Book trailer

The Booker Prize 2020: The New Wilderness – Thế dystopia nửa vời

Published

on

Thế giới đang bước vào thời kỳ đen tối, và văn học cũng thế. Trong đêm công bố giải Booker Quốc tế, Ted Hodgkinson – Chủ tịch ban giám khảo giải thưởng năm nay đã nói rằng, họ đang đi tìm một cuốn sách phản ánh đúng thực trạng những gì đang diễn ra. Và đó là điều dễ thấy ở các đề cử cuối cùng trong giải Booker chính thống lẫn Quốc tế khi không chỉ một mà rất nhiều tác phẩm đi sâu vào cái điêu tàn, hãi hùng hay thậm chí khái quát một thể dystopia mà vốn từ lâu trước đó vẫn bị coi là tiểu thuyết mạt hạng. Một trong những cuốn sách bám sát dòng sự kiện nhất cho giải Booker năm nay không thể không nhắc đến The New Wilderness của Diane Cook. Với cuốn sách thứ hai và là tiểu thuyết đầu tay này, Diane đã viết nên một cuốn tiểu thuyết về tình cảm mẹ con – sinh thái – phản địa đàng hùng vĩ với nhiều tầng lớp trong một góc nhìn của tương lai gần.

Cuốn sách là câu chuyện về gia đình Glen – Bea – Agnes khi họ rời bỏ Thành phố đông đúc để đến Tiểu bang Hoang dã. Ở vùng đất cách rất xa và bị quên lãng này, những Rangers – tay sai cho một tầng lớp bí ẩn nào đó – thực hiện thí nghiệm về những tác động qua lại giữa con người và tự nhiên. Và đó là khi Cộng đồng – nhóm nhỏ gần 20 người – gắn kết cùng nhau trở về hoang dã. Với The New Wilderness, ba chân giá trị mà Diane Cook mang đến cho người đọc vừa xa lạ mà cũng thân quen, về những mối quan hệ gia đình, về tác động qua lại giữa con người và tự nhiên, và trên hết, về một tương lai gần mà con người ở đó đang đến bờ vực điêu tàn.

*

Đầu tiên, để dựng nên một tiểu thuyết sinh thái – trào lưu nở rộ những năm gần đây sau thành công của Richard Powers hay Jean-Christophe Rufin, Diane Cook đã mở ra câu chuyện về gia đình Glen, Bea, Agnes và những rắc rối xoay quanh mối quan hệ này. Xuyên suốt giữ vững câu chuyện như khung vận động chính, ta thấy những dằn vặt lên gân, những tác động qua lại giữa hai mẹ con Bea và Agnes. Bea, bằng cá tính mạnh và vai trò của một người mẹ, lạnh lùng đứng lên bảo vệ gia đình bằng nhiều phương cách; trong khi dưới mắt trẻ thơ và cái yếm thế của Glen, Agnes coi đó dường như là một tội ác. Song song trong thế đối đầu giữa hai người ấy, một mặt nào đó Diane Cook cũng cho thấy vai trò của phụ nữ trong đời sống tự nhiên. Mặc cho những cãi vã, hiểu nhầm hay cách xa, đến cuối rồi thì, việc trở thành một người mẹ và chịu đựng nỗi đau đánh mất đứa con, Agnes mới thật sự hiểu những gì Bea đã làm để cứu lấy mình. Thiên chức trở thành người mẹ chuyển đổi mọi thứ trong cô, biến chuyển những vết thương vốn dĩ từ lâu khép miệng nay lại mở ra trong cái ăn năn những gì đã qua. Việc chọn mối quan hệ nhiều khúc mắc như thế rõ ràng là một phương án thông minh để triển khai ý đồ tổng thể to lớn của toàn tiểu thuyết.

Ảnh: guernicamag

Thế nhưng trong nó vẫn còn đâu đó thiếu sót trong cách xây dựng tâm lý. Nếu so với Burnt Sugar của Avni Doshi cùng hạng mục năm nay hay My name is Lucy Barton của Elizabeth Strout nhiều năm về trước, thì The New Wilderness thật sự không thể so sánh. Cuốn sách không bắt được bất kỳ một khoảnh khắc ấn tượng nào, chúng lờ đờ, nổi lên, mập mờ để rồi tan biến vào trong hư vô. Việc đối đầu giữa Agnes và Bea chưa đẩy độc giả đến tận đường cùng để thấy được bi kịch trong mối quan hệ này. Việc hàn gắn bằng cái thấu hiểu cũng không để lại dư vị sau cuối.

Sự gắn kết giữa con người và tự nhiên, những tác động qua lại từ cả hai phía lên nhau dường như là phần ổn nhất trong toàn tiểu thuyết. Như chia sẻ trong những cuộc phỏng vấn, ý tưởng cho The New Wilderness bắt đầu từ tuyển tập Man V. Nature của Diane và do đó, với một người am hiểu và dành tình yêu hoàn toàn cho thiên nhiên, ít ra đây cũng là điểm sáng cho cuốn sách. Việc cảm nhận thời gian theo tự nhiên: cái nóng mùa hè, lá thay màu sang thu, cái run cầm cập trong những ngọn núi tuyết hay việc thấu hiểu từng tập tính, dấu chân, tiếng động của Agnes hay Cộng đồng một mặt cho thấy với việc đi lùi lại tiến hóa, con người vẫn thuộc về tự nhiên, là một phần trong đó, hòa hợp và thuộc về.

Về thế giới tương lai mà Diane xây dựng để khớp với sự trở về thiên nhiên. Ở đây không gian – thời gian không được xác định một cách cụ thể, mà đó chỉ là Điểm dừng, đồi cát, núi lửa, vùng Hoang dã, khu đất tư… thế nhưng ít nhiều người ta vẫn có thể liên hệ tới một nước Mỹ xa xôi với địa lý phân hóa từ Đông sang Tây đầy đủ địa hình. Ở đó đất nước được chia thành hai vùng riêng: khu Thành phố đông đúc và Tiểu bang Hoang dã trơ trụi. Nơi thành phố ấy khi mọi thứ trở nên tệ hơn và bệnh hô hấp, bùng nổ dân số, không còn đủ rau để ăn hay nhà để ở, sữa trở nên quá đắt chỉ dành cho những cá nhân riêng lẻ và không còn đủ cát để trộn bê tông, bạo lực thì lại diễn ra ở khắp mọi nơi; thì con người bắt đầu tìm lấy cơ hội dồn về Tiểu bang để sống cuộc sống hoang dã, thoát khỏi Thành phố ngột ngạt tưởng chừng phát điên.

Tiểu bang đặt dưới kiểm soát của bọn Rangers và một thế lực bí hiểm ở tít trên cao nhưng khó để có thể biết. Tương tự như trong thí nghiệm Stanford, những người đến đây vì nhiều lý do: là nhà khoa học, là người thám hiểm, muốn thêm kiến thức, tin tưởng bản thân, vấn đề sức khỏe hay đơn thuần mong muốn lãng mạn hóa cuộc sống. Họ sống thành nhóm di cư theo mùa với những quy tắc bất di bất dịch của bọn Rangers: không ở lại quá lâu, không lưu lại dấu vết. Họ phải đến trạm dừng để khai báo số người chết, số rác đã thu lượm được, các kết quả máu. Họ có thể viết thư nhưng trong khuôn khổ nhất định, và dĩ nhiên, bị kiểm soát nội dung. Nếu còn để lại những mẫu rác nhỏ chứng minh một sự tồn tại, đương nhiên sẽ bị trừng phạt bởi các Rangers với phòng bằng chứng lưu trữ chính những thất bại.

Hành trang của họ là những quyển sách luật lệ dày cộm không thể làm trái, cái nồi sắt lớn, túi sách, giường ngủ, thức ăn, chén gỗ, túi rác, dụng cụ… Trở về nguyên bản để sống hòa hợp nhưng không thể quên tâm trí đang bị kiểm soát bởi một thế lực, lo sợ trừng phạt mỗi khi làm trái. Họ vẫn còn thú vui nho nhỏ của việc đọc sách mỗi khi quây quần bên ngọn lửa cuối, dự trữ thức ăn, đan lát, hun thịt, thuộc da… Tất cả gợi đến cảm giác của tiểu thuyết phản địa đàng khi tự do bị cầm tù, giới hạn bị đóng khung, và một thế lực ngang hàng nhưng có địa vị nào đó nắm chui. Thế nhưng ngay cả ở chỉ tiết này, Diane Cook cũng cho thấy một sự nửa vời của thứ rất nên tập trung, để rồi sau rốt là một thất bại vô cùng đáng tiếc.

Tính phản địa đàng cũng như lần trước, chưa đi đến nơi. Cái đáng kể của những tiểu thuyết dystopia luôn là thế đối đầu giữa hai tầng lớp và cái thời khắc khi giới bị trị phá bỏ giới hạn. Thế nhưng ở cả hai khúc quanh này, Diane Cook không đưa ra được hướng giải quyết xác đáng. Thế đối đầu của hai tầng lớp trong đây nhạt nhòa, và thậm chí, Diane còn cho họ có mối gắn kết thân tình nào đó với nhau. Họ quen thân (trường hợp Bea và Bob) hơn thế còn dành cảm tình cho nhau, một mặt nào đó cho thấy sự đối đầu vẫn chưa hoàn toàn đủ. Diane cũng không cho biết ai là chóp bu, không cho thấy được mục đích sau cùng; họ đối đầu nhưng lạc lõng, buông lơi với thế siết mềm, không đủ tác động hay ấn tượng sâu. Ngay cả thời khắc phá bỏ giới hạn cũng là một quả bom xịt bởi bản thân việc rời Tiểu bang Hoang dã để vào Thành phố không mấy khó khăn, và cái giá phải trả không quá mặn mà. Tiếc thay cho những cố gắng nửa vời phá hủy phần lớn công sức cuối cùng của mặt rất đáng khai thác.

*

Với The New Wilderness, Diane Cook đã dựng nên một tiểu thuyết rất nhiều tầng lớp và rất đáng suy ngẫm. Vào năm 1899, khi Giữa lòng tăm tối của Conrad ra đời, người ta vẫn không hiểu được ý nghĩa của nó, và luồng độc giả từ đó đến nay vẫn luôn chia thành hai luồng ý kiến: một bên cho rằng đó là tuyệt tác và phần còn lại nói rằng quá khó để hiểu. Ở một mặt nào đó, với Giữa lòng tăm tối, Conrad đã dựng nên một thế giới vô thanh, thế giới tăm tối của những mối quan hệ con người, của những đối xử màu da, của chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân; thì ở đây, Diane Cook cũng họa nên một thế giới như thế, thế giới của tương lai, của đói khát của thảm họa. Ở đó con người vẫn luôn là họ, đối xử bất công nhưng luôn nhen nhóm những niềm hy vọng. Dĩ nhiên về nghệ thuật viết, Diane không thể so sánh với một Conrad bậc thầy; nhưng về nội dung, cả hai đều là tiểu thuyết về một thời đại không thể nào quên, là những chứng nhân giữa dòng lịch sử.

Hết.

minh.

*

The Booker Prize 2020






Giới thiệu sách

Yêu trong tỉnh thức – món quà Valentine ý nghĩa cho chính mình

Ngày lễ tình nhân Valentine thường được gắn liền với những món quà lãng mạn, những lời tỏ tình ngọt ngào. Nhưng giữa bộn bề những xúc cảm ấy, bạn đã bao giờ tự hỏi, tình yêu đích thực là gì? Liệu bạn đã yêu đúng cách, yêu đúng người, và quan trọng hơn cả, đã yêu thương chính mình hay chưa?

Published

on

Valentine năm nay, hãy dành tặng bản thân bạn món quà tinh thần ý nghĩa nhất: học cách yêu thương chính mình và xây dựng một tình yêu tỉnh thức, bền vững. Tình yêu đích thực không phải là sự bồng bột, mù quáng, mà là một hành trình trưởng thành và thấu hiểu, bắt đầu từ việc nhận thức rõ giá trị của bản thân, lắng nghe tiếng nói bên trong và đặt ra những ranh giới lành mạnh.

Yêu trong tỉnh thức là yêu bằng cả trái tim và lý trí, là sự kết hợp hài hòa giữa cảm xúc và sự sáng suốt. Đó là khi ta đủ tỉnh táo để nhận ra giá trị của bản thân, đủ mạnh mẽ để đặt ra những ranh giới trong tình yêu, và đủ khôn ngoan để lựa chọn một người phù hợp, cùng nhau xây dựng một mối quan hệ lành mạnh, bền vững. Bookish xin giới thiệu đến bạn đọc những cuốn sách sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về bản chất của tình yêu, cách xây dựng một tình yêu tỉnh thức, lý trí, và quan trọng nhất, là học cách yêu thương chính mình trước khi mở lòng với người khác.

***

Hãy kể tôi nghe sự thật về tình yêu

Tình yêu là thứ mang lại ý nghĩa cho cuộc sống, nhưng các mối quan hệ cũng đặt ra cho chúng ta nhiều thử thách tình cảm lớn nhất trong đời. Hãy kể tôi nghe sự thật về tình yêu là những câu chuyện đời thường được kể từ chính phòng khám của Susanna Abse, nhà trị liệu tâm lý giàu kinh nghiệm với hơn 30 năm đồng hành cùng các cặp đôi.

Điểm độc đáo của tác phẩm nằm ở cấu trúc thú vị, sáng tạo. Mười ba chương sách, tựa như mười ba cánh cửa hé mở, dẫn dắt người đọc bước vào thế giới nội tâm đầy phức tạp của các cặp đôi. Không đi theo lối mòn với lý thuyết hàn lâm, Abse khéo léo lồng ghép những câu chuyện đời thường vào lăng kính của những câu chuyện cổ tích, thần thoại quen thuộc, tạo nên sự gần gũi, dễ hiểu nhưng cũng không kém phần sâu sắc. Mỗi câu chuyện như một nốt trầm, nốt bổng, vang lên đầy ám ảnh, khơi gợi nhiều suy ngẫm về bản chất của tình yêu, về cách ta vun vén và cả phá hoại chính hạnh phúc của mình.

Không chỉ dừng lại ở việc kể chuyện, Abse còn khéo léo lồng ghép lý thuyết tâm lý vào từng câu chữ, từng tình huống cụ thể, giúp người đọc, dù không am hiểu về tâm lý học, cũng dễ dàng tiếp cận những khái niệm như chuyển giao, kháng cự, hay phóng chiếu. Câu chuyện về cặp vợ chồng trẻ luôn bất đồng trong cách nuôi dạy con cái bỗng trở nên sáng rõ khi ta hiểu về những “kịch bản vô thức” từ chính gia đình gốc của họ. Hay nỗi sợ hãi cam kết, sự lặp lại những mô hình tan vỡ trong tình yêu của cô gái trẻ cũng được lý giải thấu đáo qua lăng kính của những tổn thương thời thơ ấu.

Hãy kể tôi nghe sự thật về tình yêu không né tránh những góc khuất, những góc tối trong tình yêu. Abse thẳng thắn phơi bày sự thật phũ phàng: tình yêu không phải lúc nào cũng màu hồng, không phải cứ cho đi là sẽ nhận lại, và đôi khi, chính sự kỳ vọng thái quá, sự ích kỷ, chiếm hữu mới là thứ giết chết tình yêu.

***

Tình yêu, hạnh phúc có tồn tại?

Trong tác phẩm Tình yêu, hạnh phúc có tồn tại?, nhà phân tâm học Guy Corneau đã đặt ra một câu hỏi đầy trăn trở về khả năng đạt được sự thân mật thực sự trong cuộc sống trưởng thành. Corneau cho rằng những rào cản ngăn trở chúng ta đến với hạnh phúc trong tình yêu thường bắt nguồn từ những tổn thương trong quá khứ, đặc biệt là từ mối quan hệ với cha mẹ. Ông sử dụng những câu chuyện cổ tích và thần thoại để minh họa cho những xung đột tâm lý, giúp người đọc hiểu rõ hơn về “phức cảm của người cha” ở phụ nữ và “phức cảm của người mẹ” ở nam giới.

Theo Corneau, chìa khóa để mở cửa hạnh phúc trong tình yêu chính là học cách yêu thương bản thân, đối diện và chữa lành những tổn thương trong quá khứ. Chỉ khi ta yêu thương và chấp nhận bản thân, ta mới có thể mở lòng và xây dựng một mối quan hệ lành mạnh với người khác. Tình yêu, hạnh phúc có tồn tại? không chỉ là một cuốn sách tâm lý, mà còn là một hành trình khám phá bản thân, giúp người đọc tìm thấy câu trả lời cho riêng mình về tình yêu và hạnh phúc.

***

Yêu lành – Chuyện tình yêu dưới góc nhìn Phật giáo

Tiến sĩ Charlotte Kasl, trong cuốn sách Yêu lành – Chuyện tình yêu dưới góc nhìn Phật giáo, đã kết hợp tinh hoa triết lý Phật giáo và tâm lý học phương Tây để mang đến một góc nhìn mới mẻ về tình yêu và các mối quan hệ. Cuốn sách hướng dẫn người đọc cách yêu thương bằng chánh niệm và tự nhận thức, tránh xa các áp lực xã hội và những lý tưởng hời hợt. Kasl nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hiểu rõ bản thân, chữa lành những tổn thương trong quá khứ để có thể bước vào một mối quan hệ với sự toàn vẹn và chân thật nhất.

***

Nghệ thuật yêu – Truy vấn về bản chất tình yêu

Nghệ thuật yêu – Truy vấn về bản chất tình yêu của Erich Fromm là một tác phẩm kinh điển về tình yêu, đã được dịch ra nhiều ngôn ngữ và được hàng triệu độc giả yêu thích. Fromm khẳng định rằng yêu là một nghệ thuật, đòi hỏi sự học hỏi, rèn luyện và tinh thông. Ông phân tích các hình thái của tình yêu, từ tình yêu đồng loại, tình mẫu tử đến tình yêu lãng mạn, giúp chúng ta hiểu rõ hơn về bản chất của tình yêu và cách để yêu thương thật trọn vẹn.

***

Yêu, cần phải học

Trong cuốn sách Yêu, cần phải học, chuyên gia Trần Hải Hiền – với hơn mười năm kinh nghiệm hàn gắn các mối quan hệ tình cảm – đã chia sẻ những bài học quý giá về tình yêu và hôn nhân, giúp các cặp đôi xây dựng một mối quan hệ lành mạnh và bền vững. Cuốn sách cung cấp những lời khuyên thực tế về cách giải quyết mâu thuẫn, cách giao tiếp hiệu quả và cách duy trì sự lãng mạn trong tình yêu.

***

Chữa lành trái tim – Dành cho bạn, người xứng đáng được yêu thương

Chữa lành trái tim – Dành cho bạn, người xứng đáng được yêu thương là một cuốn sách dành cho những ai đang mang trong mình những tổn thương về tình yêu. Với những bí kíp thực tế và lời khuyên chân thành, cuốn sách giúp bạn đọc nhận diện những mối quan hệ độc hại, học cách yêu thương bản thân và chữa lành những vết thương lòng, để sẵn sàng mở lòng cho một tình yêu mới.

Kodaki

Đọc bài viết

Giới thiệu sách

Phạm Công Luận và những trang văn ý nghĩa dịp đầu năm cho người yêu sách

Published

on

Những năm gần đây, hầu như vào mỗi dịp Tết, độc giả lại được thưởng thức các tác phẩm mới nhất của nhà báo Phạm Công Luận do Phương Nam Book xuất bản. Với lối viết đầy ắp chiêm nghiệm, tác phẩm của Phạm Công Luận như món quà tinh thần ý nghĩa, đưa người đọc trở về những ký ức đẹp đẽ, những giá trị xưa cũ.

Mỗi dịp xuân về, Phạm Công Luận lại mang đến cho bạn đọc những góc nhìn mới mẻ về văn hóa, lịch sử và đời sống Sài Gòn xưa. Tác giả khéo léo dẫn dắt người đọc vào hành trình ngược dòng thời gian, khám phá những khía cạnh đa dạng của đời sống Sài Gòn, từ thương mại, sản xuất, báo chí đến văn hóa, ẩm thực và những câu chuyện đời thường. Lối viết giàu hình ảnh, kết hợp hài hòa giữa chất liệu lịch sử, văn hóa và những câu chuyện kể gần gũi đã ghi dấu ấn đặc biệt trong lòng người đọc. Tác phẩm của Phạm Công Luận không chỉ đơn thuần là những trang sách ghi lại ký ức, mà còn là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, gợi nhắc những giá trị truyền thống tốt đẹp, đồng thời khơi dậy niềm tự hào về một Sài Gòn hoa lệ, năng động. Dưới đây là những tác phẩm của Phạm Công Luận, ra mắt độc giả vào các dịp Tết gần đây:

Made In Sài Gòn

Made in Sài Gòn đưa độc giả vào một hành trình khám phá lịch sử sản xuất và kinh doanh của Sài Gòn từ đầu thế kỷ 20. Cuốn sách tập trung vào bộ nhận diện thương hiệu của các sản phẩm xưa, sử dụng hình ảnh nhãn hiệu, tranh vẽ, quảng cáo trên báo chí làm tư liệu minh họa. Qua đó, tác giả Phạm Công Luận tái hiện lại bức tranh kinh tế Sài Gòn một thời, từ những sản phẩm tiêu dùng quen thuộc đến những ngành công nghiệp quan trọng. Made in Sài Gòn không chỉ là câu chuyện về hàng hóa, mà còn là câu chuyện về sự sáng tạo, thích ứng của người Sài Gòn trong bối cảnh kinh tế biến động, đồng thời hé lộ phần nào cách thức thiết kế đồ họa của các họa sĩ Việt, Hoa và Pháp trên đất Sài Gòn gần một trăm năm trước.

***

Biếm Họa Trên Báo Chí Sài Gòn Trước 1975

Cuốn sách Biếm họa trên báo chí Sài Gòn trước 1975 là công trình biên khảo công phu với 30 bài viết và hơn 4000 bức tranh, khắc họa một phần lịch sử báo chí Sài Gòn trước 1975. Phạm Công Luận dẫn dắt người đọc từ những biếm họa đầu tiên trên Nông Cổ Mín Đàm đến những họa sĩ tên tuổi như Tuýt, Chóe, Ớt… Sách không chỉ giới thiệu các tác phẩm biếm họa đặc sắc mà còn phân tích bối cảnh xã hội, chính trị được phản ánh qua từng nét vẽ. Tác giả cũng khéo léo lồng ghép những giai thoại, câu chuyện bên lề thú vị về giới làm báo Sài Gòn xưa, làm sống dậy một thời kỳ sôi động của báo chí miền Nam. Biếm họa trên báo chí Sài Gòn trước 1975 là nguồn tư liệu quý giá, giúp bạn đọc hiểu thêm về lịch sử, văn hóa và xã hội Sài Gòn qua lăng kính hài hước, châm biếm.

***

Sài Gòn Phong Vị Báo Xuân Xưa

Sài Gòn phong vị báo Xuân xưa là tuyển tập các bài viết, hình ảnh, trích dẫn từ các tờ báo Xuân Sài Gòn giai đoạn 1930-1975. Phạm Công Luận đã dày công sưu tầm, biên soạn để tái hiện lại không khí Tết xưa, từ nội dung báo chí đến thị hiếu độc giả. Cuốn sách đưa người đọc trở về những ngày Tết rộn ràng, thưởng thức những bài viết đặc sắc của các cây bút lừng lẫy một thời như Tản Đà, Phan Khôi, Bùi Thế Mỹ… bên cạnh những mẩu chuyện vui, giai thoại thú vị. Sài Gòn phong vị báo Xuân xưa không chỉ là bức tranh toàn cảnh về báo Xuân Sài Gòn mà còn là hành trình khám phá văn hóa Tết truyền thống, gợi nhớ những ký ức đẹp đẽ về một thời đã qua.

***

Những Bức Tranh Phù Thế

Những bức tranh phù thế là tập hợp 33 tản văn của Phạm Công Luận, đan xen giữa những câu chuyện gia đình, kỷ niệm cá nhân và những mảnh ký ức về Sài Gòn xưa. Tác giả khéo léo kết nối “chuyện nhà” và “chuyện phố,” dẫn dắt người đọc qua những miền ký ức ngọt ngào, từ những món quà vặt tuổi thơ đến những góc phố thân quen. Cuốn sách được minh họa bởi họa sĩ Marcelino Trương với những gam màu trầm ấm, tạo nên một không gian hoài niệm sâu lắng. Những bức tranh phù thế không chỉ là những lát cắt về cuộc sống thường nhật mà còn là bức tranh về Sài Gòn xưa qua lăng kính ký ức, chạm đến trái tim người đọc bằng những chi tiết giản dị, chân thực.

***

Có Một Thời Ở Chợ Lớn

Có một thời ở Chợ Lớn tái hiện lại bức tranh đa văn hóa, sôi động của khu Chợ Lớn sầm uất một thời. Phạm Công Luận đã dành nhiều năm tìm hiểu, ghi chép lại những câu chuyện đời thường, những nét sinh hoạt đặc trưng của cộng đồng người Hoa tại Sài Gòn. Từ những người nông dân cần cù đến những thương gia giàu có, từ những nghệ nhân tài hoa đến những võ sư lừng danh, tất cả đều góp phần tạo nên bức tranh đa sắc màu của Chợ Lớn. Cuốn sách không chỉ là câu chuyện về quá khứ mà còn là lời tri ân đến những đóng góp của cộng đồng người Hoa trong sự phát triển của Sài Gòn.

***

Với Ngày Như Lá, Tháng Như Mây

Với ngày như lá, tháng như mây là tập tản văn của Phạm Công Luận, viết về Sài Gòn những năm 1990 qua lăng kính ký ức. Tác giả đưa người đọc trở về với những ngày tháng tuổi trẻ đầy mộng mơ, với những niềm vui giản dị, những kỷ niệm khó quên. Từ ngôi nhà thân thương, mái trường đầy ắp kỷ niệm đến những góc phố quen thuộc, tất cả đều được tái hiện sống động qua ngòi bút giàu cảm xúc của tác giả. Cuốn sách được minh họa bởi họa sĩ Đức Lâm, người từng gắn bó với nhiều ấn phẩm dành cho thiếu nhi, tạo nên sự kết hợp hài hòa giữa văn và họa.

***

Tùy Bút - Hồi Ký - Giai Thoại Trên Báo Xuân Sài Gòn Xưa (tập I & II)

Tùy bút - Hồi ký - Giai thoại trên báo Xuân Sài Gòn xưa (tập I & II) là tuyển tập những bài viết đặc sắc trên báo Xuân Sài Gòn từ những năm 1950 đến 1970. Phạm Công Luận đã khéo léo lựa chọn, sắp xếp để tạo nên bức tranh toàn cảnh về đời sống xã hội, văn hóa, lịch sử qua từng giai đoạn. Từ những câu chuyện lịch sử thú vị đến những giai thoại về giới báo chí, nghệ sĩ, cuốn sách mang đến cho người đọc những góc nhìn đa chiều về Sài Gòn xưa. Tập II được bổ sung thêm phần thơ, làm phong phú thêm nội dung và cảm xúc cho tác phẩm. Tùy bút - Hồi ký - Giai thoại trên báo Xuân Sài Gòn xưa là nguồn tư liệu quý giá, đồng thời là món quà tinh thần ý nghĩa cho những ai yêu mến Sài Gòn và muốn tìm hiểu về văn hóa, lịch sử của thành phố này.

Kodaki

Đọc bài viết

Giới thiệu sách

Có một thời ở Chợ Lớn: Ký ức vàng son về Chợ Lớn qua lăng kính của Phạm Công Luận

Published

on

Có một thời ở Chợ Lớn – tác phẩm nghiên cứu văn hóa mới nhất của nhà báo Phạm Công Luận do Phương Nam Book liên kết xuất bản – đã mở ra cánh cửa thời gian đưa người đọc trở về Chợ Lớn của những ngày xưa cũ.

Sau thành công của những tác phẩm như bộ sách Sài Gòn – Chuyện đời của phố (5 tập), Hồn đô thị, Sài Gòn – Gia Định – Chợ Lớn: Ký Ức Rực Rỡ, Phạm Công Luận tiếp tục khai thác đề tài đô thị Sài Gòn, nhưng lần này tập trung vào một khu vực đặc thù là Chợ Lớn. Tiếp nối Hồi ức Phú Nhuận, Có một thời ở Chợ Lớn là tác phẩm thứ hai của Phạm Công Luận được triển khai theo hướng đặt trọng tâm vào một mảnh ghép nhỏ đã góp phần tạo nên bức tranh lớn về Sài Gòn.

Không chỉ khái quát toàn cảnh về lịch sử hình thành và phát triển, Có một thời ở Chợ Lớn còn khắc họa sinh động đời sống thường nhật, văn hóa, tinh thần của cộng đồng người Hoa qua nhiều thế hệ ở Chợ Lớn. Từng trang sách như những thước phim quay chậm, tái hiện lại không gian Chợ Lớn nhộn nhịp, những con hẻm chằng chịt, những gánh hàng rong, quán ăn thơm lừng hương vị đặc trưng và cả những con người đã làm nên linh hồn của vùng đất này.

Chuyện đời, chuyện phố giữa lòng Chợ Lớn

Có một thời ở Chợ Lớn được xây dựng dựa trên những câu chuyện mà tác giả ghi chép lại trong quá trình tìm hiểu, tiếp xúc với cộng đồng người Hoa tại Chợ Lớn. Những mẩu chuyện nhỏ, những chi tiết đời thường được tái hiện một cách sinh động, tạo nên góc nhìn toàn cảnh về cuộc sống của người Hoa ở Chợ Lớn. Từ những người buôn bán nhỏ lẻ, những người lao động chân tay, cho đến những trí thức, nghệ sĩ, doanh nhân thành đạt, mỗi người đều có một câu chuyện riêng, góp phần tạo nên sự đa dạng và phong phú của cộng đồng.

Qua ngòi bút tài hoa và sự am hiểu sâu sắc, Phạm Công Luận đã tái hiện lại Chợ Lớn như một địa danh thân thương, một vùng đất giao thoa văn hóa, một dòng chảy lịch sử cuộn trào giữa lòng Sài Gòn hoa lệ. Nơi đây, cộng đồng người Hoa đã nhập cư, rồi phát triển, tạo nên một bản giao hưởng đa âm sắc với những nét văn hóa độc đáo, nền ẩm thực phong phú và những câu chuyện đời thường thấm đẫm tình người.

Trong những bài viết như Chuyện đời mái chín Oai Hên, Tìm về gốc tích ông bá hộ xường – Lý Tường Quang, Học người Hoa cách làm ăn, Phạm Công Luận đã khéo léo lồng ghép những câu chuyện cá nhân vào bối cảnh lịch sử, văn hóa của Chợ Lớn, giúp người đọc hiểu rõ hơn về quá trình hình thành và phát triển của vùng đất này. Những câu chuyện về những ngày đầu nhập cư gian khó, những nỗ lực vươn lên trong cuộc sống của người Hoa, những nét văn hóa đặc trưng được tái hiện một cách chân thực, tạo nên sự đồng cảm và xúc động cho người đọc.

Thông qua những câu chuyện đời thường, Phạm Công Luận đã gửi gắm thông điệp về sự quan trọng của tình làng nghĩa xóm, của sự đoàn kết, tương thân tương ái trong cộng đồng. Đây là những giá trị truyền thống quý báu mà người Hoa luôn gìn giữ và phát huy.

Hương vị Chợ Lớn thấm đẫm ký ức

Ẩm thực Chợ Lớn là một phần không thể thiếu trong bức tranh văn hóa của vùng đất này. Trong Có một thời ở Chợ Lớn, Phạm Công Luận đã dành nhiều bài viết để giới thiệu về những món ăn đặc trưng, những hương vị độc đáo của Chợ Lớn. Từ những món ăn đường phố bình dân như bột chiên, bánh hẹ, chè… đến những món ăn cầu kỳ, tinh tế trong các nhà hàng sang trọng như nhà hàng Ái Huê Đệ Nhất Tửu Lâu, nhà hàng Bách Hỉ – tất cả đều được tác giả miêu tả một cách chi tiết và hấp dẫn.

Những bài viết như Những tiệm trà sâm và bức tượng gỗ tiệm Vạn Tế Đường, Xóm cũ thơm mùi thính rang, Món ăn Hoa trong mắt một người Hoa, Ăn rong Chợ Lớn sẽ đưa người đọc bước vào thế giới ẩm thực phong phú, đa dạng của Chợ Lớn. Phạm Công Luận không chỉ miêu tả hương vị món ăn mà còn kể những kỷ niệm gắn liền, khiến cho mỗi món ăn đều trở nên gần gũi, thân thương.

Thông qua đó, người đọc sẽ được trải nghiệm một hành trình ẩm thực thú vị qua những trang sách, khám phá nhiều bí quyết chế biến, những câu chuyện thú vị đằng sau mỗi món ăn. Hương vị Chợ Lớn không chỉ là sự hòa quyện của các loại gia vị, mà còn là sự kết tinh của văn hóa, lịch sử và tâm hồn người Hoa nơi đây.

Chợ Lớn: Nơi giao thoa văn hóa Việt - Hoa

Không chỉ dừng lại ở việc miêu tả những nét văn hóa đặc trưng của người Hoa, Phạm Công Luận còn phân tích sâu về ý nghĩa, nguồn gốc. Tác giả giải thích rõ ràng những khác biệt trong văn hóa của các nhóm người Hoa khác nhau như người Quảng Đông, người Triều Châu, người Phúc Kiến, người Hải Nam, người Hẹ, giúp người đọc có cái nhìn toàn diện hơn về văn hóa Chợ Lớn.

Có một thời ở Chợ Lớn còn nói về sự giao thoa văn hóa giữa người Việt và người Hoa. Phạm Công Luận đã khéo léo trong việc tái hiện quá trình này diễn ra một cách tự nhiên, hài hòa, làm phong phú thêm đời sống văn hóa của cả hai cộng đồng. Tác giả chỉ ra những điểm tương đồng và khác biệt trong văn hóa của hai dân tộc, đồng thời nhấn mạnh sự tôn trọng và học hỏi lẫn nhau.

Từ đó, Chợ Lớn hiện lên như một minh chứng sống động cho sự giao thoa văn hóa thành công. Nơi đây, người Việt và người Hoa cùng chung sống, cùng làm việc, cùng chia sẻ những giá trị văn hóa. Họ ảnh hưởng lẫn nhau trong ngôn ngữ, ẩm thực, kiến trúc, lối sống,... tạo nên một nét văn hóa đặc trưng riêng của Chợ Lớn. Phạm Công Luận đã sử dụng nhiều ví dụ cụ thể để minh chứng cho luận điểm của mình: từ những món ăn đường phố đến những ảnh hưởng ngôn ngữ mang đậm dấu ấn của cả hai nền văn hóa.

Có một thời ở Chợ Lớn như một lời tri ân đến những người đã góp phần tạo nên một Chợ Lớn phồn hoa, đa dạng và đầy sức sống. Đây là một cuốn sách đáng đọc cho những ai yêu mến Sài Gòn, muốn tìm hiểu về văn hóa, lịch sử và con người của vùng đất Chợ Lớn.

***

Trích đoạn

Đến giờ, tôi vẫn thấy khi nói thằng “phì lũ” sướng hơn là gọi thằng mập hay thằng béo, “láng coóng” nghe đã hơn sáng trưng. Những từ gọi tên món ăn như phá lấu, há cảo, hoành thánh, xí quách… thì không từ tiếng Việt nào thay thế được, vì nó đã được dung nạp vào tiếng Việt, trong ngôn ngữ nói của người Việt miền Nam. Khi nhắc đến những từ này, không ai nghĩ mình đang nói tiếng Hoa…

(Trích Những từ ngữ nổi trôi)

Kinh Tàu Hủ có một nhánh phía bên phải ngả sang khu vực nay là bệnh viện Chợ Rẫy tạo thành một vùng lầy lội. Tại vùng này, người Tiều nghèo khổ đã tận dụng những khoảnh đất cao để trồng rau làm rẫy. Nhờ tính cần cù của họ, vùng đất lầy lội này được cải tạo thành một khu trồng rau lớn cung cấp rau xanh cho cả Chợ Lớn và Bến Nghé…

(Trích Rẫy Tiều)

***

Về tác giả

Nhà báo Phạm Công Luận là tác giả của những tựa sách gây tiếng vang và được tái bản nhiều lần như Nếu biết trăm năm là hữu hạn, Những lối về ấu thơ, Chú bé Thất Sơn. Không chỉ nổi bật trong thể loại tản văn, ông còn là một cây bút gạo cội sở hữu lượng tác phẩm dồi dào, mang đến cho độc giả nhiều tập sách chuyên khảo, hồi ký về Sài Gòn giàu giá trị như Sài Gòn – Chuyện đời của phố (5 tập), Phong vị báo xuân xưa, Sài Gòn – Ngoảnh lại trăm năm…

***

Thông tin tác phẩm

  • Tựa chính: Có một thời ở Chợ Lớn
  • Tác giả: Phạm Công Luận
  • Thể loại: Văn hóa – Tham khảo
  • Giá bìa: 299.000đ (Bìa mềm); 399.000đ (Bìa cứng)
  • Sách do Phương Nam Book và NXB Văn hóa Dân tộc liên kết xuất bản
Đọc bài viết

Cafe sáng