Trà chiều

Pom Poko, một ngoại lệ của đạo diễn Takahata Isao (Studio Ghibli)

“Pom Poko” là bức tranh môi trường vừa cảm thương vừa hài hước, vừa tang tóc vừa lạc quan đến đáng ngạc nhiên của đạo diễn Takahata Isao.

Published

on

Trong vũ trụ Ghibli, nếu ví đạo diễn Miyazaki Hayao như mặt trời rạng rỡ thì đạo diễn Takahata Isao lại là ánh trăng uy huyền. Mỗi người một vẻ, có lúc cách biệt đến gần như đối lập. Miyazaki là bậc thầy của thế giới tưởng tượng kỳ ảo, công thần kiến tạo nên những tác phẩm đầu tiên giúp Studio Ghibli tỏa sáng trên trường quốc tế. Ngược lại, con đường của Takahata chân thực và đậm đà bản sắc Nhật Bản hơn, dường như không hề lay chuyển trước sự xâm nhập của văn hóa Tây phương. Hai vị đạo diễn thoạt trông không có điểm nào chung, vậy mà đã kề vai sát cánh qua hơn 30 năm cho đến tận lúc Takahata lìa trần. Tình đồng nghiệp trở thành tri âm tri kỷ, bởi dù khác biệt cách mấy, cuối cùng Miyazaki và Takahata vẫn đồng lòng chia sẻ những giá trị tư tưởng cốt lõi. Trong số đó, lời tự vấn về trách nhiệm của con người đương thời trước thiên nhiên chính là nỗi niềm đau đáu nhất.

Từ trái qua: Đạo diễn Miyazaki Hayao và đạo diễn Takahata Isao (1990).

Công chúng có thể dễ dàng nhận ra sự trân trọng và tận tâm hai ông dành cho môi trường xuyên suốt cuộc đời làm phim. Yếu tố thiên nhiên được cài cắm thường trực và dày đặc trong mọi tác phẩm Ghibli, bất chấp phong cách kể truyện khác biệt của hai nhà sáng lập. Ngay từ thuở ban đầu, Miyazaki đã khiến khán giả phải trầm trồ trước khung cảnh ngút ngàn và xanh mướt của bìa rừng mùa Hạ trong My Neighbour Totoro (Hàng xóm tôi là Totoro). Dù vậy lúc bấy giờ, thông điệp sinh thái chưa hẳn là linh hồn tác phẩm của ông, cũng chưa phải đề tài chủ điểm của Ghibli. Sáu năm sau, Takahata Isao mang đến một trải nghiệm hoàn toàn mới – Pom Poko (平成狸合戦ぽんぽこ). Đây mới thực sự là dấu mốc cho thấy Ghibli đã bước hẳn hai chân vào chủ nghĩa môi trường. Bộ phim có sự tham gia đóng góp ý tưởng của Miyazaki, là tiền đề và hình mẫu để ông xây dựng Princess Mononoke (Công chúa Mononoke) về sau.

Cảnh báo: Nội dung dưới đây tiết lộ một phần nội dung phim.

Một cách nghĩ khác về mối quan hệ giữa thiên nhiên và con người

Gần một thập kỷ kể từ ngày thành lập Studio Ghibli, Takahata Isao làm mới kho tàng điện ảnh của mình với tác phẩm Pom Poko. Dù ra mắt vào năm 1994, truyện phim tái hiện bối cảnh nước Nhật trong thời kỳ tăng trưởng kinh tế thần kỳ từ 20 năm trước đó. Pom Poko bắt đầu với phong cách phim tài liệu nhằm tăng tính hiện thực, vai trò dẫn truyện do bầy tanuki1 được nhân cách hóa đảm nhiệm. Bằng vài câu tóm lược, tanuki cho biết giống loài chúng đang chịu sự đe dọa trực tiếp từ dự án mở rộng độ thị lớn nhất trong lịch sử Nhật Bản:

“Những ngày này, nhu cầu về nhà ở cận Tokyo bùng nổ. Rất nhiều đất nông nghiệp, lâm nghiệp biến mất trong làn sóng không thể kiểm soát được. Tokyo lớn dần, ăn mòn đất đai như một con côn trùng khổng lồ. Vào năm 1967, hội đồng thành phố nảy ra ý tưởng xây dựng khu ngoại ô Tokyo mới với tên gọi Tama New Town. Hơn 300.000 người định cư trên diện tích 3.000 hecta. Rừng bị xóa sổ, đồi bị san phẳng và các thung lũng bị lấp đầy; các đồn điền, cánh đồng biến mất, trang trại cũ bị dỡ bỏ. Đồi Tama biến thành một công trường xây dựng khổng lồ.”

Nhu cầu nhà cận Tokyo tăng cao dẫn đến đất rừng bị lấn chiếm, đe dọa sự sinh tồn của động vật hoang dã mà tanuki là một trong số đó.

Vốn yêu thích cách cắt dựng cô đọng và tối giản, hiện trạng này được Takahata Isao khắc họa qua những hình ảnh giàu tính ẩn dụ: một chiếc máy xúc đất khổng lồ trong cảnh toàn đang nuốt chửng nửa quả đồi Tama; chiếc lá cây bị những con sâu mọt do máy móc xây dựng cách điệu ăn mòn; Đức Phật Thích Ca cùng các tiểu tăng đang xây cất thành phố tí hon như một trò chơi mô hình.

Trong mắt bầy tanuki, con người từ chỗ là “đồng loại” thú vật nay đã tiến hóa thành một thế lực khủng khiếp. Tuy nhiên, Takahata không liên hệ loài người với quỷ dữ mà qua màng lọc ngây thơ của tanuki, nhân loại “có lẽ còn quyền lực hơn cả thần Phật.”

Vậy nên bầy tanuki vẫn dành sự tôn trọng nhất định cho loài người trong Pom Poko. Chúng luôn sống gần gũi, bắt chước triệt để cách con người sinh hoạt (xem ti vi, ăn bánh kem sinh nhật, uống nước tăng lực…). Khi xung đột nổ ra, để bảo vệ nòi giống và lãnh thổ, chúng kháng cự lại theo đúng bản năng. Dẫu vậy, mọi cấp độ của cuộc chiến kéo dài này đều giống một trò chơi cười ra nước mắt hơn là cách mạng thật sự.

Sau trận đánh du kích đầu tiên khiến con người mất mạng, bầy tanuki tụ họp để làm lễ tưởng niệm cho chính kẻ thù của mình. Ở hồi cao trào, khi ba vị sư phụ tanuki xuất hiện để giải cứu Shikoku, phép thuật thượng đẳng của các ngài cũng không phải để tấn công trên diện rộng. Thay vào đó, bầy tanuki chỉ đơn thuần muốn dọa nạt loài người bằng cách tái hiện mọi loại hình văn hóa ma quái cổ truyền.

Ba vị sư phụ tanuki cũng mang trong mình nét giao hòa độc đáo giữa tính hiện đại và cổ truyền, đúng như cách hiểu của thế giới về con người Nhật Bản.

Ngay cả nhân vật tanuki hiếu chiến và nóng nảy nhất (Gonta) cũng phải thừa nhận không thể hủy diệt toàn bộ loài người. Bởi lẽ nếu con người chết hết, nền ẩm thực Đông Tây giao hòa dọ họ sáng tạo cũng sẽ biến mất. Tanuki sẽ không còn được ăn pizza, hamburger hay tempura nữa!

Nhiều hoạt cảnh dí dỏm và sinh động là điểm nhấn thú vị mà phải đến Pom Poko, Takahata Isao mới có cơ hội thể hiện.

Từ góc nhìn phúng dụ và hóm hỉnh như vậy, Takahata cho khán giả thấy được quan điểm của ông về nhiệm vụ bảo tồn sinh thái. Ông giữ thái độ khách quan, tiết chế; trình bày chuỗi sự kiện một cách trung lập, không phán xét. Con người trong Pom Poko dù là đại diện cho chủ nghĩa tư bản hiện đại đang ồ ạt xâm lấn, tàn phá môi sinh nhưng vẫn có nét đáng cảm thông. Công bằng mà nói, trong bánh xe tiến hóa, loài người cũng đơn giản là đang cố làm điều họ thấy tốt nhất cho sự sinh tồn của giống loài mình.

Phải nhắc lại rằng, thời điểm bộ phim ra mắt là khi nền kinh tế bong bóng sau Thế Chiến II của Nhật Bản vừa tan vỡ. Văn minh phương Tây tràn vào, thay đổi hoàn toàn cuộc sống của cư dân xứ Phù Tang từ cả bên ngoài và bên trong. Họ phải lao động vất vả để phục hồi tài chính gia đình, đồng thời chao đảo trên ranh giới nhận thức giữa hai thời kỳ lịch sử quan trọng. Trưởng thành ở giai đoạn này, Takahata Isao thấu hiểu lựa chọn khó khăn mà đồng bào mình phải đưa ra – hủy diệt thiên nhiên để phục hưng kinh tế, tái kiến thiết đất nước. Ông đã dùng lời của tanuki Shokichi để thể hiện sự đồng cảm: “Cuộc sống thành thị khiến hầu hết tanuki căng thẳng và mơ ước được trở về rừng. Con người làm tôi không khỏi ấn tượng. Chắc họ phải có sức chịu đựng ghê gớm lắm.”

Takahata Isao không cổ xúy nhưng cố gắng nhìn nhận người dân Tokyo lúc ấy bằng con mắt nhân văn. Ta có thể thấy rõ điều này qua một phân đoạn cảm động ở hồi kết phim: Trong nỗ lực cứu vãn tình thế cuối cùng, bầy tanuki xếp thẳng hàng trên chiếc máy xúc, dồn hết năng lượng để biến vùng đồi hoang Shikoku thành cánh rừng bạt ngàn của ngày xưa. Những tòa chung cư sụp đổ, những cánh đồng trở lại. Trẻ con lại xách vợt cùng nhau đi bắt bướm. Mái nhà cổ hiện ra giữa khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp. Con người chứng kiến ảo ảnh về thời xa vắng, khi họ thơ bé và cha mẹ vẫn còn tại thế. Quá khứ cũng được tái hiện với cả bầy tanuki. Chúng òa khóc vì nhận ra hình ảnh bản thân thuở nhỏ, khi rừng xanh chưa biến mất và cuộc sống còn tốt đẹp. Tanuki cuống cuồng lao xuống, nhưng ảo ảnh tan biến. Ở đây có một chi tiết rất đẹp: chúng không tìm lại được ngày xưa mà chỉ thấy lũ trẻ loài người đang vẫy tay chào. Dù bấy giờ đã bị đánh cho tan tác, bầy chồn vẫn gập mình chào đáp lễ con người một cách nhã nhặn trước khi quay đầu chạy về rừng.

Trong mỹ học cổ truyền Nhật Bản có khái niệm wabi-sabi (侘寂), một thái độ chấp nhận sự bất toàn, gồ ghề và nhiễu loạn của cuộc sống như nó vốn thế. Ở đoạn kết của cuộc chiến chống lại con người, những chú tanuki của chúng ta đã đạt đến wabi-sabi. Chúng hiểu rằng thế giới hạnh phúc xưa cũ đã bị con người phá vỡ, không thể vãn hồi. Tanuki cuối cùng chọn cách hoán dạng, hòa mình vào xã hội loài người, cố gắng chung sống với họ trong hòa bình. Ngược lại, dù muộn màng, con người cũng bắt đầu lo bảo tồn thiên nhiên qua việc lắng nghe nỗi khổ của tanuki, chừa đất làm công viên cho chúng sinh sống. Đó là sự nhượng bộ lẫn nhau, dòng luân chuyển linh hoạt cho phép đôi bên cùng phát triển, cũng là thông điệp chủ đạo của nhà làm phim.

Nếu không cách nào cản được bánh xe công nghiệp hóa, chúng ta sẽ làm gì?

Bộ phim kết thúc với cảnh bầy tanuki ít ỏi còn lại tụ tập trong công viên, vẫn cùng nhau nhảy múa hát ca dù cuộc sống nhiều khó khăn. Tanuki Ponkichi đã nhìn trực diện vào ống kính máy quay và đối thoại với người xem: “Bạn thường nghe bản tin nói rằng cáo và tanuki đang dần biến mất vì sự phát triển đô thị phải không? Tôi mong đến lúc nào đó, loài người các bạn sẽ không phải nói vậy nữa.”

Khi nói về Takahata Isao, nhiều người ắt sẽ hình dung ngay đến một nghệ sĩ nghiêm cẩn, bảo thủ, yêu thiên nhiên và say mê bản sắc truyền thống Nhật Bản. Vậy nên quan điểm ông thể hiện trong Pom Poko chắc chắn đã gây bất ngờ. Ai mà tin được Takahata lại có thái độ cởi mở với các học thuyết bảo tồn sinh thái đậm chất phương Tây đến thế! Năm 2003, tác giả Alex Steffen2 lần đầu mang đến ba định nghĩa về thái độ bảo vệ môi trường: Light Greens, Dark GreensBright Greens. Trong đó, Bright Greens là nhóm có tư tưởng lạc quan về tương lai nhất; họ xem những thay đổi cấp tiến trong kinh tế và chính trị là cần thiết để hướng tới phát triển bền vững. Tuy nhiên, sự phát triển này cần dựa trên nền tảng các thiết kế và công nghệ thân thiện với môi trường. Năm 1994, có lẽ Takahata Isao không thể tưởng tượng được rằng ông đã tự kết nạp bản thân vào cộng đồng Bright Greens thông qua câu chuyện Pom Poko.

Sau này, tinh thần trung lập và cởi mở với vấn đề môi trường được Miyazaki tiếp nhận, tái hiện trong Princess Mononoke. Cách nhìn của hai vị đạo diễn đại diện cho tư tưởng chung của Studio Ghibli từ đó trở đi, nhất quán rằng con người và thiên nhiên là yếu tố hòa quyện, không thể tách rời. Họ chọn hy vọng và cảm thông thay vì bài xích gay gắt. Họ chọn tin khi văn minh nhân loại phát triển đến mức bão hòa, con người sẽ tự động nhận ra hủy hoại thiên nhiên là giết chết chính mình. Hai bên không còn đối địch mà sẽ nâng đỡ lẫn nhau.

Những biển báo “chú ý thú hoang” kèm minh họa tanuki được dựng lên sau nhiều vụ chúng bị cán chết dọc đường đi kiếm ăn.

Sự lạc quan và trìu mến ấy chính là điểm đặc biệt làm nên thương hiệu Ghibli, cũng là biến đổi đáng kể trong tư tưởng của đạo diễn Takahata Isao kể từ sau tấn bi kịch Grave of the Fireflies (Mộ đom đóm) (1988). Thay vì gồng lên thể hiện theo cách đao to búa lớn, Takahata khắc sâu nỗi cảm thương về sự mất mát của thiên nhiên mà tanuki là đại diện qua dàn cảnh đẹp mắt, tỉ mỉ. Từng mùa trôi qua mang theo những cảnh sắc tuyệt mỹ mới, mỗi cành cây, mỗi cánh hoa trên phông nền đều được khắc họa sao cho chân thực nhất. Tổng thể câu chuyện gói gọn trong bốn mùa Xuân – Hạ – Thu – Đông và bốn nguyên tố Đất – Nước – Lửa – Khí, không thừa không thiếu. Chính bởi lẽ đó, Pom Poko dễ dàng làm lay động trái tim của không chỉ trẻ em mà cả những khán giả lớn tuổi giàu trải nghiệm nhân sinh.

Từ thời kỳ Duy Tân, bộ máy cầm quyền của Nhật Bản đã hiểu rằng nếu muốn thay đổi vận mệnh quốc gia, tất cả phải bắt đầu từ giáo dục. Khi Ghibli sản xuất Pom Poko, có lẽ đây cũng là một trong những tiêu chí quan trọng nhất. Bộ phim phải truyền tải được thông điệp hai chiều về môi trường, giúp công chúng Nhật Bản có cái nhìn toàn diện về cái giá phải trả cho nền công nghiệp hóa, đô thị hóa. Chẳng cách giáo dục nhận thức nào hiệu quả hơn phương pháp tiếp cận vào xúc cảm chân thành, mộc mạc; không khiên cưỡng, không màu mè. Với Pom Poko, Takahata đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ấy.

Pom Poko – Một ngoại lệ không xa lạ

Trong gia tài điện ảnh của Takahata Isao, Pom Poko có lẽ là tác phẩm vừa lạ vừa quen. Lạ bởi đây là lần đầu tiên và cũng là duy nhất Takahata làm phim từ góc nhìn của động vật chứ không phải con người. Mặt khác, Pom Poko cũng hội tụ nhiều yếu tố giả tưởng, kỳ ảo hơn toàn bộ số phim còn lại của ông. Chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ chủ nghĩa Tân hiện thực Ý, Takahata vốn nổi tiếng với cách kể truyện trần trụi, chi tiết và sắc lạnh đến mức tàn nhẫn. Grave of the Fireflies theo đuổi đề tài phản chiến có thể khiến những trái tim băng giá nhất cũng phải rung động; trong khi Only Yesterday (Chỉ còn ngày hôm qua) (1991) khắc họa chân thực nội tâm và những hồi ức tế vi của người phụ nữ trong xã hội Nhật Bản đầu thập niên 1990. Hầu hết phim của Takahata đều được nhận xét là dễ dàng chuyển thành live-action3 vì rất giàu tính hiện thực. Pom Poko rõ ràng là một ngoại lệ, có thể khiến khán giả phải hoài nghi rằng: “Đây rút cục là Takahata hay Miyazaki trá hình?”

Thế nhưng nếu chiêm nghiệm bộ phim đủ kỹ lưỡng, ta vẫn nhận ra được bản sắc Takahata Isao không thể nhầm lẫn. Bởi trong số các thành viên gạo cội của Studio Ghibli, ông là người nặng lòng với văn hóa Nhật Bản nhất. Pom Poko từ phút đầu tiên cho đến cuối cùng, rất rõ ràng, chính là xứ Phù Tang thu nhỏ của riêng Takahata. Gần như mọi đặc trưng văn hóa cổ truyền Nhật đều được khai thác trong phim, không theo cách này thì cách khác.

Pom Poko dễ bị đánh giá sai, đặc biệt là trong mắt những người không quen “tiêu hóa” các giá trị thuần túy Nhật Bản. Bộ phim mở màn bằng bài dân ca về tanuki, sau đó không lâu thì dàn ra ngay một trận đấu hội tụ đủ các yếu tố võ thuật điển hình nhất của Nhật như Kendo, Sumo, Judo,…

Xuyên suốt hơn 100 phút tiếp theo, khán giả được thưởng lãm mọi loại hình nghệ thuật cổ đại. Những lễ hội tổ chức theo nghi thức Thần đạo với màu sắc sặc sỡ; đàn dây Shamisen, chuông, trống rộn ràng; đoàn người nườm nượp nhảy múa với quạt giấy sensu và mặt nạ kịch Noh; lồng đèn cá chép bốn con bay phấp phới trong gió. Hàng loạt điển cố nổi tiếng được kể lại, từ cung thủ Nasu no Yoichi4 đến sự tích loài cáo – đệ tử trông coi ngôi đền của các vị thần; tượng Jiro rải rác trên đường rừng, bao quanh vô số miếu thờ thần núi. Các nhân vật trong tác phẩm của họa sĩ Utagawa Kuniyoshi5 và vô số các nhân vật ma quỷ, thần linh trong truyền thuyết,…

Khi thiên nhiên bị hủy hoại, không chỉ mình bầy tanuki gặp nguy hiểm. Thế nhưng chúng gần như là loài vật duy nhất được Takahata chọn để gửi gắm diễn ngôn điện ảnh. Khác loài cáo vốn đã rất quen mặt trong nền văn hóa đại chúng, tanuki gắn liền với những sự tích chỉ thuộc về nước Nhật. Chúng ăn tạp, lém lỉnh và nghịch ngợm, thích trêu đùa con người bằng phép hoán dạng. Vào thế kỷ 17, tanuki thường xuyên xuất hiện trong tranh của các họa sĩ trường phái Ukiyo-e với dấu hiệu nhận dạng là cặp tinh hoàn cỡ bự, có thể giãn rộng bằng diện tích của tám chiếc chiếu tatami!

Takahata Isao nhiều lần nhắc đến đặc tính sinh dục nổi tiếng của loài tanuki bằng góc nhìn vừa nghiêm túc vừa hóm hỉnh trong phim.

Đặc tính thú vị này cũng được Takahata khai thác triệt để trong Pom Poko. Tuy nhiên, nếu các nghệ sĩ sau thời Edo thường né tránh bàn tới khía cạnh sinh dục và liên hệ “hòn bi” tanuki tới việc cầu tài nhiều hơn, thì vị đạo diễn lại đề cập trực diện mà không ngại ngần. Takahata tổ chức cho chúng hệ thống sinh hoạt mô phỏng chính xác xã hội loài người, mặt khác cũng cố gắng giữ lại mọi yếu tố hoang dã. Tanuki ngoài đời thật được ghi nhận là loài sinh nở tốt, có thể đẻ tới tám con trong một lứa.

Trận chiến tại Yashima là trận cảm tử lớn nhất của tanuki, được sư phụ tanuki Tazaburo Hage chứng kiến và khóc thương cho những chiến binh tử trận. 999 tuổi, đã chứng kiến đủ những vui buồn trên đời, ngài tanuki quyết định làm một buổi lễ để giã từ thế giới. Ngài biến tinh hoàn mình thành một con thuyền khổng lồ, phủ đầy châu báu để linh hồn tanuki có nơi neo đậu.

Con thuyền trôi về phía hạ lưu trên dòng sông Tama, tan biến dần dưới ánh trăng, đưa lũ chồn về cõi Niết Bàn trong tưởng tượng. Cánh buồm họa chữ Bảo (宝) kiêu hãnh giương mình trong gió, chở theo những vong linh tanuki đang ca múa tưng bừng. Bầy tanuki còn sống vội vã chạy tới bờ sông tiễn biệt và cầu nguyện. Chúng dõi mắt theo để mong được thấy Đức Phật vẫy tay gọi từ Niết Bàn.

Oái ăm thay, đó là lý do Pom Poko thắng lớn tại quê nhà, nhưng lại không tạo được tiếng vang với công chúng quốc tế. Tác phẩm đã được gửi đi tranh giải Oscar cho phim nước ngoài xuất sắc nhất năm 1995 nhưng không giành nổi suất đề cử. Chỉ khi Spirited Away (Vùng đất linh hồn) của ông bạn già Miyazaki ẵm giải Oscar cho Phim hoạt hình xuất sắc nhất vào năm 2003, người ta mới sực nhớ Ghibli vẫn còn một tuyệt tác khác từng xuất hiện tại đây. Ngôn ngữ điện ảnh bảo thủ và chậm rãi của Takahata Isao đã trở thành giai thoại trong xưởng phim, khiến những người cộng tác lâu năm nhất cũng phải nhức đầu. Thái độ làm nghề khắc kỷ qua mấy mươi năm là cách Takahata Isao tuyên bố chắc nịch với khán giả rằng: Tôi không cần nổi tiếng mà cũng không cần giải thưởng! Tất nhiên ở đây có mặt lợi, cũng có mặt hại. Với Pom Poko, nếu cách tiếp cận mềm mại hơn một chút, lẽ ra thông điệp mới mẻ của ông về mối quan hệ giữa con người với môi trường đã lan tỏa được xa hơn thế.

Lời kết của người viết:

Ngày bác Takahata Isao mất, điều mình tiếc nuối nhất là vẫn chưa đủ khả năng viết bài phân tích phim Pom Poko. Hẳn nhắc tới phim bác thì ai cũng bật ra Grave of the Fireflies hay The Tale of the Princess Kaguya (Câu chuyện về công chúa Kaguya), nhưng với riêng mình, Pom Poko mãi mãi là di sản trù phú nhất mà Takahata Isao đã để lại.

Mình xem Pom Poko lần đầu từ 10 năm trước cùng chị gái, người đã nhận định: “Lý do duy nhất khiến Pom Poko không có vị thế xứng đáng ở tầm quốc tế là vì phim quá Nhật Bản.” Từ ấy, mình đã xem đi xem lại Pom Poko tổng cộng năm lần. Mỗi lần lại có thêm nhiều trải nghiệm mới. Năm 20 tuổi, mình chỉ thấy Pom Poko là một bộ phim hay. Năm 25 tuổi, mình biết đây là một kiệt tác. Mình hăm hở muốn viết về phim nhưng vẫn rén tay. Pom Poko đơn giản mà phức tạp, dễ yêu mà khó hiểu. Quả thực là cái Đẹp khiến ta e dè mổ xẻ. Sau đó, mình học lớp phê bình phim của TS Đào Lê Na. Bài tập tốt nghiệp rất ngắn gọn: “Phân tích một bộ phim Nhật Bản hoặc Việt Nam đương đại yêu thích.” Có câu trả lời nào rõ ràng hơn không? Mình đã trì hoãn nguyện vọng này trong nhiều năm. Bây giờ mình tham gia cả một lớp học để thực hiện, mình phải làm được chứ!

Mình đã làm được thật, dù là phiên bản còn nhiều thiếu sót. Thật ra mình muốn tỏ ra hóm hỉnh hơn cho khớp với tinh thần của bác Takahata Isao trong phim, nhưng càng viết càng thấy không thể đùa được. Mình cũng muốn có thể viết sâu hơn nữa, vì cứ đến ẩn dụ nào thú vị là lại bị cuốn đi không dừng được, mà Pom Poko lại có thừa ẩn dụ như thế. Chôn cả năm rồi, chắc cũng đã đến lúc mang ra đây để cảm ơn cô Na rất nhiều vì không chỉ tận tình hướng dẫn mà còn tạo động lực để em tự hoàn thành lời hứa với mình. Điện ảnh rất vui ạ!

Hết.

Chú thích:

  1. Tanuki (狸) – Người viết giữ lại cách gọi này vì tanuki là động vật đặc thù của Nhật Bản, không có tên gọi riêng chính xác ở các ngôn ngữ khác. Mặc dù có hình thức tương đối giống chồn, lửng chó, gấu chó và đôi khi được gọi là gấu trúc Nhật Bản, tanuki là một loài riêng biệt. Trong truyền thuyết cổ đại của Nhật, một số tanuki có thể làm phép hoán dạng, thích trêu ghẹo con người bằng khả năng này.
  2. Alex Steffen (1968): Nhà vận động và tác giả bảo vệ môi trường theo thuyết vị lai người Mỹ.
  3. Live-action: Thể loại phim người đóng.
  4. Nasu no Yoichi (1169 – 1232) là một samurai đặc biệt nổi tiếng với tài thiện xạ trong trận Yashima vào năm 1184.
  5. Utagawa Kuniyoshi (1797 – 1861) là một trong những bậc thầy vĩ đại cuối cùng của nghệ thuật in khắc gỗ theo phong cách Ukiyo-e Nhật Bản.

Hải Âu

Bài viết được xuất bản trong sách Điện ảnh Nhật Bản và Việt Nam đương đại: Giao lưu văn hóa và ảnh hưởng, do TS Đào Lê Na hướng dẫn.

Bài viết gốc trên blog cá nhân của tác giả:
https://haiauday.wordpress.com/2019/09/09/phim-pom-poko-mot-ngoai-le-cua-takahata-isao/

Ảnh: Studio Ghibli, Japan Times, Filmmisery.


Có thể bạn sẽ thích?





1 Comment

1 Bình luận

  1. Pingback: Ngưng giả vờ như thể chúng ta không biết rằng tận thế do biến đổi khí hậu đang đến – Bookish

Viết bình luận

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Trà chiều

“Hành trình Anh Hùng” ẩn trong Xứ Cát

Published

on

    Dựa trên công trình nổi tiếng Người hùng mang ngàn khuôn mặt của Joseph Campbell và các tương đồng trong lĩnh vực tâm lý học của Jung và Freud, tác giả Christopher Vogler đã cho độc giả một cái nhìn khác về cấu trúc tương đồng của hàng triệu câu chuyện từ cổ chí kim qua cuốn Hành trình người viết vừa được ra mắt.

Một cuốn sách quan trọng

       Cấu trúc nói trên xuất hiện từ các truyện cổ dân gian đến tiểu thuyết hiện đại, từ những bài đồng dao quen thuộc đến các bộ phim “làm mưa làm gió” tại Hollywood… Hành trình người viết không chỉ là một cuốn sách giúp ta nhận ra những rường mối quan trọng của nghệ thuật kể chuyện, mà song song đó còn là bài học để mỗi độc giả có được khả năng là một người viết.

       Vốn là một người tư vấn cốt truyện của Hollywood và đã kinh qua hàng nghìn kịch bản trong cuộc đời mình, Vogler có khả năng nhìn thấy những mối liên kết cũng như những điểm suy yếu trong các tác phẩm. Từ những đúc rút và kho kinh nghiệm bản thân có được, ông đã tạo nên cuốn sách vô cùng hấp dẫn. Để kiếm chứng điều đó, hãy thử lần ngược siêu phẩm Xứ cát chuyển thể tiểu thuyết khoa học viễn tưởng cùng tên của Frank Herbert do đạo diễn Denis Villeneuve thực hiện và so nó với những gì được tổng kết lại, để xem hành trình anh hùng của Vogler có giao điểm nào với Paul Atreides – người thanh niên đã làm nên những khoảnh khắc vô cùng chói lọi.

       Theo Vogler, nói thật gọn ghẽ thì hành trình anh hùng bắt đầu khi nhân vật chính được giới thiệu ở THẾ GIỚI BÌNH PHÀM nhận được TIẾNG GỌI PHIÊU LƯU. Ban đầu họ MIỄN CƯỠNG, thậm chí buông lời TỪ CHỐI, nhưng do nhận được sự khích lệ từ SƯ PHỤ để VƯỢT QUA RÀO CẢN ĐẦU TIÊN, mà họ đã tiến vào Thế Giới Đặc Biệt - nơi họ sẽ gặp các KHẢO THÍ, ĐỒNG MINH VÀ KẺ THÙ. Sau đó họ TIẾP CẬN HANG ĐỘNG TRONG CÙNG, vượt qua rào cản thứ hai, nơi phải chịu đựng KHỔ HÌNH. Họ vượt qua, chiếm lĩnh PHẦN THƯỞNG và bị truy đuổi trên ĐƯỜNG VỀ với Thế Giới Bình Phàm. Không dừng ở đó, họ vượt qua rào cản thứ ba, trải nghiệm HỒI SINH và được chính trải nghiệm đó biến đổi. Cuối cùng họ TRỞ VỀ CÙNG THẦN DƯỢC, cùng lợi ích hoặc kho báu có lợi cho Thế Giới Bình Phàm.

Hành trình người viết không chỉ là một cuốn sách giúp ta nhận ra những rường mối quan trọng của nghệ thuật kể chuyện, mà song song đó còn là bài học để mỗi độc giả có được khả năng là một người viết. Ảnh: N.M.

Chặng đường phân tích      

       Áp vào Xứ cát, THẾ GIỚI BÌNH PHÀM của chuỗi phim này bắt đầu ở một hành tinh cách xa Trái Đất - nơi mà mọi thứ đều như không tưởng với những tiến bộ liên hành tinh và những thực thể vô cùng kỳ dị. Ở đó Công tước Leto của Gia tộc Atreides – người cai trị hành tinh đại dương Caladan - là nhân vật chính và nổi bật nhất. Nơi ông cai trị là phiên bản khác của một Trái Đất ngay bây giờ đây, với cây xanh bao phủ tươi tốt, với biển cả vỗ sóng và bầu không khí vô cùng trong lành. Về mặt chính trị, nhà Atreides được cư dân vô cùng ủng hộ vì mang đến sự bình yên và cân bằng. Sơ lược qua những nét này, có thể thấy Herbert (và cả Villeneuve) đã làm rất tốt trong việc xây dựng bối cảnh có tính đối lập liền ngay sau đó, để nhân vật chính bước vào hành trình của bản thân mình.

THẾ GIỚI BÌNH PHÀM của chuỗi phim này bắt đầu ở một hành tinh cách xa Trái Đất, nơi mọi thứ tươi tốt bất ngờ. Ảnh: Screen Rant

       Như đã nói trên, TIẾNG GỌI PHIÊU LƯU nhanh chóng xuất hiện khi Hoàng đế Shaddam của toàn đế chế nhanh chóng bí mật liên minh với nhà Harkonnen nhằm tránh khỏi sự uy hiếp mà rất có thể trong tương lai gần Leto sẽ tự đạt được. Vậy là một cuộc tàn sát được lên kế hoạch. Thoạt nhìn, có thể thấy Herbert dùng một motif vô cùng thân quen trong các sử thi từ cổ chí kim, khi đó là tranh giành quyền lực, đấu đá lẫn nhau. Và để tạo ra 2 phe kình chống, ông cho một bên lăng kính tích cực, còn phía còn lại tiến hành liên minh, và cũng vì thế mà thế trận ấy nhanh chóng cân bằng. Ta thấy điều này trong rất nhiều nơi, từ Tam quốc diễn nghĩa đến Con ngựa thành Troy, từ bộ Shogun đến bộ Taiko…Một điểm chung khác là sự báo hiệu cho câu chuyện dịch chuyển, khi người cha Leto nhanh chóng mất mạng để Paul Atreides – người con trai cả - sẽ thay bản thân bảo vệ gia đình, trả thù cho điều đã mất. Do đó mà Paul quyết định lên đường.

Herbert dùng một motif vô cùng thân quen trong các sử thi từ cổ chí kim, khi đó là tranh giành quyền lực, đấu đá lẫn nhau. Ảnh: LA Times

       Ở đây ta có thể thấy có những cổ mẫu vô cùng truyền thống được Herbert sử dụng. Trong đó Paul là anh hùng bị động – một người được đặt vào tình thế không thể khác hơn, và suốt hành trình sau đó từng bước học hỏi sẽ khiến cho anh dần dần chủ động. Đối diện trước trọng trách đặt lên bản thân, Paul dường như không có được động lực nào – một điều cũng là một chặng đường khác trên hành trình anh hùng. Rất may mẹ anh – Lệnh bà Jessica – người vừa là SƯ PHỤ, vừa là ĐỒNG MINH nhưng cũng có khi là kẻ ĐEO MẶT NẠ và cả BÓNG ĐÊM đã nâng đỡ anh và hướng anh theo con đường đúng đắn. Quê nhà tan tác trong khi bản thân thì bị truy sát, anh sớm VƯỢT QUA RÀO CẢN ĐẦU TIÊN để giữ được mạng sống nhờ vào những cận thần trung thành với mình. Hành trình này dễ thấy không quá phức tạp, và Herbert sẽ lại dồn nhiều sức hơn ở phía sau.

Paul và mẹ mình, thoạt nhìn, chính là 2 cổ mẫu anh hùng và sư phụ theo cấu trúc của Vogler. Ảnh: Den of Geek

       Chính khi bước vào THẾ GIỚI ĐẶC BIỆT - ở chiều rộng hơn là một cuộc sống không còn uy quyền của cha, không còn hành tinh Caladan mình vốn quen thuộc, anh đã gặp được những người bản địa Arrakis - những chiến binh thiện nghệ sống nơi sa mạc gọi là Fremen. Như vậy kể từ lúc này thì chặng thứ 2 của hành trình anh hùng chính thức bắt đầu. Cả Herbert và Villeneuve đều dành rất nhiều thời lượng cho giai đoạn này, để khắc ghi một hành tinh mới với loài sâu cát và quy luật sinh tồn ở thế giới mới, với các chi tiết như dịch nhầy sâu, với hương dược, với cách tạo nước và những con người mắt xanh biêng biếc có kỹ năng phi thường… Trong chương đoạn này, những cuộc KHẢO THÍ mà ĐỒNG MINH và KẺ THÙ liên tục xuất hiện cũng được diễn ra. Chẳng hạn KHẢO THÍ nằm ở chi tiết Paul phải chiến đấu với một người Fremen để chứng minh mình thuộc về nơi này trước khi được họ cứu giúp. Đối với những người bản địa, anh vừa là ĐỒNG MINH nhưng cũng là KẺ THÙ khi đã giết chết một trong số họ để mà bước tiếp.

Trận chiến của Paul trước một chiến binh Fremen chính là một cuộc KHẢO THÍ. Ảnh: Screen Rant

Những vòng lặp kép      

       Thế nhưng KHẢO THÍ không dừng ở đó, mà sau đấy liên tục là những bài học để cưỡi sâu cát, những trận oanh tạc vì phát hiện ra căn cứ bên dưới lòng đất của người Fremen… Chúng liên tục xuất hiện để thử thách Paul, để rồi cuối cùng anh được mọi người nhận ra chính là vị Thánh ghi trong sử sách toàn cõi ngân hà. Đa số thời lượng của phần 2 tương ứng với HANG ĐỘNG TRONG CÙNG – nơi anh chứng minh bản thân và giành được quyền vươn lên dẫn đầu. Ta thấy ở đây Herbert rất tài tình khi song song với những bước tiến về mặt quyền lực, thì cõi lòng Paul cũng chịu tra tấn trong những thay đổi của bản thân mình. Có thể nói tuy chặng đầu tiên của HÀNH TRÌNH ANH HÙNG đã gần hoàn thành xong với nhân vật này ở phía bên ngoài, nhưng thật ra một HÀNH TRÌNH ANH HÙNG khác cũng đang mở ra trong nội tâm anh, khi phải chứng kiến mục đích thật sự của mẹ anh – Lệnh bà Jessica, cuộc hôn phối với Công chúa của vua Shaddam và những biến động bên trong Chani.

Chani cũng là một nhân vật có hành trình anh hùng song song khác. Ảnh: Collider

       Khép lại 2 phần phim của Villeneuve, hiện Paul và Xứ cát đang dừng trước “trận đánh” quyết định để mang về PHẦN THƯỞNG và dần tiến đến HÀNH TRÌNH TRỞ VỀ. Tuy khép lại tại đây nhưng có thể thấy Xứ cát là bộ tác phẩm đậm tính sử thi mà mỗi nhân vật lại tự sở hữu một HÀNH TRÌNH ANH HÙNG riêng biệt. Ta thấy nó trong Chani mà “con đường” cô đi chính là tình cảm với Paul và trách nhiệm với cộng đồng Fremen của mình. Ta thấy nó trong Lệnh bà Jessica và tham vọng của bà với nhóm tôn giáo Bene Gesserit. Trong khi đó một nhân vật mới – em gái của Paul – cũng sắp xuất hiện. Và tuy chỉ mới nằm trong bụng mẹ nhưng nó cũng đang dần có những HÀNH TRÌNH ANH HÙNG nhất định, trong việc nhất tề chi phối và biến các nhân vật xung quanh mình trở nên phức tạp.

Ở phần 2, Lệnh bà Jessica là một nhân vật vô cùng bí hiểm. Ảnh: Screen Rant

       Ngoài điều đó ra, Herbert cũng rất thành công trong việc “đeo mặt nạ” cho các nhân vật, để ta không thể lường trước đường đi nước bước của bản thân họ. Chẳng hạn phút trước Paul và Chani còn rất mặn mà, nhưng ngay sau đó mọi chuyện đổi khác khi anh chấp nhận lấy Công chúa như đại diện cho chiến thắng của mình. Lệnh bà Jessica cũng nằm trong “ngã ba” ấy, khi không ai biết một cách rõ ràng bà đang từng bước leo lên theo quyền lực của con trai mình, hay chính bà mới là kẻ thao túng tất cả, trả thù cho điều đã mất? Và nếu điều ấy là thật, hóa ra cổ mẫu anh hùng mà ta xác định ngay từ ban đầu đã đổi bản chất. Paul từ mẫu bị động chuyển sang chủ động với chính những gì mà mình học hỏi, nhưng nếu vai trò của mẹ anh lớn hơn, thì hóa ra Paul chỉ là một kiểu anh hùng xúc tác – người có vị trí là bàn đạp cho hình tượng khác bước lên vũ đài danh vọng. Áp chính lý thuyết của Vogler vào Xứ cát bản phim của Villeneuve, ta thấy vì sao mà tác phẩm này thành công vang dội trong các năm qua. Dù biết một cách khái quát đó là trùng trùng lớp lớp âm mưu, nhưng khi được phân tích dưới cổ mẫu và những điểm nút quan trọng của hành trình anh hùng, ta sẽ lại thấy những chi tiết này hiện ra phức tạp, gắn kết ra sao.

Ngô Minh

Đọc bài viết

Trà chiều

Sứ Đoàn Iwakura đạt Giải thưởng sách Quốc Gia 2024

Published

on

Giải thưởng Sách Quốc gia là giải thưởng do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức hàng năm, trao giải cho những cuốn sách (bộ sách) có giá trị nổi bật về nội dung tư tưởng, tri thức, thẩm mỹ nhằm tôn vinh tác giả, dịch giả, nhà khoa học và người làm công tác xuất bản.

Tối ngày 29.11.2024 tại lễ trao Giải thưởng Sách Quốc gia lần VII, tác phẩm Sứ Đoàn Iwakura - Chuyến Tây Du Khảo Cứu Nhằm Canh Tân Nhật Bản Thời Minh Trị (Ian Nish biên soạn, Nguyễn Hoàng Mai - Nguyên Tâm dịch) hân hạnh được vinh danh giải Khuyến khích.

Sứ Đoàn Iwakura là tác phẩm nghiên cứu tập hợp nhiều tư liệu giá trị, giúp độc giả hiểu rõ hơn về chuyến du khảo nhằm canh tân Nhật Bản thời Minh Trị dưới góc nhìn của người phương Tây. Để có một đường lối phát triển đất nước hoàn toàn mới, người Nhật đã khởi động chuyến công du gọi là Sứ mệnh Iwakura thăm Hoa Kỳ và nhiều nước châu Âu. Đây là một chuyến đi lịch sử có tầm quan trọng đến mức khi nhắc về Minh Trị Duy Tân, người ta lập tức nhớ đến chuyến đi này.

Sách dày 427 trang, gồm 11 chương tổng hợp các bài viết của Ian Nish và 12 chuyên gia trong lĩnh vực quan hệ quốc tế khu vực Nhật Bản và Đông Á. Tám chương đầu, độc giả sẽ cùng phái đoàn đi qua tám cường quốc từ Mỹ, Anh, Pháp, Bỉ, Đức, Nga, Thụy Điển và Italy. Bản ghi chép của những học giả góp phần tái hiện hành trình tìm kiếm “văn minh khai sáng” của sứ đoàn Iwakura tại trời Âu dưới góc nhìn của người phương Tây. Ba phần còn lại trong ấn phẩm là bài phân tích, nhận định của chuyên gia lịch sử, đánh giá tình hình nước Nhật sau chuyến công du.

Để hiểu thêm về một lát cắt lịch sử quan trọng của Nhật Bản, cũng như đọc thêm về chuyến đi được mệnh danh là “Chuyến công du lịch sử thay đổi nước Nhật”, mời bạn tìm đọc sách tại đây hoặc tại hệ thống các nhà sách Phương Nam trên toàn quốc.

Đọc bài viết

Trà chiều

Nhà Sách Phương Nam đồng hành cùng các bạn học sinh tham gia cuộc thi ‘F1 in Schools’

Published

on

F1 in Schools là một giải đấu mang tính giáo dục, cạnh tranh toàn cầu do Formula One kết hợp với chương trình quốc tế STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học). Giải đấu được tổ chức hàng năm dành cho học sinh trung học với mục đích giới thiệu kỹ thuật cho những người trẻ tuổi trong một môi trường thú vị. Mỗi đội thi (từ 3 - 6 học sinh) phải thiết kế và chế tạo một chiếc xe đua Công thức 1 cỡ nhỏ từ Khối mô hình F1 chính thức bằng các công cụ thiết kế CAD/CAM.

Năm 2024, ADUA Racing - đội bao gồm các học sinh cấp 2 của trường British International School Ho Chi Minh City đã vinh hạnh giành được cơ hội tham gia vòng chung kết cuộc thi F1 in Schools ở Dubai, Ả Rập Saudi. Đây là đội duy nhất đại diện Việt Nam tham gia vòng chung kết năm nay.

Những nỗ lực rèn luyện, khả năng sáng tạo, tư duy học tập đáng ngưỡng mộ của các em học sinh trong giải đấu này phù hợp với định hướng và giá trị cốt lõi mà Nhà Sách Phương Nam luôn muốn đem lại cho các bạn đọc và khách hàng trên toàn quốc.

Vì vậy, Nhà Sách Phương Nam hân hạnh trở thành nhà tài trợ đồng hành cùng đội thi ADUA Racing trên hành trình vươn ra thế giới. Nhà Sách Phương Nam hy vọng nỗ lực này sẽ góp phần ươm mầm cho những tài năng tương lai, khuyến khích người trẻ phát triển tư duy độc lập, sáng tạo.

Nhà Sách Phương Nam luôn chú trọng hỗ trợ, khuyến khích thế hệ trẻ phát huy tối đa tiềm năng của bản thân. Bên cạnh đó, hệ thống Nhà Sách Phương Nam vẫn luôn nỗ lực trên hành trình kết nối bạn đọc đến với thế giới tri thức thông qua những cuốn sách hay và các hoạt động ý nghĩa.

Cảm ơn sự ủng hộ của các độc giả và khách hàng đã tạo điều kiện để Nhà Sách Phương Nam tiếp tục đồng hành cùng thế hệ trẻ trên những chặng đường đầy ý nghĩa trong tương lai.

Đọc bài viết

Cafe sáng