Chuyện người cầm bút

Abdulrazak Gurnah – nhà văn đoạt giải Nobel không ai biết tới

Published

on

Tôi muốn viết một chút về việc Abdulrazak Gurnah – nhà văn đã đoạt giải Nobel năm 2021. Như hầu hết mọi người ở đây, tôi chưa bao giờ nghe nói về ông trước đây. Cũng không sao cả, có điều tôi tự nhận mình là người đọc nhiều, và tôi bị hấp dẫn bởi những tác giả/tác phẩm/thể loại không quen thuộc với số đông, bao gồm cả văn học châu Phi.

Nhưng có một điều thú vị là chưa ai từng nghe nói đến Abdulrazak Gurnah. Ông không nằm trong shortlist những tác giả nổi bật nào cả (dù rõ ràng tên ông xuất hiện trong list lưu hành nội bộ của giải Nobel). Cược Stephen King thắng còn dễ hiểu hơn. Nhưng cũng chẳng sao. Đã có nhiều tác giả gây ra cú sốc lớn khi đoạt giải Nobel. Tôi nghĩ đến Kertesz (2002). Tương tự với Tranströmer (2011). Có điều là chắc chắn, giờ đây, Gurnah sẽ được biết đến nhiều hơn khi ông thắng giải Nobel.

Và có rất nhiều nhà văn lớn hội đủ các yếu tố nhưng không giành được giải, bao gồm: Joyce, Tolstoy, Twain, Ibsen, Zola và Proust. Tôi xin mạnh miệng khẳng định rằng tất cả họ đều đóng góp cho văn chương nhiều hơn Winston Churchill (người đoạt giải Nobel năm 1953). Vì vậy, nếu nhà văn yêu thích của bạn không thắng giải, dù đó là Atwood hay Ngugi, thì họ cũng không đơn độc. Đã có khoảng 120 giải Nobel được trao kể từ khi Sully Prudhomme thắng giải lần đầu tiên năm 1901 (không có giải nào được trao trong Thế chiến 2). Và một lần nữa, hiện nay, hầu hết mọi người cũng chưa từng nghe đến cái tên Sully Prudhomme.

Gurnah có xứng đáng không? Tôi không biết. Tôi chưa đọc bất kì tác phẩm nào của ông. Nhưng dường như ông đã gây ấn tượng với nhiều người. Sự lựa chọn này có phải vì lý do chính trị? Có lẽ. Sự thật là vô số tác phẩm ở các quốc gia khác đã bị làm ngơ trong nhiều năm trời vì Nobel được xem là giải thưởng của giới tinh bông châu Âu. Bao nhiêu tác giả Ấn Độ đã thắng giải kể từ thời của Tagore năm 1913? Zero. Bao nhiêu tác giả Trung Quốc được xướng tên kể từ khi Cao Hành Kiện đoạt giải năm 2000? Một – Mạc Ngôn. (Công bằng mà nói, tôi kiểu đã hy vọng Tàn Tuyết sẽ là người phụ nữ châu Á đầu tiên giành giải này. Một ngày nào đó. Biết đâu…). Tuy nhiên, Ấn Độ và Trung Quốc chiếm đến một phần tư dân số thế giới và cả hai quốc gia này đều có truyền thống văn học lâu đời, phong phú. Thực tế mà nói, truyền thống văn học Trung Quốc có lẽ cũng phong phú và đa dạng như phương Tây. Chỉ là không được tiếp cận rộng rãi.

Vậy, đây là quyết định mang tính chính trị? Vâng, theo một giác độ nào đó thì tất cả những tác phẩm hay đều mang tính chính trị. Nó phản ánh đời sống và các chuẩn mực xã hội, nó là tấm gương phản chiếu thế giới mà chúng ta đã tạo ra.

Thế thì Abdulrazak Gurnah có xứng đáng không? Có thể. Ủy ban Nobel đã công bố rằng Gurnah giành giải vì “sự thâm nhập không khoan nhượng và nhân ái của ông đối với những tác động của chủ nghĩa thực dân và số phận của những người tị nạn trong hố sâu ngăn cách giữa các nền văn hóa và lục địa.” Số phận của những người tị nạn và những người bị gạt ra bên lề xã hội là một trong những vấn đề lớn trong thế giới của chúng ta, và tôi tin rằng nó sẽ còn trở nên quan trọng hơn do hậu quả của tình trạng quá tải dân số và biến đổi khí hậu. Đây chắc chắn là một vấn đề ở Hoa Kỳ. Ở châu Âu vấn đề này thậm chí còn đáng chú ý hơn. Châu Âu đang thay đổi. Scandinavia đang thay đổi (hai bộ phim tôi làm gần đây nói về một người tị nạn Afghanistan ở Đan Mạch và một người tị nạn Chile ở Thụy Điển). Chúng ta đang thay đổi. Thế giới của chúng ta đang thay đổi. Và những người hàng xóm mới của chúng ta cũng đang thay đổi.

Nhưng tôi bận tâm điều gì? Đó là Gurnah rất khó tìm. Tôi đã tìm trên eBay. Chỉ có duy nhất hai bản của cuốn sách nổi tiếng nhất của ông – Paradise (được đề cử giải thưởng Booker và Whitbread ở Hoa Kỳ) với giá là 127 đô la. Tôi chắc rằng sớm muộn gì cũng sẽ thay đổi thôi, nhưng hiện tại, rất khó tiếp cận Gurnah.

Vì vậy, tôi khá vui khi ông chiến thắng. Ông mở ra cánh cửa đi vào một phần thế giới đang thay đổi của chúng ta – thế giới mà đã bị che khuất quá lâu. Và điều này ngày càng trở nên quan trọng hơn. Tôi đang bắt đầu cuộc hành trình vào thế giới của Gurnah với cuốn “Memory of Departure”. Đây là cuốn sách đầu tiên ông viết và tôi thích cái bìa của nó – đây là cách tôi thường dùng để đánh giá một cuốn sách… Tôi tự hỏi không biết có ai muốn đọc chung với tôi không?

Nguyễn Bích Trâm
dịch từ bài viết của Danny Wool
Tiêu đề do dịch giả tự đặt.

Chuyện người cầm bút

Phạm Công Luận và những tâm tình về “Hồi ức Phú Nhuận”

Cho dù “Hồi ức Phú Nhuận” không phải là sách biên khảo nhưng cũng cần được sắp xếp tương đối mạch lạc theo từng nhóm nội dung để độc giả dễ theo dõi, để có cái nhìn từ khái quát đến từng lãnh vực, sau đó đọng lại là những tâm tình của người sống ở đó.

Published

on

By

Hồi ức Phú Nhuận tập hợp những bài viết của nhà báo Phạm Công Luận về dòng chảy thời gian đi qua một vùng đất bằng việc sưu tầm và ghi lại những hồi ức tản mạn không chỉ của riêng tác giả – một người sinh ra, lớn lên và gắn bó với Phú Nhuận, mà còn từ lời kể của nhiều cư dân nơi đây qua các thế hệ.

Trong bài phỏng vấn này, Bookish sẽ giúp bạn đọc khám phá quá trình nhà báo Phạm Công Luận đã tái hiện một Phú Nhuận từ cổ chí kim qua từng trang sách trong Hồi ức Phú Nhuận diễn ra như thế nào, cũng như những khó khăn mà anh phải đối mặt. Hãy cùng tìm hiểu bạn nhé.

Trong quá trình thực hiện Hồi ức Phú Nhuận, anh có gặp phải những khó khăn nào khi tìm ý tưởng, nguồn tư liệu, hay nhân vật để phỏng vấn không? Nếu có, anh đã vượt qua những khó khăn đó bằng cách nào?

Viết sách tư liệu luôn có những thách thức từ việc ý tưởng tổ chức cho đến tập hợp tài liệu, cuốn Hồi ức Phú Nhuận cũng vậy. Cần có những ý tưởng cốt lõi từ cách tổ chức các chương mục cho đến thể hiện từng bài. Ở từng đề tài, nếu không tìm ra nhân chứng để phỏng vấn hoặc tài liệu hay thì dễ đi vào bế tắc. Khi gặp trường hợp đó, tôi xếp lại, khai triển một bài viết khác và lúc nào đó sẽ quay lại đề tài cũ khi thấy đã có những thứ cần thiết để viết nó ra.    

Bài viết nào trong Hồi ức Phú Nhuận khiến anh tâm đắc nhất? Anh có thể chia sẻ lí do tại sao không?

Có hai dạng bài tôi cảm thấy tâm đắc trong cuốn này.

Một là những bài tôi tìm được tư liệu hay, viết được những đề tài hầu như không ai viết về, mà lâu nay bản thân tôi luôn thắc mắc: bài viết về gốc gác của chợ Ga, về nhà hàng bò bảy món Ánh Hồng nổi tiếng khắp Sài thành một thời, về xóm cô đầu ở Phú Nhuận trước 1945, về đất Phán Hùng trong đường Cô Giang v.v...   

Hai là những bài được viết với nhiều cảm xúc, hầu hết nằm trong phần ôn chuyện xưa, về ẩm thực và về những con hẻm.  

Hồi ức Phú Nhuận được chia thành 9 phần (8 phần nội dung chính và 1 phần phụ lục) để bao quát những khía cạnh khác nhau trong đời sống Phú Nhuận. Từ khi bắt đầu viết sách, anh có hình dung trước là sách sẽ có 9 phần với các chủ đề như thế để lên kế hoạch viết không hay anh viết bài trước rồi trong quá trình tập hợp lại bài viết cho cuốn sách, anh mới chia bài viết theo chủ đề? Theo anh, phương pháp nào đem lại nhiều hiệu quả hơn?

Cuốn sách này, cho dù không phải là sách biên khảo nhưng cũng cần được sắp xếp tương đối mạch lạc theo từng nhóm nội dung để độc giả dễ theo dõi, để có cái nhìn từ khái quát đến từng lãnh vực, sau đó đọng lại là những tâm tình của người sống ở đó. Dù ban đầu đã có ý định sắp xếp một cách tương đối, khi viết tôi chọn những đề tài mình có hứng thú hoặc có tư liệu hay để viết trước. Sau một thời gian, tôi rà soát lại từng phần nội dung và tiến hành bù đắp những chỗ còn thiếu bằng những bài khác. Có thể cách của tôi không đúng bài bản nhưng ít ra nó giúp tôi duy trì được cảm hứng để viết một cuốn sách khá “lắm chuyện” như vầy.     

Trong Hồi ức Phú Nhuận, có những bài viết kể về các con đường, quán ăn và tiệm cà phê hiện đã không còn tồn tại. Vậy anh tìm kiếm và ghi lại những thông tin này bằng cách nào? Làm sao để anh cân bằng tính trung thực và chi tiết khi tái hiện những ký ức trong Hồi ức Phú Nhuận?

Tôi sống ở Phú Nhuận từ nhỏ đến nay nên không quá khó khăn để nhận diện những gì từng tồn tại và mất đi trong hơn nửa thế kỷ qua. Bên cạnh đó, còn có những nhân chứng chung quanh tôi, họ có thể kể về những quán xá họ từng lui tới, ăn uống ở đó hay về những gì đã xảy ra từ rất lâu trên một con đường. Trang “Phú Nhuận ngày xưa” trên Facebook do tôi lập ra, là nơi tập hợp những người từng hay đang gắn bó với vùng đất này cũng góp phần cung cấp cho tôi tư liệu về các quán, các nhà hàng trong quận, bên cạnh những câu chuyện ở lãnh vực khác.

Đã là hồi ức thì có “nhớ nhớ, quên quên” không tránh khỏi thiếu sót, tôi hạn chế tối đa điều đó bằng cách đối chiếu với các ý kiến khác nhau trên trang “Phú Nhuận ngày xưa” về một sự kiện, đưa ra trước cộng đồng để hỏi ý kiến và gửi bản thảo cho một số người quen nhờ xem giúp và phát hiện lỗi nếu có. Sau khi ra sách, tôi vẫn tiếp tục theo dõi dư luận để nếu cần thì đính chính hay chỉnh sửa sau.    

Hồi ức Phú Nhuận vừa có hình ảnh tư liệu, vừa có tranh minh họa của họa sĩ Phạm Công Tâm. Đâu là tiêu chí để anh quyết định lựa chọn giữa hình ảnh hay tranh minh họa cho một bài viết?

Việc chọn tranh hay ảnh minh họa cho phù hợp bài vở nằm trong góc nhìn từ nghề báo của tôi. Hầu hết bài trong sách được minh họa bằng ảnh, nhất là bài tài liệu. Bên cạnh đó có một số bài được minh họa bằng tranh màu nước, do không có ảnh đủ thể hiện được nội dung và còn giúp trang sách mềm mại hơn, đẹp hơn.

Sau Hồi ức Phú Nhuận, kế hoạch sáng tác tiếp theo của anh là gì? Anh có dự định viết thêm về Phú Nhuận hoặc những quận khác không?

Cho dù Phú Nhuận vẫn còn nhiều điều hay để khám phá và chia sẻ, tôi chưa có ý định viết tiếp ở dạng một cuốn sách mà sẽ dành thời gian cho những đề tài khác.

Tôi vừa viết xong bản thảo cuốn sách về Chợ Lớn, một khu vực đô thị không nhiều người phía Sài Gòn có điều kiện tiếp cận theo chiều sâu. Cuộc sống ở đó, với đa số là di dân người Hoa có những đặc thù riêng, rất thú vị để tìm hiểu. Qua cuốn này, tôi mong có thể phản ánh được một phần nhỏ đời sống, tâm tình, sinh hoạt của vài thế hệ người sống trong Chợ Lớn trong gần trăm năm qua. Đó là một nơi mà một số nhà văn, ký giả nước ngoài như Gontran de Poncins, Georges Ribon hay Kermendec... đã đến và ở lại một thời gian để viết những bài báo và cuốn sách thật lý thú.    

Cảm ơn tác giả Phạm Công Luận vì đã dành thời gian cho một cuộc chia sẻ sâu với Bookish. Chúc anh luôn thành công với những dự án trong tương lai.

Đọc bài viết

Chuyện người cầm bút

Elvis Phương: Âm nhạc là sự lựa chọn duy nhất của tôi từ năm 16 tuổi

Ở tuổi này mà Elvis Phương còn nhớ và thuộc gần 100 bài hát thì cuộc đời, kỉ niệm của chính mình làm sao mà quên được.

Published

on

By

Dòng đời là những trang viết trải lòng của danh ca Elvis Phương về chính cuộc đời mình. Hơn 60 năm ca hát, Elvis Phương đã trải qua nhiều thăng trầm để được thành danh và đứng vững trên sân khấu cho đến tận ngày nay. Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về những tâm tư của danh ca Elvis Phương xoay quanh Dòng đời, Bookish đã có buổi phỏng vấn độc quyền với nam danh ca.

Trong quyển hồi ký Dòng đời, Elvis Phương có nhắc đến việc cha mình cấm cản đi theo nghiệp ca hát. Vậy đến thời điểm nào, cha ông nguôi ngoai và chấp nhận việc ông theo đuổi ước mơ ca hát?

Hai năm sau khi Elvis Phương bị ba mình đuổi ra khỏi nhà thì một buổi tối sau khi đi hát xong, lúc trở về nhà nơi Elvis Phương đang mướn và ở cùng với ban nhạc thì thấy má của Elvis Phương ngồi sẵn trong nhà và bà nói: “Ba nói nhớ Phương và muốn con về nhà.” Thế là được trở về nhà. Vui sướng vô cùng vì biết rằng mình sẽ được tiếp tục hát để theo đuổi ước mơ dù má chả nói những điều như mình đã tự nghĩ nhưng cho trở về nhà là chắc cho đi hát rồi…

Được biết, ông là ca sĩ đầu tiên về nước, thời gian đầu, Elvis Phương nhận được tình cảm, sự đón nhận từ khán giả như thế nào? Ông có thể chia sẻ kỷ niệm ấn tượng với khán giả khi về Việt Nam?

Elvis Phương là một trong những ca sĩ về nước rất sớm; từ 1996 rồi 1998 để quay hai cuốn video nhưng mãi đến 2000 mới được hát live lần đầu vào ngày 20 và 21 tháng 5 năm 2000. Cả hai đêm hát đều sold out nhưng điều đáng nói nhất là tình cảm của khán thính giả dành cho Elvis Phương là động lực duy nhất khiến Elvis Phương quyết định mua nhà để được ở lâu dài và mãi đến tận hôm nay. Elvis Phương nhớ và nhớ rất rõ dư âm của hai đêm hát tại nhà hát Bến Thành lúc đó và sự yêu thương của khán thính giả đã làm Elvis Phương choáng ngợp sung sướng; có nhiều gia đình cả ba thế hệ đều đi xem Elvis Phương hôm đó. Sự bày tỏ lòng yêu thương của khán thính giả là một kỉ niệm đẹp cho lần trở về đầu tiên và được hát tại Việt Nam của Elvis Phương.

Ông từng mổ tim, cơn thập tử nhất sinh vào năm 1998, lúc đó ông cũng đã 53 tuổi. Nhưng tại sao, ông không lựa chọn cuộc sống an dưỡng mà tiếp tục sự nghiệp ca hát, hầu như ngày nào cũng đi hát?

Đối với Elvis Phương hát cũng giống như thở và mình phải cần thở mới được sống. Đúng vào tháng 5 năm 1998 Elvis Phương đã trải qua một cuộc giải phẫu tim phải nói là thập tử nhất sinh lúc đó. Elvis Phương đúng 53 năm tuổi mà dòng họ của mình từ ông nội, đến ba và người chú – em của ba – đều mất vào tuổi 53.

Phải nói là cuộc giải phẫu mười phần nguy hiểm nhưng khi được bình phục. Elvis Phương cảm thấy mình như được hồi sinh và niềm khao khát được hát lại cháy bỏng như những ngày đầu… Thế là hát và hát mãi đến tận bây giờ. Sự lựa chọn duy nhất của Elvis Phương từ lúc 16 tuổi đến ngày hôm nay: còn sống là còn hát.  

Sự nghiệp ca hát hơn 62 năm - một quãng đường dài và đồ sộ, khi viết cuốn hồi ký Dòng đời, làm sao ông có thể nhớ lại hết chi tiết cụ thể chuyện nhiều năm đã qua, sau đó xây dựng cấu trúc nội dung mạch lạc, tường thuật cho độc giả?

Elvis Phương không những nhớ một chuyện, mà cả trăm, cả nghìn câu chuyện. Vợ Elvis Phương hay đùa “phải chi Bố nhớ và giữ được tiền như những câu chuyện của đời Bố dù bao nhiêu năm đã trôi qua thì tốt biết mấy.”

Tài liệu và hình ảnh thì còn giữ được nhiều vô số kể. Bây giờ những lúc rảnh rỗi ngoài giờ đi hát thì Elvis Phương lại viết, lại ghi lại. Viết ra để làm gì? Chỉ biết viết vì kỉ niệm cả một đời đi hát thì nhiều quá; có những điều càng nhớ và viết ra thì thấy thú vị vô cùng. Ở tuổi này mà Elvis Phương còn nhớ và thuộc gần 100 bài hát thì cuộc đời, kỉ niệm của chính mình làm sao mà quên được.

Cuộc đời của ông trải qua nhiều thăng trầm. Khi viết xong quyển hồi ký Dòng đời và nhìn lại tất cả một cách hệ thống, ông cảm nhận điều gì là quan trọng nhất trong cuộc sống và sự nghiệp của mình? Chặng đường nào đối với ông là đáng nhớ nhất?

Đáng nhớ nhất là phải nhớ tất cả, vì cuộc đời ca hát của Elvis Phương thật là có quá nhiều thăng trầm. Đọc đi đọc lại Dòng đời, Elvis Phương vẫn thấy, vẫn cảm nhận trong cuộc sống và sự nghiệp của mình, tất cả những chặng đường đã trải qua đều quan trọng.

Có thăng, có trầm mới có Elvis Phương ngày hôm nay. Elvis Phương chưa bao giờ cảm thấy là mình không muốn hát và còn hát thì còn nhớ. Nhớ tất cả để cảm thấy cuộc đời mình còn thật nhiều may mắn. Điều gì cần nhớ thì phải nhớ thôi. Nhất là âm nhạc và những bài hát đã đi theo mình cả cuộc đời…

Cảm ơn những chia sẻ chân tình từ danh ca Elvis Phương. Chúc ông có thật nhiều sức khỏe dồi dào để tiếp tục thăng hoa với âm nhạc.

Danh ca Elvis PhươngMC Minh Đức tại buổi giao lưu, ra mắt sách Dòng đời ngày 9.9.2023
Danh ca Elvis Phương kí tặng bạn đọc tại buổi giao lưu, ra mắt sách Dòng đời ngày 9.9.2023
Đọc bài viết

Chuyện người cầm bút

Lê Nguyễn Nhật Linh: Chiến thắng vẻ vang nhất là khi ta vượt qua chính mình

Việc gì mình muốn làm thì hãy làm và làm với lòng nhiệt huyết hết sức có thể, đừng chờ đợi kết quả vì nhiều khi kết quả còn hơn cả mong đợi của mình. Có lòng, dốc sức thì sẽ được toại nguyện.

Published

on

Sáng ngày 27.8, tại Đường Sách TP. Hồ Chí Minh đã diễn ra buổi giao lưu cùng tác giả Lê Nguyễn Nhật Linh – chị đã có ba tựa sách do NXB Trẻ phát hành được tái bản nhiều lần: Đến Nhật Bản học về cuộc đời, Nín đi con, Giá ngày tháng ấy có người hiểu tôi.  

Nhắc đến Lê Nguyễn Nhật Linh, bạn đọc hẳn sẽ thường nhớ đến tác phẩm Đến Nhật Bản học về cuộc đời của chị. Quyển sách này đến nay đã đạt đến con số gần 30.000 bản in. Bên cạnh đó, chị Lê Nguyễn Nhật Linh còn là một nhà thiết kế kim hoàn rất thành công.

Quyết tâm trở thành người tốt vì đã được gặp nhiều người tốt

Tại buổi giao lưu, Nhật Linh không chỉ chia sẻ về những trải nghiệm xoay quanh tập tản văn Đến Nhật Bản học về cuộc đời mà còn có những chia sẻ sâu sắc về cuộc sống, tâm lý, con đường lập nghiệp và sáng tác. Một số bạn đọc đến tham dự tại buổi giao lưu chia sẻ rằng những dòng chị viết cả trên sách lẫn trên mạng xã hội đã đem lại những giá trị tích cực, trở thành nguồn động viên lớn với những ai đang trải qua giai đoạn khó khăn trong cuộc đời.

Ở phần chia sẻ những cảm nhận về nước Nhật, Nhật Linh cho biết, đối với chị, năng lượng của nước Nhật là hòa khí. Năm 16 tuổi, lần đầu tiên đến Nhật, chị đã có một ước mơ và quyết tâm: chị muốn mình trở thành người tốt vì đã gặp được rất nhiều người tốt ở Nhật; tuy có những người chị chỉ có cơ hội được gặp họ một lần, nhưng chị vẫn nhớ mãi sự tử tế và ấm áp ở họ. Giai đoạn ấy, chị đã dốc hết lòng phấn đấu vì: “Khi đại diện cho một quốc gia đến một quốc gia khác, bạn sẽ muốn nỗ lực cố gắng nhiều hơn; bởi lẽ khi đó, sự phát triển của bản thân sẽ trở thành sự phát triển của quốc gia.”

Trước câu hỏi tại sao những trang viết của Nhật Linh chắt lọc rất nhiều trải nghiệm sâu sắc về cuộc sống, có phải là do cuộc đời chị đã quá chông chênh, Nhật Linh chia sẻ rằng sự chông chênh đó không phải là câu chuyện của riêng chị. Bất cứ một người trẻ tự lập nào bước vào hành trình cuộc đời thì con đường đều sẽ có ít nhiều chông gai. Bản thân chị đã từng có những cột mốc nghĩ rằng mình trầm cảm. Vào năm đầu tiên học đại học, khi phải xa cha mẹ, quê hương – sự thay đổi môi trường đột ngột khiến chị chông chênh. Giai đoạn thứ hai là khi chị đi du học ở nước Nhật. Đây cũng là sự thay đổi môi trường nhưng ở mức độ tàn khốc hơn. Sự mất thăng bằng thường xuyên khiến chị cạn kiệt về năng lượng. Bây giờ – khi đã vượt qua và nhìn lại thời điểm đó – chị nhận ra rằng mỗi độ tuổi có một áp lực khác nhau và ta phải chiến đấu với nó. Nếu muốn sống một cuộc đời như mơ thì phải nỗ lực, mà bản thân sự nỗ lực vốn dĩ đã không phải là một điều đơn giản. “Khi chúng ta chiến đấu với chính mình và chiến thắng thì đó mới là chiến thắng vẻ vang nhất,” chị chia sẻ.  

Có lòng, dốc sức thì sẽ được toại nguyện

Bên cạnh Đến Nhật Bản học về cuộc đời, Lê Nguyễn Nhật Linh còn có một tác phẩm khác cũng đặc biệt không kém là Giá ngày tháng ấy có người hiểu tôi với đề tài về trầm cảm. Chị Linh cho rằng khi phải thường xuyên ở trong tình trạng không ai hiểu mình, người ta sẽ dễ mắc bệnh trầm cảm. Bất kì ai cũng có thể rơi vào giai đoạn phải đối mặt với cảm giác không được thấu hiểu này. Nguyên nhân chỉ đơn giản là vì ta không thể chia sẻ với người khác. Khi cứ để tình trạng này tiếp diễn thì nếu ở mức độ nhẹ nhàng, ta sẽ thấy nó chỉ là một khối đá; còn nếu ở mức độ nặng nề, nó sẽ trở thành khối u. Và nếu không tìm cách thay đổi, ta sẽ rơi xuống đáy. Mỗi người lại có một cái đáy khác nhau. Ta phải luôn quan sát những cảm xúc của bản thân để ý thức được rằng những điều ấy có ổn không.

Để tháo gỡ cảm giác đó, chị Linh cho rằng rất khó đúc kết thành vài từ khóa ngắn gọn. Mỗi chúng ta là những thế giới khác nhau. Có những người chỉ vài ngày thôi là đã đi qua được một biến cố. Nhưng có những người lại mất cả vài tháng, hay thậm chí là vài năm. Không có một công thức chung nào cả, nhưng nếu chúng ta cố gắng giữ ý thức thấu hiểu bản thân thì sẽ tìm được cách tháo gỡ. Bước đầu tiên là phải đặt câu hỏi cho bản thân – đây là một hình thức tự trò chuyện với chính mình để tìm giải pháp. Nếu như đến chính ta còn không muốn nói chuyện với ta thì làm sao có thể trông mong người khác sẽ đến giúp ta giải quyết vấn đề.

Hãy đặt thật nhiều câu hỏi khi chúng ta mắc kẹt trong những vấn đề của bản thân. Nhưng cách đặt câu hỏi rất quan trọng. Khi biết cách đặt câu hỏi đúng thì ta mới có thể tìm được câu trả lời then chốt. Những câu hỏi nên có sự cân bằng giữa lí trí và cảm xúc; nếu là chuyện liên quan đến người khác thì cần tránh suy diễn mà cố gắng trực tiếp hỏi đối phương. Khi đã đến cái đích của sự rõ ràng, ta sẽ tránh được tình trạng rối tung rối mù. Sau đó là đến giai đoạn quyết định. Mọi quyết định của chúng ta đều có thể sai và đúng, không thể lúc nào cũng đúng được. Nhưng nếu đã quyết định sai thì hãy cố gắng học nhiều nhất từ cái sai đó. Quá trình này sẽ giúp ta hiểu được nhiều hơn về bản thân. Và một khi đã hiểu bản thân, ta sẽ có thể học được cách hiểu và giúp đỡ người khác.

Cuối buổi giao lưu, Nhật Linh bật mí rằng Đến Nhật Bản học về cuộc đời sẽ được dịch sang tiếng Nhật, dự kiến xuất bản ở Nhật vào cuối năm nay. Chị cũng đưa ra lời khuyên cho những bạn trẻ từ kinh nghiệm nghề nghiệp của mình rằng: “Việc gì mình muốn làm thì hãy làm và làm với lòng nhiệt huyết hết sức có thể, đừng chờ đợi kết quả vì nhiều khi kết quả còn hơn cả mong đợi của mình. Có lòng, dốc sức thì sẽ được toại nguyện. Nếu không đặt trái tim mình vào công việc đã lựa chọn mà chỉ làm hời hợt qua loa thì sẽ không có kết quả như ý.”

Hoàng Đức Nhiên

Đọc bài viết

Cafe sáng