Trà chiều

Annyeong: Hơn cả một lời chào

Published

on

“Các bạn vẫn biết Annyeong là ‘Xin chào’ trong tiếng Hàn. Thế nhưng các bạn có biết từ gốc tiếng Hán của nó là gì không? Vốn dĩ câu chào này có một nghĩa hơi khác ‘xin chào’ một chút đấy.”

Cô Linh đã hỏi cả lớp như thế vào ngày đầu tiên của lớp sơ cấp hai tại Trung tâm Ngôn ngữ tiếng Hàn. Khi nghe cô hỏi câu này, tôi hết sức ngạc nhiên vì tôi không nghĩ một câu chào cơ bản, đơn giản như annyeong lại có thể mang một ý nghĩa sâu xa nào đấy. Hơn nữa, tôi vốn tưởng rằng annyeong là từ thuần Hàn, không phải Hán Hàn. Cho đến khi học lớp sơ cấp hai ở thời điểm đó, tôi không quan tâm lắm việc tra gốc từ Hán của những chữ Hàn được học trong lớp. Khi ấy, cả lớp không ai trả lời được câu hỏi của cô. Mọi người im lặng chờ nghe cô giải đáp vì những “tiết lộ” về tiếng Hàn của cô luôn thú vị và khi nói về tiếng Hàn, lúc nào cô cũng tràn đầy sự đam mê, nhiệt huyết.

“Annyeong vốn dĩ xuất phát từ chữ Hán là ‘An ninh’ (安寧) đấy.”

Khi cô vừa nói ra điều này, tôi không thể ngăn bản thân mình “ồ” lên một tiếng. Tôi hết sức ngỡ ngàng, tuy chỉ mỉm cười nhẹ ngoài mặt nhưng thực ra trong đầu tôi đang cười lớn tiếng, cảm giác vô cùng thỏa mãn, hài lòng vì mọi thứ như rơi vào đúng khớp của nó. Annyeong, annyeong, annyeong… Khi đã biết nó đi từ gốc chữ Hán là “An ninh” thì càng đọc càng thấy hợp lí, thấy cách người Hàn phát âm chữ Hán rất gần người Việt. Trong tám tháng ngắn ngủi tôi được học tiếng Hàn, đã không ít lần tôi ngỡ ngàng với việc này. Thế nhưng, trường hợp của chữ Annyeong có lẽ là khiến tôi ngỡ ngàng nhất. Cô Linh giải thích tiếp.

“Annyeonghaseyo là chia động từ sang thể mệnh lệnh của Annyeonghata thôi. Như các bạn đã biết seyo là hãy làm gì đó. Vậy, Annyeonghaseyo nghĩa gốc là, tôi nói từ tiếng Hán luôn nhé. ‘Hãy làm cho bản thân mình an ninh’. Nghĩa là ‘Hãy làm cho bản thân mình an toàn’. Vậy nên cũng có nghĩa là ‘Hãy chú ý cẩn thận’, ‘Hãy giữ gìn sức khỏe’. Nó gần nghĩa với ‘Bảo trọng’ đó. Qua thời gian, dần dần người ta sử dụng nó thành câu chào luôn. Vì vậy, nó có đặc trưng là vừa dùng để chào lúc mới gặp mặt, vừa chào tạm biệt cũng được. Nghĩa là vừa Hello, vừa Goodbye được luôn.”

Tôi thật sự rất rất thích phần giải thích của cô về Annyeonghaseyo. Lời giải thích này đã giúp tôi hiểu ra rất nhiều điều. Khi xem phim Hàn, quả thật tôi có nghe các nhân vật chào nhau lúc mới gặp, lúc tạm biệt đều là “Annyeong”, tuy nhiên tôi cũng không mấy chú ý lắm tới chi tiết này.

Buổi học này đã diễn ra cách đây gần hai năm… Tôi luôn nghĩ rằng tôi sẽ mãi mãi ghi nhớ những điều hay, thú vị cô đã dạy về tiếng Hàn trong lớp. Tuy nhiên, khi thời gian ngày càng chồng từng tầng từng lớp dày đặc mà tôi ngày càng rời xa tiếng Hàn, tôi sợ rằng một lúc nào đó mình sẽ quên hết. Bây giờ, có lẽ cũng đã quá muộn rồi. Kí ức sau hai năm bị biết bao nhiêu câu chuyện từ sách vở, phim ảnh, báo chí, cuộc sống xung quanh ghi đè lên bộ nhớ ít ỏi nên có lẽ phần ghi nhớ về tiếng Hàn không còn nhiều nữa. Vì vậy, dù muộn nhưng tôi vẫn muốn ghi lại được bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Tôi tự trách mình rất nhiều vì ngày xưa sao không chịu ghi chép ngay khi về nhà sau mỗi buổi học. Hầu như, buổi học nào, cô cũng chỉ ra một điều gì đó thú vị.

Nhân vật Oh Sung Moo trong W – Ảnh: MBC

Kể từ khi biết nguồn gốc của Annyeong, khi xem phim hoặc nghe nhạc Hàn, tôi bỗng dưng vô tình chú ý đến chữ này hơn. Lí do khiến tôi nhớ đến Annyeong nhiều như vậy là vì tháng chín vừa qua, tôi rất nghẹn ngào khi nghe một nhân vật nói câu đơn giản này. Đó là Oh Sung Moo trong W. Có lẽ, cũng nên kể một chút về bộ phim, về tình huống ông nói Annyeong và vì sao nó khiến tôi nghẹn ngào như thế khi xem phim. W kể về chuyện tình giữa Kang Chul, một nhân vật truyện tranh và Oh Yeon Joo, con gái của chính tác giả bộ truyện đã tạo nên Kang Chul. Oh Sung Moo chính là người họa sĩ đã vẽ nên bộ truyện W và là bố của Oh Yeon Joo. Khi thế giới W đến hồi kết thúc, đòi hỏi chỉ có thể tồn tại hoặc Sung Moo hoặc Kang Chul, Sung Moo đã quyết định hi sinh để Yeon Joo đến được với Kang Chul. Khoảnh khắc cuối cùng, khi ông lái xe và dừng xe giữa đường để nhìn con gái từ đằng xa, trước lúc ông tan biến, ông đã nói: “Bố yêu con nhiều lắm. Annyeong.” W có rất nhiều cảnh buồn nhưng tôi không khóc ở bất cứ cảnh nào, thế mà vào cảnh đó, tôi cảm thấy cổ họng như nghẹn lại, mắt ươn ướt nước. Bao nhiêu kí ức về chữ Annyeong khi học trong lớp ùa về. Tôi hiểu được rằng khi Sung Moo nói câu chào ấy với Yeon Joo, nó có rất nhiều nghĩa. Đó có thể là lời chào Yeon Joo vì ông đã phải rất cố gắng để chạy xe đến kịp thời nhìn con gái lần cuối. Đó đồng thời cũng là lời từ biệt con. Hơn nữa, còn có thể hiểu nó theo nghĩa “bảo trọng” như gốc của chữ này, rằng “hãy giữ sức khỏe nhé con gái yêu”, “hãy bình yên nhé con gái yêu”. Tuy nhiên, dù dịch sang tiếng Việt hay tiếng Anh thì cũng chỉ có một lựa chọn mà thôi và sẽ lớp mất đi ít nhất một lớp nghĩa. Trong bản dịch tiếng Việt mà tôi xem của phim14 thì subteam dịch là: “Chào con”. Trong bản dịch tiếng Anh mà tôi thử tìm xem của trang Boxasian thì subteam dịch là: “Goodbye”. Ở trường hợp này, tiếng Việt giữ được hai lớp nghĩa là hello, goodbye cùng lúc nhưng sang tiếng Anh thì chữ Goodbye chỉ còn một lớp nghĩa. Thực ra, nếu truy nguồn gốc của chữ Goodbye để ra nó là xuất phát từ chữ: “God be with you” thì ta cũng có thể thấy là bản thân chữ Goodbye có hai lớp nghĩa, nghĩa “God be with you” lại gần giống với nghĩa gốc “hãy chú ý an toàn” của Annyeong. Vậy là, trong cả tiếng Việt và tiếng Anh đều giữ được hai lớp nghĩa của chữ này, trong đó có một lớp nghĩa giống là “Goodbye” (đây cũng là lớp nghĩa chính yếu, quan trọng nhất ở ngữ cảnh này), và một lớp nghĩa khác ở mỗi ngôn ngữ (tiếng Việt thì giữ được thêm nghĩ Hello, tiếng Anh thì giữ được thêm lớp nghĩa Take care). Dù vậy, tôi vẫn nghĩ nếu thực sự hiểu hết các lớp nghĩa của Annyeong thì khi xem phim, đặc biệt là trong cảnh phim W ấy, sẽ rất thấm. Tôi nghĩ rằng nếu ngày hôm đó, cô Linh không giảng giải cho cả lớp biết nguồn gốc của chữ Annyeong, có lẽ khi xem W đến phân đoạn ấy, tôi đã không xúc động như vậy.

Ảnh từ phim You who came from the star

Gần đây, Annyeong lại khiến tôi xúc động trong một ngữ cảnh khác. Khoảng thời gian đọc Chiến tranh và Hòa bình khiến tôi rất nhức đầu. Vì vậy, khi đọc được phân nửa tiểu thuyết đồ sộ ấy, tôi quyết định dừng lại để xem một phim thuần giải trí nhằm xả stress. Tôi không nhớ mình đã suy nghĩ, tính toán thế nào, rốt cuộc tôi lại chọn phim You who came from the star để xem. Thực ra cũng dễ hiểu, đó là một trong những phim góp phần đẩy mạnh làn sóng Hallyu những năm gần đây khi mà phim truyền hình Hàn gây được ảnh hưởng lớn trên toàn châu Á càng ngày càng ít. Tôi rất thích phim You who came from the star ở khía cạnh giải trí, nó khiến tôi có những trận cười thỏa thuê và thực sự nạp lại được năng lượng để tiếp tục đọc Chiến tranh và Hòa bình. Trong You who came from the star, có một bài hát tôi rất thích: đó chính là bài Annyeong do Hyorin trình bày. Có lẽ, vì sợ mất đi lớp nghĩa đặc trưng của Annyeong nên nhà sản xuất phim đã dịch bài này sang tiếng Anh là Hello, Goodbye. Bài Annyeong trong phim là minh chứng rất rõ cho sự đa lớp nghĩa của chữ này. Lợi dụng sự đa lớp nghĩa này, người nhạc sĩ sáng tác đã tạo nên lời bài hát thật xúc động khi dùng phép chơi chữ trong lời. Dưới đây, tôi sẽ trích phần điệp khúc lời bài hát này:

“사랑이 왔는데
그댄 떠난대
기다렸는데
더 볼 수가 없대
늘 바보처럼
흐르는 눈물이 말해
안녕이젠 Goodbye
Hello Hello Hello
Hello Hello.”

“Tình yêu đã đến rồi.
Vậy mà anh nói anh phải ra đi.
Em bảo em sẽ chờ anh.
Nhưng anh lại nói không thể gặp em nữa.
Em như một kẻ ngốc.
Những dòng lệ như muốn nói với em rằng:
Lời chào bây giờ là lời chia tay.
Hello Hello Hello
Hello Hello.”
(tạm dịch từ các bản dịch tiếng Anh tham khảo trên mạng)

Ảnh từ phim You who came from the star

Trong đoạn này, hãy chú ý câu: “안녕이젠 Goodbye”. Trong đó, 안녕 (Annyeong), 이젠 (Ijen là cách gọi tắt của 이제 + 는, có nghĩa: bây giờ). Như tôi đã trình bày ở trên, có thể tạm xem Annyeong có ba lớp nghĩa: Hello, Goodbye, Take care/To be peaceful. Lời bài hát này chính là chỉ định một lớp nghĩa cụ thể cho Annyeong trong ba lớp nghĩa đã biết đó. Tôi tự diễn dịch tâm trạng của cô gái như sau: “Trước đây, chúng ta nói Annyeong khi mới gặp nhau, khi chào tạm biệt nhau, khi dặn dò nhau hãy chú ý cẩn thân. Nhưng bây giờ, anh đã rời xa em rồi. Em hiểu rằng lúc này, giữa chúng ta, Annyeong chỉ có thể là lời chào tạm biệt mà thôi.” Khi xem qua Vietsub bài hát này của những subteam khác nhau trên Youtube, tôi nhận thấy hầu như mọi người đều dịch là: “Lời chào bây giờ là lời chia tay.” Tôi nghĩ rằng đây là một phương án hợp lí vì nó giữ lại được tinh thần gốc trong tiếng Hàn. Subteam dịch ra được tiếng Việt câu này chứng tỏ là dịch trực tiếp từ tiếng Hàn hoặc có am hiểu chút ít về tiếng Hàn chứ không phải dịch thông qua tiếng Anh. Bởi vì, khi đi một vòng dạo qua các trang dịch lời bài này sang tiếng Anh, ở đoạn ấy tôi thấy hầu như đều dịch là: “Goodbye now, goodbye.” Tôi rất bất ngờ khi phát hiện những người dịch đoạn này sang tiếng Anh lại dịch như vậy vì nó không giống lắm tinh thần với câu gốc trong tiếng Hàn. Hơn nữa, thực ra để dịch gần giống nghĩa từ câu tiếng Hàn sang tiếng Anh cũng không phải là khó lắm. Tôi tự hỏi sao họ không dịch là: “Hello is now Goodbye” nhỉ. Sự nghịch lí trong câu này nghe sẽ thú vị hơn “Goodbye now, goodbye” mà. Tuy rằng, trong tiếng Hàn không có ý chỉ sự đối nghịch giữa chủ ngữ – vị ngữ mà chỉ có ý loại trừ bớt nghĩa của chủ ngữ thôi. Dù sao, dịch như thế nào cũng không bằng cảm nhận trực tiếp từ ngôn ngữ gốc.

Vậy là, bài viết của tôi đã đi đến hồi kết thúc. Tôi mong những ghi chép này của tôi không chỉ giúp ích bản thân mình mà còn phần nào giúp ích cho những bạn thích xem phim Hàn, thích nghe nhạc Hàn nhưng chưa thể thu xếp học tiếng Hàn được. Hi vọng, cũng như cô Linh đã truyền cảm hứng cho tôi, tôi cũng có thể truyền một chút cảm hứng cho bạn, giúp bạn thấu hiểu hơn về chữ Annyeong khi xem phim, nghe nhạc. Tôi đã muốn viết bài về chữ Annyeong từ lâu nhưng cứ lần lữa mãi. Hôm nay, nhân dịp đầu năm mới, tôi muốn viết bài này như một sự khởi đầu cho chuỗi bài tôi sẽ viết về tiếng Hàn trong thời gian sắp tới. Vì tôi chỉ học tiếng Hàn trong khoảng thời gian ngắn và đã ngừng học từ rất lâu nên số bài viết có lẽ chỉ rất ít, đếm trên đầu ngón tay mà thôi. Tuy vậy, tôi tự nhủ sẽ cố gắng ghi chép thật cẩn thận, cố lôi ra bằng hết những kiến thức đã được học trong khoảng thời gian vô cùng đáng nhớ ấy. Tôi muốn bằng cách nào đó, dù thật nhỏ bé, bày tỏ lòng biết ơn đối với Trung tâm Ngôn ngữ tiếng Hàn vì đã cho tôi được học tiếng Hàn miễn phí trong khoảng thời gian tám tháng, vì đã chọn tôi, vì đã tin vào những điều tôi hứa khi viết đơn xin học. Có lẽ, điều này với trung tâm, với những thầy cô dạy trong trung tâm không hề quan trọng chút nào; thế nhưng bây giờ, tôi muốn giữ lời hứa đó với chính mình dù đã rất muộn màng rồi. Tôi thật sự muốn một lần nữa sống lại khoảng thời gian vừa đẹp đẽ, vừa cô đơn, vừa vui, vừa buồn ấy khi học tiếng Hàn. Tôi muốn trân trọng đến từng giây phút có mặt tại lớp học dù chỉ là bằng việc viết. Qua từng con chữ tuôn ra khi viết bài này cho đến gần kết thúc, vào lúc này đây, tôi thực sự cảm thấy mình như vừa trải qua một tiết học của cô Linh. Có lẽ, như vậy là đủ rồi.


Vì Annyeong có ba lớp nghĩa như chúng ta đã biết; vậy nên, tôi có thể nói.
Annyeong, nỗi buồn.
Và hi vọng, có thể annyeong niềm vui. Đương nhiên, theo nghĩa là “Hello”.
Annyeong.

Kodaki

Click to comment

Viết bình luận

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Trà chiều

Sứ Đoàn Iwakura đạt Giải thưởng sách Quốc Gia 2024

Published

on

Giải thưởng Sách Quốc gia là giải thưởng do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức hàng năm, trao giải cho những cuốn sách (bộ sách) có giá trị nổi bật về nội dung tư tưởng, tri thức, thẩm mỹ nhằm tôn vinh tác giả, dịch giả, nhà khoa học và người làm công tác xuất bản.

Tối ngày 29.11.2024 tại lễ trao Giải thưởng Sách Quốc gia lần VII, tác phẩm Sứ Đoàn Iwakura - Chuyến Tây Du Khảo Cứu Nhằm Canh Tân Nhật Bản Thời Minh Trị (Ian Nish biên soạn, Nguyễn Hoàng Mai - Nguyên Tâm dịch) hân hạnh được vinh danh giải Khuyến khích.

Sứ Đoàn Iwakura là tác phẩm nghiên cứu tập hợp nhiều tư liệu giá trị, giúp độc giả hiểu rõ hơn về chuyến du khảo nhằm canh tân Nhật Bản thời Minh Trị dưới góc nhìn của người phương Tây. Để có một đường lối phát triển đất nước hoàn toàn mới, người Nhật đã khởi động chuyến công du gọi là Sứ mệnh Iwakura thăm Hoa Kỳ và nhiều nước châu Âu. Đây là một chuyến đi lịch sử có tầm quan trọng đến mức khi nhắc về Minh Trị Duy Tân, người ta lập tức nhớ đến chuyến đi này.

Sách dày 427 trang, gồm 11 chương tổng hợp các bài viết của Ian Nish và 12 chuyên gia trong lĩnh vực quan hệ quốc tế khu vực Nhật Bản và Đông Á. Tám chương đầu, độc giả sẽ cùng phái đoàn đi qua tám cường quốc từ Mỹ, Anh, Pháp, Bỉ, Đức, Nga, Thụy Điển và Italy. Bản ghi chép của những học giả góp phần tái hiện hành trình tìm kiếm “văn minh khai sáng” của sứ đoàn Iwakura tại trời Âu dưới góc nhìn của người phương Tây. Ba phần còn lại trong ấn phẩm là bài phân tích, nhận định của chuyên gia lịch sử, đánh giá tình hình nước Nhật sau chuyến công du.

Để hiểu thêm về một lát cắt lịch sử quan trọng của Nhật Bản, cũng như đọc thêm về chuyến đi được mệnh danh là “Chuyến công du lịch sử thay đổi nước Nhật”, mời bạn tìm đọc sách tại đây hoặc tại hệ thống các nhà sách Phương Nam trên toàn quốc.

Đọc bài viết

Trà chiều

Nhà Sách Phương Nam đồng hành cùng các bạn học sinh tham gia cuộc thi ‘F1 in Schools’

Published

on

F1 in Schools là một giải đấu mang tính giáo dục, cạnh tranh toàn cầu do Formula One kết hợp với chương trình quốc tế STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học). Giải đấu được tổ chức hàng năm dành cho học sinh trung học với mục đích giới thiệu kỹ thuật cho những người trẻ tuổi trong một môi trường thú vị. Mỗi đội thi (từ 3 - 6 học sinh) phải thiết kế và chế tạo một chiếc xe đua Công thức 1 cỡ nhỏ từ Khối mô hình F1 chính thức bằng các công cụ thiết kế CAD/CAM.

Năm 2024, ADUA Racing - đội bao gồm các học sinh cấp 2 của trường British International School Ho Chi Minh City đã vinh hạnh giành được cơ hội tham gia vòng chung kết cuộc thi F1 in Schools ở Dubai, Ả Rập Saudi. Đây là đội duy nhất đại diện Việt Nam tham gia vòng chung kết năm nay.

Những nỗ lực rèn luyện, khả năng sáng tạo, tư duy học tập đáng ngưỡng mộ của các em học sinh trong giải đấu này phù hợp với định hướng và giá trị cốt lõi mà Nhà Sách Phương Nam luôn muốn đem lại cho các bạn đọc và khách hàng trên toàn quốc.

Vì vậy, Nhà Sách Phương Nam hân hạnh trở thành nhà tài trợ đồng hành cùng đội thi ADUA Racing trên hành trình vươn ra thế giới. Nhà Sách Phương Nam hy vọng nỗ lực này sẽ góp phần ươm mầm cho những tài năng tương lai, khuyến khích người trẻ phát triển tư duy độc lập, sáng tạo.

Nhà Sách Phương Nam luôn chú trọng hỗ trợ, khuyến khích thế hệ trẻ phát huy tối đa tiềm năng của bản thân. Bên cạnh đó, hệ thống Nhà Sách Phương Nam vẫn luôn nỗ lực trên hành trình kết nối bạn đọc đến với thế giới tri thức thông qua những cuốn sách hay và các hoạt động ý nghĩa.

Cảm ơn sự ủng hộ của các độc giả và khách hàng đã tạo điều kiện để Nhà Sách Phương Nam tiếp tục đồng hành cùng thế hệ trẻ trên những chặng đường đầy ý nghĩa trong tương lai.

Đọc bài viết

Trà chiều

Sự kiện giao lưu & ký tặng: Bước Qua Nước Mắt, Tự Khắc Trưởng Thành

Published

on

Nhân dịp ra mắt tác phẩm mới Bước qua nước mắt, tự khắc trưởng thành, Nhà Sách Phương Nam và Phương Nam Book phối hợp cùng tác giả Anh Khang tổ chức sự kiện giao lưu và ký tặng vào lúc 16g00, thứ Bảy ngày 16.11.2024 tại sân khấu A – Đường sách TP. Hồ Chí Minh (Nguyễn Văn Bình, P. Bến Nghé, Q.1, TP. HCM).

Bước qua nước mắt, tự khắc trưởng thành là tác phẩm kỷ niệm hơn một thập kỷ viết văn của tác giả Anh Khang. Anh gọi đây là một “cuốn sách làm lành” – thay vì “chữa lành” như cách gọi thường thấy trong xã hội hiện đại. Tác phẩm được chia làm hai phần, mở đầu bằng “Độc thoại” với những dòng tư lự đơn lẻ như tự trấn an “đứa trẻ bên trong đang ăn vạ trên đường trưởng thành”, rồi sang đến “Đối thoại” là những lời tâm can san sẻ cùng Gen Z lẫn Gen Z(à) để tìm sự ủi an. Mỗi câu, mỗi lời tâm tình thủ thỉ đều quá đỗi chân thành, như chính lời tác giả tự nhận thì đây “chính là những ghi chép trong lúc ‘khóc một trận đã đời’, rồi từ nay, chỉ nhìn về phía trước”.

Kể từ khi xuất bản tác phẩm đầu tay Ngày trôi về phía cũ… vào năm 2012, đến nay Anh Khang đã trở thành “tác giả triệu bản” với nhiều tác phẩm nhận được sự đón nhận nồng nhiệt của độc giả. Anh còn được bạn đọc thương tặng tên gọi “nhà văn của những nỗi buồn tuổi trẻ” vì những chia sẻ sâu sắc và đầy cảm thông trong từng trang sách. Sách Bước qua nước mắt, tự khắc trưởng thành đánh dấu sự trở lại của Anh Khang sau 4 năm tạm vắng mặt trên văn đàn, đồng thời cũng là món quà tri ân dành tặng cho thế hệ độc giả đã trưởng thành cùng những bài viết của anh.

Bước qua nước mắt, tự khắc trưởng thành – tác phẩm mới nhất của tác giả Anh Khang do Phương Nam Book liên kết xuất bản.

Đến với sự kiện giao lưu và ký tặng, độc giả sẽ có cơ hội trò chuyện cùng nhà văn Anh Khang và lắng nghe anh chia sẻ về những thăng trầm trong quá trình sáng tác cuốn Bước qua nước mắt, tự khắc trưởng thành. Đặc biệt, sự kiện còn chào đón sự góp mặt của ca sĩ - nhà văn Hamlet Trương.

Giao Lưu & Ký Tặng: Bước Qua Nước Mắt, Tự Khắc Trưởng Thành

  • Thời gian: 16:00 – Thứ bảy, ngày 16.11.2024
  • Địa điểm: Sân khấu A – Đường sách TP. Hồ Chí Minh (Nguyễn Văn Bình, P. Bến Nghé, Q.1, TP. HCM)
  • Vào cửa tự do

Về tác giả: Quách Lê Anh Khang

  • Công việc chính là làm báo, công việc phụ là làm mệt mình bằng những cảm xúc đa mang. Mọi nghề nghiệp đã và đang làm như phóng viên, biên tập viên, PR, MC... đều có vẻ khá nghiệp dư, nhưng lại rất chuyên nghiệp trong vai trò làm “người độc thân nhạy cảm”.
  • Ngày sinh: 11/8
  • Cung Hoàng đạo: Sư Tử (Leo)
  • Cử nhân khoa Báo chí & Truyền thông – Đại học KHXH&NV TP.HCM
  • Sách đã xuất bản:
    • Ngày trôi về phía cũ... (2012)
    • Đường hai ngả, người thương thành lạ (2013)
    • Buồn làm sao buông (2014)
    • Đi đâu cũng nhớ Sài Gòn và... Em (2015)
    • Thương mấy cũng là người dưng (2016)
    • Trời vẫn còn xanh, em vẫn còn anh (2017)
    • Người xưa đã quên ngày xưa (2018)
    • Những năm tháng đó, có tôi yêu người (2019)
    • Thả thính chân kinh (2020)
    • Bước qua nước mắt, tự khắc trưởng thành (mới xuất bản – năm 2024)
Đọc bài viết

Cafe sáng