Trà chiều

Có một Alice lạc lõng, u sầu trong Alice’s Adventures in Wonderland (1966)

Alice’s Adventures in Wonderland cũng chỉ là giấc mộng thoáng qua của một cô bé mà hơn 100 năm đã trôi qua vẫn không ngừng đeo đuổi, ám ảnh và truyền cảm hứng cho biết bao tác phẩm

Published

on

Nền điện ảnh thế giới đến nay đã có vô số bản chuyển thể Alice’s Adventures in Wonderland, bao gồm cả phiên bản gần đây của Tim Burton. Nhưng một trong những bản chuyển thể ấn tượng nhất với mình là bộ phim truyền hình chiếu trên BBC vào năm 1966 của đạo diễn Jonathan Miller.

Mọi người đều quen thuộc với hình ảnh cô bé Alice tóc vàng mặc váy xanh da trời mang tạp dề, tung tăng trong xứ sở thần tiên và trò chuyện cùng những loài động vật biết nói. Nhưng bộ phim đen trắng của Jonathan Miller chẳng có điểm gì giống thế.

Được quay bằng máy quay 35mm, bản phim 1966 không có âm nhạc nhộn nhịp hay hiệu ứng đặc biệt, lại càng thiếu vắng những chi tiết mua vui cho trẻ con. Jonathan Miller đã định vị đây là bộ phim truyền hình hướng tới người lớn, chiếu vào quãng thời gian sau 9 giờ tối.

Bộ phim của Jonathan Miller hướng đến người lớn

Trước khi phim phát sóng, Mary Jean St Clair – cháu gái của Alice Liddell (nguyên mẫu nhân vật Alice) đã lo ngại Jonathan Miller sẽ xây dựng hình tượng bà của cô sai lệch với hiện thực. Thậm chí nhiều người còn sợ rằng Jonathan Miller sẽ phá hỏng sự trong sáng của nguyên tác bằng những tình tiết “người lớn”.

Nhưng hóa ra lo ngại của họ bằng thừa, bởi đoàn làm phim biết chính xác mình đang làm gì.

Bản phim năm 1966 tập trung khắc họa bầu không khí kỳ ảo, mơ màng của nguyên tác, thay vì theo đuổi sự kì dị và hài hước như phần đông khán giả mong đợi.

Bao trùm bộ phim là bầu không khí như trong mơ của một mùa hè vĩnh hằng. Bối cảnh chỉ xoay quanh những đồng cỏ hoang vắng dưới nắng hè, những tòa nhà, hành lang bỏ hoang im lìm nơi cô bé Alice dạo chơi. Không có hang thỏ ở đây, Alice một mình bước qua hành lang dài. Những tấm màn trắng phồng lên trước cơn gió vô hình. Chớp mắt, em đã thấy mình lạc vào thế giới khác.  

Tạo hình Alice trong bản phim BBC

Hình tượng Alice trong phim được lấy cảm hứng từ tranh minh họa của Lewis Carroll thay vì dựa trên thiết kế nhân vật của họa sĩ John Tenniel. Chẳng là Lewis Carroll, tên thật là Charles Lutwidge Dodgson, đã viết tay và đích thân vẽ minh họa bản thảo câu chuyện đầu tiên để tặng bé Alice Liddell mà ông yêu quý như món quà dịp Giáng Sinh. Chính vì thế nên cô bé Alice trong bản phim BBC (do Anne-Marie Mallik thủ vai) mang vẻ mặt u sầu, nghiêm trang và mái tóc xù như những nàng thơ của trường phái Pre-Raphaelite – một trường phái hội họa thời Victoria ở Anh Quốc. Có lẽ do Lewis Carroll sống cùng thời với nhóm họa sĩ trường phái này và đã xem qua khá nhiều tranh của họ nên không tránh khỏi bị ảnh hưởng phong cách vẽ.

Lewis Carroll vẽ Alice

Phim cũng không có màn người hóa trang thành thú biết nói như các bản phim trước đó. Diễn viên trong vai các nhân vật kinh điển như mèo Cheshire, White Rabbit, March Hare… hoàn toàn không hóa trang, chỉ mặc tuxedo như người bình thường. Trong một bài phỏng vấn, Jonathan Miller giải thích ý đồ của mình: “Nếu bỏ hết lớp vỏ ngoài thú vật đi, thì tác phẩm đơn thuần xoay quanh một cô bé vật lộn giữa ngưỡng trưởng thành và sự trẻ thơ, mà những con thú trong truyện chính là những người lớn được thú hóa vậy“.

Cảnh Alice chạy theo Thỏ trắng

Bản phim của BBC thường xuyên trích dẫn những bài đồng dao hay thơ trong tác phẩm gốc, trong khi ở các bản chuyển thể khác, nhà làm phim thường chỉ giữ lại những bài thơ nổi tiếng như Jabberwocky. Đặc biệt, đạo diễn Jonathan Miller còn để Alice mở đầu phim bằng một bài thơ của William Wordsworth – “Intimations of Immortality”:

“There was a time when meadow, grove, and stream,
The earth, and every common sight,
To me did seem
Apparell’d in celestial light…”

(mình không dịch thơ được, nhưng ý bài thơ diễn xuôi đại loại thế này: “Có một thời mà đồng cỏ, lùm cây, những con suối, cả đất trời và từng quang cảnh bình thường nhất đối với tôi đều trông như được tắm mình trong ánh sáng thiên đường”).

Alice luôn trưng ra bộ mặt chán chường

Quả thật, Jonathan Miller đã nhìn tác phẩm như là câu chuyện về một thiếu nữ lưỡng lự khi đứng trước ngưỡng cửa trưởng thành. Xuyên suốt phim, cô bé Alice luôn giữ vẻ mặt chán chường, đáp trả người khác bằng những câu nói cộc lốc, thậm chí là xấc xược khi chứng kiến thế giới người trưởng thành với đủ các trò điên loạn, vô lí (như phiên tòa cuối phim của Nữ hoàng Đỏ chẳng hạn). Vậy nên ta cũng có thể hiểu câu chuyện trong phim được kể qua góc nhìn của cô thiếu nữ Alice đang sắp sửa bước vào một thế giới hỗn loạn, kì quái mà em không thể nào hiểu nổi.

Bản thân Lewis Carroll luôn thân với trẻ nhỏ hơn là người lớn. Và William Wordsworth, thi sĩ lãng mạn người Anh, đã luôn gắn bó với thiên nhiên, với tuổi thơ hơn là với những mối quan hệ người lớn. Họ là những linh hồn còn mãi kẹt lại trong ấu thơ vĩnh cửu, quãng thời gian mà ta còn cảm thấy vạn vật trên Trái Đất nguyên vẹn và tươi mới như được tắm mình trong thứ ánh sáng đến từ thiên đường. Khi ta lớn lên, ánh sáng đó lịm tắt. Xin trích nốt vài câu nữa của bài thơ trên.

“The glory and the freshness of a dream.
It is not now as it hath been of yore;— 
Turn wheresoe’er I may, 
By night or day, 
The things which I have seen I now can see no more.”

(đại ý: Giấc mơ bây giờ không còn vẻ rực rỡ và tươi mới như những ngày xưa cũ, dù tôi có kiếm tìm nơi đâu, cả đêm lẫn ngày. Những thứ mà tôi thấy trước đó, giờ tôi không còn thấy nữa.)

Alice đi trong khu vườn ở xứ sở thần tiên

Nhưng rồi Lewis Carroll đã nói gì về ánh sáng và những giấc mơ?

“In a Wonderland they lie,
Dreaming as the days go by,
Dreaming as the summers die;
Ever drifting down the stream–
Lingering in the golden gleam–
Life, what is it but a dream?”

(ta chỉ cần chú ý đến câu thơ cuối: Đời là chi, hay chỉ là một cơn mộng?)

Nói thế không sai, vì cả tác phẩm Alice’s Adventures in Wonderland cũng chỉ là giấc mộng thoáng qua của một cô bé. Mà hơn 100 năm đã trôi qua, giấc mộng ấy vẫn không ngừng đeo đuổi, ám ảnh và truyền cảm hứng cho biết bao tác phẩm, công trình nghiên cứu ngay cả trong những lĩnh vực vượt ngoài phạm trù văn chương nghệ thuật như y học, triết học, tâm lí học.

Nếu bạn là người yêu thích nguyên tác Alice’s Adventures in Wonderland, chắc chắn không thể bỏ qua bộ phim này. Nhưng nếu chỉ đơn thuần muốn thưởng thức một bộ phim nói về tuổi trưởng thành với góc quay đẹp và tư duy nghệ thuật khác lạ, thì bản phim năm 1966 đang chờ bạn khám phá.

Hải Đường

Tham khảo:
Sense of Cinema, “That’s the Great Puzzle: Who Am I?”: Jonathan Miller’s Alice in Wonderland (1966), Michelle J. Smith.

Trà chiều

Sứ Đoàn Iwakura đạt Giải thưởng sách Quốc Gia 2024

Published

on

Giải thưởng Sách Quốc gia là giải thưởng do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức hàng năm, trao giải cho những cuốn sách (bộ sách) có giá trị nổi bật về nội dung tư tưởng, tri thức, thẩm mỹ nhằm tôn vinh tác giả, dịch giả, nhà khoa học và người làm công tác xuất bản.

Tối ngày 29.11.2024 tại lễ trao Giải thưởng Sách Quốc gia lần VII, tác phẩm Sứ Đoàn Iwakura - Chuyến Tây Du Khảo Cứu Nhằm Canh Tân Nhật Bản Thời Minh Trị (Ian Nish biên soạn, Nguyễn Hoàng Mai - Nguyên Tâm dịch) hân hạnh được vinh danh giải Khuyến khích.

Sứ Đoàn Iwakura là tác phẩm nghiên cứu tập hợp nhiều tư liệu giá trị, giúp độc giả hiểu rõ hơn về chuyến du khảo nhằm canh tân Nhật Bản thời Minh Trị dưới góc nhìn của người phương Tây. Để có một đường lối phát triển đất nước hoàn toàn mới, người Nhật đã khởi động chuyến công du gọi là Sứ mệnh Iwakura thăm Hoa Kỳ và nhiều nước châu Âu. Đây là một chuyến đi lịch sử có tầm quan trọng đến mức khi nhắc về Minh Trị Duy Tân, người ta lập tức nhớ đến chuyến đi này.

Sách dày 427 trang, gồm 11 chương tổng hợp các bài viết của Ian Nish và 12 chuyên gia trong lĩnh vực quan hệ quốc tế khu vực Nhật Bản và Đông Á. Tám chương đầu, độc giả sẽ cùng phái đoàn đi qua tám cường quốc từ Mỹ, Anh, Pháp, Bỉ, Đức, Nga, Thụy Điển và Italy. Bản ghi chép của những học giả góp phần tái hiện hành trình tìm kiếm “văn minh khai sáng” của sứ đoàn Iwakura tại trời Âu dưới góc nhìn của người phương Tây. Ba phần còn lại trong ấn phẩm là bài phân tích, nhận định của chuyên gia lịch sử, đánh giá tình hình nước Nhật sau chuyến công du.

Để hiểu thêm về một lát cắt lịch sử quan trọng của Nhật Bản, cũng như đọc thêm về chuyến đi được mệnh danh là “Chuyến công du lịch sử thay đổi nước Nhật”, mời bạn tìm đọc sách tại đây hoặc tại hệ thống các nhà sách Phương Nam trên toàn quốc.

Đọc bài viết

Trà chiều

Nhà Sách Phương Nam đồng hành cùng các bạn học sinh tham gia cuộc thi ‘F1 in Schools’

Published

on

F1 in Schools là một giải đấu mang tính giáo dục, cạnh tranh toàn cầu do Formula One kết hợp với chương trình quốc tế STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học). Giải đấu được tổ chức hàng năm dành cho học sinh trung học với mục đích giới thiệu kỹ thuật cho những người trẻ tuổi trong một môi trường thú vị. Mỗi đội thi (từ 3 - 6 học sinh) phải thiết kế và chế tạo một chiếc xe đua Công thức 1 cỡ nhỏ từ Khối mô hình F1 chính thức bằng các công cụ thiết kế CAD/CAM.

Năm 2024, ADUA Racing - đội bao gồm các học sinh cấp 2 của trường British International School Ho Chi Minh City đã vinh hạnh giành được cơ hội tham gia vòng chung kết cuộc thi F1 in Schools ở Dubai, Ả Rập Saudi. Đây là đội duy nhất đại diện Việt Nam tham gia vòng chung kết năm nay.

Những nỗ lực rèn luyện, khả năng sáng tạo, tư duy học tập đáng ngưỡng mộ của các em học sinh trong giải đấu này phù hợp với định hướng và giá trị cốt lõi mà Nhà Sách Phương Nam luôn muốn đem lại cho các bạn đọc và khách hàng trên toàn quốc.

Vì vậy, Nhà Sách Phương Nam hân hạnh trở thành nhà tài trợ đồng hành cùng đội thi ADUA Racing trên hành trình vươn ra thế giới. Nhà Sách Phương Nam hy vọng nỗ lực này sẽ góp phần ươm mầm cho những tài năng tương lai, khuyến khích người trẻ phát triển tư duy độc lập, sáng tạo.

Nhà Sách Phương Nam luôn chú trọng hỗ trợ, khuyến khích thế hệ trẻ phát huy tối đa tiềm năng của bản thân. Bên cạnh đó, hệ thống Nhà Sách Phương Nam vẫn luôn nỗ lực trên hành trình kết nối bạn đọc đến với thế giới tri thức thông qua những cuốn sách hay và các hoạt động ý nghĩa.

Cảm ơn sự ủng hộ của các độc giả và khách hàng đã tạo điều kiện để Nhà Sách Phương Nam tiếp tục đồng hành cùng thế hệ trẻ trên những chặng đường đầy ý nghĩa trong tương lai.

Đọc bài viết

Trà chiều

Sự kiện giao lưu & ký tặng: Bước Qua Nước Mắt, Tự Khắc Trưởng Thành

Published

on

Nhân dịp ra mắt tác phẩm mới Bước qua nước mắt, tự khắc trưởng thành, Nhà Sách Phương Nam và Phương Nam Book phối hợp cùng tác giả Anh Khang tổ chức sự kiện giao lưu và ký tặng vào lúc 16g00, thứ Bảy ngày 16.11.2024 tại sân khấu A – Đường sách TP. Hồ Chí Minh (Nguyễn Văn Bình, P. Bến Nghé, Q.1, TP. HCM).

Bước qua nước mắt, tự khắc trưởng thành là tác phẩm kỷ niệm hơn một thập kỷ viết văn của tác giả Anh Khang. Anh gọi đây là một “cuốn sách làm lành” – thay vì “chữa lành” như cách gọi thường thấy trong xã hội hiện đại. Tác phẩm được chia làm hai phần, mở đầu bằng “Độc thoại” với những dòng tư lự đơn lẻ như tự trấn an “đứa trẻ bên trong đang ăn vạ trên đường trưởng thành”, rồi sang đến “Đối thoại” là những lời tâm can san sẻ cùng Gen Z lẫn Gen Z(à) để tìm sự ủi an. Mỗi câu, mỗi lời tâm tình thủ thỉ đều quá đỗi chân thành, như chính lời tác giả tự nhận thì đây “chính là những ghi chép trong lúc ‘khóc một trận đã đời’, rồi từ nay, chỉ nhìn về phía trước”.

Kể từ khi xuất bản tác phẩm đầu tay Ngày trôi về phía cũ… vào năm 2012, đến nay Anh Khang đã trở thành “tác giả triệu bản” với nhiều tác phẩm nhận được sự đón nhận nồng nhiệt của độc giả. Anh còn được bạn đọc thương tặng tên gọi “nhà văn của những nỗi buồn tuổi trẻ” vì những chia sẻ sâu sắc và đầy cảm thông trong từng trang sách. Sách Bước qua nước mắt, tự khắc trưởng thành đánh dấu sự trở lại của Anh Khang sau 4 năm tạm vắng mặt trên văn đàn, đồng thời cũng là món quà tri ân dành tặng cho thế hệ độc giả đã trưởng thành cùng những bài viết của anh.

Bước qua nước mắt, tự khắc trưởng thành – tác phẩm mới nhất của tác giả Anh Khang do Phương Nam Book liên kết xuất bản.

Đến với sự kiện giao lưu và ký tặng, độc giả sẽ có cơ hội trò chuyện cùng nhà văn Anh Khang và lắng nghe anh chia sẻ về những thăng trầm trong quá trình sáng tác cuốn Bước qua nước mắt, tự khắc trưởng thành. Đặc biệt, sự kiện còn chào đón sự góp mặt của ca sĩ - nhà văn Hamlet Trương.

Giao Lưu & Ký Tặng: Bước Qua Nước Mắt, Tự Khắc Trưởng Thành

  • Thời gian: 16:00 – Thứ bảy, ngày 16.11.2024
  • Địa điểm: Sân khấu A – Đường sách TP. Hồ Chí Minh (Nguyễn Văn Bình, P. Bến Nghé, Q.1, TP. HCM)
  • Vào cửa tự do

Về tác giả: Quách Lê Anh Khang

  • Công việc chính là làm báo, công việc phụ là làm mệt mình bằng những cảm xúc đa mang. Mọi nghề nghiệp đã và đang làm như phóng viên, biên tập viên, PR, MC... đều có vẻ khá nghiệp dư, nhưng lại rất chuyên nghiệp trong vai trò làm “người độc thân nhạy cảm”.
  • Ngày sinh: 11/8
  • Cung Hoàng đạo: Sư Tử (Leo)
  • Cử nhân khoa Báo chí & Truyền thông – Đại học KHXH&NV TP.HCM
  • Sách đã xuất bản:
    • Ngày trôi về phía cũ... (2012)
    • Đường hai ngả, người thương thành lạ (2013)
    • Buồn làm sao buông (2014)
    • Đi đâu cũng nhớ Sài Gòn và... Em (2015)
    • Thương mấy cũng là người dưng (2016)
    • Trời vẫn còn xanh, em vẫn còn anh (2017)
    • Người xưa đã quên ngày xưa (2018)
    • Những năm tháng đó, có tôi yêu người (2019)
    • Thả thính chân kinh (2020)
    • Bước qua nước mắt, tự khắc trưởng thành (mới xuất bản – năm 2024)
Đọc bài viết

Cafe sáng