Book trailer

Chỉ ngu ngơ mới biết cười: Lời châm biếm xã hội thượng lưu từ kiều nữ nước Mỹ Edith Wharton

“Đó là một số phận đáng căm hận – nhưng làm sao để thoát khỏi nó? Cô có lựa chọn nào chăng?”

Published

on

Chi tiết tác phẩm

“Tâm kẻ khôn ngoan ở chốn phiền muộn,
tâm kẻ ngu ngơ ở chốn nô cười.”

– Ecclesiastes 7:4

Câu trích này trong Kinh Cựu Ước chính là nguồn gốc cho tiêu đề tiểu thuyết thứ tư Chỉ ngu ngơ mới biết cười (The House of Mirth, 1905) của Edith Wharton – một trong những nữ tiểu thuyết gia quan trọng nhất đầu thế kỷ 20. Bằng con mắt quan sát nhạy bén và bề dày am hiểu xã hội, nữ nhà văn một lần nữa đã để lại ấn tượng khó phai mờ với bức tranh toàn cảnh về “chốn nô cười” tức giới thượng lưu xứ cờ hoa, đang chuyển mình ở ngã rẽ thế kỷ nơi đời sống vật chất hưởng lạc dần biến mỗi cá nhân thành những món hàng phi nhân tính.

Edith Wharton là người phụ nữ đầu tiên vinh dự nhận giải Pulitzer cho Văn học năm 1921. Bàn về sức ảnh hưởng của Wharton, nhà phê bình nghệ thuật John Updike từng nói: “Nếu có một nữ tác gia người Mỹ nào của thế kỷ 20 được đánh giá cao hơn Edith Wharton thì trong đầu tôi không còn nảy ra một cái tên nào khác.” Sinh ra và lớn lên trong một gia đình New York giàu có, giữa những tập tục khuôn cứng mà bà thường phản kháng, có thể nói Edith Wharton là một trường hợp đặc biệt tuy nằm trong lòng xã hội thượng lưu nhưng sở hữu tầm nhìn sắc sảo của người đứng từ trên cao nhìn xuống. Hơn 40 tác phẩm lớn nhỏ trong 40 năm hành văn của bà là tiếng nói phê phán chính môi trường bà đang sống, là vũ khí tấn công xã hội hào nhoáng nhưng ô trọc, nơi đạo đức băng hoại, nhân bản lung lay. Trong đó, tiểu thuyết Chỉ ngu ngơ mới biết cười ra đời năm 1905 được đánh giá là một trong những tác phẩm châm biếm xã hội xuất sắc nhất và nổi tiếng nhất của Edith Wharton.

Tác phẩm lần đầu tiên ra mắt công chúng trong hình thức ấn bản nhiều kỳ trên tạp chí Scribner’s Magazine và đã bán được 140,000 bản trong năm đầu tiên phát hành. Chỉ ngu ngơ mới biết cười đã củng cố một vị trí vững chắc cho Edith Wharton trên văn đàn, mở đường cho những tiểu thuyết sau này của bà bao gồm cả tác phẩm The Age of Innocence (Thời thơ ngây) giúp mang về cho bà giải Pulitzer cho Văn học năm 1921. Chỉ ngu ngơ mới biết cười cũng là tác phẩm tiên phong cho dòng sách “tiểu thuyết tập tục” (Novel of Manners), trong đó người viết cố gắng tái hiện một hệ thống xã hội trong một giai đoạn lịch sử nhất định với những phong tục, tập quán, giá trị, quan niệm được miêu tả cặn kẽ, thường là thuộc về giai tầng đặc quyền đặc lợi. Qua các tác phẩm xuất sắc của mình và đặc biệt là Chỉ ngu ngơ mới biết cười, Edith Wharton đã sánh ngang với những tên tuổi lớn như Jane Austen, Henry James, Evenlyn Waugh trong việc đặt nền móng cho thể loại nói trên. Tiểu thuyết này cũng trở thành nguồn cảm hứng dồi dào cho môn nghệ thuật thứ bảy với ba lần được chuyển thể thành phim, hai lần vào năm 1918 và một lần năm 2000. Trong đó phiên bản điện ảnh sau này đã chiếm được đông đảo cảm tình từ phía công chúng và thậm chí thu về nhiều giải thưởng cùng đề cử danh giá với sự xuất hiện của kiều nữ Gillian Anderson – ngôi sao của loạt phim truyền hình đình đám Hồ sơ tuyệt mật (The X-Files) – trong vai nữ chính Lily Bart.

Lily Bart của Chỉ ngu ngơ mới biết cười  là nhân vật thường xuyên xuất hiện trong danh sách những nữ chính tiểu thuyết có sức ảnh hưởng nhất trong lịch sử văn chương hiện đại. Là con nhà trâm anh thế phiệt nhưng sớm táng gia bại sản, Lily Bart mất cả cha mẹ lẫn mọi vinh hoa phú quý đã vây bọc cuộc sống của cô từ rất sớm. Dưới sự cưu mang của người bác, cùng “một túi tiền eo hẹp đến khó tin”, Lily Bart nuôi quyết tâm phải sống một cuộc sống sung sướng an nhàn và cách duy nhất cô tin mình có thể đạt được điều đó là cưới một vị hôn phu giàu có để củng cố vị trí trong giới thượng lưu. Tuy nhiên, cuốn theo những sòng bài, những vũ hội thâu đêm suốt sáng, cô trở nên túng thiếu và chính từ khoảnh khắc Lily Bart vướng vào mối quan hệ làm ăn mờ ám với chồng của người bạn thân mà cô bắt đầu trượt dốc không phanh, va đập vào từng thanh chắn trên đường lăn xuống khỏi nấc thang xã hội. Edith Wharton đã miêu tả số phận bi thảm của nàng Lily Bart xinh đẹp với sự chính xác đầy chua chát, ban đầu bị “bạn thân” phản bội, rồi gia đình quay lưng, giới thượng lưu ghẻ lạnh… cứ thế cho đến khi cuối cùng cô rớt xuống tầng lớp lao động và chìm vào nghiện ngập, thậm chí may mắn lắm mới không sảy chân làm gái bán hoa. Mọi nỗ lực vươn dậy từ cú vấp ngã dường như chỉ càng làm viễn cảnh của cô trầm trọng hơn. Chuỗi những ứng viên cô có thể lấy làm chồng cũng dường như ngày càng thu hẹp lại đáng ghê tởm và thật bi kịch khi Lawrence Selden, người đàn ông duy nhất thực sự có thể cứu vớt cô khỏi số phận thê thảm này đã tới trễ một bước.

Ở Lily Bart ta thấy thấp thoáng bóng dáng của Becky Sharp trong Hội chợ phù hoa (Vanity Fair, 1848), Scarlett O’Hara trong Cuốn theo chiều gió (Gone With The Wind, 1939), những người phụ nữ cô đơn gần như không bạn bè, chỉ biết lợi dụng nhan sắc và sự khôn ngoan để chuyên tâm đeo đuổi mục đích duy nhất là sống một đời hưởng thụ. Ta cũng thấy cả hình ảnh của Anna Karenina (Anna Karenina, 1877), quý cô St. Petersburg yêu kiều mắc kẹt trong một cuộc hôn nhân tù túng và vướng vào mối quan hệ ngoài luồng cấm kỵ với Nam tước trẻ trung Vronsky. Giống như Lily Bart, Anna Karenina cũng bất lực trước guồng quay phi nhân tính của giới thượng lưu và cuối cùng đã chết chẹt dưới bánh xe tàu hỏa như để hoàn thiện cho ẩn dụ đó.

Từng có một nhà phê bình người Chicago phê phán Edith Wharton cùng tiểu thuyết Chỉ ngu ngơ mới biết cười rằng bà đã quá chìm đắm trong việc miêu tả “sự suy đồi của cái bị gọi sai lệch là ‘tầng lớp cao quý’ hay ‘giai cấp được ưu tiên.’” Thực chất thì xã hội mà Wharton khắc họa đúng là không có gì cao quý, dù nó ăn vận đủ thứ ngọc ngà châu báu xa xỉ: đó đúng là một xã hội nhỏ nhen, mờ ám, rỗng tuếch, và thậm chí thô kệch trong bản chất “tiền trao cháo múc”. Dưới vòm trời đó người phụ nữ được nuôi dạy với tư tưởng rằng cô ta suốt đời chỉ có chức năng làm vật trang trí và là công cụ tiến thân cho người chồng (nên là) giàu có của mình. “Đó là một số phận đáng căm hận – nhưng làm sao để thoát khỏi nó? Cô có lựa chọn nào chăng?” Lily Bart đã chua chát nhận xét như thế vào một đêm cô đánh bạc thua trắng. Là sản phẩm của nền văn minh sinh ra cô lẫn cha mẹ cô, Lily thiếu sót mọi kiến thức kinh tế xã hội thật chất lẫn những kỹ năng sinh tồn thiết yếu giúp cô tự nuôi sống bản thân. Làm sao có thể đổ lỗi cho Lily Bart khi cô không thể chống lại “những xu hướng được kế thừa kết hợp với những luyện tập từ sớm”, để rồi bị nhào nặn thành “một sinh vật bất lực khi ra ngoài phạm vi nhỏ hẹp của nó như loài hải quỳ bị đứt lìa ra khỏi đá. Cô được tạo tác để trang trí và làm người khác vui sướng; thiên nhiên làm tròn đầy lá hoa hồng và sơn màu cho ngực chim ruồi còn vì mục đích gì nữa?” Lily không tìm thấy niềm hạnh phúc nào trong con đường đã vạch sẵn cho cô, nhưng cô cũng không nhìn thấy một lối rẽ nào khác; cô không thể chạy thoát, không biết cách chạy thoát, không biết chạy thoát đi đâu. Lily Bart đơn giản chưa từng có được một cơ hội.

“Một xã hội phù phiếm chỉ có thể sở hữu tầm quan trọng mạnh mẽ thông qua những gì mà tính phù phiếm của nó hủy diệt,” khi viết như vậy Edith Wharton đã phát biểu ý nghĩa của toàn bộ sự nghiệp văn chương đời bà: từ trong lòng “chốn nô cười” bà nắm bắt được chính tầm quan trọng này và cống hiến gần như cả cuộc đời để khắc họa những con người phù phiếm bất hạnh ấy. Thông qua bức tranh thượng lưu mà nạn nhân chính là Lily Bart trong Chỉ ngu ngơ mới biết cười, Edith Wharton một lần nữa hoàn thành sứ mạng của mình: lên án một xã hội tôn thờ kim tiền và danh vọng, chỉ biết hủy hoại những thứ xinh đẹp và trinh bạch phía trong. Có lẽ chính vì thế mà tuy được sáng tác cách đây hơn một thế kỷ, tiểu thuyết vẫn vẹn nguyên những giá trị cốt lõi và tiếp tục cuốn hút bao thế hệ người đọc.

Hết.

Vĩnh Ngân

Giới thiệu sách

Nâng cao kỹ năng tương lai trước thời đại trí tuệ nhân tạo

Published

on

Cuộc cách mạng công nghệ do trí tuệ nhân tạo (AI) dẫn dắt đang biến đổi mọi mặt của đời sống và công việc. Để không bị tụt hậu, mỗi cá nhân cần chủ động nâng cao kỹ năng nhằm thích nghi và tận dụng tối đa tiềm năng của AI.

Thời đại AI đặt ra nhiều thách thức nhưng cũng mang lại vô số cơ hội cho những ai biết cách thích nghi và học hỏi. Làm chủ công nghệ, đón đầu xu hướng, duy trì tinh thần đổi mới, khai phá tiềm năng bản thân và xây dựng những thói quen tích cực là chìa khóa giúp bạn tiến xa trong tương lai. Để thực hiện được những mục tiêu đó, các tựa sách của Phương Nam Book sẽ là công cụ hỗ trợ đắc lực cho bạn.

***

EIGHT - 8 Cách Làm Chủ Trí Thông Minh Nhân Tạo

Trong EIGHT - 8 Cách Làm Chủ Trí Thông Minh Nhân Tạo, tác giả nhấn mạnh rằng AI không phải là một mối đe dọa nếu con người biết cách làm chủ nó. Điều quan trọng là hiểu được cơ chế hoạt động, biết cách khai thác dữ liệu và áp dụng AI vào công việc một cách sáng tạo. Những người có thể sử dụng AI như một công cụ thay vì bị nó thay thế sẽ có lợi thế trong nền kinh tế tương lai.

Từ năm 2030 đến cuối thế kỷ 21, hàng tỷ người trên thế giới sẽ bị Trí thông minh nhân tạo AI “cướp” công ăn việc làm. Những ngành nghề lâu nay được xã hội kính trọng và đánh giá cao như nghề bác sĩ, dược sĩ, luật sư, giáo viên, nhân viên văn phòng… sẽ là những nạn nhân đầu tiên. Lúc đó, thế giới lao động sẽ gồm một nhóm nhỏ những người điều khiển AI và số còn lại sẽ bị AI điều khiển với tên gọi “vô sản bấp bênh”. Vậy vũ khí nào giúp bạn làm chủ Trí thông minh nhân tạo? Bí mật nằm ở những năng lực chỉ riêng con người mới có.

Chúng là gì? Làm sao đánh thức và phát triển vượt bậc những năng lực đó thông qua giáo dục và tự đào tạo? Cuốn sách này là cẩm nang không thể thiếu nếu bạn muốn làm-chủ-trí-thông-minh-nhân-tạo.

***

2030: Những Xu Hướng Lớn Sẽ Định Hình Thế Giới Tương Lai

Năm 2030 không còn là một thời điểm xa xôi trong tương lai mù mịt, nó đang đến rất gần, và chúng ta cần phải gấp rút tự trang bị trước những cơ hội lẫn thách thức. 2030: Những Xu Hướng Lớn Sẽ Định Hình Thế Giới Tương Lai dự báo rằng các xu hướng lớn như tự động hóa, biến đổi nhân khẩu học và sự trỗi dậy của các nền kinh tế mới sẽ định hình thế giới. Việc nâng cao tư duy linh hoạt và khả năng thích nghi sẽ giúp bạn không bị bất ngờ trước những thay đổi đột ngột. Sự chuẩn bị sớm giúp bạn tận dụng các cơ hội trong tương lai.

Cuốn sách này sẽ hướng dẫn chúng ta nắm bắt ý nghĩa của những chuyển biến, đưa ra thông điệp lạc quan về tương lai (dù vẫn phải đối mặt với những lo lắng hiện tại); hỗ trợ chúng ta vượt qua cơn biến động mang tính lịch sử, chỉ ra điều gì cần làm và điều gì nên tránh trước những hoàn cảnh mới mẻ, lạ lùng này.

***

Always Day One - Công Thức Thành Công Của Amazon, Facebook, Google, Microsoft

Always Day One phân tích cách các tập đoàn công nghệ hàng đầu như Amazon, Facebook, Google và Microsoft luôn duy trì tinh thần "ngày đầu tiên" – liên tục đổi mới và thử nghiệm. Điều này cho thấy rằng dù AI có phát triển đến đâu, tư duy sáng tạo và đổi mới vẫn là yếu tố quan trọng để thành công. Hãy liên tục học hỏi và cập nhật kỹ năng thay vì bị mắc kẹt trong những phương pháp cũ.

Cuốn sách đem lại một cái nhìn thú vị về phong cách lãnh đạo, văn hóa doanh nghiệp, quy trình và công nghệ của những gã khổng lồ công nghệ, thông qua cách viết và kể chuyện hấp dẫn, trực tiếp của tác giả. Những nhận định trong cuốn sách từng được dẫn lại trên nhiều nguồn uy tín như The New Yorker, The Wall Street Journal...

Cuốn sách này không đề cập tới sự phát triển, cách để phát triển, hay cách đánh bại các công ty nhỏ hơn. Cuốn sách này nói về việc xây dựng các nền văn hóa sáng tạo, mà tôi tin rằng mọi người đều có thể học hỏi được. Và đối với những người đang tìm cách chế ngự các công ty này, việc hiểu được cách hệ thống nội bộ của họ hoạt động cũng có thể là một lợi thế mang tính chiến lược.

Nếu tri thức của những gã khổng lồ công nghệ vẫn chỉ nằm trong tay họ, thì thế giới kinh doanh rộng lớn hơn, cùng các cơ quan quản lý, sẽ gặp bất lợi. Nhưng nếu nó nằm trong tay chúng ta, thì chúng ta sẽ có cơ hội cân bằng sân chơi.

***

Metahuman – Siêu Nhân Loại - Mở Khóa Tiềm Năng Vô Hạn Trong Bạn

Trong Metahuman – Siêu Nhân Loại, Deepak Chopra khuyến khích con người vượt qua giới hạn của tư duy thông thường và khai phá những tiềm năng bên trong. Trong thời đại AI, không chỉ kỹ năng công nghệ mà cả trí tuệ cảm xúc, tư duy sáng tạo và khả năng kết nối với bản thân cũng trở nên quan trọng. Việc thực hành chánh niệm và tự nhận thức sẽ giúp bạn phát triển bền vững trong môi trường đầy biến động.

Từ khi bạn còn là một em bé sơ sinh, thế giới đã được diễn dịch sẵn, nhưng bây giờ bạn có thể kiểm soát điều này với tư cách người trưởng thành. Thế giới không cần phải thay đổi. Nếu bạn cảm nhận được sự tươi mới và tái sinh, nếu bạn thức tỉnh cùng tinh thần lạc quan và cởi mở với những điều chưa biết, thì mỗi ngày đều là một thế giới mới…

Bởi vì mỗi người đều có những lần thức tỉnh nho nhỏ, tương lai nhân loại không nhất thiết phải là một kế hoạch vĩ đại được ghi dấu bởi các biến động lớn như chiến tranh và hòa bình, cách mạng và thoái trào, thịnh vượng và suy tàn, hay cuộc chiến của kẻ áp bức và bị áp bức. Mỗi người có thể thức tỉnh trước hiện thực vào những thời điểm khác nhau. Như vậy là đủ rồi… Nếu không thật tỉnh táo mà đã có thể tạo ra một thế giới rực rỡ đỉnh cao nhường này, hãy hình dung xem chúng ta có thể làm gì với đôi mắt hoàn toàn rộng mở.

Đọc bài viết

Giới thiệu sách

Hòa Âm & Sáng Tác: Từ khám phá đến sáng tạo

Âm nhạc là ngôn ngữ của tâm hồn, là cầu nối giữa những trái tim đồng điệu. Nhưng để thấu hiểu và diễn đạt ngôn ngữ này, chúng ta cần một chìa khóa có thể mở ra cánh cửa đến với thế giới âm nhạc rộng lớn. Hòa âm & Sáng tác: Từ khám phá đến sáng tạo của nhạc sĩ Ngô Càn Chiếu, do Phương Nam Book phát hành, chính là chiếc chìa khóa ấy.

Published

on

Điểm đặc biệt và đáng quý của Hòa âm & Sáng tác nằm ở chỗ, nó lấp đầy một khoảng trống lớn trong thị trường sách âm nhạc Việt Nam. Trước đây, những cuốn sách chuyên sâu về hòa âm, sáng tác thường chỉ có thể tìm thấy tại thư viện các trường nhạc, rất khó tiếp cận với độc giả đại chúng. Ngược lại, phần lớn những cuốn sách âm nhạc phổ thông thường chỉ dừng ở mức độ giới thiệu, nhập môn, thiếu đi chiều sâu cần thiết.

Hòa âm & Sáng tác đã phá vỡ rào cản đó khi mang kiến thức hàn lâm đến gần hơn với công chúng. Cuốn sách không chỉ cung cấp kiến thức nền tảng mà còn đi sâu vào các kỹ thuật chuyên môn, nhưng vẫn giữ được sự mạch lạc, dễ hiểu, phù hợp với nhiều đối tượng độc giả. Sự ra đời của cuốn sách như một làn gió mới, đáp ứng nhu cầu học hỏi và khám phá âm nhạc ngày càng cao của người Việt.

Khai mở kiến thức bằng nền tảng âm nhạc vững chắc cho tất cả mọi người

Hòa âm & Sáng tác khởi đầu bằng việc xây dựng một nền móng kiến thức vững chắc về âm nhạc cho người đọc. Với tiêu đề Bộ khóa – Quãng – Thang âm, chương I của cuốn sách không chỉ đơn thuần định nghĩa các thuật ngữ mà còn giúp người đọc hình dung được bức tranh toàn cảnh về lý thuyết âm nhạc cơ bản.

Khái niệm “Vòng tròn quãng 5”, một khái niệm quan trọng trong hòa âm, được trình bày rất trực quan để người đọc dễ dàng hình dung và ghi nhớ mối quan hệ giữa các hợp âm. Tác giả không chỉ dừng lại ở việc giới thiệu các loại thang âm (trưởng, thứ, điệu thức...), mà còn phân tích cấu trúc, đặc điểm, phương thức sử dụng của từng loại nhằm giúp người đọc hiểu rõ tính chất và biết cách ứng dụng trong thực tế.

Điểm nhấn của phần này là sự kết nối logic giữa các khái niệm. Tác giả không chỉ trình bày từng phần kiến thức đơn lẻ, mà còn chỉ ra mối quan hệ mật thiết giữa các khái niệm, tạo nên một hệ thống lý thuyết hoàn chỉnh. Ví dụ, sau khi giới thiệu về quãng, tác giả tiếp tục phân tích “công năng diatonic” của quãng để người đọc có thể hiểu rõ vai trò của từng loại quãng trong việc xây dựng hợp âm và giai điệu. Điều này vừa giúp người đọc ghi nhớ kiến thức một cách hiệu quả, vừa phát triển tư duy âm nhạc toàn diện.

Hòa âm – bí quyết tạo nên sự kỳ diệu của âm thanh

Bước sang chương II – Hợp âm – cuốn sách mở ra một thế giới âm nhạc rộng lớn và phong phú hơn. Đây là phần nội dung trọng tâm với những chia sẻ của tác giả về bí quyết, kỹ thuật để tạo ra âm điệu hài hòa, đầy màu sắc. Thông qua đó, tác giả giới thiệu các loại hợp âm (ba nốt, bốn nốt, mở rộng...) và hướng dẫn người đọc cách sử dụng hợp âm sao cho sáng tạo, hiệu quả.

Ngoài ra, Hòa âm & Sáng tác còn đi sâu vào phân tích cấu trúc của từng loại hợp âm, giải thích cách sử dụng “nốt căng” (tension notes) để tạo thêm sự thú vị cho âm nhạc. Tác giả cũng không quên chia sẻ những kinh nghiệm quý báu trong việc “đảo hợp âm”, “đổi tông hợp âm” và đặc biệt là cách sử dụng hợp âm để “tạo cảm xúc”. Đây là những kiến thức vô cùng hữu ích, giúp người đọc không chỉ tạo ra những bản nhạc đúng kỹ thuật mà còn truyền tải được nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau.

Phần Hòa âm diatonic trên cung trưởng, Hệ thống trưởng và thứ cũng là những nội dung quan trọng để người đọc hiểu rõ mối quan hệ giữa các hợp âm trong một cung, từ đó có thể xây dựng những tiến trình hợp âm hấp dẫn, mang đậm dấu ấn cá nhân. Ngoài ra, tác phẩm còn bàn đến các “giải kết” (cadence) và “tiến trình hợp âm” phổ biến để người đọc hình dung được đâu là yếu tố cấu thành nên một bản nhạc có cấu trúc rõ ràng, mang tính nghệ thuật cao.

Biến ý tưởng thành ca khúc một cách bài bản

Phần cuối cùng của cuốn sách – Sáng tác ca khúc – cung cấp các kiến thức để người đọc có thể thỏa sức sáng tạo, biến những ý tưởng âm nhạc ấp ủ bấy lâu thành hiện thực. Với kinh nghiệm hơn 50 năm hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc, tác giả Ngô Càn Chiếu đã chắt lọc những kiến thức tinh túy, thực tế để hướng dẫn người đọc từng bước chinh phục hành trình sáng tác: từ việc xây dựng cấu trúc ca khúc, viết lời ca, đến việc lựa chọn hợp âm và tạo tác giai điệu.

Ở phần Cấu trúc cơ bản, tác giả giới thiệu chi tiết về các thành phần cần có đối với một ca khúc như: đoạn giới thiệu (introduction), chủ đề (verse), tiền điệp khúc (pre-chorus), điệp khúc (chorus), đoạn chuyển tiếp (bridge), đoạn kết (outro); nhằm giúp người đọc hiểu rõ chức năng và vai trò của từng phần trong việc tạo nên một tổng thể hài hòa, hấp dẫn. Đồng thời, tác giả cũng chia sẻ những kinh nghiệm quý báu trong việc viết lời ca, làm sao để lời ca và giai điệu hòa quyện với nhau, tạo nên một tác phẩm nghệ thuật vừa có chiều sâu vừa có sức lay động.

Đặc biệt, cuốn sách còn mở ra những hướng đi mới cho người đọc bằng cách giới thiệu về việc sáng tác giai điệu dựa trên âm nhạc điệu thức Trung cổ và âm nhạc ngũ cung Việt Nam. Đây là những kiến thức độc đáo, giúp người đọc khám phá được nét đẹp trong âm nhạc truyền thống để kết hợp với các yếu tố hiện đại – từ đó, tạo ra những tác phẩm mang đậm bản sắc văn hóa và dấu ấn cá nhân. Với Hòa âm & Sáng tác, hành trình chinh phục âm nhạc không còn là giấc mơ xa vời, mà trở thành một chặng đường đầy thú vị và ý nghĩa cho bất kỳ người mộ điệu nào.

Giữa thị trường sách Việt Nam còn khan hiếm những tác phẩm âm nhạc chuyên sâu dành cho đại chúng, tác phẩm Hòa âm & Sáng tác: Từ khám phá đến sáng tạo của nhạc sĩ Ngô Càn Chiếu đã xuất hiện như một viên ngọc quý. Cuốn sách thực sự là món quà ý nghĩa dành cho cộng đồng người yêu nhạc ở Việt Nam.

Trích đoạn

“Tôi của 50 năm về trước chắc hẳn sẽ rất hạnh phúc nếu có được một tài liệu như sách này để giúp mình hiểu biết nhiều hơn về hòa âm và sáng tác. Tôi viết cuốn sách này cho chính tôi-của-50-năm-trước và cho bạn, nếu như âm nhạc là một trong những niềm vui của bạn trong cuộc sống.”

***

“Âm nhạc không chỉ là những nốt nhạc rời rạc mà còn là sự hòa quyện của âm thanh, cảm xúc và ý tưởng. Trong đó, hòa âm đóng vai trò trụ cột, là yếu tố quan trọng giúp nâng tầm mọi giai điệu. Đối với bất kỳ người chơi nhạc cụ hay nhà sáng tác nào, hiểu biết và áp dụng hòa âm chính là chiếc chìa khóa để biến những nốt nhạc đơn lẻ thành một bản giao hưởng cảm xúc hoàn chỉnh.”

***

“Sáng tác ca khúc là một quá trình sáng tạo nghệ thuật mang tính cá nhân và đầy ắp trí tưởng tượng. Không có hai nghệ sĩ nào tiếp cận sáng tạo nghệ thuật theo cùng một cách, bởi vì những gì phù hợp với người này có thể không phù hợp với người khác. Mỗi cá nhân có sở thích, phong cách và cách tiếp cận riêng để thể hiện tài năng sáng tạo của họ thông qua âm nhạc. Điều này tạo ra sự đa dạng và độc đáo trong thế giới âm nhạc.”

Nhận xét của giới chuyên môn

“Cuốn sách này được coi như là một giáo trình về hòa âm và sáng tác, đúc kết từ quá trình miệt mài học tập và nghiên cứu của anh. Hòa âm & Sáng tác của Nhạc sĩ Ngô Càn Chiếu sẽ đem đến cho quý độc giả, quý bạn yêu âm nhạc nói chung và bộ môn sáng tác nói riêng những kiến thức cơ bản và nâng cao để trao đổi học tập, sáng tác và đạt được hoài bão âm nhạc của mình.”

Nhạc sĩ Lê Thanh Xuân 

Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam,

Hội viên Hội Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh,

Giám đốc Nhạc viện Sen Hồng Thành phố Hồ Chí Minh

Về tác giả

Ngô Càn Chiếu (Sinh năm 1957)

Cựu học sinh Trường Pétrus Trương Vĩnh Ký và Đại học Bách Khoa Thành phố Hồ Chí Minh. Định cư ở Pháp từ năm 1979. Nguyên kỹ sư trưởng ngành Tin học tại Pháp.

Đam mê âm nhạc và thích chia sẻ đam mê với người đồng điệu.

Nhạc sĩ sáng tác

•  Bắt đầu sáng tác nhạc từ năm 15 tuổi.

•  Vẫn sáng tác đều đặn khi định cư tại Pháp.

•  Có hơn 600 nhạc phẩm gồm các ca khúc, truyện ca và nhạc kịch.

Giảng viên âm nhạc

•  Hiện là giảng viên khoa Hòa âm và sáng tác, Nhạc viện Sen Hồng, Thành phố Hồ Chí Minh; dạy lớp Master Class Guitar la tinh.

•  Thuyết trình về các đề tài chuyên môn trong những buổi tọa đàm âm nhạc.

Nghệ sĩ biểu diễn

•  Tổ chức và tham gia nhiều chương trình giới thiệu những sáng tác mới ở Paris.

•  Đã giới thiệu các sáng tác qua nhiều mini show ở Việt Nam.

Đọc bài viết

Giới thiệu sách

Chiến tranh Hoa hồng giữa Lancaster và York – Cuộc chiến vương quyền Anh Quốc

Trong tác phẩm đồ sộ Chiến tranh Hoa hồng giữa Lancaster và York (Phương Nam Book liên kết xuất bản), nhà sử học Alison Weir đã tái hiện một cách sống động, chi tiết bức tranh toàn cảnh về cuộc chiến khốc liệt này.

Published

on

Lịch sử Anh quốc, với những cuộc chiến tranh giành quyền lực đẫm máu và âm mưu chính trị thâm sâu, luôn là đề tài hấp dẫn cho những ai đam mê khám phá quá khứ. Chiến tranh Hoa hồng, kéo dài hơn ba thập kỷ, là một trong những chương đen tối nhất của lịch sử này, ghi dấu sự tàn lụi của thời kỳ Trung Cổ và mở ra một kỷ nguyên mới.

Tác phẩm Chiến tranh Hoa hồng giữa Lancaster và York không chỉ là một biên niên sử chính xác mà còn là một câu chuyện hấp dẫn về lòng tham, sự phản bội, và khát vọng quyền lực, đưa người đọc vào mê cung của lịch sử Anh quốc thời trung cổ.

Truy tìm nguồn gốc xung đột từ hạt giống của sự hỗn loạn

Cuốn sách mở đầu bằng việc phân tích tỉ mỉ những nguyên nhân sâu xa dẫn đến Chiến tranh Hoa hồng. Alison Weir không chỉ dừng lại ở việc mô tả sự suy yếu của vương quyền dưới thời Henry VI, một vị vua yếu đuối về tinh thần và thể chất, mà còn truy ngược về quá khứ, tìm kiếm những mầm mống xung đột đã được gieo trồng từ các triều đại trước. Bà chỉ ra rằng cuộc chiến Trăm năm với Pháp không chỉ làm kiệt quệ ngân khố quốc gia mà còn tạo ra một tầng lớp quý tộc quân sự đầy quyền lực và tham vọng, sẵn sàng thách thức vương quyền.

Weir đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của các cuộc hôn nhân chính trị và những mối quan hệ huyết thống phức tạp giữa các gia tộc lớn. Bà phân tích kỹ lưỡng cây phả hệ của các gia tộc Lancaster, York và Mortimer, chỉ ra những tranh chấp về quyền kế vị ngai vàng đã âm ỉ từ lâu trước khi cuộc chiến chính thức nổ ra. Sự tranh giành quyền lực giữa các gia tộc lớn, kết hợp với sự bất tài của nhà vua, đã tạo ra một môi trường chính trị bất ổn – để rồi từ đây, các âm mưu và thủ đoạn liên tục diễn ra.

Bà cũng không bỏ qua việc phân tích bối cảnh xã hội và kinh tế của thời đại, với sự phân hóa giàu nghèo ngày càng gia tăng, sự bất mãn của dân chúng đối với tầng lớp thống trị, và những thay đổi trong cấu trúc xã hội. Tất cả những yếu tố này đã góp phần tạo nên lực nén căng thẳng, chỉ chờ một ngòi nổ để bùng phát thành cuộc chiến trên toàn diện.

Lưỡi gươm và hoa hồng: Sức nóng của chiến trường

Alison Weir không chỉ là nhà sử học lỗi lạc mà còn là người kể chuyện bậc thầy. Bà đã tái hiện lại một cách sống động và chân thực những trận chiến đẫm máu trong Chiến tranh Hoa hồng, từ trận St Albans I (1455) mở đầu cho cuộc chiến, cho đến trận Bosworth Field (1485) kết thúc với sự lên ngôi của Henry Tudor. Weir không chỉ mô tả diễn biến của các trận đánh mà còn phân tích chiến thuật, vũ khí, và vai trò của các chỉ huy quân sự hai bên. Bà sử dụng các nguồn tư liệu lịch sử phong phú, bao gồm thư từ, biên niên sử, và các tài liệu quân sự, để tái hiện lại không khí căng thẳng, khốc liệt và bi tráng của chiến trường.

Weir đặc biệt chú trọng đến việc khắc họa chân dung của những nhân vật lịch sử then chốt, như Richard Plantagenet – Công tước xứ York, một người đàn ông đầy tham vọng, đã thách thức vương quyền của Henry VI; Margaret xứ Anjou – hoàng hậu của Henry VI, một người phụ nữ mạnh mẽ, quyết đoán, đã chiến đấu không mệt mỏi để bảo vệ quyền lợi cho chồng và con trai; Edward IV – con trai của Richard, ông đã lật đổ Henry VI và trở thành vua… Alison Weir không chỉ mô tả những hành động mà còn phân tích động cơ, tính cách, và những mối quan hệ phức tạp giữa họ.

Qua ngòi bút của Weir, những trận chiến không chỉ là những cuộc đụng độ quân sự đơn thuần mà còn là những màn đấu trí, đấu lực giữa các cá nhân, các gia tộc, và các phe phái. Bà đã biến dữ liệu thống kê khô khan về số lượng binh lính và thương vong thành những câu chuyện đầy cảm xúc về lòng dũng cảm, sự hy sinh, và nỗi đau của chiến tranh.

Di sản của cuộc chiến sau khi thành lập vương triều mới

Sau hơn ba thập kỷ chìm trong biển máu, Chiến tranh Hoa hồng cuối cùng cũng kết thúc với chiến thắng của Henry Tudor tại trận Bosworth Field, đánh dấu sự lên ngôi của nhà Tudor và mở ra một kỷ nguyên mới cho nước Anh. Alison Weir dành phần cuối cuốn sách để phân tích hậu quả của cuộc chiến và di sản mà nó để lại. Bà chỉ ra rằng cuộc chiến đã làm suy yếu đáng kể quyền lực của giới quý tộc cũ, mở đường cho sự tập trung quyền lực vào tay vua.

Tác phẩm kết thúc bằng việc đánh giá tầm quan trọng của Chiến tranh Hoa hồng trong lịch sử Anh quốc. Mặc dù là một giai đoạn đen tối đầy đau thương và mất mát, cuộc chiến này cũng là một bước ngoặt quan trọng, đánh dấu sự chuyển đổi từ thời kỳ Trung Cổ sang thời kỳ cận đại. Chiến tranh Hoa hồng giữa Lancaster và York của Alison Weir không chỉ là một cuốn sách lịch sử mà còn là một bài học về quyền lực, tham vọng, những hậu quả tàn khốc của chiến tranh và số phận của con người trong dòng chảy của lịch sử.

Với ngòi bút sắc sảo và khả năng nghiên cứu sâu rộng của Alison Weir, tác phẩm Chiến tranh Hoa hồng giữa Lancaster và York đã trở thành một thiên anh hùng ca bi tráng, dẫn dắt người đọc vào trung tâm của một thời đại đầy biến động, nơi số phận của cả một vương quốc bị định đoạt bởi lòng tham, sự phản bội và khát vọng quyền lực tối thượng.

Trích đoạn

“Mối bận tâm chung về cái chết thể hiện rõ trong tranh vẽ, văn chương và tác phẩm điêu khắc lăng mộ thời ấy: những người giàu có đôi khi được chôn trong hầm mộ hai bức tượng, tượng bên trên thể hiện một người như khi còn sống với phục sức quý phái, trong khi tượng bên dưới khắc họa một cái thây thối rữa, bị giòi bọ đục khoét như thật.”

***

“Lòng trung thành cá nhân đóng một vai trò nhỏ bé trong mối quan hệ giữa đại quý tộc và thuộc hạ. Một đại quý tộc chỉ có thể thu phục được một lượng lớn người đi theo nếu ông ta giàu có, thành công và có thế lực.”

***

“Chắc chắn rằng bạo lực và tình trạng vô pháp đã bùng phát mạnh mẽ trong giai đoạn Chiến tranh Hoa hồng. Những người lính vốn trở nên hung bạo trong các cuộc chiến tranh ở Pháp đã hành xử một cách tàn bạo khiến các chỉ huy của họ bất lực không kiểm soát được, trong khi một số đại quý tộc thì chẳng hơn gi những tên côn đồ tàn ác. Hàng ngàn người đã chết trong chiến trận, hoặc bị tàn sát không thương tiếc khi cố gắng trốn thoát. Tội giết người xảy ra mà không bị trừng phạt cả trong và ngoài chiến trường.”

Nhận xét của báo chí

“Tác phẩm học thuật toàn diện và hấp dẫn về một trong những cuộc nội chiến đẫm máu nhất lịch sử châu Âu.”

Sunday Times

“Cuốn sách cực kỳ dễ đọc của Alison Weir đã giúp chúng ta giải mã một trong những thời kỳ phức tạp nhất lịch sử nước Anh…”

Yorkshire Evening Post

“Weir dẫn dắt người đọc một cách tài tình qua những phả hệ hoàng tộc nước Anh đầy phức tạp và sự tranh đoạt ngai vàng của vô số những kẻ soán ngôi.”

Chicago Tribune

Về tác giả

Alison Weir là tác giả sở hữu hàng loạt tiểu thuyết lịch sử phi hư cấu về thời kỳ Tudor và đồng thời cũng là nhà sử học hàng đầu tại Vương quốc Anh. Bà đã xuất bản 32 tác phẩm với hơn 3 triệu bản sách tại Anh và Hoa Kỳ. Hiện Alison Weir đang sống và làm việc tại vùng ngoại ô Surrey, nước Anh cùng hai con.

Một số tác phẩm tạo nên tên tuổi của bà như: Tudor Rose, Six Tudor Queens, Britain’s Royal Families, The Six Wives of Henry VIII, The Princes in the Tower, Children of England, Elizabeth the Queen,...

Đọc bài viết

Cafe sáng