Chuyện người cầm bút

Tưởng nhớ Rachel Carson – đợi chờ một Mùa Xuân không còn vắng lặng (phần 1)

Published

on

Tại một hòn đảo ở Maine, có một ngôi nhà nằm trên tảng đá sát rìa biển hệt như tổ chim đại bàng. Bên dưới mái hiên sau nhà với lan can sơn trắng là một tảng đá trơn tuột, dốc xuống bãi triều thấp lổn nhổn những rong lươn và tảo gạc hươu. Những con ốc mỡ bám vào đá. Những con vẹm tự kẹp vào nhau. Một con mòng biển đậu trên một tảng đá cỏ dại xù xì, tự rỉa lông và thoải mái nép mình, chống chọi với gió dữ dội đang băng qua mặt nước. Trong khi — trên vách đá — những cây vân sam, linh sam và bạch dương phủ đầy địa y, thở dài kẽo kẹt như những ông già vào một buổi bình minh ẩm ướt.

Ngồi bên chiếc bàn trong ngôi nhà ấy — một chiếc bàn gỗ thông chen vào góc phòng, nơi cánh cửa run rẩy theo từng cơn gió, như thể cầu xin để được mở ra, Rachel Carson viết: “Bờ biển là một lãnh địa cổ xưa”. Rất lâu trước khi Carson viết Mùa xuân vắng lặng — cuốn sách cuối cùng của bà — xuất bản năm 1962, bà đã là một nhà văn nổi tiếng: một nhà khoa học, nhà thơ của biển. Undersea (tạm dịch Dưới biển), bài tiểu luận đột phá của bà, xuất hiện trên tờ The Atlantic năm 1937. Bà băn khoăn: “Ai hiểu biết về biển cả? Không phải tôi, cũng chẳng phải bạn — với lượng tri thức giới hạn trên mặt đất — chúng ta đều không biết về bọt biển và cơn thủy triều dâng tràn qua chú cua đang ẩn mình dưới lớp rong; hoặc bài ca du dương của những cơn sóng dài, chậm rãi giữa đại dương, nơi đàn cá lang thang đi săn và bị săn, nơi những chú cá heo phá sóng để hít thở bầu không khí trên cao.” Đoạn văn mang cho người đọc cảm giác ngây ngất, chìm đắm trong cơn sóng ngôn từ, mớ hỗn độn đầy nước của loài nhuyễn thể, mang cá, giun ống, nhím biển, sinh vật phù du, đẫm nước muối, không cuống, hình cây, thăm thẳm, có gai, phóng xạ, ánh bạc và lân tinh, trong khi đây đó, “những con tôm hùm len lỏi mình trong ánh hoàng hôn bất diệt, với sự thận trọng tinh ranh.”

Mùa xuân vắng lặng không phải là một tác phẩm tầm thường: nó phát động phong trào vì môi trường; thúc đẩy việc thông qua Đạo luật Không khí sạch (1963), Đạo luật Hoang dã (1964), Chính sách Môi trường Quốc gia (1969), Đạo luật Nước sạch và Đạo luật về các loài có nguy cơ tuyệt chủng (1972); dẫn đến việc thành lập Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) vào năm 1970. Trên thế giới, số lượng sách đạt được những thành tựu trên có thể đếm được trên đầu chi của loài sao biển. Tuy nhiên, số sách còn lại của Carson và gần như tất cả tiểu luận của bà đều liên quan đến đại dương. Việc Carson được tưởng nhớ vì một cuốn sách đề cập đến hiểm họa của thuốc trừ sâu thông dụng DDT hẳn sẽ khiến bà ngạc nhiên trong những năm tuổi trẻ, khi bà còn là một nhà nghiên cứu sinh vật biển tại Cục Thủy sản Hoa Kỳ, viết ghi chú về cá-trích-mình-dày, nghiên cứu mũi cá voi với chuyên ngành cao học về cá chình Mỹ.

Carson rất tự hào về Mùa xuân vắng lặng. Mặc dù vậy, thật đau lòng khi thấy tuyển tập vừa ra mắt Mùa xuân vắng lặng và những bài viết khác về môi trường do Sandra Steingraber (Thư viện Hoa Kỳ) biên soạn, không bao gồm bài viết nào của bà về biển cả. Steingraber phàn nàn rằng, “dù những cuốn sách về biển của Carson đôi khi ám chỉ đến các mối đe dọa môi trường, chúng không kêu gọi một hành động cụ thể nào cả”. Và vì thế, chúng bị gạt sang một bên. Tác động chính trị là thước đo kỳ lạ để đánh giá giá trị của một tác phẩm văn xuôi, khi sức mạnh của nó nằm ở kiến thức và xúc cảm kinh ngạc. Trong cuốn sách đầu tiên của mình, Under the Sea-Wind (1941) (tạm dịch Dưới làn gió biển), Carson đã viết, “Đứng ở rìa biển, cảm nhận sự lên xuống của thủy triều, cảm nhận hơi thở của làn sương mù di chuyển trên đầm lầy muối lớn, xem những con chim vút nhanh lên xuống những ngọn sóng đã vỗ vào các lục địa trong hàng ngàn năm, xem những con lươn già và những con cá trích non lao ra biển, là để biết về những điều gần như vĩnh cửu như bất kì dạng sống nào trên trái đất.” Bà không thể viết Mùa xuân vắng lặng nếu trong nhiều thập kỷ, bà không trèo xuống những tảng đá, xắn ống quần và lội xuống hồ thủy triều, suy nghĩ về tác động đổi thay giữa các sự vật, và làm thế nào, “sau hàng thiên niên kỷ, biển ngày càng mặn chát hơn do muối từ các lục địa.” Bà thích nhất đi ra ngoài vào ban đêm, với một chiếc đèn pin, xuyên qua bóng tối đặc quánh.

*

Tất cả các sinh vật đều được tạo ra từ biển, như Carson đã chỉ ra. Bà gọi đó là “người mẹ vĩ đại của sự sống”. Ngay cả các loài động vật có vú trên cạn, với bộ xương cứng như vôi và dòng máu mặn, cũng bắt đầu từ những bào thai bơi trong đại dương. Bản thân bà không biết bơi. Bà không thích thuyền. Trong suốt thời thơ ấu, bà chưa bao giờ ngửi thấy mùi của đại dương. “Tôi đã từng tưởng tượng biển trông như thế nào và tiếng sóng thì sẽ ra sao”.

Carson sinh năm 1907 ở phía tây Pennsylvania, gần sông Allegheny, trong một ngôi nhà gỗ hai tầng ở trang trại rộng sáu mươi bốn mẫu Anh với một vườn lê táo, một sân sau nuôi lợn, ngựa, gà và cừu, một nơi có lẽ không khác lắm với những mô tả trong đoạn mở đầu Mùa xuân vắng lặng:

Đã từng có một thị trấn ở trung tâm nước Mỹ, nơi mọi loài dường như sống hài hòa với môi trường xung quanh. Thị trấn nằm giữa những trang trại trù phú, với những cánh đồng trĩu hạt và những sườn đồi của vườn cây ăn trái, nơi vào mùa xuân, từng đám hoa trắng lững lờ trên những cánh đồng xanh. Vào mùa thu, cây sồi, cây phong và cây bạch dương thắp nên một ngọn lửa rực rỡ sắc màu trên phông nền của những cây thông. Sau đó, cáo sủa trên đồi, nai lặng lẽ băng qua cánh đồng, nửa giấu mình trong màn sương của những sớm mùa thu.

Là con út trong gia đình có ba người con, bà đã trải qua thời thơ ấu lang thang trên cánh đồng và những ngọn đồi. Mẹ bà đã dạy bà tên của các loài động thực vật. Bà đã đọc The Wind in the Willows (Gió qua rặng liễu) và những tác phẩm của Beatrix Potter. Ở tuổi lên tám, bà viết một câu chuyện về hai chú chim hồng tước tìm kiếm một ngôi nhà. “Tôi không thể nhớ nổi, ngay cả khi còn nhỏ, có lúc nào tôi không cho rằng mình sẽ trở thành một nhà văn,” bà nói. “Tôi không biết tại sao.” Những câu chuyện bà viết ở thời niên thiếu đã ghi lại những gì bà khám phá: “tổ của chim cút-mào chen chúc những trứng, tổ chim vàng anh trông như cái nôi lơ lửng trên không, tổ chim cúc cu là bộ khung với những cây gậy, và ngôi nhà phủ đầy địa y của chim ruồi.”

Và sau đó, khói bụi ngành công nghiệp than đá ở Pittsburgh đã xâm chiếm thời thơ ấu của Carson, khi cha bà bắt đầu bán dần từng tấc đất trong trang trại gia đình. Đồng cỏ biến thành cửa hàng. Đó không phải là tai họa đến từ thuốc trừ sâu, nhưng với Carson, đó là sự mất mát cho phép bà viết rõ ràng trong phần mở đầu của Mùa xuân vắng lặng, về số phận của một thị trấn Mỹ giả tưởng bị phun DDT:

Thế rồi, những triệu chứng lạ xuất hiện và mọi thứ bắt đầu thay đổi. Lời nguyền quái ác giáng xuống cộng đồng: những căn bệnh bí ẩn quét sạch đàn gà; bầy gia súc ốm dần rồi chết. Khắp nơi đều là hình bóng của thần chết. Những người nông dân nói về nhiều bệnh tật trong gia đình họ. Trong thị trấn, các bác sĩ ngày càng bối rối trước những loại bệnh tật mới xuất hiện ở các bệnh nhân. Đã có những cái chết đột ngột và không rõ nguyên nhân. Không chỉ người lớn mà ngay cả trẻ con cũng bị tấn công đột ngột khi đang chơi, rồi sau đó vài giờ thì chết.

Carson rời nhà đến Trường Cao đẳng nữ Pennsylvania để học ngành ngôn ngữ Anh. Bà từng gửi những bài thơ cho các tạp chí – Poetry, The Atlantic, Good Housekeeping, The Saturday Evening Post – và có một bộ sưu tập thư từ chối từ họ. Mẹ bà đã bán táo, gà, đồ sứ gia đình để giúp trả học phí và thường đi từ nông trại đến trường đại học mỗi cuối tuần để đánh máy giấy tờ cho con gái mình (sau này bà cũng đánh máy sách của Carson), đặc biệt là vì — giống như nhiều bà mẹ khác — bản thân bà cũng khao khát được học.

Carson, bạn bè vẫn gọi là Ray, đã dự buổi dạ hội của trường vào năm 1928, nhưng chưa từng biểu lộ hứng thú với đàn ông. Tuy nhiên, bà vô cùng say mê giáo sư sinh học của mình, Mary Scott Skinker. Bà đổi chuyên ngành và theo chân Skinker đến Woods Hole trong một dự án nghiên cứu mùa hè. Cuối cùng, bà đã nhìn thấy đại dương. Bà lùng sục trên bờ biển hàng giờ liên tục, lạc vào một thế giới mới, bị mê hoặc bởi từng sinh vật. Vào ban đêm, bà chăm chú nhìn xuống vùng nước ngoài bến tàu để xem sự kết đôi của những con giun nhiều tơ, với những sợi lông lấp lánh ánh trăng.

Carson hoàn thành bằng thạc sĩ động vật học tại Đại học Johns Hopkins và bắt đầu chương trình Tiến sĩ năm 1932. Cả gia đình chuyển đến Baltimore để sống cùng bà: mẹ bà, người cha ốm yếu, chị gái đã ly hôn và hai cô cháu gái còn rất nhỏ. Carson, người làm công ăn lương duy nhất của gia đình, đã làm trợ lý phòng thí nghiệm và giảng dạy sinh học – động vật học tại Johns Hopkins cũng như Đại học Maryland. Khi cuộc Đại Khủng Hoảng (cuộc suy thoái kinh tế 1929 – cuối những năm 1930) ngày càng nghiêm trọng, có thời gian họ phải sống dựa trên những quả táo. Cuối cùng, Carson phải rời trường cao học để nhận một công việc được trả lương cao hơn, trong bộ phận giáo dục cộng đồng của Cục Thủy sản Hoa Kỳ. Bà kiếm thêm tiền bằng cách viết báo cho tờ Baltimore Sun. Người viết tiểu sử của bà, Linda Lear, viết một cách nặng nề, rằng một bài báo của bà viết về trang trại nuôi hàu, trong khi đó “ba bài khác tiếp tục nghiên cứu về cá-trích-mình-dày.”

Cha của Carson qua đời năm 1935. Sau đó hai năm chị bà cũng mất, để lại cho Carson một người mẹ và hai cô cháu gái cần phải chăm nom. Sau đó bà đã nhận nuôi cháu trai của mình, khi cậu bé mồ côi năm bốn tuổi. Những nghĩa vụ này đôi khi khiến Carson nản lòng, nhưng người viết tiểu sử của bà thất vọng gấp đôi. Đối với Lear, tác giả của Rachel Carson: Witness for Nature (tạm dịch Rachel Carson: Chứng nhân của thiên nhiên, 1997) và biên tập viên của tuyển tập Lost Woods: The Discovered Writing of Rachel Carson (tạm dịch Khu rừng đã mất: Những ghi chép được khám phá của Rachel Carson, 1998), nghĩa vụ gia đình — cụ thể là những đứa trẻ — không gì hơn là những gánh nặng “cướp đi sự riêng tư và vắt kiệt năng lượng thể xác lẫn tinh thần.” Lear nói điều này một cách chung chung, như một cách giải thích tại sao Carson không viết nhiều hơn và tại sao ngoại trừ các bài báo cho tờ Sun, Carson chưa bao giờ nộp bản thảo đúng hạn. Nhưng quan tâm đến người khác mang lại những hiểu biết riêng. Carson nhận ra thế giới đẹp đẽ, hoang dại, bản năng và dễ bị tổn thương, mỗi bộ phận gắn liền với nhau không thể tách rời, không chỉ thông qua những nghiên cứu khoa học phi thường mà còn bằng cả đời chăm sóc người già và trẻ nhỏ, lau vầng trán người hấp hối, dỗ các cô bé mồ côi mẹ đi ngủ, hâm nóng bữa tối cho cậu nhóc cô đơn. “Gia đình” thấm đẫm trong những hiểu biết của Carson về thiên nhiên. “Động thực vật hoang dã đang suy giảm vì ngôi nhà của chúng đang bị phá hoại”, bà viết vào năm 1938, “nhưng nhà của các loài hoang dã cũng là nhà của chúng ta.” Nếu bà có ít ràng buộc gia đình hơn, bà hẳn sẽ có ít sự thấu suốt hơn.

-Còn tiếp-

ichigo lược dịch.

Bài viết gốc được thực hiện bởi Jill Lepore, đăng tại The New Yorker.

Chuyện người cầm bút

Elvis Phương: Âm nhạc là sự lựa chọn duy nhất của tôi từ năm 16 tuổi

Ở tuổi này mà Elvis Phương còn nhớ và thuộc gần 100 bài hát thì cuộc đời, kỉ niệm của chính mình làm sao mà quên được.

Published

on

By

Dòng đời là những trang viết trải lòng của danh ca Elvis Phương về chính cuộc đời mình. Hơn 60 năm ca hát, Elvis Phương đã trải qua nhiều thăng trầm để được thành danh và đứng vững trên sân khấu cho đến tận ngày nay. Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về những tâm tư của danh ca Elvis Phương xoay quanh Dòng đời, Bookish đã có buổi phỏng vấn độc quyền với nam danh ca.

Trong quyển hồi ký Dòng đời, Elvis Phương có nhắc đến việc cha mình cấm cản đi theo nghiệp ca hát. Vậy đến thời điểm nào, cha ông nguôi ngoai và chấp nhận việc ông theo đuổi ước mơ ca hát?

Hai năm sau khi Elvis Phương bị ba mình đuổi ra khỏi nhà thì một buổi tối sau khi đi hát xong, lúc trở về nhà nơi Elvis Phương đang mướn và ở cùng với ban nhạc thì thấy má của Elvis Phương ngồi sẵn trong nhà và bà nói: “Ba nói nhớ Phương và muốn con về nhà.” Thế là được trở về nhà. Vui sướng vô cùng vì biết rằng mình sẽ được tiếp tục hát để theo đuổi ước mơ dù má chả nói những điều như mình đã tự nghĩ nhưng cho trở về nhà là chắc cho đi hát rồi…

Được biết, ông là ca sĩ đầu tiên về nước, thời gian đầu, Elvis Phương nhận được tình cảm, sự đón nhận từ khán giả như thế nào? Ông có thể chia sẻ kỷ niệm ấn tượng với khán giả khi về Việt Nam?

Elvis Phương là một trong những ca sĩ về nước rất sớm; từ 1996 rồi 1998 để quay hai cuốn video nhưng mãi đến 2000 mới được hát live lần đầu vào ngày 20 và 21 tháng 5 năm 2000. Cả hai đêm hát đều sold out nhưng điều đáng nói nhất là tình cảm của khán thính giả dành cho Elvis Phương là động lực duy nhất khiến Elvis Phương quyết định mua nhà để được ở lâu dài và mãi đến tận hôm nay. Elvis Phương nhớ và nhớ rất rõ dư âm của hai đêm hát tại nhà hát Bến Thành lúc đó và sự yêu thương của khán thính giả đã làm Elvis Phương choáng ngợp sung sướng; có nhiều gia đình cả ba thế hệ đều đi xem Elvis Phương hôm đó. Sự bày tỏ lòng yêu thương của khán thính giả là một kỉ niệm đẹp cho lần trở về đầu tiên và được hát tại Việt Nam của Elvis Phương.

Ông từng mổ tim, cơn thập tử nhất sinh vào năm 1998, lúc đó ông cũng đã 53 tuổi. Nhưng tại sao, ông không lựa chọn cuộc sống an dưỡng mà tiếp tục sự nghiệp ca hát, hầu như ngày nào cũng đi hát?

Đối với Elvis Phương hát cũng giống như thở và mình phải cần thở mới được sống. Đúng vào tháng 5 năm 1998 Elvis Phương đã trải qua một cuộc giải phẫu tim phải nói là thập tử nhất sinh lúc đó. Elvis Phương đúng 53 năm tuổi mà dòng họ của mình từ ông nội, đến ba và người chú – em của ba – đều mất vào tuổi 53.

Phải nói là cuộc giải phẫu mười phần nguy hiểm nhưng khi được bình phục. Elvis Phương cảm thấy mình như được hồi sinh và niềm khao khát được hát lại cháy bỏng như những ngày đầu… Thế là hát và hát mãi đến tận bây giờ. Sự lựa chọn duy nhất của Elvis Phương từ lúc 16 tuổi đến ngày hôm nay: còn sống là còn hát.  

Sự nghiệp ca hát hơn 62 năm - một quãng đường dài và đồ sộ, khi viết cuốn hồi ký Dòng đời, làm sao ông có thể nhớ lại hết chi tiết cụ thể chuyện nhiều năm đã qua, sau đó xây dựng cấu trúc nội dung mạch lạc, tường thuật cho độc giả?

Elvis Phương không những nhớ một chuyện, mà cả trăm, cả nghìn câu chuyện. Vợ Elvis Phương hay đùa “phải chi Bố nhớ và giữ được tiền như những câu chuyện của đời Bố dù bao nhiêu năm đã trôi qua thì tốt biết mấy.”

Tài liệu và hình ảnh thì còn giữ được nhiều vô số kể. Bây giờ những lúc rảnh rỗi ngoài giờ đi hát thì Elvis Phương lại viết, lại ghi lại. Viết ra để làm gì? Chỉ biết viết vì kỉ niệm cả một đời đi hát thì nhiều quá; có những điều càng nhớ và viết ra thì thấy thú vị vô cùng. Ở tuổi này mà Elvis Phương còn nhớ và thuộc gần 100 bài hát thì cuộc đời, kỉ niệm của chính mình làm sao mà quên được.

Cuộc đời của ông trải qua nhiều thăng trầm. Khi viết xong quyển hồi ký Dòng đời và nhìn lại tất cả một cách hệ thống, ông cảm nhận điều gì là quan trọng nhất trong cuộc sống và sự nghiệp của mình? Chặng đường nào đối với ông là đáng nhớ nhất?

Đáng nhớ nhất là phải nhớ tất cả, vì cuộc đời ca hát của Elvis Phương thật là có quá nhiều thăng trầm. Đọc đi đọc lại Dòng đời, Elvis Phương vẫn thấy, vẫn cảm nhận trong cuộc sống và sự nghiệp của mình, tất cả những chặng đường đã trải qua đều quan trọng.

Có thăng, có trầm mới có Elvis Phương ngày hôm nay. Elvis Phương chưa bao giờ cảm thấy là mình không muốn hát và còn hát thì còn nhớ. Nhớ tất cả để cảm thấy cuộc đời mình còn thật nhiều may mắn. Điều gì cần nhớ thì phải nhớ thôi. Nhất là âm nhạc và những bài hát đã đi theo mình cả cuộc đời…

Cảm ơn những chia sẻ chân tình từ danh ca Elvis Phương. Chúc ông có thật nhiều sức khỏe dồi dào để tiếp tục thăng hoa với âm nhạc.

Danh ca Elvis PhươngMC Minh Đức tại buổi giao lưu, ra mắt sách Dòng đời ngày 9.9.2023
Danh ca Elvis Phương kí tặng bạn đọc tại buổi giao lưu, ra mắt sách Dòng đời ngày 9.9.2023
Đọc bài viết

Chuyện người cầm bút

Lê Nguyễn Nhật Linh: Chiến thắng vẻ vang nhất là khi ta vượt qua chính mình

Việc gì mình muốn làm thì hãy làm và làm với lòng nhiệt huyết hết sức có thể, đừng chờ đợi kết quả vì nhiều khi kết quả còn hơn cả mong đợi của mình. Có lòng, dốc sức thì sẽ được toại nguyện.

Published

on

Sáng ngày 27.8, tại Đường Sách TP. Hồ Chí Minh đã diễn ra buổi giao lưu cùng tác giả Lê Nguyễn Nhật Linh – chị đã có ba tựa sách do NXB Trẻ phát hành được tái bản nhiều lần: Đến Nhật Bản học về cuộc đời, Nín đi con, Giá ngày tháng ấy có người hiểu tôi.  

Nhắc đến Lê Nguyễn Nhật Linh, bạn đọc hẳn sẽ thường nhớ đến tác phẩm Đến Nhật Bản học về cuộc đời của chị. Quyển sách này đến nay đã đạt đến con số gần 30.000 bản in. Bên cạnh đó, chị Lê Nguyễn Nhật Linh còn là một nhà thiết kế kim hoàn rất thành công.

Quyết tâm trở thành người tốt vì đã được gặp nhiều người tốt

Tại buổi giao lưu, Nhật Linh không chỉ chia sẻ về những trải nghiệm xoay quanh tập tản văn Đến Nhật Bản học về cuộc đời mà còn có những chia sẻ sâu sắc về cuộc sống, tâm lý, con đường lập nghiệp và sáng tác. Một số bạn đọc đến tham dự tại buổi giao lưu chia sẻ rằng những dòng chị viết cả trên sách lẫn trên mạng xã hội đã đem lại những giá trị tích cực, trở thành nguồn động viên lớn với những ai đang trải qua giai đoạn khó khăn trong cuộc đời.

Ở phần chia sẻ những cảm nhận về nước Nhật, Nhật Linh cho biết, đối với chị, năng lượng của nước Nhật là hòa khí. Năm 16 tuổi, lần đầu tiên đến Nhật, chị đã có một ước mơ và quyết tâm: chị muốn mình trở thành người tốt vì đã gặp được rất nhiều người tốt ở Nhật; tuy có những người chị chỉ có cơ hội được gặp họ một lần, nhưng chị vẫn nhớ mãi sự tử tế và ấm áp ở họ. Giai đoạn ấy, chị đã dốc hết lòng phấn đấu vì: “Khi đại diện cho một quốc gia đến một quốc gia khác, bạn sẽ muốn nỗ lực cố gắng nhiều hơn; bởi lẽ khi đó, sự phát triển của bản thân sẽ trở thành sự phát triển của quốc gia.”

Trước câu hỏi tại sao những trang viết của Nhật Linh chắt lọc rất nhiều trải nghiệm sâu sắc về cuộc sống, có phải là do cuộc đời chị đã quá chông chênh, Nhật Linh chia sẻ rằng sự chông chênh đó không phải là câu chuyện của riêng chị. Bất cứ một người trẻ tự lập nào bước vào hành trình cuộc đời thì con đường đều sẽ có ít nhiều chông gai. Bản thân chị đã từng có những cột mốc nghĩ rằng mình trầm cảm. Vào năm đầu tiên học đại học, khi phải xa cha mẹ, quê hương – sự thay đổi môi trường đột ngột khiến chị chông chênh. Giai đoạn thứ hai là khi chị đi du học ở nước Nhật. Đây cũng là sự thay đổi môi trường nhưng ở mức độ tàn khốc hơn. Sự mất thăng bằng thường xuyên khiến chị cạn kiệt về năng lượng. Bây giờ – khi đã vượt qua và nhìn lại thời điểm đó – chị nhận ra rằng mỗi độ tuổi có một áp lực khác nhau và ta phải chiến đấu với nó. Nếu muốn sống một cuộc đời như mơ thì phải nỗ lực, mà bản thân sự nỗ lực vốn dĩ đã không phải là một điều đơn giản. “Khi chúng ta chiến đấu với chính mình và chiến thắng thì đó mới là chiến thắng vẻ vang nhất,” chị chia sẻ.  

Có lòng, dốc sức thì sẽ được toại nguyện

Bên cạnh Đến Nhật Bản học về cuộc đời, Lê Nguyễn Nhật Linh còn có một tác phẩm khác cũng đặc biệt không kém là Giá ngày tháng ấy có người hiểu tôi với đề tài về trầm cảm. Chị Linh cho rằng khi phải thường xuyên ở trong tình trạng không ai hiểu mình, người ta sẽ dễ mắc bệnh trầm cảm. Bất kì ai cũng có thể rơi vào giai đoạn phải đối mặt với cảm giác không được thấu hiểu này. Nguyên nhân chỉ đơn giản là vì ta không thể chia sẻ với người khác. Khi cứ để tình trạng này tiếp diễn thì nếu ở mức độ nhẹ nhàng, ta sẽ thấy nó chỉ là một khối đá; còn nếu ở mức độ nặng nề, nó sẽ trở thành khối u. Và nếu không tìm cách thay đổi, ta sẽ rơi xuống đáy. Mỗi người lại có một cái đáy khác nhau. Ta phải luôn quan sát những cảm xúc của bản thân để ý thức được rằng những điều ấy có ổn không.

Để tháo gỡ cảm giác đó, chị Linh cho rằng rất khó đúc kết thành vài từ khóa ngắn gọn. Mỗi chúng ta là những thế giới khác nhau. Có những người chỉ vài ngày thôi là đã đi qua được một biến cố. Nhưng có những người lại mất cả vài tháng, hay thậm chí là vài năm. Không có một công thức chung nào cả, nhưng nếu chúng ta cố gắng giữ ý thức thấu hiểu bản thân thì sẽ tìm được cách tháo gỡ. Bước đầu tiên là phải đặt câu hỏi cho bản thân – đây là một hình thức tự trò chuyện với chính mình để tìm giải pháp. Nếu như đến chính ta còn không muốn nói chuyện với ta thì làm sao có thể trông mong người khác sẽ đến giúp ta giải quyết vấn đề.

Hãy đặt thật nhiều câu hỏi khi chúng ta mắc kẹt trong những vấn đề của bản thân. Nhưng cách đặt câu hỏi rất quan trọng. Khi biết cách đặt câu hỏi đúng thì ta mới có thể tìm được câu trả lời then chốt. Những câu hỏi nên có sự cân bằng giữa lí trí và cảm xúc; nếu là chuyện liên quan đến người khác thì cần tránh suy diễn mà cố gắng trực tiếp hỏi đối phương. Khi đã đến cái đích của sự rõ ràng, ta sẽ tránh được tình trạng rối tung rối mù. Sau đó là đến giai đoạn quyết định. Mọi quyết định của chúng ta đều có thể sai và đúng, không thể lúc nào cũng đúng được. Nhưng nếu đã quyết định sai thì hãy cố gắng học nhiều nhất từ cái sai đó. Quá trình này sẽ giúp ta hiểu được nhiều hơn về bản thân. Và một khi đã hiểu bản thân, ta sẽ có thể học được cách hiểu và giúp đỡ người khác.

Cuối buổi giao lưu, Nhật Linh bật mí rằng Đến Nhật Bản học về cuộc đời sẽ được dịch sang tiếng Nhật, dự kiến xuất bản ở Nhật vào cuối năm nay. Chị cũng đưa ra lời khuyên cho những bạn trẻ từ kinh nghiệm nghề nghiệp của mình rằng: “Việc gì mình muốn làm thì hãy làm và làm với lòng nhiệt huyết hết sức có thể, đừng chờ đợi kết quả vì nhiều khi kết quả còn hơn cả mong đợi của mình. Có lòng, dốc sức thì sẽ được toại nguyện. Nếu không đặt trái tim mình vào công việc đã lựa chọn mà chỉ làm hời hợt qua loa thì sẽ không có kết quả như ý.”

Hoàng Đức Nhiên

Đọc bài viết

Chuyện người cầm bút

Kazuo Ishiguro: Lộ trình đọc cho người mới bắt đầu

Published

on

Nhà văn người Anh gốc Nhật Kazuo Ishiguro là một trong những tác giả Anh ngữ được giới chuyên môn đánh giá cao nhất hiện nay: cây bút 68 tuổi này đã hai lần được vinh danh trên tạp chí Granta chuyên đề Những tiểu thuyết gia trẻ nổi bật nhất ở Anh năm 1983 và 1993; và sau đó, hành trang của ông lần lượt có thêm giải Booker, Nobel, và tước hiệp sĩ.

Đối diện với văn nghiệp đồ sộ của Kazuo Ishiguro, hẳn không ít người băn khoăn nên bắt đầu đọc từ tác phẩm nào trước. Bài viết dưới đây được dịch từ The Guardian sẽ cung cấp cho người đọc một lộ trình hợp lí để khám phá thế giới của Kazuo Ishiguro.

Điểm xuất phát

Hai cuốn tiểu thuyết đầu tiên của Ishiguro là Cảnh đồi mờ xámMột họa sĩ phù thế đều có mối liên hệ trực tiếp đến gốc gác Nhật Bản vốn ít nhiều đã trở nên xa lạ với nhà văn – gia đình ông chuyển đến nước Anh khi ông mới năm tuổi và ông không về thăm lại Nhật Bản trong suốt gần 30 năm, dù đến thời điểm đó ông đã là một tác giả có tiếng tăm. Cả hai cuốn tiểu thuyết đều khai thác góc nhìn của Ishiguro về những con người chiêm nghiệm lại cuộc đời mình trong nỗi hoang mang, tiếc nuối, để lại cho độc giả nhiều suy ngẫm.

Cả hai đều là tác phẩm chất lượng, cuốn sau có sự cải thiện so với cuốn đầu tiên, nhưng chính ở cuốn tiểu thuyết thứ ba cũng có cùng chủ đề mới thực sự đúng nghĩa là điểm khởi đầu để tiếp cận văn nghiệp của ông: tiểu thuyết Tàn ngày để lại.

Tàn ngày để lại kể câu chuyện về Stevens – một quản gia người Anh với tất cả mọi hàm nghĩa của từ này: tận tụy, chỉn chu, trung thành, và trên hết, luôn luôn có một ý thức mãnh liệt về phẩm giá nghề nghiệp. Mong muốn cải thiện chất lượng phục vụ tại dinh thự và chấm dứt những sa sút hiện tại, Stevens dấn thân vào một cuộc hành trình đi qua Miền Tây nước Anh. Mỗi chặng trên cuộc hành trình mở ra một cánh cửa nối về quá khứ, và dần dà hành trình ấy làm hé lộ những mất mát và nuối tiếc theo sau những ảo tưởng của một đời người.

Lạ lùng thay, Tàn ngày để lại vừa bi vừa hài, “vừa đẹp đẽ vừa tàn nhẫn,” như lời nhận xét của Salman Rushdie. Tác phẩm này đã thắng giải Booker và bản phim chuyển thể với sự góp mặt của ngôi sao Anthony Hopkins và Emma Thompson cũng được đánh giá là thành công khi có đến tám đề cử Oscar.

Ishiguro thừa nhận rằng ông đã viết cùng một cuốn tiểu thuyết đến những ba lần, để ngày càng tiệm cận hơn đến điều ông muốn truyền tải. Kết quả là một cuốn sách hoàn hảo về mọi mặt đã ra đời.

Chặng thử thách

Sau khi đã đạt được thành công với chủ đề vừa nêu trên, ở cuốn tiểu thuyết kế tiếp, nhân vật chính của Ishiguro không phải là một người nhìn về quá khứ nữa, mà đang ở giữa nguồn cơn hoang mang. Tiểu thuyết The Unconsoled kể về nhạc công Ryder, anh đến một vùng nào đó ở trung tâm châu Âu để tham dự một buổi hòa nhạc, nhưng rồi mọi thứ xung quanh anh lại biến hóa khôn lường. Nếu so sánh với ba tác phẩm đầu tiên của Ishiguro thì có thể nhận thấy cuốn tiểu thuyết này vận hành theo nguyên tắc của một giấc mơ vì thời gian, không gian và nhân dạng thường xuyên thay đổi. Những người đầu tiên đọc quyển sách này đã phải thất kinh, James Wood – cây bút phê bình của tờ The Guardian cũng nằm trong số đó – nhận xét rằng quyển sách này đã “tự mở ra một thể loại tồi tệ”. Nhưng đây cũng chính là tác phẩm thể hiện rõ ràng nhất quan điểm sâu sắc của Ishiguro về việc không ai trong chúng ta thực sự biết cuộc đời mình sẽ đi về đâu; điều đó khiến nó càng mang dáng dấp của một kiệt tác hơn, với bầu không khí Kafka thời đương đại.

Tiểu thuyết ở giai đoạn hậu Nobel

Khi thắng giải Nobel năm 1948, nhà thơ TS Eliot từng phát biểu rằng: “Giải Nobel là một tấm vé tiễn người ta đến thẳng huyệt mộ của mình. Chẳng có ai làm thêm được gì cả sau khi nhận giải.” Ishiguro thắng giải Nobel Văn chương năm 2017; lúc đó, ông đã viết một bài diễn văn nhận giải dễ thương, khiêm tốn có nhan đề là My Twentieth Century Evening and Other Small Breakthroughs (Tạm dịch: Buổi xế chiều trong thế kỉ thứ hai mươi của tôi và những bước đột phá nho nhỏ khác). Năm kế tiếp sau đó, ông được phong tước hiệp sĩ.

Tiểu thuyết Klara and the Sun (Tạm dịch: Klara và Mặt trời) xuất bản năm 2021 không có dấu hiệu nào cho thấy rằng Ishiguro đã trở thành một người hữu danh vô thực hay một nhà hiền triết đạo mạo. Người kể chuyện lần này (toàn bộ tiểu thuyết của Ishiguro đều được viết ở ngôi thứ nhất) là Klara, một AI hoạt động dựa trên nguồn năng lượng mặt trời, cô ngây thơ nhưng trung thành, được mua về để dốc hết lòng chăm sóc cho một cô bé. Giống như những tác phẩm khác của Ishiguro, tiểu thuyết này cũng có văn phong trung tính, điềm tĩnh, không bao giờ đi thẳng vào những sự kiện được đề cập; tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể cảm nhận rõ những sự kiện ấy và thấy đau lòng. Một lần nữa, nó tạo ra dư chấn theo lối khác thường mà không một tiểu thuyết gia nào làm được ngoài Ishiguro.

Nếu như bạn chỉ có thể đọc một tác phẩm, đó sẽ là…  

Thoạt đọc qua nội dung, tiểu thuyết Mãi đừng xa tôi có vẻ như thuộc thể loại khoa học viễn tưởng: tác phẩm kể về những bản sao vô tính, được tạo ra chỉ với mục đích duy nhất là để hiến tạng cho đến chết. Tuy nhiên, câu hỏi cốt lõi được đặt ra là tất cả chúng ta phải chọn cách sống như thế nào khi đều biết rằng thời gian của ta là giới hạn và không ai thoát được án tử.

Kathy, Ruth và Tommy xuất thân từ một ngôi trường đặc biệt: trường nội trí Hailsham. Những con người ở đó đều có chung một số phận được định đoạt. Họ chấp nhận số phận, nhưng vẫn khát khao trì hoãn. Với giọng điệu bình thản như mặt biển sóng ngầm, câu chuyện kể về một hiện thực đáng sợ diễn ra trong một thế giới “giả tưởng”, nhưng cũng không xa lắm thế giới “thật tưởng” mà chúng ta đang sống. Câu chuyện ám ảnh chúng ta bởi tiếng kêu đau đớn đến xé lòng về tình yêu và hạnh phúc. Nó buộc chúng ta phải suy nghĩ lại về giá trị Người của chính mình.

Hoàng Đức Nhiên dịch

Đọc bài viết

Cafe sáng