Trà chiều

You Are the Apple of My Eye (2011)

Published

on

Giải quyết xong You Are the Apple of My Eye rồi…
Không nghĩ là tôi có thể khóc…

Vì đơn giản là phim 1 tiếng 49 phút thì xem đến 1 tiếng 40 phút tôi vẫn còn thấy rất bình thường, chưa lần nào quá buồn cả. Vậy mà đoạn gần kết thúc, tình huống đó bất ngờ với tôi quá… Khi nhìn anh ấy hôn chú rể của cô dâu với sự say mê mãnh liệt như thế, và tưởng tượng rằng đó là người con gái anh yêu… chính lúc đó tôi hơi ngỡ ngàng chứ cũng chưa khóc. Rồi phim kết thúc. Màn hình đen, dòng chữ credit đoàn làm phim hiện ra cũng chưa khóc. Tưởng thế là xong. Vậy mà không hiểu sao, cuối cùng cũng khóc cho được. Lại còn khóc rất nhiều. Giống như đó là nỗi buồn của tôi vậy. Lạ quá. Lần đầu tiên tôi mới khóc kiểu như thế. Trước đây chưa bao giờ như vậy. Nghĩa là, nếu phim buồn, thì tôi thường khóc ngay cảnh buồn đó, ngay khi bộ phim còn đang diễn ra chứ chẳng đợi nó hết rồi mới ngồi ôm chân một mình khóc sướt mướt như vậy. Lại cảm thấy ghét bản thân tôi vì dạo này dễ khóc quá. Nước mắt đâu mà nhiều thế. Chắc khóc luôn cho những năm tháng trước đây đã không khóc. Phải rồi, hồi cấp một, cấp hai vào trường bị bắt nạt, tôi muốn khóc lắm chứ. Nhưng tôi không thể khóc. Vì tôi chỉ có một mình. Tôi biết mình mà khóc là lại càng bị bắt nạt nhiều hơn. Do đó, tôi phải làm mặt lạnh lùng như không có gì, trò bắt nạt đó không ảnh hưởng đến tôi để mà sống, mà tiếp tục học. Nghĩ lại, không hiểu sao tôi có thể học suốt 9 năm trời trong môi trường như vậy nữa…

Trong phim, có một cảnh có lẽ với nhiều người nó là bình thường, nhưng nó làm tôi chạnh lòng. Đó là cảnh ngày lễ tốt nghiệp cuối năm, mọi người ghi đầy trên áo nhau những dòng chữ kỉ niệm. Hồi xưa, trường cấp một, hai và ba của tôi cũng như vậy. Nhưng năm nào thì những chiếc áo của tôi cũng sạch sẽ, trống trơn. Cấp một, ba cũng không có gì… Nhưng đến giờ tôi vẫn còn nhớ những ngày cuối cùng của năm cấp hai là tồi tệ nhất. Cảm giác bơ vơ, lạc lõng. Không biết phải đứng ở đâu, làm gì, đi đâu. Mọi người đem bút lông, hăm hở viết vào áo nhau. Còn tôi, chẳng có lấy một người bạn. Thế là trong giờ ra chơi thì tôi… dựa cột. Đi hết từ cột bê tông này đến cột bê tông khác trong hành lang. Chỉ như một cái mốc đánh dấu nơi đi qua. Rồi trong giờ học thì đọc truyện tranh. Còn nhớ bộ truyện tôi đọc lúc đó là Kindaichi. Cô giáo chủ nhiệm của những năm cấp hai lúc nào cũng ghi vào sổ liên lạc, hoặc nói trực tiếp với tôi rằng sao không mở lòng với bạn bè, sống như thế làm sao mà sống. Tôi chỉ im lặng. Bởi vì các cô không biết tôi bị bắt nạt. Tôi cũng không hiểu tại sao tôi lại bị bắt nạt. Ý tôi là, tôi im lặng, không nói chuyện với mọi người. Vậy thì có gì đâu? Tại sao mọi người không thể chỉ đơn giản là để cho cái đứa im lặng đó tự sống một mình lặng lẽ trong thế giới của nó mà cứ thấy nó im lặng quá rồi đi bắt nạt? Thà lờ đi sự tồn tại của tôi trong lớp còn hơn là cứ bắt nạt tôi như thế. Tôi mệt mỏi lắm… Mỗi lần mà bị cô giáo nói chuyện với tôi cuối giờ, tôi thật sự rất muốn hỏi ngược lại cô là phải làm sao đây, em phải làm sao. Đâu phải lúc nào chuyện cũng đơn giản rằng em nghĩ em muốn mở lòng là mọi người sẽ đón nhận, em nói chuyện là sẽ có người nghe? Tại sao cô không nghĩ rằng em đã từng thử? Em cũng đã từng thử rồi cô ạ… Và đã thất bại. Nên em mệt mỏi và không muốn bắt chuyện với ai nữa. Em chỉ muốn ở yên trong thế giới của em. Và viết, và viết mà thôi. Vì em khó nói nên những năm tháng đó, em mới siêng viết như thế.

Những năm tháng đó của tôi, đã chẳng có chuyện giống như những năm tháng trong phim. Chỉ là một chuỗi ngày lo sợ mai vào trường sẽ như thế nào, có bị bắt nạt nữa không, có bị bạn bè giễu cợt gì nữa không. Và một ngày trôi qua với tôi là thêm một niềm vui. Vì rằng ồ tôi đã qua được ngày hôm đó rồi sao. Và chỉ cần cố gắng qua được từng ngày, rồi sẽ đến từng tháng. Và cuối cùng là hè đến, chỉ việc ở nhà xem phim, đọc sách, viết truyện. Chẳng có một cuộc gặp gỡ với bất kì ai.

Nhưng tôi vẫn cảm nhận được, những năm tháng đó trong phim rất thật. Nó thật đơn giản bởi vì nó thật. Tôi biết đó không phải là những năm tháng của tôi nhưng lại là những năm tháng của nhiều người khác khi còn là học sinh.

Ngoài ra, tôi còn thích một chi tiết nữa. Đó là cách Kha Cảnh Đằng nói rằng: “Tớ thích hình ảnh của tớ những năm tháng ấy khi thích cậu.” Phải rồi. Thật lòng mà nói, tôi cũng có cảm giác đó. Vì vậy, tính ra là khi thích một người, thực ra người ta đang thích cả hai con người: một là chính đối tượng mình thích, hai là con người của bản thân mình khi thích người đó. Tôi nghĩ rằng đó là tình yêu lí tưởng. Yêu một người đồng thời tình yêu đó quá lớn, đến nỗi chính bản thân mình cũng thấy rằng nó đẹp, để rồi tự chính mình lại đi yêu hình ảnh của mình khi yêu người đó. Dù  sao, trong tình yêu dành cho một người nhiều như thế nào, cũng sẽ có chút phần tự yêu bản thân mà.

Tôi luôn biết một điều đơn giản rằng: chuyện gì xảy ra trong đời, dù có vẻ vô lí như thế nào, cũng đều có ý nghĩa của nó. Thế nhưng, mỗi khi gặp một chuyện buồn, một sự mất mát, không khi nào tôi có đủ bình tĩnh để nhìn ra được ý nghĩa của nó. Tất cả những gì tôi đã làm chỉ là chìm sâu hơn vào nó, đau, tiếc nuối, khóc cho những ngày đã qua.

Tôi vẫn chưa tìm ra được ý nghĩa cho sự trống rỗng hiện tại…

Nhưng, những năm tháng đó, những năm tháng đó thì tôi đã có câu trả lời rồi. Việc tôi bị bắt nạt như thế giúp tôi sau này dễ đồng cảm với nỗi đau của người khác hơn. Đó là một điều không phải dễ gì có được. Và chính vì những năm tháng đó, tôi đã luôn im lặng, không thể nói được nên tôi mới có thôi thúc viết. Chính vì khó nói lên suy nghĩ của mình nên khi viết, tôi lại càng dễ dàng diễn tả được điều tôi suy nghĩ hơn. Chính vì đã không thể sống thật là tôi, làm những gì tôi muốn ở ngoài đời thực nên tôi làm tất cả những điều đó trong thế giới do tôi tạo ra khi viết: sống thực với tôi, nói những điều tôi nghĩ và… nổi loạn. Đã luôn muốn nổi loạn nhưng ở ngoài đời chẳng có can đảm. Với tôi, viết chỉ đơn giản là thực hiện những điều tôi đã không thể làm được trong đời sống hiện thực.

Xem hơn phân nửa phim, ban đầu tôi có suy nghĩ: phim này cũng khá bình thường, hay thì có hay nhưng sao được nhiều người thích và thành công như vậy? Tôi biết, không khí phim tạo ra khá hay. Một không gian trầm mặc, điềm tĩnh, đúng chất hoài niệm và tự sự. Điều đặc biệt mà không khí phim tạo ra là cả hai mặt cảm giác về thời gian: vừa nhanh vừa chậm. Người ta vừa cảm giác được sự chậm chạp như kiểu một người bình thản kể câu chuyện đã qua của cuộc đời mình, vì nó đã qua rồi nên chẳng việc gì phải kể vội vàng. Đồng thời, đôi khi người ta cũng cảm giác thời gian trôi qua quá nhanh. Đó là do sự mất mát ở những điểm chuyển giao trong cuộc đời của các nhân vật. Có điều gì đó luôn mất mát, nhẹ nhàng, nho nhỏ thôi, khó nhận ra nhưng chắc chắn là có.

Tôi thích một đoạn nữa mà tôi nghĩ với nhiều người, có lẽ nó cũng bình thường, thậm chí với một số người có thể nó còn hơi dung tục. Đó là đoạn cả phòng kí túc xá thủ dâm khi xem phim con heo của Nhật. Mọi người đều đổ mồ hôi và lên đỉnh. Nhưng một người nói: “Cuối cùng, chúng ta làm tất cả chuyện này để làm gì…” Suy nghĩ đó cũng đã chợt đến với tôi đôi lần. Tại sao con người ta lại phải thủ dâm? Nếu không có một ai đó, tại sao không thể đơn thuần chỉ cần chờ đợi người đó đến rồi có thể từ từ làm sau cũng được, cần gì phải luôn làm trước như thế? Ngày còn bé, đương nhiên tôi không hiểu và không ủng hộ chuyện này. Lúc đó, chỉ nghĩ tại sao dục tính con người cao quá, chỉ cần yêu bằng tâm hồn cũng được mà. Nhưng sau này lớn lên dần hiểu, chỉ đơn giản thôi đó là bởi vì họ đã quá cô đơn. Vì cô đơn nên không thể chờ đợi, chờ đợi ai đó đến và chạm vào cơ thể mình. Khoảng thời gian ấy dường như quá dài… nên người ta chỉ còn cách tự chạm vào cơ thể để giải khuây. Đơn giản là vậy thôi. Tôi không hối hận vì đã xem bản uncut. Bản uncut chẳng qua chỉ đơn giản là có thêm khoảng chừng năm, sáu phút đoạn các bạn nam thủ dâm. Tôi thấy cảnh này chẳng có gì phải ghê gớm để cut cả. Cũng chẳng có gì ghê gớm để các bạn nam upload phim trên forum phải khuyên nhau rằng khi xem phim này với bạn gái, nên xem bản cut, đừng xem uncut.

Nụ hôn cuối phim, hay nhỉ…

Nếu như cô ấy muốn nghĩ đó là trò đùa trẻ con thì nó là trò đùa trẻ con. Còn nếu như nghĩ đó là tình cảm thật của anh ấy thì thêm một lần nữa, cô lại nhận ra anh ấy yêu mình nhiều như thế nào, đã muốn chạm vào mình như thế nào…

Kết thúc phim, tôi nhận ra một điều nữa: điểm đặc biệt của phim là có thể khiến người ta khóc mà không cần phải làm bất cứ một cảnh nào quá buồn hay quá cao trào. Mọi thứ cứ nhẹ nhàng diễn ra như cuộc sống. Cuộc sống thực ra cũng vốn có ít kịch tính. Nếu như cuộc sống có nhiều kịch tính thì có lẽ nó đã không khiến người ta phải đau như thế. Vì kịch tính nghĩa là cái gì cũng được đẩy lên quá mức, mà khi đẩy lên quá mức như thế người ta rất dễ dàng nhận ra mình đang buồn vì điều gì, đang mất mát đi điều gì. Còn cuộc sống ngoài đời thực thì cứ nhẹ nhàng trôi đi trên bề mặt nhưng là những nỗi buồn, những mất mát ẩn sâu bên trong, người ta khó nhận ra, không thể nhận ra được trước. Chính vì vậy, khi nó đến mới đau như thế, buồn như thế. Người ta thường dễ đau vì những điều mình đã nghĩ rằng lẽ ra nó vẫn còn tồn tại chứ không phải là mất đi như thế hơn những điều vốn ngay từ đầu đã cảm nhận được là sẽ sớm mất đi… Chính cảm giác mất mát mà không biết mình đã mất nó từ khi nào mới là thứ khiến người ta đau lòng nhất chứ không phải là chính bản thân sự mất mát. You Are the Apple of My Eye làm được điều đó. Mọi thứ thực và nhẹ nhàng nhưng lại chứa đựng sự mất mát ẩn sâu như cuộc sống.

“Khi bạn rất rất yêu một người nào đó thì bạn sẽ hạnh phúc khi thấy người đó có một người yêu thương và đang hạnh phúc…”

Phải rồi. Nếu yêu một ai đó thực sự thì tình yêu đó có thể chiến thắng được nỗi sợ hãi bị lãng quên trong mắt người mình yêu. Chỉ cần người đó được hạnh phúc là đủ rồi.

For lonely night missing the one who was always by my side…
You’re the apple of my eye.

Hết.

Kodaki

Trà chiều

“Hành trình Anh Hùng” ẩn trong Xứ Cát

Published

on

    Dựa trên công trình nổi tiếng Người hùng mang ngàn khuôn mặt của Joseph Campbell và các tương đồng trong lĩnh vực tâm lý học của Jung và Freud, tác giả Christopher Vogler đã cho độc giả một cái nhìn khác về cấu trúc tương đồng của hàng triệu câu chuyện từ cổ chí kim qua cuốn Hành trình người viết vừa được ra mắt.

Một cuốn sách quan trọng

       Cấu trúc nói trên xuất hiện từ các truyện cổ dân gian đến tiểu thuyết hiện đại, từ những bài đồng dao quen thuộc đến các bộ phim “làm mưa làm gió” tại Hollywood… Hành trình người viết không chỉ là một cuốn sách giúp ta nhận ra những rường mối quan trọng của nghệ thuật kể chuyện, mà song song đó còn là bài học để mỗi độc giả có được khả năng là một người viết.

       Vốn là một người tư vấn cốt truyện của Hollywood và đã kinh qua hàng nghìn kịch bản trong cuộc đời mình, Vogler có khả năng nhìn thấy những mối liên kết cũng như những điểm suy yếu trong các tác phẩm. Từ những đúc rút và kho kinh nghiệm bản thân có được, ông đã tạo nên cuốn sách vô cùng hấp dẫn. Để kiếm chứng điều đó, hãy thử lần ngược siêu phẩm Xứ cát chuyển thể tiểu thuyết khoa học viễn tưởng cùng tên của Frank Herbert do đạo diễn Denis Villeneuve thực hiện và so nó với những gì được tổng kết lại, để xem hành trình anh hùng của Vogler có giao điểm nào với Paul Atreides – người thanh niên đã làm nên những khoảnh khắc vô cùng chói lọi.

       Theo Vogler, nói thật gọn ghẽ thì hành trình anh hùng bắt đầu khi nhân vật chính được giới thiệu ở THẾ GIỚI BÌNH PHÀM nhận được TIẾNG GỌI PHIÊU LƯU. Ban đầu họ MIỄN CƯỠNG, thậm chí buông lời TỪ CHỐI, nhưng do nhận được sự khích lệ từ SƯ PHỤ để VƯỢT QUA RÀO CẢN ĐẦU TIÊN, mà họ đã tiến vào Thế Giới Đặc Biệt - nơi họ sẽ gặp các KHẢO THÍ, ĐỒNG MINH VÀ KẺ THÙ. Sau đó họ TIẾP CẬN HANG ĐỘNG TRONG CÙNG, vượt qua rào cản thứ hai, nơi phải chịu đựng KHỔ HÌNH. Họ vượt qua, chiếm lĩnh PHẦN THƯỞNG và bị truy đuổi trên ĐƯỜNG VỀ với Thế Giới Bình Phàm. Không dừng ở đó, họ vượt qua rào cản thứ ba, trải nghiệm HỒI SINH và được chính trải nghiệm đó biến đổi. Cuối cùng họ TRỞ VỀ CÙNG THẦN DƯỢC, cùng lợi ích hoặc kho báu có lợi cho Thế Giới Bình Phàm.

Hành trình người viết không chỉ là một cuốn sách giúp ta nhận ra những rường mối quan trọng của nghệ thuật kể chuyện, mà song song đó còn là bài học để mỗi độc giả có được khả năng là một người viết. Ảnh: N.M.

Chặng đường phân tích      

       Áp vào Xứ cát, THẾ GIỚI BÌNH PHÀM của chuỗi phim này bắt đầu ở một hành tinh cách xa Trái Đất - nơi mà mọi thứ đều như không tưởng với những tiến bộ liên hành tinh và những thực thể vô cùng kỳ dị. Ở đó Công tước Leto của Gia tộc Atreides – người cai trị hành tinh đại dương Caladan - là nhân vật chính và nổi bật nhất. Nơi ông cai trị là phiên bản khác của một Trái Đất ngay bây giờ đây, với cây xanh bao phủ tươi tốt, với biển cả vỗ sóng và bầu không khí vô cùng trong lành. Về mặt chính trị, nhà Atreides được cư dân vô cùng ủng hộ vì mang đến sự bình yên và cân bằng. Sơ lược qua những nét này, có thể thấy Herbert (và cả Villeneuve) đã làm rất tốt trong việc xây dựng bối cảnh có tính đối lập liền ngay sau đó, để nhân vật chính bước vào hành trình của bản thân mình.

THẾ GIỚI BÌNH PHÀM của chuỗi phim này bắt đầu ở một hành tinh cách xa Trái Đất, nơi mọi thứ tươi tốt bất ngờ. Ảnh: Screen Rant

       Như đã nói trên, TIẾNG GỌI PHIÊU LƯU nhanh chóng xuất hiện khi Hoàng đế Shaddam của toàn đế chế nhanh chóng bí mật liên minh với nhà Harkonnen nhằm tránh khỏi sự uy hiếp mà rất có thể trong tương lai gần Leto sẽ tự đạt được. Vậy là một cuộc tàn sát được lên kế hoạch. Thoạt nhìn, có thể thấy Herbert dùng một motif vô cùng thân quen trong các sử thi từ cổ chí kim, khi đó là tranh giành quyền lực, đấu đá lẫn nhau. Và để tạo ra 2 phe kình chống, ông cho một bên lăng kính tích cực, còn phía còn lại tiến hành liên minh, và cũng vì thế mà thế trận ấy nhanh chóng cân bằng. Ta thấy điều này trong rất nhiều nơi, từ Tam quốc diễn nghĩa đến Con ngựa thành Troy, từ bộ Shogun đến bộ Taiko…Một điểm chung khác là sự báo hiệu cho câu chuyện dịch chuyển, khi người cha Leto nhanh chóng mất mạng để Paul Atreides – người con trai cả - sẽ thay bản thân bảo vệ gia đình, trả thù cho điều đã mất. Do đó mà Paul quyết định lên đường.

Herbert dùng một motif vô cùng thân quen trong các sử thi từ cổ chí kim, khi đó là tranh giành quyền lực, đấu đá lẫn nhau. Ảnh: LA Times

       Ở đây ta có thể thấy có những cổ mẫu vô cùng truyền thống được Herbert sử dụng. Trong đó Paul là anh hùng bị động – một người được đặt vào tình thế không thể khác hơn, và suốt hành trình sau đó từng bước học hỏi sẽ khiến cho anh dần dần chủ động. Đối diện trước trọng trách đặt lên bản thân, Paul dường như không có được động lực nào – một điều cũng là một chặng đường khác trên hành trình anh hùng. Rất may mẹ anh – Lệnh bà Jessica – người vừa là SƯ PHỤ, vừa là ĐỒNG MINH nhưng cũng có khi là kẻ ĐEO MẶT NẠ và cả BÓNG ĐÊM đã nâng đỡ anh và hướng anh theo con đường đúng đắn. Quê nhà tan tác trong khi bản thân thì bị truy sát, anh sớm VƯỢT QUA RÀO CẢN ĐẦU TIÊN để giữ được mạng sống nhờ vào những cận thần trung thành với mình. Hành trình này dễ thấy không quá phức tạp, và Herbert sẽ lại dồn nhiều sức hơn ở phía sau.

Paul và mẹ mình, thoạt nhìn, chính là 2 cổ mẫu anh hùng và sư phụ theo cấu trúc của Vogler. Ảnh: Den of Geek

       Chính khi bước vào THẾ GIỚI ĐẶC BIỆT - ở chiều rộng hơn là một cuộc sống không còn uy quyền của cha, không còn hành tinh Caladan mình vốn quen thuộc, anh đã gặp được những người bản địa Arrakis - những chiến binh thiện nghệ sống nơi sa mạc gọi là Fremen. Như vậy kể từ lúc này thì chặng thứ 2 của hành trình anh hùng chính thức bắt đầu. Cả Herbert và Villeneuve đều dành rất nhiều thời lượng cho giai đoạn này, để khắc ghi một hành tinh mới với loài sâu cát và quy luật sinh tồn ở thế giới mới, với các chi tiết như dịch nhầy sâu, với hương dược, với cách tạo nước và những con người mắt xanh biêng biếc có kỹ năng phi thường… Trong chương đoạn này, những cuộc KHẢO THÍ mà ĐỒNG MINH và KẺ THÙ liên tục xuất hiện cũng được diễn ra. Chẳng hạn KHẢO THÍ nằm ở chi tiết Paul phải chiến đấu với một người Fremen để chứng minh mình thuộc về nơi này trước khi được họ cứu giúp. Đối với những người bản địa, anh vừa là ĐỒNG MINH nhưng cũng là KẺ THÙ khi đã giết chết một trong số họ để mà bước tiếp.

Trận chiến của Paul trước một chiến binh Fremen chính là một cuộc KHẢO THÍ. Ảnh: Screen Rant

Những vòng lặp kép      

       Thế nhưng KHẢO THÍ không dừng ở đó, mà sau đấy liên tục là những bài học để cưỡi sâu cát, những trận oanh tạc vì phát hiện ra căn cứ bên dưới lòng đất của người Fremen… Chúng liên tục xuất hiện để thử thách Paul, để rồi cuối cùng anh được mọi người nhận ra chính là vị Thánh ghi trong sử sách toàn cõi ngân hà. Đa số thời lượng của phần 2 tương ứng với HANG ĐỘNG TRONG CÙNG – nơi anh chứng minh bản thân và giành được quyền vươn lên dẫn đầu. Ta thấy ở đây Herbert rất tài tình khi song song với những bước tiến về mặt quyền lực, thì cõi lòng Paul cũng chịu tra tấn trong những thay đổi của bản thân mình. Có thể nói tuy chặng đầu tiên của HÀNH TRÌNH ANH HÙNG đã gần hoàn thành xong với nhân vật này ở phía bên ngoài, nhưng thật ra một HÀNH TRÌNH ANH HÙNG khác cũng đang mở ra trong nội tâm anh, khi phải chứng kiến mục đích thật sự của mẹ anh – Lệnh bà Jessica, cuộc hôn phối với Công chúa của vua Shaddam và những biến động bên trong Chani.

Chani cũng là một nhân vật có hành trình anh hùng song song khác. Ảnh: Collider

       Khép lại 2 phần phim của Villeneuve, hiện Paul và Xứ cát đang dừng trước “trận đánh” quyết định để mang về PHẦN THƯỞNG và dần tiến đến HÀNH TRÌNH TRỞ VỀ. Tuy khép lại tại đây nhưng có thể thấy Xứ cát là bộ tác phẩm đậm tính sử thi mà mỗi nhân vật lại tự sở hữu một HÀNH TRÌNH ANH HÙNG riêng biệt. Ta thấy nó trong Chani mà “con đường” cô đi chính là tình cảm với Paul và trách nhiệm với cộng đồng Fremen của mình. Ta thấy nó trong Lệnh bà Jessica và tham vọng của bà với nhóm tôn giáo Bene Gesserit. Trong khi đó một nhân vật mới – em gái của Paul – cũng sắp xuất hiện. Và tuy chỉ mới nằm trong bụng mẹ nhưng nó cũng đang dần có những HÀNH TRÌNH ANH HÙNG nhất định, trong việc nhất tề chi phối và biến các nhân vật xung quanh mình trở nên phức tạp.

Ở phần 2, Lệnh bà Jessica là một nhân vật vô cùng bí hiểm. Ảnh: Screen Rant

       Ngoài điều đó ra, Herbert cũng rất thành công trong việc “đeo mặt nạ” cho các nhân vật, để ta không thể lường trước đường đi nước bước của bản thân họ. Chẳng hạn phút trước Paul và Chani còn rất mặn mà, nhưng ngay sau đó mọi chuyện đổi khác khi anh chấp nhận lấy Công chúa như đại diện cho chiến thắng của mình. Lệnh bà Jessica cũng nằm trong “ngã ba” ấy, khi không ai biết một cách rõ ràng bà đang từng bước leo lên theo quyền lực của con trai mình, hay chính bà mới là kẻ thao túng tất cả, trả thù cho điều đã mất? Và nếu điều ấy là thật, hóa ra cổ mẫu anh hùng mà ta xác định ngay từ ban đầu đã đổi bản chất. Paul từ mẫu bị động chuyển sang chủ động với chính những gì mà mình học hỏi, nhưng nếu vai trò của mẹ anh lớn hơn, thì hóa ra Paul chỉ là một kiểu anh hùng xúc tác – người có vị trí là bàn đạp cho hình tượng khác bước lên vũ đài danh vọng. Áp chính lý thuyết của Vogler vào Xứ cát bản phim của Villeneuve, ta thấy vì sao mà tác phẩm này thành công vang dội trong các năm qua. Dù biết một cách khái quát đó là trùng trùng lớp lớp âm mưu, nhưng khi được phân tích dưới cổ mẫu và những điểm nút quan trọng của hành trình anh hùng, ta sẽ lại thấy những chi tiết này hiện ra phức tạp, gắn kết ra sao.

Ngô Minh

Đọc bài viết

Trà chiều

Sứ Đoàn Iwakura đạt Giải thưởng sách Quốc Gia 2024

Published

on

Giải thưởng Sách Quốc gia là giải thưởng do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức hàng năm, trao giải cho những cuốn sách (bộ sách) có giá trị nổi bật về nội dung tư tưởng, tri thức, thẩm mỹ nhằm tôn vinh tác giả, dịch giả, nhà khoa học và người làm công tác xuất bản.

Tối ngày 29.11.2024 tại lễ trao Giải thưởng Sách Quốc gia lần VII, tác phẩm Sứ Đoàn Iwakura - Chuyến Tây Du Khảo Cứu Nhằm Canh Tân Nhật Bản Thời Minh Trị (Ian Nish biên soạn, Nguyễn Hoàng Mai - Nguyên Tâm dịch) hân hạnh được vinh danh giải Khuyến khích.

Sứ Đoàn Iwakura là tác phẩm nghiên cứu tập hợp nhiều tư liệu giá trị, giúp độc giả hiểu rõ hơn về chuyến du khảo nhằm canh tân Nhật Bản thời Minh Trị dưới góc nhìn của người phương Tây. Để có một đường lối phát triển đất nước hoàn toàn mới, người Nhật đã khởi động chuyến công du gọi là Sứ mệnh Iwakura thăm Hoa Kỳ và nhiều nước châu Âu. Đây là một chuyến đi lịch sử có tầm quan trọng đến mức khi nhắc về Minh Trị Duy Tân, người ta lập tức nhớ đến chuyến đi này.

Sách dày 427 trang, gồm 11 chương tổng hợp các bài viết của Ian Nish và 12 chuyên gia trong lĩnh vực quan hệ quốc tế khu vực Nhật Bản và Đông Á. Tám chương đầu, độc giả sẽ cùng phái đoàn đi qua tám cường quốc từ Mỹ, Anh, Pháp, Bỉ, Đức, Nga, Thụy Điển và Italy. Bản ghi chép của những học giả góp phần tái hiện hành trình tìm kiếm “văn minh khai sáng” của sứ đoàn Iwakura tại trời Âu dưới góc nhìn của người phương Tây. Ba phần còn lại trong ấn phẩm là bài phân tích, nhận định của chuyên gia lịch sử, đánh giá tình hình nước Nhật sau chuyến công du.

Để hiểu thêm về một lát cắt lịch sử quan trọng của Nhật Bản, cũng như đọc thêm về chuyến đi được mệnh danh là “Chuyến công du lịch sử thay đổi nước Nhật”, mời bạn tìm đọc sách tại đây hoặc tại hệ thống các nhà sách Phương Nam trên toàn quốc.

Đọc bài viết

Trà chiều

Nhà Sách Phương Nam đồng hành cùng các bạn học sinh tham gia cuộc thi ‘F1 in Schools’

Published

on

F1 in Schools là một giải đấu mang tính giáo dục, cạnh tranh toàn cầu do Formula One kết hợp với chương trình quốc tế STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học). Giải đấu được tổ chức hàng năm dành cho học sinh trung học với mục đích giới thiệu kỹ thuật cho những người trẻ tuổi trong một môi trường thú vị. Mỗi đội thi (từ 3 - 6 học sinh) phải thiết kế và chế tạo một chiếc xe đua Công thức 1 cỡ nhỏ từ Khối mô hình F1 chính thức bằng các công cụ thiết kế CAD/CAM.

Năm 2024, ADUA Racing - đội bao gồm các học sinh cấp 2 của trường British International School Ho Chi Minh City đã vinh hạnh giành được cơ hội tham gia vòng chung kết cuộc thi F1 in Schools ở Dubai, Ả Rập Saudi. Đây là đội duy nhất đại diện Việt Nam tham gia vòng chung kết năm nay.

Những nỗ lực rèn luyện, khả năng sáng tạo, tư duy học tập đáng ngưỡng mộ của các em học sinh trong giải đấu này phù hợp với định hướng và giá trị cốt lõi mà Nhà Sách Phương Nam luôn muốn đem lại cho các bạn đọc và khách hàng trên toàn quốc.

Vì vậy, Nhà Sách Phương Nam hân hạnh trở thành nhà tài trợ đồng hành cùng đội thi ADUA Racing trên hành trình vươn ra thế giới. Nhà Sách Phương Nam hy vọng nỗ lực này sẽ góp phần ươm mầm cho những tài năng tương lai, khuyến khích người trẻ phát triển tư duy độc lập, sáng tạo.

Nhà Sách Phương Nam luôn chú trọng hỗ trợ, khuyến khích thế hệ trẻ phát huy tối đa tiềm năng của bản thân. Bên cạnh đó, hệ thống Nhà Sách Phương Nam vẫn luôn nỗ lực trên hành trình kết nối bạn đọc đến với thế giới tri thức thông qua những cuốn sách hay và các hoạt động ý nghĩa.

Cảm ơn sự ủng hộ của các độc giả và khách hàng đã tạo điều kiện để Nhà Sách Phương Nam tiếp tục đồng hành cùng thế hệ trẻ trên những chặng đường đầy ý nghĩa trong tương lai.

Đọc bài viết

Cafe sáng