Trà chiều

Chuyện học đàn guitar của tôi

Tôi thích ngửi mùi gỗ trên cây đàn, chạm vào một lượt những đường cong mềm mại nơi thùng đàn, ngồi ôm nó vào lòng và bắt đầu đệm lên những giai điệu.

Published

on

Tôi ít khi nào viết bằng tiếng Việt để được buông xả cảm xúc thoải mái nhất có thể. Dù buồn cách mấy, tôi luôn cố gắng viết bằng tiếng Anh để làm dịu bớt đi sự kịch tính hóa nỗi buồn vốn chẳng có gì nghiêm trọng mà tôi thường có xu hướng sẽ viết quá lên khi dùng tiếng Việt. Thế nhưng, khoảng hai năm gần đây, tôi bắt đầu đặt lại câu hỏi, liệu mình có thật sự buông hết cảm xúc thoải mái khi viết tiếng Việt và giản lược hóa tối đa những suy nghĩ phức tạp bên trong khi viết bằng tiếng Anh không? Dường như, câu trả lời “có” không còn bật ra đơn giản như ngày xưa nữa. Đôi khi, viết bằng tiếng Việt, vì biết rằng sẽ có nhiều người dễ dàng đọc được, tôi lại tự kiềm nén cảm xúc của mình trong vô thức nhiều hơn. Dù sao, tôi vẫn muốn viết những dòng này bằng tiếng Việt. Dù sao, tôi vẫn là một dòng nước yếu ớt nếu thừa nhận thẳng thắn, tôi không phải là lửa dù lửa hừng hực cháy bên trong tôi, tôi không phải là đất dù thoạt nhìn bề ngoài có vẻ lí tính, tôi cũng không phải là khí dù lí tưởng cuộc đời tôi tản mác như khí. Tôi vẫn là nước. Và một cung nước hướng nội có lẽ cũng chẳng dễ dàng chia sẻ những điều này nơi chốn công cộng – lí do thỉnh thoảng tôi tự cho phép mình làm điều này có lẽ do có sự tác động của một chút lửa và một chút khí trong phạm trù giao tiếp. Nhưng đến đây, sự sa đà vào chi tiết lại đích thị là của nước – như Frozen 2 cứ lặp đi lặp lại ý này: nước lưu giữ mọi kí ức. Trong tiểu thuyết Mưa ở kiếp sau – có lẽ là tác phẩm gần nhất tôi đọc được, Đoàn Minh Phượng cũng có luận điểm tương tự như thế. Và chẳng phải Masaru Emoto có viết hẳn hai cuốn sách về điều này còn gì. Nên tôi cố gắng dừng lại việc lan man ở đây, mào đầu dài dòng thế này là đủ. Cái tật đi vòng bụi rậm vẫn cứ không tha cho tôi.

Năm vừa rồi, một trong những điều khiến tôi biết ơn nhất có lẽ là việc xem được phim Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi. Tôi có cảm tình với bộ phim này ngay từ tựa phim, đó là hoàn cảnh tôi thường xuyên trải qua những năm học đại học và một vài năm đầu sau khi vừa tốt nghiệp. Tôi không được biết về thông tin phim trước đó. Đơn thuần trước thời điểm phim sắp chiếu hai – ba tuần, trong một lần đi xem phim, tôi thấy poster của phim đã được dán ở phần phim sắp chiếu từ lúc nào. Ngay giây phút nhìn thấy tấm poster và tên phim như thế, tôi đã quyết định khi nào phim ra, chắc chắn sẽ đi xem, bất kể nội dung thế nào, trailer ra sao, diễn viên và ekip gồm những ai, tôi chỉ có một linh cảm mơ hồ trong đầu rằng phim sẽ hay. Đương nhiên sau đó, trước khi vào rạp, tôi đã có thời gian nắm hết những thông tin cơ bản. Tuy vậy, khoảnh khắc những dòng chữ cuối cùng trên credit chạy hết, tôi vẫn ngỡ ngàng vì hạnh phúc khi được xem một phim Việt Nam hay đến thế, duyên dáng đến thế, dễ thương đến thế. Đã lâu rồi tôi không có cảm xúc này khi xem phim Việt từ lần xem Chàng vợ của em (cũng là một phim ban đầu tôi không kì vọng nhiều nhưng xem thì thấy nó hay đến ngỡ ngàng, chạm vào cảm xúc của tôi một cách kì lạ) cách đó đúng một năm. Tôi thường ít khi thú nhận mình thích phim Việt nào, nhưng Chàng vợ của emTrời sáng rồi, ta ngủ đi thôi có lẽ nằm trong số ít ỏi phim Việt sản xuất những năm gần đây tôi có thể hăng hái đi khoe khắp chốn để mong chí ít là những người xung quanh mình có thể bớt đi chút thành kiến dành cho phim Việt; đặc biệt là với trường hợp Chàng vợ của em. Thế nhưng, Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi có lẽ mới chính là bộ phim mang đến cho tôi nhiều giá trị hơn bất cứ phim nào tôi từng xem trong đời. Nếu như thời điểm phim đang chiếu nhằm vào lúc tôi đã mở lại Facebook, chắc chắn tôi sẽ viết một bài khen phim đăng ở đây. Tôi vẫn nhớ vào thời điểm phim gặp khó khăn về doanh thu vì được xếp quá ít suất chiếu, tôi đã luôn băn khoăn việc mở lại Facebook để thể hiện sự ủng hộ của mình dành cho đoàn phim, để dụ dỗ thêm được người bạn nào xem thì hay chừng ấy. Nhưng rốt cuộc, tôi vẫn không mở lại Facebook. Đó là thời điểm tôi vẫn còn quá mệt mỏi. Thời gian này không hẳn mọi thứ đã tốt đẹp hơn nhưng về cơ bản có lẽ tôi đã học cách kiểm soát được cơn mệt mỏi một chút. Tất cả có lẽ là nhờ việc tôi đã tập guitar sau khi xem Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi. Đó là một việc rất quan trọng với tôi năm nay, đủ quan trọng để tôi nghĩ rằng nên viết nó trong bài note này, để khi trí nhớ trở nên kém cỏi hơn, tôi vẫn có thể tri ân bộ phim và khoảng thời gian ấy.

Ngày còn học đại học năm nhất, bộ phim nhạc kịch đầu tiên tôi phải lòng là Moulin Rouge! – đây là một câu chuyện đã trở nên quá cũ kĩ, nhàm chán với những người quen biết tôi nhưng tôi vẫn muốn nhắc lại ở đây. Sau đó, tôi đắm chìm trong một loạt các phim nhạc kịch khác: The sound of music, West Side Story… Vẫn còn rất nhiều phim nhạc kịch tôi chưa xem, tôi cũng không nhớ cơ sự vì đâu mà chuyện xem phim nhạc kịch của mình bị gãy đổ. Nhưng tóm lại, với tôi, một phim nhạc kịch hay là điều gì đó rất tuyệt vời, kiểu tuyệt vời thật hiển nhiên không cần phải chứng minh. Tôi cứ ngỡ ai cũng sẽ dễ dàng thích phim nhạc kịch giống tôi. Nhưng quả là nếu con số đó đông đảo thì phim nhạc kịch đâu chết yểu, thỉnh thoảng chỉ tìm lại được chút vinh quang trong vài phim lẻ tẻ chứ không rầm rộ cả một dòng như siêu anh hùng. Sau này, khi ra rạp xem phim nhiều rồi, chấm dứt chuỗi ngày chỉ xem trên màn hình máy tính nhỏ xíu ở nhà, tôi mới biết nguyên nhân người ta không thích xem phim nhạc kịch. Đó là một câu trả lời chung quen thuộc mà có lẽ mọi người đã nghe quá nhiều rồi: “Không hiểu sao đang nói chuyện bình thường tự nhiên hát, sao mà cứ hát suốt…” Trong một vài lần đầu tiên nghe những lời bình luận này, tôi có chút bực tức. Họ không nhận ra vẻ đẹp quá đỗi hiển nhiên của nhạc kịch hay sao? Nhưng lâu dần tôi cũng quen và chấp nhận, chỉ là đôi khi cảm thấy chút cô đơn. Việc người ta khó khăn để thích một phim nhạc kịch đến vậy rốt cuộc khiến tôi hiểu ra vỉ sao ngày xưa, thưở bé tí lúc tôi còn ôm nhiều mộng mơ với âm nhạc, tranh thủ hát mọi lúc mọi nơi, bất cứ khi nào có thể: trên đường lên xuống cầu thang, lúc tắm, lúc ngồi chờ mẹ nấu ăn, lúc làm những công việc tay chân lặt vặt… tôi đã bị mắng là khùng, điên, sao cứ suốt ngày hát như thế. Ngẫm lại thì việc đó cũng nào khác gì cách các nhân vật trong phim nhạc kịch hát mọi lúc mọi nơi. Nhưng tôi nghĩ, khi người ta còn hát được dù trong hoàn cảnh nào thì điều đó thật đẹp, thật đáng trân trọng. Tuy vậy, khi lên đại học, tôi khởi sự đọc sách nhiều hơn, mải mê theo đuổi những suy nghĩ trong đầu, từ lúc nào đó không còn hát nhiều nữa, tôi dần trở thành một nhân vật bình thường trong một bộ phim drama bình thường nào đó về cuộc sống, nơi mọi người không giải quyết vấn đề của mình bằng cách hát hò mà cứ chau mày, đi qua đi lại, vò đầu bứt tóc, máy động tay chân để nghĩ ra giải pháp. Vì vậy, tôi càng trân quý hơn khoảng thời gian được thưởng thức một phim nhạc kịch tuyệt vời nào đó đang chiếu rạp. Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi là một trong những phim như thế.

Tôi nhớ rằng trước khi bước vào rạp xem Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi, có chuyện gì đó đang khiến tôi rất buồn bã. Vậy mà khi xem xong phim, tôi bỗng nhiên cảm thấy mọi thứ có thể trở nên nhẹ nhàng hơn chỉ bằng cách ta cầm một cây đàn, tấu lên giai điệu nào đó và nhẹ nhàng hát vang. Vừa trở về nhà, tôi tức tốc vớ lấy cây ukulele đã lâu không đàn chỉnh lại dây rồi hát vu vơ. Không phải hát những bài hit đã được ai đó sáng tác trước đây, chỉ đơn thuần là ngay khoảnh khắc đó, tôi nghĩ gì trong đầu thì hát ra ngoài cũng như thế, còn hợp âm thì chọn vòng đệm rất cơ bản là C – F – G – Am hoặc C – Am – F – G, đôi khi có pha thêm Em, Dm – tóm lại là những hợp âm cơ bản trong giọng C. Cứ đàn hú họa và hát hú họa, ban đầu chẳng có gì ăn khớp với nhau, nhưng tôi chỉ hát cho một mình tôi, nào có ai lắng nghe mà tôi phải sợ hãi và đòi hỏi sự hoàn hảo nơi bản thân. Dần dà, tôi tự điều chỉnh lời, giai điệu đang hát cho khớp một chút với vòng hợp âm đang đệm, rồi trong lúc hát bậy hát bạ như thế, cũng có khi một vài giai điệu hay ca từ nảy ra khiến tôi khá hài lòng. Nhưng tôi đều không thu âm cũng như ghi chép lại lời. Tôi muốn những gì hát trong đêm đó sẽ ở lại trong đêm đó, sẽ chỉ là những thanh âm phù du như gió thoảng qua một vùng đất xa lạ. Bởi vì tôi biết chỉ cần cố gắng ghi âm lại, tôi sẽ bắt đầu vòng luẩn quẩn như trước đây, cảm thấy không hài lòng về chính bản thân mình, và lại chỉnh chỉnh sửa sửa, nó trở thành một công việc cực nhọc, toát mồ hôi hột, không còn niềm vui nữa, trong khi lúc ấy tôi đã quá mệt mỏi nhưng lại không muốn làm phiền ai, chỉ cần giãi bày trong âm nhạc là đủ. Hôm ấy, rốt cuộc tôi đã đàn đến bốn giờ sáng. Vào hôm sau đi làm, tôi rất mệt mỏi về mặt thể chất, người nóng ran vì ngủ không đủ giấc, mắt cứ lờ đờ, nhưng tinh thần tôi thì sảng khoái, vui tươi, không còn mỏi mệt nữa. Tôi bắt đầu cảm thấy mình có thể làm được rất nhiều việc. Hôm ấy làm xong tôi không đi la cà đây đó nữa, tôi chạy ngay về nhà đề tiếp tục đàn. Nhưng qua một đêm đàn ukulele từ mười hai giờ đêm đến bốn giờ sáng, tôi đã lại chán tiếng đàn quá vui vẻ của ukulele. Tuy nhiên, tôi cũng không thể đàn piano – nó đã bị hư ở thời điểm ấy. Tôi trộm nghĩ đến guitar – một nhạc cụ tôi đã từ bỏ rất lâu. Khi bắt đầu học guitar trong một tháng vào năm 2009, tôi đã nghĩ nó không hợp với mình, tôi chẳng đàn được bài nào cả vì đặt mục tiêu là đàn classic (lẽ ra lúc ấy tôi nên học đệm hát thì cơ sự ngày nay đã khác đi nhiều), thế nên tôi bỏ học guitar để quay lại chuyên tâm với piano. Nhưng guitar là một nhạc cụ tôi đã mơ ước có thể cầm đàn và hát từ hồi còn rất nhỏ, có lẽ từ cấp một hay cấp hai. Tuy nhiên, khi có cơ hội học đàn vào năm lớp Tám, tôi đã chọn piano. Tôi nghĩ mình phải tiếp xúc với âm nhạc một cách bài bản nhất qua piano rồi guitar thì có thể chờ lên đại học cũng được. Tôi đã không thất hứa với mình. Vừa đậu đại học, tôi lập tức làm hai điều: ghi danh học tiếng Nhật ở trường Đông Du và đăng kí học đàn guitar. Điều đầu tiên tôi đã kiên trì thực hiện đến cùng và tạm đạt được một cái đích, điều thứ hai tôi lại bỏ dở dang. Và điều thứ hai luôn khiến tôi canh cánh bên lòng. Trong suốt mười năm qua, có nhiều lúc hơi chán piano một chút, thi thoảng tôi lại cầm guitar lên, nhưng rồi lại buông xuống. Khi biết đàn ukulele một chút, tôi đã nghĩ như vậy là đủ rồi, giải tỏa được nỗi buồn vì không thể tập guitar được rồi. Nhưng ukulele là ukulele, guitar là guitar. Chỉ cách nhau số lượng có hai dây nhưng không cái nào thay thế được cái nào. Ukulele không có những quãng âm trầm, đục, buồn như guitar. Nếu như không có Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi, có lẽ đến giờ này, cây classic guitar mà chị hai đã mua tặng tôi năm 18 tuổi vẫn còn xếp xó ở một góc khuất đằng sau tủ quần áo, không được ai cầm lên, nâng niu, vuốt ve, cùng nó phiêu lưu vào thế giới âm nhạc. Dư âm của buổi tối hôm trước khi thức đến bốn giờ sáng ôm đàn ukulele hát ca vẫn còn đọng lại nhiều năng lượng tích cực trong tôi, khiến tôi nghĩ hay là hôm nay mình cứ thử cầm guitar lên và làm điều tương tự xem thế nào, dẫu sao cũng chỉ có mình tôi, không cần phải e ngại, ngượng ngùng sự thiếu hoàn hảo. Cầm guitar lên, tôi nhận ra mình chẳng nhớ một chút hợp âm nào ngày xưa từng được học, cho dù chỉ là hợp âm đơn giản. Tôi chỉ nhớ duy nhất thế bấm cơ bản của C. Dù ở piano hay guitar, C luôn là hợp âm đơn giản nhất, dễ nhớ nhất, là kim chỉ nam để tôi nhớ ra cấu trúc của một hợp âm trưởng, là thứ giữ cho ta khỏi đi lạc khi sắp xếp lại một quãng giọng trong trường hợp trí nhớ đã trở nên quá lẩn thẩn. Đôi khi, tôi ước gì mình cũng tìm được C cho cuộc đời mình. Nhưng không có C, cuộc đời tôi chỉ là những nốt nhạc cách nhau một cung rồi nửa cung hơi lộn xộn mà nhiều khi tôi phải cố gắng sắp xếp cho ra một trật tự nào đó.

Một người bạn từng nói với tôi rằng, khi bắt đầu tập guitar đệm hát, bài đầu tiên nên tập là Diễm xưa của Trịnh Công Sơn vì bài ấy vừa đơn giản, giai điệu vừa hợp với guitar, chưa kể điệu slow rock có thể giúp cả bốn ngón tay móc đều đặn và khi tập thì sẽ dần học cách nhớ dây bass của từng hợp âm. Khi đã tập được Diễm xưa rồi thì cứ thế tiến tới những bài khác của Trịnh Công Sơn mà cũng dùng điệu slow rock. Tôi đã từng thích nhạc Trịnh những năm cuối cấp hai rồi có một quãng thời gian bị ngắt giữa chừng ở năm cấp ba, đến khi học đại học, có thời gian tôi từng nghĩ mình không thích nhạc ông nữa vì một lí do có phần hơi trẻ trâu: Trịnh cứ dùng một số vòng hợp âm quen thuộc lặp đi lặp lại đến mức nhàm chán nên nếu bỏ đi phần lời rất thơ thì giai điệu của nhiều bài cứ na ná nhau. Tôi cho rằng đó là lười biếng nhưng khi ấy lại không chịu tìm hiểu kĩ hơn rằng cũng có rất nhiều người thường lặp lại vòng hợp âm mình yêu thích. Giờ đây tôi mới hiểu rằng lặp lại vòng hợp âm thì đã sao, quan trọng là sự biến tấu trong giai điệu, nhiều khi chỉ cần một chỉnh sửa nho nhỏ, một thay đổi trật tự đâu đó trong vòng hợp âm quen thuộc là ta đã có chút cảm giác khác biệt. Tôi có xem một video Taylor Swift hát live trên Youtube và phía dưới video đó có rất nhiều bình luận đem lại cho tôi cảm giác những con người ấy cũng giống hệt mình ngày xưa, họ mỉa mai rằng Taylor có một vòng hợp âm cứ dùng đi dùng lại mãi là G – D – Em – C.  Tôi lên Ultimate – Guitar xem qua một loạt hợp âm các bài của Taylor để kiểm tra sự tình thì quả là cũng đúng thật như vậy. Nhưng tôi lại có một cảm nhận khác, giống như bộ phận khán giả ở phía ngược lại với nhóm người chê bai: nếu chỉ dùng một số vòng hợp âm quen thuộc lặp đi lặp lại mà Taylor có thể sáng tác được rất nhiều bài hát thì cũng rất tài tình. Vậy nên, tôi trở lại bình thường với việc Trịnh Công Sơn cứ dùng đi dùng lại những hợp âm buồn quen thuộc như: Am, Em, Dm.

Tôi nhớ rằng năm lớp Tám, lúc bắt đầu học organ, ngay từ những ngày đầu tôi cũng đã có cảm tình với Am, Em, Dm khi chúng vang lên những âm điệu buồn da diết. Thực ra thì hợp âm thứ nào cũng sẽ như vậy thôi. Nhưng khi pha trộn giữa hợp âm trưởng và các hợp âm màu đúng nơi đúng lúc, chúng sẽ lại càng tỏa sáng hơn nữa những nỗi buồn rực rỡ. Tuy vậy, cũng là Am, Em, Dm nhưng khi đàn trên guitar lại cho cảm giác còn buồn hơn cả khi đàn chúng trên piano. Trong một lần lang thang một forum chỉ dẫn kinh nghiệm về đàn guitar, tôi nhớ có một bạn từng nêu ý kiến rằng hợp âm Am, Em là hai hợp âm sẽ vang lên đẹp nhất khi đàn trên guitar. Theo cảm nhận của riêng cá nhân mình ở thời điểm hiện tại, tôi cũng đồng tình với ý kiến ấy. Vậy nên, chả trách sao Trịnh Công Sơn cứ viết những bản tình ca buồn với Am, Em khi ôm đàn guitar. Vào buổi tối khởi sự tập Diễm xưa, tôi cũng mê mẩn thanh âm của Am khi rải điệu slow rock. Tôi không nhớ mình đã đàn Diễm xưa bao nhiêu lần nhưng khi chưa thuần thục lắm, tôi đã vội chuyển sang một bài khác của Trịnh Công Sơn, rồi một bài khác nữa, một bài khác nữa vẫn của ông. Rốt cuộc, hôm đó tôi cũng đàn đến tầm ba bốn giờ sáng. Hôm sau cũng vậy, hôm sau nữa cũng vậy. Việc không tập đi tập lại một bài hát trong cùng một buổi khiến tôi không chán dù có một giai đoạn tôi cảm tưởng như bài nào cũng hơi đàn được một ít nhưng rốt cuộc không đàn được bài nào ra hồn. Tuy nhiên, chính đặc điểm cứ dùng một vòng hợp âm quen thuộc của Trịnh Công Sơn hóa ra lại giúp ích cho tôi rất nhiều. Dù tôi đàn nhiều bài khác nhau của ông nhưng thực chất chỉ dịch chuyển tay trái chừng ấy hợp âm. Sau khoảng gần một tuần, tôi bắt đầu quen với cách dịch chuyển những hợp âm cơ bản đó và “bùm”, bỗng nhiên tôi đàn được cùng lúc rất nhiều bài của ông, chưa kể là còn những bài pop của nhiều người khác cũng dùng hợp âm tương tự như thế. Khi đó, tôi tạm biệt ông với sự biết ơn trong lòng và bắt đầu tập những bài tôi thích trong phim Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi. Tôi không nhớ đã tập những bài trong phim mất bao lâu nhưng suốt cả tháng Mười, gần như hôm nào tôi cũng thức đến hai ba giờ sáng để tập đàn lung tung bất cứ bài nào chợt nghĩ đến, và trong bất kì buổi tập nào, bao giờ tôi cũng đàn trước nhất những bài hát trong Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi như một nghi thức, một lễ chào cờ, một sự tri ân rồi mới bắt đầu những bài khác.

Khi đàn được hơn một tuần, những ngón tay trái của tôi bắt đầu xuất hiện những vết chai. Càng đàn, chúng càng trở nên dày hơn và bắt đầu bong tróc, nhìn có vẻ ghê ghê nhưng trong lòng tôi lại thấy rất vui, đó là bằng chứng tôi đã luyện tập tích cực dù rằng có một hôm, khi phải gõ bàn phím để viết một bài review sách thật dài, tôi cảm thấy rất đau ngón tay, mỗi một kí tự được gõ ra là một lần đau. Tôi nhớ rằng khi tập đàn piano rồi hôm sau có gõ bàn phím, tôi cũng không đau tay như thế. Piano không làm đau những đầu ngón tay mà chỉ làm mỏi cổ tay khi tập lâu nhưng qua một giấc ngủ là tiêu biến. Tuy nhiên, cảm giác đau đó quá nhỏ nhoi so với niềm vui mà guitar mang lại cho tôi. Tôi thích ngửi mùi gỗ trên cây đàn, chạm vào một lượt những đường cong mềm mại nơi thùng đàn, ngồi ôm nó vào lòng và bắt đầu đệm lên những giai điệu. Khi đàn guitar nhiều hơn, tôi mới phát hiện ra những động tác để đàn nó tạo ra sự tiếp xúc thân mật hơn so với piano: dù đàn đứng hay ngồi thì thân thể bạn cũng tiếp xúc với guitar nhiều hơn. Trong khi đó, piano lại khá tách biệt so với người đàn: ta chỉ tiếp xúc nó qua mười đầu ngón tay và một bàn chân để giậm pedal. Với guitar, tay bấm hợp âm của bạn trước tiên phải nắm chặt cần đàn; như vậy, so với piano là được thêm phần tiếp xúc ở lòng bàn tay; và tay còn lại để rải hay quạt dây thì cũng phải tì thêm một phần khuỷu tay vào thùng đàn; nếu như ngồi đàn thì phần thùng đàn còn tiếp xúc với đùi của ta nữa. Biết rằng so sánh như thế này thì có hơi khập khiễng nhưng tôi nghĩ rằng xét về độ quấn người thì guitar giống như một chú chó thân thiện luôn muốn được ôm ấp, còn piano thì giống như một cô mèo kiêu kì, đòi hỏi sự tiếp xúc ở mức độ tinh tế, nhẹ nhàng vừa phải. Thời điểm ấy, tôi đã quá mệt mỏi nên guitar cho tôi cảm giác thân tình hơn là piano và tôi cứ thế bấu víu vào nó. Nhưng tôi vẫn dùng piano để dò hợp âm và nó cho tôi cảm giác tự do, thoải mái hơn guitar rất nhiều. Nhạc cụ nào cũng có một loại cảm giác đặc thù riêng.

Đầu tháng Mười một, tôi phải tạm gián đoạn việc tập guitar trong chín ngày. Tôi nhớ rằng khi ngồi một mình trên chuyến bay ra Đà Nẵng, với nhạc Billie Eilish vang lên trong tai, mắt nhìn ra khung cửa sổ ngập mây nhuộm vàng trong buổi chiều, đầu ngón tay cái của tôi đã liên tục chạm vào bốn ngón tay trái bị chai đi rất nhiều khi tập đàn. Tôi cứ chạm mãi và phát hiện rằng mình nhớ cảm giác khi đàn guitar rất nhiều, nhiều hơn tôi tưởng. Bốn đầu ngón tay cứng ngắc như được dán keo sắt đó tựa thể vết tích của một cuộc tình. Tôi không muốn nó biến mất. Và rồi, tôi bắt đầu lo sợ sau khi kết thúc chuyến đi thì bốn ngón tay này đã mềm lại. Tôi cứ quẩn quanh trong những suy nghĩ đó, về guitar, âm nhạc, những bài hát tôi viết từ năm cấp hai từng khao khát một lúc nào đó thu âm có beat đàng hoàng mà đến nay vẫn chưa thực hiện chỉ vì tôi lười, và những chuyện khác nữa… Tôi nhớ rằng mỗi sáng tỉnh dậy, tôi đều chạm vào bồn đầu ngón tay đó. Và bây giờ thì tôi biết rõ hơn mình muốn làm gì rồi. Không phải cho một tương lai quá xa. Chỉ trong một năm trước mắt này thôi. Tôi muốn dành thời gian để thực hiện điều bản thân đã luôn khao khát được làm từ những năm cấp hai. Tôi muốn lại một lần nữa nghe theo điều trái tim mách bảo và thật chuyên tâm thực hiện nó. Xét theo lí trí, tôi biết đây không phải là điều mình giỏi nhất, như nhiều người cũng từng nói, nó không dành cho tôi, tôi nên tập trung làm việc từ trước đến giờ tôi vẫn luôn làm tốt nhất. Khi tự vấn bản thân, tôi biết rằng sâu thẳm trong lòng, tôi vẫn muốn một lúc nào đó còn có thể viết thêm một tiểu thuyết nữa, nhiều nhiều tiểu thuyết nữa tôi đã ấp ủ từ lâu. Tôi vẫn nhớ cảm giác say sưa khi miệt mài theo đuổi một câu chuyện trong suốt quãng thời gian dài, tỉ mẩn viết ra nó là như thế nào dù nó đã lùi quá xa trong kí ức của tôi, đã bảy năm rồi tôi không viết thêm được một tiểu thuyết nào nữa, nhưng tôi vẫn nhớ cảm giác khi hoàn thành tuyệt vời như thế nào. Giống như trong lời bài hát They can’t take that away from me. Đó là một thứ cảm xúc tinh khôi như mối tình đầu khó quên mà tôi nghĩ rằng dù có mắc bệnh Alzheimer, tôi vẫn nhớ nó với một sự tiếc nuối mơ hồ khôn ngần đâu đó trong tiềm thức. Nhưng tôi đã quá mệt mỏi rồi. Hiện tại tôi không còn đủ trí lực để xây dựng những câu chuyện dài hơi nữa. Nghĩ đến việc viết tiểu thuyết đã trở thành một điều gì đó thật sự mệt mỏi, đau đớn dù đầu năm nay tôi đã cố gắng xốc lại tinh thần, lập ra danh sách những tác phẩm cần phải đọc để lấy tư liệu, tham khảo trước khi viết, lại còn đã nghĩ ra gần xong cả dàn ý sơ lược nữa. Nhưng cuối cùng, ngay cả việc đơn giản hơn việc viết là đọc tư liệu mình đã lập danh sách chuẩn bị tôi còn không làm nổi thì huống gì là viết. Cuối cùng, đến mùa thu năm nay, tôi đã quyết định sẽ không cố gắng cho việc viết nữa. Tạm thời trong năm sắp tới đây là như thế. Nói vậy không có nghĩa là tôi chọn âm nhạc như một cách để thoát li việc viết. Bản thân hai việc này tách biệt nhau hoàn toàn. Dù tôi có mệt mỏi, chán nản với việc viết hay không thì sớm muộn gì, tôi cũng muốn thực hiện điều tôi của năm cấp hai ngày đó đã luôn khao khát. Huống hồ, bây giờ cũng không còn là sớm nữa, gần như đã có chút hơi muộn. Nhưng không sao, muộn còn hơn là không bao giờ. Tôi không muốn phụ lòng tôi của ngày đó khi tôi của ngày nay đã tạm có đủ chút ít phương tiện, kiến thức ở mức cơ bản để làm điều tôi của ngày đó luôn muốn làm. Có thể những gì tôi sắp làm trong thời gian tới sẽ không cho ra một sản phẩm hoàn chỉnh đúng nghĩa, nhưng tối thiểu tôi sẽ cố gắng để nó trở thành những bản ghi âm nghe tạm ổn, ít tạp âm như vật chứng cho một thời tôi đã từng viết nhạc say sưa đến vậy dù không biết gì về nhạc lí; và mai này, lỡ có chuyện gì xảy ra, tôi cũng sẽ không hối tiếc vì đã hoàn thành được ý nguyện ngày xưa rồi.

Cuối cùng của cuối cùng: mỗi lần sử dụng Facebook, lướt qua News Feed của mọi người, cảm giác là một loser lại hiện diện lên rõ rệt trong tôi. Khi không dùng Facebook, trong đời sống thường nhật, tôi đã có cảm giác loser. Dùng Facebook chỉ càng khuấy đậm hơn cảm giác đó. Vậy nên, tôi biết rằng để lại Facebook sẽ không thể nào tập trung làm việc được vì còn phải mất thời gian đấu tranh với sự tự ti trỗi dậy bên trong. Tôi sẽ lại deactive thêm một thời gian dài nữa. Hi vọng lần tới, khi reactive Facebook, lúc đó, tôi đã hoàn thành được kha khá sản phẩm. Tôi không muốn đây lại là một dự định dở dang. Trời ơi, tôi muốn làm nhạc.

Một lần nữa, cảm ơn đoàn làm phim Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi. Cảm ơn vì đã truyền cảm hứng cho tôi rất nhiều. Với tôi, việc biết đàn guitar đệm hát trong năm nay thật sự là một món quà quý giá, một sự cứu rỗi.

Ngoài ra, việc tôi có thể tiếp tục đàn, sắp tới là làm beat và thu âm những bài sáng tác ngày xưa, là một phần rất lớn nhờ vào sự giúp đỡ nhiệt tình, vô vị lợi của T. và K. Cảm ơn hai bạn rất nhiều. Tôi không biết phải viết gì để diễn tả sự biết ơn trong lòng mình. Mọi lời hoa mĩ đều là thừa thãi và đều không đủ. Tôi nghĩ việc đáp trả thiết thực nhất mà tôi có thể làm là cố gắng viết nhạc tốt hơn để không uổng công hai bạn đã dành thời gian dạy nhạc cho tôi. Cảm ơn rất nhiều, thật lòng cảm ơn…

Tôi cũng muốn cảm ơn tất cả những người bạn, những anh chị em, đồng nghiệp… đã dành cho tôi nhiều sự chân thành, tử tế trong năm qua và những năm trước đây.

Cảm ơn vì tất cả.

Kodaki   

Click to comment

Viết bình luận

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Trà chiều

“Hành trình Anh Hùng” ẩn trong Xứ Cát

Published

on

    Dựa trên công trình nổi tiếng Người hùng mang ngàn khuôn mặt của Joseph Campbell và các tương đồng trong lĩnh vực tâm lý học của Jung và Freud, tác giả Christopher Vogler đã cho độc giả một cái nhìn khác về cấu trúc tương đồng của hàng triệu câu chuyện từ cổ chí kim qua cuốn Hành trình người viết vừa được ra mắt.

Một cuốn sách quan trọng

       Cấu trúc nói trên xuất hiện từ các truyện cổ dân gian đến tiểu thuyết hiện đại, từ những bài đồng dao quen thuộc đến các bộ phim “làm mưa làm gió” tại Hollywood… Hành trình người viết không chỉ là một cuốn sách giúp ta nhận ra những rường mối quan trọng của nghệ thuật kể chuyện, mà song song đó còn là bài học để mỗi độc giả có được khả năng là một người viết.

       Vốn là một người tư vấn cốt truyện của Hollywood và đã kinh qua hàng nghìn kịch bản trong cuộc đời mình, Vogler có khả năng nhìn thấy những mối liên kết cũng như những điểm suy yếu trong các tác phẩm. Từ những đúc rút và kho kinh nghiệm bản thân có được, ông đã tạo nên cuốn sách vô cùng hấp dẫn. Để kiếm chứng điều đó, hãy thử lần ngược siêu phẩm Xứ cát chuyển thể tiểu thuyết khoa học viễn tưởng cùng tên của Frank Herbert do đạo diễn Denis Villeneuve thực hiện và so nó với những gì được tổng kết lại, để xem hành trình anh hùng của Vogler có giao điểm nào với Paul Atreides – người thanh niên đã làm nên những khoảnh khắc vô cùng chói lọi.

       Theo Vogler, nói thật gọn ghẽ thì hành trình anh hùng bắt đầu khi nhân vật chính được giới thiệu ở THẾ GIỚI BÌNH PHÀM nhận được TIẾNG GỌI PHIÊU LƯU. Ban đầu họ MIỄN CƯỠNG, thậm chí buông lời TỪ CHỐI, nhưng do nhận được sự khích lệ từ SƯ PHỤ để VƯỢT QUA RÀO CẢN ĐẦU TIÊN, mà họ đã tiến vào Thế Giới Đặc Biệt - nơi họ sẽ gặp các KHẢO THÍ, ĐỒNG MINH VÀ KẺ THÙ. Sau đó họ TIẾP CẬN HANG ĐỘNG TRONG CÙNG, vượt qua rào cản thứ hai, nơi phải chịu đựng KHỔ HÌNH. Họ vượt qua, chiếm lĩnh PHẦN THƯỞNG và bị truy đuổi trên ĐƯỜNG VỀ với Thế Giới Bình Phàm. Không dừng ở đó, họ vượt qua rào cản thứ ba, trải nghiệm HỒI SINH và được chính trải nghiệm đó biến đổi. Cuối cùng họ TRỞ VỀ CÙNG THẦN DƯỢC, cùng lợi ích hoặc kho báu có lợi cho Thế Giới Bình Phàm.

Hành trình người viết không chỉ là một cuốn sách giúp ta nhận ra những rường mối quan trọng của nghệ thuật kể chuyện, mà song song đó còn là bài học để mỗi độc giả có được khả năng là một người viết. Ảnh: N.M.

Chặng đường phân tích      

       Áp vào Xứ cát, THẾ GIỚI BÌNH PHÀM của chuỗi phim này bắt đầu ở một hành tinh cách xa Trái Đất - nơi mà mọi thứ đều như không tưởng với những tiến bộ liên hành tinh và những thực thể vô cùng kỳ dị. Ở đó Công tước Leto của Gia tộc Atreides – người cai trị hành tinh đại dương Caladan - là nhân vật chính và nổi bật nhất. Nơi ông cai trị là phiên bản khác của một Trái Đất ngay bây giờ đây, với cây xanh bao phủ tươi tốt, với biển cả vỗ sóng và bầu không khí vô cùng trong lành. Về mặt chính trị, nhà Atreides được cư dân vô cùng ủng hộ vì mang đến sự bình yên và cân bằng. Sơ lược qua những nét này, có thể thấy Herbert (và cả Villeneuve) đã làm rất tốt trong việc xây dựng bối cảnh có tính đối lập liền ngay sau đó, để nhân vật chính bước vào hành trình của bản thân mình.

THẾ GIỚI BÌNH PHÀM của chuỗi phim này bắt đầu ở một hành tinh cách xa Trái Đất, nơi mọi thứ tươi tốt bất ngờ. Ảnh: Screen Rant

       Như đã nói trên, TIẾNG GỌI PHIÊU LƯU nhanh chóng xuất hiện khi Hoàng đế Shaddam của toàn đế chế nhanh chóng bí mật liên minh với nhà Harkonnen nhằm tránh khỏi sự uy hiếp mà rất có thể trong tương lai gần Leto sẽ tự đạt được. Vậy là một cuộc tàn sát được lên kế hoạch. Thoạt nhìn, có thể thấy Herbert dùng một motif vô cùng thân quen trong các sử thi từ cổ chí kim, khi đó là tranh giành quyền lực, đấu đá lẫn nhau. Và để tạo ra 2 phe kình chống, ông cho một bên lăng kính tích cực, còn phía còn lại tiến hành liên minh, và cũng vì thế mà thế trận ấy nhanh chóng cân bằng. Ta thấy điều này trong rất nhiều nơi, từ Tam quốc diễn nghĩa đến Con ngựa thành Troy, từ bộ Shogun đến bộ Taiko…Một điểm chung khác là sự báo hiệu cho câu chuyện dịch chuyển, khi người cha Leto nhanh chóng mất mạng để Paul Atreides – người con trai cả - sẽ thay bản thân bảo vệ gia đình, trả thù cho điều đã mất. Do đó mà Paul quyết định lên đường.

Herbert dùng một motif vô cùng thân quen trong các sử thi từ cổ chí kim, khi đó là tranh giành quyền lực, đấu đá lẫn nhau. Ảnh: LA Times

       Ở đây ta có thể thấy có những cổ mẫu vô cùng truyền thống được Herbert sử dụng. Trong đó Paul là anh hùng bị động – một người được đặt vào tình thế không thể khác hơn, và suốt hành trình sau đó từng bước học hỏi sẽ khiến cho anh dần dần chủ động. Đối diện trước trọng trách đặt lên bản thân, Paul dường như không có được động lực nào – một điều cũng là một chặng đường khác trên hành trình anh hùng. Rất may mẹ anh – Lệnh bà Jessica – người vừa là SƯ PHỤ, vừa là ĐỒNG MINH nhưng cũng có khi là kẻ ĐEO MẶT NẠ và cả BÓNG ĐÊM đã nâng đỡ anh và hướng anh theo con đường đúng đắn. Quê nhà tan tác trong khi bản thân thì bị truy sát, anh sớm VƯỢT QUA RÀO CẢN ĐẦU TIÊN để giữ được mạng sống nhờ vào những cận thần trung thành với mình. Hành trình này dễ thấy không quá phức tạp, và Herbert sẽ lại dồn nhiều sức hơn ở phía sau.

Paul và mẹ mình, thoạt nhìn, chính là 2 cổ mẫu anh hùng và sư phụ theo cấu trúc của Vogler. Ảnh: Den of Geek

       Chính khi bước vào THẾ GIỚI ĐẶC BIỆT - ở chiều rộng hơn là một cuộc sống không còn uy quyền của cha, không còn hành tinh Caladan mình vốn quen thuộc, anh đã gặp được những người bản địa Arrakis - những chiến binh thiện nghệ sống nơi sa mạc gọi là Fremen. Như vậy kể từ lúc này thì chặng thứ 2 của hành trình anh hùng chính thức bắt đầu. Cả Herbert và Villeneuve đều dành rất nhiều thời lượng cho giai đoạn này, để khắc ghi một hành tinh mới với loài sâu cát và quy luật sinh tồn ở thế giới mới, với các chi tiết như dịch nhầy sâu, với hương dược, với cách tạo nước và những con người mắt xanh biêng biếc có kỹ năng phi thường… Trong chương đoạn này, những cuộc KHẢO THÍ mà ĐỒNG MINH và KẺ THÙ liên tục xuất hiện cũng được diễn ra. Chẳng hạn KHẢO THÍ nằm ở chi tiết Paul phải chiến đấu với một người Fremen để chứng minh mình thuộc về nơi này trước khi được họ cứu giúp. Đối với những người bản địa, anh vừa là ĐỒNG MINH nhưng cũng là KẺ THÙ khi đã giết chết một trong số họ để mà bước tiếp.

Trận chiến của Paul trước một chiến binh Fremen chính là một cuộc KHẢO THÍ. Ảnh: Screen Rant

Những vòng lặp kép      

       Thế nhưng KHẢO THÍ không dừng ở đó, mà sau đấy liên tục là những bài học để cưỡi sâu cát, những trận oanh tạc vì phát hiện ra căn cứ bên dưới lòng đất của người Fremen… Chúng liên tục xuất hiện để thử thách Paul, để rồi cuối cùng anh được mọi người nhận ra chính là vị Thánh ghi trong sử sách toàn cõi ngân hà. Đa số thời lượng của phần 2 tương ứng với HANG ĐỘNG TRONG CÙNG – nơi anh chứng minh bản thân và giành được quyền vươn lên dẫn đầu. Ta thấy ở đây Herbert rất tài tình khi song song với những bước tiến về mặt quyền lực, thì cõi lòng Paul cũng chịu tra tấn trong những thay đổi của bản thân mình. Có thể nói tuy chặng đầu tiên của HÀNH TRÌNH ANH HÙNG đã gần hoàn thành xong với nhân vật này ở phía bên ngoài, nhưng thật ra một HÀNH TRÌNH ANH HÙNG khác cũng đang mở ra trong nội tâm anh, khi phải chứng kiến mục đích thật sự của mẹ anh – Lệnh bà Jessica, cuộc hôn phối với Công chúa của vua Shaddam và những biến động bên trong Chani.

Chani cũng là một nhân vật có hành trình anh hùng song song khác. Ảnh: Collider

       Khép lại 2 phần phim của Villeneuve, hiện Paul và Xứ cát đang dừng trước “trận đánh” quyết định để mang về PHẦN THƯỞNG và dần tiến đến HÀNH TRÌNH TRỞ VỀ. Tuy khép lại tại đây nhưng có thể thấy Xứ cát là bộ tác phẩm đậm tính sử thi mà mỗi nhân vật lại tự sở hữu một HÀNH TRÌNH ANH HÙNG riêng biệt. Ta thấy nó trong Chani mà “con đường” cô đi chính là tình cảm với Paul và trách nhiệm với cộng đồng Fremen của mình. Ta thấy nó trong Lệnh bà Jessica và tham vọng của bà với nhóm tôn giáo Bene Gesserit. Trong khi đó một nhân vật mới – em gái của Paul – cũng sắp xuất hiện. Và tuy chỉ mới nằm trong bụng mẹ nhưng nó cũng đang dần có những HÀNH TRÌNH ANH HÙNG nhất định, trong việc nhất tề chi phối và biến các nhân vật xung quanh mình trở nên phức tạp.

Ở phần 2, Lệnh bà Jessica là một nhân vật vô cùng bí hiểm. Ảnh: Screen Rant

       Ngoài điều đó ra, Herbert cũng rất thành công trong việc “đeo mặt nạ” cho các nhân vật, để ta không thể lường trước đường đi nước bước của bản thân họ. Chẳng hạn phút trước Paul và Chani còn rất mặn mà, nhưng ngay sau đó mọi chuyện đổi khác khi anh chấp nhận lấy Công chúa như đại diện cho chiến thắng của mình. Lệnh bà Jessica cũng nằm trong “ngã ba” ấy, khi không ai biết một cách rõ ràng bà đang từng bước leo lên theo quyền lực của con trai mình, hay chính bà mới là kẻ thao túng tất cả, trả thù cho điều đã mất? Và nếu điều ấy là thật, hóa ra cổ mẫu anh hùng mà ta xác định ngay từ ban đầu đã đổi bản chất. Paul từ mẫu bị động chuyển sang chủ động với chính những gì mà mình học hỏi, nhưng nếu vai trò của mẹ anh lớn hơn, thì hóa ra Paul chỉ là một kiểu anh hùng xúc tác – người có vị trí là bàn đạp cho hình tượng khác bước lên vũ đài danh vọng. Áp chính lý thuyết của Vogler vào Xứ cát bản phim của Villeneuve, ta thấy vì sao mà tác phẩm này thành công vang dội trong các năm qua. Dù biết một cách khái quát đó là trùng trùng lớp lớp âm mưu, nhưng khi được phân tích dưới cổ mẫu và những điểm nút quan trọng của hành trình anh hùng, ta sẽ lại thấy những chi tiết này hiện ra phức tạp, gắn kết ra sao.

Ngô Minh

Đọc bài viết

Trà chiều

Sứ Đoàn Iwakura đạt Giải thưởng sách Quốc Gia 2024

Published

on

Giải thưởng Sách Quốc gia là giải thưởng do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức hàng năm, trao giải cho những cuốn sách (bộ sách) có giá trị nổi bật về nội dung tư tưởng, tri thức, thẩm mỹ nhằm tôn vinh tác giả, dịch giả, nhà khoa học và người làm công tác xuất bản.

Tối ngày 29.11.2024 tại lễ trao Giải thưởng Sách Quốc gia lần VII, tác phẩm Sứ Đoàn Iwakura - Chuyến Tây Du Khảo Cứu Nhằm Canh Tân Nhật Bản Thời Minh Trị (Ian Nish biên soạn, Nguyễn Hoàng Mai - Nguyên Tâm dịch) hân hạnh được vinh danh giải Khuyến khích.

Sứ Đoàn Iwakura là tác phẩm nghiên cứu tập hợp nhiều tư liệu giá trị, giúp độc giả hiểu rõ hơn về chuyến du khảo nhằm canh tân Nhật Bản thời Minh Trị dưới góc nhìn của người phương Tây. Để có một đường lối phát triển đất nước hoàn toàn mới, người Nhật đã khởi động chuyến công du gọi là Sứ mệnh Iwakura thăm Hoa Kỳ và nhiều nước châu Âu. Đây là một chuyến đi lịch sử có tầm quan trọng đến mức khi nhắc về Minh Trị Duy Tân, người ta lập tức nhớ đến chuyến đi này.

Sách dày 427 trang, gồm 11 chương tổng hợp các bài viết của Ian Nish và 12 chuyên gia trong lĩnh vực quan hệ quốc tế khu vực Nhật Bản và Đông Á. Tám chương đầu, độc giả sẽ cùng phái đoàn đi qua tám cường quốc từ Mỹ, Anh, Pháp, Bỉ, Đức, Nga, Thụy Điển và Italy. Bản ghi chép của những học giả góp phần tái hiện hành trình tìm kiếm “văn minh khai sáng” của sứ đoàn Iwakura tại trời Âu dưới góc nhìn của người phương Tây. Ba phần còn lại trong ấn phẩm là bài phân tích, nhận định của chuyên gia lịch sử, đánh giá tình hình nước Nhật sau chuyến công du.

Để hiểu thêm về một lát cắt lịch sử quan trọng của Nhật Bản, cũng như đọc thêm về chuyến đi được mệnh danh là “Chuyến công du lịch sử thay đổi nước Nhật”, mời bạn tìm đọc sách tại đây hoặc tại hệ thống các nhà sách Phương Nam trên toàn quốc.

Đọc bài viết

Trà chiều

Nhà Sách Phương Nam đồng hành cùng các bạn học sinh tham gia cuộc thi ‘F1 in Schools’

Published

on

F1 in Schools là một giải đấu mang tính giáo dục, cạnh tranh toàn cầu do Formula One kết hợp với chương trình quốc tế STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học). Giải đấu được tổ chức hàng năm dành cho học sinh trung học với mục đích giới thiệu kỹ thuật cho những người trẻ tuổi trong một môi trường thú vị. Mỗi đội thi (từ 3 - 6 học sinh) phải thiết kế và chế tạo một chiếc xe đua Công thức 1 cỡ nhỏ từ Khối mô hình F1 chính thức bằng các công cụ thiết kế CAD/CAM.

Năm 2024, ADUA Racing - đội bao gồm các học sinh cấp 2 của trường British International School Ho Chi Minh City đã vinh hạnh giành được cơ hội tham gia vòng chung kết cuộc thi F1 in Schools ở Dubai, Ả Rập Saudi. Đây là đội duy nhất đại diện Việt Nam tham gia vòng chung kết năm nay.

Những nỗ lực rèn luyện, khả năng sáng tạo, tư duy học tập đáng ngưỡng mộ của các em học sinh trong giải đấu này phù hợp với định hướng và giá trị cốt lõi mà Nhà Sách Phương Nam luôn muốn đem lại cho các bạn đọc và khách hàng trên toàn quốc.

Vì vậy, Nhà Sách Phương Nam hân hạnh trở thành nhà tài trợ đồng hành cùng đội thi ADUA Racing trên hành trình vươn ra thế giới. Nhà Sách Phương Nam hy vọng nỗ lực này sẽ góp phần ươm mầm cho những tài năng tương lai, khuyến khích người trẻ phát triển tư duy độc lập, sáng tạo.

Nhà Sách Phương Nam luôn chú trọng hỗ trợ, khuyến khích thế hệ trẻ phát huy tối đa tiềm năng của bản thân. Bên cạnh đó, hệ thống Nhà Sách Phương Nam vẫn luôn nỗ lực trên hành trình kết nối bạn đọc đến với thế giới tri thức thông qua những cuốn sách hay và các hoạt động ý nghĩa.

Cảm ơn sự ủng hộ của các độc giả và khách hàng đã tạo điều kiện để Nhà Sách Phương Nam tiếp tục đồng hành cùng thế hệ trẻ trên những chặng đường đầy ý nghĩa trong tương lai.

Đọc bài viết

Cafe sáng