Chuyện người cầm bút

Ngôn từ có quyền năng xóa bỏ và bóp méo: Một cuộc phỏng vấn với Madeleine Thien

“Ngôn ngữ thật mỏng manh. Ngôn từ có quyền năng xóa bỏ và bóp méo nhiều thứ. Công bằng, lý trí, dân chủ, tự do, lòng tốt, sự thật – chúng ta sử dụng những từ này phục vụ cho các ý định khác xa nhau. Chúng ta dùng chúng để phục vụ cho cả nhân đạo và bạo lực sâu sắc.”

Published

on

Madeleine Thien là tác giả nổi tiếng quốc tế với bốn tác phẩm hư cấu, bao gồm tập truyện ngắn Simple Recipes (tạm dịch Những công thức giản đơn), các tiểu thuyết Certainly (tạm dịch Chắc chắn) và Dogs at the Perimeter (tạm dịch Những chú chó trên vành đai). Cuốn tiểu thuyết gần đây nhất của cô, Do Not Say We Have Nothing (Phương Nam Book đã dịch và phát hành tại Việt Nam với tựa đề Đừng Nói Chúng Ta Không Lợi Quyền1), là câu chuyện hấp dẫn về các thế hệ bị cuốn vào di sản thời kỳ Cách mạng Văn hóa của Mao Trạch Đông và sự kiện Thiên An Môn. Cuốn tiểu thuyết được ca ngợi rộng khắp trong giới phê bình Anh ngữ và từng lọt vào danh sách rút gọn của giải Man Booker, cũng như nằm trong đề cử Huy chương Andrew Carnegie cho tác phẩm hư cấu xuất sắc. Mới đây, Đừng Nói Chúng Ta Không Lợi Quyền đã thắng hai giải thưởng văn học uy tín nhất Canada: giải Toàn quyền Canada cho tác phẩm hư cấu và giải thưởng Giller. Dẫn lời ban giám khảo giải Toàn quyền Canada, cuốn sách được nhận định là “một tiểu thuyết thanh lịch, đa sắc, hoàn hảo, tựa như một tẩu pháp2 trình bày đời sống các cá nhân, tập thể và các thế hệ bị vướng vào mớ bòng bong lịch sử.”

David Chariandy (DC): Chúc mừng những danh hiệu mới nhất, Madeleine. Tôi biết chị đã có một năm vô cùng bận rộn.

Madeleine Thien (MT): Tôi thấy như mình đang bay qua hầm gió! Nhưng cảm giác vẫn ổn.

DC: Là người ngưỡng mộ tác phẩm của chị từ lâu, tôi muốn bắt đầu bằng một câu hỏi về cách mà chị đã chuyển từ tiểu thuyết trước đó, Dogs at the Perimeter nói về nội chiến Cambodia, sang Đừng Nói Chúng Ta Không Lợi Quyền với bối cảnh cách mạng văn hóa Trung Quốc và những cuộc biểu tình tại Thiên An Môn. Cả hai tiểu thuyết đều bàn về những cá nhân bị cuốn vào lịch sử đau thương của tổ quốc, nhưng ở Đừng Nói Chúng Ta Không Lợi Quyền có sự chuyển hướng nổi bật sang âm nhạc. Làm thế nào và tại sao mà âm nhạc, đặc biệt là nhạc cổ điển phương Tây lại trở thành đội hợp phối tràn đầy năng lượng trong cuốn tiểu thuyết này?

MT: Tôi thấy buồn không tưởng sau Dogs at the Perimeter, vì tôi bắt đầu nghĩ rằng bản thân ngôn ngữ mâu thuẫn với chính những điều ta cần ở nó: để nghe, để nói, để hiểu. Ngôn ngữ thật mỏng manh. Ngôn từ có quyền năng xóa bỏ và bóp méo nhiều thứ. Công bằng, lý trí, dân chủ, tự do, lòng tốt, sự thật – chúng ta sử dụng những từ này phục vụ cho các ý định khác xa nhau. Chúng ta dùng chúng để phục vụ cho cả nhân đạo và bạo lực sâu sắc.

Một trong những nền tảng nghệ thuật và câu hỏi mang tính khái niệm trong Đừng Nói Chúng Ta Không Lợi Quyền, là làm thế nào để ngôn ngữ tự nó hoàn thiện, làm sao để gắn kết một từ và ý nghĩa của nó khi chúng rất dễ bị tách ra? Làm cách nào để chúng ta tìm được ngôn từ để tư duy theo nhiều lối khác nhau? Âm nhạc, toán học, nghệ thuật thị giác, với những hình thái ký hiệu riêng biệt, đều làm thực tế trở nên phức tạp. Lấy ví dụ, Bản giao hưởng số 5 của Dimitri Shostakovich nổi tiếng với những cách diễn giải khác nhau. Cách hiểu đầu tiên (và ơn trời là phổ biến nhất, vì chính cách hiểu này có lẽ đã cứu sống Shostakovich), rằng nó “đại diện cho những lý tưởng cao đẹp nhất của Hiện thực Xã hội chủ nghĩa…[và] lời đáp trả sáng tạo của một nhà soạn nhạc Xô Viết đến những lời phê phán công tâm”. Cách hiểu thứ hai là sự công khai thương tiếc vì bạo lực thảm khốc xảy ra trong suốt các chiến dịch chính trị và thanh trừng của Stalin.

Trong kỷ nguyên Baroque và Lãng mạn, âm nhạc cổ điển phản ánh những đổi thay chính trị và trong Đừng Nói Chúng Ta Không Lợi Quyền, nó nói lên nhiều điều về các nhạc sĩ Trung Quốc sống giữa thời cách mạng. Âm nhạc bộc lộ những ý tưởng phản thời thế, nó giữ cho cuộc sống muôn màu, nó là giọng nói đa tầng nghĩa. Hình thái âm nhạc, xét theo phương diện cấu trúc, đặt ra câu hỏi làm sao để sự thay đổi mang tính cách mạng có thể sản sinh ra giữa vòng tuần hoàn cũ mèm của những việc đã xảy ra? Làm sao để ta mở lòng mình chào đón những bước nhảy đột phá mà không phá hủy tổng quan?

“Âm nhạc bộc lộ những ý tưởng phản thời thế, nó giữ cho cuộc sống muôn màu, nó là giọng nói đa tầng nghĩa.”

DC: Trong đoạn gần mở đầu Đừng Nói Chúng Ta Không Lợi Quyền, khi Marie nghe Bản Sonata số 4 cho piano và violin của Bach, cô đã mô tả: “Thuật đối âm giữ nhà soạn nhạc, nhạc công, thậm chí cả thinh không ở cùng với nhau; còn âm nhạc, với những làn sóng xoắn ốc giữa khổ đau và hân hoan, là tất cả những gì tôi còn nhớ”. Tôi bị ấn tượng bởi, dù vô tình hay cố ý, trải nghiệm nghe nhạc của Marie luôn gắn bó chặt chẽ với những hồi tưởng của cô về cuộc đời của cha mình.

MT: Vô tình là từ hoàn toàn chính xác. Những gì cô ấy nghe thấy, tức âm nhạc, thứ nghệ thuật trừu tượng này, chứa đựng những mâu thuẫn – những điều cô ấy biết và không biết, những điều cô ấy đồng thời yêu thương và chối bỏ, cô ấy là ai và không thể chẳng trở thành ai – trôi qua trong đúng một giây phút. Trong khi đó, ngôn ngữ lại tuyến tính. Đôi khi tôi nghĩ thử nghiệm trong nghệ thuật kể chuyện phần nào đó thách thức sự tuyến tính của ngôn ngữ, mãnh liệt hơn là sự tuyến tính của thời gian. Hình tượng, mô-típ, cộng hưởng, vọng âm, và những gì Mikhail Bakhtin gọi là giọng-nước đôi3, tất cả làm bóp méo những giá trị bề mặt phẳng lặng và chồng chéo các ý tưởng khác nhau trong khi vẫn giữ được mọi thứ rõ ràng. Việc này giống như gấp tờ giấy phẳng phiu để tạo ra nhiều chiều hơn.

DC: Trong một dịp phỏng vấn và giao lưu đọc sách gần đây, chị đã gợi ý ngắn gọn rằng kết cấu của Đừng Nói Chúng Ta Không Lợi Quyền dựa trên Bản giao hưởng Goldberg Variations của Glenn Gould. Ý của chị lúc đó là gì?

MT: Goldberg Variations bắt đầu với một giai điệu rất đơn giản, theo sau bởi ba mươi biến tấu và đối âm dựa trên mô-típ cho điệu nhạc cơ bản, cuối cùng kết thúc bằng các điệp khúc. Khi ta trở ngược lại từ đầu, ta đã đi xuyên qua nhiều thế giới. Cứ như thể Bach đang nói với chúng ta, khởi đầu và kết thúc, sinh và tử đưa chúng ta trở lại cùng một nơi, nhưng ở giữa là những biến thể phi thường của niềm vui và nỗi buồn cùng nhiều trạng thái mà ta chẳng thể gọi tên. Âm nhạc là cả sự cụ thể (sóng âm) lẫn phù du (ký ức, cảm xúc), nó đồng thời gợi lên sự cụ thể và phù du trong chúng ta.

Tôi muốn sử dụng mô hình của Bach và những cảm quan chuyển động của ông để viết một cuốn tiểu thuyết đã biết được khởi đầu và kết thúc (được lịch sử ghi lại), nhưng vẫn tự do trong cách hiểu câu chuyện. Mọi việc vẫn lặp lại, nhưng bạn không thể dự đoán trước được điều gì. Lịch sử vẫn quen thuộc: khát vọng hướng tới utopia4, cách mạng, những cơ chế hủy diệt khoác lớp vỏ sáng tạo (để kiến tạo thế giới mới, chúng ta phải hủy diệt cái cũ, hoặc những slogan kiểu: “nếu cái đẹp chống lại cái xấu, hãy chọn cái xấu”, v.v) và ngược lại. 

Tôi nghĩ tới mô tả của Italo Calvino về thành phố vô hình Berenice, thành phố bất công, nơi đồng thời chứa một Berenice khác, thành phố công bằng. Chúng liên tục chuyển hóa lẫn nhau, cái này nằm trong cái kia, vô cùng tận. Hạt mầm cái ác mãi mãi bén rễ bên trong cái thiện; tình yêu công lý đâm chồi mỗi khi bị đốn hạ.

“Hạt mầm cái ác mãi mãi bén rễ bên trong cái thiện; tình yêu công lý đâm chồi mỗi khi bị đốn hạ.”

DC: Khi đề cập đến Cách mạng Văn hóa và sự kiện Thiên An Môn, Đừng Nói Chúng Ta Không Lợi Quyền đại diện cho các sự kiện mang tính toàn cầu. Nhưng đồng thời, thành công lớn của cuốn sách cũng nằm ở việc gợi mở đời sống phong phú thường ngày và xúc cảm thân mật duy trì xuyên suốt tiểu thuyết. Chị đã viết cuốn sách phức tạp này như thế nào, bởi thực tế chị có thể được coi là một nhà văn Canada, là “người phương Tây”, hay “người Trung Quốc tha hương”. Giống như nhân vật Marie trong tiểu thuyết của mình, chị dường như sinh sống trong một nền văn hóa và xã hội tách biệt với Trung Quốc đương đại.

MT: Anh nói đúng rồi, David. Thật là phức tạp. Tôi thực sự bị cách li về mặt văn hóa và ngôn ngữ. Nhưng đồng thời, giữa tôi và nền văn hóa Trung Hoa có sự thân thuộc trẻ thơ (nhiều năm học thư pháp, lớp múa truyền thống, phim truyền hình Hồng Kông những năm 80, gia đình, v.v). Tôi luôn cảm thấy tuy lịch sử có vẻ xa xăm (Cambodia, Indonesia, Chile, Ghana, Iraq, liên tu bất tận), trên thực tế nó phơi bày chính chúng ta. Chúng là những câu chuyện liên quan đến ta mà ta cố quên.

Tôi nghĩ, cho dù tôi viết ra thứ gì đó gần gũi hay xa lạ, tôi luôn tự vấn về những gì tôi cho rằng mình biết. Những giả thuyết về thế giới chiếm phần lớn không gian não bộ của ta. Kiến thức có sẵn có thể che mù chuyện xảy ra trước mắt. Đó là niềm vui và cũng là thách thức lớn khi tôi viết Đừng Nói Chúng Ta Không Lợi Quyền. Tôi không phải nhạc sĩ, tôi không sống thời Cách mạng Văn hóa, và tôi xem những cuộc biểu tình ở Thiên An Môn năm 1989 trên truyền hình. Tôi bắt đầu từ chỗ biết rất ít, nhưng tôi tin rằng sự chu đáo, sáng tạo cùng kỷ luật bằng cách nào đó sẽ mang cả thế giới phức tạp vào trong tầm nhìn của tôi. Có lẽ khát khao nghệ thuật chính là làm cho cái gì đó trở nên sống động. Nghệ thuật có quá nhiều khuôn phép, thậm chí khó chịu, và lại ràng buộc cùng tự do.

Ảnh: Nhà Sách Phương Nam Nguyễn Văn Bình, TP. HCM

DC: Tôi cho rằng chị không quan tâm lắm đến những người có thể đe dọa kiểm duyệt hay những hậu quả nghiêm trọng vì những gì chị viết.

MT: Đúng, rất đúng. Có hàng tá chủ đề nhạy cảm tại Trung Quốc, các nhà văn phải quyết định họ sẽ sáng tạo ra sao trong tình cảnh như vậy. Và kết quả thật mê hoặc, đầy đủ từ giả tưởng đến ngụ ngôn rồi tất cả mọi thứ ở giữa, kể cả siêu-ảo5, thể loại mà Ning Ken gọi là “chaohuan”.

Tôi luôn nghĩ đến việc chúng ta sử dụng sự tự do của mình như thế nào, và dùng nó ít ỏi ra sao. Ở Bắc Mỹ, nhận thức khán giả, văn hóa xuất bản, tiền tài, giải thưởng, chương trình MFA6, hội nhóm và xu hướng, v.v, tất cả đều định hình nền văn học và quyết định của tác giả. Bắc Mỹ thật lạ bởi giới nghệ sĩ dễ dàng cảm thấy họ cần phải áp đặt giới hạn cho chính mình. Thỉnh thoảng điều khó nhận thấy nhất là khi chúng ta lựa chọn gói gọn mình trong khoảng không gian bó hẹp, mà Doris Lessing gọi là nhà tù tự thân.

DC: Trong tiểu thuyết Dogs at the Perimeter, nhân vật Janie tiến hành tổ chức sắp xếp và giải thích các “tháp nghiên cứu chứa những ghi chú, đoạn trích, bản sao phỏng vấn hay những bản thu âm” của việc ban hành tội diệt chủng do Khmer Đỏ ủy quyền và lưu giữ. Công việc của Janie khiến tôi nghĩ rằng phải chăng các nhà văn luôn tìm cách lí giải tận cùng những sự kiện thảm khốc như Holocaust7 hay Transalantic Slavery8 để rồi đối mặt với văn khố khủng khiếp do những kẻ bạo tàn tạo ra.  

Tuy nhiên, trong Đừng Nói Chúng Ta Không Lợi Quyền, Marie dựng nên một “kho lưu trữ” rất khác biệt. Cô ấy thừa hưởng từ cha mình một loạt sổ tay đề Những Bản Ghi, hóa ra là một mớ lộn xộn và gần như là “tiểu thuyết” vô hình. Nó thực sự là kho tàng chứa đựng những huyền thoại, lịch sử, trải nghiệm chép tay ngày càng dài ra sau mỗi lần đổi chủ. Thông qua Những Bản Ghi, Marie đủ sức chắp nối cuộc đời cha cô cùng lịch sử Trung Quốc hiện đại. Chị có thể chia sẻ một chút về bước ngoặt này không, khi mà cuốn tiểu thuyết chuyển từ bạo lực in hằn trên thư khố sang những mảnh đời được sinh ra từ ghi chép vụn vặt?

MT: Đó là điểm mấu chốt, khi những kẻ chiến thắng hay kẻ thủ ác thường lưu giữ những bản ghi như là chứng cứ của tài năng và sức mạnh, thậm chí là quyền định đoạt số phận con người. Bọn chúng mưu toan định hình lại thế giới. Văn thư có thể mở và đóng, tạo cho người giữ nó ảo giác họ kiểm soát được khởi đầu lẫn kết thúc câu chuyện. Và rằng họ chính là thượng đế, nắm giữ dòng chảy thời gian.

Đừng Nói Chúng Ta Không Lợi Quyền đưa ra lập luận: tất cả chúng ta đều là tác giả. Tiểu thuyết, thơ ca, hình ảnh, bản sao sự vật, khổ nhạc, bản thu âm, tất tần tật, đóng vai trò bản ghi không chính thức, một bản ghi lộn xộn, rộng mở và hỗn độn tựa dòng sông. Không ai định được mở đầu hay kết thúc. Những Bản Ghi không ngừng mở ra nhiều biến thế, mãi mãi dang dở chẳng tìm thấy tác giả đích thực. Đối với độc giả, họ sẽ chẳng thể hiểu nó là tấm gương soi ngược quá khứ hay là ảnh tượng của một tương lai đang tới gần. Độc giả cũng chẳng biết nó là chuyện bịa hay lịch sử. Tất cả mọi điều họ biết là Những Bản Ghi đã cầm giữ họ, và họ chẳng thể quên được. Nó đã trở thành họ.

DC: Đừng Nói Chúng Ta Không Lợi Quyền được tạo ra bởi phụ nữ cũng như kể về họ. Tuy câu chuyện liên quan đến nỗ lực “tìm” cha của Marie, nó được trần thuật qua giọng kể của cô và kết nối bằng tình bạn với người phụ nữ ở Vancouver tên là Ai-Ming. Hơn nữa, cuốn tiểu thuyết cẩn trọng ghi lại cuộc sống của những thế hệ phụ nữ trước đó, tỉ như người dì và người bà vĩ đại của Ai-Ming (Swirl và Đại Dao Mẫu), đặc biệt là con gái của Đại Dao Mẫu, Zhuli – cô trở thành nghệ sĩ vĩ cầm tài giỏi. Chị đã bao giờ có ý định lên đường khám phá đồng thời lan tỏa những số phận phức tạp của phụ nữ Trung Quốc trong cuộc cách mạng hay chưa?

MT: Tôi nghĩ ban đầu mình không có ý định đó, nhưng đó lại là cách tôi trải nghiệm thế giới. Khi nói về các nhân vật của tôi, họ gần như hoàn toàn là chính họ, cả đàn ông lẫn phụ nữ. Họ bước vào thế giới với khí khái mạnh mẽ, đặc biệt trường hợp của Đại Dao Mẫu, đó là cái tôi cá nhân chống lại cái tôi xã hội. Đó là điều mà ta thường gọi là con người chống đối xã hội. Tôi cho rằng anh đã hiểu đúng. Trong tiểu thuyết này, vì nhiều lý do mà Kai và Chim Sẻ đã chấp nhận hoặc thỏa hiệp hoặc từ bỏ cái tôi của mình, còn Đại Dao Mẫu, Swirl hay Zhuli cự tuyệt điều đó. Họ tinh khôi từ tận bên trong, và ít khi ảo tưởng.

DC: Cuốn tiểu thuyết của chị mang đến cái nhìn thoáng qua về hàng triệu sinh mạng bị tước đoạt bởi nạn đói tàn khốc Đại Nhảy Vọt tạo ra, cũng như những mạng sống đánh mất trong Cách mạng Văn hóa và sự kiện Thiên An Môn. Tuy vậy, phần ám ảnh nhất trong câu chuyện không chỉ là việc chối bỏ bản thân mà còn phải tạo ra cái tôi mới dưới sự kiểm soát của nhà nước. Tôi nghĩ ở điểm này cuốn sách khắc họa những mật nghị căng thẳng, những phiên đấu tố, và không thể thiếu những cá nhân như người cha Jiang Kai của Marie – tái hiện thông qua lời tự thú bị ép buộc cùng thứ nghi thức mệt mỏi “tự phê bình”.

MT: Vâng, con người mới. Một xã hội tân thời cùng một Trung Quốc hiện đại sinh ra từ bạo lực cách mạng. Vậy câu hỏi có thể đặt ra là xã hội cũ biến đi đâu? Câu trả lời là có lẽ nó đã nhập vào vào bên trong con người: thành như ký ức, như hệ giá trị xưa cũ hay lòng kiên trung chẳng bật thành lời. Vậy nên mỗi người phải tự gột sạch chính mình thông qua tự phê bình cùng các phiên đấu tố. Anh đã đưa ra một nhận định đau buồn và chính xác rằng nhà nước kiếm soát cái tôi cá nhân, rằng cái tôi đó bị đem đi phục vụ nhà nước, Đảng và ý thức hệ. Đó là chế độ quân phiệt, chẳng khác gì việc tạo ra binh sĩ hay người tiêu dùng, đó là cách chúng ta khống chế suy nghĩ để lợi dụng thể chất và tinh thần của cá nhân. Cái ý tưởng rằng chính phủ có thể chiếm hữu cái tôi và thể xác của cá nhân có vẻ không thể bị tiêu diệt, nhưng ta phải cố tiêu diệt nó.

“Cái ý tưởng rằng chính phủ có thể chiếm hữu cái tôi và thể xác của cá nhân có vẻ không thể tiêu diệt, nhưng ta phải cố tiêu diệt nó.”

DC: Khi Marie đọc lời tự phê bình của cha, cô ấy diễn tả cái cách mình “lướt xuyên qua nhiều cái tôi mà ông ấy cố hình thành, cái tôi bị ruồng bỏ và được tái tạo, cái tôi muốn tan biến nhưng không thể”. Tôi tự hỏi liệu có mối liên hệ nào ở đây với hình thức cũng như giọng kể trong tiểu thuyết của chị. Mặc dù Marie là người duy nhất lên tiếng trong câu chuyện, nhưng những gì độc giả chúng tôi bắt gặp lại là một lượng đáng kinh ngạc các quan điểm cùng nhân vật nổi trội tại nhiều thời điểm và bối cảnh. Câu chuyện khởi đầu với chỉ một giọng kể về người cha đã mất sau cùng vỡ thành vô vàn lăng kính của cái tôi.

MT: Đẹp thật đấy, David. Tôi cho rằng mỗi nhân vật là một ô cửa hay cổng vào, một loạt cánh cửa dẫn người đọc bước qua. Với tôi, Marie là người bảo tồn những bản ghi. Nói về hồ sơ Thiên An Môn – tập hợp các tài liệu bí mật được tuồn ra khỏi Trung Quốc, ghi lại phản ứng từng ngày từng giờ của chính phủ trước các cuộc biểu tình tại Thiên An Môn – những phần tử vô danh thu thập chúng được gọi là “Người Biên dịch”. Marie là loại người như thế. Cô chưa bao giờ chấp nhận cha mình tự sát. Nhưng chuyện cô kể chẳng phải chuyện cha cô, càng không phải tiểu sử. Thay vào đó cô kể câu chuyện về những người ông ấy quý mến – Chim Sẻ cùng Zhuli – và tôi đồ rằng cô kể như vậy để nhắc bản thân luôn nhớ tới khả năng yêu thương vô bờ bến của người cha. Hệ quả của tình yêu là trên thực tế câu chuyện đã chuyển dịch vì nó mang Ai-Ming (con gái Chim Sẻ, rời Trung Quốc sau cuộc biểu tình năm 1989) bước vào đời cô. Tôi thích cách anh dùng từ lăng kính.

DC: Chiến thắng giải Giller của chị diễn ra ngay trước ngày kết thúc cuộc bầu cử sôi động và đầy lo âu của nước Mỹ. Nhiều người lo ngại đến tương lai nền dân chủ Mỹ. Marie tuyên bố ở gần cuối tiểu thuyết một dòng thế này: “Cuối cùng, tôi tin những trang này cùng Những Bản Ghi đáp lại ước ao kiên định của chúng ta: hiểu về thời đại mà ta đang sống”. Đừng Nói Chúng Ta Không Lợi Quyền giúp ta hiểu hiện thời như thế nào?

MT: Tôi nghĩ cuốn sách giúp ta hiểu hiện thời theo lối khó đi. Thông qua việc dõi theo từng li từng tí các chiến dịch chính trị tại Trung Quốc, mà trước tiên là tạo ra những tình trạng theo đó bất cứ ai cũng có thể bị coi là kẻ thù của nhân dân; kế tiếp thiết lập giọng điệu và ngôn ngữ phù hợp với diễn văn chính trị. Với tôi, khi bài diễn văn trở nên chói tai, khi chỉ có hét lên mới nghe được thì có nghĩa chúng ta đang trong thời điểm nguy hiểm. Đồng nghĩa với việc tất cả chúng ta chỉ được chọn một quan điểm cực đoan và sự va chạm giữa các giá trị cực đoan dẫn tới bạo lực. Cuộc bầu cử ở Mỹ chứng minh hết lần này tới lần khác, người ta sử dụng “chúng tôi” hay “họ” và chúng tôi/họ đổi chỗ tùy thuộc ai được nhắc tới trong diễn văn. Đó là ham muốn thuần túy của con người. Cả hai thái cực cực đoan đều không chấp nhận hồ nghi, tiết chế hay hòa nhập. Cực đoan sẽ dẫn đến yêu cầu thanh lọc. Sự thanh lọc sau cùng ăn sâu vào máu bất kể chủng tộc, đẳng cấp. Tình trạng này làm cho các chiến dịch chính trị ở Trung Quốc càng thêm bạo tàn, do chúng là công cụ thanh lọc.

Đọc trích đăng chương 1 tại đây

DC: Đừng Nói Chúng Ta Không Lợi Quyền là chiến thắng phi thường của nghiệp viết, tôi biết nhiều người sẽ đọc rồi luận bàn nó những năm sắp tới. Tuy vậy, tôi tự hỏi liệu tôi có nên kết thúc cuộc phỏng vấn bằng việc đề cập đến cuốn tiểu thuyết trước đó của chị, Dogs at the Perimeter, tôi mừng khi nghe dự kiến nó sẽ sớm được Norton xuất bản ở Mỹ. Phải chăng lúc viết Đừng Nói Chúng Ta Không Lợi Quyền đã giúp chị rõ hơn về các dự định cũng như định khu chính trị trong cuốn tiểu thuyết trước?

MT: Tôi thích câu hỏi này, nhưng thật khó nhìn lại những cuốn sách theo lối trừu tượng rồi đi nói về dự định. Chúng là cách tôi nhận thức và do đó là cách tôi sống. Tôi luôn luôn có nhiều câu hỏi. Khi sống sót sau các sự kiện thảm khốc, bản năng con người tôi là nhìn về phía sau để xem lại khoảnh khắc đỉnh điểm của chuyện đã xảy ra, để thấy con đường tôi đi trông ra làm sao. Tại sao ta chọn cái này mà không phải cái kia? Điều gì làm ta tin tưởng, điều gì làm ta mù quáng? Tư duy cho phép ta xuyên ngược qua từng ô cửa để hồi tưởng lại mỗi dấu chân của mình, và từ sự am hiểu đó ta hình dung ra cuộc sống tiếp diễn thế nào. Để mà sống tốt hơn. Tôi nghĩ Dogs at the Perimeter là cuốn sách định hình con người tôi, bởi câu chuyện thật cam go và là nhiệm vụ bất khả thi. Tôi đặt niềm tin vào cuốn tiểu thuyết ấy, vì nó tựa hòn đá nhỏ xíu chìm trong đại dương.

Hết.

3V dịch.

Bản gốc được thực hiện bởi David Chariandy, đăng tại Literary Hub

Ảnh đầu bài: Lithub.com

Chú thích:

David Chariandy sống tại Vancouver và là giảng viên Anh ngữ tại đại học Simon Fraser. Tiểu thuyết đầu tay của ông mang tên Soucouyant xuất bản quốc tế rộng rãi đồng thời được đề cử 11 giải thưởng và danh hiệu.

  1. Trong bài viết gốc ghi là Do Not Say We Have Nothing nên người dịch giữ nguyên kiểu viết hoa các chữ cái đầu.
  2. Tẩu pháp (fugue) là tiến trình nhạc Phức điệu trong đó một chủ đề được trình bày lúc ban đầu bằng mối tương quan chủ âm/át âm, sau đó được khai triển bằng kỹ thuật Đối âm. Thuật ngữ Tẩu pháp còn ám chỉ một tác phẩm âm nhạc nhiều chương (tương tự như thuật ngữ Sonata) có cấu trúc chặt chẽ, với quá trình sáng tác có tính cách luận lý (logic) (theo wikipedia). Ở đây ý của ban giám khảo có lẽ muốn nói cuốn tiểu thuyết giống như một bản nhạc.
  3. Nguyên bản là double-voicedness.
  4. Từ mô tả xã hội không tưởng, hay vườn địa đàng trần gian được Thomas More sử dụng đầu tiên.
  5. Nguyên bản là ultra-unreal.
  6. Master of Fine Arts – Thạc sĩ Mỹ Thuật.
  7. Nạn diệt chủng người Do Thái của Đức Quốc xã.
  8. Buôn bán nô lệ từ châu Phi xuyên Đại Tây Dương sang châu Mỹ ở thời kỳ đầu chủ nghĩa thực dân.

Đọc tất cả những bài viết của 3V.


Chuyện người cầm bút

Băng: Hành trình lạc lối trong thế giới hậu tận thế

Published

on

By

Tiểu thuyết Băng của tác giả Anna Kavan là một câu chuyện giả tưởng độc đáo, kể về mối tình tay ba tuyệt vọng đan xen với bối cảnh hậu tận thế ảm đạm do thảm họa sinh thái và chính trị gây ra.

Băng không tuân theo lối kể chuyện truyền thống. Thay vào đó, Kavan sử dụng nhiều hình ảnh ẩn dụ và biểu tượng để dẫn dắt người đọc vào thế giới nội tâm của các nhân vật. Cuốn sách mang đến cho người đọc trải nghiệm đầy ám ảnh, khơi gợi những suy tư về bản chất con người và tương lai của thế giới. Để giúp độc giả hiểu rõ hơn về Băng, Bookish đã có cuộc phỏng vấn với Tâm Anh – dịch giả của quyển sách. 

Băng là một tác phẩm không viết theo lối tuyến tính thông thường. Điều này có khiến bạn gặp phải khó khăn nào trong quá trình dịch tác phẩm sang tiếng Việt không? Nếu có thì bạn đã vượt qua được bằng cách nào?

Khó khăn lớn nhất là ban đầu chính mình cũng thấy tương đối hoang mang, không nắm bắt được câu chuyện. Đến khoảng một phần ba sách rồi nhưng mình không thực sự hiểu tác giả muốn nói về điều gì. Thật tình cờ, khoảng thời gian ấy mình tham dự một buổi giao lưu trực tuyến với dịch giả Trần Nguyên của tác phẩm Bà Dalloway. Trong phần thảo luận, dịch giả An Lý đặt một câu hỏi liên quan đến bút pháp unreliable narrator, tạm dịch là người kể chuyện không đáng tin cậy. Lần đầu tiên mình nghe thấy khái niệm này, nhưng không cần viện đến định nghĩa hay tra cứu thêm, ngay khoảnh khắc đó trong đầu mình như reo vang “Eureka!” Đây chính là cách mình tiếp cận phần còn lại của tác phẩm. Mình không còn quá áp lực chú tâm vào việc lần theo một cốt truyện mạch lạc, mà tự đặt mình vào vị trí người lắng nghe một câu chuyện mơ hồ, đứt quãng, không nhân quả, không đầu cuối của nhân vật tường thuật dường như đã đạt đến đỉnh cao của thuật thao túng tâm lý ở chỗ anh ta đánh lừa được cả chính bản thân. Từ đây, mình đọc hiểu tác phẩm dễ dàng hơn và cảm giác thoải mái hơn với việc chuyển ngữ sang tiếng Việt. Dĩ nhiên đây chỉ là cách tiếp cận tác phẩm của riêng mình, và mình chắc chắn rằng còn rất nhiều cách phân tích Băng khác không chỉ của các nhà phê bình, nghiên cứu mà của từng độc giả. Nhưng điều mình đúc kết được là người dịch cần hiểu và có cảm giác thân thuộc với tác phẩm. 

Trong bức tranh hậu tận thế mà tác giả đã khắc họa, điều gì khiến bạn cảm thấy ấn tượng nhất? Đồng thời, có điều gì khiến bạn cảm thấy gần gũi với bối cảnh hiện đại ngày nay và lo sợ rằng viễn cảnh trong Băng cũng sẽ sớm xảy đến với nhân loại không?

Mình rất thích những đoạn mô tả “băng” trong tác phẩm, đây dường như là một nhân vật còn sinh động hơn “cô gái”. Tuy nhiên hiện tượng băng tràn đi khắp nơi có lẽ trái ngược với biến đổi khí hậu ngày nay – ấm lên toàn cầu dẫn đến băng tan. Dẫu vậy, mình nghĩ chi tiết này trong sách và tình trạng biến đổi khí hậu thực tế chia sẻ nhiều điểm chung: tác động quy mô toàn cầu và sức ảnh hưởng đến mọi người, không ai tránh được, song chịu thiệt thòi nhất sẽ là những nhóm người yếu thế. Mình nghĩ tác giả cố tình chọn chi tiết ngược với thực tế để câu chuyện không bị trói buộc trong lớp nghĩa duy nhất về biến đổi khí hậu mà đa tầng nghĩa, giàu tính khái quát hơn.

Có lẽ viễn cảnh trong Băng sẽ không xảy ra, ít nhất là trong tương lai gần. Nhưng mình lo lắng rằng chúng ta sẽ không hành động kịp thời để ngăn chặn các thảm họa khí hậu mà khoa học đã cảnh báo nhiều thập kỷ qua.

Bạn tâm đắc nhất điều gì về văn phong của Anna Kavan, cũng như cách tác giả xây dựng câu chuyện?

Mình có cảm giác gắn bó và kết nối kỳ lạ với “cô gái” – nhân vật nữ được kể từ góc nhìn của người nam. Mình nghĩ ngôi kể và góc nhìn này đã khắc họa rất tốt cái theo mình cảm nhận là tính nam độc hại. Không khí vô định mất phương hướng ban đầu khiến mình chật vật về sau khi nghĩ lại, chính là điểm khiến cho tác phẩm hấp dẫn đối với mình – chỉ trong những lần đọc đi đọc lại và suy ngẫm về sau, mình mới càng hiểu hơn những điều mà trước đó chưa mảy may thoáng qua tâm trí mình.

Dịch giả Tâm Anh

Việc câu chuyện này không có một nhân vật nào được đặt tên mang lại cho bạn cảm giác gì khi dịch?

Cũng như lối kể không tuyến tính, đó là cảm giác mơ hồ mất định hướng. Và mình nghĩ đây là chủ đích của tác giả. Một người bạn của mình gần đây đọc sách cũng nói đến điểm này, và rằng bạn ấy cảm nhận như thể có hai nhân vật hóa ra chính là một (các bạn đọc sẽ rõ mình sợ tiết lộ mất).

Bạn có gặp phải những từ hoặc cụm từ nào trong bản gốc khiến bạn cân nhắc rất kỹ lưỡng khi dịch không? Ví dụ, có cụm từ hay câu văn nào có thể hiểu theo nhiều nghĩa hay không?

Có một điểm là xuyên suốt cuốn sách tác giả dùng rất nhiều tính từ “white” – trắng, tuy nhiên nếu chỉ dịch đơn thuần là “trắng” trong tiếng Việt thì đôi khi vừa không nhịp nhàng, thuận tai, lại vừa như thiếu đi nét nghĩa nào đó. Do đó trong một số trường hợp mình có cân nhắc và mượn đến một số sắc thái trắng trong tiếng Việt mà mình nghĩ là phù hợp để dịch tính từ “white”. Còn về cụm từ làm khó mình thì cũng có kha khá, đa số mình đều tham khảo nhiều từ điển Anh-Anh lẫn Anh-Việt để tìm nét nghĩa tương đương nhất. Rất nhiều chỗ tra theo từng từ đơn lẻ sẽ bị sai nghĩa, vì phải tra cứu đúng cả cụm từ (ngữ) mới ra nghĩa chính xác.

Một chia sẻ thực lòng là dịch cuốn này mình còn rất non tay nên bản dịch sau cuối trên tay độc giả hiện nay cũng có sự trợ giúp biên tập, hiệu đính của một dịch giả uy tín. Bản thân mình trong quá trình dịch đã tự học được rất nhiều và khi đối chiếu với bản thảo dịch đã biên tập lại càng học thêm được nhiều điều hơn. Mình hy vọng nhờ được biên tập kỹ lưỡng như vậy nên cuốn sách xuất bản là một bản dịch trọn vẹn, hoàn thiện, cho độc giả một trải nghiệm đọc xứng đáng.

Bạn có lời nhắn nhủ nào cho những ai muốn đọc/ sắp sửa đọc tác phẩm này không? Chẳng hạn như, trước khi đọc cần phải chuẩn bị một tâm thế ra sao để việc thưởng thức tác phẩm được diễn ra trọn vẹn nhất?

Mình nghĩ với hầu hết các tác phẩm chứ không riêng gì Băng, ta có thể cứ thế bắt đầu đọc và thả mình theo câu chuyện, nếu cần tra cứu thông tin bổ trợ thì tìm kiếm thêm sau. Tuy nhiên nếu cảm giác đọc mà hoang mang không hiểu, không nắm bắt được, mình thường sẽ tìm đến các bài viết, thường là các bình luận trên The New Yorker, The New York Times hoặc một trang gần gũi hơn, tổng hợp nhiều ý kiến như Goodreads, đọc qua một số ý chính về cách tiếp cận tác phẩm, sau đó thử áp dụng vào cuốn sách mình đang đọc. Với riêng Băng, mình nghĩ các bạn đừng quá chú trọng đến cốt truyện hay một thông điệp nào. Mình cảm giác chỉ đến khi đọc xong và ngẫm lại, đọc đi đọc lại nhiều lần nữa, trong mình mới ngờ ngợ được những gì tác giả muốn nói (với một độc giả là mình, còn với người khác có lẽ bà lại nói điều khác).

Cảm ơn Tâm Anh vì đã mang đến cho Bookish một buổi trò chuyện ý nghĩa. Chúc bạn luôn thành công và gặt hái nhiều thành tựu trong tương lai.

Đọc bài viết

Chuyện người cầm bút

Tokyo và em – Khi cánh hoa anh đào rơi: Biến mất cũng có thể là một điều rất đẹp

Published

on

By

Nhà văn Nguyễn Hoàng Mai vừa ra mắt bạn đọc tập truyện ngắn Tokyo và em – Khi cánh hoa anh đào rơi về chủ đề tình yêu và những nỗi trăn trở của người trẻ. Tác phẩm tạo nên sức hút riêng với lối văn trầm tĩnh, sâu lắng. Bookish đã có cuộc trò chuyện cùng nhà văn để giúp bạn đọc hiểu hơn về tác phẩm này.

Nguyễn Hoàng Mai là tác giả của hai tác phẩm đầy cảm xúc về tuổi trẻ: Đung đưa trên những đám mây (tiểu thuyết, 2018), Bây giờ mình đi đâu (tập truyện ngắn, 2019). Bên cạnh đó, cô còn là đồng dịch giả của tác phẩm nghiên cứu Sứ đoàn Iwakura viết về chuyến du khảo nhằm canh tân Nhật Bản thời Minh Trị, vừa được Phương Nam Book phát hành trong năm 2023.

Năm 2023 vừa qua có vẻ là một năm bội thu trong lĩnh vực văn chương với Mai. Bạn vừa ra mắt tác phẩm đồng dịch thuật là Sứ đoàn Iwakura vào tháng 7 thì đến cuối năm lại ra mắt tập truyện ngắn Tokyo và em – Khi cánh hoa anh đào rơi vào ngày có số đôi đặc biệt là 12.12. Được biết, công việc của Mai ở Nhật cũng rất bận rộn; vậy bạn thu xếp thời gian ra sao để vẫn có thể vừa làm việc vừa sáng tác với năng lượng dồi dào như thế?

Thật ra hai tác phẩm được ra mắt vào năm nay Sứ đoàn Iwakura và tập truyện ngắn Tokyo và em – Khi cánh hoa anh đào rơi đều là quả muộn của quá trình viết lách từ rất nhiều năm về trước. Việc tác phẩm ra mắt vào ngày có số đôi 12.12 tuy ngẫu nhiên nhưng trở thành điểm trùng hợp khá thú vị. Trong thời gian tôi viết Tokyo và em – Khi cánh hoa anh đào rơi có những cột mốc đều gắn với con gắn liền với con số 12. Sau này tìm hiểu thì tôi mới biết khái niệm về “con số thiên thần” (Angel Number) 1212 nhằm mục đích dẫn lối đến sự mạnh mẽ dấn thân, tiến tới sự trưởng thành trong tâm thức, để sau này khi đối mặt với những sóng gió kinh khủng nhất cũng không thể làm bản thân gục ngã.

Công việc và cuộc sống ở Nhật cũng khá nhanh và bận rộn nhưng tôi luôn tìm kiếm một khoảng trời riêng, để tự do viết nên thế giới qua những trải nghiệm của chính mình. Thực ra quá trình viết cũng là quá trình tôi tự đối mặt với cảm xúc của mình, tìm ra con đường hướng tới sự an lành, bình yên trong tâm trí.

Nhân vật Mimi đã biến mất trong tiểu thuyết Đung đưa trên những đám mây, và trong tập truyện ngắn Tokyo và em – Khi cánh hoa anh đào rơi vừa ra mắt của bạn cũng có rất nhiều nhân vật biến mất. Tại sao Mai không cho họ hiện hữu lâu hơn?

Thời gian viết tập truyện, tôi đã gặp một cô gái – có thể gọi là nàng thơ cũng được – người lúc nào cũng nói về sự biến mất của chính mình. Điều đó làm tôi suy nghĩ, ngẫu nhiên cũng đã chạm vào những điều trong tâm tư của chính tôi. Một người lúc nào cũng suy nghĩ sự biến mất có lẽ luôn luôn chiêm nghiệm về sự tồn tại của mình. Có lẽ họ là những người mà đã nếm trải quá nhiều về sự vô thường trong kiếp người, và cảm giác mất mát lần lượt những thứ quan trọng trong đời.

Nhân vật người mẫu Mộc Anh mang nhiều mâu thuẫn, vừa dự cảm được vừa rất sợ sự biến mất. Nhân vật tôi đã cho cô ấy thấy biến mất cũng có thể rất đẹp, không cần phải quá sợ hãi, vì cô ấy luôn có người một người hiểu mình ở bên cạnh. Biến mất cũng có thể hiểu về cách hình dung đến cái chết. Hành trình sống của mỗi người là hành trình đi về cái chết. Nghe có vẻ bi quan nhưng có lẽ, ai cũng phải đối mặt với cái chết – sự thật này – dù sớm hay muộn. Suy nghĩ về thời gian sống còn lại, giúp người ta có thể sống một cách đam mê, dũng cảm, chân thành hơn.

Vì biết chắc một ngày nào đó, mình sẽ biến mất nên có thể sống một cách rực rỡ. Mộc Anh là một nhân vật luôn phải đấu tranh giữa những cám dỗ cuộc sống phồn hoa, nhưng một ngày cô ấy đã thức tỉnh tìm đến Tokyo – vùng đất mà cô tin mình có thể được chữa lành. Thời khắc những cánh hoa anh đào rơi trở thành điều kỳ diệu, một khoảnh khắc cũng có thể trở nên vĩnh hằng trong tâm trí những người trẻ mơ mộng ấy.

Những truyện ngắn trong Tokyo và em – Khi cánh hoa anh đào rơi lấy bối cảnh trải dài khắp các tỉnh thành ở nước Nhật. Bạn đã thực sự đi qua hết những địa điểm đề cập trong sách hay có nơi nào bạn chưa kịp đến và chỉ viết dựa trên sự hứng thú, nghiên cứu về nơi đó không? Trong các địa danh được đề cập trong sách, đâu là những nơi để lại cho Mai nhiều ấn tượng và kỉ niệm sâu sắc nhất?

Nhật Bản là quốc đảo có hình thể trải dài từ Bắc xuống Nam, gần giống như dáng hình của đất nước Việt Nam mình. Mỗi tỉnh thành của xứ sở này lại có những đặc sản riêng, màu sắc thiên nhiên, văn hóa lễ hội riêng biệt. Mỗi tỉnh thành như một nét vẽ, mảng màu kỳ diệu, hài hòa trong bức tranh tổng thể. Khi viết Tokyo và em – Khi cánh hoa anh đào rơi, tôi đã có một chút tham vọng, muốn độc giả chỉ qua những trang sách, những con chữ, vẫn có thể cảm nhận bằng giác quan, hình dung nên những câu chuyện, cảnh sắc, trải nghiệm về những nơi chốn tôi từng đặt chân đến.

Trong những tỉnh thành đó, để lại ấn tượng sâu đậm nhất có lẽ là Tokyo và Kyoto, hai thành phố có vẻ đối lập như những tấm gương phản chiếu cho nhau về lịch sử, văn hóa, phong cảnh, tính cách con người. Nơi chứa đựng nhiều kỷ niệm mang màu sắc cá nhân nhất là Tokyo sôi động, nhiệt huyết, nơi tôi đã trải qua hơn 7 năm tuổi trẻ của chính mình. Nơi lưu giữ một phần trái tim, tâm hồn tôi lại là Kyoto trầm mặc, có khả năng thấm sâu vào lòng người như hơi rượu sake ngày mưa, như những trang sách tuyệt đẹp trong tiểu thuyết Cố Đô của Kawabata Yasunari.

Ở tập truyện ngắn lần này, Mai thể hiện sự trưởng thành khá rõ trong lối viết ở cách chọn bối cảnh và những nghiên cứu kĩ lưỡng về nghề nghiệp của nhân vật được thể hiện qua các chi tiết trong truyện. Bên cạnh đó, Tokyo và em – Khi cánh hoa anh đào rơi còn có sự đa dạng về sắc thái tình yêu và những xu hướng tính dục khác nhau, không chỉ đơn thuần là tình yêu giữa hai người khác giới như nhiều tác phẩm khác trên thị trường hiện nay. Tại sao bạn lại có sự lựa chọn này?

Thông qua chủ đề khá nhạy cảm của giới trẻ là tình dục và giới tính, tôi đã muốn khắc họa sâu hơn gương mặt muôn vẻ của Tình yêu và Thanh Xuân Tuổi trẻ những ngọt ngào, mới mẻ, mơ mộng, đầy khát khao khám phá thế giới.

Về tình yêu, tôi đã luôn hiểu đó là khái niệm diệu kỳ bắt nguồn từ bên trong vẫn luôn ở đấy, nguồn sống bao trùm, tràn ngập thế giới này. Tình yêu luôn thuần khiết, mang năng lượng chữa lành vượt qua những ranh giới như: giới tính, vật chất, tuổi tác, khoảng cách địa lý v.v... Tôi đã nghĩ như vậy, muốn đem thông điệp đó vào tác phẩm của mình. Chúng ta luôn có vô vàn tình yêu trong trái tim mình. Chúng ta có bản năng yêu thương, có thể cho đi tình yêu vô điều kiện miễn là trước tiên chúng ta biết chấp nhận và yêu thương bản thân vô điều kiện. Sau khi trải qua những tháng năm tuổi trẻ ở cả Việt Nam và xứ sở Mặt Trời Mọc, tôi đã suy nghĩ, chiêm nghiệm như vậy.

Sau tập truyện ngắn Tokyo và em – Khi cánh hoa anh đào rơi, trong năm 2024, Mai có ấp ủ những dự định sáng tác mới nào không?

Giai đoạn này, tôi vẫn đang dành thời gian lắng đọng, trau chuốt lại bản thảo tiểu thuyết viết từ năm 21 tuổi. Cùng với đó là dự án kết hợp cùng một ca sĩ nhạc sĩ Gen Z viết cuốn sách về âm nhạc đường phố với bối cảnh là những khu ổ chuột Sài Gòn, một câu chuyện rất thật, khắc họa những nhân vật trẻ, cá tính, nhiều vấp ngã nhưng luôn biết cách đứng lên đầy mạnh mẽ. Với tập truyện này tôi muốn thể nghiệm một chút thay đổi trong phong cách viết, gai góc, hài hước, gần gũi hơn nhưng nếu có thể chạm sâu vào trái tim những người trẻ, gieo trong họ một câu chuyện truyền cảm hứng về sự nỗ lực không ngừng nghỉ, rằng đừng bao giờ ngừng tin tưởng vào bản thân, đừng bao giờ dập tắt ngọn lửa đam mê khi còn trẻ.

Tận sâu trong tôi vẫn còn nhiều nguồn cảm hứng sáng tác, muốn viết thêm về Tokyo, kể những câu chuyện theo những cách khác nhau, nhưng có lẽ theo một tâm thế tỉnh thức hơn.

Cảm ơn Mai đã dành thời gian trò chuyện với Bookish, chúc bạn có một hành trình thật rực rỡ trong năm mới.

Đọc bài viết

Chuyện người cầm bút

Hạ Nhiên: Dịch “Trái tim thông tuệ” đã truyền cho tôi nhiều cảm hứng sống

Published

on

Trái tim thông tuệ (do Phương Nam Book phát hành) của tác giả Jack Kornfield là một tác phẩm đặc sắc khi ứng dụng tâm lý học Phật giáo để hướng dẫn người đọc cách tự chữa lành. Được nhiều bạn đọc đón nhận, tác phẩm đã tái bản lần thứ nhất vào năm 2023.

Để giúp độc giả hiểu rõ hơn về Trái tim thông tuệ, Bookish đã có cuộc phỏng vấn với dịch giả Hạ Nhiên về quá trình chuyển ngữ tác phẩm này.

Trái tim thông tuệ là góc nhìn của Jack Kornfiled – một tác giả phương Tây nổi tiếng – về tâm lý học Phật giáo của phương Đông. Có quan điểm nào của tác giả khiến bạn thấy thú vị vì đó là góc nhìn của người phương Tây về phương Đông không?

Thực ra, cuốn sách là sự kết hợp góc nhìn của cả Đông lẫn Tây. Jack Kornfield là tiến sĩ chuyên ngành tâm lý học và phương pháp trị liệu phương Tây. Đồng thời, nhiều năm tu tập ở các tu viện châu Á đã giúp ông thấm nhuần những giáo lý Phật giáo căn bản và thu về những trải nghiệm tâm linh quý giá. Ông cố gắng giải thích những kinh điển nhà Phật cho người dân phương Tây bằng cách thức gần gũi, dễ hiểu; dùng những quan điểm và thực hành Phật giáo này để khắc phục hạn chế của tâm lý học lâm sàng vốn tập trung vào bệnh lý và chữa trị bằng thuốc men, giúp chúng ta nhìn xuyên qua lớp vỏ tối tăm bên ngoài của những triệu chứng và tìm về bản chất thiêng liêng, cao đẹp của mình, bằng cách nâng cao hiểu biết, thực hành và rèn luyện nội tâm. Sự kết hợp ấy không chỉ giải quyết nhu cầu giúp người gặp khó khăn tâm lý trở lại bình thường, mà còn hơn cả thế, giúp họ thấu hiểu và nuôi dưỡng tiềm năng phát triển cao nhất của mình và góp phần thay đổi cuộc sống xung quanh.

Hạ Nhiên

Phân đoạn nào khiến bạn tâm đắc nhất khi dịch Trái tim thông tuệ? Bạn có thể chia sẻ lí do tại sao bạn thích phân đoạn đó không?

Có một câu trong sách mình rất thích và từng in ra dán ở bàn làm việc một thời gian dài. Đó là câu Ta thấy ngươi, Mara (nguyên văn: I see you, Mara). Ở đầu chương 14, tác giả kể lại quá trình học cách thấu hiểu, làm lành với nỗi sợ hãi và cơn giận của mình, những nỗi đau đã tích tụ trong ông suốt thời thơ ấu sống với người cha bạo hành. Từ trải nghiệm cá nhân sâu sắc ấy, ông viết:

“Tôi khám phá ra rằng tất cả chúng ta đều có bên trong mình một ngài thẩm phán và bồi thẩm đoàn nội tâm, Bức Màn Sắt và cảnh sát. Bên trong chúng ta cũng có Taliban và những chốn lưu vong. Đôi khi tôi cảm thấy mình như Đức Phật ngồi dưới gốc cây bồ đề, khi Ngài đối mặt với ma quỷ bên trong chính mình trong hình dạng của Mara.”

Tiếp đó, Jack Kornfield kể lại tích Đức Phật chiến thắng Mara trước khi thành đạo. Để ngăn cản Đức Phật thực hiện mục tiêu này, Mara đã lần lượt mang đến các thử thách cho Ngài, từ những người phụ nữ xinh đẹp nhất đến đội quân ma quỷ hung tợn. Mỗi lần như thế, Đức Phật chỉ ngồi im bất động, an trú trong tình yêu thương và lòng từ bi sâu sắc. Ngài nói “Ta thấy ngươi, Mara”, và mọi gươm đao biến thành cánh hoa rơi rụng dưới chân Ngài.

“Cuối cùng, Mara tấn công Đức Phật bằng sự nghi ngờ: ‘Ngươi nghĩ ngươi là ai? Ngươi có quyền gì để ngồi đây và tìm về giác ngộ?’. Lúc này, Đức Phật đặt một tay lên mặt đất và nói, ‘Đất là chứng nhân của ta’. Và với cử chỉ này của Ngài, nữ thần đất đã xuất hiện và làm chứng cho sự kiên nhẫn, cống hiến, tính trung thực, lòng từ bi, sự rộng lượng và trí huệ mà Đức Phật đã chuẩn bị nhiều đời kiếp để giác ngộ vào đêm nay. Từ mái tóc của nàng tuôn ra cơn lũ lụt cuốn trôi đi quân đội của Mara.”

Khi dịch nội dung này mình đã rất xúc động, đồng cảm và được truyền cảm hứng. Mình nhìn thấy bản thân trong đó, từng yếu ớt, bối rối trong sợ hãi và buồn giận, nhưng đồng thời cũng tiềm ẩn một năng lực vô cùng mạnh mẽ – quyền tự do lựa chọn để vượt lên ngoại cảnh và đạt được bình yên trong tâm hồn.   

Hạ Nhiên

Trong quá trình dịch tác phẩm Trái tim thông tuệ, bạn có gặp phải khó khăn nào khi chuyển ngữ không? Bạn đã vượt qua bằng cách nào?

Vào thời điểm đó, Trái tim thông tuệ là cuốn sách nặng ký với mình, vì sách dày và đề tài tâm linh xa lạ đối với một người trẻ. Do đó, mình đã gặp không ít khó khăn trong việc tra cứu, diễn đạt và theo dõi xuyên suốt cả tác phẩm để đảm bảo tính thống nhất. Mình đã làm việc tập trung, nhiều giờ liền mỗi ngày. May mắn sao, nội dung sách lôi cuốn khiến mình quên đi mệt mỏi. Một điều đặc biệt nữa là mình đã thực hành rất nhiều bài tập trong sách. Việc này giúp mình hiểu sâu hơn tinh thần, thông điệp mà tác giả gửi gắm, cũng như tự kiểm chứng hiệu quả của các bài thực hành. Nó thật sự có hiệu quả đối với mình.

Mỗi người sẽ có một định nghĩa khác nhau về “trái tim thông tuệ”. Định nghĩa về “trái tim thông tuệ” của bạn là như thế nào? Định nghĩa đó có thay đổi gì so với trước và sau khi bạn dịch xong Trái tim thông tuệ không?

Trước khi dịch Trái tim thông tuệ, dù chưa có một khái niệm cụ thể nào, mình vẫn luôn cảm nhận được tiếng nói của trái tim. Trái tim là người bạn tốt, cổ động viên nhiệt thành và người tư vấn thông thái cho mình khi cần. Cuốn sách đã giúp mình củng cố cảm nhận này và đúc kết được rằng, trái tim thông tuệ là một trái tim hiền hòa, sáng tỏ về bản thân, cuộc sống và tràn đầy yêu thương. Mang trong mình một trái tim thông tuệ không có nghĩa là bạn yếu đuối, mà ngược lại, vô cùng mạnh mẽ, cởi mở và tự do. 

Khi biết tin Trái tim thông tuệ được tái bản, bạn có những suy nghĩ và cảm xúc như thế nào?

Mình rất hạnh phúc, biết ơn bạn đọc đã yêu quý tác phẩm. Đồng thời, mình cũng cảm ơn đội ngũ Phương Nam đã nỗ lực để cuốn sách tiếp tục được lưu hành. Trái tim thông tuệ đã giúp ích cho mình rất nhiều, và mình mong rằng nó cũng sẽ mang lại lợi lạc cho những ai đang cần đến.  

Thời gian tới, Hạ Nhiên có dự định tiếp tục dịch sách không? Bạn có thể chia sẻ những dự định sắp tới của mình trên con đường dịch thuật không?

Dịch thuật là một công việc ý nghĩa, đòi hỏi cả tâm lẫn tầm. Mình muốn dành thời gian để đọc và trau dồi nhiều hơn, để có thể mang lại những bản dịch giá trị cho mọi người trong tương lai.

Cảm ơn Hạ Nhiên vì đã dành thời gian cho một cuộc chia sẻ sâu với Bookish. Chúc bạn luôn có thật nhiều sức khỏe, thành công, hạnh phúc trên con đường tương lai.

Đọc bài viết

Cafe sáng