Trà chiều

Một lít nước mắt (2005)

Gửi đến những bạn đã hoặc đang có suy nghĩ bi quan giống tôi. Hãy yêu đời nhé.

Published

on

Tôi đã khóc thật nhiều khi xem bộ phim 1 Litre of Tears. Khóc bắt đầu từ tập 8 cho đến cuối tập 11. Có lẽ, tập khiến tôi khóc nhiều nhất là tập 11. Tôi khóc hầu như suốt 45 phút. Lần đầu tiên, tôi coi phim mà phải bấm nút pause nhiều đến như vậy. Không phải bấm pause để dò từ điển mà là bấm pause để tôi có thể… khóc. Tôi khóc lúc nào mà chẳng hay… đến khi biết được thì nước mắt đã tràn ra quá nhiều làm nhòe cái mắt kiếng. Tôi phải dừng lại cũng là để lau mắt kiếng, lau những giọt nước mắt đang chảy dài trên khoé mắt.

Khóc… khóc nhiều đến nỗi tôi có cảm giác chưa bao giờ tôi được khóc thoải mái như thế. Đã một năm rồi tôi không khóc. Tôi còn nhớ lần cuối cùng tôi khóc đó là khi tôi ở ngay trước ghế đá của văn phòng đoàn trường mình. Trước đó, tôi đã đứng ở ngoài sân một vài phút để khóc trong mưa, để nước mưa có thể lau đi những giọt nước mắt của tôi. Ừ… thì đúng là nó đã lau thật. Nhưng rồi chỉ một vài phút sau khi ngồi vào băng ghế đá… tôi lại khóc tiếp tục.

Lần đó… tôi cứ ngỡ là mình sẽ không bao giờ khóc được nữa. Cho dù từ đó tới nay, đã có rất nhiều chuyện buồn xảy đến với tôi, tôi cũng đã đọc… đã coi thêm rất nhiều câu chuyện buồn nhưng…vẫn không khóc. Thật là một lời cảm ơn kì lạ nhưng… tôi vẫn muốn cảm ơn 1 Litre of Tears vì đã cho tôi khóc, cho tôi những giọt nước mắt để tôi biết hóa ra những nỗi đau mà mình đã gánh chịu còn nhẹ hơn mây trời…

Chọn một con đường dài cũng không phải là một việc quá ngốc

Nếu như tôi có thể làm một bông hoa, tôi sẽ chọn làm một nụ hoa trước tiên. Tôi sẽ quí trọng tất cả mọi giây phút bắt đầu của tuổi trẻ…

Khi xem 7 tập đầu, tôi cứ ngỡ mình là người cứng rắn vì tôi đã không khóc một chút gì cả trong khi tôi nghe dân tình trên mạng nói là họ khóc suốt bộ phim. Nhưng rồi… không ngờ… cuối cùng nó cũng đã đánh gục tôi ở tập 8.

Tuy những tập trước đó tôi không khóc nhưng mà khi xem vẫn cảm thấy rất buồn. Ngay từ tập 1 đã thế.

Aya cùng với Haruto được phân công làm người đại diện cho lớp (có thể hiểu nôm na là lớp trưởng, lớp phó). Có một buổi lễ của trường mà mỗi lớp phải chọn ra một bài nhạc để trình diễn. Đương nhiên là Aya và Haruto phải có trách nhiện về việc này nhưng khi Aya hỏi ý kiến,  ai trong lớp cũng từ chối việc tham gia.

Khi xem đến đoạn đó, tôi như thấy được hình ảnh của mình trong đó. Mà không phải chỉ mình tôi, tôi nghĩ hầu hết (không phải là toàn bộ) các học sinh đều không mấy nhiệt tình khi tham gia vào các phong trào chung của lớp. Đặc biệt là khi học cấp III, do bận bịu việc học, ai cũng sợ rằng tham gia vào các hoạt động như thế thì sẽ mất đi quỹ thời gian học tập quí báu của mình. Hậu quả là mỗi khi lớp có phong trào gì thì cũng chỉ có một thành phần nhất định trong lớp năng nổ tham gia. Đó là một thực tế mà lớp nào cũng có, trường nào cũng có. Đặc biệt với Nhật lại càng đúng khi có thành ngữ “ 4 đậu, 5 rớt” dành cho các học sinh cấp III. Nghĩa là một học sinh nếu một ngày chỉ ngủ 4 tiếng thì sẽ đậu đại học còn nếu như ngủ từ 5 tiếng trở lên thì sẽ rớt đại học.

Đáng lẽ ra, Aya chỉ cần ôm công việc một mình nếu như cả lớp không chịu làm. Nhưng…cô vẫn đứng trước lớp cố thuyết phục mọi người, không phải vì cô sợ làm một mình, cô chỉ là muốn cả lớp cùng làm. Tôi đã rất xúc động khi nghe những lời nói đó:

“Ba của tớ hiện đang mở cửa tiệm là đậu phụ…  ừm… nhưng trước đó ba đã không muốn làm công việc này chút nào dù đây là nghề mà bà nội tớ đã làm và luôn bắt ba tớ phải làm như thế. Ba đã chọn làm một công việc trong văn phòng. Nhưng dường như việc cứ ngồi một chỗ không thích hợp với ba. Rồi ba lại làm cho một tiệm đồng hồ, sau đó ông lại bỏ và đi làm cho một tiệm sửa quần áo… ba tớ đã làm rất nhiều công việc nhưng rồi cuối cùng ông lại quay trở về làm đậu phụ và thành công làm cho tới bây giờ. Có thể nói là ba tớ đã đi một con đường vòng khá dài nhưng bây giờ những công việc ngày xưa mà ông làm chẳng hề lãng phí chút nào cả. Ông làm cho tớ một cái đồng hồ… những bộ quần áo mà mọi người bảo rằng lỗi thời…nhưng mà… tớ… tớ chỉ nghĩ rằng đi một con đường dài như thế cũng không hẳn là một điều ngu ngốc. Chúng ta vẫn còn nhiều thời gian mà. Tại sao chúng ta không thử làm những việc mà chúng ta nghĩ rằng chúng ta sẽ không bao giờ làm. Tớ chỉ muốn cả lớp có thể tham gia cùng nhau thôi chứ không muốn một cá nhân riêng lẻ nào…”

Tôi đã rất xúc động khi nghe những lời nói đó. Ai cũng muốn chọn cho mình một con đường ngắn nhất, dễ đi nhất. Ai cũng sợ đường dài, đường vòng dù họ cũng biết là hầu như không thể đi một con đường đời bằng phẳng nhưng vẫn cố gắng trốn tránh việc đó… Tại sao chúng ta không nghĩ rằng trong khi chúng ta tránh đi những con đường dài thì bản thân chúng ta cũng đang mất thời gian vì phải trốn tránh? Tôi nghe đắng nơi cổ họng vì biết mình luôn trốn tránh. Tôi cũng đã trốn tránh ước mơ của chính bản thân mình vì tôi sợ con đường của tôi đi quá dài…

Nhưng mà… khi Aya nói câu: chúng ta vẫn còn rất nhiều thời gian thì lúc đó phim lại chiếu tới đoạn mẹ của Aya nhe bác sĩ nói rằng cô bị mắc bệnh  Spinocerebellar Degenaration. Căn bệnh quái ác này không làm người ta chết ngay mà dần dần giết đi các khả năng của người bệnh: đầu tiên sẽ là đi không vững, rồi sau đó sẽ gặp khó kăn trong việc nói nhìn… rồi phải ngồi xe lăn… rồi không đi được nữa… nói cũng không được… mất dần… mất dần… cuối cùng là…

… chết!…

Đối với mọi người thì thời gian còn rất dài nhưng với Aya, chỉ có một tương lai duy nhất đang đợi cô ở phía trước vì căn bệnh này là không thể chữa khỏi được.

Nếu tôi có thể là một bông hoa, tôi sẽ chọn là một nụ hoa trước tiên. Tôi sẽ quí trọng tất cả mọi giây phút bắt đầu của tuổi trẻ…

Chỉ cần yêu thương và được yêu thương đã là một việc đáng tự hào

Trong 1 Litre of Tears, không chỉ có tình yêu mà tất cả mọi tình cảm giữa người và người đều được thể hiện một cách xúc động. Tôi thật sự xúc động với tình cảm gia đình của Aya.

Khi Aya bắt đầu không thể đi lại một cách bình thường, những bước đi của cô luôn chậm chạp và trông giống như một con chim cánh cụt. Mọi người đều nhìn cô bằng ánh mắt thương hại. Bạn nghĩ sao khi có một người chị như thế? Tự hào hay xấu hổ?

Hiroki là em trai của Aya. Cậu rất thích chơi đá banh ở vị trí tiền đạo nhưng có điều… cậu vẫn chưa được vào đội tuyển. Khi thấy em trai mình tập đá ngoài bãi sân trống không khung thành, Aya đã chỉ phương pháp để tập luyện hiệu quả hơn: đó là lấy phấn vẽ một khung thành giả lên bức tường, cậu chỉ cần luyện tập bằng việc đá banh vào khung thành ấy. Aya bảo:

“Em không thể đá mà không có mục tiêu cụ thể nào được. Bằng việc làm như thế này, em sẽ tập luyện hiệu quả hơn.”

Kết quả là trình độ đá bóng của cậu tiến bộ hẳn và cậu được chọn vào đội tuyển. Lúc đó, đám bạn của câụ đã rất ngạc nhiên vì đó là lần đầu tiên Hiroki được chọn. Khi được bạn bè hỏi tại sao lại tiến bộ nhanh như thế, cậu đã tự hào mà trả lời rằng:

“Là chị Aya của tớ đã chỉ tớ phương pháp tập luyện. Chị ấy rất xinh, thông minh, học giỏi và cả chơi thể thao cũng giỏi nữa.”
“Ngưỡng mộ quá. Cậu có thể cho chúng ta gặp chị ấy một lần được không?”

Một khoảng lặng vì đó là hình ảnh của chị cậu ngày xưa. Bây giờ chị cậu đã không còn được như thế nữa. Điều đó làm cậu cảm thấy xấu hổ, không muốn cho bạn bè của mình gặp chị.

Nhưng một đám bạn của cậu cũng đã tình cờ gặp được Aya. Và thế là chúng dè bỉu chị cậu trước mặt cậu…cậu cố chịu đựng vì cho rằng không còn sự lựa chọn nào khác.

“Cậu là đồ nói láo. Chị của cậu không được như câu đã nói. Đi đứng còn không vững, cứ như chim cánh cụt ấy thì làm sao mà chơi thể thao giỏi cho được.”

Nhưng Ako-chị của cậu và là em của Aya thì lại không thể chịu đựng như thế:

“Tại sao em lại im lặng? Tại sao lại để cho chúng xỉ vả chị Aya trước mặt em như thế. Chẳng lẽ em không hề có một chút tức giận gì sao?”
“Bởi vì em không có sự lựa chọn nào khác.”

“Không có à… Nếu là chị thì chắc chị sẽ hét toáng lên mất… Em… thật ngốc đấy. Chị Aya của chúng ta rất đáng ngưỡng mộ. Chị tự hỏi nếu là chị mắc căn bệnh giống như chị Aya, chị thậm chí sẽ không dám đi ra ngoài đường… sẽ không thể mỉm cười khi có một ai nói những lời trêu chọc mình…và em biết gì nữa không, chị Aya đã khâu tên của em lên chiếc áo em sẽ bận để thi đấu vào ngày chủ nhật này đấy. Chị ấy rất khó khăn để làm việc đó nhưng vẫn cố gắng làm vì em…vì chị ấy nói làm như thế coi như để tập trị liệu cho ngón tay. Vì làm chậm nên chị ấy đã phải hi sinh cả khoảng thời gian ngủ của mình, thức trắng đêm để khâu cho em… vậy mà… tại sao em lại nỡ đối xử với chị ấy như thế?”

Và Aya đã tình cờ nghe hết mọi chuyện. Cô vốn dĩ rất muốn xem em mình thi đấu nhưng khi biết em mình xấu hổ về mình, Aya không trách em mà chỉ trách bản thân mình đã làm gánh nặng cho em, trách mình vì sao chỉ nghĩ đến cảm xúc của mình là rất muốn đi xem mà không nghĩ đến cảm xúc của em.

“Chủ Nhật này chị tình cờ có việc bận nên sẽ không thể đi coi em thi đấu được đâu. Chị phải đi xem phim với Mari.”

Nhưng buổi sáng chủ nhật ấy, Hiroki đã viết một mẩu giấy để lại trên bàn cho Aya:

Em rất muốn chị xem em chơi bóng. Chị Aya hãy đi xem em chơi bóng. Chị nhất định phải đi đấy. Nhất định

“Con…con có thể đi xem em thi đấu được hả mẹ..?”
“Được mà. Nó đã cảm thấy hối hận rồi và  không phải nó đã để lại mẩu giấy viết nó muốn như thế rồi còn gì…?”

Lúc này, khi Aya đến xem thì cậu đã không còn xấu hổ nữa mà tự hào giới thiệu với tất cả mọi người trong đội bóng:

“Đây là chị Aya của tớ-người đã chỉ tớ cách tập bóng.”

Tôi chợt hiểu ra sự khác nhau trước và sau khi Hiroki nghe những lời nói của Ako có lẽ là sự nhận thức của cậu về tình yêu thương mà Aya dành cho mình và.…có lẽ chỉ cần yêu thương  và được yêu thương cũng là một việc đáng tự hào rồi…

Tôi biết rằng cuộc sống của tôi bây giờ đã khác trước rất nhiều nhưng tôi vẫn muốn tin trong hàng ngàn con mắt nhìn tôi soi mói…vẫn có những người quan tâm và luôn dõi theo tôi.

Hạnh phúc là khi giúp đỡ được những người xung quanh

“Se..nsei…sắ..p.. đ..i kh..ỏi bệ..nh v..iện nà..y?”
“Đâu có.”
“Vậ..y l..à se..nsei vẫ..n.. ở lạ..i?…T..hậ..t… t…ốt q..uá…”
“Ừ. Tôi sẽ ở lại đây mãi.”
“Vậ…y s…ensei… có t…hể …lấ…y …em.. r…a …cho… v…iệc.. ng..hiên …cứ…u củ…a …sen..sei… đư…ợc… khôn…g?”

“Ý em là tôi có thể sử dụng cơ thể của em để nghiên cứu phương pháp trị liệu à?”
“Ừm….V…ì e…m mu..ốn.. ma..u …ch…óng… giúp… n…hững… ng…ười… c…ũng …mắ…c …că…n …bệ..nh …giố…ng… nh…ư …mì…nh… c…ó ..th…ể ch…ữa.. k…hỏi… ..E..m …cũ…ng …m..uốn… g..iúp… se…nsei… n..ữa …vì.. se..ns..ei đã.. t…ận.. t..âm …cứ…u c..hữ..a …ch..o.. e..m ..nh…ưn..g ch..ưa ba…o gi..ờ e…m ..cả…i th…iện đư…ợc s…ức …kh…ỏe.. c..ủa.. m..ìn..h ..cả…”

Đó là đoạn gần cuối phim khiến tôi khóc nhiều nhất. Aya lúc đó đã không còn có thể nói chuyện một cách rõ ràng nữa. Cô cứ bập bẹ từng tiếng một cách thật khó khăn nhưng vẫn cố gắng nói ý nguyện của mình. Vì cô luôn cảm thấy mình có lỗi với mọi người, là gánh nặng của mọi người. Trong khi mọi người luôn giúp đõ cô thì cô chẳng thể làm được vì để giúp đỡ lại họ cả.

“Mẹ à… con sống là để làm gì hả mẹ?”
“Con không thấy sao… đây là những cuốn nhật kí mà con đã viết. Con vẫn còn có thể làm công việc này mà. Hãy cố gắng viết đi con.”

Và thế là, dù ngay cả đôi tay bây giờ cũng không còn dễ dàng cho việc cầm bút, ngày ngày cô vẫn cặm cụi bên giường bệnh viết nhật kí. Có hôm viết đến quên nỗi ngồi ngủ gục. Tôi thương lắm những con chữ to đùng, nguệch ngoạc mà Aya đã viết. Có thể nó xấu xí nhưng người chủ nhân viết nó có một tâm hồn thật đẹp…

Cuốn nhật kí 1 littoru no namida đã được liệt vào hàng sách best-seller của Nhật Bản. Dù đã được xuất bản hơn chục năm nay nhưng đến bây giờ vẫn còn ăn khách. Phim dựa trên chuyện có thật của một cô gái tên là Kito Aya. Dù bị căn bệnh hành hạ từ năm 15 tuổi nhưng cô vẫn cố gắng sống cho đến năm 25 tuổi.

Xin kết lại bài viết của tôi bằng lời bài hát cuối phim có tên là Only Human do K trình bày:

Bên kia nỗi buồn là nụ cười

Phía bên kia nỗi buồn có những điều được gọi tên bằng nụ cười…
Nhưng trước khi chúng ta có thể đến được đó, điều gì sẽ chờ đợi ta ở phía trước?

Để theo đuổi ước mơ của mình, chúng ta  không có quyền chạy trốn
Chúng ta đã bước qua, quá xa rồi những ngày hè ấy…

Nếu đợi đến ngày mai mới nhận ra, chúng ta sẽ thở dài
Bởi vì như chiếc xuống trên dòng suối
Chúng ta phải đi thẳng về phía trước

Ở một nơi bị bao trùm bởi đau buồn
Vẫn còn điều gì đó gọi là kì tích, là chờ đợi…
Phải! Chúng ta vẫn đang tìm kiếm
Bông hoa hướng dương nở vào cuối xuân
Như một người chiến sĩ chờ đợi ánh nắng mặt trời
Trước khi anh ta có thể ôm những tia nắng đó, nước mắt anh long lanh rơi…

Dù chúng ta đã trưởng thành từ cô đơn
Chỉ cần dựa vào ánh sáng của mặt trăng
Chúng ta phải bay xa với một đôi cánh không có lông…
Chỉ cần đi về phía trước, dù chỉ đi xa hơn được một chút

Khi những đám mây mang cơn mưa tan đi
Những con đường loang loáng nước
Dù có lẽ nó chỉ đem lại bóng tối
Một nguồn sáng đang lớn dần…lớn dần…
Sẽ soi sáng đường chúng ta đi.

Hết.

Kodaki

Trà chiều

Sứ Đoàn Iwakura đạt Giải thưởng sách Quốc Gia 2024

Published

on

Giải thưởng Sách Quốc gia là giải thưởng do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức hàng năm, trao giải cho những cuốn sách (bộ sách) có giá trị nổi bật về nội dung tư tưởng, tri thức, thẩm mỹ nhằm tôn vinh tác giả, dịch giả, nhà khoa học và người làm công tác xuất bản.

Tối ngày 29.11.2024 tại lễ trao Giải thưởng Sách Quốc gia lần VII, tác phẩm Sứ Đoàn Iwakura - Chuyến Tây Du Khảo Cứu Nhằm Canh Tân Nhật Bản Thời Minh Trị (Ian Nish biên soạn, Nguyễn Hoàng Mai - Nguyên Tâm dịch) hân hạnh được vinh danh giải Khuyến khích.

Sứ Đoàn Iwakura là tác phẩm nghiên cứu tập hợp nhiều tư liệu giá trị, giúp độc giả hiểu rõ hơn về chuyến du khảo nhằm canh tân Nhật Bản thời Minh Trị dưới góc nhìn của người phương Tây. Để có một đường lối phát triển đất nước hoàn toàn mới, người Nhật đã khởi động chuyến công du gọi là Sứ mệnh Iwakura thăm Hoa Kỳ và nhiều nước châu Âu. Đây là một chuyến đi lịch sử có tầm quan trọng đến mức khi nhắc về Minh Trị Duy Tân, người ta lập tức nhớ đến chuyến đi này.

Sách dày 427 trang, gồm 11 chương tổng hợp các bài viết của Ian Nish và 12 chuyên gia trong lĩnh vực quan hệ quốc tế khu vực Nhật Bản và Đông Á. Tám chương đầu, độc giả sẽ cùng phái đoàn đi qua tám cường quốc từ Mỹ, Anh, Pháp, Bỉ, Đức, Nga, Thụy Điển và Italy. Bản ghi chép của những học giả góp phần tái hiện hành trình tìm kiếm “văn minh khai sáng” của sứ đoàn Iwakura tại trời Âu dưới góc nhìn của người phương Tây. Ba phần còn lại trong ấn phẩm là bài phân tích, nhận định của chuyên gia lịch sử, đánh giá tình hình nước Nhật sau chuyến công du.

Để hiểu thêm về một lát cắt lịch sử quan trọng của Nhật Bản, cũng như đọc thêm về chuyến đi được mệnh danh là “Chuyến công du lịch sử thay đổi nước Nhật”, mời bạn tìm đọc sách tại đây hoặc tại hệ thống các nhà sách Phương Nam trên toàn quốc.

Đọc bài viết

Trà chiều

Nhà Sách Phương Nam đồng hành cùng các bạn học sinh tham gia cuộc thi ‘F1 in Schools’

Published

on

F1 in Schools là một giải đấu mang tính giáo dục, cạnh tranh toàn cầu do Formula One kết hợp với chương trình quốc tế STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học). Giải đấu được tổ chức hàng năm dành cho học sinh trung học với mục đích giới thiệu kỹ thuật cho những người trẻ tuổi trong một môi trường thú vị. Mỗi đội thi (từ 3 - 6 học sinh) phải thiết kế và chế tạo một chiếc xe đua Công thức 1 cỡ nhỏ từ Khối mô hình F1 chính thức bằng các công cụ thiết kế CAD/CAM.

Năm 2024, ADUA Racing - đội bao gồm các học sinh cấp 2 của trường British International School Ho Chi Minh City đã vinh hạnh giành được cơ hội tham gia vòng chung kết cuộc thi F1 in Schools ở Dubai, Ả Rập Saudi. Đây là đội duy nhất đại diện Việt Nam tham gia vòng chung kết năm nay.

Những nỗ lực rèn luyện, khả năng sáng tạo, tư duy học tập đáng ngưỡng mộ của các em học sinh trong giải đấu này phù hợp với định hướng và giá trị cốt lõi mà Nhà Sách Phương Nam luôn muốn đem lại cho các bạn đọc và khách hàng trên toàn quốc.

Vì vậy, Nhà Sách Phương Nam hân hạnh trở thành nhà tài trợ đồng hành cùng đội thi ADUA Racing trên hành trình vươn ra thế giới. Nhà Sách Phương Nam hy vọng nỗ lực này sẽ góp phần ươm mầm cho những tài năng tương lai, khuyến khích người trẻ phát triển tư duy độc lập, sáng tạo.

Nhà Sách Phương Nam luôn chú trọng hỗ trợ, khuyến khích thế hệ trẻ phát huy tối đa tiềm năng của bản thân. Bên cạnh đó, hệ thống Nhà Sách Phương Nam vẫn luôn nỗ lực trên hành trình kết nối bạn đọc đến với thế giới tri thức thông qua những cuốn sách hay và các hoạt động ý nghĩa.

Cảm ơn sự ủng hộ của các độc giả và khách hàng đã tạo điều kiện để Nhà Sách Phương Nam tiếp tục đồng hành cùng thế hệ trẻ trên những chặng đường đầy ý nghĩa trong tương lai.

Đọc bài viết

Trà chiều

Sự kiện giao lưu & ký tặng: Bước Qua Nước Mắt, Tự Khắc Trưởng Thành

Published

on

Nhân dịp ra mắt tác phẩm mới Bước qua nước mắt, tự khắc trưởng thành, Nhà Sách Phương Nam và Phương Nam Book phối hợp cùng tác giả Anh Khang tổ chức sự kiện giao lưu và ký tặng vào lúc 16g00, thứ Bảy ngày 16.11.2024 tại sân khấu A – Đường sách TP. Hồ Chí Minh (Nguyễn Văn Bình, P. Bến Nghé, Q.1, TP. HCM).

Bước qua nước mắt, tự khắc trưởng thành là tác phẩm kỷ niệm hơn một thập kỷ viết văn của tác giả Anh Khang. Anh gọi đây là một “cuốn sách làm lành” – thay vì “chữa lành” như cách gọi thường thấy trong xã hội hiện đại. Tác phẩm được chia làm hai phần, mở đầu bằng “Độc thoại” với những dòng tư lự đơn lẻ như tự trấn an “đứa trẻ bên trong đang ăn vạ trên đường trưởng thành”, rồi sang đến “Đối thoại” là những lời tâm can san sẻ cùng Gen Z lẫn Gen Z(à) để tìm sự ủi an. Mỗi câu, mỗi lời tâm tình thủ thỉ đều quá đỗi chân thành, như chính lời tác giả tự nhận thì đây “chính là những ghi chép trong lúc ‘khóc một trận đã đời’, rồi từ nay, chỉ nhìn về phía trước”.

Kể từ khi xuất bản tác phẩm đầu tay Ngày trôi về phía cũ… vào năm 2012, đến nay Anh Khang đã trở thành “tác giả triệu bản” với nhiều tác phẩm nhận được sự đón nhận nồng nhiệt của độc giả. Anh còn được bạn đọc thương tặng tên gọi “nhà văn của những nỗi buồn tuổi trẻ” vì những chia sẻ sâu sắc và đầy cảm thông trong từng trang sách. Sách Bước qua nước mắt, tự khắc trưởng thành đánh dấu sự trở lại của Anh Khang sau 4 năm tạm vắng mặt trên văn đàn, đồng thời cũng là món quà tri ân dành tặng cho thế hệ độc giả đã trưởng thành cùng những bài viết của anh.

Bước qua nước mắt, tự khắc trưởng thành – tác phẩm mới nhất của tác giả Anh Khang do Phương Nam Book liên kết xuất bản.

Đến với sự kiện giao lưu và ký tặng, độc giả sẽ có cơ hội trò chuyện cùng nhà văn Anh Khang và lắng nghe anh chia sẻ về những thăng trầm trong quá trình sáng tác cuốn Bước qua nước mắt, tự khắc trưởng thành. Đặc biệt, sự kiện còn chào đón sự góp mặt của ca sĩ - nhà văn Hamlet Trương.

Giao Lưu & Ký Tặng: Bước Qua Nước Mắt, Tự Khắc Trưởng Thành

  • Thời gian: 16:00 – Thứ bảy, ngày 16.11.2024
  • Địa điểm: Sân khấu A – Đường sách TP. Hồ Chí Minh (Nguyễn Văn Bình, P. Bến Nghé, Q.1, TP. HCM)
  • Vào cửa tự do

Về tác giả: Quách Lê Anh Khang

  • Công việc chính là làm báo, công việc phụ là làm mệt mình bằng những cảm xúc đa mang. Mọi nghề nghiệp đã và đang làm như phóng viên, biên tập viên, PR, MC... đều có vẻ khá nghiệp dư, nhưng lại rất chuyên nghiệp trong vai trò làm “người độc thân nhạy cảm”.
  • Ngày sinh: 11/8
  • Cung Hoàng đạo: Sư Tử (Leo)
  • Cử nhân khoa Báo chí & Truyền thông – Đại học KHXH&NV TP.HCM
  • Sách đã xuất bản:
    • Ngày trôi về phía cũ... (2012)
    • Đường hai ngả, người thương thành lạ (2013)
    • Buồn làm sao buông (2014)
    • Đi đâu cũng nhớ Sài Gòn và... Em (2015)
    • Thương mấy cũng là người dưng (2016)
    • Trời vẫn còn xanh, em vẫn còn anh (2017)
    • Người xưa đã quên ngày xưa (2018)
    • Những năm tháng đó, có tôi yêu người (2019)
    • Thả thính chân kinh (2020)
    • Bước qua nước mắt, tự khắc trưởng thành (mới xuất bản – năm 2024)
Đọc bài viết

Cafe sáng