Phía sau trang sách

International Booker 2020: Những dự đoán trước thềm trao giải

Published

on

Giải Booker Quốc tế từ lâu đã mang đến nhiều cảm xúc bởi sự đa văn hóa, đa ngôn ngữ và những phông nền bối cảnh đậm màu khác nhau, khác xa giải Booker chính thống là sàn diễn ngự trị từ lâu của những cái tên quen thuộc từ Khối Thịnh vượng chung. Nếu năm ngoái chứng kiến sự quay trở lại ngoạn mục (mà không khó đoán) của Margaret Atwood cho phần 2 của Chuyện người tùy nữ – đồng trao cho Bernardine Evaristo với cuốn tiểu thuyết đầy nữ quyền của cô; thì ở hạng mục Booker Quốc tế là sự góp mặt của Tàn Tuyết – ứng cử viên được nhà cái đặt cược ngang bằng Murakami cho giải Nobel 2019 – với cuốn Chuyện tình thế kỷ mới. Năm nay do ảnh hưởng của Đại dịch Covid-19, buổi công bố kết quả đã phải hoãn từ 19.05 đến hôm nay 26.08, để xác định chủ nhân của giải thưởng trị giá 50.000 euro.

Danh sách đề cử rút gọn của giải thưởng năm nay gồm cả những cái tên quen thuộc lẫn lần đầu xuất hiện trên văn đàn thế giới. Quen thuộc có thể kể đến nữ tác gia Nhật Bản Yoko Ogawa với cuốn The Memory Police (tạm dịch Cảnh sát ký ức), nhà văn người Đức Daniel Kehlmann với Tyll. Những cái tên mới xuất hiện với tuổi đời rất trẻ như Marieke Lucas Rijneveld với cuốn tiểu thuyết đầu tay The Discomfort of Evening (tạm dịch Cái bứt rứt trong buổi tối trời) hay nhà văn Úc tị nạn gốc Iran Shokoofeh Azar với cuốn tiểu thuyết đậm nét hơn những cuốn sách trẻ em trước đây của mình, The Enlightenment of The Greengage Tree  (tạm dịch Ánh sáng phía trên cây mận). Ngoài ra còn có nhà văn người Argentina Gabriela Cabezón Cámara với The Adventures of China Iron (tạm dịch Những chuyến du hành của China Iron) và Hurricane Season (tạm dịch Mùa cuồng nộ) của Fernanda Melchor người Mexico.

Nhìn chung giải Booker Quốc tế năm nay là sự đối đầu chủ yếu của những phông nền văn hóa. Văn chương vị nghệ thuật có lẽ yếu thế ở lần trao giải năm nay (một thực tế đã xảy ra rất lâu). Hai đối thủ đặc biệt nhất, Yoko Ogawa và Marieke Lucas Rijneveld đối đầu bằng hai phong cách riêng biệt, nhưng khách quan mà nói, giải thưởng năm nay dường như khó đoán và những bất ngờ vẫn còn ẩn chứa phía trước.

Nhóm 1: Yoko Ogawa và Marieke Lucas Rijneveld

Yoko Ogawa có lẽ là cái tên không mấy xa lạ với độc giả Việt Nam thông qua những Quán trọ hoa diên vỹ, Nhật ký mang thai hay Giáo sư và công thức toán. Một điểm rất dễ nhận thấy ở Yoko Ogawa là sự lạnh lùng trong phong cách viết. Nếu Quán trọ hoa diên vỹ, Revenge – 11 Dark Stories và tuyển tập Nhật ký mang thai chứa trong mình cái đè nén của tâm tính con người khi được giải thoát thông qua dục tính, trả thù, tra tấn, đe dọa; thì Giáo sư và công thức toán lại là một mặt phản chiếu khác, khi hiện thân của tâm tính trở lại, nơi giá trị nhân văn được đề cao. Và, một cách rõ ràng, The Memory Police là tổng hòa của hai cá tính này trong văn chương Yoko Ogawa.

The Memory Police (tạm dịch Cảnh sát ký ức)
Ảnh: Books & Bao

The Memory Police là câu chuyện của nữ tiểu thuyết gia sống trên hòn đảo không tên, nơi ký ức được xem như một mối hiểm nguy. Cứ cách một khoảng thời gian, một thứ gì đó sẽ lại biến mất và rơi vào quên lãng. Từ đây, cảnh sát ký ức nghiên cứu và phát triển khả năng nhận biết những ai kháng lại sự tan biến bằng cách phân tích chuỗi gene, và đây là lúc những người bình thường phải chạy trốn sự truy bắt. Cô nhận che giấu R – biên tập viên, người hiệu chỉnh tiểu thuyết của mình, vì anh là một con người “hoàn toàn” – nghĩa rằng vô cảm trước mọi sự biến mất. Cũng trong lúc đó, thế giới ngoài kia mọi sự dần đổi thay. Từ loài chim biến mất, cho đến hoa hồng, trái cây, tấm ảnh, lịch bàn, tiểu thuyết, chân trái, tay phải,… và cuối cùng là tất cả.

Tuy được viết từ năm 1994, trải qua gần hai thập kỉ biến động nhưng rõ ràng The Memory Police vẫn thức thời, luôn động cựa và là tiếng vọng lớn vào thế giới chúng ta đang sống. Nó đứng đó như cách nhìn sâu vào thế giới tương lai mà hình dáng ngôn từ là phản chiếu của những gì hiện tại. Dù nhìn cuốn sách này dưới góc độ nào – một thể utopia hy vọng hay dystopia uất nghẹn, ít ra The Memory Police đã cho ta thấy một điều gì đó quan trọng hơn, về vai trò của ký ức, về thế giới quan cá nhân, về mối quan hệ con người, về hy vọng và hằng hà sa số những điều khác.

Trong khi đó với Marieke Lucas Rijneveld, The Discomfort of Evening là khúc phim tái hiện khung cảnh trang trại nơi gia đình họ – một kiểu bán tự thuật với phần lớn dữ kiện thật sự diễn ra, ghi dấu bước đầu tiên dấn thân từ địa hạt thơ ca để đến với tiểu thuyết. Cuốn tiểu thuyết này như đúng tên gọi của nó, gây ra không ít sự khó chịu cho người đọc bởi mức độ phá hủy, ngang tàn, bất cần và hoang dại của tuổi mới lớn, của bản thân tác giả, của nhận thức non trẻ và của Hà Lan lạnh cóng muôn niên.

The Discomfort of Evening  (tạm dịch Cái bứt rứt trong buổi tối trời)
Ảnh: Medium

Tiểu thuyết mở đầu bằng bữa tối hai ngày trước Giáng sinh của một gia đình nông dân kính Chúa, nơi ngôi kể chính – Jas – cô bé 10 tuổi, chứng kiến sự u ám nối tiếp lẫn nhau. Phát súng đầu tiên là cái chết của Matthies khi cậu bé lọt vào hố băng khi đương trượt tuyết. Ám ảnh sâu sắc vì cái chết của đứa con trai, người mẹ bỏ ăn còn người cha cố chống chịu từng ngày, trong khi những đứa trẻ còn lại thoi thóp trong sự áp đặt. Nhưng vòng kiềm tỏa không dừng ở đó, nó thít chặt hơn khi đàn bò lâu đời dần dần mất đi bởi dịch bệnh. Chỉ đến khi ấy, tất cả mới sụp đổ hoàn toàn. Họ nhợt nhạt, buồn thương và vô định trước những ý nghĩ cuộc sống. Cũng từ trong đó, bản chất yếm thế dần dần hiện ra, sự tự khám phá của những đứa trẻ dần bộc lộ.

Với một kịch bản buồn thương nối tiếp buồn thương, Marieke dẫn dắt người đọc đến bi kịch một cách từ từ, để rồi bất chợt nhận ra, sau bi kịch này là bi kịch khác, nối tiếp – không ngừng. Bằng những thô ráp thách thức lạ lùng với lối tiếp cận văn chương thường thấy, Marieke – thông qua đặc trưng rất Hà Lan – đã viết nên The Discomfort of Evening như một nồi hơi sôi sùng sục – nơi con người ta bị thách thức, nơi họ e sợ phát hiện bản thân vốn đã từ lâu chôn giấu những bi kịch khác. Cây bút sinh năm 91 và cuốn tiểu thuyết bán tự thuật đầu tay như tiếng nói lạ cho một cá tính rất khó hòa trộn và nổi bật lên. Dũng cảm, thẳng thắn và vô cùng bộc trực, đánh thức nơi người đọc một niềm nghi ngại.

Bookish dự đoán: Booker vốn từ trước nay khá ngại lối viết thể nghiệm, Marieke mang đến cảm giác ngang tàn kiểu rock-chic ít được lòng giới chuyên gia, mặc cho câu chuyện vô cùng thú vị. Cộng với kết quả trao giải cho Margaret Atwood năm 2019, Yoko Ogawa dường như là cái tên ổn định và dễ đoán hơn, mặc cho sự độc đáo vượt trội chưa ngang bằng The Discomfort of Evening.

Nhóm 2: Daniel Kehlmann và Gabriela Cabezón Cámara

Tương tự Yoko Ogawa, Daniel Kehlmann đến với độc giả việt Nam từ rất sớm thông qua Đo thế giới. Với Tyll, ông đã khắc họa một thế giới cổ tích pha lẫn hiện thực, nơi bối cảnh trung cổ của phù thủy, bùa ngãi, thần chú, gánh xiếc… thay phiên nhau phác họa nên nhân vật chính vô cùng điển hình kết hợp với cuộc chiến giành lãnh thổ của lục địa già thế kỷ XVII với nhiều biến động xoay quanh tranh giành quyền lực, bệnh dịch hạch, tẩy chay dị giáo…

Tyll
Ảnh: Wilko Steffens

Tiểu thuyết là câu chuyện về Tyll – kẻ lang thang, người trình diễn xiếc dây, sinh ra khi cha anh – một người thợ xay, một nhà ảo thuật sớm có những xung đột với nhà thờ bởi làn sóng tẩy chay dị giáo. Tyll chạy trốn cùng con gái người thợ làm bánh qua đất nước bị tàn phá bởi Chiến tranh Ba mươi năm. Từ đây, họ gặp gỡ nhiều người và gắn kết cùng nhau: học giả – nhà văn trẻ Martin von Wolkenstein, tên đao phủ thần sầu Tilman, Pirmin – kẻ tung hứng, con lừa biết nói Origines, cặp vợ chồng hoàng gia vụng về gây nên chiến tranh Elizabeth và Friedrich von Böhmen lưu vong, bác sĩ Paul Fleming viết thơ bằng tiếng Đức, tu sĩ Dòng Tên cuồng tín Tesimond và Athanasius thông thái. Số phận của họ kết hợp cùng nhau để tạo thành bản hùng ca của Chiến tranh Ba mươi năm và những giễu nhại chính trị trong suốt thời đoạn này.

Tuy thế với Tyll, dường như hai phần của tiểu thuyết không hề cân xứng. Nếu nửa đầu là câu chuyện ấu thời nơi làng quê cùng bối cảnh thần thoại, phù thủy, pháp thuật vô cùng cuốn hút; thì nửa sau khi qua cuộc chiến Ba mươi năm, sức hút của tiểu thuyết giảm dần, đến một mức độ khá nhàm chán và thể trạng hành xác. Vốn dĩ thời đoạn thế kỷ XVII của lịch sử châu Âu không quá cuốn hút người đọc (mà Lâu đài sói là một điển hình ở Việt Nam cho tình trạng phủ bụi), nên sức cuốn hút của Tyll giảm dần. Nhưng nghịch lý ở chỗ, ở phương Tây, đây dường như là một bom tấn khi phát hành tương tự ba phần của Hilary Mantel, và biết đâu, rất có thể nó sẽ trở thành một phiên bản Lâu đài sói thứ hai của Đức?

Còn với The Adventures of China Iron, đây là hành trình lý thú của cuộc chiến giành lại lãnh thổ từ địa chủ da trắng, là bức chân dung khắc họa tộc người da đỏ; ẩn sâu bằng những tình cảm thầm kín giữa hai người đàn bà, của phong trào nữ quyền trong cách viết hóm hỉnh mà đầy tinh tế của Gabriela Cabezón Cámara.

The Adventures of China Iron (tạm dịch Những chuyến du hành của China Iron)
Ảnh: Laura Jones

Được cách tân từ bài thơ Martín Fierro của nhà thơ người Argentina José Hernández, cuốn tiểu thuyết đặt trong bối cảnh thuộc địa, khi dân Anglo từ lục địa già di dân sang Argen tìm mảnh đất phát triển mới. Từ đó đàn áp dân địa phương, bắt các gaucho (tương tự cao bồi ở Mỹ) vào quân đội Anh, gây ra nhiều bi kịch. Tiểu thuyết gồm ba phần chính. Phần 1 là chuyến du hành của Liz tìm chồng bị bắt, của Iron chạy trốn người chồng vũ phu và Rosario bỏ nhà đi vì cha thứ hắt hủi, cạnh bên chú chó nhỏ trong những chuyến xe bò. Phần 2 khi ở điền trang của Hernández (tên nhà thơ), Liz và China lên kế hoạch giải cứu các gaucho bị bắt. Phần 3 là khi bốn người họ gặp thổ dân da đỏ địa phương trên sa mạc. Họ gặp lại Fierro và Oscar – hai người chồng. Cũng ở đây Fierro gặp biến cố và yêu một gaucho khác đã cứu lấy mình. Liz, China, Fierro và Oscar ở lại chung sống với bộ lạc, giúp họ chạy trốn vào rừng khi quân Anh với vũ khí đầy đủ đang lăm lăm xâm chiếm để tập trung lối sống với con nước, một kiểu sống mới dựa vào thiên nhiên. Liz bị buộc phải che giấu tình cảm với China; China trong mối quan hệ với một nữ chiến binh khác và sống hòa hợp với bộ tộc.

Cũng tương tự Tyll, The Adventures of China Iron có kết cấu và bối cảnh khá cuốn hút, thế nhưng ở phần 3, khi cuộc chiến chống người da trắng xâm lấn, Gabriela lại đi quá nhanh và nông, không nhận thấy đủ sức nặng của thời đoạn này. Một điều đáng tiếc cho hành trình khởi đầu vô cùng lý thú, với những phân tích tâm lý, tình cảm, nội tâm vô cùng chi ly và tinh tế.

Bookish dự đoán: Hilary Mantel không chỉ một lần được trao tặng Booker danh giá, và dễ đoán với một lịch sử châu Âu huy hoàng thì Tyll có khả năng bao nhiêu so với một China Iron nhỏ bé phản ảnh thời đoạn đáng quên khi người da trắng phô trương vũ trang. Tyll có một điểm cộng không thể phủ nhận.

Nhóm 3: Shokoofeh Azar Fernanda Melchor

Tương tự nhóm 1 khi sự tương phản thể hiện ở cách viết của hai tác gia, thì nhóm 3 lại là sự tương đồng khi khai thác những đặc trưng vô cùng riêng biệt nơi quốc gia họ. Nếu Shokoofeh Azar viết về những năm Cách mạng Hồi giáo, giữa những xâm nhập, bạo loạn mới – cũ đảo chiều luân phiên; thì Fernanda Melchor viết về một Mexico đầy biến động mà ta quen thấy trong 2666 hay Đêm Chile của Roberto Bolano với tệ nạn, ma túy trá hình diễn ra luân phiên. Có thể nói, ngoài khả năng kiểm soát cốt truyện, phong cách viết đạt đến bậc thầy một cách nhuần nhuyễn, bối cảnh lịch sử cũng là phần chính yếu góp nên điểm đặc biệt của hai tác phẩm này. Cuối cùng thì vị nghệ thuật và vị nhân sinh đã tìm thấy nhau, đến được với nhau.

Hurricane Season (tạm dịch Mùa cuồng nộ)
Ảnh: Southern Review of Books

Về nội dung, Hurricane Season là tập hợp những câu chuyện tội ác được lồng ghép vào nhau xung quanh cái chết của nhân vật “Witch” – một phù thủy không danh tính, tên tuổi, không một manh mối truy dẫn sâu xa; chỉ biết vào một ngày cô ở đó và thừa hưởng danh tiếng từ người mẹ cũng là phù thủy của mình. Với lối sống khép kín và những đồn đại về gia sản, cô từ lâu trở thành mục tiêu cho những kẻ tham lam hướng tới, từ bọn cảnh sát biến chất đến lũ ma cô gần mình, từ người bình thường nhất đến kẻ dị biệt nhất… Tất cả bọn họ như loài cú săn chực chờ cạnh bên để mở cánh cửa khóa kín vào trong ngôi nhà, nơi ẩn đằng sau tấm mạng che kín và bộ đồ đen thường trực là ánh sáng nhấp nháy của sàn disco, của ma túy, của khói thuốc, của những đam mê xác thịt từ trong bữa tiệc trác tán. Từ trung tâm là nhân vật “witch”, Fernanda Melchor tỏa ra những hướng khác nhau là câu chuyện của những nhân vật có liên quan đến vụ án mạng, để rồi từ đó tầng tầng lớp lớp tội ác xếp chồng lên nhau, dần dần đưa ra phía trước ánh sáng.

Trong khi đó, The Enlightment of the Greengage Tree lại khắc họa một thời đoạn vô cùng đảo điên của Cách mạng Hồi Giáo, khi những tiên tiến phương Tây của Pahlavi trở nên yếu thế trước sự độc tài thần quyền của Khomeini. Đi theo nhân vật chính là cô con gái đã chết do bị thiêu rụi trong một cuộc nổi dậy, tiểu thuyết phân theo những ngã số phận của gia đình ấy: của cậu con trai bị bắt vì gia thế có học, của cô con gái đi theo tiếng gọi tình yêu, của người mẹ mất hồn leo ngọn cây mận nhìn về phía xa, của người cha lẳng lặng nhìn vào từng đứa con rời xa mình. Lồng lộng như những mạch ngầm vận động dưới hình hài của cuộc chiến vô nghĩa, The Enlightment of the Greengage Tree như sự chuyển dời từ Ấn Độ của Cân bằng mong manh sang Iran đầy biến động.

The Enlightenment of The Greengage Tree  (tạm dịch Ánh sáng phía trên cây mận)
Ảnh: Kayhan Life

Về mặt nghệ thuật, cả Shokoofeh Azar và Fernanda Melchor đều để lại những dấu ấn khó xóa nhòa của mình. Nếu Fernanda Melchor xây dựng một mê cung tiểu thuyết trên nền trinh thám – tâm lý, một kiểu nhiều cửa như 2666 hay Từ điển Khazar để độc giả có thể đọc bất cứ phần nào họ thích mà vẫn logic; thì Shokoofeh Azar mang lại ấn tượng của phong cách hiện thực kỳ ảo, kết hợp tâm linh dị giáo địa phương. Những chi tiết như khi Khomeini bị những bóng ma hành quyết lạc lối trong lâu đài gương do chính mình cho xây hay khi Beeta biến thành người cá, đến sống trong chiếc hồ do người cha xây, lớn lên từng ngày đến khi trở về biển cả và bị giết bởi những tò mò của dòng giống người. Những chi tiết kỳ ảo nên thơ mà ám ảnh của Azar như những dấu mốc rất khó phai nhòa.

Bookish dự đoán: Nhìn chung khả năng thắng giải và sự xứng đáng của cả hai đều ngang bằng nhau. Nhưng Booker vẫn luôn khó đoán. Shokoofeh có sức sáng tạo lấp lánh tuổi trẻ, trong khi Fernanda Melchor lại suy tính kỹ càng đường đi nước bước. John Banville từng thắng Booker với cuốn Biển trước khi chuyển sang series trinh thám dài kì, biết đâu Fernanda Melchor lại người tiếp nối?

*

Nhìn chung, danh sách rút ngắn giải Booker năm nay đạt được tính đa dạng. Nói về truyền thống trao giải những năm gần đây, Yoko Ogawa là sự an toàn và có khả năng cao. Để cạnh tranh với Nobel về sự dị thường, The Discomfort of the Evening là sự nhúng chàm vô cùng sáng suốt. Nhưng ở trạng thái an toàn, Shokoofeh Azar hay Fernanda Melchor ít nhiều cũng khó phản bác khi lựa chọn được đưa ra. Năm nay thật sự khó khăn bởi những yếu tố phái sinh bên ngoài, và lựa chọn người thắng giải, cũng khó khăn không kém.

Hết.

minh.

Cập nhật sáng ngày 27.08.2020:

Không nằm ngoài mong đợi, The Discomfort of Evening, tác giả Marieke Lucas Rijneveld và dịch giả Michele Hutchison đã trở thành chủ nhân mới nhất cho giải Booker Quốc tế năm nay. Thông qua sự trao giải lần này, hội đồng giám khảo đã cho thấy một bước đi mới, dám thách thức và phá bỏ mọi giới hạn để đến với ý nghĩa của văn chương thuần túy không câu nệ. Không e dè như trường hợp Margaret Atwood năm 2019 và cũng tỉnh táo hơn trường hợp Tàn Tuyết bị loại khỏi danh sách rút gọn, kết quả trao cho cuốn sách này rõ ràng nhận được rất nhiều sự đồng tình của người theo dõi.

Từ bài phát biểu của đêm trao giải hôm qua (26.08), Chủ tịch hội đồng giám khảo Ted Hodgkinson đã nhận định như sau: “Đây là cuốn sách bạn không thể bỏ qua. Bạn nhập vào nó, và ở trong nó. Sự chuyển ngữ tuyệt vời của Michele Hutchison là một phần quan trọng để hòa nó vào độc giả tiếng Anh”. Còn Jeet Thayil, một trong các giám khảo cho rằng: “Mọi thứ, từng khoảnh khắc, từng miêu tả… Đây đều là những thứ mới mẻ mà chưa một ai trên thế giới từng làm”.

Tuy nhiên, một câu hỏi đặt ra ngay thời điểm này, liệu chiến thắng của The Discomfort of Evening xuất phát từ nội tại âm ỉ ngầm của cuốn sách, hay từ tình hình ngoại tại quá ư phức tạp? Ted Hodgkinson cũng chia sẻ rằng, ông và các giám khảo tìm kiếm một cuốn sách phản ánh đúng thể dystopia mà chúng ta đang gặp phải – cảnh huống Covid-19, và chính sự ngăn cách ba tháng trì hoãn giải thưởng, ngay bản thân cuốn sách cũng không phải lựa chọn ngay lần đầu đọc. Ngoài tính thời sự sát sao về sự đen tối, Booker cũng mở ra một câu hỏi rất khó trả lời, liệu đây là một nhận thức mới văn chương, hay chỉ đơn thuần là cơ may của thời điểm này?

*

Winner of International Booker 2020
The Discomfort of Evening – Tiếng nói thô ráp của những nghi ngại

Phía sau trang sách

Danh ca Elvis Phương ra mắt hồi ký mới, trải lòng nhiều chuyện hậu trường thú vị

Published

on

Ai đó đã từng nói rằng mỗi một nghệ sĩ đối với bản “hit” của mình luôn có những mối lương duyên đặc biệt. Với Elvis Phương điều đó rất đúng, khi suốt đời mình ông đã sống như một "chú ngựa hoang" với những vết thù mà mình mang theo. Hồi ký Dòng đời vừa mới ra mắt không chỉ mang đến những câu chuyện riêng phía sau hậu trường, mà còn cho thấy cả một thời đoạn âm nhạc liên tục thay đổi.

Trải qua gần 60 năm cuộc đời, Elvis Phương là một tượng đài giúp đưa dòng Rock’n’Roll và nhiều cách tân độc đáo vào âm nhạc Việt. Lấy tựa Dòng đời theo tên bài jazz nổi tiếng My Way, nam danh ca đã có những giãi bày riêng qua lời kể chân thành, từ đó tiết lộ rất nhiều câu chuyện, hình ảnh, tư liệu sống động mà trên ánh đèn sân khấu ít người biết đến.

Thời thơ ấu và tiếng gọi của âm nhạc

Được viết theo dòng thời gian từ khi sinh ra đến khi lớn lên, ở những chương đầu, Elvis Phương cho thấy được niềm đam mê âm nhạc ngay từ rất sớm. Như mối lương duyên đã được số phận sắp đặt, đó là việc ông thích phim ảnh và đã xem nhiều thể loại, thế nhưng tác phẩm để lại ấn tượng sâu nhất vẫn là bộ phim cao bồi O’Cangaceiro, nơi tiếng harmonica ở phần cuối phim vẫn luôn đọng lại. Từ chiếc harmonica ấy, ông dần sở hữu những “gia tài” khác, như chiếc radio, máy phát đĩa than, cây guitar bị hỏng dây… và cũng từ đó mà niềm khát khao đối với âm nhạc ngày càng đậm thêm.

Tại đây ông cũng tiết lộ một chuyện ít nhiều buồn thương, khi gia đình đã không ủng hộ ông theo con đường âm nhạc. Trong đó cha ông là người phản đối có phần quyết liệt, bởi tư tưởng cũ “xướng ca vô loài” cũng như mong muốn con mình nối nghiệp thầu khoán. Thế nhưng như một câu nói càng cấm càng làm, đam mê âm nhạc cứ thế lớn lên, cũng kèm theo đó là sự kình chống khó thể giảng hòa giữa ông và thân phụ mình.

Danh ca Elvis Phương hát cùng ban nhạc Vampires. Ảnh: NVCC.

Ông viết: “Tôi chắc chắn được một điều là mình rất mê âm nhạc, nghe tiếng nhạc tôi thấy yêu đời, thấy tâm hồn nhẹ nhõm lâng lâng. Lúc nào, giờ nào tôi cũng có thể nghe được, nhiều lúc còn mang cả radio vào trong toilet để nghe. Tiếng gọi của âm nhạc đến với tôi từ thời thơ ấu, nhìn lại những người thân trong họ hàng chung quanh, tôi nhận thấy mình chẳng hề chịu ảnh hưởng văn nghệ của bất kỳ ai, phải nói tôi nghĩ mình sinh ra đời để được ra phải được hát mà thôi”.

Dẫu vậy ông không hờn giận cha mình, mà khi ngày càng trưởng thành, ông nhận ra đó sẽ trở thành một “kim chỉ nam” để mặc cho sống giữa nhiều cám dỗ trong các vũ trường, những sân khấu ca nhạc… thì ông vẫn giữ được mình sao cho thuần chất. Có thể nói rằng những chia sẻ này là lời riêng tư và cảm xúc nhất mà Elvis Phương viết ra trong cuốn hồi ký, như lời tạ ơn cho vị thân sinh đã đưa "chú ngựa hoang dại" vào trong cánh đồng ca nhạc, dù bằng cách này hay cách khác.

Elvis Phương với Trung Lang Rockin' Star vào năm 1960. Ảnh: NVCC

"Ma lực" của Elvis Presley

Sau đó sẽ là quãng đời chạm ngõ bước vào trình diễn, khi ông gia nhập vào các ban nhạc nổi lên ở thời bấy giờ, từ Rockin’ Star, Les Vampire cho đến Phượng Hoàng cùng hai nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang và Lê Hựu Hà. Ở mỗi thời kỳ ông luôn biết cách tạo ra được sự đặc biệt để thu hút khán giả, và cũng phần nào khẳng định “Âm nhạc là mùa Xuân trong tôi, đang nở hoa rực rỡ, không thể nào để cho mùa Đông của sách vở, của văn bằng tận diệt dưới lớp đá băng lạnh lẽo”.

Điểm hay của thể loại hồi ký đó là tuy phản ánh góc nhìn cá nhân, thế nhưng bối cảnh mà nó làm nên thường mang được tính phổ quát khi là ký ức của rất nhiều người. Ở Dòng đời, qua những mô tả của Elvis Phương, lịch sử về sự du nhập âm nhạc cũng được trở lại theo từng thời kỳ phát triển của bản thân ông. Đó là những năm 1959 – 1969 với phong trào nhạc ngoại bắt đầu manh nha và các ban nhạc “kích động” chuyên trình bày nhạc ngoại quốc bắt đầu ra mắt. Cũng vào lúc này mà ông tìm thấy Elvis Presley – một cá tính có “sức lôi cuốn kỳ lạ, như có ma lực ghê gớm lôi kéo tôi vào thế giới của âm thanh đầy huyền hoặc”.

Elvis Phương tại nhà của Elvis Presley. Ảnh: NVCC

Ông cũng kể lại một thời thanh xuân thích sưu tầm những bài ca nước ngoài, chép lại trong một quyển tập được trang trí cẩn thận, với những hình ảnh được cắt từ báo ngoại quốc lúc đó vẫn còn hiếm hoi tại Việt Nam. Elvis Phương tiết lộ để có những hình ảnh ấy thì người ta phải nhờ người nhà ở nước ngoài gửi về, vì phải đến năm 1963 thì mới có các tạp chí ca nhạc Mỹ xuất hiện, khi quân đội Mỹ vào Việt Nam. Thời điểm này cũng đã đánh dấu nhạc Pháp thoái trào và sự thay đổi thành phần khán giả.

Theo đó nếu những năm trước người tham dự đa số là học sinh trường Pháp, thì thời kỳ này là sự góp mặt của nhiều “dân chơi” Sài Gòn và sự bành trướng của nhạc Anh, nhạc Mỹ với sự có mặt của những quân nhân Hoa Kỳ. Đó là làn sóng British Invasion, và cũng đánh dấu bước chuyển của thời kỳ ca hát tài tử để bắt đầu có sự kỳ kèo về giá cả của những hợp đồng ký kết.

Elvis Phương kể mình từng khiến tài tử Lưu Đức Hoa bất ngờ với việc thay trang phục sau mỗi tiết mục trình diễn. Ảnh: NVCC

Ban Phượng Hoàng và những cá tính

Bên cạnh bối cảnh được tái hiện lại, Dòng đời cũng là những cuộc gặp gỡ của Elvis Phương với những bạn nhạc đóng vai trò quan trọng trong cuộc đời ông. Đó là huyền thoại cải lương Thanh Nga – người từng ngồi kề bên ông ở trường tiểu học Jean-Jacques Rousseau, là Khánh Ly – người đã thu âm cùng ông băng nhạc đầu tiên ở Mỹ, là cố nghệ sĩ Chí Tài – người đã sẵn lòng đầu tư cho ông dù chưa hề biết kết quả sẽ đi đến đâu… Ngoài ra còn là những gương mặt khác đã từng xuất hiện trong các ban nhạc kề cận quanh ông thuở mới vào nghề, cũng như trong nhiều tấm ảnh được đính kèm theo.

Trong đó hai người nổi bật không thể không nhắc là hai thành viên của ban Phượng Hoàng. Elvis Phương không chỉ kể lại những chuyện thân tình mà còn đánh giá ảnh hưởng của họ lên sự nghiệp và cuộc đời mình. Ông viết: “Hai tâm hồn, hai tư tưởng, hai nghệ sĩ, hai khuynh hướng sáng tác khác nhau, nhưng khi kết hợp lại đã mang đến sự quân bình tuyệt diệu của nhân sinh quan cũng như nghệ thuật. Tôi không coi họ là những thiên tài, mà tôi coi họ như những nạn nhân của tuổi trẻ, người nói lên được những cảm nghĩ sâu xa của một tuổi trẻ bị xâu xé vì chiến tranh, bị giằng co giữa cái đẹp và cái xấu trong bối cảnh xã hội lúc đó”.

Ban Phượng Hoàng (từ trái qua): Elvis Phương, Trung Vinh, Nguyễn Trung Cang, Châu và Lê Hựu Hà. Ảnh NVCC.

Ở đó có một Lê Hựu Hà lạc quan với lòng yêu thiên nhiên, yêu người, yêu đời, còn Nguyễn Trung Cang thì sống trong sự bi quan, dằn vặt, nhìn cuộc đời này bằng một màu đen tang tóc, ảm đạm. Và chính sự quân bình ấy đã tạo nên ban Phượng Hoàng như tên tuổi lớn của một giai đoạn nhạc trẻ Việt Nam bắt đầu thành hình. Và không chỉ có cơ may được hợp tác cùng và làm việc với những yếu nhân, mà bản thân ông cũng là một người hướng mình đến sự hoàn hảo, để đáp lại lòng thương yêu của khán giả dành cho mình.

Ông kể về những lần mua sắm rất nhiều trang phục ở các kinh đô thời trang khác nhau với những nhà thiết kế nổi tiếng, không chỉ vì thích mặc đẹp mà còn vì để tôn trọng khán giả. Ông cũng nói về nỗ lực của mình trong việc tìm ra một lối đi mới, trong việc tiên phong hát các liên khúc, phối trộn chất liệu dân gian cũng như cách hát bày tỏ cảm xúc khác biệt… Chính những điều đó làm nên một Elvis Phương của ngày hiện tại, rằng dẫu chìm nổi theo dòng thời gian ở nhiều bối cảnh khác nhau, thì ông vẫn luôn thích nghi và tìm thấy được lối riêng cho bản thân mình.

Bìa cuốn hồi ký Dòng đời. Ảnh: Phương Nam Books

Xuyên suốt tác phẩm ông đã ví mình như chú ngựa hoang “phóng vào đồng cỏ mênh mông, bát ngát để khám phá biết bao điều mới lạ, được nhìn thấy đủ muôn mặt của cuộc đời này, từ những khuôn mặt khả ố đến những khuôn mặt đẹp đẽ dễ thương, từ những khuôn mặt tính toán thâm hiểm cho đến những khuôn mặt đầy bao dung và nhân hậu…”

Và sau 60 năm vùng vẫy vẫn chưa thấm mệt, cho đến giờ đây, ông vẫn là một tượng đài trong âm nhạc Việt Nam không chỉ trong quá trình làm nghề, mà còn là thái độ sống và lòng bao dung với cuộc đời này. Dòng đời chính là những trải lòng ấy, để "ngựa hoang" giờ đã tìm thấy tình yêu cũng như chính mình.

Nguồn: Người Đô Thị | Minh Anh

Đọc bài viết

Phía sau trang sách

Từ câu chuyện quạ và bình nước đến giải mã bí mật bộ não thiên tài của loài chim

Quyển sách Chim chóc chưa bao giờ ngốc, tác giả sách, nhà nghiên cứu Jennifer Ackerman giúp độc giả hiểu biết thêm vô vàn năng lực kỳ diệu, đời sống hoang dã đầy thú vị của loài chim. 

Published

on

Bạn có biết, loài chim đã tồn tại hơn 100 triệu năm? Chúng thường sử dụng tập quán xây tổ, sử dụng điệu múa… để thu hút bạn tình. Hay chim sáo, vẹt có khả năng bắt chước nói tiếng người, bồ câu đưa thư hoặc những loài chim di cư định vị được chúng đang ở đâu.

Trí thông minh của loài chim trở thành nguồn cảm hứng bất tận để các nhà khoa học thực hiện hàng loạt thí nghiệm. Và trong quyển sách Chim chóc chưa bao giờ ngốc, tác giả sách, nhà nghiên cứu Jennifer Ackerman giúp độc giả hiểu biết thêm vô vàn năng lực kỳ diệu, đời sống hoang dã đầy thú vị của loài chim. 

Vì sao loài chim có trí thông minh vượt bậc?

Trong Chim chóc chưa bao giờ ngốc (Phương Nam Book & NXB Thế giới), nhà nghiên cứu Jennifer Ackerman đã không ngần ngại gọi các đối tượng chim bằng cụm từ “thiên tài”. Vì sao ư? Khi đi sâu nghiên cứu, ghi chép, Jennifer Ackerman nhận định, chim chóc xứng đáng với cái tên đó.

Cũng theo Charles Darwin - nhà bác học, nhà tự nhiên học vĩ đại người Anh, “cha đẻ” của thuyết tiến hóa, từng nói: “Động vật và con người có sức mạnh trí tuệ chỉ khác nhau ở mức độ chứ không phải ở giống loài”. Trong thực tế, bạn từng nhìn thấy chú chim sẻ đang nhặt hạt thóc mang về tổ hay một con chim sáo lục túi rác tìm thực phẩm sót lại. Điều này giúp bạn nhận ra, loài chim học được cách tìm kiếm thức ăn mới. Dấu hiệu cho thấy sự thông minh vượt bậc của loài chim. 

Gần gũi hơn với tuổi thơ chúng ta, câu chuyện ngụ ngôn quạ và bình nước là tiền đề để các nhà khoa học thực hiện các thí nghiệm trên loài quạ. Năm 2014, nghiên cứu về quạ và bình nước tái hiện lại dưới góc nhìn các nhà khoa học ở ĐH Cambridge (Anh) và ĐH Auckland (New Zealand).

Ảnh minh họa

Với nhiều phương án, giống quạ New Caledonian được thí nghiệm ưu tiên chọn đá để thả vào bình thay vì cát, chọn vật rắn chìm dưới nước thay vì vật rỗng nổi trên mặt. Quạ thả vào bình có mực nước cao hơn thay vì bình có mực nước thấp hơn. Từ những hành vi đó, các nhà khoa học kết luận rằng, loài quạ cực kỳ thông minh, nó biết cách sử dụng công cụ lao động theo ý muốn. 

Cũng trong nghiên cứu trên Tạp chí Thần kinh học So sánh (Mỹ), tháng 1/2022, các nhà khoa học so sánh não bộ chim họ quạ với não của gà, chim bồ câu và đà điểu. Họ phát hiện rằng não họ quạ có các tế bào thần kinh dày đặc với hơn 200 đến 300 triệu tế bào thần kinh trên mỗi bán cầu. Điều này cho phép việc giao tiếp hiệu quả giữa các tế bào não của quạ. 

Trong khi đó, loài chim luôn bị nỗi oan ngu ngốc, con người mắng là lũ não ngắn, đồ... não chim. Theo một nghiên cứu năm 2020, tạp chí Science, công bố, não chim không hề ngắn một chút nào. Cụ thể, quạ và các loài chim khác “biết chúng muốn gì và có thể suy ngẫm các ý tưởng trong tâm trí”. Theo tạp chí Current Opinion in Behavioral Sciences, xuất bản năm 2017, nhận định, trí thông minh của quạ có thể ngang bằng với một số loài khỉ và gần với loài vượn lớn (khỉ đột).

Cũng theo nghiên cứu của Viện Khoa học Hàn lâm Quốc gia (Mỹ), các nhà khoa học phát hiện ra rằng, bộ não bé nhỏ của loài chim chứa nhiều tế bào não hơn đa số các loài thú hiện nay. Cụ thể, các chuyên gia đã xét nghiệm tế bào não của 32 loài chim khác nhau, gồm cả quạ, vẹt, đà điểu và cú. Họ sử dụng hệ thống đếm neuron thần kinh. Kết quả thu được, não chim có số lượng tế bào não lớn hơn hẳn các loài thú khác. Ví dụ, loài chim sẻ - trọng lượng bằng 1/9 loài chuột, nhưng tỷ lệ tế bào não nhiều gấp 2,3 lần.

Tuyệt chiêu ‘tỏ tình” sáng tạo của loài chim 

Từ việc quan sát hành vi sống của loài quạ có thể chế tạo công cụ để lấy thức ăn - những thứ chỉ từng nhìn thấy ở các loài vượn lớn. Hay nguyên nhân tuyệt diệt của chim dodo, tác giả sách, nhà nghiên cứu Jennifer Ackerman đi tìm lời giải đáp về thang đo chung trí tuệ của các loài chim. 

Với Chim chóc chưa bao giờ ngốc, Jennifer Ackerman cung cấp kiến thức đời sống hoang dã lý thú đến người đọc. Tác giả trình bày chi tiết những phát hiện, minh chứng, nghiên cứu cũng như kết quả về trí thông minh của loài chim. Việc bộ não loài chim có kích thước nhỏ không tương đồng một cách hoàn toàn với trí thông minh của chúng.

Hơn hết, Jennifer Ackerman dùng các học thuyết riêng biệt để giúp chúng ta hiểu thêm về trí thông minh của loài chim. 8 chương sách là 8 mảnh ghép làm nên những điều mới mẻ về các loài chim. Trong đó, hai chương sách bàn luận về học thuyết tâm trí giao phối. Tác giả đưa ra những lý giải thú vị về các hành vi một vài loài chim mái tìm bạn tình dựa trên cách xây dựng tổ cũng như điệu múa đẹp từ chim trống. 

Vào mùa giao phối, chim trống lượm nhặt, thậm chí giành giật nhiều đồ vật bỏ rơi đủ màu sắc để trang trí nơi ở của mình để thu hút chim mái. Khi đối tượng đến, chim trống nhảy nhót, hót mừng mời vào tổ tham quan. Tổ càng đẹp con mái sẽ càng dễ xiêu lòng hơn. Hoặc có những loài chim khác lại chọn sự đồng điệu thông qua tiếng hót… Hành vi kết đôi thú vị này diễn ra trong thế giới tự nhiên giúp chúng ta thấu hiểu, loài chim cũng rất sáng tạo trong việc tán tỉnh nhau.

Điều đặc biệt của Chim chóc chưa bao giờ ngốc còn nằm ở sự pha trộn tài tình giữa những kiến thức thú vị về cuộc sống của loài chim. Óc quan sát tinh tế, sự ghi chép tỉ mẩn, dày công nghiên cứu về loài chim của tác giả Jennifer Ackerman gói gọn trong hơn 400 trang viết.

Thông điệp từ tình yêu thiên nhiên

Chim chóc chưa bao giờ ngốc còn góp phần giúp độc giả nhí lẫn người lớn hiểu thêm thực tế môi trường sống đang dần biến đổi. Nó ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống con người và sự tiến hóa của loài chim. 

Jennifer Ackerman diễn giải cho chúng ta thấy, các chú chim di cư giờ đây phải đối mặt với việc thức ăn trên biển của mình không đúng mùa. Nhiệt độ môi trường tăng lên, thời gian sinh trưởng của các trật tự sinh học khác đảo loạn. Dẫn đến nhiều loài chim phải chết giữa đường do không tìm được thức ăn. Trong rừng rậm sâu, những con chim mẹ cũng phải đẻ trứng ngược với chu trình ngàn đời tự nhiên, nhằm đảm bảo nguồn sâu phong phú để nuôi nấng thế hệ sau của mình… 

Thông qua Chim chóc chưa bao giờ ngốc, tác giả Jennifer Ackerman mong muốn gửi gắm thông điệp về tình yêu thiên nhiên, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về vấn đề bảo tồn sự đa dạng sinh học của loài chim nói riêng, cũng như đời sống loài động vật hoang dã khác trước thềm tuyệt chủng.

“Não chim có lẽ nhỏ, nhưng rõ ràng là có võ… Chim chóc đã tồn tại trong hơn 100 triệu năm. Chúng là một trong những câu chuyện thành công vĩ đại nhất của tự nhiên…”, Jennifer Ackerman viết.

Bà Trần Nhật Hoàng Phương - Giám đốc Marketing Phương Nam Books - cho biết, nếu như thời gian trước, các dòng sách đa dạng, phong phú theo chiều rộng, thì trong năm 2023, nhiều chủ đề sách sẽ mang tính chiều sâu hơn. Theo đó, Chim chóc chưa bao giờ ngốc - giải mã bộ não thiên tài của loài chim, được trình bày với giọng văn mạch lạc. Từ đó, độc giả sẽ bước vào cuộc phiêu lưu trên từng trang sách.

Tóm lại, Chim chóc chưa bao giờ ngốc - một cuốn sách tuyệt vời dành cho bạn đọc yêu động vật, tò mò khám phá về đời sống tự nhiên. Bởi có quá nhiều điều thú vị sẽ giữ chân bạn lại lâu hơn, để tìm hiểu, để khám phá và yêu hơn những loài chim - một trong những sinh vật có trí thông minh vượt bậc nhất thế giới. 

Đọc bài viết

Phía sau trang sách

Sự hoàn hảo và hạnh phúc: Điều gì quan trọng hơn?

Bạn và tôi cũng chỉ là những cô gái nhỏ trên hành trình tự chữa lành tâm hồn, yêu thương chính mình.

Published

on

phu-nu-dung-kiet-suc-vi-su-hoan-hao

Gửi cậu - cô gái luôn nghĩ mình chưa đủ tốt. 

Dạo gần đây, mình lướt mạng xã hội thấy được rất nhiều những cô gái xinh đẹp, giỏi giang và tràn đầy năng lượng tích cực, mình ngưỡng mộ lắm! Nhưng mình bỗng lặng đi một chút, hàng vạn câu hỏi xuất hiện trong đầu mình: Tại sao bản thân lại không được xinh đẹp, sao bản thân mình toàn chất chứa những tiêu cực, sao mình lại không đủ tốt cơ chứ! Bạn đã từng bị những suy nghĩ ấy bủa vây chưa? Nếu câu trả lời là có, hãy để mình dành cho bạn một cái ôm thật dịu dàng nhé! 

Chỉ cần quan tâm cảm xúc bản thân một chút, bạn sẽ thấy tinh thần tốt hơn. Nguồn ảnh: @Unsplash

Phải là một cô gái đoan trang, một người vợ tào khang, một người mẹ giỏi giang - những tiêu chuẩn hoàn hảo, những áp lực vô hình ấy đã gắn lên người phụ nữ qua bao thế hệ. Ở đây, mình không phủ nhận những tiêu chuẩn ấy là sai trái, mình chỉ nói đến việc phụ nữ chúng mình luôn trong tình trạng thấy quá tải và kiệt sức với mọi việc mình phải làm, nhưng vẫn cứ lo là mình làm chưa “đủ” và luôn trong trạng thái "sức cùng lực kiệt". 

Mình cũng chỉ là cô gái nhỏ trên hành trình tự chữa lành tâm hồn, yêu thương chính mình để thoát khỏi "peer pressure" (Áp lực đồng trang lứa) hay "burn out" (luôn cảm thấy bản thân mình mệt mỏi và vô cùng áp lực). Người bạn đồng hành cùng mình ở hành trình này chính là quyển sách Phụ nữ đừng kiệt sức vì sự hoàn hảo (Emily Nagoski, PhD và Amelia Nagoski Peterson, DMA)

Quyển sách Phụ nữ đừng kiệt sức vì sự hoàn hảo - tác giả Emily Nagoski, PhD và Amelia Nagoski Peterson, DMA

Quyển sách cung cấp độc giả những thông tin khoa học về sức khỏe tâm lý, vừa là người bạn cùng san sẻ những vấn đề xung quanh "cuộc sống phải hoàn hảo" của người phụ nữ. Và chắc chắn bạn sẽ như mình khi bắt gặp chính mình trong quyển sách qua những câu chuyện về cuộc đời, những nỗi đau tâm lý và những lần ngã gục của những người phụ nữ. 

Ba phần của quyển sách Phụ nữ đừng kiệt sức vì sự hoàn hảo tương ứng với ba giai đoạn của sự chữa lành: 

  • Phần 1 - Những điều bạn mang theo: Với mình, đây là chương sách mình phải chạnh lòng và nghiền ngẫm lâu nhất, khi mình phải tự đối mặt với những đám mây tiêu cực - những vấn đề vẫn hằng đeo bám tâm trí người phụ nữ: sự căng thẳng, cạn kiệt cảm xúc, nhìn nhận sai về "ý nghĩa cuộc sống"... qua góc nhìn tâm lý học và khoa học xã hội. Nhưng mình chắc chắn rằng chúng sẽ không hề khô khan mà lại dễ hiểu và gần gũi qua cách dẫn chuyện lôi cuốn của tác giả. 
  • Phần 2 - Kẻ thù thật sự: Phần hai của quyển sách đào sâu vào "chế độ phụ quyền", “hội-chứng-người-biết-cho-đi” và "vẻ đẹp lý tưởng" - vạch trần những kẻ thù đã gây ra những thương tổn trong tâm lý người phụ nữ. Mình cũng rất thích cách tác giả lồng ghép bộ phim Gaslight một cách đầy tinh tế để dẫn chuyện. Cùng với đó, tư tưởng của tác giả không lý thuyết suông rằng kêu gọi phụ nữ hãy yêu thương và chấp nhận bản thân, mà là "kiên nhẫn với cơ thể cũng như cảm giác của bạn về cơ thể mình."
  • Phần 3 - Những điều cần làm: Phần này sẽ trang bị cho bạn những kiến thức để đánh bại "những kẻ thù thật sự", để bạn ngày một trở nên mạnh mẽ hơn và chiến thắng được chúng. Bạn sẽ bất ngờ nhận ra đó là những việc bạn có thể thực hiện hằng ngày, để bạn kết nối, tin tưởng, nghỉ ngơi và bao dung với bản thân mình hơn. 

Cuối mỗi chương, nhóm tác giả đều có tóm tắt ngắn gọn nội dung, giúp mình thống kê lại kiến thức và các "bài tập" thực hành. Khép lại quyển sách chưa đầy 400 trang, mình đã xóa đi được những góc nhìn đầy phiến diện về cuộc sống và cả về chính mình nữa.

Khi ta từ bỏ sự áp lực hoàn hảo là ta đang hạnh phúc. Nguồn ảnh: @Unsplash

Mình không dám nói rằng mình trưởng thành hơn hay hoàn thành chữa lành sau khi đọc xong quyển sách. Nhưng mình đã tự mở ra cho mình một lăng kính mới, một cánh cửa mới cho chiếc tủ eo hẹp nơi tâm trí. Lăng kính của sự tự do và cánh cửa của sự bao dung cho bản thân. Bất cứ sự trưởng thành nào cũng phải đánh đổi bằng tổn thương. Điều quan trọng, cách ta chiến đấu và chữa lành cho đứa trẻ bên trong sau cuộc chiến hay để những đớn đau ấy mãi tuần hoàn.

"Hãy tin tưởng cơ thể của bạn. 
Hãy tử tế với chính mình. 
Bạn như hiện tại là đủ. 
Niềm vui của bạn là quan trọng. 
Hãy nói cho mọi người mà bạn biết."
Mỗi cô gái đều là phiên bản độc nhất và xứng đáng được yêu thương!"

Đọc bài viết

Cafe sáng