Phía sau trang sách

Mùi hương – Câu chuyện một kẻ sát nhân hay con người và tận cùng của cô độc

Published

on

Mùi hương là tiểu thuyết đầu tay của nhà văn người Đức Patrick Suskind. Xuất bản năm 1985, cuốn sách này ngay lập tức trở thành một hiện tượng trên văn đàn thế giới. Tuy nhiên, cuốn sách không chỉ là một hiện tượng nhất thời như thế giới phù du của ‘mùi hương’ đến và đi không lưu lại chút dấu vết nào, nó đã được các nhà phê bình nhận định là một kiệt tác của văn học đương đại với những thông điệp lớn thông qua câu chuyện kỳ lạ của một kẻ sát nhân tại nước Pháp hơn 200 năm trước.

Nếu chỉ đơn giản là một câu chuyện kinh dị về một kẻ giết người máu lạnh thì có lẽ tiểu thuyết này cũng chẳng có gì hơn là một tiểu thuyết mang tính dọa dẫm thị trường câu khách. Tôi nhớ trên một trang web giới thiệu về 3 cuốn tiểu thuyết: Ring – Vòng tròn ác nghiệt của Suzuki Koji, Sự im lặng của bầy cừu của Thomas Harris và Mùi hương, đã có một độc giả nhận xét ở dưới rằng: “Sau khi đọc 3 cuốn sách này, anh/chị ta thấy chẳng có gì là đáng sợ như lời giới thiệu cả, quá bình thường, và yêu cầu nhà sách hãy xuất bản những cuốn ghê rợn hơn”. Nhắc đến chuyện này, ý của tôi là, nếu như bạn đang định tìm một cuốn sách với những bóng ma luôn chờ trực ở đâu đó lao ra tóm lấy ta, hay một kẻ sát nhân điên cuồng mất trí và đâm chém đẫm máu, thì có lẽ bạn hãy tìm đến với văn hóa kinh dị của Quỷ Cổ Nữ hay đại khái là những tác giả giỏi tạo ra những sự kiện thót tim, những tình tiết làm bạn thậm chí không dám bước ra cầu thang vì sợ có một bóng ma đang nằm sẵn ở đó kéo chân bạn xuống. Đó chỉ đơn giản là lời phân trần trước của tôi để lỡ bạn có đọc 3 cuốn sách này mà không thấy sợ thì cũng đừng cảm thấy thất vọng. Vì đơn giản, cái mà Koji, Harris hay Suskind hướng đến không phải dọa ma độc giả, mà nó hướng tới những nỗi sợ sâu kín nhất, bản chất nhất của mỗi chúng ta.

Vậy những nỗi sợ sâu kín nhất của con người ta là gì vậy? Con người sống trên đời có rất nhiều nỗi sợ hãi: sợ chết, sợ già nua, sợ xấu xí, sợ bóng tối, sợ độ cao, sợ nghèo đói, sợ bị mắng mỏ, sợ mất mát, sợ bị bỏ rơi, sợ cô độc. Trong số những nỗi sợ đó, tầm thường có mà cao quý cũng có, hiển hiện có, mà chôn giấu kỹ đến mức đôi khi đến tự bản thân không nhận ra cũng có. Qua câu chuyện về cuộn băng giết người, Suzuki Koji muốn nói tới những nỗi sợ bản năng đã tồn tại từ khi chúng ta chỉ là một hài nhi, nỗi sợ về một thế giới lan tràn cái ác, nơi mà con người ta phải bất chấp lương tâm để nhân bản cái ác nhằm cứu chính tính mạng của mình. Qua câu chuyện về bác sĩ tâm thần ăn thịt người Hannibal Lecter, Thomas Harris nói về nỗi sợ đối mặt với quá khứ, đó không chỉ là nỗi sợ bị tên bác sĩ nhai mất lưỡi và ăn mất gan, mà đó là nỗi sợ bị hắn kiểm soát, bị hắn thâm nhập vào tâm trí, để cuối cùng đánh mất chính mình. Còn với câu chuyện về kẻ sát nhân với khứu giác thiên tài, Grenouille, cái mà Suskind hướng đến đó chính là nỗi sợ về sự cô độc, nỗi sợ bị ném ra ngoài rìa xã hội, nỗi sợ trở thành một kẻ lạc loài không được chấp nhận.

Một tật xấu mỗi khi viết review của tôi đấy là lúc nào cũng dẫn dắt dài dòng, có lẽ một lúc nào đó, tôi sẽ dành thời gian viết riêng review cho Sự im lặng của bầy cừu và Ring, còn bây giờ, thì tôi sẽ thôi lan man và tập trung vào chủ đề chính của bài viết này.

Mùi hương kể về cuộc đời của Jean-Baptiste Grenouille, một thiên tài được sinh ra với khứu giác siêu phàm có thể nhận biết mọi mùi hương trên thế gian, nhưng bản thân lại không có một mùi hương nào trên người. Với khao khát chế tạo ra một thứ mùi hương cho riêng mình, hắn đã lên một kế hoạch kinh khủng để đánh cắp hương thơm trên những thiếu nữ trẻ. Và đó là sự khởi nguồn về tội ác đầy ám ảnh của một kẻ sát nhân quỷ dữ bị nguyền rủa.

Jean-Baptiste Grenouille là một kẻ cô độc cùng cực, thậm chí hơn cả cô độc, trạng thái cô độc của hắn không thể được diễn tả bằng một từ được, vì nó vượt qua giới hạn của sự cô độc mà chúng ta có thể tưởng tượng được. Hắn bắt đầu bước vào thế giới này từ một góc chợ gớm ghiếc, bẩn thỉu và tanh lòm, và là đứa duy nhất trong số những anh em của hắn không chết dưới bàn tay giết chóc của chính mẹ đẻ mình. Grenouille đã là kẻ cô độc từ khi sinh ra.

Grenouille được chuyển nuôi từ hết người này sang người kia, chẳng ai muốn giữ hắn lại cả, từ những bà vú em đã quen nuôi sống bọn trẻ mồ côi, cho đến vị cha xứ với lòng bao dung và tình yêu thương của Chúa. Những người giữ hắn lại được, hầu hết đều chỉ vì hắn là kẻ được việc, vì hắn khỏe gấp đôi gấp ba kẻ khác, vì hắn có thể lao động như một con trâu mà tuyệt đối không kêu ca gì, tuyệt đối không mở miệng đòi hỏi bất cứ ân huệ gì, chỉ câm lặng và im lìm, vì hắn làm hùng hục, quần quật đêm ngày như thế mà không ốm đau, mà có ốm đau, dù thập tử nhất sinh, hắn cũng không chết, như một con rận dai dẳng bám víu lấy sự sống; hoặc nếu không thì vì hắn có cái thiên tài kỳ quặc mà người ta có thể khai thác để làm giàu, hắn là cái mỏ vàng ngầm không bao giờ cạn kiệt. Nhưng ngoài tất cả những cái đó, người ta vẫn, một cách nào đó, ghê tớm hắn, chính xác hơn là ghê sợ hắn, họ không muốn đụng chạm tới hắn, họ không coi hắn là một đồng loại của mình.

Grenouille âm thầm lớn lên trong những xó xỉnh của Paris hoa lệ, cùng với cái thiên tài về mùi hương của mình. Hắn xấu xí và gớm guốc, nhưng trên đời có vô vàn kẻ cũng gớm guốc và xấu xí, song không ai như hắn, không ai bị xã hội ruồng bỏ như hắn. Hắn có đủ đặc tính của một con người: chân, tay, mắt, mũi, thậm chí hắn còn là một kẻ có bộ óc thông minh, nhanh nhạy, nhưng cái kẻ có thể ngửi ra ngàn vạn mùi hương trên thế gian, mỉa mai thay, đến lượt mình, chính hắn lại không có một mùi hương nào cả: dù đó là hương thơm hay mùi hôi hám, ô uế, hắn cũng đều không có. Trống rỗng, hơn cả không khí lạnh, đó là Grenouille. Khi còn nhỏ, hắn không có mùi của một đứa trẻ con thông thường. Đến khi lớn lên, mọi thứ vẫn không có gì thay đổi. Người ta nói, hắn là hiện thân của quỷ dữ.

Có thể nói, hình tượng mùi hương xuyên suốt câu truyện này, đó không chỉ là thứ mà khứu giác cảm nhận được. Mang trong mình chất hiện thực huyền ảo (Magic realism) đặc trưng bởi dòng văn học của Mỹ Latin, hình tượng “mùi hương” của Suskind cũng giống như hình tượng “cái đuôi lợn” trong Trăm năm cô đơn của Gabriel Garcia Marquez, nó mang tinh thần chủ đạo của tác phẩm, về nỗi sợ hãi sự cô độc. Mùi hương trong Mùi hương đại diện cho danh tính mỗi người. Mùi hương của một người là cái để phân biệt người này với người kia, cũng như tên họ, thậm chí còn hơn cả tên họ, vì tên họ thậm chí trùng lặp (như Jean-Baptiste Grenouille là cái tên quá tầm thường nhưng kẻ sát nhân Jean-Baptiste Grenouille của Suskind chỉ có một mà thôi), nhưng mùi hương mỗi người là duy nhất.

Đến đây, tôi muốn quay trở lại với nỗi sợ đầy ám ảnh của Mùi hương mà tôi đã đề cập tới ban nãy. Grenouille, trái lại với hình ảnh một kẻ sát nhân máu lạnh, tôi cho rằng, chính hắn chứ không ai khác, là nạn nhân của nỗi sợ, tâm hồn hắn chưa đầy nỗi sợ, nếu như hắn cũng được coi là có tâm hồn. Grenouille đánh hơi được mọi mùi trên thế gian – hay nói cách khác, hắn đánh hơi được mọi tội ác trên thế gian. Trong mắt hắn, Paris là thành phố bị nhấn chìm bởi thứ mùi hôi hám, kinh tởm, mùi hôi thối của đường sá, phân chuột, gỗ mủn, bệnh tật, và cả con người, tất cả đều phả ra thứ mùi uế tạp. Nước hoa chỉ là thứ mặt nạ mà những nhà quý tộc hôi như những con dê già, nhà vua hôi như con thú dữ mượn lấy để che lấp mùi hương thật trên cơ thể. Hương thơm như hoa tỏa ra từ một vương tôn giàu có chỉ là dối trá, đằng sau tất cả những hương thơm mê đắm ấy, là một mùi hôi đến tởm lởm mà Grenouille đã có lúc từng không thể chịu đựng nổi. Hắn sợ con người, chính xác hơn là sợ mùi hôi thối của con người, chính xác hơn nữa, có lẽ là sợ sự độc ác của con người, nếu như hắn có quyền lên án kẻ khác là độc ác, và trong bảy năm ròng, Grenouille đã giải thoát mình bằng cách chạy xa khỏi thế giới, hắn đi tìm đến một nơi thật xa xôi, thật hẻo lánh, để tận hưởng sự cô độc của mình.

Hình ảnh Grenouille chạy trốn thế giới khiến chúng ta hoang mang về chính thế giới mà ta đang sống. Liệu những gì ta thấy có phải là sự thực? Đằng sau vẻ hoa lệ lấp lánh liệu có phải những dối trá và tội ác tinh vi mà chúng ta không cảm nhận được? Grenouille muốn tránh xa khỏi con người, càng xa càng tốt, bởi con người là nguồn gốc của tội ác, không phải con rắn trong Kinh Thánh mà Chúa cho rằng là loài mãng xà độc ác đáng bị nguyền rủa, mà chính là con người, vì lòng tham, vì sự vị kỷ, đã làm những điều xấu xa, gian dối, quỷ quyệt. Làm gì có quỷ dữ nào? Chỉ có con người mà thôi.

Grenouille sợ hãi thế giới như thế. Nhưng hắn còn một nỗi sợ khác lớn hơn, đó là nỗi sợ bị thế giới ruồng bỏ. Đúng, hắn đã xuất hiện là kẻ bất cẩn, không cần bạn bè, chẳng cần bằng hữu, chẳng cần yêu thương, nâng niu, hắn chỉ cần ngủ ở chuồng ngựa, ăn những thứ phế phẩm nhất, làm những việc nặng nhọc nhất, nguy hiểm nhất, hắn chưa từng, dù chỉ một thoáng nghĩ về việc được yêu thương, hay căm hờn vì không nhận được tình yêu thương, ngay cả tình yêu thương từ mẹ hắn, nhưng thẳm sâu trong hắn, vẫn là nỗi sợ bị bỏ rơi. Hắn yêu sự cô độc, nhưng cũng đồng thời muốn được là con người. Bởi nếu không phải như thế, hắn đã chẳng sợ hãi đến phát điên khi chết ngập trong thứ mùi-hương-trống-rỗng của bản thân, khi hắn thấy hắn khác tất cả, khi hắn nhận ra lý do hắn bị ruồng bỏ. Bởi nếu không phải như thế, hắn đã chẳng làm mọi cách để chiếm đoạt mùi hương thơm nhất trên trần gian này làm thành mùi hương của mình. Grenouille muốn nhận được tình yêu thương, cho dù đó là chỉ là tinh yêu giả trá, ồ không, còn hơn thế, Grenouille muốn được cả thế giới yêu kính và sùng bái như một vị thánh, như một Đức Chúa vĩ đại.

Grenouille, con cóc ghẻ bẩn thỉu ấy, dù cho không được coi là một con người, thì hắn cũng như mọi con người khác, cũng sợ trở thành kẻ lạc loài. Và mọi con người khác, cũng như Grenouille, sẵn sàng làm mọi thứ để không bị loại ra khỏi xã hội, kể cả việc che đậy con người thật của mình, để đeo một cái mặt nạ giống như ngàn vạn kẻ khác, không biết rằng, có khi ngàn vạn kẻ kia cũng chỉ đang che đậy bộ mặt thật bằng chiếc mặt nạ của riêng mình.

Ban đầu, Grenouille ngụy trang bằng thứ mùi hôi hám để được giống như người bình thường, để họ cảm nhận được sự tồn tại của hắn, để họ chấp nhận hắn là đồng loại của họ. Nhưng tham vọng của hắn, như đã nói, không dừng lại ở việc được chấp nhận, hắn còn muốn trở thành Grenouille Vĩ Đại được ngợi ca, được cả thế giới quỳ móp dưới chân. Và hắn quyết tâm đánh cắp mùi hương thơm nhất trên thế gian này, hương thơm của những thiếu nữ trẻ. Hương thơm của những thiếu nữ trẻ, ngọt hơn mật ong, dịu dàng hơn thủy tiên, tươi mát hơn nước nguồn, đó chính là ẩn dụ về phần thiện của con người, không chút ô hợp, chỉ tồn tại ở những cô gái thánh thiện, hiện thân của Đức mẹ Maria. Đó là mùi hương khác biệt hoàn toàn so với mùi hôi thối khác của loài người, và đó chính là thứ mà người ta tôn sùng, là tôn giáo, là Chúa mà chúng ta tôn thờ. Sau tất cả những tội ác đã gây ra, con người vẫn sợ hãi khi nhắc đến Chúa, vẫn đến xưng tội với Đức cha, vẫn bị khuất phục trước sự lương thiện của Chúa. Và Grenouille – hiện thân của satan, muốn đánh cắp điều đó.

Grenouille, kẻ sát nhân đáng lẽ bước ra pháp trường để chờ xử tử, cuối cùng lại đến nơi hành hình bằng xe ngựa, ăn vận như một hoàng tử, và tất cả những người có mặt lẽ ra phải căm giận nguyền rủa hắn cuối cùng lại quỳ rạp dưới chân hắn, tôn hắn làm vị thánh của họ. Ồ, một kẻ với hương thơm mê đắm đến thế, ngây thơ và trong sáng đến thế, hắn đâu thể là kẻ giết người ác độc như cáo buộc được, ngay cả những kẻ căm thù hắn nhất vì đã giết hại con gái họ, cũng ôm hắn trong vòng tay và nức nở. Đó là giờ phút vinh quang nhất trong đời của Grenouille, và lẽ ra là khoảnh khắc hạnh phúc nhất trong cuộc đời hắn, một kẻ tận cùng của cô độc, hơn cả bị chà đạp và ghê tởm, hắn bị ruồng bỏ và lãng quên, kẻ chưa từng nhận được bất kỳ một mảnh vụn tình yêu nào, giờ đây đang được cả thế giới yêu kính tôn sùng. Nhưng ngược lại:

“Nhưng vinh quang lại khiến gã kinh hoàng. […] Trong lúc gã bước xuống quảng trường chói nắng, phủ trên người lớp nước hoa mà gã đã thèm khát cả đời và phải mất hai năm làm việc ròng rã mới có được, thứ nước hoa khiến người ta yêu thích… trong lúc gã nhìn và ngửi thấy nước hoa ấy tỏa nhanh như gió, chế ngự mọi người quanh gã, không ai cưỡng lại được, thì cũng chính lúc ấy tất cả sự kinh tởm đối với con người lại cuồn cuộn lên trong gã, làm ô uế mọi vinh quang […] Trong cái khoảnh khắc của thành công thì nỗi khao khát được con người yêu thích trở nên không thể chịu đựng nổi, vì gã không yêu họ, gã ghét họ. […] Nhưng sự thù ghét gã dành cho con người không được con người đáp lại. Giờ đây gã càng ghét họ thì họ càng tôn sùng gã bởi vì họ không cảm nhận được gì từ gã ngoài cái tinh hoa vay mượn, cái mặt nạ mùi của gã, cái nước hoa ăn cướp của gã […] Gã chỉ muốn tiêu diệt bọn người ngu xuẩn, hôi hám, dâm ô này […] Gã mong họ nhận ra rằng gã ghét họ biết mấy […] Gã muốn được bộc lộ một lần trong đời. Gã muốn được một lần bộc lộ cõi lòng như mọi người khác. Một lần, chỉ một lần duy nhất thôi, gã muốn rằng sự hiện hữu thật sự của gã được ghi nhận và sự thù ghét, tình cảm thật duy nhất của gã được đáp lại.”

Giả trá biết bao, thế giới này, giả trá đến mức, đến Chúa cũng có thể là giả trá, và người ta có thể tôn sùng một con quỷ satan đội lốt Chúa chỉ vì nó có mùi hương giống như Chúa. Những kẻ đó không nhìn ra sự thật, bởi vì bản chất của chúng cũng độc ác, cũng đen tối, nông cạn, và chỉ cầu nguyện mà trong lòng vẫn đầy dục vọng xấu xa.

Còn Grenouille, hắn vẫn cô độc ngay cả trong vòng tay yêu thương, ngay cả khi được sùng kính. Hắn, sau rốt, vẫn chỉ là một kẻ vô danh tính, không được thừa nhận, cái mà họ thừa nhận đâu phải hắn, mà chỉ là hương thơm mà hắn phủ lên người, còn Grenouille-thực-sự chỉ là kẻ vô hình trong mắt họ. Nỗi khát khao được bộc lộ của Grenouille chính là nỗi tận-cùng-cô-độc của hắn. Carl Jung, một nhà tâm lý học nổi tiếng, từng nói: Loneliness does not come from having no people around you, but from being unable to communicate the things that seem important to you. (Quả thực, bỗng dưng tôi ngồi viết review cho cuốn sách này, cũng vì tình cờ đọc được câu nói trên, và nó gợi tôi nhớ về câu chuyện của kẻ sát nhân cô độc Grenouille). Phải, không có gia đình là cô độc, không có bạn bè là cô độc, bị ghẻ lạnh xa lánh là cô độc, không được yêu thương là cô độc, nhưng không được bày tỏ chính mình mới là tận cùng của cô độc.

Ở một góc nhìn khác, có thể cho rằng, Grenouille là đứa con của giai đoạn đầu Thời kỳ Khai Sáng (Age of Enlightenment) đã xuất hiện ở châu Âu từ cuối thế kỷ 17 đầu thế kỷ 18, thời đại gắn với những cuộc Cách Mạng Khoa Học, Triết học, Văn hóa, Nghệ thuật, khi Giáo hội dần mất vị trí của mình và thay vào đấy là sự lên ngôi của Khoa Học – Lý Tính – Cá Nhân – Tự Do. Cách Grenouille trở về góc chợ nơi hắn sinh ra, nhớp nhúa như đống ruột cá, đổ toàn bộ lượng nước hoa còn lại lên người mình, để rồi bị một bầy người tôn sùng đến mức ngốn ngấu hắn không còn một mảnh xương nào, đó chính là cách mà nhân loại đã khai tử Thời Kỳ Đen Tối (Dark Ages) với những phi lý, mê tín dị đoan và độc tài mà Giáo Hội đã áp đặt lên xã hội hàng trăm năm, khiến cho con người chết mòn trong tội ác, sự cô độc, đê hèn và không có quyền có tiếng nói, thậm chí không có quyền được làm chính mình.

Kết cục lại, Mùi hương, cũng giống như Ring hay Sự im lặng của bầy cừu, không phải một tác phẩm kinh dị điển hình, trong quá trình đọc, độc giả có thể sẽ không cảm thấy những cơn ớn lạnh dọc sống lưng, thậm chí sau khi gấp sách lại, cũng không thấy có gì sợ hãi. Nhưng rất có thể, một ngày nào đấy, nghĩ lại câu chuyện về kẻ bị ruồng bỏ Grenouille, bạn lại bất chợt thấy vã mồ hôi, đó là lúc nỗi sợ sâu kín nhất trong lòng mỗi chúng ta chợt trỗi dậy và nhấn chìm ta trong sự mênh mông đến vô tận của nó. Rốt cuộc, chẳng có bóng ma nào đeo bám chúng ta cả, chỉ có sự cô độc ám ảnh mà thôi.

Hết.

Hiền Trang

Phía sau trang sách

Tư duy tích cực tạo thành công: Chìa khóa dẫn đến sự thịnh vượng

Published

on

Tác phẩm Tư duy tích cực tạo thành công của Napoleon Hill và William Clement Stone là một cẩm nang hữu ích cho bất kỳ ai muốn đạt được thành công trong cuộc sống. Cuốn sách không chỉ cung cấp những nguyên tắc và chiến lược hiệu quả để phát triển bản thân mà còn truyền cảm hứng giúp người đọc có một thái độ tích cực hơn trong cuộc sống.

Tư duy tích cực tạo thành công là một tác phẩm kinh điển về chủ đề phát triển bản thân, đã truyền cảm hứng cho hàng triệu người trên khắp thế giới kể từ khi xuất bản lần đầu tiên vào năm 1959, khẳng định vị trí là một trong những tác phẩm self-help bán chạy nhất mọi thời đại. Cuốn sách vén màn bí mật về sức mạnh của tư duy tích cực, giúp người đọc khai phá tiềm năng bản thân và đạt được những thành tựu phi thường trong mọi lĩnh vực của cuộc sống.

Tìm kiếm hình mẫu thành công làm ngọn đuốc soi sáng

Để có thêm động lực và định hướng rõ ràng cho bản thân, tác giả gợi ý rằng người đọc có thể xây dựng cho riêng mình một hình mẫu thành công từ những câu chuyện về người thật, việc thật trong sách báo. Khi dành thời gian tìm hiểu về hành trình của họ, những khó khăn họ đã trải qua và cách họ vượt qua những thử thách đó, ta sẽ có thể biến kinh nghiệm của họ trở thành ngọn đuốc soi sáng cho con đường của chính mình.

Bên cạnh đó, người đọc còn có thể chọn một bức ảnh có ý nghĩa đặc biệt với mình để đặt câu hỏi khi nhìn bức ảnh đó rồi lắng nghe câu trả lời từ chính tâm thức bật ra. Bức ảnh ấy có thể là hình ảnh về mục tiêu ta muốn đạt được, về một giá trị sống mà ta trân trọng, hoặc đơn giản là một khoảnh khắc đẹp trong cuộc sống. Chẳng hạn, nếu người đọc muốn mua nhà nhưng chưa có đủ tài chính thì có thể chọn bức ảnh về một mái ấm khang trang để ngắm nhìn và tự đặt câu hỏi rằng mình phải làm gì để đạt được số tiền sở hữu căn nhà đó. Không phải lúc nào câu trả lời cũng đến ngay lập tức, nhưng việc cụ thể hóa mục tiêu bằng một hình ảnh rõ ràng sẽ giúp người đọc tăng cường ý chí nỗ lực.

Ngoài ra, niềm tin chính là nguồn động lực mạnh mẽ giúp mỗi người vượt qua mọi khó khăn và chinh phục mục tiêu. Trong Tư duy tích cực tạo thành công, có một công thức thường được lặp lại nhiều lần để người đọc ghi nhớ là: “Khi con người người nghĩ đến và tin tưởng vào điều gì, họ sẽ có thể đạt được điều đó với thái độ tích cực.” Đây cũng là một biện pháp tự truyền cảm hứng.

Hai mặt của tình thế bức bách: Thành công hay tội ác?

Tư duy tích cực tạo thành công nhấn mạnh tầm quan trọng của tính lương thiện trong hành trình chinh phục thành công. Cuốn sách khẳng định rằng thành công đích thực không chỉ dựa trên kết quả mà còn phải dựa trên phương tiện đạt được kết quả đó. Một người có thể đạt được thành công bằng mưu mô, thủ đoạn, nhưng đó chỉ là thành công giả tạo, thiếu bền vững và không mang lại hạnh phúc thực sự.

Ngoài ra, tác giả cũng bàn về vai trò của tình thế bức bách: nó như một con dao hai lưỡi, có thể đưa con người đến đỉnh cao thành công hoặc vực sâu tội ác. Tình thế bức bách là phép thử cho bản lĩnh, đạo đức và thái độ của mỗi cá nhân. Khi đó, thành công hay thất bại đều tùy thuộc vào thái độ:

Thái độ tích cực: Khi đối mặt với nghịch cảnh, người có thái độ tích cực sẽ biến nó thành cơ hội để học hỏi, rèn luyện và phát triển bản thân. Họ kiên trì nỗ lực, tìm kiếm giải pháp sáng tạo và không bao giờ bỏ cuộc. Nhờ vậy, họ có thể vượt qua mọi khó khăn và gặt hái thành công.

Thái độ tiêu cực: Ngược lại, người có thái độ tiêu cực sẽ dễ dàng gục ngã trước nghịch cảnh. Họ chìm trong lo âu, sợ hãi, nghi ngờ bản thân và tìm kiếm lối thoát bằng những hành vi sai trái. Hậu quả là họ đánh mất bản thân, vướng vào vòng xoáy tội ác và tự hủy hoại cuộc đời.

Từ đó, cuốn sách đưa ra hai công thức đơn giản nhưng đầy ý nghĩa:

Tình thế bức bách + Thái độ tích cực = Thành công
Tình thế bức bách + Thái độ tiêu cực = Tội ác.

Cân bằng cảm xúc, rèn luyện tư duy và đặt mục tiêu hiệu quả

Cảm xúc và lý trí đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống, mỗi người cần học cách cân bằng hai yếu tố này để đưa ra những quyết định sáng suốt. Đôi khi, ta cũng nên lắng nghe tiếng nói con tim và hành động theo những gì mình mong muốn. Chẳng hạn, khi phải lựa chọn giữa một công việc ổn định và theo đuổi đam mê, ta cần cân nhắc kỹ lưỡng cả hai yếu tố cảm xúc và lý trí: ta thường dùng lý trí để đánh giá khả năng thực tế của bản thân, nhưng cũng đừng quên lắng nghe tiếng nói con tim.

Bên cạnh đó, tác giả cho rằng mỗi ngày, chúng ta chỉ cần dành 1% thời gian để nghiên cứu, suy nghĩ, lập kế hoạch là đã có nhiều cơ may tạo ra sự khác biệt để vươn đến thành công. Theo ước tính, một ngày có 1440 phút, 1% sẽ tương ứng với 14 phút. Trong 14 phút đó, nếu ta chú tâm suy nghĩ kế hoạch cho những gì mình muốn làm, ta sẽ dần hình thành được thói quen có thể suy nghĩ sáng tạo mọi lúc, mọi nơi: khi rửa chén, lúc ngồi trên xe bus, hay thậm chí là khi đang tắm.

Ngoài ra, đặt mục tiêu là bước đầu tiên và quan trọng nhất trên kế hoạch chinh phục thành công. Mục tiêu rõ ràng sẽ giúp bạn tập trung nỗ lực, đưa ra quyết định sáng suốt và duy trì động lực để đạt được ước mơ. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách đặt mục tiêu hiệu quả. Dưới đây là bốn điều quan trọng cần ghi nhớ khi đặt mục tiêu:

1. Viết mục tiêu ra giấy: Khi viết mục tiêu ra giấy, bạn sẽ buộc bản thân phải suy nghĩ cẩn thận về những gì mình muốn đạt được. Việc này giúp bạn tập trung và ghi nhớ mục tiêu tốt hơn.

2. Đặt mốc thời gian: Mốc thời gian giúp bạn chia mục tiêu lớn thành những mục tiêu nhỏ hơn, dễ quản lý hơn. Việc này giúp bạn có động lực để hoàn thành từng bước và tiến đến mục tiêu cuối cùng.

3. Đặt tiêu chuẩn thật cao: Khi đặt tiêu chuẩn cao, bạn sẽ buộc bản thân phải nỗ lực hết mình và phát huy tiềm năng tối đa.

4. Đặt mục tiêu cao: Mục tiêu cao sẽ giúp bạn có tầm nhìn xa và thúc đẩy bạn không ngừng phát triển.

Nhìn chung, Tư duy tích cực tạo thành công đã mang đến cho người đọc những bài học quý giá về sức mạnh của tư duy tích cực trong việc gặt hái thành công và hạnh phúc. Hãy nhớ rằng, thành công không phải là đích đến mà là hành trình. Hành trình chinh phục thành công bắt đầu từ việc nuôi dưỡng tư duy tích cực. Ta cần tin tưởng vào bản thân và những điều kỳ diệu mà cuộc sống có thể mang lại. Từ đó, ước mơ sẽ thành hiện thực bằng chính những hành động mà ta lựa chọn ngay từ hôm nay.

Hoàng Đức Nhiên

Đọc bài viết

Phía sau trang sách

Tình yêu đích thực từ góc nhìn của Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Published

on

Trong vô vàn những định nghĩa về tình yêu, quan điểm của Thiền sư Thích Nhất Hạnh về “tình yêu đích thực” được trình bày trong cuốn tiểu luận True Love đã mang đến một sự giản dị, mộc mạc nhưng lại ẩn chứa sức mạnh lay động tâm hồn sâu sắc.

Tình yêu là một trong những chủ đề muôn thuở của nhân loại, luôn ẩn chứa sức hút mãnh liệt và khơi gợi những cảm xúc dạt dào. Nhưng không phải ai cũng hiểu được bản chất của tình yêu. Trong True Love, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã kể lại câu chuyện Thiếu phụ Nam Xương, rồi từ đó rút ra một kết luận mà thoạt nghe sẽ có vẻ vô cùng đơn giản nhưng càng ngẫm nghĩ thì ta càng thấy sự đơn giản ấy chính là vẻ đẹp của minh triết.

Thông điệp ý nghĩa từ ba câu khẳng định trong tình yêu

Đối với thầy, câu chuyện Thiếu phụ Nam Xương có kết cuộc đau lòng là vì người chồng đã không chịu lắng nghe người vợ, anh cứ gạt phăng lời vợ nói, cơn nóng giận đã che mờ tình yêu và cả lí trí. Vợ anh cũng đã không cố gắng hơn để giải thích rõ ràng cho anh hiểu. Chính vì vậy, cả hai người đều không thực sự hiện diện khi ở trước mặt đối phương, họ ở đó nhưng không thực sự ở đó, mà ở trong khoảnh khắc khác, trong những chiều không gian khác. Bi kịch của họ đơn giản chỉ là như thế.

Từ đó, Thiền sư Thích Nhất Hạnh rút ra kết luận là tình yêu thực sự chỉ đơn giản nằm gói gọn trong ba câu sau đây: “Anh ở đây. Em ở đây. Và anh ở đây vì em.” (I’m here. You’re here. And I’m here for you.)

Câu khẳng định đầu tiên mang hàm ý rằng anh đang ở đây ngay giây phút này khi đối diện với em, bằng trăm phần trăm con người anh, không hề có sự tản mác, phân mảnh đi bất cứ nơi đâu. Một điều tưởng chừng đơn giản nhưng thực ra trong cuộc sống bộn bề lo toan này, việc một người có thể tập trung hoàn toàn tinh lực của mình khi đối diện trước một người mà không bị vướng bận tâm trí bởi điều gì khác cũng thật khó khăn.

Câu khẳng định thứ hai là sự tiếp nối ý từ câu đầu tiên. Anh ở đây, và em cũng đang ở đây. Anh ghi nhận sự tồn tại của em, em ghi nhận sự tồn tại của anh. Vì em cũng đang ở đây cùng anh trong giây phút này nên em không cô đơn, em không tản mác, em không phân mảnh.

Câu khẳng định cuối cùng là một sự quả quyết mạnh mẽ: Anh ở đây, anh dành hết trăm phần trăm sự tồn tại của mình ở đây là vì chính em, không vì ai khác cả. Vậy nên, em có thể yên tâm mà thổ lộ tất cả mọi điều với anh, vì trong giây phút này, hai ta đều cùng hiện diện.

Thông qua đó, ba câu khẳng định này có thể diễn dịch lại thành thông điệp phổ quát như sau:

“I’m here”: Khẳng định sự hiện diện trọn vẹn của bản thân, tập trung toàn bộ sự chú ý và tinh thần vào người mình yêu thương. Trong cuộc sống bận rộn, việc dành trọn vẹn tâm trí cho đối phương là điều không dễ dàng, nhưng lại vô cùng quan trọng để xây dựng một mối quan hệ bền vững.

“You’re here”: Ghi nhận sự tồn tại của đối phương, trân trọng và thấu hiểu cảm xúc, suy nghĩ của họ. Khi cả hai cùng “ở đây”, họ sẽ cảm nhận được sự kết nối sâu sắc, chia sẻ và đồng hành trong từng khoảnh khắc.

“And I’m here for you”: Thể hiện sự cam kết, dành trọn vẹn tình yêu và sự quan tâm cho người mình yêu thương. Lời khẳng định này mang đến sự an toàn, tin tưởng và là động lực để cả hai cùng vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống.

Ba câu khẳng định tưởng chừng đơn giản nhưng lại là chìa khóa cho một tình yêu đích thực. Khi cả hai cùng thực hiện được điều này, họ sẽ tạo dựng được một mối quan hệ bền chặt, hạnh phúc và viên mãn.

Chìa khóa cho một mối quan hệ tốt đẹp

Để thực sự “ở đây”, mỗi người cần học cách chánh niệm, tập trung vào hiện tại, gạt bỏ những lo toan, phiền muộn và dành trọn vẹn sự chú ý cho đối phương. Khi ta thực sự “ở đây”, ta sẽ cảm nhận được trọn vẹn vẻ đẹp của người mình yêu thương, thấu hiểu những cảm xúc và suy nghĩ của họ. Tình yêu đích thực không chỉ là những khoảnh khắc lãng mạn, mà còn là sự cam kết và hy sinh cho nhau. Khi yêu thương ai đó, ta sẵn sàng dành thời gian, tâm sức và cả những hy sinh để cùng nhau xây dựng hạnh phúc.

Giao tiếp là yếu tố quan trọng trong bất kỳ mối quan hệ nào. Lắng nghe cởi mở và thấu hiểu là cách để hai người kết nối tâm hồn, chia sẻ những cảm xúc, suy nghĩ và vun đắp tình cảm ngày càng sâu sắc.

Tình yêu đích thực không phải là điều viển vông hay khó kiếm tìm. Nó ẩn chứa trong chính những khoảnh khắc bình dị của cuộc sống, chỉ cần ta biết trân trọng và gìn giữ. Ba câu khẳng định của Thiền sư Thích Nhất Hạnh là lời nhắc nhở nhẹ nhàng nhưng sâu sắc về cách để vun đắp và nuôi dưỡng một tình yêu thương bền chặt, viên mãn.

Hoàng Đức Nhiên

Đọc bài viết

Phía sau trang sách

Cuộc gặp của những dòng chảy

Published

on

By

Trong tập truyện Trôi, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đã kéo những số phận riêng lại gần với nhau, từ đó cho thấy con người dẫu có ở đâu, sống đời thế nào… cũng là một phần của dòng trôi nổi.

Vừa quen vừa lạ

Là tác giả nổi tiếng với các truyện ngắn, tiểu thuyết có bối cảnh miền Tây Nam Bộ, Nguyễn Ngọc Tư đến với người đọc bằng sự giản dị, chân phương hệt như tính cách người dân nơi đây. Tác phẩm của chị thường mang tâm trạng trầm buồn, khi mà số phận buộc những nhân vật - thường là phụ nữ phải trải qua nhiều biến cố có phần ngang trái.

Gồm 13 truyện ngắn, Trôi đánh dấu cho hành trình mới của Nguyễn Ngọc Tư khỏi vùng châu thổ mà chị quen thuộc. Cuốn sách lướt qua câu chuyện của rất nhiều người ở nhiều cảnh ngộ khác nhau, từ nông thôn đến thành thị, từ mặt đất đến trên không, từ hiện thực đến siêu thực... thoạt nhìn có vẻ phi lý, thế nhưng càng đào sâu thêm vào từng dòng chữ, ta đều sẽ thấy mọi thứ trong cuộc đời này đều được liên kết, tương tác với nhau.

Nhân vật của nữ nhà văn trong tập sách này không còn ở trong vùng đất Thổ Sầu đậm tính sông nước, mà đã chuyển sang những khu phố thị hoặc là vô danh. Việc bỏ lai lịch của các nhân vật cho ta thấy rằng Nguyễn Ngọc Tư đã dám mạnh mẽ bước ra “cái kén” từ trước đến nay, để nói về những câu chuyện và những số phận mang tính phổ quát, có thể xảy ra với bất cứ ai và không ngừng lại.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư

Sở hữu cách viết điềm tĩnh, thận trọng, Nguyễn Ngọc Tư cho thấy tài năng quan sát và khắc họa nó lên trên trang viết. Các truyện trong tuyển tập này không hề cường điệu hay có chủ đích tạo sự kịch tính, mà lại êm đềm như một dòng chảy. Các tình huống được tác giả hóa giải một cách hợp lý, có khi theo đúng logic cơ học, nhưng cũng đôi lúc ẩn sâu là những liên kết buộc các độc giả tự mình tìm cách giải đáp…

Hiểu theo một nghĩa nào đó, Trôi đưa người đọc đến sự thấu hiểu chính bản thân mình. Như cách các nhà triết học của chủ nghĩa khắc kỷ đã từng bảo rằng, bởi ta không thể kiểm soát những gì xảy đến với bản thân mình, nên hãy thay đổi góc nhìn để thấu hiểu nó. Tập truyện ngắn này hướng đến những thứ tích cực, để ta thấy đời vẫn còn những màu đẹp đẽ trong mỗi ngày qua.

Đó cũng đồng thời chính là chữ “duyên” vốn thường xuất hiện trong văn hóa phương Đông, để ta biết rằng cái gì cũng có lý do, và khi thay đổi được suy nghĩ đó, những điều trôi qua đều có giá trị. Chính bởi điều này mà cuốn tiểu thuyết cũng đến rất gần Hành lý hư vô, Hong tay khói lạnh… vốn dĩ là những tản văn cũng có thông điệp tương tự như thế mà nữ nhà văn đã cho ra mắt trong các năm qua.

“Trôi là tin mừng”

Trở lại sau tập truyện ngắn Cố định một đám mây và cuốn tiểu thuyết Biên sử nước, có thể thấy rằng những đặc trưng cũ vẫn còn hiện diện trong tác phẩm này. Đó là những cuộc gặp gỡ cũng như cơ duyên như từ trên trời rớt xuống. Trong dòng chảy của số phận ấy, tất cả nhân vật gắn bó với nhau theo một cung cách hết sức lạ kỳ, thế nhưng ẩn chứa đâu đó họ vẫn có một sợi dây liên hệ và không thoát được khỏi tầm ảnh hưởng của nhau.

Sự trôi của Nguyễn Ngọc Tư cũng đã hiện diện ở nhiều chi tiết. Nó có thể mang nghĩa vật lý – như lục bình trôi, như dòng đời trôi; nhưng cũng có khi vô cùng tượng hình – như sự dịch chuyển của vũ trụ này, trong tình cảm con người và mối nối gắn họ với chính cuộc sống. Tác giả như đã trả lời câu hỏi: tồn tại hay không tồn tại để ta hiểu rằng: “Những cái vé xe đò, tàu hỏa hoặc máy bay đều có mùi của nơi chốn mà chúng đưa con người ta tới”.


Trong đây có chàng trai trẻ thích nghìn người khác nằm ngủ, có người đàn ông mà cả đời mình không bước khỏi cửa, có người mà võng là thứ “vật bất ly thân”… Ngoài ra cũng có một cặp vợ chồng “thắp lửa giữa trời”, có cả những cuộc gặp gỡ gần như không tưởng, xoay quanh chỉ một món nợ mà người trong cuộc cũng không thể biết mình nợ thứ gì…

Những tưởng họ vốn bất động trong cuộc đời mình, những tưởng những hành động ấy gần như phi lý, xác suất xảy ra gần như bằng không… Thế nhưng ở một giao điểm nào đó của số phận, họ đã gặp nhau và cùng vẽ nên bức tranh đời người. Xét cho đến cùng, tất cả chúng ta đều đang trôi nổi trên một dòng chảy – dòng chảy cuộc đời – theo chiều không ngừng mở rộng của cả không gian cũng như thời gian.


Nhà văn Ba Lan đoạt giải Nobel Văn chương 2019 - Olga Tokarczuk mà Nguyễn Ngọc Tư cũng đã nhắc đến trong một truyện ngắn, đã từng viết rằng: “Năng lượng của tôi sinh ra từ chuyển động – từ rung chuyển của ô tô buýt, từ tiếng gầm của động cơ máy bay, từ sự chòng chành của phà và tàu hỏa”. Dù muốn dù không thì sự xê dịch luôn luôn ở đó, đòi hỏi con người cứ thế tiến lên, cũng như nhìn nhận một cách tích cực về những điều mà bản thân gặp phải.

Như một câu văn trong truyện cùng tên: “Chẳng có cuộc trôi nào là vô tình hết, bản thân sự nổi trôi là thông điệp, tín hiệu, thư mời của chân trời”. Qua tác phẩm này, người đọc bỗng chốc nhận ra mình thuộc về “xứ không đâu”, nơi người với người cùng nhau tương tác, mỗi một cá thể sẽ lại tác động lên ai đó khác. Từ đó kêu gọi một sự sẻ chia cũng như đồng cảm trong cuộc đời này.

Đọc bài viết

Cafe sáng