Trà chiều

Những nỗi buồn dịu dàng

Tôi đã nấn ná ngồi lại trong văn phòng một chút sau giờ làm việc, nhìn ngày dần tàn qua khung cửa sổ, bật lên những bản nhạc của nàng, để nỗi buồn của nàng và nỗi buồn của tôi hòa làm một.

Published

on

cho những ngày âm nhạc là số một

Tôi biết Suzy đã lâu qua những bài viết thỉnh thoảng hay thấy trên Kênh 14. Đương nhiên là tôi chỉ đọc lướt qua tiêu đề chứ hiếm khi click vào đọc bất cứ bài nào viết về nàng. Đơn giản vì tôi chưa xem phim nàng đóng, nghe nhạc nàng hát nên tôi cũng không có hứng thú đọc thông tin về nàng lắm. Tôi cũng không có ý định sẽ thưởng thức bất cứ tác phẩm nào trong quá trình hoạt động nghệ thuật của nàng.

Năm 2016, tôi đắm chìm trong W và rất thích Lee Jong Suk mặc dù ý định xem phim ban đầu là vì Han Hyo Joo. Vậy nên năm ngoái, tôi đã quyết định xem While you were sleeping không chút đắn đo một phần vì tên phim đã khiến tôi ấn tượng với chủ đề nó hướng đến (tôi vốn rất thích Dream của Kim Ki Duk, tôi đã hình dung While you were sleeping cũng có không khí tương tự), và phần nhiều là vì Suk. Tôi không có chút gì mảy may xem phim này vì Suzy. Trên thực tế, cũng không vì bộ phim này mà tôi thích Suzy. Suzy thật xinh – điều này tôi đã thấy qua hình ảnh trước đó. Nhưng khi xem phim, ấn tượng đầu tiên của tôi không phải là vẻ đẹp nàng sở hữu, mà là giọng nói của nàng. Đó không phải là một ấn tượng tốt hay không tốt, đó là một ấn tượng trung tính. Nàng không có giọng nói nhẹ nhàng, thanh thoát như Song Hye Kyo, Son Ye Jin hay như một số nữ diễn viên Hàn mà tôi thích. Đó là lần đầu tiên tôi nghe được một giọng nữ Hàn với âm vực trầm và mạnh như thế. Trái với khuôn mặt nàng, có gì đó rất nam tính, thiên về dấu cộng nhiều hơn dấu trừ trong cách nàng nói, kể cả khi thốt ra những lời yêu thương đường mật nhất. Nhiều lúc tôi còn tưởng tượng không biết nàng có trải qua quá trình “vỡ giọng” của phụ nữ tuổi trưởng thành không. Tôi cũng không thể hình dung được nàng sẽ hát những bản tình ca như thế nào.

Tuy vậy, xem xong While you were sleeping, tôi vẫn thử download mini album Yes No Maybe của nàng về máy. Tôi không nghe ngay lập tức nhưng chép vào điện thoại để lúc nào đó sẽ nghe. Trong suốt hai tháng sau đó, tôi quên béng mất việc album này đã nằm gọn trong điện thoại. Cho đến một ngày, tôi chợt nhớ ra và mở nghe thử. Tôi không nhớ quá nhiều về ấn tượng những lần đầu tiên nghe, nó không để lại trong tôi ấn tượng mạnh mẽ ngay lập tức. Thế nhưng, không hiểu sao tôi vẫn đều đặn mở nó vào mỗi sáng thức dậy trong suốt một tuần. Và sau một tuần, tôi bỗng nhiên thấy nó hay, thấy nó xuất sắc một cách lạ lùng.

Bản nhạc đầu tiên chạm đến trái tim tôi là bài hát nằm cuối album: A little flower. Đây là một bản nhạc pop thông thường, giai điệu nghe thoáng qua có vẻ khá phổ biến với kiểu pop châu Á. Phần intro bản nhạc khiến tôi nhớ đến những bản nhạc pop nằm trong album Wishing for Happiness của Dương Thừa Lâm – đó có lẽ là album nhạc pop của Dương Thừa Lâm mà tôi thích nhất. Những nốt nhạc đầu tiên của A little flower khiến tôi nhớ đến Nỗi phiền muộn của chàng Werther, đến Tự tác tự thụ (My fault), đến Missing you trong album ấy. Và đoạn verse hay chorus lại khiến tôi nhớ đến những bài nhạc Việt như Cỏ mềm của Đỗ Bảo, Quên mất đã từng yêu của Đông Nhi… Đương nhiên, giai điệu những nốt nhạc không giống nhau, nhưng cảm giác của tôi ở đây là chúng cùng chia sẻ một bầu không khí. Tôi sẽ gọi bầu không khí ấy là những nỗi buồn dịu dàng. Đó là những nỗi buồn thật điềm tĩnh, thật trầm lắng, và sự dịu dàng ấy không đồng nghĩa với việc không đau. Như một vết cắt dù có lớn thế nào rồi cũng sẽ đến giai đoạn lên da non. Những bản nhạc này không nói về các vết thương trong giai đoạn còn rướm máu, hay mưng mủ, hay đã lên mài, nó chính xác là giai đoạn đã lên da non, là ngay điểm giao giữa ranh giới ở lại hay bước qua nỗi buồn. Và sự lựa chọn ấy là tùy thuộc riêng vào từng bài hát, từng giai điệu, từng tâm trạng.

Vì quá thích A little flower, tôi đã thử tìm hợp âm của bài này trên mạng và ngạc nhiên khi nó là tổ hợp của những hợp âm bậc 9. Dm9, G9, kính thưa 9 các kiểu. Đoạn mở đầu dịu dàng ấy hóa ra là thành quả của bậc 9 được thêm vào cơ đấy. Sau đó, tôi thử đàn đi đàn lại đoạn đầu với Dm9, G9, tôi nhấm nháp sự dịu dàng, bình yên của nó. Tôi cũng thử đàn lại đoạn mở đầu bằng Dm và thấy dù vẫn hợp nhưng không hay bằng Dm9. Tại sao điều đó lại xảy ra? Và rốt cuộc, tôi đã thức đến ba giờ sáng dù hôm sau còn phải đi làm để đọc qua hướng dẫn sơ lược về bậc 9, để nghịch với nó. Tôi không đọc lí thuyết nhiều, chỉ biết vừa đủ để nghịch, để tận hưởng sự kì diệu bậc 9 (hay bậc 2) mang lại. Lí thuyết nói rằng những nhóm hợp âm mở rộng như 9, 11, 13 được thêm vào dựa trên nốt của giai điệu, đơn giản là vậy thôi. Vây nên, khi muốn sử dụng 9, 11 hay 13 thì bản thân giai điệu cũng phải có những nốt bậc 9, 11, 13. Hợp âm mở rộng 9, 11, 13 chỉ đơn giản là để mang lại nét cá tính riêng cho phần hòa âm của chính bản nhạc, nếu cứ trưởng thứ hoặc thậm chí là cả 7 thì rất chung chung. Nên cẩn thận khi sử dụng hợp âm bậc 11 vì nó chính là nốt bậc 4 ở quãng trên, sử dụng 11 đôi khi dễ có cảm giác đang sử dụng hợp âm sus4 hơn là 11. Trong khi đó, bậc 13 đôi khi không khác mấy bậc 6, mà bậc 6 về cơ bản thì lại là bậc 7 của quãng 3 trên, nếu không tính toán cẩn thận thì nó cũng không có gì khác biệt. Qua chuyện này, tôi lại cảm nhận đôi khi âm nhạc cũng không khác toán học cho lắm, chúng đều có những phép tính đòi hỏi sự cẩn thận để làm tôn lên vẻ đẹp của kết quả (âm nhạc), hoặc để có một kết quả thật chuẩn xác (toán học).

Quay lại với bậc 9, phép tính trên cho thấy, trong nhóm hợp âm mở rộng, rốt cuộc sáng giá nhất hay dễ sử dụng nhất vẫn là bậc 9. Sau khi biết lí thuyết đơn giản như vậy, tôi lao vào thử đàn ngay bậc 9 theo tiến trình ngược để tự học. Theo qui luật tự nhiên, người ta sẽ soạn giai điệu cho tay phải trước rồi tìm hợp âm phù hợp cho tay trái. Nhưng ở đây, vì muốn thử âm tiết của bậc 9, tôi đàn hợp âm 9 bên tay trái trước và từ tay trái tìm ra giai điệu phù hợp cho tay phải. Tiến trình giúp tôi tìm được câu trả lời cho câu hỏi tôi đã thắc mắc bao năm qua. Làm sao để tạo ra âm điệu cho những nỗi buồn dịu dàng ấy? Hóa ra là bậc 9. Một hợp âm cơ bản, rất vui tươi như C khi có thêm nốt bậc 9 là D ở quãng trên thì bỗng nhiên nhuốm chút gì đó buồn ngay, nhưng đương nhiên là không buồn hẳn vì nếu buồn hẳn là đã sang hợp âm thứ trong khi nó vẫn đang là trưởng. Nếu như hợp âm cơ bản gồm bậc 1-3-5 cho ta xác định tâm trạng chung là vui hay buồn, hợp âm bậc 7 là vui buồn không rõ ràng, thì hợp âm bậc 9 là nỗi buồn dịu dàng. Nỗi buồn dịu dàng. Nỗi buồn dịu dàng của tôi. Tôi cứ vừa đàn vừa tấm tắc sung sướng trong đầu mãi: “Thứ mình cần đây rồi. Mình có thứ mới để chơi rồi.” Và cứ thế tôi đàn không biết mệt dù trước đó buồn ngủ lắm rồi, đã nhủ chỉ đàn một chút 10-15 phút thôi nhưng ba tiếng trôi vèo nhanh chóng, từ 12 giờ đêm, khi đồng hồ chỉ 3 giờ sáng lúc nào tôi không hay. Tôi nhớ lại khoảng thời gian này năm ngoái, khi ấy tôi cũng đang chơi đùa, nhưng đó là lần đầu tiên thử chơi đùa với hợp âm 6 sau khi đã viết được một bài phần lớn là dùng hợp âm 7. Hợp âm 6 là hợp âm bạn tôi không thích lắm vì anh nói hợp âm 6 thực chất chỉ là hợp âm 7 của quãng 3 trên thôi (đơn cử như C6 thực chất là chỉ là thế bấm đảo của Am7) nên dùng hợp âm 6 không có nhiều lợi ích lắm, có thể dùng 7 để thay thế và muốn dùng hợp âm mở rộng thì thử hợp âm 9 đi, nó mới thực sự là thêm nốt mới, thêm màu sắc mới cho bản nhạc, và âm bậc 9 khi thêm vào hợp âm nghe hay lắm. Tôi vẫn nhớ rõ từng lời anh nói như thế. Nhưng tôi chưa bao giờ thử dùng bậc 6 bao giờ nên cũng tò mò, muốn tự mình trải nghiệm, tự mình thử một lần trong đời xem như thế nào. Bậc 6 đến với tôi khi tôi thấy hợp âm của ai đó soạn cho bài La Vie En Rose trên mạng. Những đoạn bậc 6 khi thay thế bằng trưởng thứ bình thường nghe vẫn hợp với giai điệu bài hát, nhưng khi tôi đàn nó thử với bậc 6 thì nghe sướng tê người. Âm điệu lửng lơ của bậc 6 đặt ngay đúng chỗ trong giai điệu bài hát khiến tôi thấy xúc động. Bậc 6 rõ ràng không phải quá tệ nếu biết đặt đúng chỗ. Một trong những lí do tôi thích chính bài Drinking the fading sunlight của mình cũng chỉ đơn giản vì đó là một trải nghiệm vui vẻ, đáng nhớ khi thử thử ép mình phải viết giai điệu sao cho dùng bậc 6 mà nghe hợp. Đêm ấy tôi đã thức trắng đến 5 giờ sáng chỉ đàn bậc 6 và 7. Khoảng thời gian đó, tôi đã sao lãng mất lời dặn của anh về bậc 9. Và giờ thì tôi đã hiểu tại sao anh lại thích bậc 9 như vậy. Giờ thì tôi đã thấy được sự kì diệu của bậc 9, đã biết yêu nó và tôi muốn trong tương lai, một lúc nào đó lại thử viết lên giai điệu phù hợp với bậc 9.

Tôi đã đi chệch quá xa những điều ban đầu mình muốn viết. Tôi muốn viết về album Yes No Maybe của Suzy. Tôi phải nhắc lại điều này lần nữa. Bài tôi thích thứ nhì sau A little flower chính là bài đầu tiên của album: Pretending to be happy. Tôi thích phần hòa âm phối khí của bài này, thích giai điệu và thích cả câu chuyện trong lời bài hát nữa – đó là nỗi buồn mà có lẽ ai cũng từng một lần trải qua. Pretending to be happy không hiểu sao khiến tôi có cảm giác nó giống nhạc jazz, kiểu jazz nhẹ như được pha loãng với pop luôn là thứ đặc sản tôi yêu thích. Sau đó, tôi lại thích Like a heater – bài số năm trong album. Like a heater không hiểu sao khiến tôi nhớ đến những bản nhạc bossa nova thuần chủng dù có lẽ bài này không hẳn là điệu bossa nova (tôi không có đủ kiến thức để phân định) mà chỉ mượn bossa nova cho phần phối khí để tạo không khí. Vì vậy, Like a heater khiến tôi nhớ đến một bản bossa nova mà tôi rất thích trong album nhạc phim Alone in Love: What if we. Tôi đã bỏ cả một album tổng hợp nhạc của Antonio Carlos Jobim vào điện thoại để thẩm thấu vẻ đẹp của bossa nova nhưng đáng tiếc thay, đến nay số lần repeat album ấy trong điện thoại vẫn chưa nhiều lắm, phần lớn tôi vẫn nuông chiều tai mình với pop và thỉnh thoảng là jazz pha pop. Nhưng Like a heater dễ thương lắm, nó là kiểu bossa nova rất dễ nghe, câu chuyện trong lời bài hát cũng dễ thương như chính giai điệu của nó vậy.

Bài thứ 4 tôi thích trong album cũng là bài ở vị trí thứ tư trong album: Les Preferences. Những lần đầu tiên, bài hát này cho tôi cảm giác ngang phè phè, uể oải, buồn chán. Về sau, tôi lại thích chính sự ngang phè phè đó. Nỗi buồn đâu cần phải cố gắng tạo kịch tích để lên cao, xuống thấp, thắt nút mở nút như một phim giải trí. Khi bạn buồn thực sự hoặc khi bạn ở trong nỗi buồn nào đó quá lâu, bạn không còn muốn làm gì kể cả khóc, bạn chỉ đơn giản là vẫn tiếp tục sống ngày qua ngày. Giai điệu bản nhạc này cho tôi cảm giác đó. Nó là nỗi buồn khe khẽ thấm sâu từng ngày, một cơn đột kích tăng vọt đến cao trào là điều quá tàn nhẫn với nó. Phần phối khí của bản nhạc này là khiến tôi nhớ đến những bản nhạc pop quốc tế khoảng tầm thập niên 80, 90 chẳng hạn như là bài Take on me cua a-ha, Maria của Blondie, đây có thể không phải là những ví dụ thích đáng lắm nhưng đột nhiên tôi cũng không nhớ ra được bài nào khác. Phần đánh trống và phối khi của Les Preferences mang âm hưởng cũ xưa khá giống hai bài ấy nhưng chỉ khác là được chơi với tempo chậm hơn, trong giai điệu dường như cũng có lẫn chút âm hưởng blue của các bản jazz chậm.

Tôi lần lượt thích bài It’s all like thatYes No Maybe vào cùng thời điểm nhưng có lẽ sự yêu thích dành cho It’s all like that vẫn nhỉnh hơn một chút vì giai điệu bài này rất bắt tai, dường như là RnB lại có thêm đoạn rap nghe rất đã nữa. Yes No Maybe thì có lẽ để cho phù hợp với concept tribute Vương Gia Vệ nên đúng là nó ra được chút chất điên loạn của khung hình mắt cá, các chuyển động mờ nhòe đứt khúc vì quay thiếu hình trong một frame – những yếu tố thị giác rất đặc trưng trong phim của ông.

Tóm lại là, mini album này có 6 bài và tôi thích hết cả 6. Lâu lắm rồi, tôi chưa nghe một album nào khiến tôi hứng khởi đến mức thôi thúc tôi phải viết lại suy nghĩ như thế này. Khi bạn thích trọn vẹn một album, bạn sẽ có niềm vui là không phải khổ sở chọn bài để nghe, bạn cứ bấm bừa bất kì bài nào trong album nghe cũng được, nghe bao nhiêu bài một lúc cũng được, bạn nghe trọn vẹn từ đầu đến cuối, rồi lại từ đầu đến cuối, cảm nhận không khí riêng của từng bài hòa trong không khí toàn vẹn chung của cả album. Điều đó thật tuyệt vời. Một album tuyệt vời sẽ cho bạn cảm giác đó, giống như xem từng cảnh trong một bộ phim, đọc từng chương trong một cuốn tiểu thuyết, mỗi phần đều có vẻ đẹp của riêng nó và khi hợp lại, nó tạo thành một câu chuyện trọn vẹn. Album này của Suzy cho tôi cảm giác đó. Tôi rất trân trọng nhà sản xuất của công ty JYP đã vô cùng nỗ lực cho ra đời sản phẩm âm nhạc nhiều màu sắc, văn minh như thế này. Nó góp phần thay đổi định kiến của tôi về K-pop và những ca sĩ thần tượng của K-pop. Ban đầu, tôi đã không đặt kì vọng quá nhiều vào chất lượng âm nhạc của album này, chỉ nghe cho vui là chính. Nhưng quả thực, đúng là không nên vội đánh giá, phán xét sự vật qua vẻ ngoài của nó.

Có lẽ, trên thực tế, Yes? No? không phải là album quá xuất sắc với nhiều người nhưng chỉ cần nó xuất sắc với tôi, tôi nghĩ thế là quá đủ cho việc thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật. Tôi không chờ đợi đồng minh hay đánh giá tương tự từ những người khác nữa. Tôi ở trong nó, nó ở trong tôi, chúng tôi bao bọc lẫn nhau. Như thế là một không gian riêng tư toàn vẹn đã được hình thành.

Tôi muốn viết một chút nữa về giọng hát của Suzy. Giọng nàng khi hát thật khác với khi nói. Chất giọng ấy ngọt ngào và nữ tính đến lạ lùng khi cất lên những giai điệu mặc dù khi giao tiếp thông thường, nó khá cứng, mạnh và trầm, đôi lúc gần như một người đàn ông. Tôi không thể lí giải được việc này, có lẽ đó là điều kì diệu của âm nhạc. Cũng giống như cách nó kết nối hai không gian xa cách thành một, liên thông hai tuyến thời gian khác nhau thành một đường thẳng xuyên suốt. Và thế là, tôi đã nấn ná ngồi lại trong văn phòng một chút sau giờ làm việc, nhìn ngày dần tàn qua khung cửa sổ, bật lên những bản nhạc của nàng, để nỗi buồn của nàng và nỗi buồn của tôi hòa làm một. Những nỗi buồn dịu dàng.            

Album Yes? No? trên Spotify:

Kodaki

Click to comment

Viết bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trà chiều

Review đèn Trung Thu bằng gỗ tự lắp và tô màu

Published

on

By

Chỉ còn vài ngày nữa là đến Trung Thu nên bài viết tiếp theo cho series "Nhà Sách Có Gì Ngoài Sách" của mình sẽ chia sẻ và review về trải nghiệm tô màu và lắp ráp đèn lồng Hằng Nga bằng gỗ. Hi vọng bài viết của mình sẽ hữu ích cho các bạn đang tìm kiếm quà tặng Trung Thu cho bé hoặc đang muốn tìm món đồ để kết nối gia đình nhân ngày Tết Đoàn Viên thì có thể tham khảo, và nếu cảm thấy thú vị bạn có thể đến ngay hệ thống Nhà Sách Phương Nam để xem thêm nhé!

Hộp đựng của đèn lồng Trung Thu Hằng Nga

Mời xem thêm video trải nghiệm tại đây
Xem thêm: Review bộ màu vẽ lên kính Amos Glass Deco Review hộp bút họa tiết trang trí dễ thương

Thông tin chung về sản phẩm

Bộ sản phẩm này gồm có:

- 2 miếng gỗ hình Hằng Nga bay trên mây, 5 miếng gỗ nhỏ ráp đèn, 1 miếng gỗ vừa làm kệ đặt nến và 1 tay cầm gỗ.
- 1 vỉ 6 màu, 1 cọ, 1 dây gai, 1 viên nến và 2 miếng nhỏ keo 2 mặt.

Sau khi khui hộp
Các miếng gỗ để bạn lắp và hoàn thiện
Chi tiết gỗ để ráp đèn

Đèn này dùng để làm gì?

- Để bé đem theo đi rước đèn cùng bè bạn
- Dùng trang trí mọi góc trong nhà mùa Trung Thu.
- Khơi gợi trí sáng tạo của bé và giúp gia đình kết nối với nhau hơn khi cùng lắp ráp và tô màu.
- Là món quà DIY hữu ích cho bé nhân dịp Trung Thu.

Điều yêu thích ở sản phẩm này
- Dễ lắp ráp, chất liệu gỗ thân thiện môi trường, tô dễ dàng.
- Màu sắc kèm theo hộp sản phẩm tươi sáng, pha trộn cũng rất dễ và nhanh khô cực kỳ.
- Hộp đựng dễ thương, mang đi tặng quà rất thích hợp.

Chia sẻ công thức đơn giản phối màu
- Tô màu áo hằng Nga: mình pha màu đỏ và màu trắng để ra được màu hồng ngọt ngào.
- Tô màu cho cối mà Thỏ ngọc đang giã: mình pha màu đen và màu vàng để ra màu nâu.

Pha màu hồng bằng màu trắng và màu đỏ
Pha màu nâu bằng màu đen và màu vàng

Chút lưu ý rút ra khi sử dụng
- Trước khi tô bạn nên chuẩn bị: 1 hũ nước để rửa cọ ngay sau mỗi lần đổi màu khác.
- Bạn phải dùng giấy lót phía dưới sàn rồi hẵn đặt gỗ lên tô vì màu nước lúc tô sẽ bắn xuống sàn, bất tiện cho lau dọn. - Sau khi tô xong, bạn nên để ở chỗ thoáng để nhanh khô và tránh đụng tay vào lúc màu tô trên gỗ còn ướt.

Đèn sau khi đã tô màu và lắp ráp xong
Màu lên gỗ rất nhanh khô

Tóm lại là với những ai thích DIY sẽ rất yêu thích sản phẩm này. Và chắc chắn rằng khi bé nào nhận món quà Đèn Lồng Trung Thu này đều sẽ rất thích, nhất là các bé gái vì sẽ được tô màu cho Hằng Nga. Ở Nhà Sách Phương nam còn có đèn lồng gỗ hình các con vật nữa, bạn có thể đến tham khảo thêm cho bé trai.

Cảm ơn bạn đã dành thời gian xem bài, để lại bình luận nếu bạn cần thêm thông tin nhé!

Chúc bạn và gia đình đón Trung Thu vui vẻ và ấm áp nhé!

Đọc bài viết

Trà chiều

Review bộ màu vẽ lên kính Amos Glass Deco

Published

on

By

Tiếp tục series "Nhà sách có gì ngoài sách" hôm nay mình muốn chia sẻ về bộ màu vẽ trang trí Amos Glass Deco - Dino, sản phẩm nhập khẩu từ Hàn Quốc dùng để vẽ lên kính, gương. Sản phẩm rất hợp để khơi gợi trí sáng tạo cho bé hoặc nếu bạn là người lớn yêu thích đồ chơi sáng tạo cũng có thể trải nghiệm để giải trí sau những giờ học, làm việc căng thẳng.

Nếu bạn đang đặt câu hỏi "Mua quà trung thu gì cho bé?" thì bộ màu này là một gợi ý hay cho quà trung thu đó nhé!

Mời xem thêm video trải nghiệm tại đây
Xem thêm: Review hộp bút họa tiết trang trí dễ thương

Hộp đựng bộ màu vẽ trang trí

Thông tin chung về sản phẩm

Bộ màu vẽ trang trí Amos Glass Deco - Dino gồm có:
- 6 suncatcher khủng long dễ thương
- 6 bút màu tô vẽ lên kính 10.5 ml như sau:
1. Vàng lấp lánh
2. Xanh lấp lánh
3. Trắng
4. Xanh biển
5. Cam
6. Tím

6 bút màu tươi sáng

Bộ màu vẽ này dùng để làm gì?
- Khơi gợi tính sáng tạo của bé khi phối màu, tô màu lên suncatcher.
- Giúp bé làm quen với màu sắc, các con vật khủng long kèm theo.
- Các suncatcher dùng trang trí trong nhà như treo lên cửa, không gian bàn học hoặc dùng làm móc khóa.

Điều yêu thích ở sản phẩm này


- Kiểu dáng dễ thương, dễ sử dụng.
- Thỏa sức phối màu theo ý thích mà không sợ bị lem khi tô các bút màu gần nhau.
- Hộp đựng đẹp mắt và các chú khủng long suncatcher được làm tỉ mỉ.

Chia sẻ công thức đơn giản phối màu


Thay vì chỉ tô mỗi chú khủng long một màu, bạn có thể kết hợp các màu với nhau để chú khủng long trông thú vị hơn. Cùng xem một vài công thức tô của mình bên dưới nhé.

Các bạn khủng long khi được phối màu trông sẽ vui nhộn hơn.
Phối màu lấp lánh với màu trơn.
Phối màu trơn với nhau
Phối màu lấp lánh với màu trơn

Chút lưu ý rút ra khi sử dụng


- Nhớ lót giấy phía dưới trước khi đặt suncatcher lên bàn ngồi tô.
- Trước khi tô màu nào, mình đều lắc đều để màu đều hơn.
- Sau khi tô xong, bạn để trên mặt phẳng 8 tiếng là suncatcher sẽ khô lại và lên màu rất đẹp.
- Bút màu này thích hợp cho các bé trên 3 tuổi vì các món đồ trong đây đa số nhỏ bé, phía sau hộp màu mình thấy có ghi ở mục Warning.
- Bạn nhớ tránh tiếp xúc màu lên da, miệng, mắt và phải rửa ngay bằng nước thật kỹ khi bị dính.
- Bảo quản nơi khô thoáng để giữ màu và suncatcher bền đẹp nhé.

6 bạn khủng long đã được mình tô xong.
Đây là các mẫu mình thấy đang có mặt tại Nhà Sách Phương Nam Phú Thọ

Tóm lại là với giá 254.000đ cho một bộ đồ chơi sáng tạo như vậy mình thấy cũng hợp lý, vì sau khi tô xong còn giữ lại trang trí được khắp nơi. Nếu bạn đang tìm một món quà tặng bé hoặc đang tìm đồ chơi cho các bé thích tô vẽ thì đây sẽ là một lựa chọn hay. Và nếu như đọc đến đây mà bạn đặt câu hỏi: Mua bộ tô màu lên kính ở đâu? thì mình xin chia sẻ luôn là Nhà Sách Phương Nam Phú Thọ hay còn gọi là Nhà Sách Phú Thọ theo thói quen của thế hệ 8x, 9x ở Sài Gòn.

Cảm ơn bạn đã xem bài, nhớ để lại bình luận nếu bạn cần thêm thông tin nhé!

Đọc bài viết

Trà chiều

Review hộp bút họa tiết trang trí dễ thương

Published

on

By

Xin chào bạn đọc Bookish.vn, mình mở ra series Nhà sách có gì ngoài sách với các bài viết chia sẻ, review những món đồ thú vị có mặt tại Nhà Sách Phương Nam. Hi vọng các bài viết trong series này sẽ mang đến cho bạn những thông tin vui vẻ và hữu ích.

Đúng là Nhà sách có rất nhiều sách, nhưng ngoài sách ra thì có rất nhiều món đồ khác mà mỗi lần đến nhà sách mình cứ như đi lạc vào xứ sở dễ thương vậy. Vừa rồi, mình có dịp được trải nghiệm nhanh một món đồ thú vị muốn chia sẻ đến các bạn, đó là hộp bút họa tiết xinh xắn đang có mặt tại Nhà Sách Phương Nam, thích trang trí và yêu màu sắc chắc chắn bạn sẽ thích món đồ này đó.

Mời xem thêm video trải nghiệm tại đây

Lần đầu viết review một món đồ không phải sách trên Bookish.vn - một trang chuyên viết về sách có điều gì thiếu xót hay cần thêm thông tin gì mời bạn để lại bình luận để mình ghi nhớ và phản hồi nhé!

Hộp bút trang trí họa tiết trưng bày ở Nhà Sách Phương Nam

Thông tin chung về sản phẩm

Mỗi hộp bút sẽ có 6 bút như sau:

1. Đường cong - Màu Xanh táo
2. Hoa - Màu Hồng xinh xắn
3. Gạch nối - Màu Vàng dứa thơm
4. Ngôi sao - Màu đỏ dưa hấu
5. Đường ngang nối - Màu Xanh dương Berry
6. Trái tim - Màu tím măng cụt

Combo 6 bút với 6 màu và họa tiết xinh xắn

Bút này dùng để làm gì?

- Đánh dấu nội dung bạn cần lưu ý lại mấy lúc đi học, đi làm.
- Trang trí ghi chú cá nhân của bạn, làm đẹp tựa bài, lưu bút hay nhật ký mỗi ngày.
- Sáng tạo tranh vui vẻ giải trí sau giờ học, giờ làm với các họa tiết có sẵn của bút.

Cùng xem họa tiết được vẽ ra trên giấy nhé

Điều yêu thích ở bút này

- Hữu ích trong việc làm nổi bật nội dung quan trọng, khi đánh dấu sẽ tìm lại dễ dàng.
- Bút dễ dùng, kích thước nhỏ gọn như bút bi nên dễ đem đi học, đi làm.
- Kiểu dáng bút đẹp mắt, cầm nhẹ tay, dễ viết.
- Giá cả hợp lý, vừa túi tiền. Nếu mua tại nhà sách Phương Nam thì giá là 50.000đ/hộp 6 bút.

Một vài lưu ý rút ra khi sử dụng bút

Trong lúc trải nghiệm sản phẩm, mình thấy có một vài mẹo để bút đáp ứng được tốt nhất nhu cầu của mình, chia sẻ ở đây cho bạn nào đang quan tâm nhé

- Mỗi lần viết, nhớ lắc đều bút - như uống sữa phải lắc đều vậy :D Như vậy, bút sẽ ra màu đều và đẹp.
- Ba bút: đường cong, gạch nối, đường ngang nối khi viết nên cầm bút thẳng lên, họa tiết sẽ ra đẹp và thẳng hàng hơn đó bạn.
- Ba bút: hoa, ngôi sao, trái tim thì nên cầm nghiêng khi viết, như vậy họa tiết sẽ tròn vành và đều màu.

Tóm lại là ở góc nhìn của mình thì sản phẩm dễ dùng và đạt được các mục đích trang trí đơn giản, có bền hay không thì tùy vào trải nghiệm và cách dùng của mỗi người. Kích thước và hình dáng sản phẩm rất dễ thương nên mình nghĩ rất thích hợp để làm quà tặng các dịp đặc biệt cho bạn bè, đồng nghiệp, gia đình,... món quà mừng năm học mới cho con gái, món quà sinh nhật cho đồng nghiệp hay món quà chúc mừng bạn thân thi đậu IELTS điểm cao.

Cám ơn bạn đã dành thời gian đọc bài review của mình và hi vọng nó sẽ hữu ích với bạn!

Đọc bài viết

Cafe sáng