Trà chiều

Rừng Na Uy (2010)

Published

on

Nếu như mọi thứ trong cuộc sống này vụt khỏi tầm với quá nhanh thì người ta phải làm như thế nào?

Đặc biệt là khi những thứ ấy có tiến trình lướt qua chúng ta một cách chậm chạp. Chỉ khi đến điểm cuối cùng của giai đoạn biến mất chúng mới thật đột ngột.

Làm sao để nhận biết bước ngoặt?
Làm sao để giữ lại…
Hay là cứ để tất cả biến mất?

Sự biến mất thuộc về lẽ tự nhiên hay là vì ta đã không biết cách giữ nó lại?

She told me she worked in the morning and started to laugh
I told her I didn’t and crawled off to sleep in the bath
And when I awoke I was alone this bird had flown

Sự biến mất của một người trong cuộc đời ai đó lẽ nào lại có thể đơn giản như thế?

Đơn giản là thế nhưng…

Khi nghĩ về phim Norwegian Wood, điểm khác biệt với tiểu thuyết mà người ta dễ nhận ra nhất là hướng thời gian câu chuyện diễn ra. Phim bắt đầu bằng ngay thời điểm thực tại chứ không phải là sau đó nhiều năm để có điểm lùi cho nhân vật Toru hồi tưởng. Tuy nhiên, với tôi, dù bắt đầu câu chuyện một cách trực diện, kể bằng thời gian tuyến tính, Trần Anh Hùng vẫn cho tôi có cảm giác đây là câu chuyện đang diễn ra trong tâm tưởng. Lí do là vì những cảnh đầu tiên của phim, khi Kizuki, Naoko, Toru bên nhau, rất nhiều hình ảnh lướt qua nhanh và trong những hình ảnh ấy không có thoại, chỉ có tiếng độc thoại nội tâm của Toru. Làm như thế rất dễ cho người ta có cảm giác đây là sự hồi tưởng của Toru. Nhưng đạo diễn đã dùng góc quay rất khéo để lái người xem sang một cảm giác khác. Ở những hình ảnh khi ba người bên nhau, bao giờ Toru cũng cách Naoko và Kizuki một khoảng nhất định. Đặc biệt có góc máy bắt đầu xuất hiện với hình ảnh Naoko, Kizuki đứng dưới một tán cây. Góc máy đứng ở đó một vài giây khá lâu khiến tôi lầm tưởng chỉ có Naoko và Kizuki ở khung cảnh này. Nhưng rồi sau đó, máy nhẹ nhàng pan qua bên trái một chút và ta thấy Toru. Tiếng độc thoại nội tâm của Toru vẫn luôn vang lên từ lúc bắt đầu khung hình cho đến khi xuất hiện động tác máy đó. Cảm giác này rất khác với hồi tưởng. Nó cho tôi cảm giác Toru vừa chăm chú quan sát hai người bạn của mình nhưng đồng thời vẫn luôn tự tách mình ra với những dòng suy nghĩ miên man. Chỉ vài góc quay và thủ pháp V.O đơn giản thôi nhưng nó giúp ta nhanh chóng cảm nhận được sự cô đơn của Toru. Thế giới của Naoko và Kizuki dường như luôn lẩn khuất một điều gì đó mà anh không thể thâm nhập vào được.

Những cảnh khi ba người bên nhau không có thoại mãi cho đến khi cảnh Toru và Kizuki chơi bida với nhau mới xuất hiện thoại. Nhưng thêm một điều nữa ở đây lại khiến tôi lưu tâm là: hai người chơi bida nhưng đạo diễn không hề quay xuống cái bàn bida. Thông thường thì người ta cũng ít nhất quay một, hai lần góc cận cảnh cái bàn với những viên bi đang lăn. Nói một cách khái quát là quay như thế nào đó để người xem hình dung được diễn tiến của ván bida. Tôi nghĩ điều này cũng cần thiết vì đây là hôm cuối cùng Toru gặp Kizuki. Trong truyện Haruki đã miêu tả những ám ảnh của Toru về lần gặp định mệnh với người bạn thân này một cách kĩ càng. Vậy mà Trần Anh Hùng cũng chỉ lướt qua trận đấu đó một cách nhẹ nhàng. Giống như thể đó chỉ là một ngày bình thường. Nhịp sống trôi đi như nó vốn dĩ. Cảnh Kizuki tự sát cũng vậy. Một cú máy dài từ ống dẫn khí màu đỏ nằm ở dưới sàn nhà lên đến bên trong chiếc xe. Sau đó máy đổi góc và cố định góc nằm ở ngoài chiếc xe một khoảng thời gian dài. Kizuki bật máy khởi động xe, khói từ từ bốc lên. Anh nhào từ băng ghế đằng trước ra băng ghế đằng sau. Đến lúc này máy mới đổi quay một góc trung cận khuôn mặt của Kizuki. Ba góc quay duy nhất cho một cảnh như thế. Và trong suốt chiều dài của bộ phim, Trần Anh Hùng vẫn trung thành với phong cách của mình từ trước: ít đổi góc máy, ông chọn thật kĩ lưỡng một góc và giữ nó cố định. Cái hay của ông là tuy ít đổi góc nhưng không làm cho người xem cảm thấy chán nản. Vì những góc máy mà Trần Anh Hùng chọn đều đem lại cho người ta một suy nghĩ nào đó. Tôi vẫn chưa hiểu hết ý nghĩa trong cái chi tiết ông cho Kizuki chết ở băng ghế sau xe. Tại sao phải có nó? Tại sao anh không ngồi nguyên ở vị trí ngay sau vô lăng của xe và chết? Góc quay phần nào gợi mở giúp tôi một chút cảm giác mơ hồ. Ba góc máy trong cảnh đó đều là ở ngoài khung kính của xe, không có góc nào là máy quay ở ngay trong xe cả. Nó giống như sự tách biệt của Kizuki với thế giới bên ngoài vậy. Hình ảnh chiếc vô lăng và vị trí ngồi ngay sau đó cho người ta có cảm giác người đó làm chủ được cuộc sống của mình, có thể dẫn dắt nó đi theo hướng mà mình muốn. Tôi có cảm giác như ngay từ đầu khi tự sát, Kizuki cũng không có ý niệm là phải ngồi chết đằng sau xe. Hành động đó giống như đến một cách vô thức với anh khi đang trong quá trình kết liễu sự sống của mình. Vị trí ở sau xe có gì đó thật thụ động và mệt mỏi. Vì người ngồi đằng sau đã bỏ đi tất cả, mặc cho người phía trước/cuộc đời chở/đưa đẩy mình đến đâu cũng được. Ở đoạn đối thoại lần cuối cùng giữa Hatsumi và Toru cũng diễn ra ở băng ghế sau của chiếc xe hơi. Chiếc xe cứ chạy chầm chậm và ta cũng không thấy có người lái. Có một điều gì đó tương đồng ở đây. Nhất là khi Hatsumi mệt mỏi ngả đầu vào ghế và nhắm mắt lại. Đó cũng là cách mà Kizuki đã buông xuôi tất cả. Góc máy dừng lại ở vị trí ngay cổ của cô rất lâu khiến người xem cảm thấy khó hiểu một chút. Nhưng rồi cảm giác đó chuyển thành nỗi bất an khi người ta nghe lời kể của Toru rằng sau này cô cũng tự sát.

Bên cạnh những cú long-take, cho máy trượt dài theo chuyển động nhân vật vốn thường thấy trong phim của Trần Anh Hùng, ở Norwegian Wood còn có những khuôn hình tĩnh, tuy trôi qua đơn giản như nhịp sống bình dị nhưng nó luôn ẩn chứa một chi tiết nào đó. Chi tiết ấy tuy nhỏ, xuất hiện thoáng qua rất nhanh trên khuôn hình như hình ảnh con nhện giăng tơ sau khi Kizuki mất, hình ảnh những đóa xương rồng… nhưng nó có một sự sống. Sự sống ấy nằm khuất sâu bên trong chờ đợi ta hé mở.

Mark Lee Ping Bin và những chuyến đi

Trong In the Mood for Love của đạo diễn Vương Gia Vệ, tôi rất thích những góc quay hẹp và dolly theo nhân vật của Lee Ping Bin. Ở Norwegian Wood, những góc quay tương tự như thế lại xuất hiện.

Tôi thích cách ông quay cảnh đi bộ giữa Toru và Naoko, giữa Toru và Midori. Ở cảnh quay đi bộ giữa Toru và Naoko, máy chạy song song rất nhanh với hai người và thường xuyên lẩn khuất trong những tán lá cây xanh. Có những khoảnh khắc chẳng thấy Toru và Naoko đâu, chỉ có màu xanh biếc của cây. Thế rồi hai người lại bất chợt hiện ra khi hết một khoảng màu xanh nào đó. Máy quay chao rất mềm mại ở đoạn hai người từ những bụi cây đi qua một cây cầu bắc ngang, để cuối cùng từ hướng nhìn nghiêng, máy chuyển sang quay sau lưng Naoko góc hơi cao hơn khuôn mặt cô một chút và máy quay chếch xuống. Naoko ngỡ ngàng: “Đây là ở đâu?”. Tôi thật sự thích sự di chuyển của máy quay ở phân đoạn đó, nó khiến người ta cũng rơi vào tâm trạng hoang mang giống như Naoko. Cứ bước đi mà chẳng có một chút ý niệm rằng mình đang ở đâu, mình đang đi và sẽ đi đến đâu.

Toru và Midori cũng đi dạo trong công viên có những cây xanh nhưng cách quay lại khác. Máy không quay hai người theo hướng nhìn nghiêng mà quay ở phía trước. Như thế thì có cả một khoảng không gian thoáng đãng. Và lúc hai người đi cũng chẳng có những cây xanh khuất mặt.

Ngoài ra, tôi còn thích những động tác máy khác trong phim như cảnh Toru nhận được thư của Naoko và chạy trên chiếc cầu thang của kí túc xá, máy quay đảo nhiều vòng khiến người xem như được hòa vào niềm hạnh phúc của Toru; cảnh Midori gọi điện thoại cho Toru để thông báo rằng cha cô đã mất, máy quay một bên nửa khuôn mặt của cô, dường như muốn di chuyển sang nửa bên kia nhưng cuối cùng lại như… sợ và vẫn chỉ dừng lại ở nửa khuôn mặt đó. Cách quay trong Norwegian Wood có lẽ nào là một sự ẩn giấu chăng? Những cảnh người ta cần thấy góc trung và toàn để hình dung sự việc thì lại chỉ có cận (như những cảnh làm tình trong phim và một số cảnh khác), những cảnh người ta cần thấy góc cận thì lại chỉ có trung, toàn và viễn. Tôi nhớ mãi cảnh quay một buổi sáng Naoko và Toru đi dạo trong rừng. Naoko bắt đầu kể trong cái giá lạnh của bầu trời xám xanh về chuyện giữa cô và Kizuki. Rồi cô bật khóc và chạy. Toru đứng run cầm cập một đôi giây rồi vội đuổi theo cô. Tôi cứ những tưởng rằng ở đoạn ấy, sẽ là góc quay trung hay cận bám theo Toru hay Naoko. Nhưng không. Máy cứ đứng im ở đó, từ ngay vị trí mà Toru đã đứng trước khi đuổi theo Naoko. Thật lạ là chỉ một góc quay đơn giản như vậy, chỉ một việc là giữ nguyên vị trí máy như lúc đầu, để cho hai con người ấy dần dần tiến xa ra khỏi màn hình, từ góc trung thành toàn như thế, vậy mà lại khiến tôi xúc động. Tôi nhận ra cách làm này mang lại hiệu quả tốt hơn so với những góc máy mà tôi hình dung lẽ ra phải có trong đầu. Nó đã biến góc nhìn của máy quay, của một nhân vật khách quan nào đó nhìn câu chuyện cũng có cảm xúc. Cứ như thể là cả máy quay cũng sợ chạm vào những nỗi đau khuất sâu trong tâm hồn họ và nó chỉ dám đứng lặng lẽ từ xa quan sát. Đâu phải chỉ có cận cảnh rõ ràng mới cho người ta thấy được cảm xúc của nhân vật. Qua cái cách mà máy quay quan sát nhân vật rất người như thế cũng đã đủ truyền tải cảm xúc đến khán giả rồi. Tôi thật thích cách giải quyết trong tình huống này của Trần Anh Hùng hay Lee Ping Bin (tôi không biết ai trong hai người chọn giải pháp này). Không cần cận cảnh vì trung cảnh trước đó thu lại nét mặt hoang mang, giọng nói run rẩy của Naoko đã là quá đủ. Nếu lại dùng cận cảnh để tiếp tục quan sát nỗi đau ấy chẳng phải là quá tàn nhẫn hay sao?

Giọng nói của Naoko…

Naoko là một vai diễn khó vì những mâu thuẫn nội tại trong suy nghĩ của cô. Tuy nhiên, Rinko đã hoàn thành xuất sắc vai diễn này. Tôi cho rằng điểm thành công lớn nhất là nằm ở giọng nói. Rinko diễn xuất tuyệt vời đến nỗi cả giọng nói, cách nói, cách lấy hơi thở để nói, cách ngắt câu…cũng mang cả sự sống của Naoko. Chính giọng nói đã bộc lộ ra rất nhiều sự hoang mang trong tâm thức của Naoko, nỗi sợ hãi trước thế giới con người ngoài kia. Giọng cô lúc nào cũng nhỏ nhẹ, ngắt quãng, mang hơi thở nhiều hơn là âm tiết của câu chữ phát ra. Tôi đặc biệt thích diễn xuất của Rinko ở phân đoạn ngày sinh nhật của Naoko. Trong tác phẩm của Haruki, đó là một hôm mà chính Toru cũng bất ngờ vì sự mở lòng đột ngột của Naoko. Cũng không hẳn là cô có ý định mở lòng, chỉ là đột nhiên cô nói rất nhiều và không còn tự chủ được những gì mình nói nữa. Cô nói liên tục trong nhiều giờ đồng hồ liền và những câu chuyện dường như không có mối liên hệ với nhau. Trong phim đương nhiên không thể có nhiều thời gian để diễn tả trạng thái đó của cô nhưng qua cách diễn xuất và giọng nói của Rinko, dù chỉ là một vài phút, người ta vẫn hiểu và có cảm giác dường như Naoko đã nói rất nhiều trước đó đến mức mệt mỏi và bật khóc như thế kia.

Khi giọng nói trong bức thư mà Naoko gửi cho Toru vang lên tôi cảm thấy thật buồn…vì cách mà cô nói chuyện với Toru. Đã quen biết nhau ngần ấy năm trời, cô đã biết rằng Toru rất yêu thương mình, bản thân cô cũng có tình cảm với anh vậy mà cô vẫn dùng kính ngữ. Lúc nào cũng “masu”, “desu”, “kudasai”. Tại sao lại phải như thế? Tôi nhớ có đọc trong một tác phẩm nào đó, nam nhân vật chính đã hạnh phúc như thế nào khi ngày ngày, qua những cuộc điện thoại, trò chuyện, nữ nhân vật chính từ từ bỏ đi bớt kính ngữ. Điều này giống như một cách gián tiếp cô ấy cho anh ta biết rằng cô đang để anh từ từ đi vào trái tim mình. Nhưng Naoko thì không như thế. Hình như chỉ đến những giây phút cuối cùng, khi bày tỏ với Toru mong muốn rằng anh hãy luôn nhớ cô đã từng tồn tại, Naoko mới không dùng kính ngữ nữa.


Biểu cảm trong đôi mắt cũng là một thành công trong diễn xuất của Rinko. Khi Toru lần đầu tiên đến nhà nghỉ dưỡng Ami để thăm Naoko, ở góc quay cận cảnh khuôn mặt Naoko thì thầm vào tai của Toru, mắt cô lúc ấy đã chớp thật đặc biệt. Nó như theo một chu trình vòng tròn khép kín, mơ hồ, xa vắng. Khi đọc Norwegian Wood, lúc Naoko chết, tôi chỉ thấy buồn và đau nhưng không ngạc nhiên vì tôi đã nhận thức được từ trước đó rằng đây là điều tất yếu. Vậy mà khi xem phim, tôi lại không khỏi ngỡ ngàng. Có lẽ cũng chỉ vì ánh mắt của Naoko nhìn theo bóng dáng Toru dần khuất xa trong tuyết trắng ấy buồn tha thiết quá. Ánh mắt đó làm tôi nghĩ rằng cô vẫn chưa cảm thấy cuộc sống của mình đủ đầy, vẫn mong mình sẽ tiếp tục sống. Dù trước đó, bằng lí trí, tôi đã tự đặt ra cho mình vài câu trả lời về cái chết của Naoko, thế nhưng khi thấy đôi chân trần ấy lơ lửng trong tuyết, tôi vẫn không thể tránh khỏi việc tự vấn bản thân mình quắt quay rằng: “Tại sao Naoko phải chết?” Như Toru đã nói: “Không một lời an ủi nào, không một lòng nhân từ, sự dịu dàng nào có thể xoa diệu nỗi đau khi mất đi người mình yêu thương. Chúng ta chỉ còn có thể cố gắng học được một điều gì từ sự mất mát đó. Nhưng mọi bài học cũng đều là vô nghĩa rồi…”

Những thanh âm trầm mặc

Trái với dự đoán của phần lớn mọi người, Trần Anh Hùng không sử dụng nhiều bản nhạc của The Beatles như trong tác phẩm của Haruki đã đưa ra. Ông chỉ giữ lại mỗi bản nhạc chính là tên của tác phẩm: Norwegian Wood, còn lại ông hoàn toàn sử dụng nhạc mới do Johnny Greenwood sáng tác. Và cuối cùng, âm nhạc cũng là một trong những thành công của bộ phim.

Những bản nhạc xuất hiện trong phim luôn với âm lượng nhỏ, lúc ẩn lúc hiện. Có những lúc cách chúng bắt đầu hay kết thúc thật đột ngột. Toàn bộ giai điệu các bản nhạc mang lại cảm giác chung là sự trầm mặc, tuy vậy thi thoảng có những nốt bất chợt vút cao lên đến nhói lòng. Trong đó bản Naoko ga shinda, sử dụng ở đoạn Toru đứng trước biển lớn khi Naoko vừa mới mất thật đặc biệt. Tự bản thân nó đã tràn ngập trong đó sóng biển vỗ trắng xóa, gió gào thét và cả nỗi đau đớn của Toru trước khi hình ảnh làm nhiệm vụ diễn tả lại những chi tiết ấy.

Trong phim còn sử dụng hai bản nhạc vào khoảng thập niên 70 của nhóm nhạc Can ở Đức: Mary, Mary, So Contrary; Bring Me Coffee or Tea. Nhiều đoạn trong hai bản nhạc được cấu thành bởi sự lặp lại tiết tấu giai điệu. Nhưng nó không hề nhàm chán mà đem lại cho người ta cảm giác bí ẩn vì sâu trong sự lặp lại đó là những chuyển điệu luôn sẵn sàng làm người nghe giật mình (nếu như có bị ru ngủ trước đó vì giai điệu quẩn quanh lặp lại).

Phim kết thúc khi bản nhạc quen thuộc của The Beatles vang lên:

I once had a girl or should I say she once had me
She showed me her room isn’t it good Norwegian wood

Có lẽ sự mất mát đôi khi thật đơn giản. Và cách để kể lại câu chuyện về chúng cũng như thế. Không cần cầu kì, phức tạp. Chỉ đơn giản thôi, nhẹ nhàng như hơi thở cuộc sống nhưng… cũng đã đủ để khiến người ta đau…

Với tôi, Trần Anh Hùng đã thành công trong việc kể lại Norwegian wood của Haruki. Không, nó không còn là của riêng Haruki nữa. Nó đã trở thành câu chuyện của ông theo như cách mà Haruki đã nhắn nhủ: “Hãy cứ làm một bộ phim của Hùng!”

Hết.

Kodaki

Click to comment

Viết bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trà chiều

Review đèn Trung Thu bằng gỗ tự lắp và tô màu

Published

on

By

Chỉ còn vài ngày nữa là đến Trung Thu nên bài viết tiếp theo cho series "Nhà Sách Có Gì Ngoài Sách" của mình sẽ chia sẻ và review về trải nghiệm tô màu và lắp ráp đèn lồng Hằng Nga bằng gỗ. Hi vọng bài viết của mình sẽ hữu ích cho các bạn đang tìm kiếm quà tặng Trung Thu cho bé hoặc đang muốn tìm món đồ để kết nối gia đình nhân ngày Tết Đoàn Viên thì có thể tham khảo, và nếu cảm thấy thú vị bạn có thể đến ngay hệ thống Nhà Sách Phương Nam để xem thêm nhé!

Hộp đựng của đèn lồng Trung Thu Hằng Nga

Mời xem thêm video trải nghiệm tại đây
Xem thêm: Review bộ màu vẽ lên kính Amos Glass Deco Review hộp bút họa tiết trang trí dễ thương

Thông tin chung về sản phẩm

Bộ sản phẩm này gồm có:

- 2 miếng gỗ hình Hằng Nga bay trên mây, 5 miếng gỗ nhỏ ráp đèn, 1 miếng gỗ vừa làm kệ đặt nến và 1 tay cầm gỗ.
- 1 vỉ 6 màu, 1 cọ, 1 dây gai, 1 viên nến và 2 miếng nhỏ keo 2 mặt.

Sau khi khui hộp
Các miếng gỗ để bạn lắp và hoàn thiện
Chi tiết gỗ để ráp đèn

Đèn này dùng để làm gì?

- Để bé đem theo đi rước đèn cùng bè bạn
- Dùng trang trí mọi góc trong nhà mùa Trung Thu.
- Khơi gợi trí sáng tạo của bé và giúp gia đình kết nối với nhau hơn khi cùng lắp ráp và tô màu.
- Là món quà DIY hữu ích cho bé nhân dịp Trung Thu.

Điều yêu thích ở sản phẩm này
- Dễ lắp ráp, chất liệu gỗ thân thiện môi trường, tô dễ dàng.
- Màu sắc kèm theo hộp sản phẩm tươi sáng, pha trộn cũng rất dễ và nhanh khô cực kỳ.
- Hộp đựng dễ thương, mang đi tặng quà rất thích hợp.

Chia sẻ công thức đơn giản phối màu
- Tô màu áo hằng Nga: mình pha màu đỏ và màu trắng để ra được màu hồng ngọt ngào.
- Tô màu cho cối mà Thỏ ngọc đang giã: mình pha màu đen và màu vàng để ra màu nâu.

Pha màu hồng bằng màu trắng và màu đỏ
Pha màu nâu bằng màu đen và màu vàng

Chút lưu ý rút ra khi sử dụng
- Trước khi tô bạn nên chuẩn bị: 1 hũ nước để rửa cọ ngay sau mỗi lần đổi màu khác.
- Bạn phải dùng giấy lót phía dưới sàn rồi hẵn đặt gỗ lên tô vì màu nước lúc tô sẽ bắn xuống sàn, bất tiện cho lau dọn. - Sau khi tô xong, bạn nên để ở chỗ thoáng để nhanh khô và tránh đụng tay vào lúc màu tô trên gỗ còn ướt.

Đèn sau khi đã tô màu và lắp ráp xong
Màu lên gỗ rất nhanh khô

Tóm lại là với những ai thích DIY sẽ rất yêu thích sản phẩm này. Và chắc chắn rằng khi bé nào nhận món quà Đèn Lồng Trung Thu này đều sẽ rất thích, nhất là các bé gái vì sẽ được tô màu cho Hằng Nga. Ở Nhà Sách Phương nam còn có đèn lồng gỗ hình các con vật nữa, bạn có thể đến tham khảo thêm cho bé trai.

Cảm ơn bạn đã dành thời gian xem bài, để lại bình luận nếu bạn cần thêm thông tin nhé!

Chúc bạn và gia đình đón Trung Thu vui vẻ và ấm áp nhé!

Đọc bài viết

Trà chiều

Review bộ màu vẽ lên kính Amos Glass Deco

Published

on

By

Tiếp tục series "Nhà sách có gì ngoài sách" hôm nay mình muốn chia sẻ về bộ màu vẽ trang trí Amos Glass Deco - Dino, sản phẩm nhập khẩu từ Hàn Quốc dùng để vẽ lên kính, gương. Sản phẩm rất hợp để khơi gợi trí sáng tạo cho bé hoặc nếu bạn là người lớn yêu thích đồ chơi sáng tạo cũng có thể trải nghiệm để giải trí sau những giờ học, làm việc căng thẳng.

Nếu bạn đang đặt câu hỏi "Mua quà trung thu gì cho bé?" thì bộ màu này là một gợi ý hay cho quà trung thu đó nhé!

Mời xem thêm video trải nghiệm tại đây
Xem thêm: Review hộp bút họa tiết trang trí dễ thương

Hộp đựng bộ màu vẽ trang trí

Thông tin chung về sản phẩm

Bộ màu vẽ trang trí Amos Glass Deco - Dino gồm có:
- 6 suncatcher khủng long dễ thương
- 6 bút màu tô vẽ lên kính 10.5 ml như sau:
1. Vàng lấp lánh
2. Xanh lấp lánh
3. Trắng
4. Xanh biển
5. Cam
6. Tím

6 bút màu tươi sáng

Bộ màu vẽ này dùng để làm gì?
- Khơi gợi tính sáng tạo của bé khi phối màu, tô màu lên suncatcher.
- Giúp bé làm quen với màu sắc, các con vật khủng long kèm theo.
- Các suncatcher dùng trang trí trong nhà như treo lên cửa, không gian bàn học hoặc dùng làm móc khóa.

Điều yêu thích ở sản phẩm này


- Kiểu dáng dễ thương, dễ sử dụng.
- Thỏa sức phối màu theo ý thích mà không sợ bị lem khi tô các bút màu gần nhau.
- Hộp đựng đẹp mắt và các chú khủng long suncatcher được làm tỉ mỉ.

Chia sẻ công thức đơn giản phối màu


Thay vì chỉ tô mỗi chú khủng long một màu, bạn có thể kết hợp các màu với nhau để chú khủng long trông thú vị hơn. Cùng xem một vài công thức tô của mình bên dưới nhé.

Các bạn khủng long khi được phối màu trông sẽ vui nhộn hơn.
Phối màu lấp lánh với màu trơn.
Phối màu trơn với nhau
Phối màu lấp lánh với màu trơn

Chút lưu ý rút ra khi sử dụng


- Nhớ lót giấy phía dưới trước khi đặt suncatcher lên bàn ngồi tô.
- Trước khi tô màu nào, mình đều lắc đều để màu đều hơn.
- Sau khi tô xong, bạn để trên mặt phẳng 8 tiếng là suncatcher sẽ khô lại và lên màu rất đẹp.
- Bút màu này thích hợp cho các bé trên 3 tuổi vì các món đồ trong đây đa số nhỏ bé, phía sau hộp màu mình thấy có ghi ở mục Warning.
- Bạn nhớ tránh tiếp xúc màu lên da, miệng, mắt và phải rửa ngay bằng nước thật kỹ khi bị dính.
- Bảo quản nơi khô thoáng để giữ màu và suncatcher bền đẹp nhé.

6 bạn khủng long đã được mình tô xong.
Đây là các mẫu mình thấy đang có mặt tại Nhà Sách Phương Nam Phú Thọ

Tóm lại là với giá 254.000đ cho một bộ đồ chơi sáng tạo như vậy mình thấy cũng hợp lý, vì sau khi tô xong còn giữ lại trang trí được khắp nơi. Nếu bạn đang tìm một món quà tặng bé hoặc đang tìm đồ chơi cho các bé thích tô vẽ thì đây sẽ là một lựa chọn hay. Và nếu như đọc đến đây mà bạn đặt câu hỏi: Mua bộ tô màu lên kính ở đâu? thì mình xin chia sẻ luôn là Nhà Sách Phương Nam Phú Thọ hay còn gọi là Nhà Sách Phú Thọ theo thói quen của thế hệ 8x, 9x ở Sài Gòn.

Cảm ơn bạn đã xem bài, nhớ để lại bình luận nếu bạn cần thêm thông tin nhé!

Đọc bài viết

Trà chiều

Review hộp bút họa tiết trang trí dễ thương

Published

on

By

Xin chào bạn đọc Bookish.vn, mình mở ra series Nhà sách có gì ngoài sách với các bài viết chia sẻ, review những món đồ thú vị có mặt tại Nhà Sách Phương Nam. Hi vọng các bài viết trong series này sẽ mang đến cho bạn những thông tin vui vẻ và hữu ích.

Đúng là Nhà sách có rất nhiều sách, nhưng ngoài sách ra thì có rất nhiều món đồ khác mà mỗi lần đến nhà sách mình cứ như đi lạc vào xứ sở dễ thương vậy. Vừa rồi, mình có dịp được trải nghiệm nhanh một món đồ thú vị muốn chia sẻ đến các bạn, đó là hộp bút họa tiết xinh xắn đang có mặt tại Nhà Sách Phương Nam, thích trang trí và yêu màu sắc chắc chắn bạn sẽ thích món đồ này đó.

Mời xem thêm video trải nghiệm tại đây

Lần đầu viết review một món đồ không phải sách trên Bookish.vn - một trang chuyên viết về sách có điều gì thiếu xót hay cần thêm thông tin gì mời bạn để lại bình luận để mình ghi nhớ và phản hồi nhé!

Hộp bút trang trí họa tiết trưng bày ở Nhà Sách Phương Nam

Thông tin chung về sản phẩm

Mỗi hộp bút sẽ có 6 bút như sau:

1. Đường cong - Màu Xanh táo
2. Hoa - Màu Hồng xinh xắn
3. Gạch nối - Màu Vàng dứa thơm
4. Ngôi sao - Màu đỏ dưa hấu
5. Đường ngang nối - Màu Xanh dương Berry
6. Trái tim - Màu tím măng cụt

Combo 6 bút với 6 màu và họa tiết xinh xắn

Bút này dùng để làm gì?

- Đánh dấu nội dung bạn cần lưu ý lại mấy lúc đi học, đi làm.
- Trang trí ghi chú cá nhân của bạn, làm đẹp tựa bài, lưu bút hay nhật ký mỗi ngày.
- Sáng tạo tranh vui vẻ giải trí sau giờ học, giờ làm với các họa tiết có sẵn của bút.

Cùng xem họa tiết được vẽ ra trên giấy nhé

Điều yêu thích ở bút này

- Hữu ích trong việc làm nổi bật nội dung quan trọng, khi đánh dấu sẽ tìm lại dễ dàng.
- Bút dễ dùng, kích thước nhỏ gọn như bút bi nên dễ đem đi học, đi làm.
- Kiểu dáng bút đẹp mắt, cầm nhẹ tay, dễ viết.
- Giá cả hợp lý, vừa túi tiền. Nếu mua tại nhà sách Phương Nam thì giá là 50.000đ/hộp 6 bút.

Một vài lưu ý rút ra khi sử dụng bút

Trong lúc trải nghiệm sản phẩm, mình thấy có một vài mẹo để bút đáp ứng được tốt nhất nhu cầu của mình, chia sẻ ở đây cho bạn nào đang quan tâm nhé

- Mỗi lần viết, nhớ lắc đều bút - như uống sữa phải lắc đều vậy :D Như vậy, bút sẽ ra màu đều và đẹp.
- Ba bút: đường cong, gạch nối, đường ngang nối khi viết nên cầm bút thẳng lên, họa tiết sẽ ra đẹp và thẳng hàng hơn đó bạn.
- Ba bút: hoa, ngôi sao, trái tim thì nên cầm nghiêng khi viết, như vậy họa tiết sẽ tròn vành và đều màu.

Tóm lại là ở góc nhìn của mình thì sản phẩm dễ dùng và đạt được các mục đích trang trí đơn giản, có bền hay không thì tùy vào trải nghiệm và cách dùng của mỗi người. Kích thước và hình dáng sản phẩm rất dễ thương nên mình nghĩ rất thích hợp để làm quà tặng các dịp đặc biệt cho bạn bè, đồng nghiệp, gia đình,... món quà mừng năm học mới cho con gái, món quà sinh nhật cho đồng nghiệp hay món quà chúc mừng bạn thân thi đậu IELTS điểm cao.

Cám ơn bạn đã dành thời gian đọc bài review của mình và hi vọng nó sẽ hữu ích với bạn!

Đọc bài viết

Cafe sáng