Trích đăng

Chương 2 “Lưỡng Giới” – Jeffrey Eugenides

“Đó là do tình yêu hay bản năng sinh sản? Tình cờ hay định mệnh? Tội ác hay sản phẩm của tự nhiên?”

Published

on

Chi tiết tác phẩm

Trích từ: Lưỡng giới

Tác giả: Jeffrey Eugenides

Đơn vị giữ bản quyền: Phương Nam Book

Xuất bản: tháng 7.2019

Đọc Chương 1.

MAI MỐI

Khi câu chuyện này được lan truyền ra cả thế giới, biết đâu tôi sẽ trở thành kẻ lưỡng tính nổi tiếng nhất trong lịch sử.

Trước tôi đã có nhiều người khác. Alexina Barbin học trường nội trú nữ ở Pháp trước khi trở thành Abel. Cô để lại cuốn tự truyện mà triết gia Michel Foucault phát hiện ra trong tài liệu lưu trữ của Ban Vệ sinh Công cộng Pháp. (Các tập hồi ký, kết thúc trước khi cô tự sát ít lâu, không khiến người đọc thấy thỏa mãn, và chính sau khi đọc xong chúng nhiều năm trước mà tôi nảy ra ý tưởng viết hồi ký.)1 Gottlieb Göttlich, sinh năm 1798, sống với tên Marie Rosine cho tới năm ba mươi ba tuổi. Một ngày do bị đau bụng Marie tới khám bác sĩ. Bác sĩ kiểm tra xem cô có bị thoát vị không thì phát hiện cô bị tinh hoàn ẩn2. Kể từ đó, Marie mặc quần áo đàn ông, lấy tên là Gottlieb, rồi kiếm bộn tiền bằng việc đi vòng quanh châu Âu cho các bác sĩ săm soi mình.

Cứ theo mấy ông bác sĩ thì tôi còn hay ho hơn Gottlieb nhiều. Xét dưới khía cạnh hoóc môn của bào thai ảnh hưởng lên hóa học thần kinh và mô học, não tôi là não đàn ông. Nhưng tôi được nuôi nấng theo kiểu con gái. Nếu bạn định làm thí nghiệm kiểm tra mức độ ảnh hưởng của tự nhiên so với môi trường nuôi dưỡng, đời tôi là một thử nghiệm hoàn hảo. Trong khoảng thời gian tôi ở Phòng khám gần ba thập kỷ trước, bác sĩ Luce cho tôi làm không biết bao nhiêu xét nghiệm. Tôi được cho làm Xét nghiệm Khả năng Ghi nhớ Hình ảnh Benton và Xét nghiệm Thị giác-Vận động Cấu trúc Hình thức Bender. Chỉ số IQ về mặt ngôn ngữ của tôi được đo, cùng vô số thứ khác nữa. Luce thậm chí còn phân tích kiểu viết văn của tôi để xem tôi viết thẳng mạch theo kiểu đàn ông, hay vòng vèo theo kiểu đàn bà.

Tất cả những gì tôi biết là thế này: mặc cho bộ não bị tràn ứ hoóc môn nam, vẫn có một sự lòng vòng nữ tính bẩm sinh trong câu chuyện mà tôi buộc phải kể. Trong bất cứ lịch sử nào về di truyền. Tôi là mệnh đề cuối trong một câu ghép có mệnh đề phụ đứng trước, mà cái câu đó bắt đầu từ lâu lắm rồi, trong một ngôn ngữ khác, nên bạn phải đọc từ đầu thì mới hiểu được đoạn cuối, chính là sự ra đời của tôi.

Thành thử giờ đây, khi đã được sinh ra, tôi sẽ tua ngược phim, để cái chăn màu hồng bay mất, cái cũi vút lại qua sàn nhà trong khi dây rốn được nối lại, và tôi gào lên trong khi bị hút ngược lại vào giữa hai chân bà bô. Bà lại béo ú. Rồi quay trở lại nữa khi cái thìa ngừng đong đưa và cặp nhiệt độ vào lại hộp nhung. Vệ tinh Sputnik đuổi theo luồng sáng sau đuôi về lại bệ bắn và bệnh bại liệt rình rập vùng đất này. Vụt qua hình ảnh ông bô tôi hồi hai mươi tuổi chơi kèn clarinet, thổi một bản nhạc của nghệ sĩ Artie Shaw3 vào điện thoại, rồi ông ở nhà thờ, lúc tám tuổi, choáng váng vì giá tiền nến thánh; tiếp theo là ông nội tôi giật tờ hóa đơn đầu tiên thanh toán bằng tiền đôla Mỹ ra khỏi máy tính tiền hồi năm 1931. Rồi ra khỏi nước Mỹ hoàn toàn; chúng ta ở giữa đại dương, nhạc phim nghe ngồ ngộ khi chơi ngược lại. Một chiếc tàu thủy chạy bằng hơi nước xuất hiện, và trên boong tàu xuồng cứu hộ đang rung lắc rất kỳ quặc; nhưng rồi tàu về lại bến, đuôi tàu trước, và chúng ta lại lên đất liền, nơi bộ phim bắt đầu chiếu, từ đầu…

Cuối mùa hè năm 1922, bà Desdemona Stephanides của tôi không dự báo chuyện sinh nở mà chết chóc, cụ thể là cái chết của chính mình. Bà đang ở trong trại nuôi tằm, tít trên sườn núi Olympus ở Tiểu Á, thì tim bà, không hề cảnh báo trước, lỡ một nhịp. Cảm giác rất rõ rệt: bà thấy tim mình ngừng đập rồi co siết lại. Rồi khi bà sững cả người ra thì nó bèn hối hả phi, thình thịch trên sườn. Bà khẽ rên lên ngỡ ngàng. Hai mươi nghìn con tằm, nhạy cảm với cảm xúc con người, ngừng kéo kén. Nhíu mắt dưới ánh sáng mờ mờ, bà tôi nhìn xuống thấy vạt áo bay phấp phới; trong khoảnh khắc đó, khi nhận ra cú nổi loạn trong người, từ lúc đấy cho đến cuối đời, Desdemona trở thành người ốm dặt dẹo bị cầm tù trong một cơ thể khỏe mạnh. Tuy nhiên, không chịu tin mình chả bị làm sao, tim đã im ổn trở lại cũng mặc, bà bước ra khỏi trại tằm trông xuống lần cuối cùng cái thế giới mà bà sẽ không rời bỏ trong năm mươi tám năm tiếp theo.

Bên ngoài cảnh đẹp hùng vĩ. Cố đô Bursa của đế chế Ottoman nằm ba trăm mét bên dưới, như một bảng cờ thỏ cáo trải qua thung lũng xanh rờn. Những ô hình thoi đỏ của mái nhà gạch ăn khớp với những hình thoi trắng trên nền nước vôi tường trắng. Đây đó, mộ các sultan nhấp nhô như các quân chip đánh bạc màu rực rỡ. Cái hồi năm 1922, ôtô còn chưa làm tắc phố phường. Thang kéo dân trượt tuyết còn chưa cắt phạm vào rừng thông trên núi. Các thể loại nhà máy luyện kim và dệt không réo ầm cả thành phố, làm không khí mù khói. Trông Bursa – ít nhất từ trên cao ba trăm mét – hệt như xưa, sáu thế kỷ trước, một thành phố thiêng liêng, bãi tha ma của dân Thổ Ottoman và trung tâm giao thương lụa, những con phố yên ắng, thoai thoải ken dày tháp giáo đường với cây bách. Những viên ngói trên Thánh đường Green Mosque4 theo năm tháng càng xanh thẫm hơn, nhưng chỉ có thế thôi. Tuy vậy, đứng từ xa chầu rìa vào, Desdemona Stephanides nhìn xuống bàn cờ và thấy được thứ mà các cờ thủ đã bỏ qua.

Dùng phân tâm học mà đọc vị cái bệnh đánh trống ngực của bà tôi thì nó như thế này: đây là biểu hiện của nỗi đau buồn. Cha mẹ bà đã chết – bị giết trong cuộc chiến gần đây với quân Thổ. Quân đội Hy Lạp, được các nước Đồng minh khuyến khích, xâm chiếm phía Tây Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 1919, giành lại vùng lãnh thổ của Hy Lạp từ thời xa xưa ở Tiểu Á. Sau nhiều năm sống tách biệt mãi trên núi cao, người dân Bithynios, làng bà tôi, đã xuất đầu lộ diện trong vùng an toàn của Megale Idea – Tư tưởng Lớn, giấc mơ về một Đại Hy Lạp5. Quân đội Hy Lạp đóng chiếm Bursa vào thời điểm này. Cờ Hy Lạp bay phấp phới trên cung điện trước đây của Ottoman. Quân Thổ và thủ lĩnh, Mustafa Kemal6, rút về Angora ở phía Đông. Lần đầu tiên trong đời, dân Hy Lạp ở Tiểu Á thoát khỏi ách thống trị của quân Thổ. Những người không theo đạo Hồi (“những con chó ngoại đạo”) không còn bị cấm mặc quần áo sáng màu hay cưỡi ngựa hay dùng yên cương7. Không bao giờ còn chuyện như mấy thế kỷ qua, bọn quan lại Ottoman hằng năm vào làng bắt trai tráng khỏe mạnh nhất đi phục dịch trong quân đội Thổ. Giờ đây, khi đàn ông trong làng mang lụa đi bán ở chợ ở Bursa, họ là người Hy Lạp tự do, ở một thành phố Hy Lạp tự do.

Tuy vậy, Desdemona vì thương nhớ mẹ cha nên vẫn bị cầm tù trong quá khứ. Thế là bà đứng trên núi, nhìn xuống thành phố đã được giải phóng, và thấy như bị lừa bởi chả thấy sung sướng như mọi người. Nhiều năm sau, lúc góa bụa, khi đã trải qua một thập kỷ trên giường cố hết sức bình sinh để chết đi, cuối cùng bà cũng chịu thừa nhận rằng hai năm giữa chiến tranh nửa thế kỷ trước là thời gian đẹp đẽ duy nhất trong đời bà; nhưng đến lúc đó thì những ai bà quen biết đã chết sạch cả rồi và bà chỉ còn nói được điều này với cái tivi.

Gần một tiếng đồng hồ qua Desdemona cố làm việc trong trại tằm để bơ đi linh cảm của mình. Bà đi ra cửa sau nhà, qua giàn nho thơm ngọt, rồi băng qua mảnh sân vườn bậc thang đi vào túp lều thấp lợp rơm. Mùi ấu trùng hăng sè trong lều không làm bà khó chịu. Trại tằm là ốc đảo riêng bốc mùi nồng nặc của bà tôi. Khắp chung quanh bà, dưới một khoảnh trời, những chú tằm trắng mềm mại bám chặt vào những bó cành dâu con con. Desdemona ngó chúng dệt kén, đầu lúc lắc như theo điệu nhạc. Bà ngắm chúng mà quên đi cái thế giới đảo điên với bao biến động ngoài kia, với cái thứ âm nhạc mới kinh khủng (vài phút nữa thôi sẽ được xướng lên). Rồi bà nhớ lại lúc mẹ mình, Euphrosyne Stephanides, cũng đúng ở cái trại tằm này nhiều năm trước, tiết lộ bí mật về tằm – “Muốn được lụa tốt thì con phải tinh khiết,” bà thường bảo con gái. “Tằm nó biết cả đấy. Cứ nhìn chất lượng lụa của một người là biết ngay họ đã làm gì” – rồi cứ thế, Euphrosyne tuôn ra ví dụ – “Maria Poulos, cái con bạ thằng nào cũng giạng chân ấy? Con thấy kén tằm của nó chưa? Vết nhơ cho loài người. Lần tới nhìn thử mà xem” – lúc đó Desdemona mới mười một mười hai gì đó và tin sái cổ từng lời mẹ bảo, thành thử giờ đây, khi đã là một thiếu nữ hai mươi mốt tuổi, bà vẫn không tài nào bác bỏ sạch trơn những câu chuyện răn dạy đạo đức của mẹ, cứ săm soi các kén tằm tìm dấu hiệu ô uế của chính mình (những giấc mơ hằng đêm gần đây!). Bà cũng tìm xem ở chúng có gì khác nữa không, bởi mẹ bà cũng bảo rằng tằm phản ứng với những biến cố hung bạo trong lịch sử. Sau mỗi trận tàn sát, ngay cả một làng ở cách xa năm mươi dặm, tơ tằm đều biến thành màu đỏ máu hết – “Mẹ đã thấy chúng rỉ máu tựa như chính đôi chân Chúa Jesus đấy,” lại là lời Euphrosyne. Thế là nhiều năm sau con gái bà vẫn nhớ mà nhíu mắt dưới ánh đèn mờ để xem có kén tằm nào biến thành màu đỏ không. Bà kéo một khay tằm ra mà lắc lắc; bà lại kéo khay khác ra; đúng lúc đó bà thấy tim mình ngừng đập, siết chặt lại, rồi thoi vào bà từ bên trong. Bà làm rơi cái khay, nhìn vạt áo bay phấp phới do lực từ bên trong và hiểu rằng tim mình hoạt động theo chỉ dẫn của riêng nó, rằng bà không có quyền điều khiển nó, hay quả thực cũng không có quyền điều khiển bất cứ thứ gì khác.

Vậy là yia yia của tôi, bị căn bệnh tưởng đầu tiên, đứng dòm xuống Bursa như thể biết đâu tìm được một điểm hữu hình khẳng định cho nỗi sợ vô hình. Thế rồi điểm ấy đến dưới dạng âm thanh, từ trong nhà: em trai bà, Eleutherios (“Lefty8”) Stephanides, bắt đầu cất tiếng hát. Bằng một thứ tiếng Anh không hiểu nổi, phát âm sai be bét:

“Sáng sáng chiều chiều vui hem em ây,” Lefty hát, cứ chiều chiều đúng vào giờ này, đứng trước gương phòng ngủ, ông cài cổ áo bằng xen-lu-lô vào sơmi trắng mới, bóp chút sáp thơm (hương chanh) vào gan bàn tay rồi bôi lên mái tóc kiểu Valentino9 mới cắt. Đoạn hát tiếp: “Giờ này giờ nọ vui hem em ây.” Ông cũng chẳng hiểu lời bài hát, nhưng chỉ cần nhạc điệu là đủ. Nó kể với Lefty về thời đại nhạc jazz phóng túng, những món cốc tai rượu gin, về những em gái bán thuốc lá trong sòng bạc. Nó khiến ông vuốt ngược tóc rất kiểu cách… trong khi, ngoài sân, Desdemona nghe tiếng hát mà phản ứng khác hoàn toàn. Với bà, bài hát chỉ gợi đến những quán rượu tai tiếng em trai bà tạt vào khi xuống thành phố, những quán rượu nhỏ hút thuốc hasit nơi người ta chơi nhạc rebetiko với nhạc Mỹ và nơi bọn gái đĩ hát… khi Lefty mặc bộ vét kẻ sọc mới và gấp khăn mùi soa để túi màu đỏ tiệp với cà vạt đỏ… bà thấy chộn rộn trong người, nhất là ở bụng, cuộn lên bức bối vì đủ các thể loại xúc cảm phức tạp, buồn đau, giận dữ, và gì đó nữa bà không định rõ được nhưng lại làm lòng bà tan nát nhất. “Tiền nhà chưa trả, xe thì chưa tậu, cưng ây,” Lefty ngâm nga bằng giọng tenor ngọt ngào mà sau này tôi được thừa hưởng; còn dưới tiếng nhạc giờ đây Desdemona lại nghe thấy giọng mẹ mình, lời trăn trối của Euphrosyne Stephanides thốt ra ngay trước khi chết vì bị trúng đạn, “Săn sóc Lefty nhé. Hứa với mẹ đi. Tìm vợ cho nó!”… còn Desdemona, giàn giụa nước mắt trả lời, “Con hứa. Con hứa!”… tất cả những giọng này cùng một lúc cất lên trong đầu Desdemona khi bà băng qua sân vào nhà. Bà đi qua cái bếp tin hin nơi bà nấu bữa tối (cho một người) và tiến thẳng vào phòng ngủ dùng chung với thằng em. Ông vẫn đang hát – “Xèng thì chả mấy, nhưng cưng ây” – và cài măng séc, rẽ tóc; nhưng rồi ông ngước lên thấy chị gái mình – “Em ây có” – giờ thì rất khẽ – “vui” – rồi rơi vào im lặng.Trong một khoảnh khắc cái gương soi khuôn mặt hai người. Hai mươi mốt tuổi, rất lâu trước khi đeo hàm răng giả không khít mồm rồi lâm vào ốm đau bệnh tật do tự chuốc, bà tôi khá đẹp. Tóc đen dài tết bím bó lại dưới khăn trùm đầu. Những bím tóc này không mỏng mảnh như bé gái mà rất nặng và nữ tính, có sức mạnh tự nhiên, như đuôi hải ly. Bao năm tháng, bao mùa màng, bao loại thời tiết đã tích lũy vào những bím tóc này; tối tối khi tháo bím ra, tóc xõa xuống ngang hông bà. Lúc này, bím tóc được buộc bằng nơ lụa đen, nom càng ấn tượng hơn, nếu ta được nhìn thấy, mà trên thực tế thì không nhiều người lắm. Thứ dành cho người lạ thưởng lãm là khuôn mặt Desdemona: cặp mắt to âu sầu, nước da trắng hồng rạng rỡ. Tôi cũng nên nhắc tới, với chút đau nhói còn sót lại của đứa con gái từng có bộ ngực phẳng lỳ trước sau như một, cái thân hình đầy đặn khêu gợi của Desdemona. Cơ thể bà khiến bà xấu hổ không dứt. Nó lúc nào cũng phô bày bản thân theo cái lối mà bà không cho phép. Trong nhà thờ khi quỳ gối, trong sân khi đập thảm, dưới cây đào khi hái quả, những nét đàn bà của Desdemona thoát ra khỏi những câu thúc của những bộ quần áo nâu xám giản dị. Bên trên cái cơ thể cứ luôn nhún nhảy tưng tưng kia, khuôn mặt trùm khăn tách biệt hẳn ra, ngó xuống có phần khiếp đảm ý đồ của bọn hông với ngực.

Eleutherios thì lại cao với gầy hơn. Trong những bức ảnh chụp hồi đó trông ông giống mấy nhân vật giới đầu trộm đuôi cướp mà ông ngưỡng mộ, những tên trộm cướp với đánh bạc để một lớp ria mỏng tụ tập đầy những quán rượu ven biển ở Athens và Constaninople. Mũi khoằm, mắt sắc lẹm, toàn thể mặt ông nom tựa chim ưng. Tuy vậy, khi ông mỉm cười, ta thấy nét dịu dàng trong ánh mắt, khiến ta thấy rõ thực tình thì Lefty chả phải tay găngxtơ anh chị gì mà chỉ là cậu ấm mọt sách con nhà phong lưu được nuông chiều.

Cái buổi chiều mùa hè năm 1922 ấy, Desdemona không nhìn vào mặt em trai. Mắt bà lướt xuống cái áo vét, mái tóc bóng loáng, cái quần kẻ, khi bà cố tìm hiểu thằng em trong vài tháng qua trở chứng gì.

Lefty nhỏ hơn Desdemona một tuổi và bà thường tự hỏi làm thế nào mình sống qua mười hai tháng đầu tiên đó mà không có ông. Theo những gì bà còn nhớ được thì lúc nào ông cũng nằm bên kia cái chăn lông dê ngăn hai giường. Đằng sau tấm kelimi, ông biểu diễn múa rối, biến tay mình thành ông Karaghiozis10 lưng gù khôn ngoan luôn đánh lừa bọn Thổ. Trong bóng tối, ông bịa thơ thiếc rồi hát hò, nên một trong những lý do bà ghét cái thứ nhạc Mỹ mới lạ kia là vì ông chỉ hát cho mỗi mình ông nghe. Desdemona luôn yêu em với thứ tình yêu mà chỉ một cô chị gái từ bé đến lớn sống trên núi mới dành cho cậu em: ông là nguồn khuây khỏa duy nhất, bạn thân và người tâm tình, chiến hữu cùng khám phá ra những lối đi tắt và các am thầy tu. Hồi còn nhỏ, mối đồng cảm mà bà dành cho Lefty tuyệt đối đến nỗi đôi lúc bà quên mất họ là hai con người tách biệt. Lúc còn bé, họ lạch bạch đi bên sườn núi như một sinh vật hai đầu bốn chân. Bà quá quen mui bén mùi với cái bóng song sinh dính liền hắt lên ngôi nhà quét vôi trắng vào buổi tối, nên mỗi khi bắt gặp cái bóng lẻ loi của mình, bà cảm giác như nó đã bị cắt ra làm đôi vậy.

Thời bình dường như thay đổi mọi thứ. Lefty triệt để tận dụng những tự do mới mẻ. Riêng tháng rồi ông đã xuống Bursa tổng cộng mười bảy lần. Ông ngủ lại qua đêm đến ba lần ở quán trọ Kén Tằm đối diện Thánh đường Sultan Ouhan. Một sáng nọ ông ra khỏi nhà đi bốt, tất đến đầu gối, mặc quần ống túm, áo doulamas, với áo vét rồi tận tối hôm sau mới mò về nhà thì lại mặc bộ vét kẻ sọc, nơ lụa thắt ở cổ như ca sĩ opera còn đầu đội mũ quả dưa. Còn có những thay đổi khác nữa. Ông bắt đầu tự học tiếng Pháp từ cuốn sổ tay đàm thoại nhỏ màu mận. Ông nhiễm những điệu bộ giả tạo, đút tay vào túi lắc lắc tiền xu chẳng hạn, hay ngả mũ chào. Khi Desdemona giặt quần áo, bà tìm thấy nhiều mẩu giấy chi chít số má trong túi Lefty. Quần áo ông xộc mùi khói thuốc, xạ hương, thỉnh thoảng cả hương thơm nữa.

Lúc này đây trong gương, khuôn mặt sáp vào nhau của họ không thể che đậy được sự thật là họ đang tách dần nhau ra. Rồi bà tôi, nỗi âu sầu vỡ òa ra thành tiếng sấm rền trong tim, nhìn em trai như từng nhìn cái bóng mình mà thấy thiếu vắng một điều gì đó.

“Đi đâu mà diện thế?”

“Chị nghĩ em đi đâu chứ? Xuống Koza Han. Bán kén tằm.”

“Em vừa mới đi hôm qua còn gì.”

“Đang mùa mà.”

Cầm cái lược đồi mồi, Lefty rẽ tóc sang bên phải, thêm sáp thơm để bắt một lọn tóc cứng đầu phải ẹp xuống.

Desdemona lại gần hơn. Bà cầm sáp thơm lên hít hít. Quần áo ông không phải mùi này. “Ở dưới đó em còn làm những chuyện gì nữa?”

“Làm gì đâu.”

“Mấy lần liền em còn ở lại qua đêm.”

“Đường xa mà. Cuốc bộ xuống tới nơi trời tối mất rồi còn gì.”

“Em hút cái gì ở mấy quán rượu đó?”

“Trong ống shisha có gì thì hút cái đó. Chuyện tế nhị ai lại hỏi.”

“Bố mẹ mà biết em hút thuốc với uống rượu thế này…” lời bà truội dần đi.

“Bố mẹ đâu có biết được đâu?” Lefty nói. “Nên em chả việc gì nhá.” Cái giọng bông lơn cợt nhả của ông không đáng tin. Lefty cư xử như thể đã nguôi ngoai sau khi cha mẹ chết, nhưng Desdemona thì đi guốc trong bụng ông. Bà mỉm cười nghiêm nghị với em trai, rồi chả nói chả rằng mà giơ nắm tay ra. Vẫn ngắm mình trong gương, Lefty cũng tự động chìa nắm tay ra. Họ cùng đếm, “Oẳn tù tì ra cái gì ra cái… này!”

“Đá đập kéo. Chị thắng,” Desdemona nói. “Vậy kể chị nghe đi.”

“Chuyện gì?”

“Kể chị nghe dưới Bursa có gì hay ho thế.”

Lefty lại hất tóc tới trước rồi rẽ sang trái. Ông nhoài tới nhoài lui cái đầu trong gương. “Đằng nào đẹp hơn? Trái hay phải?”

“Để chị xem.” Desdemona cẩn thận giơ tay lên rồi vò nát tóc Lefty.

“Này!”

“Em muốn tìm gì ở dưới Bursa hả?”

“Để em yên.”

“Nói chị nghe đi!”

“Chị muốn biết à?” Lefty nói, bắt đầu cáu tiết với bà chị. “Chị nghĩ em muốn gì?” Bị dồn nén bấy lâu ông phun ra. “Em muốn một đứa con gái.”

Desdemona ôm lấy bụng, vỗ lên ngực mình. Bà lùi lại hai bước rồi đứng đó ngó thằng em bằng một ánh mắt khác. Trong đầu bà chưa bao giờ nảy ra cái ý nghĩ rằng Lefty, cặp mắt với đôi lông mày giống hệt bà kia, ngủ trên giường cạnh giường bà kia, lại bị một thứ dục vọng như thế ám ảnh. Mặc dù trưởng thành về mặt thể xác, Desdemona vẫn còn lạ lẫm với cơ thể mình. Đêm đêm trong phòng ngủ, bà từng thấy thằng em đang ngủ nằm ép sát vào nệm thừng như thể giận dữ với nó. Khi còn nhỏ, bà bắt gặp ông trong trại tằm, đang ngây thơ cọ cọ vào cái trụ gỗ. Nhưng những chuyện đó không để lại ấn tượng gì. “Em đang làm gì thế?” bà hỏi Lefty, hồi đó tám hay chín tuổi, đang siết chặt cái trụ, dịch đầu gối lên xuống. Bằng một giọng đều đều cương quyết, ông trả lời, “Em đang cố có cảm giác đó.”

“Cảm giác gì?”

“Chị biết mà” – càu nhàu, thở hắt ra, đầu gối đưa lên đưa xuống – “cái cảm giác đó.”

Nhưng bà không biết. Mãi nhiều năm sau này Desdemona khi đang cắt dưa chuột vô tình tựa vào góc bàn ăn, tựa mạnh hơn một chút, rồi sau đó vô thức đứng cái tư thế đó mỗi ngày, góc bàn ăn rúc giữa hai chân bà. Giờ đây lúc chuẩn bị bữa ăn cho em, thi thoảng bà lại thực thi thói quen cũ với cái bàn, nhưng không hề ý thức được. Chính cơ thể bà làm chuyện đó, với sự gian giảo và âm thầm của các cơ thể khắp thế gian.

Những chuyến đi xuống thành phố của em trai bà thì lại khác hẳn. Rõ ràng ông biết mình đang tìm kiếm cái gì; ông hiểu rất rõ cơ thể mình. Trí óc với cơ thể ông quyện thành một khối, suy nghĩ cùng một chuyện, chăm chăm một nỗi ám ảnh, và lần đầu tiên Desdemona không hiểu được suy nghĩ đó. Tất cả những gì bà biết là nó chẳng liên quan gì tới bà.

Nó khiến bà phát điên. Mà tôi ngờ cả hơi chút ghen tị nữa. Chẳng phải bà là bạn thân nhất của ông sao? Chẳng phải lúc nào họ cũng kể mọi thứ với nhau sao? Chẳng phải đích thân bà làm mọi thứ cho ông, nấu ăn, khâu vá, săn sóc nhà cửa như mẹ họ ngày xưa sao? Chẳng phải chính bà một tay đảm đương việc nuôi tằm để ông, đứa em nhỏ sáng dạ, được đi học đi hành tiếng Hy Lạp cổ chỗ linh mục đó ư? Chẳng phải chính bà bảo, “Sách vở học hành em lo đi, chị lo trại tằm cho. Em chỉ phải làm mỗi một việc là đem kén tằm đi chợ bán thôi.” Rồi khi ông bắt đầu la cà dưới thành phố, bà có càm ràm gì không? Bà có nhắc gì đến mấy mẩu giấy, hay đôi mắt đỏ ngầu, hay cái mùi xạ thơm ngòn ngọt trên quần áo ông không? Desdemona ngờ rằng thằng em mơ mộng đã trở thành con nghiện hasit. Nơi nào có nhạc rebetiko là y như rằng có hasit. Lefty đang chống chọi với cái chết của cha mẹ theo cách duy nhất ông biết, đó là ngụp lặn trong khói thuốc hasit mà nghe cái thứ nhạc sầu đời nhất hạng. Desdemona hiểu tất cả những chuyện này nên không càm ràm gì cả. Nhưng giờ đây khi bà thấy thằng em cố thoát khỏi nỗi buồn bằng cách mà bà không ngờ tới, thì bà không lặng thinh được nữa.

“Em muốn một đứa con gái á?” Desdemona hỏi giọng bàng hoàng. “Gái gì? Gái Thổ hả?”

Lefty chả nói chả rằng. Sau cơn bộc phát, ông bèn chải tóc tiếp.

“Chắc em muốn một đứa tì nữ. Phải không? Em tưởng chị không biết gì về bọn đĩ, mấy con poutane11 đó hả? Chị biết hết. Chị không ngu đến thế đâu. Em khoái một con phốp pháp lắc bụng vào mặt em chứ gì? Bụng béo núc ních có đeo khuyên chứ gì? Em muốn đứa như thế chứ gì? Để chị nói cho mà biết. Em có biết tại sao bọn gái Thổ lại phải đeo mạng che mặt không? Em tưởng vì tôn giáo hả? Không phải. Vì nếu không thì chả ai chịu nổi bản mặt bọn nó đâu!”

Lúc này bà quát tướng lên, “Nhục cái mặt, Eleutherios! Em bị làm sao thế hả? Sao em không kiếm một đứa ở làng mình?”

Đến lúc này thì Lefty, đang phủi bụi áo khoác, chỉ ra cho bà chị sự thật mà bà bỏ sót. “Chắc chị không nhận ra,” ông đáp, “nhưng ở cái làng này làm gì có đứa con gái nào.”

Quả tình có đúng như vậy thật. Bithynios chưa bao giờ là một làng lớn, nhưng hồi 1922 nó còn tin hin hơn bao giờ hết. Từ năm 1913, khi rệp vừng làm nho tàn lụi sạch, dân bắt đầu bỏ làng đi. Họ tiếp tục bỏ đi vào thời các cuộc chiến tranh Ban-căng12. Chị họ của Lefty và Desdemona, Sourmelina, đã đến Mỹ và giờ đây sống ở một nơi tên là Detroit. Dựng trên sườn núi thoai thoải, làng Bithynios không phải là một nơi chênh vênh trên đỉnh núi. Nó là một cụm những ngôi nhà trát vữa vàng mái đỏ tao nhã, hay ít nhất là hài hòa. Nhà to nhất, tổng cộng hai cái, có çikma – cửa sổ kính lớn xây trồi ra ngoài đường. Nhà nghèo nhất, loại này đầy, là loại chỉ có một phòng kiêm cả bếp. Rồi có những hộ như nhà của Desdemona với Lefty, có phòng khách nhét đầy đồ đạc, hai phòng ngủ, một bếp, và một vệ sinh ở sân sau có toilet kiểu châu Âu. Ở làng Bithynios không có cửa hàng, không bưu điện hay nhà băng, chỉ có một nhà thờ và một nhà hàng nhỏ. Muốn mua sắm thì phải xuống dưới Bursa, đầu tiên đi bộ, sau đó xe ngựa.

Hồi năm 1922 làng chỉ có khoảng một trăm người. Phụ nữ được gần non nửa. Trong bốn mươi bảy phụ nữ, hai mươi mốt là bà già. Hai mươi người nữa là bà nội trợ sồn sồn. Ba bà mẹ trẻ, đều có con gái còn quấn tã. Một là chị gái ông. Vậy là còn lại hai cô đến tuổi cập kê. Mà giờ đây Desdemona cuống quýt đề xuất.

“Không có con gái là sao? Cái Lucille Kafkalis đấy thôi? Nó ngoan phết. Hay cái Victoria Pappas đấy?”

“Con Lucille hôi bỏ xừ,” Lefty đáp nghe có lý. “Con đấy có khi cả năm nó tắm được một lần. Vào ngày tên thánh của nó. Còn con Victoria hả?” Ông đưa một ngón tay lên môi trên. “Ria mép con Victoria còn rậm hơn cả em. Em không muốn dùng chung dao cạo với vợ.” Nói đoạn, ông bỏ cây chổi phủi bụi quần áo xuống rồi choàng áo khoác vào. “Đừng thức đợi nhé,” ông nói rồi ra khỏi phòng ngủ. “Đi đi!” Desdemona gọi với theo sau. “Chị cần quái gì. Nhưng nhớ lấy. Khi con vợ Thổ cởi khăn ra, thì đừng có ba chân bốn cẳng mà dẫn xác về làng đấy!”

Nhưng Lefty đã bỏ đi. Tiếng bước chân của ông xa dần. Desdemona thấy thứ chất độc bí hiểm lại dâng lên trong máu. Bà không quan tâm. “Chị không thích ăn cơm một mình!” bà hét lên, với không một ai cả.

Gió từ thung lũng nổi lên, như mọi chiều. Nó thổi qua cửa sổ nhà mở toang. Nó làm cái then trên rương đựng đồ hồi môn và chuỗi hạt lo lắng13 của cha bà nằm trên đó kêu lạch xạch. Desdemona cầm chuỗi hạt lên. Bà bắt đầu lần từng hạt một qua từng ngón tay, hệt như cha bà, ông bà, và ông cố của bà từng làm, thể hiện tài lo âu chính xác bài bản và cặn kẽ đã ăn vào máu gia đình. Trong lúc các hạt va vào nhau, Desdemona mê mải ngẫm ngợi. Chúa bị làm sao ấy nhỉ? Sao Người lại mang cha mẹ đi mất để bà phải lo cho thằng em? Bà phải làm gì với nó đây? “Hút thuốc, uống rượu, giờ còn tệ hơn! Mà nó lấy tiền đâu ra cho hết thảy những trò ngu xuẩn đấy? Từ kén tằm của mình chứ đâu nữa!” Từng hạt lần qua tay là một nỗi căm giận được ghi lại rồi xả ra. Desdemona, với đôi mắt u sầu, khuôn mặt của đứa con gái buộc phải trưởng thành quá vội, lo lắng lần tràng hạt như cánh đàn ông nhà Stephanides trước và sau bà (tức là tôi cũng thế, nếu tính cả tôi vào).

Bà lại bên cửa sổ thò đầu ra ngoài, nghe gió thổi xào xạc qua hàng thông và bạch dương. Bà tiếp tục lần chuỗi hạt lo lắng rồi, từng chút một, nó làm nhiệm vụ của mình. Bà thấy dễ chịu hơn. Bà quyết định sống tiếp đời mình. Tối nay Lefty không về. Ai thèm quan tâm chứ? Ai mà cần nó chứ? Nó không bao giờ về nữa thì đời bà càng suôn sẻ hơn. Nhưng bà nợ mẹ cái trách nhiệm quản lý để thằng em không mắc thứ bệnh nhục nhã nào đó, hay tệ hơn, bỏ nhà trốn đi với một con Thổ. Các hạt tiếp tục rơi, từng hạt một, qua ngón tay Desdemona. Nhưng bà không còn đếm nỗi đau nữa. Mà giờ đây các hạt gợi đến trong đầu bà những hình ảnh trên một tạp chí được giấu kín trong cái bàn cũ của cha họ. Một hạt là kiểu tóc. Hạt tiếp theo là chiếc váy lót lụa. Hạt tiếp theo là cái coóc xê đen. Bà tôi khởi sự công tác mai mối.

Trong lúc đó, Lefty đeo túi kén tằm đang trên đường xuống núi. Khi tới thành phố, ông xuống Kapali Carsi Caddesi, rẽ ở Borse Sokak, đoạn băng qua cổng vòm vào sân chợ tằm Koza Han. Bên trong, chung quanh đài phun nước bằng đá màu xanh ngọc là hàng trăm những túi đựng kén tằm chật ních cao đến tận hông. Đàn ông tụ tập ở khắp nơi, người bán kẻ mua. Họ gào hét từ mười giờ sáng hôm đó lúc chuông mở chợ vang lên nên giọng đã khản đặc. “Giá hời đây! Hàng chất đây!” Lefty tay cầm túi len qua những lối hẹp giữa các kén tằm. Ông chưa bao giờ quan tâm đến chuyện làm ăn kiếm sống của gia đình. Ông không nhận biết được chất lượng kén tằm bằng cách ngửi hay sờ xem như chị gái. Lý do duy nhất ông mang kén tằm tới chợ là vì phụ nữ không được phép làm vậy. Phải chen lấn rồi xô đẩy bọn khuân hàng với cả bước tránh những túi kén làm ông căng thẳng. Ông nghĩ sẽ thật tuyệt biết bao nếu thiên hạ ngừng cử động một lúc, nếu họ đứng yên đó mà chiêm ngưỡng những kén tằm tỏa sáng trong bóng đêm; nhưng dĩ nhiên chẳng ai làm vậy. Họ tiếp tục gào hét rồi dí kén tằm vào mặt nhau rồi điêu toa rồi mặc cả. Cha Lefty ngày xưa rất mê buổi chợ ở Koza Han, nhưng cái máu buôn bán đó không truyền sang thằng con.

Gần dãy hành lang mái vòm Lefty gặp tay lái buôn quen. Ông giơ túi lên. Tay thương lái thọc tay vào lấy ra một cái kén. Lão nhúng vào bát nước kiểm tra. Đoạn nhúng tiếp vào cốc rượu.

“Tơ này phải xe hai lần. Chưa đủ độ dai.”

Lefty không tin nhận xét này. Tơ của Desdemona luôn là hàng hảo hạng. Ông biết lẽ ra phải quát lác, giả vờ bị xúc phạm, vờ mang hàng đi chỗ khác. Nhưng ông đến muộn; tiếng chuông đóng chợ sắp sửa vang lên rồi. Cha ông đã luôn dặn đừng có mang kén đi bán lúc cuối ngày vì như thế phải hạ giá. Lefty sởn hết cả da gà dưới bộ vét mới. Ông muốn buôn cho nhanh bán cho gọn. Lòng ông ngập tràn tủi hổ: tủi hổ cho loài người, bởi lúc nào cũng chỉ nghĩ tiền tiền, và ham lừa đảo. Không phản đối một lời ông đồng ý luôn giá lão kia ra. Ngay khi buôn bán xong xuôi, ông vội ra khỏi Koza Han lo chuyện riêng trong phố.

Đó không phải là chuyện Desdemona tưởng. Nhìn thật kỹ thì thấy Lefty, đội mũ quả dưa vẻ ngông nghênh, cuốc bộ xuống những con dốc của Bursa. Tuy vậy khi đi qua hàng cà phê, ông lại không tạt vào. Chủ quán gọi ông, nhưng Lefty chỉ vẫy tay. Ở con phố tiếp theo ông ngang qua một cửa sổ có giọng phụ nữ ới gọi, nhưng ông không hề đoái hoài, cứ thế đi tiếp qua những con phố ngoằn ngoèo, qua đám bán hoa quả và nhà hàng cho tới một con phố khác, tại đây ông bước vào nhà thờ. Chính xác hơn: một nhà thờ Hồi giáo cũ, với ngọn tháp bị đập bỏ và những câu kinh Koran khắc trên tường đã bị trát kín để tạo ra nền mới toanh cho người ta vẽ lên, ngay lúc này đây, các vị thánh Kitô giáo. Lefty đưa một đồng xu cho bà già bán nến thánh, thắp một ngọn rồi cắm thẳng xuống cát. Ông ngồi xuống một chỗ ở hàng ghế sau. Cũng giống hệt như bà bô tôi sau này cầu xin lời chỉ dẫn về việc thụ thai tôi, Lefty Stephanides, ông trẻ của tôi (kiêm cả những vai trò khác nữa) trông lên vị Chúa Ban Phước Lành đang vẽ dở trên trần nhà. Bài cầu nguyện bắt đầu bằng những lời ông học hồi bé, Kyrie eleison, Kyrie eleison14, con không xứng được tới trước ngôi Người, nhưng rồi chúng đổi dần, trở nên riêng tư hơn, con không hiểu tại sao lại cảm thấy như thế, nó không tự nhiên… rồi chuyển sang lời buộc tội nho nhỏ, cầu nguyện, Người làm con ra thế này, con đâu có cầu xin những thứ như vậy… nhưng cuối cùng thì trở nên khốn khổ, xin hãy cho con sức mạnh, Chúa ơi, đừng để con như thế này, nhỡ chị ấy mà biết được… mắt nhắm tịt, tay gập vành mũi quả dưa, những lời đó bay lên cùng khói hương trầm tới một đức Jesus-đang-vẽ-dở.

 Ông cầu nguyện năm phút. Đoạn ra ngoài, đội mũ lại lên đầu, lắc xu xủng xoẻng trong túi. Ông leo lên lại những con phố dốc thoai thoải, và lần này (trái tim được cởi bỏ gánh nặng), dừng lại ở tất cả những nơi ông đã cự tuyệt trên đường đi xuống. Ông vào quán uống cà phê rít hơi thuốc. Ông tạt vào nhà hàng làm tợp rượu ouzo. Những tay chơi cờ thỏ cáo hét gọi, “Êu, anh cắt đầu Valentino, làm ván chớ?” Ông để mình bị dụ vào chơi chỉ một ván, rồi thua thế là phải đặt gấp đôi hoặc không gì cả. (Những con tính mà Desdemona tìm thấy trong túi quần Lefty chính là nợ cá cược.) Đêm trôi đi. Rượu ouzo rót tràn trề. Nhạc công đến rồi nhạc rebetiko bắt đầu nổi lên. Họ chơi những bài hát về dục tình, cái chết, tù đày, và cuộc sống đường phố. “Ngày ngày anh ghé quán rượu ven biển hút hasit,” Lefty hát theo, “để xua đi nỗi buồn mù mịt mỗi sớm mai; Anh gặp hai em nô tì ngồi trên bãi cát; Hai nàng bé bỏng phê lòi cả thuốc, mà nom vẫn xinh đẹp lạ thường.” Trong lúc đó, shisha được nhồi đầy. Đến nửa đêm, Lefty bồng bà bồng bềnh quay ra phố.

Một con hẻm chạy xuống, rẽ, ngõ cụt. Cửa mở ra. Một khuôn mặt mỉm cười, cúi đầu chào. Chưa gì Lefty đã tọa luôn xuống xô pha cùng ba tên lính Hy Lạp, ngắm bảy cô em đẫy đà xức nước hoa ngồi trên hai chiếc xô pha đối diện. (Máy hát chạy cái bài nổi tiếng được bật khắp nơi: “Sáng sáng chiều chiều…”) Đến lúc này những lời cầu nguyện vừa rồi đã bốc hơi sạch sẽ bởi như mụ tú bà nói, “Bất kỳ em nào cưng thích, cưng à,” mắt Lefty lướt qua em người Circassia mắt xanh tóc vàng, rồi em người Armenia đang cắn quả đào lả lơi mời gọi, rồi em Mông Cổ để tóc mái; mắt ông đưa tiếp rồi dừng lại ở một em kín tiếng ngồi ở cuối xô pha, cô gái có cặp mắt âu sầu với làn da không tì vết và mái tóc đen tết bím. (“Gươm nào cũng có vỏ hết á,” tú bà nói tiếng Thổ còn bọn gái điếm cười phá lên.) Không ý thức được vì sao mình lại bị em này cuốn hút, Lefty đứng dậy, vuốt thẳng áo khoác, chìa tay ra về phía cô gái mình chọn… và chỉ khi em dẫn ông lên lầu thì một giọng trong đầu ông mới chỉ ra em này giống hệt như… mà chẳng phải nét mặt trông nghiêng rất giống… nhưng lúc này họ vào phòng với nào là ga giường bẩn thỉu, ngọn đèn dầu đỏ như máu, mùi nước hoa hồng và chân thối. Bị những giác quan tuổi trẻ làm cho mê muội, Lefty không để ý đến sự giống nhau tăng dần khi cô gái cởi bỏ quần áo. Mắt ông ngấu nghiến bộ ngực lớn, cái eo thon, mái tóc tuôn dài xuống cái xương cụt yếu đuối; nhưng Lefty không nhận thấy mối liên hệ nào. Cô gái nhồi thuốc vào shisha cho ông. Chẳng bao lâu sau ông mơ mơ màng màng, không còn nghe thấy giọng nói trong đầu nữa. Trong giấc mơ êm đềm do thuốc hasit kéo dài trong suốt nhiều giờ sau đó, ông không còn biết mình là ai, đang ở với ai. Chân tay em gái điếm trở thành chân tay một phụ nữ khác. Một vài lần ông gọi lớn một cái tên, nhưng khi đó ông phê quá không để ý. Chỉ mãi sau đó, khi tiễn ông về, em gái mới đưa ông quay lại hiện thực. “Mà này em tên là Irini nhé. Ở đây bọn em chả có ai tên Desdemona cả.”

Sáng hôm sau ông tỉnh dậy ở Quán trọ Kén tằm, ngập chìm trong những lời tự tố cáo. Ông rời khỏi thành phố, leo núi về lại làng Bithynios. Túi ông (rỗng không) không còn kêu xủng xoẻng. Đầu đau nhừ sau cơn say và ngây ngấy sốt, Lefty tự nhủ rằng chị gái mình nói đúng: đã đến lúc ông phải lập gia đình. Ông sẽ lấy quách con Lucille, hoặc con Victoria. Sinh con đẻ cái rồi thôi không đi xuống Bursa nữa rồi dần dà ông sẽ thay đổi; ông sẽ già đi; mọi thứ ông cảm thấy bây giờ sẽ tan biến thành hồi ức rồi thành hư không. Ông gật đầu; ông bèn chỉnh lại mũ.

Còn ở làng Bithynios, Desdemona đang dạy hai em bé mới vào nghề kia cách trang điểm. Trong khi Lefty vẫn đang ngủ vùi ở quán trọ Kén Tằm, bà mời Lucille Kafkalis với Victoria Pappas sang nhà chơi. Hai em này còn trẻ hơn Desdemona, vẫn ở cùng bố mẹ. Họ kính cẩn Desdemona vì bà làm chủ một gia đình. Ghen tị với sắc đẹp của bà, họ ngưỡng mộ ngắm nghía bà; hãnh diện vì được bà chú ý, họ tâm sự với bà; nên khi bà khuyên nhủ cách cải thiện vẻ ngoài, họ nghe như nuốt từng lời vàng ý ngọc. Bà bảo Lucille nên chăm tắm rửa hơn và gợi ý cô dùng giấm để khử mùi dưới cánh tay. Bà đưa Victoria đến chỗ một thím người Thổ chuyên tẩy vùng lông không mong muốn. Trong tuần tiếp theo, Desdemona dạy hai em mọi điều mà bà học được từ tạp chí sắc đẹp duy nhất mà bà từng đọc, một ca ta lô rách tơi tả tên là Đồ lót phụ nữ Paris15. Tập ca ta lô này vốn của cha bà. Nó gồm ba mươi hai trang ảnh người mẫu mặc coóc xê, xu chiêng, quần tất và dây nịt tất. Đêm đêm, khi cả nhà đã ngủ say, cha bà thường moi nó ra từ ngăn kéo bàn cuối cùng. Giờ đây Desdemona bí mật nghiên cứu tập ca ta lô, ghi nhớ những bức ảnh để sau đó tái tạo.

Bà bảo Lucille với Victoria chiều nào cũng sang chơi. Hai em bước vào nhà, đánh hông như được dạy, rồi lượn qua giàn nho nơi Lefty hay ngồi đọc sách. Mỗi lần đến họ đều mặc váy khác nhau. Hai em cũng đổi cả kiểu tóc, dáng đi, trang sức, lẫn điệu bộ. Dưới chỉ đạo của Desdemona, hai cô gái nhếch nhác tự nhân họ thành một thành phố nhỏ toàn phụ nữ, mỗi người đều có điệu cười riêng, viên đá quý riêng, bài hát yêu thích hay ngân nga. Sau hai tuần, chiều nọ Desdemona ra chỗ giàn nho hỏi em trai, “Sao lại ngồi đây? Sao không đi xuống Bursa? Chị tưởng em tìm được một em Thổ xinh xắn mà cưới rồi chứ. Hay bọn nó đứa nào cũng có ria mép như Victoria cả?”

“Kỳ quặc thật, chị nhắc đúng chuyện em đang nghĩ đấy,” Lefty nói. “Chị có để ý không? Cái Vicky sạch hết ria mép rồi. Mà chị biết gì nữa không?” giờ đứng dậy, mỉm cười – “ngay cả cái Lucille cũng bớt hôi rồi. Mỗi lần nó đến em lại ngửi thấy hương hoa thơm.” (Dĩ nhiên ông điêu. Ngoại hình hay mùi hương của hai em này chẳng hấp dẫn gì ông hơn trước kia. Tỏ ra hăng hái thế này chỉ là cách ông đầu hàng việc không thể tránh khỏi: một cuộc hôn nhân sắp đặt, đời sống gia đình, con cái – thảm họa toàn tập.) Ông lại gần Desdemona. “Chị nói chuẩn quá,” ông bảo. “Những cô gái xinh đẹp nhất trên thế gian ở ngay đây trong làng này rồi.”

Bà e thẹn nhìn lại vào mắt ông. “Thật vậy à?”

“Đôi khi ta không nhận ra thứ sờ sờ ngay trước mắt mình.”

Họ đứng đó chăm chắm ngó nhau, Desdemona bèn thấy lòng chộn rộn. Mà để giải thích cảm giác đó tôi lại phải kể cho bạn một câu chuyện khác. Trong bài diễn văn tại hội nghị thường niên của Hiệp hội Khoa học Nghiên cứu Tính dục vào năm 1968 (năm đó được tổ chức ở Mazatlán giữa cơ man nào piñata16), bác sĩ Luce với tư cách chủ tịch giới thiệu khái niệm “cảm giác ngoại biên.” Bản thân từ này chả có nghĩa gì cả; Luce phịa ra để tránh mọi liên tưởng về từ nguyên. Tuy vậy, trạng thái cảm giác ngoại biên lại rất phổ biến. Nó chỉ cái lần xúc động đầu tiên trong quá trình bén duyên của đôi lứa. Nó gây ra váng vất, hân hoan, nhồn nhột ở thành ngực, ham muốn trèo lên ban công bằng sợi dây thừng kết từ tóc người yêu. Cảm giác ngoại biên chỉ cái lần đầu lên giường ngất ngây hạnh phúc như phê thuốc khi bạn hít ngửi người tình như bông hoa anh túc thơm ngát trong nhiều giờ liền. (Nó kéo dài, Luce giải thích, lên tới hai năm – là hết đát.) Dân Hy La cổ đại sẽ giải thích cảm giác mà Desdemona đang cảm thấy là do thần tình ái Eros. Hiện nay theo ý kiến chuyên gia đây là do hóa chất thần kinh và tiến hóa. Dẫu vậy, tôi phải khẳng định rằng: với Desdemona thì cảm giác ngoại biên như thể một cái hồ hơi ấm dâng lên từ bụng tràn qua ngực bà. Nó lan như cơn hồng thủy rượu 90 độ cồn, thứ rượu Phần Lan xanh bạc hà cay xè. Với sự bơm đẩy đầy hiệu quả của hai tuyến giáp ở cổ, nó làm mặt bà nóng bừng lên. Đoạn cái hơi ấm này nảy ra loạt ý tưởng khác, bèn tràn xuống những vùng mà một cô gái như Desdemona không cho phép nó đi tới, nên bà cụp mắt quay đi chỗ khác. Bà bước lại cửa sổ, để cảm giác ngoại biên lại phía sau, và gió từ thung lũng thổi lên làm bà mát dịu. “Chị sẽ đi nói chuyện với bố mẹ hai đứa ấy,” bà bảo, cố ra vẻ như mẹ mình. “Còn em thì xúc tiến tán tỉnh đi.”

Đêm hôm sau, mặt trăng hiện hình lưỡi liềm, như lá cờ tương lai của Thổ Nhĩ Kỳ. Dưới Bursa quân Hy Lạp lùng sục tìm thức ăn, nốc rượu, và bắn phá một nhà thờ Hồi giáo nữa. Ở Angora, Mustafa Kemal cho in trên báo tin ông sẽ tổ chức tiệc trà ở Chankaya nhưng trên thực tế di chuyển đến đại bản doanh ngoài chiến trường. Cùng chiến hữu, ông tợp ngụm rượu raki cuối cùng mà thề không đụng đến rượu cho tới khi trận chiến kết thúc. Dưới màn đêm bao phủ, quân Thổ không dịch chuyển về Eskişehir ở phía Bắc, như thiên hạ tưởng, mà về phía thành phố Afyon được phòng vệ cực kỳ cẩn thận ở phía Nam. Tại Eskişehir, quân Thổ đốt lửa trại để khuếch trương sức mạnh. Một lực lượng nghi binh nhỏ vờ tiến về phía Bắc Bursa.

Khi những vụ dàn quân này diễn ra, Lefty Stephanides cầm hai bó hoa con con, ra khỏi nhà tiến về phía nhà Victoria Pappas.

Sự kiện này trọng đại không kém gì việc trẻ con ra đời hay có người chết. Gần như ai trong số gần trăm dân làng Bithynios cũng đã nghe đến chuyến đi thăm sắp diễn ra của Lefty, thế là từ bà góa già, tới gái có chồng, đến các bà mẹ trẻ, cũng như các ông già, đều đang đợi xem ông sẽ chọn cô nào. Vì dân số ít ỏi, những phương thức tán tỉnh cổ xưa cơ hồ đã chấm dứt. Việc thiếu đối tượng yêu đương này làm nảy sinh một chu kỳ ác nghiệt. Không có ai để yêu thì không có tình yêu. Không có tình yêu thì không có trẻ em. Không có trẻ em thì không có ai để yêu.

Victoria Pappas đứng nửa trong bóng tối nửa ngoài ánh sáng, bóng trên người cô giống hệt bức ảnh ở trang số 8 của ca ta lô Đồ lót phụ nữ Paris. Desdemona (chuyên viên phụ trách trang phục, kiêm bố trí sân khấu và kiêm luôn đạo diễn) búi tóc Victoria lên, cho mấy sợi tóc quăn rơi xuống trán và cảnh báo cô phải xoay cái mũi to vào trong bóng tối. Xức nước hoa, tẩy lông, bôi kem làm mềm da, đánh phấn côn quanh mắt, Victoria đứng yên cho Lefty ngắm nghía mình. Cô cảm nhận được ánh mắt nóng bỏng, nghe tiếng thở nặng nhọc của ông, nghe ông cố gắng cất tiếng hai lần – hai tiếng ré khe khẽ từ cổ họng khô khốc – rồi cô nghe tiếng chân ông tiến về phía mình, rồi cô quay lại, làm vẻ mặt mà Desdemona đã dạy; nhưng mải tập trung trề môi ra cho giống chị mẫu đồ lót người Pháp cô không nhận ra tiếng bước chân không phải tiến tới mà là thoái lui; khi cô quay lại thì thấy Lefty Stephanides, anh chàng độc thân duy nhất ở làng, đã bỏ về mất toi…

… Trong lúc đó, ở nhà, Desdemona mở rương quần áo. Bà thọc tay lấy cái coóc xê. Nhiều năm trước mẹ đã tặng nó cho bà để dành cho đêm tân hôn, mà nói, “Mẹ mong có ngày con sẽ mặc vừa.” Giờ đây, trước gương phòng ngủ, Desdemona giơ cái món đồ rắc rối, kỳ lạ lên ướm thử lên người. Bà cởi tất ra, cả đồ lót màu xám. Bà cởi luôn cái váy cạp cao, cùng cái áo cổ cao. Bà cởi khăn trùm đầu thả hết tóc ra cho rơi xuống đôi vai trần. Chiếc coóc xê làm bằng lụa trắng. Mặc vào rồi Desdemona cảm thấy như thể bà đang dệt cái kén của riêng mình, chờ đợi biến hình thành bướm.

Nhưng khi nhìn lại mình trong gương, bà chợt hiểu ra. Cái coóc xê sẽ chả dùng vào việc gì cả. Bà sẽ không bao giờ lấy chồng. Tối nay Lefty sẽ quay về khi chọn được cô dâu, rồi ông sẽ đưa con bé về nhà sống với họ. Desdemona sẽ vẫn như xưa, lần chuỗi hạt mà già đi hơn cả bà cảm thấy lúc này. Một con chó tru lên. Ai đó ở làng vấp phải bó củi chửi tướng lên. Còn bà tôi lặng lẽ khóc bởi bà sẽ sống hết năm tháng đời mình đếm những nỗi lo không bao giờ cạn…

… Trong lúc đó Lucille Kafkalis đang tạo tư thế đúng như được bảo, nửa trong bóng tối nửa ngoài ánh sáng, đội mũ trắng có đính quả anh đào bằng thủy tinh, vai trần choàng khăn, diện váy cổ xẻ sâu màu xanh tươi, đi giày cao gót, mà cô không dám nhúc nhích vì sợ ngã. Bà mẹ béo của cô lạch bạch bước vào, cười toét mỏ hét toáng lên, “Thằng ấy đến kìa! Nó không chịu nổi con Victoria dù chỉ một phút!”…

… Chưa gì ông đã ngửi thấy mùi giấm. Lefty vừa mới đến chỗ khung cửa thấp nhà Kafkalis. Cha Lucille chào ông rồi nói, “Hai bác cho hai đứa được riêng tư. Để làm quen.” Phụ huynh bỏ đi. Phòng sáng lờ mờ. Lefty quay gót… đoạn vứt luôn bó hoa còn lại.

Điều mà Desdemona không hề ngờ tới là thằng em cũng đã nghiền ngẫm Đồ lót phụ nữ Paris. Thực ra, ông xem từ hồi mười hai cho tới khi sang mười bốn tuổi, khi phát hiện ra kho báu đích thực: mười tấm ảnh cỡ bưu thiếp, giấu trong vali cũ, chụp “Sermin, Thiếu nữ trong Thưởng lạc cung17,” một nàng hai lăm tuổi thân hình quả lê mặt ủ mày ê thực hiện đủ các loại tư thế trên mấy cái gối có quả tua rua trong một khuê phòng được dàn dựng. Tìm thấy nàng trong ngăn đựng vật dụng khi tắm rửa cứ như thể chà vào ngọn đèn thần. Nàng bay vút ra trong màn bụi sáng lấp lánh: trên người không có gì ngoài đôi hài thêu mũi cong trong truyện Ngàn lẻ một đêm với khăn thắt ở hông (tách); nằm trễ nải trên tấm da hổ, nghịch thanh mã tấu (tách); và tắm, ánh sáng đổ lên châu thân thành vệt carô, ở một nhà tắm lát đá cẩm thạch kiểu Thổ. Mười bức ảnh tông màu sepia nâu đỏ này chính là thứ đầu tiên khới dậy nỗi mê mẩn thành thị trong lòng Lefty. Nhưng ông nào quên được mối tình đầu ở Đồ lót phụ nữ Paris. Ông dễ dàng hình dung ra chúng rõ mồn một trong đầu. Khi thấy Victoria Pappas nom từa tựa như trang số 8, thứ làm Lefty kinh ngạc nhất chính là khoảng cách xa vời vợi giữa con này với cái hình mẫu thời niên thiếu. Ông thử tưởng tượng mình lấy Victoria, sống với nó, nhưng mỗi hình ảnh xuất hiện trong đầu đều có một khoảng trống toang hoác ngay chính giữa, chính là sự thiếu vắng người ông yêu hơn và hiểu hơn bất kỳ ai khác. Vì vậy ông chạy mất dép khỏi con Victoria Pappas chỉ để xuống phố gặp ngay con Lucille Kafkalis, thất vọng toàn tập, thua xa nàng ở trang số 22…

… Và giờ thì chuyện xảy ra. Desdemona, lệ tuôn lã chã, cởi coóc xê xong gấp lại rồi nhét vào rương. Bà lao lên giường, giường Lefty, rồi khóc vật ra. Chiếc gối thơm ngát hương chanh sáp bôi tóc của ông thế là bà hít lấy hít để, nức na nức nở…

… Cho đến khi, bị thuốc phiện của cơn khóc lóc làm cho đờ đẫn, bà ngủ thiếp đi. Bà mơ thấy chuyện gần đây thường xuất hiện. Trong chiêm bao mọi thứ lại như xưa. Bà với Lefty lại trở thành hai đứa trẻ (chỉ có điều trong cơ thể người lớn). Họ nằm chung giường (chỉ có điều giờ là giường bố mẹ). Họ gác chân tay lên nhau khi ngủ (cảm giác cực kỳ dễ chịu, khi gác lên nhau, còn cái giường thì ướt sũng)… Đúng lúc đó Desdemona tỉnh dậy, như mọi khi. Mặt bà nóng bừng. Bụng chộn rộn, và sâu thẳm trong lòng, bà cơ hồ nhận biết được cảm xúc đó là gì…

… Khi tôi ngồi đây trên ghế xoay, ngẫm ngợi theo chiều hướng mà nhà sinh vật học E. O. Wilson đã vạch ra18. Đó là do tình yêu hay bản năng sinh sản? Tình cờ hay định mệnh? Tội ác hay sản phẩm của tự nhiên? Có lẽ cái gen cài sẵn một cơ chế đảm bảo cho quá trình biểu hiện gen giải thích được tại sao Desdemona lại khóc vật vã và tại sao Lefty lại chọn những cô điếm như thế; không phải do tình yêu mến, không phải đồng cảm; chỉ là vì để cho cái thứ mới lạ này bước vào thế gian thì cần thiết phải như vậy, để rồi lại đẻ ra những tỉ số đã dàn xếp của trái tim. Nhưng tôi không sao giải thích nổi, Desdemona với Lefty cũng không, cũng như mỗi người chúng ta, khi rơi vào lưới tình, không phân biệt nổi đâu là do hoóc môn đâu là cảm giác thiêng liêng tuyệt trần, mà biết đâu tôi bám vào cái lý lẽ mọi sự do ý trời cả là bởi vì chút lòng vị tha bẩm sinh để bảo vệ giống loài; tôi không chắc nữa. Bằng suy nghĩ, tôi cố quay lại cái thời trước khi có ngành nghiên cứu gen, trước khi động đến chuyện gì mọi người cũng ra rả, “Nằm trong gen hết đấy.” Cái thời trước tự do hiện tại của chúng ta, và tự do hơn chán vạn lần! Desdemona không hề biết chuyện gì đang xảy ra. Bà không hình dung nổi lòng mình lại có thể như một bộ mã máy tính khổng lồ, chỉ gồm 1 với 0, những chuỗi vô tận, bất cứ chuỗi nào cũng có khả năng xuất hiện lỗi lập trình. Giờ đây ta biết mình mang cái bản đồ gen của chính mình đi khắp mọi nơi. Ngay cả khi đứng trên góc phố nó cũng sai khiến số phận ta. Nó đem đến trên mặt cùng những nếp nhăn với vết đồi mồi giống cha mẹ ta. Nó khiến chúng ta có cái kiểu hít hít rất đặc trưng, nhìn là biết ngay giỏ nhà ai quai nhà ấy. Gen ăn sâu đến nỗi chúng điều khiển cả cơ mắt, vì thế chị em gái nháy mắt giống nhau, còn hai bé trai sinh đôi thì nhểu nước dãi cùng lúc. Thi thoảng, lúc bồn chồn tôi sờ sờ cái sụn mũi, hệt ông anh. Cổ họng với thanh quản của bọn tôi, được hình thành từ cùng chỉ dẫn, đẩy không khí ra theo cùng âm thanh và âm lượng. Mà điều này có thể ngoại suy ngược lại theo thời gian, thành thử khi tôi nói thì Desdemona cũng nói. Bà cũng đang viết chính những từ này. Desdemona, không hề biết trong người có cả đội quân, thực thi hàng triệu mệnh lệnh, mà cũng không hề biết có một thằng lính không tuân lệnh, đào ngũ…

… Te tái chạy như Lefty lao khỏi nhà cái Lucille Kafkalis về với chị gái. Bà nghe tiếng chân tất tả của ông khi đang kéo váy lên. Bà lấy khăn trùm đầu chùi mắt rồi mỉm cười khi ông đi qua cửa vào nhà.

“Thế em chọn đứa nào?”

Lefty không đáp gì mà chỉ nhìn dò chị gái. Ngủ cùng phòng với bà cả đời, chẳng lẽ ông không biết được lúc nào bà khóc hay sao. Tóc bà xõa ra, phủ gần hết mặt, nhưng cặp mắt nhìn ông thì ngập tràn cảm xúc. “Chả đứa nào cả,” ông nói.

Desdemona nghe mà hạnh phúc tràn trề. Nhưng bà lại nói, “Em bị làm sao thế? Em phải chọn.”

“Hai con đó trông như hàng ấy.”

“Lefty!”

“Thật mà.”

“Em không muốn lấy bọn nó à?”

“Không.”

“Em phải lấy.” Bà giơ nắm tay lên. “Nếu chị thắng, em lấy cái Lucille.”

Lefty, không bao giờ cưỡng được trò cá độ, cũng giơ nắm tay lên. “Oẳn tù tì, ra cái gì ra cái này!”

“Giấy bọc đá,” Lefty nói. “Em thắng.”

“Lần nữa,” Desdemona nói. “Lần này, nếu chị thắng, em lấy cái Vicky. Oẳn tù tì…”

“Kéo cắt giấy. Em lại thắng! Vĩnh biệt Vicky.”

“Thế em lấy ai?”

“Em không biết” – cầm lấy tay bà rồi nhìn bà. “Lấy chị nhé?”

“Đen ghê chị là chị em đấy.”

“Chị đâu phải chỉ là chị em. Chị còn là chị họ ba đời của em nữa. Anh em họ ba đời được phép lấy nhau mà.”

“Em điên hả Lefty.”

“Mình lấy nhau thì mọi thứ chả dễ dàng hơn nhiều à. Bọn mình sẽ không phải sửa lại nhà cửa.”

Nửa đùa nửa thật, Desdemona với Lefty ôm lấy nhau. Thoạt tiên họ chỉ ôm như bình thường, nhưng mười giây sau cái ôm dần thay đổi; vị trí của tay và những cái vuốt ve không còn là biểu hiện thông thường của tình chị em, và những cử chỉ này tạo ra thứ ngôn ngữ riêng, tuyên bố một thông điệp mới toanh trong căn phòng im ắng. Lefty đưa Desdemona lướt đi trong một điệu valse, kiểu Âu châu; ông dìu bà ra ngoài, qua sân, tới trại tằm, rồi quay lại dưới giàn nho, thế là bà bật cười giơ tay che miệng. “Nhảy giỏi đấy, em họ,” bà nói mà tim lại đập rộn lên, khiến bà nghĩ có khi mình chết ngay lúc đó trong vòng tay Lefty, nhưng dĩ nhiên bà không chết; họ nhảy tiếp. Xin đừng quên nơi họ đang nhảy, làng Bithynios, cái làng trên núi nơi anh em họ thỉnh thoảng lấy anh em họ ba đời và kiểu gì đó ai ai đều có họ với nhau; vậy là khi nhảy, họ ôm lấy nhau chặt hơn, thôi đùa cợt, rồi chỉ đơn thuần nhảy với nhau, như một người đàn ông và một người đàn bà vẫn thi thoảng làm trong những lúc cô đơn và tuyệt vọng.

Đúng lúc này, trước khi có bất cứ điều gì được nói thẳng ra hay bất cứ quyết định nào được đưa ra (trước khi lửa quyết định cho họ), thì ngay lúc đó giữa điệu valse, họ nghe có tiếng nổ xa xa, rồi dòm xuống thấy, trong ánh lửa, quân Hy Lạp đã rút chạy hoàn toàn.


Chú thích:

  1. Chính là cuốn Herculine Barbin: Being the Recently Discovered Memoirs of a Nineteenth-century French Hermaphrodite, bản dịch tiếng Anh của hồi ký viết hồi thế kỷ mười chín bằng tiếng Pháp của Barbin.
  2. Tinh hoàn nằm trong cơ thể chưa hạ xuống bìu.
  3. Nghệ sĩ, người sáng tác nhạc, trưởng nhóm nhạc, diễn viên người Mỹ (1910-2004), nổi tiếng nhất với bản ghi âm bài Begin the Beguine do Cole Porter sáng tác.
  4. Hay còn có tên Yeşil Camii, Thánh đường Hồi giáo Xanh là phức hợp có lăng mộ, nhà thờ, trường dòng… nằm ở phía Đông và là biểu tượng của Bursa, có màu xanh đặc trưng.
  5. Một khái niệm trong chủ nghĩa dân tộc Hy Lạp với mục tiêu thiết lập một quốc gia Hy Lạp lớn với tất cả các vùng đất có người Hy Lạp sinh sống, bao gồm những khu có người Hy Lạp dưới sự cai trị của quân Thổ Ottoman và các vùng thời cổ đại thuộc về Hy Lạp như vùng phía Nam bán đảo Ban-căng, đảo Síp.
  6. Sĩ quan quân đội và cũng là Tổng thống đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ (1881-1938), nổi tiếng vì tài năng lãnh đạo quân đội kiệt xuất.
  7. Theo luật của quốc gia Hồi giáo, những người không theo đạo Hồi (mà theo đạo Kitô và Do Thái…) không được phép cưỡi ngựa và lạc đà, chỉ được phép cưỡi la hay lừa, không được phép dùng yên cương hay bàn đạp yên cương bằng sắt, mà phải dùng bộ yên thồ và bàn đạp bằng gỗ.
  8. Là biệt danh của người thuận tay trái, dịch giả xin chọn để nguyên tên là Lefty mà không dịch, vì đặc điểm cơ thể này không được triển khai thêm và không có ý nghĩa nhiều lắm trong cả câu chuyện.
  9. Tóc cắt theo diễn viên người Mỹ gốc Ý nổi tiếng Rudolph Valentino: ngắn, hất từ trái sang, phân chia khoảng 3/7, dùng nhiều keo vuốt ẹp xuống.
  10. Nhân vật rối bóng trong văn hóa dân gian Hy Lạp.
  11. Tiếng Hy Lạp: gái điếm, đĩ, gái lẳng lơ.
  12. Chỉ hai cuộc xung đột trên bán đảo Ban-căng ở Nam Âu năm 1912-1913.
  13. Một loại chuỗi hạt của người Hy Lạp, được dùng để giải tỏa căng thẳng và tiêu thời gian.
  14. Tiếng Hy Lạp: “Chúa rủ lòng thương, Chúa rủ lòng thương.” Câu cầu nguyện này có nguồn gốc từ nhiều đoạn khác nhau trong Tân Ước, chẳng hạn Mat-thêu 20:30-31 “[…] Lạy Ngài, lạy Con vua Đa-vít, xin rủ lòng thương chúng tôi! […]: Lạy Ngài, lạy Con vua Đa-vít, xin rủ lòng thương chúng tôi!”. (Bản dịch Kinh thánh của Nhóm phiên dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ.)
  15. Lingerie Parisienne.
  16. Piñata được làm bằng giấy bồi cứng, có nhiều hình thù khác nhau, bên ngoài dán đủ màu sặc sỡ, bên trong rỗng ruột để cho kẹo hoặc đồ chơi vào. Trong các buổi tiệc tùng, sinh nhật người ta treo piñata lên cao, cho trẻ em đập ra lấy quà bánh.
  17. Là tòa lâu đài lớn do Hốt Tất Liệt xây trong bài thơ Kubla Khan (1797) của nhà thơ, nhà phê bình Samuel Taylor Coleridge, lấy ý tưởng từ Thượng Đô, hành cung mùa hè của Hốt Tất Liệt. Bài thơ được coi là tác phẩm tiêu biểu của văn học Lãng mạn Anh.
  18. Edward O. Wilson, nhà sinh vật học nổi tiếng với tác phẩm Về bản tính người, cho rằng hành vi xã hội của con người là do gen chi phối.

-Còn tiếp-

Tác phẩm được trích đăng với sự đồng ý của Phương Nam Book.

Trích đăng

Sứ đoàn Iwakura – Chuyến Tây du khảo cứu nhằm canh tân dưới thời Duy Tân Minh Trị

Published

on

Trích từ: Sứ đoàn Iwakura
Tác giả: Ian Nish
Đơn vị giữ bản quyền: Phương Nam Book

Phát hành: tháng 11.2023

Nhắc đến Duy Tân Minh Trị, không gì ý nghĩa hơn khi lật lại trang sử về Sứ mệnh Iwakura vì tính khai sáng như Columbus đi tìm Tân thế giới. Họ đem Văn minh khai sáng về trồng trên mảnh đất Phù Tang, để mãi mãi là di sản chung của châu Á. 

Minh Trị Duy Tân có tác động cách mạng không chỉ cho Nhật Bản, mà cho cả châu Á trong tiến trình phát triển và tìm lại mình, với đầy những kịch tính. 

Chuyến công du Iwakura với khẩu hiệu nước giàu quân mạnh và độc lập dân tộc

Cải cách Minh Trị tôn Hoàng đế Minh Trị lên ngôi năm 1868 (lúc đó ông mới 16 tuổi), xoá bỏ chế độ Mạc Phủ, xoá bỏ các bất bình đẳng giữa các đẳng cấp xã hội, thành lập chính truyền trung ương, tái lập mối quan hệ hàng dọc và hàng ngang trong xã hội, người Nhật tạo điều kiện cho cuộc thay đổi một cách triệt để và hệ thống trong việc xây dựng một nhà nước hiện đại và một nền khoa học công nghệ hiện đại. Khẩu hiệu chính của họ là Fukoku kyohei (Nước giàu quân mạnh), và độc lập dân tộc, từng bước ngang bằng với các cường quốc phương Tây.

Iwakura Tomoki (người mặc trang phục truyền thống Nhật Bản) bên cạnh 4 phó sứ, từ trái sang phải, Kido Takayoshi, Yamaguchi Masuka, Ito Hirobumi và Okubo Toshimichi. Hình ảnh được Ishiguro Keisho sưu tầm).

Họ bắt đầu bằng Sứ mệnh Iwakura do công tước Iwakura Tomomi (1835-1883) dẫn đầu với khoảng 50 thành viên gồm nhiều nhân vật chính phủ cao cấp, trong đó có Ito Hirobumi, lúc đó mới 30 tuổi và là Thứ trưởng Bộ Công nghiệp, chưa tính khoảng 60 du học sinh phục vụ việc thông dịch, thông tin. Họ đi thăm Hoa Kỳ và hàng chục các quốc gia châu Âu, như Anh, Pháp, Đức, Áo, Ý, Bỉ, Hà Lan, Đan Mạch, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Nga. Chuyến đi được thực hiện chỉ ba năm sau cuộc cách mạng Minh Trị, giữa lúc một cuộc khủng hoảng chính trị nổ ra tại quê nhà về bán đảo Triều Tiên.

Để động viên các sứ thần, Nhật hoàng Minh Trị đã đọc một bài diễn văn:

“Sau khi nghiên cứu và quan sát kỹ, “trẫm” có ấn tượng sâu sắc và tin rằng các quốc gia hùng mạnh và khai sáng nhất của thế giới là những quốc gia đã có những nỗ lực cần cù để vun xới trí tuệ, và tìm cách phát triển đất nước họ một cách đầy đủ và hoàn hảo... Nếu muốn ứng dụng khoa học, các kỹ xảo và những điều kiện của xã hội đang thịnh hành tại các quốc gia khai sáng, chúng ta hoặc phải tự học hỏi, hoặc gửi một đoàn nghiên cứu gồm những quan sát viên có óc thực tế đến các nước khác, tiếp thu những gì nhân dân đang thiếu để làm lợi cho quốc gia.”

Rõ ràng đây là trọng tâm của chuyến công du. Họ sẽ đi thăm từ nhà máy, công xưởng, đến trường học, đại học, bệnh viện, bảo tàng, thư viện, toà án; nghiên cứu đời sống tính tình dân chúng, làng xã, thành thị, đặc thù của mỗi quốc gia, sự phồn vinh thời Victoria của Anh quốc, các thể chế chính trị khác nhau, các cơ quan chính trị, quân sự. Họ gặp tất cả đại diện giới thương mại, công nghiệp, thượng lưu, cầm quyền, chính khách, quân sự, vua chúa, Tổng thống Grant của Hoa Kỳ (người hùng trong cuộc chiến tranh Nam Bắc dưới thời Tổng thống A. Lincoln), Nữ hoàng Victoria của Anh, Vua Wilhelm I và Thủ tướng Bismarck của Phố (Đức), Tổng thống Thiers của Pháp... Họ xuất hiện trong những bộ Âu phục quý phái. 

Họ muốn làm rõ nền tảng của “văn minh khai sáng”, các nguồn gốc sức mạnh và sự phồn vinh của phương Tây. Trong giáo dục, một lĩnh vực hết sức quan trọng, họ muốn học hỏi các mô hình tổ chức giáo dục tiểu học, trung học và đại học. Đó là chuyến công du lịch sử đi tìm khai sáng (khai minh) cho Nhật Bản.

Nhật Bản cởi mở chấp nhận những giá trị phương Tây

Sau chuyến công du kết thúc các nhà lãnh đạo Nhật Bản nhận định rằng, nguy cơ trực tiếp cho nền độc lập Nhật Bản không cấp bách như họ nghĩ. Sự ưu việt của phương Tây chưa lâu, và Nhật Bản có thể đuổi kịp. Kume chỉ ra trong nhật ký hành trình: “Của cải và sự phồn vinh ở mức độ đáng kể mà người ta nhìn thấy tại châu Âu xuất hiện sau 1800... Năm 1830, tàu thủy hơi nước và xe lửa mới xuất hiện. Đó là sự thay đổi đột ngột trong nền thương mại châu Âu, và người Anh là người đầu tiên dồn hết năng lượng đầu tư vào sự đổi mới.”

Nhật Bản do đó chưa phải là tuyệt vọng. Tuy nhiên, phải nhanh chóng thay đổi toàn diện. Sự đối đầu quân sự chưa phải lúc, mà phải chấn hưng đất nước trước (như Phan Châu Trinh sau này). Đoàn có mang theo một số người bảo thủ, để cho họ thấy, phải cải cách đất nước trước, và một số người quá khích để họ thấy đối đầu quân sự là vô vọng. Những năm 1863-1864, dưới thời Hoàng đế Komei, bố của Minh Trị, người rất thù ghét phương Tây, Nhật Bản đã gây chiến với hải quân các nước Hoa Kỳ, Anh, Pháp và Hà Lan, nhưng đại bại, và phải bồi thường $3.000.000, một bài học đắt giá. Khác với những chuyến công du khác trong lịch sử có đích đến là Trung Hoa, chuyến đi này hướng về phương Tây.

Đoàn cũng nhận ra sâu sắc rằng, không có sự tham gia của nhân dân vào các định chế đại nghị thì không thể có sự đồng thuận cho các hành động của chính quyền. Kido dẫn kinh nghiệm của Ba Lan để chứng minh rằng, thiếu vắng sự tham gia của dân chúng sẽ là tai họa cho nền độc lập quốc gia. Ông cho rằng Năm điều thề ước năm 1868 chính là nền tảng của Hiến pháp cho phép mọi người tham gia; rằng (điều 2) “tất cả các giai cấp, cao cũng như thấp, sẽ hợp lại thực hiện mạnh mẽ chương trình của chính quyền; (điều 3) “tất cả các giai cấp được quyền thực hiện những hoài bão của họ mà không gặp phải khó khăn nào”.

Họ hiểu và tỏ ra kính trọng hơn giá trị của tôn giáo trong đời sống công dân cũng như chính trị. Khi trở về họ đã bỏ lệnh cấm hành đạo Kitô giáo.

Nhật Bản sẽ chấp nhận những giá trị phương Tây: tham gia, cạnh tranh và luôn luôn mở rộng ảnh hưởng. Chỉ có phát triển nội lực mới bảo đảm sự tồn tại của mình. Nhật Bản chấp nhận cuộc chơi mới. Giáo dục là then chốt. Trong khoảng 1868-1902, Nhật Bản đã cấp 11.148 visa du học. Đó là đợt thủy triều du học đầu tiên từ châu Á. Tư nhân tự nỗ lực cho con du học rất nhiều. Bản thân Iwakura và Kido cũng có con trai du học tại Mỹ (ở Rutgers) trong thời gian công du của đoàn.

Năm nữ sinh được gửi đi du học theo Sứ tiết Iwakura, từ trái sang phải: Nagai Shigeko, Ueda Teiko, Yoshimasu Ryoko, Tsuda Umeko và Yamakawa Sutematsu.

Sau chuyến đi, phái đoàn Iwakura thuê ngay hai chuyên gia quan trọng: Giáo sư David Murray của Đại học Rutgers cho lĩnh vực giáo dục tổng quát; Kỹ sư Henry Dyer của Đại học Glasgow làm cố vấn quan trọng cho Nhật Bản về việc xây dựng Kobu Daigakko (Đại học Kỹ thuật).

Chuyến đi mở màn làn sóng thuê chuyên viên nước ngoài toàn diện và ồ ạt. Năm 1875 Nhật đã thuê tổng cộng 500-600 chuyên viên nước ngoài về làm việc cho chính phủ. Tính đến năm 1890 Nhật đã thuê khoảng 3.000 chuyên viên tư vấn thường xuyên làm việc tại Nhật, đủ mọi lĩnh vực, ngành nghề. Riêng trong giáo dục, trong vòng 50 năm Bộ Giáo dục Nhật Bản đã thuê khoảng 400 thầy giáo nước ngoài từ các quốc gia phương Tây để dạy ở các đại học và các tổ chức học thuật khác. Năm 1873, Bộ Giáo dục phải trả một số tiền bằng khoảng 14% ngân quỹ cho giáo viên nước ngoài. Năm 1877 một phần ba ngân quỹ của Đại học Tokyo là dành cho người nước ngoài. Nhật Bản lần lượt thực hiện hai cuộc cách mạng công nghiệp trọng tâm, thứ nhất là công nghiệp nhẹ, thứ hai là công nghiệp nặng. 

Sứ đoàn Iwakura thực hiện đúng điều thứ 5 trong Năm điều thề ước của Hoàng đế Minh Trị và các nhà lãnh đạo trẻ xung quanh ông, rằng: “Tri thức phải được tìm kiếm khắp nơi trên thế giới, để mở rộng và tăng cường quyền lực của đế chế”. 

Chuyến công du Iwakura là một bài học kinh điển cho công cuộc đi tìm mô hình phát triển từ các quốc gia phương Tây. Chưa có dân tộc nào có năng lực quan sát trung thực và đưa ra những ý tưởng dự phóng, cũng như đủ quyết tâm theo đuổi đến khi thành công như họ.

Tác phẩm được trích đăng với sự đồng ý của Phương Nam Book.

Đọc bài viết

Trích đăng

Sứ đoàn Iwakura và bí mật từ chuyến Tây du lịch sử khiến nước Nhật phát triển thần kỳ

Published

on

Sứ đoàn Iwakura

Nhắc đến Minh Trị Duy Tân, không gì ý nghĩa hơn khi lật lại trang sử về Sứ mệnh Iwakura vì tính khai sáng như Columbus đi tìm Tân thế giới. Họ đem văn minh khai sáng “về trồng” trên mảnh đất Phù Tang, để mãi mãi là di sản chung của châu Á. 

Cải cách Minh Trị tôn Hoàng đế Minh Trị lên ngôi năm 1868 (lúc đó ông mới 16 tuổi), xoá bỏ chế độ Mạc Phủ, xoá bỏ các bất bình đẳng giữa các đẳng cấp xã hội, thành lập chính truyền trung ương, tái lập mối quan hệ hàng dọc và hàng ngang trong xã hội, người Nhật tạo điều kiện cho cuộc thay đổi một cách triệt để và hệ thống trong việc xây dựng một nhà nước hiện đại và một nền khoa học công nghệ hiện đại. Khẩu hiệu chính của họ là Fukoku kyohei (Nước giàu quân mạnh) và độc lập dân tộc, từng bước ngang bằng với các cường quốc phương Tây. 

Chuyến hải hành khám phá Hoa Kỳ và các nước châu Âu của sứ đoàn Iwakura kéo dài 1 năm 10 tháng (1871 - 1873), với một phái đoàn hùng hậu, gồm khoảng 100 người. Đoàn cũng có nhiều nữ sinh trẻ tuổi theo du học, phục vụ cho việc giáo dục phụ nữ sau này. 

Quyển sách Sứ đoàn Iwakura, tác giả Ian Nish biên soạn.

Ban đầu, họ lên kế hoạch đi thăm từ nhà máy, công xưởng, đến trường học, đại học, bệnh viện, bảo tàng, thư viện, toà án; nghiên cứu đời sống tính tình dân chúng, làng xã, thành thị, đặc thù của mỗi quốc gia, sự phồn vinh thời Victoria của Anh quốc, các thể chế chính trị khác nhau, các cơ quan chính trị, quân sự. Họ gặp tất cả đại diện giới thương mại, công nghiệp, thượng lưu, cầm quyền, chính khách, quân sự, vua chúa, Tổng thống Grant của Hoa Kỳ (người hùng trong cuộc chiến tranh Nam Bắc dưới thời Tổng thống A. Lincoln), Nữ hoàng Victoria của Anh, Vua Wilhelm I và Thủ tướng Bismarck của Phổ (Đức), Tổng thống Thiers của Pháp... Họ xuất hiện trong những bộ Âu phục quý phái.

Sứ đoàn Iwakura muốn làm rõ nền tảng của “văn minh khai sáng”, các nguồn gốc sức mạnh và sự phồn vinh của phương Tây. Trong giáo dục, một lĩnh vực hết sức quan trọng, họ muốn học hỏi các mô hình tổ chức giáo dục tiểu học, trung học và đại học. Đó là chuyến công du lịch sử đi tìm khai sáng (khai minh) cho Nhật Bản.

Nhà sử học Kume Kunitake nhìn thấy ở các viện bảo tàng Hoa Kỳ bản ghi chép về quá trình khai sáng, ông ý thức được rằng: “Nếu ý chí của con người không mạnh, họ không thể mở rộng quyền lực vươn ra khoảng cách lớn. Sự hưng vong của các quốc gia liên quan đến ý chí con người (dân tộc). Kỹ năng và sự giàu có, những điều này chỉ là thứ hai”.

Iwakura Tomomi (người mặc trang phục truyền thống) cùng 4 phó sứ (từ trái sang) Kido Takayoshi, Yamaguchi Masuka, Ito Hirobumi và Okubo Toshimichi. Ảnh: Ishiguro Keisho sưu tầm

Đối với phó sứ Kido không gì tạo ấn tượng cho ông bằng giáo dục ở Hoa Kỳ. Ông viết: “Không có gì khẩn trương đối với chúng ta hơn là các trường học, trừ khi chúng ta tạo được một nền tảng quốc gia vững vàng không lay chuyển được, chúng ta không thể nào nâng cao thanh thế đất nước trong nghìn năm tới... Dân tộc chúng ta không khác với các dân tộc Mỹ và châu Âu ngày nay; đó là vấn đề của giáo dục, hay sự thiếu hụt giáo dục”.

Nhật Bản sẽ chấp nhận những giá trị phương Tây: tham gia, cạnh tranh và luôn luôn mở rộng ảnh hưởng. Chỉ có phát triển nội lực mới bảo đảm sự tồn tại của mình. Nhật Bản chấp nhận cuộc chơi mới. Giáo dục là then chốt. Trong khoảng 1868-1902, Nhật Bản đã cấp 11.148 visa du học. Đó là đợt thủy triều du học đầu tiên từ châu Á. Tư nhân tự nỗ lực cho con du học rất nhiều. Bản thân Iwakura và Kido cũng có con trai du học tại Mỹ (ở Rutgers) trong thời gian công du của đoàn.

Sau chuyến đi, phái đoàn Iwakura thuê ngay hai chuyên gia quan trọng: Giáo sư David Murray của Đại học Rutgers cho lĩnh vực giáo dục tổng quát; Kỹ sư Henry Dyer của Đại học Glasgow làm cố vấn quan trọng cho Nhật Bản về việc xây dựng Kobu Daigakko (Đại học Kỹ thuật).

Chuyến đi mở màn làn sóng thuê chuyên viên nước ngoài toàn diện và ồ ạt. Năm 1875 Nhật đã thuê tổng cộng 500-600 chuyên viên nước ngoài về làm việc cho chính phủ. Tính đến năm 1890 Nhật đã thuê khoảng 3.000 chuyên viên tư vấn thường xuyên làm việc tại Nhật, đủ mọi lĩnh vực ngành nghề. Riêng trong giáo dục, trong vòng 50 năm Bộ giáo dục Nhật Bản đã thuê khoảng 400 thầy giáo nước ngoài từ các quốc gia phương Tây để dạy ở các trường đại học và các tổ chức học thuật khác. 

Hình ảnh đoàn cấp cao do nhà quý tộc Iwakura Tomomi dẫn đầu đến thăm Hoa Kỳ và các nước phương Tây vào năm 1871 với sứ mệnh Iwakura. Nguồn ảnh Kameda Kinuko.

Chuyến công du Iwakura là một bài học kinh điển cho công cuộc đi tìm mô hình phát triển từ các quốc gia phương Tây. Cuộc canh tân Nhật Bản theo mô hình phương Tây, như thực tế là con đường nhanh nhất. Năm 1895, Nhật Bản đã đánh thắng quân đội nhà Thanh của Trung Hoa. Cùng lúc, các quốc gia phương Tây chính thức chấp nhận các hiệp ước thương mại bình đẳng như giữa họ với nhau, có hiệu lực năm 1899, thay cho hiệp ước cũ bất bình đẳng. Điều đó mặc nhiên công nhận Nhật Bản bước vào “câu lạc bộ” các quốc gia phát triển. Chỉ vỏn vẹn sau 30 năm! Nhật Bản đã sao chép thành công mô hình xã hội phương Tây và cuộc công nghiệp hóa chỉ trong vòng ba thập niên mà không có mô hình phát triển nào trước đó làm tiền đề, quả thật là điều thần kỳ. 

Một trong những nhật báo, Kokunim Shimbun, hãnh diện đăng đàn rằng: “Như hệ quả của cuộc chiến (Trung - Nhật), vị thế của Nhật Bản trên thế giới đã thay đổi với sự lộ diện của ba đặc tính cơ bản của người Nhật. Trước hết, Nhật Bản vượt trội thế giới ở lòng ái quốc. Thứ hai, ở năng lực có một không hai là hấp thụ, sử dụng và ứng dụng nền văn minh hiện đại. Thứ ba, là bản chất hay tính khí mạnh mẽ và vững chắc”.

Nhắc đến Minh Trị Duy Tân, không gì ý nghĩa hơn khi lật lại trang sử về Sứ mệnh Iwakura vì tính khai sáng như Columbus đi tìm Tân thế giới. Họ đem Văn minh khai sáng về trồng trên mảnh đất Phù Tang, để mãi mãi là di sản chung của châu Á. Minh Trị Duy Tân có tác động cách mạng không chỉ cho Nhật Bản, mà cho cả châu Á trong tiến trình phát triển và tìm lại mình, với đầy những kịch tính. 

Năm 1878, biên bản hành trình của Kume Kunitake được xuất bản thành một bộ sách năm tập có tên Beio Kairan Jikki, gọi tắt là Kairan Jikki, được in lại nhiều lần từ năm 1977, có giá trị như bộ sử của chính phương Tây công nghiệp hóa thế kỷ XIX dưới cái nhìn sắc sảo của các lãnh đạo Nhật Bản. Đây là một bộ sách kinh điển rất đáng được tham khảo, nhất là cho những quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Những bài học năm xưa đọc lại vẫn thấy còn nóng hổi.

Trích đoạn

Không có sự phồn vinh, văn hóa của nhân dân không thể phát triển. Để cho lòng ái quốc tăng trưởng, nó phải phục vụ việc tạo ra của cải. Người ta nói, chúng ta phải bảo vệ đất nước, nhưng ích lợi gì nếu đất nước chỉ là mảnh đất cằn cỗi?

Chính sách quốc gia của Nhật Bản "mở cửa đất nước" không chỉ là một hành động mang tính ngoại giao. Nhiều quốc gia trên thế giới mở rộng cửa nhưng vẫn tiếp tục thực hành các tập quán man di, và bất lực trong cải cách, cũng như tu chỉnh các tập quán đó để có thể tiến lên trình độ văn minh", Ito Hirobumi - Thủ tướng đầu tiên của Nhật Bản.

***

"Chuyến đi có hai mục tiêu, thứ nhất là muốn giới thiệu với phương Tây về những gương mặt lãnh đạo mới của Nhật Bản và thương thảo lại các hiệp ước bất bình đẳng. Thứ hai là quan sát và đánh giá sự phát triển của phương Tây trong mọi lĩnh vực, từ chính trị, quân sự, văn hóa đến khoa học, công nghệ, sản xuất, thương mai, giáo dục và cách tổ chức quốc gia. Qua đó, tìm một mô hình khả thi phù hợp cho Nhật Bản nhằm chuyển đổi xã hội phong kiến lâu đời sang một quốc gia hiện đại, điều chưa có tiền lệ ngoài khu vực phương Tây. Nói đến Minh Trị Duy Tân, người ta không thể không nhắc đến chuyến đi lịch sử có tầm quan trọng chiến lược này", trích đoạn từ sách Sứ đoàn Iwakura, Ian Nish.

Về tác giả

Ian Nish (1926 – 2022) là học giả người Anh, nhà nghiên cứu Nhật Bản học, Giáo sư danh dự về Lịch sử Quốc tế tại Học viện Kinh tế và Chính trị London.

Đọc bài viết

Trích đăng

Tiếng đờn ca ở tiệm hớt tóc

Published

on

Hồi ức Phú Nhuận

Đầu thập niên 1960, dân cư quanh khu Bàn Cờ thấy có một tiệm hớt tóc được mở ra ở số 405B đường Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu - TP.HCM), đoạn giữa chợ Vườn Chuối và đường Cao Thắng. Tiệm có tên Đời Mới, bảng hiệu vẽ ba đầu tóc đàn ông chải bồng kiểu tăng gô không khác gì những mái tóc của kép Dũng Thanh Lâm, kép Minh Phụng sau này. Tiệm không có gì đặc biệt, bề ngang chỉ 2,2m, nhưng ai nấy đều chú ý vì ở đó thỉnh thoảng lại có tiếng đờn ca cổ...

Ban đờn ca tài tử này, tuy lúc rảnh mới tụ lại với nhau mà tồn tại hơn chục năm. Dấu ấn của nó sâu đậm tới mức đến giờ người vùng Bàn Cờ còn nhắc, dù đã hơn 40 năm và các nhân vật trong câu chuyện này hầu như không còn mấy ai.

Ông Tư Triều, chủ tiệm hớt tóc Đời Mới vốn dân gốc ở quận Củ Chi, tỉnh Hậu Nghĩa. Về Sài Gòn lập nghiệp giữa thập niên 1950 sau khi gãy đổ cuộc hôn nhân đầu, ông cưới vợ lần nữa và mở tiệm hớt tóc khi vừa có đứa con gái.

Tiệm cũng là nhà ở, ông sống cùng hai người thợ. Vì có máu văn nghệ, thích ca cổ lại có nghề làm nhạc cụ, ông biến tiệm hớt tóc của mình thành nơi đờn ca tài tử những lúc rảnh. Từ hồi trai trẻ, ông đã mê cải lương, đờn ca cổ nhạc bên cạnh những thú vui khác như đá gà, đua ngựa...

Bạn thân ông đều là người thích tiếng hát, tiếng đờn như bác Năm Trèo ở Hóc Môn, cha của nghệ sĩ cải lương Hoài Thanh. Trước khi có tiệm hớt tóc, giữa thập niên 50, ông chơi thân với nghệ sĩ tài danh Hữu Phước và danh hài Văn Hường. Lúc đó họ chưa nổi tiếng, ông gọi Hữu Phước là Ri vì ông này quốc tịch Pháp có tên Henry và nghệ danh Hữu Phước chưa xuất hiện.

Ông Tư Triều cắt tóc cho một người khách ái mộ cải lương (ảnh tư liệu gia đình ông Tư Triều)

Khách đến hớt tóc có đủ loại người, già trẻ lớn bé, từ người trong giới bình dân, trí thức, luật sư, cảnh sát, hoặc phục vụ trong quân đội Sài Gòn, có cả một vị bộ trưởng. Ông Tư Triều là người từng trải, lịch duyệt lại có máu nghệ sĩ nên giỏi ăn nói, rành chuyện cải lương, rành nhạc cụ cổ nhạc. Ông còn biết sửa chữa nhạc cụ. Thoạt đầu, ông mua đờn cũ mang về chỉnh sửa theo ý mình rồi đưa cho bạn bè trong nhóm đờn ca dùng thử. Đến khi cứng tay nghề, ông đến xưởng gỗ bên Chánh Hưng (quận 8) đặt từng thanh gỗ để làm cần đờn, mặt đờn.

Về nhà, ông tiếp tục gọt giũa từng chi tiết rất công phu. Ông tự chế keo dán gỗ, mua dây đàn nhập từ Tây Đức... Khi đờn hình thành, ông đem đi cẩn ốc xà cừ. Ông cầu kỳ đến mức mua đờn tranh, thấy 16 “con nhạn”(miếng gỗ kê dây đờn) không đẹp, đặt luôn những miếng gỗ hình tam giác mang về gọt giũa thành những “con nhạn” mới.

Từ khi nhóm đờn ca tài tử của ông bắt đầu tụ lại, khách đến đông thêm. Những người thường ghé chơi là mấy thầy dạy bên trường Quốc gia âm nhạc như bác Hai Khuê, bác giáo Thinh và bác Bảy Hàm, có nhạc sĩ Vĩnh Bảo, nghệ sĩ tiền phong Duy Lân, bác Mười Phú, chú Mười Hoa (nhạc phụ nghệ sĩ Viễn Sơn), nhạc sĩ nổi tiếng Văn Giỏi, anh Minh Hữu nghệ sĩ đờn kìm, bác Tư Tuất (nghệ sĩ đờn cò một thời của gánh Hương Mùa Thu, thân phụ các nghệ sĩ Hoài Dung, Hoài Mỹ)...

Trong số đó, ông Tư Triều thương anh Minh Hữu vì anh có tài và khiêm tốn, luôn nho nhã với sơ mi trắng và đeo kính cận. Sau này, khi gánh hát Phụng Hảo của nghệ sĩ Phùng Há lên tivi, bà mời anh Minh Hữu chơi đờn kìm cho tuồng của bà và ông Tư Triều rất sung sướng khi nhìn thấy cây đờn kìm ông làm được Minh Hữu dùng biểu diễn trên truyền hình.

Hầu hết họ đều là các nghệ sĩ đánh đờn, chỉ có vài giọng ca là anh Biện (hay Biền) to cao nhưng hiền lành. Một giọng khác là anh Ngọc, đẹp trai còn hơn nghệ sĩ với mái tóc chải ép, ca rất hay. Ngày đó không dễ gì liên lạc nhau nhưng không hiểu sao mấy nghệ sĩ tài tử này "đụng" nhau thường xuyên ở tiệm Đời Mới như đã hẹn hò từ trước. Mỗi tuần ông Tư Triều đều dành một buổi chơi đờn hay hòa đờn với nhau. Lâu lâu vào buổi tối ông mời bạn bè lên gác hát xướng, hòa điệu cho đến khuya.

Bà Tư niềm nở hiếu khách nên bạn bè ông Tư không ngại. Khách đến chơi, hứng thú khi nhìn chung quanh tiệm treo đầy những cây đờn. Ở nhà sau treo trên hai bên vách hơn 30 loại nhạc cụ (kìm, cò, tranh, sến, guitar, gáo, đoản...), có cây vĩ cầm trong chiếc hộp gỗ thiệt đẹp, bên trong lót vải nhung đỏ rực. Đó là tất cả gia tài và niềm đam mê của ông Tư Triều.

Chú bé Tâm, con trai út của ông Tư Triều nay đã ở tuổi năm mươi, sinh sống tại Đức còn nhớ những ngày vui đầu thập niên 1970 khi mới lên bảy. Lúc đó, cuộc sống còn dễ thở, khách đến đông và giới đờn ca tài tử thường xuyên đến góp vui. Mỗi lần tụ họp thường từ 9, 10 giờ sáng đến quá trưa rồi ai về nhà nấy. Khách qua đường thường đứng lại nghe đờn. Nếu có người ca thì người xem đông hơn.

Có chị hàng xóm dắt con đến cắt tóc, cũng xin ngồi vào ca vài bài, rất đúng nhịp trong khi đợi cậu con trai. Các chú các anh ít khi ca bài vọng cổ mà thường ca những bài cổ, khó hơn như Tây Thi, Lưu Thủy Trường, Xàng Xê, Tứ Đại Oán... Anh Ngọc, giọng ca chính có bài ca Phù Đổng Thiên Vương cách thể hiện rất hào hùng. Ông Tư Triều thỉnh thoảng cũng góp giọng, dù làn hơi yếu nhưng điệu ca lạ tai, vững nhịp.

Nhóm đờn ca tài tử ở tiệm hớt tóc Đời Mới (ảnh tư liệu gia đình ông Tư Triều)

Tâm còn nhớ nghệ sĩ Duy Lân thường chở cô học trò cưng Ngọc Hoa (bây giờ là nghệ sĩ Thoại Miêu) đến chơi. Thầy bảo hát gì là chị răm rắp nghe lời. Có lần, tàn cuộc thầy dắt chiếc xe Mobylette ra về, đạp hoài không nổ. Thầy bảo: “Phụ thầy đẩy đi con” là chị lập tức cột hai vạt áo dài trắng tinh, cong lưng đẩy ngay. Một lần Tâm chứng kiến ông Tư Triều đồng ý bán cây đờn do ông chế tác.

Số là trong số khách đến hớt tóc có trung tá X., luôn đi bằng xe Jeep. Anh này thích tiếng của cây đờn tranh, có mướn thầy về dạy riêng ở nhà. Anh kính mến ông Tư, nhiều khi tóc chưa dài cũng ghé cắt, chỉ để nói chuyện với ông. Anh mê một cây đờn tranh cẩn xà cừ rất đẹp của ông và sau nhiều lần thuyết phục, anh được ông Tư đồng ý đổi chiếc đờn lấy một tivi Sanyo 17 inch mới toanh, giá lúc ấy 90.000 đồng. Hẳn ông rất quý anh bạn trẻ và cũng muốn có tivi cho vợ con xem cải lương nên chấp nhận cho cây đờn ra đi.

Từ năm 1973, tiệm hớt tóc Đời Mới dần vắng khách. Kinh tế lúc đó bắt đầu đi xuống do người Mỹ rút đi. Chính quyền đặt ra loại thuế T.V.A (trị giá gia tăng), ngoài thuế môn bài. Tất cả cửa tiệm kinh doanh đều phải kê khai từ ngày thành lập cho đến thời điểm hiện tại và phải đóng một số tiền khổng lồ, nếu không thì dẹp. Ông Tư Triều quyết định đóng cửa tiệm lui về Củ Chi trồng rau nuôi gà và cắt tóc cho dân quanh vùng mưu sinh, cuối tuần lại về Sài Gòn thăm vợ con.

Mấy mươi năm theo tiếng đờn ca của những ban nhạc tài tử, ông gặp đủ loại người. Nhưng không bao giờ gặp lại những bạn bè cùng đi hát trên xe vespa từ khi họ nổi danh, thậm chí còn không nhận ra ông là người quen. Đó là lý do ông không thích đến rạp hát nữa. Nhóm đờn ca tài tử, nơi quy tụ những người cùng ngân nga những bài ca cổ đề cao nhân hiếu tiết nghĩa, cũng là nơi lui tới của những người “vui đâu chầu đó”, điều đó không có gì lạ.

Năm 1979, Tâm gặp lại anh trung tá năm xưa mua cây đờn tranh. Biết tin ông Tư đã về Củ Chi, anh buồn buồn chia tay. Sau đó vài năm, ông Tư Triều mất vì tai biến lúc Tâm đã ra nước ngoài.

Ông Tư Triều và ban đờn ca tài tử của ông chỉ là một mảnh nhỏ xíu trong đời sống văn hóa người Sài Gòn - Gia Định. Họ có thể vô danh hay hữu danh, yêu lời ca tiếng nhạc bằng tâm hồn rộng mở, hồn nhiên và tình cờ góp phần tạo nên mạch ngầm chảy âm ỉ nhưng đủ sức nuôi dưỡng vốn cổ văn hóa của ông bà, từ thời mở cõi vô Nam.

Hồi ức Phú Nhuận | Phạm Công Luận

Đọc bài viết

Cafe sáng