Book trailer

The Booker Prize 2020: Burnt Sugar – Như cơn ớn lạnh chạy dọc sống lưng

I would be lying if I said my mother’s misery has never giving me pleasure.

Published

on

Để hỏi đâu là cuốn sách gây nhiều phân cực nhất của mùa giải năm nay thì câu trả lời chắc hẳn là Burnt Sugar của Avni Doshi. Thành thực mà nói, với cuốn sách này, Avni tự đặt mình vào thế khó khi xây dựng một chủ đề quá ư táo bạo, khác xa lẽ thường. Trên trang chấm điểm Goodreads, bình luận nhận được nhiều đồng ý và đáp trả nhất lại là đánh giá 1 sao – với những nhận định phi thực, kinh tởm, lộn xộn… Nhưng liệu có công bằng cho một tác phẩm văn chương, khi nó đụng đến một thứ gì đó về sự ích kỷ, về bản tính người – dẫu chăng khi được nhìn nhận trong mối quan hệ mẹ con ruột thịt vốn được xem như những gắn kết thiêng liêng mà đặc biệt hơn, còn xuất phát từ những phông nền phương Đông, nơi tình cảm gia đình vốn vẫn được đặt trên hàng cao nhất? Rõ ràng là không. Nhìn nhận một mặt nào đó, Burnt Sugar là tiểu thuyết đầy bi kịch, sự trả thù, cái đáp trả giữa mẹ và con gái khi những giá trị cá nhân va chạm vào nhau, những động cơ trộn lẫn vào nhau và những xung đột như đang nén dần đến mức tối đa.

*

Cuốn sách mở đầu bằng một câu văn như thể hàm chứa trọn vẹn nội dung của mình: Sẽ là dối trá nếu nói những bí mật của mẹ không khiến tôi thích thú. Lấy bối cảnh ở Pune – thủ phủ miền Tây trung tâm Ấn Độ,  Burnt Sugar là những xung đột mạch ngầm giữa Antara – một nghệ sĩ sáng tạo nghệ thuật, và mẹ cô – Tara, người phụ nữ kỳ lạ, loạn trí, mà ở ngay thời điểm hiện tại, được xác định như đang mắc chứng Alzheimer. Ngay cả cái tên của hai người họ, cũng đã chứng kiến một sự đối đầu (Antara = An + Tara = Không – Tara). Với Burnt Sugar, hơn ai hết, Avni Doshi đã đi vào những trải nghiệm vô cùng cá nhân, núp trong bóng tối của mối quan hệ tưởng như thiêng liêng và đầy ánh sáng. Là phiên bản đảo ngược và logic hơn của Mình cần nói chuyện về Kevin của Lionel Shriver và cũng Ấn Độ hơn Nhật ký mang thai của Yoko Ogawa, Burnt Sugar là một khúc ca đầy những note cao của một giọng hát đã quá mỏi mệt, đầy những lỗi strain, flatcrack trong sự kích động của bản hòa ca nhịp nhàng bối cảnh.

Quay về những năm 60 khi Tara trốn khỏi nhà chồng đi đến tịnh thất như cách tránh xa phong tục cổ hủ trong cuộc hôn nhân chính bản thân mình. Ở đó, trải nghiệm trong mối quan hệ vô cùng độc hại với người chồng chính thức đầu tiên cùng những căng thẳng khi sống cùng nhà với người mẹ chồng khiến bà rời nơi chốn ấy không một báo trước, dẫn theo con gái đến ashram – nơi sinh hoạt tôn giáo của một giáo phái, và trở thành phu nhân của người đứng đầu. Tại đó, giữa những hành động kỳ quặc của việc thờ cúng, Tara hoàn toàn lu mờ con gái, để cô sinh sống như một đứa trẻ không có gia đình, giao phó hoàn toàn cho người phụ nữ tên là Kali Mata (Nữ thần hủy diệt), còn mình chìm đắm trong những ca tụng và phương thức hành lễ lạ lùng. Antara trải qua những quãng thời gian vô cùng khó khăn, khi thiếu đi sự quan tâm, gắn bó; cũng như một môi trường sống không hề phù hợp với lứa tuổi mình. Những ngột ngạt đè nén, những căng thẳng nội tâm, ép lên cô con gái như những vết hằn rất khó gột rửa.

Sau cái chết của Baba, Tara rời khỏi tịnh thất và sống như người ăn xin, học các mánh lới để tồn tại, vì ông bà nội và cả người chồng đều chối bỏ bà. Cũng trong khoảng thời gian này, nhờ sự cảm thông của Reza – người chồng không chính thức, hai mẹ con họ tiếp tục sống cuộc đời quá nhiều chông chênh. Khi xã hội Ấn Độ rơi vào Nhiễu loạn những năm sau này, Reza biến mất. Chính trong những năm tháng bị bỏ mặc, xa lánh và chối từ về mặt tình cảm, trong Antara là điều gì đó của sự tự nhận thức chua chát như hẳn sau này ta hay bắt gặp: Thậm chí trong những cơn điên của mình, bà ấy chưa khi nào ngưng làm hại tôi hay Bà ta không hơn gì một nhúm rau thối. Những câu văn này đôi khi làm nóng người đọc và chạm đến những đường biên đạo đức vốn luôn cố hữu trong con người họ.

Thế nhưng bi kịch chỉ đến khi Tara giả chứng mất trí khi phát hiện con gái vốn đang qua lại với Reza – người tình năm xưa nay đã mất dấu – khi vô tình đến buổi triển lãm của Antara. Nếu Lionel Shriver viết về sự trả thù đầy những mê hoặc thể xác được thể hiện qua cơn bùng phát giết người của Kevin hay Yoko Ogawa đầu độc chị gái của nhân vật chính bằng bưởi đột biến; thì Avni Doshi cho cuộc đối đầu giữa hai mẹ con bằng Alzheimer. Những nghi ngờ bước đầu, những trả đũa leo thang giữa hai con người được khắc họa trong cái lạnh lùng vô cảm, trong nỗi xót xa cay đắng hiển hình trước mắt người đọc. Ở đó bằng căn bệnh này, Tara hành hạ chính con gái mình bằng những giả vờ buồn thương, những ảnh hưởng sâu sắc, những tai biến giả tạm; còn Antara – là sự trả đũa đầy những leo thang. Và đến cuối cùng trong cuộc gặp gỡ ở nhà chồng Antara là khi Tara đạt được chính mục đích mình. Vở kịch kết thúc và chiếc mặt nạ đã được gỡ xuống.

Giữa những bến bờ đạo đức và suy nghĩ chung chung, hẳn không ai có thể quy kết công lý thuộc về người nào. Thuộc về người mẹ nhẫn tâm bỏ rơi con mình đi vào đạo phái; hay về cô gái đã lấy đi người đàn ông của chính mẹ mình? Avni Doshi đặt ra những thế chông chênh và đẩy bi kịch chạm đến cưỡng bức. Một khung truyện rất khó giải quyết và nằm chông chênh, và đó cũng là lý do vì sao với Burnt Sugar, những phân cực đánh giá, những nhận xét về sự thiếu logic hay mặt tình cảm xuất phát từ chính cái nhìn chung chung vốn luôn cố hữu của mỗi một người. Với bản thân người viết bài này, bằng những rời rạc và sự thiếu gắn kết, tình cảm hai mẹ con họ đã chết từ lâu, và chẳng có gì quá không logic hay thiếu hợp lý ở tiểu thuyết này.

*

Giữa những mâu thuẫn nội tâm của hai nhân vật, với Burnt Sugar, Avni Doshi phần nào cũng khắc họa được bối cảnh Ấn Độ rất nhiều màu sắc trong những phông nền tôn giáo, luật lệ, lễ nghi, giữa những đối lập hiện đại phương Tây và cái cổ hủ vốn luôn tồn tại ở đất nước phương Đông. Những chuyển giao thế hệ, những thế đối đầu và vai trò của người phụ nữ sau bao thế hệ vẫn không chuyển dời. Nếu Tara chịu sự áp bức của gia đình chồng đầy đủ bao nhiêu, thì Antara ở thế hệ sau cũng không khác mấy: khi phải đợi cửa chờ chồng mình về hay vấn đề phải sinh con trai trong mối quan hệ vô cùng căng thẳng với người mẹ chồng mê tín dị đoan. Nhưng nếu Tara đầy đủ dũng cảm thoát ra chiếc lồng ngột ngạt đầy những mực thước, thì Antara lại không được thế. Cô đầy mệt mỏi và những buồn thương, vì thiếu cảm hứng nghệ thuật, thiếu cái định hướng dẫn đến việc sinh Anikka như cách níu giữ người chồng của mình.

Về phong cách viết, Avni Doshi chứng tỏ tài năng của bản thân mình khi dám đặt chân vào khe hở hẹp của những vấn đề tưởng như nhạy cảm. Điềm tĩnh, lạnh lùng mà đầy cân bằng; Avni tái tạo nên cuốn tiểu thuyết đầy những chà nhám của mối quan hệ thô ráp mà đầy vết xước. Điểm yếu của Burnt Sugar có thể kể đến là sự ôm đồm. Giữa một tiểu thuyết sắc sảo, hiện đại và nặng về mặt tâm lý, việc lồng ghép lịch sử Ấn Độ trong một nỗ lực cố gắng tạo ra một tiểu thuyết mở, hướng nhiều xúc tu thì vô hình trung trở nên thừa thãi. Mô tả kỳ ảo được đánh giá khá cao trong một nỗ lực thoát khỏi lối viết hiện thực, nhưng thời lượng này vẫn còn rất ít.

*

Với Burnt Sugar, Avni Doshi đã làm một cú hattrick vô cùng ngoạn mục lừa đón người đọc. Bằng cách viết điềm tĩnh, thấu hiểu mà đầy sắc sảo, Avni đã dựng nên một bi kịch không thể đoán trước, giữa những căng thẳng, xung đột, đối đầu vô cùng lạ lẫm. Nếu là người đọc chờ đón văn chương như cái đẹp đẽ miêu tả cuộc đời, thì Burnt Sugar không dành cho bạn. Nhưng để chờ đợi một sự chuyển hóa từ ngọt thành đắng, từ trắng sang đen, từ rắn thành lỏng, từ chặt thành ra phân rã ra như đường thành caramel; thì đây là tiểu thuyết vô cùng phù hợp. Dữ dội, tàn khốc và đầy những bi kịch ngầm; cuốn tiểu thuyết mạnh mẽ nhất mùa giải năm nay.

Hết.

minh.

*

The Booker Prize 2020






Click to comment

Viết bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Book trailer

Những thiên thần của người gác rừng: Chuyện bảo vệ môi trường dưới góc nhìn trẻ thơ

Published

on

By

Những thiên thần của người gác rừng – câu chuyện thiếu nhi dễ thương, chứa nhiều thông điệp về yêu thương, bảo vệ môi trường của nhà văn Phương Huyền – vừa tái xuất bạn đọc trong một diện mạo mới với toàn bộ tranh minh họa được in màu, giúp tác phẩm dễ tiếp cận trẻ nhỏ hơn.

Những thiên thần của người gác rừng là chuyến nghỉ hè kỳ thú nơi miền quê của cô bé Mi cùng những bạn thú nhồi bông đáng yêu: Mèo Cà Chua và Bọt Biển. Bắt đầu từ lần dạo chơi ở bìa rừng, cả ba lạc bước đến một thế giới cổ tích kỳ lạ, nơi có những thiên thần bảo vệ rừng, có cả rừng kẹo đủ màu, dòng sông xi rô dâu ngọt lịm và cỏ cây, hoa lá, chim muông đều biết nói và hát rất hay.

Và rồi, chuyến phiêu lưu đưa cả ba đến một nơi khác lạ: khu rừng chết chóc, dòng sông bẩn thỉu đầy rác rưởi, và đàn cá không còn cất tiếng hát... Ôi không, chuyện gì xảy ra thế này? Xứ sở thần tiên tuyệt vời đâu mất rồi? Từ đó, các bạn nhỏ dần hiểu ra con người đã tàn phá thiên nhiên thế nào, và vì đâu rừng không còn xanh tươi như trước.

Đời sống miền quê hiện lên ngộ nghĩnh dưới góc nhìn của thú nhồi bông

Những thiên thần của người gác rừng được tác giả lấy cảm hứng từ chính con gái của mình khi cô quan sát con trong những sinh hoạt thường nhật, hoặc khi nhìn con trò chuyện với thú bông. Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở nguồn cảm hứng, con gái của Phương Huyền còn trở thành người bạn đồng sáng tạo với mẹ trong quá trình hoàn thiện tác phẩm. Nhà văn chia sẻ: “Mi đã giúp tôi khiến cho tuổi thơ của con trở nên ‘dữ dội’ hơn khi vừa hóa thân vào nhân vật trong truyện vừa vẽ lên trong trí tưởng tượng của tôi cả một khu rừng bí mật. Chúng tôi đã có những lúc làm việc cùng nhau khi con trong vai trò người biên tập. Tôi đọc, con sửa; tôi kể, con góp ý; tôi bí, con khơi nguồn... Cuốn sách này được hình thành như thế, bằng tất cả tình yêu tôi dành cho con và cho cả những cô bé, cậu bé đã được sinh ra trên cuộc đời này.”

Câu chuyện mở đầu bằng đoạn đối thoại nhân hóa vui nhộn giữa Mèo Cà Chua và Mèo Tam Thể. Ở phần giới thiệu về Mèo Cà Chua, có thể thấy tác giả đã rất dụng công xây dựng hình tượng cho nhân vật đặc biệt này theo lối độc đáo, ngộ nghĩnh, hợp với tư duy và trí tưởng tượng phong phú của các bạn nhỏ. Cái tên Mèo Cà Chua có thể dễ gây hiểu nhầm nhân vật này là mèo. Nhưng thực tế, đây lại là một con hổ nhồi bông nhỏ xinh, được bé Mi gọi là mèo chỉ đơn thuần vì bé thích như thế, và hậu tố Cà Chua xuất hiện là vì hổ có cái mũi đỏ chót như trái cà chua.

Bối cảnh chính của tác phẩm diễn ra ở thôn quê nên những trang viết miêu tả đời sống sinh hoạt nơi đây có lẽ đặc biệt giá trị với những bạn nhỏ ở thành thị. Đó là các miêu tả về: chợ quê, cách người dân quê chào hỏi nhau, lúa vàng trên cánh đồng, những khu rừng, cây cỏ… Bọt Biển – một con rùa nhồi bông xanh, đồng thời cũng là người bạn thân thiết của bé Mi – đã có một nhận xét về chợ quê rất hóm hỉnh như sau: “Chợ gì mà nhỏ xíu xiu. Bán cái gì cũng chút chút. Mà mới hơn 7 giờ sáng đã hết người rồi. Có điều ra chợ vui lắm nha. Giống như cả chợ đều biết nhau vậy đó.”

Thông điệp ý nghĩa về tình bạn chân chính và quyền bình đẳng

Truyện còn gửi gắm nhẹ nhàng, thông điệp ý nghĩa về tình bạn, quyền bình đẳng qua cách Mèo Tam Thể – một con mèo thật – kết bạn với hai thú nhồi bông là Mèo Cà Chua và Bọt Biển:

“Tụi mình làm bạn ha.”
“Bạn là mèo thiệt, tụi tui là thú nhồi bông mà.”
“Có sao đâu. Mình vẫn hiểu nhau. Hiểu nhau thì là bạn rồi.”

Từ đó, các bạn nhỏ có thể nhận thấy tình bạn chân chính là tình bạn không có sự phân biệt giữa cao thấp, sang hèn, những khác biệt về địa vị hay chủng tộc. Điều này không chỉ thể hiện trong tình bạn giữa Mèo Tam Thể và Mèo Cà Chua, Bọt Biển; mà còn được thể hiện trong tình bạn giữa Mèo Cà Chua, Bọt Biển và bé Mi. Dù là động vật thật, thú nhồi bông hay con người, chỉ cần có thể hiểu nhau, biết cách lắng nghe và đối thoại với nhau là đã có thể trở thành bạn. Tình bạn thật cao quý mà cũng thật giản dị là như thế.

Trong truyện còn đề cập đến Bệnh viện Thiên Đường – đây là không gian mà bé Mi tạo nên để chăm sóc thú nhồi bông của mình: “Nghe mẹ chị nói thú bông từ hồi chị mới sinh ra tới giờ còn nguyên. Mỗi năm dân số vườn thú lại tăng. Vậy mà chị chẳng bỏ em nào hết. Em nào cũng cưng, cũng yêu. Rồi xong còn làm hẳn cái bệnh viện tên là Bệnh viện Thiên Đường cho cả đám ở.”

Chi tiết về Bệnh viện Thiên Đường không chỉ phản ánh góc nhìn dễ thương của trẻ thơ mà còn gián tiếp dạy trẻ cách trân quí những món đồ xung quanh dù là cũ hay mới; và những món đồ được đề cập ở đây lại là thú nhồi bông – vốn phần nào mô phỏng hình ảnh của thú thật – nên thông qua việc trân trọng thú nhồi bông, trẻ cũng sẽ học được cách yêu thương động vật.

Phương pháp giáo dục con độc đáo được truyền tải qua tranh minh họa bắt mắt

Những thiên thần của người gác rừng xuất bản lần đầu vào năm 2018. Sau 5 năm đón nhận nhiều tín hiệu tích cực từ bạn đọc, tác phẩm tái xuất trong một diện mạo mới với hình thức bắt mắt hơn khi toàn bộ tranh minh họa đều được in màu trên giấy couche, giúp câu chuyện càng dễ tiếp cận trẻ nhỏ. Bố cục tranh minh họa cho nội dung được trình bày phóng khoáng, phá cách với nhiều trang sử dụng khung tranh ngang tỉ lệ 16:9, hoặc khung vuông có phần thoại được đặt trong những hình oval mang phong cách manga – phiên bản bìa mềm của cuốn sách cũng thể hiện đúng tinh thần này. Đây là một nét độc đáo trong phần minh họa của tác phẩm vì thông thường ở những sách văn học thiếu nhi khác, phần tranh minh họa sẽ ở một trang riêng, tách bạch rõ ràng với nội dung.

Tác phẩm Những thiên thần của người gác rừng còn đưa ra nhiều phương pháp giáo dục lí thú, hữu ích để các bậc phụ huynh có thể áp dụng cho con. Chẳng hạn, khi dạy trẻ phải biết vâng dạ với người lớn thì ba lẫn mẹ bé Mi đều “dạ” khi nghe bé Mi gọi. Đây là cách ba mẹ tập cho Mi thói quen phải lễ phép ngay từ khi bé mới bập bẹ biết nói. Hoặc, trong truyện còn đề cập đến việc hai mẹ con đổi vai cho nhau khi nói chuyện: con trở thành mẹ, mẹ trở thành con. Nhờ đó, hai mẹ con không chỉ có nhiều cuộc trò chuyện hài hước, mà còn thấu hiểu nhau hơn khi diễn vai của người kia.

Những thiên thần của người gác rừng đưa ra nhiều hình ảnh tương phản về khu rừng bí mật kỳ diệu và khu rừng đã bị tàn phá trên thực tế. Khu rừng bí mật càng xinh đẹp, lung linh chừng nào thì khi đối diện với khu rừng đã bị hoang phế do con người cho nổ mìn để khai thác đá trên núi, các bạn nhỏ lại càng đau lòng chừng nấy. Từ đó, thông điệp về việc bảo vệ môi trường càng trở nên thống thiết hơn bao giờ hết. 

Trích đoạn

Hãy giúp tôi chuyển đi những thông điệp yêu thương, giúp tôi truyền đi những năng lượng tích cực để bảo vệ môi trường sống của mình. Viết cho tuổi thơ các con, nhưng lòng tôi đầy băn khoăn, trăn trở về những khu rừng, những ngọn núi, những dòng sông... đang mỗi ngày bị tàn phá. Chỉ có các con, thế hệ tương lai của đất nước mới làm nên điều kỳ diệu. Bởi các con chính là “Những thiên thần của người gác rừng”.

Về tác giả

Phương Huyền là một nhà báo, biên tập viên, hiện đang phụ trách mảng văn học và tâm lý trên kênh FM99.9 Mhz. Đồng thời, chị còn là một nhà văn với hơn 10 đầu sách đã ra mắt bạn đọc, trong đó có hai tác phẩm nổi tiếng dành cho thiếu nhi là Cái tai và cuộc phiêu lưu kỳ thúNhững thiên thần của người gác rừng. Bên cạnh đó, bản thân chị Phương Huyền còn là một người mẹ có kinh nghiệm hình thành tình yêu đọc sách cho con từ rất sớm.

Đọc bài viết

Book trailer

Dòng đời: Lắng đọng với những trải lòng của danh ca Elvis Phương

Published

on

By

Dòng đời – cuốn hồi kí vừa ra mắt bạn đọc của Elvis Phương do Phương Nam Book phát hành – là những trang viết trải lòng của nam danh ca về chính cuộc đời mình.

Hơn 60 năm ca hát, từ lúc bén duyên với âm nhạc rồi lựa chọn sống hết mình cho đam mê, Elvis Phương đã từng nếm trải, bôn ba không ít để được thành danh và đứng vững trên sân khấu cho đến tận ngày nay…

Tất cả dòng chảy cuộc đời mình được tác giả giãi bày lại không chỉ bằng lời kể mà còn qua nhiều hình ảnh tư liệu sống động, giúp độc giả hình dung bên cạnh cuộc đời của một người nghệ sĩ còn là đời sống âm nhạc sôi nổi của một thời, như một món quà tri ân đến tất cả khán giả cùng những bạn bè thân sơ đã yêu mến Elvis Phương.

Hành trình theo đuổi âm nhạc truyền tải nhiều cảm hứng sống

Thuở nhỏ, Elvis Phương vốn thích điện ảnh hơn, ông xem rất nhiều phim từ thời kì phim đen trắng cho đến phim màu, với đủ mọi thể loại từ phim ca nhạc của Ấn Độ cho đến những phim cao bồi.

Bước ngoặt cuộc đời gõ cửa khi ông xem phim O’Cangaceiro. Theo Elvis Phương nhận xét, bộ phim không quá đặc sắc, cốt truyện cũng như những phim khác cùng thể loại; tuy nhiên, phần âm nhạc của phim đã khiến ông ấn tượng, đặc biệt là đoạn nhạc cuối phim với tiếng harmonica.

Sau hôm đó, ông đã xin mẹ tiền mua một chiếc harmonica loại bỏ túi rất nhỏ hiệu Piccolo, ngày đêm chăm chỉ tập thổi theo giai điệu bài hát cuối phim. Và từ đó, cậu bé Elvis Phương bỗng thích hát ca hơn là xem phim, bắt đầu chặng đường theo đuổi âm nhạc với niềm đam mê và tình yêu bất tận.

Vạn sự khởi đầu nan, những ngày đầu đến với âm nhạc của Elvis Phương cũng không hề dễ dàng. Ông từng phải “đi xin một cây đàn guitar đã bể hết phần thùng đàn phía sau và chỉ còn lại duy nhất một dây, để bỏ hàng giờ đứng trước tấm gương trong phòng tắm mà vặn vẹo làm bộ điệu và hát những bài hát của tuổi thơ.” Nhưng với Elvis Phương, điều đó không hề làm ông thấy buồn tủi, khi gảy đàn hát, ông vẫn “cảm nhận được sự sung sướng chạy rần rần trong mạch máu.”

Thuở ban đầu, gia đình Elvis Phương đã không ủng hộ ông theo đuổi con đường âm nhạc. Cha Elvis Phương là người phản đối quyết liệt nhất vì ông chỉ muốn con nối nghiệp thầu khoán. Elvis Phương đã phải lén cha nghe nhạc và lẩm bẩm hát theo chiếc radio nhỏ bé chạy bằng pin là vật bất ly thân mà ông vô cùng trân quý. Tuy nhiên, có một lần Elvis Phương bị cha bắt quả tang khi đang nghe nhạc với radio. Cha ông đã nổi giận và đập vỡ tan tành chiếc radio. Đối với Elvis Phương, sự kiện này khiến ông cảm thấy như bị “mất đi người bạn thân đầu đời và tận diệt niềm vui bé nhỏ.” Tuy nhiên, đây chỉ là sự kiện khởi đầu cho chuỗi ngày xung đột bất tận giữa Elvis Phương và cha ông sau này.

Năm 1962 là một cột mốc quan trọng trong hành trình âm nhạc của Elvis Phương. Thời điểm đó, sau khi Elvis Phương đậu Tú Tài, cha ông quyết định sẽ gửi ông sang Pháp du học. Sau một thời gian dài không biết bao nhiêu lần phải chịu đựng những lời mạt sát của cha về nghề ca hát với quan niệm phổ biến thời đó là “xướng ca vô loài”, hay những cái tát của cha khiến ông bị “nẩy đom đóm mắt”, nỗi đau đớn khi “cây đàn thùng thân yêu của tôi bị đập nát bởi bàn tay không thương xót của ba tôi kèm với vẻ mặt đằng đằng sát khí”; Elvis Phương quyết định sẽ không đi theo con đường cha ông đã vạch sẵn. Tình yêu âm nhạc trong ông đủ lớn để khiến ông lựa chọn không đi Pháp và có thể dõng dạc tuyên bố với cha rằng ông muốn ở lại Việt Nam để hát. Hậu quả là Elvis Phương bị cha từ mặt, ông buộc phải vứt bỏ không khí ấm cúng quen thuộc, khăn gói rời nhà để đi theo tiếng gọi của âm nhạc. Cũng từ đây, âm nhạc Việt Nam chính thức ghi dấu cái tên Elvis Phương.

“Âm nhạc là mùa Xuân trong tôi, đang nở hoa rực rỡ, không thể nào để cho mùa Đông của sách vở, của văn bằng tận diệt dưới lớp đá băng lạnh lẽo.”

Tâm tình cảm động về tình yêu của Ngựa Hoang

Elvis Phương tự ví mình là Ngựa Hoang nên phần lớn tiêu đề trong 12 chương sách đều được đặt theo chặng đời của một chú Ngựa Hoang. Lời dẫn nhập trong sách được đặt tên là “Ngựa Hoang tâm sự”. Ba chương đầu kể lại thời niên thiếu và những ngày Elvis Phương mới theo đuổi âm nhạc nên cái tên Ngựa Hoang chưa xuất hiện trong tiêu đề mà là nơi chốn phôi thai Ngựa Hoang được góp mặt ở chương 1 “Đồng cỏ ngày xanh thời niên thiếu”, chương 2 “Bước vào đồng cỏ âm nhạc”, chương 3 “Những năm tháng tuyệt vời: Rockin’ Stars”.

Khi chú Ngựa Hoang đã trổ mã và có những bước tiến xa trong âm nhạc thì từ chương 4 đến chương 11 (ngoại trừ chương 10), tiêu đề luôn bắt đầu bằng Ngựa Hoang: Ngựa Hoang dưới ánh đèn màu, Ngựa Hoang và những con Phượng Hoàng, Ngựa phi đường xa, Ngựa Hoang những ngày phiêu bạt, Ngựa Hoang trên đồng cỏ quê hương, Ngựa Hoang cùng bạn hữu và đồng nghiệp, Ngựa Hoang thập tử nhất sinh. Qua cách đặt tiêu đề, có thể thấy Elvis Phương là một chú Ngựa Hoang có lòng kiêu hãnh, sự tự ý thức về bản thân mình rất cao. Ông tâm sự ở phần mở đầu rằng: “Tôi đã ví mình như con ngựa hoang. Lẽ nào là tôi hoang đàng, bê bối, giang hồ lắm sao? Không! Hoàn toàn không!” Quả thực như thế, chú Ngựa Hoang ấy không hoàn toàn bất kham hay chỉ mải mê rong ruổi trên con đường âm nhạc. Tình yêu là một ngoại lệ khiến Ngựa Hoang phải lùi bước ở chương 10 “Nước mắt một loài hoa & Vì thế anh yêu em”. Người phụ nữ có thể làm được điều đó chính là Lệ Hoa – người vợ ông hết mực yêu thương và nguyện dành trọn cả phần đời còn lại cho bà.

“Những giọt nước mắt đắng cay của một người phụ nữ yêu thương mình da diết đã khiến lòng tôi chua xót, nhưng tôi cũng không dám phủ nhận chính những giọt nước mắt đó đã tưới mát tâm hồn tôi, đã nuôi tôi sống để đôi lúc cảm thấy đời sống như đáng sống hơn. Tháng ngày trôi qua cùng bao sóng gió, giờ đây ngựa hoang thật sự, thật sự muốn dừng chân vì đã cảm nhận được ở người bạn đời hiện tại những điều mình khát khao bấy lâu. Đã đến lúc ngựa hoang đi đến quyết định cuối cùng cho cuộc đời mình.”

Đối với Elvis Phương, động lực để ông vui sống mỗi ngày, có thể lăn lộn với nghề hơn 60 năm mà không cảm thấy nhàm chán chính là nhờ có vợ ông luôn bên cạnh, thấu hiểu và chăm lo tất cả để ông được vui hát, thăng hoa khi phục vụ khán thính giả.

Chính tình cảm sâu nặng dành cho vợ đã khiến Elvis Phương có nguồn cảm hứng viết bảy ca khúc dành tặng bà, được đăng lời trong sách, lần lượt là: Lời hẹn ước, Yêu, Bài hát cho em, Still in love with you, Bẽ bàng, Chiều thu Paris, Gót hồng thôi hết phiêu du.

Những dòng chiêm nghiệm sâu sắc về cuộc đời thăng trầm của người nghệ sĩ

Không chỉ có tình yêu, chính cuộc đời cũng khiến Ngựa Hoang dừng lại suy tư ở chương 12 “Nhìn lại đời! Nhìn lại người! Và nhìn lại chính mình!” Và cuộc đời hay “dòng đời” – như cách Elvis Phương chọn cụm từ này để đặt tên cho tác phẩm hồi kí của mình – cũng chính là mạch nguồn mà ông luôn trân trọng biết ơn dù phải đối mặt với những khó khăn, thử thách như thế nào.

Bên cạnh 12 chương chính, sách còn có hai phần phụ lục là “Những CD Elvis Phương”, “Elvis Phương – 62 năm ca hát”, bao gồm những hình ảnh tư liệu quý giá nhất trong suốt 62 năm sự nghiệp của Elvis Phương. Toàn bộ 69 trang ảnh cho hai phần phụ lục này đều được in màu, trình bày đẹp mắt. Sách còn tặng kèm hai postcard với mặt trước in màu những hình ảnh của Elvis Phương, mặt sau trích lời bài hát Tôi muốn, Dòng đời – thích hợp để làm quà tặng cho những người mộ điệu.

Tiêu đề Dòng đời của cuốn hồi kí được lấy từ bài hát cùng tên mà Elvis Phương đã từng trình bày. Dòng đời là bài hát được nhạc sĩ Nam Lộc viết lời Việt dựa trên ca khúc My Way nổi tiếng qua phần trình bày của Frank Sinatra. Phần lời của bài hát – cả lời trong bản dịch tiếng Việt lẫn lời gốc tiếng Anh – đều đã tóm gọn trọn vẹn tinh thần trong cuốn hồi kí về hình ảnh một người đàn ông điềm đạm, suy tư chiêm nghiệm lại cuộc đời có biết bao thăng trầm của mình – một cuộc đời mà dù có hối tiếc hay không, ông vẫn luôn cảm thấy nó quá ít ỏi so với sự biết ơn, tình yêu thương, niềm hạnh phúc như lời bài hát My Way:

“Regrets, I've had a few
But then again too few to mention
I did what I had to do
I saw it through without exemption.”

(Tạm dịch:
Tôi cũng có đôi điều hối tiếc
Nhưng nghĩ lại thì chẳng to tát gì
Tôi đã làm những điều cần phải làm
Đã nhìn thấu mọi sự đời.)

Và dù như thế nào, Ngựa Hoang vẫn sẽ cất vó trên đường xa, cũng như người danh ca có cái tên là Elvis Phương ấy vẫn sẽ mãi cất lên tiếng hát, gửi những tâm tình chân thành đến khán thính giả đã yêu mến ông.

Trích đoạn

“Mỗi ngày của tôi trôi qua đều đặn như vậy và đến cuối tuần tôi lại lên đường, lại hấp tấp đến phi trường, lại vội vàng ra khỏi máy bay – được đón tiếp – trình diễn – đưa tiễn – vào lại máy bay trở về... Lịch trình của tôi cứ thế trôi qua một cách êm đềm. Người ta thường cho rằng sự đều đặn dễ mang lại nhàm chán nhưng trái lại với tôi, sự đều đặn đó là cả một rừng hạnh phúc, là cả một nguồn thương yêu to lớn của khán thính giả bốn phương vẫn dành cho mình, vẫn còn thương mình đến ngày hôm nay.”

***

“Đây không phải là tập hồi ký, tôi chỉ muốn chọn một thời điểm thích hợp nhất để nhìn lại chuỗi ngày sau lưng, hoặc đúng hơn, để ghi lại kỷ niệm của chính mình, của những ân sủng, của suốt cuộc đời ca hát của mình. Đây cũng chính là dịp để tôi nói thật về bản thân, về cuộc đời mình; và đúng hơn là có dịp để tâm sự với tất cả bạn bè thân sơ, cũng như khán thính giả khắp nơi, như một món quà tinh thần ấp ủ từ bấy lâu đến bây giờ mới có dịp thực hiện.”

***

“Xét cho cùng, cuộc đời đối với tôi không thoát ra khỏi quy luật bù trừ mà tôi đã thấy ứng nghiệm trong nhiều tình huống. Có những lúc tôi như rơi xuống vực thẳm của khổ đau, nhưng bù lại lắm khi tôi leo lên được nấc thang cao vút của hạnh phúc, của danh vọng. Tôi có tiền, nhà cửa, xe cộ; nhưng ai biết được rằng tôi đã phải trả cho những thứ đó bằng một cái giá rất đắt, bằng cả sự cố gắng phi thường và sự nhẫn nhục đầy nước mắt. Càng thêm tuổi, tôi càng thấy đúng. Nhưng dù thế nào chăng nữa tôi cũng cảm ơn Thượng đế đã dành cho tôi quãng đời hoa niên tuyệt diệu, được sống trọn vẹn một tuổi trẻ mà nhiều người ao ước.”

Về tác giả

Elvis Phương tên thật là Phạm Ngọc Phương, sinh năm 1945 tại Bình Dương, trong một gia đình trí thức Tây học khá giả. Cha mẹ ông là người huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, nhưng chuyển đến sinh sống tại Bình Dương từ thập niên 1940. Cha ông là kiến trúc sư và giáo sư dạy tiếng Pháp. Elvis Phương là con trai trưởng trong gia đình với tám người em gái (trong đó có ca sĩ Kiều Nga) và một em trai. Từ lúc năm tuổi, ông đã học mẫu giáo ở trường Pháp Aurore, do đó ông có sự tiếp xúc khá sớm với âm nhạc phương Tây.

Ông biểu diễn trước công chúng lần đầu vào năm 1962 tại trường dòng Regina Pacis. Bài hát đầu tiên Elvis Phương biểu diễn là Nửa đêm ngoài phố của nhạc sĩ Trúc Phương. Ông tham gia nhiều ban nhạc như Rockin' Stars, Les Vampires... Là một trong những người khuấy động phong trào nhạc trẻ đầu tiên của Sài Gòn trong ban nhạc Phượng Hoàng lúc ấy còn có Nguyễn Trung Cang, Lê Hựu Hà... sau này trở thành một ca sĩ có thể hát nhiều thể loại từ rock, pop, trữ tình cho đến ca khúc trữ tình quê hương.

Đọc bài viết

Book trailer

Hồi ức Phú Nhuận: Trải nghiệm hành trình đa chiều qua lịch sử của một quận đô thị độc đáo

Published

on

By

Hồi ức Phú Nhuận – tác phẩm mới nhất của nhà báo Phạm Công Luận – không dừng lại trong phạm vi ghi chép dáng dấp cơ bản của một vùng đất, mà còn phần nào đó giúp người đọc nhận diện đời sống đô thị đất Sài Gòn, trong trăm năm qua.

Trong Hồi ức Phú Nhuận, Phạm Công Luận cố gắng ghi nhận dòng chảy thời gian đi qua một vùng đất bằng việc sưu tầm và viết lại những hồi ức tản mạn không chỉ của riêng tác giả – một người sinh ra và lớn lên gắn bó với vùng đất này, mà còn từ lời kể của nhiều cư dân Phú Nhuận qua các thế hệ.

Tinh thần Phú Nhuận xưa được tái hiện sống động

Phú Nhuận là một trong những quận nội thành quan trọng áp sát trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh. Sau hơn 300 năm hình thành và phát triển, từ xuất thân nhỏ bé là một vùng đất cằn cỗi, một gò đất hoang với vài hộ gia đình lưu dân tới khẩn hoang lập ấp, Phú Nhuận đã vươn mình trở thành một quận hoàn toàn đô thị hóa. Nơi đây có một cuộc sống đa dạng với nhiều sắc thái, có lịch sử ngang bằng với đô thị Sài Gòn, có một số nhân vật được trọng nể vì những đóng góp cho xã hội trên nhiều mặt và có những địa chỉ khiến người từ các nơi khác phải tìm đến…

Trong những bài viết của Hồi ức Phú Nhuận, tinh thần Phú Nhuận xưa hiện lên rõ nét qua những câu chuyện hoài niệm về các con đường ngày xưa, có con đường từng trải qua bảy lần thay tên (đường Nguyễn Văn Trỗi), có con đường từng đi ngang quán xá và trại lính (đường Võ Tánh ngày xưa, nay là Hoàng Văn Thụ); là những quán ăn, tiệm cà phê mà tác giả luôn mong “lớn nhanh để đĩnh đạc bước vào” nhưng “không bao giờ có cơ hội đó nữa vì tất cả đều đã đóng cửa qua thời gian”...

Chính vì những lẽ đó, Hồi ức Phú Nhuận tuy là kí ức riêng của tác giả nhưng lại bắt được dòng hơi thở chung của đời sống đô thị Sài Gòn xưa và nay.

Những trang viết giàu cảm xúc, đầy ắp tư liệu

Hồi ức Phú Nhuận gồm 60 bài viết về Phú Nhuận theo trục thời gian trải dài từ xưa đến nay, bao quát đủ mọi mặt trong đời sống của quận đô thị này, được tác giả chia thành chín phần: Mấy nẻo đường quen, Nơi chốn đi về, Dưới mái trường xưa, La cà quán xá, Giải trí và rèn luyện thân thể, Cơ sở làm ăn, Dập dìu tài tử giai nhân, Ôn chuyện xưa; và phần Phụ lục điểm qua sáu giai đoạn hình thành và phát triển của Phú Nhuận.

Với giọng văn trầm tĩnh, giàu cảm xúc và tư liệu đầy đặn, 60 bài viết như những thước phim ngắn được bật lên, lần lượt đưa người đọc tìm về những tinh túy đã từng hiện diện ở Phú Nhuận: có một số thứ dù còn tồn tại nhưng ít nhiều thay đổi qua thời gian, có một số thứ tuy đã biến mất nhưng vẫn ẩn tàng trong kí ức của người Phú Nhuận và trong những góc khuất của đời sống.

Tùy bút vốn là thể loại để người viết có thể tự do tung hứng theo cảm xúc. Nhưng ở Hồi ức Phú Nhuận, Phạm Công Luận đã viết không chỉ dựa vào cảm xúc đơn thuần mà còn có sự nghiên cứu, phóng chiếu với những tư liệu thực tế đúng như thao tác thường thấy ở nhà báo chuyên nghiệp.

Bộ sưu tập công phu về đời sống Phú Nhuận

Phạm Công Luận khảo sát về Phú Nhuận ở đủ mọi khía cạnh: lịch sử, văn hóa, tâm lý, lối sống, giải trí, kinh doanh… Qua đó, những giá trị Phú Nhuận đã từng tồn tại, nay trở lại trong ký ức và niềm thương cảm về thân phận một vùng đất mà mỗi người, mỗi thế hệ người dân đã gắn bó bằng những cách khác nhau.

Trong Hồi ức Phú Nhuận, tác giả còn cung cấp những thông tin thú vị mà nhiều khi chính người Phú Nhuận chưa hẳn đã biết: Nhà văn Hồ Biểu Chánh đã sống ở Phú Nhuận những năm cuối đời, sau khi ông mất, con đường có ngôi nhà ông ở (trước đây vốn là con hẻm), đã được đặt lại theo tên ông, trở thành đường Hồ Biểu Chánh như ngày nay; tiệm phở Bắc Huỳnh thuộc hàng cao cấp, dù chỉ tồn tại ngắn ngủi nhưng rất tiếng tăm, khi đột nhiên đóng cửa năm 1982 đã khiến nhiều người vô cùng tiếc nuối; đầu thế kỉ 20, nhà thuốc Ông Tiên ở Phú Nhuận là “nhà bào chế và kinh doanh thuốc Đông dược có tiếng trên toàn cõi Đông Dương”…    

Khi nhắc đến một vùng đất, không thể không đề cập đến những con người đã và đang gắn bó ở đó. Chính vì vậy, trong Hồi ức Phú Nhuận, Phạm Công Luận dành hẳn hai phần để viết về những người đã chọn Phú Nhuận làm nơi an cư: phần Dập dìu tài tử giai nhân dành cho giới nghệ sĩ, phần Ôn chuyện xưa dành cho những người Phú Nhuận trong kí ức tác giả.

Bên cạnh đó, cuốn sách còn có phần tranh của họa sĩ Phạm Công Tâm, Trương Ánh Mai cùng ảnh tư liệu phong phú từ nhiều nguồn khác nhau. Sự kết hợp hài hòa giữa những trang viết đa chiều, giàu cảm xúc và phần hình ảnh được đầu tư chăm chút khiến Hồi ức Phú Nhuận thực sự là món quà quý để người đọc tìm về di sản văn hóa của Phú Nhuận, để hòa điệu, tri ân những độc giả luôn nặng lòng với quận đô thị này.

Trích đoạn

Các nghệ sĩ của Sài Gòn một thuở, những bóng sắc huyền thoại, những danh ca một thời, những nhà văn nhà báo của nửa thế kỷ trước từng sống ở đây hầu như không còn ai ở lại cư xá này, trừ căn nhà 215D/16 năm xưa của nghệ sĩ Năm Châu, nay đã ngăn thành hai căn cho gia đình hai người con và đổi thành địa chỉ mới.

(Trích Cư xá của các nghệ sĩ)

Trong hơn 20 năm trước 1975, nhà hàng bò bảy món Ánh Hồng tuy tọa lạc trên con đường nhỏ ở Phú Nhuận nhưng tiếng tăm vang ra khắp Sài Gòn – Gia Định. Nhiều người, nhất là giới văn nghệ sĩ biết tiếng nhà hàng này, đã từng đến thưởng thức bảy món bò của bà Tư Lái, bếp chính. Tuy vậy, không mấy ai biết gốc gác của nó.

(Trích Nhà hàng bò bảy món Ánh Hồng danh tiếng Sài thành)

Về tác giả

Nhà báo Phạm Công Luận là tác giả của những tựa sách gây tiếng vang và được tái bản nhiều lần như Nếu biết trăm năm là hữu hạn, Những lối về ấu thơ, Chú bé Thất Sơn. Không chỉ nổi bật trong thể loại tản văn, ông còn là một cây bút gạo cội sở hữu lượng tác phẩm dồi dào, mang đến cho độc giả nhiều tập sách chuyên khảo, hồi ký về Sài Gòn giàu giá trị như Sài Gòn – Chuyện đời của phố (5 tập), Phong vị báo xuân xưa, Sài Gòn – Ngoảnh lại trăm năm…

Đọc bài viết

Cafe sáng