Phía sau trang sách

Chiếc hộp Pandora: Màu thanh tân nơi chốn thê lương

Published

on

Bên trong Chiếc hộp Pandora hẳn nhiên là tai họa – điều đó chúng ta đều đã biết. Nhưng một câu hỏi khác, có lẽ cũng quan trọng không kém: “Thế còn bên ngoài thì sao?” Tiểu thuyết Chiếc hộp Pandora của Dazai Osamu đã dò xét thật kĩ lưỡng phần bên ngoài chiếc hộp – tức tâm tư của người mở hộp.

Chiếc hộp Pandora có bối cảnh diễn ra vào giai đoạn Nhật Bản vừa thất bại sau chiến tranh, đang trong quá trình phục hồi lại. Lúc bấy giờ, bệnh lao phổi còn là một căn bệnh nan y.

Tác phẩm được viết dưới hình thức epistolary (thư từ) của một người thanh niên tên là Koshiba Risuke gửi cho bạn mình kể về những ngày tháng điều trị bệnh lao của anh ở một viện điều dưỡng kì lạ tên là Kenkodojo. Nơi đó, mọi người đều được đặt những biệt danh thân mật. Koshiba được những người trong viện gọi là Hibari (chim sơn ca).

Thông qua những lá thư, Hibari đã tái hiện lại chi tiết đời sống hàng ngày ở Kenkodojo. Tại đây có qui định gọi giám đốc bệnh viện là viện trưởng, bác sĩ là chỉ đạo viên, y tá là trợ lí, bệnh nhân là học viên… với chủ trương xem bệnh viện như trường học để bệnh nhân tự tin, lạc quan hơn, quên đi căn bệnh của mình. Ở thời điểm hiện tại, mô hình được đề cập trong truyện vẫn còn gợi ra nhiều điều đáng học hỏi trong công tác y tế.

Chiếc hộp Pandora đã được chuyển thể thành hai phiên bản phim điện ảnh vào năm 1947 và năm 2009.

Số phận trắc trở của một tiểu thuyết từ mối tâm giao giữa nhà văn và độc giả

Ảnh: Facebook Tao Đàn

Chiếc hộp Pandora được viết dựa trên nhật kí giường bệnh của Kimura Shosuke (1921-1943), một độc giả hâm mộ Dazai. 

Shosuke sinh ra ở làng Aodani (hiện tại là thành phố Joyo), quận Tsuzuki, tỉnh Kyoto; là con trai trưởng trong một gia đình kinh doanh bán sỉ trà Uji với bố là ông Kimura Jutarou và mẹ là bà Toyo. Ông là người con thứ hai trong gia đình có sáu anh chị em.

Năm 1936, ông tốt nghiệp trường Kyoto Thực Tu Thương Nghiệp. Để nối nghiệp gia đình, ông học việc trong một hiệu buôn trà ở thành phố Shizuoka, nhưng rồi bị nhiễm bệnh lao và phải nhập viện. Hồi hương khi bệnh tình đã thuyên giảm, ông tiếp tục trị liệu tại nhà và đồng thời nuôi chí làm nhà văn, ông đã tự xuất bản truyện ngắn trong một tạp chí làm chung với những người đồng chí hướng.

Vào khoảng thời gian ấy, sau khi đọc một truyện ngắn của Dazai đăng trên báo Bungei (Văn nghệ) số tháng 4 năm 1940 có tên là Zenzo wo omou (Tạm dịch: Nghĩ về Zenzo), Shosuke đã hoàn toàn ái mộ Dazai. Zenzo trong tiêu đề truyện ngắn này là chỉ nhà văn Kasai Zenzo (1887-1928), quê ở tỉnh Aomori, đồng hương với Dazai. Ông đã qua đời vì bệnh lao sau một thời gian dài chiến đấu với bệnh tật. Có lẽ vì vậy mà Shosuke – một người cũng đang mang căn bệnh tương tự, khi đọc Nghĩ về Zenzo lại dễ dàng đồng cảm hơn. Vào cuối tháng 7 ngay trong năm đó, Shosuke đã gửi thư cho Dazai, mối liên lạc qua thư từ của hai người đã bắt đầu từ đây.

Kimura Shosuke

Ngày 27.3.1941, Shosuke lập kế hoạch tự tử bằng Bromisoval – một loại thuốc thôi miên và an thần, nhưng thất bại. Tháng 7 năm đó, chứng thổ huyết và bệnh lao của ông lại chuyển biến xấu. Ngày 15.8.1941, ông vào viện điều dưỡng Kusaka thuộc tỉnh Osaka, quận Nakakawachi, làng Kusaka (hiện tại là thành phố Higashiosaka) để tiếp tục điều dưỡng. Cuối năm, ông lại chuyển sang viện điều dưỡng Kamejima thuộc tỉnh Aichi.

Tháng 2.1942, ông rời viện trở về nhà nhưng tháng 9 năm đó bệnh tình lại chuyển biến xấu hơn. Cuối năm đó, ông lại nhập viện điều dưỡng Kyoto ở thành phố Kyoto.

Ngày 13.5.1943, vì bệnh tật đau đớn, Shosuke đã tự tử bằng Bromisoval và qua đời ở tuổi 22. Ông để lại di chúc rằng muốn trao toàn bộ 12 quyển nhật kí cho Dazai, và dựa vào nguồn tư liệu đó Dazai đã viết tiểu thuyết Hibari no koe (Tạm dịch: Tiếng hót chim sơn ca; hoặc có thể hiểu là Giọng nói của Hibari) vào năm 1943. Tác phẩm này đã không được phát hành vì ngay trước khi xuất bản thì nhà in bị không kích dẫn đến việc toàn bộ số sách vừa in bị thiêu hủy. Sau chiến tranh, Dazai đã viết lại Hibari no koe dựa trên bản in thử còn sót lại lúc bấy giờ, đổi tên tác phẩm thành Chiếc hộp Pandora. Tác phẩm này bắt đầu được đăng tải trên tuần báo Kahoku từ 22.10.1945 đến 7.1.1946, tổng cộng có 64 kì.

Hình thức thư từ được truyền tải sống động dưới ngòi bút của Dazai

Ảnh: Facebook Tao Đàn

Với nhiều lần chuyển viện, trải qua nhiều phương pháp trị liệu khác nhau, 12 quyển nhật kí của Kimura Shosuke là nguồn tài liệu thực tế dồi dào cho Dazai viết Chiếc hộp Pandora. Tuy nhiên, ông không viết tác phẩm này dưới hình thức nhật kí như nguồn tư liệu gốc mà chuyển thành hình thức thư từ. Có lẽ, lựa chọn này phần nào là sự phản chiếu lại mối quan hệ thư tín của chính Dazai và Shosuke trên thực tế.

Hình thức thư từ đồng nghĩa với việc kể lại chuyện đã qua khiến tác phẩm chủ yếu là lời trần thuật nội tâm của người viết thư. Tuy nhiên, nội dung của những lá thư lại không hẳn chìm trong thì quá khứ. Đôi khi, Dazai tạo cảm giác tươi mới về thì hiện tại bằng cách để người viết thư tả lại môi trường xung quanh diễn ra như thế nào khi anh đang viết (có người qua lại chào hỏi ngắt quãng mạch viết của anh, những gì anh đang thấy, những gì anh nghe được…), tâm trạng của anh lúc viết những dòng đó, những hoạt động vừa diễn ra ngay trước khi viết.

Về người đọc thư trong Chiếc hộp Pandora, ta chỉ biết đó là một nhà thơ và không biết được danh tính cũng như thông tin nào cụ thể hơn. Điều này tạo khoảng trống cho sự hóa thân của người đọc vào vị trí người trực tiếp trao đổi thư từ với Hibari (người viết thư).

Chiếc hộp Pandora cũng viết theo dạng monologic khi không đưa ra những bức thư từ hai phía mà chỉ trình hiện cho người đọc biết chiều gửi thư từ một phía. Do đó, ở những phân đoạn Hibari tạm dừng kể chuyện và chia sẻ với bạn thư về nhân sinh quan của mình, tác phẩm khiến ta phần nào hoài nhớ Thư gửi người thi sĩ trẻ tuổi của Rainer Maria Rilke.

Chiếc hộp Pandora có lối kể chuyện theo kiểu slice of life, trình bày từng lát cắt cuộc sống hằng ngày với cách dựng truyện phản cao trào. Không hề có một kịch tính chung để dẫn đến cao trào cho toàn bộ câu chuyện, hay có thể nói là kịch tính tự triệt tiêu trong từng chương: một vấn đề đưa ra từ đầu chương sẽ được giải quyết ngay cuối chương đó. Việc này xảy ra có lẽ là do hình thức thư từ bởi tâm lí chung của một người khi viết thư là thuật lại trọn vẹn câu chuyện khi mọi thứ đã được giải quyết. Vì vậy, người đọc cũng không nhất thiết phải đọc hết Chiếc hộp Pandora trong một lần đọc mà có thể mỗi ngày đọc một chương như cách ta chậm rãi đọc thư của một người bạn phương xa rồi ngồi viết hồi âm và chờ đợi một cánh thư nữa lại đến với tất cả tấm chân tình.

Tâm tư sôi sục của những thanh niên trước thời cuộc đất nước

Ảnh: Facebook Tao Đàn

Trong Chiếc hộp Pandora, hình ảnh con thuyền được lặp lại nhiều lần qua tự sự của Hibari dường như để gợi sự liên kết đến con thuyền của Noah – là thứ duy nhất cứu rỗi con người và động vật trong sự kiện Đại Hồng Thủy mà Chúa tạo ra để trừng phạt sự suy đồi nhân thế. Có lẽ con thuyền chính là hình ảnh đối lập với chiếc hộp Pandora, là chút hi vọng còn sót lại. Và những con thuyền kiêu hãnh lướt trên đạo lộ thủy triều này – theo Dazai, không gì khác hơn, chính là những thanh niên mang lại hương vị tuổi trẻ tràn đầy nhiệt huyết cho một cuộc tái thiết Nhật Bản mới.

“Những người thuộc thế hệ cũ chỉ có thể hiểu tâm tư tình cảm của chúng tôi như là một thứ dũng khí bồng bột hay sự khủng hoảng ở chặng cuối của tuyệt vọng. Thật đáng buồn… Thực sự, trong khi người lớn đang tiếp tục to tiếng để tranh luận đến cùng về trách nhiệm của cuộc chiến tranh, về lòng ái quốc, thì chúng tôi quyết định bỏ lại họ ở phía sau và ngay lập tức lên đường theo lời kêu gọi trực tiếp của Thiên Hoàng. Tôi cảm thấy chính điều đó mới là những đặc trưng của một nước Nhật kiểu mới.”

Chiếc hộp Pandora nói lên nỗi niềm băn khoăn của người thanh niên trước thời cuộc đất nước. Và có lẽ thông qua đó, Dazai cũng phần nào bày tỏ quan điểm nghệ thuật của chính mình khi chọn góc nhìn từ cuộc sống của những thanh niên nhỏ bé, bị gạt ra ở một góc khuất bên lề xã hội khi mắc căn bệnh ác tính nhưng vẫn đau đáu trước thời cuộc, rằng cuộc sống phải được nhìn nhận từ chính sự tươi mới, từ nhịp đập nóng hổi trong vòng quay không ngừng tự tái tạo mỗi ngày khi mặt trời mọc chứ không phải từ những lí thuyết khô khan trên sách vở hay những chân lí thuộc về một thiểu số trọng yếu của thời đại.

Và theo Dazai, con đường để trụ vững trên bản đồ thế giới là không ngừng học hỏi, tiếp thu kiến thức chung của nhân loại một cách sâu sắc – đây cũng chính là tư duy khiến Nhật Bản trở thành cường quốc từ thời Meiji.

“Người Nhật nhất định phải nghiên cứu Kinh Thánh trước khi nghiên cứu khoa học và triết học phương Tây. Mặc dù tôi không phải là người theo đạo Thiên Chúa, nhưng nếu Nhật Bản không hề nghiên cứu Kinh Thánh mà chỉ tìm hiểu sơ sài mỗi bề nổi của nền văn minh phương Tây, thì tôi tin rằng đây thực sự là nguyên nhân đại bại của Nhật Bản.”

Đã đến thời kì lên ngôi của sự thanh cao và tươi sáng

Ảnh: Facebook Tao Đàn

Chiếc hộp Pandora cũng bàn đến quan niệm về “karumi” (thanh thoát) như một thi tính thiết yếu nói riêng và như một phẩm tính quan trọng nói chung về nghệ thuật, về lẽ sống ở đời.

“Hãy nhìn chú chim bay trên bầu trời. Đó không phải là vấn đề mang tính học thuyết. Đó là sự dối trá và vô dụng. Chỉ bằng cảm xúc, tôi có thể hiểu mức độ thuần khiết của con người. Vấn đề là cảm xúc. Là vần điệu. Nghệ thuật nếu không thanh cao và tươi sáng thì tất cả chỉ là nghệ thuật rởm.”

Và Dazai đã để cho nhân vật, hay một phần nào đó trong chính ông khẳng khái thốt lên: “Đã đến thời kì lên ngôi của sự thanh cao và tươi sáng.” Vì vậy, khác với tâm cảm bi đát thể hiện trong một số tác phẩm của Dazai, ở Chiếc hộp Pandora, ta cảm nhận được sự dịu dàng trong nỗi u hoài, màu thanh tân nơi chốn thê lương. Dù phải đối diện với căn bệnh không thể chữa khỏi, các nhân vật vẫn đưa ra rất nhiều quan điểm sống tích cực. Có lẽ, vẻ đẹp của con người khi bước ra từ nỗi đau mà vẫn giữ được nét ngây thơ trong sáng chính là sự thanh cao bậc nhất.

Chiếc hộp Pandora cấu thành từ những lá thư, ta có thể hiểu cái kết trong truyện chỉ là kết tạm. Những bức thư, những tâm tình, đời sống của nhân vật vẫn sẽ tiếp diễn, chỉ là ta không được đọc nó nữa. Và như Dazai đã viết, chính ta cũng phải lao vào cuộc sống như một cây nho đang vươn mình lớn lên.

Thông tin tác giả

Dazai Osamu (1909 – 1948) sinh ra ở thị trấn Kanagi, tỉnh Aomori vào năm 1909, tên thật là Tsushima Shuji. Gia đình Dazai có mười một người con. Vì mẹ quá ốm yếu, không thể trông nom hết con cái nên Dazai sống với một người dì. Ông bắt đầu viết từ khá sớm và trong năm 1930, ông đã ghi danh học khoa Ngữ văn Pháp tại trường đại học Tokyo. Sinh thời, Dazai từng cố gắng tự sát nhiều lần với những lí do khác nhau. Tự sát trở thành một yếu tố then chốt trong những tác phẩm của ông. Dazai đã có một văn nghiệp lẫy lừng trước Thế chiến nhưng những tác phẩm nổi tiếng nhất của ông lại là các sáng tác ở giai đoạn hậu chiến khi ông phê phán cả đất nước và chính bản thân mình. Tâm thế đó một lần nữa khiến ông rơi vào tuyệt vọng dẫn đến việc tự sát và qua đời năm 1948.            

Vũ Lập Nhật

Click to comment

Viết bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Phía sau trang sách

Nắng Tháng Tám: Màn trình diễn ấn tượng của William Faulkner

Published

on

By

Nắng tháng Tám diễn ra ở vùng Nam Mỹ vào những năm 1930 và trung tâm câu chuyện xoay quanh vụ án mưu sát một người phụ nữ tên Joanna Burden, người địa chủ bị hầu hết những người dân trong vùng khinh ghét vì quá khứ gia đình. Thông qua quá trình kể câu chuyện này, bí mật của những nhân vật khác cũng dần được tiết lộ. Truyện được viết với thời gian phi tuyến tính, gợi nhớ đến lối kể truyện truyền miệng, đường dây câu chuyện thường xuyên bị ngắt giữa chừng và những nhân vật khác thay phiên nhau tiếp nối mạch truyện. Các nhân vật đều là những con người bị gạt ra khỏi xã hội. Vì vậy, câu chuyện là cái nhìn về xã hội từ ngoài rìa của những con người không còn thuộc về nó nữa.

Tiểu thuyết chia làm ba đường dây câu chuyện riêng biệt, cuối cùng tất cả đều liên kết nhau bằng kết thúc bùng nổ với bạo lực. Một phong cách rất Faulkner. Nhưng khác với những tiểu thuyết khác viết theo phong cách này ở chỗ: cuối cùng nhân vật chính trong mỗi câu chuyện thường gặp nhau thì Faulkner lại không bao giờ tạo ra một cảnh chung có cả Christmas và Lena – hai trong số ba nhân vật chính. Mặc dù dường như họ được kết nối với nhau một cách vô hình: có thể Chirstmas vừa là hóa thân ẩn dụ cho người cha của đứa trẻ trong bụng Lena, đồng thời lại chính là đứa trẻ đó. Đứa trẻ là câu trả lời của Faulkner cho định mệnh tàn bạo không thể tránh khỏi đã nguyền rủa vùng đất phía Nam ấy. Chẳng có lối thoát nào cho những tổn thương quá khứ ngoài việc tự tạo nên những mầm hi vọng mới. Và Faulkner để cho chúng ta tìm ra điều ấy ở đứa trẻ của Lena.

Ở Nắng tháng Tám, Faulkner đã cho thấy một thế giới có chuẩn mực xã hội quá khắt khe, thiếu linh động, bảo thủ và con người phải chịu đựng bằng cách vờ như khuất phục khối bêtông hiện thực của ngoại giới, của những sự việc dường như chẳng liên quan đến họ. Đó là một thế giới chẳng có gì thích ứng với nhau, chẳng có điều gì kết nối, và Faulkner cũng không cố gắng tìm ra sự kết nối. Ông chỉ trộn lẫn chúng vào nhau trong hệ thống câu chuyện của mình để chúng ta cảm nhận những nghịch lí đó.

Nhận xét của báo chí thế giới

Nói rằng Nắng tháng Tám là một màn trình diễn ấn tượng thật chẳng phải là nói quá chút nào… Faulkner không chỉ tích hợp trong cuốn sách này thứ văn phong quyến rũ của sức mạnh và cái đẹp: ông còn cho phép một vài nhân vật của mình, nếu không phải là nhân vật chính, thỉnh thoảng được quyền hành động vô cớ, nằm ngoài những khuôn mẫu xã hội… Nghĩa là, Faulkner tự cho mình lí lẽ và sự thương cảm đối với hệ thống trong thế giới của ông.

J. Donald Adams | New York Times

Quyển sách như rực lửa với sự phẫn nộ dữ dội trước bạo lực, sự ngu ngốc và lòng kiêu hãnh – một quyển sách tuyệt vời.

Spectator

Faulkner có một sức sáng tạo không mệt mỏi, trí tưởng tượng phong phú, và ông thường viết như một thiên thần.

Arnold Bennett

Kodaki
dịch và tổng hợp từ nhiều nguồn

Đọc bài viết

Phía sau trang sách

Tình miệt thứ trong phù sa câu chữ

Published

on

By

Tập truyện ngắn này bao gồm những truyện mà tôi thích. Khi tập hợp để in thành sách, tôi ngồi lựa chọn lại thật kỹ càng, bởi tôi mong muốn trao gởi đi những điều trân quý nhất của mình dành cho độc giả, như một lời tri ân cho những người đã ưu ái đồng hành cùng văn chương của mình.

12 truyện ngắn này là những câu chuyện của miệt đồng bưng chín nhánh sông mà đâu đó trong cuộc đời chúng ta vẫn thường bắt gặp. Xoay quanh những câu chuyện là chữ “tình”. Tôi vẫn thường nghĩ, con người ta trong cuộc đời này chẳng ai thoát khỏi được chữ tình. Chữ tình quấn lấy chúng ta, dắt dìu chúng ta đi qua nỗi buồn, dẫn chúng ta chạm đến niềm vui. Chữ tình khiến chúng ta đắng đót với niềm đau nhưng cũng chính cái chữ tình đó lại là nỗi thương để chúng ta bám víu vào mà sống hết đoạn đời phù sinh thế thái này.

Người viết vì tình mà viết. Người đọc vì tình mà buồn vui theo từng con chữ, xa xót theo từng phận đời, và hả hê với điều thiện lành được hồi đáp sau bao đoạn trường trầm luân.

Có một lần ngồi trên chuyến phà đêm Châu Giang, tôi chợt nghĩ mình chỉ là một dòng phù sa của muôn triệu dòng phù sa đang chảy tràn khắp miệt đồng bưng châu thổ. Tôi đem đến những điều dung dị, chất phác và hào sảng như là bản tính vốn dĩ của người Cửu Long đã ăn sâu vào gốc rễ nội tâm và căn cơ chính mình.

Có bận tôi về Đồng Tháp, ghé cái chợ quê mà hồi nhỏ hay để dành năm trăm, một ngàn để mua dăm ba thứ bánh quê, tôi ngồi sụp xuống và lựa chục loại rồi hí hửng xách lên chạy về khoe với mấy cậu mấy dì. Tôi chẳng thể ăn hết được mớ bánh hôm đó, nhưng vui lạ lùng. Thể như tôi tìm thấy chính mình sau những đãi bôi thị thành. Tôi thấy niềm vui của mình sao giản đơn đến lạ! Hóa ra mỏi gót điêu linh nơi phố xá hào nhoáng thì cái gốc rạ chân quê vẫn là thứ mà tâm tưởng chính tôi luôn hoài vọng.

Có lẽ, dấu chân tôi chưa đi hết nổi dải đất bạt ngàn phù sa miền Tây, đôi tai chưa nghe hết chuyện hào sảng xứ này, đôi mắt chưa thể tận tường hết những thứ đẹp đẽ của sóng nước bưng biền, hay thâm tâm chưa thể trọn vẹn thấu hiểu hết vùng châu thổ, nhưng tôi vẫn luôn thích viết về xứ này. Cái xứ gì mà hổng hết chuyện để viết. Có lần tôi nói vậy với một bạn văn phía Bắc. Bạn nói, thì cứ viết đi, viết đến cạn cùng cuộc đời, chưa chắc viết hết trọn một vùng đất. Bởi đất ôm cả đời người. Người ta sống thác gì đó, gieo neo dâu bể thế nào thì cũng về với đất quê xứ mình mà thôi!

Vậy nên, tôi cứ viết hoài về miền đất này, ngõ hầu đem đến cho độc giả của mình cái “tình” miệt thứ, cái “thương” đồng bưng. Càng viết tôi lại càng thấy mình như mắc nợ vào sóng nước phù sa câu chữ. Viết hoài hổng hết. Viết hoài vẫn cứ muốn viết.

Viết và gởi đến độc giả đã thương yêu câu chữ của mình, cũng như nếu một ai đó hữu duyên cầm trên tay cuốn sách nhỏ này, thì mời bạn một lần lắng lòng lại, lật từng trang sách, nghe tôi kể chuyện buồn miệt thứ. Nhưng mà, người miệt thứ buồn đó rồi lại vui đó, như sóng nước xứ này vơi rồi lại đầy, như phù sa châu thổ muôn đời vẫn dâng người những mùa màng tốt tươi.

Tống Phước Bảo

Đọc bài viết

Phía sau trang sách

Hồ: Một nỗi buồn điềm tĩnh và dịu dàng

Published

on

By

Tiểu thuyết Hồ của Banana Yoshimoto viết về những nỗi đau, những mất mát của con người và cách họ vượt qua nó. Các nhân vật trong Hồ như Chihiro, Nakajima, Mino, Chii… đều có những thương tổn sâu sắc trong quá khứ. Với đề tài như thế, câu chuyện sẽ dễ sa đà vào nhiều trường đoạn cảm xúc nặng nề nhưng Banana vẫn luôn giữ được sự điềm tĩnh, dịu dàng trong văn phong giống như ở những tác phẩm trước đây đã quen thuộc với bạn đọc Việt Nam như: Kitchen, Vĩnh biệt Tugumi, N.P…

Hồ được Banana lấy cảm hứng từ câu chuyện của giáo phái Aum Shinrikyo. Độc giả có thể nhận thấy mô hình công xã mà Nakajima sống ngày còn nhỏ phần nào tương tự với mô hình của giáo phái này. Aum Shinrikyo cũng xuất hiện trong tác phẩm 1Q84 của Murakami Haruki dưới hình thức hư cấu. Qua đó, người đọc thấy được sự khác biệt trong cách khai thác cùng một chủ đề của hai nhà văn. Nếu như trong 1Q84, Haruki đề cập nhiều đến những tác động chính trị – xã hội xoay quanh mô hình phi nhân của Aum thì ở Hồ, Banana chọn một góc nhỏ để viết về hậu chấn tinh thần của những đứa trẻ khi phải chịu sự giáo dục tẩy não trong một cộng đồng không đề cao cái tôi cá nhân. Và chi tiết mà Banana chọn để khắc họa nỗi đau của những đứa trẻ ấy khi lớn lên vừa đơn giản, vừa ám ảnh: Nakajima kẹp vỉ nướng bánh dày vào nách khi ngủ mỗi lần “cảm thấy sắp mơ phải cái gì đáng sợ” bởi đó là vật mà mẹ cậu rất quí; Chii mãi chìm đắm trong những giấc ngủ; Mino sống lặng lẽ từng ngày và đôi khi truyền hộ thông điệp mà người em gái say ngủ muốn nói cho người khác…

Nỗi buồn của các nhân vật dù được Banana viết ra thật nhẹ nhàng nhưng không vì thế mà người đọc có cảm giác hời hợt. Bởi vì, cái đau của họ không phải là cái đau của một người vừa qua cơn khủng hoảng tâm lí, vẫn chưa hết bàng hoàng và không thể chấp nhận hiện thực. Ngược lại, họ tự tách mình ra khỏi chính bản thân mình, đứng ở một nơi xa để ngắm nhìn nỗi đau của mình, chịu đựng nó, chấp nhận nó. Đó là cách để họ vừa giữ lại những kỉ niệm tươi đẹp trong quá khứ, vừa giữ lại nỗi buồn đã tiềm ẩn trong kí ức ấm áp ấy.

Đọc bài viết

Cafe sáng