Trà chiều

Nghịch lý trong việc thi văn và đọc văn bản văn học của chúng ta

Published

on

Nhân dịp đọc đáp án thi Tốt nghiệp Văn 2019, mình nhớ lại mùa thi tốt nghiệp THPT năm 2006. Thi xong môn Ngữ văn, mình và đám bạn thở phào coi như trút bỏ được nỗi “phiền phức” đã đeo bám suốt mấy năm Phổ thông. Ra khỏi phòng thi, bạn bè hỏi làm bài thế nào, mình chỉ nói rằng câu nghị luận mình viết được mười chín dòng, sau đó nhảy lên xe đạp đi về.

Nghịch lý là ở chỗ, mình rất yêu văn chương và nhận được sự giáo dục của Ông già từ sớm. Ông già mình mặc dù là một nhà vật lý (thế hệ Liên Xô) nhưng ông rất coi trọng việc học văn. Để lấy ví dụ thì vào năm lớp 9, ông đã biên tập cuốn truyện Nắng ban mai – tác phẩm đầu tay của Phạm Tiến Duật (khi đó học lớp 12 – bạn thân của ông Bác mình). Ông già có phương pháp rất cơ bản, ông chỉ hướng mình tới hai việc: một là “thấy sao viết vậy, nghĩ sao viết vậy, viết sao nghĩ vậy, viết sao nói vậy” và thứ hai là “phải đọc thật nhiều và đọc đi đọc lại văn bản văn học”.

Năm bảy tuổi mình đọc truyện rất hăng, vì mới biết đọc nên rất khoái, đọc lấy đọc để. Ông già đưa ngay cho cuốn Thời thơ ấu của Maxim Gorky. Ở tuổi lên bảy thì đây có thể coi là một tác phẩm khó đọc. Đặt cạnh những Dế Mèn phiêu lưu ký hay Cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer thì nó là truyện đòi hỏi kĩ năng đọc cao hơn. Mình đọc chậm chậm, vừa đọc vừa phải kể lại cho Ông già nghe, chỗ nào kể chưa phù hợp, chưa đúng thì ông chỉnh sửa lại. Hai bố con đọc ròng rã một truyện như vậy suốt một mùa hè.

Ấn tượng thời nhỏ của mình về Thời thơ ấu là hình ảnh A-Lếch-Xây đứng cạnh một cái cây khẳng khiu khắc khổ, Bà ngoại hiền hậu, mảnh sân sau tù đọng đầy những kẻ nát rượu, nóc lò sưởi cũ, Ông ngoại khó tính và người Mẹ bất hạnh xuất hiện loáng thoáng như để làm trọn vẹn thêm sự cô đơn của đứa con. Đọc xong chỉ biết có thế, đến năm chín tuổi lại đọc lại một lần nữa, hiểu hơn một chút, mười hai tuổi lại đọc, lại hiểu hơn một chút, cứ thế cho đến tận bây giờ. Từ một cậu bé đọc văn bản văn học, dần dần mình đã bắt đầu đọc nó với thái độ đọc một văn bản có giá trị phê bình văn học (theo cái cách mà Ông già thường nhấn mạnh ở tác phẩm này).

Và đó là sự tiếp nhận văn bản mà mình áp dụng từ nhỏ. Đến năm 25 tuổi, khi vợ chồng anh trai mình sinh cháu thì cũng là lần đầu tiên mình xúc động rơi nước mắt trong một chương của Thời thơ ấu – dưới ảnh hưởng từ những cảm xúc riêng tư đến từ đứa cháu bé bỏng. Ở thời điểm ấy, với vốn sống, sự quan sát, khả năng mô hình hóa cùng sự liên tưởng đã làm việc “đọc” của mình đối với văn bản đó có thể gọi là “đạt”. Và như thế thì một văn bản văn học trở thành một tác phẩm văn học.

Có tồn tại một khoảng đệm giữa hai khái niệm nói trên. Quá trình ấy được gọi là “tiếp nhận”. Giá trị duy nhất của lý thuyết tiếp nhận là lý thuyết này đề cao thành tố bạn đọc khi cho rằng văn bản văn học chỉ trở thành tác phẩm văn học khi đã có sự “đọc”. Quá trình này chỉ diễn ra khi người thầy không được phép “đọc hộ” học trò. Tuy nhiên đây lại là thứ diễn ra một cách hiển nhiên trong cách dạy học văn ở Việt Nam.

Nghịch lý là ở chỗ đó.

Thầy “đọc hộ” trò, trò chưa biết gì thì thầy đã nhồi nhét một hằng hà sa số các ý kiến nhận định, gán ghép cho văn bản một loạt những “giá trị” văn học mà thậm chí chính người dạy đôi khi còn hoài nghi về nó. Tất nhiên, giáo dục văn chương ở tuổi thiếu niên cần hướng tới các văn bản có tính “trường quy” (hướng tới lứa tuổi cụ thể với trình độ, nhận thức ở lứa tuổi đó), thế nhưng nhiệm vụ của người thầy có lẽ nên đẩy mạnh ở việc hướng dẫn và gợi ra các vấn đề khái quát cho học sinh. Điều này phải dựa trên nền tảng lý luận của người dạy thì bài giảng mới hay. Lý luận văn học thì có liên quan đến văn bản, cốt truyện, phong cách ngôn ngữ nghệ thuật, thể loại văn học, quá trình văn học và phong cách văn học, cấu trúc, hình tượng, luật thơ… Tất nhiên, có lẽ chỉ có một số lượng rất ít giáo viên THPT nắm vững các vấn đề này vì nó đòi hỏi kiến thức liên ngành (ngành dọc và ngành ngang).

Cũng phải thẳng thắn nhìn nhận sự thật là nhiều giáo viên văn đọc sách không nhiều và ít cập nhật. “Đọc” ở đây không phải chỉ là đọc những kiến thức chuyên môn phục vụ cho việc giảng dạy một chuyên ngành, một cấp, một bài… mà đọc mọi lĩnh vực, thậm chí cả lĩnh vực khoa học tự nhiên. Có tri thức đa ngành như vậy, khi giảng dạy mới có thể tích hợp một cách tự nhiên vào giờ dạy. Dạy văn thì phải tích hợp và rất cần “tích hợp dọc”, nghĩa là liên hệ các vấn đề văn chương với triết học, lịch sử, nghệ thuật. Giáo viên văn của chúng ta, nhiều thầy cô cả đời chỉ đọc một hai tác phẩm luận và chỉ biết đúng một vài vấn đề nghệ thuật trong nội dung giảng dạy. Vượt ra các tác giả hay phong trào văn học, nghệ thuật của những nền văn hóa bề thế như văn học Anh hay văn học Đức thì có thể nói là thầy thường kém cả trò (trong tính đa dạng). Trên cái nền đơn sơ đó, thẩm mĩ văn chương của người dạy không đủ để thuyết phục người nghe và rồi ở cái cương vị giáo viên thiếu chiều sâu thì hẳn sẽ dẫn tới giáo điều.

Ba năm cấp ba mình đã được chứng kiến điều này đủ nhiều để hiểu rằng nó gây ra những tổn thương lớn ra sao đến người đi học.

Nghịch lý là ở cả thầy và trò.

Văn chương thì đẹp đẽ nhưng học sinh Việt Nam sẽ hò reo nếu môn này được loại ra khỏi danh sách môn thi bởi vì các em không được dạy tiếp nhận văn bản. Quá trình tiếp nhận văn học là rất quan trọng, phải có thảo luận, phải có đặt vấn đề và phải tự do. Bởi vì từng cá nhân có trải nghiệm, vốn sống, cá tính khác nhau nên cách tiếp cận văn bản sẽ có khác nhau. Giả sử khi học Truyện Kiều, có thể khẳng định tất cả các giáo viên văn ở ta đều là bậc thầy về “ca ngợi” Truyện Kiều, bởi vì phần lớn họ chỉ làm đúng một cái việc như vậy trong đời. Tác phẩm có thể rất hay, thế nhưng cứ bám riết vào nó thì người thầy không tránh khỏi việc “khua môi múa mép”. Thời mình đi học, có lần phát biểu thấy rằng Truyện Kiều nội dung quanh quẩn, một đôi nam nữ đêm hôm trèo tường trổ ngõ yêu đương, về phong hóa đạo đức phong kiến có thể coi là việc làm bất chính, vậy sao có thể đem ra răn dạy người đời sau. Để đáp lại, cô giáo chỉ nói rằng phát biểu ấy rất linh tinh và thảo luận dừng lại luôn (!). Đó chính là cái thiếu sót của người giáo viên khi không nhận ra rằng học sinh được phép tiếp nhận văn bản theo hướng có logic – mà ý kiến ở trên đã đạt được một mức độ cụ thể.

Thế nên, học sinh học văn của ta, phần lớn là những em chuyên về “ngợi ca”, “Vẽ phấn bôi son, tô toàn màu đỏ; La liệt đầy đường hoa nở, chim kêu”, chứ các em đó còn ở rất xa với cái gọi là “có ý kiến” về văn học. Có rất nhiều em tán “Kiều” tới bến nhưng lại chưa từng đọc hết toàn bộ văn bản này. Một số khác thì thờ phụng Tố Hữu dù có thể các em mới đọc được độ vài ba bài thơ của ông. Và ngoài các văn bản trong sách ra thì gần như các em không đọc thêm bất cứ thứ gì khác.

Nghịch lý cũng là ở chỗ đó.

Năm mình mười lăm tuổi, sau khi mình trình bày các lý do để không cổ súy cho thơ Tố Hữu xong, Ông già mình đưa luôn cho tập thơ Việt Bắc và bảo rằng mình cần thận trọng hơn bởi vì các ý kiển ấy chỉ mới dựa trên vài ba bài thơ thì còn phiến diện lắm. Mình thừa nhận, rồi mình đọc hết ba tập: Từ ấy, Việt Bắc, Gió lộng. Đọc xong thì mình tin ở cái nhận định rằng đem so cả tập Việt Bắc của Tố Hữu cũng không bằng một bài Cha tôi của Lê Đạt. Truyện Kiều cũng thế, có lẽ mình là học sinh duy nhất trong lớp đã đọc hết văn bản này từ đầu đến cuối. Sau quá trình “đọc” rất nghiêm túc thì Ông già tôn trọng các ý kiến của mình vì ông thấy rằng mình có lý trong việc “yêu”, “ghét” cụ thể.

Tuy vậy, điều này khó lòng xảy ra trong nhà trường của chúng ta, nơi mà học sinh được rèn để “tán” một câu cho hay, “nịnh” một lối cho lạ. Quá trình này tạo ra những học sinh hoàn toàn không có “ý kiến” gì cụ thể – các em chỉ chăm chăm xem thầy cô ngả theo bên nào thì các em ngả theo bên đó và cạnh tranh nhau ở cái sự khéo léo mà thôi. Khi ra đời, các em cũng sống như vậy, trở thành những kẻ thiếu chính kiến. Điều này trái ngược với những nền giáo dục tiên tiến khi mà học sinh phải chú trọng việc đặt ra vấn đề của chính mình sau quá trình đọc văn bản. Phương pháp đọc hiểu giúp học sinh trở nên thành thạo trong việc viết luận. Bài luận của trẻ con phương Tây thì được đánh giá dựa trên độ sâu, sự mới mẻ và đa dạng trong cách tiếp cận vấn đề. Nó không phải là chuyện vặn vẹo, lý sự trong cách nghĩ – mà chỉ đơn giản là đòi hỏi người đọc cần phải đọc nhiều, đọc rộng và phải có ý kiến riêng. Đôi khi có dịp hướng dẫn sinh viên nước ngoài hệ đại học thảo luận mình cũng vẫn áp dụng cách này và mình thường phải tự đọc thêm rất nhiều vì sinh viên châu Âu có vốn hiểu biết xã hội rất đa dạng.

Học sinh Việt Nam có thể viết được những bài văn dài, muồi mẫn, theo một dàn ý phức tạp và áp dụng nhiều kĩ thuật viết lách. Thế nhưng bao trùm lên chúng, người chấm bài khó đánh giá được cá tính hay phẩm chất chất của người viết. Bởi vì về cơ bản thì những điều mà học trò viết ra, phần lớn chứa đựng sự dối trá ở các mức độ khác nhau. Như mười ba năm trước, khi mình làm bài thi, thì đó là mười tám dòng dối trá, có nhiều bạn khác thì là ba mươi dòng, hoặc thậm chí là ba – bốn tờ giấy thi là chuyện bình thường.

Nghịch lý nó là như vậy.

Rõ ràng, quá trình “tiếp nhận” xảy ra ở giữa việc đọc văn bản văn học và hiểu tác phẩm văn học ở Việt Nam còn bị xem nhẹ. Và khi đó ta cần phải đặt ra câu hỏi rằng: Giáo dục văn chương cuối cùng chỉ dừng lại ở việc rao giảng để ngăn cản học sinh được nêu lên ý kiến thực sự của mình hay sao?

Giáo dục có ảnh hưởng tới xã hội. Thời nào cũng thế, xã hội loạn cũng chỉ bởi con người ta nói dối thành quen.

Ảnh: Cuối tuần đi bảo tàng đang có triển lãm đôi của Mantegna và Bellini (bộ sưu tập từ thế kỉ XV), tình cờ mình gặp môt bác giáo già đang đứng cặm cụi chép tranh. Lúc sau nói chuyện phiếm bác bảo tuần trước sinh viên tao nó đặt các câu hỏi cũng hay mà tao không trả lời được nên cuối tuần đến đây vẽ nghiên cứu bằng chì một vài bức, may ra giải đáp được phần nào các vấn đề của sinh viên. Cũng giống như hội họa, văn học khó có chuẩn mực chung nhất, người ta phải dành cả đời để tiếp nhận nó một cách trung thực.

Hết.

Lê Quang


Những bài viết có cùng chủ đề



4 Comments

4 Bình luận

  1. Pingback: Văn chương & Toán học: Vì sao chẳng dễ dàng chinh phục cả hai lĩnh vực? – Bookish

  2. Pingback: “Tại sao cậu lại viết văn?” – Bookish

Viết bình luận

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Trà chiều

Vũ Đằng kết đôi cùng “nàng Kiều” Trình Mỹ Duyên trong Chợ Tết Tình Quê

Published

on

By

Nam diễn viên Vũ Đằng sẽ sánh đôi cùng “nàng Kiều” Trình Mỹ Duyên trong bộ phim phát sóng vào ngày mùng một Tết nguyên đán Ất Tỵ.

Chợ Tết Tình Quê là câu chuyện tình cảm của một đôi bạn trẻ diễn ra trong những ngày giáp Tết Ất Tỵ ở cù lao An Bình (tỉnh Vĩnh Long). Gia Bảo (Vũ Đằng đóng) là một chàng công tử chính hiệu, chán chường cuộc sống xa hoa, xô bồ nơi phố thị cũng như muốn thoát khỏi sự kìm kẹp của mẹ, Bảo bỏ nhà đi bụi vào một buổi chiều tháng chạp. Anh xuôi về miền Tây sông nước, nơi có làng nghề gốm đỏ, làm nhang, trồng trái cây, hoa kiểng để tìm lại những ký ức thời thơ ấu, khi gia đình còn trọn vẹn. Tình cờ gặp được Vũ Nghi (Trình Mỹ Duyên), Bảo choáng váng và thậm chí ghét bỏ, nhiều lần cản trở, gây tai họa cho cô vì hiểu lầm cô là người thực dụng, lợi dụng tình nghĩa của bà con dưới quê để kiếm danh.

Vũ Nghi vốn là người sinh ra ở cù lao An Bình. Cô mồ côi cha mẹ, sống với người cậu từ bé nên tính cách cứng cỏi, đạt giải một hoa khôi nhưng từ chối mọi sự săn đón của các đại gia mà muốn đi lên từ thực lực. Vũ Nghi hoạt động như một hot streamer trên mạng xã hội, sở hữu những trang cá nhân có lượt theo dõi khủng. Chương trình thực tế 100 nghề của cô nhận được nhiều sự quan tâm của công chúng, trong đó có những tập quảng bá về ngành nghề truyền thống cũng như du lịch sinh thái ở quê hương Vĩnh Long. Hoàn cảnh đưa đẩy cả hai thành cặp đôi “oan gia ngõ hẹn”, ban đầu là ghét nhau, sau dần dần cảm mến rồi tiến tới tình yêu.

Bên cạnh chuyện tình của cặp trai tài gái sắc Gia Bảo – Vũ Nghi, đạo diễn Quách Khoa Nam và biên kịch Phan Ngọc Diễm Hân còn dẫn dắt khán giả màn ảnh nhỏ tham quan cù lao An Bình cũng như những miền quê xinh đẹp, trù phú của tỉnh Vĩnh Long. Người xem sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp bình dị của làng nghề gốm đỏ, làm nhang, những làng hoa Tết sum suê, vườn trái cây trĩu quả… Không khí của phim diễn ra trong những ngày giáp Tết, thời khắc mùa Xuân hiện hữu đẹp nhất với những màu sắc, mùi vị đặc trưng của xứ Nam Bộ.

Khi nhận được kịch bản Chợ Tết Tình Quê, diễn viên Vũ Đằng  cảm thấy rất lo lắng vì nhân vật không có chút gì giống mình ở ngoài đời. “Với một thanh niên 28 tuổi thì ai lại không muốn thành công và được nhiều cô gái vây quanh nhưng Gia Bảo thì ngược lại, anh trốn tránh hết tất cả. Tuy nhiên, tôi đọc kỹ kịch bản, tìm cách thấu hiểu và cảm thông với nhân vật. Tôi đặt ra những câu hỏi “Tại sao?” và tìm cách giải đáp để làm dày lý lịch  để khi ra bối cảnh không còn khúc mắc với nhân vật” – anh chia sẻ. Tuy nhiên, đây không phải là điều làm khó Vũ Đằng mà chính việc hóa trang mới tạo cho anh nhiều trở ngại nhất trong quá trình thực hiện phim. Trước đó ít lâu, anh vừa hoàn thành một phim cổ trang, phải cạo đầu ba vá cho phù hợp nên sang Chợ Tết Tình Quê, Vũ Đằng không kịp để tóc trở lại bình thường, vậy nên ekip thực hiện quyết định cho anh đội tóc giả. Việc hóa trang tóc cho anh trước khi vào cảnh quay mất hơn một giờ, thêm nữa, thời tiết cũng khá nóng nên Vũ Đằng cũng không thực sự thoải mái với bộ tóc khi diễn. “Nó có thể rớt ra bất cứ lúc nào hoặc sai phom dáng nếu mình xoay đầu quá nhiều. Có một số cảnh nặng về tâm lý hay cần động tác hình thể nhiều thì buộc mình phải quên đi chuyện đội tóc giả để nhập tâm hơn. Nếu đội quá lâu thì bộ tóc cũng làm tôi cảm thấy đau đầu. Khi diễn những cảnh cuối cùng của phim, tôi thực sự thở phào nhẹ nhõm vì… được cởi hẳn và tạm biệt bộ tóc giả từ đây!”- anh dí dỏm.

Ngoài ra, phim còn có sự tham gia của các diễn viên: Quang Thái, Hoài An, Thanh Bình, Lê Trang…

Bộ phim do PNF sản xuất kéo dài 20 tập, phát sóng lúc 20h từ thứ hai đến thứ bảy hàng tuần trên kênh THVL1, khởi chiếu từ mùng 1 Tết nguyên đán Ất Tỵ (tức 29.01.2025)

Đọc bài viết

Trà chiều

“Hành trình Anh Hùng” ẩn trong Xứ Cát

Published

on

    Dựa trên công trình nổi tiếng Người hùng mang ngàn khuôn mặt của Joseph Campbell và các tương đồng trong lĩnh vực tâm lý học của Jung và Freud, tác giả Christopher Vogler đã cho độc giả một cái nhìn khác về cấu trúc tương đồng của hàng triệu câu chuyện từ cổ chí kim qua cuốn Hành trình người viết vừa được ra mắt.

Một cuốn sách quan trọng

       Cấu trúc nói trên xuất hiện từ các truyện cổ dân gian đến tiểu thuyết hiện đại, từ những bài đồng dao quen thuộc đến các bộ phim “làm mưa làm gió” tại Hollywood… Hành trình người viết không chỉ là một cuốn sách giúp ta nhận ra những rường mối quan trọng của nghệ thuật kể chuyện, mà song song đó còn là bài học để mỗi độc giả có được khả năng là một người viết.

       Vốn là một người tư vấn cốt truyện của Hollywood và đã kinh qua hàng nghìn kịch bản trong cuộc đời mình, Vogler có khả năng nhìn thấy những mối liên kết cũng như những điểm suy yếu trong các tác phẩm. Từ những đúc rút và kho kinh nghiệm bản thân có được, ông đã tạo nên cuốn sách vô cùng hấp dẫn. Để kiếm chứng điều đó, hãy thử lần ngược siêu phẩm Xứ cát chuyển thể tiểu thuyết khoa học viễn tưởng cùng tên của Frank Herbert do đạo diễn Denis Villeneuve thực hiện và so nó với những gì được tổng kết lại, để xem hành trình anh hùng của Vogler có giao điểm nào với Paul Atreides – người thanh niên đã làm nên những khoảnh khắc vô cùng chói lọi.

       Theo Vogler, nói thật gọn ghẽ thì hành trình anh hùng bắt đầu khi nhân vật chính được giới thiệu ở THẾ GIỚI BÌNH PHÀM nhận được TIẾNG GỌI PHIÊU LƯU. Ban đầu họ MIỄN CƯỠNG, thậm chí buông lời TỪ CHỐI, nhưng do nhận được sự khích lệ từ SƯ PHỤ để VƯỢT QUA RÀO CẢN ĐẦU TIÊN, mà họ đã tiến vào Thế Giới Đặc Biệt - nơi họ sẽ gặp các KHẢO THÍ, ĐỒNG MINH VÀ KẺ THÙ. Sau đó họ TIẾP CẬN HANG ĐỘNG TRONG CÙNG, vượt qua rào cản thứ hai, nơi phải chịu đựng KHỔ HÌNH. Họ vượt qua, chiếm lĩnh PHẦN THƯỞNG và bị truy đuổi trên ĐƯỜNG VỀ với Thế Giới Bình Phàm. Không dừng ở đó, họ vượt qua rào cản thứ ba, trải nghiệm HỒI SINH và được chính trải nghiệm đó biến đổi. Cuối cùng họ TRỞ VỀ CÙNG THẦN DƯỢC, cùng lợi ích hoặc kho báu có lợi cho Thế Giới Bình Phàm.

Hành trình người viết không chỉ là một cuốn sách giúp ta nhận ra những rường mối quan trọng của nghệ thuật kể chuyện, mà song song đó còn là bài học để mỗi độc giả có được khả năng là một người viết. Ảnh: N.M.

Chặng đường phân tích      

       Áp vào Xứ cát, THẾ GIỚI BÌNH PHÀM của chuỗi phim này bắt đầu ở một hành tinh cách xa Trái Đất - nơi mà mọi thứ đều như không tưởng với những tiến bộ liên hành tinh và những thực thể vô cùng kỳ dị. Ở đó Công tước Leto của Gia tộc Atreides – người cai trị hành tinh đại dương Caladan - là nhân vật chính và nổi bật nhất. Nơi ông cai trị là phiên bản khác của một Trái Đất ngay bây giờ đây, với cây xanh bao phủ tươi tốt, với biển cả vỗ sóng và bầu không khí vô cùng trong lành. Về mặt chính trị, nhà Atreides được cư dân vô cùng ủng hộ vì mang đến sự bình yên và cân bằng. Sơ lược qua những nét này, có thể thấy Herbert (và cả Villeneuve) đã làm rất tốt trong việc xây dựng bối cảnh có tính đối lập liền ngay sau đó, để nhân vật chính bước vào hành trình của bản thân mình.

THẾ GIỚI BÌNH PHÀM của chuỗi phim này bắt đầu ở một hành tinh cách xa Trái Đất, nơi mọi thứ tươi tốt bất ngờ. Ảnh: Screen Rant

       Như đã nói trên, TIẾNG GỌI PHIÊU LƯU nhanh chóng xuất hiện khi Hoàng đế Shaddam của toàn đế chế nhanh chóng bí mật liên minh với nhà Harkonnen nhằm tránh khỏi sự uy hiếp mà rất có thể trong tương lai gần Leto sẽ tự đạt được. Vậy là một cuộc tàn sát được lên kế hoạch. Thoạt nhìn, có thể thấy Herbert dùng một motif vô cùng thân quen trong các sử thi từ cổ chí kim, khi đó là tranh giành quyền lực, đấu đá lẫn nhau. Và để tạo ra 2 phe kình chống, ông cho một bên lăng kính tích cực, còn phía còn lại tiến hành liên minh, và cũng vì thế mà thế trận ấy nhanh chóng cân bằng. Ta thấy điều này trong rất nhiều nơi, từ Tam quốc diễn nghĩa đến Con ngựa thành Troy, từ bộ Shogun đến bộ Taiko…Một điểm chung khác là sự báo hiệu cho câu chuyện dịch chuyển, khi người cha Leto nhanh chóng mất mạng để Paul Atreides – người con trai cả - sẽ thay bản thân bảo vệ gia đình, trả thù cho điều đã mất. Do đó mà Paul quyết định lên đường.

Herbert dùng một motif vô cùng thân quen trong các sử thi từ cổ chí kim, khi đó là tranh giành quyền lực, đấu đá lẫn nhau. Ảnh: LA Times

       Ở đây ta có thể thấy có những cổ mẫu vô cùng truyền thống được Herbert sử dụng. Trong đó Paul là anh hùng bị động – một người được đặt vào tình thế không thể khác hơn, và suốt hành trình sau đó từng bước học hỏi sẽ khiến cho anh dần dần chủ động. Đối diện trước trọng trách đặt lên bản thân, Paul dường như không có được động lực nào – một điều cũng là một chặng đường khác trên hành trình anh hùng. Rất may mẹ anh – Lệnh bà Jessica – người vừa là SƯ PHỤ, vừa là ĐỒNG MINH nhưng cũng có khi là kẻ ĐEO MẶT NẠ và cả BÓNG ĐÊM đã nâng đỡ anh và hướng anh theo con đường đúng đắn. Quê nhà tan tác trong khi bản thân thì bị truy sát, anh sớm VƯỢT QUA RÀO CẢN ĐẦU TIÊN để giữ được mạng sống nhờ vào những cận thần trung thành với mình. Hành trình này dễ thấy không quá phức tạp, và Herbert sẽ lại dồn nhiều sức hơn ở phía sau.

Paul và mẹ mình, thoạt nhìn, chính là 2 cổ mẫu anh hùng và sư phụ theo cấu trúc của Vogler. Ảnh: Den of Geek

       Chính khi bước vào THẾ GIỚI ĐẶC BIỆT - ở chiều rộng hơn là một cuộc sống không còn uy quyền của cha, không còn hành tinh Caladan mình vốn quen thuộc, anh đã gặp được những người bản địa Arrakis - những chiến binh thiện nghệ sống nơi sa mạc gọi là Fremen. Như vậy kể từ lúc này thì chặng thứ 2 của hành trình anh hùng chính thức bắt đầu. Cả Herbert và Villeneuve đều dành rất nhiều thời lượng cho giai đoạn này, để khắc ghi một hành tinh mới với loài sâu cát và quy luật sinh tồn ở thế giới mới, với các chi tiết như dịch nhầy sâu, với hương dược, với cách tạo nước và những con người mắt xanh biêng biếc có kỹ năng phi thường… Trong chương đoạn này, những cuộc KHẢO THÍ mà ĐỒNG MINH và KẺ THÙ liên tục xuất hiện cũng được diễn ra. Chẳng hạn KHẢO THÍ nằm ở chi tiết Paul phải chiến đấu với một người Fremen để chứng minh mình thuộc về nơi này trước khi được họ cứu giúp. Đối với những người bản địa, anh vừa là ĐỒNG MINH nhưng cũng là KẺ THÙ khi đã giết chết một trong số họ để mà bước tiếp.

Trận chiến của Paul trước một chiến binh Fremen chính là một cuộc KHẢO THÍ. Ảnh: Screen Rant

Những vòng lặp kép      

       Thế nhưng KHẢO THÍ không dừng ở đó, mà sau đấy liên tục là những bài học để cưỡi sâu cát, những trận oanh tạc vì phát hiện ra căn cứ bên dưới lòng đất của người Fremen… Chúng liên tục xuất hiện để thử thách Paul, để rồi cuối cùng anh được mọi người nhận ra chính là vị Thánh ghi trong sử sách toàn cõi ngân hà. Đa số thời lượng của phần 2 tương ứng với HANG ĐỘNG TRONG CÙNG – nơi anh chứng minh bản thân và giành được quyền vươn lên dẫn đầu. Ta thấy ở đây Herbert rất tài tình khi song song với những bước tiến về mặt quyền lực, thì cõi lòng Paul cũng chịu tra tấn trong những thay đổi của bản thân mình. Có thể nói tuy chặng đầu tiên của HÀNH TRÌNH ANH HÙNG đã gần hoàn thành xong với nhân vật này ở phía bên ngoài, nhưng thật ra một HÀNH TRÌNH ANH HÙNG khác cũng đang mở ra trong nội tâm anh, khi phải chứng kiến mục đích thật sự của mẹ anh – Lệnh bà Jessica, cuộc hôn phối với Công chúa của vua Shaddam và những biến động bên trong Chani.

Chani cũng là một nhân vật có hành trình anh hùng song song khác. Ảnh: Collider

       Khép lại 2 phần phim của Villeneuve, hiện Paul và Xứ cát đang dừng trước “trận đánh” quyết định để mang về PHẦN THƯỞNG và dần tiến đến HÀNH TRÌNH TRỞ VỀ. Tuy khép lại tại đây nhưng có thể thấy Xứ cát là bộ tác phẩm đậm tính sử thi mà mỗi nhân vật lại tự sở hữu một HÀNH TRÌNH ANH HÙNG riêng biệt. Ta thấy nó trong Chani mà “con đường” cô đi chính là tình cảm với Paul và trách nhiệm với cộng đồng Fremen của mình. Ta thấy nó trong Lệnh bà Jessica và tham vọng của bà với nhóm tôn giáo Bene Gesserit. Trong khi đó một nhân vật mới – em gái của Paul – cũng sắp xuất hiện. Và tuy chỉ mới nằm trong bụng mẹ nhưng nó cũng đang dần có những HÀNH TRÌNH ANH HÙNG nhất định, trong việc nhất tề chi phối và biến các nhân vật xung quanh mình trở nên phức tạp.

Ở phần 2, Lệnh bà Jessica là một nhân vật vô cùng bí hiểm. Ảnh: Screen Rant

       Ngoài điều đó ra, Herbert cũng rất thành công trong việc “đeo mặt nạ” cho các nhân vật, để ta không thể lường trước đường đi nước bước của bản thân họ. Chẳng hạn phút trước Paul và Chani còn rất mặn mà, nhưng ngay sau đó mọi chuyện đổi khác khi anh chấp nhận lấy Công chúa như đại diện cho chiến thắng của mình. Lệnh bà Jessica cũng nằm trong “ngã ba” ấy, khi không ai biết một cách rõ ràng bà đang từng bước leo lên theo quyền lực của con trai mình, hay chính bà mới là kẻ thao túng tất cả, trả thù cho điều đã mất? Và nếu điều ấy là thật, hóa ra cổ mẫu anh hùng mà ta xác định ngay từ ban đầu đã đổi bản chất. Paul từ mẫu bị động chuyển sang chủ động với chính những gì mà mình học hỏi, nhưng nếu vai trò của mẹ anh lớn hơn, thì hóa ra Paul chỉ là một kiểu anh hùng xúc tác – người có vị trí là bàn đạp cho hình tượng khác bước lên vũ đài danh vọng. Áp chính lý thuyết của Vogler vào Xứ cát bản phim của Villeneuve, ta thấy vì sao mà tác phẩm này thành công vang dội trong các năm qua. Dù biết một cách khái quát đó là trùng trùng lớp lớp âm mưu, nhưng khi được phân tích dưới cổ mẫu và những điểm nút quan trọng của hành trình anh hùng, ta sẽ lại thấy những chi tiết này hiện ra phức tạp, gắn kết ra sao.

Ngô Minh

Đọc bài viết

Trà chiều

Sứ Đoàn Iwakura đạt Giải thưởng sách Quốc Gia 2024

Published

on

Giải thưởng Sách Quốc gia là giải thưởng do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức hàng năm, trao giải cho những cuốn sách (bộ sách) có giá trị nổi bật về nội dung tư tưởng, tri thức, thẩm mỹ nhằm tôn vinh tác giả, dịch giả, nhà khoa học và người làm công tác xuất bản.

Tối ngày 29.11.2024 tại lễ trao Giải thưởng Sách Quốc gia lần VII, tác phẩm Sứ Đoàn Iwakura - Chuyến Tây Du Khảo Cứu Nhằm Canh Tân Nhật Bản Thời Minh Trị (Ian Nish biên soạn, Nguyễn Hoàng Mai - Nguyên Tâm dịch) hân hạnh được vinh danh giải Khuyến khích.

Sứ Đoàn Iwakura là tác phẩm nghiên cứu tập hợp nhiều tư liệu giá trị, giúp độc giả hiểu rõ hơn về chuyến du khảo nhằm canh tân Nhật Bản thời Minh Trị dưới góc nhìn của người phương Tây. Để có một đường lối phát triển đất nước hoàn toàn mới, người Nhật đã khởi động chuyến công du gọi là Sứ mệnh Iwakura thăm Hoa Kỳ và nhiều nước châu Âu. Đây là một chuyến đi lịch sử có tầm quan trọng đến mức khi nhắc về Minh Trị Duy Tân, người ta lập tức nhớ đến chuyến đi này.

Sách dày 427 trang, gồm 11 chương tổng hợp các bài viết của Ian Nish và 12 chuyên gia trong lĩnh vực quan hệ quốc tế khu vực Nhật Bản và Đông Á. Tám chương đầu, độc giả sẽ cùng phái đoàn đi qua tám cường quốc từ Mỹ, Anh, Pháp, Bỉ, Đức, Nga, Thụy Điển và Italy. Bản ghi chép của những học giả góp phần tái hiện hành trình tìm kiếm “văn minh khai sáng” của sứ đoàn Iwakura tại trời Âu dưới góc nhìn của người phương Tây. Ba phần còn lại trong ấn phẩm là bài phân tích, nhận định của chuyên gia lịch sử, đánh giá tình hình nước Nhật sau chuyến công du.

Để hiểu thêm về một lát cắt lịch sử quan trọng của Nhật Bản, cũng như đọc thêm về chuyến đi được mệnh danh là “Chuyến công du lịch sử thay đổi nước Nhật”, mời bạn tìm đọc sách tại đây hoặc tại hệ thống các nhà sách Phương Nam trên toàn quốc.

Đọc bài viết

Cafe sáng