Book trailer

The Booker Prize 2020: Shuggie Bain – Một vùng cô độc

She was drinking to forget herself, because she did’t know how else to keep out the pain and loneliness.

Published

on

Lần đầu tiên trong lịch sử Booker có đến 6/13 cuốn tiểu thuyết được chọn vào danh sách đề cử và 4/6 ở danh sách rút gọn là các cuốn tiểu thuyết đầu tay. Điều này đặt ra một nghi vấn lớn: liệu giải thưởng có lịch sử lâu đời này đang muốn trẻ hóa, hay đã quá chán ngán những tên tuổi lặp đi lặp lại hơn 51 năm nay? Chính việc chọn lựa những tên tuổi mới cũng đặt ra một nghi vấn đi kèm, rằng với một lịch sử viết và cách tiếp cận mới mẻ, liệu những tác phẩm này có thật sự nặng kí và phản ánh được điều gì lớn lao?

Với Shuggie Bain, Douglas Stuart đã chứng minh một điều ngược lại. Cuốn tiểu thuyết hùng vĩ và dậy sóng, chạm đến độc giả bằng sự chân thành. Một dẫn nhập xuyên suốt qua vùng Glasgow – Scotland những năm 1980 dưới đế chế Thatcher u tối và những vấn đề xung quanh một gia đình nhỏ làm nên những đứt gãy văn chương ấn tượng và đầy cảm xúc.

*

Điều tốt nhất Douglas làm được ở Shuggie Bain là sự chân thành. Với cách dẫn dắt điềm tĩnh cùng giọng văn nhẹ nhàng và đầy cảm xúc, anh đưa người đọc đến với nhân vật của mình một cách chậm rãi, từ từ, hòa từng người một vào trong đám đông. Các nhân vật trong tiểu thuyết này không mới, nhưng họ như được hồi sinh từ cách dẫn dắt, để mỗi người là một nút thắt thật sự tồn tại, có điểm nhấn, vận động, và đưa đến đỉnh điểm của bản thân mình. Nếu Agnes kiêu hãnh và đầy sức sống thì Shuggie bạc nhược và đầy định kiến. Nếu Leek trưởng thành và nuốt vào trong nội tâm suy nghĩ, thì Hugh đáng yêu và đầy cảm xúc trong những trường đoạn cùng với Agnes. Các nhân vật của anh độc lập, khuôn mẫu; tuy có đó quan hệ máu thịt, nhưng mỗi người họ là vũ trụ riêng, một ảnh hưởng riêng; từ đó thể hiện những tác động nhất định lên riêng mỗi người.

Đầu tiên là về Agnes. Một phụ nữ 39 tuổi, sống cùng chồng và ba đứa trẻ chen chúc trong căn hộ mẹ cô, gợi lên sự thất bại và cái sắc bén ủ dột trước mọi hứa hẹn cuộc sống tốt hơn. Từ một người đàn bà xinh đẹp như Elizabeth Taylor mỗi lần soi chiếu trước gương, nay cô nổi giận trước tuổi trẻ đã mất, trước những lớp mỡ sau khi sinh ba đứa con và cuộc chạy trốn người chồng đầu tiên. Liền sau đó cuộc sống xám xịt chuyển sang khung cảnh chán chường, khi chồng bỏ đi, không có đủ tiền để rồi giả vờ nhét giấy vệ sinh vào ví như thể một cách tự an ủi bản thân rằng vẫn còn khả năng chi trả cuộc sống.

Việc bỏ đi của Shuggie kiến cô trở thành một người loạn trí: ngồi trước điện thoại mỗi ngày hàng giờ để gọi tổng đài taxi, chứng nghiện rượu, giấu các chất lỏng kích thích vào sau bồn rửa. Chưa dừng ở đây, năm tiếp sau đó cả cha mẹ cô đều mất vì ung thư. Ít ra, cuộc đời còn một lối thoát; việc đi làm ca tối ở trạm xăng khiến cô dần dần loại bỏ được chứng nghiện rượu, gặp gỡ Eugene – anh chàng tóc đỏ đẹp trai và đồng cảm khi vợ mất cũng vì ung thư. Nhưng rồi trạm xăng giải thể, Eugene bỏ đi khi phát hiện cô từng nghiện rượu và muốn chuyển nhà, một cơn nghiện rượu mới tiếp tục diễn ra. Khi mọi thứ quá sức chịu đựng, cô đuổi Leek đi và tự tử bằng cách tự cắt cổ tay, đưa đầu vào lò khí gas.

Với Agnes, Douglas đã khắc họa hình tượng nhân vật nhiều lớp suy nghĩ. Một người đàn bà kiêu hãnh với giày cao gót, với áo khoác tím; người ganh tị với Collen, với mẹ mình vì tình yêu bà dành cho bố. Người hả hê tận hưởng khi Jamesy rời bỏ Collen, người bị cuốn hút bởi những anh chàng đẹp mã, người hành động điên loạn chẳng vì lẽ gì, người ngẩng cao đầu trước ánh mắt soi mói của hàng xóm ở khu mỏ than,… Có lẽ nhiều người lầm tưởng Agnes là một tính cách lạ, thế nhưng ẩn sau vẻ ngoài mạnh mẽ và đầy vận động ấy là một tâm hồn mong manh đẩy đến đường cùng. Giữa nỗi cô đơn thường trực khi người đàn ông cô yêu bỏ đi, từng đứa con rời xa mình; người phụ nữ ấy chỉ biết uống, uống và uống, vung từng đồng xu cuối cùng vào chất kích thích. Đằng sau những trăn trở ấy, là mối quan hệ thân tình mà đầy trìu mến dành cho cậu bé Hugh. Việc ôm Hugh và kể cậu nghe những người đàn ông đã hủy hoại mình, muốn Hugh chỉ cách nhảy theo nhạc Janet Jackson, việc gặp lại cậu ở bữa chè chén trong cảnh thảm hại của thân thể mình… Douglas bằng một trải nghiệm cá nhân thuật lại chính câu chuyện này, một cách tinh tế và đầy xúc cảm.

Ảnh: The New York Times

Thế nhưng ở một mặt khác, những người đàn ông trong cuốn sách này được khắc họa như bầy đàn bê tha, bệ rạc và sợ đối đầu. Cụ thể là Shug và chàng Eugene. Ngược lại trở về quá khứ, cũng chính người đàn ông ấy kéo cô lên cầu thang của một nhà nghỉ rẻ tiền khi cô quá say, để mặc cho đầu cô va đập bởi những bậc thềm, cưỡng hiếp và sau đó đề nghị đi khiêu vũ vào đêm hôm sau như chưa có chuyện gì xảy ra. Việc túng quẫn không có đủ tiền cũng chính bởi cái tôi quá lớn của người đàn ông; họ không bao giờ cho phép vợ mình làm việc để có thêm thu nhập dù cho đó là làm gì. Nếu Shug khắc nghiệt và đầy dối trá thì Eugene trẻ con và sợ đối đầu – những con người bệ rạc trong cuộc đời cô.

Và cùng với đó, cuộc sống của những đứa trẻ là mảnh ghép khác rất đáng nhắc đến trong cuốn sách này. Một mặt nào đó ta có thể nói, Shuggie Bain như phiên bản dễ thở hơn của Con sẻ vàng từ Donna Tart nhưng cũng hiện thực và thức thời hơn Warlight của Ondaatje. Con trai của Agnes, Shuggie, đi học để rồi trở thành chủ thể bị bắt nạt. Không phải vì mẹ là người nghiện rượu, mà bởi cậu không thích vận động như một cậu bé, không thích bóng đá, không giấu được niềm đam mê làm tóc, thú bông Pony hay những điệu nhảy. Hay Hugh, đứng ở đó như dấu gạch nối giữa cuộc đời này và chính Agnes, cậu trưởng thành lo toan từ cơn nghiện rượu cho đến ngăn những nữ ma men đến nhà rù quến mẹ cậu hay lẳng lặng quan sát những người đàn ông tiến đến Agnes, lắng nghe âm thanh để đoán biết được tâm trạng của mẹ đang như thế nào, hay ngồi trước cửa trong bộ pyjamar cố hữu để nghe ngóng chuyện.

Ở một mặt khác, Shuggie Bain cũng đồng thời nói về tác động của chủ nghĩa Thatcher đối với xã hội Glasgow, nơi “những người đàn ông thối rữa trên trường kỷ vì muốn có công việc tử tế”. Lấy bối cảnh những năm 1980 khi các hầm lò vẫn đang đóng cửa, các nhà máy đóng tàu và luyện kim thép đang dần suy tàn. Những người thợ mỏ tự hào một thời nay bị giáng cấp xuống dưới đáy xã hội, họ đột nhập vào các mỏ đá ăn trộm dây đồng. Một số bây giờ lái xe taxi; hầu hết chỉ đến quán rượu. Đói nghèo, tọc mạch và đầy tệ nạn; một thời u tối của xứ Glasgow như tái hiện lại trong cảnh ăn mừng đám tang Thatcher vào năm 2013.

Ảnh: The Guardian

Bằng lối viết đong đầy cảm xúc và cách dẫn dắt câu chuyện đi dần vào trong hố đen của bi kịch gia đình Agnes, Shuggie Bain đã khắc họa nên thời kì đen tối của Scotland những năm 1980. Douglas Stuart một mặt đã khái quát được mối quan hệ đầy sống gió giữa những thành viên trong một gia đình, một mặt cho thấy sự tự khám phá bản thân qua những người con lớn lên trong cảnh bất hạnh, đơn độc mà không được thấy ánh sáng hy vọng. Không quá đẹp đẽ như từng câu văn của Ondaatje, cũng không chứa quá nhiều suy ngẫm về sự cô độc của Donna Tart, Shuggie Bain là cuốn sách đầu tay vừa đủ mà đầy tinh tế về mối quan hệ mẹ – con, về định kiến đối với phụ nữ, về sự tự nhận thức bản thân, về đói nghèo – thụt lùi và tệ nạn của Scotland những năm 80 trong giọng văn tự sự và cốt truyện đầy cảm xúc. Một vở melodrama bùng nổ của năm, giữa hài hước dí dỏm và tuyệt vọng không thấy đường ra.

Hết.

minh.

*

The Booker Prize 2020






Book trailer

Bi cảm cái đẹp và cái chết trong tiểu thuyết Người đẹp ngủ mê của văn hào Kawabata Yasunari

Published

on

Người đẹp ngủ mê – tiểu thuyết kinh điển của cố nhà văn Nhật Bản Kawabata Yasunari vừa được Phương Nam Book tái bản phát hành – khắc họa thái độ phản tỉnh của một người thực hành thiền định để đi đến giác ngộ về dục tính của chính mình và ý nghĩa của nhân sinh.

Người đẹp ngủ mê được Kawabata Yasunari viết và xuất bản vào năm 1961 khi ông 62 tuổi. Tác phẩm này dựa trên một kịch bản sân khấu kabuki với nhan đề Những mỹ nữ của Eguchi, công diễn khoảng thế kỷ 17 ở Nhật Bản.

Ông lão Eguchi 67 tuổi và nỗi lòng cô đơn trống trải

Tác phẩm kể về những lần ghé thăm của ông lão Eguchi, 67 tuổi, đến ngôi nhà đặc biệt với những trinh nữ xinh đẹp, tuổi chưa đến hai mươi, được gây mê bằng thuốc ngủ liều cao, hoàn toàn khỏa thân trong tình trạng ngủ say. “Nếu chỉ cần lay nhẹ mà cô gái đã thức dậy thì ngôi nhà này đâu còn gì bí ẩn nữa. Các vị khách đến đây ‘giống như ngủ với một ông Bụt vô hình’. Đối với các ông già, ngủ với một người đẹp không khi nào tỉnh thức là một mối cám dỗ, một cuộc phiêu lưu, một niềm vui thú mà họ tin mình còn thực hiện được.”

Mỗi chương truyện là những lần ông lão Eguchi ghé thăm ngôi nhà đặc biệt này. Mỗi lần, ông lại ngủ với những cô gái khác nhau. Màn đêm tối buông xuống, hơi thở êm dịu của những cô gái, gió thỉnh thoảng thổi qua mái nhà, tiếng sóng biển ầm ầm đập vào vách đá, Eguchi có những hồi tưởng, những hoài niệm khắc khoải khác nhau về những người đàn bà đã đi qua đời ông. Một ẩn dụ rõ ràng về sự tiếc nuối những văn hóa, những vẻ đẹp xưa kia ở Nhật Bản chỉ có thể gợi nhớ lại qua những khung cảnh, những hình ảnh tương tự, gần giống như thế.

Việc ngủ cạnh những cô gái trong ngôi nhà đặc biệt đã khiến tâm tưởng ông lão Eguchi tìm ra những cung bậc cảm xúc hết sức khác thường trong khi vẫn tôn trọng quy định của ngôi nhà. “Nàng ngủ, nàng không nói, nàng chẳng thấy khuôn mặt ông, chẳng nghe giọng nói ông... Và số phận ông nàng cũng chẳng mảy may biết đến”. Hơn hết, nhân vật chính cô đơn trong chính tâm thức của mình. “Một nỗi cô đơn buồn bã trào lên. Nhưng hơn cả nỗi cô đơn hay nỗi buồn rầu, chính là nỗi cô chiếc tuyệt vọng của tuổi già như thể đông lạnh hẳn trong ông”.

Điểm cốt lõi của tiểu thuyết Người đẹp ngủ mê bắt nguồn từ nhân vật chính tự chiêm nghiệm về chính con người thực sự của mình. Ở hành trình đó, tác giả Kawabata Yasunari đã tạo ra các cuộc gặp gỡ, sự quan sát của ông lão Eguchi về vẻ đẹp thể xác của các cô gái. Tác phẩm không chỉ đơn thuần tràn ngập những mỹ từ như “bàn tay mịn và đẹp, mái tóc trinh trắng, đôi má ửng đỏ, cổ và vai trông tươi và trẻ…”, mà là sự suy tưởng về quy luật của thời gian, sự sống và cái chết, nỗi hoài niệm quá khứ, khao khát tương lai, lãng quên cuộc sống hiện tại. Phải chăng, hình ảnh của một đời sống xã hội đầy tổn thương khiến con người ta dễ rơi vào tâm trạng cô đơn, nỗi tiếc nhớ xót xa những tháng ngày chưa sống mà đã qua đi.

Bi cảm cái đẹp và cái chết

Càng về sau, tác giả Kawabata Yasunari đi sâu vào bản thể và ký ức xa xăm nhất của nhân vật chính, Eguchi tìm lại được những cảm xúc tinh thần thuần túy. Ông lão tin rằng, ở trong ngôi nhà đặc biệt này, chắc có những lão già không những buồn rầu nhìn lại thời trai trẻ nay đã xa xưa mà còn tìm cách lãng quên những điều xấu xa, những việc độc ác đã làm dọc theo chiều dài cuộc đời họ. Nhìn từ khía cạnh này, Eguchi nhiều lần xuất hiện cảm giác rằng những người đẹp ngủ mê phải chăng là sự hiện thân của một vị Bụt nào đó, trong các truyền thuyết xưa cũ.

Cũng trong tác phẩm này, Kawabata nhận định: “Trên thế gian không có gì cao quý bằng con người. Trong loài người không có gì vinh dự bằng thân thể trong trắng của người nữ. Tuy nhiên, để chiếm đoạt, sở hữu nó người ta phải phá hủy sự trinh khiết đó”Người đẹp ngủ mê chính là thứ cảm giác không thể nhầm lẫn mách bảo ta rằng Kawabata đã khéo léo sử dụng vẻ đẹp của ngôn từ cần thiết cho tác phẩm. Đỉnh điểm, ông đã khắc họa thành công cái đẹp của tấm thân trần – nó dường như trở thành biểu tượng cao quý của tính nữ vĩnh hằng, dù có được sở hữu trong tay thì vẫn muôn đời là bí mật.

Tác phẩm Người đẹp ngủ mê đã giúp cho tác giả Kawabata Yasunari trở thành tiểu thuyết gia người Nhật đầu tiên và người châu Á thứ ba đoạt giải Nobel Văn học năm 1968 với lời ca ngợi của Viện Hàn Lâm Thụy Điển rằng: “Ông là người tôn vinh cái đẹp hư ảo và hình ảnh u uất của hiện hữu trong đời sống thiên nhiên và trong định mệnh con người”.

Một điểm đặc biệt, ở chương cuối, ông lão Eguchi trong cơn mộng mị nửa tỉnh nửa mê đã gợi nhớ về hình ảnh người mẹ của mình. Người đàn bà đầu tiên: “Mẹ”. Ý nghĩ này bất ngờ xẹt qua đầu ông như tia chớp. “Không phải mẹ thì ai vào đấy nữa”. Ý thức và lý trí ông đã tê liệt, và hình như nước mắt ứa ra từ khóe mắt già nua. Ông chỉ còn nhớ được đã mò mẫm tìm vú mẹ rồi lăn ra ngủ những ngày thơ ấu. Cũng giống như ông lão Eguchi nhớ về mẹ, đứa con dù lớn vẫn là con của mẹ. Có lẽ, cảm thức cô đơn trong chính tác phẩm văn chương của Kawabata thường phản ánh từ chính cuộc sống thời thơ ấu mồ côi từ năm 2 tuổi và cái tuổi trẻ thấm đẫm nước mắt của chính tác giả.

Sau tất cả, tiểu thuyết Người đẹp ngủ mê đem lại những cảm xúc thẩm mỹ độc đáo, đồng thời để lại nhiều khoảng trống, nhiều băn khoăn để độc giả tự khám phá bằng trình độ thưởng thức của mình. Người đẹp ngủ mê chứa đựng nhiều đối cực: tuổi già – tuổi trẻ, cái đẹp – cái chết, tội lỗi – trong sạch, tha hoá – nguyên sơ… Vì vậy, Kawabata Yasunari dẫn dắt độc giả qua tầng tầng lớp lớp ngữ nghĩa vận động không ngừng, tạo nên sự khác biệt trong cảm nhận khi đọc tác phẩm.

Nếu một vài độc giả cảm thức tác phẩm thanh hay tục đều xuất phát từ hình tượng nghệ thuật phức tạp, ngôn từ đa nghĩa. Đôi khi, độc giả sẽ có những cảm xúc kinh hãi vì những suy nghĩ xấu xa của ông già Eguchi. Hay bạn sẽ thương xót cho vẻ đẹp của thân xác những người đẹp ngủ mê đang bị làm ô uế… Song dù sao, người đọc cần một trí tuệ sáng suốt, thấy đúng, thấy rõ những sai lầm của nhân vật chính để từ đấy lĩnh hội được các giá trị đích thực chân – thiện – mỹ của tác phẩm.

Trích đoạn

“Ngay vào thời điểm này trong năm, hai hay ba hoa mẫu đơn mùa đông nở dưới mặt trời ấm áp bên chân hàng rào cao bằng đá của một tu viện cổ ở Yamato. Những đóa trà hoa trắng nở trong vườn gần mái hiên ngôi nhà Shisendo. Vào mùa xuân, ra đời những chùm hoa đậu tía, những đóa đỗ quyên trắng ở thành phố Nara và ở Đền Trà Hoa ở Kyoto, những cánh hoa trà rụng đầy vườn.”

“Cô gái ngủ mê man như chết nhưng thời gian sinh tồn của nàng đâu có ngưng chảy, vậy nàng có giữ được thời gian đó không hay là nó chảy tuột vào một vực sâu không đáy? Nàng không phải là một búp bê sống, vì không thể có búp bê sống trên thế gian này; nàng được biến thành một đồ chơi sống, để các cụ già đã mất năng lực đàn ông không bị cảm thấy xấu hổ. Không, không phải một đồ chơi: đối với các cụ, nàng chính là cuộc sống. Một cuộc sống người ta có thể sờ mó được, một cách tự tin”.

“Dù say ngủ, nàng vẫn sống, nói cách khác, ý thức nàng bị vùi sâu trong giấc ngủ đậm đặc nhưng thân xác nàng vẫn sinh động trong nữ tính của mình.”

Về tác giả

Chân dung văn hào Nhật Bản Kawabata Yasunari năm 1969

Kawabata Yasunari (1899–1972) sinh ra ở Osaka, mồ côi năm lên 2 tuổi. Từ đó, ông và chị sống lần lượt cùng ông bà ngoại và gia đình người dì. Kawabata Yasunari là tiểu thuyết gia người Nhật đầu tiên và người châu Á thứ ba đoạt giải Nobel Văn học (năm 1968).

Những sáng tác văn chương, những tiểu luận mỹ học và phê bình văn học của Kawabata Yasunari, qua thời gian vẫn luôn đem lại hấp lực mạnh mẽ đối với nhiều nhà phương Đông học trên khắp các châu lục, có sức lôi cuốn rộng rãi độc giả trên thế giới, phản ánh nhiều phương diện của văn hóa Nhật cũng như những rung cảm đầy đam mê mà tinh tế của tâm hồn Nhật.

Đọc bài viết

Giới thiệu sách

Lớn lên trên đảo vắng – Cuộc phiêu lưu kịch tính của gia đình Robinson

Published

on

Lớn lên trên đảo vắng

Trên đường sang châu Mỹ lập nghiệp, gia đình Robinson không may bị đắm tàu và trôi dạt vào một hoang đảo. Tại đây, họ đã phải bắt đầu một cuộc sống mới đầy gian khó, khi phải tự làm nhà, săn bắn, trồng trọt, thuần hóa thú hoang… Mỗi ngày với họ đều là một chuyến phiêu lưu kỳ thú nhưng cũng không kém phần nguy hiểm. Với sự ưu đãi của thiên nhiên và tinh thần kiên cường vượt qua nghịch cảnh, gia đình Robinson không chỉ sống sót mà sau nhiều năm lưu lạc trên đảo vắng, họ còn xây dựng được cho mình một cơ ngơi đáng kể.

Dưới ngòi bút miêu tả chân thực của tác giả Johann David Wyss, Lớn lên trên đảo vắng không chỉ bày ra trước mắt độc giả vẻ đẹp của một thế giới tự nhiên hoang sơ, trù phú mà còn là lời ca ngợi những đức tính tuyệt vời của con người. Đó là tinh thần phiêu lưu dũng cảm, sự thông minh tài trí, tính cần cù chăm chỉ và lòng tốt, sự quan tâm giữa các thành viên trong gia đình với nhau. Nhờ vậy mà đây đã trở thành một trong những tác phẩm được yêu thích nhất của trẻ em trên toàn thế giới, còn nhiều lần được dựng thành phim cũng như chuyển thể thành truyện tranh và trò chơi điện tử.

Johann David Wyss (28/5/1743 - 11/1/1818) sinh ra ở Bern, Thụy Sĩ. Ông vốn là mục sư nhưng sau này đã trở thành một tác giả nổi tiếng. Được truyền cảm hứng từ tác phẩm Robinson Crusoe của Daniel Defoe, nhưng Wyss muốn viết một câu chuyện chứa đựng những bài học thú vị, bổ ích về cuộc sống thiên nhiên hoang dã dành riêng cho trẻ em, nên đã cho ra đời tiểu thuyết Lớn lên trên đảo vắng. Tác phẩm được xuất bản lần đầu tiên bằng tiếng Đức năm 1812, và sau đó hai năm, đã được dịch sang tiếng Anh, rồi lần lượt là nhiều thứ tiếng khác.

Đọc bài viết

Giới thiệu sách

Năm tuần trên khinh khí cầu – Chuyến du lịch độc đáo xuyên qua châu Phi hoang dã

Published

on

Năm tuần trên khinh khí cầu

Năm tuần trên khinh khí cầu kể câu chuyện về ba người Anh với tham vọng băng qua châu Phi, từ Đông sang Tây, trên một chiếc khinh khí cầu. Tiến sĩ Samuel Fergusson, nhà khoa học thông tuệ, là trưởng đoàn, đồng hành cùng ông có người hầu cận trung thành Joe và anh bạn thợ săn thiện xạ Dick Kennedy. Bộ ba dấn thân vào biết bao cuộc phiêu lưu hấp dẫn và không kém phần kỳ lạ: chạm trán với người bản địa và những loài động vật nguy hiểm, gặp sự cố với khinh khí cầu, đồng thời phải vật lộn với những bất lợi về thời tiết. 

Xuyên suốt cuốn sách Năm tuần trên khinh khí cầu, tác giả Jules Verne đã mô tả một cách sinh động những đặc điểm về hệ thực vật, động vật, địa lý và con người châu Phi qua con mắt của thế kỷ XIX. Được xuất bản lần đầu vào năm 1863, Năm tuần trên khinh khí cầu là sự kết hợp tuyệt vời của các yếu tố như nhân vật thông minh, sáng tạo, những kiến thức khoa học và công nghệ đi trước thời đại, đặc biệt là cốt truyện đầy hấp dẫn hé lộ viễn cảnh về một thế giới chưa được biết tới, tất cả đã làm nên chất phiêu lưu đặc trưng và tạo tiền đề cho những tác phẩm sau này của Jules Verne.

Tác phẩm văn học Năm tuần trên khinh khí cầu. Ảnh: Đinh Tị Books

Ngày 31/1/1863, Năm tuần trên khinh khí cầu chính thức ra mắt và ngay lập tức nổi tiếng khắp nước Pháp và sau đó là toàn thế giới. Mọi người đều hết sức kinh ngạc khi độc giả có cảm giác được trải nghiệm thực tế những điều trong sách. Một độc giả còn gửi thư tới nhà xuất bản để hỏi: “Tôi rất mong nhận được một câu trả lời từ ngài, Tiến sĩ Samuel Fergusson thật sự có thể ngồi trên khinh khí cầu để bay xuyên qua châu Phi ư…”

Năm tuần trên khinh khí cầu do Đinh Tị Books phát hành. Bản dịch đầy đủ từ dịch giả Ngụy Thanh Tuyên giúp truyền tải trọn vẹn tinh thần của bản gốc. Bởi, dịch giả Ngụy Thanh Tuyên đã có kinh nghiệm chuyển ngữ thành công rất nhiều tác phẩm cả kinh điển, trong số đó có thể kể đến Hai vạn dặm dưới đáy biển 80 ngày vòng quanh thế giới.

Trích đoạn

“Samuel thân mến ạ!” Người thợ săn nói. “Dự án gì đó của anh thật điên rồ! Nó không khả thi! Nó chẳng có vẻ gì là nghiêm túc hay thực tế hết!”

“Tại sao lại không?”

“Chà, vì rủi ro, vì trở ngại đủ kiểu.”

“Về chuyện trở ngại,” Fergusson nghiêm giọng nói. “Trở ngại tồn tại là để ta vượt qua. Còn rủi ro và nguy hiểm ư? Ai dám tự vỗ ngực tuyên bố ta đây chẳng bao giờ gặp nguy? Chúng ta chỉ nên thấy hiện tại qua tương lai mà thôi, vì tương lai chẳng qua chỉ là hiện tại xa hơn một chút.”

Đọc bài viết

Cafe sáng