Trích đăng

Chương 1 “Thoát đến phương Tây” – Mohsin Hamid

Trong một thành phố bất ổn, giữa một quốc gia chực chờ bùng phát nội chiến, hai người trẻ phải lòng nhau: Nadia, dưới lớp áo choàng phủ kín từ đầu đến chân, là một cô gái độc lập và nổi loạn; Saeed trí thúc, nhẹ nhàng và truyền thống. Hỗn loạn và bạo lực bùng vỡ cũng là lúc bắt đầu dậy lên tin đồn về những cánh cửa có thể đưa người tị nạn vượt thoát sang một nơi khác. Cuốn sách theo bước hành trình của Nadia và Saeed xuyên qua các cánh cửa, vượt không gian và thời gian, đến những nơi chốn xa lạ và một tương lai bất định, để kể lại một câu chuyện tình yêu đầy hy vọng, trắc ẩn và nhân bản.

Published

on

Chi tiết tác phẩm

[Trích đoạn Chương 1] Thoát đến phương Tây

Trích từ: Thoát đến phương Tây

Tác giả: Mohsin Hamid

Đơn vị giữ bản quyền: Phương Nam Book

Phát hành: tháng 1.2019

*

Ở một thành phố đang mưng mủ bởi vết thương của những người tị nạn nhưng vẫn giữ được vẻ yên bình, hay chí ít là chưa công khai nổ ra chiến tranh, một chàng trai trẻ đã gặp một cô gái trẻ tại một lớp học và không nói lời nào với cô ấy. Trong nhiều ngày liền. Anh tên là Saeed còn cô tên là Nadia. Anh có một bộ râu, không tới mức xồm xoàm mà như một hàm ria lởm chởm được tỉa tót công phu, còn cô luôn quấn quanh người một chiếc áo thụng đen buông dài từ yết hầu đến đầu ngón chân. Hồi đó, người ta ít nhiều vẫn được tận hưởng việc ăn mặc theo ý muốn, quần áo hay đầu tóc cũng vậy, mặc dù tất cả đều ở trong khuôn khổ nhất định, nên những lựa chọn bề ngoài này có ý nghĩa riêng đối với hai người họ.

Có vẻ là một điều lạ lùng khi những người trẻ tuổi đang sống trong những thành phố chênh vênh bên bờ vực thẳm như thế này vẫn tới lớp – ở đây là một lớp học buổi tối về xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của doanh nghiệp – nhưng sự đời vốn vẫn thế, trong các thành phố cũng như trong cuộc sống; mới phút trước thôi chúng ta còn đang tất bật với những chuyện lẻ tẻ thường nhật, vậy mà ngay sau đó chúng ta đang nằm chờ chết; với lại, ngay cả cái kết luôn lơ lửng chờ đợi ấy cũng không làm trì hoãn những khởi đầu và phiêu du trong cuộc đời chúng ta cho tới khi nó xảy ra.

Saeed phát hiện một vết chàm duyên dáng trên cổ Nadia, một đốm hạt xoàn màu nâu ngả vàng thỉnh thoảng vẫn di chuyển lên xuống theo nhịp thở của cô, dù không phải lúc nào cũng thế.

Không lâu sau khi nhận ra điều này, Saeed bắt chuyện với Nadia lần đầu tiên. Vẫn chưa có một trận oanh tạc nào xảy ra trong thành phố của họ, ngoại trừ vài vụ xả súng và một cuộc đánh bom xe ô-tô. Trong khi lồng ngực của dân chúng rung nhẹ lên bởi những tiếng nổ thưa thớt như tiếng vang dưới âm tốc từ những cái loa ngoại cỡ dùng trong các buổi diễn âm nhạc, Saeed và Nadia đã thu dọn xong sách vở và đang trên đường rời lớp học.

Trên cầu thang, anh quay về phía cô và hỏi, “Nghe này, em có muốn đi uống một ly cà-phê,” và sau một quãng dừng ngắn ngủi, nói thêm vào như để làm cho lời mời bớt vẻ suồng sã trước bộ trang phục kín đáo của

Nadia, “ở căng-tin với anh không?”

Nadia nhìn vào mắt anh. “Anh không cầu nguyện buổi tối ư?” cô hỏi.

Saeed cố nở một nụ cười dễ mến nhất có thể.

“Không, đáng tiếc không phải lúc nào cũng thế.” Cô vẫn giữ nguyên sắc mặt.

Saeed vẫn kiên trì, bám víu vào nụ cười toe toét với sự tuyệt vọng của một người leo núi sắp rơi xuống vực: “Anh nghĩ rằng đó là một quyết định cá nhân. Mỗi người đàn ông có một cách riêng để cầu nguyện. Hoặc… mỗi người phụ nữ. Không ai là hoàn hảo cả. Và, dù sao đi nữa…”

Cô ngắt lời anh. “Em không cầu nguyện,” cô đáp. Cô tiếp tục nhìn chăm chú vào mắt anh.

Sau đó cô nói tiếp, “Có lẽ để lúc khác nhé.”

Anh nhìn theo bóng cô bước ra khu để xe dành cho học sinh, và tại đó, thay vì che mái tóc lại bằng một chiếc khăn đen như anh đã tưởng, cô đội lên đầu một chiếc mũ bảo hiểm màu đen được chốt vào một chiếc xe mô-tô địa hình bụi bặm cỡ 100cc, kéo sập kính chắn bụi, cưỡi lên xe, rồi rồ ga biến mất về phía mặt trời lặn.

Ngày hôm sau khi ngồi ở chỗ làm, Saeed không tài nào rũ được hình ảnh của Nadia ra khỏi đầu. Công ty của anh là một đại lý chuyên dựng các biển quảng cáo ngoài trời. Họ làm chủ rất nhiều biển quảng cáo quanh thành phố trong khi tiếp tục thuê các biển khác và ký kết hợp đồng quảng cáo với các hãng xe buýt, các sân vận động thể thao, cũng như với chủ nhân của các tòa nhà cao tầng.

Toàn bộ công ty gồm hơn một tá nhân viên, bao trọn hai tầng của một tòa nhà thuộc một dãy nhà liền kề. Tuy là một trong những nhân viên trẻ nhất, nhưng Saeed rất được lòng sếp và hôm nay ông đã ưu ái giao cho anh nhiệm vụ thảo một bản đề xuất để gửi đến một công ty xà phòng địa phương trước năm giờ chiều. Thông thường, Saeed sẽ cố gắng dành thật nhiều thời gian nghiên cứu thông tin trên mạng và dựa vào đó để chỉnh sửa bản đề xuất của mình sao cho ăn rơ hết mức với nhu cầu của từng khách hàng. “Chúng ta không thể kể một câu chuyện mà không có thính giả,” đó là câu nói cửa miệng của sếp anh; còn đối với Saeed, việc này nghĩa là anh phải chứng tỏ cho khách hàng thấy rằng công ty của anh thực sự thấu hiểu việc kinh doanh của họ, có thể đi guốc trong bụng họ và nhìn mọi thứ từ quan điểm của họ.

Nhưng hôm nay, bất chấp tầm quan trọng của bản đề xuất này – mọi bản đề xuất bây giờ đều quan trọng: kinh tế đang trở nên trì trệ do bất ổn định liên miên và quảng cáo ngoài trời là một trong những khoản phí đầu tiên mà các khách hàng muốn cắt giảm – Saeed vẫn không tài nào tập trung nổi. Một cái cây cổ thụ, với thân cao và tán lá um tùm do không được cắt tỉa, ngóc đầu lên từ khoảng sân nhỏ xíu phía sau tòa nhà và che khuất ánh sáng mặt trời, đến độ mảnh sân sau chỉ còn toàn bụi đất và một vài bụi cỏ, rải rác đâu đó những đầu lọc thuốc lá do sếp của anh đã cấm nhân viên không được phép hút thuốc trong văn phòng; trên ngọn cây, Saeed bắt gặp một con diều hâu đang miệt mài xây tổ. Đôi lúc, nó lơ lửng ngang tầm mắt anh, gần như bất động trong cơn gió, và rồi lại thoắt đổi hướng chỉ với một cái hất cánh nhẹ nhàng, hay thậm chí là một cú phẩy ngược của những sợi lông nơi chóp cánh.

Saeed lại tiếp tục nghĩ về Nadia trong lúc ngắm nhìn con diều hâu.

Khi thời hạn gửi email đã tới sát nút, Saeed cuống cuồng chuẩn bị bản đề xuất, cắt dán vội vàng thông tin từ những bản đề xuất anh đã làm trước đó. Chỉ có một nhúm tranh ảnh mà anh đã lựa chọn là có dính dáng đến xà phòng. Anh in ra một bản nháp để mang đến cho sếp và kiềm chế một cái nhăn mặt trong lúc đặt nó lên bàn của ông.

Nhưng đầu óc của sếp anh dường như đang bị chi phối khiến ông không nhận thấy cố gắng cẩu thả của Saeed. Ông chỉ sửa lại vài lỗi nhỏ, đưa trả bản nháp cho anh với một nụ cười đăm chiêu, rồi ra lệnh, “Cậu hãy gửi nó đi đi.”

Điều gì đó trong vẻ mặt của ông sếp làm cho Saeed cảm thấy có lỗi. Anh thầm ước mình đã viết một bản đề xuất tử tế hơn.

Trong lúc email của Saeed đang được khách hàng của anh tải về máy để đọc, ở một nơi xa xôi trên nước Úc, một người phụ nữ với làn da trắng nhợt đang nằm ngủ một mình trong căn nhà ở khu Surry Hills thuộc thành phố Sydney. Chồng của cô đang đi công tác ở Perth. Trên người cô chỉ có một chiếc áo phông dài thượt của chồng và một chiếc nhẫn cưới đeo trên ngón tay. Thân trên và chân trái của cô được che phủ dưới một lớp chăn mỏng còn nhợt nhạt hơn cả màu da của cô, trong khi chân và hông bên phải của cô hoàn toàn phơi trần. Đậu ngay phía trên đường gân Achilles, chạy dọc xuống cổ chân phải của cô, là hình xăm nhỏ bằng mực xanh của một loài chim trong truyền thuyết.

Trong nhà cô có gắn máy chống trộm, nhưng cái máy lúc này đang tắt. Nó được cài bởi những người chủ trước đó, những người đã từng gọi nơi đây là nhà, trước khi giới trung lưu nhiều tiền bắt đầu chuyển tới khu vực này và đẩy tất cả bọn họ dạt đi nơi khác. Người phụ nữ đang ngủ thường chỉ bật cái máy lên những lúc nào chồng cô vắng nhà, nhưng đêm nay cô đã quên mất việc đó. Cửa sổ phòng ngủ của cô, cách mặt đất bốn mét, đang mở he hé.

Trong ngăn kéo tủ đầu giường của cô là nửa hộp thuốc tránh thai còn dư từ ba tháng trước khi cô và chồng còn đang cố gắng không dính thai, hộ chiếu, sổ séc, hóa đơn, vài đồng xu lẻ, chìa khóa nhà, một cái còng số 8, và vài thanh kẹo cao su chưa nhai còn bọc trong giấy gói.

Cánh cửa tủ quần áo trong phòng để mở. Cả căn phòng ngập chìm trong thứ ánh sáng mờ ảo từ cục sạc máy tính và bộ phát wifi, nhưng bên trong tủ quần áo thì tối như hũ nút, một thứ bóng tối dày đặc hơn cả màn đêm khiến cho cánh cửa nhìn như một hình chữ nhật đen tuyền – như thể bên trong ẩn chứa trái tim của sự tăm tối. Và từ trong lòng bóng tối đó, có một người đàn ông đang rướn người chui ra.

Anh ta là một người da đen, với nước da sậm màu, và bộ tóc xoăn đen nhánh. Anh gồng hết sức để vặn vẹo, hai tay bám chặt vào hai bên cửa tủ như thể đang kéo mình thoát khỏi lực hút của trọng lực, hay lực kéo của một cơn sóng hung tợn. Cổ anh ta tòi ra liền với đầu, hai hàng gân nổi cộm lên dọc thân cổ, rồi đến ngực anh và chiếc áo sơ-mi hai màu nâu xám với hàng cúc phanh tới giữa ngực. Bất chợt, anh ta tạm ngưng nỗ lực vật lộn. Đưa mắt nhìn quanh phòng, anh nhìn thấy người phụ nữ đang ngủ, cánh cửa phòng ngủ đang đóng chặt, và ô cửa sổ đang hé mở. Anh ta lại tiếp tục dồn sức đấu tranh để vào được trong phòng, nhưng mọi cố gắng này diễn ra trong sự im lặng tuyệt vọng của một người đang giãy giụa trên mặt đường, trong một con hẻm, giữa đêm tối, để thoát khỏi hai bàn tay đang siết chặt quanh cổ họng mình. Nhưng không có bàn tay nào quanh cổ người đàn ông này cả. Anh ta chỉ muốn không ai nghe thấy tiếng mình.

Với một cú thúc cuối cùng, anh ta đã chui qua được cánh tủ, run rẩy và quờ quạng bò trên sàn nhà như một con ngựa non mới đẻ. Anh nằm yên, hoàn toàn kiệt sức, cố gắng không thở dốc, rồi từ từ đứng dậy.

Mắt anh ta đảo vòng quanh một cách khiếp sợ. Đúng vậy, khiếp sợ. Hoặc có lẽ điều đó không hoàn toàn đúng. Có lẽ chúng chỉ đang quan sát tất cả mọi thứ xung quanh, từ người phụ nữ, đến chiếc giường, và toàn bộ căn phòng. Vốn đã quen đối mặt với những tình thế hiểm nghèo nơi anh ta sinh ra và lớn lên, người đàn ông nhận thức rất rõ về sự mỏng manh của cơ thể mình. Anh biết rõ những cách để kết liễu cuộc đời một người: một cú thụi vào chỗ hiểm, một viên đạn lạc, một nhát dao chém nhầm chỗ, một cú quẹo gấp của một chiếc xe, một con vi-rút náu mình trong một cái bắt tay, hay thậm chí là một tràng ho khan. Anh ta hiểu rõ rằng khi đứng một mình, con người ta gần như chỉ là số không.

Người phụ nữ đang nằm ngủ một mình. Người đàn ông đứng một mình và nhìn xuống cô ta. Cánh cửa phòng ngủ đang đóng. Cánh cửa sổ đang mở. Anh ta quyết định chọn chiếc cửa sổ. Trong nháy mắt, người đàn ông chui qua ô cửa và nhẹ nhàng thả người xuống con phố bên dưới.

Trong lúc tất cả những chuyện này xảy ra ở Úc, Saeed đang đi mua bánh mì mới ra lò cho bữa tối trên đường về nhà. Anh là một chàng trai trưởng thành, có tư tưởng tự lập, chưa vợ, được ăn học đầy đủ, và có công ăn việc làm ổn định; và cũng giống như đa số những người con trai trưởng thành, có đầu óc tự lập, chưa vợ, được ăn học, và có công việc ổn định thời đó, anh sống cùng với bố mẹ mình.

Mẹ của Saeed luôn toát lên phong thái quyền uy của một bà giáo dù bà đã về hưu, còn bố anh thì phảng phất dáng dấp của một ông giáo sư ở trường đại học nơi ông vẫn đang tiếp tục giảng dạy – mặc dù lương của ông đã bị cắt giảm, do ông đã quá tuổi hưu trí và bị buộc phải làm giáo viên thỉnh giảng. Cả bố và mẹ Saeed, trong một thời kỳ vàng son của đất nước, đã lựa chọn những nghề nghiệp đáng kính mặc dù thực tế thì việc dạy học không còn được coi trọng như xưa nữa. Địa vị và một cuộc sống yên ổn chỉ được tìm thấy ở những nghề nghiệp và mưu cầu khác. Mẹ Saeed sinh anh khá muộn, muộn tới nỗi bà tưởng ông bác sĩ đang bỡn cợt với bà khi ông hỏi rằng bà có nghĩ mình đang mang thai không.

Căn hộ nhỏ của họ tọa lạc trong một ngôi nhà từng trông rất xinh xắn, với mặt tiền chạm trổ từ thời thuộc địa giờ đây đã mủn tróc ra, trong một khu phố từng thuộc về giới thượng lưu, nhưng giờ đã biến thành một khu chợ đông đúc và sầm uất. Căn hộ có ba phòng và được chia ra từ một căn hộ lớn hơn: hai phòng ngủ khiêm tốn và một phòng sinh hoạt chung nơi cả gia đình ăn uống, trò chuyện, giải trí, và xem ti-vi. Căn phòng thứ ba này cũng không lấy gì làm rộng rãi nhưng bù lại trong phòng có những ô cửa sổ cao và một cái ban công tuy hẹp nhưng vẫn sử dụng được; từ ban công nhìn xuống, ta có thể thấy một con hẻm chạy thẳng lên hướng đại lộ về phía một đài phun nước trước kia từng đầy ăm ắp và tỏa sáng lấp lánh trong ánh mặt trời nhưng giờ đã cạn khô. Nếu như trước kia, khi cuộc sống hãy còn yên bình và sung túc, quang cảnh này đã có thể kiếm lời cho chủ tòa nhà, thì giờ đây nó lại trở thành một vấn nạn không mong muốn trong thời buổi xung đột loạn lạc, khi tầm nhìn rộng mở phía trước ban công đặt cả căn hộ vào giữa tầm ngắm của những cỗ súng máy, tên lửa, cùng quân lính đổ bộ vào khu phố: nó chẳng khác nào việc giương mắt nhìn thẳng vào họng một khẩu súng trường cả. Vị trí, vị trí, vị trí nhà là tất cả, những người môi giới bất động sản lặp đi lặp lại. Còn địa thế đất thì quyết định vận mệnh, các sử gia trả lời.

Chẳng mấy chốc, chiến tranh sẽ bào mòn mặt tiền tòa nhà như thể nó đã kích hoạt thời gian trôi nhanh hơn, khiến mức độ tàn phá của một ngày còn ghê gớm hơn cả một thập kỷ.

Khi bố mẹ của Saeed lần đầu gặp gỡ, họ cũng trạc tuổi Saeed và Nadia bây giờ. Họ đến với nhau vì tình yêu, một cuộc hôn nhân giữa hai người xa lạ không hề có sự sắp đặt của gia đình, điều mà, đối với cộng đồng của họ, tuy không phải chưa từng có tiền lệ, nhưng cũng không hoàn toàn phổ biến.

Họ gặp nhau ở rạp chiếu phim, giữa giờ giải lao của một bộ phim về một nàng công chúa khôn ngoan mưu mẹo. Mẹ của Saeed đã lén nhìn ngắm bố anh hút thuốc và bị bất ngờ trước ngoại hình y hệt như chàng diễn viên chính trong phim của ông. Sự giống nhau này không hoàn toàn ngẫu nhiên: mặc dù là một chàng mọt sách nhút nhát, bố của Saeed vẫn ăn mặc và chải chuốt theo phong cách của những nhạc công và minh tinh màn bạc thời bấy giờ, giống như đa phần bạn bè của ông. Tuy nhiên, cặp kính cận của bố Saeed, kèm theo cung cách nói chuyện, làm cho ông có một vẻ mộng mơ chất phác, và thật dễ hiểu khi điều này khiến cho mẹ Saeed nghĩ rằng ông không chỉ nhìn giống nhân vật nam chính, mà thực sự nhập thần vào vai diễn đó. Và bà quyết định lên kế hoạch tiếp cận ông.

Tiến tới đứng trước mặt bố Saeed, bà bắt đầu hào hứng tán gẫu với một cô bạn trong lúc ngó lơ đối tượng của mình. Ông để ý thấy bà đứng đó. Ông lắng tai nghe giọng nói của bà. Ông thu hết can đảm để bắt chuyện với bà. Và đó, giống như cách cả hai vẫn thường nói khi kể lại câu chuyện lần đầu gặp gỡ nhiều năm sau đó, là cách mọi chuyện đã xảy ra.

Cả bố và mẹ của Saeed đều là những người thích đọc sách và ưa tranh luận theo nhiều cách khác nhau; trong những buổi đầu hò hẹn, bạn bè họ thường hay bắt gặp hai người lén lút gặp gỡ trong những tiệm sách. Sau này, khi đã bắt đầu cuộc sống gia đình, họ thường dành những buổi chiều đọc sách cùng nhau trong nhà hàng hay quán cà-phê, hoặc nếu thời tiết cho phép, trên ban công nhà họ. Ông hút thuốc còn bà thì nói mình không thích hút. Nhưng, đôi khi, lúc cụm tàn trên điếu thuốc dường như bị lãng quên trên ngón tay ông càng lúc càng dài ra, bà sẽ lấy điếu thuốc khỏi tay ông, nhẹ nhàng dụi bớt nó vào một cái gạt tàn, rồi rít một hơi thật sâu đầy ngang tàng trước khi duyên dáng trả nó lại.

Rạp chiếu phim nơi bố mẹ Saeed gặp nhau đã không còn nữa khi con trai của họ gặp Nadia, cũng như các tiệm sách họ yêu thích hay các nhà hàng và quán cà-phê mà họ hay lui tới. Điều này không có nghĩa là tất cả các rạp chiếu phim, tiệm sách, nhà hàng, hay quán cà-phê trong thành phố đã bốc hơi, mà chỉ là rất nhiều trong số chúng không còn hiện diện ở chỗ cũ nữa. Một siêu thị bán máy tính và linh kiện điện tử đã mọc lên thế chỗ rạp chiếu phim nơi lưu giữ kỷ niệm của bố mẹ Saeed. Siêu thị mới này mang cái tên cũ của rạp chiếu bóng do cả hai vốn từng chung một chủ, và một phần do rạp chiếu bóng đó từng nổi tiếng đến độ nó trở thành một địa danh quen thuộc với bất cứ ai sống quanh đó. Mỗi khi đi ngang qua siêu thị và nhìn thấy cái tên thân quen chớp tắt trên tấm biển đèn nê-ông mới coóng, đôi lúc bố hay mẹ Saeed sẽ hồi tưởng lại kỷ niệm, và mỉm cười. Hoặc họ hồi tưởng lại, và đứng tần ngần trong im lặng.

Không có sự chung đụng xác thịt nào giữa bố mẹ của Saeed cho tới tận đêm tân hôn của họ. Giữa hai người, mẹ của Saeed là người cảm thấy ngượng ngùng hơn, nhưng bà cũng là người hào hứng muốn thử hơn, nên bà nhất quyết muốn làm chuyện vợ chồng ít nhất ba lần trước lúc bình mình. Trong nhiều năm, mối quan hệ giường chiếu của họ vẫn tiếp diễn như vậy. Nhìn chung, bà luôn cuồng nhiệt trong chuyện chăn gối, còn ông thì luôn tuân theo ý bà. Có lẽ vì bà không có thai, cho đến tận khi thụ thai Saeed hai mươi năm sau đó, và do tưởng rằng mình không thể mang thai, bà có thể làm tình một cách bạo liệt mà không cần nghĩ tới hậu quả hay phiền toái của việc nuôi dạy con cái. Trong khi đó, với tính cách của ông, trong nửa quãng đầu của đời sống vợ chồng, sức sống của bà luôn tạo cho ông một cảm giác bất ngờ thích thú, và bà thì tận dụng điều này hết mức có thể. Bà thích bộ râu rậm rạp của ông và bị kích thích bởi việc làm tình từ đằng sau. Còn ông thì bị kích thích bởi niềm hứng khởi và bản chất đắm dục của bà.

Sau khi Saeed chào đời, tần suất làm tình của bố mẹ anh giảm đi rõ rệt, và nó vẫn tiếp tục theo đà xuống dốc. Tử cung của mẹ anh bắt đầu xệ xuống, còn bố anh thì càng ngày càng chật vật để giữ cho dương vật cương cứng. Trong thời điểm đó, bố Saeed bắt đầu rơi vào vai diễn của người đòi hỏi chuyện ân ái, hoặc giả ông tự phân vai cho mình. Đôi lúc, mẹ Saeed băn khoăn rằng ông làm chuyện này vì ham muốn thực sự, hay vì thói quen, hay đơn giản chỉ vì ông cần sự thân mật giữa hai người. Và bà cố hết sức mình để đáp ứng chồng. Dù vậy, cuối cùng ông cũng phải đầu hàng trước sự cự tuyệt của cả cơ thể mình và của vợ.

Trong năm cuối cùng bên nhau, cái năm mà duyên trời run rủi cho Saeed gặp Nadia, bố mẹ của anh chỉ đúng ba lần thân mật. Số lần giao hoan trong cả năm đó của họ bằng đúng số lần trong đêm động phòng. Mặc dù thế, bố anh vẫn nuôi râu theo yêu cầu của mẹ anh. Và họ cũng chưa bao giờ đổi giường: phần đầu giường được làm giống cánh tay vịn cầu thang, như thể đòi hỏi được những bàn tay vươn lên nắm chặt lấy.

Trong căn phòng nơi cả gia đình Saeed dùng làm phòng khách, họ để một cái kính thiên văn màu đen bóng loáng. Nó được ông nội của Saeed truyền lại cho bố anh, và giờ bố anh để lại nó cho anh; nhưng vì Saeed vẫn sống cùng với gia đình, chiếc kính thiên văn vẫn luôn đứng ở vị trí cũ của nó trong góc nhà trên một giá đỡ ba chân, bên dưới một chiếc thuyền buồm được lắp ghép tinh xảo trong một cái bình thủy tinh bên trong cái tủ để đồ hình tam giác.

Bầu trời thành phố của họ đã trở nên quá ô nhiễm cho việc ngắm sao. Nhưng vào những buổi tối quang đãng không mây sau trận mưa buổi sớm, bố Saeed thường mang chiếc kính thiên văn ra đặt ngoài ban công, và cả gia đình anh sẽ quây quần bên bình trà xanh, đón chút gió mát, thay phiên nhau nhìn lên và ngắm nghía những tạo vật mà ánh sáng của chúng đã tỏa phát từ trước khi cả ba người ra đời – thứ ánh sáng đã đi qua nhiều thế kỷ trước để chạm đích Trái đất lúc này đây. Bố Saeed vẫn hay gọi đó là cuộc du hành xuyên thời gian.

Một buổi tối nọ, mà thực ra là buổi tối sau khi Saeed phải gấp rút hoàn thiện bản đề xuất cho công ty kinh doanh xà phòng, Saeed đang lơ đãng đưa mắt dò theo một quỹ đạo bên dưới đường chân trời. Trong ống kính của anh hiện lên những ô cửa sổ và mái nhà, đôi lúc đứng yên, có khi lại xẹt qua với tốc độ chóng mặt.

“Tôi nghĩ nó đang nhòm mấy cô gái trẻ đấy,” bố của Saeed nói với mẹ anh.

“Saeed, con đừng có làm gì bậy bạ đấy nhé,” mẹ anh nhắc nhở.

Rồi bà quay qua bố anh và cằn nhằn, “Thì nó là con ông mà.”“Tôi chưa bao giờ cần đến kính thiên văn để làm chuyện đó,” ông cự nự.

“Phải rồi, ông thì chỉ thích bắn pháo tầm gần thôi.” Saeed lắc đầu rồi quay ống kính hướng lên trên.

“Con nhìn thấy sao Hỏa rồi,” anh thông báo. Và quả đúng vậy. Trước mắt anh là hành tinh gần thứ nhì với Trái đất, có một bề mặt không xác định mang màu sắc của mặt trời lặn sau cơn bão cát.

Saeed đặt thẳng điện thoại và hướng ống kính camera về phía thiên hà, sử dụng một phần mềm ứng dụng để định vị các chòm tinh tú mà anh không biết tên. Trên tấm bản đồ điện thoại, sao Hỏa hiện lên chi tiết hơn, mặc dù nó chỉ là hình ảnh sao Hỏa chụp từ một thời điểm khác, một thời đã xa, và được lưu lại trong trí nhớ của người thiết kế ra ứng dụng đó.

Từ đằng xa, cả nhà Saeed chợt nghe thấy tiếng súng trường tự động, những tiếng nổ khô khốc tuy không quá to nhưng vang tới tai người nghe một cách rõ rệt. Cả ba người ngồi im trên ban công thêm một lúc nữa. Rồi mẹ của Saeed thì thầm khuyên mọi người nên quay trở vào trong.

Cuối cùng cũng đến ngày Saeed đi uống cà-phê với Nadia trong căng-tin trường, vào tuần sau khi anh ngỏ lời với cô; sau giờ tan học tiếp theo, Saeed hỏi Nadia về chiếc áo thụng đen kín đáo và che đậy gần như mọi thứ của cô.

“Nếu em không cầu nguyện,” anh hạ giọng thì thầm, “thì tại sao em lại mặc cái áo đó?”

Họ đang ngồi ở một bàn cho hai người bên cửa sổ, nhìn xuống làn xe cộ đông đúc trên con đường bên dưới. Điện thoại của cả hai đều tắt và nằm úp mặt trên bàn, như vũ khí của hai kẻ liều mạng trong một cuộc thương thuyết.

Cô cười, nhấp một ngụm cà-phê, rồi cất tiếng nói trong khi nửa dưới khuôn mặt bị cái tách che khuất.

“Để bọn đàn ông không giở trò mất dạy với em,” cô thong thả đáp.

-Còn tiếp-

Tác phẩm được trích đăng với sự đồng ý của Phương Nam Book.

Trích đăng

Vài chuyện linh tinh mà cây cối dạy cho mình về tình yêu – Trích “Bước qua nước mắt, tự khắc trưởng thành”

Published

on

Trích từ: Bước qua nước mắt, tự khắc trưởng thành
Tác giả: Anh Khang
Đơn vị giữ bản quyền: Phương Nam Book

Phát hành: tháng 11.2024
Tác phẩm được trích đăng với sự đồng ý của Phương Nam Book.

Có một dạo, cứ mỗi lần nhớ người thương cũ, mình lại đi mua một cái cây, về trồng ngoài ban công.

Thói quen ấy đều đặn thành nếp sống. Đến một ngày, trước cửa sổ phòng, đã là cả một khu vườn nho nhỏ xinh xanh.

Những buổi sáng, tỉnh dậy, nắng len qua ô kính, dụi mắt đánh thức mình. Điều đầu tiên mình nhìn thấy, là cả một khoảng trời xanh mướt của từng phiến lá khẽ đung đưa, như vẫy tay chào, và bảo: “Ê, ngày mới tới rồi. Đừng nằm lì ở ngày hôm qua nữa. Dậy đi tưới cây, ngắm nắng, tỉa lá, chăm hoa,... Vườn nhà biết bao việc. Nằm đó nhớ nhung gì!”.

Đó là khi mình nhận ra, sau rất nhiều năm tháng chia tay, điều đầu tiên mình nghĩ đến khi thức dậy, không còn là người ấy nữa.

Mình bắt đầu nghĩ về bổn phận của một người làm vườn có trách nhiệm với mầm xanh trước cửa, của một người “nông dân cày xới trên mảnh đất tinh thần”. Và nhất là, không còn nghĩ về danh phận mà mình đã truy cầu suốt thời tuổi trẻ, khiến xói mòn tiêu hao rất nhiều “hạt giống niềm tin” vào quả ngọt mang tên “tình yêu” chưa bao giờ kết trái.

Hồi xưa, mình từng cho rằng bản thân chẳng có tay trồng cây, mọi hạt giống gieo xuống đều chẳng nảy lên xanh. Cũng giống như bản tính thích yêu và được-yêu, nhưng lại chẳng có duyên với mấy chuyện yêu đương. Nhưng, nhờ những ngày tháng hiện tại, bầu bạn cùng cỏ cây, quanh quẩn bên hoa lá, chăm chút từng mầm xanh,... mình học thêm được vài bài học mới, vài cách nghĩ khác đi, từ “người thầy” xanh màu diệp lục tố.

Như là, tại sao cứ mặc định bản thân là “vô năng bất khả”, tại sao cứ hạn định mọi nỗ lực và cố gắng của chính mình?

Dù là chuyện trồng cây.

Hay là chuyện yêu đương cũng thế.

#1

Càng bớt cố chấp, càng đỡ mệt thân

Mình có một chấp niệm, với cây hương thảo.

Loài thảo mộc bản địa của vùng Địa Trung Hải, vốn đã theo chân mình suốt dặm đường rong ruổi hồi trẻ qua biết bao thành phố ở vùng cựu lục địa. Thế nên, một trong những chậu cây đầu tiên mà mình mang về khu vườn nhỏ của mình, hiển nhiên, phải là hương thảo.

Dù đã được nhiều người chủ vựa cây kiểng dặn dò về thuộc tính đỏng đảnh “ưa nước nhưng ghét ẩm”, “thích nắng nhưng sợ hạn” của loài cây thơm lừng từ ngọn tới lá này, mình vẫn một mực tìm mua đủ mọi giống hương thảo. Từ loại giâm cành chiết ngọn ở miền Bắc đến miền Tây, rồi cả giống cây thuần khí hậu miền Nam, hay được dưỡng thân hóa gỗ thành dáng bonsai vững vàng...

Nhưng bất kể bao cố gắng kiên trì của mình, thì không một chậu cây hương thảo nào chịu sống đời dai dẳng, ở lại bên mình dài lâu được cả.

Mình càng cố, thì kết quả, vẫn chỉ là cành khô ngọn rủ, từng bụi hương thảo cứ thế héo hắt rời đi. Vì nhiều lý do, từ giá thể thổ nhưỡng đến vị trí trồng trọt, và còn hằng hà sa số điều kiện thiên thời địa lợi đã không thể chiều lòng chấp niệm “trồng hương thảo” của mình.

Không phải mình cứ cố gắng là sẽ đạt được ý nguyện ban đầu. Có những thứ mà ngay từ đầu, có lẽ, đã là chấp niệm viển vông của riêng bản thân. Chứ chẳng thể thành toàn viên mãn.

#2 

Nếu đã là duyên phận thuộc về bạn,

cơ bản bạn chẳng cần làm gì cũng viên mãn

Vẫn tiếp tục câu chuyện về hương thảo.

Trong rất nhiều bụi hương thảo đã bỏ mình đi, thì duy nhất, trong vườn còn lại một bụi thơm lừng, bền bỉ tỏa hương, nhẫn nại vươn cành.

Ban đầu, đây vốn chỉ là một bầu cây nhỏ xíu mình mua hú họa, chẳng dụng công trồng hay đặt nhiều hy vọng. Tiện tay, ướm vào chậu treo, thấy vừa khít, nên tùy ý móc lên mái tôn trước bệ cửa sổ. Ai ngờ, cây hương thảo bé nhỏ chẳng được chăm chút mấy, lại trở thành loài thảo mộc ở lại bên mình kiên tâm lâu dài nhất.

Ngẫm lại, cả khu vườn trải qua bao mùa cây cối tụ tán, hoa lá nở tàn, thì chỉ có duy nhất cây hương thảo treo đó, vẫn cam tâm tình nguyện cùng mình kết một đoạn duyên phận, lặng lẽ nhưng thâm tình, bình đạm nhưng thành tâm.

Để bây giờ, mỗi lần mở cửa sổ, hương thơm the mát vương mùi thảo mộc, thoảng đầy ý vị bình an, cứ thế len lỏi khắp phòng.

#3

Yêu thương khi không thấu hiểu,

chỉ gây thêm gánh nặng cho người mình yêu

Có một lần, quá nôn nóng vì cây hạnh ngọt chưa chịu ra hoa và hoa rụng trước kỳ đậu quả, mình bèn mua đủ loại phân bón.

Khỏi nói cũng biết kết quả. Mình, chẳng chịu tìm hiểu kỹ lưỡng nguyên tắc dưỡng trồng, cứ vung tay quá trớn, sơ sẩy thiển cận. Thành ra, cây hạnh ngọt đang li ti hoa trắng, ngấp nghé vài quả non, chỉ sau một đêm, lập tức khô khốc trụi cành, hoàn toàn héo rũ.

Sau đó, mới nhận ra bản thân đã sai ngay từ đầu, trong những khâu cơ bản như tìm hiểu, chọn lựa thành phần, chế độ, liều lượng,... của các loại chế phẩm chăm cây. Hóa ra, chính sự yêu thương thiếu kiến thức của mình đã đẩy đối tượng mình yêu thương (là cái cây) đi đến chỗ đang xanh-màu thành xanh-cỏ.

Tình yêu, suy cho cùng, nếu thiếu đi sự thấu hiểu, sẽ chẳng thể đồng hành lâu dài, giúp nhau tăng tiến. Mù quáng trao đi yêu thương mà không nhận thức rõ ràng đâu là đủ-thiếu, đâu là đúng-sai, thì chỉ chuốc thêm đau lòng cho chính mình và phiền lòng cho người mình yêu.

#4

Có những kết thúc chính là để bắt đầu

Có mấy chậu cây, mình chăm dữ lắm, nhưng cứ được vài tháng là bắt đầu vàng lá mục cành.

Mình, bắt đầu chấp nhận sự đến-đi của vô thường, ngay cả cây cối cũng đâu thể tránh khỏi thành-trụ-hoại-không. Định bụng, chào cái cây lần cuối, xong sẽ bỏ đất, thay chậu, chôn cây, cho xong một vòng tuần hoàn của đời thảo mộc. Ai dè, ngay kế cành cây sắp mục ruỗng ngã đổ, một mầm xanh bé xíu đang gắng sức vươn lên. Chiếc lá non xanh biếc, giống hệt dáng hình của chiếc lá đang ngả vàng của nhánh cây héo rũ kế bên. Một sự tiếp nối, lặng lẽ diễn ra. Những mầm xanh bé nhỏ, còn bền bỉ tách đất vươn lên. Huống hồ tuổi trẻ, vốn chẳng có một giới hạn nào, sao chúng ta lại cứ ngại, sợ? Có kết thúc nào là mãi mãi dừng lại ở đó đâu, khi đằng sau nó luôn là cả một khởi đầu miên viễn. Bạt ngàn. Vô tận.

Đời sống luôn là một bản trường ca mà khi một nốt trầm lặng xuống thì chính là báo hiệu một đoạn tấu khúc réo rắt sắp bắt đầu khởi xướng.

#5

Rừng xanh nào cũng bắt đầu từ hoang sơ

Có những hôm trời bất chợt đổ mưa. Ngó ra khoảng không xanh mướt mắt đang ướt đẫm trong màn nước trong vắt bên ngoài. Mình bỗng mềm lòng, nhớ lại. Chỉ mới vài tháng trước, khoảnh sân này chỉ là một mái tôn trơ trọi xám lạnh. Giờ đã thành vườn xanh. Mấy bông hoa chanh đã đậu quả thành trái non lúc lỉu trên cành. Mấy trái tắc mới vài tuần trước còn li ti như những hạt sương lấm tấm xanh xanh giờ đã tượng hình thành trái múp míp. Và cả bụi hoa hồng đã rụng hết đợt hoa bừng sắc tháng trước, đến nay cũng đã ươm mầm mới nở thành nụ phơn phớt dịu dàng.

Và cái đứa từng nghĩ rằng bản thân không có tay trồng cây, không có thể ươm xanh nụ mầm... sau tất cả, cũng đã tự tay có được khu vườn của riêng mình.

Chỉ cần mình chịu bắt đầu. Từ một việc đơn giản nhất. Là gieo mầm. Thay vì cứ đứng đó trơ mắt nhìn vào trống trải tiêu sơ.

Trộm nghĩ, một khu rừng rậm rạp cách mấy, cũng đều phải khởi sự từ những nhánh cây mầm cỏ bé nhỏ ban đầu. Nếu không có hoang tàn trơ trọi lúc đó, thì làm sao có hùng vĩ trong lành hôm nay? Điều quan trọng là chúng ta đừng chỉ nhìn chăm chăm vào mớ hỗn độn ngổn ngang rồi chùng lòng chán nản, thoái thác tháo lui, mà phải chấp nhận dấn thân, lao tâm khổ tứ. Dù là trồng rừng, trồng cây, hay là trồng lại hy vọng, niềm tin của chính mình. Vào tình yêu. Vào con người.

#6

Ai rồi cũng sẽ có khoảng trời thuộc về mình

Ngồi viết những dòng này, khi bên ngoài, hoàng hôn vừa xuống. Cảm giác bình yên choáng ngợp trong lòng. Có điều, sự choáng ngợp này, không khiến bản thân kinh hãi, mà chỉ càng làm thấm thía trân trọng thêm khoảnh khắc hiện tại.

Đi khắp Đông-Tây-Nam-Bắc. Trải qua yêu-ghét-thương-hờn. Nếm đủ tụ-tan-ly-hợp. Đến giờ, đã có thể bình thản, một mình, ngồi ngắm hoàng hôn mà trong lòng không còn bất kỳ một lời đồng vọng. Dù là nhớ nhung chuyện cũ. Hay là trách cứ tình xưa.

Hoàng hôn để ôn chuyện cũ. Đã từng nghĩ như vậy suốt thời tuổi trẻ. Thế nên, từng có một giai đoạn bị ám ảnh hoảng loạn với hoàng hôn. Cứ thấy trời chiều, là lo lắng. Cứ thấy nắng tắt, là hoang mang. Bởi lẽ, buổi chiều, đã-từng là khi chúng ta hẹn hò, là khi chúng ta đợi chờ đến lúc gặp nhau, là khi anh cùng em rong ruổi phố phường, đuổi bắt hoàng hôn. Buổi chiều, cũng là khi chim về tổ, người về nhà, là khi ai cũng mong cầu tìm cho mình một chốn về nương náu yên thân.

Thế nhưng, bản thân ở hiện tại, đối diện buổi chiều, lại chỉ thấy bình yên. Một mình hay mấy mình, giờ đã không còn mấy quan trọng. Chỉ biết là trong khoảnh khắc mặt trời le lói, vẫn thấy lòng ngập tràn ánh sáng. Thứ ánh sáng của an vui hỉ lạc, của tự tại tùy duyên.

Hóa ra, huyền cơ của việc thuận theo ý trời, tuân lời thiên mệnh, chỉ nằm trong một khoảnh khắc như thế này.

Đó là nhìn trời chiều, không buồn không tiếc, không nấn ná dây dưa cũng không hối hả sợ sệt. Chỉ thấy biết ơn năm tháng dù hối hả trôi qua, ghi ân thời gian dù vội vã giục giã, nhưng vẫn luôn độ lượng khoan dung dành cho chúng ta một chốn về yên ả.

Anh và em. Tôi và người. Bạn và chúng ta. Tất cả rồi cũng đều sẽ có một khoảng trời riêng. Nơi mưa nắng bão dông đều trở nên dịu dàng. Nơi bình minh hay hoàng hôn đều đầy đặn ánh sáng. Nơi mình hiểu ra nhân duyên đẹp đẽ nhất mà ông trời ban tặng, không phải là gặp đúng ý trung nhân trọn kiếp chung tình, mà là được gặp gỡ và trở thành phiên bản trọn vẹn nhất, tốt đẹp nhất, bình an nhất, của chính mình.

Cũng giống như một cái cây, đâu phải vì muốn kết duyên đôi lứa với một cành cây cọng cỏ nào khác, nên mới sum suê xanh tốt. Cây cối, tự mình vươn cành, vì mình xanh mướt.

Việc của cây là xanh. Không bận tâm vì ai mà tươi tốt. Cũng không vì ai lìa bỏ mà héo tàn.

Vậy nên, việc của chúng ta,

là cứ bình an,

là cứ hạnh phúc.

Đọc bài viết

Trích đăng

Sứ đoàn Iwakura – Chuyến Tây du khảo cứu nhằm canh tân dưới thời Duy Tân Minh Trị

Published

on

Trích từ: Sứ đoàn Iwakura
Tác giả: Ian Nish
Đơn vị giữ bản quyền: Phương Nam Book

Phát hành: tháng 11.2023

Nhắc đến Duy Tân Minh Trị, không gì ý nghĩa hơn khi lật lại trang sử về Sứ mệnh Iwakura vì tính khai sáng như Columbus đi tìm Tân thế giới. Họ đem Văn minh khai sáng về trồng trên mảnh đất Phù Tang, để mãi mãi là di sản chung của châu Á. 

Minh Trị Duy Tân có tác động cách mạng không chỉ cho Nhật Bản, mà cho cả châu Á trong tiến trình phát triển và tìm lại mình, với đầy những kịch tính. 

Chuyến công du Iwakura với khẩu hiệu nước giàu quân mạnh và độc lập dân tộc

Cải cách Minh Trị tôn Hoàng đế Minh Trị lên ngôi năm 1868 (lúc đó ông mới 16 tuổi), xoá bỏ chế độ Mạc Phủ, xoá bỏ các bất bình đẳng giữa các đẳng cấp xã hội, thành lập chính truyền trung ương, tái lập mối quan hệ hàng dọc và hàng ngang trong xã hội, người Nhật tạo điều kiện cho cuộc thay đổi một cách triệt để và hệ thống trong việc xây dựng một nhà nước hiện đại và một nền khoa học công nghệ hiện đại. Khẩu hiệu chính của họ là Fukoku kyohei (Nước giàu quân mạnh), và độc lập dân tộc, từng bước ngang bằng với các cường quốc phương Tây.

Iwakura Tomoki (người mặc trang phục truyền thống Nhật Bản) bên cạnh 4 phó sứ, từ trái sang phải, Kido Takayoshi, Yamaguchi Masuka, Ito Hirobumi và Okubo Toshimichi. Hình ảnh được Ishiguro Keisho sưu tầm).

Họ bắt đầu bằng Sứ mệnh Iwakura do công tước Iwakura Tomomi (1835-1883) dẫn đầu với khoảng 50 thành viên gồm nhiều nhân vật chính phủ cao cấp, trong đó có Ito Hirobumi, lúc đó mới 30 tuổi và là Thứ trưởng Bộ Công nghiệp, chưa tính khoảng 60 du học sinh phục vụ việc thông dịch, thông tin. Họ đi thăm Hoa Kỳ và hàng chục các quốc gia châu Âu, như Anh, Pháp, Đức, Áo, Ý, Bỉ, Hà Lan, Đan Mạch, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Nga. Chuyến đi được thực hiện chỉ ba năm sau cuộc cách mạng Minh Trị, giữa lúc một cuộc khủng hoảng chính trị nổ ra tại quê nhà về bán đảo Triều Tiên.

Để động viên các sứ thần, Nhật hoàng Minh Trị đã đọc một bài diễn văn:

“Sau khi nghiên cứu và quan sát kỹ, “trẫm” có ấn tượng sâu sắc và tin rằng các quốc gia hùng mạnh và khai sáng nhất của thế giới là những quốc gia đã có những nỗ lực cần cù để vun xới trí tuệ, và tìm cách phát triển đất nước họ một cách đầy đủ và hoàn hảo... Nếu muốn ứng dụng khoa học, các kỹ xảo và những điều kiện của xã hội đang thịnh hành tại các quốc gia khai sáng, chúng ta hoặc phải tự học hỏi, hoặc gửi một đoàn nghiên cứu gồm những quan sát viên có óc thực tế đến các nước khác, tiếp thu những gì nhân dân đang thiếu để làm lợi cho quốc gia.”

Rõ ràng đây là trọng tâm của chuyến công du. Họ sẽ đi thăm từ nhà máy, công xưởng, đến trường học, đại học, bệnh viện, bảo tàng, thư viện, toà án; nghiên cứu đời sống tính tình dân chúng, làng xã, thành thị, đặc thù của mỗi quốc gia, sự phồn vinh thời Victoria của Anh quốc, các thể chế chính trị khác nhau, các cơ quan chính trị, quân sự. Họ gặp tất cả đại diện giới thương mại, công nghiệp, thượng lưu, cầm quyền, chính khách, quân sự, vua chúa, Tổng thống Grant của Hoa Kỳ (người hùng trong cuộc chiến tranh Nam Bắc dưới thời Tổng thống A. Lincoln), Nữ hoàng Victoria của Anh, Vua Wilhelm I và Thủ tướng Bismarck của Phố (Đức), Tổng thống Thiers của Pháp... Họ xuất hiện trong những bộ Âu phục quý phái. 

Họ muốn làm rõ nền tảng của “văn minh khai sáng”, các nguồn gốc sức mạnh và sự phồn vinh của phương Tây. Trong giáo dục, một lĩnh vực hết sức quan trọng, họ muốn học hỏi các mô hình tổ chức giáo dục tiểu học, trung học và đại học. Đó là chuyến công du lịch sử đi tìm khai sáng (khai minh) cho Nhật Bản.

Nhật Bản cởi mở chấp nhận những giá trị phương Tây

Sau chuyến công du kết thúc các nhà lãnh đạo Nhật Bản nhận định rằng, nguy cơ trực tiếp cho nền độc lập Nhật Bản không cấp bách như họ nghĩ. Sự ưu việt của phương Tây chưa lâu, và Nhật Bản có thể đuổi kịp. Kume chỉ ra trong nhật ký hành trình: “Của cải và sự phồn vinh ở mức độ đáng kể mà người ta nhìn thấy tại châu Âu xuất hiện sau 1800... Năm 1830, tàu thủy hơi nước và xe lửa mới xuất hiện. Đó là sự thay đổi đột ngột trong nền thương mại châu Âu, và người Anh là người đầu tiên dồn hết năng lượng đầu tư vào sự đổi mới.”

Nhật Bản do đó chưa phải là tuyệt vọng. Tuy nhiên, phải nhanh chóng thay đổi toàn diện. Sự đối đầu quân sự chưa phải lúc, mà phải chấn hưng đất nước trước (như Phan Châu Trinh sau này). Đoàn có mang theo một số người bảo thủ, để cho họ thấy, phải cải cách đất nước trước, và một số người quá khích để họ thấy đối đầu quân sự là vô vọng. Những năm 1863-1864, dưới thời Hoàng đế Komei, bố của Minh Trị, người rất thù ghét phương Tây, Nhật Bản đã gây chiến với hải quân các nước Hoa Kỳ, Anh, Pháp và Hà Lan, nhưng đại bại, và phải bồi thường $3.000.000, một bài học đắt giá. Khác với những chuyến công du khác trong lịch sử có đích đến là Trung Hoa, chuyến đi này hướng về phương Tây.

Đoàn cũng nhận ra sâu sắc rằng, không có sự tham gia của nhân dân vào các định chế đại nghị thì không thể có sự đồng thuận cho các hành động của chính quyền. Kido dẫn kinh nghiệm của Ba Lan để chứng minh rằng, thiếu vắng sự tham gia của dân chúng sẽ là tai họa cho nền độc lập quốc gia. Ông cho rằng Năm điều thề ước năm 1868 chính là nền tảng của Hiến pháp cho phép mọi người tham gia; rằng (điều 2) “tất cả các giai cấp, cao cũng như thấp, sẽ hợp lại thực hiện mạnh mẽ chương trình của chính quyền; (điều 3) “tất cả các giai cấp được quyền thực hiện những hoài bão của họ mà không gặp phải khó khăn nào”.

Họ hiểu và tỏ ra kính trọng hơn giá trị của tôn giáo trong đời sống công dân cũng như chính trị. Khi trở về họ đã bỏ lệnh cấm hành đạo Kitô giáo.

Nhật Bản sẽ chấp nhận những giá trị phương Tây: tham gia, cạnh tranh và luôn luôn mở rộng ảnh hưởng. Chỉ có phát triển nội lực mới bảo đảm sự tồn tại của mình. Nhật Bản chấp nhận cuộc chơi mới. Giáo dục là then chốt. Trong khoảng 1868-1902, Nhật Bản đã cấp 11.148 visa du học. Đó là đợt thủy triều du học đầu tiên từ châu Á. Tư nhân tự nỗ lực cho con du học rất nhiều. Bản thân Iwakura và Kido cũng có con trai du học tại Mỹ (ở Rutgers) trong thời gian công du của đoàn.

Năm nữ sinh được gửi đi du học theo Sứ tiết Iwakura, từ trái sang phải: Nagai Shigeko, Ueda Teiko, Yoshimasu Ryoko, Tsuda Umeko và Yamakawa Sutematsu.

Sau chuyến đi, phái đoàn Iwakura thuê ngay hai chuyên gia quan trọng: Giáo sư David Murray của Đại học Rutgers cho lĩnh vực giáo dục tổng quát; Kỹ sư Henry Dyer của Đại học Glasgow làm cố vấn quan trọng cho Nhật Bản về việc xây dựng Kobu Daigakko (Đại học Kỹ thuật).

Chuyến đi mở màn làn sóng thuê chuyên viên nước ngoài toàn diện và ồ ạt. Năm 1875 Nhật đã thuê tổng cộng 500-600 chuyên viên nước ngoài về làm việc cho chính phủ. Tính đến năm 1890 Nhật đã thuê khoảng 3.000 chuyên viên tư vấn thường xuyên làm việc tại Nhật, đủ mọi lĩnh vực, ngành nghề. Riêng trong giáo dục, trong vòng 50 năm Bộ Giáo dục Nhật Bản đã thuê khoảng 400 thầy giáo nước ngoài từ các quốc gia phương Tây để dạy ở các đại học và các tổ chức học thuật khác. Năm 1873, Bộ Giáo dục phải trả một số tiền bằng khoảng 14% ngân quỹ cho giáo viên nước ngoài. Năm 1877 một phần ba ngân quỹ của Đại học Tokyo là dành cho người nước ngoài. Nhật Bản lần lượt thực hiện hai cuộc cách mạng công nghiệp trọng tâm, thứ nhất là công nghiệp nhẹ, thứ hai là công nghiệp nặng. 

Sứ đoàn Iwakura thực hiện đúng điều thứ 5 trong Năm điều thề ước của Hoàng đế Minh Trị và các nhà lãnh đạo trẻ xung quanh ông, rằng: “Tri thức phải được tìm kiếm khắp nơi trên thế giới, để mở rộng và tăng cường quyền lực của đế chế”. 

Chuyến công du Iwakura là một bài học kinh điển cho công cuộc đi tìm mô hình phát triển từ các quốc gia phương Tây. Chưa có dân tộc nào có năng lực quan sát trung thực và đưa ra những ý tưởng dự phóng, cũng như đủ quyết tâm theo đuổi đến khi thành công như họ.

Tác phẩm được trích đăng với sự đồng ý của Phương Nam Book.

Đọc bài viết

Trích đăng

Sứ đoàn Iwakura và bí mật từ chuyến Tây du lịch sử khiến nước Nhật phát triển thần kỳ

Published

on

Sứ đoàn Iwakura

Nhắc đến Minh Trị Duy Tân, không gì ý nghĩa hơn khi lật lại trang sử về Sứ mệnh Iwakura vì tính khai sáng như Columbus đi tìm Tân thế giới. Họ đem văn minh khai sáng “về trồng” trên mảnh đất Phù Tang, để mãi mãi là di sản chung của châu Á. 

Cải cách Minh Trị tôn Hoàng đế Minh Trị lên ngôi năm 1868 (lúc đó ông mới 16 tuổi), xoá bỏ chế độ Mạc Phủ, xoá bỏ các bất bình đẳng giữa các đẳng cấp xã hội, thành lập chính truyền trung ương, tái lập mối quan hệ hàng dọc và hàng ngang trong xã hội, người Nhật tạo điều kiện cho cuộc thay đổi một cách triệt để và hệ thống trong việc xây dựng một nhà nước hiện đại và một nền khoa học công nghệ hiện đại. Khẩu hiệu chính của họ là Fukoku kyohei (Nước giàu quân mạnh) và độc lập dân tộc, từng bước ngang bằng với các cường quốc phương Tây. 

Chuyến hải hành khám phá Hoa Kỳ và các nước châu Âu của sứ đoàn Iwakura kéo dài 1 năm 10 tháng (1871 - 1873), với một phái đoàn hùng hậu, gồm khoảng 100 người. Đoàn cũng có nhiều nữ sinh trẻ tuổi theo du học, phục vụ cho việc giáo dục phụ nữ sau này. 

Quyển sách Sứ đoàn Iwakura, tác giả Ian Nish biên soạn.

Ban đầu, họ lên kế hoạch đi thăm từ nhà máy, công xưởng, đến trường học, đại học, bệnh viện, bảo tàng, thư viện, toà án; nghiên cứu đời sống tính tình dân chúng, làng xã, thành thị, đặc thù của mỗi quốc gia, sự phồn vinh thời Victoria của Anh quốc, các thể chế chính trị khác nhau, các cơ quan chính trị, quân sự. Họ gặp tất cả đại diện giới thương mại, công nghiệp, thượng lưu, cầm quyền, chính khách, quân sự, vua chúa, Tổng thống Grant của Hoa Kỳ (người hùng trong cuộc chiến tranh Nam Bắc dưới thời Tổng thống A. Lincoln), Nữ hoàng Victoria của Anh, Vua Wilhelm I và Thủ tướng Bismarck của Phổ (Đức), Tổng thống Thiers của Pháp... Họ xuất hiện trong những bộ Âu phục quý phái.

Sứ đoàn Iwakura muốn làm rõ nền tảng của “văn minh khai sáng”, các nguồn gốc sức mạnh và sự phồn vinh của phương Tây. Trong giáo dục, một lĩnh vực hết sức quan trọng, họ muốn học hỏi các mô hình tổ chức giáo dục tiểu học, trung học và đại học. Đó là chuyến công du lịch sử đi tìm khai sáng (khai minh) cho Nhật Bản.

Nhà sử học Kume Kunitake nhìn thấy ở các viện bảo tàng Hoa Kỳ bản ghi chép về quá trình khai sáng, ông ý thức được rằng: “Nếu ý chí của con người không mạnh, họ không thể mở rộng quyền lực vươn ra khoảng cách lớn. Sự hưng vong của các quốc gia liên quan đến ý chí con người (dân tộc). Kỹ năng và sự giàu có, những điều này chỉ là thứ hai”.

Iwakura Tomomi (người mặc trang phục truyền thống) cùng 4 phó sứ (từ trái sang) Kido Takayoshi, Yamaguchi Masuka, Ito Hirobumi và Okubo Toshimichi. Ảnh: Ishiguro Keisho sưu tầm

Đối với phó sứ Kido không gì tạo ấn tượng cho ông bằng giáo dục ở Hoa Kỳ. Ông viết: “Không có gì khẩn trương đối với chúng ta hơn là các trường học, trừ khi chúng ta tạo được một nền tảng quốc gia vững vàng không lay chuyển được, chúng ta không thể nào nâng cao thanh thế đất nước trong nghìn năm tới... Dân tộc chúng ta không khác với các dân tộc Mỹ và châu Âu ngày nay; đó là vấn đề của giáo dục, hay sự thiếu hụt giáo dục”.

Nhật Bản sẽ chấp nhận những giá trị phương Tây: tham gia, cạnh tranh và luôn luôn mở rộng ảnh hưởng. Chỉ có phát triển nội lực mới bảo đảm sự tồn tại của mình. Nhật Bản chấp nhận cuộc chơi mới. Giáo dục là then chốt. Trong khoảng 1868-1902, Nhật Bản đã cấp 11.148 visa du học. Đó là đợt thủy triều du học đầu tiên từ châu Á. Tư nhân tự nỗ lực cho con du học rất nhiều. Bản thân Iwakura và Kido cũng có con trai du học tại Mỹ (ở Rutgers) trong thời gian công du của đoàn.

Sau chuyến đi, phái đoàn Iwakura thuê ngay hai chuyên gia quan trọng: Giáo sư David Murray của Đại học Rutgers cho lĩnh vực giáo dục tổng quát; Kỹ sư Henry Dyer của Đại học Glasgow làm cố vấn quan trọng cho Nhật Bản về việc xây dựng Kobu Daigakko (Đại học Kỹ thuật).

Chuyến đi mở màn làn sóng thuê chuyên viên nước ngoài toàn diện và ồ ạt. Năm 1875 Nhật đã thuê tổng cộng 500-600 chuyên viên nước ngoài về làm việc cho chính phủ. Tính đến năm 1890 Nhật đã thuê khoảng 3.000 chuyên viên tư vấn thường xuyên làm việc tại Nhật, đủ mọi lĩnh vực ngành nghề. Riêng trong giáo dục, trong vòng 50 năm Bộ giáo dục Nhật Bản đã thuê khoảng 400 thầy giáo nước ngoài từ các quốc gia phương Tây để dạy ở các trường đại học và các tổ chức học thuật khác. 

Hình ảnh đoàn cấp cao do nhà quý tộc Iwakura Tomomi dẫn đầu đến thăm Hoa Kỳ và các nước phương Tây vào năm 1871 với sứ mệnh Iwakura. Nguồn ảnh Kameda Kinuko.

Chuyến công du Iwakura là một bài học kinh điển cho công cuộc đi tìm mô hình phát triển từ các quốc gia phương Tây. Cuộc canh tân Nhật Bản theo mô hình phương Tây, như thực tế là con đường nhanh nhất. Năm 1895, Nhật Bản đã đánh thắng quân đội nhà Thanh của Trung Hoa. Cùng lúc, các quốc gia phương Tây chính thức chấp nhận các hiệp ước thương mại bình đẳng như giữa họ với nhau, có hiệu lực năm 1899, thay cho hiệp ước cũ bất bình đẳng. Điều đó mặc nhiên công nhận Nhật Bản bước vào “câu lạc bộ” các quốc gia phát triển. Chỉ vỏn vẹn sau 30 năm! Nhật Bản đã sao chép thành công mô hình xã hội phương Tây và cuộc công nghiệp hóa chỉ trong vòng ba thập niên mà không có mô hình phát triển nào trước đó làm tiền đề, quả thật là điều thần kỳ. 

Một trong những nhật báo, Kokunim Shimbun, hãnh diện đăng đàn rằng: “Như hệ quả của cuộc chiến (Trung - Nhật), vị thế của Nhật Bản trên thế giới đã thay đổi với sự lộ diện của ba đặc tính cơ bản của người Nhật. Trước hết, Nhật Bản vượt trội thế giới ở lòng ái quốc. Thứ hai, ở năng lực có một không hai là hấp thụ, sử dụng và ứng dụng nền văn minh hiện đại. Thứ ba, là bản chất hay tính khí mạnh mẽ và vững chắc”.

Nhắc đến Minh Trị Duy Tân, không gì ý nghĩa hơn khi lật lại trang sử về Sứ mệnh Iwakura vì tính khai sáng như Columbus đi tìm Tân thế giới. Họ đem Văn minh khai sáng về trồng trên mảnh đất Phù Tang, để mãi mãi là di sản chung của châu Á. Minh Trị Duy Tân có tác động cách mạng không chỉ cho Nhật Bản, mà cho cả châu Á trong tiến trình phát triển và tìm lại mình, với đầy những kịch tính. 

Năm 1878, biên bản hành trình của Kume Kunitake được xuất bản thành một bộ sách năm tập có tên Beio Kairan Jikki, gọi tắt là Kairan Jikki, được in lại nhiều lần từ năm 1977, có giá trị như bộ sử của chính phương Tây công nghiệp hóa thế kỷ XIX dưới cái nhìn sắc sảo của các lãnh đạo Nhật Bản. Đây là một bộ sách kinh điển rất đáng được tham khảo, nhất là cho những quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Những bài học năm xưa đọc lại vẫn thấy còn nóng hổi.

Trích đoạn

Không có sự phồn vinh, văn hóa của nhân dân không thể phát triển. Để cho lòng ái quốc tăng trưởng, nó phải phục vụ việc tạo ra của cải. Người ta nói, chúng ta phải bảo vệ đất nước, nhưng ích lợi gì nếu đất nước chỉ là mảnh đất cằn cỗi?

Chính sách quốc gia của Nhật Bản "mở cửa đất nước" không chỉ là một hành động mang tính ngoại giao. Nhiều quốc gia trên thế giới mở rộng cửa nhưng vẫn tiếp tục thực hành các tập quán man di, và bất lực trong cải cách, cũng như tu chỉnh các tập quán đó để có thể tiến lên trình độ văn minh", Ito Hirobumi - Thủ tướng đầu tiên của Nhật Bản.

***

"Chuyến đi có hai mục tiêu, thứ nhất là muốn giới thiệu với phương Tây về những gương mặt lãnh đạo mới của Nhật Bản và thương thảo lại các hiệp ước bất bình đẳng. Thứ hai là quan sát và đánh giá sự phát triển của phương Tây trong mọi lĩnh vực, từ chính trị, quân sự, văn hóa đến khoa học, công nghệ, sản xuất, thương mai, giáo dục và cách tổ chức quốc gia. Qua đó, tìm một mô hình khả thi phù hợp cho Nhật Bản nhằm chuyển đổi xã hội phong kiến lâu đời sang một quốc gia hiện đại, điều chưa có tiền lệ ngoài khu vực phương Tây. Nói đến Minh Trị Duy Tân, người ta không thể không nhắc đến chuyến đi lịch sử có tầm quan trọng chiến lược này", trích đoạn từ sách Sứ đoàn Iwakura, Ian Nish.

Về tác giả

Ian Nish (1926 – 2022) là học giả người Anh, nhà nghiên cứu Nhật Bản học, Giáo sư danh dự về Lịch sử Quốc tế tại Học viện Kinh tế và Chính trị London.

Đọc bài viết

Cafe sáng