Trích đăng

Chương 1 “Lưỡng Giới” – Jeffrey Eugenides

“Tôi sinh ra hai lần: lần đầu, là bé gái, vào một ngày không sương khói khác thường ở Detroit tháng Giêng năm 1960; rồi lần nữa, là thằng nhóc thiếu niên, ở phòng cấp cứu gần thành phố Petoskey, tiểu bang Michigan, tháng Tám năm 1974.”

Published

on

Chi tiết tác phẩm

Trích từ: Lưỡng giới

Tác giả: Jeffrey Eugenides

Đơn vị giữ bản quyền: Phương Nam Book

Xuất bản: tháng 7.2019

CÁI THÌA BẠC

Tôi sinh ra hai lần: lần đầu, là bé gái, vào một ngày không sương khói khác thường ở Detroit tháng Giêng năm 1960; rồi lần nữa, là thằng nhóc thiếu niên, ở phòng cấp cứu gần thành phố Petoskey, tiểu bang Michigan, tháng Tám năm 1974. Độc giả chuyên ngành có thể đã tình cờ bắt gặp tôi trong nghiên cứu của Tiến sĩ Peter Luce, “Bản Dạng Giới trong trường hợp Lưỡng giới tính Giả do thiếu enzyme 5-Alpha-Reductase,”1 đăng trên Tạp chí Nội tiết Nhi khoa năm 1975. Hoặc bạn thấy ảnh chụp tôi ở chương mười sáu cuốn Di Truyền Học và Di Truyền mà giờ đây đáng tiếc đã lỗi thời. Tôi chính là đứa trần truồng đứng cạnh biểu đồ tăng trưởng chiều cao với băng đen che hai mắt ở trang 578.

Tên tôi trên giấy khai sinh là Calliope Helen Stephanides. Bằng lái xe gần đây nhất (do Cộng hòa Liên bang Đức cấp) chỉ ghi đơn giản là Cal. Tôi từng là thủ môn khúc côn cầu, thành viên lâu năm của Hiệp hội Cứu Lấy Loài Lợn Biển, kẻ hiếm khi đi lễ của Giáo hội Chính thống Hy Lạp, và phần lớn thời gian khi trưởng thành, nhân viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Cũng như Tiresias2, ban đầu tôi là một thứ rồi sau biến thành thứ khác. Tôi bị bạn bè cùng lớp chế giễu, bị bác sĩ biến thành chuột lang thí nghiệm, bị bác sĩ chuyên khoa sờ nắn, và bị tổ chức March of Dimes3 nghiên cứu. Một con bé tóc đỏ ở khu Grosse Pointe phải lòng tôi mà không hề biết tôi bị làm sao. (Anh nó cũng mê tôi.) Một chiếc xe tăng có lần đẩy tôi vào trận chiến trong thành phố; một cái bể bơi biến tôi thành huyền thoại; tôi rời bỏ cơ thể mình đến cư ngụ những cơ thể khác – và tất cả những chuyện này đều xảy ra trước khi tôi bước sang tuổi mười sáu.

Nhưng lúc này đây, ở tuổi bốn mươi mốt, tôi cảm thấy một lần chào đời nữa đang đến gần. Sau hàng thập kỷ quên lãng, tự nhiên tôi nghĩ đến những bà trẻ ông trẻ đã về nơi chín suối, những người ông thất lạc từ lâu lắm, những đứa anh em họ năm đời bắn đại bác không tới chả biết ai là ai, hay trong trường hợp gia đình lai cận huyết như nhà tôi, một người mang tất cả các vai trò ấy. Vì thế trước khi quá muộn, tôi muốn viết về nó một lần dứt khoát cho xong luôn: cuộc phiêu lưu xuyên thời gian đầy thăng trầm của chiếc gen duy nhất. Hỡi Thi Thần, xin cất lời ca về đột biến lặn trên nhiễm sắc thể thứ năm của tôi! Hãy hát về thời nó đơm hoa trên sườn núi Olympus hai thế kỷ rưỡi trước, khi dê thì be be còn ôliu thì rụng quả. Hãy hát về chuyện nó được truyền qua chín thế hệ, vô hình tập hợp lại trong cái vốn gen ô uế của gia đình Stephanides. Và hát về Thượng đế, dưới lốt vỏ cuộc thảm sát, làm cho cái gen đó lại bay đi rất xa; về chuyện nó bị thổi vù như hạt giống qua đại dương tới Hoa Kỳ, được mưa ô nhiễm công nghiệp cuốn đi cho đến khi rơi xuống miếng đất màu mỡ là cái tử cung vùng Trung Tây của bà bô tôi.

Xin lỗi nếu thỉnh thoảng tự dưng tôi có hơi hướm Homer quá.

Cái đó cũng di truyền đấy.

Ba tháng trước khi tôi chào đời, sau một bữa tối Chủ nhật linh đình, bà nội Desdemona Stephanides sai anh tôi đi lấy hộ bà hộp tằm. Chương Mười Một đang vào bếp lấy suất bánh pút đinh gạo thứ hai thì bị bà chặn lại. Năm mười bảy tuổi, vừa lùn tè vừa to bè bè, cùng bộ lưới bao tóc nom rất hãi, bà tôi phù hợp hoàn hảo với việc chặn đường người khác. Trong bếp phía sau bà, cả đội quân đàn bà ngày hôm đó đang tụ tập cười đùa to nhỏ. Tò mò, Chương Mười Một nghiêng người sang bên dòm xem đang có vụ gì, nhưng Desdemona giơ tay véo thật lực vào má anh. Sau khi khiến anh tập trung trở lại, bà vẽ một hình chữ nhật lên không trung rồi chỉ lên trần nhà. Đoạn, qua hàm răng giả lắp không khít, bà bảo, “Đi nấy4 hộ yia yia5 cái, cục cưng mou6.”

Chương Mười Một biết phải làm gì. Anh phóng qua hành lang vào phòng khách. Anh bò lên cầu thang tới tầng hai. Anh vọt qua các phòng ngủ nằm dọc hành lang tầng trên. Ở phía cuối hành lang là cánh cửa cơ hồ tàng hình, bị giấy dán tường đè lên như thể dẫn vào lối đi bí mật. Chương Mười Một định vị được nắm đấm cửa nhỏ xíu cao ngang đầu, đoạn vận hết công lực mở ra. Sau cánh cửa là cầu thang nữa. Anh lưỡng lự ngó đăm đăm vào bóng tối phía trên một lúc lâu rồi mới chầm chậm bò lên căn áp mái nơi ở của ông bà.

Đi giày thể thao anh băng qua dưới mười hai cái lồng chim quây báo ẩm ướt treo trên rui nhà. Làm mặt can trường anh xông vào cái mùi chua lòm của bọn vẹt đuôi dài, và mùi hương riêng của ông bà tôi, một hỗn hợp thuốc diệt mối với thuốc hasit7. Anh khéo len qua cái bàn chất đầy sách vở với bộ sưu tập đĩa nhạc dân gian Hy Lạp rebetiko của ông nội. Cuối cùng, va vào ghế Ottoman da và cái bàn cà phê mặt tròn bằng đồng, anh tìm thấy giường ông bà, và dưới gậm giường, cái hộp tằm.

Được tạc từ gỗ ôliu, chỉ nhỉnh hơn hộp giày một chút, cái hộp có nắp bằng thiếc đục những lỗ thông hơi nhỏ xíu và dát hình một vị thánh chả nhận ra được là ai. Mặt vị thánh đã mòn, nhưng những ngón trên bàn tay phải thì giơ lên ban phước cho một cây dâu tằm màu tím, thấp tè, vẻ siêu ngạo mạn. Sau khi đờ đẫn nhìn hình ảnh thực vật sinh động này mất một lúc, Chương Mười Một bèn kéo cái hộp trong gậm giường rồi mở ra. Bên trong là hai vòng hoa cưới được tết từ dây thừng và hai bím tóc dài cuộn lại như con rắn, mỗi bím đều thắt ruy băng đen nhàu nhĩ. Anh chọc ngón trỏ vào bím tóc. Đúng lúc đó một con vẹt quác mồm gào toáng làm ông anh tôi giật nảy người, anh bèn đóng hộp lại, kẹp vào nách, đoạn mang xuống lầu cho Desdemona.

Bà vẫn đợi ở bậu cửa. Cầm lấy hộp tằm từ tay anh, bà quay lại bếp. Đến lúc này Chương Mười Một mới được thấy trọn căn phòng, nơi đồng loạt các mẹ các chị tự dưng im bặt. Họ dịch sang bên để Desdemona đi qua và ngay giữa tấm lót sàn là bà bô tôi. Tessie Stephanides ngồi ngả người ra ghế ăn, mình bẹp dí dưới cái bụng chửa to đùng căng như mặt trống. Khuôn mặt bà, đỏ hồng và nóng bừng, lộ vẻ bơ phờ nhưng vui sướng. Desdemona đặt hộp tằm lên bàn bếp rồi mở ra. Bà luồn tay xuống dưới vương miện với bím tóc lấy ra thứ mà Chương Mười Một không nhìn thấy: cái thìa bằng bạc. Bà buộc mẩu dây vào cán thìa. Đoạn bà chúi tới giơ cái thìa lên trên cái bụng căng phồng của bà bô tôi. Và, cũng chính là lên trên tôi.

Cho đến lúc này Desdemona vẫn giữ được kỷ lục hoàn hảo: hai mươi ba lần dự đoán chính xác. Bà đã biết Tessie sẽ là Tessie. Bà đoán giới tính của anh tôi cùng tất thảy con cái bạn bè ở nhà thờ. Đứa duy nhất bà không đoán giới tính là con bà, bởi người mẹ mà đi thăm dò chính tử cung đầy bí ẩn của mình là chuyện xui xẻo. Tuy vậy, bà chẳng ngại thăm dò tử cung bà bô tôi. Sau chút lưỡng lự ban đầu, cái thìa đánh mình từ Bắc sang Nam, thế nghĩa là tôi sẽ là bé trai.

Chân giạng tè he trên ghế, bà bô tôi cố nặn ra một nụ cười. Bà không muốn có con trai. Bà có một đứa rồi. Thực ra bà chắc mẩm tôi sẽ là con gái đến độ chỉ chọn cho tôi mỗi một cái tên: Calliope. Nhưng khi bà tôi hét lên bằng tiếng Hy Lạp, “Con trai!” thì tiếng hét lan khắp phòng, ra ngoài hành lang, xuyên qua hành lang vào phòng khách nơi cánh đàn ông đang tranh cãi chuyện chính trị chính em. Thế là bà bô, nghe từ đó vang đi vang lại quá nhiều lần, bắt đầu tin biết đâu là con trai thật.

Tuy vậy, ngay sau khi tiếng hét lọt tới tai ông bô tôi, ông khệnh khạng vào phòng bảo với bà nội rằng, ít nhất lần này cái thìa của bà sai rồi. “Mày dựa vào cái gì mà tinh tướng thế ?” Desdemona hỏi ông.

Thế là ông đáp lại bằng cái câu nhiều người Mỹ thế hệ ông vận tới:

“Dựa vào khoa học bu ạ.”

Kể từ lúc họ quyết định có thêm đứa nữa – nhà hàng làm ăn tốt với cả Chương Mười Một đã thôi bỉm biếc từ lâu – Milton và Tessie nhất trí họ muốn có con gái. Chương Mười Một vừa lên năm. Cách đó ít lâu anh vớ được con chim chết ngoài sân bèn mang luôn vào nhà cho mẹ xem. Anh mê bắn biếc, dùng búa nện niếc, nghiền nghiếc, và vật lộn với bố. Trong gia đình rặt đàn ông như thế, Tessie dần thấy lạc lõng vì mỗi mình là phụ nữ và hình dung mười năm tới sẽ bị giam hãm trong cái thế giới của các kiểu ốp mâm xe với bệnh thoát vị. Bà mơ có con gái để cân bằng quyền lực: cùng là đồng bọn yêu chó cảnh, cùng ủng hộ đề nghị đi xem chương trình trượt băng nghệ thuật Ice Capades. Mùa xuân năm 1959, khi chuyện bàn bạc thụ thai tôi diễn ra, bà bô tôi không tiên lượng được việc chẳng bao lâu sau hàng nghìn phụ nữ rồi sẽ đốt sạch xu chiêng của họ. Xu chiêng của bà độn bông, cứng ngắc, lại khó cháy. Dù rất yêu con trai, Tessie biết có những chuyện bà chỉ chia sẻ được với con gái mà thôi.

Sáng sáng khi chạy xe đi làm, ông bô tôi thấy ảo ảnh một bé gái bé bỏng mắt đen láy dễ thương vô bờ bến. Nó ngồi trên ghế cạnh ông – hiện lên hầu hết vào lúc chờ đèn đỏ – đặt câu hỏi cho cái tai kiên nhẫn biết tuốt của ông. “Bố ơi cái đó gọi là gì ạ?” “Cái đó à? Đó là huy hiệu hãng Cadillac con ạ.” “Huy hiệu Cadillac là gì ạ?” “Chà, hồi xưa, có một nhà thám hiểm người Pháp tên là Cadillac, và ông chính là người phát hiện ra Detroit. Đó là huy hiệu của gia tộc ông ấy, ở Pháp.” “Pháp là gì ạ?” “Pháp là một quốc gia ở châu Âu.” “Châu Âu là gì ạ?” “Là một lục địa, giống một miếng đất bự, bự hơn một quốc gia rất rất nhiều. Nhưng không phải chỉ châu Âu mới có xe Cadillac nữa đâu, kukla8ạ. Ngay trên nước Mỹ cổ xưa tốt lành này đã sản xuất ra nó rồi con ạ.” Đèn xanh bật lên, ông lái xe đi. Nhưng cái vật mẫu cho tôi ấy vẫn nấn ná lại. Nó hiện ra ở trạm đèn đỏ tiếp theo rồi tiếp theo nữa. Được đồng hành với nó dễ chịu đến mức ông bô tôi, một người đàn ông óc tuyền sáng kiến, quyết định xem mình có thể biến ảo ảnh thành hiện thực không.

Vì thế thời gian gần đây, trong phòng khách nơi cánh đàn ông vốn hay bàn bạc chuyện chính trị, họ cũng bắt đầu bàn về tốc độ tinh trùng. Peter Tatakis, “chú Pete,” bọn tôi vẫn gọi vậy, là thành viên đứng đầu câu lạc bộ tranh biện được thành lập hằng tuần trên ghế xô pha đôi màu đen nhà chúng tôi. Độc thân cả đời, chú chả có họ hàng thân thích gì ở Mỹ cả nên đâm ra gắn bó với gia đình tôi. Chủ nhật nào chú cũng lái con Buick màu đỏ thẫm đến chơi, cao lớn, mặt quắt lại vẻ buồn bã, nhưng trên đầu tóc tai lại xoăn tít đầy sức sống. Chú chả thiết gì chuyện con cái. Vốn ủng hộ xê ri Những Đại Danh Tác – đã nghiền những hai lần – chú Pete chỉ quan tâm tới những tư tưởng nghiêm túc với cả opera Ý. Trong lĩnh vực lịch sử, chú mê sử gia Edward Gibbon9, còn trong lĩnh vực văn chương là những ghi chép của Madame de Staël10. Chú khoái trích dẫn ý kiến của quý bà dí dỏm đó về ngôn ngữ Đức, rằng tiếng Đức dùng đối thoại không hợp vì ta phải chờ đến cuối câu mới nghe được động từ, nên chả thể nào cắt ngang được. Chú Pete từng muốn trở thành bác sĩ, nhưng “tai ương” đã bóp chết ước mơ đó. Ở Mỹ, chú mài đũng quần hai năm ở trường dạy nắn khớp xương, và giờ đây quản lý phòng khám nhỏ ở thành phố Birmingham với bộ xương người vẫn chưa trả góp xong. Hồi đó, thiên hạ không tin tưởng mấy một người nắn xương. Người ta chả đến chỗ chú Pete để phóng xuất năng lượng hỏa xà kundalini. Chú bẻ cổ, nắn thẳng xương sống, và làm đệm độn vòm bàn chân từ cao su xốp. Dẫu vậy, vào những buổi chiều Chủ nhật thời kỳ đấy, trong số những vị khách đến nhà tôi, chú vẫn là người đạt gần đến tầm của một bác sĩ nhất. Khi còn trẻ, chú phẫu thuật cắt bỏ nửa dạ dày, và giờ đây cứ sau bữa tối là lại làm một lon Pepsi cho tiêu cơm. Cái thức uống nhẹ này được đặt tên từ enzyme pepsin giúp tiêu hóa, chú bảo với chúng tôi vẻ thông thái, thành thử nó hợp với vai trò đó.

Chính cái kiểu kiến thức này khiến ông bô tôi tin sái cổ những gì chú Pete nói khi bàn chuyện liên quan tới kế hoạch sinh sản. Đầu ngả vào gối dựa, chân không mang giày, bản opera Madama Butterfly bật khe khẽ trên dàn, chú Pete giải thích rằng dưới kính hiển vi tinh trùng mang nhiễm sắc thể giai bơi nhanh hơn tinh trùng mang nhiễm sắc thể gái. Nhận định này ngay lập tức làm cho mấy ông chủ nhà hàng với thợ hoàn thiện đồ lông thú11 tụ tập ở phòng khách nhà tôi hồ hồ hởi hởi. Tuy nhiên, ông bô lại chơi một kiểu ngồi giống bức tượng Người suy tư12 mà ông rất yêu thích và có một bức mini đặt trên bàn điện thoại phía bên kia phòng. Mặc dù chủ đề này được đưa ra trong không khí tự do cởi mở sau bữa tối Chủ nhật, và cung cách thảo luận không có gì ám chỉ cá nhân, nhưng ai cũng biết tỏng, con tinh trùng mọi người đang bàn tán chính là của ông bô tôi. Chú Pete nói rõ ràng: để có con gái, vợ chồng nên “quan hệ tình dục hai mươi tư giờ trước khi trứng rụng.” Bằng cách đó, tinh trùng trai nhanh nhạy hơn bươn bả đâm bổ tới mà chết sạch. Tinh trùng gái, chậm chạp nhưng đáng tin hơn, sẽ đến đúng lúc trứng rụng.

Cụ giai nhà tôi khó lòng thuyết phục được cụ gái làm theo kế hoạch đó. Tessie Zizmo là trinh nữ khi kết hôn với Milton Stephanides ở tuổi hai mươi hai. Giai đoạn đính hôn, trùng với Đệ nhị Thế chiến, là thời kỳ mà cả hai vẫn còn trinh trắng. Bà tự hào vì đã thành công khi cùng lúc vừa nhen nhóm vừa kìm giữ ngọn lửa của ông bô, khiến ông luôn ở trạng thái ham muốn vừa phải trong suốt cơn biến động toàn cầu. Tuy vậy, chuyện này chả khó khăn mấy bởi bà ở mãi Detroit còn Milton ở tận Annapolis trong Học viện Hải quân Hoa Kỳ. Suốt hơn một năm, Tessie thắp nến thánh ở nhà thờ Hy Lạp cầu nguyện cho chồng chưa cưới, còn Milton thì ngắm ảnh bà kẹp ở đầu giường. Ông ưa sắp đặt cho Tessie bắt chước các tư thế trên tạp chí điện ảnh, nghiêng người, gót giày kiễng lên bậc, hở đoạn tất đen. Bà bô tôi nom ngoan ngoãn kỳ lạ trong những bức ảnh cũ này, như thể không khoái gì hơn khi được người đàn ông mặc quân phục của mình bố trí cho đứng dựa vào cổng nhà và cột đèn đường ở khu phố nghèo họ sống.

Bà không chịu đầu hàng cho đến khi Nhật đầu hàng. Rồi, từ đêm tân hôn trở đi (theo như những gì ông anh kể vào đôi tai bịt chặt của tôi), ông bà bô làm tình đều đặn và đê mê. Tuy vậy, khi đụng đến chuyện sinh con đẻ cái thì bà lại có chủ kiến riêng. Bà tin rằng bào thai cảm nhận được lượng tình yêu tạo ra lúc thụ thai. Thành thử, gợi ý của ông bô không được bà đồng tình cho lắm.

“Anh nghĩ chuyện này là gì hả Milt, đi thi thế vận hội Olympic à?” “Mình chỉ đang nói về mặt lý thuyết thôi mà em,” ông nói.

“Chú Pete thì biết quái gì chuyện đẻ đái chứ?”

“Chú ấy đọc bài báo đó trên tạp chí Khoa học thường thức Hoa Kỳ đấy,” Milton nói. Rồi để cho lập luận vững chắc hơn: “Chú đặt báo này dài hạn đấy.”

“Nghe này, nhỡ lưng bị lệch, em sẽ đi khám chú Pete. Nếu chân bẹt như chân anh, em cũng sẽ đi khám. Nhưng chỉ thế thôi.”

“Chuyện này đã được kiểm chứng. Dưới kính hiển vi. Tinh trùng giai bơi nhanh hơn.”

“Em cá bọn nó cũng ngu hơn đó.”

“Cứ nói tiếp đi. Nói xấu tinh trùng giai bao nhiêu tùy em. Thoải con gà mái đi. Mình đâu có muốn tinh trùng trai. Thứ mình muốn là một tinh trùng gái già, chậm rãi, đáng tin.”

“Dẫu chuyện kia có thật thì vẫn rất lố bịch. Em đâu thể cứ thế mà làm như cái máy được, Milt ạ.”

“Anh thì còn khó hơn em ấy chứ.”

“Em không muốn nghe nữa.”

“Anh cứ tưởng em muốn có con gái.”

“Em muốn có con gái chứ.”

“Chậc,” ông nói, “thế thì đây là cách để mình có con gái đấy.”

Tessie cười trừ, đoạn gạt phăng đề xuất này. Nhưng đằng sau lời chế nhạo của bà là nỗi e dè rất nghiêm túc về mặt đạo lý. Can thiệp vào chuyện bí ẩn và kỳ diệu như sinh nở là hành động xấc xược. Trước hết, Tessie không tin ta làm được chuyện đó. Mà dù có làm được, bà cũng tin ta không nên thử.

Dĩ nhiên, một người kể chuyện ở vị thế của tôi (còn chưa hoài thai vào thời điểm đó) làm sao mà biết chắc như đinh đóng cột những chuyện này. Tôi chỉ có thể giải thích cơn cuồng khoa học ông bô bị nhiễm hồi mùa xuân năm 59 là triệu chứng của thứ niềm tin đang sinh sôi rồi sẽ làm cả thiên hạ lây nhiễm hồi đó. Xin nhớ cho rằng, vệ tinh Sputnik vừa mới được phóng chỉ hai năm trước đó. Bệnh bại liệt bắt ông bà bô ở rịt trong nhà suốt bao tháng hè lúc còn nhỏ đã bị vắc xin Salk chế ngự. Thiên hạ đâu thể ngờ bọn virus thông minh hơn con người, cứ tưởng rằng chẳng chóng thì chầy bọn nó sẽ thuộc về quá khứ không bao giờ nảy nòi ra lần nữa. Ở cái nước Mỹ hậu chiến đầy lạc quan đó, mà tôi vớt vát được giai đoạn cuối, ai cũng là ông chủ số phận của chính mình, vì thế dĩ nhiên ông bô tôi sẽ cố trở thành ông chủ số phận mình.

Vài ngày sau khi đề cập kế hoạch với Tessie, một tối nọ Milton về nhà mang theo một món quà. Một hộp trang sức có thắt nơ.

“Ý đồ gì đây?” Tessie nghi ngờ hỏi.

“Ý em là sao, sao lại ý đồ gì đây?”

“Hôm nay không phải sinh nhật em. Không phải kỷ niệm ngày cưới. Thế lý do gì anh lại tặng quà cho em?”

“Chả nhẽ phải có lý do thì anh mới được tặng quà cho em à? Nào, em mở ra đi.”

Tessie bán tín bán nghi nhếch một khóe miệng. Nhưng thật khó lòng không mở hộp trang sức khi nó nằm sờ sờ trên tay. Vì thế cuối cùng bà cũng tháo nơ rồi mở hộp ra.

Trong hộp, trên nền nhung đen, là cái cặp nhiệt độ.

“Cặp nhiệt độ à,” bà bô tôi nói.

“Không phải cặp nhiệt độ tầm thường đâu nhé,” Milton nói. “Phải đi đến ba tiệm thuốc mới tìm được loại này đấy.”

“Loại đắt tiền hả?”

“Đúng thế,” Milton nói. “Loại này gọi là nhiệt kế đo nhiệt độ cơ bản. Nó đo nhiệt độ nhạy tới từng một phần mười độ.” Ông nhướn mày lên. “Nhiệt kế bình thường chỉ đo được hai phần mười thôi. Cái này là một phần mười đấy. Em thử xem. Ngậm vào mồm ấy.” “Em đâu có bị sốt,” Tessie nói.

“Không phải để xem có bị sốt không. Em dùng để xem nhiệt độ cơ thể lúc nghỉ ngơi thấp nhất là bao nhiêu. Loại này chính xác và chuẩn hơn nhiệt kế thông thường dùng khi bị sốt.”

“Lần sau mua cho em sợi dây chuyền nhé.”

Nhưng Milton không từ bỏ: “Nhiệt độ cơ thể thay đổi thường xuyên, Tess ạ. Mình không nhận thấy được, nhưng đúng là vậy. Nhiệt độ trong người lên xuống liên tục. Chẳng hạn như” – ông ho khẽ – “tình cờ nếu em rụng trứng. Thì nhiệt độ của em tăng lên. Sáu phần mười độ, hầu hết đều vậy. Bây giờ,” ông nói tiếp, hào hứng hơn, không nhận thấy vợ đang cau mày, “nếu thực thi cái kế hoạch hôm nọ – chỉ là ví dụ thôi, việc mình làm trước tiên là đo nhiệt độ cơ bản của em. Có thể không phải 37 độ C. Nhiệt độ mỗi người đều khác nhau một chút. Cái này anh cũng học được từ chú Pete đấy. Một khi xác định nhiệt độ cơ bản rồi, em tìm xem lúc nào nhiệt độ tăng lên sáu phần mười độ. Khi đó, nếu em chịu, thì khi đó là lúc mình biết cần phải, em biết đấy, pha cốc tai.”

Bà chả ừ hữ gì. Bà chỉ đặt cái cặp nhiệt độ vào hộp, đóng nắp, đoạn đưa lại cho chồng.

“Được rồi,” ông nói. “Được thôi. Tùy em. Mình sẽ lại dính thêm thằng cu. Đứa thứ hai. Nếu em muốn như vậy thì sẽ là như vậy.”

“Em chả dám chắc lúc này dính diếc được cái gì đâu anh ạ,” bà đáp.

Trong lúc đó, tại phòng nghỉ trước khi lên sân khấu cuộc đời, tôi đợi. Một tia hy vọng lẻ loi trong mắt ông bô tôi còn chưa có (ông đang âu sầu nhìn xuống cái hộp đựng nhiệt kế trên đùi). Lúc này bà bô đứng dậy từ cái gọi là xô pha đôi. Bà đi về phía cầu thang, tay sờ lên trán, và khả năng tôi ra đời dường như càng lúc càng mờ mịt. Lúc này ông đứng dậy đi quanh nhà kiểm tra, tắt đèn, khóa cửa. Khi ông lên lầu, hy vọng cho tôi lại bùng lên. Thời điểm cho việc đó phải cực kỳ chuẩn xác để tôi trở thành con người tôi như bây giờ. Chỉ cần trì hoãn hành động một tiếng đồng hồ thôi là sẽ thay đổi lựa chọn gen. Việc tôi được thụ thai còn nhiều tuần nữa mới xảy ra, nhưng ông bà bô tôi đã bắt đầu quá trình va chạm dần dần. Ngoài hành lang trên lầu, cái đèn ngủ Acropolis đang thắp sáng, đó vốn là quà của Jackie Halas, chủ cửa hàng đồ lưu niệm. Bà bô đang ngồi ở bàn trang điểm lúc ông vào phòng ngủ. Bà dùng hai ngón tay xoa kem rửa mặt Noxzema lên mặt, xong lấy khăn giấy chùi đi. Ông chỉ cần thốt một lời âu yếm là bà tha thứ luôn. Không phải tôi mà có lẽ một đứa giông giống tôi sẽ được tạo ra vào đêm hôm đó. Một số vô hạn những cá thể có khả năng tồn tại tụ tập ở ngưỡng cửa, tôi đứng với bọn nó mà chả có tấm vé đảm bảo nào, thời giờ chậm chạp trôi, những hành tinh trên trời quay với tốc độ như thường lệ, thời tiết cũng góp phần mình, bởi vì bà bô sợ sấm và sẽ phải rúc vào ông bô nếu đêm đó trời mưa. Nhưng không, trời quang mây đãng, như sự bướng bỉnh của hai cụ vậy. Đèn phòng ngủ tắt bụp. Họ nằm yên ở phần giường mình. Cuối cùng bà nói, “Ngủ ngon.” Còn ông đáp, “Gặp em sáng mai.” Những khoảnh khắc dẫn tới sự ra đời của tôi được sắp xếp đâu ra đấy như thể được ra sắc lệnh. Ắt hẳn đó là lý do vì sao tôi lại ngẫm ngợi về thời khắc đó nhiều đến thế.

Chủ nhật tuần sau đó, bà bô đưa Desdemona với anh tôi đi nhà thờ. Ông bô tôi chưa bao giờ đi cùng, lúc lên tám ông đã đứng vào hàng ngũ những kẻ vô thần vì nến thánh đắt cắt cổ. Tương tự, sáng sáng ông nội tôi thích ở nhà dịch sang tiếng Hy Lạp hiện đại những bài thơ đã được “phục hồi” của thi sĩ Sappho. Bảy năm sau đó, mặc dù liên tiếp bị đột quỵ, ông nội vẫn làm việc ở cái bàn nhỏ, ghép từng mẩu huyền thoại thành bức tranh khảm lớn, thêm đoạn giữa chỗ này, đoạn cuối chỗ kia, gắn vần chân hay nhịp iambus. Tối tối ông vừa nghe loại nhạc hay được chơi trong nhà thổ vừa hút shisha.

Năm 1959, Nhà thờ Chính thống Hy Lạp Đức Mẹ Lên Trời nằm trên phố Charlevoix. Chính tại nơi đó chưa đầy một năm sau tôi sẽ được rửa tội và nuôi nấng theo Chính thống giáo13. Nhà thờ Đức Mẹ Lên Trời, với những linh mục đứng đầu lần lượt thay phiên do Tòa Thượng phụ ở Constatinople cử tới, ai mới đầu đến cũng có bộ râu sum suê quyền lực, bộ lễ phục thêu thiêng liêng, nhưng sau một thời gian đều kiệt quệ sạch – theo quy luật là sáu tháng – bởi cộng đoàn cứ quàng quạc suốt ngày, lại còn chê bai đả kích linh mục hát thánh ca không hay, rồi linh mục phải liên tục bắt một số phần tử giáo dân coi nhà thờ như chỗ ngồi ở Sân vận động Tiger im lặng, và cuối cùng, mỗi tuần phải gắng sức mà giảng một bài kinh hai lần, ban đầu bằng tiếng Hy Lạp rồi cũng bài đó bằng tiếng Anh. Nhà thờ Đức Mẹ Lên Trời, với những giờ uống cà phê rộn ràng, cơ sở tồi tàn với mái nhà dột nát, những lễ hội văn hóa công phu vất vả, những lớp học giáo lý nơi di sản được gìn giữ chốc lát trong chúng tôi trước khi được phép tiêu tán trong cuộc lưu vong vĩ đại. Tessie với hai bà cháu tiến xuống lối đi giữa các dãy ghế ở giữa nhà thờ, đi qua những khay cát đựng nến thánh. Phía trên cao, to đùng đoàng như bong bóng thú trong Lễ diễu hành Ngày lễ Tạ ơn của tập đoàn Macy14, là Chúa Ban Phước Lành. Người ông cong cong uốn trên không gian mái vòm. Không giống những vị Chúa Jesus trần tục khổ sở được họa ngang tầm mắt người nhìn trên các bức tường trong nhà thờ, vị Chúa Ban Phước Lành của chúng tôi rõ là siêu phàm, đầy quyền năng, lừng lững trên thiên đường. Người đang nhoài xuống đưa bốn cuộn da cừu có ghi Phúc âm cho các tông đồ phía trên bàn thờ. Còn bà bô tôi, suốt đời cố tin Chúa mà chẳng mảy may thành công, ngước lên người tìm lời dìu dắt.

Cặp mắt Chúa Ban Phước Lành nhấp nháy trong ánh sáng mờ ảo. Chúng như hút Tessie lên cao. Qua khói hương trầm đang cuộn lên, đôi mắt Đấng Cứu Thế sáng rực lên như những cảnh chiếu chớp nhoáng các sự kiện vừa xảy ra trên tivi…

Đầu tiên là bà Desdemona tuần trước khuyên nhủ con dâu. “Đẻ thêm làm gì hả Tessie?” bà hỏi với vẻ cố tình thản nhiên. Cúi xuống ngó vào cái lò nướng nhằm giấu đi vẻ hoang mang trên mặt (cái vẻ hoang mang mãi đến mười sáu năm sau ta mới hiểu được), Desdemona gạt ý tưởng đó đi. “Thêm con thêm rắc rối chứ được cái gì…”

Tiếp đó là bác sĩ Philobosian, vị bác sĩ già của gia đình. Với những tấm bằng cổ lỗ sĩ sau lưng, vị đốc tờ già phán: “Vớ vẩn. Tinh trùng nam bơi nhanh hơn á? Nghe này. Người đầu tiên nhìn thấy tinh trùng dưới kính hiển vi là nhà khoa học Leeuwenhoek. Cô có biết với ông ta trông chúng giống cái gì không? Giống giun đấy…”

Rồi lại Desdemona, trình bày một góc nhìn khác: “Chúa quyết định trai hay gái. Không phải con…”

Những cảnh này lướt qua đầu bà bô trong suốt buổi giảng kinh tràng giang đại hải ngày Chủ nhật. Cộng đoàn nhấp nhổm đứng lên rồi ngồi xuống. Ngồi ở hàng ghế phía trước, mấy đứa em họ tôi, Socrates, Plato, Aristotle, và Cleopatra, ngọ nguậy không yên. Cha Mike xuất hiện từ phía sau bức tường có hình những vị thánh và vung bình hương. Bà cố cầu nguyện nhưng chẳng ích gì. Bà thoi thóp tới giờ uống cà phê.

Từ cái tuổi mười hai thơ ngây, bà bô tôi đã chẳng tài nào khởi sự ngày mới mà không có sự trợ giúp của ít nhất hai tách cà phê đen đặc không đường, cái sở thích bà học được từ mấy tay thuyền trưởng tàu lai kéo và mấy thằng cha độc thân ăn mặc hoa hòe hoa sói đầy rẫy ở nhà trọ nơi bà lớn lên. Khi còn học cấp ba, cao một mét năm lăm, bà ngồi cạnh đám công nhân nhà máy ôtô ở quán ăn góc phố, uống cà phê trước tiết học đầu tiên. Trong khi họ lướt xem tỉ số cá độ đua ngựa trên báo, Tessie làm xong bài tập về nhà môn giáo dục công dân. Lúc này đây, dưới tầng hầm trong nhà thờ, bà bảo Chương Mười Một chạy ra ngoài chơi với bọn trẻ con để bà uống tách cà phê cho tỉnh táo.

Bà đang uống tách thứ hai thì một giọng dịu dàng nữ tính thổi vào tai bà. “Chào buổi sáng, Tessie.” Đó là em rể bà, Cha Michael Antoniou.

“Chào Cha Mike. Buổi lễ hôm nay cảm động quá,” Tessie nói rồi ngay lập tức hối hận. Cha Mike là phó tế ở Nhà thờ Đức Mẹ Lên Trời.

Khi vị linh mục gần đây nhất ra đi, quay về Athens chỉ sau vẻn vẹn có ba tháng, cả gia đình hy vọng Cha Mike sẽ được thăng chức. Nhưng cuối cùng, một linh mục mới người nước ngoài, Cha Gregorios lại được vị trí đó. Cô Zo, chưa bao giờ bỏ lỡ cơ hội nào để than van về cuộc hôn nhân của mình, thốt lên tại bữa tối bằng giọng nữ diễn viên hài kịch, “Chồng tôi. Lúc nào cũng làm phù dâu chớ chưa bao giờ được làm cô dâu.”

Khi khen ngợi buổi lễ, Tessie không hề có ý khen ngợi Cha Greg. Tình huống còn nhạy cảm hơn nữa bởi nhiều năm trước đây Tessie với Michael Antoniou đã đính hôn với nhau. Giờ đây bà kết hôn với Milton còn Cha Mike thì lại cưới em gái Milton. Tessie xuống dưới này để đầu óc được thư thái uống cà phê vậy mà chưa gì ngày hôm đó đã trở nên tồi tệ không kiểm soát nổi.

Dẫu vậy, Cha Mike có vẻ không để tâm đến chuyện coi thường này. Ông đứng cười, đôi mắt dịu dàng trên chòm râu xồm xoàm như thác nước đang gào thét. Vốn lành tính, Cha Mike rất được lòng đám bà góa đi lễ. Họ ưa túm tụm quanh ông, mời ông ăn bánh và tắm mình trong bản chất phước lành của ông. Một phần của bản chất này sinh ra từ lòng mãn nguyện tuyệt đối của Cha Mike dù ông chỉ cao có một mét sáu ba. Vẻ ngoài thấp bé có sự hào phóng riêng của nó, như thể ông san sẻ bớt chiều cao của mình cho người khác. Dường như ông đã tha thứ cho Tessie cái tội hủy hôn với ông nhiều năm trước, nhưng trong không khí giữa hai người vẫn luôn tồn tại cái gì đó, như cái thứ phấn rôm thỉnh thoảng bay ra từ cổ áo linh mục.

Mỉm cười, cẩn thận cầm tách cà phê với đĩa, Cha Mike hỏi, “Tessie, cả nhà khỏe không em?”

Dĩ nhiên bà biết, vốn là vị khách tuần nào cũng đến nhà tôi vào Chủ nhật, Cha Mike đã được nghe trọn vẹn kế hoạch canh trứng nhờ đo nhiệt độ. Dòm vào mắt ông, bà nghĩ mình dò ra vẻ khoái chí.

“Kiểu gì hôm nay anh lại chả ghé qua nhà em,” bà nói vẻ vô tư. “Được xem tận mắt nhé.”

“Anh mong đến chơi lắm,” Cha Mike nói. “Nhà em lúc nào cũng có chuyện xôm hết.”

Tessie lại nhìn vào mắt Cha Mike nhưng nó dường như tràn ngập vẻ ấm áp chân thành. Rồi có chuyện xảy ra khiến bà tuyệt nhiên không để tâm gì tới Cha Mike nữa.

Phía bên kia phòng, Chương Mười Một trèo lên ghế để với lấy vòi bình cà phê. Anh cố rót một tách, ngặt nỗi mở được vòi rồi mà không đóng lại được. Cà phê nóng bỏng tung tóe khắp bàn. Cái thứ nước nóng rẫy ấy bắn lên người một con bé đứng ngay cạnh đấy. Con bé nhảy bật ra sau. Mồm nó há hốc, nhưng không thốt ra tiếng nào cả.

Bà bô tôi lao vụt qua phòng lật đật đưa con bé vào phòng vệ sinh nữ.

Không ai nhớ tên con bé đó. Nó chả phải con cái nhà nào hay đi lễ thường xuyên. Nó còn chả phải dân Hy Lạp. Nó xuất hiện ở nhà thờ đúng vào ngày hôm đó rồi không bao giờ quay lại, và dường như chỉ tồn tại cho một mục đích duy nhất là làm bà bô tôi đổi ý. Trong phòng vệ sinh, con bé cởi ngay cái áo đang bốc hơi ra còn Tessie thì mang khăn ướt tới.

“Con có sao không cưng? Có bị bỏng không?”

“Thằng đó vụng về thế không biết,” con bé nói.

“Ừ. Chuyện gì nó cũng dính vào.”

“Bọn con trai thật bất trị.”

Tessie mỉm cười. “Vốn từ của con cũng ghê nhỉ.”

Nghe lời khen này con bé cười toét miệng. “‘Bất trị’ là từ yêu thích của con. Anh trai con rất bất trị. Tháng trước con mê từ ‘lằng nhằng’. Nhưng ta không dùng được từ ‘lằng nhằng’ trong nhiều trường hợp. Nghĩ cho kỹ thì nhiều thứ không thể nào dùng từ ‘lằng nhằng’ được.”

“Con nói đúng,” Tessie vừa cười vừa nói. “Nhưng bất trị thì dùng đâu cũng được cả.”

“Cô nói quá chuẩn luôn,” con bé nói.

Hai tuần sau. Chủ nhật lễ Phục sinh năm 1959. Việc trung thành bám trụ vào lịch Julius15 một lần nữa lại khiến nhà tôi lạc nhịp với toàn bộ khu dân cư chung quanh. Chủ nhật hai tuần trước, anh tôi ngó bọn trẻ con hàng xóm đi săn trứng đủ màu trong bụi cây. Anh nhìn bạn bè ăn đầu thỏ bằng sô cô la và nốc cả vốc kẹo dẻo vào cái mồm tuyền răng sâu. (Đứng dòm từ cửa sổ, ông anh trai không muốn gì hơn là được tin một vị Chúa người Mỹ sống lại đúng ngày.) Đến tận hôm qua Chương Mười Một mới được phép nhuộm trứng, mà rồi chỉ được mỗi một màu đỏ16. Khắp nhà trứng đỏ ánh lên dưới những tia nắng dài ngày hạ chí. Trứng đỏ đầy ụp trong đống bát trên bàn ăn. Chúng treo trong túi nhỏ trên những khung cửa. Chúng nằm khắp bệ lò sưởi và được nướng thành ổ bánh mì tsoureki hình thánh giá.

Nhưng lúc này là chiều muộn; cả nhà đã ăn tối xong. Còn ông anh tôi thì đang cười mỉm. Bởi vì bây giờ tới phần trong lễ Phục sinh của Hy Lạp mà anh mê hơn trò săn trứng với kẹo dẻo: chơi chọi trứng. Cả nhà quây quần ở bàn ăn. Cắn môi, Chương Mười Một chọn một quả trứng trong bát, săm soi rồi bỏ lại. Anh chọn quả khác. “Quả này trông được đây,” Milton vừa nói vừa chọn trứng. “Cứng như đá nhé.” Milton giơ quả của mình lên. Chương Mười Một lăm le tấn công. Đúng lúc đó bà bô bỗng vỗ lên lưng ông bô. “Đợi tí nào Tessie. Bố con anh đang chọi trứng mà.” Bà đập vào lưng ông mạnh hơn.

“Sao thế?”

“Nhiệt độ cơ thể em.” Bà ngập ngừng. “Tăng sáu phần mười rồi.”

Bà dùng cái cặp nhiệt độ đã được ít lâu. Đây là lần đầu tiên ông bô tôi nghe chuyện này.

“Bây giờ á?” ông thì thầm. “Chúa ơi, Tessie, em chắc chứ?”

“Em chả biết. Anh bảo em canh khi nào nhiệt độ tăng lên nên em đang bảo với anh là tăng lên sáu phần mười độ rồi.” Đoạn hạ thấp giọng, “Với cả đã mười ba ngày kể từ lần cuối cái mà anh biết là cái gì rồi đấy.”

“Nào bố,” Chương Mười Một nài nỉ.

“Tạm dừng,” Milton bảo. Ông bỏ trứng vào gạt tàn. “Trứng của tôi đấy nhé. Không ai được đụng vào cho tới khi tôi quay lại đâu đấy.”

Trên lầu, tại phòng ngủ chính, ông bà bô hoàn thành nhiệm vụ.

Sự ngượng nghịu tự nhiên của một đứa trẻ ngăn tôi không tưởng tượng chi tiết cảnh đó. Chỉ có thế này: sau khi xong xuôi, như thể chốt hạ, ông bô nói, “Thế chắc là ổn.” Hóa ra ông đúng thật. Đến tháng Năm, Tessie phát hiện mình có thai, thế là quá trình chờ đợi bắt đầu.

Sáu tuần tuổi tôi có mắt với tai. Được bảy tuần tuổi thì có mũi, cả môi nữa. Cơ quan sinh dục ngoài bắt đầu hình thành. Hoóc môn bào thai, nhận tín hiệu từ nhiễm sắc thể, ức chế các ống Müllerian, kích thích các ống Wolffian. Khi papou17đặt tay lên bụng bà bô bảo, “Đứa thứ hai may mắn nhé!” thì hai mươi ba cặp nhiễm sắc thể tiếp hợp rồi trao đổi đoạn, quay tít cái cò quay roulette. Sắp xếp theo đoàn, gen của tôi thực thi mệnh lệnh nhận được. Tất cả trừ hai đứa – một cặp vô lại – hay là nhà cách mạng, tùy quan điểm của bạn – lỉnh đi trên nhiễm sắc thể số 5. Cùng nhau, chúng rút mất một enzyme, tức là làm một loại hoóc môn bị ngừng sản xuất, tức làm đời tôi trở nên rắc rối.

Trong phòng khách, cánh đàn ông đã thôi bàn chuyện chính trị mà chuyển sang cá độ xem đứa con sắp ra đời của Milt là giai hay gái. Ông bô tôi rất tự tin. Hai mươi tư tiếng sau hành động đó, nhiệt độ cơ thể bà bô tăng lên thêm hai phần mười nữa, chứng tỏ trứng sắp rụng. Đến lúc đó tinh trùng giai đã mệt bở hơi tai phải bỏ cuộc. Tinh trùng gái, như bọn rùa, thắng cuộc đua. (Tại thời điểm đó Tessie đưa cho Milton cái cặp nhiệt độ và bảo bà không bao giờ muốn nhìn thấy nó nữa.)

Tất cả những chuyện này dẫn tới cái ngày Desdemona đung đưa cái thìa trên bụng bà bô tôi. Hồi đó thì làm gì đã có siêu âm; bói thìa là ngon nhất rồi. Desdemona khom người. Căn bếp im phăng phắc. Các chị em cắn môi dưới, nhìn, đợi. Phút đầu tiên, cái thìa không hề nhúc nhích. Tay Desdemona run rẩy và sau vài giây dài dằng dặc, bà Lina giữ nó đứng yên. Cái thìa xoay xoay; tôi đạp đánh phốc; bà bô rú lên. Rồi, đủng đỉnh, bị một cơn gió không ai cảm thấy đẩy đi, theo cái kiểu cầu cơ siêu nhiên bí hiểm, cái thìa bạc bắt đầu di chuyển, đánh mình, thoạt tiên là một vòng tròn nhỏ nhưng quỹ đạo dần dần thành hình ê líp cho đến khi đường đi ẹp lại thành một đường thẳng tắp từ cái lò đến ghế dài. Nói cách khác là từ Bắc tới Nam. Desdemona kêu lên, “Koros18!” Thế là những tiếng hét “Koros, koros” rộ lên khắp phòng.

Đêm hôm đó, ông bô bảo, “Hai mươi ba lần đúng liên tục rồi thì ắt hẳn lần tiếp theo trật lất. Lần này mẹ sai đứt rồi. Tin anh đi.”

“Nhỡ là con trai em cũng chả buồn đâu,” bà bô đáp. “Thực lòng ấy. Miễn nó khỏe mạnh, đầy đủ chân tay.”

“‘Nó’ nó cái gì. Em đang nói về con gái anh đấy.”

Một tuần sau năm mới tôi ra đời, vào ngày 8 tháng Giêng, năm 1960. Trong phòng đợi, chỉ có độc những điếu xì gà cột nơ hồng19, ông bô tôi hét lên, “Quá chuẩn!” Tôi là con gái. Dài nửa mét. Nặng ba cân ba.

Cũng đúng vào ngày 8 tháng Giêng năm đó, ông nội bị đột quỵ lần đầu tiên trong chuỗi mười ba cú. Bố mẹ tôi khi hối hả lao vào viện đã làm ông tỉnh giấc, vì thế ông ra khỏi giường xuống lầu pha cà phê. Một tiếng sau, Desdemona phát hiện ông nằm trên sàn bếp. Mặc dù các chức năng thần kinh không hề bị ảnh hưởng, sáng hôm đó, khi tôi cất tiếng khóc chào đời ở bệnh viện Phụ Nữ, papou của tôi không còn nói được nữa. Theo như Desdemona, ông nội ngất quỵ ngay sau khi lật úp tách cà phê để đọc vận may qua bã.

Khi biết tin tôi là trai hay gái, chú Pete không chịu nhận bất kỳ lời chúc mừng nào. Không có phép lạ gì ở đây cả. “Với cả,” chú đùa, “Milt làm từ a tới z cơ mà.” Desdemona trở nên nghiêm nghị.

Đứa con trai sinh ra ở Mỹ của bà đã đúng, và với cú thất bại mới toanh này, cố hương, mà bà vẫn nỗ lực sống ở đó mặc cho cách xa bốn ngàn dặm và ba mươi tám năm trời, lùi thêm một nấc nữa. Tôi chào đời đánh dấu kết thúc màn đoán giới tính trẻ con của bà và khởi đầu cho quá trình tụt dốc dài dặc của chồng bà. Mặc dầu thỉnh thoảng cái hộp tằm có tái xuất, nhưng cái thìa bạc không còn là bảo vật được nằm trong hộp nữa.

Tôi được lôi ra, đét đít, và xịt nước tắm rửa, đúng theo trật tự đó. Họ bọc tôi trong chăn rồi đặt nằm giữa sáu bé sơ sinh khác, bốn trai, hai gái, tất cả bọn nó, không giống tôi, đều được đeo thẻ ghi chính xác. Chuyện này nghe thì phi thực nhưng tôi nhớ rất rõ: những đốm sáng chầm chậm tràn vào làm bừng sáng màn tối.

Ai đó đã mở mắt tôi ra.


Chú thích:

  1. Lưỡng giới tính Giả là những người có tuyến sinh dục và nhiễm sắc thể là nữ tính, nhưng cơ quan sinh dục và các đặc trưng giới tính lại là nam giới (lưỡng giới tính giả nam); hoặc tuyến sinh dục và nhiễm sắc thể là nam tính, nhưng cơ quan sinh dục và các đặc trưng giới tính lại là nữ giới (lưỡng giới tính giả nữ). (Các chú thích trong bản dịch là của dịch giả.)
  2. Nhà tiên tri mù của thành Thebes trong thần thoại Hy Lạp, vốn là đàn ông, sau bị biến thành phụ nữ trong bảy năm, rồi sau đó trở lại làm đàn ông.
  3. Một tổ chức từ thiện của Mỹ với sứ mạng là cải thiện sức khỏe cho trẻ em bằng cách ngăn ngừa khuyết tật bẩm sinh, sinh non, tử vong ở trẻ sơ sinh.
  4. Trong bản gốc, tác giả cho nhân vật Desdemona, vốn gốc Hy Lạp, nói thứ tiếng Anh không đúng chuẩn nên sang tiếng Việt người dịch cho nhân vật nói ngọng “l” thành “n”, và nói nhầm dấu hỏi thành dấu ngã. Những chỗ như vậy trong hội thoại sẽ được in nghiêng.
  5. Tiếng Hy Lạp: bà.
  6. Tiếng Hy Lạp: của tôi.
  7. Chế biến từ cây cần sa, thường hút bằng ống shisha, gây cảm giác phê thuốc và có thể gây nghiện.
  8. Tiếng Hy Lạp: búp bê.
  9. Sử gia nổi tiếng người Anh (1737-1794), đồng thời là Nghị sĩ của Nghị viện Anh, với tác phẩm xuất sắc nhất là The History of the Decline and Fall of the Roman Empire (tạm dịch: Lịch sử Suy tàn và Sụp đổ của đế quốc La Mã).
  10. Nữ sĩ văn chương xuất sắc người Pháp (1766-1817), có ảnh hưởng lớn lên Chủ nghĩa Lãng mạn châu Âu, là người chống lại Napoleon một cách gay gắt nên bị lưu đày không được phép sống ở Paris. Bà du hành Đức nhiều lần, và đất nước này là nguồn tư liệu cho tác phẩm nổi tiếng của bà, Germany (Nước Đức), nơi bà bình luận các khía cạnh khác nhau trong đời sống, con người, văn chương của nước Đức.
  11. Những người chịu trách nhiệm sửa sang, khâu vá ở khâu cuối cùng trong việc may quần áo lông thú như sửa lớp lông, chọn và khâu lớp lót, cúc, móc…
  12. Tượng Le Penseur của nhà điêu khắc nổi tiếng người Pháp Auguste Rodin khắc họa một người đàn ông ngồi chống cằm suy tư.
  13. Chính thống giáo Hy Lạp là giáo hội thuộc Chính thống giáo Đông phương – nhánh Kitô giáo lớn thứ hai sau Giáo hội Công giáo Rôma, với giám mục bậc cao nhất được gọi là Thượng phụ.
  14. Lễ diễu hành hằng năm ở thành phố New York, được coi là lớn nhất thế giới, với những con thú bóng khổng lồ từ các bộ phim hoạt hình.
  15. Tín đồ Chính thống giáo theo lịch Julius (do Julius Caesar đặt ra trước Công nguyên) nên ngày Phục sinh khác với tín đồ Công giáo theo lịch Gregorius hay còn gọi là lịch Tây.
  16. Có rất nhiều lý giải cho nguồn gốc tập tục này của Chính thống giáo: màu đỏ là màu máu trên thánh giá mà Chúa Jesus bị đóng đinh để cứu chuộc loài người, hoặc trứng đỏ tượng trưng cho ngôi mộ đá trống rỗng mà Chúa phục sinh, hoặc từ câu chuyện Mary Magdalene là người đầu tiên phát hiện ra Chúa Jesus phục sinh trong mồ đã đi đến báo cho hoàng đế La Mã, ông này không chịu tin và bảo chỉ tin nếu trứng trong rổ bên cạnh biến thành màu đỏ, và ngay lập tức trứng chuyển sang màu đỏ.
  17. Tiếng Hy Lạp: ông.
  18. Tiếng Hy Lạp: con trai.
  19. Xì gà cột nơ hồng, báo hiệu sinh con gái (theo phong tục một số nước phương Tây).

-Còn tiếp-

Tác phẩm được trích đăng với sự đồng ý của Phương Nam Book.

Trích đăng

Tiếng gọi âm nhạc đã đến với Elvis Phương như thế nào?

Tôi biết đi xin một cây đàn guitar đã bể hết phần thùng đàn phía sau và chỉ còn lại duy nhất một dây, để bỏ hàng giờ đứng trước tấm gương trong phòng tắm mà vặn vẹo làm bộ điệu và hát những bài hát của tuổi thơ.

Published

on

By

Trích từ: Dòng Đời
Tác giả: Elvis Phương
Đơn vị giữ bản quyền: Phương Nam Book

Phát hành: tháng 8.2023

– – –

Tôi chào đời ở Dầu Tiếng, Thủ Dầu Một, sinh vào đầu năm Tây ngày 01 tháng 02 năm 1945, nên mang oan thêm một tuổi ta là tuổi Thân. Người đời thường bảo: “Người ta tuổi Ngọ, tuổi Mùi, còn tôi luống những ngậm ngùi tuổi Thân”. Nghiệm lại, tôi thấy câu này không hợp với mình lắm vì tôi đã may mắn nhận được rất nhiều ưu đãi trong đời. Có chăng là bên cạnh những vinh quang nghề nghiệp, sự thương yêu và niềm vui mà khán thính giả đã thương mến dành cho suốt mấy chục năm nay, nhiều lúc tôi cũng đành ngậm ngùi trên phương diện tình cảm của chính mình.

Sinh ra trong một gia đình có tất cả mười một người con: ba trai, tám gái. Người anh Cả của tôi mất khi còn rất nhỏ nên tôi đã trở thành anh Hai của một cậu em trai và tám cô em gái. Trong tám cô em gái thì thật tình là cô nào cũng hát được mà lại còn hát hay, nhưng chỉ có hai cô trở thành ca sĩ, một là Riri Hoa – ca sĩ trước năm 1975, sau này có gia đình và đã thôi hát. Kế đến là cô em áp út, ca sĩ Kiều Nga bây giờ.

Khán giả và bạn bè thân quen mỗi khi hỏi tôi quê quán ở đâu, câu trả lời của tôi thường là: “Tôi là người đẹp Bình Dương, nhưng đấng sanh thành tôi là người Hương Sơn, Hà Tĩnh”. Ba má tôi vào Nam lập nghiệp và sinh ra tôi ở Thủ Dầu Một, nên tôi được lớn lên trong Nam, chưa có dịp nào về thăm lại quê hương của ba má. Những ngày thơ ấu, tôi đã sống và lớn lên qua câu hò của má: “Đi mô rồi cũng nhớ về Hà Tĩnh”. Hy vọng một ngày gần đây, tôi sẽ thực hiện được điều ao ước đó của mẹ hiền là “...về Hà Tĩnh”. Thời đó, ba tôi làm nghề thầu khoán, một nghề được coi là kiếm tiền dễ dàng và má tôi – người suốt đời chỉ biết sống vì chồng con, giữ vai trò một người vợ, người mẹ đảm đang suốt ngày lui cui trong nhà, săn sóc từng bữa ăn giấc ngủ cho chồng, cho con mặc dù trong nhà đã có người giúp việc.

Elvis Phương năm 1981

Còn tôi, cho đến bây giờ đã hơn nửa đời người, vẫn hoàn toàn không hiểu tại sao tôi lại không chọn một cái nghề có dính dáng đến phim ảnh như đạo diễn, diễn viên, quay phim, chụp hình... Vì ngay từ lúc 6 tuổi tôi đã mê xem phim, từ những phim hoạt họa cho đến những phim do người thật đóng như Charlot, Laurel và Hardy, Les trois stooges... Những phim cao bồi miền viễn tây lúc đó chỉ có các tài tử như Randolph Scott, Roy Rogers, Gene Autry...

Từ lúc phim ảnh còn đen trắng cho đến lúc có những phim màu xuất hiện và lần lần đến thời kỳ của màn ảnh đại vĩ tuyến (tức CinemaScope), lại cộng thêm màu Technicolor; thậm chí đến những phim ca nhạc thần thoại của Ấn Độ chiếu thường trực ở rạp Long Phụng, tôi đều không bỏ qua phim nào cả. Nhưng thưa quý vị, một cuốn phim cao bồi Brésil mà tôi rất yêu thích, đã xem đi xem lại đến năm lần ở rạp chớp bóng Nam Quang (góc đường Lê Văn Duyệt và Trần Quý Cáp, tức nằm xéo với chợ Đũi) đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời tôi về sau.

Tôi còn nhớ rõ ràng đó là một phim cưỡi ngựa bắn súng, có cái tên rất dễ nhớ là O’cangaceiro. Phim cao bồi nào cũng thường giống nhau về cốt truyện, nghĩa là lúc nào vai chính cũng là một anh hùng có nhiệm vụ trừ gian diệt bạo và cuối cùng thường lặng lẽ ra đi một mình một ngựa, để lại thương nhớ trong lòng của người đẹp nào đó trong thành phố anh đã đi qua. Phim O’cangaceiro này cũng vậy. Anh chàng vai chính là một tên cướp nhưng sau đó quay về con đường chính đạo và đã chống lại chính đồng bọn của mình khi họ định đánh cướp một ngôi làng bé nhỏ và nghèo nàn. Và trong lúc nổ súng, anh đã giết chết người cha nuôi là chúa đảng băng cướp đó. Cuối cùng, anh đã từ chối tình yêu của một cô gái trong làng và lầm lũi ra đi với cõi lòng nặng trĩu một nỗi ân hận vì lỡ tay giết chết cha nuôi.

Elvis Phương trước dancing Au Baccara năm 1973

Tuy đại khái giống nhau về phương diện truyện phim, nhưng điều mà tôi nhận thấy là phần nhạc đệm của các phim cao bồi thì hoàn toàn không có bài nào giống bài nào. Riêng bộ phim O’cangaceiro này có một bài nhạc, lúc thì có lời, lúc chỉ có nhạc không, và điểm đặc biệt nữa là lúc anh chàng vai chính ra đi thì bài nhạc này được trỗi lên qua tiếng kèn khẩu cầm (harmonica) réo rắt, cộng thêm hình ảnh hào hùng của chàng vai chính. Và hình ảnh cuối phim lẫn tiếng khẩu cầm đã khắc sâu vào tâm trí của đứa bé mê ciné là tôi.

Kể từ ngày đó, âm thanh của bài hát trong phim không lúc nào dứt trên miệng tôi, thậm chí vài hôm sau tôi đã xin tiền má để mua cho được một chiếc khẩu cầm nhỏ hiệu Piccolo (loại bỏ túi rất nhỏ), và ngày ngày cứ tập thổi theo giai điệu của bài hát phim O’cangaceiro.

Cũng kể từ ngày đó, tôi lại thích hát hơn xem ciné, hay tham gia những trò chơi của tuổi trẻ cùng lứa với mình. Tôi không còn thích đánh đáo, tạt hình, bắn bi, đá banh, đá dế, đá cá lia thia, u bắt mọi, tắm sông... như trước kia nữa. Tôi biết đi xin một cây đàn guitar đã bể hết phần thùng đàn phía sau và chỉ còn lại duy nhất một dây, để bỏ hàng giờ đứng trước tấm gương trong phòng tắm mà vặn vẹo làm bộ điệu và hát những bài hát của tuổi thơ như: Ai bảo chăn trâu là khổ, Tết trung thu... Tôi vừa gảy đàn vừa lắc lư để cảm nhận sự sung sướng chạy rần rần trong mạch máu.

Elvis Phương lúc 9 tuổi

Vì sự đòi hỏi của công việc nên ba tôi giao thiệp rất rộng, gần như trong nhà ngày nào cũng có khách khứa tiệc tùng, đủ các khách hàng, cả tây lẫn ta. Mỗi lần như thế, y như rằng tôi bị lôi ra trình diễn trước quan khách một nhạc phẩm duy nhất La Marseillaise – quốc ca của Pháp. Thoạt đầu tôi còn hăng hải trình diễn nhưng sau đó mỗi lần thấy khách khứa là tôi tìm cớ trốn lui. Ba tôi là một người hào phóng, nhất là với bạn bè, cứ hết tiệc này đến tiệc nọ và có lần cao hứng đã nhận lời thách đố để xây tặng cho bạn một căn nhà. Má tôi nhiều khi khuyên nhủ nhưng ông nhất định làm ngơ vì ông luôn coi bạn bè là trên hết, còn với con cái thì ông rất nghiêm khắc, đứa nào đứa nấy sợ ông một nước. Dù ba thường bắt tôi ra trình diễn bài tủ là quốc ca Pháp khi có bạn bè của ông đến nhà chơi, nhưng sau này khi lớn lên, biết tôi mê ca hát thì ông lại nhất định cấm đoán và chỉ muốn tôi đi học để ra trường làm ông nọ, ông kia hoặc nối nghiệp nghề thầu khoán của ông.

“Cái nghề ca hát ba lăng nhăng làm sao mà kiếm tiền được, đừng hòng đòi đi hát, không nghe người ta nói ‘xướng ca vô loài’ hay sao?” Ba tôi thường nói như vậy mỗi khi bắt gặp tôi đang mân mê cây đàn hoặc say sưa theo dõi những chương trình nhạc ngoại quốc trên đài phát thanh. Ông đã cố ý ngăn ngừa không cho tôi theo nghề ca hát từ bé.

Nhưng mặc ba cấm thì cấm, tôi vẫn lén lút nghe nhạc và lẩm bẩm hát theo. Âm nhạc đã trở thành hơi thở của tôi từ khi còn thơ dại. Mơ ước của tôi khi đó là có cho riêng mình một cái radio nhỏ chạy bằng pin, và ước mơ đó đã trở thành sự thật. Thật khó lòng diễn tả được niềm xúc động khi được nâng niu chiếc radio trong tay lúc ấy, kể từ đó tôi và chiếc radio đã trở thành vật bất ly thân. Đi đâu tôi cũng mang kè kè theo bên mình, nhất là khi leo lên giường ngủ thì càng không thể thiếu người bạn thân thiết này, để được những âm thanh dìu dặt, mê hoặc dẫn lối vào giấc ngủ say, không mộng mị.

Dù đã bị cảnh cáo nhiều lần, nhưng tật ôm radio nghe nhạc suốt ngày đêm đã trở thành đam mê mà tôi không bỏ được. Cho đến một hôm, đang say sưa với tiếng nhạc phát ra từ chiếc radio nhỏ bé, bên cạnh những chồng sách vở trong phòng học thì ba tôi bước vào đứng sau lưng tôi lúc nào không hay. Khi tôi nhận ra thì đã quá muộn, chiếc radio nhỏ bé thân yêu bị ba tôi giựt lấy và đập xuống sàn nhà vỡ nát. Hồn vía lên mây, tôi chưa kịp có phản ứng gì thì đã bị ông tặng cho mấy bạt tai đích đáng. Má tôi chạy vào can nhưng cũng không làm giảm bớt sự nóng giận của ông. Tôi đã sung sướng đón nhận chiếc radio như thế nào thì giờ đây đau khổ và tiếc rẻ chừng ấy khi ngắm nhìn hình thù méo mó, vỡ nát của nó trên sàn nhà. Sau đó, tôi cố gắng lắp ráp lại chiếc radio vỡ với hy vọng mong manh là có thể cứu vãn được, nhưng đành chịu thua.

Elvis Phương với ba ở Vũng Tàu

Ba tôi đã làm mất đi người bạn thân đầu đời và tận diệt niềm vui bé nhỏ của riêng tôi. Sau đó tôi đành phải nghe ké radio chung của gia đình, bị lệ thuộc vào sở thích của những người thân trong nhà mà lúc đó chương trình nhạc ngoại quốc ít khi được nghe tới. Tuy ba tôi rất khó tính trong việc giáo dục con cái, nhưng tôi vẫn một lòng kính phục ông trên cương vị cột trụ của gia đình. Một tay ông đã gầy dựng và mang lại cho gia đình tôi một cuộc sống tuy không phải là quá giàu có, nhưng sung túc và đầy đủ.

Giờ đây ngồi nhớ lại những ngày niên thiếu, tôi nhớ về ba, một người cha bận rộn trong công việc thương trường nhưng rất khe khắt trong việc dạy dỗ con cái. Với lòng thành kính, tôi luôn suốt đời mang ơn ba, vì ông có khe khắt thì tôi mới nên người, dù ở bất cứ môi trường nào.

“Con đã được sống bằng những mơ ước của đời mình. Dù rời nhà từ lúc 16 tuổi, nhưng từ thời niên thiếu đến khi trưởng thành, sự dạy dỗ của ba đã là kim chỉ nam cho đời con. Sống lăn lộn với bạn bè, giữa đời sống của vũ trường, những sân khấu ca nhạc, của ánh đèn mầu, giữa những vui buồn, những thăng trầm và cám dỗ, mà đến giờ đây, khi đã ngoài 70 tuổi đời, con vẫn tự hào là đã sống đúng nghĩa một đời.”

Elvis Phương tại Nhà Thờ Đá Phát Diệm, Việt Nam, năm 1998

Bao nhiêu thú vui: cờ bạc, đam mê hút xách, rượu chè, trai gái, môi trường sống đầy cám dỗ của tuổi trẻ... nhưng tôi đã tránh được tất cả để sống thật sự với mơ ước và đam mê ca hát của mình. Trong đầu óc non nớt của tôi lúc đó nào có nghĩ như ba: nghề nào sẽ tốt cho bản thân mình, cho gia đình mình, nghề nào được trọng vọng? Nhưng tôi chắc chắn được một điều là mình rất mê âm nhạc, nghe tiếng nhạc là tôi thấy yêu đời, thấy tâm hồn nhẹ nhõm lâng lâng. Lúc nào, giờ nào tôi cũng có thể nghe được, nhiều lúc tôi còn mang cả radio vào trong toilet để nghe nhạc... Tiếng gọi của âm nhạc đến với tôi từ thời thơ ấu, nhìn lại những người thân trong họ hàng chung quanh, tôi nhận thấy mình chẳng hề chịu ảnh hưởng “văn nghệ” của bất kỳ ai, do đó tôi nghĩ: Mình sinh ra đời để được ca, được hát mà thôi.

Tôi mê âm thanh từ hồi còn bé xíu, khi coi những hoạt họa câm, tiếng nhạc hoặc âm thanh kèm theo những động tác của đủ loại thú vật trong phim khiến tôi thích thú vô cùng. Tôi đã bỏ những thú vui của trẻ con cùng trang lứa mà suốt ngày chỉ muốn sống với âm thanh và tiếng nhạc. Má tôi tuy không ngăn cấm nhưng cũng không khuyến khích nhiều. Sau này khi tôi hơi lớn thêm một chút và thấy tôi cứ ca hát suốt ngày, bà thường chỉ cười và nói: “Khi nào con hát cho má nghe được bài Đi mô cũng nhớ về Hà Tĩnh thì lúc đó má sẽ cho con đi hát”. Má tôi rất thích bài hát này, suốt thời thơ ấu tôi thường nghe má ngâm và hát những bài ca quen thuộc về quê hương Hà Tĩnh khi ru các em tôi ngủ.

– Còn tiếp –

Tác phẩm được trích đăng với sự đồng ý của Phương Nam Book.

Đọc bài viết

Trích đăng

Tại sao bọn trẻ không “vui vẻ” cho người lớn đỡ phiền?

Tại sao mỗi khi chúng ta cố dỗ bọn trẻ là y như rằng chúng nó càng làm dữ hơn? Rõ ràng ý định của chúng ta là vỗ về bọn trẻ. Để dạy chúng rằng chút xóc nảy tí tẹo trên đường đời vẫn có thể vượt qua mà không cần phải lao cả xe xuống mương.

Published

on

By

Trích từ: Nói sao khi trẻ không nghe lời
Tác giả: Joanna Faber, Julie King
Đơn vị giữ bản quyền: Phương Nam Book

Phát hành: tháng 7.2023

– – –

Mường tượng về cuộc sống của mình sau này – khi có ngôi nhà và những đứa trẻ của riêng mình – chúng tôi đoán chắc bạn sẽ mường tượng ra một cuộc sống với loạt khoảnh khắc đẹp như mơ.

Hễ đối mặt với xung đột hay đau khổ là ta lại muốn quay về với cảnh tượng hạnh phúc mình từng vẽ ra trong đầu. Thế nhưng, những nỗ lực quả cảm nhất và hữu ích nhất của ta những mong sẽ giúp ích hoặc sẽ khắc phục vấn đề – hóa ra lại khiến sự việc càng trở nên rối rắm.

Tại sao mỗi khi chúng ta cố dỗ bọn trẻ là y như rằng chúng nó càng làm dữ hơn? Rõ ràng ý định của chúng ta là vỗ về bọn trẻ. Để dạy chúng rằng chút xóc nảy tí tẹo trên đường đời vẫn có thể vượt qua mà không cần phải lao cả xe xuống mương. Mọi thứ rồi SẼ ỔN thôi! Ấy thế nhưng thông điệp lọt vào tai bọn trẻ lại rất khác: “Con đừng hòng có thứ con muốn và bố thì cóc quan tâm, bởi vì cảm xúc của con đâu quan trọng đến nỗi phải bận tâm”. Thành ra, nỗi đau khổ tăng lên gấp bội – cộng dồn vào nỗi thất vọng ban đầu về việc hết sạch thanh ngũ cốc – là cảm giác lẻ loi trống vắng mà bạn cảm thấy nhưng rồi nhận ra không ai quan tâm đến việc bạn đang buồn thế nào.

Thật ra, đối với người lớn, thanh ngũ cốc chỉ xếp hạng chót trong bảng xếp hạng thảm họa toàn cầu. Nhưng đối với đứa trẻ đang thất vọng tràn trề, thứ quà vặt thiếu hụt đó gây ra nỗi buồn vô hạn không thua kém bất kỳ thảm họa xinh xẻo nào ập xuống mỗi ngày trong quá trình trưởng thành của người lớn chúng ta. Việc này khó chịu sánh ngang với chuyện chị đồng nghiệp xấu tính cứ lấy bút của bạn dùng mãi mà không chịu trả, đúng không? Đừng cằn nhằn nữa! Việc nhỏ xíu xiu ấy mà! Còn chuyện bạn của bạn đem vấn đề sức khỏe cá nhân của bạn đi rêu rao khắp nơi thì sao? Bạn phản ứng thái quá rồi đấy. Đừng nhạy cảm thế chứ! Hay như chuyện anh thợ sửa xe tính tiền sửa hộp số quá đắt nhưng chỉ một tuần sau cái hộp số đó lại hỏng, nhưng anh ta kiên quyết không hoàn tiền cho bạn thì thế nào? Ơ hay, cuộc sống là thế! Khó chịu thì được ích gì.

Đừng nổi cáu nhé. Chúng tôi chỉ đang cố giúp bạn thôi, bằng cách giải thích cặn kẽ lý do tại sao bạn sai khi cảm thấy bực bội trong người.

Đúng là tức điên lên được khi những thất vọng của chính ta được cho là chẳng đáng kể trong kế hoạch lớn lao thì chớ, lại còn bị vo viên rồi ném đi. Khi ai đó cố gắng xoa dịu ta bằng cách giảm nhẹ những rắc rối nọ thì ta lại cảm thấy nghẹn lòng, bức bối hơn – thậm chí trong lòng còn dấy lên làn sóng giận hờn mới, phải trút lên người đang cố xoa dịu mình. Đám trẻ ở nhà cũng không khác chúng ta là mấy.

Ngay cả chuyên gia được đào tạo chuyên môn bài bản vẫn có thể vô tình làm cho trẻ đau khổ hơn thêm.

Chúng ta sốt sắng muốn dạy trẻ hình thành một góc nhìn nào đó – rằng con không được suy sụp trước mỗi một điều bé tí ti trong cuộc sống. Chẳng phải một trong những nhiệm vụ của phụ huynh là giúp con nhận ra điều quan trọng với điều không quan trọng sao? Đúng! Nhưng sai thời điểm! Thời điểm bạn buồn vì đôi giày mới mua bị đánh cắp không phải là thời điểm bạn muốn ai đó lên tiếng nhắc nhở rằng phải biết ơn vì bạn vẫn còn đôi chân. Đến khi bạn mất đôi chân vì bệnh tật, bạn càng không muốn người khác xuất hiện để nhắc nhở rằng bạn thật may vì có những người còn không có chân nào nữa kìa. Chắc chắn, sẽ có một thời điểm nào đó tốt hơn để nêu quan điểm, nhưng ngay lúc này, bạn sẽ đánh giá cao chút lòng thấu cảm chân thành hơn là một lời động viên sáo rỗng.

Hiểu một cách trí tuệ, chúng ta biết rằng không nên cố khuyên người khác thôi đau khổ ngay đúng thời điểm họ đang khốn khổ. Thế nhưng, chúng ta vẫn bị thôi thúc mạnh mẽ phải giảm thiểu hay loại bỏ cảm giác tiêu cực ở con mình, vì lợi ích của con lẫn lợi ích của chúng ta. Khi con trẻ kể lại chuyện không vui của con, rất tự nhiên chúng ta liền cố thuyết phục con rằng sự việc thật ra không tệ đến vậy. Chúng ta phản ứng bằng tâm trạng bực bội, thất vọng, và thế là, trước khi mọi người liên quan kịp biết điều gì đang diễn ra thì tất cả đã bị cuốn vào vòng xoáy tức giận. Càng cố dập lửa, lửa càng bùng cháy dữ dội. Hóa ra, chúng ta đang đổ dầu chứ không phải đổ nước vào lửa.

PHẢI LÀM GÌ BÂY GIỜ?

Thế đấy, chẳng ích gì khi cố gắng giúp con nhìn vào mặt tươi sáng của vấn đề, hoặc bảo con nên chấp nhận và ngừng than vãn bởi vì vấn đề của con nào có tệ gì đâu. Làm gì bây giờ? Cứ ngồi tọt vào ghế sofa đeo tai nghe chống ồn chăng? Hiển nhiên, chúng ta NÓI hay LÀM gì cũng chỉ khiến cho mọi thứ trở nên tồi tệ hơn, đúng không?

Chúng tôi rất vui vì bạn đã đặt ra câu hỏi này! Và xin giới thiệu đến bạn các mẹo hay sau đây có thể áp dụng mỗi khi con bạn tuột cảm xúc.

Mẹo #1: Thừa nhận cảm xúc bằng lời nói

Thay vì tranh cãi, bảo rằng con thật ngốc, hoặc con sai rồi, hoặc con vô lễ, hoặc con phản ứng thái quá, hãy dừng lại và tự hỏi: Con mình đang cảm thấy gì? Con bực mình, con thất vọng, con tức giận, con khó chịu, con buồn, con lo lắng, hay con sợ hãi?

Bạn nắm vấn đề rồi chứ?

Bây giờ hãy chứng tỏ cho con thấy là bạn đã hiểu sự tình. Chúng ta đang tìm kiếm điều gì? Đó là lời nói mà bạn muốn chia sẻ bằng cảm xúc chân thành, bằng lòng thấu cảm thật sự với một người bạn. Nghe điên rồ quá nhỉ. Ôi, con đang thất vọng lắm nhỉ! Ừ, tình huống này khó chịu thật đấy! Hình như lúc này con đang rất khó chịu với anh trai, với cô giáo, hay với bạn của con.

Mẹo #2: Thừa nhận cảm xúc bằng chữ viết

Việc viết ra giấy có sức mạnh nào đó khiến con trẻ cảm thấy như con đang được tôn trọng. Ngay cả trẻ còn rất nhỏ tuổi, chưa biết đọc, vẫn rất vui sướng khi những suy nghĩ của con được cha mẹ viết ra và đọc lại cho con nghe. Nên viết thành một danh sách – danh sách những điều ước, danh sách đi mua sắm, danh sách những nỗi lo hoặc những nỗi bất bình.

Mẹo #3: Thừa nhận cảm xúc bằng tranh vẽ

Tranh vẽ cũng là chiêu an ủi thần kỳ khi con trẻ gặp phải cảm xúc mạnh. Tin tốt là bạn không cần phải là họa sĩ. Những hình vẽ ngay đơ vẫn có tác dụng như thường! Đôi khi con trẻ muốn tham gia, tự tay vẽ ngay cho cha mẹ thấy cảm xúc buồn bực hay tức giận của con bằng bút chì, phấn hoặc bút màu sáp. Ngay cả hạt ngũ cốc cũng có thể dùng để phác họa khuôn mặt buồn thiu, cho con biết cha mẹ hiểu con đang có cảm giác thế nào.

Mẹo #4: Tưởng tượng điều bạn không thể làm trong thực tế

Khi con trẻ muốn một thứ gì đó mà chúng ta không thể đáp ứng cho con, thế là ta nhất định phải giải thích cho con lý do tại sao con không thể có điều đó. “Mẹ đã nói với con rồi, bây giờ chúng ta không thể đi bơi được con à, vì hôm nay là ngày hồ bơi đóng cửa. Khóc lóc cũng chẳng ích gì”. Kiểu lập luận thế này hiếm khi thuyết phục được con. Nhưng con sẽ vui lên ngay nếu bạn nói, “Ồ, mẹ ước gì bể bơi mở cửa suốt đêm luôn. Cho mẹ con mình tha hồ bơi lội dưới ánh trăng!”

Lần tới, hễ thấy mình muốn phát ngôn một thực tế lạnh lùng, gay gắt, hãy dành chút thời gian tìm cách thay đổi lời nói. Hãy nói với con là bạn ước gì mình có đũa thần để biến ra một bồn tắm đầy kem, hoặc bạn ước có robot xuất hiện giúp bạn dọn dẹp, hoặc thật tuyệt biết bao nếu có một chiếc đồng hồ đóng băng thời gian để con được chơi thêm 100 giờ nữa.

Mẹo #5: (Hầu như) im lặng thừa nhận cảm xúc

Đôi khi chỉ cần tỏ ra đồng cảm là đủ. Hãy chống lại thôi thúc nói đạo lý với con, đặt câu hỏi hoặc đưa ra lời khuyên cho con. Thay vào đó, bạn chỉ cần lắng nghe con, kèm theo những âm thanh ổ, ừm, à!

Đúng, nhưng…

Rõ ràng, có những lúc con trẻ cảm thấy rất tồi tệ. Chiếc bánh quy tuột khỏi tay con, rơi xuống sàn vỡ thành từng mảnh, rồi liền bị con chó đang chầu chực ăn mất. Mà đó là chiếc bánh quy cuối cùng. Hộp bánh hết trơn rồi! Vừa học xong phần thừa nhận cảm xúc, chúng ta liền chuyển sang giải cứu cảm xúc bằng cách chống lại ý muốn cằn nhằn con, “Trời, cầm như thế kiểu gì bánh chả vỡ! Lẽ ra con phải biết trước chứ”. Thay vì thế, chúng ta thủ thỉ một cách đồng cảm, “Ồ, con muốn ăn chiếc bánh quy đó quá chừng mà! Con không muốn Speedy ăn mất đâu nhỉ. Nó nhanh quá mà! Nó biết phải ăn ngay không thì sẽ mất. Ước gì mẹ có đũa thần để biến ra một hộp bánh quy khác ngay lập tức! Chúng ta nên làm gì bây giờ! Con có muốn giúp mẹ viết chữ BÁNH QUY vào danh sách đồ cần mua không? Hãy viết chữ bánh quy thật to vào nhé. Để ở chỗ nào mà chúng ta vẫn có thể nhìn thấy nó ấy”.

Mà này, đây đúng là giải vô địch lý lẽ kiểu con nít. Bạn vừa ngăn một cuộc khủng hoảng bánh quy, vừa vận động con nâng cao tinh thần hợp tác vừa khuyến khích con học đánh vần. Nhưng đôi khi rất khó để hiểu cảm xúc của con. Làm sao chúng ta có thể nhận thấy trước việc con bất chợt khó chịu hay tức giận. Chúng ta cứ tưởng mình sẽ có cuộc trò chuyện vui vẻ, hợp lý hợp tình, thế mà đùng một cái, chúng ta lại rơi vào cơn xoáy kịch tính. Chuyện quái gì vừa xảy ra vậy nhỉ?

Chà, quý độc giả thân mến, để tiện cho bạn, sau đây chúng tôi sẽ tổng hợp danh sách những kiểu tương tác điển hình có thể khiến đôi bên đang yên đang lành bỗng nảy sinh xung đột trong nháy mắt. Bí kíp là hãy nhận biết lúc con trẻ đương có biểu hiện cảm xúc mạnh ngay cả khi con không thể hiện rõ ràng.

Những biểu hiện cảm xúc mập mờ

1. Khi cứ tưởng con đặt câu hỏi

“Sao mẹ không đem trả em bé đi?”

“Con cần phải mặc quần à?”

“Con phải làm bài văn này thế nào đây?”

Câu hỏi trực tiếp xứng đáng nhận câu trả lời trực tiếp... đúng không?

“Bởi vì em ấy là một thành viên của gia đình mình!”

“Mẹ nói con rồi, ngoài kia 20 độ đấy!”

“Ờm, trước tiên con cần lập dàn ý”.

Thế nhưng, đôi lúc câu trả lời thẳng vào trọng tâm lại khiến con trẻ kích động hơn. Dù có thể con không biết định nghĩa của “câu hỏi tu từ”, nhưng chắc chắn con đang hỏi bằng câu hỏi tu từ đấy. Sẽ hữu ích hơn nếu bắt đầu cuộc trò chuyện bằng cách ghi nhận cảm xúc đằng sau câu hỏi.

“Em bé giành nhiều sự chú ý quá! Đôi khi con cảm thấy mình mất đi vị trí là người duy nhất trong nhà được quan tâm”.

“Ồ, con ước gì trời ngoài kia ấm hơn! Để con mặc quần đùi cho thoải mái!”

“Bài tập làm văn này có vẻ hơi quá sức con. Nó gồm nhiều phần, thật khó biết phải bắt đầu từ đâu”.

Bằng cách chấp nhận cảm xúc đằng sau câu hỏi của con cũng đủ làm dịu bớt xung đột và giúp con chấp nhận nỗi thất vọng hoặc vượt qua nỗi lo âu. Hoặc có khi như thế vẫn chưa đủ. Chính vì vậy mà chúng tôi viết Chương hai và Chương ba về cách tương tác và giải quyết vấn đề. Nhưng trước khi bạn lướt qua, hãy ghi nhớ rằng tất cả các mẹo đều bắt đầu từ đây – thừa nhận cảm xúc! Chúng ta cần thiện chí để giải quyết xung đột mà không gây chiến, và thừa nhận cảm xúc là cách để tạo thiện chí.

2. Khi cứ tưởng con muốn xin lời khuyên

Xem ra chúng ta vừa được trao cho cơ hội vàng để chia sẻ sự khôn ngoan “có một không hai” trên đời của mình.

Tại sao nghe xong con lại đùng đùng bỏ đi và đóng cửa đánh sầm thế?

Hãy cưỡng lại thôi thúc cho lời khuyên ngay lập tức. Hãy cân nhắc xem có phải con đang bộc lộ cảm xúc, và phản ứng tốt nhất chính là bắt đầu thừa nhận cảm xúc của con. Nhưng cảm xúc đó là gì? Chúng ta hãy phỏng đoán chút nào.

Bạn có thể thấy phụ huynh trong cuộc trò chuyện này đã đưa ra một đề xuất. Nếu bạn dành nhiều thời gian để chấp nhận cảm xúc của con, có thể con sẽ dễ dàng tiếp nhận lời đề nghị mà bạn đưa ra một cách trang trọng. Vấn đề là đúng thời điểm! Nếu chúng ta bắt đầu trò chuyện bằng câu “Tại sao con không thử?”, thì nhiều khả năng con sẽ gân cổ lên cãi, hoặc đùng đùng bỏ đi. Con trẻ cần cảm thấy được thấu hiểu rồi mới sẵn sàng xem xét giải pháp.

3. Khi con phản ứng thái quá

“Em gì mà bé tí tẹo. Khi không được đáp ứng là khóc nhè”

“Con ghét thầy giáo!”

“Mẹ không bao giờ cho phép con làm điều con thấy vui!”

Bản năng mách bảo chúng ta phải điều chỉnh lại cung cách ứng xử và phát ngay cho con liều thuốc thực tế:

“Con phải kiên nhẫn với em hơn. Khi bằng tuổi em, con cũng thế mà”.

“Con không được ghét thầy giáo. Con phải biết là may mắn lắm con mới được học lớp thầy đấy”.

“Đừng lố bịch. Con chỉ lỡ một bữa tiệc thôi mà. Còn rất nhiều bữa tiệc khác”.

Thế mà, bằng cách này hay cách khác, tất cả những phản hồi kiểu trên đều khơi mào cơn thịnh nộ nơi con hơn là khiến con bình tĩnh lại. Hãy ghi nhận cảm xúc đằng sau những phát ngôn khó chịu của con. Dưới đây là một số kiểu mào đầu cuộc trò chuyện có khả năng giảm nhiệt và dọn chỗ cho những đối đáp văn minh hơn:

“Có em lẽo đẽo bên cạnh không phải lúc nào cũng dễ chịu. Em hay giật đồ của con, và thường hét toáng lên mỗi khi thất vọng”

“Hình như hôm nay thầy giáo đã làm gì đó khiến con thực khó chịu!”

“Nghe như bữa tiệc này vô cùng quan trọng đối với con. Mẹ ước gì chúng ta có thể ở hai nơi cùng một lúc”.

Không phải mọi tình huống đều đòi hỏi sự thừa nhận cảm xúc!

Nghe bạn nói như thể tất tần tật mọi thứ đều dính líu đến cảm xúc. Thật mệt mỏi làm sao! Liệu chúng tôi sẽ vượt qua một ngày như thế nào đây?

Bạn đã nắm bắt được mấu chốt vấn đề! Chúng ta biết rằng khi cảm xúc mạnh dâng trào, ta thường có thể tránh xung đột và tiết kiệm năng lượng nếu chịu xử lý cảm xúc trước. Tất nhiên, sau đó bạn sẽ có dư thời gian sống cuộc đời mình mà không còn bị cảm xúc kịch tính đeo bám.

Khi con trẻ đặt câu hỏi mà con thật sự muốn có câu trả lời thì câu hỏi sẽ như thế này:

Bạn không cần phải đáp dông dài, “Hình như con đang thất vọng và không biết cách phát âm tập hợp những mẫu tự vừa lạ vừa khó hiểu”. Bạn chỉ việc đọc dứt khoát: “con cá”.

Nếu học sinh lớp bạn hỏi:

Bạn không cần phải sa vào bài diễn văn nhiều hàm ý, “Hmm, ánh sáng trong nhà có thể khiến ta trầm cảm nặng, nhất là khi ngồi dưới cả rừng bóng đèn huỳnh quang”. Bạn chỉ việc trả lời ngắn gọn: “Có!”

Khi con trẻ thắc mắc:

Bạn không nhất thiết phải thăm dò cảm xúc. “Ôi trời, ý nghĩ đáng sợ quá nhỉ”.

Cứ thoải mái cung cấp thông tin: “Không, cọp chỉ có trong sở thú thôi!” Hoặc, nếu có cọp đang lảng vảng trong khu phố thật thì bạn có thể nói: “Có! Nếu trông thấy cọp thì con hãy bình tĩnh và chầm chậm bước lùi lại”.

Nhiều người tham gia hội thảo đã chia sẻ với chúng tôi rằng mỗi khi tìm cách thừa nhận cảm xúc của con, sẽ hữu ích khi tưởng tượng bản thân đang nói chuyện với một người bạn đồng vai phải lứa. Khi nói chuyện với người đồng vai phải lứa, tự nhiên chúng ta dễ trở nên đồng cảm mà không phủ nhận cảm xúc của đối phương, cũng không muốn chất vấn, lý luận hay cho lời khuyên dông dài. Nhưng ngay cả khi giao tiếp với người lớn, đôi khi bản năng cũng dễ khiến ta thất bại trong cách cư xử.

Câu chuyện của Joanna

Cách đây không lâu, tôi nhận được điện thoại từ một người bạn, cô ấy vừa mới nhận được giấy chẩn đoán xét nghiệm. Cô ấy nói với tôi, “Em lo quá, tệ nhất là bệnh có nguy cơ biến chuyển thành ung thư”. Lập tức bản năng mách bảo tôi nói cô ấy hãy gạt bỏ nỗi sợ ấy đi. Không phải thế đâu. Tuyệt đối đừng nghĩ như vậy! Trong đầu tôi cứ quay quắt với suy nghĩ đó. Cuối cùng, tôi trả lời, “Thật khó mà vác nỗi lo nặng trĩu đó”.

Bạn tôi liền bùng nổ, “ĐÚNG VẬY! Rồi chị biết người ta nói gì với em không? Họ bảo em thậm chí không cần nghĩ về nó! Quá lố bịch phải không chị? Làm thế nào để không nghĩ về nó chứ?”. Tôi đồng ý rằng quả là lố bịch khi bảo ai đó đừng nghĩ về con voi màu hồng trong phòng. Cả hai chúng tôi đều bật cười. Tôi không thừa nhận với cô ấy rằng chính tôi cũng định nói ra những lời giống hệt mấy người “lố bịch” nọ.

Khi chấp nhận cảm xúc tiêu cực của người gặp chuyện không may, tức là chúng ta đang tặng cho cô ấy một món quà. Ít nhất có một người khác trên thế giới hiểu cô ấy đang phải trải qua điều gì. Cô ấy không đơn độc.

Thừa nhận cảm xúc không chỉ là một thủ thuật hay kỹ thuật. Đó là một công cụ có thể làm biến chuyển các mối quan hệ. Nó không đảm bảo rằng bọn trẻ sẽ vui vẻ dắt chó đi dạo, sẽ đánh răng hoặc đi ngủ đúng giờ, nhưng nó tạo ra bầu không khí thiện chí mà trong đó tất cả mọi việc đều trở nên dễ dàng hơn và dễ chịu hơn. Nó cũng đặt nền tảng để con trẻ phát triển khả năng quan tâm và chấp nhận cảm xúc của người khác.

Nhưng bạn không cần phải nghe theo lời của mỗi chúng tôi. John Gottman, nhà nghiên cứu nổi tiếng về tâm lý học trẻ em, đã xuất bản sách về nghiên cứu của mình. Trong nhiều năm, ông đã quan sát và so sánh các bậc cha mẹ có các phong cách giao tiếp khác nhau với con mình. Kết quả cho thấy những đứa trẻ được cha mẹ thừa nhận cảm xúc thường định hình nên những phẩm chất mạnh, bất kể chỉ số IQ của các con, bất kể cha mẹ các con thuộc tầng lớp xã hội hay trình độ học vấn thế nào. Các con có khả năng chú ý lâu hơn, làm bài kiểm tra tốt hơn và đạt thành tích học tập tốt hơn. Các con ít gặp vấn đề về hành vi hơn – hòa thuận hơn với giáo viên, phụ huynh, và bạn cùng lớp. Các con có khả năng đề kháng các bệnh truyền nhiễm tốt hơn, thậm chí ít hormon căng thẳng hơn trong nước tiểu. Vì vậy, xem ra nếu muốn con trẻ có lượng nước tiểu chất lượng cao (cha mẹ nào mà không muốn chứ?) chúng ta nên thừa nhận cảm xúc của con!

– Còn tiếp –

Tác phẩm được trích đăng với sự đồng ý của Phương Nam Book.

Đọc bài viết

Trích đăng

Chốn giải trí ở Phú Nhuận trước 1975

Cơ sở vật chất ở rạp này xập xệ, ghế gỗ lung lay và khai mùi nước tiểu cũng không ngăn được khán giả, nhất là học trò vào xem phim, đặc biệt là trong dịp hè. Rạp Văn Cầm trở thành ký ức khó quên của vài thế hệ người Phú Nhuận.

Published

on

By

Trích từ: Hồi ức Phú Nhuận
Tác giả: Phạm Công Luận
Đơn vị giữ bản quyền: Phương Nam Book

Phát hành: tháng 8.2023

– – –

Là thôn, làng, sau thành thị xã Phú Nhuận thuộc quận Tân Bình tỉnh Gia Định, Phú Nhuận vẫn có những hoạt động không hề kém cạnh các địa phương khác ở Sài Gòn trong lãnh vực giải trí.

Cái nôi của ba đoàn cải lương và gánh hát mang tên “Phú Nhuận”

Thời Pháp thuộc, năm 1930, làng Phú Nhuận đã có đoàn hát cải lương được lập ra ở đây. Đó là đoàn Phước Trung Nam của bà Hai Vân, một đoàn nhỏ chuyên hát tuồng Tàu. Gánh này được lập từ xác gánh Đồng Bào Nam của cô Tư Sự. Nghệ sĩ cải lương gạo cội Ba Vân sau chuyến đi diễn ở xứ Bắc trở về đã đi theo hát cho đoàn Phước Trung Nam này. Các đào kép trong đoàn có: kép Ba Giáo dân Bạc Liêu, cô Ba Ngọc Anh làm đào chánh đóng cặp với Ba Vân, đào Hai Vàng ở Mỹ Luông – Long Xuyên, đào Ba Hường (vợ của Ba Tâm, sau đổi tên là Bạch Hường) cũng khá nổi tiếng thời đó, kép Hai Đại ở bên gánh Đồng Bào Nam qua. Thầy tuồng của đoàn là ông Nguyễn Công Mạnh, một soạn giả nổi tiếng, và ông Bảy Phát. Ông Bảy người Bến Tre, cũng đã viết nhiều tuồng, nhất là các loại tuồng về chiến tranh, có các màn bắn súng, đi dây. Gánh Phước Trung Nam không sống được lâu, sau khi gánh rã, đào kép kéo qua gánh Vương Huỳnh cũng được lập trong năm 1930 (theo Nghệ sĩ Ba Vân, Hồi ký kể chuyện cải lương, NXB TP.HCM, 1988).

Sau gánh cải lương Phước Trung Nam, cho đến giai đoạn từ 1954-1975, ở Phú Nhuận hình thành hai đoàn cải lương được xem là đại ban trong giới sân khấu cải lương, đó là đoàn Thủ Đô của ông bầu Ba Bản và đoàn cải lương Hương Mùa Thu của soạn giả Thu An và vợ là nghệ sĩ Ngọc Hương.

Chị Kim Nga, một thành viên trên trang facebook “Phú Nhuận ngày xưa" cho biết, trong những năm 1979-1981, nghệ sĩ Hữu Lợi có lập gánh hát nhỏ lấy tên là gánh Phú Nhuận, chỉ hát vòng vòng trong quận. Gánh hát đi tới đâu là mấy bà nội, bà ngoại xách giỏ trầu theo để coi. Mấy năm đó, dù cuộc sống đang khó khăn nhưng giới mê cải lương còn có được thú vui giải trí này. Chị kể: “Mỗi lần gánh chú Hữu Lợi về hát ở chùa Phú Thạnh trên đường Huỳnh Văn Bánh là tôi phải tranh thủ học bài xong sớm để tối còn đi coi hát. Mới đầu còn xách thùng đạn của ba đem theo để... ngồi. Riết rồi leo lên mấy ngôi mộ ngồi cho cao để coi cho sướng mà không ngán gì hết!”. Đó là ký ức vui về một gánh hát lấy tên Phú Nhuận ít ai biết.

Rạp hát ở Phú Nhuận

Rạp Văn Cầm: Là một rạp bình dân, giá vé rẻ nên đông khách, đa số là thanh thiếu niên. Rạp thường xuyên chiếu nhiều loại phim dù có chậm hơn so với các rạp ở Sài Gòn. Phim Hollywood đang trong thời điểm vàng son, với những phim cao bồi viễn Tây và phim La Mã rất được yêu thích khi cho chiếu ở đây. Ông chủ rạp có chiêu thu hút khách qua đường là trước mỗi suất chiếu đều cho máy phát qua loa phóng thanh tiếng hát ca sĩ Hoàng Oanh (lúc đó đang rất được ưa chuộng) sang phía chợ Phú Nhuận đông đúc. Khoảng đầu thập niên 1970, rạp bội thu vì nhiều người mua vé xem phim đánh đấm võ thuật Hồng Kông, như các phim có Lý Tiểu Long, Trần Tinh, Ngũ hổ tướng có Khương Đại Vệ, Địch Long, Trần Quang Thái... Khán giả muốn xem phải xếp hàng mua vé tới tận đường Cô Bắc, Cô Giang.

Cơ sở vật chất ở rạp này xập xệ, ghế gỗ lung lay và khai mùi nước tiểu cũng không ngăn được khán giả, nhất là học trò vào xem phim, đặc biệt là trong dịp hè. Rạp Văn Cầm trở thành ký ức khó quên của vài thế hệ người Phú Nhuận.

Rạp Cẩm Vân do ông Đội Có xây nên, cho mướn hát bội, hát cải lương và chiếu phim. Theo cuốn 300 năm Phú Nhuận: mảnh đất – con người – truyền thống, khoảng năm 1945, rạp này được cất bằng vách ván, cột gỗ, có mái cao, trước một bãi đất trống. Rạp bị cháy trong một trận đánh giữa quân kháng chiến với thực dân Pháp lúc 10 giờ đêm. Quân kháng chiến đột nhập vào rạp, khống chế gia đình người gác dan, quấn vỏ xe cũ dưới các chân cột, chất ghế gỗ chung quanh tường, gài từng chùm lựu đạn rồi tưới xăng châm lửa. Rạp cháy sập, sau được dựng lại. Khoảng thập niên 1950, rạp có hát cải lương với các tuồng Tàu do ban Đồng Ấu đóng, đoàn cải lương có nghệ sĩ Kim Cương diễn. Thời trước 1975 còn có đồ án làm Thương xá Cẩm Vân nhưng chưa hoàn thành.

Ngoài ra, các đình chùa cũng có đoàn cải lương, hát bội đến diễn, như đình Phú Nhuận, đổi Phú Hữu. Đền Phú Hữu, còn gọi là đình Ông Cọp, là nơi đoàn cải lương Hồ Quảng Huỳnh Long diễn hằng đêm với các nghệ sĩ nổi tiếng: Hữu Lợi, Đức Lợi, Bửu Truyện, Ngọc Đáng, Thanh Thế...

Vũ trường và phòng trà

Trước năm 1975, Phú Nhuận có hai vũ trường và phòng trà có tiếng, không kém các tụ điểm giải trí ở Sài Gòn.

Khiêu vũ trường Victoria Dancing: Có gắn máy lạnh ở số 429 Võ Di Nguy (nay là đường Phan Đình Phùng). Ở đây mời được nhiều ban nhạc chơi nhạc khiêu vũ đúng sở thích của khách và có ban kích động nhạc chơi khá tưng bừng, sôi động. Ca sĩ Trúc Mai, từng cộng tác độc quyền ở đây, rất được ái mộ vì cô ít khi có mặt tại các vũ trường mà chỉ xuất hiện trên băng tần số 9 Đài THVN. Ngoài ra, còn có các ca sĩ khác. Vũ trường được báo chí giới thiệu là có nhóm vũ nữ được xem là điêu luyện, không gian ấm cúng, thoải mái, mát mẻ, xe cộ của khách có chỗ đậu và trông coi cẩn thận, giá ăn, uống và ticket rất hợp lý.

Bộ ba nghệ sĩ sáng lập phòng trà Tùng Lâm & Lệ Liễu ở Phú Nhuận: Duy Mỹ, Kim Vui và Tùng Lâm.
Nguồn: TLTG.

Phòng trà Tùng Lâm & Lệ Liễu: Cuối thập niên 1950, trước khi tham gia cùng tam ca Sao Băng, có một thời gian ngắn nghệ sĩ Duy Mỹ kết hợp với ca sĩ – diễn viên điện ảnh Kim Vui và Tùng Lâm để diễn ca nhạc. Bộ ba này rất được khán giả yêu thích tại phòng trà Tùng Lâm & Lệ Liễu, nằm ngay góc đường Thái Lập Thành – Chi Lăng (nay là Phan Xích Long - Phan Đăng Lưu). Ca sĩ đẹp trai Duy Mỹ thường được khán giả yêu cầu hát nhạc ngoại quốc tại đây. Theo nhà văn Hồ Trường An, đến năm 1962, ông đến phòng trà này và nghe Kim Vui hát với dáng vẻ lộng lẫy: “Chị ưa diện áo đầm hở vai hở ức bằng nhung đen, mang găng tay đen kéo dài khỏi khuỷu tay, tóc uốn quăn nhưng chưa xõa xuống vai. Trông chị rất giống Rita Hayworth trong phim Gilda. Đôi lúc chị mặc áo nhiều tầng xếp, đeo khoen tai to như cô đào loại Vamp: Jare Russell trong cuốn phim L'Ardente Gitane hoặc cô đào Viviane Romance trong phim Carmen.” Tại đây, ca sĩ Phương Dung đã có những đêm diễn đầu tiên trong sự nghiệp ca hát.

– Còn tiếp –

Tác phẩm được trích đăng với sự đồng ý của Phương Nam Book.

Đọc bài viết

Cafe sáng