Trà chiều

Tôi ơi tuyệt vọng đi

Published

on

Tôi nhìn đăm đăm vào màn hình máy tính bốn tiếng liền nhưng không viết được chữ nào. Không viết ra được điều mình nghĩ khiến tôi thấy bất lực. Hoặc viết ra những thứ quá xa với điều mình nghĩ làm tôi thấy mình hèn. Ví dụ thay vì viết: “Tôi khóc cả đêm vì người tôi thích đi chơi với người khác,” tôi viết: “Đôi khi bạn trả giá cho yêu đương bằng nước mắt và những đêm mất ngủ.” Viết vậy không có gì sai mà lại có vẻ triết lý.

Nhưng con heo cũng có thể viết thế (nếu nó biết viết). Nước mắt đó là nước mắt ai khác chứ không phải của tôi. Đau khổ đó là đau khổ của ai khác chứ không phải của tôi. Những người viết trốn sau đại từ nhân xưng ngôi thứ ba là những người không đủ can đảm để diễn đạt mình.

Con người có nhu cầu mãnh liệt để diễn đạt bản thân với thế giới. Một trong những nhu cầu đó là được bộc lộ đau khổ và được lắng nghe. Nhưng vì sao chúng ta thấy khó khăn để diễn đạt tổn thương của mình? Vì sao chúng ta đi ngược bản năng để cố đào sâu chôn chặt những thất vọng của bản thân? Như tôi – dù rất nỗ lực bóc tách cảm xúc của mình – cũng phải gói bọc ý nghĩ “tôi buồn” trong rất nhiều lớp vỏ ngôn từ và tường rào bảo vệ.

Ngày nay chúng ta sống chủ yếu ở hai nơi: văn phòng và mạng xã hội. Mà ở văn phòng không ai là con người. Tôi hay nghĩ có khi nào đồng nghiệp của mình toàn là robot mặc đồ công sở và mang những bộ mặt lịch sự. Không có ai khóc, không có ai nổi điên – trong những tình huống mà không thể phản ứng gì khác ngoài khóc và nổi điên. Nhiều lúc tôi nghĩ hay mình cũng là robot. Yếu đuối ở văn phòng là không chuyên nghiệp. Để đổi lấy năng suất và hiệu quả công việc, chúng ta đã cho đi rất nhiều tính người hoặc toàn bộ tính người. Chúng ta từ chối diễn đạt mình.

Còn mạng xã hội lại cho chúng ta ảo tưởng được diễn đạt bản thân liên tục, qua ảnh selfie đi du lịch, người yêu, công việc, thành tích… Mạng xã hội giống như một Brave New World của Aldous Huxley – nơi mọi người đều tươi cười rạng rỡ và những đau khổ cá nhân đã bị kiểm duyệt. Ít ai dám đau khổ trên Facebook. Vì lẩn khuất đâu đó trong 1.000 bạn bè là 500 nhà đạo đức và 350 kẻ buôn chuyện. Đến khi nào AI của Mark tìm được cách phân loại lúc nào là “add friend,” lúc nào là “add enemy” hay “add gossiper” thì may ra.

Nhưng kể lể về hạnh phúc không có tính an ủi, vì hạnh phúc ngắn chẳng tày gang còn đau khổ thì dài trăm thước. Nói ra được những vật vã mới khiến bản thân khuây khỏa. Do diễn đạt mình sai cách, chúng ta thấy đau khổ. Chúng ta đã đau khổ, nay lại thêm đau khổ vì không diễn đạt được sự đau khổ của mình.

Trên hết, chúng ta đang sống trong một xã hội lên đồng vì hạnh phúc. Con người lúc nào cũng nên tỏ ra hạnh phúc. Không hạnh phúc là dấu hiệu của sự lệch chuẩn, không thể thích nghi với cộng đồng. “Bi ơi, đừng sợ.” “Tôi ơi, đừng tuyện vọng.” “Em hồn nhiên rồi em sẽ bình minh.” Thậm chí có người đứng trên đỉnh thành công cũng từ chối kể về con đường vật vã mà họ đi qua.

Tôi từng phỏng vấn một nhà hoạt động xã hội có tiếng, trước khi về anh dặn: “Anh kể em nghe nhưng đừng viết thất bại của anh vào bài.” Chị biên tập đọc xong bảo nhân vật của em giống Howard Roark trong Suối nguồn. Roark cả đời theo đuổi lý tưởng hành nghề kiến trúc sư thuần túy. Không một phút yếu lòng. Không một phút nao núng. Không một phút nhún nhường. Và không tồn tại trên đời.

Con người thích nghe kể chuyện, vì những câu chuyện có tính gắn kết và tạo dựng niềm tin giữa các cá nhân. Nhưng chẳng giao kết nào được tạo ra nếu câu chuyện của bạn chỉ có một đoạn kết thúc kiểu: “Họ sống hạnh phúc từ đó mãi về sau”.

Cho nên Bi ơi, sợ đi. Tôi ơi, tuyệt vọng đi. Em hoàng hôn rồi em mới (có thể) bình minh. Và nói ra hoàng hôn đó, tuyệt vọng đó, sợ sệt đó.

Đừng để thế giới trở nên một nơi tối tăm, lạnh lẽo, cô đơn hơn vì có ai đó không dám nói rằng mình đã khóc.

Nguyễn Bích Trâm

Click to comment

Viết bình luận

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Trà chiều

Nhà Sách Phương Nam chào đón các đoàn thiếu nhi tham dự Liên hoan “Tiếng kèn Đội ta” năm 2024

Published

on

Liên hoan “Tiếng kèn Đội ta” là hoạt động nhằm tạo sân chơi để gặp gỡ giao lưu, sinh hoạt và nâng cao chuyên môn đối với các đội Nghi lễ, trông kèn thuộc các Cung, Nhà thiếu nhi, Trung tâm hoạt động Thanh Thiếu nhi khu vực phía Nam (từ Đà Nẵng đến Cà Mau) đồng thời cũng là hoạt động ý nghĩa chào mừng 50 năm ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024).

Trong khuôn khổ Liên hoan “Tiếng kèm Đội ta”, ngày 09.08, Nhà Sách Phương Nam - Bình Phú (tọa lạc trong khuôn viên công viên Bình Phú, 10-12 Bình Phú, Phường 11, Quận 6, TP HCM) hân hoan chào đón các em học sinh thuộc các đoàn biểu diễn ghé tham quan, vui chơi và trải nghiệm không gian nhà sách mới.

Đây là dịp để các em được khám phá thế giới sách đầy màu sắc và thú vị tại một nhà sách hiện đại, thoải mái với hàng ngàn đầu sách thuộc mọi lĩnh vực, từ văn học, kinh tế, kỹ năng sống đến sách thiếu nhi. Đặc biệt, trong nhà sách còn có khu vực Phương Nam Book Café, khu vực nhạc cụ Yamaha chính hãng, v.v.. Nhà Sách Phương Nam - Bình Phú là không gian văn hóa giàu cảm xúc, nơi lan tỏa tình yêu sách và gắn kết cộng đồng cư dân quận 6 và các khu vực lân cận.

Liên hoan “Tiếng kèn Đội ta” năm 2024 đã diễn ra thành công với gần 3.000 đội viên và phụ trách Đội tham gia. Nhà Sách Phương Nam rất vui khi trở thành một trong những địa điểm văn hóa nổi bật phục vụ liên hoan.

Đọc bài viết

Trà chiều

Sứ Đoàn Iwakura đạt Giải thưởng sách Quốc Gia 2024

Published

on

Giải thưởng Sách Quốc gia là giải thưởng do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức hàng năm, trao giải cho những cuốn sách (bộ sách) có giá trị nổi bật về nội dung tư tưởng, tri thức, thẩm mỹ nhằm tôn vinh tác giả, dịch giả, nhà khoa học và người làm công tác xuất bản.

Tối ngày 29.11.2024 tại lễ trao Giải thưởng Sách Quốc gia lần VII, tác phẩm Sứ Đoàn Iwakura - Chuyến Tây Du Khảo Cứu Nhằm Canh Tân Nhật Bản Thời Minh Trị (Ian Nish biên soạn, Nguyễn Hoàng Mai - Nguyên Tâm dịch) hân hạnh được vinh danh giải Khuyến khích.

Sứ Đoàn Iwakura là tác phẩm nghiên cứu tập hợp nhiều tư liệu giá trị, giúp độc giả hiểu rõ hơn về chuyến du khảo nhằm canh tân Nhật Bản thời Minh Trị dưới góc nhìn của người phương Tây. Để có một đường lối phát triển đất nước hoàn toàn mới, người Nhật đã khởi động chuyến công du gọi là Sứ mệnh Iwakura thăm Hoa Kỳ và nhiều nước châu Âu. Đây là một chuyến đi lịch sử có tầm quan trọng đến mức khi nhắc về Minh Trị Duy Tân, người ta lập tức nhớ đến chuyến đi này.

Sách dày 427 trang, gồm 11 chương tổng hợp các bài viết của Ian Nish và 12 chuyên gia trong lĩnh vực quan hệ quốc tế khu vực Nhật Bản và Đông Á. Tám chương đầu, độc giả sẽ cùng phái đoàn đi qua tám cường quốc từ Mỹ, Anh, Pháp, Bỉ, Đức, Nga, Thụy Điển và Italy. Bản ghi chép của những học giả góp phần tái hiện hành trình tìm kiếm “văn minh khai sáng” của sứ đoàn Iwakura tại trời Âu dưới góc nhìn của người phương Tây. Ba phần còn lại trong ấn phẩm là bài phân tích, nhận định của chuyên gia lịch sử, đánh giá tình hình nước Nhật sau chuyến công du.

Để hiểu thêm về một lát cắt lịch sử quan trọng của Nhật Bản, cũng như đọc thêm về chuyến đi được mệnh danh là “Chuyến công du lịch sử thay đổi nước Nhật”, mời bạn tìm đọc sách tại đây hoặc tại hệ thống các nhà sách Phương Nam trên toàn quốc.

Đọc bài viết

Trà chiều

Nhà Sách Phương Nam đồng hành cùng các bạn học sinh tham gia cuộc thi ‘F1 in Schools’

Published

on

F1 in Schools là một giải đấu mang tính giáo dục, cạnh tranh toàn cầu do Formula One kết hợp với chương trình quốc tế STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học). Giải đấu được tổ chức hàng năm dành cho học sinh trung học với mục đích giới thiệu kỹ thuật cho những người trẻ tuổi trong một môi trường thú vị. Mỗi đội thi (từ 3 - 6 học sinh) phải thiết kế và chế tạo một chiếc xe đua Công thức 1 cỡ nhỏ từ Khối mô hình F1 chính thức bằng các công cụ thiết kế CAD/CAM.

Năm 2024, ADUA Racing - đội bao gồm các học sinh cấp 2 của trường British International School Ho Chi Minh City đã vinh hạnh giành được cơ hội tham gia vòng chung kết cuộc thi F1 in Schools ở Dubai, Ả Rập Saudi. Đây là đội duy nhất đại diện Việt Nam tham gia vòng chung kết năm nay.

Những nỗ lực rèn luyện, khả năng sáng tạo, tư duy học tập đáng ngưỡng mộ của các em học sinh trong giải đấu này phù hợp với định hướng và giá trị cốt lõi mà Nhà Sách Phương Nam luôn muốn đem lại cho các bạn đọc và khách hàng trên toàn quốc.

Vì vậy, Nhà Sách Phương Nam hân hạnh trở thành nhà tài trợ đồng hành cùng đội thi ADUA Racing trên hành trình vươn ra thế giới. Nhà Sách Phương Nam hy vọng nỗ lực này sẽ góp phần ươm mầm cho những tài năng tương lai, khuyến khích người trẻ phát triển tư duy độc lập, sáng tạo.

Nhà Sách Phương Nam luôn chú trọng hỗ trợ, khuyến khích thế hệ trẻ phát huy tối đa tiềm năng của bản thân. Bên cạnh đó, hệ thống Nhà Sách Phương Nam vẫn luôn nỗ lực trên hành trình kết nối bạn đọc đến với thế giới tri thức thông qua những cuốn sách hay và các hoạt động ý nghĩa.

Cảm ơn sự ủng hộ của các độc giả và khách hàng đã tạo điều kiện để Nhà Sách Phương Nam tiếp tục đồng hành cùng thế hệ trẻ trên những chặng đường đầy ý nghĩa trong tương lai.

Đọc bài viết

Cafe sáng