Phía sau trang sách

Người lớn, trẻ con và Hoàng tử bé

Published

on

Khi còn bé, chúng ta suy nghĩ mọi thứ khác so với chúng ta phiên bản trưởng thành đến nỗi đánh mất đi nhiều thói quen hay ho. Là trẻ con, chúng ta nhìn qua lăng kính trong veo không gợn chút bụi trần, và hầu như không phải đắn đo giữa được và mất. Đến một thời khắc nào đó, con người khi đã đủ trưởng thành lại bùi ngùi nhớ lại bản thân mình ngày xưa với biết bao tiếc nuối… Đọc Hoàng tử bé, độc giả không tránh khỏi những suy nghĩ ấy: giờ đây, những thứ mộc mạc, giản dị của ngày bé chẳng thể trở về giản dị, mộc mạc nữa rồi, vì cuộc sống khắc nghiệt của người lớn phức tạp hơn nhiều.

Tuổi thơ và những điều con trẻ

Nhân vật xưng “tôi” ngày nhỏ thích vẽ. Trong một lần nhìn thấy bức tranh con trăn nuốt chửng cả một chú voi khổng lồ, bạn nhỏ ấy đã họa lại theo cách của mình, nhưng có vẻ không được tán dương lắm. Con trăn no căng bụng bị nhìn nhầm thành chiếc mũ, nên cậu vẽ cho hở bụng và không quên họa con voi to tướng vào chỗ hở của bụng trăn. Khi ấy, “người lớn” thi nhau bảo cậu hãy bỏ giấc mộng vẽ vời đi. Chẳng ai hiểu cậu vẽ gì cả.

Cậu bỏ thật…

Nhưng bức tranh ấy có ý nghĩa gì nhỉ? Tôi nghĩ mãi, và tạm chấp nhận với câu trả lời: con trăn chính là cuộc sống của “người lớn”. Nó nuốt chửng cả đứa trẻ thơ dại còn sót lại trong mỗi chúng ta. Đáng buồn là, chẳng ai thèm đoái hoài hay lo lắng về quá trình khó lòng cưỡng lại ấy. Chúng ta dường như đang quay mặt lại với chính mình ngày xưa: giản đơn, hiền lành và đầy mơ mộng.

Người kể chuyện là một người đàn ông cô đơn. Mỗi lần người khác cười ông vẽ “chiếc mũ” vớ vẩn, ông lại từ chối đứa trẻ sống trong tim mình bằng cách sống “người lớn” hơn: trí tuệ, hiểu biết và sõi đời.

Ông vẫn là một tâm hồn cô độc, quanh quẩn với chính mình, vòng quanh thế giới bao la nhưng mãi đến khi gặp Hoàng tử bé từ hành tinh B612 thì ông mới phần nào nguôi ngoai. Hai tâm hồn cô đơn, gặp nhau và tạo thành một mối dây liên kết vô hình. Của một đứa trẻ với một người già. Của một cư dân Trái Đất với kẻ sống ở nơi chỉ toàn núi lửa và lác đác vài bông hoa…

Người lớn đánh giá một vật xấu hay đẹp, đánh giá một người có đáng được lắng nghe hay không, cũng chỉ sòng phẳng qua những phương tiện vật chất. Trong thế giới mà tiền bạc là tất cả, chẳng ai để ý đến bông hoa nhỏ bé có thể bị con cừu ranh mãnh ăn mất bất cứ lúc nào.

Hoàng tử bé và chuyến phiêu lưu nhỏ

Lúc trò chuyện với chú phi công, Hoàng tử bé có vẻ rất lo lắng cho bông hoa hồng của mình. Cô quạnh trên hành tinh quê nhà, bông hoa lắm lời và kiêu kì có thể được xem như người bạn duy nhất của cậu. Đoạn miêu tả bông hồng sao mà giống lời miêu tả chị em phụ nữ của cánh mày râu quá: kiêu hãnh, không chịu công nhận tình cảm, lại còn vô cùng điệu nữa. Hoàng tử yêu bông hoa ấy, và bông hoa đó cũng yêu hoàng tử. Đó là lý do bông hoa cố tỏ ra vẻ mình yếu đuối: muốn được cậu che chở và chăm sóc.

Lồng ghép vào đó là câu chuyện về cây bao báp ăn nát cả hành tinh. Phải chăng, tác giả ngụ ý rằng, chuyện gì hôm nay làm được thì chớ để ngày mai, không thôi bao báp ăn mất đất, đến không còn chỗ mà sống. Triết lý giản đơn ấy, ngày nhỏ chắc hẳn rằng đã được mẹ và cô bảo ban hàng chục, hàng trăm lần, nhưng không hiểu sao khi đọc truyện, tôi mới thấy nó rõ ràng và đáng suy ngẫm đến thế.

44 lần ngắm mặt trời lặn. Vì buồn quá nên thích ngắm mặt trời lặn. Chẳng phải, vì cô đơn, lạc lõng quá nên buồn sao? Vì vậy, chú phi công kết luận: “Cái ngày 44 lần ngắm ấy, hẳn là cậu phải buồn lắm?” Cậu im lặng không đáp. Một đứa trẻ mà buồn thì sẽ như thế nào nhỉ?

Hoàng tử bắt đầu chán chường với bông hoa “nói nhiều”. Cậu muốn thoát khỏi hành tinh nhỏ bé của mình, thoát khỏi “vùng an toàn” và chu du khắp những vì sao. Nhưng sau đó, rõ ràng cậu lại hối hận vì đã đánh giá bông hồng qua cái sự “nói nhiều” ấy. Cậu nhận thấy mình có tình cảm sâu đậm với bông hoa. Cuộc phiêu lưu của cậu ra khỏi “vùng an toàn” chính là một cuộc dạo chơi của tâm hồn thơ bé đến với thế giới hiện thực tàn khốc của người lớn. Ở đó, có biết bao loại người khác nhau, nhưng dù là ai thì cậu cũng cảm thấy “người lớn thật là khó hiểu”, “kỳ lạ” và “buồn cười”.

Đó là một ông vua trị vì vương quốc không có lấy một thần dân. Ông trị vì trong cô đơn và mòn mỏi, với những triết lí cũng khá là hợp lí: “Cần phải yêu cầu người ta làm cái điều gì người ta có thể thực hiện được…” Tuy nhiên, vì quá cứng nhắc nên ông ta có vẻ bị động và bất lực, khi cậu quả quyết rời khỏi hành tinh. Một ông vua mà không có thần dân, thì còn gì là vua nữa?

Đó là một ông hợm hĩnh, coi cả thế giới là “cộng đồng người hâm mộ” của mình, và mình là cái rốn của vũ trụ. Loại người như thế này thì công nhận, ngoài đời nhiều thật. Bạn cứ thử làm việc nhóm nhưng chọn nhóm một cách ngẫu nhiên xem. Thế nào bạn cũng phải chán ngán như khi Hoàng tử bé chán ngán trò chơi vỗ tay… Cái tôi quá lớn xua đuổi người khác đi mất chứ chẳng thể giữ nổi chân ai cả.

Đó là một ông nát rượu. Vì quá bất lực với cuộc đời, quá hèn nhát mà ông chỉ trốn vào men rượu. Tại sao? Vì ông nghiện rượu. Đó là một vòng luẩn quẩn không lối thoát, nhất là khi bạn chỉ biết than thân trách phận mà chẳng buồn hành động chút xíu nào để làm cuộc đời bạn tốt hơn.

Đó là nhà buôn nghiện tính. Tính mãi, tính mãi, luôn miệng nói mình bận lắm, mình toàn làm những việc cao cả, những thứ nghiêm túc thôi. Nhưng để làm gì nhỉ? Tính tổng số sao mình sở hữu. Hoàng tử bé đã chỉ ra một điều mà ít ai để ý: rằng nhà buôn ấy, tính toán bận rộn thế thì chẳng ích lợi gì cả, rằng ông ta cũng không làm gì được cho các ngôi sao cả. Cuộc sống thực tại cũng vậy. Có rất nhiều người bận vùi đầu vào những thứ vô bổ, tưởng chừng nghiêm túc nhưng chả hề có ích; lại có người mải mê kiếm tiền mà quên hưởng thụ, quên mục đích cuộc sống của mình là gì, dẫn đến đời sống tinh thần nghèo nàn, thui chột; cũng có người có nhiều lắm, nhưng không cho đi, không giúp đỡ người khác, nên cuộc sống vô cùng tẻ nhạt.

Lại có ông nhà địa lý mọt sách, suốt ngày rúc vào sách vở chứ chẳng đi thực tế hay khám phá gì cả. Riêng có người đốt đèn chăm chỉ, cần mẫn là đáng để Hoàng tử bé kết thân. Có cảm giác, tác giả đang miêu tả bản thân như người đốt đèn đó: làm một việc khiêm nhường nhưng có ích cho đời. Đó là người duy nhất ngoài vũ trụ mà cậu muốn kết thân.

Vậy bạn trẻ à, bạn là cư dân của hành tinh nào mà tôi đã đề cập nhỉ?

Mong rằng bạn không cần phải phật lòng với tôi vì đã khiến bạn chột dạ.

Vậy còn Trái Đất thì sao?

Con rắn, cái giếng, con cáo và hoa hồng

Cách nói ví von đầy ẩn ý như thế, khiến những con người đã-từng-là-trẻ-con không khỏi trăn trở: rắn, cáo, hoa hồng nhưng đâu phải là rắn, cáo, hoa hồng thôi; giếng nhưng sâu thẳm, nó là gì nữa?

Con rắn ban đầu thấy Hoàng tử bé là đã ra chiều dụ dỗ. Nó bảo, nọc độc nó là để người bị cắn trúng trở về với nơi được sinh ra – thật là tráo trở biết bao. Thì ra, con người với nhau nhưng giả dối lắm, nên hay dùng những mỹ từ cao cả để che đậy tội lỗi. Cuối cùng, chính con rắn ấy đã trút hết nọc độc vào em và bỏ đi. Em ngây ngô, nhưng không hề ngây ngô chút nào.

Cậu gặp một con cáo, khao khát được thuần hóa. Con cáo đó, chính là nhân loại. Nhân loại khao khát yêu và được yêu, dù có đau khổ, dù có nếm mật nằm gai. Romeo và Juliet vẫn đến với nhau và yêu nhau bằng cả mạng sống, và chắc hẳn tiểu thuyết của Nicholas Sparks bán chạy cũng là do nhân gian nào có ai từ chối tình yêu cả một đời. Thế là cậu phát hiện ra, mình đã “được” hoa hồng kia thuần hóa. Cậu yêu bông hoa ấy. Và cậu nghĩ mình có trách nhiệm với thứ mà mình đã thuần hóa. Chậc, những người yêu nhau, thương nhau đều có trách nhiệm giữ cho người kia an toàn và hạnh phúc mà nhỉ?

Con cáo đau khổ khi phải chia xa Hoàng tử bé, nhưng nó không hối hận vì đã van nài cậu thuần hóa nó. “Lúa mì, vốn dĩ vàng óng, sẽ khiến tớ nhớ đến cậu.” Thật đáng nể, tác giả dạy trẻ con về tình cảm tự nhiên của con người quá tài tình!

Còn đây là bài học mà tôi tâm đắc nhất:

Người ta chỉ nhìn rõ được bằng trái tim. Con mắt thường mù lòa trước điều cốt tử… Chính thời gian mà cậu dành cho bông hồng của cậu mới khiến bông hồng của cậu quan trọng đến thế.

Hoàng tử bé của chúng ta cũng phát hiện rằng, 5000 bông hoa hồng trên trái đất giống hệt như bông hoa của cậu, nhưng với cậu, đóa hoa đó là duy nhất. “Nhưng chỉ riêng mình nàng thôi, nàng đã quan trọng hơn tất cả các cô, bởi lẽ chính nàng đã được tôi tưới nước cho. Bởi lẽ chính nàng đã được tôi chắn bình phong cho… Bởi lẽ đấy là bông hồng của tôi.”

Đọc đến đây, tôi chợt ganh tị với một bông hoa hồng nhỏ bé…

“Điều khiến cho sa mạc đẹp, hoàng tử nói, chính là nó giấu một cái giếng ở đâu đó…”

Em biết mình muốn làm gì, và cần phải làm gì để đi đến điểm dừng cuối cùng ấy. Không như những người trên tàu hỏa, chen lấn, xô đẩy, nhưng ông lái tàu chẳng biết họ đi tìm cái gì cả.

Vậy bạn thân mến, bạn đã biết mình đến thế giới này để làm gì chưa? Nếu chưa, thì bạn cần phải học hỏi Hoàng tử bé nhé! Cậu đi tìm giếng nước và khoan khoái uống nước do chú phi công múc lên. Cậu gắn liền làn nước mát ngọt và tiếng dây kéo cót két với chú phi công. Vì vậy, có lẽ sau này mỗi lần cậu khát nước hoặc nghe tiếng dây, thấy cái giếng, cậu sẽ nhớ tới chú phi công. Nhưng có lẽ, cậu không còn lần sau nữa.

Cậu đã tặng chú phi công cái gì nhỉ?

Những ngôi sao biết cười.

Đứa trẻ trong cơ thể già cỗi khô cằn.

Một lời gợi nhớ, rằng những thứ vô hình cần được cảm nhận bằng trái tim.

Lời kết

Tác giả truyện, Antoine de Saint-Exupéry là một phi công, và đã có kinh nghiệm tham gia làm nhiệm vụ trong Thế chiến thứ hai. Giấc mơ được bay lượn của ông được gởi gắm qua nhân vật “tôi” trong truyện, cùng với việc Hoàng tử bé bay lượn từ hành tinh này sang hành tinh khác. Kết thúc của truyện cũng khá buồn, nhưng tôi vẫn muốn hiểu theo cách riêng của mình. Tôi thấy bản thân không đủ mơ mộng và lạc quan để tưởng tượng cảnh Hoàng tử bé trở về quê nhà, tận tay chăm bón cho cô hoa hồng đỏng đảnh. Hoa chờ cậu một năm rồi, đã úa tàn rồi. Còn cậu, cậu cũng chẳng thể thoát khỏi lưỡi hái tử thần, và rời khỏi thế gian một cách nhẹ nhàng. Nhưng cậu, với một tâm hồn thánh thiện và tinh khiết, đã khiến cho chú phi công kia thay đổi quan điểm sống, khiến chú luôn nhớ đến cậu, thương nhớ cậu, vì chí ít, cậu cũng đã cứu mạng chú ấy, khiến chú ấy sống thật với bản thân, với “đứa trẻ mình đã từng là”. Hoàng tử cũng đã thỏa được mong muốn trở về với hoa hồng yêu dấu, dù là mãi sau khi cả hai đều lìa khỏi cõi đời. Tôi hoàn toàn tin rằng, cậu đã ra đi vô cùng thanh thản. Cậu ra đi vì tình yêu, dù bản thân cũng chẳng biết định nghĩa tình yêu là gì…

Truyện ngắn gọn nhưng dư âm thì còn mãi với thời gian. Mong rằng, những bài học quý giá về cuộc sống, về thành và bại, hữu hình và vô hình, tình yêu và tình bạn, sự sống và cái chết, tất cả đều sẽ đồng hành với tôi trong suốt quãng đời còn lại. Đều là những bài học đắt giá mà tác giả đã đúc rút được từ cuộc đời truân chuyên của mình, nên tôi rất trân trọng.

Ngày 31.07.1944, máy bay của Saint-Exupéry mất tích trên Địa Trung Hải. Tôi nghĩ, ông đi tìm Hoảng tử bé đấy. Ắt hẳn là ông đã tìm được em.

Hết.

Gia Bảo

Phía sau trang sách

Tư duy tích cực tạo thành công: Chìa khóa dẫn đến sự thịnh vượng

Published

on

Tác phẩm Tư duy tích cực tạo thành công của Napoleon Hill và William Clement Stone là một cẩm nang hữu ích cho bất kỳ ai muốn đạt được thành công trong cuộc sống. Cuốn sách không chỉ cung cấp những nguyên tắc và chiến lược hiệu quả để phát triển bản thân mà còn truyền cảm hứng giúp người đọc có một thái độ tích cực hơn trong cuộc sống.

Tư duy tích cực tạo thành công là một tác phẩm kinh điển về chủ đề phát triển bản thân, đã truyền cảm hứng cho hàng triệu người trên khắp thế giới kể từ khi xuất bản lần đầu tiên vào năm 1959, khẳng định vị trí là một trong những tác phẩm self-help bán chạy nhất mọi thời đại. Cuốn sách vén màn bí mật về sức mạnh của tư duy tích cực, giúp người đọc khai phá tiềm năng bản thân và đạt được những thành tựu phi thường trong mọi lĩnh vực của cuộc sống.

Tìm kiếm hình mẫu thành công làm ngọn đuốc soi sáng

Để có thêm động lực và định hướng rõ ràng cho bản thân, tác giả gợi ý rằng người đọc có thể xây dựng cho riêng mình một hình mẫu thành công từ những câu chuyện về người thật, việc thật trong sách báo. Khi dành thời gian tìm hiểu về hành trình của họ, những khó khăn họ đã trải qua và cách họ vượt qua những thử thách đó, ta sẽ có thể biến kinh nghiệm của họ trở thành ngọn đuốc soi sáng cho con đường của chính mình.

Bên cạnh đó, người đọc còn có thể chọn một bức ảnh có ý nghĩa đặc biệt với mình để đặt câu hỏi khi nhìn bức ảnh đó rồi lắng nghe câu trả lời từ chính tâm thức bật ra. Bức ảnh ấy có thể là hình ảnh về mục tiêu ta muốn đạt được, về một giá trị sống mà ta trân trọng, hoặc đơn giản là một khoảnh khắc đẹp trong cuộc sống. Chẳng hạn, nếu người đọc muốn mua nhà nhưng chưa có đủ tài chính thì có thể chọn bức ảnh về một mái ấm khang trang để ngắm nhìn và tự đặt câu hỏi rằng mình phải làm gì để đạt được số tiền sở hữu căn nhà đó. Không phải lúc nào câu trả lời cũng đến ngay lập tức, nhưng việc cụ thể hóa mục tiêu bằng một hình ảnh rõ ràng sẽ giúp người đọc tăng cường ý chí nỗ lực.

Ngoài ra, niềm tin chính là nguồn động lực mạnh mẽ giúp mỗi người vượt qua mọi khó khăn và chinh phục mục tiêu. Trong Tư duy tích cực tạo thành công, có một công thức thường được lặp lại nhiều lần để người đọc ghi nhớ là: “Khi con người người nghĩ đến và tin tưởng vào điều gì, họ sẽ có thể đạt được điều đó với thái độ tích cực.” Đây cũng là một biện pháp tự truyền cảm hứng.

Hai mặt của tình thế bức bách: Thành công hay tội ác?

Tư duy tích cực tạo thành công nhấn mạnh tầm quan trọng của tính lương thiện trong hành trình chinh phục thành công. Cuốn sách khẳng định rằng thành công đích thực không chỉ dựa trên kết quả mà còn phải dựa trên phương tiện đạt được kết quả đó. Một người có thể đạt được thành công bằng mưu mô, thủ đoạn, nhưng đó chỉ là thành công giả tạo, thiếu bền vững và không mang lại hạnh phúc thực sự.

Ngoài ra, tác giả cũng bàn về vai trò của tình thế bức bách: nó như một con dao hai lưỡi, có thể đưa con người đến đỉnh cao thành công hoặc vực sâu tội ác. Tình thế bức bách là phép thử cho bản lĩnh, đạo đức và thái độ của mỗi cá nhân. Khi đó, thành công hay thất bại đều tùy thuộc vào thái độ:

Thái độ tích cực: Khi đối mặt với nghịch cảnh, người có thái độ tích cực sẽ biến nó thành cơ hội để học hỏi, rèn luyện và phát triển bản thân. Họ kiên trì nỗ lực, tìm kiếm giải pháp sáng tạo và không bao giờ bỏ cuộc. Nhờ vậy, họ có thể vượt qua mọi khó khăn và gặt hái thành công.

Thái độ tiêu cực: Ngược lại, người có thái độ tiêu cực sẽ dễ dàng gục ngã trước nghịch cảnh. Họ chìm trong lo âu, sợ hãi, nghi ngờ bản thân và tìm kiếm lối thoát bằng những hành vi sai trái. Hậu quả là họ đánh mất bản thân, vướng vào vòng xoáy tội ác và tự hủy hoại cuộc đời.

Từ đó, cuốn sách đưa ra hai công thức đơn giản nhưng đầy ý nghĩa:

Tình thế bức bách + Thái độ tích cực = Thành công
Tình thế bức bách + Thái độ tiêu cực = Tội ác.

Cân bằng cảm xúc, rèn luyện tư duy và đặt mục tiêu hiệu quả

Cảm xúc và lý trí đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống, mỗi người cần học cách cân bằng hai yếu tố này để đưa ra những quyết định sáng suốt. Đôi khi, ta cũng nên lắng nghe tiếng nói con tim và hành động theo những gì mình mong muốn. Chẳng hạn, khi phải lựa chọn giữa một công việc ổn định và theo đuổi đam mê, ta cần cân nhắc kỹ lưỡng cả hai yếu tố cảm xúc và lý trí: ta thường dùng lý trí để đánh giá khả năng thực tế của bản thân, nhưng cũng đừng quên lắng nghe tiếng nói con tim.

Bên cạnh đó, tác giả cho rằng mỗi ngày, chúng ta chỉ cần dành 1% thời gian để nghiên cứu, suy nghĩ, lập kế hoạch là đã có nhiều cơ may tạo ra sự khác biệt để vươn đến thành công. Theo ước tính, một ngày có 1440 phút, 1% sẽ tương ứng với 14 phút. Trong 14 phút đó, nếu ta chú tâm suy nghĩ kế hoạch cho những gì mình muốn làm, ta sẽ dần hình thành được thói quen có thể suy nghĩ sáng tạo mọi lúc, mọi nơi: khi rửa chén, lúc ngồi trên xe bus, hay thậm chí là khi đang tắm.

Ngoài ra, đặt mục tiêu là bước đầu tiên và quan trọng nhất trên kế hoạch chinh phục thành công. Mục tiêu rõ ràng sẽ giúp bạn tập trung nỗ lực, đưa ra quyết định sáng suốt và duy trì động lực để đạt được ước mơ. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách đặt mục tiêu hiệu quả. Dưới đây là bốn điều quan trọng cần ghi nhớ khi đặt mục tiêu:

1. Viết mục tiêu ra giấy: Khi viết mục tiêu ra giấy, bạn sẽ buộc bản thân phải suy nghĩ cẩn thận về những gì mình muốn đạt được. Việc này giúp bạn tập trung và ghi nhớ mục tiêu tốt hơn.

2. Đặt mốc thời gian: Mốc thời gian giúp bạn chia mục tiêu lớn thành những mục tiêu nhỏ hơn, dễ quản lý hơn. Việc này giúp bạn có động lực để hoàn thành từng bước và tiến đến mục tiêu cuối cùng.

3. Đặt tiêu chuẩn thật cao: Khi đặt tiêu chuẩn cao, bạn sẽ buộc bản thân phải nỗ lực hết mình và phát huy tiềm năng tối đa.

4. Đặt mục tiêu cao: Mục tiêu cao sẽ giúp bạn có tầm nhìn xa và thúc đẩy bạn không ngừng phát triển.

Nhìn chung, Tư duy tích cực tạo thành công đã mang đến cho người đọc những bài học quý giá về sức mạnh của tư duy tích cực trong việc gặt hái thành công và hạnh phúc. Hãy nhớ rằng, thành công không phải là đích đến mà là hành trình. Hành trình chinh phục thành công bắt đầu từ việc nuôi dưỡng tư duy tích cực. Ta cần tin tưởng vào bản thân và những điều kỳ diệu mà cuộc sống có thể mang lại. Từ đó, ước mơ sẽ thành hiện thực bằng chính những hành động mà ta lựa chọn ngay từ hôm nay.

Hoàng Đức Nhiên

Đọc bài viết

Phía sau trang sách

Tình yêu đích thực từ góc nhìn của Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Published

on

Trong vô vàn những định nghĩa về tình yêu, quan điểm của Thiền sư Thích Nhất Hạnh về “tình yêu đích thực” được trình bày trong cuốn tiểu luận True Love đã mang đến một sự giản dị, mộc mạc nhưng lại ẩn chứa sức mạnh lay động tâm hồn sâu sắc.

Tình yêu là một trong những chủ đề muôn thuở của nhân loại, luôn ẩn chứa sức hút mãnh liệt và khơi gợi những cảm xúc dạt dào. Nhưng không phải ai cũng hiểu được bản chất của tình yêu. Trong True Love, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã kể lại câu chuyện Thiếu phụ Nam Xương, rồi từ đó rút ra một kết luận mà thoạt nghe sẽ có vẻ vô cùng đơn giản nhưng càng ngẫm nghĩ thì ta càng thấy sự đơn giản ấy chính là vẻ đẹp của minh triết.

Thông điệp ý nghĩa từ ba câu khẳng định trong tình yêu

Đối với thầy, câu chuyện Thiếu phụ Nam Xương có kết cuộc đau lòng là vì người chồng đã không chịu lắng nghe người vợ, anh cứ gạt phăng lời vợ nói, cơn nóng giận đã che mờ tình yêu và cả lí trí. Vợ anh cũng đã không cố gắng hơn để giải thích rõ ràng cho anh hiểu. Chính vì vậy, cả hai người đều không thực sự hiện diện khi ở trước mặt đối phương, họ ở đó nhưng không thực sự ở đó, mà ở trong khoảnh khắc khác, trong những chiều không gian khác. Bi kịch của họ đơn giản chỉ là như thế.

Từ đó, Thiền sư Thích Nhất Hạnh rút ra kết luận là tình yêu thực sự chỉ đơn giản nằm gói gọn trong ba câu sau đây: “Anh ở đây. Em ở đây. Và anh ở đây vì em.” (I’m here. You’re here. And I’m here for you.)

Câu khẳng định đầu tiên mang hàm ý rằng anh đang ở đây ngay giây phút này khi đối diện với em, bằng trăm phần trăm con người anh, không hề có sự tản mác, phân mảnh đi bất cứ nơi đâu. Một điều tưởng chừng đơn giản nhưng thực ra trong cuộc sống bộn bề lo toan này, việc một người có thể tập trung hoàn toàn tinh lực của mình khi đối diện trước một người mà không bị vướng bận tâm trí bởi điều gì khác cũng thật khó khăn.

Câu khẳng định thứ hai là sự tiếp nối ý từ câu đầu tiên. Anh ở đây, và em cũng đang ở đây. Anh ghi nhận sự tồn tại của em, em ghi nhận sự tồn tại của anh. Vì em cũng đang ở đây cùng anh trong giây phút này nên em không cô đơn, em không tản mác, em không phân mảnh.

Câu khẳng định cuối cùng là một sự quả quyết mạnh mẽ: Anh ở đây, anh dành hết trăm phần trăm sự tồn tại của mình ở đây là vì chính em, không vì ai khác cả. Vậy nên, em có thể yên tâm mà thổ lộ tất cả mọi điều với anh, vì trong giây phút này, hai ta đều cùng hiện diện.

Thông qua đó, ba câu khẳng định này có thể diễn dịch lại thành thông điệp phổ quát như sau:

“I’m here”: Khẳng định sự hiện diện trọn vẹn của bản thân, tập trung toàn bộ sự chú ý và tinh thần vào người mình yêu thương. Trong cuộc sống bận rộn, việc dành trọn vẹn tâm trí cho đối phương là điều không dễ dàng, nhưng lại vô cùng quan trọng để xây dựng một mối quan hệ bền vững.

“You’re here”: Ghi nhận sự tồn tại của đối phương, trân trọng và thấu hiểu cảm xúc, suy nghĩ của họ. Khi cả hai cùng “ở đây”, họ sẽ cảm nhận được sự kết nối sâu sắc, chia sẻ và đồng hành trong từng khoảnh khắc.

“And I’m here for you”: Thể hiện sự cam kết, dành trọn vẹn tình yêu và sự quan tâm cho người mình yêu thương. Lời khẳng định này mang đến sự an toàn, tin tưởng và là động lực để cả hai cùng vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống.

Ba câu khẳng định tưởng chừng đơn giản nhưng lại là chìa khóa cho một tình yêu đích thực. Khi cả hai cùng thực hiện được điều này, họ sẽ tạo dựng được một mối quan hệ bền chặt, hạnh phúc và viên mãn.

Chìa khóa cho một mối quan hệ tốt đẹp

Để thực sự “ở đây”, mỗi người cần học cách chánh niệm, tập trung vào hiện tại, gạt bỏ những lo toan, phiền muộn và dành trọn vẹn sự chú ý cho đối phương. Khi ta thực sự “ở đây”, ta sẽ cảm nhận được trọn vẹn vẻ đẹp của người mình yêu thương, thấu hiểu những cảm xúc và suy nghĩ của họ. Tình yêu đích thực không chỉ là những khoảnh khắc lãng mạn, mà còn là sự cam kết và hy sinh cho nhau. Khi yêu thương ai đó, ta sẵn sàng dành thời gian, tâm sức và cả những hy sinh để cùng nhau xây dựng hạnh phúc.

Giao tiếp là yếu tố quan trọng trong bất kỳ mối quan hệ nào. Lắng nghe cởi mở và thấu hiểu là cách để hai người kết nối tâm hồn, chia sẻ những cảm xúc, suy nghĩ và vun đắp tình cảm ngày càng sâu sắc.

Tình yêu đích thực không phải là điều viển vông hay khó kiếm tìm. Nó ẩn chứa trong chính những khoảnh khắc bình dị của cuộc sống, chỉ cần ta biết trân trọng và gìn giữ. Ba câu khẳng định của Thiền sư Thích Nhất Hạnh là lời nhắc nhở nhẹ nhàng nhưng sâu sắc về cách để vun đắp và nuôi dưỡng một tình yêu thương bền chặt, viên mãn.

Hoàng Đức Nhiên

Đọc bài viết

Phía sau trang sách

Cuộc gặp của những dòng chảy

Published

on

By

Trong tập truyện Trôi, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đã kéo những số phận riêng lại gần với nhau, từ đó cho thấy con người dẫu có ở đâu, sống đời thế nào… cũng là một phần của dòng trôi nổi.

Vừa quen vừa lạ

Là tác giả nổi tiếng với các truyện ngắn, tiểu thuyết có bối cảnh miền Tây Nam Bộ, Nguyễn Ngọc Tư đến với người đọc bằng sự giản dị, chân phương hệt như tính cách người dân nơi đây. Tác phẩm của chị thường mang tâm trạng trầm buồn, khi mà số phận buộc những nhân vật - thường là phụ nữ phải trải qua nhiều biến cố có phần ngang trái.

Gồm 13 truyện ngắn, Trôi đánh dấu cho hành trình mới của Nguyễn Ngọc Tư khỏi vùng châu thổ mà chị quen thuộc. Cuốn sách lướt qua câu chuyện của rất nhiều người ở nhiều cảnh ngộ khác nhau, từ nông thôn đến thành thị, từ mặt đất đến trên không, từ hiện thực đến siêu thực... thoạt nhìn có vẻ phi lý, thế nhưng càng đào sâu thêm vào từng dòng chữ, ta đều sẽ thấy mọi thứ trong cuộc đời này đều được liên kết, tương tác với nhau.

Nhân vật của nữ nhà văn trong tập sách này không còn ở trong vùng đất Thổ Sầu đậm tính sông nước, mà đã chuyển sang những khu phố thị hoặc là vô danh. Việc bỏ lai lịch của các nhân vật cho ta thấy rằng Nguyễn Ngọc Tư đã dám mạnh mẽ bước ra “cái kén” từ trước đến nay, để nói về những câu chuyện và những số phận mang tính phổ quát, có thể xảy ra với bất cứ ai và không ngừng lại.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư

Sở hữu cách viết điềm tĩnh, thận trọng, Nguyễn Ngọc Tư cho thấy tài năng quan sát và khắc họa nó lên trên trang viết. Các truyện trong tuyển tập này không hề cường điệu hay có chủ đích tạo sự kịch tính, mà lại êm đềm như một dòng chảy. Các tình huống được tác giả hóa giải một cách hợp lý, có khi theo đúng logic cơ học, nhưng cũng đôi lúc ẩn sâu là những liên kết buộc các độc giả tự mình tìm cách giải đáp…

Hiểu theo một nghĩa nào đó, Trôi đưa người đọc đến sự thấu hiểu chính bản thân mình. Như cách các nhà triết học của chủ nghĩa khắc kỷ đã từng bảo rằng, bởi ta không thể kiểm soát những gì xảy đến với bản thân mình, nên hãy thay đổi góc nhìn để thấu hiểu nó. Tập truyện ngắn này hướng đến những thứ tích cực, để ta thấy đời vẫn còn những màu đẹp đẽ trong mỗi ngày qua.

Đó cũng đồng thời chính là chữ “duyên” vốn thường xuất hiện trong văn hóa phương Đông, để ta biết rằng cái gì cũng có lý do, và khi thay đổi được suy nghĩ đó, những điều trôi qua đều có giá trị. Chính bởi điều này mà cuốn tiểu thuyết cũng đến rất gần Hành lý hư vô, Hong tay khói lạnh… vốn dĩ là những tản văn cũng có thông điệp tương tự như thế mà nữ nhà văn đã cho ra mắt trong các năm qua.

“Trôi là tin mừng”

Trở lại sau tập truyện ngắn Cố định một đám mây và cuốn tiểu thuyết Biên sử nước, có thể thấy rằng những đặc trưng cũ vẫn còn hiện diện trong tác phẩm này. Đó là những cuộc gặp gỡ cũng như cơ duyên như từ trên trời rớt xuống. Trong dòng chảy của số phận ấy, tất cả nhân vật gắn bó với nhau theo một cung cách hết sức lạ kỳ, thế nhưng ẩn chứa đâu đó họ vẫn có một sợi dây liên hệ và không thoát được khỏi tầm ảnh hưởng của nhau.

Sự trôi của Nguyễn Ngọc Tư cũng đã hiện diện ở nhiều chi tiết. Nó có thể mang nghĩa vật lý – như lục bình trôi, như dòng đời trôi; nhưng cũng có khi vô cùng tượng hình – như sự dịch chuyển của vũ trụ này, trong tình cảm con người và mối nối gắn họ với chính cuộc sống. Tác giả như đã trả lời câu hỏi: tồn tại hay không tồn tại để ta hiểu rằng: “Những cái vé xe đò, tàu hỏa hoặc máy bay đều có mùi của nơi chốn mà chúng đưa con người ta tới”.


Trong đây có chàng trai trẻ thích nghìn người khác nằm ngủ, có người đàn ông mà cả đời mình không bước khỏi cửa, có người mà võng là thứ “vật bất ly thân”… Ngoài ra cũng có một cặp vợ chồng “thắp lửa giữa trời”, có cả những cuộc gặp gỡ gần như không tưởng, xoay quanh chỉ một món nợ mà người trong cuộc cũng không thể biết mình nợ thứ gì…

Những tưởng họ vốn bất động trong cuộc đời mình, những tưởng những hành động ấy gần như phi lý, xác suất xảy ra gần như bằng không… Thế nhưng ở một giao điểm nào đó của số phận, họ đã gặp nhau và cùng vẽ nên bức tranh đời người. Xét cho đến cùng, tất cả chúng ta đều đang trôi nổi trên một dòng chảy – dòng chảy cuộc đời – theo chiều không ngừng mở rộng của cả không gian cũng như thời gian.


Nhà văn Ba Lan đoạt giải Nobel Văn chương 2019 - Olga Tokarczuk mà Nguyễn Ngọc Tư cũng đã nhắc đến trong một truyện ngắn, đã từng viết rằng: “Năng lượng của tôi sinh ra từ chuyển động – từ rung chuyển của ô tô buýt, từ tiếng gầm của động cơ máy bay, từ sự chòng chành của phà và tàu hỏa”. Dù muốn dù không thì sự xê dịch luôn luôn ở đó, đòi hỏi con người cứ thế tiến lên, cũng như nhìn nhận một cách tích cực về những điều mà bản thân gặp phải.

Như một câu văn trong truyện cùng tên: “Chẳng có cuộc trôi nào là vô tình hết, bản thân sự nổi trôi là thông điệp, tín hiệu, thư mời của chân trời”. Qua tác phẩm này, người đọc bỗng chốc nhận ra mình thuộc về “xứ không đâu”, nơi người với người cùng nhau tương tác, mỗi một cá thể sẽ lại tác động lên ai đó khác. Từ đó kêu gọi một sự sẻ chia cũng như đồng cảm trong cuộc đời này.

Đọc bài viết

Cafe sáng