Sáng tác

Truyện ngắn: Thiếu nhi đánh cờ tướng (Kỳ Y)

Published

on

Tại đại hội cờ tướng tiểu học cấp thành phố năm đó, quận Phú Nhuận cử ba em học sinh tiểu học đạt giải cấp quận đi thi đấu. Tôi và hai người khác trường – chúng tôi hẳn vẫn còn hỷ mũi chưa sạch nhưng đã vác một trọng trách to lớn. Tôi là đứa trẻ nhất, lớp hai, còn lại là một anh lớp bốn và một anh lớp năm. Phú Nhuận chưa bao giờ được giải nào cả, cái trường của tôi cũng chưa, và rất nhiều thứ chưa, chưa, chưa chỉ càng khiến tôi muốn mình là người đầu tiên phải chiến thắng. Đầu tiên, phải, đó cũng là năm đầu tiên tôi biết chơi cờ rồi đi thi đấu. Với sức chiến ngoan cường nén trong một đứa nhỏ thó, tôi đã có mặt ở đây sau hai vòng đấu trường và đấu quận khắc nghiệt. 

Sau trận đầu tiên thắng “xiềng” (theo lối nói từ ba tôi), huấn luyện viên quận gọi chúng tôi ra. Tôi, như một thằng láu cá háo thắng, xâu kẻ thù thành một xiên, bắt đầu vẫy vẫy cái xiên ấy rồi khoe tới tấp dẫu cái xiên mới chỉ tòng teng một chiến lợi phẩm. Ôi tôi tưởng như mình vô địch đến nơi! Dù nhà thi đấu trần cao như nhà hát và hoàn toàn khiến những đứa nhỏ chúng tôi vốn nhỏ lại càng teo nhỏ hơn vì kinh hãi, nhưng tôi, dường như lại bình tĩnh hơn cả. Khi thấy biên bản ghi điểm, ông huấn luyện viên khá hài lòng. Ông ta bắt đầu nhắc lại rằng ráng sức thắng những ván đầu, việc này rất quan trọng vì chúng tôi thi theo hệ số cộng dồn nên nếu thua thì xem như thua về đường dài. Còn nếu không thắng được thì hãy cố thủ hòa, vớt vát và có thể lội nước rút ở những ván sau. Nhưng thắng vẫn hơn, chỉ có thắng mới vui hết công suất được. 

Ba tôi cũng có mặt tại đó, nhìn ông hớn hở tôi biết ông rất mong thấy tôi được giải. Tôi nhớ đây là quãng thời gian hiếm hoi tôi xem ông như một người bạn, ông không còn là ông Nghị mà tôi vẫn khiếp sợ (Nghị: Ngờ-i-nghi-nặng-nghị – một loạt tổ hợp những thứ dữ dội, vừa có nghi lại vừa có ngờ, vừa có nặng lại vừa có nghiêm). Hai hôm thi vòng trường và vòng quận tôi đều được ông chở ăn phở. Thi giải thành phố khó hơn và kéo dài gần cả tuần nhưng ông vẫn đảm bảo cả tuần tôi được ăn những gì mình thích, thậm chí gà rán và pizza cỡ nhỏ. Ông hay xoa đầu tôi, ông bảo nếu tôi không được giải thì cho tôi cọ xát để biết mình chơi tốt chơi dở thế nào. Tôi biết ông nói vậy cho tôi đỡ áp lực thôi chứ sâu trong tôi không muốn phụ lòng ông. Tôi chỉ chực chờ, phải, tôi như một cục đá lửa chuẩn bị nẹt cháy tụi nó, hình ảnh ấy cứ ở trong đầu tôi, dù tôi hoàn toàn biết những đứa quận 1, quận 5 rất cao cường. Nói chung hai quận này toàn con cái nhà giàu nứt vách và đều cắp cặp đi học lớp ban đêm như luyện gà đội tuyển tụi Trung Quốc. Tức không phải hạng dễ xử. Tôi đã hỏi các anh lớp bốn lớp năm từng thi đấu xem tên này tên kia hay đánh thế gì để chuẩn bị trước. Còn ba bảo tôi bình tĩnh, hãy cố biến những thế cờ lạ thành thế cờ quen thuộc. 

Ván thứ hai sáng ngày hôm sau tôi thủ hòa với một tên quận 1. Tên ấy lớp bốn. Tôi bắt đầu biết khiêm tốn hơn vì tôi suýt thua đậm. Cho dù tôi đã biết tên đó đi Phản Công Mã nhưng tôi không bật lại được, tên này đánh quá dữ dằn và trây đến tận cờ tàn – thứ chẳng hề quen thuộc với tôi. Thằng khốn đó còn chơi trò tâm lý, giữa ván lúc tôi suy nghĩ lâu nó gọi cho ba nó (thứ công tử bột thích khoe điện thoại) bảo ba chở nó về, nó sắp thắng rồi. Tôi không lấy làm nao núng, dù tay tôi hơi run và yếu đi, mỗi hơi thở của tôi trở nên dồn dập hơn. Tôi có nghĩ mình sắp gục vì căng thẳng, và rồi đi đại một nước, một nước quan trọng. 

Hầu như những lựa chọn trọng đại trong cờ lẫn trong đời (thứ mô phỏng cờ) tôi đều chọn đại như vậy, như thể sau những hồi căng thẳng đến chết đi được, thì tôi sẵn sàng chết cho thật chóng vánh. 

May sao hòa trận. Được nửa điểm. Tôi giảm đi sự hớn hở với ba mình. Lúc ăn trưa ông có vẻ không an tâm tôi cho lắm, ông bảo tôi lấy biên bản ra và diễn lại trận đấu. Như giải trí thôi. Nhưng ba phân tích khá kỹ khiến tôi hơi căng thẳng, rằng tôi lại bỏ sót loạt nước yếu của đối thủ, rằng tôi đã không chớpthời cơ, rằng tôi điều quân lòng vòng và để nó quật cho hòa. Tôi gật gù và cố dung nạp những lời ba tôi căn dặn. Đầu óc tôi trên mây và đánh giá chúng cao quá chăng? Hóa ra chúng không ghê như tôi tưởng, vần vũ cho cùng cũng chỉ là khoa trương, cây nhà lá vườn vẫn ổn hơn cao lương mỹ vị. Tôi lấy tự tin trở lại cho ván đấu chiều. 

Tôi đợi đối thủ đến và nhâm nhi chai nước lạnh ba tôi mua cho. Thằng này đến trễ, dân cờ quận 5, nó định chơi trò tâm lý như thằng quận 1 thật sao? Đầu óc tôi bay lòng vòng trên những giàn đèn rồi chớp lóe thay cho chúng. Tôi vốn biết mấy trò tâm lý. Như nhiều thằng khi đương đánh lại bỏ đi sang bàn khác, ngắm nghía rồi toát ra vẻ mặt kiêu kỳ. Một vài đứa khác có trò vào nhà vệ sinh đi tiểu – thì hẳn chúng chẳng nhờ ai mách nước đâu, nhưng có khi lại cầu cứu ông thần vệ binh ông thần vệ sinh nào trong đấy. Toàn thứ ra vẻ, toàn thứ hèn nhát. Tôi sốt ruột chờ tên ấy, trọng tài bấm đồng hồ giúp tôi trừ giờ thằng đó. Tôi bắt đầu háo hức, tôi có thể được miễn đấu và thắng một điểm không tốn sức. Tôi bắt đầu mơ mộng. Bỗng nhiên những dòng sung sướng cuộn trong tôi như phước báu kiếp trước lũ lượt ùa về. Tôi cầu tên đó ngủ quên. Tôi cầu tên đó bị mất giấy thi đấu. Tôi cầu tên đó bị kẹt xe tắc đường; nếu không tắc thì tôi cầu cho tên đó ngồi trên bàn cầu, bị thần vệ sinh trừng phạt và ban cho cơn tiêu chảy. Tôi thật ác độc, nhưng tôi cũng thật chính đáng. 

Nhưng rồi rột rẹt, tạch, tạch, tạch. Tên đó đến, ký giấy và chúng tôi lao vào trận đấu nghẹt thở. Đồng hồ cứ thế luân phiên ăn bớt thời gian mỗi người. Hóa ra mơ mộng chỉ khiến cho con người ta kiểu nào cũng phải xấu hổ. Tôi đã phí phạm thời gian nghĩ chuyện không đâu. Mọi thứ vốn dĩ nằm ngoài dự đoán của ta đấy thôi. Tôi có chút thất vọng, và rồi từ hùng hồn tôi chuyển sang khuynh hướng có chút sợ hãi rằng mình đã suy nghĩ xấu cho đối thủ và sẽ gặp quả báo. Tôi đi trước, đã chĩa họng Pháo nhòm xa vào mặt Tướng đối thủ, tên đó vừa vào đã đá hai Mã vào trung tâm, Sĩ gác Tượng nâng phòng thủ chắc chắn. Những quân cờ lạnh lùng, chốc chốc lại chém giết, hất nhau nhảy ra bàn cờ cho đại cục. Bình Phong Mã, thế cờ lừng danh mà tôi vốn biết và yêu thích chơi cho bên Hậu, giờ tôi phải đấu với kẻ dùng chính thế trận yêu thích của mình. Nhưng vui thay, cây nhà lá vườn vẫn hơn cao lương mỹ vị, tên này không biết đánh và để mất một con Xe “yếu nhớt”. Tôi muốn bật cười ha ha như mấy bộ phim hoạt hình nhố nhăng tôi vẫn hay xem. Trời, thật chứ? Con Xe, một trong những con đắt giá nhất bàn cờ, tận 10 điểm. Không thể tin được, tuyển thủ quận 5 đây sao? Người Việt đánh cờ vẫn hơn người Hoa! – tôi nhớ có ai nói vậy.

Tôi cầm chắc phần thắng. Tôi đi chầm chậm lại chờ cho nó hết giờ. Tôi chỉ có thể thắng. Tôi dâng con Xe “ngon nghẻ” của mình lên (tôi thích cách nói này từ ba tôi lắm), bỏ lại hàng rào phòng thủ, như một cầu thủ đang muốn tạo đột phá. Tên đó hình như điềm tĩnh trở lại… nó dốc hết lực đánh tôi, bên cánh phải, chỉ để lại một con Mã ở quê nhà. Tôi bắt đầu căng thẳng. Mọi việc hóa ra không trơn láng, nó chỉ trơn láng khi ta chỉ cứ một mạch mà đi, đằng này, tôi lại bắt đầu do dự. Tôi sợ bị đột kích. Tôi không thể thua nhảm nhí được. Tôi hít sâu, rồi hơi thở tôi đẩy mạnh như một cái pô xe phân khối lớn. Tôi chần chừ phần thắng, vì tôi muốn mình không được thua trước. Tôi bốc con Xe lùi lại.

“Ê! Kỳ vậy! Trọng tài!”

Nó làm ngắt mạch suy nghĩ của tôi và làm tôi chuẩn bị phải suy nghĩ lại từ đầu. Vì lý do gì đó. Không sao. Tới lượt nó đi. Tôi có thêm thời gian ký sinh từ thời gian của nó.

“Sao em?”

Ông ta bước lại, dáng vẻ hơi nhọc vì cái bụng mỡ. Ông là trọng tài duy nhất của dãy bàn chúng tôi, tôi thiển nghĩ, hẳn ông cực lắm vì ông cứ đi qua đi lại hoài. Rồi tôi thấy cái bụng nhòng nhòng trồi đập vào lớp áo thun, cái bụng y như một tù nhân đòi được thoát khỏi cái nhà tù bằng vải.

“Bạn này bốc con Mã nhưng lại đi con khác.”

“Là sao? Em, em bốc cờ thì phải đi chứ.”

“Con… con đâu có bốc con Mã đâu! Bạn nói gì kỳ vậy?”

“Có bốc đàng hoàng, con thấy rõ ràng luôn chú!”

“Không! Làm gì có!”

“À, em có nói sửa cờ không?”

“Bạn không hề nói sửa cờ. Cách bạn bốc cờ không phải là sửa cờ cho ngay lại chú, mà bốc xong bạn rụt tay lại hối hận. Rồi bạn bốc con khác!” 

Nó diễn lại nước vừa rồi cùng tư thế ngồi của tôi. Tôi căng mắt và không thể tin được, vì đúng là tôi đã vô thức chạm trúng tay con Mã.

“Vậy… là con có đụng, cho con xin lỗi.”

Sau lời nói run rẩy của tôi, ông ta gật gù, biên độ của ông theo biên độ đập tay lên bàn của nó, khi nó đang giải thích kỹ hơn một lần nữa. Nhưng rồi vì sự hiền hậu ở những người có chiếc bụng ông địa toát lên, ông ta dịu dàng trấn an:

“Thôi thôi, bình tĩnh. Lần này chú nhắc, lần sau là không nhắc lại.”

“Dạ… con nhớ rồi!”

“Đụng quân là phải đi. Luật là luật! Nhớ đó. Hai đứa đánh tiếp đi. Tới giờ của em đúng không, rồi.”

Kịt, ông ta ấn đồng hồ.

“Dạ…” 

Tôi lí nhí, rồi thất thần quay đầu trở lại bàn cờ. Ông ta bước rảo qua bàn bên, một luồng khí luồn dọc sống lưng tôi. Tôi bị làm sao không thể tỏ. Tôi đã cẩn trọng đến mức như thể chủ quan. Tôi rơi vào điểm mù của cẩn trọng. Tôi tìm cách thoát ra, nhưng không thể. Tại sao có nhiều nước để đi thế này và nước nào cũng rất triển vọng lẫn rủi ro? Tôi muốn đi đại, nhưng không được, vì tôi không thể thua. Tôi thấy nghẹt thở quá. Hẳn người lớn hay gọi đây là áp lực, vì nó căng phồng khắp tôi, biến tôi thành trái bong bóng chực chờ nổ tung.

Tên đó bốc con Pháo đâm xuống đáy bên phía tôi, dọa chiếu bí bằng đòn Pháo Trùng. Tôi há hốc mắt mình ra vì kinh ngạc, tên đó đã lấy lại phong độ trở lại. Không sao, tôi chỉ cần một nước xuất Tướng là xong. Nhưng từ từ, tôi có thể thắng ngay bây giờ không? Tôi hẳn phải có nước nào đó chiếu liên tù tì. Tôi phải dứt điểm sớm, như ba tôi nói, tôi không thể chần chừ.

Không, cho dù đã hơn thế trận thì tôi vẫn không thể nào chủ quan. Tôi không thể để nỗi sợ thua ám muội mình. Tôi chỉ sợ chiến thắng vụt mất. Giờ tôi mà bốc con cờ khác là thua ngay. Tôi không được bốc con cờ khác. Chỉ cần chạm con Tướng thôi, là tất cả chiêu trò dụ dỗ được tháo gỡ.

“Sửa cờ.”

Tôi hô lên, giữ bình tĩnh, chỉnh các quân cờ ngay ngắn lại trước khi thực hiện nước quan trọng. Luật là chỉ cần hô lên và dùng tay dịch sửa cờ thôi, tôi không bị tính lỗi là bốc quân mà không chịu đi. Nó nhăn mặt nhìn tôi, ra vẻ bất ý. Rồi tôi đưa sự tập trung của mình trở lại trận địa. Nhưng tôi không thể sơ sót, tôi xem kỹ lại vị trí các quân cờ một lần nữa. Những tia sét xẹt trong đầu tôi, vì khi căng thẳng chơi cờ, não con người ta phát sáng cực độ, và tôi đây đang nhìn vào khoảng vô định cùng những mộng tưởng và sát chiêu. Tôi căng thẳng quá, tôi không thể chịu được!

“Trọng tài ơi!”

“Sao, có gì nữa!”

“Bạn này mới bốc con Tượng rồi không chịu đi!”

“Sao sao, đâu.”

“Bạn bốc cờ rồi không đi.”

“Nữa hả? Em lại vậy nữa. Chú đã dặn em rồi!”

“Đã vậy con đâm con Pháo xuống chiếu bí bạn, bạn không chịu, đòi đi lại.”

“Em này, chú đã nhắc em rồi! Bốc cờ là phải đi!”

“Em…? Em… không, em không có bốc mà!” 

“Đây chú, bạn này bốc con Tượng, nãy bạn đụng tay vậy nè, chính tay bạn đụng luôn. Bạn đụng rồi rụt tay lại, bạn không hề nói sửa cờ! Rồi con mới đâm con Pháo xuống đây, chiếu bí hết cờ!”

“Em à, em có đụng không?”

“Em không đụng… em không đụng thật mà!”

“Trời, nó nói xạo! Nó đụng rõ ràng!”

Vài người lớn hiếu kỳ bước lại chỗ bàn tôi, tôi và thằng đối thủ đang làm ầm nhà thi đấu lên. Chúng tôi cãi cọ. Một số người phụ dời bàn những đứa khác ra xa, tránh để bị phân tâm. Bọn chúng nhìn tôi – nhìn tôi, chứ không phải thằng đối thủ tôi – như thể tôi là một kẻ đểu cáng lừa lọc. Tôi đang cố sức minh oan cho mình, nhưng tôi không thể nhớ được.

“Ba?”

Ba tôi đứng ở ngoài, ông thấy bàn tôi nhiều người lớn xôm tụ lại như kiến bu dĩa đường. Khi tôi vừa thấy ba, ba bật cười. Lòng tôi cấn lên đau nhói, hẳn ông đang nghĩ rằng tôi đánh hay đến mức hút cả người lớn lại xem, rằng ván cờ của thằng con mình có khi được lên báo, dẫu nó có thua hay thắng cũng không sao cả. Nhưng rồi, thấy có gì đó không ổn, rằng tôi lại không đánh cờ mà lại nói chuyện với trọng tài, ba bước lại. 

“Có chuyện gì vậy anh?”

Ông trọng tài bước lại ba tôi rồi quơ tay giải thích. Ba tôi khựng lại như để trút hết mọi ảo tưởng, ông điềm đạm bước lại gần bàn cờ. Và rồi ông cũng đứng sau tôi. Ông trọng tài lặp lại vấn đề. Chốc chốc ông ta lại chỉ vào bàn cờ, ba tôi bắt đầu dõi theo với ánh mắt sắc cạnh. Đến lượt bọn chúng, bọn con nít tuyển thủ nhìn ba tôi. Ba tôi không bận tâm, rồi bình tĩnh chỉ “là tới đây nó bốc con Tượng à?” Rồi, như tôi dự đoán, ba tôi không tin, ông nhìn tôi, dáng vẻ như một con hổ hừm hừm. Ông hỏi tôi.

“Con, có đụng không con?”

“Con… con không…”

“Nó đụng anh ạ.”

“Từ từ! Con tui không có đụng cờ. Nó nói không đụng là không đụng. Ông có bằng chứng gì không? Có camera không? Ai làm chứng?”

“Có mấy đứa bàn cạnh làm chứng. Anh bình tĩnh, để hỏi thử một đứa xem là biết liền.”

“Tụi nó lo đánh nhau, hơi đâu mà để ý bàn khác. Nhảm nhí!”

“Anh bình tĩnh! Em này nãy đã bắt lỗi con anh một lần, tôi đã dặn kỹ cả hai, rất kỹ. Không lý gì em kia lại bắt lỗi con anh nữa nếu con anh không sai.”

“Anh nói không không như vậy chẳng ích gì! Camera, có camera không?”

Ông trọng tài lắc đầu rồi giơ cánh tay quảng đại của nhạc trưởng. Ông cố giải thích mọi chuyện với chất giọng âm ấm: nhà thi đấu có camera, dù rất mờ, nhưng nếu muốn ông có thể liên hệ với bảo vệ bật cho chúng tôi cùng xem.

Rồi chuyện đi xa hơn. Chẳng cần đợi lâu, bảo vệ cũng nghiêm nghị bước vào cuộc. Họ mang máy tính xách tay đến và trích xuất camera. Chuyện hệ trọng rồi. Quả là camera mờ thật, chỗ chúng tôi hơi khuất tầm camera, đó là chưa kể các quân cờ khá nhỏ. Tôi, ngồi xếp hai tay che bàn cờ, bị khuất khá nhiều – chuyện cũng tương tự với tên đối thủ của tôi. Mười lăm phút trôi qua, bảo vệ tua hết chỗ nọ, cũng không thấy được ván cờ như thế nào. Ai nấy sốt ruột. Ba tôi lắc đầu, và tôi biết ông đang tìm cách để tôi đi lại nước cờ, hoặc tệ lắm là đấu lại ván mới. Nhưng rồi trọng tài gạt bỏ hết tất cả: 

“Quan trọng là có tôi ở đây giám sát. Tôi biết em nào nói dối hay không. Tôi là trọng tài cờ tướng hai mươi năm rồi, nhiều trường hợp các em đụng cờ không chịu đi, tôi cũng phải xử thua. Con nít mà anh. Mà không phải hơ đâu một cái các em bị lỗi mà tôi xử, trước đó tôi phải dặn dò các em rất kỹ. Giờ anh nghĩ xem, đấu lại, có phải không thỏa đáng không?”

“Thế nào mới thỏa đáng? Rõ là con tui sắp thắng! Nó không thể bốc cờ ngớ ngẩn như vậy được! Còn thằng này nó thua đến nơi rồi, nó mới chơi thủ đoạn. Anh nhìn thế cờ này đi, anh tin ai?”

“Nhưng đứa này thắng trước, anh nhìn đi.”

“Trời, vui thật ha.”

Ba tôi cười chua chát. Tên đối thủ lên tiếng:

“Nhưng rõ ràng là bạn này đụng cờ! Nếu không đụng cờ, sao bạn lại run như vậy chứ!”

“Mình không đụng… vì đụng con đó chả khác nào thua cờ… Mình đã nói sửa cờ rồi mà.”

“Kỳ, con nói lại lần cuối cho ba xem. Con có đụng hay không?”

Ông chủ giải thưởng bước đến. Đầu óc tôi rối bừng, và giờ vẻ như tôi không thể nhớ là tôi có đụng hay không.

“Anh à… bớt nóng, ở đây có nhiều em đang thi đấu. Trọng tài đã nói như vậy rồi, có gì không ổn mình nói nhỏ nhẹ với nhau. Mình cư xử có văn hóa chút ạ.”

“Thôi… mấy người ăn chia với nhau, quận 5 lúc nào chả được ưu ái,” ba tôi bật cười mỉa mai. 

“Anh nói như vậy mà nghe được à? Đây là luật.”

Hai dòng nước mắt của tôi thi nhau chảy. Tôi không nói được lời nào vì cổ họng tôi bận co giật thút thít. Thằng quận 5 được nước gác tay lên xoang má, rồi ra vẻ không muốn nhìn thấy cảnh tượng nhảm nhí này. Hắn ra vẻ như người lớn. 

“Tóm lại, con anh nó chạm vào quân cờ mà không chịu đi. Nãy giờ hơn một tiếng đồng hồ đôi co, tui đã nhắc nó kỹ rồi mà nó vẫn phạm, thì tui xử thua chứ sao! Giờ anh có ý kiến hay phân bua gì không?”

“Con… không… đụng mà…” 

“Trời, thằng này nó đụng đàng hoàng!”

“Không…” 

Tôi như thằng nói dối. Tôi cảm tưởng mình càng nói thì càng sai, nên đành nín lặng.

“Tôi quyết định xử thua.” 

Ba tôi quát lớn lên với toàn thể hội đồng: 

“ANH IM ĐI!” 

Vừa ngay khi tiếng la của ba vang vọng khắp trần nhà làm rung những chòm đèn, tất cả mọi người ngoái đầu nhìn. Có những tiếng xì xầm rộ lên kèm những gương mặt đắc thắng ở bàn bên, có lẽ bọn chúng vui vì có thêm chuyện để nói. Bảo vệ chuẩn bị sấn bước đến can thiệp. 

Mọi người xem ba như trò cười. Còn tôi thì lại khóc. Ngày một lớn hơn. 

Ba tôi dứt lời rồi nghiến chặt răng bước ra sảnh. Tôi có thể đoán thế, dù tôi không thể và cũng không dám nhìn ai, tôi xấu hổ khi mình lớn xác mà lại còn khóc nhè. Tôi không xấu hổ ba mình. Tôi chỉ xấu hổ vì tôi đã đưa ba vào tình cảnh này. Bù lu bù loa, tôi chỉ một mạch bước đi, màn sương phủ lấy tôi, tôi như kẻ mù bởi chính nước mắt mình. Tôi lẽo đeo núp sau ba tôi rồi cũng tới bãi xe. Khi ngồi ôm ba sau xe, tôi dịu lại. Ba chở tôi ra công viên Hoàng Văn Thụ rồi hai cha con chúng tôi ăn kem xe bán hàng rong. Ba tôi không nói gì một lúc. 

“Con có đụng con Tượng không…?” 

Rồi sự thật, một sự thật phũ phàng từ sâu thẳm cơn quên hiện lên.

“Dạ… có…” 

Ông im lặng. 

Tôi cúi gầm mặt, rồi chẳng khóc được nữa.

Buổi chiều nắng vàng rực đến mức không thể cắt nổi nghĩa. Tôi chính thức thua cuộc khi trông thấy mái đầu ba mình óng ánh bạc nắng.

Tôi từ bỏ thi đấu cờ tướng vĩnh viễn, chỉ xem nó như trò giải trí cho đến tận sau này. Dù ba muốn tôi thi đấu tiếp, nhưng rồi tôi không thể nào vượt qua được sức nặng của những lựa chọn.  

Kỳ Y

Sáng tác

Thơ: Lau nước mắt và lại đi… (Lavender So Blue)

Published

on

Em có biết không?
Tự do từ đâu mà có
Câu chuyện từ đâu mà được kể
Những bài báo vui buồn từ đâu mà viết ra
Em có biết không?
Niềm tin từ đâu mà có
Mảnh đất này còn bao sự diệu kỳ
Đâu phải chỉ có những xót xa
Lấy trời làm nhà
Đất làm chăn ấm
Gió gội mái đầu xanh và biển bạc tắm ướt đẫm da vàng
Chốn thị phi
Người cô độc than khóc
Kẻ lỡ làng đi tìm tri kỷ
Còn ta chỉ là người hay khóc
Lau nước mắt và lại đi…

Lavender So Blue

Đọc bài viết

Sáng tác

Truyện ngắn: Những chiếc lá zombie (Điển Tuyết)

Published

on

Tôi quyết định đổi nơi làm việc, dù Wyandotte là một nơi chốn vô cùng bình yên suốt 5 năm qua. Tôi không định nói lời chia tay đồng nghiệp. Bọn họ quá bận rộn để đọc và hồi đáp một email chia tay giữa mùa Covid. Ai cần tôi thì họ sẽ vẫn liên lạc thôi.

Trong căn hộ này, mỗi một inch đều chất chứa nhiều kỉ niệm, kỉ niệm của tôi những năm tháng hậu chia tay Stovall. Lúc này là vào cuối đông, nhưng cây phong ngoài cửa sổ vẫn còn nguyên những chiếc lá khô cong như hồi cuối thu. Gió vùng này thổi rất mạnh, nhưng lạ lùng làm sao, những chiếc lá phong khô héo, chết lâu ngày kia vẫn không chịu lìa cành. Cứ như thể chúng vẫn đang sống, sống đời zombie của giống loài thực vật. Màu nâu, màu nâu cong, là màu mới của sự sinh tồn chăng?

Căn hộ của tôi chất đầy thùng các tông để mở. Thật khó quyết định những gì cần mang theo đến nơi ở mới. Mất cả tuần liền, tôi chỉ ngồi phân loại mọi thứ ra thành hai loại: cần và rất cần. Thật, có thứ gì trong căn hộ này mà tôi không cần đâu?

Soạn mãi soạn mãi, rồi không rõ thế nào mà tôi vớ phải tập ảnh Stovall chụp khi chúng tôi còn chung sống. Mới chừng hai chục năm trước đây thôi. Có một tấm tôi mỉm cười với khuôn miệng rộng, gương mặt rạng rỡ, phía sau là vườn mai vàng lộng lẫy. Lúc đó, chúng tôi vừa cưới xong, đang bắt tay vào trang trí căn nhà đầu tiên của cả hai. Stovall chụp lại mọi thứ trong nhà, kể cả những vật dụng bình thường nhất, chẳng hạn như chiếc bàn chải đánh răng bằng gỗ tre của tôi. Cảm giác hạnh phúc chầm chậm dâng lên trong tôi, Stovall luôn luôn đáng tin cậy, luôn luôn hết lòng yêu thương tôi. Làm sao tôi có thể bỏ đi kỉ niệm đầu tiên êm ấm này? Đã bao lần, tôi đã định bỏ tập ảnh nhưng...

Năm năm trước, chúng tôi ly hôn. Stovall hỏi tôi liệu có cách nào khác không vì chuyện đâu có đến nỗi nào, tình yêu của chúng tôi chỉ nhạt đi như bất kỳ đôi lứa nào, rồi sẽ ấm áp lại nhanh thôi mà.

Tôi nhìn sâu vào mắt anh, trả lời: “Em biết điều anh muốn là gì.” Và tôi dọn ra khỏi nhà, mặc cho Stovall ôm đầu đau khổ. Anh vẫn gọi cho tôi thường xuyên trong năm đầu tiên, cố thuyết phục tôi quay trở lại, ngay cả khi biết tôi đã có mối quan hệ mới. Anh thôi làm chuyện vô vọng khi tôi qua lại đến người đàn ông thứ ba. Dù vậy, mỗi khi cần nhau tư vấn về thiết kế mĩ thuật, chúng tôi vẫn ôm điện thoại sôi nổi như không hề có bất kỳ xáo trộn gì trong đời sống tình cảm. Chúng tôi rất hòa hợp với nhau trong nghề nghiệp. À, kỳ thực là trong hầu như tất cả mọi mặt, ngoại trừ việc tôi không thể...

Stovall vừa lấy vợ hồi năm ngoái. Họ kết hôn khi bé Hermes vừa chập chững bước đi. Tôi đã bật khóc như mưa khi biết tin anh yêu Ariana, một người bạn thân thiết của cả hai. Tôi thấy tim mình đau đớn đến không khóc được khi Hermes ra đời, và phải nói là tận cùng của sụp đổ khi nhận được thiệp cưới của hai người họ.

Rất nhanh, tôi chúc mừng Stovall. Anh và Ariana không thể tìm thấy người bạn nào tốt hơn tôi nữa, tôi chứng minh cho cả thế giới thấy mình là một người cũ văn minh. Tôi thậm chí còn tay trong tay với Greg, người tình thứ 6, thứ 7 gì đó, đến dự đám cưới của Stovall và vẽ các họa tiết trên váy cưới giúp Ariana.

Tập ảnh này là thứ duy nhất còn sót lại về cuộc hôn nhân đầu tiên và duy nhất của tôi. Chỉ cần bỏ nó vào trong đống lửa dưới sân chung cư thì tôi có thể thực sự kết thúc cơn đau kéo dài suốt 20 năm của mình rồi.

Nhưng không, không, Stovall và tôi của ngày xưa không có tội tình gì để bị đốt cháy thành than tro như vậy cả. Ký ức đó vẫn có đời sống riêng của nó, như những chiếc lá phong khô đét trên cành kia, tuy khô tàn héo rũ nhưng thượng đế vẫn xót thương gìn giữ chúng bình yên xuyên suốt mùa đông dập dìu mưa tuyết và gió bão. Vào mùa thu, bằng một phép màu nào đó, những chiếc lá sẽ lại xanh tươi, sẽ lại đỏ rực trên cành. Chỉ là không biết những chiếc lá nâu khô cong kia sẽ biến đi đâu và biến đi vào lúc nào mà thôi.

Khi dọn đến nơi ở mới, Boize, tôi tìm mãi không thấy tập ảnh cũ của Stovall, dù đã lục tung tất cả các thùng các-tông và cẩn thận bài trí lại mọi thứ y nguyên như trong căn hộ cũ ở Wyandotte.

Bằng một phép màu nào đó, tập ảnh đã không cánh mà bay. Tôi chắc chắn mình không vì say khướt mà ném nó vào đống lửa ngoài sân. Chỉ nhớ mang máng vào buổi chiều cuối cùng tôi đã ngồi tựa đầu vào cây phong lộng gió rất lâu. Với tập ảnh trong tay.

Điển Tuyết

Đọc bài viết

Sáng tác

Truyện ngắn: Hồi ức (Điển Tuyết)

Published

on

Đôi mắt của Hắc Ám không rõ đang buồn hay đang vui. Bầu trời từ từ sầm tối. Âm nhạc của những buổi chiều muộn nhân lên nỗi niềm trong cô. Những thước phim buồn trong đời chiếu lại trong tâm trí. Cuộc đời nhiều phút bất ngờ quá, và lòng người, như ngàn năm vẫn vậy, là thứ ẩn tiềm nhiều bất trắc.

Một cuộc gọi. Phía đầu dây bên kia là một khách hàng cần sự giúp đỡ.

“Cảm ơn cô! Không có cô tôi không biết làm sao!” Người khách hàng trẻ tuổi nói sau khi xong việc.

Hắc Ám vui nhẹ, tạm quên những đau đớn hằn sâu trong lòng. Tình người của những năm tháng này xa xôi như vậy đó, xa như một ngọn nến leo lét cháy trong đêm mịt mù, chỉ nhoi nhói lên chút hy vọng.

Một cuộc gọi khác. Phía đầu dây bên kia là một người quen cần nói một điều gì đó. Những lời nói như cứa vào lòng Hắc Ám, khiến cô toàn thân run rẩy. Cô bấm nút tắt, chặn và không quên xóa luôn số của người ta.

Danh bạ của cô bây giờ chỉ còn những cuộc gọi của khách hàng và những số điện thoại tiếp thị. Cô đã đến tình trạng bất kỳ lời nói chớm trách hờn, chớm mỉa mai, chớm châm chọc nào cũng làm cho bản thân thấy phẫn uất.

“Sao ngươi ghét người quá vậy?” Ai đó hiện ra trong giấc mơ.

“Ừ! Kệ đi!” Hắc Ám buồn rầu.

Nếu sự im lặng có tác dụng làm cho ai đó đỡ phải ngại ngùng mở lời hoặc đỡ phải ngượng ngùng nhận sai, nó có tác dụng hủy diệt đi tình thương và niềm tin của Hắc Ám – người phải chịu đựng sự im lặng phi lý và đôi khi, cả những lời lẽ không thể tàn nhẫn hơn mà con người đã dành cho nhau.

Điều khủng khiếp nhất chưa dừng lại đó. Hắc Ám của những năm tháng về sau này cũng lấy phương thức tệ hại đó để áp dụng với người khác. Còn tàn nhẫn hơn.

Điển Tuyết

Đọc bài viết

Cafe sáng