Top sách hay

9 quyển sách viết về cộng đồng LGBT+

“Có ném đá nữa cũng không làm người ta bớt gay được đâu.” – Taylor Swift

Published

on

Bookish gửi tặng 9 quyển sách nổi bật xoay quanh những nhân vật thuộc giới gay, lesbian, bisexual, transexual,… Bạn sẽ bắt gặp mối tình nồng nhiệt mà câm lặng trong Đừng tự dối mình, những mảnh đời bất hạnh bị nhấn chìm trong bi kịch cay đắng của Nghiệt tử, sự cô đơn cùng cực của một người đàn ông luống tuổi vừa đánh mất người bạn đời trong Một con người. Những gam màu rực rỡ pha lẫn với vệt bóng xám tối, tạo nên một dòng văn chương vừa dị biệt, vừa phức tạp mà vừa gần gũi.

1. Đừng tự dối mình

Đừng tự dối mình là câu chuyện kể về mối tình đầu của chàng trai mười bảy tuổi, cùng một tương lai rộng mở, với vô vàn những đích đến, chính lúc này cậu bước vào tình yêu nồng nhiệt và bí mật với người bạn cùng trường, đây cũng là lúc cậu nhận thức đầy đủ về giới tính thực của mình. Câu chuyện mang những nỗi khắc khoải, băn khoăn về tuổi trưởng thành, về tình yêu và về chính bản thân mình trên cuộc đời này.

Nếu là một kỷ niệm, câu chuyện ấy không phải là một kỷ niệm bởi lẽ mối tình ấy chưa bao giờ trở thành kỷ niệm: câu chuyện ấy là một ký ức, tồn tại đâu đó trong não bộ, lẩn khuất đâu đó trong tâm hồn khiến ta tưởng đã bị xóa nhòa nhưng chỉ đợi một ngày có một hình dáng hiện ra trước mặt thì cả một khoảng thời gian của ký ức ấy quay trở lại, từng ngày, từng giờ, như chưa từng là quá khứ.

Nếu là một tình yêu, đó không phải là một mối tình để bày tỏ, để xuất hiện bởi lẽ câu chuyện tình ấy sâu kín như một bí mật, như một vùng khuất bên trong tâm hồn của một người yêu một người; vậy nên chuyện tình ấy sâu sắc không nhạt phai bởi nó chỉ thăm thẳm thuộc về hai người đang yêu ấy. Nó tồn tại say đắm khi hai người yêu ấy bên nhau; nó cũng vẫn tồn tại nhưng day dứt khôn nguôi khi một trong hai kẻ yêu ấy vắng bóng. Vì thế, có phải chăng, kể từ sự vắng mặt, những chuyện tình khác đều trở thành niềm an ủi? những chuyện tình khác chỉ là những hình bóng tiếp diễn của một tình yêu ban đầu?

2. Lưỡng giới

Jeffrey Eugenides đã mất gần 10 năm cho tác phẩm được nhiều nhà phê bình tôn vinh như “kiệt tác của văn học Mỹ đương đại”. Sau khi tình cờ đọc hồi ký của Herculine Barbin – người được sinh ra và nuôi dưỡng như một cô gái, sau đó được tòa án xác định là nam giới – Eugenides đã quyết định viết một cuốn tiểu thuyết về chủ đề liên giới tính.
Middlesex (Lưỡng giới) là một bản trường ca nghẹt thở, kể lại câu chuyện xuyên suốt qua ba thế hệ của một gia tộc người Mỹ gốc Hy Lạp.

Truyện lấy bối cảnh từ ngôi làng nhỏ ở bán đảo Tiểu Á kéo sang vùng đô thị Detroit của thời Cấm rượu ở Mỹ. Tiểu thuyết xoay quanh cuộc đời một nhân vật được sống và giáo dục từ nhỏ trong thân phận phụ nữ nhưng đến giai đoạn dậy thì mới phát hiện ra đúng giới tính thật của mình. Qua giọng kể của cô Calliope Stephanides, sau này trở thành anh Cal, người dẫn chuyện sỗ sàng nhưng dễ thương bậc nhất trong văn chương đương đại, những mâu thuẫn dẫn đến sự chuyển biến của xã hội, gia đình và cơ thể đã làm nên một tác phẩm vĩ đại.

Câu chuyện tiếp theo trải dài qua ba lục địa, và theo dấu cuộc đời ba thế hệ trong một gia đình gốc Hy Lạp. Là một tác phẩm đồ sộ, những chủ đề mà Lưỡng giới đề cập đến phong phú và rộng lớn hơn nhiều so với hình dung của độc giả khi nhìn vào nhan đề của tiểu thuyết này. Không chỉ kể câu chuyện về một chiếc gen đột biến, không chỉ thêm một ví dụ về di chứng bất thường của những cuộc hôn nhân cận huyết, Lưỡng giới còn kể về những con người phải bỏ lại quê hương trong khói lửa chiến tranh, về quá trình hòa nhập của những gia đình di cư điển hình, như ông bà nội và ông bà ngoại Cal, cha mẹ Cal. Xa hơn nữa, về những mâu thuẫn sắc tộc bị nén chặt trong lòng nước Mỹ, những nỗ lực bám lấy gốc rễ văn hoá quê nhà, cuộc bạo loạn năm 1967 ở Detroit, những tổn thương tâm lý tuổi dậy thì,…

3. Gọi em bằng tên anh

Gọi em bằng tên anh là câu chuyện tình yêu bất ngờ và mạnh mẽ nảy nở giữa thiếu niên 17 tuổi tên Elio với Oliver, một học giả Mỹ là khách trọ mùa hè ở căn biệt thự của ba mẹ Elio tại vùng duyên hải Riviera nước Ý thập niên 1980. Trong những tuần mùa hè sôi động ấy, dòng chảy cuồn cuộn ám ảnh và đam mê bị kìm nén càng làm mãnh liệt thêm tình yêu giữa hai chàng trai trẻ.

Cuốn tiểu thuyết đầu tay của André Aciman là một khúc bi ca chân thành và cảm động dành cho tình yêu con người. Một cuốn sách không thể nào quên.

4. Ba nghìn dặm

Ba nghìn dặm là tác phẩm đạt giải thưởng Printz năm 2018, hạng mục Tiểu thuyết hay nhất dành cho người trưởng thành. Marin, một cô sinh viên Đại học New York luôn thui thủi trong kí túc xá, kể cả vào ngày Giáng sinh và lễ lạc. Cô bỏ lại gia đình, bỏ lại mọi thứ sau lưng. Không ai biết được sự thật về những tuần cuối cùng đó, kể cả người bạn thân Mabel của cô. Nhưng ngay cả khi đã cách xa bờ biển California vài nghìn dặm, Marin vẫn cảm nhận được sự đeo bám của đoạn đời trước và tấn bi kịch mà cô luôn cố trốn tránh. Giờ đây, vài tháng sau, một mình trong kí túc xá trống vắng vào kì nghỉ đông, Marin chờ đợi. Mabel sẽ tới thăm cô, rồi Marin sẽ buộc phải đối mặt với mọi điều chôn giấu và cuối cùng là thách thức nỗi cô đơn đã ăn sâu vào cõi lòng cô.

Như một lời thì thầm sâu kín chứa đựng xung động khó phai nhòa, Ba nghìn dặm là tác phẩm đỉnh cao của Nina LaCour. Bức tranh được khắc hoạ tuyệt đẹp và chân thực đến nao lòng về nỗi buồn sẽ khiến bạn nóng lòng muốn vượt qua mọi khoảng cách để gặp lại những người bạn yêu mến.

5. Cô gái Đan Mạch

Câu chuyện bắt đầu vào một ngày nọ, khi chàng họa sĩ có tên Einar Wegener được vợ – cũng là họa sĩ – nhờ đóng vai một cô gái để làm mẫu vẽ tranh. Đồng ý trước đề nghị lạ lùng này, lần đầu khoác lên người bộ váy dịu dàng, đầy quyến rũ, Einar dường như quên rằng anh đang mang hình hài của một người đàn ông và tự đắm mình vào thế giới mới lạ với muôn vàn khát khao thầm kín…

Lấy cảm hứng từ câu chuyện có thật ở thủ đô Copenhagen (Đan Mạch) vào thập niên 1920, Cô gái Đan Mạch là hành trình phi thường của Einar để “phá kén thành bướm”, hóa thân thành cô gái xinh đẹp Lili Elbe, trở thành người chuyển giới đầu tiên trên thế giới. Cuốn tiểu thuyết là những đấu tranh nội tâm, những chật vật để kiềm chế và thể hiện Lili; là những khát khao lặng thầm và mãnh liệt luôn âm ỉ trong Einar từ thuở ấu thơ; sự trung thành, mạnh mẽ và khoan dung của nàng Greta; và cuối cùng, là những thách thức tới định nghĩa truyền thống về hôn nhân và tình yêu.

6. Nghiệt tử

Có lẽ không cần đọc tóm tắt, chỉ với cái tên Nghiệt tử, độc giả cũng đã đoán ra quyển sách này bàn về người đồng tính dưới góc độ như thế nào. Tác phẩm kể về một cộng đồng người đồng tính nam, tụ tập và hoạt động một cách âm thầm trong công viên Mới Đài Bắc, với bối cảnh là Đài Loan vào thập kỷ 80. Nhân vật chính là những người vừa chớm bước vào tuổi thanh niên, bị đuổi khỏi gia đình, sống lang thang hè phố, mỗi người mang theo một câu chuyện buồn thảm về thân thế và cuộc đời.

“Mỗi một tình tiết… đều hoàn mỹ đến mức như thể đã đem vô số đau thương nghiền vỡ thành những vụn vàng. Nghiệt tử giống như một vở ca kịch Baroque, mỹ hoá bóng đêm, treo một vầng trăng đỏ bầm lơ lửng trên bầu không đen kịt như than ướt. Bộ mặt bị che giấu của màn đêm thành phố, dưới ngòi bút của Bạch Tiên Dũng, đã được tái hiện một cách hoàn mỹ lạ lùng, khiến người ta như quên bẵng mất trên thế gian này vẫn còn có bình minh.” – Hugo Marsan, nhà phê bình văn học Pháp.

7. Một con người

Một con người đã khiến nhiều độc giả choáng váng khi khắc họa một cách trực diện đến tàn nhẫn ngày cuối đời của một trí thức đồng tính. George, một giáo sư văn chương Anh, đang nỗ lực tìm lại cân bằng sau cái chết bất ngờ của người bạn đời. Anh quyết duy trì nếp sống cũ, và điềm nhiên quan sát nhân sinh như một kẻ ngoài cuộc. Nhưng bên dưới nhịp sống bình lặng ấy là sục sôi giận dữ, cô đơn tột bậc, và đau đớn khôn khuây… Sự cô đơn chính là liều thuốc độc khiến con người chết dần, chết mòn trong tuyệt vọng. 

Một con người

“Một cuốn sách tàn khốc, nhức nhối, tuyệt diệu.” – Nhà thơ Stephen Spender.

“Tác phẩm Một con người là một trong những tiểu thuyết đầu tiên và xuất sắc nhất trong phong trào giải phóng người đồng tính hiện đại.” – Nhà văn Edmund White.

8. Đồng tính thì đã sao?

Người ta trở thành đồng tính như thế nào?Đó là tội lỗi? Đó là sự lựa chọn?

Không câu hỏi nào không được trả lời trong Đồng tính thì đã sao? Tất cả những vấn đề cơ bản – và không cơ bản lắm – được thâu tóm trong hơn một trăm câu hỏi đặt ra bởi những người ở lứa tuổi thanh thiếu niên như bạn vậy. Vì vậy câu trả lời chứa đựng tất cả thông tin mà bạn muốn biết. Và trong trường hợp bạn cảm thấy muốn chia sẻ, có một chương mới “chỉ dành cho cha mẹ” để gợi ý cho họ.

Tác giả Eric Marcus chia sẻ, quyển sách này dành cho bất kỳ ai quen biết với người đồng tính. Thế có nghĩa là nó dành cho mọi người, vì có ai mà không từng biết một người đồng tính trong đời mình: một người chị hoặc anh, cha mẹ, thầy giáo, hàng xóm láng giềng, bạn học, hoặc bạn bè. Hoặc có thể bản thân bạn đồng tính hoặc nghĩ mình đồng tính. Tất nhiên nhiều người không nhận ra họ có biết người đồng tính nam hoặc nữ vì nhiều người đồng tính rất khéo che giấu sự thật rằng họ đồng tính. Tại sao? Đó là một câu hỏi hay, và đó chỉ là một trong nhiều câu hỏi mà tôi đã trả lời trong quyển sách này.

9. Carol

Lần đầu tiên nhìn thấy Carol ở trung tâm mua sắm mà cô đang làm việc, Therese Belivet biết rằng mình đã yêu mặc dù lúc đó cô đang quen một anh chàng tên Richard. Đó là một tình yêu không cần cắt nghĩa, không cần lý giải, và cũng không cần trăn trở, nó đến với cô tự nhiên như nên thế.

Carol

Đặt trong bối cảnh nước Mỹ những năm 50, nơi bạn có thể nhận được tấm thiệp Giáng Sinh từ một người xa lạ, nơi bạn có thể mời một người mới quen đi uống cà phê, nơi mà tình yêu giữa hai con người cùng giới tính vẫn còn chịu nhiều điều tiếng, Carol là một câu chuyện tình vừa hiện thực lại vừa lãng mạn giữa Therese Belivet, một nhân viên thu ngân mơ làm nhà thiết kế sân khấu, và Carol, một người phụ nữ giàu có đang chuẩn bị ly dị chồng.

Đi ngược lại với những kết thúc buồn thảm trong các cuốn truyện cùng đề tài đương thời, Carol mang đến một cái kết hy vọng cho các cặp đôi đồng tính nữ. Xuất bản từ năm 1952, cho đến giờ, Carol vẫn được xem là một trong những cuốn tiểu thuyết kinh điển về đề tài này.

Hết.

Top sách hay

Soi mình trong mắt muôn loài: 4 cuốn sách buộc con người định nghĩa lại mối quan hệ với thế giới tự nhiên

Bạn có biết, một nàng chim di vằn có thể học hỏi cách kén chồng từ “hội chị em”? Một con bạch tuộc có thể đọc vị con người qua làn da chạm? Hay hải ly, loài gặm nhấm nhỏ bé bị săn lùng đến mức gần như tuyệt chủng thực ra lại là kỹ sư thủy lợi vĩ đại, giúp ngăn chặn lũ lụt và cháy rừng? Và khi trật tự của con người va chạm với bản năng sinh tồn của tự nhiên, ai mới thực sự là kẻ phạm luật?

Published

on

Trong một thế giới mà con người thường tự đặt mình ở vị trí trung tâm, khoa học hiện đại đang dần vén màn, hé lộ những điều kinh ngạc về đời sống nội tâm, trí tuệ và cấu trúc xã hội phức tạp của những sinh vật cùng chia sẻ mái nhà Trái Đất. Chúng không chỉ tồn tại một cách thụ động, mà còn biết tư duy, cảm nhận và cùng kiến tạo nên hành tinh này.

Chùm sách khoa học thường thức dưới đây, gồm Chim chóc chưa bao giờ ngốc, Tâm tư của bạch tuộc, Đế chế hải ly  Fuzz - Khi tự nhiên phạm luật, là bốn lăng kính đặc sắc soi chiếu vào thế giới động vật kỳ diệu. Mỗi cuốn sách vừa là lời mời, vừa là lời nhắc nhở để chúng ta học cách chung sống với thiên nhiên một cách khiêm tốn và hài hòa hơn.

Bộ ba chân dung loài: Khi khoa học phá tan định kiến

Động vật là giống loài vô tri, vô cảm ư? Hoàn toàn không. Ba cuốn sách đầu tiên sẽ chứng minh điều ngược lại, mở ra cuộc đối thoại sống động với ba loài vật phi thường, những đại diện xuất chúng của ba vương quốc: không trung, đại dương và đất liền.

Với Chim chóc chưa bao giờ ngốc, tác giả Jennifer Ackerman thực hiện một sứ mệnh đầy tham vọng – “giải oan” cho một giống loài thường bị đánh giá thấp. Cụm từ "não chim" từ lâu đã trở thành một lời miệt thị cho sự ngốc nghếch. Tuy vậy, bằng những nghiên cứu sâu rộng, Ackerman đã khắc họa loài chim như những thiên tài ẩn sau lớp lông vũ: quạ New Caledonia biết chế tạo và sử dụng công cụ phức tạp để kiếm ăn; giẻ cùi bụi miền Tây ghi nhớ chính xác hàng trăm nơi cất trữ thức ăn và biết ưu tiên đào trước những loại sắp hỏng; còn một cặp chim bạn đời có thể song ca hoàn hảo để giữ vững mối gắn kết đôi lứa. Không dừng lại ở việc liệt kê tập tính loài, tác giả còn đào sâu vào cấu trúc thần kinh học, chỉ ra mật độ neuron dày đặc bên trong khối óc nhỏ bé giúp chim xử lý thông tin nhanh chóng và hiệu quả. Đọc xong cuốn sách, bạn sẽ không thể nhìn những sinh vật bay lượn quanh mình như cũ được nữa.

Nếu chim chóc khiến ta phải xét lại định kiến về trí tuệ, thì Tâm tư của bạch tuộc lại mở ra một thế giới sâu thẳm hơn, nơi cảm xúc và ý thức hiện hữu trong một sinh thể xa lạ đến mức tưởng như đến từ hành tinh khác. Với ba trái tim, máu màu xanh và bộ não quấn quanh cổ họng, bạch tuộc là hiện thân của điều kỳ dị trong tự nhiên, nhưng cũng là minh chứng sống động cho khả năng kết nối vượt mọi ranh giới loài. Sy Montgomery bước vào Thủy cung Boston không phải với tư cách nhà nghiên cứu, mà như một người bạn. Những cuộc gặp gỡ giữa bà và bốn cá thể bạch tuộc Athena, Octavia, Kali và Karma là hành trình giàu cảm xúc, nơi cái chạm của xúc tu trở thành thứ ngôn ngữ tinh tế hơn mọi lời nói. Không cố gắng chứng minh rằng bạch tuộc “giống con người”, cuốn sách lựa chọn cách lắng nghe sự khác biệt bằng tất cả sự tôn trọng và cởi mở. Tâm tư của bạch tuộc không đơn thuần là một công trình khoa học, mà còn là lời tự sự đầy rung động của cá nhân tác giả về thiên nhiên, con người và cách chúng ta sống cùng nhau.

Hoàn thiện bộ ba chân dung là Đế chế hải ly, một khúc tráng ca về người hùng thầm lặng của hệ sinh thái. Trong suốt lịch sử tồn tại, con người chưa bao giờ thôi tin rằng mình là kiến trúc sư duy nhất có quyền kiểm soát, can thiệp và định hình mọi cảnh quan. Nhưng nhà báo môi trường Ben Goldfarb sẽ khiến bạn nghĩ lại, cúi mình và thán phục một loài gặm nhấm đang lặng lẽ hàn gắn thiên nhiên tốt hơn bất kỳ ai trong chúng ta. Bằng việc xây đập, hải ly tạo ra ao hồ và những vùng ngập nước trù phú, làm chậm dòng chảy, ngăn chặn lũ lụt và hạn hán, chống xói mòn và cháy rừng, từ đó nuôi dưỡng sự sống cho vô số loài khác. Đế chế hải ly là bản giao hưởng của sinh thái học, khoa học và triết học, nơi lời giải cho khủng hoảng môi trường không phải là kiểm soát nhiều hơn, mà là học cách khiêm tốn hơn và cộng tác với thiên nhiên.

Khi thiên nhiên phản kháng: Ai phạm luật ai?

Sau khi đã say sưa chiêm ngưỡng trí tuệ, tâm tư và quyền năng của các loài, độc giả sẽ được kéo trở lại mặt đất, một cách hài hước và sắc bén với Fuzz - Khi thiên nhiên phạm luật của tác giả Mary Roach. Bằng giọng văn châm biếm đặc trưng, bà đặt ra một câu hỏi oái oăm: Vậy chuyện gì sẽ xảy ra khi những sinh vật thông minh và đáng yêu... đột nhập vào nhà bạn, phá hoại mùa màng, hay thậm chí tấn công con người?

Cuốn sách là một chuyến phiêu lưu vào vùng giao tranh kỳ lạ giữa luật lệ của nhân loại và bản năng của tự nhiên. Roach không ngồi yên trong phòng để viết. Bà xông vào thực địa như một thám tử, điều tra các "vụ án": gấu đen liên tục xâm nhập gia cư bất hợp pháp ở Aspen, báo hoa mai "sát nhân hàng loạt" ở một ngôi làng Ấn Độ, hay đàn chim bị coi là "kẻ phá hoại nông sản". Qua đó, bà phơi bày sự phức tạp và đôi khi nực cười trong nỗ lực của con người nhằm quản lý tự nhiên như…tội phạm. Cuốn sách không kết tội bất kỳ loài nào. Thay vào đó, nó chỉ ra rằng động vật hoang dã thường chỉ phản ứng trong tuyệt vọng, khi môi trường sống của chúng bị con người xâm lấn hay biến đổi. Kết hợp giữa điều tra khoa học, quan sát xã hội và hài hước rất Mỹ, cuốn sách không đưa ra câu trả lời cuối cùng, nhưng gợi mở một chân lý đơn giản: muốn chung sống với tự nhiên, luật lệ không thể chỉ đến từ một phía.

Tái định vị con người trong thế giới tự nhiên

Từ trí tuệ ẩn sau lớp lông vũ đến cảm xúc lan truyền qua làn da bạch tuộc, từ tài năng tái thiết thầm lặng của hải ly đến sự phản kháng bản năng của gấu, báo và chim trời – mỗi loài đều lên tiếng theo cách riêng của mình. Những trang sách tưởng chỉ kể chuyện muôn loài, hóa ra lại là hành trình soi chiếu vào chính tâm trí con người: về vị trí của chúng ta trên Trái Đất, và về tương lai mà ta muốn cùng đi tới, không chỉ với nhau mà với cả những người hàng xóm động vật mà từ nay ta đã học được cách để lắng nghe.

Hoàng Thảo

Đọc bài viết

Top sách hay

Lớn lên cùng sách: Những cuốn sách nên tặng con trẻ vào ngày 1/6

Published

on

Tháng 6 đã đến, ánh nắng vàng lấp lánh và những tiếng ve râm ran có mặt khắp các nẻo đường, báo hiệu cho một mùa hè đầy sôi động. Đây chắc hẳn là một dịp đặc biệt để các bạn nhỏ có thể được nghỉ ngơi, vui chơi sau những tháng ngày học tập miệt mài.

Ngoài những hoạt động thể chất hay những chuyến du lịch thăm thú nhiều nơi thì việc đọc sách là một loại hình giải trí không thể thiếu trong dịp hè dành cho các bạn nhỏ. Nhân dịp Quốc tế Thiếu nhi - ngày dành cho tất cả những thiên thần đáng yêu trên thế giới, Bookish trân trọng giới thiệu một số tựa sách thú vị, gợi ý cho các bậc phụ huynh có thể tham khảo và dành tặng con trẻ của mình. Đây chắc hẳn sẽ là những gợi ý hữu ích và góp phần làm cho mùa hè của con trẻ thêm phần ý nghĩa.

Cùng Bé Lớn Khôn - Berry và Dolly

Berry và Dolly là hai nhân vật chính trong bộ truyện thiếu nhi cùng tên của nữ nhà văn người Hungary - Bartos Erika. Berry là một cậu chàng ốc sên tốt bụng và Dolly là một cô nàng bọ cánh cam dễ thương. Cả hai là đôi bạn thân thiết và học cùng lớp mẫu giáo. Bộ ba quyển sách Berry và Dolly bao gồm các tựa đề: Tình bạn tuyệt vời, Cùng bay nào, Đi học thật là vui. Tất cả sẽ xoay quanh những sinh hoạt thường nhật của hai người bạn nhỏ cùng với những người bạn côn trùng đáng yêu khác. Đó có thể là những ngày đầu tiên cả hai gặp mặt và kết bạn cùng nhau, những lần cùng nhau đến lớp học tập hay những trò vui đùa nghịch ngợm thú vị. Tất cả đều là những câu chuyện ngắn dễ đọc và đáng yêu dành cho trẻ nhỏ ở độ tuổi mẫu giáo. 

Có thể thấy, việc đồng hành cùng con trong quá trình lớn lên từng ngày là điều hết sức quan trọng. Điều đó quyết định việc nuôi dưỡng và hình thành nhân cách tốt đẹp bên trong mỗi đứa trẻ. Với việc lựa chọn tìm đọc bộ sách này, cha mẹ hoàn toàn có thể cùng con khám phá từng bài học được lồng ghép qua các mẩu chuyện nhỏ. Đó có thể là bài học về sự sẻ chia, công bằng, sẵn sàng thể hiện tình yêu thương, giúp đỡ những người xung quanh hay việc cần loại bỏ những ganh ghét, đố kị không đáng có… Ngoài ra còn vô số bài học bổ ích khác đón chờ cha mẹ cùng con khám phá. Ngoài phần nội dung thú vị, những hình vẽ minh họa do chính nữ tác giả thực hiện cũng là một điểm cộng rất lớn để chúng ta lựa chọn tìm đọc bộ truyện. Những nét vẽ sinh động với màu sắc bắt mắt được thể hiện qua từng trang sách sẽ giúp kích thích sự tập trung cũng như khả năng tưởng tượng, sáng tạo của con trẻ ở độ tuổi mẫu giáo.

Những thiên thần của người gác rừng

Tuổi thơ của mỗi người đều chất chứa những mảnh kí ức đặc biệt và đáng nhớ. Trong số đó, chắc hẳn mỗi bé gái đều đã từng say mê bên những người bạn gấu bông nhỏ xinh, mơ về một vùng đất lung linh có đầy ắp kẹo ngọt. Trong Những thiên thần của người gác rừng, ta cũng bắt gặp một cô bé đáng yêu như thế. Bé Mi có một đại gia đình thú bông. Em luôn chơi đùa, trò chuyện và yêu thương chúng như người thân. Trong chuyến về thăm quê ngoại ở mảnh đất Trung Bộ cùng mẹ, bé Mi mang theo hai người bạn gấu bông là Mèo Cà Chua và Bọt Biển. Tại đây, cô bé đã có những trải nghiệm đầy thú vị và làm quen được với nhiều người bạn mới, học hỏi thêm được biết bao kiến thức bổ ích. Đặc biệt, với chuyến đi thăm rừng cùng mẹ và gặp được ông lão gác rừng, bé Mi đã trải qua một cuộc phiêu lưu đầy nhiệm màu. Qua đó, em càng thêm hiểu và quý trọng hơn sự hiện diện hữu ích của thiên nhiên dành cho trái đất này.

Hình ảnh của đợt nổ bom mìn để khai thác đá trên núi, những dòng sông im bặt đối lập với hình ảnh của dòng sông si rô ngọt ngào, của những đàn bướm tung tăng bay lượn như một hồi chuông cảnh báo về việc thiên nhiên đang dần rời xa con người. Nếu không biết cách bảo vệ và tôn trọng thiên nhiên, có thể chúng sẽ vĩnh viễn biến mất. Mỗi đứa trẻ đều có thể là một sứ giả của thiên nhiên. Điều đó được thực hiện bằng cách cha mẹ có thể giáo dục con trẻ ý thức về việc bảo vệ môi trường và nhận biết được những hành vi sai trái có thể làm hủy hoại mảng xanh của trái đất thân yêu. Có thể thấy, đây là một tác phẩm vô cùng dễ thương và mang đến những bài học giáo dục đầy sâu sắc giúp nuôi dưỡng nhân cách của con trẻ. Một lựa chọn hoàn toàn thích hợp để cha mẹ có thể đọc cùng con và trao đổi với nhau về vấn đề môi trường, hệ sinh thái xung quanh chúng ta. 

Chú bé Thất Sơn

Câu chuyện bắt đầu từ chuyến đi về quê ngoại của hai chị em Thảo và Nam vào dịp hè. Từ thành phố náo nhiệt về vùng đất An Giang thanh bình, cả hai đã có một chuyến đi đầy thú vị và tràn ngập niềm vui. Tại đây, họ quen một người bạn mới tên Siêng trạc tuổi Nam. Siêng mồ côi cha mẹ từ sớm, phải bươn chải làm việc nên thân hình gầy guộc, rám nắng. Ấy vậy, cậu bạn lại vô cùng ham học và chăm chỉ đến lớp bổ túc vào mỗi buổi đêm. Qua những lần gặp mặt và trò chuyện cùng nhau, những người bạn mới quen lại càng thân thiết hơn. Những câu chuyện dung dị, mộc mạc nơi thôn xóm yên ả cứ thế được chầm chậm kể. Và cũng trong chính những hình ảnh đẹp đẽ, giản đơn ấy là bao bài học về cuộc sống, về tình bạn vượt ra khỏi khoảng cách giàu nghèo và nỗ lực vươn đến ước mơ của con người dù trong bất kì hoàn cảnh khốn cùng nào đi chăng nữa.

Cậu bé Siêng vất vả là vậy nhưng vẫn chăm chỉ ngày ngày đến lớp để được học tập và ngày càng đến gần hơn với ước mơ trở thành một kĩ sư nông nghiệp. Điều đó cho thấy được ý thức mạnh mẽ của Siêng về tầm quan trọng của việc học tập. Không chỉ là một tác phẩm có nội dung thú vị và mang tính giáo dục cao dành cho độ tuổi thiếu nhi, Chú bé Thất Sơn còn mang đến một bức tranh thanh bình nơi vùng quê sông nước những năm 90. Dãy núi Sam hùng vĩ, hình ảnh từng dòng sông, chiếc ghe chèo, rặng dừa nước, cánh đồng thơm mùi rơm rạ hay những ngày câu cá, đào khoai, bắt tôm đến quên thời gian. Tất cả tạo nên những rung cảm khó phai trong lòng người đọc. Ta còn có cơ hội bắt gặp những câu chuyện của quá khứ khốc liệt, nơi biết bao con người đã ngã xuống vì trận chiến của quân Pôn Pốt năm nào. Cùng với đó, cách kể chuyện nhẹ nhàng, tự nhiên cùng với ngôn ngữ bình dị, đậm chất miền Tây Nam Bộ cũng là một điểm cộng rất lớn giúp trẻ có thể tiếp cận với một trong những giọng văn đặc trưng của mảnh đất nghĩa tình này và thêm yêu, thêm quý những con người miền Tây chân chất, dễ mến.

Chú bé có tài mở khóa - Nguyễn Quang Thân

Nguyễn Quang Thân là một cây bút viết văn quen thuộc của văn đàn Việt Nam. Bắt đầu từ giữa thế kỉ XX, ông đã có khoảng thời gian sáng tác sôi nổi, cho ra đời nhiều tác phẩm truyện ngắn và tiểu thuyết nổi bật. Chú bé có tài mở khóa là một trong những tác phẩm đặc sắc của nhà văn, vừa mang đến cho ông giải thưởng Văn học thiếu nhi 1985 và vừa là quyển sách tuổi thơ của biết bao thế hệ độc giả yêu mến văn chương. Truyện kể về cuộc hành trình phiêu lưu đầy gây cấn của Hùng Lé - cậu chàng lém lỉnh có biệt tài mở khóa. Nhà ở vùng Cẩm Phả, vì giận cha mẹ, Hùng đã bỏ nhà đi ra cảng biển Hải Phòng và gặp phải băng trộm của thủ lĩnh Sáu Xồm. Tại đây, Hùng Lé lưu lạc, trở thành đàn em của Sáu Xồm và phải sống qua ngày nhờ tài mở khóa trộm. Ít lâu sau đó, Hùng gặp được cậu bạn tên Nam. Cậu bé người nhà quê nhân dịp nghỉ hè đi tàu lên Hải Phòng chơi để thăm cha. Trải qua nhiều biến cố cùng với Nam, Hùng Lé muốn thoát khỏi Sáu Xồm và trở về quê nhà. Dẫu vậy, hàng loạt những khó khăn lại tiếp tục ập đến, Hùng Lé phải tìm cách thoát thân và thực hiện trọng trách lớn lao là tìm ra Cóc Vàng - tên tội phạm nguy hiểm đã từng giết cha ruột của Hùng năm xưa. Có thể thấy, với cốt truyện li kì và mang đậm màu sắc phiêu lưu, Chú bé có tài mở khóa đã tạo nên một không gian đầy kịch tính, cuốn hút người đọc.

Nếu bạn đang muốn tìm kiếm một tác phẩm có nhiều những thông điệp và tầng nghĩa được khéo léo ẩn giấu thì Chú bé có tài mở khóa là một lựa chọn hoàn toàn phù hợp. Lần giở từng trang sách, người đọc như có cơ hội hóa thân vào trong tác phẩm, cùng với Hùng Lé trải qua chuyến hành trình đầy cam go để tìm cách thoát khỏi những điều xấu xa, đen tối và hướng đến một tương lai rộng mở, tươi sáng hơn. Nguyễn Quang Thân đã khéo léo xây dựng nên những màn đấu trí đầy kịch tính, có độ căng và gay cấn đến giây phút cuối cùng. Qua đó, ta nhìn thấy được cuộc rượt đuổi khốc liệt của cái thiện và cái ác. Sự đấu tranh cho công lí và lẽ phải cần đánh đổi bằng biết bao mồ hôi, nước mắt, thậm chí là sinh mạng của những vị chiến sĩ công an anh dũng. Còn với Hùng hay Nam, những cậu bé còn nhỏ tuổi nhưng dũng cảm và kiên cường đã lan tỏa tinh thần tích cực về một tình bạn đẹp và tầm quan trọng của việc học tập cũng như sự thiện lương luôn cần có trong mỗi con người. Vì vậy, đây quả là một tác phẩm phù hợp với những bạn nhỏ có tâm hồn phiêu lưu, thích khám phá.

Rung cảm đầu đời - Lê Quốc Triều

Minh Niệm là một cây bút quen thuộc khi viết về các tác phẩm liên quan đến việc nuôi dưỡng tâm hồn con người dưới góc nhìn của Phật giáo. Ngoài ra, ông còn lựa chọn ra mắt các tác phẩm dành cho thiếu nhi. Nổi bật trong số đó là tập thơ Rung cảm đầu đời được chấp bút từ khi tác giả vẫn đang ngồi trên ghế nhà trường, thuở hồn nhiên và ngây ngô nhất. Mỗi bài thơ là từng những câu chuyện nhỏ trong cuộc sống, lúc vui tươi hân hoan, khi sâu sắc lắng đọng cứ thế chầm chậm chạm vào trái tim người đọc.

Minh Niệm lựa chọn giữ nguyên tên thật của bản thân là Lê Quốc Triều để đề tên tác giả cho tập thơ. Điều ấy đã gợi lên hình bóng thân thuộc của cậu bé năm nào, người đã dành những rung cảm chân thành và đong đầy nhất để giúp cho những con chữ thành hình. Khi lựa chọn dành tặng tập thơ Rung cảm đầu đời cho con trẻ, chắc hẳn những vần thơ có thể dễ dàng nhận được sự đồng cảm sâu sắc. Lời thơ mộc mạc và gần gũi với biết bao câu chuyện trẻ thơ, được chắp thêm đôi cánh của trí tượng tượng vô tận và mộng mơ. Đặc biệt, những bài thơ ngắn có nhịp điệu như lời thì thầm êm ả hay thanh âm của một bài hát du dương. Tất cả có thể nuôi dưỡng niềm tin yêu cái đẹp và nghệ thuật cho con trẻ. Việc lựa chọn thể loại thơ cũng là một cách tiếp cận mới mẻ bởi không chỉ những tác phẩm truyện ngắn hay tiểu thuyết mà thơ cũng là một thể loại đặc biệt giúp con trẻ thêm yêu mến việc đọc và hình thành thói quen đọc sách.

Vừa rồi là một số gợi ý của Bookish dành tặng đến quý độc giả nhân dịp Quốc tế Thiếu nhi 1/6. Trong số vô vàn lựa chọn, hi vọng những tựa sách trên có thể giúp ích cho mọi người trong việc tìm được những quyển sách phù hợp với sở thích, tính cách và định hướng giáo dục con trẻ nhất. Bookish mến chúc bạn có thật nhiều những khoảng thời gian đọc sách vừa học vừa chơi thú vị cùng người thân để mùa hè này thêm trọn vẹn.

Ngọc Hân

Đọc bài viết

Book trailer

HÃY KỂ TÔI NGHE SỰ THẬT VỀ TÌNH YÊU- Những RED FLAG điển hình qua 13 câu chuyện trị liệu cặp đôi

Published

on

By

Hãy kể tôi nghe sự thật về tình yêu – tác phẩm nghiên cứu vừa được Phương Nam Book phát hành – của nhà trị liệu tâm lý Susanna Abse là một chuyến du hành đầy mê hoặc vào thế giới nội tâm phức tạp của tình yêu và các mối quan hệ.

Hãy kể tôi nghe sự thật về tình yêu xoay quanh chủ đề muôn thuở: tình yêu đôi lứa. Ngay từ những trang đầu tiên, Susanna Abse đã khẳng định một cách dứt khoát: Tình yêu đôi lứa là trọng tâm của đời sống con người. Bằng chứng là dù xã hội có phát triển hiện đại đến đâu, dù khoa học kỹ thuật có tiến xa đến nhường nào, thì bản năng khao khát kết nối, tìm kiếm một nửa yêu thương vẫn luôn hiện hữu trong mỗi con người. Chúng ta sinh ra là để yêu và được yêu.

Bóc trần từng lớp mặt nạ của tình yêu để đối diện với sự thật

Chúng ta đều biết rằng tình yêu không chỉ có màu hồng lãng mạn. Song hành cùng những cảm xúc thăng hoa, hạnh phúc, tình yêu cũng ẩn chứa muôn vàn góc khuất, những tổn thương, thất vọng và cả những nỗi sợ hãi khó gọi tên.

Với kinh nghiệm hơn 35 năm làm việc trong lĩnh vực tâm lý trị liệu, chứng kiến vô số những cuộc tình đến rồi đi, Susanna Abse nhận ra rằng, nguyên nhân sâu xa dẫn đến những mâu thuẫn, rạn nứt trong tình yêu đôi lứa phần lớn đều bắt nguồn từ những tổn thương thời thơ ấu, những khuôn mẫu nội tâm đã ăn sâu vào tiềm thức và chi phối cách chúng ta nhìn nhận bản thân, nhìn nhận tình yêu và cách chúng ta tương tác với người bạn đời của mình.

Trong tác phẩm Hãy kể tôi nghe sự thật về tình yêu, Susanna Abse đã thuật lại nhiều câu chuyện được lấy cảm hứng từ chính những bệnh nhân bà từng tiếp xúc. Mỗi câu chuyện như một mảnh ghép, góp phần phác họa bức tranh đa sắc màu về đời sống hôn nhân, phơi bày những tổn thương thầm kín và cả những khao khát thầm lặng của mỗi cá nhân. Tất cả đều như phản chiếu một ai đó trong chính chúng ta, những con người đã từng vấp ngã, lạc lối trên con đường đi tìm hạnh phúc.

Khi truyện cổ tích gặp gỡ phân tâm học

Ngay từ mặt cấu trúc, tác phẩm Hãy kể tôi nghe sự thật về tình yêu đã toát lên sự sáng tạo độc đáo, khác biệt. Mỗi chương trong sách đều lấy cảm hứng từ một câu chuyện cổ tích hay thần thoại quen thuộc, trở thành lăng kính để tác giả phân tích những khía cạnh khác nhau của tình yêu. Cách tiếp cận này không chỉ tạo sự gần gũi, dễ hiểu mà còn khơi gợi nhiều suy ngẫm sâu sắc.

Mười ba chương sách tựa như mười ba thước phim ngắn, lần lượt phác họa thế giới nội tâm của những cặp đôi đang vật lộn với những biến cố, thử thách trong tình yêu. Ta bắt gặp hình ảnh những bậc cha mẹ tự tay phá hủy rồi lại miệt mài xây dựng ngôi nhà rơm của mình, hay cô bé Khăn Đỏ cứ nhất quyết bảo vệ con sói đội lốt cừu, nàng Rapunzel khao khát tình yêu nhưng lại tự giam cầm trong chính tòa lâu đài cô độc của mình... Mỗi câu chuyện là một lăng kính soi rọi những vòng lặp hành vi, những bế tắc, những nỗi đau và khát khao yêu thương ẩn giấu sâu thẳm bên trong mỗi con người.

Từ đó, Susanna Abse đã không ngần ngại đưa người đọc đối diện với những góc tối, những mặt trái trong tình yêu như: sự phản bội, lừa dối, sự ích kỷ, chiếm hữu... Tuy nhiên, thay vì đánh giá hay phán xét, Abse lại dùng sự thấu hiểu, cảm thông để giúp người đọc nhìn nhận vấn đề một cách khách quan và nhân văn hơn.

Hành trình khám phá bản thân và nghệ thuật yêu thương

Tác phẩm Hãy kể tôi nghe sự thật về tình yêu còn là câu chuyện về chính Susanna Abse, về hành trình trưởng thành của bà trong suốt hơn 30 năm làm nghề trị liệu tâm lý đầy thử thách. Bà không ngần ngại chia sẻ những lúng túng, sai lầm non nớt thời mới vào nghề, hay cả những giằng xé nội tâm, những cảm xúc cá nhân khó tránh khỏi khi đối diện với những hoàn cảnh, những mảnh đời khác nhau. Chính sự chân thành, dám bộc lộ ấy đã phá vỡ bức tường vô hình giữa nhà trị liệu và bệnh nhân, để từ đó, ta thêm tin tưởng vào quá trình trị liệu, hiểu rõ hơn về bản chất của sự đồng hành, thấu cảm trong hành trình chữa lành.

Bên cạnh đó, tác giả còn bộc bạch rằng bà không có ý định đưa ra những lời khuyên hạnh phúc sáo rỗng hay các giải pháp nhanh chóng, tức thời; bởi lẽ từng cá thể, từng cặp đôi không phải là những bản sao giống nhau để tuân theo một công thức chung nào đó. Thay vào đó, thông qua những câu chuyện, những chiêm nghiệm của bản thân, bà khích lệ sự tự vấn, thôi thúc người đọc dám đối diện với chính mình, đánh giá lại những mối quan hệ xung quanh với cái nhìn thấu đáo và bao dung hơn.

Dù tập trung chủ yếu vào tình yêu đôi lứa, nhưng những bài học từ Hãy kể tôi nghe sự thật về tình yêu hoàn toàn có thể áp dụng cho nhiều dạng kết nối khác, chẳng hạn như tình bạn, tình cảm gia đình. Tác giả nhấn mạnh rằng chính sự chấp nhận những khiếm khuyết, yếu đuối của bản thân và người khác mới là chìa khóa cho một mối quan hệ bền vững. Ta nhận ra rằng, không chỉ tình yêu đôi lứa, mà bất kỳ mối quan hệ nào cũng cần sự vun đắp, chăm sóc và thấu hiểu lẫn nhau.

Hãy kể tôi nghe sự thật về tình yêu để lại trong lòng người đọc nhiều dư âm khó tả. Đó là sự đồng cảm sâu sắc với những thân phận, những mảnh đời trong truyện. Đó là nỗi trăn trở, băn khoăn về bản chất của tình yêu, về cách ta yêu thương và vun vén hạnh phúc. Trên hết, đó là lời nhắc nhở rằng tình yêu là hành trình khám phá vô tận và chính sự không hoàn hảo mới khiến nó trở nên đẹp đẽ, đáng trân trọng.

Trích đoạn

“Trên hành trình khám phá các mối quan hệ yêu đương, có hai khía cạnh về ‘sự thật’ giữa một cặp đôi rất cần phải đặt ra nghi vấn: sự thật thứ nhất liên quan đến việc đối diện với cảm xúc của chính mình và tri nhận trải nghiệm của bản thân; cái thứ hai liên quan đến việc đối diện với cảm xúc của đối phương và thấu hiểu trải nghiệm của họ.”

***

“Jung rất thông thái – là một nhà trị liệu tâm lý, tôi học được rằng tất cả các trải nghiệm của ta được định hình và ngập tràn dấu vết bởi những trải nghiệm trong quá khứ. Chúng ta tiếp cận mỗi một sự kiện hay mối quan hệ mới với tâm thế đầy định kiến – ta không bao giờ thoát khỏi những ảnh hưởng này; bất kể ta có ảo tưởng rằng mình là một chứng nhân khách quan và công minh với cuộc đời mình, nhưng thực tế không phải vậy. Quá khứ luôn sống trong hiện tại.

Nhận xét của báo chí

“Một cuốn sách lôi cuốn, thiết thực và nhân văn về những nỗi đau và hy vọng trong các mối quan hệ.”

Alain de Botton, Tácgiả nhiều đầu sách nổi tiếng về triết học thường thức

“Cuốn sách nên có trong tủ sách của bất kỳ ai muốn hiểu sâu hơn về những cung bậc cảm xúc trong tình yêu – từ khi say đắm đến lúc chia lìa.”

Philippa Perry, Nhà tâm lý trị liệu

“Mỗi trang sách đều mang đến cho tôi những kiến thức mới mẻ về con người, về các mối quan hệ và cuối cùng là về chính mình.”

Annalisa Barbieri, Nhà báo củatờ The Guardian      

Về tác giả

Susanna Abse

• Nhà trị liệu phân tâm học, với hơn 35 năm kinh nghiệm trong công tác trị liệu cá nhân, cặp đôi và phụ huynh.

• CEO của tổ chức thiện nguyện Tavistock Relationships (2006 - 2016).

• Chủ tịch Hội đồng Phân tâm học Anh (2018 - 2021).

• Tác giả của nhiều ấn phẩm về trị liệu cặp đôi, phương pháp nuôi dạy con, chính sách gia đình; cùng nhiều bài báo về các vấn đề chính trị và xã hội cho Guardian, New StatesmanOpen Democracy.

• Người dẫn chương trình “Britain on the Couch” năm 2019 trên kênh Channel 4 News.

• Đồng biên soạn The Library of Couple and Family Psychoanalysis của Routledge Books và là thành viên quản trị của Bảo tàng Freud ở London.

Đọc bài viết

Cafe sáng