Chuyện người cầm bút

Tưởng nhớ Rachel Carson – Mùa xuân vắng lặng, một mùa đau thương (phần 2)

Published

on

Mùa xuân vắng lặng của Rachel Carson không phải là một tác phẩm tầm thường: nó phát động phong trào vì môi trường; thúc đẩy việc thông qua Đạo luật Không khí sạch (1963), Đạo luật Hoang dã (1964), Chính sách Môi trường Quốc gia (1969), Đạo luật Nước sạch và Đạo luật về các loài có nguy cơ tuyệt chủng (1972); dẫn đến việc thành lập Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) vào năm 1970. Trên thế giới, số lượng sách đạt được những thành tựu trên có thể đếm được trên đầu chi của loài sao biển. Tuy nhiên, số sách còn lại của Carson và gần như tất cả tiểu luận của bà đều liên quan đến đại dương. Việc Carson được tưởng nhớ vì một cuốn sách đề cập đến hiểm họa của thuốc trừ sâu thông dụng DDT hẳn sẽ khiến bà ngạc nhiên trong những năm tuổi trẻ, khi bà còn là một nhà nghiên cứu sinh vật biển tại Cục Thủy sản Hoa Kỳ, viết ghi chú về cá-trích-mình-dày, nghiên cứu mũi cá voi với chuyên ngành cao học về cá chình Mỹ.

Đọc các phần trước: Phần 1

*

Thời gian đầu công tác tại Cục Thủy sản Hoa Kỳ, Rachel Carson đã soạn thảo bài luận mười một trang về sinh vật biển với tên gọi “The World of Waters” (tạm dịch “Thế giới của vùng nước”). Cấp trên đánh giá bài luận quá xuất sắc để chỉ in trong một ấn phẩm chính phủ và gợi ý bà gửi nó cho tờ The Atlantic. Sau khi bài luận được đăng dưới tên “Undersea,” Carson bắt đầu viết cuốn sách đầu tay với sự tài trợ của F.D.R.’s New Deal (Chính sách kinh tế mới của Tổng thống Franklin Delano Roosevelt). Under the Sea-Wind ra mắt vài tuần trước khi Nhật Bản đánh bom Trân Châu Cảng, và cuốn sách mau chóng chìm luôn như một chiến hạm.

Trong những năm tháng chiến tranh thiếu-thịt, Carson dành thời gian hướng dẫn các bà nội trợ cách nấu những món cá ít ai biết, và bà trở nên bồn chồn. Bà đã viết một đoạn cho tờ Reader’s Digest về thuốc trừ sâu DDT. Khi chiến tranh diễn ra, các công ty hóa chất đã bán thuốc trừ sâu cho quân đội để ngăn chặn sự lây lan của bệnh sốt phát ban bằng cách tiêu diệt chấy rận. Sau chiến tranh, họ bắt đầu bán thương mại DDT và các loại thuốc trừ sâu khác, dùng trong trang trại và vườn cây. Carson, sau khi đọc báo cáo chính phủ về thủy hải sản và động vật hoang dã, bắt đầu hoảng hốt: DDT chưa được kiểm nghiệm cho mục đích sử dụng dân sự, và nhiều sinh vật khác ngoài côn trùng dường như đang chết dần. Bà đã gửi một bài báo về thuốc trừ sâu, xem xét “liệu nó có thể làm đảo lộn toàn bộ sự cân bằng tinh tế của tự nhiên nếu bị sử dụng kém khôn ngoan hay không”. Tờ Reader’s Digest chẳng quan tâm.

Viết vào buổi đêm, Carson bắt đầu một cuốn sách khác, hy vọng mang đến cho người đọc những phát hiện cách mạng trong ngành sinh vật biển và khám phá biển sâu thông qua hiểu biết về hệ sinh thái đại dương. “Tuy chúng ta không thể nhận thấy bằng mắt thường, kì thật bề mặt đại dương được phân chia thành những vùng xác định,” bà giải thích. “Các loài cá và sinh vật phù du, cá voi và mực, chim và rùa biển, tất cả đều được liên kết bởi những mối dây không thể phá vỡ với một số loại nước.” Nhưng còn nghiên cứu cũng có nghĩa là còn bí ẩn tồn tại: “Cá voi đột nhiên xuất hiện ngoài sườn bờ biển nơi bầy tôm nhuyễn thể đang đẻ trứng — những con cá voi đến từ nơi mà không ai biết là đâu, và cũng không ai biết là từ đường nào.”

Carson viết về chủ đề và lĩnh vực nghiên cứu rộng đến mức bà bắt đầu đặt tên cuốn sách của mình là “Ngoài tầm hiểu biết của tôi” hay “Carson lạc ngoài biển”. Bà cũng bị ám ảnh bởi linh tính về những điều không may. Năm 1946, bà đã cắt bỏ một khối u nang trên ngực trái. Năm 1950, bác sĩ phát hiện một khối u nang khác. Sau cuộc phẫu thuật, bà đi đến bờ biển Nags Head, Bắc Carolina. Trong ghi chép thực địa được bà lưu giữ trong quyển sổ gáy xoắn, bà viết: “Đã thấy dấu vết của một loài chim biển, có lẽ là dẽ-cổ-xám, và theo chân chúng một chút, sau đó chúng lao về phía mặt nước và nhanh chóng bị biển xóa sạch dấu vết. Bao nhiêu thứ đã bị rửa trôi, như thể chúng chưa từng tồn tại”.

Ảnh: Pittsburgh Post-Gazette

Khi Carson hoàn thành cuốn sách, tờ The Atlantic từ chối đăng một đoạn trích, vì cho rằng nó quá văn chương. William Shawn, biên tập viên của tờ The New Yorker, không cho là vậy. The Sea Around Us (tạm dịch Đại dương quanh ta) xuất hiện trên tạp chí vào năm 1951, dưới dạng Tiểu sử ba phần về Biển — Tiểu sử đầu tiên không viết về con người. Thư từ độc giả đổ về: “Tôi bắt đầu đọc với thái độ ôi-mẹ-ơi-cái-gì-đây, và rồi thấy bản thân mình bị mê hoặc”, và nhiều người khác tuyên bố đây là bài viết đáng nhớ nhất trong lịch sử tờ New Yorker (bên cạnh Hiroshima của John Hersey).

The Sea Around Us đã giành được Giải thưởng Sách Quốc gia và nằm trong danh sách sách bán chạy nhất của New York Times, phá kỉ lục tám mươi sáu tuần. Bản tái bản của Under the Sea-Wind cũng lọt vào danh sách này. Độc giả muốn biết “tác giả là ai?”. Ngòi bút mạnh mẽ của bà khiến nhiều nhà phê bình nam đặt nghi vấn Rachel Carson hẳn phải có một nửa là đàn ông. Phóng viên tờ Boston Globe viết, “Có phải bạn hình dung một người phụ nữ viết về bảy vùng biển và những điều diệu kì của nó hẳn là một người có hình thể tráng kiện không? Đó không phải Quý cô Carson. Cô nhỏ nhắn và mảnh mai, với mái tóc nâu hạt dẻ, đôi mắt lai giữa xanh lục và xanh lơ – một màu rất biển. Cô gọn gàng và nữ tính, sơn móng tay hồng nhạt, thành thạo sử dụng phấn dặm và son môi, nhưng không hề màu mè.”

Carson rời bỏ công việc chính phủ và bắt đầu đặt nghi vấn về chính sách liên bang. Khi Bộ trưởng Nội vụ mới, Eisenhower, một doanh nhân đến từ Oregon, thay thế các nhà khoa học trong bộ này bằng những tay-buôn-chính-trị; Carson viết một lá thư cho tờ Washington Post: “Một mô thức đáng ngại đang xuất hiện rõ ràng. Đó là việc loại bỏ những người có chuyên môn và kinh nghiệm lâu năm ra khỏi bộ máy Chính phủ, và bổ nhiệm những người thay thế vì lí do chính trị”.

Nhưng thay đổi lớn nhất mà thành công của Carson mang lại, là khi — với khoản tiền kiếm được từ Tiểu sử về đại dương của mình — bà mua mảnh đất khiêm tốn trên đỉnh mỏm đá ở Maine và xây dựng một ngôi nhà nhỏ. Carson từng lặn gần 2.5m dưới mặt nước, đội một cái mũ lặn nặng 34kg chỉ để được ngắm nhìn thế giới đại dương trong mười lăm phút. Tình yêu thực sự của bà là bờ biển: “Trong suy nghĩ của tôi, không nơi nào thú vị hơn là thế giới của bãi triều thấp. Khi thủy triều xuống sớm vào buổi sáng tinh mơ, thế giới tràn đầy mùi muối, âm thanh của nước và sự mềm mại của sương mù.” Để hiểu sâu hơn, bà đọc sách. Các bức tường trong ngôi nhà của bà ở Maine được lót bằng sách. Sách được lèn giữa những giỏ và khay chứa đầy thủy tinh biển, vỏ sò và đá cuội. Tại đây, bà đã viết một phần của cuốn sách tiếp theo, The Edge of the Sea (tạm dịch Bên rìa đại dương).

“Sự bất đồng của tôi với hầu hết những cuốn sách về biển dành cho độc giả phổ thông là chúng cung cấp rất nhiều mẩu thông tin riêng biệt về một loạt các sinh vật, mà không bao giờ đặt trong môi trường sống của các sinh vật ấy.” Cuốn sách về bờ biển của Carson rất khác. Một lời giải thích về bờ biển như một hệ thống, một hệ sinh thái – một từ mà hầu hết độc giả chưa từng nghe tới trước đây, một từ mà chính Carson hiếm khi sử dụng. Thay vào đó, bà gợi nó lên, như một làn sóng của chuyển động và lịch sử:

Trong suy nghĩ của tôi, những bờ biển, dù rất khác nhau về bản chất và những giống loài được chúng cho cư ngụ, đều được liên kết bởi sự thống nhất của biển. Sự khác biệt mà tôi cảm nhận được trong khoảnh khắc này chỉ là sự khác biệt của một thời điểm, được xác định bởi vị trí của chúng ta trong dòng thời gian và trong dòng giai điệu dài của biển. Từng có thời bãi đá dưới chân tôi là bờ cát. Và một lần nữa trong tương lai không xác định, những cơn sóng sẽ mài những tảng đá này thành cát, đưa bờ biển trở lại trạng thái ban đầu. Và trong tâm trí tôi, những hình thái bờ biển này hợp nhất, hòa trộn trong một mô hình kính vạn hoa luân phiên chuyển dịch. Trong đó không có thực tại cố định cuối cùng.

Paul Brooks, biên tập viên của Carson tại Houghton Mifflin, từng nói rằng, với tư cách là một nhà văn, Carson giống như “người thợ đá không bao giờ mất cái nhìn tổng quan về nhà thờ”. Carson là một biên tập viên tỉ mỉ; Brooks cũng vậy. Nhưng Carson không thích bị chỉnh sửa và nói thẳng ra, đã cảnh cáo Brooks, “Tôi có khả năng sử dụng những thứ có vẻ như là một sự đảo ngược gây tò mò của các từ hoặc cụm từ” – những hư từ đẫm-nước-muối – “nhưng phần lớn những điều này là phong cách của tôi và tôi không muốn chúng bị thay đổi”.

Khi sáng tác bên bờ biển, Rachel Carson đã yêu. Bà gặp Dorothy Freeman năm 1953 trên một hòn đảo ở Maine, nơi gia đình Freeman đến nghỉ hè. Carson bốn mươi sáu tuổi, Freeman năm mươi lăm. Freeman đã kết hôn và có một cậu con trai trưởng thành. Khi Freeman và Carson không ở bên nhau, họ duy trì một mối quan hệ thư từ nồng nàn đến nghẹt thở. Carson viết cho Freeman mùa đông năm đó: “Tại sao em lại giữ những bức thư này? Tại sao ư? Vì em yêu chị!” Freeman đáp lời: “Tình yêu của tôi dành cho em vượt ngoài mọi sự biểu đạt. Tình cảm ấy như biển cả không có bến bờ.”

Cả hai người phụ nữ đều quan ngại về điều mà những bức thư của họ có thể mang lại. Trong một phong bì, họ thường gửi kèm hai bức thư, một bức để đọc cho gia đình (Carson đọc cho mẹ, Freeman đọc cho chồng), một bức đọc trong bí mật. Và những bức thư riêng tư bí mật ấy sẽ bị đốt bỏ sau khi đọc xong. Nhưng cuối cùng họ đã không nỡ tiêu hủy tất cả: những bức còn sót lại được cháu gái của Freeman biên tập và xuất bản năm 1995 với tiêu đề Always, Rachel (tạm dịch Mãi mãi, Rachel).

Sau khi The Edge of the Sea (1955) được xuất bản, Shawn muốn Carson viết một cuốn sách mới. Tuy nhiên, khi cháu gái Marjorie của bà qua đời vì viêm phổi, Carson đã nhận nuôi Roger, cậu con trai bốn tuổi của Marjorie. Một cậu bé mà bà mô tả là “hiếu động như mười bảy con dế vậy”. Bà gạt sang một bên những dự án viết lách dài hơi, cho đến khi — với một chút miễn cưỡng — bà bắt đầu thực hiện nghiên cứu có tiêu đề Man Against the Earth (Tạm dịch Con người chống lại Trái đất).

*

Tháng 1 năm 1958, các thành viên của Ủy-ban-công-dân-chống-đầu-độc-hàng-loạt đã gửi rất nhiều thư tới các tờ báo ở vùng Đông Bắc, kêu gọi chú ý những hậu quả thảm khốc do chương trình phun thuốc trừ sâu trên không tại địa phương và toàn tiểu bang gây ra: côn trùng không chết, nhưng mọi thứ khác đang hấp hối. Olga Owens Huckins, một bà nội trợ và một người quan sát chim ở Massachusetts, đã gọi các chương trình phun thuốc này là “vô nhân đạo, phi dân chủ và có thể đi ngược lại hiến pháp”. Ủy-ban đã đệ đơn kiện ở New York. Và Huckins đã viết cho Carson một bức thư, đề nghị Carson viết về vụ này.

Carson từng muốn viết về sự hủy hoại môi trường kể từ vụ ném bom Hiroshima và việc sử dụng DDT cho mục đích dân sự vào năm 1945. Tuy nhiên, bà không thể bỏ rơi Roger và người mẹ đang đau ốm để viết bài tường thuật về một phiên tòa ở New York. Vào tháng 2, bà viết cho E. B. White, “Tôi hy vọng ông có thể đưa tin về các phiên tòa này cho tờ The New Yorker.” White từ chối và bảo Carson mới là người nên viết, rồi chuyển tiếp bức thư của Carson cho Shawn. Sau này White nói với Carson rằng ông không “còn không phân biệt nổi thuốc trừ sâu với một con bọ bí”. Tháng 6, Carson đến New York và giới thiệu câu chuyện với Shawn. “Chúng tôi thường không nghĩ The New Yorker có khả năng thay đổi thế giới,” Shawn nói với bà, “nhưng lần này, có thể.”

Freeman, một người phụ nữ khôn ngoan, đã lo lắng rằng các công ty hóa chất sẽ hướng mũi nhọn công kích Carson. Carson trấn an rằng bà đã tính đến điều đó, nhưng “sẽ không có sự thanh thản nào trong tương lai cho em nếu em giữ im lặng.” Marjorie Spock, chị gái của một bác sĩ nhi khoa, gửi cho Carson báo cáo từ những phiên tòa, trong khi Carson thực hiện nghiên cứu của bà tại nhà, ở Maryland và Maine, thường với Roger ở bên cạnh. Bà đã tìm hiểu một lượng lớn tài liệu khoa học trong nhiều lĩnh vực, bao gồm y học, hóa học, sinh lý học và sinh học, và đưa ra một lời giải thích rõ ràng dễ hiểu.

Mùa thu năm 1958, mẹ bà bị đột quỵ. Carson chăm sóc mẹ tại nhà. Mẹ của Carson đã dạy bà tiếng của những loài chim. Lần đầu tiên họ đến Maine cùng nhau, Carson viết: “Và sau đó có âm thanh của những con chim khác, nhỏ hơn – tiếng kêu lạch cạch của con bói cá đậu trên những cái cột ở bến tàu; tiếng gọi của con Sẻ-đớp-ruồi nép mình dưới mái hiên cabin; những con Sẻ-đuôi-đỏ kiếm ăn trong rừng bạch dương trên ngọn đồi phía sau căn nhà gỗ và mãi mãi hỏi nhau đường đến Wiscasset, tôi có thể dễ dàng ghép các âm tiết của chúng vào câu hỏi, ‘Which is Wiscasset? Which is Wiscasset?’”.

Vào cuối mùa thu khi mẹ Carson lâm bệnh, Spock đã gửi cho bà một album thu bài hát của những loài chim. Carson lắng nghe cùng Roger và dạy cậu bé về những âm thanh ấy. Bà viết cho Spock: “Roger có một cảm xúc rất ngọt ngào với mọi sinh vật sống. Cậu bé thích ra ngoài với tôi, ngắm nhìn và lắng nghe tất cả mọi sự”. Mẹ của Carson qua đời tháng 12 năm đó, ở tuổi 89. Mùa xuân năm 1959 là mùa xuân đầu tiên của Carson mà không có mẹ. Carson viết: “Trên những khu vực ngày càng rộng lớn của Hoa Kỳ, mùa xuân đến mà không được báo trước bằng sự trở lại của những loài chim. Ở nơi từng tràn ngập vẻ đẹp tiếng hót của loài chim, những buổi sáng tinh sương im lặng đến lạ lùng.” Chính Paul Brooks là người có ý tưởng sử dụng tiêu đề của chương về loài chim làm tiêu đề cho toàn bộ cuốn sách: “Mùa xuân vắng lặng”. Một mùa đau thương.

Ảnh: ©Erich Hartmann / Magnum Photos

Và, Carson vẫn lo lắng rằng bản thân bà không thể cất tiếng. Bà bị bệnh nặng. Bà và Freeman không tiết lộ với ai, kể cả Brooks. Đầu năm 1960, trong khi đang mải mê trong những tài liệu khoa học ngày càng tăng về hậu quả của hóa chất đối với con người, bà phát hiện một khối u trên ngực trái. “Dòng hóa chất không có điểm dừng mà thuốc trừ sâu là một phần trong đó. Hóa chất đang lan tràn khắp thế giới mà chúng ta đang sống, tác động lên chúng ta trực tiếp và gián tiếp, từng cá nhân và cả cộng đồng,” nếu tất cả chúng ta đều là cá, ta đang bơi trong một vùng biển nhiễm độc.

Vào ngày 4 tháng 4 năm 1960, Carson phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tuyến vú. Bác sĩ phẫu thuật không cung cấp cho bà thông tin về các khối u đã bị loại bỏ và không khuyến nghị điều trị tiếp. Khi bà hỏi vị bác sĩ, ông đã nói dối, như thường lệ, đặc biệt là với bệnh nhân nữ. Sự phục hồi diễn ra rất chậm. “Tôi nghĩ rằng tôi đã giải quyết được vấn đề rắc rối của các chương về ung thư,” bà viết cho Brooks từ Maine vào tháng 9. Nhưng trước tháng 11, bà phát hiện ra nhiều khối u hơn, lần này là trên xương sườn. Bà tham khảo ý kiến của một bác sĩ khác, và bắt đầu xạ trị. Vào tháng 12, bà cuối cùng đã tâm sự với Brooks.

Carson giữ căn bệnh ung thư của mình trong vòng bí mật vì bà là một người kín đáo, nhưng cũng vì bà không muốn cho các công ty hóa chất cơ hội hạ thấp uy tín công việc của bà (chẳng hạn họ có thể nói căn bệnh ung thư là động cơ khiến bà viết Mùa xuân vắng lặng). Và có lẽ bởi vì, họ càng khó khăn trong việc công kích bà, trông họ càng tồi tệ. Điều này đòi hỏi một sự khắc kỷ ghê gớm. Bắt đầu từ đầu năm 1961, bà phải ngồi xe lăn. Đợt điều trị này tiếp nối đợt điều trị khác: phẫu thuật nhiều hơn, tiêm thuốc nhiều hơn (một bác sĩ thậm chí đề nghị tiêm vàng). Bệnh này nối tiếp bệnh khác: cảm cúm, nhiễm trùng tụ cầu, viêm khớp, nhiễm trùng mắt. “Như một cuốn ca-ta-lô bệnh tật!” bà viết cho Freeman. “Ai đó mê tín chắc sẽ dễ dàng tin vào những ảnh hưởng xấu trong công việc và quyết tâm để cuốn sách không bị hoàn thành.”

Ngay từ đầu, Carson đã được thông báo rằng bà “chỉ còn vài tháng.” Bà sợ chết, nhưng bà sợ chết khi cuốn sách chưa kịp hoàn thành. Freeman nghĩ rằng chính công việc đang giết chết Carson, hoặc ít nhất là cản trở khả năng chống lại ung thư của bà. Freeman đã thúc giục Carson từ bỏ cuốn sách mà bà đã lên kế hoạch, thay vào đó, hãy hoàn thành một thứ gì đó ngắn hơn. “Tôi đoán vậy sẽ tốt hơn là không có gì,” Carson trầm ngâm, cân nhắc việc viết lại các trang bản thảo thành một thứ gì đó “sôi sục” và “có lẽ mang tính triết lý hơn”. Bà quyết định không làm vậy, và vào tháng 1 năm 1962, bà gửi cho tờ The New Yorker một bản thảo gần như hoàn chỉnh của cuốn sách.

Shawn gọi đến nhà để nói với bà rằng ông đã đọc xong, và cuốn sách là “một thành tựu rực rỡ”. “Carson, bà đã biến nó thành văn học, đầy vẻ đẹp và chiều sâu của cảm giác.” Carson, người không chắc mình có thể sống để viết hết quyển sách hay không, lần đầu tiên, chắc chắn rằng cuốn sách sẽ làm được những gì bà muốn nó làm với thế giới này. Bà gác máy, đặt Roger lên giường, bế con mèo lên và bật khóc, gục xuống trong nhẹ nhõm.

-Còn tiếp-

ichigo lược dịch.

Bài viết gốc được thực hiện bởi Jill Lepore, đăng tại The New Yorker.

Chuyện người cầm bút

Cuộc tẩu thoát táo bạo: Hành trình một nhân viên ngân hàng Mỹ giải cứu 113 thường dân Việt Nam

Published

on

Đầu tháng 4 năm 1975, khi toán lính Mỹ cuối cùng rút khỏi Việt Nam, các giám đốc điều hành cấp cao của Ngân hàng Chase Manhattan Bank đã đặt lên vai Ralph White, vốn là một nhân viên cấp dưới làm việc tại chi nhánh Bangkok, một nhiệm vụ đầy thách thức: sơ tán 53 nhân viên người Việt đang làm việc tại chi nhánh Sài Gòn. Và như độc giả có thể thấy ở trang bìa của cuốn sách "Rời khỏi Sài Gòn", ông đã thành công hoàn thành nhiệm vụ ấy. Thế nhưng bấy nhiêu là không đủ để lột tả hết những rào cản to lớn mà ông phải đối mặt, cũng như những giải pháp thông minh, thậm chí gây đứng tim cho người đọc. Trong bài phỏng vấn đăng trên The Christian Science Monitor vào năm 2023, tác giả Ralph White có một số chia sẻ về cuốn sách với phóng viên Erin Douglass, cộng tác viên của Monitor. Nội dung buổi phỏng vấn đã được tác giả gốc biên tập đôi chút để rõ ràng hơn và đảm bảo độ dài phù hợp. 

Nhiệm vụ thành công dường như là nhờ vào những hành động mang tính quyết định của ông, và một trong số đó là dám đứng lên nhận lãnh trách nhiệm với sinh mạng của những con người ấy. Ông có đồng ý với nhận xét này không, và bên cạnh việc đứng lên chịu trách nhiệm, thì còn hành động nào khác mà ông cho là mang tính quyết định đối với thành công này?

Tôi nghĩ là có. Tôi thường nghe người ta nhắc đến “sự kiên trì”, có lẽ đó cũng là một yếu tố góp phần làm nên thành công của chuyến đi. Khi ấy tôi chỉ mới tốt nghiệp trung học được 10 năm, đã vậy còn thiếu chín chắn so với độ tuổi của mình. Lúc ấy tôi đang phiêu bạt, đi đây đi đó khắp Đông Nam Á, rồi bất chợt, bánh răng lịch sử xoay chuyển, khiến tôi ngỡ ngàng. 

Tôi nghĩ rằng những viên chức ngoại giao đứng về phía tôi – ông Shep Lowman, viên chức chính trị tại Đại sứ quán Mỹ [ở Sài Gòn] và ông Ken Moorefield, lúc bấy giờ đang là trợ lý của đại sứ tại Trung tâm Kiểm soát Sơ tán (ECC), hai người họ là những nhân tố không thể thiếu đối với thành công của tôi. Còn cả Đại tá [William] Madison tại Văn phòng Tùy viên Quốc phòng (Defense Attaché Office) nữa. Những con người ấy chính là yếu tố chính tạo nên thành công của hành trình.

Về phần tôi, tôi sẽ dùng từ “bướng”. Khi ai đó cố gắng ngăn tôi làm điều gì đó mà tôi nghĩ tôi có thể làm, thì tôi sẽ tìm cách làm cho bằng được. Bởi vậy tôi cứ ráng xoay xở đủ đường với đại sứ quán và Tùy viên Quốc phòng (Defense Attaché). Một yếu tố khác nữa đơn giản là sự may mắn tuyệt đối. Trong cuốn sách, đã hai lần tôi đề cập đến việc mọi thứ đã có thể diễn ra theo một kịch bản hoàn toàn khác. Ngay từ đầu, nếu họ chọn anh chàng đầu tiên được giao nhiệm vụ này, anh ta rất có thể sẽ chỉ sơ tán được bốn nhân viên [ngân hàng] rồi coi như đó là thành tựu gì lớn lao lắm. Nhưng không, họ đã chọn tôi.

Một trong những điểm nổi bật trong cuốn sách "Rời khỏi Sài Gòn" chính là khả năng quan sát vô cùng sắc sảo của ông. Ông có thể chia sẻ câu chuyện về “đám mây bụi” giăng khắp Sài Gòn không?

Bốn năm trước sự kiện đó, tôi đã làm việc ở Việt Nam với tư cách là một thường dân, tôi làm cho tờ American Express, nhưng lúc ấy tôi sống và làm việc ở Tây Nguyên. Dạo đó, tôi có ghé Sài Gòn một vài lần, và mặc dù nhiều con đường đã được tráng nhựa, nhưng sẽ luôn có một đám mây bụi dày giăng mắc khắp đường phố Sài Gòn. Khi tôi trở lại vào bốn năm sau, tức khoảng 18 tháng sau khi Hiệp định Paris được ký kết và quân đội Mỹ rút khỏi Việt Nam, đám mây bụi đó đã hạ xuống nhiều [chỉ đến độ mắt cá chân]. Trong mắt tôi, hình ảnh đó cũng như một con chó không sủa vậy. Bởi một thứ gì đó đã biến mất khỏi Sài Gòn. Thứ đó tất nhiên, chính sự hiện diện của quân đội Mỹ. 

Ông đã phát triển một mối quan hệ hợp tác thú vị với Nga, một cô gái bán hoa trẻ, có anh trai có liên hệ với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ông thấy ở Nga có điểm gì đặc biệt?

Chúng tôi gặp nhau trong một hoàn cảnh thật bi thảm; tôi cảm thấy rất tiếc cho cô ấy. Tôi có thói quen như vầy: Tôi sẽ trả tiền cho những cô gái bán hoa để họ dạy tiếng cho tôi. Tôi đã làm vậy ở Thái Lan, ở Việt Nam và cả những nơi khác. (Nhưng tôi chưa bao giờ làm kiểu "bóc bánh trả tiền" kia đâu.) Đó là một cách học tiếng khá tiết kiệm. Đó là ý định ban đầu khi tôi tìm đến cô ấy. Rồi tôi bắt đầu nhận ra rằng dưới vẻ ngoài gai góc, Nga lại là một người khá lanh lợi và ngọt ngào.

Ông từng có dịp được ngồi trong chiếc Lincoln Continental bóng bẩy của ông Tùy viên Thương mại đại sứ quán (Embassy’s Commercial Attaché). Và cảm giác mất kết nối với thế giới bên ngoài khi ngồi trong con xe đó, dưới ngòi bút của ông, đã thật sự gợi lên nhiều suy tưởng. Liệu ông có thể chia sẻ thêm với các độc giả về khoảnh khắc ấy không?

Khi đi bộ, anh sẽ chú ý được rất nhiều chi tiết xung quanh. Khi đi xe đạp, anh sẽ bắt đầu bỏ lỡ một vài chi tiết. Rồi, khi đi xe hơi, anh sẽ thôi chú ý những chi tiết, nhưng từ trong xe hơi thì vẫn nhìn rõ được bên ngoài, và anh hoàn toàn có thể hạ kính xe xuống để quan sát. Nhưng nếu chiếc xe hơi anh đang đi là một chiếc xe hầm hố chẳng khác gì xe tăng – bọc thép, được trang bị kính chống đạn, còn được lắp điều hòa – thì chắc chắn, anh chẳng thể ý thức được những gì đang xảy ra ngoài kia đâu. Bởi khi mọi âm thanh xung quanh bị dập tắt, thì những suy nghĩ của anh sẽ hướng vào bên trong nhiều hơn bên ngoài. 

Sau này tôi mới xâu chuỗi mọi chuyện và ngộ ra rằng cái thứ đó [chiếc Continental] có thể là một phần nguyên nhân tại sao phía Mỹ mù tịt về tình hình bấy giờ, lẽ đương nhiên là ông đại sứ mù tịt, bởi ông ta lúc nào cũng ngồi trong chiếc xe đó. Nếu anh được cơm bưng nước rót tận miệng, vườn tược thì có người chăm lo, con cháu thì có người săn sóc, chó thì được dắt đi dạo, thứ gì cũng có người làm cho, còn anh chỉ việc lái chiếc Continental đi đó đây, hằng ngày ở trong những căn phòng hạng sang, thì làm sao mà anh có thể ý thức được về những gì đang xảy ra cơ chứ. Tôi nghĩ chắc cũng có những ông đại sứ sẽ đi lang thang vào văn phòng cấp thấp nhất và hỏi han kiểu: “Hôm nay có vấn đề gì không?” nhưng trong số đó không có [Đại sứ] Martin.

Đã gần 50 năm trôi qua kể từ cuộc sơ tán ấy. Trong số hơn một trăm thường dân Việt Nam mà ông đã giúp đỡ (và đã giúp đỡ ông), ông còn giữ liên lạc với những ai? 

Tính đến khi tôi hoàn thành bản thảo, hình như đầu năm 2020, tôi chưa liên lạc được với bất kỳ [đồng sự] người Việt nào. Tôi đã rất nỗ lực tìm kiếm, nhưng chẳng có kết quả gì. 

Rồi tính bướng của tôi nổi lên! Tôi tìm thấy sáu hội nhóm người Mỹ gốc Việt ở Mỹ. Mỗi hội đều có thư thông báo, và tất cả họ đều đang khao khát có một tin thật ấn tượng để đăng lên. Vì vậy tôi đã nhắn cho họ, nói rằng Ralph White, trước đây làm việc ở Ngân hàng Chase Manhattan Bank chi nhánh Sài Gòn, giờ đang tìm kiếm các đồng nghiệp cũ của mình. Tôi nhận được một cuộc điện thoại từ chủ tịch Hội người Mỹ gốc Việt tại New Jersey, anh Tony Nguyễn. Và anh ấy nói, “Này Ralph, tôi biết anh đã làm được những gì. Cha tôi bị bắt ở Sài Gòn sau mùa thu, sau đó ông ấy phải vào trại cải tạo lao động trên rừng trong suốt 10 năm. Người của anh đã suýt phải chịu cảnh tương tự... nhưng chính anh đã cứu họ. Tôi muốn mời anh đến tham dự Gala Tết Nguyên đán của hội chúng tôi.” 

Vậy nên tôi đã cùng bạn gái đến đó; về cơ bản chỗ đó là một phòng tập thể dục nối liền với một trung tâm sinh hoạt cộng đồng ở Piscataway, New Jersey. Theo như tôi nhớ, chúng tôi là những người da trắng duy nhất ở đó. Một người phụ nữ ngồi cạnh tôi và hỏi: “Anh đang làm gì ở đây? Anh có đi nhầm phòng không đấy?” Tôi chỉ đảo mắt bởi lời tôi sắp nói ra với cô ấy có lẽ sẽ nghe vô cùng ngớ ngẩn. “Tôi đang cố gắng tìm các cựu nhân viên của Ngân hàng Chase Manhattan Bank chi nhánh Sài Gòn.” Rồi cô ấy đáp, “Ồ, tôi biết một người làm ở chỗ Chase Saigon... đó đó, cô ấy là bạn thân tôi!” Thế là tin Ralph White xuất hiện cứ càng truyền càng xa, vì vậy tôi đã nhận được nhiều cuộc gọi từ Orlando và Houston và San Francisco ... tất cả đều đến từ những người khi xưa tôi từng quen biết. 

Ông có muốn chia sẻ gì thêm không?

Có một điều tôi không nhắc đến trong sách, và cả [Ken Moorefield] cũng chưa biết, đó là tôi đã đề cử ông ấy nhận Huân chương Tự do của Tổng thống. Đó là để tôn vinh sự dũng cảm của ông ấy với tư cách là người đứng đầu Trung tâm Kiểm soát Sơ tán, khi dám đưa 113 người của tôi – và tôi nghĩ là cả vài ngàn người xuất cảnh trái phép khác nữa – rời khỏi Sài Gòn. Sau này ông ấy lại tiếp tục làm đại sứ ở châu Phi. 

Kể từ sau khoảnh khắc ấy, ông đã ghé lại thăm Việt Nam lần nào chưa?

Tôi đang có kế hoạch về thăm Việt Nam. Cuối năm nay, tôi sẽ chọn một khoảng giữa mùa mưa và mùa nóng, để xem liệu tôi có thể lang bạt và ghé lại những chốn cũ không.

Thục Uyên dịch từ CSMonitor

Sách Rời Khỏi Sài Gòn là câu chuyện có thật và đầy cảm xúc của Ralph White – một nhân viên ngân hàng Mỹ đã liều mình vượt quyền để giải cứu 113 nhân viên và gia đình người Việt trong những ngày cuối cùng của Sài Gòn tháng 4/1975. Với giọng kể chân thành, hài hước và đầy nhân văn, cuốn sách là minh chứng cho lòng dũng cảm và tình người giữa thời khắc hỗn loạn của lịch sử.

Đọc bài viết

Chuyện người cầm bút

Từ viết báo đến viết sách – Những con chữ đi qua lửa

Published

on

Có những con đường không hề cách biệt như ta từng nghĩ. Tưởng như báo chí và văn học là hai lối đi rẽ về hai phía: một nơi sắc lạnh hiện thực, một nơi dịu dàng mộng tưởng. Nhưng thực ra, giữa chúng là một cây cầu âm thầm bắt nhịp từ những con chữ. Và trên cây cầu ấy, biết bao người đã đi, trong lặng lẽ, đam mê, và đôi khi đau đớn, để từ trang báo bước sang trang sách, để từ tiếng nói của thời cuộc hóa thành tiếng lòng của con người.

Vào mỗi dịp 21/6 ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, chúng ta không chỉ tưởng nhớ những người đã ngã xuống vì sự thật, vì lịch sử, mà còn để tướng nhớ trước những người đã viết không chỉ để đưa tin, mà để giữ lại một phần linh hồn thời đại. Những người viết báo, nhưng trong đáy chữ luôn có hơi văn. Những người viết sách, nhưng trong từng dòng vẫn vang vọng nhịp đập của tin tức, của điều vừa xảy ra, đang xảy ra. 

Báo chí: Trường học đầu đời của nhiều nhà văn lớn

Nói đến mối quan hệ giữa báo chí và văn học, không thể không nhắc tới những tên tuổi lớn như Nguyễn Tuân, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan, Thạch Lam, hay sau này là Nguyễn Huy Thiệp, Ma Văn Kháng, Tô Hoài, Nguyễn Quang Thiều - những người đã bước ra từ báo chí để làm nên diện mạo của văn học hiện đại Việt Nam. 

Quả thật, báo chí đã trở thành cánh đồng đầu tiên nơi nhiều nhà văn cắm bút xuống đất, viết ra những mùa màng chữ nghĩa - vừa tươi rói đời sống, vừa nhuốm màu trăn trở nhân sinh.

Ở giai đoạn đầu thế kỷ XX, khi văn học Việt Nam đang chuyển mình từ văn chương chương hồi, biền ngẫu sang hình thái hiện đại, thì báo chí lại chính là chiếc cầu nối đầy táo bạo giữa chữ nghĩa và cuộc sống.

Vũ Trọng Phụng, cây bút hiện thực phê phán sắc bén nhất giai đoạn 1930–1945, đã bắt đầu sự nghiệp bằng những bài báo ngắn, tiểu phẩm và phóng sự đăng đều đặn trên Hà Nội Báo, Tiểu Thuyết Thứ Bảy. Ông chính là người khai phá dòng văn học phóng sự ở Việt Nam với những tác phẩm như Kỹ nghệ lấy Tây, Lục xì, Cạm bẫy người - vừa mang tính điều tra báo chí, vừa kết tinh phong cách văn chương sâu cay, châm biếm.

Hay Ngô Tất Tố, bắt đầu từ những bài viết báo chí phê phán xã hội nông thôn, để rồi kết tinh lại trong Tắt đèn - một tiểu thuyết xé lòng về kiếp người trong vòng xoáy sưu thuế. Những bài phóng sự ngắn, góc nhìn trực diện của ông về nông thôn Bắc Kỳ thời kỳ Pháp thuộc đã sớm cho thấy một bút lực không khoan nhượng. Và với chị Dậu, khái niệm báo chí đã không còn như ban đầu, mà đã được tiểu thuyết hoá để trở thành biểu tượng cho hàng vạn thân phận bị nghiền nát trong guồng máy bất công - một sức mạnh mà chỉ văn chương mới có thể tạo nên, sau khi đã được chưng cất từ đời sống và ngôn ngữ báo chí.

Có một điều không thể phủ nhận: báo chí không chỉ rèn luyện kỹ năng viết, mà còn giúp nhà văn học cách sống giữa đời thực - nơi mà ngôn ngữ không còn là sự bày biện thẩm mỹ, mà là công cụ để chạm vào con người.

Nam Cao là một minh chứng. Trước khi trở thành nhà văn của những phận người tăm tối như Chí Phèo, Thị Nở, Lão Hạc, ông từng là phóng viên chiến trường, viết trong mưa bom, bụi đỏ. Những bài viết khi ấy không chỉ giúp ông rèn kỹ năng quan sát và ngôn ngữ, mà còn hun đúc nên giọng văn nhân đạo đến tận cùng, đau đáu với cái nghèo, cái đói, và lòng tự trọng bị chà đạp.

Nguyễn Tuân, cây bút tài hoa, duy mỹ bậc nhất của văn học Việt Nam hiện đại, cũng có một quá trình dài làm báo. Ông từng là phóng viên chiến trường trong cả kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Nhưng dù là phóng sự, tùy bút hay ghi chép, Nguyễn Tuân vẫn giữ cho mình phong cách “chơi ngông” chữ nghĩa - thứ làm nên linh hồn độc đáo trong Tùy bút sông Đà, tác phẩm kết tinh sự giao thoa hoàn hảo giữa chất liệu thực tế báo chí và cảm hứng nghệ thuật thuần túy.

Với Tô Hoài, hành trình từ báo chí đến văn chương cũng là một dòng chảy liền mạch. Ông bắt đầu viết báo từ thập niên 1930, sau này làm biên tập cho các tờ báo lớn. Những năm tháng gắn bó với nghề viết tin, phóng sự, đã rèn luyện cho ông một lối văn quan sát sắc sảo, từ tốn mà đậm tình. Điều đó thể hiện rõ trong Dế Mèn phiêu lưu ký – tác phẩm thiếu nhi kinh điển, nhưng đặc biệt sâu sắc trong các tập hồi ký như Cát bụi chân ai, Chiều chiều - nơi ông hòa trộn những mảnh đời thực với lớp ký ức văn chương đầy trầm tích.

Được coi là một hiện tượng văn chương sau Đổi mới, Nguyễn Huy Thiệp cũng là cái tên đi lên từ nghề báo, từng sống đời công chức bình dị, dạy học, làm xuất bản, rồi mới bước vào văn đàn với loạt truyện ngắn gây chấn động. Chính chất hiện thực trần trụi, cách nhìn sắc lạnh và nhãn quan xã hội bén nhạy trong văn của ông đã cho thấy dấu ấn của một người từng quen với thực tế đời sống, với cách tư duy nhanh gọn của nghề báo.

Có thể nói, giữa dòng chảy báo chí đầy biến động, họ - những nhà văn - đã không chỉ đưa ngôn từ vào con chữ, mà còn thắp lửa lên từng con chữ. Nhìn chung, có thể khẳng định rằng những cái tên trứ danh đi lên từ bao chi đều là những người viết giữa hai thế giới: thực và mơ, lý trí và cảm xúc, thông tin và ký ức.

Phóng sự – Giao lộ giữa thời sự và văn chương

Để kể về một trong những dạng thức tiêu biểu nhất cho sự dung hòa giữa báo chí và văn học trong lịch sử, thì ắt hẳn không thể bỏ qua dòng văn học phóng sự - thể loại nở rộ từ đầu thế kỷ XX với những cây bút như Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Tam Lang (Tôi kéo xe), Nguyễn Huy Tưởng (Bốn năm sau), và sau này là các phóng sự chiến trường đầy ấn tượng của Nguyễn Tuân, Trần Đăng, Phùng Quán.

Những tác phẩm như Tôi kéo xe của Tam Lang hay Kỹ nghệ lấy Tây của Vũ Trọng Phụng không chỉ dừng lại ở việc thuật lại sự kiện, mà đã trở thành tấm gương phản chiếu xã hội, nơi người đọc vừa thấy thực tại, vừa cảm nhận được góc nhìn sắc sảo, nhân văn của người cầm bút. Phóng sự, nhờ vậy, không chỉ là một thể loại, mà còn là minh chứng sống động cho quyền lực của chữ nghĩa trong việc đối thoại với thời đại.

Phóng sự mang đậm hơi thở thời sự, tinh thần thời điểm, và sức mạnh phản ánh hiện thực - ba yếu tố cốt lõi làm nên giá trị sống còn của báo chí. Đây đều là những điều cốt tủy của nghề viết báo, và khi đi qua bàn tay nhà văn, nó được nâng lên thành nghệ thuật nhờ cách kể chuyện, xây dựng hình ảnh, sử dụng ngôn ngữ và biểu đạt cảm xúc. Những đoạn miêu tả ngắn, những câu kết hóm hỉnh mà giàu suy tư, hay những chi tiết bắt gặp giữa dòng đời, v.v. tất cả được nhà văn khéo léo đặt vào khung hình chữ, vừa chân thực, vừa rung động.

Có thể nói, văn học phóng sự chính là dạng thức rõ ràng nhất của sự giao thoa giữa hai thế giới: thực và mơ, lý trí và cảm xúc, thông tin và ký ức. Nó vừa yêu cầu tính chính xác, trách nhiệm xã hội của người làm báo, vừa đòi hỏi sự tinh tế, đồng cảm và chiều sâu tư tưởng của người nghệ sĩ ngôn từ.

Báo chí, ở một nghĩa nào đó, chính là chiếc neo giữ cho văn chương không bị trôi dạt khỏi một thực tại đầy biến động mà văn học hiện đại đôi khi e ngại đối diện. Và ngược lại, văn học cũng truyền cho báo chí một điều ngược lại: khả năng lay động cảm xúc, chiều sâu của cái nhìn và sức sống bền bỉ qua thời gian. Những phóng sự xuất sắc không chỉ khiến người đọc "biết", mà còn khiến họ "nghĩ" và "thấy" - bằng đôi mắt của trái tim.

Ngày nay, thể loại này vẫn tiếp tục được phát triển, với các cây bút như Trần Mai Hạnh (Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75), hay qua những ký sự dài kỳ mang tính văn học đăng trên các báo lớn như Tuổi Trẻ, Thanh Niên, An Ninh Thế Giới. Chúng không chỉ ghi chép sự kiện mà còn truyền tải tinh thần thời đại bằng những câu chuyện đời thường lay động.

Từ sự thật đến hư cấu: Văn học thể nghiệm và ảnh hưởng của báo chí

Bên cạnh văn học phóng sự, một mạch ngầm khác đang trỗi dậy là văn học thể nghiệm, nơi các tác giả không ngại thử nghiệm các hình thức viết mới, trộn lẫn chất báo chí với tư duy tiểu thuyết, hồi ký, thậm chí là phi hư cấu sáng tạo (creative nonfiction). Đây là nơi mà sự thật không chỉ được ghi nhận, mà còn được tái tạo qua lăng kính cá nhân. Người viết không đứng ngoài quan sát, mà dấn thân vào câu chuyện. Họ không chỉ “thấy” mà còn “cảm” và “nghĩ”. Chính sự nhập vai ấy khiến văn học thể nghiệm ngày nay không còn là vùng đất của thuần hư cấu, mà là chỗ để đời sống lên tiếng, không qua trung gian.

Chúng ta có thể nhắc đến các tác giả như Đặng Hoàng Giang với Điểm đến của cuộc đời, hay Phan Việt với Xuyên Mỹ, nơi văn học được viết bằng giọng điệu của nhật ký, ký sự, đôi khi lồng ghép cả dữ liệu thực tế. Ở đó, ranh giới giữa nhà văn và nhà báo được làm mờ, và người viết trở thành một nhân chứng, một người kể chuyện mang tính cá nhân nhưng phản ánh vấn đề chung. 

Các tác phẩm như Chuyện của thiên tài của Nguyễn Thế Hoàng Linh, hay Những thiên đường mù của Dương Thu Hương - dù không trực tiếp là báo chí - vẫn cho thấy ảnh hưởng của lối viết sát thực, sắc lạnh, đậm tính “nhìn thấy rồi kể lại” mà nghề báo rèn giũa. Điều này tạo nên một dòng văn chương dung hợp giữa quan sát xã hội và đào sâu nội tâm, giữa lý trí tỉnh táo và cảm xúc mãnh liệt.

Sự dung hòa giữa cái thật và cái nghĩ, giữa báo chí và văn chương, đang mở ra một không gian viết mới, nơi người đọc không chỉ đọc để biết, mà đọc để thấm, để đối diện với chính mình trong hiện thực đang biến động.

“Văn chương dung hợp” hay sự “khai phá” cho văn học hiện đại

Trong những năm gần đây, sự chuyển mình của báo chí hiện đại - từ báo giấy sang báo mạng, từ đưa tin sang bình luận - đã đồng thời mở ra một không gian mới cho văn chương thể nghiệm. Nhiều nhà văn trẻ hiện nay không chỉ “làm văn học” theo nghĩa truyền thống, mà còn tận dụng các công cụ báo chí, điều tra, ghi chép thực tế, phỏng vấn nhân vật,... để dựng nên những cấu trúc tiểu thuyết “lai” điển hình giữa ký sự, tiểu luận và hư cấu.

Khi báo chí và văn chương hòa quyện, điều ta có được là một thứ văn học không chỉ để "thưởng thức" mà còn để "hiểu", không chỉ để "mơ mộng" mà còn để "thức tỉnh". Thế hệ những cây bút trẻ hiện nay như Nguyễn Ngọc Tư, Phan An, Đinh Hằng, Nguyễn Thiên Ngân cùng nhiều gương mặt khác đang cho thấy một hướng đi thú vị: họ không ngần ngại bắt đầu từ những chuyên trang báo chí, blog, mạng xã hội, nhưng lại làm nên những tác phẩm văn học độc đáo, cá nhân, và giàu chất sống.

Không khó để nhận ra những tác phẩm đương đại đang đi theo con đường dung hợp ấy. Đi như là ở lại của Lê Vũ Trường Giang mang dáng dấp của một hành trình ký sự nhưng lại thấm đẫm chiêm nghiệm nội tâm. Ngay cả những tập truyện ngắn như Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư cũng cho thấy khả năng nhìn đời sống từ một con mắt báo chí - sắc lạnh nhưng không đánh mất độ rung cảm.

Sự lai ghép không làm văn học mất đi bản sắc, mà ngược lại, mở ra những hình thức biểu đạt mới, nơi người viết không còn bó mình trong vai trò “người kể chuyện” mà còn trở thành “người đối thoại”: vừa là nhân chứng, vừa là kẻ kiến tạo thế giới. Trong dòng chảy ấy, “văn chương dung hợp” không chỉ là một khái niệm, mà là một câu trả lời nghệ thuật cho những khắc khoải hiện sinh, cho khát vọng ghi lại thế giới này bằng đôi mắt vừa tỉnh táo vừa dịu dàng.

Sự dung hợp này không đơn thuần là một trào lưu hình thức, mà là cách mà văn học hiện đại đang tìm đường để tái định nghĩa chính mình: không còn khép kín trong thế giới hư cấu, mà mở ra trước những chuyển động của đời sống và con người đương đại. Văn học, nhờ đó không chỉ tiếp tục vai trò phản ánh, mà còn trở thành một công cụ nhận thức - như một cuộc trò chuyện hai chiều giữa tác giả và độc giả, giữa thực tại và tưởng tượng. 

Ngày nay, sự phân ranh giữa nhà báo và nhà văn có thể mờ đi, nhưng điều quan trọng vẫn là: người cầm bút cần giữ cho mình sự trung thực, dũng cảm và thấu cảm, bất kể viết ở thể loại nào. Nhà báo giỏi cũng có thể trở thành nhà văn lớn, và nhà văn, nếu biết lắng nghe đời sống và giọng nói nhân dân, cũng là một nhà báo của tinh thần.

Trong thời đại mà thông tin tràn ngập và cái gọi là “thật” nhiều khi bị thao túng, thứ văn chương dung hợp giữa báo chí và nghệ thuật chính là ngọn lửa giữ cho chữ nghĩa không hóa rỗng. Và hành trình “từ viết báo đến viết sách” sẽ còn tiếp tục như một dòng chảy, nơi con chữ được gọt giũa bởi cả sự thật và cái đẹp.

Hải Đăng

Đọc bài viết

Chuyện người cầm bút

Khám phá hồn cốt Sài Gòn qua từng trang viết của Phạm Công Luận

Tháng Tư về, Sài Gòn không chỉ rực rỡ pháo hoa, náo nhiệt diễu binh mà còn lung linh với trình diễn drone, 3D mapping hiện đại. Giữa không khí lễ hội tưng bừng, sách Phạm Công Luận lại mở ra một Sài Gòn trầm mặc, nơi hồn phố lắng đọng sau lớp áo hào quang.

Published

on

Hòa mình vào không khí tưng bừng với những màn trình diễn drone ngoạn mục vẽ lên bầu trời đêm, những hình ảnh 3D mapping ấn tượng phủ lên các công trình biểu tượng, hay tiếng reo hò theo các đoàn diễu hành được ví von như “concert quốc gia”..., lòng người không khỏi trào dâng niềm tự hào, phấn khích trước sức sống và sự phát triển của thành phố. Nhưng bên cạnh sự náo nhiệt của những hoạt động kỷ niệm quy mô ấy, Sài Gòn còn có một chiều sâu khác, một lớp trầm tích ký ức mà đôi khi cần những khoảng lặng để cảm nhận.

Giữa vô vàn ấn phẩm viết về Sài Gòn, tác phẩm của nhà báo Phạm Công Luận chiếm một vị trí đặc biệt, như một cánh cửa dẫn lối về những khoảng lặng đó. Sách của Phạm Công Luận là sự kết hợp nhuần nhị giữa tư liệu quý giá, hình ảnh sống động và những câu chuyện kể thấm đẫm tình người. Nhân dịp đại lễ 30/4, thời điểm không chỉ để hướng đến tương lai mà còn để suy tư về quá khứ, việc tìm đọc lại những cuốn sách như Sài Gòn – Chuyện đời của phố (5 tập), Hồn đô thị, Sài Gòn ngoảnh lại trăm năm, Những bức tranh phù thế, Made in Sài Gòn, hay Sài Gòn – Gia Định – Chợ Lớn: Ký ức rực rỡ… chính là cách để ta kết nối hiện tại sống động với những giá trị tinh thần lắng đọng, thấu hiểu sâu sắc hơn hồn cốt đã làm nên bản sắc riêng của mảnh đất này.

Góc nhìn của người kể chuyện thầm lặng

Phạm Công Luận luôn tiếp cận Sài Gòn bằng đôi mắt và sự say mê tìm tòi của một nhà báo với hơn 30 năm kinh nghiệm. Điều này thể hiện rõ trong cách tác giả thu thập tư liệu và kể chuyện. Phạm Công Luận thường lần theo dấu vết của những câu chuyện đời thường, những phận người tưởng chừng đã bị lãng quên, những chi tiết nhỏ bé nhưng lại hàm chứa cả một giai đoạn quá khứ. Bộ sách Sài Gòn – Chuyện đời của phố là minh chứng tiêu biểu cho phương pháp này. Tác giả không ngần ngại tìm đến những nhân chứng sống, lắng nghe họ kể, đối chiếu thông tin, để rồi tái hiện lại lịch sử một con hẻm, chân dung một họa sĩ vẽ bìa nhạc xưa, hay nguồn gốc tên gọi một địa danh quen thuộc như Ngã ba Ông Tạ.

Chính sự kiên nhẫn và tỉ mỉ trong việc nhặt nhạnh ký ức từ những nhân chứng, kết hợp với việc sưu tầm công phu hình ảnh, hiện vật cũ đã tạo nên giá trị tư liệu độc đáo cho các tác phẩm của ông. Đọc sách của Phạm Công Luận, ta như đang ngồi trong một quán cà phê cóc đầu hẻm, nghe người Sài Gòn kể chuyện xưa, chuyện nay, chuyện người lạ, chuyện người quen, chuyện vui, chuyện buồn… Giọng văn điềm đạm, mang nhiều hơi thở của cuộc sống đời thường nhưng chính sự chân thật, không tô vẽ ấy lại cuốn hút lạ kỳ. Tác giả ý thức được sự mênh mông của đề tài và sự hữu hạn của bản thân nên từng chia sẻ với Bookish khi nói về quá trình thực hiện cuốn sách Có một thời ở Chợ Lớn rằng: “Tuy ra được cuốn này, nhưng tôi thấy mình chỉ mới phản ánh được phần rất nhỏ về cuộc sống phong phú trong khu Chợ Lớn mà thôi.” Sự khiêm tốn này càng làm tăng thêm độ tin cậy và sức hấp dẫn cho những đề tài mà Phạm Công Luận theo đuổi.

Trong bài phỏng vấn trên báo Tuổi Trẻ khi Sài Gòn – Chuyện đời của phố 2 được ra mắt, Phạm Công Luận có trích dẫn câu nói của Will & Ariel Durant về việc sử gia thường chỉ chép về “máu và xác” trên dòng sông lịch sử, mà bỏ quên những người “trên bờ” đang “cất nhà, làm vườn, nuôi con, làm thơ”. Phạm Công Luận tự nhận mình muốn góp sức viết về những câu chuyện “trên bờ” ấy. Đó là những mảnh ghép đời thường, những sinh hoạt văn hóa, những nếp nhà, những tâm tình… tưởng chừng riêng tư nhưng lại góp phần định hình nên tâm hồn, cốt cách của cả một thành phố. Cuốn Hồn đô thị, tuyển tập những bài tùy bút đặc sắc từ bộ sách Chuyện đời của phố, chính là nơi hội tụ của những câu chuyện “trên bờ” đó, giúp người đọc cảm nhận sâu sắc hơn cái “chất Sài Gòn” thấm đẫm trong từng nếp sống, từng con người. Hay như Sài Gòn ngoảnh lại trăm năm, dù mang tên gọi gợi về quá khứ xa xôi, vẫn giữ mạch kể chuyện gần gũi, soi chiếu lịch sử qua những lát cắt dung dị của đời sống.

Sài Gòn đa diện qua từng trang sách

Thế giới Sài Gòn trong sách Phạm Công Luận vô cùng phong phú và đa dạng, vượt xa những hình ảnh hào nhoáng thường thấy. Đó không chỉ là Sài Gòn của những con đường trung tâm quận Nhứt với giới thượng lưu thanh lịch, mà còn là Sài Gòn của những con hẻm nhỏ ở Đa Kao, Thị Nghè, Phú Nhuận, Chợ Lớn… nơi phần đông người bình dân sinh sống, làm ăn và giữ gìn bản sắc riêng. Người Sài Gòn trong trang viết của Phạm Công Luận cũng vậy, không chỉ có những nghệ sĩ nổi danh, những giai nhân một thuở, mà còn là những người lao động thầm lặng, những gia tộc nhiều đời gắn bó với mảnh đất này, những người nhập cư mang theo vốn văn hóa độc đáo góp phần làm nên sự đa dạng của thành phố. Tác giả kể về họ một cách trân trọng, không phán xét, để độc giả tự cảm nhận về nghĩa khí, sự hào sảng, phóng khoáng nhưng cũng rất mực đời thường của con người nơi đây.

Mỗi cuốn sách lại mở ra một cánh cửa riêng để khám phá những khía cạnh khác nhau của Sài Gòn. Nếu Sài Gòn – Chuyện đời của phố là một bức tranh toàn cảnh với nhiều mảng màu, thì Sài Gòn – Gia Định – Chợ Lớn: Ký ức rực rỡ lại như một thước phim quay chậm, đầy chất thơ, tập trung vào những khoảnh khắc, những không gian và những hoài niệm đẹp đẽ về một thời đã xa. Cuốn sách này gợi lại hình ảnh những chiều Chủ nhật nhàn du, những quán xá vỉa hè, những góc phố bán sách xôn xao, những tà áo dài tung bay trong gió sông… khiến những ai từng gắn bó với Sài Gòn không khỏi bồi hồi. Đọc sách, ta thấy được tâm huyết của tác giả trong việc không ngừng khám phá những mảnh ghép đa dạng của thành phố, và chính tác giả cũng từng hé lộ về dự định viết thêm về các khu đô thị khác sau Hồi ức Phú Nhuận và Có một thời ở Chợ Lớn: “Tôi có dự định viết về hai khu đô thị khác như kế hoạch từ đầu là viết về bốn khu đô thị ở thành phố này.”

Bên cạnh những câu chuyện về cộng đồng, về không gian đô thị, Phạm Công Luận còn dành một phần không nhỏ trong tác phẩm của mình để soi chiếu vào chính ký ức cá nhân, đặc biệt là những kỷ niệm tuổi thơ. Cuốn Những bức tranh phù thế là một tập hợp những hồi ức như vậy. Tác giả viết về tuổi thơ không phải để trốn chạy thực tại, mà là để “nhận ra mình là ai”, để hiểu vì sao mình yêu tha thiết thành phố này đến vậy, ngay cả khi nó đã đổi thay. Như chính tác giả bộc bạch: “Khi viết về quá khứ, tôi nhận ra mình là ai, những gì đã tác động đến mình để trở thành một con người đủ cả những điều hay và dở… Tôi hiểu rõ hơn vì sao mình yêu tha thiết một thành phố dù nó dần dần không còn giống nơi chốn mình yêu thương…” Những trang viết này không chỉ là câu chuyện của riêng ông, mà còn chạm đến ký ức chung của nhiều thế hệ người Sài Gòn, về những trò chơi thơ bé, những món quà vặt hè phố, những hương vị, âm thanh đã gắn liền với một thời hoa mộng.

Lưu giữ di sản vật chất và tinh thần

Một đóng góp quan trọng khác của Phạm Công Luận là nỗ lực sưu tầm và giới thiệu những di sản mang tính vật chất, những chứng nhân của một thời kỳ sản xuất, kinh doanh sôi động tại Sài Gòn – Gia Định – Chợ Lớn. Cuốn sách Made in Sài Gòn là một ví dụ điển hình. Với tập hợp hàng trăm hình ảnh về nhãn hiệu, bao bì sản phẩm, quảng cáo trên báo chí xưa… cuốn sách không chỉ là một bộ sưu tập độc đáo về thiết kế đồ họa một thời, mà còn phần nào phác họa lại bức tranh kinh tế, xã hội và đời sống tiêu dùng của người Sài Gòn trong khoảng nửa thế kỷ. Tác giả chia sẻ, động lực thực hiện cuốn sách này là vì “mong muốn qua cuốn sách, người đọc biết thêm về nền sản xuất và dịch vụ của Sài Gòn xưa, nơi không chỉ là thành phố tiêu thụ mà làm ra được nhiều sản phẩm phục vụ cuộc sống. Và để cho những ai từng sống ở đây trong nửa thế kỷ trở về trước ôn lại kỷ niệm thời ấu thơ của họ với những gì họ từng dùng.”

Quá trình thực hiện Made in Sài Gòn cũng cho thấy sự kỳ công và nghiêm túc của Phạm Công Luận. Tác giả không chỉ sưu tầm hình ảnh mà còn cố gắng xác minh nguồn gốc, thông tin về từng sản phẩm, từng thương hiệu. Việc này không hề dễ dàng, bởi thời gian đã làm thất lạc nhiều tư liệu, và không phải thương hiệu nào cũng còn dấu vết rõ ràng. Phạm Công Luận thẳng thắn thừa nhận những khó khăn gặp phải: “Có những thương hiệu rất nổi tiếng, thí dụ như bột Bích Chi, dầu khuynh diệp bác sĩ Tín và nhiều nhiều nữa lại không có hình ảnh nên không thể giới thiệu. Có một số sản phẩm rất quen thuộc, có hình ảnh quảng cáo nhưng không rõ gốc gác (sản xuất trong nước hay nhập ngoại) nên không đưa vô.” Chính sự cẩn trọng và minh bạch này càng làm tăng giá trị tham khảo cho cuốn sách Made in Sài Gòn.

Nhìn chung, toàn bộ các tác phẩm viết về Sài Gòn của Phạm Công Luận, từ Chuyện đời của phố đến Made in Sài Gòn, từ Hồn đô thị đến Ký ức rực rỡ, đều xuyên suốt một tinh thần: trân trọng và nỗ lực lưu giữ ký ức đô thị, cả về vật chất lẫn tinh thần, trước sự bào mòn của thời gian và những biến đổi không ngừng của xã hội. Phạm Công Luận làm việc đó một cách thầm lặng, bền bỉ, giống như cách tác giả mô tả về công việc viết lách của mình là “viết sách theo kiểu ‘dàn hàng ngang’, bản thảo nào xong trước mới đưa cho nhà xuất bản xem xét”.

Trong không khí của những ngày tháng Tư lịch sử, đọc sách Phạm Công Luận không chỉ là tìm về hoài niệm, mà còn là một cách để hiểu thêm về sức sống mãnh liệt, khả năng tự phục hồi và thích ứng của Sài Gòn, một thành phố luôn rộng mở, luôn chuyển mình nhưng vẫn giữ được những nét hồn cốt riêng biệt, đáng quý. Đó là những di sản vô giá mà thế hệ hôm nay cần biết, cần trân trọng và tiếp nối.

Kodaki

Đọc bài viết

Cafe sáng