Bookish Best

Nobel Văn học 2021 gọi tên Abdulrazak Gurnah – nhà văn da đen thứ hai nhận vinh dự này

Abdulrazak Gurnah, nhà văn người Tanzania được vinh danh vì những đào sâu không khoan nhượng và đầy trắc ẩn về tác động của chủ nghĩa thực dân, và số phận của những người tị nạn tại lằn ranh chông chênh giữa các nền văn hóa và lục địa.

Published

on

Abdulrazak Gurnah, năm nay 72 tuổi, là nhà văn da đen đầu tiên nhận giải Nobel Văn học sau Toni Morrison (1993). Không ít người cho rằng việc trao giải cho ông là nỗ lực đền bù quá đỗi muộn màng sau nhiều năm chỉ tập trung vào các tác giả Âu-Mỹ. Đồng thời, sau hơn một thập kỷ dài chờ đợi, ông cũng là người châu Phi đầu tiên nhận được vinh dự này, sau Wole Soyinka (Nigeria, 1986), Naguib Mahfouz (Ai Cập, 1988), Nadine Gordimer (Nam Phi, 1991), John Maxwell Coetzee (Nam Phi, 2003) và Doris Lessing (Anh-Zimbabwe, 2007).

© Niklas Elmehed, Nobel Prize Outreach

Trong cuộc họp báo diễn ra ngày 08.10.2021, Anders Olsson – chủ tịch ủy ban trao giải năm nay – đã phát biểu: Gurnah “với sự kiên định và tấm lòng nhân ái cao cả, đã thấu hiểu ảnh hưởng của chủ nghĩa thực dân lên mảnh đất Đông Phi và những tác động của nó lên cuộc sống của người dân buộc phải xa xứ”.

Adbulrazak Gurnah là ai trên bản đồ văn chương thế giới?

Lớn lên tại Zanzibar – một quần đảo ngoài khơi Tanzania, chưa bao giờ Gurnah nghĩ đến chuyện một ngày nào đó mình sẽ trở thành nhà văn. Ông luôn tin rằng mình sẽ làm “một cái nghề hữu ích, đại loại như là một kỹ sư vậy”.

Tuy nhiên, cuộc nổi dậy bạo lực vào năm 1964 đã buộc Gurnah – ở tuổi 18 – phải trốn sang Anh Quốc. Khổ sở, nghèo đói, nhớ nhà, ông bắt đầu viết những dòng vụn vặt về quê hương vào nhật ký, rồi phát triển thành những câu chuyện dài hơn, rồi về trải nghiệm của những con người khác. Những suy tư tản mạn đó, cùng thói quen viết để thấu hiểu và ghi chép lại tình cảnh tha hương của bản thân, cuối cùng đã tạo nên cuốn tiểu thuyết đầu tiên của ông, sau đó là chín cuốn nữa – những tác phẩm khám phá đau thương kéo dài của chủ nghĩa thực dân, chiến tranh và ly hương.

“Điều thúc đẩy toàn bộ trải nghiệm viết lách đối với tôi là ý niệm đánh mất vị trí của mình trên tấm bản đồ thế giới,” ông nói.

Gurnah thường đào sâu khám phá các chủ đề về sự tha hương và bản chất của gắn kết. 10 tác phẩm của ông bao gồm Memory of Departure (tạm dịch Ký ức của cuộc xa rời), Pilgrims Way (tạm dịch Con đường hành hương) và Dottie, tất cả đều đề cập đến trải nghiệm của người nhập cư tại Anh; Paradise (tạm dịch Thiên đường) lọt vào danh sách rút gọn Giải thưởng Booker năm 1994, viết về một cậu bé sống tại quốc gia Đông Phi bị thực dân xâm lược; và Admiring Silence (tạm dịch Sự im lặng đáng ngưỡng mộ), kể về một thanh niên rời Zanzibar đến Anh, nơi anh kết hôn và trở thành một giáo viên. Tác phẩm gần đây nhất của ông, Afterlives (tạm dịch Những kiếp sau), khám phá những ảnh hưởng kéo dài nhiều thế hệ của chủ nghĩa thực dân Đức tại Tanzania và cách thức nó chia rẽ các cộng đồng.

Ảnh: The Independent

Olsson phát biểu, các nhân vật trong tiểu thuyết của ông “thấy bản thân đứng trong hố sâu ngăn cách giữa các nền văn hóa và lục địa, giữa cuộc sống bị bỏ lại phía sau và cuộc sống mai này, đương đầu với sự phân biệt và định kiến chủng tộc, nhưng cũng buộc bản thân phải im lặng trước sự thật hoặc tự viết lại lịch sử để tránh xung đột với thực tế.”

Thông qua các tác phẩm học thuật và hư cấu của mình, ông luôn cố gắng thấu hiểu “cách thức mà chủ nghĩa thực dân đã biến đổi thế giới, và cách những người sống sót vẫn đang lý giải trải nghiệm ấy và những vết thương nó gây nên”.

Tiếng mẹ đẻ của Gurnah là tiếng Swahili, nhưng ông đã sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ văn học của mình, và cách hành văn của ông thường mang dấu vết của tiếng Swahili, tiếng Ả Rập và tiếng Đức. Ông mượn những hình ảnh và giai thoại từ Kinh Qur’an, cũng như từ thơ Ả Rập và Ba Tư, đặc biệt là Nghìn lẻ một đêm. Đôi khi, ông phải lên tiếng phản đối việc các nhà xuất bản muốn in nghiêng hoặc Anh ngữ hóa các tham chiếu và cụm từ tiếng Swahili và Ả Rập trong sách của mình.

Ông nói: “Có một cách mà nhà xuất bản Anh, và có lẽ cả nhà xuất bản Mỹ, luôn muốn làm cho những điều xa lạ vĩnh viên là những điều xa lạ. Họ muốn tôi in nghiêng nó hoặc thậm chí viết cả một bảng chú giải. Và tôi nghĩ không, không, không, không.”

Phản ứng của giới mộ điệu văn chương

Tin tức về giải Nobel năm nay được các tiểu thuyết gia và giới học giả tán thành – những người từ lâu đã lập luận rằng tác phẩm của Gurnah xứng đáng nhận được sự quan tâm từ đông đảo các độc giả.

Tiểu thuyết gia Maaza Mengiste mô tả văn chương của ông “giống một lưỡi dao nhẹ nhàng, chậm rãi đâm vào”. “Những câu văn của ông thoạt nhìn rất mềm mại, nhưng lực tích lũy của nó có tác động hệt như búa tạ vậy”.

Laura Winters, viết trên tờ The New York Times vào năm 1996, gọi Paradise là “một câu chuyện ngụ ngôn coming-of-age lung linh, xiêu vẹo,” còn Admiring Silence là tác phẩm “miêu tả khéo léo nỗi thống khổ của một người đàn ông bị kẹt giữa hai nền văn hóa, mỗi nền văn hóa sẽ chối bỏ anh vì liên kết của anh với nền văn hóa còn lại.”

Nhưng mặc dù được tác giả Giles Foden ca ngợi là “một trong những nhà văn vĩ đại nhất châu Phi còn sống”, sách của Gurnah hiếm khi nhận được thành công thương mại như một số tác phẩm đoạt giải trước đó.

Lola Shoneyin, giám đốc Liên hoan Sách và Nghệ thuật Ake ở Nigeria, chia sẻ rằng bà hy vọng giải Nobel sẽ thu hút lượng lớn độc giả tại lục địa Phi châu quan tâm đến Gurnah, nơi tác phẩm của ông không được nhiều người biết đến. Bà đồng thời hy vọng các tiểu thuyết lịch sử của ông có thể truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ suy ngẫm sâu sắc hơn về quá khứ của đất nước mình.

“Nếu chúng ta không chủ động nhìn nhận kỹ lưỡng về những gì đã xảy ra trong quá khứ, thì làm sao chúng ta có thể xây dựng một tương lai rạng rỡ cho bản thân tại châu lục này?”

Ngày nay, những chủ đề trong văn chương của Gurnah đặc biệt mang ý nghĩa cấp bách không kém, khi cả châu Âu và châu Mỹ đang hứng chịu những chỉ trích dữ dội khi áp dụng những chính sách chống người nhập cư và người tị nạn, khi bất ổn chính trị và chiến tranh đã khiến nhiều người phải tha hương. “Khi những quốc gia thịnh vượng này phát biểu: chúng tôi không muốn nhận thêm người nhập cư, chẳng khác gì một kiểu hèn hạ và keo kiệt. So sánh với số lượng những người nhập cư gốc Âu thì họ chỉ phải nhận một nhúm người – theo đúng nghĩa đen – thôi”.

Những ai đã nhận giải thưởng Nobel Văn học những năm gần đây?

Năm ngoái, nhà thơ người Mỹ Louise Glück đã được trao giải Nobel Văn học vì những vần thơ “với vẻ đẹp khổ hạnh khiến sự tồn tại của cá nhân trở thành sự tồn tại phổ quát”. Giải thưởng của bà được coi là sự tái lập cần thiết sau nhiều năm bê bối của hội đồng Nobel.

Louise Glück là ai mà đạt giải Nobel Văn chương 2020?

Năm 2018, hội đồng đã hoãn trao giải sau khi chồng của một thành viên bị cáo buộc có hành vi sai phạm tình dục và để lộ tên cách ứng viên cho nhà cái. Chồng của thành viên hội đồng này, Jean-Claude Arnault, sau đó đã bị kết án hai năm tù vì tội hiếp dâm.

Năm 2019, hội đồng trao giải Nobel 2018 cho Olga Tokarczuk, một tiểu thuyết gia phong cách thể nghiệm người Ba Lan. Nhưng viện hàn lâm đã phải đối mặt với những lời chỉ trích vì đã trao giải thưởng năm 2019 cho Peter Handke – một tác giả và nhà viết kịch người Áo, người từng bị cáo buộc tội diệt chủng vì lên tiếng hoài nghi các sự kiện trong Chiến tranh Balkan những năm 1990 – bao gồm cả vụ thảm sát Srebrenica, trong đó có khoảng 8.000 người đàn ông Hồi giáo và các bé trai bị sát hại.

Một góc nhìn chính trị về Giải Nobel Văn chương 2019

Những nhà lập pháp ở Albania, Bosnia và Kosovo, cũng như một số tiểu thuyết gia nổi tiếng (bao gồm Jennifer Egan và Hari Kunzru) đã lên án quyết định này.

Hết.

Mèo Heo lược dịch từ tạp chí The New York Times.

Bookish Best

Công bố kết quả bình chọn Giải thưởng Bookish Best 2022

Published

on

By

Bookish Best 2022 là giải thưởng do nền tảng trực tuyến Bookish.vn tổ chức, để cộng đồng Bookish nói riêng và những người yêu sách tại Việt Nam nói chung nói lên ý kiến của mình, tôn vinh những tác phẩm, tác giả, sự kiện và những độc giả có tác động mạnh mẽ đến thị trường sách 2022.

Sau hơn một tháng bình chọn trực tuyến, các độc giả của Bookish đã lựa chọn được những Tác phẩm – Tác giả – Dịch giả xứng đáng. Dưới đây là kết quả của Giải thưởng Bookish Best 2022.

SÁCH HƯ CẤU – TÁC GIẢ TRONG NƯỚC

Tác phẩm Trong đáy mắt trời xanh là vĩnh viễn – Xuân Quỳnh

SÁCH PHI HƯ CẤU – TÁC GIẢ TRONG NƯỚC

Tác phẩm Hồn đô thị – Phạm Công Luận

SÁCH HƯ CẤU DỊCH

Tác phẩm Lâu đài của những số phận giao thoa – Italo Calvino

SÁCH PHI HƯ CẤU DỊCH

Tác phẩm Tôi ổn – Bạn ổn – Thomas A Harris

SÁCH THIẾU NHI

Tác phẩm Chuyến du hành xanh biếc – Nguyễn Trí

THIẾT KẾ MĨ THUẬT

Bìa sách Nếu biết trăm năm là hữu hạn (TB lần 30) – Phạm Lữ Ân

DỊCH GIẢ NỔI BẬT

Dịch giả Đăng Thư với tác phẩm Xứ tháng Mười – Ray Bradbury

TÁC GIẢ TRẺ ĐÁNG CHÚ Ý

Tác giả Lê Quang Trạng

Một lần nữa, xin chúc mừng những Tác phẩm - Tác giả - Sự kiện - Mọt sách được yêu mến và tôn vinh trong năm 2022!

Đọc bài viết

Bookish Best

Nguyễn Hoàng Mai: Tôi muốn viết về những vấn đề gai góc nhất của tuổi trẻ

Published

on

By

Nguyễn Hoàng Mai là tác giả của hai tác phẩm đầy cảm xúc về tuổi trẻ: Đung đưa trên những đám mây (tiểu thuyết, 2018), Bây giờ mình đi đâu (tập truyện ngắn, 2019). Hiện nay, cô đang sinh sống và làm việc tại Tokyo. Tuy đã xa Việt Nam nhiều năm, Hoàng Mai vẫn đọc và thường xuyên theo dõi tình hình văn chương nước nhà. Trong khuôn khổ của giải thưởng Bookist Best 2022, Ban Tổ chức đã có cuộc trò chuyện với Hoàng Mai xoay quanh việc đọc và sáng tác văn chương.

Chào Nguyễn Hoàng Mai. Cảm ơn Mai vì đã nhận lời phỏng vấn của Bookish về những tác phẩm bạn đã đọc năm 2022 nhân dịp mùa giải Bookish Best lần II đang diễn ra. Bạn nghĩ gì về giải thưởng Bookish Best?

Được biết Bookish Best là một giải thưởng văn học mới được thành lập tròn một năm nhưng mang nhiều ý nghĩa đặc biệt đi cùng với cộng đồng – hầu hết là những bạn trẻ thực sự yêu, dành nhiều tâm huyết với sách vở. Bookish Squad có hơn 13.000 thành viên mà tôi cũng “nằm vùng” trong số đó. Ở giải thưởng này, độc giả những người trực tiếp thưởng thức văn học được cất lên tiếng nói, tự tay bình chọn cho những tác phẩm gần với trái tim của mình nhất.

Là một người viết trẻ, tôi mong sẽ có nhiều sân chơi hơn nữa, để thị trường sách Việt Nam thêm sắc màu, sôi động, gần hơn với độc giả trẻ tuổi, và dòng chảy xã hội.

Năm nay, Mai có theo dõi tình hình xuất bản trong nước không? Có cuốn sách của tác giả Việt Nam nào khiến bạn ấn tượng không?

Do sống học tập ở Nhật nhiều năm, tôi đã không có cơ hội đọc văn học trong nước trong một khoảng thời gian dài. Sau này khi có dịp tiếp xúc trò chuyện, với những cây bút trẻ có tiếng như chị Nguyễn Dương Quỳnh, Huỳnh Trọng Khang, Thái Cường, Phát Dương… Ở họ, tôi đều cảm nhận sự nghiêm túc, trăn trở với nghề. Những bạn văn tôi được tiếp xúc đều sáng tạo, nghị lực, khiến tôi học hỏi nhiều.

Về văn học trong nước đã đọc gần đây tôi ấn tượng với tập truyện Chuyến Bay Tháng Ba của tác giả Lê Khải Việt, Chopin biến mất của Hiền Trang. Và đặc biệt tôi quá yêu mến Đà Lạt bàng bạc, ẩn hiện trong cuốn Thành phố những lục địa bay của tác giả Nguyễn Vĩnh Nguyên.

Là một người viết, khi đọc tác phẩm Thành phố những lục địa bay, bạn có học hỏi được gì về kĩ năng viết không?

Như đã nói, tôi thích chất thơ man mác lạnh như sương mù trên đỉnh núi, phảng phất trong từng câu văn, nhịp điệu của cuốn sách này.

Từng câu chữ không hề nhắc đến danh từ Đà Lạt, nhưng thành phố ấy vẫn hiện ra trong từng lát cắt mỏng, rồi nhẹ nhàng len lỏi vào lòng người như những hơi thở nhẹ. Vì tôi luôn nghĩ cuốn sách đẹp nhất, ý nghĩa nhất không phải nằm im lìm trên những ngôn từ trang giấy, mà sẽ không ngừng sinh sôi nảy nở trong tâm trí người đọc theo trải nghiệm của cá nhân nên rất ấn tượng với tập truyện mỏng của anh Nguyễn Vĩnh Nguyên.

Thành phố những lục địa bay là một thực hành của nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên về việc phá vỡ ranh giới những thể loại, bất phân giữa hư cấu và phi hư cấu. Mai nghĩ gì về thực hành này? Bạn có cảm hứng muốn thực hành thủ pháp này cho những truyện sắp tới của mình không? Nếu có thì đâu sẽ là địa danh được bạn chọn lựa?

Tôi cảm nhận Thành phố những lục địa bay là cuốn sách rất đặc biệt bởi lẽ nó đã phá vỡ ranh giới của các thể loại. Độc giả khi lần đầu bước vào thế giới trong sách sẽ đầy nghi hoặc: Truyện ngắn? Tất nhiên không rồi. Hư cấu? Không hẳn, cũng không phải tản văn hay phi hư cấu. Những nhà nghiên cứu sẽ không gọi đó là Haiku hay truyện cực ngắn dù rất gần trong bản chất.

Và đáp án dành cho mỗi người có lẽ là, thực ra không cần phải quá chú trọng vào ranh giới giữa các thể loại văn học. Giữ trí tưởng tượng của chúng ta vượt qua những khuôn khổ, vượt qua những giới hạn, biết đâu đó là vùng đất văn chương thực sự?

Tôi được tác giả tặng tập truyện này trong một chuyến về Việt Nam chơi, khi đang ấp ủ viết cuốn truyện mới về thành phố tôi đang sống – Tokyo. Đó là tuổi trẻ hoang hoải đầy rực rỡ và cũng nhiều vấp ngã tôi đã trải qua, và vẫn muốn khám phá thêm. Giống như một cái Duyên vậy, nên tôi cũng muốn học hỏi một chút thôi vào tập truyện mới của mình. Không, tôi sẽ không phân tích bút pháp cụ thể để cố “bắt chước” cho giống đâu, mà muốn mình học tập từ trong vô thức khi đã gấp sách lại, để thời gian lắng xuống. Tập truyện mới về Tokyo của tôi sẽ đi giữa vùng đất của những địa danh hiện thực và trí tưởng tượng.

Mai có thường xuyên theo dõi tình hình xuất bản ở Nhật không? Nếu có thì năm vừa qua, có cuốn sách nào mới xuất bản khiến bạn ấn tượng không? Bạn có nhận thấy thị trường sách ở Nhật có điểm nào hay mà thị trường Việt còn đang thiếu không?

Tôi rất thích không gian của những chuỗi nhà sách lớn, lâu đời của Nhật như Maruzen, Kinokuniya, Junkudo… Mỗi khi đến đó tôi đều cảm nhận được văn hóa đọc, niềm say mê với sách của người Nhật không thể diễn tả thành lời. Nhà sách là nơi những cuốn sách ấy thực sự sống, theo kịp với những thay đổi của xã hội theo đúng nghĩa đen.

Vì yêu sách nên mỗi năm tôi đều theo dõi hai giải thưởng văn học uy tín, lớn nhất của Nhật Bản cũng đồng thời tượng trưng cho hai trường phái văn học Nghệ Thuật và Đại Chúng là: Giải thưởng Akutagawa và Naoki.

Tôi thích hầu hết những tác phẩm bước ra từ giải thưởng này như: Hibana (2015, tác giả Naoki Matayoshi), Konbini ningen (2016, tác giả Sayaka Murata)… nhưng gần đây, đặc biệt ấn tượng cuốn tiểu thuyết tâm lý ngắn Oishigohan ga taberaremasu youni (tạm dịch: Để thưởng thức được thức ăn ngon) của nữ tác giả 34 tuổi Junko Takase, vừa mới đoạt giải Akutagawa năm 2022. Tôi nghĩ sự phức tạp của tính cách và mối quan hệ chân thành, vừa đối nghịch vừa gắn bó giữa bộ ba nhân vật, được miêu tả tinh tế thông qua những món ăn trong cuốn sách này sẽ chạm đến trái tim của nhiều độc giả trẻ tuổi.

Được biết bạn đang viết một tập truyện ngắn xoay quanh đời sống du học sinh ở Nhật và có dự định xuất bản thời gian sắp tới. Bạn có thể chia sẻ một chút điều mình tâm đắc về tác phẩm này không?

Như đã đề cập ở trên, tập truyện ngắn tôi đang viết mang tên Tokyo, khi những cánh hoa anh đào rơi. Tôi đã muốn khai thác sâu hơn những vùng đất mới mẻ, đầy thách thức chưa nhiều người tìm đến, những vấn đề gai góc nhất của tuổi trẻ như: tình một đêm, xăm mình…

Tập truyện này gồm 10 truyện ngắn nhỏ, về cuộc sống, tình yêu, tâm tình của những người trẻ ở Nhật Bản. Ở đó, tôi đã muốn khắc họa một thế giới nơi tuổi trẻ có những niềm đau, cô đơn nỗi sợ hãi, nhưng cũng sẽ tràn đầy tình yêu, sự tươi sáng, ấm áp trên nền thành phố nổi tiếng của Nhật Bản như: Tokyo, Fukuoka, Kyoto.

Cảm ơn Mai đã dành thời gian để tham gia cuộc trò chuyện với Bookish Best.

Đọc bài viết

Bookish Best

Giải thưởng Bookish Best 2022: Đề cử TÁC GIẢ TRẺ ĐÁNG CHÚ Ý

Published

on

By

Tiếp nối thành công của mùa giải đầu tiên, Bookish Best 2022 (diễn ra từ ngày 12.12.2022 – 06.01.2023) là giải thưởng để cộng đồng Bookish nói riêng và những người yêu sách tại Việt Nam nói chung bày tỏ ý kiến của mình, tôn vinh những tác phẩm, tác giả, dịch giả nổi bật trên thị trường sách 2022.

  • 16 người bình chọn đúng và may mắn sẽ nhận được e-voucher mua sắm trực tuyến có giá trị lên đến 500.000VNĐ, áp dụng tại website thương mại điện tử nhasachphuongnam.com. Ngoài ra, còn có nhiều phần quà hấp dẫn khác kèm theo như: sách, sổ tay, bookmark, postcard.
  • Thời gian bình chọn kéo dài từ ngày 12.12.2022 đến 25.12.2022.
  • Kết quả chính thức sẽ được thông báo vào ngày 06.01.2023.
  • Tham gia bình chọn tại: https://bit.ly/bookishbest2022

Đề cử Tác giả trẻ đáng chú ý

Yang Phan

Đêm Đã Sâu, Sao Em Chưa Tắt Đèn?

Chúng ta hãy cùng nhau đi tìm bình yên bên trong những khổ đau qua cuốn sách Đêm Đã Sâu, Sao Em Chưa Tắt Đèn? của tác giả Yang Phan. Chàng tác giả trẻ được yêu mến bởi những câu chuyện buồn, nhưng thật đến đau lòng.

Đêm Đã Sâu, Sao Em Chưa Tắt Đèn? ra đời với mong muốn cùng bạn nhìn thẳng vào nỗi đau của bản thân và những người xung quanh thông qua 28 câu chuyện. Mỗi nhân vật, mỗi tình huống, mỗi niềm thống khổ trong 28 câu chuyện này sẽ giúp bạn nhận ra mình không cô đơn, rằng trên thế giới vẫn có triệu triệu người đã và đang chống chọi với mất mát, đau thương cùng khó khăn trong hành trình trưởng thành.

Quan trọng hơn, qua Đêm Đã Sâu, Sao Em Chưa Tắt Đèn?, tác giả cũng muốn gửi gắm một điều đến bạn: Trong bóng tối đen đặc như nhung, luôn có sự hiện diện của những vì sao. Chấm sáng hy vọng vẫn luôn ở đâu đó xung quanh bạn.

Hoàng Công Danh

Bảy Bảy Bốn Chín

Với cách đặt đề tài vừa lạ vừa quen, giọng tự thuật không chút ngượng ngùng hay giấu giếm, Hoàng Công Danh đã đưa người đọc đi vào cái không gian tưởng chật hẹp mà mênh mông đến vô chừng của một cuộc hôn nhân ở làng quê. Trong đó có những giam hãm tạo ra bởi nếp nghĩ đã thành thâm căn cố đế, có những ngõ ngách khó dò của lòng người, những khoảng cách vời vợi, và những biến cố lạnh người. Một câu chuyện thật và đời đến khó chịu, với nhiều hé lộ đầy bất ngờ và ám ảnh không nguôi.

Tản Mạn Kiến Trúc

Một Biên Khảo Về Kiến Trúc Dân Dụng Miền Nam

Trong làn sóng hiện đại hóa, nhiều di sản của đất nước đang dần biến mất, nhường chỗ cho những tiện nghi của thời đại. Tuy vậy, gìn giữ ký ức về các công trình đang phôi pha theo thời gian, gắn kết đời sống hôm nay với lịch sử ông cha thông qua tìm hiểu các di sản kiến trúc đang trở thành nhu cầu ngày càng phổ biến trong cộng đồng người Việt trẻ. Trong bối cảnh đó cuốn sách Tản Mạn Kiến Trúc Nam Bộ mang đến một hình dung tổng thể về lịch sử kiến trúc dân dụng miền Nam từ cuối thế kỷ 19 đến cuối thế kỷ 20, đồng thời cung cấp những tri thức cơ bản làm hành trang khám phá các công trình kiến trúc. Không chỉ vậy, cuốn sách còn hé cánh cửa dẫn bạn đọc vào bên trong các công trình, để cùng lắng nghe những câu chuyện về lịch sử xây dựng, về tập quán, văn hóa của địa phương, và về cả những ước mơ, khát vọng của gia chủ in dấu trên từng đường nét của ngôi nhà. Với vốn tư liệu phong phú, cách diễn giải giàu tính kể chuyện, cùng những hình ảnh, bản vẽ được đầu tư kỳ lưỡng, cuốn sách chắc hẳn sẽ khơi gợi sự quan tâm và hiểu biết của cộng đồng về vốn di sản kiến trúc nước nhà.

Hiền Trang

Chopin biến mất

Ám ảnh bởi cái chết của nhân vật trong vở kịch trở thành cái chết thực tế của một diễn viên Nhà Hát nổi tiếng, viên thám tử bắt đầu bước chân vào cuộc hành trình tìm kiếm sự thật, từ đây, một thế giới mới mở ra, trong đó, nghệ thuật và nhân sinh đang tìm cách định nghĩa và chi phối nhau.

Liệu giữa những câu chuyện đời thực lồng ghép vào những câu chuyện hư cấu không có hồi kết, trên bản phổ cuộc đời đầy những nốt nhạc nội tâm trôi nổi, gã có tìm được câu trả lời cho mình hay không? Liệu có “cái chết không hẳn là chết” như gã vẫn nghĩ?

Hồ Huy Sơn

Những ngọn đèn thơm

Từng khẳng định “thương hiệu” Hồ Huy Sơn bằng những tập truyện ngắn, thơ, tản văn dành cho người lớn, giờ đây với Những ngọn đèn thơm, Hồ Huy Sơn tích lũy thêm vào gia tài tác phẩm mới để giải tỏa niềm đam mê thơ thiếu nhi.

Tác phẩm mới Những ngọn đèn thơm của nhà thơ Hồ Huy Sơn gồm 42 bài thơ, chủ yếu được viết bằng thể thơ bốn chữ, năm chữ, gần gũi, dễ đọc, dễ nhớ.

Nguyễn Dương Quỳnh

Ngủ ngon nhé, nàng thơ

Một họa sĩ bệnh tật mê đắm vẻ đẹp của một ca sĩ thần tượng trẻ tuổi, và tìm cách đuổi theo để vẽ tranh người đó, rồi tận mắt chứng kiến mọi thứ sụp đổ bởi một cơn bão tăm tối đáng buồn mà cả hai đều không thể kiểm soát.

Đây có lẽ là câu chuyện về nỗi ám ảnh và sự cô đơn. Về mong muốn biểu lộ bản thân mình và thấu hiểu người khác bằng nghệ thuật.

Đây cũng là một câu chuyện về sự vật hóa của cái đẹp trong thế giới hiện đại, một điều xảy ra với cả hai giới, đặc biệt là trong công nghiệp giải trí. Nhưng quan trọng hơn hết, đây là một câu chuyện về cảm hứng nghệ thuật và hội họa – đặc biệt là tranh Monet. Về cái đẹp và sự khao khát cái đẹp.

Nguyễn Khắc Ngân Vi

Vạn sắc hư vô

Vạn sắc hư vô là câu chuyện của những con người cô đơn khát khao sự cứu rỗi. Mạnh mẽ nhưng lại thiếu dũng khí chọn lựa, họ lấy thất bại làm trò tiêu khiển, lấy sự sụp đổ lý tưởng làm nguyên cớ cho việc trở nên yếm thế trong thế giới bình thường. Với cách viết lạnh lùng, ngôn ngữ sắc sảo, tư duy táo bạo, Nguyễn Khắc Ngân Vi đặt nhân vật của mình vào một tình thế tiến thoái lưỡng nan. Bị gông cùm vật chất thống trị và dục vọng chế ngự, cuộc sống cá nhân bị bào mòn bởi sự nhàm chán của thực tại. Khi đoạn tuyệt tình yêu, chối bỏ tồn tại, đánh mất lý tưởng, nguội lạnh đam mê, cuối cùng người ta chỉ có thể lang thang vĩnh viễn trong tuyệt vọng. Thế gian vạn sắc, cuộc đời hư vô...

Lê Quang Trạng

Vệt sáng của bụi

Vệt sáng của bụi là tập truyện ngắn xoay quanh các vấn đề đương đại, như hành trình mạo hiểm để đổi đời, số phận con người trong hoàn cảnh dịch bệnh nghiệt ngã, gia đình với các khác biệt thế hệ…

Mỗi thể tài là một cách tiếp cận khác nhau, với vài chi tiết đã trở đi trở lại tựa như nỗi ám ảnh: lửa máu, nước mắt, hơi thở, cái chết… cho thấy sống chính là một cuộc đấu tranh, giữa đúng - sai, thật - giả, mộng - tỉnh.

Tấm gương hiện thực được tái hiện một cách chân thực, gần gũi, hướng con người đến với tự do - gắn với tự trọng, nhân bản, và tìm kiếm giá trị của chính mình.

Nguyễn Thu Hằng

Chuồng cọp trên cao

Ngày xưa, tiếng guitar của chú Hiển thương binh đã níu chân tôi trong buổi đầu tiên theo mẹ gánh cỏ ra chợ bán. Tiếng đàn của chú tưởng như gió thổi trên đồng chiều, như tiếng sóng vỗ bờ khi trăng lên.

Nguyên Nguyên

Có thú dữ trong thành phố

Như những mảnh ghép mơ hồ, rời rạc về thân phận con người: Một nhân viên văn phòng lúc nào cũng ám ảnh về chuyện những con thú hoang xổng chuồng từ một vườn bách thú gần nhà. Một cô gái trẻ luôn đau đáu về người cha bỗng dưng biến mất trong một đêm mùa đông rét mướt. Hay một người phụ nữ thương hại cho một con ngựa già bị giam giữ và hành hạ trong một nhà sách. Những thân phận người hiện rõ trong một đêm mưa rét ở quán bar tồi tàn. Những chi tiết ảo – thực đan xen tạo nên một bức tranh vẽ lên một tâm tưởng, khát khao thoát khỏi nghịch cảnh, đi tìm bản ngã của chính mình.

*

Tham gia bình chọn

Đọc bài viết

Cafe sáng