Trà chiều

Battle Royale – Dù là thực hay mơ, chúng ta vẫn sẽ sống…

…. cho đến khi chúng ta thôi không sống.

Published

on

“Cho dù là bao xa đi chăng nữa, hãy chạy hết sức cho những gì mà mình xứng đáng. Chạy thôi.”

Thế rồi Shuya và Noriko cùng chạy đi về con đường phía trước, không biết con đường ấy có dài rộng hay không, nhưng họ vẫn cứ chạy đi, cũng không còn cách nào cả. Đó là câu thoại cuối cùng của Battle Royale. Song bộ phim vẫn chưa kết thúc ở đó. Sấn khấu khép vào rồi lại mở ra, cảnh đầu tiên: cảnh đội bóng rổ lớp 9B thi đấu trong sự reo hò của những cô bạn gái, cảnh thứ hai: một cậu bé hứa với người bạn thân rằng cậu ấy sẽ bảo vệ người con gái 2 người cùng yêu, cảnh thứ 3: một vị thầy giáo trò chuyện cùng cô học trò của mình, trên tay hai người là hai cây kem cắn dở.

Ba khúc Requiem vang lên, cứ như thể đó là một bộ phim thanh xuân tươi đẹp đến não nề, cứ như thể nó là câu chuyện về một tình yêu rất ngây ngô, với một chàng trai và một cô gái đứng chung dưới một chiếc ô.

Không hiểu sao, mình cảm thấy từ đầu đến cuối, Battle Royale đã luôn bình thản như thế và xao xuyến như thế. Và khi đến hồi kết, mình tắt đi và cảm thấy yên lòng. Nếu là giờ này một năm trước, hẳn là mình sẽ bị những thước phim ấy ám ảnh vào cả giấc mơ, mình sẽ cảm thấy hoài nghi thế giới, mình sẽ đau khổ rút ra kết luận rằng: người ta không thể cứ tốt mãi được, sẽ đến lúc người ta phải trở nên xấu xa thôi. Rồi mình lại giở ra những câu thơ của Lưu Quang Vũ, càng đọc càng thấy thấm thía hơn:

Tôi khát khao yêu người
Mà không sao yêu được
Cuộc đời như một bà già dâm đãng
Một núi dây thừng bẩn thỉu rối ren
Tôi chán cả bạn bè

Nhưng mình đã xem nó vào lúc này, cho nên tất cả những gì mình thấy chỉ là một sự bình tâm đến lạnh lùng. Đời sống lạnh tanh như vậy đấy.

Cho những ai chưa xem, Battle Royale có thể khiến bạn nghĩ tới Chúa ruồi của William Golding, hoặc Đấu trường sinh tử của Suzanne Collins. Nhưng nghe nói Đấu trường sinh tử từng bị cáo buộc đạo nhái lại tác phẩm của người Nhật, còn cá nhân mình thấy Chúa ruồi, dù đã là một sự hạ nhục truyền thống, cũng không thể nào phức tạp bằng. Battle Royale kể về lớp 9B của một trường trung học, trong một lần đi dã ngoại, bị người thầy giáo cũ mà họ từng đối xử không ra gì, Kitano, bắt đưa tới một hoang đảo. Ở đây, họ bị buộc phải tham gia vào một trò chơi sinh tử: 42 người được trang bị vũ khí và tìm cách triệt hạ lẫn nhau. Sau 3 ngày, người duy nhất còn sống sẽ là người chiến thắng. Nếu còn hơn 1 người còn sống, tất cả sẽ chết.

Bạn mình bảo xem phim này không ăn được cơm. Có thể vì nó có những cảnh chém giết dã man quá, mà lại toàn là những cô cậu học trò đâm chém nhau, giá như là một nhóm những kẻ to cao lực lưỡng trong phim điện ảnh Mỹ, thì có khi nó đã chẳng ghê tới mức ấy. Người lớn giết nhau thì không sao, vì ai cũng biết người lớn sẵn sàng giết nhau. Nhưng Không ai nghĩ trẻ con sẽ giết nhau, cho nên họ mới sợ. Cái gì người ta không ngờ tới thì người ta sợ.

Thỉnh thoảng giữa bộ phim, một nhân vật nào đó lại đặt ra một câu hỏi, kiểu như: Chúa ơi, tôi có thể nói thêm một điều nữa không? hay Làm sao tớ có thể biết? Em nói xem, một người lớn biết nói gì với một đứa trẻ con trong tình huống này đây? Đại khái, dù là trẻ con hay người lớn, đều có thể buột miệng nói ra những câu hỏi ấy, cùng một câu hỏi, nhưng vào những lúc khác nhau trong đời, những câu trả lời lại chẳng giống nhau.

Ngày trước cứ nghĩ có thiện và ác. Rồi sau đó mấy năm, lại tin chắc rằng cái thiện và cái ác lẫn lộn đan xen, như vì có ánh sáng mà có bóng tối, và vì có bóng tối mà ánh sáng mới ra đời. Nhưng giờ này, ngồi xem Battle Royale, mình lại nghĩ: có khi chả có cái gì là thiện, mà cũng chả có cái gì là ác. Chả có ánh sáng mà cũng chả có bóng tối. Khi ai đó làm một việc gì đấy, nó không xuất phát từ lương tâm phải trái, mà việc đó chỉ diễn ra bởi vì mọi thứ trên đời phải diễn ra. Không diễn ra, nó không tồn tại. Chỉ có sự diễn ra là quan trọng. Tất cả những thứ đạo đức, phi đạo đức, tất cả chỉ là những khái niệm mà loài người tự ngồi bịa đặt với nhau.

Nhìn xem, Shuya phải giết người khi đã đến lúc phải giết người. Những người bạn khác của cậu cũng như vậy thôi. Còn thầy Kitano có điên đâu? Ông ấy thích ăn bánh quy. Noriko nói thầy Kitano có vẻ cô đơn lắm. Quên đi những ranh giới mà người ta quy ước đi, quên hết đi, nào là thiện, nào là ác, nào là người lớn, nào là trẻ con. Người lớn nào chả từng là trẻ con, trẻ con nào chả sẽ là người lớn. Nếu một đứa trẻ là tốt như thế, làm sao sự trưởng thành lại biến nó thành kẻ xấu xa? Sự trưởng thành không nhẽ không phải bản chất hay sao? Nếu nói bản chất của con người là tốt, vậy thì cũng có thể nói bản chất của con người là phải từ tốt thành xấu, cho nên bản chất đích thực chính là sinh ra để trở thành người xấu. Để giải thích cái mâu thuẫn ấy, tốt nhất cứ nghĩ là không có xấu hay tốt trên đời này cả. Và những đứa trẻ con cũng có thể giết người. Hoàn toàn không phải vì chúng độc ác. Mà chỉ vì khi đến lúc cần làm, người ta phải làm. Còn khi cần phải làm mà lại không làm, cách duy nhất là tự vẫn, như một nhân vật nào đó trong Battle Royale đã nói: nếu không muốn giết ai, thế thì cậu đi chết đi.

Lâu rồi mình mới xem một bộ phim thanh thoát như Battle Royale. Không phải kiểu thanh thoát của một nhà làm phim nghệ thuật, say ngủ giữa những mộng mơ, những luồng ánh sáng, những nỗi hoài niệm ủy mị và lãng mạn. Battle Royale thông minh như điện ảnh Mỹ, tinh tế như điện ảnh châu Âu, siêu thực như người Tây Ban Nha, ướt át như người châu Á, cô đơn như người Nhật. Nó thanh thoát vì nó có tất cả những sắc thái ấy, sắc thái nào cũng thật phi thường. Nó chẳng giống như cuộc đời, cũng chẳng giống một giấc mơ. Nó hoàn toàn không phải thực lồng trong mơ hay mơ giữa đời thực. Nó chỉ là nó. Những chuỗi sự kiện diễn ra. Không có thiện, không có ác, và giờ, không có mơ, không có thực. Hãy chấp nhận đi. Bạn làm sao mà biết cuộc đời mà chúng ta ngày ngày vật lộn là thật hay chỉ là ảo ảnh? Hàng nghìn năm trôi qua, những nhà hiền triết sinh ra rồi chết, vậy mà cũng không ai chứng minh được. Không ai chứng minh được khi chúng ta tỉnh dậy là chúng ta bước vào thế giới thực hay chỉ đang lạc vào một cõi mơ khác. Là thực hay mơ cũng được, chúng ta chỉ biết điều cần làm vẫn là tiếp tục để mình trôi đi theo diễn tiến của thời gian. Chúng ta không biết sự vật lộn hàng ngày có ý nghĩa gì không, nhưng chúng ta vẫn phải vật lộn, vật lộn cho đến lúc không thể nào vật lộn được nữa. Đấy là điều duy nhất chúng ta có thể chắc chắn. Là điều duy nhất chúng ta có thể tin vào.

Battle Royale cứ như một bản giao hưởng vậy. Những đoạn cao trào, rồi những đoạn andante chậm rãi. Những cảnh rùng rợn máu me. Rồi ngay sau đó là cảnh người con trai ôm người con gái trong lòng, dưới buổi hoàng hôn, trên một cây cầu.

Cô gái: Cậu có thích người nào không Hiroki?
Chàng trai: Có.
Cô gái: Không phải tớ đúng không?
Chàng trai: Ừ, không phải.
Cô gái: Vậy thì, hãy ở bên tớ như lúc này. Sẽ không lâu đâu. Chúa ơi, con nói thêm một điều nữa có được không? Cậu ngầu lắm, Hiroki.
Chàng trai: Cậu cũng vậy. Cậu là cô gái ngầu nhất mà tớ biết.
Cô gái: Cảm ơn.

Rồi cô gái gục xuống vai chàng trai, trút hơi thở cuối cùng.

Đoạn đó chỉ diễn ra sau một đoạn tàn sát thật khủng khiếp. Rồi âm nhạc lại vang lên, Auf dem Wasser zu singen, một khúc nhạc thơ của Franz Schubert thế kỷ 19. Tiếng piano dạt dào, nhẹ bẫng như nước chảy. Lời nhạc kể về một người nằm trên con thuyền, nghĩ về thời gian trôi:

Ngày mai với đôi cánh nhòa mờ
Ngày hôm qua và ngày hôm nay, thời gian sẽ lại chạy trốn khỏi tôi
Cho đến khi tôi trên đôi cánh cao ngất rạng ngời của mình
Tự tôi sẽ chạy trốn khỏi thời gian thay đổi

Tất cả đều là thời gian, thứ đánh dấu những sự kiện tiếp nối. Không cần lí do, không cần hệ quả, chỉ là những đoạn thời gian nối liền với nhau, cuốn con người đi theo dòng chảy mãi không bao giờ đứt đoạn. Có phải Gabriel Garcia Marquez từng nói: “Đừng khóc khi một điều gì đó tới, mà hãy cười lên vì nó đã tới.” không? Chỉ cần biết rằng sẽ đến một lúc, cái cần diễn ra sẽ diễn ra, có ai ngăn cản được nào?

Những khoảnh khắc đẹp nhất luôn song hành cũng những khoảnh khắc tồi tệ nhất. Có thể hiểu rằng cái đẹp sinh ra từ cái tồi tệ cũng được. Người ta cứ nghĩ cái đẹp phải xuất phải từ một tâm hồn lương thiện ngây thơ, không phải thế đâu, bên trong một cục cứt cũng có thể có một ý thức hệ để sản sinh ra cái đẹp đấy. Nhưng điều này không phải ai cũng hiểu. Những giai điệu thanh thoát như Blue Danube Waltz giữa một cảnh đầu rơi máu chảy, thì sao? Vẻ đẹp của Blue Danube sẽ không bao giờ bị lấm lem, cảnh giết người cũng không bao giờ trở nên lãng mạn. Chi bằng tốt nhất lại nghĩ, chẳng có cái gì đẹp đâu, và chẳng có cái gì xấu, một vật chỉ là một vật như nó vốn thế. Như ở đoạn đầu phim, giữa một nước Nhật hỗn loạn, lớp 9B vẫn đang chơi bóng rổ, họ nói:

Cuộc sống ngoài kia thế nào thì chúng ta ở đây vẫn đang hạnh phúc.

Không có điều gì đúng hơn. Thế giới ngoài kia ngày ngày họ giết nhau bằng súng đạn, một số người phát cuồng về những diễn biến chính trị mới nhất trên biển Đông, tất cả mọi thứ kiểu kiểu như thế. Nhưng tất cả chỉ nằm ở bên ngoài ô cửa sổ. Khép cửa vào, chúng ta biết mình đang hạnh phúc. Ai hạnh phúc thì vẫn hạnh phúc. Ai không, vẫn không. Không cần phải tỏ ra mình có những mối quan tâm to lớn, cuộc sống của mình, ít ra là mình, không nằm ở nơi nào đó xa xôi, nó chỉ nằm ngay tại đây, với chiếc màn hình máy tính trước mặt, một bộ phim Nhật Bản 15 năm trước, với những nhân vật lần lượt giết nhau. Người chết đã chết. Người sống sẽ sống. Nó không hề giả tạo. Đừng cố gắng đau thương cho những điều chúng ta không hề cảm thấy đau thương. Ý mình không phải bảo những người cảm thấy đau thương là giả tạo. Ý mình chỉ là, cứ sống với cảm xúc thật của chính mình. Cho dù người ta có nói đó là một việc rất đáng buồn, nếu bạn không buồn thì cũng đừng nghĩ mình là đồ cặn bã. Như Midori trong Rừng Nauy đã không hề đau buồn khi mẹ cô mất. Hay như nhân vật chính trong 69 của Ryu Murakami, cậu nổi loạn không phải vì thật sự quan tâm tới diễn biến chiến tranh ở Việt Nam, mà vì cậu muốn lấy lòng Lady Jane của cậu.

Không phải vì một giây trước đó nhân vật cô gái trong Battle Royale là một kẻ giết người, mà sau đó lại trở nên lãng mạn ngây thơ trước chàng trai mà cô ấy yêu, thì có nghĩa một trong hai tính cách đó phải sai. Nó không hề sai. Tốt xấu đều chỉ là ảo tưởng. Đó không phải là sự phức tạp của con người. Đó chỉ là cách mọi thứ sẽ diễn ra. “Hòn đảo thật là tươi đẹp, cho dù nó là nơi mọi người đã chết.”. Noriko đã nói vậy khi sống sót trở về và nhìn hòn đảo từ đằng xa.

Mỗi người có đủ thứ để lo cho cuộc đời mình. Đừng trách họ nếu không đủ thời gian lo lắng cho người khác. Không có thiện, không có ác, không có thực, không có mơ, không có người lớn, không có trẻ con, không có đẹp, không có xấu. Không có gì cả. Cái duy nhất có là cuộc đời.

Và cuộc đời sẽ luôn tiếp diễn. Chúng ta chỉ có thể chạy về phía trước thôi.

Hết.

Hà Nội, ngày có thể là tận thế
Hiền Trang

Trà chiều

Sứ Đoàn Iwakura đạt Giải thưởng sách Quốc Gia 2024

Published

on

Giải thưởng Sách Quốc gia là giải thưởng do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức hàng năm, trao giải cho những cuốn sách (bộ sách) có giá trị nổi bật về nội dung tư tưởng, tri thức, thẩm mỹ nhằm tôn vinh tác giả, dịch giả, nhà khoa học và người làm công tác xuất bản.

Tối ngày 29.11.2024 tại lễ trao Giải thưởng Sách Quốc gia lần VII, tác phẩm Sứ Đoàn Iwakura - Chuyến Tây Du Khảo Cứu Nhằm Canh Tân Nhật Bản Thời Minh Trị (Ian Nish biên soạn, Nguyễn Hoàng Mai - Nguyên Tâm dịch) hân hạnh được vinh danh giải Khuyến khích.

Sứ Đoàn Iwakura là tác phẩm nghiên cứu tập hợp nhiều tư liệu giá trị, giúp độc giả hiểu rõ hơn về chuyến du khảo nhằm canh tân Nhật Bản thời Minh Trị dưới góc nhìn của người phương Tây. Để có một đường lối phát triển đất nước hoàn toàn mới, người Nhật đã khởi động chuyến công du gọi là Sứ mệnh Iwakura thăm Hoa Kỳ và nhiều nước châu Âu. Đây là một chuyến đi lịch sử có tầm quan trọng đến mức khi nhắc về Minh Trị Duy Tân, người ta lập tức nhớ đến chuyến đi này.

Sách dày 427 trang, gồm 11 chương tổng hợp các bài viết của Ian Nish và 12 chuyên gia trong lĩnh vực quan hệ quốc tế khu vực Nhật Bản và Đông Á. Tám chương đầu, độc giả sẽ cùng phái đoàn đi qua tám cường quốc từ Mỹ, Anh, Pháp, Bỉ, Đức, Nga, Thụy Điển và Italy. Bản ghi chép của những học giả góp phần tái hiện hành trình tìm kiếm “văn minh khai sáng” của sứ đoàn Iwakura tại trời Âu dưới góc nhìn của người phương Tây. Ba phần còn lại trong ấn phẩm là bài phân tích, nhận định của chuyên gia lịch sử, đánh giá tình hình nước Nhật sau chuyến công du.

Để hiểu thêm về một lát cắt lịch sử quan trọng của Nhật Bản, cũng như đọc thêm về chuyến đi được mệnh danh là “Chuyến công du lịch sử thay đổi nước Nhật”, mời bạn tìm đọc sách tại đây hoặc tại hệ thống các nhà sách Phương Nam trên toàn quốc.

Đọc bài viết

Trà chiều

Nhà Sách Phương Nam đồng hành cùng các bạn học sinh tham gia cuộc thi ‘F1 in Schools’

Published

on

F1 in Schools là một giải đấu mang tính giáo dục, cạnh tranh toàn cầu do Formula One kết hợp với chương trình quốc tế STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học). Giải đấu được tổ chức hàng năm dành cho học sinh trung học với mục đích giới thiệu kỹ thuật cho những người trẻ tuổi trong một môi trường thú vị. Mỗi đội thi (từ 3 - 6 học sinh) phải thiết kế và chế tạo một chiếc xe đua Công thức 1 cỡ nhỏ từ Khối mô hình F1 chính thức bằng các công cụ thiết kế CAD/CAM.

Năm 2024, ADUA Racing - đội bao gồm các học sinh cấp 2 của trường British International School Ho Chi Minh City đã vinh hạnh giành được cơ hội tham gia vòng chung kết cuộc thi F1 in Schools ở Dubai, Ả Rập Saudi. Đây là đội duy nhất đại diện Việt Nam tham gia vòng chung kết năm nay.

Những nỗ lực rèn luyện, khả năng sáng tạo, tư duy học tập đáng ngưỡng mộ của các em học sinh trong giải đấu này phù hợp với định hướng và giá trị cốt lõi mà Nhà Sách Phương Nam luôn muốn đem lại cho các bạn đọc và khách hàng trên toàn quốc.

Vì vậy, Nhà Sách Phương Nam hân hạnh trở thành nhà tài trợ đồng hành cùng đội thi ADUA Racing trên hành trình vươn ra thế giới. Nhà Sách Phương Nam hy vọng nỗ lực này sẽ góp phần ươm mầm cho những tài năng tương lai, khuyến khích người trẻ phát triển tư duy độc lập, sáng tạo.

Nhà Sách Phương Nam luôn chú trọng hỗ trợ, khuyến khích thế hệ trẻ phát huy tối đa tiềm năng của bản thân. Bên cạnh đó, hệ thống Nhà Sách Phương Nam vẫn luôn nỗ lực trên hành trình kết nối bạn đọc đến với thế giới tri thức thông qua những cuốn sách hay và các hoạt động ý nghĩa.

Cảm ơn sự ủng hộ của các độc giả và khách hàng đã tạo điều kiện để Nhà Sách Phương Nam tiếp tục đồng hành cùng thế hệ trẻ trên những chặng đường đầy ý nghĩa trong tương lai.

Đọc bài viết

Trà chiều

Sự kiện giao lưu & ký tặng: Bước Qua Nước Mắt, Tự Khắc Trưởng Thành

Published

on

Nhân dịp ra mắt tác phẩm mới Bước qua nước mắt, tự khắc trưởng thành, Nhà Sách Phương Nam và Phương Nam Book phối hợp cùng tác giả Anh Khang tổ chức sự kiện giao lưu và ký tặng vào lúc 16g00, thứ Bảy ngày 16.11.2024 tại sân khấu A – Đường sách TP. Hồ Chí Minh (Nguyễn Văn Bình, P. Bến Nghé, Q.1, TP. HCM).

Bước qua nước mắt, tự khắc trưởng thành là tác phẩm kỷ niệm hơn một thập kỷ viết văn của tác giả Anh Khang. Anh gọi đây là một “cuốn sách làm lành” – thay vì “chữa lành” như cách gọi thường thấy trong xã hội hiện đại. Tác phẩm được chia làm hai phần, mở đầu bằng “Độc thoại” với những dòng tư lự đơn lẻ như tự trấn an “đứa trẻ bên trong đang ăn vạ trên đường trưởng thành”, rồi sang đến “Đối thoại” là những lời tâm can san sẻ cùng Gen Z lẫn Gen Z(à) để tìm sự ủi an. Mỗi câu, mỗi lời tâm tình thủ thỉ đều quá đỗi chân thành, như chính lời tác giả tự nhận thì đây “chính là những ghi chép trong lúc ‘khóc một trận đã đời’, rồi từ nay, chỉ nhìn về phía trước”.

Kể từ khi xuất bản tác phẩm đầu tay Ngày trôi về phía cũ… vào năm 2012, đến nay Anh Khang đã trở thành “tác giả triệu bản” với nhiều tác phẩm nhận được sự đón nhận nồng nhiệt của độc giả. Anh còn được bạn đọc thương tặng tên gọi “nhà văn của những nỗi buồn tuổi trẻ” vì những chia sẻ sâu sắc và đầy cảm thông trong từng trang sách. Sách Bước qua nước mắt, tự khắc trưởng thành đánh dấu sự trở lại của Anh Khang sau 4 năm tạm vắng mặt trên văn đàn, đồng thời cũng là món quà tri ân dành tặng cho thế hệ độc giả đã trưởng thành cùng những bài viết của anh.

Bước qua nước mắt, tự khắc trưởng thành – tác phẩm mới nhất của tác giả Anh Khang do Phương Nam Book liên kết xuất bản.

Đến với sự kiện giao lưu và ký tặng, độc giả sẽ có cơ hội trò chuyện cùng nhà văn Anh Khang và lắng nghe anh chia sẻ về những thăng trầm trong quá trình sáng tác cuốn Bước qua nước mắt, tự khắc trưởng thành. Đặc biệt, sự kiện còn chào đón sự góp mặt của ca sĩ - nhà văn Hamlet Trương.

Giao Lưu & Ký Tặng: Bước Qua Nước Mắt, Tự Khắc Trưởng Thành

  • Thời gian: 16:00 – Thứ bảy, ngày 16.11.2024
  • Địa điểm: Sân khấu A – Đường sách TP. Hồ Chí Minh (Nguyễn Văn Bình, P. Bến Nghé, Q.1, TP. HCM)
  • Vào cửa tự do

Về tác giả: Quách Lê Anh Khang

  • Công việc chính là làm báo, công việc phụ là làm mệt mình bằng những cảm xúc đa mang. Mọi nghề nghiệp đã và đang làm như phóng viên, biên tập viên, PR, MC... đều có vẻ khá nghiệp dư, nhưng lại rất chuyên nghiệp trong vai trò làm “người độc thân nhạy cảm”.
  • Ngày sinh: 11/8
  • Cung Hoàng đạo: Sư Tử (Leo)
  • Cử nhân khoa Báo chí & Truyền thông – Đại học KHXH&NV TP.HCM
  • Sách đã xuất bản:
    • Ngày trôi về phía cũ... (2012)
    • Đường hai ngả, người thương thành lạ (2013)
    • Buồn làm sao buông (2014)
    • Đi đâu cũng nhớ Sài Gòn và... Em (2015)
    • Thương mấy cũng là người dưng (2016)
    • Trời vẫn còn xanh, em vẫn còn anh (2017)
    • Người xưa đã quên ngày xưa (2018)
    • Những năm tháng đó, có tôi yêu người (2019)
    • Thả thính chân kinh (2020)
    • Bước qua nước mắt, tự khắc trưởng thành (mới xuất bản – năm 2024)
Đọc bài viết

Cafe sáng