Trà chiều

Đại dịch Corona: Hồ sơ tuổi tác, hiệu quả của các biện pháp và dòng chảy lây nhiễm

Một cuộc thảo luận về hiệu quả của việc đóng cửa trường học, lịch sử bùng phát dịch bệnh, ảnh hưởng không cân xứng đến các nhóm tuổi khác nhau và những gì mà các nhà nhân khẩu học biết được về dân số đang già hóa.

Published

on

A DEMOGRAPHER’S VIEW OF THE CORONAVIRUS PANDEMIC
Isaac Chotiner phỏng vấn C. Jessica Metcalf


C. Jessica Metcalf, giáo sư sinh thái học, sinh học tiến hóa và phụ trách quan hệ công chúng tại Đại học Princeton, là một nhà nhân khẩu học chuyên nghiên cứu về sự lây lan của bệnh truyền nhiễm. Liên quan đến các chính sách y tế, công việc của cô hiện nay có vai trò đặc biệt quan trọng khi các nhà khoa học và quan chức chính phủ đang tìm mọi cách để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19, chủng mới của virus Corona.

Gần đây, tôi đã hai lần trò chuyện điện thoại1 với Metcalf về công việc của cô và cách các nhà nhân khẩu học đối phó với sự lây lan chóng mặt của dịch bệnh này. Cuộc thảo luận xoay quanh lý giải liên quan đến hiệu quả việc đóng cửa trường học, lịch sử bùng phát dịch bệnh, ảnh hưởng không cân xứng đến các nhóm tuổi khác nhau và những gì mà các nhà nhân khẩu học biết được về dân số đang già hóa.

Isaac Chotiner (I. C.): Với tư cách là một nhà nhân khẩu học, điều gì chủ yếu làm quan tâm đến virus Corona?

C. Jessica Metcalf (J. M.): Có rất nhiều yếu tố rủi ro gắn liền với virus Corona, và tôi cảm thấy dường như chúng ta biết thêm những điều mới mẻ và khác biệt về nó mỗi ngày. Nhưng một dấu hiệu rõ rệt có vẻ đang xuất hiện là quỹ đạo tuổi tác liên quan đến tỷ lệ mắc bệnh và tử vong. Người già dường như có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Với tư cách là một nhà nhân khẩu học, điều này cho tôi đòn bẩy để thử nghiệm và dự đoán hậu quả sẽ xảy đến khi virus càn quét qua nhiều quốc gia khác nhau, vì một trong những điểm khác biệt nhất giữa các quốc gia trên thế giới là hồ sơ tuổi tác. Dĩ nhiên là cũng có hàng triệu điểm khác biệt khác. Năng lực vận hành của hệ thống y tế thường đi theo hướng khác, nhưng nó cung cấp cho bạn một phép chiếu. Ý tôi là, các nước có độ tuổi trung bình lớn hơn thường là các nước phát triển hơn, cũng có hệ thống y tế hoạt động tốt hơn, vì vậy, mặc dù gánh nặng có thể lớn hơn, họ sẽ có khả năng đáp ứng tốt hơn.

I. C.: Nhân khẩu học có thể đem đến chỉ dẫn gì trong cách thức chống lại virus? Làm cách nào mà nhân khẩu học giúp phòng chống sự lây lan?

J. M.: Nhân khẩu học là một chiếc ô rất rộng. Tự gọi mình là nhà nhân khẩu học cũng có nghĩa là bạn có thể làm bất cứ điều gì – đúng, bởi vì mọi thứ đều sinh ra và chết đi. Có thể nói, rất nhiều công cụ được dùng để nắm bắt và mô tả những biến đổi của bệnh truyền nhiễm, ở quy mô nào đó, là công cụ nhân khẩu học. Ví dụ, tôi không biết liệu rằng anh đã từng nghe nói về mô hình nổi tiếng – rất nổi tiếng ở trong một cộng đồng rất nhỏ – là mô hình có thể nhiễm bệnh – đã nhiễm bệnh – hồi phục chưa.

I. C.: Đúng là tôi chưa từng nghe thấy.

J. M.: Một trong những cách cổ điển mà ta có thể dùng để mô tả sự bùng phát đại dịch là bạn lấy thế giới và bạn chia tách nó thành các “lớp” chứa nhiều cá nhân. Đặc biệt đối với dịch bệnh quy mô lớn và mới mẻ như lần này, hầu hết các cá nhân trên thế giới đều nằm trong lớp dễ mắc bệnh. Sau đó, theo thời gian, nếu họ tiếp xúc với cá nhân đã nhiễm bệnh và họ cũng bị lây, họ sẽ chuyển vào lớp bị nhiễm. Sau một khoảng thời gian, họ sẽ hồi phục. Chỉ cần định nghĩa đơn giản này (mà từ đó ta có thể viết thành mô hình toán học) mô tả dòng chảy của các cá nhân giữa các lớp khác nhau, bạn có thể nhìn nhận chuyên sâu về tốc độ lây lan của dịch bệnh và những gì bạn có thể trông đợi trong tương lai. Từ đó, bạn cũng có thể đánh giá những thứ như hồ sơ tuổi tác bị nhiễm bệnh.

I. C.: Cô có thể miêu tả một chút về công việc của mình, và sự tương tác của với các chuyên gia y tế là như thế nào không?

J. M.: Tôi chủ yếu là người thống kê và dựng mô hình toán học, vì vậy những gì tôi làm là làm việc với dữ liệu mà người khác đã thu thập, sau đó xử lý dữ liệu đó thông qua các lý thuyết và mô hình chúng tôi có, để thử nghiệm và hiểu rõ hơn các quy trình mà chúng tôi thấy. Ví dụ, trận đại dịch xảy ra ở Vũ Hán cho thấy sự tăng trưởng theo cấp số nhân ở giai đoạn đầu, và các mô hình mà chúng tôi tạo lập cho phép xác định các đặc điểm chủ chốt của đợt bùng phát, chẳng hạn như số ca nhiễm mới tính trên mỗi cá nhân truyền nhiễm, và cả khoảng thời gian nối tiếp hoặc thời gian ngăn cách các cá nhân lây bệnh cho nhau. Về cơ bản, chúng tôi cố gắng kết nối các bằng chứng hiện hữu, với giả thiết rằng cơ chế mà chúng tôi nghi ngờ đang diễn ra là đúng.

Tôi cũng làm một số công việc ngoài văn phòng nhất định. Có một khoảng thời gian tôi trưởng thành ở Madagascar, vì vậy tôi làm việc chặt chẽ với các sinh viên hệ sau tiến sĩ và thạc sĩ, những người làm rất nhiều việc, ví dụ như nghiên cứu cách thức bệnh dại lây truyền khắp Madagascar, hoặc hiểu cách mầm bệnh gia cầm lây lan trong quần thể dân số này.

I. C.: Có điều cụ thể về đại dịch này đặc biệt gây chú ý trong vài tuần qua không?

J. M.: Dường như quy luật “tiếp xúc theo tuổi tác” là một trong những yếu tố quyết định người bị nhiễm bệnh thường nằm trong độ tuổi nào. Nguyên nhân là vì chúng ta có xu hướng tiếp xúc với những người cùng độ tuổi, và điều đó dẫn đến tập trung truyền nhiễm trong các nhóm tuổi cụ thể. Thường thì bạn có xu hướng nói chuyện với người bằng tuổi, và khi bạn khoảng hai mươi hay ba mươi tuổi, bạn bắt đầu nói chuyện với những người nhỏ tuổi hơn vì mọi người bắt đầu có con. Nếu bạn định lượng mức độ tiếp xúc, bạn cũng thấy rằng trẻ em dường như có mức tiếp xúc với nhau cao hơn nhiều so với bất kỳ nhóm tuổi nào khác. Và điều đó có nghĩa chúng là một trung tâm “truyền dẫn” bệnh quan trọng.

Đó là kết luận thường gặp, nhưng không phải là những gì chúng ta thấy hiện nay. Chúng tôi không biết chắc tất cả mọi thứ vì dữ liệu vẫn đang được cập nhật. Chúng tôi không biết liệu có phải trẻ em, dù hoàn toàn không xuất hiện triệu chứng, nhưng vẫn có khả năng truyền bệnh hay không. Tôi nghĩ vẫn còn rất nhiều câu hỏi thú vị ở ngoài kia, nhưng điều đó thực sự ảnh hưởng đến cách chúng ta nghĩ về những việc như đóng cửa trường học để kiểm soát dịch bệnh.

I. C.: Việc đóng cửa trường học nói riêng khiến cô có suy nghĩ gì?

J. M.: Trong đại dịch cúm năm 2009, một trong những biện pháp được thực thi là đóng cửa trường học. Nó có khả năng giảm lây nhiễm, có thể làm giảm rủi ro trong dân số nói chung. Và một trong những điểm nhấn tuyệt đối trong tình thế như vậy là cố gắng “làm phẳng đường cong”2, vì một trong những mối quan ngại thực sự là áp lực khổng lồ lên hệ thống y tế. Nếu chúng ta nghĩ rằng trẻ em là một trung tâm truyền nhiễm quan trọng, thì có một cách để giảm thiểu lây nhiễm là đóng cửa trường học. Nhưng, nếu trẻ em không phải là một trung tâm truyền nhiễm, thì đây không phải là một chiến lược hiệu quả. Vì vậy, nó là một câu hỏi quan trọng. Và tôi nghĩ việc tính toán những điều này là vô cùng khó khăn, bởi việc đóng cửa các trường học áp đặt rất nhiều lên chi phí kinh tế và ảnh hưởng đến xã hội, những chi phí này có tác động mang hướng giới tính. Đó là việc những bà mẹ phải ở nhà để chăm sóc những đứa trẻ. Có rất nhiều chi phí đi kèm với lựa chọn đóng cửa trường học.

I. C.: Còn luận điểm rằng chúng ta nên áp dụng bất kỳ hình thức cách ly xã hội khả dĩ vì bất kỳ loại tụ tập đông người nào đều vô cùng tồi tệ trong thời điểm hiện tại, điều gì đưa ra kết luận đó?

J. M.: Tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta nên cân nhắc việc cách ly xã hội trong thời điểm hiện tại; chúng ta nên cố gắng giảm bớt sự lây lan càng nhiều càng tốt. Tôi không biết bạn bao nhiêu tuổi, nhưng bạn và tôi có lẽ không thuộc nhóm có nguy cơ cao. Nhưng nó không phải là về rủi ro cá nhân – mà là về giảm thiểu rủi ro trong dân số. Tôi nghĩ, chắc chắn là bạn nên rửa tay nhiều hơn trước đây, rửa tay trong hai mươi giây thật cẩn thận, và sau đó suy nghĩ về việc bạn sử dụng bao nhiêu phương tiện giao thông công cộng, mức độ mà bạn có thể giữ cho mình một chút khoảng cách xã hội, có lẽ là một điều thực sự tốt. Càng kéo dài thời gian càng tốt. Rất nhiều hội thảo khoa học mà tôi đang cân nhắc tham dự vừa bị hủy bỏ tại miền Bắc nước Ý, và tôi nghĩ rằng đó là bước đi đúng đắn.

I. C.: Quay lại lịch sử trong một phút, bạn có thể nghĩ ra một ví dụ nào đó mà người già đặc biệt dễ bị tổn thương như lần này không?

J. M.: Có một ví dụ về bệnh giun chỉ hay còn gọi là bệnh mù lòa đường sông3. Tôi lớn lên ở nhiều nơi ở Châu Phi, và căn bệnh này là một thứ gì đó xuất hiện từ từ theo tuổi tác. Điều đó có nghĩa là, ở một số vùng, hầu hết người lớn tuổi cần các cậu bé hoặc trẻ em dẫn đường vì họ không thể nhìn thấy nữa, họ đã bị mù. Tôi nghĩ rằng đó là hình mẫu của bức tượng trước trụ sở Tổ chức Y tế Thế giới. Việc kiểm soát được bệnh mù lòa đường sông ở nhiều nơi trên thế giới là một chiến thắng đáng kinh ngạc. Tuy nhiên, nó vẫn tồn tại ở một số nơi.

Ảnh: The Lancet

I. C.: Ngành nhân khẩu học có cách nào để giúp ngăn chặn dịch bệnh trong tương lai không?

J. M.: Đó là một câu hỏi thú vị. Tôi nghĩ rằng, liên quan đến cách thức nhìn nhận thế giới, nhân khẩu học khiến ta nhận ra dân số đang ngày càng già hóa, đi kèm là một loạt các thách thức trong mọi phương diện, từ hệ thống y tế đến hồ sơ bảo hiểm. Tôi không nghĩ rằng đây sẽ là đại dịch cuối cùng. Một trong những điều đáng sợ về đại dịch cúm năm 1918 là nó ảnh hưởng đến những người trẻ tuổi hơn, những người dường như chịu tỷ lệ tử vong cao hơn. Vì vậy, chúng tôi nghiên cứu cách thức và dấu vết mà đại dịch sẽ giao với quỹ đạo tuổi tác của dân số. Theo thời gian, hầu hết các quốc gia sẽ chuyển từ tình trạng các ca tử vong đa số do bệnh truyền nhiễm gây ra (thường xuất hiện ở độ tuổi rất trẻ), sang viễn cảnh các ca tử vong đa số do những “bệnh tuổi già” gây ra như đột quỵ, bệnh tim hoặc những bệnh tương tự (xuất hiện ở những năm cuối đời). Các quốc gia khác nhau đang ở những giai đoạn khác nhau trong bước chuyển ấy. Thật khó để nói trước điều gì sẽ xảy ra khi ta đối mặt với đại dịch tiếp theo; chúng ta không thể phỏng đoán được. Mỗi một đại dịch mà ta từng đối mặt thật sự đã làm ta ngạc nhiên. Vì vậy, tôi không chắc chắn lắm, nhưng tôi biết rằng những đại dịch tiếp theo sẽ tương tác với bước chuyển giao nhân khẩu học của từng quốc gia theo những phương thức thú vị.

I. C.: Trong quá khứ, có những đại dịch nào đặc biệt ảnh hưởng những người trẻ tuổi?

J. M.: Bệnh sởi có tỷ lệ tử vong trên số ca nhiễm bệnh là hai mươi phần trăm ở những vùng lãnh thổ có tình trạng suy dinh dưỡng hoặc tương tự. Chúng ta đã có loại vắc-xin thực sự rẻ tiền và hiệu quả, mang lại cho bạn khả năng miễn dịch suốt đời, thường được coi là giao dịch “hời” nhất trong lĩnh vực y tế công cộng. Một khi bạn đã tiêm vắc-xin, bạn sẽ không bao giờ bị nhiễm bệnh. Nhưng nếu bạn đang bị bệnh, bạn sẽ không bao giờ bị tái nhiễm vì nó bảo vệ bạn suốt đời. Và điều đó có nghĩa là tất cả các ca nhiễm đều tập trung ở độ tuổi nhỏ, và tỷ lệ tử vong và tỷ lệ mắc bệnh thực sự rất đáng kinh ngạc.

I. C.: Chúng ta đã và đang chứng kiến một loạt các phản ứng trước chủng mới của virus Corona trên toàn thế giới. Có phản ứng nào đặc biệt làm cho bạn lo lắng (với tư cách một nhà nhân khẩu học) không? 

J. M.: Điều làm tôi vô cùng lo lắng là tình trạng quá tải của hệ thống y tế. Bạn có thể ước tính số lượng giường bệnh trên cả nước tương quan với độ tuổi trung bình của quốc gia đó, và phép tính này, ít nhất là ở châu Âu, đang gia tăng – rất hợp lý phải không? Nếu dân số già chiếm tỉ lệ lớn tại quốc gia bạn, bạn có thể cần thêm giường bệnh. Có lẽ là bạn vốn đã có số lượng giường bệnh lớn, nhưng liệu chúng chỉ đơn thuần làm gia tăng chi phí hay sẽ khiến yêu cầu về nguồn lực vượt khỏi tầm kiểm soát, đây vẫn là một câu hỏi mở, đặc biệt khi ta đang trải qua một sự kiện tàn khốc như vậy.

Hết.

Chú thích:

  1. Những cuộc đối thoại của chúng tôi đã được chỉnh sửa để đảm bảo yêu cầu về độ dài và sự rõ ràng.
  2. Nguyên văn “flatten the curve”, được dùng để đề cập các biện pháp làm chậm tỉ lệ lây lan của virus. Điều này không có nghĩa là tổng số lượng người bị nhiễm bệnh nhất thiết phải giảm xuống, nhưng các ca bệnh sẽ không xuất hiện cùng một lúc.
  3. Nguyên văn “onchocerciasis or river blindness” là bệnh suy giảm thị lực hoặc mù vĩnh viễn do giun xoắn Onchocerca.

Vũ Phương Thùy lược dịch.

Bài viết gốc được thực hiện bởi Isaac Chotiner, đăng tại The New Yorker

Ảnh đầu bài: Chris McGrath / Getty


Bài viết có thể bạn sẽ thích



Trà chiều

Sứ Đoàn Iwakura đạt Giải thưởng sách Quốc Gia 2024

Published

on

Giải thưởng Sách Quốc gia là giải thưởng do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức hàng năm, trao giải cho những cuốn sách (bộ sách) có giá trị nổi bật về nội dung tư tưởng, tri thức, thẩm mỹ nhằm tôn vinh tác giả, dịch giả, nhà khoa học và người làm công tác xuất bản.

Tối ngày 29.11.2024 tại lễ trao Giải thưởng Sách Quốc gia lần VII, tác phẩm Sứ Đoàn Iwakura - Chuyến Tây Du Khảo Cứu Nhằm Canh Tân Nhật Bản Thời Minh Trị (Ian Nish biên soạn, Nguyễn Hoàng Mai - Nguyên Tâm dịch) hân hạnh được vinh danh giải Khuyến khích.

Sứ Đoàn Iwakura là tác phẩm nghiên cứu tập hợp nhiều tư liệu giá trị, giúp độc giả hiểu rõ hơn về chuyến du khảo nhằm canh tân Nhật Bản thời Minh Trị dưới góc nhìn của người phương Tây. Để có một đường lối phát triển đất nước hoàn toàn mới, người Nhật đã khởi động chuyến công du gọi là Sứ mệnh Iwakura thăm Hoa Kỳ và nhiều nước châu Âu. Đây là một chuyến đi lịch sử có tầm quan trọng đến mức khi nhắc về Minh Trị Duy Tân, người ta lập tức nhớ đến chuyến đi này.

Sách dày 427 trang, gồm 11 chương tổng hợp các bài viết của Ian Nish và 12 chuyên gia trong lĩnh vực quan hệ quốc tế khu vực Nhật Bản và Đông Á. Tám chương đầu, độc giả sẽ cùng phái đoàn đi qua tám cường quốc từ Mỹ, Anh, Pháp, Bỉ, Đức, Nga, Thụy Điển và Italy. Bản ghi chép của những học giả góp phần tái hiện hành trình tìm kiếm “văn minh khai sáng” của sứ đoàn Iwakura tại trời Âu dưới góc nhìn của người phương Tây. Ba phần còn lại trong ấn phẩm là bài phân tích, nhận định của chuyên gia lịch sử, đánh giá tình hình nước Nhật sau chuyến công du.

Để hiểu thêm về một lát cắt lịch sử quan trọng của Nhật Bản, cũng như đọc thêm về chuyến đi được mệnh danh là “Chuyến công du lịch sử thay đổi nước Nhật”, mời bạn tìm đọc sách tại đây hoặc tại hệ thống các nhà sách Phương Nam trên toàn quốc.

Đọc bài viết

Trà chiều

Nhà Sách Phương Nam đồng hành cùng các bạn học sinh tham gia cuộc thi ‘F1 in Schools’

Published

on

F1 in Schools là một giải đấu mang tính giáo dục, cạnh tranh toàn cầu do Formula One kết hợp với chương trình quốc tế STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học). Giải đấu được tổ chức hàng năm dành cho học sinh trung học với mục đích giới thiệu kỹ thuật cho những người trẻ tuổi trong một môi trường thú vị. Mỗi đội thi (từ 3 - 6 học sinh) phải thiết kế và chế tạo một chiếc xe đua Công thức 1 cỡ nhỏ từ Khối mô hình F1 chính thức bằng các công cụ thiết kế CAD/CAM.

Năm 2024, ADUA Racing - đội bao gồm các học sinh cấp 2 của trường British International School Ho Chi Minh City đã vinh hạnh giành được cơ hội tham gia vòng chung kết cuộc thi F1 in Schools ở Dubai, Ả Rập Saudi. Đây là đội duy nhất đại diện Việt Nam tham gia vòng chung kết năm nay.

Những nỗ lực rèn luyện, khả năng sáng tạo, tư duy học tập đáng ngưỡng mộ của các em học sinh trong giải đấu này phù hợp với định hướng và giá trị cốt lõi mà Nhà Sách Phương Nam luôn muốn đem lại cho các bạn đọc và khách hàng trên toàn quốc.

Vì vậy, Nhà Sách Phương Nam hân hạnh trở thành nhà tài trợ đồng hành cùng đội thi ADUA Racing trên hành trình vươn ra thế giới. Nhà Sách Phương Nam hy vọng nỗ lực này sẽ góp phần ươm mầm cho những tài năng tương lai, khuyến khích người trẻ phát triển tư duy độc lập, sáng tạo.

Nhà Sách Phương Nam luôn chú trọng hỗ trợ, khuyến khích thế hệ trẻ phát huy tối đa tiềm năng của bản thân. Bên cạnh đó, hệ thống Nhà Sách Phương Nam vẫn luôn nỗ lực trên hành trình kết nối bạn đọc đến với thế giới tri thức thông qua những cuốn sách hay và các hoạt động ý nghĩa.

Cảm ơn sự ủng hộ của các độc giả và khách hàng đã tạo điều kiện để Nhà Sách Phương Nam tiếp tục đồng hành cùng thế hệ trẻ trên những chặng đường đầy ý nghĩa trong tương lai.

Đọc bài viết

Trà chiều

Sự kiện giao lưu & ký tặng: Bước Qua Nước Mắt, Tự Khắc Trưởng Thành

Published

on

Nhân dịp ra mắt tác phẩm mới Bước qua nước mắt, tự khắc trưởng thành, Nhà Sách Phương Nam và Phương Nam Book phối hợp cùng tác giả Anh Khang tổ chức sự kiện giao lưu và ký tặng vào lúc 16g00, thứ Bảy ngày 16.11.2024 tại sân khấu A – Đường sách TP. Hồ Chí Minh (Nguyễn Văn Bình, P. Bến Nghé, Q.1, TP. HCM).

Bước qua nước mắt, tự khắc trưởng thành là tác phẩm kỷ niệm hơn một thập kỷ viết văn của tác giả Anh Khang. Anh gọi đây là một “cuốn sách làm lành” – thay vì “chữa lành” như cách gọi thường thấy trong xã hội hiện đại. Tác phẩm được chia làm hai phần, mở đầu bằng “Độc thoại” với những dòng tư lự đơn lẻ như tự trấn an “đứa trẻ bên trong đang ăn vạ trên đường trưởng thành”, rồi sang đến “Đối thoại” là những lời tâm can san sẻ cùng Gen Z lẫn Gen Z(à) để tìm sự ủi an. Mỗi câu, mỗi lời tâm tình thủ thỉ đều quá đỗi chân thành, như chính lời tác giả tự nhận thì đây “chính là những ghi chép trong lúc ‘khóc một trận đã đời’, rồi từ nay, chỉ nhìn về phía trước”.

Kể từ khi xuất bản tác phẩm đầu tay Ngày trôi về phía cũ… vào năm 2012, đến nay Anh Khang đã trở thành “tác giả triệu bản” với nhiều tác phẩm nhận được sự đón nhận nồng nhiệt của độc giả. Anh còn được bạn đọc thương tặng tên gọi “nhà văn của những nỗi buồn tuổi trẻ” vì những chia sẻ sâu sắc và đầy cảm thông trong từng trang sách. Sách Bước qua nước mắt, tự khắc trưởng thành đánh dấu sự trở lại của Anh Khang sau 4 năm tạm vắng mặt trên văn đàn, đồng thời cũng là món quà tri ân dành tặng cho thế hệ độc giả đã trưởng thành cùng những bài viết của anh.

Bước qua nước mắt, tự khắc trưởng thành – tác phẩm mới nhất của tác giả Anh Khang do Phương Nam Book liên kết xuất bản.

Đến với sự kiện giao lưu và ký tặng, độc giả sẽ có cơ hội trò chuyện cùng nhà văn Anh Khang và lắng nghe anh chia sẻ về những thăng trầm trong quá trình sáng tác cuốn Bước qua nước mắt, tự khắc trưởng thành. Đặc biệt, sự kiện còn chào đón sự góp mặt của ca sĩ - nhà văn Hamlet Trương.

Giao Lưu & Ký Tặng: Bước Qua Nước Mắt, Tự Khắc Trưởng Thành

  • Thời gian: 16:00 – Thứ bảy, ngày 16.11.2024
  • Địa điểm: Sân khấu A – Đường sách TP. Hồ Chí Minh (Nguyễn Văn Bình, P. Bến Nghé, Q.1, TP. HCM)
  • Vào cửa tự do

Về tác giả: Quách Lê Anh Khang

  • Công việc chính là làm báo, công việc phụ là làm mệt mình bằng những cảm xúc đa mang. Mọi nghề nghiệp đã và đang làm như phóng viên, biên tập viên, PR, MC... đều có vẻ khá nghiệp dư, nhưng lại rất chuyên nghiệp trong vai trò làm “người độc thân nhạy cảm”.
  • Ngày sinh: 11/8
  • Cung Hoàng đạo: Sư Tử (Leo)
  • Cử nhân khoa Báo chí & Truyền thông – Đại học KHXH&NV TP.HCM
  • Sách đã xuất bản:
    • Ngày trôi về phía cũ... (2012)
    • Đường hai ngả, người thương thành lạ (2013)
    • Buồn làm sao buông (2014)
    • Đi đâu cũng nhớ Sài Gòn và... Em (2015)
    • Thương mấy cũng là người dưng (2016)
    • Trời vẫn còn xanh, em vẫn còn anh (2017)
    • Người xưa đã quên ngày xưa (2018)
    • Những năm tháng đó, có tôi yêu người (2019)
    • Thả thính chân kinh (2020)
    • Bước qua nước mắt, tự khắc trưởng thành (mới xuất bản – năm 2024)
Đọc bài viết

Cafe sáng