Trà chiều

Personal Taste – Tiếng thở dài trong sáng

Phải là người cô đơn ở mức độ nào mới có thể nghĩ ra ý tưởng thiết kế chiếc bàn như thế. Có lẽ, nỗi cô đơn ấy đã bòn rút sức sống của Gae In mỗi ngày mà cô không biết.

Published

on

Personal Taste không phải là một phim xuất sắc, cả từ thời cách đây sáu năm khi tôi lần đầu tiên xem phim cho đến tận bây giờ, nhận định đó vẫn không thay đổi. Tuy nhiên, có một thứ trong bộ phim này khiến tôi luôn nhung nhớ: sự cô đơn của Gae In. Sự cô đơn ấy được phản chiếu qua những tấm gương. Thật kì lạ vì nó không mang màu sắc quá u tối dù có nỗi cô đơn nào lại không trĩu nặng buồn bã. Hơi thở trầm buồn của Gae In phả vào những tấm gương ấy chỉ khiến cho sắc phản chiếu của nó bị mờ đục đi đôi chút; dưới ánh nắng lấp lánh, nó vẫn ngân lên một tia sáng trong trẻo hồi đáp lại tín hiệu của nắng. Như những bức ảnh được chỉnh sắc tương phản thấp lại và trở nên mềm mại, xao xuyến hơn khi tạo ra cảm giác mọi thứ chìm trong lớp sương mù, nỗi buồn của Gae In phủ lên tấm gương cô đơn cũng tương tự như vậy. Một nỗi buồn dịu dàng, một sự cô đơn đằm thắm.

Những tấm gương

Tôi xem Personal Taste 1 + 1/16 lần, nghĩa là một lần tôi xem trọn 16 tập phim và một lần tôi chỉ xem lại đúng tập một. Lần nào xem, tôi cũng đều bị xúc động bởi một chi tiết đơn giản ở tập một: chiếc bàn của Gae In. Gae In làm công việc thiết kế các đồ nội thất trong nhà, cô không chỉ vẽ mẫu mà còn tự tay thực hiện các mẫu thiết kế như một người thợ mộc thực thụ. Trong một hội chợ đồ nội thất, Gae In đã bày bán “chiếc bàn trò chuyện” của cô. Không ai hiểu chiếc bàn này có gì đặc biệt, nhìn bề ngoài, có vẻ như nó chỉ là chiếc bàn gỗ thông thường. Gae In giải thích: “Chiếc bàn này dành cho những người cô đơn, muốn có người ngồi đối diện trò chuyện với mình trong mỗi bữa ăn nhưng lại chẳng có ai. Không phải ai cũng có người yêu hoặc ở cạnh gia đình, vì vậy, chiếc bàn này dành cho họ. Nếu như bạn ngồi ở phần bên này của chiếc bàn, bạn hãy mở nắp gương ở phần đối diện, một tấm gương sẽ được dựng đứng trên bàn đối diện với vị trí bạn ngồi. Như vậy là, bây giờ bạn đã có thể tự trò chuyện với mình trong mỗi bữa ăn rồi. Nếu bạn không thích ồn ào, bạn có thể im lặng và chỉ cần thoáng nhìn bóng mình phản chiếu trong gương, cảm giác gần như có một người đang ngồi đối diện với bạn, nhìn bạn trong bữa ăn cũng đã khiến bạn bớt cô đơn đi rất nhiều rồi, có phải không?” Một điều dễ dự đoán là tất cả mọi người, khi bước qua gian hàng ấy, nghe Gae In trình bày như thế này đã cười cợt cô nàng, nói rằng chiếc bàn này rất vô dụng, sự “đặc biệt” của nó khiến họ cảm thấy rất ngớ ngẩn. Tình tiết này được xây dựng như một tình tiết hài hước trong phim. Và quả thực, lần đầu tiên xem đoạn này, tôi đã bật cười. Ý tưởng của Gae In sao mà ngộ nghĩnh quá. Nhưng sau khi nhìn mọi người, những người trong phim ấy cười và mỉa mai Gae In, tôi lại thấy thương cô vô cùng. Sự vui vẻ bên ngoài khi Gae In giới thiệu sản phẩm thực chất chỉ là để che giấu nỗi buồn trong lòng cô. “Chiếc bàn trò chuyện” ấy không phải là thứ tạo ra âm thanh; ngược lại, nó tăng cường độ của sự im lặng lớn hơn khi người ta phải tự đối diện với chính mình, tự đối diện với việc mình đang cô đơn, tự đối diện với từng sắc thái, biểu cảm trên khuôn mặt mình khi đang ăn. Nếu là tôi, tôi cũng sẽ không mua chiếc bàn đó, nó không tạo ra một hiện hữu thực sự; thay vào đó, nó lại tô đậm hơn sự vắng mặt. Tôi không đánh giá cao tác dụng chữa lành cảm giác cô đơn mà Gae In muốn gán cho chiếc bàn, tuy nhiên, chính từ chi tiết này khiến tôi bắt đầu yêu mến Gae In và mong một ngày, cô tìm được hạnh phúc cho riêng mình. Bởi vì, phải là người cô đơn ở mức độ như thế nào đó mới có thể nghĩ ra ý tưởng thiết kế chiếc bàn như thế. Có lẽ, nỗi cô đơn ấy đã bòn rút sức sống của Gae In mỗi ngày mà cô không biết.

Sau này, tôi mới hiểu vì sao trong mẫu thiết kế về chiếc bàn của Gae In, tấm gương lại đóng vai trò chủ đạo như vậy. Trong tiềm thức, cô vẫn luôn có cảm giác mình là người đã gây ra cái chết cho mẹ. Bố Gae In vốn là một kiến trúc sư và mẹ cô cũng là nhà thiết kế nội thất như cô. Bên dưới phòng khách nơi căn nhà họ sống là tầng hầm để mẹ cô làm việc. Vì công việc bận rộn, bà thường xuyên xuống tầng hầm để Gae In một mình chơi đùa trong phòng khách. Nơi sàn nhà của phòng khách ngay phía trên chiếc bàn lớn mà mẹ Gae In thường đứng làm việc dưới tầng hầm, bố cô không lót gạnh mà lót một tấm kính thật lớn. Như thế, vào ban ngày, mẹ Gae In không cần mở đèn dưới tầng hầm mà vẫn có thể nhận được nguồn sáng rõ ràng từ mặt trời để làm việc. Khi ấy, Gae In vẫn còn rất nhỏ. Nơi phòng khách, cô bé Gae In cứ bò qua bò lại trên tấm kính và nhìn mẹ làm việc ở dưới tầng hầm; thỉnh thoảng, mẹ ngước nhìn lên mỉm cười với cô, nụ cười của mẹ thật hiền hậu trong ánh sáng mặt trời chiếu trên khuôn mặt mẹ. Tại sao mẹ lại ở dưới hầm thế kia? Tại sao mẹ không lên chơi với Gae In? Không. Gae In không muốn mẹ cứ ở dưới hầm. Gae In muốn mẹ ở đây, ở ngay bên cạnh cơ. Gae In muốn chơi cùng mẹ. Thế là, Gae In đập tay lên tấm kính nhiều lần để gọi mẹ. Nhưng mẹ Gae In không nghe được tiếng đập kính vì tiếng máy khoan thậm chí còn lớn hơn.

Và…

Một tia nắng chợt gắt lên vì không còn gặp vật cản trở nữa, nó dội thẳng xuống tầm hầng, xuống đôi mắt mẹ như một tia nước mảnh nhưng có sức bắn mạnh mẽ. Mẹ chói mắt. Và rồi, một khoảng nắng nữa, một khoảng nắng nữa, tất cả khoảng nắng đổ ập xuống như cơn thác lũ tàn nhẫn cuốn trôi theo nó là vô số mảnh kính đang ánh lên tia sáng nhức mắt. Gae In cũng rơi xuống cùng dòng thác đó nhưng mẹ đã kịp thời đón lấy và che chở cho cô bé để rồi bị những mảnh kính đâm vào người. Sau tai nạn ấy, mẹ Gae In qua đời. Tai nạn đó đã luôn ám ảnh Gae In, cô nghĩ rằng mình là nguyên nhân gây ra cái chết của mẹ. Tôi không còn nhớ rõ về bố cô sau đó nữa, tôi không nhớ là ông đã đau buồn, tức giận vì ngôi nhà mình xây không an toàn, gây nên cái chết cho vợ nên tự tử hay chỉ đơn giản là rời đi, đến một nơi khác, một căn nhà khác, bỏ lại Gae In một mình ở căn nhà ấy. Nhưng điều tôi nhớ rất rõ là Gae In đã sống cô đơn trong căn nhà ấy cho đến năm ba mươi tuổi.

Jin Ho đã đến với Gae In và anh giúp người phụ nữ ba mươi tuổi này xoa dịu nỗi cô đơn bằng niềm hạnh phúc trong tình yêu, thứ tình yêu đã lâu lắm rồi Gae In không biết đến, thứ tình yêu có thể khiến cô say đắm đến mức gạt bỏ đi sự vị kỷ thông thường khi yêu để thốt lên với anh rằng: “Dù anh là gay, em vẫn yêu anh. Anh cưới em đi, em chấp nhận một cuộc hôn nhân không tình yêu để anh có thể được thoải mái ở bên cạnh người ấy. Vì chỉ cần nhìn thấy anh hạnh phúc, em cũng hạnh phúc.” Khoảnh khắc Gae In thổ lộ với Jin Ho điều này, tôi thực sự ngỡ ngàng. Ngỡ ngàng vì không ngờ cô yêu anh đến như thế, cố gắng suy nghĩ vì anh đến như thế, và đồng thời tôi cũng ngỡ ngàng vì một Gae In nhút nhát lại có thể thẳng thắn nói ra điều này sao? Nhưng sau thoáng ngỡ ngàng đó, suy nghĩ kĩ lại thì điều này vô cùng hợp lí. Người con gái ba mươi tuổi ấy trước giờ chỉ biết đến nỗi buồn, sự cô đơn, và dù như thế, người con gái ấy vẫn luôn tiếp tục cố gắng một mình dẫu có nhiều lúc rất mệt mỏi, đã rất lâu rồi, không ai đem đến cho cô niềm hạnh phúc giản dị như ngồi ăn chung một bàn, xem cùng một chương trình truyền hình, chia sẻ cùng một không gian sống với cô để phá vỡ đi sự tĩnh lặng tưởng chừng không thể thay đổi; khi ai đó đem lại cho cô tất cả những điều ấy, cô còn đợi chờ gì để lãng phí thời gian nữa. Không. Gae In đã chờ đợi quá lâu và cô cần phải nắm giữ ngay điều quí giá ấy cho dù nó có thể biến thành thứ mang sức hủy diệt tương tự như những mảnh kính vỡ kia, cho dù nó có đâm vào đôi bàn tay cô khiến cô đau, khiến cô rướm máu.

May mắn cuối cùng đã đến với Gae In sau rất nhiều nỗi buồn, còn điều nào may mắn hơn khi người mình yêu cũng yêu mình. Hơn nữa, chính người ấy đã giúp Gae In chữa lành vết thương quá khứ. Nhờ có anh, cô biết được rằng bố cô thiết kế tấm kính lớn gắn trong phòng khách là vì mong muốn của mẹ cô, vì bà luôn muốn nhìn thấy cô mỗi khi làm việc. Và bố cô không căm ghét cô, ông căm ghét chính bản thân mình vì đã không thể tính toán được trường hợp bất đắc dĩ xảy ra như thế, vì ông đã đặt tấm kính theo một kết cấu sai và đã không chọn loại kính có cường lực lớn hơn. Đó không hoàn toàn là lỗi của Gae In. Nếu nói tai nạn ấy là lỗi thì đó là lỗi của tất cả mọi người. Làm sao một cô bé nhỏ tuổi có thể nghĩ rằng lực từ bàn tay mình đập có thể làm vỡ một tấm kính? Và thực ra, kể cả người lớn cũng không lường trước được điều đó. Có thể vì tấm kính ấy đã bị lỗi nhưng cũng có thể, đó là vì khát khao được mẹ nghe thấy tiếng nói của mình trong cô bé quá lớn. Dù như thế nào, tất cả mọi chuyện đều đã qua. Giờ đây, có một bàn tay dịu dàng đã lau sạch lớp bụi mờ phủ trên tấm gương.

Câu trả lời

Personal Taste không phải là một phim tôi sẽ hào hứng giới thiệu với mọi người và bảo rằng nó rất hay, cần xem, nên xem. Nếu làm như thế, tôi sẽ tự dối lòng mình hoặc cảm thấy rất xấu hổ, hoặc sợ hãi vì bộ phim này có thể đem đến trải nghiệm không tốt cho người tôi giới thiệu. Cũng như Suicide Squad, Personal Taste là một phim thật dễ tìm điểm tệ của nó để phê phán: cốt truyện có nhiều điểm phi lí, nhân vật một chiều vì chỉ có một mục tiêu suốt phim, nhiều đoạn hài hước còn cường điệu, nhiều đoạn sinh hoạt đời thường dài dòng không cần thiết cho thấy bộ phim là sự kết hợp tham vọng giữa thể loại drama và slice of life nhưng đôi khi lại phân vân không biết theo thể loại nào dẫn đến toàn bộ cấu trúc phim có gì đó không vững chắc, đồng đều… Có quá nhiều điểm để chê Personal Taste và thời điểm ra mắt, bộ phim này được đánh giá là không thành công, một dự án “flop” vì giới phê bình không đánh giá cao, khán giả đại chúng có vẻ như cũng không thích phim vì rating không cao (so với thời điểm đó) và chưa bao giờ rating được lọt vào top ba, tập cao nhất cũng chỉ ở thứ hạng tư, còn lại ở hầu hết các tập thì rating đứng vị trí thứ bảy hoặc tám. Người ta ngạc nhiên vì sao một kịch bản viết không chắc tay lắm như vậy lại được Son Ye Jin lựa chọn? Trước đó, phim Spotlight (2008) mà Ye Jin tham gia đã không mấy thành công với rating cực kì thấp vì phim kén khán giả đại chúng Hàn: phim chỉ tập trung vào miêu tả công việc của các phóng viên truyền hình và điều đặc biệt là toàn phim không hề có loveline – một điều rất hiếm thấy trong phim Hàn. Cá nhân tôi cũng không thích Spotlight nhưng tôi đánh giá cao sự lựa chọn của Ye Jin vì tôi hiểu onnie đang muốn thử sức mình ở những dạng phim khác biệt với truyền thống của Hàn, onnie không muốn đóng khung ở thể loại phim tình cảm – lãng mạn, vì vậy onnie chọn Alone in Love (một phim dòng slice of life) và sau đó là Spotlight (một phim nghề nghiệp). Sau hai phim vốn không phải là gu của khán giả đại chúng Hàn Quốc, onnie quay trở lại đóng dòng phim chính thống của truyền hình Hàn, một phim nhắm tới mục đích thị trường và được dự báo sẽ thu hút đông đảo khán giả trẻ bởi phim còn có sự tham gia của Lee Min Ho – một diễn viên vừa mới nổi và đang rất được yêu thích tại thời điểm đó sau Boys Over Flowers. Thế nhưng cuối cùng, phim thất bại vì một kịch bản không ổn định trong mặt cấu trúc và thậm chí, đôi khi dường như không rõ ràng trong mặt thể loại: có những lúc phim hài đến mức hài nhảm chứ không phải là hài có duyên vì lạm dụng hài hình thể quá đà để gây cười, có những lúc phim lại quá kịch tính đến mức người ta nhìn rõ sự cố tình để tạo ra kịch tính đó, có những lúc phim lại trôi qua đều đều như slice of life… Vì vậy, bộ phim khó có thể duy trì mạch cảm xúc xuyên suốt cho khán giả theo dõi phim. Thế nên, có rất nhiều người tự hỏi vì sao một diễn viên kì cựu như Son Ye Jin lại chọn tham gia phim này? Trong những người đó có tôi, và tôi còn tự đặt thêm cho mình câu hỏi nữa: vì sao có thể dễ dàng thấy nhiều điểm chưa tốt ở phim này và không dám giới thiệu nó cho ai nhưng thực lòng tôi vẫn thích nó?

Chính vì những lí do đó mà cách đây sáu năm, khi xem xong Personal Taste, tôi đã không hề viết bất cứ dòng nào cho nó. Trong những năm vừa qua, tôi cũng không giới thiệu đến ai bộ phim này. Nhiều lần, tôi nghĩ mình đã quên Personal Taste, rằng nội dung của nó sẽ hoàn toàn trôi tuột khỏi tâm trí tôi như rất nhiều phim khác tôi từng xem. Nhưng thật kì lạ, thỉnh thoảng tôi lại nhớ đến Gae In, thỉnh thoảng tôi lại nhớ đến thứ không khí mơ hồ còn đọng lại sau khi xem phim dù đã quên rất nhiều chi tiết nội dung phim, và bao giờ tôi cũng nhớ rất rõ đến hình ảnh tấm gương hay tấm kính, đến sự cô đơn của Gae In. Có lẽ, hình ảnh tấm gương đã trở thành một chiếc thẻ, một “tag” giúp tôi lưu trữ và nhớ về những chi tiết trong phim xoay quanh nó. Và sau sáu năm, tôi nhận ra tôi không chỉ thích Personal Taste vì hình ảnh tấm gương ấy, trong tiềm thức từ lúc nào không biết, tôi đã thích bộ phim này vì nó là chính nó, là cái tổng thể chung bất toàn và còn nhiều khiếm khuyết đó. Cùng với Suicide Squad, Personal Taste có lẽ chỉ mới là phim thứ hai mang đến cho tôi hiện tượng này: ta không thể nói rằng phim hay bởi những điểm chưa tốt lộ quá rõ nhưng đồng thời ta vẫn yêu thích nó. Thông thường, những phim tôi thích sẽ là những phim tôi cảm thấy hay (xét cả về mặt lí tính lẫn cảm tính) và không ngần ngại giới thiệu nó cho mọi người trong những dịp có thể. Nhưng, Suicide SquadPersonal Taste là ngoại lệ. Sau khi xem Suicide Squad, tôi đã rất thắc mắc về chính cảm xúc của bản thân mình: vì sao tôi có thể thấy những điều mọi người chê ở phim là hợp lí và bản thân tôi cũng thấy phim không thể gọi là hay, không xuất sắc nhưng tại sao tôi lại thích nó đến như thế? Chính vì không hiểu nổi cảm xúc của bản thân mình, tôi đã viết một bài review về Suicide Squad để làm phép thăm dò tiềm thức nhằm khả dĩ giúp tôi hiểu được nguồn cơn. Sau khi viết xong review cho Suicide Squad, tôi đã phần nào hiểu hơn lí do vì sao phim không hay nhưng mình thích. Vì vậy, tôi cũng muốn làm động tác tương tự cho Personal Taste để phần nào giải đáp những thắc mắc của mình sau sáu năm. Đó là lí do tôi cố gắng viết bài review này dù không còn nhớ phần lớn nội dung phim, dù tôi chỉ nhớ cảm xúc và không khí chung, dù chỉ còn vài hình ảnh được neo lại. Tôi đã cố gắng viết bài này mà không xem lại phim để làm rõ những chi tiết mình đã quên. Vì vậy, có thể bài viết này mang tính không chính xác, thậm chí sai lệch ở phần chi tiết và trích dẫn thoại bởi nó được hồi tưởng lại từ một kí ức không còn mấy rõ ràng nữa. Dù như thế, tôi vẫn muốn viết lại sự mơ hồ này để lưu giữ nó, bởi chính sự mơ hồ cũng quan trọng không kém sự rõ ràng, chi tiết. Và dường như, cũng bởi vì tôi đã yêu Personal Taste bằng một thứ tình yêu mơ hồ.

Tôi không còn băn khoăn về việc mình thích Personal Taste nữa. Câu trả lời rất đơn giản. Đó là personal taste. Có lẽ, tôi cũng đã phần nào hiểu được lí do vì sao onnie tham gia Personal Taste. Có phải vì sự cô đơn của Gae In không? Có phải vì chính nỗi niềm này như Dos đã viết trong The Raw Youth không? “Với năm tháng, niềm vui và nỗi buồn dường như lẫn lộn với nhau, biến thành tiếng thở dài trong sáng.” Và Gae In cũng có một tiếng thở dài trong sáng như thế.

Điểm đánh giá: 7/10
Kodaki

Click to comment

Viết bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trà chiều

Review đèn Trung Thu bằng gỗ tự lắp và tô màu

Published

on

By

Chỉ còn vài ngày nữa là đến Trung Thu nên bài viết tiếp theo cho series "Nhà Sách Có Gì Ngoài Sách" của mình sẽ chia sẻ và review về trải nghiệm tô màu và lắp ráp đèn lồng Hằng Nga bằng gỗ. Hi vọng bài viết của mình sẽ hữu ích cho các bạn đang tìm kiếm quà tặng Trung Thu cho bé hoặc đang muốn tìm món đồ để kết nối gia đình nhân ngày Tết Đoàn Viên thì có thể tham khảo, và nếu cảm thấy thú vị bạn có thể đến ngay hệ thống Nhà Sách Phương Nam để xem thêm nhé!

Hộp đựng của đèn lồng Trung Thu Hằng Nga

Mời xem thêm video trải nghiệm tại đây
Xem thêm: Review bộ màu vẽ lên kính Amos Glass Deco Review hộp bút họa tiết trang trí dễ thương

Thông tin chung về sản phẩm

Bộ sản phẩm này gồm có:

- 2 miếng gỗ hình Hằng Nga bay trên mây, 5 miếng gỗ nhỏ ráp đèn, 1 miếng gỗ vừa làm kệ đặt nến và 1 tay cầm gỗ.
- 1 vỉ 6 màu, 1 cọ, 1 dây gai, 1 viên nến và 2 miếng nhỏ keo 2 mặt.

Sau khi khui hộp
Các miếng gỗ để bạn lắp và hoàn thiện
Chi tiết gỗ để ráp đèn

Đèn này dùng để làm gì?

- Để bé đem theo đi rước đèn cùng bè bạn
- Dùng trang trí mọi góc trong nhà mùa Trung Thu.
- Khơi gợi trí sáng tạo của bé và giúp gia đình kết nối với nhau hơn khi cùng lắp ráp và tô màu.
- Là món quà DIY hữu ích cho bé nhân dịp Trung Thu.

Điều yêu thích ở sản phẩm này
- Dễ lắp ráp, chất liệu gỗ thân thiện môi trường, tô dễ dàng.
- Màu sắc kèm theo hộp sản phẩm tươi sáng, pha trộn cũng rất dễ và nhanh khô cực kỳ.
- Hộp đựng dễ thương, mang đi tặng quà rất thích hợp.

Chia sẻ công thức đơn giản phối màu
- Tô màu áo hằng Nga: mình pha màu đỏ và màu trắng để ra được màu hồng ngọt ngào.
- Tô màu cho cối mà Thỏ ngọc đang giã: mình pha màu đen và màu vàng để ra màu nâu.

Pha màu hồng bằng màu trắng và màu đỏ
Pha màu nâu bằng màu đen và màu vàng

Chút lưu ý rút ra khi sử dụng
- Trước khi tô bạn nên chuẩn bị: 1 hũ nước để rửa cọ ngay sau mỗi lần đổi màu khác.
- Bạn phải dùng giấy lót phía dưới sàn rồi hẵn đặt gỗ lên tô vì màu nước lúc tô sẽ bắn xuống sàn, bất tiện cho lau dọn. - Sau khi tô xong, bạn nên để ở chỗ thoáng để nhanh khô và tránh đụng tay vào lúc màu tô trên gỗ còn ướt.

Đèn sau khi đã tô màu và lắp ráp xong
Màu lên gỗ rất nhanh khô

Tóm lại là với những ai thích DIY sẽ rất yêu thích sản phẩm này. Và chắc chắn rằng khi bé nào nhận món quà Đèn Lồng Trung Thu này đều sẽ rất thích, nhất là các bé gái vì sẽ được tô màu cho Hằng Nga. Ở Nhà Sách Phương nam còn có đèn lồng gỗ hình các con vật nữa, bạn có thể đến tham khảo thêm cho bé trai.

Cảm ơn bạn đã dành thời gian xem bài, để lại bình luận nếu bạn cần thêm thông tin nhé!

Chúc bạn và gia đình đón Trung Thu vui vẻ và ấm áp nhé!

Đọc bài viết

Trà chiều

Review bộ màu vẽ lên kính Amos Glass Deco

Published

on

By

Tiếp tục series "Nhà sách có gì ngoài sách" hôm nay mình muốn chia sẻ về bộ màu vẽ trang trí Amos Glass Deco - Dino, sản phẩm nhập khẩu từ Hàn Quốc dùng để vẽ lên kính, gương. Sản phẩm rất hợp để khơi gợi trí sáng tạo cho bé hoặc nếu bạn là người lớn yêu thích đồ chơi sáng tạo cũng có thể trải nghiệm để giải trí sau những giờ học, làm việc căng thẳng.

Nếu bạn đang đặt câu hỏi "Mua quà trung thu gì cho bé?" thì bộ màu này là một gợi ý hay cho quà trung thu đó nhé!

Mời xem thêm video trải nghiệm tại đây
Xem thêm: Review hộp bút họa tiết trang trí dễ thương

Hộp đựng bộ màu vẽ trang trí

Thông tin chung về sản phẩm

Bộ màu vẽ trang trí Amos Glass Deco - Dino gồm có:
- 6 suncatcher khủng long dễ thương
- 6 bút màu tô vẽ lên kính 10.5 ml như sau:
1. Vàng lấp lánh
2. Xanh lấp lánh
3. Trắng
4. Xanh biển
5. Cam
6. Tím

6 bút màu tươi sáng

Bộ màu vẽ này dùng để làm gì?
- Khơi gợi tính sáng tạo của bé khi phối màu, tô màu lên suncatcher.
- Giúp bé làm quen với màu sắc, các con vật khủng long kèm theo.
- Các suncatcher dùng trang trí trong nhà như treo lên cửa, không gian bàn học hoặc dùng làm móc khóa.

Điều yêu thích ở sản phẩm này


- Kiểu dáng dễ thương, dễ sử dụng.
- Thỏa sức phối màu theo ý thích mà không sợ bị lem khi tô các bút màu gần nhau.
- Hộp đựng đẹp mắt và các chú khủng long suncatcher được làm tỉ mỉ.

Chia sẻ công thức đơn giản phối màu


Thay vì chỉ tô mỗi chú khủng long một màu, bạn có thể kết hợp các màu với nhau để chú khủng long trông thú vị hơn. Cùng xem một vài công thức tô của mình bên dưới nhé.

Các bạn khủng long khi được phối màu trông sẽ vui nhộn hơn.
Phối màu lấp lánh với màu trơn.
Phối màu trơn với nhau
Phối màu lấp lánh với màu trơn

Chút lưu ý rút ra khi sử dụng


- Nhớ lót giấy phía dưới trước khi đặt suncatcher lên bàn ngồi tô.
- Trước khi tô màu nào, mình đều lắc đều để màu đều hơn.
- Sau khi tô xong, bạn để trên mặt phẳng 8 tiếng là suncatcher sẽ khô lại và lên màu rất đẹp.
- Bút màu này thích hợp cho các bé trên 3 tuổi vì các món đồ trong đây đa số nhỏ bé, phía sau hộp màu mình thấy có ghi ở mục Warning.
- Bạn nhớ tránh tiếp xúc màu lên da, miệng, mắt và phải rửa ngay bằng nước thật kỹ khi bị dính.
- Bảo quản nơi khô thoáng để giữ màu và suncatcher bền đẹp nhé.

6 bạn khủng long đã được mình tô xong.
Đây là các mẫu mình thấy đang có mặt tại Nhà Sách Phương Nam Phú Thọ

Tóm lại là với giá 254.000đ cho một bộ đồ chơi sáng tạo như vậy mình thấy cũng hợp lý, vì sau khi tô xong còn giữ lại trang trí được khắp nơi. Nếu bạn đang tìm một món quà tặng bé hoặc đang tìm đồ chơi cho các bé thích tô vẽ thì đây sẽ là một lựa chọn hay. Và nếu như đọc đến đây mà bạn đặt câu hỏi: Mua bộ tô màu lên kính ở đâu? thì mình xin chia sẻ luôn là Nhà Sách Phương Nam Phú Thọ hay còn gọi là Nhà Sách Phú Thọ theo thói quen của thế hệ 8x, 9x ở Sài Gòn.

Cảm ơn bạn đã xem bài, nhớ để lại bình luận nếu bạn cần thêm thông tin nhé!

Đọc bài viết

Trà chiều

Review hộp bút họa tiết trang trí dễ thương

Published

on

By

Xin chào bạn đọc Bookish.vn, mình mở ra series Nhà sách có gì ngoài sách với các bài viết chia sẻ, review những món đồ thú vị có mặt tại Nhà Sách Phương Nam. Hi vọng các bài viết trong series này sẽ mang đến cho bạn những thông tin vui vẻ và hữu ích.

Đúng là Nhà sách có rất nhiều sách, nhưng ngoài sách ra thì có rất nhiều món đồ khác mà mỗi lần đến nhà sách mình cứ như đi lạc vào xứ sở dễ thương vậy. Vừa rồi, mình có dịp được trải nghiệm nhanh một món đồ thú vị muốn chia sẻ đến các bạn, đó là hộp bút họa tiết xinh xắn đang có mặt tại Nhà Sách Phương Nam, thích trang trí và yêu màu sắc chắc chắn bạn sẽ thích món đồ này đó.

Mời xem thêm video trải nghiệm tại đây

Lần đầu viết review một món đồ không phải sách trên Bookish.vn - một trang chuyên viết về sách có điều gì thiếu xót hay cần thêm thông tin gì mời bạn để lại bình luận để mình ghi nhớ và phản hồi nhé!

Hộp bút trang trí họa tiết trưng bày ở Nhà Sách Phương Nam

Thông tin chung về sản phẩm

Mỗi hộp bút sẽ có 6 bút như sau:

1. Đường cong - Màu Xanh táo
2. Hoa - Màu Hồng xinh xắn
3. Gạch nối - Màu Vàng dứa thơm
4. Ngôi sao - Màu đỏ dưa hấu
5. Đường ngang nối - Màu Xanh dương Berry
6. Trái tim - Màu tím măng cụt

Combo 6 bút với 6 màu và họa tiết xinh xắn

Bút này dùng để làm gì?

- Đánh dấu nội dung bạn cần lưu ý lại mấy lúc đi học, đi làm.
- Trang trí ghi chú cá nhân của bạn, làm đẹp tựa bài, lưu bút hay nhật ký mỗi ngày.
- Sáng tạo tranh vui vẻ giải trí sau giờ học, giờ làm với các họa tiết có sẵn của bút.

Cùng xem họa tiết được vẽ ra trên giấy nhé

Điều yêu thích ở bút này

- Hữu ích trong việc làm nổi bật nội dung quan trọng, khi đánh dấu sẽ tìm lại dễ dàng.
- Bút dễ dùng, kích thước nhỏ gọn như bút bi nên dễ đem đi học, đi làm.
- Kiểu dáng bút đẹp mắt, cầm nhẹ tay, dễ viết.
- Giá cả hợp lý, vừa túi tiền. Nếu mua tại nhà sách Phương Nam thì giá là 50.000đ/hộp 6 bút.

Một vài lưu ý rút ra khi sử dụng bút

Trong lúc trải nghiệm sản phẩm, mình thấy có một vài mẹo để bút đáp ứng được tốt nhất nhu cầu của mình, chia sẻ ở đây cho bạn nào đang quan tâm nhé

- Mỗi lần viết, nhớ lắc đều bút - như uống sữa phải lắc đều vậy :D Như vậy, bút sẽ ra màu đều và đẹp.
- Ba bút: đường cong, gạch nối, đường ngang nối khi viết nên cầm bút thẳng lên, họa tiết sẽ ra đẹp và thẳng hàng hơn đó bạn.
- Ba bút: hoa, ngôi sao, trái tim thì nên cầm nghiêng khi viết, như vậy họa tiết sẽ tròn vành và đều màu.

Tóm lại là ở góc nhìn của mình thì sản phẩm dễ dùng và đạt được các mục đích trang trí đơn giản, có bền hay không thì tùy vào trải nghiệm và cách dùng của mỗi người. Kích thước và hình dáng sản phẩm rất dễ thương nên mình nghĩ rất thích hợp để làm quà tặng các dịp đặc biệt cho bạn bè, đồng nghiệp, gia đình,... món quà mừng năm học mới cho con gái, món quà sinh nhật cho đồng nghiệp hay món quà chúc mừng bạn thân thi đậu IELTS điểm cao.

Cám ơn bạn đã dành thời gian đọc bài review của mình và hi vọng nó sẽ hữu ích với bạn!

Đọc bài viết

Cafe sáng