Phía sau trang sách

Túm Cám Ngộ – “Con Túm bây giờ lười như lợn, mẹ con nhà Cám mới hiền cơ.”

Bạn biết đến phuongnambook với thể loại sách gì, cuốn sách nào?

Published

on

Tôi cá là đa phần mọi người biết đến Phương Nam Book với những cuốn sách về đạo Bụt và tinh thần sống thuần khiết của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, những Tủ sách tinh hoa như Nắng tháng tám, những cuốn sách đạt giải như Đừng nói chúng ta không lợi quyền, Thế giới mới tươi đẹp, tản văn của Anh Khang hay Phạm Lữ Ân,… Nhưng hôm nay, tôi xin giới thiệu với các bạn một thể loại mới (thú thật, đây cũng là lần đầu đọc tôi thể loại này do Phương Nam ấn hành luôn), đó là… truyện tranh, một cuốn truyện tranh có cái tên lạ đời: Túm Cám Ngộ của tác giả Ngộ Sam.

Cuốn sách “hân hạnh” có sự xuất hiện của các nhân vật:

– Mỡ Mỡ trong vai Túm Mỡ, tưng tửng và mê kem đến quên trời đất.

– Dâu Dâu trong vai Cám Dâu, hung dữ, đành hanh nhưng đành lép vế trước bà chị Túm Mỡ quyền lực.

– Nụ Nụ trong vai dì ghẻ, dù khó tính và ở ác như mọi bà dì ghẻ khác nhưng vẫn phải cầu cứu sự viện trợ từ ông Bụt để dạy dỗ Túm Mỡ.

– Ngộ Sam trong vai Bụt, là tác giả câu chuyện.

– Lì Lì trong vai Thái tử Lì, miêu soái ca giỏi võ, chủ nhân của cung điện nhưng chẳng hiểu sao mê Túm Mỡ đến ngây dại.

Cùng một số diễn viên quần chúng khác.

*

Tuổi thơ tôi gắn liền với cổ tích, những câu chuyện ngày xửa ngày xưa mẹ thường hay kể. Những hôm mất điện, cả nhà lại quây quần ngoài sân, nhìn mẹ vừa phe phẩy quạt mo cau, vừa kể nào là Sọ Dừa, Tấm Cám, Thạch Sanh,… Đó có thể cũng là may mắn của tuổi thơ tôi.

Hôm nay, một ngày trời nắng khá gắt, nắng mùa hè của vùng đất miền Trung, tôi nhận được một cuốn truyện tranh 12+, chính là cuốn sách tôi vừa đề cập đến –Túm Cám Ngộ – với cái bìa vàng ươm rực rỡ như nắng. Nói sao nhỉ, tôi đã đọc xong nó trong vòng ba mươi phút, để bây giờ gõ những dòng chữ này, hy vọng nếu có dịp, các bạn sẽ mua nó về để đọc thử và cảm nhận cổ tích dưới góc nhìn hiện đại.

Bạn biết đến truyện cổ tích Tấm Cám như thế nào? Thầy cô đã dạy bạn rằng Tấm hiền, mẹ con dì ghẻ xấu xa độc ác luôn tìm cách hại Tấm, ông Bụt luôn xuất hiện giúp đỡ Tấm, nhà Vua luôn tìm kiếm bóng hình Tấm qua những lần nàng đầu thai chuyển kiếp? Thế mà ngạc nhiên chưa, đến với Túm Cám Ngộ, mới nhan đề thôi mà đã thấy khang khác rồi. Sao lại là Túm Cám? Tấm không phải Túm, giỡn hoài, rồi còn mớ tên Cám Dâu, Lì Lì gì gì đó kia nữa!

Bình tĩnh nào, đây là chỉ là một câu chuyện chuyện thiếu nhi đầy tiếng cười được lấy ý tưởng từ cốt truyện Tấm Cám thôi mà. Sự sáng tạo không bao giờ có giới hạn, và trong cuốn sách này cũng vậy. Dưới góc nhìn khác, các nhân vật bây giờ là các con vật với cá tính hoàn toàn khác biệt. Thời thế thay đổi rồi, Túm Mỡ (tiền thân là Tấm) chẳng phải làm việc gì cả vì “Túm Mỡ kia chẳng biết làm cái vẹo gì”, việc nhà đổ hết lên đầu mẹ con Cám. Bụt bây giờ cũng không phải thấy Túm khóc là xuất  hiện “Vì sao con khóc?”; Bụt cũng hiện đại và “trả treo” hẳn ra. Người đầu thai chuyển kiếp qua nhiều lần là Bụt chứ không phải Túm. Túm gặp vua trong hoàn cảnh không phải ở lễ hội mà là khi cứu Cám khỏi ngục tù để được ăn kem. Cái cớ mà Cám vào tù nó cũng ngộ lắm. Vua thì đeo đuổi Túm suốt mà Túm chẳng chịu ưng thuận (sau cùng thần kỳ thế nào mà họ cũng lấy nhau). Ngôn ngữ hiện đại, tình tiết mới lạ, những câu phát ngôn độc đáo đã tạo nên chất riêng trong việc viết và vẽ lại cổ tích. Có lẽ nó không trung thành với tinh thần nguyên thủy của chuyện cổ tích Tấm Cám, nhưng nó thể hiện sự sáng tạo không ngừng nghỉ của tác giả, của những con người thời hiện đại khi họ không ngần ngại diễn dịch chất liệu xưa sang một ngôn ngữ hoàn toàn mới.

Tôi kể người nghe chuyện Túm Cám,
Ngày xửa ngày xưa đã xa rồi,
Con Túm bây giờ lười như lợn,
Mẹ con nhà Cám mới hiền cơ.

*

Năm bài học nhỏ rút ra từ câu chuyện tưởng chừng vô thưởng vô phạt này

Ngày xửa ngày xưa, dì ghẻ bảo Tấm và Cám ra đồng bắt cá, ai bắt được nhiều hơn sẽ được thưởng yếm đẹp. Bây giờ, nếu muốn Túm ra ruộng bắt cá, phần thưởng phải là một trăm kí kem! Cám thích kẹo dừa, Túm lại thích kem nên khi ra bờ sông, chỉ có mỗi Túm định bắt, còn Cám lại không – Cám nhảy xuống sông tắm. Bài học đầu tiên tôi rút ra là nếu phần thưởng không như ta mong đợi, ta sẽ không cố gắng vì nó.

Khi Thái tử gặp Túm, chàng ta hỏi xin nào là số điện thoại, nào là “phây búc”, đã thấy hiện đại chưa? Thái tử Lì tuyển vợ bằng cách thử áo, nhưng thái tử cũng nhây dữ lắm nên có ai muốn làm vợ chàng ta đâu! Đến tận lúc treo thưởng thêm cho người đến thử là được ăn kem thỏa thích thì Túm mới chấp nhận đi “bán thân”. Trong truyện cổ tích xưa, nếu Tấm muốn đi hội phải lựa gạo nếp và gạo tẻ, thì ngày nay, Túm phải lựa… mắm ruốc với mắm tôm ra. Mắm thì làm sao lựa được chứ! Không phải lo, Túm phủi tay, nhẹ nhàng phán: “Mình thích thì mình… đi thôi”, rồi ra chợ mua một mớ mắm về, cho vào hai cái thau khác nhau để trình thành quả cho dì ghẻ, thế là xong nhiệm vụ khó nhằn! Bài học thứ hai là khi ta thực sự muốn làm điều gì đó, ta sẽ tìm được cách, quan trọng là phải động não, không hiền lành chính chuyên được thì phải lươn lẹo dùng mẹo.

Nãy giờ kể về Túm cũng nhiều rồi nhỉ, bây giờ qua ông Bụt hiền lành, tốt bụng luôn giúp người đây. Thật ra, ông Bụt phiên bản này toàn “gieo nghiệp” không thôi. Đặc biệt, người chuyển kiếp đầu thai là ông Bụt, mà người hại ông Bụt chết là con Túm. Hành trình đầu thai của Bụt cũng lắm bi hài, đầu tiên là thành chim cánh cụt, sau đó là cây vú sữa, yêu quái,… Bài học thứ ba là kiếp này là tốt nhất rồi, không biết có kiếp sau không, nếu có cũng chưa biết có tốt không, nên cứ sống cho tốt kiếp này đi.

Ở hoàng cung, vì nhớ Túm mỡ nên thái tử Lì quyết định đi tìm “tình yêu xe lu” của chàng. À mà, Túm không phải xinh đẹp đâu, đã mập, xấu mà còn “hôi nách thấy bà nậu”. Nhưng các bạn biết vì sao thái tử Lì lại chết mê chết mệt và luôn nhớ về Túm không? Là vì Túm có cá tính của Túm. Chúng ta khi sinh ra ai cũng có một cá tính riêng biệt như một bảng mã gen độc nhất vô nhị. Mỗi con người mỗi sở thích, mỗi con người mỗi lối sống, mỗi con người mỗi cách nghĩ. Điều khác biệt làm nên mỗi cá nhân; chúng ta sống, tồn tại vì cái riêng biệt đó chứ không nên phấn đấu để thành một thứ bản sao trùng lặp và đáng chán. Vì vậy, bạn hãy tự hào rằng “Tôi là một, là riêng, là duy nhất”. Bài học thứ tư là con gái không cần phải quá xinh đẹp mà phải có cá tính (khí chất) của riêng mình. Chỉ cần bạn là chính bạn thì tự nhiên bạn có giá và cuốn hút người khác rồi.

Khi thái tử sai cận thần đi tìm “tình yêu xe lu” là Túm thì chàng đã nhờ đến sự giúp sức của trái lê với điều kiện tìm được Túm sẽ cho trái lê 500k, lê lại tiếp tục nhờ chuối “Mi tìm giúp ta thùng phuy di động đi! Ta cho mi 200k đi ăn trái cây dĩa nè”. Cái vòng nhờ vả lại tiếp tục khi chuối nhờ “Cà chua, mi tìm giúp ta cái container di động đi, ta cho mi 100k nè”, “Bưởi, tìm giúp tui nhà của cái bồn di động đi tui cho 50k nè”,… Bài học thứ năm rút ra là “tam sao thất bản”, miệng thế gian từ một có thể lên đến mười, từ tìm cô Túm đến thùng phuy, qua cả container cuối cùng là xe tăng. Nên khi nghe thông tin từ ai đó hay đọc ở đâu đó thì cũng phải có tính chọn lọc và suy xét cho thật kĩ, coi nó có bao nhiêu phần đúng. Bên cạnh đó, khi ai đó nhờ cậy có trả công thì có thể nhờ thêm người khác, nhiều người khác, phần thưởng sẽ nhỏ hơn nhưng khả năng nhận được thưởng sẽ lớn hơn.­

*

Nãy giờ cũng spoil khá nhiều rồi, tôi vẫn hay nói với bạn mình: spoil là tội ác nên thôi, ác vừa vừa là được, các bạn muốn biết thì tìm đọc thêm nhé! Rất thú vị đấy.

Nếu bạn bận rộn với deadline, chẳng ngẩng nổi mặt nhìn bầu trời, đến thời gian chợp mắt cũng không có, bao áp lực cuộc sống cứ ghì xuống đôi vai, bài vở làm hoài chẳng hết,… chẳng sao cả! Bạn biết không, dù áp lực đến đâu thì mục đích cuối cùng của cuộc sống, của những phấn đấu của chúng ta là hạnh phúc, mà hạnh phúc theo định nghĩa của mỗi người lại khác nhau.

Vì thế, tôi nghĩ dành ra ba mươi phút hay một tiếng mỗi ngày với những cuốn truyện tranh vui nhộn lại giúp thư giãn hơn, đó là một lựa chọn khá hay đấy. Truyện viết cho thiếu nhi không hẳn chỉ có thiếu nhi mới đọc được, người lớn cũng từng là thiếu nhi mà.

Vì cuộc sống cần quá nhiều thứ phải nghiêm túc, lề lối, khuôn phép mà những thứ đó lại luôn làm ta áp lực, chúng ta cố gắng vì điều gì, làm mọi thứ vì điều gì mà đến cả thời gian nghĩ ngơi chẳng có, chúng ta sẽ, đã phải luôn cố gắng mà, tất nhiên rồi. Dành ba mươi phút đọc sách, dành năm phút nhìn lên bầu trời lúc chiều tối, dành mười phút đi dạo quanh công viên hay hiên nhà,… mọi thứ sẽ có thời gian trầm lặng và ta có thể cảm thấy nhiêu điều hay ho mà trước đây ta chưa từng thấy đấy.

Sao bạn không một lần thử?

Hết.

Hoàng Anh


Đọc những bài viết của Hoàng Anh


Phía sau trang sách

Tư duy tích cực tạo thành công: Chìa khóa dẫn đến sự thịnh vượng

Published

on

Tác phẩm Tư duy tích cực tạo thành công của Napoleon Hill và William Clement Stone là một cẩm nang hữu ích cho bất kỳ ai muốn đạt được thành công trong cuộc sống. Cuốn sách không chỉ cung cấp những nguyên tắc và chiến lược hiệu quả để phát triển bản thân mà còn truyền cảm hứng giúp người đọc có một thái độ tích cực hơn trong cuộc sống.

Tư duy tích cực tạo thành công là một tác phẩm kinh điển về chủ đề phát triển bản thân, đã truyền cảm hứng cho hàng triệu người trên khắp thế giới kể từ khi xuất bản lần đầu tiên vào năm 1959, khẳng định vị trí là một trong những tác phẩm self-help bán chạy nhất mọi thời đại. Cuốn sách vén màn bí mật về sức mạnh của tư duy tích cực, giúp người đọc khai phá tiềm năng bản thân và đạt được những thành tựu phi thường trong mọi lĩnh vực của cuộc sống.

Tìm kiếm hình mẫu thành công làm ngọn đuốc soi sáng

Để có thêm động lực và định hướng rõ ràng cho bản thân, tác giả gợi ý rằng người đọc có thể xây dựng cho riêng mình một hình mẫu thành công từ những câu chuyện về người thật, việc thật trong sách báo. Khi dành thời gian tìm hiểu về hành trình của họ, những khó khăn họ đã trải qua và cách họ vượt qua những thử thách đó, ta sẽ có thể biến kinh nghiệm của họ trở thành ngọn đuốc soi sáng cho con đường của chính mình.

Bên cạnh đó, người đọc còn có thể chọn một bức ảnh có ý nghĩa đặc biệt với mình để đặt câu hỏi khi nhìn bức ảnh đó rồi lắng nghe câu trả lời từ chính tâm thức bật ra. Bức ảnh ấy có thể là hình ảnh về mục tiêu ta muốn đạt được, về một giá trị sống mà ta trân trọng, hoặc đơn giản là một khoảnh khắc đẹp trong cuộc sống. Chẳng hạn, nếu người đọc muốn mua nhà nhưng chưa có đủ tài chính thì có thể chọn bức ảnh về một mái ấm khang trang để ngắm nhìn và tự đặt câu hỏi rằng mình phải làm gì để đạt được số tiền sở hữu căn nhà đó. Không phải lúc nào câu trả lời cũng đến ngay lập tức, nhưng việc cụ thể hóa mục tiêu bằng một hình ảnh rõ ràng sẽ giúp người đọc tăng cường ý chí nỗ lực.

Ngoài ra, niềm tin chính là nguồn động lực mạnh mẽ giúp mỗi người vượt qua mọi khó khăn và chinh phục mục tiêu. Trong Tư duy tích cực tạo thành công, có một công thức thường được lặp lại nhiều lần để người đọc ghi nhớ là: “Khi con người người nghĩ đến và tin tưởng vào điều gì, họ sẽ có thể đạt được điều đó với thái độ tích cực.” Đây cũng là một biện pháp tự truyền cảm hứng.

Hai mặt của tình thế bức bách: Thành công hay tội ác?

Tư duy tích cực tạo thành công nhấn mạnh tầm quan trọng của tính lương thiện trong hành trình chinh phục thành công. Cuốn sách khẳng định rằng thành công đích thực không chỉ dựa trên kết quả mà còn phải dựa trên phương tiện đạt được kết quả đó. Một người có thể đạt được thành công bằng mưu mô, thủ đoạn, nhưng đó chỉ là thành công giả tạo, thiếu bền vững và không mang lại hạnh phúc thực sự.

Ngoài ra, tác giả cũng bàn về vai trò của tình thế bức bách: nó như một con dao hai lưỡi, có thể đưa con người đến đỉnh cao thành công hoặc vực sâu tội ác. Tình thế bức bách là phép thử cho bản lĩnh, đạo đức và thái độ của mỗi cá nhân. Khi đó, thành công hay thất bại đều tùy thuộc vào thái độ:

Thái độ tích cực: Khi đối mặt với nghịch cảnh, người có thái độ tích cực sẽ biến nó thành cơ hội để học hỏi, rèn luyện và phát triển bản thân. Họ kiên trì nỗ lực, tìm kiếm giải pháp sáng tạo và không bao giờ bỏ cuộc. Nhờ vậy, họ có thể vượt qua mọi khó khăn và gặt hái thành công.

Thái độ tiêu cực: Ngược lại, người có thái độ tiêu cực sẽ dễ dàng gục ngã trước nghịch cảnh. Họ chìm trong lo âu, sợ hãi, nghi ngờ bản thân và tìm kiếm lối thoát bằng những hành vi sai trái. Hậu quả là họ đánh mất bản thân, vướng vào vòng xoáy tội ác và tự hủy hoại cuộc đời.

Từ đó, cuốn sách đưa ra hai công thức đơn giản nhưng đầy ý nghĩa:

Tình thế bức bách + Thái độ tích cực = Thành công
Tình thế bức bách + Thái độ tiêu cực = Tội ác.

Cân bằng cảm xúc, rèn luyện tư duy và đặt mục tiêu hiệu quả

Cảm xúc và lý trí đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống, mỗi người cần học cách cân bằng hai yếu tố này để đưa ra những quyết định sáng suốt. Đôi khi, ta cũng nên lắng nghe tiếng nói con tim và hành động theo những gì mình mong muốn. Chẳng hạn, khi phải lựa chọn giữa một công việc ổn định và theo đuổi đam mê, ta cần cân nhắc kỹ lưỡng cả hai yếu tố cảm xúc và lý trí: ta thường dùng lý trí để đánh giá khả năng thực tế của bản thân, nhưng cũng đừng quên lắng nghe tiếng nói con tim.

Bên cạnh đó, tác giả cho rằng mỗi ngày, chúng ta chỉ cần dành 1% thời gian để nghiên cứu, suy nghĩ, lập kế hoạch là đã có nhiều cơ may tạo ra sự khác biệt để vươn đến thành công. Theo ước tính, một ngày có 1440 phút, 1% sẽ tương ứng với 14 phút. Trong 14 phút đó, nếu ta chú tâm suy nghĩ kế hoạch cho những gì mình muốn làm, ta sẽ dần hình thành được thói quen có thể suy nghĩ sáng tạo mọi lúc, mọi nơi: khi rửa chén, lúc ngồi trên xe bus, hay thậm chí là khi đang tắm.

Ngoài ra, đặt mục tiêu là bước đầu tiên và quan trọng nhất trên kế hoạch chinh phục thành công. Mục tiêu rõ ràng sẽ giúp bạn tập trung nỗ lực, đưa ra quyết định sáng suốt và duy trì động lực để đạt được ước mơ. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách đặt mục tiêu hiệu quả. Dưới đây là bốn điều quan trọng cần ghi nhớ khi đặt mục tiêu:

1. Viết mục tiêu ra giấy: Khi viết mục tiêu ra giấy, bạn sẽ buộc bản thân phải suy nghĩ cẩn thận về những gì mình muốn đạt được. Việc này giúp bạn tập trung và ghi nhớ mục tiêu tốt hơn.

2. Đặt mốc thời gian: Mốc thời gian giúp bạn chia mục tiêu lớn thành những mục tiêu nhỏ hơn, dễ quản lý hơn. Việc này giúp bạn có động lực để hoàn thành từng bước và tiến đến mục tiêu cuối cùng.

3. Đặt tiêu chuẩn thật cao: Khi đặt tiêu chuẩn cao, bạn sẽ buộc bản thân phải nỗ lực hết mình và phát huy tiềm năng tối đa.

4. Đặt mục tiêu cao: Mục tiêu cao sẽ giúp bạn có tầm nhìn xa và thúc đẩy bạn không ngừng phát triển.

Nhìn chung, Tư duy tích cực tạo thành công đã mang đến cho người đọc những bài học quý giá về sức mạnh của tư duy tích cực trong việc gặt hái thành công và hạnh phúc. Hãy nhớ rằng, thành công không phải là đích đến mà là hành trình. Hành trình chinh phục thành công bắt đầu từ việc nuôi dưỡng tư duy tích cực. Ta cần tin tưởng vào bản thân và những điều kỳ diệu mà cuộc sống có thể mang lại. Từ đó, ước mơ sẽ thành hiện thực bằng chính những hành động mà ta lựa chọn ngay từ hôm nay.

Hoàng Đức Nhiên

Đọc bài viết

Phía sau trang sách

Tình yêu đích thực từ góc nhìn của Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Published

on

Trong vô vàn những định nghĩa về tình yêu, quan điểm của Thiền sư Thích Nhất Hạnh về “tình yêu đích thực” được trình bày trong cuốn tiểu luận True Love đã mang đến một sự giản dị, mộc mạc nhưng lại ẩn chứa sức mạnh lay động tâm hồn sâu sắc.

Tình yêu là một trong những chủ đề muôn thuở của nhân loại, luôn ẩn chứa sức hút mãnh liệt và khơi gợi những cảm xúc dạt dào. Nhưng không phải ai cũng hiểu được bản chất của tình yêu. Trong True Love, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã kể lại câu chuyện Thiếu phụ Nam Xương, rồi từ đó rút ra một kết luận mà thoạt nghe sẽ có vẻ vô cùng đơn giản nhưng càng ngẫm nghĩ thì ta càng thấy sự đơn giản ấy chính là vẻ đẹp của minh triết.

Thông điệp ý nghĩa từ ba câu khẳng định trong tình yêu

Đối với thầy, câu chuyện Thiếu phụ Nam Xương có kết cuộc đau lòng là vì người chồng đã không chịu lắng nghe người vợ, anh cứ gạt phăng lời vợ nói, cơn nóng giận đã che mờ tình yêu và cả lí trí. Vợ anh cũng đã không cố gắng hơn để giải thích rõ ràng cho anh hiểu. Chính vì vậy, cả hai người đều không thực sự hiện diện khi ở trước mặt đối phương, họ ở đó nhưng không thực sự ở đó, mà ở trong khoảnh khắc khác, trong những chiều không gian khác. Bi kịch của họ đơn giản chỉ là như thế.

Từ đó, Thiền sư Thích Nhất Hạnh rút ra kết luận là tình yêu thực sự chỉ đơn giản nằm gói gọn trong ba câu sau đây: “Anh ở đây. Em ở đây. Và anh ở đây vì em.” (I’m here. You’re here. And I’m here for you.)

Câu khẳng định đầu tiên mang hàm ý rằng anh đang ở đây ngay giây phút này khi đối diện với em, bằng trăm phần trăm con người anh, không hề có sự tản mác, phân mảnh đi bất cứ nơi đâu. Một điều tưởng chừng đơn giản nhưng thực ra trong cuộc sống bộn bề lo toan này, việc một người có thể tập trung hoàn toàn tinh lực của mình khi đối diện trước một người mà không bị vướng bận tâm trí bởi điều gì khác cũng thật khó khăn.

Câu khẳng định thứ hai là sự tiếp nối ý từ câu đầu tiên. Anh ở đây, và em cũng đang ở đây. Anh ghi nhận sự tồn tại của em, em ghi nhận sự tồn tại của anh. Vì em cũng đang ở đây cùng anh trong giây phút này nên em không cô đơn, em không tản mác, em không phân mảnh.

Câu khẳng định cuối cùng là một sự quả quyết mạnh mẽ: Anh ở đây, anh dành hết trăm phần trăm sự tồn tại của mình ở đây là vì chính em, không vì ai khác cả. Vậy nên, em có thể yên tâm mà thổ lộ tất cả mọi điều với anh, vì trong giây phút này, hai ta đều cùng hiện diện.

Thông qua đó, ba câu khẳng định này có thể diễn dịch lại thành thông điệp phổ quát như sau:

“I’m here”: Khẳng định sự hiện diện trọn vẹn của bản thân, tập trung toàn bộ sự chú ý và tinh thần vào người mình yêu thương. Trong cuộc sống bận rộn, việc dành trọn vẹn tâm trí cho đối phương là điều không dễ dàng, nhưng lại vô cùng quan trọng để xây dựng một mối quan hệ bền vững.

“You’re here”: Ghi nhận sự tồn tại của đối phương, trân trọng và thấu hiểu cảm xúc, suy nghĩ của họ. Khi cả hai cùng “ở đây”, họ sẽ cảm nhận được sự kết nối sâu sắc, chia sẻ và đồng hành trong từng khoảnh khắc.

“And I’m here for you”: Thể hiện sự cam kết, dành trọn vẹn tình yêu và sự quan tâm cho người mình yêu thương. Lời khẳng định này mang đến sự an toàn, tin tưởng và là động lực để cả hai cùng vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống.

Ba câu khẳng định tưởng chừng đơn giản nhưng lại là chìa khóa cho một tình yêu đích thực. Khi cả hai cùng thực hiện được điều này, họ sẽ tạo dựng được một mối quan hệ bền chặt, hạnh phúc và viên mãn.

Chìa khóa cho một mối quan hệ tốt đẹp

Để thực sự “ở đây”, mỗi người cần học cách chánh niệm, tập trung vào hiện tại, gạt bỏ những lo toan, phiền muộn và dành trọn vẹn sự chú ý cho đối phương. Khi ta thực sự “ở đây”, ta sẽ cảm nhận được trọn vẹn vẻ đẹp của người mình yêu thương, thấu hiểu những cảm xúc và suy nghĩ của họ. Tình yêu đích thực không chỉ là những khoảnh khắc lãng mạn, mà còn là sự cam kết và hy sinh cho nhau. Khi yêu thương ai đó, ta sẵn sàng dành thời gian, tâm sức và cả những hy sinh để cùng nhau xây dựng hạnh phúc.

Giao tiếp là yếu tố quan trọng trong bất kỳ mối quan hệ nào. Lắng nghe cởi mở và thấu hiểu là cách để hai người kết nối tâm hồn, chia sẻ những cảm xúc, suy nghĩ và vun đắp tình cảm ngày càng sâu sắc.

Tình yêu đích thực không phải là điều viển vông hay khó kiếm tìm. Nó ẩn chứa trong chính những khoảnh khắc bình dị của cuộc sống, chỉ cần ta biết trân trọng và gìn giữ. Ba câu khẳng định của Thiền sư Thích Nhất Hạnh là lời nhắc nhở nhẹ nhàng nhưng sâu sắc về cách để vun đắp và nuôi dưỡng một tình yêu thương bền chặt, viên mãn.

Hoàng Đức Nhiên

Đọc bài viết

Phía sau trang sách

Cuộc gặp của những dòng chảy

Published

on

By

Trong tập truyện Trôi, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đã kéo những số phận riêng lại gần với nhau, từ đó cho thấy con người dẫu có ở đâu, sống đời thế nào… cũng là một phần của dòng trôi nổi.

Vừa quen vừa lạ

Là tác giả nổi tiếng với các truyện ngắn, tiểu thuyết có bối cảnh miền Tây Nam Bộ, Nguyễn Ngọc Tư đến với người đọc bằng sự giản dị, chân phương hệt như tính cách người dân nơi đây. Tác phẩm của chị thường mang tâm trạng trầm buồn, khi mà số phận buộc những nhân vật - thường là phụ nữ phải trải qua nhiều biến cố có phần ngang trái.

Gồm 13 truyện ngắn, Trôi đánh dấu cho hành trình mới của Nguyễn Ngọc Tư khỏi vùng châu thổ mà chị quen thuộc. Cuốn sách lướt qua câu chuyện của rất nhiều người ở nhiều cảnh ngộ khác nhau, từ nông thôn đến thành thị, từ mặt đất đến trên không, từ hiện thực đến siêu thực... thoạt nhìn có vẻ phi lý, thế nhưng càng đào sâu thêm vào từng dòng chữ, ta đều sẽ thấy mọi thứ trong cuộc đời này đều được liên kết, tương tác với nhau.

Nhân vật của nữ nhà văn trong tập sách này không còn ở trong vùng đất Thổ Sầu đậm tính sông nước, mà đã chuyển sang những khu phố thị hoặc là vô danh. Việc bỏ lai lịch của các nhân vật cho ta thấy rằng Nguyễn Ngọc Tư đã dám mạnh mẽ bước ra “cái kén” từ trước đến nay, để nói về những câu chuyện và những số phận mang tính phổ quát, có thể xảy ra với bất cứ ai và không ngừng lại.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư

Sở hữu cách viết điềm tĩnh, thận trọng, Nguyễn Ngọc Tư cho thấy tài năng quan sát và khắc họa nó lên trên trang viết. Các truyện trong tuyển tập này không hề cường điệu hay có chủ đích tạo sự kịch tính, mà lại êm đềm như một dòng chảy. Các tình huống được tác giả hóa giải một cách hợp lý, có khi theo đúng logic cơ học, nhưng cũng đôi lúc ẩn sâu là những liên kết buộc các độc giả tự mình tìm cách giải đáp…

Hiểu theo một nghĩa nào đó, Trôi đưa người đọc đến sự thấu hiểu chính bản thân mình. Như cách các nhà triết học của chủ nghĩa khắc kỷ đã từng bảo rằng, bởi ta không thể kiểm soát những gì xảy đến với bản thân mình, nên hãy thay đổi góc nhìn để thấu hiểu nó. Tập truyện ngắn này hướng đến những thứ tích cực, để ta thấy đời vẫn còn những màu đẹp đẽ trong mỗi ngày qua.

Đó cũng đồng thời chính là chữ “duyên” vốn thường xuất hiện trong văn hóa phương Đông, để ta biết rằng cái gì cũng có lý do, và khi thay đổi được suy nghĩ đó, những điều trôi qua đều có giá trị. Chính bởi điều này mà cuốn tiểu thuyết cũng đến rất gần Hành lý hư vô, Hong tay khói lạnh… vốn dĩ là những tản văn cũng có thông điệp tương tự như thế mà nữ nhà văn đã cho ra mắt trong các năm qua.

“Trôi là tin mừng”

Trở lại sau tập truyện ngắn Cố định một đám mây và cuốn tiểu thuyết Biên sử nước, có thể thấy rằng những đặc trưng cũ vẫn còn hiện diện trong tác phẩm này. Đó là những cuộc gặp gỡ cũng như cơ duyên như từ trên trời rớt xuống. Trong dòng chảy của số phận ấy, tất cả nhân vật gắn bó với nhau theo một cung cách hết sức lạ kỳ, thế nhưng ẩn chứa đâu đó họ vẫn có một sợi dây liên hệ và không thoát được khỏi tầm ảnh hưởng của nhau.

Sự trôi của Nguyễn Ngọc Tư cũng đã hiện diện ở nhiều chi tiết. Nó có thể mang nghĩa vật lý – như lục bình trôi, như dòng đời trôi; nhưng cũng có khi vô cùng tượng hình – như sự dịch chuyển của vũ trụ này, trong tình cảm con người và mối nối gắn họ với chính cuộc sống. Tác giả như đã trả lời câu hỏi: tồn tại hay không tồn tại để ta hiểu rằng: “Những cái vé xe đò, tàu hỏa hoặc máy bay đều có mùi của nơi chốn mà chúng đưa con người ta tới”.


Trong đây có chàng trai trẻ thích nghìn người khác nằm ngủ, có người đàn ông mà cả đời mình không bước khỏi cửa, có người mà võng là thứ “vật bất ly thân”… Ngoài ra cũng có một cặp vợ chồng “thắp lửa giữa trời”, có cả những cuộc gặp gỡ gần như không tưởng, xoay quanh chỉ một món nợ mà người trong cuộc cũng không thể biết mình nợ thứ gì…

Những tưởng họ vốn bất động trong cuộc đời mình, những tưởng những hành động ấy gần như phi lý, xác suất xảy ra gần như bằng không… Thế nhưng ở một giao điểm nào đó của số phận, họ đã gặp nhau và cùng vẽ nên bức tranh đời người. Xét cho đến cùng, tất cả chúng ta đều đang trôi nổi trên một dòng chảy – dòng chảy cuộc đời – theo chiều không ngừng mở rộng của cả không gian cũng như thời gian.


Nhà văn Ba Lan đoạt giải Nobel Văn chương 2019 - Olga Tokarczuk mà Nguyễn Ngọc Tư cũng đã nhắc đến trong một truyện ngắn, đã từng viết rằng: “Năng lượng của tôi sinh ra từ chuyển động – từ rung chuyển của ô tô buýt, từ tiếng gầm của động cơ máy bay, từ sự chòng chành của phà và tàu hỏa”. Dù muốn dù không thì sự xê dịch luôn luôn ở đó, đòi hỏi con người cứ thế tiến lên, cũng như nhìn nhận một cách tích cực về những điều mà bản thân gặp phải.

Như một câu văn trong truyện cùng tên: “Chẳng có cuộc trôi nào là vô tình hết, bản thân sự nổi trôi là thông điệp, tín hiệu, thư mời của chân trời”. Qua tác phẩm này, người đọc bỗng chốc nhận ra mình thuộc về “xứ không đâu”, nơi người với người cùng nhau tương tác, mỗi một cá thể sẽ lại tác động lên ai đó khác. Từ đó kêu gọi một sự sẻ chia cũng như đồng cảm trong cuộc đời này.

Đọc bài viết

Cafe sáng