Phía sau trang sách

Lời thì thầm của cây

“Hãy bước ra ngoài kia, cầm cuốc xẻng lên để trồng một mầm non cho mai sau.”

Published

on

WHAT THE TREES SAY

Thomas Pakenham

Vào năm 1664, John Evelyn – nhà biên khảo, chủ đồn điền và cao ủy viên dưới thời vua Charles II đã xuất bản một cuốn sách phi thường về các loài cây: Sylva, or a Discourse of Forest Trees (Tạm dịch: Sylva, hay cuộc luận bàn về các rừng cây), một trong những cuốn sách được quan tâm bậc nhất thế kỷ 17. Evelyn thật sự là đứa con chính tông của thời Phục Hưng khi đó là cuốn sách đầy uyên thâm, sắc sảo, thực tế và nồng nhiệt dù ở khía cạnh nào; để rồi sau này không một tác phẩm nào viết về thực vật lại có sức ảnh hưởng lên công luận nước Anh như thế. Thông điệp của ông? Một thông điệp thức thời: Chúng ta đang cần ghê gớm các loài cây; vì thế, hãy ra khỏi nhà, cầm xẻng lên, và bắt đầu gieo một mầm non.

Sylva, or a Discourse of Forest Trees
Ảnh: AbeBooks.com

Mặc cho những thảm họa đã khiến London tê liệt hai năm sau đó – trận đại dịch và đại hỏa hoạn – Evelyn vẫn sống sót để chứng kiến cuốn sách của mình được in lại đến bốn lần. Một thế kỷ sau, nó được tái bản và bổ sung thêm những minh họa chạm khắc mạ đồng thanh lịch cùng nhiều bình luận thấu đáo để cập nhật với thời đại hơn. Tiếp đến là những phiên bản gần đây nhất (rút gọn tên thành Sylva). Rất nhiều cây bút hiện đại cố gắng viết với tinh thần của Evelyn. Nhưng bằng một cách nào đó, Sylva vẫn nghiễm nhiên đứng đấy với một vị thế khó ai sánh kịp. Cứ như thế cho đến hiện tại. Hai cuốn sách mới nhất về các loài cây được đánh giá cao là The long, long life of trees (Tạm dịch: Một cuộc đời dài, rất dài của các loài cây)The hidden life of trees (Phương Nam Book đã dịch và phát hành tại Việt Nam với tựa đề Đời sống bí ẩn của cây). Với những phương thức khác nhau, chúng vẫn mang đậm “phẩm chất” Evelyn.

Một cuộc đời dài, rất dài của các loài cây viết bởi Fiona Stafford được đánh giá là tiệm cận nhất với tư tưởng Sylva. Đúng là Evelyn có sự mạo hiểm hơn trong việc chọn lựa giống loài cây để đi sâu khai thác miêu tả. Ông bao hàm một phạm vi rộng đáng kinh ngạc lên đến hơn 31 chi: từ những loài mới ở Bờ Đông Mỹ như sồi đỏ và thông Weymouth, cho đến những loài ngoại lai ở Anh như tuyết tùng Leban hay cây dâu tây Ireland. Trong khi đó, với cuốn sách của mình, Stafford khoanh vùng trong phạm vi an toàn hơn với chỉ 17 chi đại diện phổ biến trong các khu vườn, rừng cây và trên các bờ giậu rộng khắp Tây Âu và Bắc Mỹ như sồi, sung dâu, dẻ ngựa, sơn trà và nhiều loài khác. Nhưng thật may, những diễn giải của cô không phải là những luận điệu nhàm chán.

Stafford là giáo sư ngôn ngữ và văn chương Anh tại Đại học Oxford, cô thể nghiệm đa thể loại: từ tiểu thuyết, thơ ca, nghệ thuật cho đến môi trường. Bằng cách riêng mình, cô cũng là một học giả thông thái như Evelyn, và cô là một cây bút tiềm năng. Với cô, cây cối có ý nghĩa như thế nào? Theo lời Stafford, cuốn sách ra đời nhờ vào “cảm giác diệu kỳ” của cô hướng về cây cối. Cô ngưỡng mộ vẻ đẹp hình thể của chúng. Cô kinh ngạc bởi cách thức chúng sinh tồn. Và trên hết, có lẽ cô bị hút vào bởi nền văn hóa tổ chức lớp lang của chúng. Cô nhắc chúng ta nhớ rằng thật dễ dàng để coi nhẹ sự tồn tại của cây cối. Thế nhưng chúng ta phải làm nhiều hơn là chỉ đơn thuần ngưỡng mộ. “Hãy bước ra ngoài kia”, cô tiếp lời với thứ ngôn ngữ phảng phất âm điệu Evelyn, “cầm cuốc xẻng lên để trồng một mầm non cho mai sau.”

*

The long, long life of trees
Ảnh: GoodReads

Nếu trồng một cái cây mới, tôi tin chắc rằng lựa chọn đầu tiên của Stafford hẳn là một cây sồi. Hầu hết những người khôn ngoan đều không thể khước từ sức hấp dẫn của loài sồi thường gặp tại châu Âu, Quercus robur. Có bao giờ bạn bước chân vào Royal Oak? Stafford đang ám chỉ đến những quán bar Anh Quốc chứ không phải cây sồi nổi tiếng vùng Boscobel mà ở đó vua Charles II từng ẩn nấp sau trong trận thua Worcester năm 1651 trước cơn cuồng nộ của toán quân “kẻ đầu tròn”. Dĩ nhiên chuyện này dẫn đến chuyện khác, và ngày nay, số lượng quán bar Royal Oak hơn hẳn số lượng những quán bar khác, ngoại trừ Crown và Red Lion.

Trong chương viết về cây sồi, Stafford mở ra một lịch sử phức tạp về sự mê đắm của nước Anh dành cho loài cây này. Từ rất lâu trước cuộc trốn thoát nhiệm mầu của nhà vua ở Boscobel, sồi vốn đã là biểu tượng của quyền lực và sức mạnh xa xưa. Đó là loài cây của Zeus – vua của những vị thần. Đó là loài cây tiên tri xứ Dodona miền Hy Lạp, có thể đoán định trước tương lai. Augustus Caesar, người rất ý thức về hình ảnh của mình, cũng từng đối mặt đội quân La Mã khi mang trên đầu vương miện dân chủ lá sồi. Phẩm chất “nam tính” của cây sồi khiến nó là lựa chọn phù hợp cho biểu tượng của bất kỳ quốc gia nào, như Anh chẳng hạn, và tạo ấn tượng lấn át những người xóm giềng. Không quá khó để nó trở thành quốc thụ của đất nước này, mặc dù lời khẳng định trên không hẳn là chưa bao giờ bị thách thức. (Nhiều người dân yêu nước tại Anh chắc hẳn sẽ rất bất ngờ khi biết rằng từng có đến mười hai nước châu Âu khác và Mỹ xem nó như quốc thụ của họ.)

“Mạnh mẽ, kiên định và ngang tàng”, Stafford viết, “cây sồi luôn được ngưỡng mộ bởi nguồn năng lượng nội tại bền bỉ…. Không một loài cây nào bền lòng vững chí và hòa làm một với thế giới như nó. Không giống giẽ gai, dẻ ngựa hay sung dâu – những loài mà cành cây vươn đến bầu trời – thân sồi trưởng thành vững chắc, lởm chởm tỏa ra như vòng tay mở bán cầu dày lá.”

Những vòm lá trùng trùng điệp điệp này là nhà cho những sinh thể nhỏ hơn với số lượng đáng kinh ngạc: côn trùng, chim chóc, động vật, địa y, dương xỉ và nấm. Nếu ta tìm kiếm giữa những nhánh cây bám đầy địa y hoặc dương xỉ, ta cũng có thể bắt gặp cả chim ruồi, chim cổ đỏ và chim oanh tìm kiếm côn trùng; trong khi gõ kiến và cú nhỏ xây tổ trong những hốc rỗng trên thân. Một thân sồi lớn chứa đựng cả thế giới bên trong nó. “Sồi là Vua của các Loài Cây”, Stafford hào hứng viết, “là tinh thần, thể xác và môi trường sống của cả một nền văn minh”.

Một cây sồi lớn có thể tồn tại bao lâu? Không có khả năng đoán định chính xác, vì những cây sồi cổ xưa nhất thân đã bị rỗng, các đường vân gỗ cũng theo đó biến mất. Theo những ước tính khinh suất nào đấy (có cả của riêng tôi), nó nằm trong khoảng từ sáu trăm đến một nghìn năm. May thay, những cá thể sồi cổ tại Anh Quốc đã được ghi lại và miêu tả bởi Jacob Strutt trong cuốn sách tiên phong của ông, Sylva Britannica, được ấn hành lần đầu vào năm 1826. (Ông đã mượn một nửa tiêu đề từ John Evelyn.) Như một lẽ thường, phần nhiều loài cây cổ như sồi Yardley1, sồi Bull2 hay Cowthorpe3 – tất cả đã gục ngã hay đơn giản hơn, trở về tro bụi. Một vài trong số khác, như sồi Major4 ở khu rừng Hoàng gia Sherwood Forest, số phận của chúng đã cam chịu thành một kẻ tàn tật, được chống đỡ bởi những thanh nạng thép. Nhưng một vài trong số những cá thể nổi tiếng vẫn còn tồn tại.

Sồi “Majesty” ở công viên Fredville hạt Kent vẫn còn đứng vững, qua khoảng năm hay hay sáu trăm năm. Sồi Panshanger ở Hertfordshire mà Winston Churchill từng ngắm nhìn một thế kỷ trước vẫn còn hùng vĩ. Vĩ đại hơn cả là Sồi Bowthorpe5 ở Lincolnshire. Stafford miêu tả một cuộc viếng thăm của cô tới tạo vật ngàn tuổi này: “Tôi đồ rằng nó không dưới bảy trăm tuổi. Theo tính toán thì từ thế kỷ 18, thân cây đã rỗng đến mức không gian nội thất có thể dùng để đãi tiệc thịnh soạn cho tầm mười bảy người. Hiện nay, nó chỉ là nhà của một chú ngựa con và vài con gà. Nhưng người chủ sở hữu hào phóng vẫn mở cửa cho du khách viếng thăm.” Stafford tả lại những trải nghiệm ấy “như dời bước từ đời sống tầm thường để đắm chìm trong sự hiện diện của một tồn tại bất tử cổ xưa, gồ ghề nhưng lạ lùng thay, lại rất ấm áp.”

Quiver Tree Forest, Namibia; photograph by Beth Moon from her book Ancient Trees: Portraits of Time (2014). A collection of her color photographs, Ancient Skies, Ancient Trees, has just been published by Abbeville.

*

Một trong những chương hay nhất nói về một loài phổ biến và thường bị sỉ vả tại châu Âu – cây sung dâu. Stafford trích đăng một nhận định nổi tiếng của William Blake: “Không có ai nhìn thấy một sự việc theo cách thức giống nhau: Nếu một cái cây có thể khiến vài người nhỏ Lệ Cảm Động, thì với một số người khác, nó chỉ là một thứ màu xanh ngáng đường.” Liệu Black có nhớ tới loài sung dâu khi ông viết những dòng ấy? Tai tiếng của loài cây này chính bởi thói quen rụng thứ lá nhớp dính ngay trên vỉa hè hoặc đường ray, gây ra trì hoãn và tai nạn. Trong thực tế, “dịch ngọt” phủ trên lá sung dâu là một hỗn hợp sáp đậm đặc, giàu đường cùng chất thải của loài rệp vừng mà nó nuôi dưỡng. Danh sách những việc làm được cho là xấu xa của loài cây này chưa dừng ở đó. Stafford cho rằng, sung dâu là loài cây của sự “thừa mứa”.

“Vì nhiều lý do, sung dâu nhìn chung là một loài cây quá phóng khoáng. Nó phá hoại nhận thức tỉ lệ của con người, thậm chí dường như phơi bày sự lo âu đạo đức tiềm ẩn vì cái lối thừa mứa quá mức. Nó là loài cây đậm chất hoang phí: quá nhiều sáp, quá nhiều lá. Quá nhiều sung dâu, thật vậy.”

Hạt giống hình cánh cánh quạt của nó là cực hình với người làm vườn. Nó phá hoại thảm cỏ và cả khóm hồng. Tệ hại nhất, nó là loài “tầm gửi”, là một sinh vật ngoại lại xâm lấn, là kẻ xâm lược tàn độc từ Âu châu.

Stafford điềm tĩnh quan sát những cáo buộc trên và đưa ra những lập luận mạnh mẽ để bảo vệ chúng. Cô chỉ ra rằng loài sung dâu đã nhuộm sắc Anh quốc cả trăm năm trước, và trái ngược với thứ ảo danh huênh hoang này, số lượng của chúng vẫn không hề tăng trong nửa thế kỷ qua. Thật thế, chúng nằm gọn trong hệ sinh thái, khéo léo điều chỉnh số lượng và chiếm giữ không gian nơi các loài khác không phát triển mạnh. Chúng hào phóng theo cách tốt nhất. Chúng thêm nét thanh tao và sự an tĩnh cho bờ biển Yorkshire ảm đạm hay đảo đá Scotland. Để phản bác với những nhận định rằng chúng là những kẻ xâm lược ngoại lai, Stafford chỉ ra rằng đền thờ Thánh Frideswide tại giáo đường Oxford từ thế kỷ 13 đã khắc hình lá sung dâu năm thùy trên khối đá lớn mặt trước ngôi mộ. Điều này cho thấy, ở thời Trung Cổ, lá sung dâu là một biểu tượng của đạo Thiên Chúa, và có lẽ nó đại diện cho Thánh tích hay Năm Vết Thương của Chúa. Đánh giá từ những nghiên cứu hiện đại về phấn hoa hóa thạch cho thấy, có khả năng sau tất cả những lời đồn đoán, sung dâu là một loài bản địa.

Stafford tiếp tục chỉ ra rằng các nhà thơ mau mắn hơn người làm vườn trong việc coi trọng những phẩm hạnh của loài cây này. Cô trích dẫn một khảo cứu thi vị của John Clare về loài “sung dâu lộng lẫy” với tầng tầng những tán lá xanh đầy nắng. Những chiếc lá dinh dính, ông viết, là món quà to lớn của tạo hóa. Chúng ta phải lắng nghe những vần thơ “Những con ong hoan hỉ với đôi cánh háo hức,/ Dùng bữa trên những chiếc lá rộng cùng dịch ngọt phủ phê.” Stafford cũng đồng thời gợi nhắc chúng ta về bài thơ đắng cay ngọt bùi của Shelley Khúc ca gửi ngọn gió tây được viết dựa trên trải nghiệm của ông vào mùa thu năm 1819 khi lang thang trong những khu rừng sung dâu vùng Florence. Shelley ngập chìm trong cơn bĩ cực vì hai đứa con đã mất; và mùa thu năm ấy, chiếc lá sung dâu rơi đã gợi liên tưởng cho ông. Những chiếc lá khô bị đưa đẩy bởi ngọn gió tây – “Vàng hay đen, nhạt mờ hay đỏ thắm,/ Cả một bầy ôn dịch: ôi ngươi/ Kẻ đã đem những hạt giống trên trời”6. Nhưng những cái cây, ông hy vọng, sẽ sớm “tỉnh thức để tái sinh”. Ngọn gió tây đồng thời được coi như người phân phát hạt giống hồi sinh, nhưng cũng là bàn tay què quặt lấy đi lá rớt. Những chiếc lá úa hứa hẹn một cuộc hồi sinh: “Nếu Đông về, Xuân có ở sau chăng?”.

The Amorous Baobabs (Tạm dịch: Cây Baobab si tình), gần Morondava, Madagascar; được chụp bởi Thomas Pakenham trong quyển Những dấu mốc Thực vật (2002).

*

Trong chương về loài tần bì và cây dẻ ngựa, Stafford đưa ra những ghi chú ảm đạm hơn. Cả hai đều là loài châu Âu của chi toàn cầu, có tên khoa học lần lượt là Fraxinus excelsior và Aesculus hippocastanu, và đang bị đe dọa bởi hai căn bệnh chết chóc đến từ phương Đông. Trong thực tế, những cá thể phổ biến nhất tại châu Âu và Bắc Mỹ cũng đang đương đầu với những mầm mống diệt chủng Á châu này. Năm mươi năm qua, chúng ta đã mất rất nhiều cây du do loài nấm Trung Hoa được gieo rắc bởi bọ cánh cứng đẻ trứng nhiễm mầm bệnh dưới lớp vỏ cây. (Cái tên bệnh gỗ du “Hà Lan” dễ gây hiểu lầm – thực chất căn nguyên đến từ châu Á chứ không phải châu Âu.) Ngày nay những kẻ thù mới – gây bệnh sồi chết đột ngột, suy giảm gỗ sồi cấp tính, giẽ gai khô héo, cây dẻ ngựa ngọt tàn lụi – đang phá hủy phần lớn những công viên và khu rừng của chúng ta.

Vấn đề cấp bách nhất của châu Âu ngày nay là nấm Chalara, một loài gây bệnh khô ngược – khô cành và héo lá – ở cây tần bì, được cho là bắt nguồn từ châu Á vào thập niên 1990 trong những thùng gỗ hay gỗ lát pallet nhiễm nấm. Ở Đan Mạch, hơn 80% cây tần bì đã chết. Thảm kịch này đang vươn tay bao trùm Anh và Ireland và được dự đoán là sẽ gây ra mức độ tàn phá tương tự. Stafford chẳng có hi vọng nhiều nhặn gì để đối phó với Chalara. Có lẽ đã quá trễ để kiềm hãm chúng. Những biện pháp khống chế nên được áp dụng từ khi Chalara mới được phát hiện lần đầu ở Đông Âu. Và thậm chí nếu những biện pháp kịp thời phát huy tác dụng thì vẫn còn đó những nguy cơ tàn nhẫn hơn đến từ châu Á ẩn mình đằng sau Chalara – sâu đục thân ngọc lục bảo, Agrilus planipennis, một loài bọ cánh cứng xanh sáng Trung Hoa đã gậm nhấm nhiều khu rừng Bắc Mỹ. Vì thế Stafford để lại kết luận ảm đạm rằng không còn cách nào khác, và dù làm gì đi nữa chúng ta cũng sẽ phải mất gần như những cây tần bì và nhiều hơn nữa những “con đường lát gỗ thân quen, công viên cây xanh và những thị trấn không còn mái nhà, trơ trọi và trống rỗng.

Về cây dẻ ngựa, người ta tin rằng hơn nửa số loài ở châu Âu đã bị nhiễm vi khuẩn chảy máu hạt – một loại bệnh nhiễm gây ra dịch nhớt tiết quanh những vết thâm trên thân, và dần dần giết hại cả cây. Stafford đưa ra một góc nhìn tích cực đáng ngạc nhiên về mối nguy này. Cô cho rằng “bệnh chảy máu hạt dẻ ngựa giống như… một sự sợ hãi tâm lý hơn là một căn bệnh bằng xương bằng thịt. Giả chết dường như là một trò lừa gạt mà đám dẻ ngựa hẳn sẽ rất thích thú…” Tôi ước gì tôi có thể tin cô ấy. Ở Ireland, nơi tôi đang sống, những cá thể khỏe mạnh nhất trong công viên và những khu vườn đều đã ngã quỵ. Mỗi năm chúng tôi lại mất từ hai đến ba những cây lớn và kỳ vĩ nhất trong công viên. Không thể kháng cự, không một giải pháp.

Nhưng một tin tốt có thể đến tai và an ủi Stafford là sau tất cả đã xuất hiện cách giảm thiếu những hiểm họa này. Nếu tham vọng của chúng ta là phục sinh những loài cây đã mất, chúng ta có thể chọn những cá thể có cùng chi Trung Quốc, Nhật Bản hay Ấn Độ. Điều này có nghĩa ta sẽ có dẻ ngựa Himalaya, cây du Trung Hoa, tần bì Trung Quốc, cây sồi Nhật Bản và còn nhiều nữa. Những cá thể châu Á này tiến hóa song hành hàng triệu năm cùng những mối nguy có chung nguồn gốc. Ngày nay những cá thể này được cho là miễn dịch với nguồn bệnh – dựa theo ý kiến những chuyên gia tôi đã trò chuyện. Và tôi hy vọng rằng họ đúng. Dù sao đi nữa, tất cả sẽ thật rõ ràng chỉ trong vòng một trăm năm tới.

*

Đời sống bí ẩn của cây
Ảnh: Nhà sách Phương Nam Phú Xuân, Thừa Thiên Huế

Đời sống bí ẩn của cây từ Peter Wohlleben lại khai phá một lĩnh vực hoàn toàn mới, và John Evelyn chắc hẳn sẽ vô cùng hứng thú với những phát kiến này. Wohlleben là chuyên gia về rừng, đang làm việc tại cộng đồng địa phương ở Hümmel – một ngôi làng nhỏ trong rặng núi Eifel phía tây nước Đức. Trong nhiều năm dài, ông vốn làm quản lý những rừng giẽ gai, sồi, thông và vân sam với những dây chuyền hiện đại: chặt cây lấy gỗ khi chúng trưởng thành và khai thác gỗ bằng máy móc công nghiệp. Như ông nói, ông “biết nhiều về đời sống bí ẩn của cây tựa như một người đồ tể hiểu rõ đời sống tình cảm của động vật.” Nhưng dần dần, ông bắt đầu có một cái nhìn mới về những loài cây. Ông để ý thấy, những du khách thường sẽ ngưỡng mộ một cái cây mà theo ông là không có giá trị nào về mặt thương mại: cái cây càng vặn vẹo hay càng thô ráp, người ta lại càng thích chúng. Tình yêu riêng biệt ông dành cho tự nhiên – vết tích từ thời thơ ấu – lại được thắp sáng. Ông bắt đầu lưu tâm đến những dạng rễ kỳ quái và kiểu mẫu tăng trưởng khác thường. Ông viết, “Bất thình lình tôi nhận ra vô số điều diệu kỳ mà tôi khó có thể giải thích với chính bản thân mình.”

Trong khi đó một thế hệ khoa học gia mới cũng đang nghiên cứu về khu rừng địa phương của ông, bao gồm một nhóm từ đại học Aachen. Ở đó và ở Đại học Vancouver cách đó hơn năm ngàn dặm từ tỉnh lỵ British Columbia, những khám phá mới đã khiến Wohlleben kinh ngạc.

Cả hai nhóm đều phát hiện ra một hệ thống mạng lưới kết nối ngầm rộng lớn được gọi là một mycorrhiza, mà ở đó những loài nấm kết nối những giống loài khác nhau bằng những tín hiệu hóa học và xung điện trên những rễ cây. Đó là một mạng Internet truyền thông “wood wide web”. Thực vật có thể thật sự giao tiếp với nhau bằng cách chuyển đổi carbon thông qua rễ của chúng, sự trao đổi này dẫn đến một mối tương hỗ. Carbon là thức ăn của thực vật, được tạo ra từ quang hợp bằng cách sử dụng lá cây như một tấm pin mặt trời. Đôi khi cái cây nào đó sẽ đóng vai trò cai trị khu dân cư và phân phát cho những hộ khác nhiều carbon hơn số lượng chúng nhận lại, và sau đó vai trò sẽ được luân chuyển cho cá thể khác, cứ thế tiếp tục.

Khi sự tinh vi của mạng lưới ngầm vừa được khám phá, các nhà khoa học nhận thấy rõ ràng rằng thực vật không chỉ thu lợi bởi sự trao đổi thức ăn trong mạng lưới này. Chúng còn trao đổi các thông tin sống còn, cảnh báo những cây lân cận (và những cây con) những mối hiểm họa để rồi đưa ra giải pháp giảm thiểu mất mát. Lấy một ví dụ, nếu một lá cây bị ăn bởi một chú sâu bướm thì cá thể cây này sẽ gửi thông điệp thông qua mạng lưới mycorrhiza và cảnh báo các cây khác trong mạng lưới tiết ra những chất hóa học đẩy lùi loài sâu.

Về phía Wohlleben, những phát kiến này cũng đã xác nhận những điều trăn trở của ông, rằng: Bằng cách riêng mình, thực vật cũng có cảm xúc và chúng biết cách làm cách nào để giao tiếp với các cây khác, một kiểu lá lành đùm lá rách. Nhưng làm thế nào để đồng nhất điều này với thứ công việc đồ tể rừng xanh? May mắn thay, những cộng sự của ông – dân làng Hümmel, đều có bản chất yêu mến thiên nhiên như ông. Họ đồng ý từ bỏ nguồn thu nhập từ việc bán gỗ và xây dựng lên một khu bảo tồn thực vật trong rừng. Tất cả máy móc hạng nặng đều bị cấm. Khi một cái cây cần được đốn ngã, chỉ ngựa mới được cho phép sử dụng chuyên chở những khúc gỗ này. Khu rừng lại phát triển xanh tươi nhờ những quy luật hào phóng mới, và du khách đổ xô đến khám phá những phép màu này. Có lẽ chính nhờ nhận thức cao mà làng Hümmel tự mình tạo ra một thương vụ béo bở.

Đến nay Wohlleben vẫn tiếp tục làm việc với rừng. Mỗi ngày ông đều khám phá một điều mới mẻ: hiểu nhiều về cách chúng tồn tại và tàn lụi đi, về cách chúng sống đời thuận hòa với láng giềng xung quanh và với cả hệ sinh thái. Dĩ nhiên bây giờ ông là vị thần bảo hộ của khu từng hơn là một vị quản lý. Ông sáng lập những tour cứu hộ và sắp xếp một phần khu rừng như một địa mộ. Bây giờ, cuốn sách mới này làm ông thêm phần nổi tiếng một cách xứng đáng. Phiên bản tiếng Đức của nó nằm trong danh sách bán chạy nhất. Hơn hai mươi năm, những nhà khoa học đã luôn khám phá những điều bí ẩn bên dưới rễ cây và đi tìm cách chúng chia nguồn sống. Peter Wohlleben là người đầu tiên giải thích và phơi bày những phát kiến này. Ông lắng nghe cây, giải mã ngôn ngữ của chúng. Và bây giờ, ông đã thay mặt chúng lên tiếng cùng thế giới.

Hết.

Chú thích:

  1. Cây sồi trong bài thơ cùng tên của thi sĩ nước Anh William Cowper.
  2. Cây sồi vang danh trong công viên Wedgnock nước Anh, bị cháy rụi hơn 100 năm trước và được đoán định có tuổi thọ hơn một thế kỷ.
  3. Cây sồi khổng lồ có đường kính hơn 18 mét, bị bật gốc vào năm 1718 bởi một cơn bão và chết hẳn vào năm 1950.
  4. Cây sồi lớn ở làng Edwinstowe, tương truyền là nơi Robin Hood đã nghỉ ngơi.
  5. Được xem là cây sồi cổ nhất nước Anh với tuổi thọ hơn một thế kỷ và chu vi thân 12,3 mét.
  6. Bài thơ Ode to the West Wind, tạm dịch Khúc ca của ngọn gió tây được viết bởi Percy Bysshe Shelley, lời dịch Phan Cẩm Thịnh.

Ngô Thuận Phát dịch.

Bài viết gốc được thực hiện bởi Thomas Pakenham, đăng tại The New York Review of Books.

Xem tất cả những bài viết của Ngô Thuật Phát tại đây.


Những bài viết có cùng chủ đề môi trường & thiên nhiên




Phía sau trang sách

Thế giới nội tâm u uẩn của những người phụ nữ dưới ngòi bút Dazai Osamu

Published

on

Thường người ta vẫn nghĩ rằng có phụ nữ mới hiểu nhau. Ít khi nào mà một người đàn ông có thể hiểu rõ chân tơ kẽ tóc người phụ nữ, đặc biệt là những rung động thầm kín tế vi hay những khát khao mãnh liệt. Trong chừng mực nào đó, một Don Juan hay Casanova có thể trở thành bậc thầy trong việc am hiểu tâm lý người phụ nữ để chinh phục, ghi dấu tình trường. Nhưng đặt mình vào thế đứng, vị trí của những người phụ nữ để cùng họ đồng cảm, đấu tranh vượt lên trên số phận đến mức viết được những tác phẩm kinh điển thì những văn hào đó chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Ta có thể kể đến Nguyễn Du khi sáng tác “Đoạn trường tân thanh” (Truyện Kiều), Tào Tuyết Cần viết “Hồng lâu mộng”, Gustave Flaubert viết “Bà Bovary”, Tolstoy viết “Anna Karenina” và Dazai Osamu khi viết “Tà dương” hay “Nữ sinh”.

Dazai Osamu (1909-1948) là một nhà văn nổi tiếng của văn học Nhật Bản hiện đại. Kiệt tác “Thất lạc cõi người” của ông đã trở thành tác phẩm bán chạy nhất trong lịch sử văn học Nhật Bản với hơn mười triệu bản in. Tuy cuộc đời 39 năm ngắn ngủi của Dazai trải qua nhiều nỗi bi kịch với năm lần tự sát, nghiện thuốc giảm đau, ly dị vợ…nhưng tác phẩm của ông luôn chan chứa cái nhìn ấm áp trân trọng về những người phụ nữ. Những tác phẩm xuất sắc của Dazai như “Thất lạc cõi người”, “Tà dương”, “Người vợ Villon” mà chúng tôi dịch là “Vợ gã hoang đàng” đều được dựng thành phim. Trong đó “Nhân gian thất cách” (Thất lạc cõi người) đã được nhiều lần chuyển thể điện ảnh. Vì đây là tiểu thuyết tự thuật về cuộc đời Dazai nên thường cuộc đời Dazai được lồng ghép vào trong phim. Mới đây nhất bộ phim “Nhân gian thất cách và 3 người đàn bà trong cuộc đời Dazai” (人間失格 太宰治と3人の女たち) do nam diễn viên Oguri Shun đóng vai chính mới được công chiếu vào tháng 9 năm 2019 đã gây một làn sóng đồng cảm với Dazai trên toàn cõi Á Châu.

Như chúng tôi đã nhận định trong bài “Mưa trên thánh giá” (Lời tựa cho “Nữ sinh” lần tái bản thứ sáu, Nxb Hội nhà văn và Công ty Sách Phương Nam, trang 9):

“Con chim trước khi bay vào khu rừng sâu âm u hoang phế trong ánh chiều tà sắp tắt còn để lại một tiếng kêu thương ngân dài. Dazai đúng là như vậy. Từ mảnh tàn dư của văn chương vô mệnh (“Độc tiểu thanh ký” của Nguyễn Du “chi phấn hữu thần liên tử hậu, văn chương vô mệnh lụy phần dư”), cả một thế giới nội tâm u uẩn hiện ra không riêng gì Dazai mà của cả tinh thần Nhật Bản. Những người phụ nữ trong tác phẩm của ông từ thiếu nữ mười bốn tuổi nhẫn nhục cam chịu rồi phản kháng đến những người phụ nữ trung niên vẫy vùng giữa buổi tà dương đều không thoát ly khỏi dòng lịch sử với những buộc ràng thân phận gần như đến mức phi nhân. Với chính bản thân Dazai nữa, công cuộc sinh tồn đã là một trường đấu tranh mà để sống còn được đã là một chiến công hiển hách. Nhưng niềm trân trọng cùng sự xót xa thương cảm của Dazai đưa vào văn chương đã làm cho những dáng hình bé nhỏ kia và chính mình trở nên bất tử. Đó cũng chính là ân sủng của đau thương dành cho một đời văn ngắn ngủi. Nỗ lực âm thầm và đầy đau đớn của Dazai đã làm chúng ta nhận ra cả tiếng dế hắt hiu vọng lên từ xương cốt, những tiếng thét gào nhẫn nhục trong đêm câm, những giọt rượu mềm môi chát đắng và những giọt lệ nhỏ trên máu xương đều là lời ru ngọt của đoạn trường”.

Ngoài tiểu viết tiểu thuyết tự thuật (tư tiểu thuyết – 私小説) miêu tả trải nghiệm cá nhân, Dazai còn nổi tiếng về những tác phẩm xuất sắc miêu tả tâm lý và khắc họa tâm tình thời đại của người phụ nữ, từ một cô bé nữ sinh đến một người vợ đảm của nhà thơ nghèo. Tất nhiên không có một tác phẩm hư cấu nào gây đồng cảm và kinh ngạc cho độc giả mà không dựa vào trải nghiệm có thật. Như tác phẩm “Nữ sinh” được sáng tác dựa trên nhật ký của một độc giả nữ tên là Ariake Shizu (lúc bấy giờ 19 tuổi) gửi cho Dazai vào tháng 9 năm 1938, Dazai đã viết lại thành một truyện vừa nói về biến chuyển nội tâm của một nữ sinh 14 tuổi gói gọn trong vòng một ngày từ lúc thức dậy đến khi đi ngủ. Tâm lý bi quan trầm uất của một thiếu nữ tuổi dậy thì được ngòi bút xuất sắc của Dazai khắc họa bằng một văn phong vô cùng tinh tế. Ngay cả văn hào Kawabata Yasunari (người được giải thưởng Nobel văn chương đầu tiên của Nhật Bản với các kiệt tác “Xứ tuyết”, “Ngàn cánh hạc”, “Cố đô”…) cũng không tiếc lời khen ngợi. Và chính nhật ký của Ariake cũng đã trở thành một tư liệu văn học quý và được trưng bày tại bảo tàng văn học cận đại Aomori vào tháng 2 năm 2000. Cô bé nữ sinh trong tác phẩm vẫn mơ ước sống một cuộc đời đẹp đẽ mặc dù bắt đầu dần dần nhận thấy cuộc đời có nhiều cảnh trái ngang. “Cái lối giáo dục đạo đức ở trường lớp với những luật lệ của cuộc đời này vốn khác nhau quá xa, mà tôi biết rằng dần dần sự khác biệt này còn trở nên rộng lớn hơn nữa. Nếu như tuyệt đối tuân thủ theo những bài học đạo đức ở trường người đó sẽ bị xem là kẻ ngu ngốc lập dị, không thể thành đạt và trở nên bần cùng…Tôi muốn cái thứ đạo đức này nhanh chóng thay đổi. Nếu được vậy thì tôi sẽ không còn phải đê tiện và sống nhỏ giọt từ ngày này qua tháng khác không phải vì mình mà để chiều lòng người”…Đến tận bây giờ câu nói này vẫn gợi cho chúng ta suy ngẫm nhiều điều về giáo dục, nơi cách biệt giữa giáo điều và thực tiễn ngày càng sâu xa hơn.

Tà dương” được bình chọn là tác phẩm hay nhất của văn học Nhật Bản viết về thời hậu chiến nói về một gia đình quý tộc sa sút và sự can đảm đấu tranh để sống còn. Người mẹ quý tộc chết đi như chấm dứt tất cả sự đẹp đẽ của thời vàng son dĩ vãng. Chỉ còn lại Naoji ngập ngụa trong sự tự hủy lưu đày để cố gắng xóa nhòa đi cốt cách quý tộc nơi mình nhưng cuối cùng cũng phải tự sát vì “cuối cùng em vẫn là quý tộc”. Chỉ riêng Kazuko khi thức tỉnh rằng “con người được sinh ra vì tình yêu và cách mạng” mới quyết tâm sinh con với nhà văn Uehara, can đảm sống tiếp dù chỉ là một “nạn nhân” trong thời đại mới. Trong bức thư cuối cùng gửi Uehara, Kazuko đã viết: “Cuối cùng em đã hiểu tại sao có hòa bình, chiến tranh, các nghiệp đoàn, thương mại, chính trị trong cuộc đời này. Chắc là ông không biết đâu, phải không? Vì thế mà ông cứ bất hạnh mãi. Để em nói cho ông biết nhé. Đó là vì phụ nữ đẻ ra những đứa con ngoan”.

(Tất cả những trích dẫn được lấy từ tác phẩm “Tà dương” và “Nữ sinh” của Dazai Osamu, Hoàng Long dịch, nxb Phương Nam tái bản năm 2023 và 2024.)

Những đứa con ngoan đó chăm chỉ học hành trở thành những người con ưu tú của gia đình và dân tộc. Chính người con ngoan đó mới trở thành chính trị gia, nhà kinh doanh lỗi lạc và rồi từ đó chiến tranh, các cuộc chiến thương mại châm ngòi cho máu xương và hoang tàn đổ nát trên mặt đất này. Từ đó mặt đất chỉ còn đầy “nạn nhân”. Những người như Uehara tuy phóng đãng mà vô hại. Một đứa con ngoan nào đó có thể trở thành tội đồ cho cả nhân gian. Biết làm sao mà nói. Cuối cùng như nữ nhà văn Kakuta Mitsuyo trong bài cảm nhận về tác phẩm “Tà dương” đã phải thở than “đúng là cuộc đời này không có đạo lý nào cả”. Câu nói của Kazuko thật táng đởm kinh hồn, đủ khiến cho bao nhiêu tư tưởng gia phải ôm đầu xiểng liểng. Cái niềm kiêu hãnh ngất trời đó thật đúng là một bài ca nữ quyền chói lọi.

Bộ phim “Tà dương” với nữ diễn viên Miyamoto Mayu đóng vai Kazuko

Độc giả lúc mới đọc tác phẩm của Dazai thường cảm thấy sự suy sụp tự hủy và nhu nhược ủy mị. Có lẽ vì cái bóng quá lớn của đời tư được phản ánh trong “Thất lạc cõi người” đã khiến chúng ta trở nên thiên kiến. Nhưng khi đã đủ trải nghiệm cuộc đời để bình tâm đọc lại chúng ta sẽ nhận ra được hai điều cốt tủy.

Thứ nhất là tuy cuộc đời đầy đau thương và nhiều lần tìm đến cái chết nhưng tác phẩm của Dazai luôn mạnh mẽ đến mức ngạc nhiên. Như nhà văn Kakuta Mitsuyo đã nhận ra lúc mới đọc thì thấy có vẻ ủy mị yếu đuối nhưng khi đã từng trải đọc lại đều thấy tê người. Như câu kết truyện “Vợ gã hoang đàng”: “Nửa người nửa ngợm cũng không sao. Miễn mình còn sống là được rồi anh ạ”*. Câu nói này phải chăng hàm nghĩa dù bị đày đọa đau thương, dù nhân gian chối bỏ thì cuối cùng sự sống còn luôn là một chiến công hiển hách, đầy kiêu hãnh phẩm giá mà những con người yếu đuối tuyệt đối không thể hình dung.

(*Nguyên văn “人非人でもいいじゃないの。私たちは、生きていさえすればいいのよ”. Từ “nhân phi nhân” (人非人) nghĩa là tuy mang hình dáng con người nhưng đi chệch khỏi con đường làm người, nửa người nửa ngợm, không có phẩm giá con người)

Phim “Vợ gã hoang đàng” với nữ diễn viên Takako Matsu đóng vai chính

Như câu thơ của Ibaraki Noriko, một nhà thơ nữ Nhật Bản:

Cho dù vấp ngã bao lần

Tôi cũng phải tiếp tục sống

Dù không biết vì sao

Nhưng sống mới có thể bênh vực loài đang sống

この失敗にもかかわらず
私もまた生きてゆかねばならない
なぜかは知らず
生きている以上 生きものの味方をして

Thứ hai là tác phẩm của Dazai luôn khắc họa vẻ đẹp tâm hồn những người phụ nữ Nhật Bản với lòng trân trọng cảm thông. Điều lạ lùng là tất cả những nhân vật nhà thơ, họa sĩ, nhà văn trong tác phẩm Dazai vốn là những kẻ được trời ban cho khả năng thiên phú tìm kiếm cái đẹp và sống vì nó thì lại hết sức tầm thường dung tục, ham luyến hư danh còn những người phụ nữ của họ thì lại vô cùng đẹp đẽ dù trong hoàn cảnh giản dị hay cao sang. Trong “Tà dương” Naoji đã nhìn thấy nét đẹp dịu dàng đời thường của vị phu nhân họa sĩ “Bầu trời chiều mùa đông Tokyo xanh ngắt, nàng ôm con gái ngồi bên cửa sổ như chẳng để làm gì. Cái gương mặt nghiêng nghiêng đoan chính với những đường nét thanh tú nổi bật lên nền trời, đẹp như một bức tranh chân dung thời Phục Hưng”. Ngoài ra cung cách hành xử của người vợ của nhà thơ Otani trong truyện “Vợ gã hoang đàng” lúc nghe tin chủ quán rượu đến đòi nợ, khi đút khoai cho con ăn nơi chiếc ghế đá sứt mẻ bên bờ ao công viên Inokashira cho đến khi trả hết nợ và chờ chồng mình trở về hay phu nhân của nhà văn trong tác phẩm “Một ngày trọng đại”, vợ của ký giả trong truyện “Người vợ”…đều được khắc họa cao quý vô song. Đặc biệt là người vợ họa sĩ trong tác phẩm “Tiếng dế nỉ non” đã không chịu nổi sự thay đổi biến chất vì hư vinh của chồng mình đã quyết tâm chia tay “Vì em cảm thấy rằng tự sát chính là thứ tội lỗi ghê gớm nhất cho nên em nghĩ sau khi chia tay anh mình sẽ cố gắng sống thử cách sống mà mình cho là đúng đắn một thời gian xem sao. Anh làm cho em hãi sợ. Có lẽ trên thế gian này, cách sống của anh là đúng đắn đấy. Tuy nhiên em không thể nào tiếp tục sống như vậy được nữa”.

Tại sao những người phụ nữ trong tác phẩm của Dazai lại đẹp đến thế? Có lẽ vì trong sâu thẳm tim mình họ luôn có một thứ ánh sáng dù hiu hắt chiếu soi, trong tâm tư mình có một tiếng lòng đẹp đẽ không bao giờ tắt đi bất chấp hoàn cảnh, thời đại. Như câu kết của tác phẩm “Tiếng dế nỉ non”:

Khi em tắt đèn nằm ngửa nhìn lên trần nhà thì nghe dưới lưng em có tiếng dế kêu rền rĩ. Tiếng dế kêu ở dưới hành lang bên ngoài nhưng nghe vang vọng ngay từ dưới lưng em khiến em cảm thấy tiếng dế như nỉ non từ trong xương sống của em vậy. Em định sẽ sống cả đời với tiếng kêu hiu hắt nhỏ bé kia cất giữ mãi trong xương cốt. Có lẽ trên thế gian này, anh đã làm đúng còn em mới là người sai chăng? Thế nhưng em lại không biết mình sai ở đâu, sai như thế nào và tại sao mình sai nữa”.

Có lẽ cuộc đời này không có đúng sai. Chỉ có những gã đàn ông dung tục, những đứa con ngoan và những người phụ nữ đẹp đẽ đang cùng nhau tranh đấu và sống theo kiểu của riêng mình thôi chăng? Không có một đáp án chung cho tất cả mọi người. Như thế chúng ta phải dùng chính đôi mắt của mình để phân biệt giá trị xem điều gì là phù hợp hay không phù hợp. Từ đó mà tiếp tục hiên ngang sống. Sự mạnh mẽ quyết đoán đó ngạc nhiên thay lại toát ra từ những con người nhỏ bé, yếu đuối, “dù biết thua cuộc nhưng vẫn không ngừng đấu tranh”.

Đó có lẽ là điều Dazai Osamu muốn gửi gắm qua tác phẩm.

Và độc giả chúng ta cũng cần đọc kỹ để tìm ra những câu văn ngời sáng chứa đựng tiếng lòng đẹp đẽ của những người phụ nữ nói riêng và thân phận con người nói chung để khích lệ chính mình bước tiếp. Ý chí sống truyền đời đó sẽ không bao giờ tắt nghỉ và chỉ duy nhất văn chương mới có thể gọi tên. Ngay cả trong thời đại công nghệ thay đổi chóng mặt, thách thức và cải hoán các giá trị cũ hôm nay, khi con thuyền cuộc đời chới với biển sâu thì chúng ta vẫn luôn có thể tìm thấy ánh sáng niềm tin nơi ngọn hải đăng từ những tác phẩm văn học chân chính.

Sài Gòn, ngày 6/3/2025

Hoàng Long

Đọc bài viết

Phía sau trang sách

Có một thời ở Chợ Lớn: Những gam màu ký ức

Published

on

Có một thời ở Chợ Lớn là một trong hai tác phẩm mới nhất của nhà báo Phạm Công Luận do Phương Nam Book liên kết xuất bản dịp năm mới Ất Tỵ 2025. Chỉ một thời gian ngắn sau khi phát hành, sách sớm nhận được tình cảm của độc giả và lọt vào top sách bán chạy trong tuần tại Nhà Sách Phương Nam. Bên cạnh bản thân tác giả Phạm Công Luận, góp phần vào sự thành công của Có một thời ở Chợ Lớn không thể không kể đến họa sĩ Phạm Công Tâm với nhiều hình ảnh minh họa đẹp và đầy tinh tế, cũng như đội ngũ Phương Nam Book đã biên tập, thiết kế nhằm đưa tác phẩm đến tay độc giả theo cách chỉn chu nhất.

Chịu trách nhiệm thiết kế bìa và trình bày sách Có một thời ở Chợ Lớn là họa sĩ t.hờ. Trong bài phỏng vấn hôm nay, Bookish sẽ cùng anh t.hờ chia sẻ với bạn đọc về quá trình "lên đồ" cho Có một thời ở Chợ Lớn cũng như những câu chuyện bên lề thú vị trong quá trình sản xuất cuốn sách này.

  • Bookish: Anh có thể chia sẻ điều gì đã dẫn đến quyết định lựa chọn hình ảnh chùa Ôn Lăng và chợ Bình Tây làm ảnh bìa sách ở 2 phiên bản bìa mềm và bìa cứng?

Họa sĩ t.hờ: Nhắc đến Chợ Lớn, chắc hẳn 9 trên 10 người trong chúng ta sẽ nghĩ ngay đến hình ảnh của chùa bà Ôn Lăng và chợ Bình Tây – hai công trình kiến trúc đặc trưng nhất của mảnh đất Chợ Lớn Sài Thành.

Đối với chùa bà Ôn Lăng, đây có thể coi là công trình mang đậm nét đặc trưng của kiến trúc Trung Hoa nhất giữa lòng Sài Gòn. Không chỉ là nơi chiêm bái của người dân địa phương và du khách gần xa, chùa bà Ôn Lăng còn là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa và tôn giáo như lễ hội Đoan Ngọ, lễ hội Trung Thu, lễ hội Thanh Minh, lễ hội Tết Nguyên Đán,… Chùa bà Ôn Lăng là một trong những ngôi chùa có ý nghĩa lịch sử và văn hóa quan trọng của Thành phố Hồ Chí Minh nói chung và mảnh đất Chợ Lớn nói riêng.

Còn về chợ Bình Tây, đây không chỉ là một ngôi chợ sở hữu lối kiến trúc độc đáo mang đậm dấu ấn văn hoá Á Đông của người châu Á ở đất Sài Thành, mà còn là nơi được biết tới là nơi trao đổi đồ cổ và buôn bán sỉ lớn nhất của người dân gốc Hoa ở Chợ Lớn. Dù hiện tại chợ Bình Tây đã có nhiều sự thay đổi về cơ sở hạ tầng nhưng những giá trị tinh thần, lịch sử và văn hoá vẫn còn được lưu giữ cho đến ngày nay.

Chính vì lẽ đó, chùa bà Ông Lăng và chợ Bình Tây đã được mình chọn lựa để đưa lên 2 phiên bản bìa của Có một thời ở Chợ Lớn.

  • 2 ấn bản bìa mềm và bìa cứng có sự khác biệt gì về hình ảnh minh họa trong sách không?

Để đảm bảo sự chính xác về thông tin của các bài viết thì phần hình ảnh và nội dung bên trong của 2 phiên bản không có gì thay đổi.

  • Liệu có ẩn ý nào phía sau việc sử dụng 2 tông màu nóng - lạnh cho 2 phiên bản bìa sách?

Nhắc đến Chợ Lớn, người ta sẽ nghĩ ngay đến những tone màu rực rỡ như chính sắc màu chủ đạo trong cuộc sống của người dân nơi này – màu đỏ rực của những chiếc đèn lồng gốc Hoa, màu đỏ thẫm của những lớp mái ngói vươn màu thời gian hay màu đỏ tươi của những chú lân trong các lễ hội,… Bên cạnh đó, ta không thể không nhắc tới sắc vàng của những bức tường vững chải chạy dọc các con phố, của những món đồ trang trí bóng bẩy mỗi dịp Tết đến xuân về.

Thế nhưng, không vì thế mà Chợ Lớn vắng đi những phút giây lắng đọng. Dạo quanh Chợ Lớn, người ta vẫn có thể dễ dàng bắt gặp những tòa chung cư lâu đời trên đại lộ Trần Hưng Đạo hay từ chính trong nét kiến trúc phương Đông được tạo nên từ kỹ thuật xây dựng của Tây phương trong lối kiến trúc độc đáo của ngôi chợ Bình Tây xuất hiện trên bản bìa mềm.

  • Có câu chuyện ngoài lề nào thú vị trong quá trình thiết kế cho cuốn sách này mà anh ấn tượng không?

Mình cho rằng đó là một “bài học” thú vị nhiều hơn.

Như các bạn cũng biết, trước khi “Có một thời ở Chợ Lớn” ra đời, tác giả Phạm Công Luận đã từng cho ra mắt một quyển sách cùng chủ đề đó là “Hồi ức Phú Nhuận”. Do cả 2 quyển một chủ đề nên với vai trò là người thiết kế bìa cho cả hai, mình mong muốn tạo được nét tương đồng trên bìa khi 2 quyển sách được đặt cạnh nhau để nhấn mạnh “tính chất văn hóa” của 2 quyển sách này. Chính vì vậy, mình đã chủ đích đem cái gần gũi, thân thương nhưng cũng mang trong mình những lắt cắt lịch sử mà mình từng thể hiện trong bìa của”Hồi ức Phú Nhuận” mang vào quyển “Có một thời ở Chợ Lớn” lần này.

Nhưng rồi mình nhận ra, mỗi vùng đất sẽ mang trong mình một vẻ đẹp riêng. Nếu như Phú Nhuận là mảnh đất của những ký ức tuổi thơ thân thương, của những giai kỳ hào nhoáng của một Sài Thành hoa lệ, thì Chợ Lớn sẽ là những đất của những khu mua sắm xa hoa, của những quán ăn nức tiếng, và của sự hào sảng, phóng khoáng của người dân Chợ Lớn Sài Gòn.

Vậy nên, mình cho rằng đó là bài học mình của bản thân mình: Để nhấn mạnh, nếu không thể tương-đồng thì chúng ta có thể chọn tương-phản.

Bookish xin cảm ơn họa sĩ t.hờ vì đã dành thời gian chia sẻ. Chúc anh nhiều sức khỏe và đạt được thành công trong năm mới Ất Tỵ 2025.

Đọc bài viết

Phía sau trang sách

Sứ đoàn Iwakura và những người phụ nữ đầu tiên rời khỏi Nhật Bản

Published

on

Sứ đoàn Iwakura là một phái đoàn ngoại giao quan trọng của Nhật Bản được thành lập vào năm 1871, nhằm mục đích tìm hiểu về các quốc gia phương Tây, thu thập kiến thức về công nghệ, khoa học, và hệ thống chính trị của các quốc gia này để áp dụng vào việc cải cách Nhật Bản.

Phái đoàn này được tổ chức dưới sự lãnh đạo của Iwakura Tomomi, một quan chức cao cấp của chính phủ Minh Trị. Được đánh giá là một trong những sự kiện lớn nhất của lịch sử châu Á cuối thế kỷ 19, sứ mệnh Iwakura chủ trương “Bunmei kaika” (văn minh khai sáng) đã chuyển sức mạnh của lưỡi gươm samurai sang năng lực của trí tuệ. Sứ đoàn gồm khoảng 100 thành viên, trong đó có nhiều nhân vật chính phủ cao cấp. Ngoài số kể trên còn có các du học sinh phục vụ cho việc thông dịch, thông tin. Họ đã đi thăm Hoa Kỳ và hàng chục các quốc gia châu Âu khác nhau như Anh, Pháp, Đức, Áo, Ý, Bỉ, Hà Lan, Đan Mạch, Thụy Sĩ, Thụy Điển và Nga.

Bản đồ quãng đường đã đi của sứ đoàn Iwakura. Ảnh: Digital museum of the history of Japanese in New York.

Đoàn cũng có nhiều nữ sinh trẻ tuổi theo du học, phục vụ cho việc giáo dục phụ nữ sau này. Trong số những người thuộc sứ đoàn có năm cô gái rất trẻ tham gia vào chuyến đi. Chuyến công du này đã thay đổi vận mệnh của từng người trong số họ nói riêng và cả dân tộc Nhật Bản nói chung.

Năm cô gái đồng hành cùng Sứ đoàn Iwakura gồm: Tsuda Umeko, Nagai Shigeko, Yoshimasu Ryoko, Yamakawa Sutematsu và Ueda Teiko. Trong đó, nhỏ nhất là Tsuda Umeko, lúc đó chỉ mới 6 tuổi, lớn nhất là Ueda Teiko và Yoshimasu Ryoko, 14 tuổi. Trong chuyến công du này, họ không có quyền quyết định theo ý mình mà phải nghe theo sự sắp xếp của cha mẹ và gia đình để đến một vùng đất xa lạ, gánh trên vai trách nhiệm lớn lao với nước nhà.

Trước khi được đưa sang Mỹ, họ không được học tiếng Anh hay văn hóa để thích nghi với môi trường sống ở nước ngoài. Đặt chân lên đất khách, họ bị báo chí bủa vây và gọi là "những cô công chúa kỳ lạ đến từ phương Đông". Những cô gái trẻ cảm thấy lạc lõng, cô đơn và sợ hãi khi tiếp nhận nền văn minh mới. Tệ hơn, sau đó họ phải tách nhau ra và được gửi đến các nhà nuôi dưỡng khác nhau. Sau một thời gian, hai người chị lớn tuổi nhất dần không chịu được cuộc sống ở nơi đất khách quê người và được đưa trở lại về quê nhà. Ba cô gái còn lại bao gồm Yamakawa Sutematsu, Nagai Shigeko và Tsuda Umeko đã kiên cường trụ lại, chăm chỉ nỗ lực học tập và làm nên lịch sử. Họ chính là ba trong số năm người phụ nữ đầu tiên rời khỏi Nhật Bản và cũng là những người phụ nữ thành công nhất thời Minh Trị.

Tsuda Umeko

Tsuda Umeko sinh ra trong một gia đình quan chức và được cử tham gia vào Sứ đoàn Iwakura sang Mỹ du học vào năm 1871 khi chỉ mới 6 tuổi. Dù phải học cách tự lập khi còn quá nhỏ, bà đã nỗ lực không ngừng và tốt nghiệp Học viện Aarcher Institute. Bà về nước vào năm 1892 và làm giáo viên dạy tiếng Anh của trường chuyên dành cho các nữ quý tộc.

Umeko đã dành cả cuộc đời mình để cống hiến cho giáo dục, đặc biệt là giáo dục nữ giới. Năm 1900, với sự trợ giúp của hai người bạn, bà mở trường Joshi Eigaku Juku (Trường Anh ngữ cho nữ sinh), chính là tiền thân của Đại học Tsuda hiện nay. Những cống hiến lớn lao của bà đã được chính phủ Nhật Bản ghi nhận, hình ảnh của bà cũng được in trên tờ tiền 5000 yên phát hành vào năm 2024.

Nagai Shigeko

Nagai Shigeko sinh năm 1862 trong một gia đình quan chức Mạc phủ Tokugawa. Năm 1871, bà được đưa sang Mỹ sinh sống và học tập tại nhà của nhà sử học John Stevens Cabot Abbott. Năm 1878, bà nhập học trường Nghệ thuật tại Đại học Vassar và theo học chuyên ngành âm nhạc.

Khi trở về nước, bà kết hôn với Uryu Sotokichi và trở thành một trong những những giáo viên dạy piano đầu tiên ở Nhật Bản. Bà cũng là một trong những người sáng lập, dạy âm nhạc phương Tây tại Đại học Nghệ thuật Tokyo.

Yamakawa Sutematsu

Yamakawa Sutematsu sinh ra trong một gia đình Samurai truyền thống hỗ trợ Mạc phủ Tokugawa trong Chiến tranh Boshin. Gia đình bà ở phe thua trận trong cuộc nội chiến cuối cùng kết thúc thời kỳ Samurai của Nhật Bản và rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Để giảm bớt miệng ăn trong nhà, người anh trai đã tự ý quyết định đưa bà tới Mỹ mà không hỏi ý kiến của bà.

Ở Mỹ, bà đã cố gắng học tập và đạt thành tích xuất sắc, sau đó ghi danh lịch sử khi trở thành người phụ nữ có học vị cao nhất Nhật Bản lúc bấy giờ. Bà là người phụ nữ Nhật đầu tiên có bằng Đại học.

Sau khi tốt nghiệp, bà học thêm về nghiệp vụ y tá và trở về Nhật Bản vào tháng 10 năm 1882. Khi trở lại quê nhà, Sutematsu gặp khó khăn trong việc giao tiếp khi không thể đọc hoặc viết tiếng Nhật. Sau đó, bà kết hôn với Oyama Iwao. Khi chồng bà được thăng chức, bà được cũng thăng cấp theo và trở thành Công chúa Oyama vào năm 1905. Thuở ấy, bà là một người có địa vị cao trong xã hội. Bằng kiến thức của mình, Sutematsu đã tư vấn cho Hoàng hậu về các phong tục phương Tây. Bà cũng sử dụng vị trí xã hội của mình để kêu gọi, quyên góp cho giáo dục phụ nữ. Bà là người góp công lớn trong việc thành lập nên Đại học Tsuda cùng với hai người bạn Tsuda Umeko và Nagai Shigeko.

Yamakawa Sutematsu, Nagai Shigeko và Tsuda Umeko đã mang kiến thức học được từ chuyến đi cùng Sứ đoàn Iwakura để truyền bá cho nữ giới ở quê nhà. Họ cùng nhau thực hiện một kế hoạch lớn lao, đó là mở trường học dành cho phụ nữ thuộc mọi tầng lớp trong xã hội. Dù ngay từ lúc bắt đầu đã gặp rất nhiều khó khăn, nhưng họ vô cùng quyết tâm và đã thành công. Họ là những người đã đặt nên nền móng để xây dựng nên nền giáo dục vì phụ nữ tại Nhật Bản, phất lên ngọn cờ chiến đấu vì nữ quyền, quyền được học tập làm việc, theo đuổi đam mê của bản thân.

Phỏng theo bài viết của Ái Thương trên Kilala.vn

Đọc bài viết

Cafe sáng