhìn từ xa trông giống như hình dạng của một con thuyền bị lật úp. Phải chăng đó chính là con thuyền của Noah?

Oshii Mamoru vốn nổi tiếng vì cách kể chuyện mang tính triết lí trong những bộ phim có hơi hướng khoa học viễn tưởng mà đỉnh cao chói lọi là serie Ghost in the Shell, Kerberos… Angel’s Egg là phim thuộc giai đoạn đầu tiên trong sự nghiệp ông tự đạo diễn và viết kịch bản (trước đó, Oshii đạo diễn loạt phim hoạt hình Urusei Yatsura chuyển thể từ manga của Takahashi Rumiko); dù vậy, ở tác phẩm này, ta đã thấy những đặc trưng trong phong cách của ông được xác lập khá rõ ràng. Ở thời điểm mới ra đời, Angel’s Egg không nhận được đánh giá tích cực từ giới phê bình. Tuy nhiên, qua thời gian, bộ phim dần khẳng định được vị trí trong gia tài sự nghiệp của Oshii Mamoru. Brian Ruh, một chuyên gia nghiên cứu văn hóa Nhật Bản đương đại đã cho rằng tác phẩm này là “một trong những bộ phim đẹp và giàu thi tính nhất dưới hình thức hoạt họa.” Trong một bài báo trên tạp chí Senses of Cinema về Oshii, tác giả Richard Suchenski cũng có nhận xét rằng bộ phim là “sự chắt lọc tinh túy nhất từ cả yếu tố thần thoại nằm trong mặt thị giác và phong cách thường thấy của Oshii,” “Patlabor 2 có thể tinh tế hơn, Ghost in the Shell có thể quan trọng hơn, và Avalon có thể mang phức cảm thần thoại nhiều hơn, nhưng Angel’s Egg với công nghệ thấp và vẽ tay vẫn là tác phẩm mang đậm tính cá nhân nhất của Oshii.”

Kodaki

Bài viết đã được đăng trong sách Điện ảnh Nhật Bản và Việt Nam đương đại: Giao lưu văn hóa và ảnh hưởng do TS. Đào Lê Na chủ biên, NXB. Thông tin và Truyền thông ấn hành năm 2019.

Click to comment

Viết bình luận

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Trà chiều

Sứ Đoàn Iwakura đạt Giải thưởng sách Quốc Gia 2024

Published

on

Giải thưởng Sách Quốc gia là giải thưởng do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức hàng năm, trao giải cho những cuốn sách (bộ sách) có giá trị nổi bật về nội dung tư tưởng, tri thức, thẩm mỹ nhằm tôn vinh tác giả, dịch giả, nhà khoa học và người làm công tác xuất bản.

Tối ngày 29.11.2024 tại lễ trao Giải thưởng Sách Quốc gia lần VII, tác phẩm Sứ Đoàn Iwakura - Chuyến Tây Du Khảo Cứu Nhằm Canh Tân Nhật Bản Thời Minh Trị (Ian Nish biên soạn, Nguyễn Hoàng Mai - Nguyên Tâm dịch) hân hạnh được vinh danh giải Khuyến khích.

Sứ Đoàn Iwakura là tác phẩm nghiên cứu tập hợp nhiều tư liệu giá trị, giúp độc giả hiểu rõ hơn về chuyến du khảo nhằm canh tân Nhật Bản thời Minh Trị dưới góc nhìn của người phương Tây. Để có một đường lối phát triển đất nước hoàn toàn mới, người Nhật đã khởi động chuyến công du gọi là Sứ mệnh Iwakura thăm Hoa Kỳ và nhiều nước châu Âu. Đây là một chuyến đi lịch sử có tầm quan trọng đến mức khi nhắc về Minh Trị Duy Tân, người ta lập tức nhớ đến chuyến đi này.

Sách dày 427 trang, gồm 11 chương tổng hợp các bài viết của Ian Nish và 12 chuyên gia trong lĩnh vực quan hệ quốc tế khu vực Nhật Bản và Đông Á. Tám chương đầu, độc giả sẽ cùng phái đoàn đi qua tám cường quốc từ Mỹ, Anh, Pháp, Bỉ, Đức, Nga, Thụy Điển và Italy. Bản ghi chép của những học giả góp phần tái hiện hành trình tìm kiếm “văn minh khai sáng” của sứ đoàn Iwakura tại trời Âu dưới góc nhìn của người phương Tây. Ba phần còn lại trong ấn phẩm là bài phân tích, nhận định của chuyên gia lịch sử, đánh giá tình hình nước Nhật sau chuyến công du.

Để hiểu thêm về một lát cắt lịch sử quan trọng của Nhật Bản, cũng như đọc thêm về chuyến đi được mệnh danh là “Chuyến công du lịch sử thay đổi nước Nhật”, mời bạn tìm đọc sách tại đây hoặc tại hệ thống các nhà sách Phương Nam trên toàn quốc.

Đọc bài viết

Trà chiều

Nhà Sách Phương Nam đồng hành cùng các bạn học sinh tham gia cuộc thi ‘F1 in Schools’

Published

on

F1 in Schools là một giải đấu mang tính giáo dục, cạnh tranh toàn cầu do Formula One kết hợp với chương trình quốc tế STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học). Giải đấu được tổ chức hàng năm dành cho học sinh trung học với mục đích giới thiệu kỹ thuật cho những người trẻ tuổi trong một môi trường thú vị. Mỗi đội thi (từ 3 - 6 học sinh) phải thiết kế và chế tạo một chiếc xe đua Công thức 1 cỡ nhỏ từ Khối mô hình F1 chính thức bằng các công cụ thiết kế CAD/CAM.

Năm 2024, ADUA Racing - đội bao gồm các học sinh cấp 2 của trường British International School Ho Chi Minh City đã vinh hạnh giành được cơ hội tham gia vòng chung kết cuộc thi F1 in Schools ở Dubai, Ả Rập Saudi. Đây là đội duy nhất đại diện Việt Nam tham gia vòng chung kết năm nay.

Những nỗ lực rèn luyện, khả năng sáng tạo, tư duy học tập đáng ngưỡng mộ của các em học sinh trong giải đấu này phù hợp với định hướng và giá trị cốt lõi mà Nhà Sách Phương Nam luôn muốn đem lại cho các bạn đọc và khách hàng trên toàn quốc.

Vì vậy, Nhà Sách Phương Nam hân hạnh trở thành nhà tài trợ đồng hành cùng đội thi ADUA Racing trên hành trình vươn ra thế giới. Nhà Sách Phương Nam hy vọng nỗ lực này sẽ góp phần ươm mầm cho những tài năng tương lai, khuyến khích người trẻ phát triển tư duy độc lập, sáng tạo.

Nhà Sách Phương Nam luôn chú trọng hỗ trợ, khuyến khích thế hệ trẻ phát huy tối đa tiềm năng của bản thân. Bên cạnh đó, hệ thống Nhà Sách Phương Nam vẫn luôn nỗ lực trên hành trình kết nối bạn đọc đến với thế giới tri thức thông qua những cuốn sách hay và các hoạt động ý nghĩa.

Cảm ơn sự ủng hộ của các độc giả và khách hàng đã tạo điều kiện để Nhà Sách Phương Nam tiếp tục đồng hành cùng thế hệ trẻ trên những chặng đường đầy ý nghĩa trong tương lai.

Đọc bài viết

Trà chiều

Sự kiện giao lưu & ký tặng: Bước Qua Nước Mắt, Tự Khắc Trưởng Thành

Published

on

Nhân dịp ra mắt tác phẩm mới Bước qua nước mắt, tự khắc trưởng thành, Nhà Sách Phương Nam và Phương Nam Book phối hợp cùng tác giả Anh Khang tổ chức sự kiện giao lưu và ký tặng vào lúc 16g00, thứ Bảy ngày 16.11.2024 tại sân khấu A – Đường sách TP. Hồ Chí Minh (Nguyễn Văn Bình, P. Bến Nghé, Q.1, TP. HCM).

Bước qua nước mắt, tự khắc trưởng thành là tác phẩm kỷ niệm hơn một thập kỷ viết văn của tác giả Anh Khang. Anh gọi đây là một “cuốn sách làm lành” – thay vì “chữa lành” như cách gọi thường thấy trong xã hội hiện đại. Tác phẩm được chia làm hai phần, mở đầu bằng “Độc thoại” với những dòng tư lự đơn lẻ như tự trấn an “đứa trẻ bên trong đang ăn vạ trên đường trưởng thành”, rồi sang đến “Đối thoại” là những lời tâm can san sẻ cùng Gen Z lẫn Gen Z(à) để tìm sự ủi an. Mỗi câu, mỗi lời tâm tình thủ thỉ đều quá đỗi chân thành, như chính lời tác giả tự nhận thì đây “chính là những ghi chép trong lúc ‘khóc một trận đã đời’, rồi từ nay, chỉ nhìn về phía trước”.

Kể từ khi xuất bản tác phẩm đầu tay Ngày trôi về phía cũ… vào năm 2012, đến nay Anh Khang đã trở thành “tác giả triệu bản” với nhiều tác phẩm nhận được sự đón nhận nồng nhiệt của độc giả. Anh còn được bạn đọc thương tặng tên gọi “nhà văn của những nỗi buồn tuổi trẻ” vì những chia sẻ sâu sắc và đầy cảm thông trong từng trang sách. Sách Bước qua nước mắt, tự khắc trưởng thành đánh dấu sự trở lại của Anh Khang sau 4 năm tạm vắng mặt trên văn đàn, đồng thời cũng là món quà tri ân dành tặng cho thế hệ độc giả đã trưởng thành cùng những bài viết của anh.

Bước qua nước mắt, tự khắc trưởng thành – tác phẩm mới nhất của tác giả Anh Khang do Phương Nam Book liên kết xuất bản.

Đến với sự kiện giao lưu và ký tặng, độc giả sẽ có cơ hội trò chuyện cùng nhà văn Anh Khang và lắng nghe anh chia sẻ về những thăng trầm trong quá trình sáng tác cuốn Bước qua nước mắt, tự khắc trưởng thành. Đặc biệt, sự kiện còn chào đón sự góp mặt của ca sĩ - nhà văn Hamlet Trương.

Giao Lưu & Ký Tặng: Bước Qua Nước Mắt, Tự Khắc Trưởng Thành

  • Thời gian: 16:00 – Thứ bảy, ngày 16.11.2024
  • Địa điểm: Sân khấu A – Đường sách TP. Hồ Chí Minh (Nguyễn Văn Bình, P. Bến Nghé, Q.1, TP. HCM)
  • Vào cửa tự do

Về tác giả: Quách Lê Anh Khang

  • Công việc chính là làm báo, công việc phụ là làm mệt mình bằng những cảm xúc đa mang. Mọi nghề nghiệp đã và đang làm như phóng viên, biên tập viên, PR, MC... đều có vẻ khá nghiệp dư, nhưng lại rất chuyên nghiệp trong vai trò làm “người độc thân nhạy cảm”.
  • Ngày sinh: 11/8
  • Cung Hoàng đạo: Sư Tử (Leo)
  • Cử nhân khoa Báo chí & Truyền thông – Đại học KHXH&NV TP.HCM
  • Sách đã xuất bản:
    • Ngày trôi về phía cũ... (2012)
    • Đường hai ngả, người thương thành lạ (2013)
    • Buồn làm sao buông (2014)
    • Đi đâu cũng nhớ Sài Gòn và... Em (2015)
    • Thương mấy cũng là người dưng (2016)
    • Trời vẫn còn xanh, em vẫn còn anh (2017)
    • Người xưa đã quên ngày xưa (2018)
    • Những năm tháng đó, có tôi yêu người (2019)
    • Thả thính chân kinh (2020)
    • Bước qua nước mắt, tự khắc trưởng thành (mới xuất bản – năm 2024)
Đọc bài viết

Cafe sáng