Trà chiều

Ngày mai, anh sẽ hẹn hò với em của ngày hôm qua

Sân ga hay những chuyến tàu có thể tượng trưng cho sự ly biệt, cũng có thể tượng trưng cho sự tương phùng, có thể mang người thân đi xa cũng có thể mang người thân đến gần. Giống như trăng khuyết rồi lại tròn.

Published

on

Trong văn hóa xem phim đại chúng, thỉnh thoảng chúng ta vẫn thường nghe câu trách móc như thế này: “Những gì hay nhất trong phim có trên trailer hết rồi,” hoặc “Ai làm trailer tệ quá, spoil hết nội dung phim từ đầu đến cuối khiến cho lúc xem phim không thấy hấp dẫn nữa.” Có lẽ, phần lớn các nhà sản xuất phim sẽ luôn cố gắng tránh phát hành những loại trailer thuộc dạng kể trên bởi việc bảo toàn sự ngây thơ cho khán giả nhằm giúp họ thưởng thức trọn vẹn bộ phim luôn là điều tối cần thiết. Dù vậy, Tomorrow I Will Date With Yesterday’s You (ぼくは明日, 昨日のきみとデートする, Ngày mai anh sẽ hẹn hò với em của ngày hôm qua) lại cố tình cho khán giả xem phần trailer tuy rất hấp dẫn nhưng vừa “trưng ra hết những gì hay nhất trên phim” vừa “tiết lộ gần như toàn bộ nội dung phim từ đầu đến cuối”. Tôi chắc chắn rằng đây là việc làm có ý thức của nhà sản xuất chứ không phải lỗi lầm vô tình mắc phải bởi lẽ ngay từ tên gốc của nguyên tác Tomorrow I Will Date With Yesterday’s You – chính cái tên ấy cũng đã tiết lộ nội dung cốt lõi của phim cho khán giả biết. Và với câu chuyện có nội dung đơn giản như thế này, cũng thật khó làm trailer mà không spoil phần lớn nội dung bởi đây là câu chuyện dày dặn vì chi tiết, không phải tình tiết. Do đó, chỉ cần lấy một, hai tình tiết chính yếu ra làm trailer, xem như phần lớn nội dung phim đã bị tiết lộ. Thậm chí, trong poster phim, nhà sản xuất cũng spoil luôn một điều rất quan trọng qua câu tagline: “Để yêu nhau chỉ vỏn vẹn trong ba mươi ngày, chúng tôi đã gặp nhau.” Cho dù có một khán giả nào đó phớt lờ không xem trailer hay poster thì họ cũng vẫn không thể hoàn toàn bước vào bộ phim với sự ngây thơ thuần túy bởi chính tên phim đã tiết lộ mấu chốt quan trọng nhất của câu chuyện. Vậy thì, để một người tiếp xúc với bộ phim như một tờ giấy trắng tinh, người đó phải vừa không xem trailer, poster, vừa không biết tên phim. Điều đó hẳn khó lòng xảy ra được. Tuy nhiên, với Tomorrow I Will Date With Yesterday’s You – việc bảo toàn sự ngây thơ trước khi xem không phải là điều tối quan trọng.

Tháng mười năm ngoái, trong một lần lang thang Youtube, tôi tình cờ lướt mắt thấy tiêu đề Tomorrow I Will Date With Yesterday’s You. Tiêu đề này ngay lập tức thu hút tôi bởi ấn tượng về mặt nghịch lí của nó. Sao lại có thể như thế được? Vậy là, tôi bấm vào video để xem trailer. Và khi xem trailer, tôi đã phần nào hiểu ra nội dung chính của phim. Thế nhưng, có điều gì đó từ những hình ảnh ấy khiến tôi muốn xem phim này ngay lập tức. Tuy nhiên, khi phát hiện ra tháng mười hai phim mới được công chiếu (tức là sau hai tháng từ thời điểm tôi xem trailer), tôi cảm thấy ngán ngẩm vì tôi biết khi phim chiếu xong, mình lại phải đợi một khoảng thời gian khá dài nữa mới được xem bản chất lượng trên mạng. Sau đó, có những khoảng thời gian tưởng chừng như tôi đã gần quên mất bộ phim này trong cuộc sống bộn bề, và chính xác hơn là lộn xộn của mình. Vào những ngày đầu tháng tám năm nay, khi đã tạm giải quyết xong một phần hỗn độn, cái tên Tomorrow I Will Date With Yesterday’s You không hiểu sao lại đột nhiên nảy ra trong đầu tôi. Tôi thử tìm kiếm và phát hiện phim đã có bản đẹp, phụ đề hẳn hoi. Thế là, tôi xem phim này vào tối khuya, rạng sáng ngày hôm qua. Tôi xem xong lúc bốn giờ sáng. Lồng ngực cảm thấy nặng nề, trái tim bồi hồi xao xuyến, nỗi buồn như những sợi chỉ quấn thành từng vòng trên người tôi cho đến khi tôi bị bao bọc trong nó như một con sâu đang thu mình vào cái kén tưởng chừng mỏng manh nhưng vững chắc. Và chiều nay, khi nghe bài hát chủ đề của phim Happy End bản cover do Kona Milk trình bày, đồng thời đọc lyric, có nhiều đoạn đã khiến tôi rươm rướm nước mắt, tôi nhớ lại cảm giác đau buồn nhưng ấm áp vây lấy mình khi vừa xem xong phim cách đó mười mấy tiếng.

Tình yêu và thời gian

Tomorrow I Will Date With Yesterday’s You thuộc dạng phim romance lấy thời gian làm chủ đề. Câu chuyện thực hành một trò chơi với thời gian. Lý thuyết về vũ trụ song song, những tuyến thời gian khác nhau cùng tồn tại, vòng lặp thời gian, du hành thời gian… là những nội dung thường được khai thác với chủ đề thời gian. Người ta có thể kết hợp chủ đề thời gian với bất cứ thể loại nào, từ hành động (Edge of Tomorrow, In Time), rom-com (Groundhog Day, About Time), drama (The Time Traveler’s Wife), mystery (Time Renegades, Signal), coming of age (If I Fall), đến kinh dị (Happy Death Day)… Dù là nội dung nào trong tổ hợp về chủ đề thời gian, chúng ta đều có thể thấy một trong những vấn đề nổi trội mà câu chuyện thường đề cập là sự kết nối giữa người với người diễn ra như thế nào khi họ bất đắc dĩ (hoặc không bất đắc dĩ) rơi vào trò chơi (hay trò đùa) của thời gian. Do đó, những phim lấy thời gian làm chủ đề và đồng thời cũng thuộc thể loại romance trở thành sự kết hợp vô cùng hoàn hảo bởi cả hai đều có một điểm chung mấu chốt: sự kết nối. Vì tổ hợp “thời gian + romance” là thứ dung dịch khiến người ta dễ bị nhấn chìm trong xúc động nên đã có vô vàn phim romance với nội dung “một đôi tình nhân yêu nhau nhưng gặp phải vấn đề rắc rối về thời gian” tương tự như Tomorrow I Will Date With Yesterday’s You. Có thể tạm kể đến một vài ứng cử như: Il Mare (2000), Kimi ni Shika Kikoenai (2007), Kimi no Na wa (2016)…Trong giới hạn những phim romance kết hợp thời gian mà tôi đã xem, tôi nhận thấy điểm chung của các phim thường là để cho cặp tình nhân ở hai tuyến thời gian khác nhau: trong Il Mare, Sung Hyun sống ở năm 1997, Eun Joo sống ở năm 1999; trong Kimi ni Shika Kikoenai, Ryo và Shinya sống cách nhau một tiếng đồng hồ; trong Kimi no Na wa, Taki và Mitsuha sống cách nhau ba năm… Và có lẽ, vẫn còn nhiều phim romance với nội dung tương tự nhưng tôi không nhớ ra hoặc không thể liệt kê hết.

Tomorrow I Will Date With Yesterday’s You cũng đặt hai nhân vật yêu nhau vào hai tuyến thời gian khác nhau. Thế nhưng, điểm đặc biệt của Tomorrow I Will Date With Yesterday’s You là tuyến thời gian của hai nhân vật không chỉ khác nhau mà chiều vận động của nó còn ngược nhau: tương lai của người này là quá khứ của người kia. Trong ba phim tôi đã liệt kê ở trên, hai tuyến thời gian khác biệt thực chất vẫn nằm trên cùng một đường thẳng tuyến tính, chỉ cần dùng một phép dịch chuyển với việc cộng hay trừ đi hằng số cách biệt (hai năm, một tiếng, ba năm) là đã có thể qui đổi từ tuyến thời gian của người này sang tuyến thời gian của người kia. Nhưng trong trường hợp của Tomorrow I Will Date With Yesterday’s You, hai tuyến thời gian không nằm trên cùng một đường thẳng, chúng nằm ở hai đường song song với chiều chuyển động ngược nhau. Do đó, vấn đề không chỉ đơn thuần là sự cách biệt thời gian mà còn là chính hằng số cách biệt ấy sẽ ngày càng tăng theo thời gian. Trong câu chuyện này, hằng số cách biệt đã trở thành biến số cách biệt được tính bằng bội số mười năm theo mỗi lần gia tăng. Tomorrow I Will Date With Yesterday’s You đặt ra một qui luật rằng vì ở hai tuyến thời gian trái chiều vận động nên Minamiyama Takatoshi và Fukuju Emi chỉ có thể gặp nhau năm năm một lần trong khoảng thời gian ba mươi ngày (tròn một chu kì trăng). Câu chuyện chính diễn ra ở thời điểm cả hai đều hai mươi tuổi và có khoảng thời gian ba mươi ngày bên nhau trước khi lại đi qua chiều thời gian ngược nhau với số tuổi cách biệt lớn dần: khi Takatoshi hai mươi lăm tuổi, Emi mười lăm tuổi; khi Takatoshi ba mươi tuổi, Emi mười tuổi; khi Takatoshi ba mươi lăm tuổi, Emi năm tuổi; và ngược lại, Emi cũng tương tự như thế. Do đó, mốc thời gian ba mươi lăm tuổi sẽ là lần cuối cùng cả hai gặp nhau vì nếu người này tiến thêm nhiều hơn năm năm nữa thì sẽ đến thời điểm người kia chưa chào đời. Sau cột mốc ba mươi lăm, hai đường thẳng song song ấy sẽ không còn giao nhau nữa và cứ đi mãi đến điểm cáo chung trong đơn độc.

Cấu trúc hai hồi giản dị

Toàn bộ nguyên tắc vận hành thời gian được Emi giải thích đơn giản trong một cảnh phim mà nếu chia theo cấu trúc ba hồi, nó sẽ nằm ngay điểm midpoint. Lẽ đương nhiên, có thể chia Tomorrow I Will Date With Yesterday’s You theo cấu trúc ba hồi nhưng ở đây, tôi sẽ mạo muội chia phim theo cấu trúc hai hồi vì xét trên nhiều yếu tố, tôi thấy Tomorrow I Will Date With Yesterday’s You giống cấu trúc hai hồi hơn là ba hồi.

Cả ba phim cùng thể loại với Tomorrow I Will Date With Yesterday’s You mà tôi đã liệt kê là Il Mare (2000), Kimi ni Shika Kikoenai (2007), Kimi no Na wa (2016)đều thuộc dạng cấu trúc ba hồi và sẽ rất gượng ép khi chia nó thành hai hồi. Bởi lẽ điểm midpoint của ba câu chuyện này đều là những tình tiết thúc đẩy câu chuyện đến cao trào để giải quyết vấn đề ở hồi ba. Trong khi đó, điểm midpoint của Tomorrow I Will Date With Yesterday’s You dù vẫn mang tính chất thúc đẩy câu chuyện nhưng cao trào sau đó đến nhanh và vấn đề cũng nhanh chóng được giải quyết (Takatoshi chấp nhận tình trạng cả hai không thể thay đổi được gì và cố gắng tận hưởng những ngày cuối cùng với Emi), do đó hồi ba của phim (nếu chia phim theo cấu trúc ba hồi thì hồi ba bắt đầu từ sau cảnh Emi biến mất vào ngày thứ ba mươi của Takatoshi) dường như bị hòa lẫn vào hồi hai vì nó quá ngắn và chỉ mang tính chất là vọng âm của những gì đã diễn ra chứ không giải quyết lại vấn đề đã được giải quyết ở hồi hai – nghĩa là đưa ra giải pháp mới và kết thúc bộ phim. Theo những gì tôi đã tìm hiểu về cấu trúc ba hồi, hình như không có phim nào thuộc cấu trúc ba hồi mà toàn bộ vấn đề đã được giải quyết hết ở hồi hai cả. Hơn nữa, nếu chia bộ phim thành ba hồi thì phải đến gần phân nửa phim (phút thứ bốn mươi mốt – đoạn giới thiệu tiêu đề phim) mới là điểm kết thúc hồi một vì toàn bộ phân đoạn trước đó vẫn chỉ mang tính giới thiệu, chưa nêu ra vấn đề nhân vật cần giải quyết. Và theo tôi được biết, hình như cũng chẳng có phim cấu trúc ba hồi nào mà đến gần phân nửa phim mới hết hồi một. Vì vậy, đó là những lí do vững chắc khiến tôi xếp Tomorrow I Will Date With Yesterday’s You vào dạng phim cấu trúc hai hồi mà không có gì đắn đo.

Cấu trúc hai hồi giống như một tấm gương để ta đối chiếu những gì tương đồng và tương phản ở hồi một và hồi hai. Tôi cảm thấy nó giống như cấu trúc dùng để hướng người xem đến sự so sánh và thông qua sự so sánh đó, cảm xúc được nảy sinh. Lẽ đương nhiên, trong cấu trúc ba hồi cũng đính kèm phép so sánh giữa hồi một và hồi ba để khán giả thấy được sự thay đổi của nhân vật, câu chuyện hay tình huống. Tuy nhiên, phép so sánh trong cấu trúc ba hồi không phải là thứ tạo cảm xúc chủ đạo, nó chỉ là thứ góp thêm gia vị cho cảm xúc, thứ tạo cảm xúc chủ đạo trong cấu trúc ba hồi là cao trào. Trong khi đó, với cấu trúc hai hồi, phép so sánh lại chính là thứ tạo cảm xúc chủ đạo vì hồi hai sẽ không ngừng nhắc nhở người xem nhớ lại hồi một, so sánh những gì xảy ra ở hồi hai với hồi một. Mulholland Drive là ví dụ tiêu biểu cho cấu trúc hai hồi. Chính sự so sánh giữa giấc mơ và thực tế trong hồi một và hồi hai là thứ tạo cảm xúc chủ đạo cho người xem; giấc mơ càng đẹp, thực tế càng buồn bã thì sự so sánh càng đau đớn. Tomorrow I Will Date With Yesterday’s You cũng tương tự như thế. Hồi một là mười lăm ngày đầu tiên hoàn toàn hạnh phúc khi Takatoshi không hề hay biết người con gái anh yêu ở tuyến thời gian ngược chiều với anh, hồi hai là mười lăm ngày cuối cùng vui buồn lẫn lộn khi anh đã biết ra sự thật. Ngay từ cách chia ba mươi ngày hai người bên nhau thành cột mốc mười lăm – mười lăm cũng cho thấy rõ ý đồ so sánh của Nanatsuki Takafumi – tác giả cuốn tiểu thuyết gốc.

Nỗi buồn trăng khuyết

Tomorrow I Will Date With Yesterday’s You có lẽ là một trong những phim tôi đã xem mà tiêu đề xuất hiện rất trễ trong phim. Phải đến phút thứ bốn mươi mốt, đêm tối ngày mười lăm – tức là hết hồi một, tiêu đề phim mới chầm chậm hiện lên bên phải khung hình trong góc toàn khẽ tilt lên cao nhẹ nhàng để thấy vầng trăng tròn trong lúc đôi tình nhân hôn nhau ở sân ga. Đây có lẽ là một trong những cảnh xuất hiện tiêu đề phim mà tôi thích nhất vì bản thân tiêu đề trong cảnh này cũng là công cụ để kể chuyện. Nó như thứ tín hiệu thông báo cho người xem biết rằng kể từ thời điểm này, mạch phim sẽ thay đổi, một bí mật sắp sửa được tiết lộ. Mặt trăng cũng là hình ảnh dùng để kể chuyện trong phim. Trăng tròn tượng trưng cho hạnh phúc viên mãn, trăng khuyết tượng trưng cho hạnh phúc sắp sửa đến hồi kết thúc.

Trong Tomorrow I Will Date With Yesterday’s You, trăng tròn ngay ngày mười lăm – điểm mốc chính giữa khoảng thời gian Takatoshi và Emi bên cạnh nhau, điều đó có nghĩa là trước ngày mười lăm và sau ngày mười lăm thì trăng bắt đầu khuyết. Như vậy, hình ảnh trăng khuyết thực chất cũng có thể tượng trưng cho thời kì hạnh phúc chớm nở. Tuy nhiên, đạo diễn Miki Takahiro đã cao tay ở chỗ ông cố tình biến trăng khuyết trở thành biểu tượng có ý nghĩa duy nhất là sự chia ly trong phim một cách tự nhiên.

Ở mười bốn ngày đầu tiên (đối với Takatoshi), dù cũng có những cảnh đôi tình nhân hẹn hò trong đêm tối nhưng Takahiro không bao giờ lia máy lên bầu trời để thông báo cho người xem biết mặt trăng lúc đó như thế nào. Mặt trăng bắt đầu xuất hiện vào đêm tối ngày mười lăm hôm cả hai cùng xem phim. Khi Takatoshi đã ngủ, Emi lẳng lặng nhìn vầng trăng tròn qua khung cửa sổ rồi khóc một mình và Takatoshi tỉnh dậy. Sau đó, hai người hôn từ giã ở sân ga – đây là cảnh tiêu đề phim hiện ra, người xem lại thấy trăng tròn xuất hiện. Và kể từ ngày mười lăm trở đi, vào những cảnh đêm tối, thỉnh thoảng đạo diễn Takahiro lại cho thấy hình ảnh trăng khuyết dần trên bầu trời như một cách để thông báo ngầm rằng ngày chia ly của đôi bạn trẻ đã đến gần. Nhìn hình ảnh mặt trăng dần khuyết đi cho đến khi chỉ còn là một đường cong rất mảnh, người xem càng thấy xót xa hơn cho đôi tình nhân.

Có một nguyên tắc rằng những hình ảnh được sử dụng trong một câu chuyện (cả với điện ảnh và văn học) chỉ nên có một ý nghĩa duy nhất do người sáng tác tự thiết lập, bởi lẽ nếu có hai hoặc ba ý nghĩa hoàn toàn trái ngược nhau cho một hình ảnh, điều đó khiến hình ảnh ấy giảm đi tính biểu tượng hoặc sức gợi cảm trong lòng khán giả. Vậy nên, ở Tomorrow I Will Date With Yesterday’s You, nếu ngay từ những ngày đầu khi Takatoshi và Emi vừa mới quen nhau hạnh phúc (theo ý nghĩ của Takatoshi) mà đạo diễn đã cho người xem thấy hình ảnh trăng khuyết thì hình ảnh ấy sẽ giảm đi rất nhiều sức nặng khi nó xuất hiện lại trong những ngày cuối cùng của Takatoshi khi ở cạnh Emi. Hơn nữa, việc quá khứ của người này là tương lai của người kia còn dẫn đến một sự thật đau lòng khác: những gì là lần đầu tiên với Takatoshi thì lại là lần cuối cùng với Emi và ngược lại. Do đó, điểm khởi đầu câu chuyện kể dưới góc nhìn của Takatoshi thì cũng đồng thời là điểm kết thúc với Emi. Ở phân đoạn hai người hẹn hò lần đầu tiên, khi Emi đồng ý làm bạn gái của Takatoshi, cảnh này đã kết thúc bằng góc toàn cho thấy khung cảnh công viên được gắn đèn neon vàng lấp lánh khắp nơi, góc máy có chiều hướng giống với cảnh toàn hiện ra tiêu đề nơi sân ga vì cũng được tilt nhẹ nhàng lên cao, chỉ khác là nó không lên đủ cao để thấy mặt trăng. Sau khi Emi biến mất trong ngày thứ ba mươi của Takatoshi, bộ phim được kể lại theo trình tự thời gian của Emi bằng những đoạn montage ngắn gọn nhưng khơi mở thêm vài chi tiết mà ở những cảnh tương tự khi kể dưới trình tự thời gian của Takatoshi không có: Emi bâng khuâng đi tìm phòng học để gặp Takatoshi trong ngày đầu tiên gặp anh, Emi đã thực sự khóc khi cắt tóc cho Takatoshi, Emi bỏ chocolate vào nước sốt bò cho Takatoshi… và trong ngày hẹn hò đầu tiên của Takatoshi, Emi đã khóc khi ngẩng nhìn vầng trăng khuyết trên bầu trời bởi vì đó cũng là ngày hẹn hò cuối cùng của nàng.

Để người mình yêu có được một ngày hạnh phúc trọn vẹn

Ban đầu, khi vừa xem phim xong, tôi đã nghĩ rằng cả Takatoshi và Emi đều hạnh phúc và đau khổ như nhau. Cả hai sẽ vui vẻ trong những ngày đầu tiên và buồn bã trong những ngày cuối cùng của mình. Nhưng khi ngẫm nghĩ kĩ lại, không mất quá nhiều thời gian để tôi nhận ra rằng Emi mới là người chịu khổ nhiều hơn. Nỗi đau đến cuối cùng với cả hai có lẽ đều như nhau nhưng ngay từ đầu, việc chuyện tình của họ nương theo trình tự thời gian của Takatoshi cũng đã là một thiệt thòi cho Emi. Nàng phải cố gắng cư xử sao cho phù hợp với những lần đầu tiên của anh dù đó là những lần cuối cùng của nàng, mỗi buổi sáng trước khi gặp Takatoshi, nàng phải cố gắng ghi nhớ rằng những gì đã xảy ra vào ngày hôm qua với nàng, thực chất chưa xảy ra với Takatoshi, nàng phải tự điều chỉnh bản thân, cách xưng hô từ thân thiết đến xa lạ với Takatoshi. Emi đã khổ sở như thế trong mười lăm ngày Takatoshi chưa biết sự thật. Và trong mười lăm ngày Takatoshi biết sự thật, nàng lại phải cố gắng ghi nhớ những việc bản thân mình chưa làm. Nàng là người từ đầu đến cuối, trong suốt ba mươi ngày ấy, đã luôn phải đối diện với sự thật rằng mỗi ngày trôi qua, sẽ càng đến gần ngày nàng cách xa người yêu mãi mãi. Trong khi đó, Takatoshi ít nhất đã có mười lăm ngày hạnh phúc trọn vẹn và khi biết được sự thật, anh cũng không phải khổ sở khi nhớ ngày mai mình sẽ làm gì, anh được ở bên cạnh người yêu theo tiến trình tâm lí bình thường từ xa lạ đến thân thiết. Vậy nên, đúng như Takatoshi đã nhận ra: Emi phải kiên cường, mạnh mẽ và đau đớn như thế nào để mỉm cười với anh dù trong lòng buồn bã. Có một chi tiết rất hay mà tôi thích là vào ngày đầu tiên hẹn hò với Emi, theo lời hướng dẫn của người bạn thân, Takatoshi đã tự khám phá trước những nơi anh sẽ dẫn Emi đến vài tiếng sau đó để chắc chắn rằng cuộc gặp gỡ sẽ trở nên hoàn hảo vì anh chỉ toàn dẫn cô đến những nơi mà anh đã tìm thấy điều gì đó thú vị. Takatoshi vui mừng vì dường như việc làm này đã có hiệu quả bởi trông Emi rất vui. Thế nhưng, anh nào đâu biết rằng sự khám phá trước vài tiếng rồi vờ như mình cũng mới đến lần đầu ấy vẫn là điều quá nhỏ nhoi so với việc Emi mà anh sẽ gặp hôm nay thực chất đã gặp anh trong hai mươi bảy ngày rồi nhưng vẫn phải vờ như chỉ mới gặp anh ngày thứ ba để anh có được một ngày hạnh phúc trọn vẹn.

Cấu trúc vòng tròn đã được sử dụng trong rất nhiều câu chuyện đến nỗi đôi lúc tôi thấy hơi nhàm chán và dường như nó mất tác dụng gây nên một thứ cảm xúc đặc biệt nào đó cho tôi. Tuy nhiên, trong Tomorrow I Will Date With Yesterday’s You, cấu trúc vòng tròn đã phát huy tối đa tác dụng ở cảnh kết thúc đến nỗi tôi nhận ra rằng không thể có kiểu kết thúc nào xúc động hơn cho phim, đến nỗi tôi nghĩ rằng cấu trúc vòng tròn được sinh ra để áp dụng cho những câu chuyện như Tomorrow I Will Date With Yesterday’s You. Cảnh kết phim cho thấy ngày cuối cùng của Emi – cũng là ngày đầu tiên của Takatoshi đã diễn ra dưới góc nhìn của Emi như thế nào. Nàng quay lại căn phòng mà Takatoshi sẽ trọ trong tương lai để từ biệt, nàng đến chuyến xe điện để gặp anh lần cuối, nàng lặng lẽ nhìn anh và rồi sợ anh phát hiện mình đang nhìn trộm, nàng lấy một quyển sách ra để đọc. “Mình đã đến bên anh.” Nàng tự nhủ. Cảnh này khiến tôi nhớ đến một trong những phân đoạn cuối cùng của phim Ima, ai ni yukimasu (2004), Mio trên chuyến tàu đến gặp Takumi đã viết trong quyển nhật kí rằng: “Bây giờ, em sẽ đến gặp anh.” Ở tình thế này, Emi lại có phần giống Mio của khi ấy, cả hai đều biết mối duyên của mình chỉ diễn ra trong khoảng thời gian ngắn ngủi và rồi để lại nhiều tiếc nhớ, đau buồn hơn là hạnh phúc nhưng vẫn quyết định sẽ đến bên người mình yêu chỉ để nhận lấy thứ hạnh phúc quý giá và ngắn ngủi ấy.

Không phải What, điều quan trọng là How

Trong Tomorrow I Will Date With Yesterday’s You, khó khăn lớn nhất và duy nhất mà hai nhân vật phải đối diện là thời gian – đây là thứ vốn không thể giải quyết được, đến cuối cùng quả nhiên cả hai thậm chí cũng chẳng tìm cách giải quyết nó. Do đó, external conflict của phim trở thành thứ không tồn tại dù nó có xuất hiện bởi lẽ Takatoshi và Emi đều chấp nhận nó như sự thật hiển nhiên. Như vậy, bộ phim chỉ có internal conflict của Takatoshi trong việc chấp nhận nghịch lí thời gian (Emi không có internal conflict vì ngay từ đầu nàng đã biết sự thật và chấp nhận nó). Thế nhưng, internal conflict của Takatoshi cũng được giải quyết rất nhanh chóng. Vậy nên, tôi tạm kết luận rằng Tomorrow I Will Date With Yesterday’s You không phải là câu chuyện thu hút người xem dựa trên mâu thuẫn và cách giải quyết mâu thuẫn. Với kiểu câu chuyện như thế này, “What” không phải là câu hỏi quan trọng, câu hỏi quan trọng ở đây là “How”. Ở phút thứ năm mươi mốt trong bộ phim dài một tiếng năm mươi phút, người xem đã biết được toàn bộ sự thật và gần như nắm rõ phần lớn câu chuyện phía sau qua cuốn nhật kí ghi ngược ngày mà Takatoshi đã đọc. Do đó, điều cuốn hút tâm trí người xem ở hồi hai không phải là “cái gì sẽ diễn ra” mà là “họ sẽ đối diện với những ngày đó như thế nào”.

Nếu một bộ phim mà câu hỏi “What” là quan trọng nhất thì chứng tỏ rằng đó là phim plot driven; trong khi đó, nếu câu hỏi “How” là quan trọng nhất thì phần lớn phim sẽ là character driven. Với tôi, Tomorrow I Will Date With Yesterday’s You là character driven dù rằng xếp nó vào plot driven cũng không hẳn sai vì có thể đến phút cuối, nhiều người xem vẫn còn hi vọng một điều gì đó khác biệt sẽ diễn ra. Tuy nhiên, ngay từ đầu, bộ phim đã cuốn hút tôi bằng nhân vật và suốt quá trình theo dõi phim, điều duy nhất cuốn hút tôi vẫn là nhân vật. Bộ phim mở đầu bằng cảnh quá quen thuộc trong thể loại phim tình cảm: trên một chuyến tàu, chàng trai đã tình cờ nhìn thấy một cô gái xinh đẹp đứng đối diện mình, nàng mỉm cười bâng quơ trong ánh nắng nhẹ nhàng hắt vào từ khung cửa sổ khiến trái tim chàng xao xuyến, nhận ra mình đã trúng tiếng sét ái tình mất rồi. Quen thuộc quá phải không nào?

Theo những phim tình cảm thông thường, chàng trai sẽ chẳng dám tỏ tình với cô gái ngay vì như thế thì đường đột quá, cô sẽ bỏ chạy mất. Nếu một chàng trai tinh ranh, hẳn sẽ tìm ra lí do nào đó hợp lí để làm quen với nàng trước. Nếu một chàng trai trông có vẻ khù khờ, thường sẽ bỏ qua cơ hội lần đầu tiên và rồi tình cờ gặp cô gái lần thứ hai hay thứ ba, họ cảm thấy đây là mối lương duyên (đặc biệt những phim châu Á hay có kiểu tình cờ gặp ba lần nghĩa là rất có duyên với nhau) và thế là quen nhau. Nói chung, quá trình chàng trai cưa cẩm cô gái sẽ mất rất nhiều công đoạn với kha khá khó khăn. Tuy nhiên, Takatoshi xuất hiện đầu phim dù có vẻ khù khờ qua mái tóc dài và cử chỉ lóng ngóng đã thu hết can đảm chạy theo cô gái xa lạ, xin địa chỉ mail với lí do rất thẳng thắn là: “Tớ đã lỡ thích cậu mất rồi.” Cô gái không cho Takatoshi địa chỉ mail vì cô không có điện thoại nhưng lại tỏ ra rất dễ dàng chấp nhận anh. Takatoshi và Emi đã trò chuyện với nhau cho đến khi một chuyến tàu khác cập bến, Emi hứa ngày mai họ sẽ gặp lại. Mọi chuyện sau đó diễn ra rất nhanh chóng, thuận lợi. Đến ngày thứ ba, cả hai đã chính thức hẹn hò. Mọi thứ đều nhẹ nhàng, không có chút gì kịch tích. Tuy nhiên, tác giả đã khéo léo gieo những hạt mầm bí ẩn nho nhỏ xung quanh Emi khiến người xem không thể tránh khỏi việc bị cô thu hút với một số chi tiết như: tại sao Emi lại dễ dàng khóc như thế, tại sao Emi có thể biết trước những nơi Takatoshi sẽ đến, tại sao đôi lúc Emi lại nhìn Takatoshi bằng ánh mắt buồn đến nao lòng… Từ những phút đầu tiên của phim, tôi đã thích cả hai người. Tôi thích một Takatoshi vụng về nhưng chân thành. Tôi thích một Emi dịu dàng nhưng u buồn. Vì cả hai không có nhiều thời gian (và Emi là người hiểu rõ điều đó nhất) nên họ trân trọng từng giây phút bên nhau. Ngẫm nghĩ lại, cả bộ phim đôi lúc chỉ đơn thuần như một phim tài liệu sống động kể về ba mươi ngày hạnh phúc giản dị của họ.

Ánh nắng mờ ảo

Nếu phải chọn ra một tông màu chủ đạo trong phim, tôi sẽ chọn… màu nắng. Với tôi, bộ phim dường như không chủ ý nhấn mạnh một tông màu đặc biệt nào mà chỉ có sự đối lập ánh sáng giữa ngày và đêm nối tiếp nhau. Ánh nắng trong phim rất đẹp. Vào những cảnh ban ngày, có thể nhận thấy rõ đạo diễn Takahiro có phần cố ý quay dư sáng một chút để tạo ra những điểm lóa sáng rất nhẹ và không đến mức trở thành điểm cháy sáng trong khung hình. Những điểm lóa sáng này mang đến không khí mờ ảo. Hai cảnh quay trong hai lần Emi đến phòng học của Takatoshi đều sử dụng ánh sáng như thế và Emi chính là người ngồi ở vùng sáng mờ ảo trong khi Takatoshi lại đứng ở vùng tối hơn trong khung hình. Điều này có lẽ cũng ngầm ám chỉ rằng dường như nàng mong manh và hư ảo hơn anh. Ở những cảnh cả hai vui chơi ban ngày, nắng không có nhiều điểm lóa như trong phòng học nhưng màu sắc được chỉnh tương tự như khi dùng filter Glow trong Photoshop: tia nắng viền mềm mại quanh thân người và hậu cảnh mờ trong ánh sáng lung linh khiến mọi vật xung quanh trông có vẻ hơi nhòe nhưng hiền hòa. Tất cả hiệu ứng này tạo ra cảm giác ấm áp, có chút gì đó không thực và buồn bã, rất hợp với không khí câu chuyện.

Tomorrow I Will Date With Yesterday’s You là phim đầu tiên tôi xem có sự tham gia của Komatsu Nana. Em đã khiến tôi vô cùng kinh ngạc trước vẻ đẹp, thần thái và kĩ năng diễn xuất. Emi được Nana thể hiện thật hoàn hảo từ ánh mắt, cử chỉ đến giọng nói. Ở Nana, quả nhiên toát ra một khí chất gì đó rất riêng biệt trong từng khuôn hình. Từng góc quay trên khuôn mặt em đều đẹp nhưng có một số góc, trông em lại hơi khác em thông thường. Em đúng là một diễn viên đầy tiềm năng và tôi tự nhủ sẽ xem thêm nhiều phim của em nữa trong tương lai. Với Fukushi Sota, trước đó tôi đã theo dõi cậu trong phim Kyou wa Kaisha Yasumimasu (2014).Cách diễn của Sota trong Tomorrow I Will Date With Yesterday’s You cũng không có nhiều khác biệt so với Kyou wa Kaisha Yasumimasu nhưng vì cả hai vai diễn đều khá tương đồng nhau nên có thể xem như Sota đã hoàn thành tốt vai trò của mình trong Tomorrow I Will Date With Yesterday’s You.

Nếu thời gian là một vòng lặp vĩnh viễn

Cuối cùng, tôi muốn nhấn mạnh rằng Tomorrow I Will Date With Yesterday’s You một lần nữa cho thấy sức công phá kì diệu như thế nào của cấu trúc hai hồi nếu biết áp dụng vào đúng câu chuyện thích hợp. Ở thời buổi mà hầu hết những phim hay câu chuyện mang tính giải trí đều tuân theo cấu trúc ba hồi để tạo nên sự hấp dẫn thì một phim cấu trúc hai hồi giản dị như Tomorrow I Will Date With Yesterday’s You thật sự mang đến cho tôi cảm giác được đắm chìm trong làn gió mới tươi mát. Tuy nhiên, tôi vẫn phải tự nhắc nhở mình rằng cấu trúc như thế nào không quan trọng bằng việc mình muốn kể câu chuyện gì, tại sao mình muốn kể nó, điều gì là có ý nghĩa với mình. Có lẽ, xuất phát điểm cho ý tưởng độc đáo của Tomorrow I Will Date With Yesterday’s You chỉ đơn thuần là câu chuyện về một đôi tình nhân cố gắng để không đi lướt qua nhau, bỏ lỡ nhau dù rằng vận mệnh đã qui định họ phải đi ngược chiều nhau mãi mãi.

Bên cạnh mặt trăng, một hình ảnh khác cũng được sử dụng lặp đi lặp lại rất nhiều lần trong phim là sân ga, những chuyến tàu, những đường ray. Tôi rất thích hình ảnh kết phim với những dòng credit chạy trên hai đường ray song song với nhau. Sân ga hay những chuyến tàu có thể tượng trưng cho sự ly biệt, cũng có thể tượng trưng cho sự tương phùng, có thể mang người thân đi xa cũng có thể mang người thân đến gần. Giống như trăng khuyết rồi lại tròn. Nếu cho rằng thời gian là một vòng lặp vĩnh viễn, vậy thì cảnh kết phim cũng sẽ là cảnh mở đầu cho câu chuyện của một Takatoshi khác, một Emi khác dù họ vẫn là chính họ và vẫn lặp lại ba mươi ngày theo trình tự như trong quyển sổ ghi chép. Nhưng như Takatoshi đã nhận ra, điều đó nào có quan trọng khi từng khoảnh khắc ở bên nhau, họ đều dành hết trọn vẹn tình yêu của mình, bản thể của mình cho người kia.

Điểm đánh giá: 9/10
Kodaki

Click to comment

Viết bình luận

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Book trailer

5 tựa sách cho ngày hè nhàn rỗi

Published

on

By

5-tua-sach-cho-ngay-he-nhan-roi

Từ những cuốn sách phơi bày hậu chứng chiến tranh cho đến những cuốn tiểu thuyết ghi lại thân phận nhỏ bé, mong manh, trôi dạt của con người... Các tác phẩm sau là lựa chọn tuyệt vời cho một ngày hè nhàn rỗi, để tìm thêm lại những phong vị mới.

Đuổi theo ánh sáng – Oliver Stone

Là biên kịch và đạo diễn từng 3 lần đoạt giải Oscar với những tác phẩm nổi tiếng như Express Midnight, Scarface, Salvador, Platoon... cũng như những người ngoại đạo, hành trình vươn đến đỉnh cao trong môn nghệ thuật thứ 7 của Oliver Stone luôn không dễ dàng. Đuổi theo ánh sáng là cuốn hồi ký được ông chắp bút, đưa ta đi từ những ngày đầu tiên ở nước Mỹ huyền diệu, đến tuổi trưởng thành nhiều mới mẻ trong chiến tranh Việt Nam và hành trình nếm mật nằm gai để vươn đến hào quang của Hollywood.

Trong cuốn sách này, ta sẽ thấy bên cạnh một cái tên được ngợi ca cũng là một con người bất toàn, mắc nhiều tội lỗi và cũng có lúc tưởng chừng buông xuôi. Thế nhưng chính quyết tâm, nỗ lực và sức mạnh nội tại đã giúp cho ông vẫn luôn duy trì tình yêu với quỹ đạo đời mình. Đó cũng là một bài học xoay quanh thông điệp luôn luôn vươn lên, từ đó tìm thấy ý nghĩa cho cuộc đời mình.

Với cách viết chân thành, gần gũi, đan kết với nhiều hình tượng, cảnh huống được lấy ra từ các thần thoại cũng như tác phẩm văn chương, phim ảnh nổi tiếng... Đuổi theo ánh sáng không chỉ đơn thuần là một cuốn hồi ký, mà cũng đồng thời là một tác phẩm văn xuôi hấp dẫn về một thời đoạn của tuổi trẻ lạc lối và tuổi trưởng thành không ngừng bỏ cuộc. Một tác phẩm vượt ra khỏi biên giới thể loại để mang đến câu chuyện phổ quát và thông điệp ý nghĩa cho những cá nhân vẫn đang chật vật trên con đường sự nghiệp của bản thân mình.

Gã du đãng chúng ta đang lùng kiếm – Le Thi Diem Thuy

Thuộc thế hệ thứ 2 của những cây bút “di dân”, Gã du đãng chúng ta đang lùng kiếm tuy có dung lượng tương đối khiêm tốn, nhưng nội dung mà nó truyền tải lại vô cùng lớn về mặt cảm xúc cũng như ấn tượng đến từ người đọc. Đó là hành trình tìm lại cội nguồn, xác định bản lai diện mục của một cá nhân với lai lịch “dị thường” qua thứ văn chương đẹp đẽ, thơ mộng với nhiều hình ảnh ám ảnh nối nhau cho đến vô cùng. Le Thi Diem Thuy sở hữu ma thuật của từ ngữ, để nhào nặn nó thành những ấn tượng không thể nào phai.

Cõi người và thân phận ấy cũng mong manh như con bướm suốt đời lưu cữu trong thứ thủy tinh trong suốt và nhìn thấu được. Kiếp người di dân cũng mãi tạc ghi vào mã gene mình ám ảnh về nước, dẫu là cái hồ trong khu dân cư hay thứ nước biển mặn chát của những con thuyền lênh đênh trên biển... thì cũng hình thành ở họ nỗi sợ nguyên thủy về số phận mình và thân phận mình giữa dòng chìm nổi. Le Thi Diem Thuy nắm bắt được chúng một cách tinh tế, và dàn trải ra giữa các trang viết một cách chân thành mà không lên gân.

Về mặt văn chương, Le Thi Diem Thuy cùng Ocean Vuong là 2 nhà văn đại diện cho khả năng nắm bắt được từng khoảnh khắc và cấp đông nó cho đến vĩnh cửu. Gã du đãng chúng ta đang lùng kiếm hay Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian là các tác phẩm có nhiều tầng nghĩa, làm xúc động cả những ký ức cá nhân hay nỗi đau cộng đồng. Và sức ám ảnh ấy sẽ lại khởi đầu mỗi khi những dòng chữ đầu tiên hiện ra và người đọc bị cuốn theo dòng nước ấy.

Những kẻ tuyệt vọng – Minh Tran Huy

Văn chương di dân khắc ghi trong lòng người đọc rất nhiều ấn tượng xoay quanh chủ nghĩa hiện thực, thế nhưng với Minh Tran Huy, cô đã làm điều đó một cách văn chương và vị nghệ thuật đến không ngờ đến. Ở Những kẻ tuyệt vọng ta sẽ không tìm thấy những gia đình tan nát của các thuyền nhân, ta cũng không thấy những chật vật hòa nhập với cuộc sống mới một cách hiển hình... mà thay vào đó là sự giao hòa của những tâm thức với các câu chuyện mang tính đại diện khác lạ.

Cuốn sách kể về chuyện tình vô cùng tươi đẹp của Lise và chàng Louis đầy những khát khao nhưng hành trình đến được với nhau cũng đã trải qua không ít khó khăn cũng như thách thức. Từ Việt Nam đến những lâu đài nước Pháp, từ những công viên bên bờ sông vắng lặng đến tàn tích lâu đài của thời Trung cổ... Cuốn sách xé toạc những đường biên không – thời gian để mang đến một tác phẩm lạ lẫm, thách thức, không ngừng chờ được giải đáp.

Điều ta tìm thấy trong tiểu thuyết này là sự giao thoa của Đông với Tây, của quá khứ với hiện đại, của Á và Âu trong sự tương đồng và phát triển thêm từ Trọng Thủy – Mỵ Châu đến Tristan - Iseult, hay bộ tứ Tấm Cám – Lọ Lem – Bạch Tuyết – Công chúa ngủ trong rừng.... Mang đậm màu sắc của Angela Carter trong không khí Gothic được phối trộn với trọng tâm di dân, đây là cuốn tiểu thuyết được đẩy đến đường biên của những thể nghiệm, đòi hỏi một sự truy tầm giá trị sâu xa hơn việc thưởng thức. Có thể nói Minh Tran Huy đã viết nên một tác phẩm ấn tượng, độc đáo và không thể quên.

Khát khao cây cỏ - Michael Pollan

Từ trước đến nay, trong các tác phẩm nghiên cứu, con người luôn chứng minh mình là chủ nhân của mọi thứ, là đối tượng tác động, là tác nhân chủ chốt... Nhưng với Khát khao cây cỏ, Michael Pollan đã thực hiện điều ngược lại, khi đặt ra một câu hỏi vô cùng thách thức, rằng thực vật nghĩ gì về ta, liệu con người có thật là phía nắm chuôi, quyết định mọi thứ cho giống loài vốn được ngầm hiểu là không có trí thông minh hay nhạy bén này?

Câu hỏi nói trên đã được giải đáp qua 4 phần lớn xoay quanh loài táo, tulip, cần sa và khoai tây, gắn với khát khao vị ngọt, vẻ đẹp, niềm hứng thú và sự an toàn. Từ các rừng táo ở nước Mỹ đến các thùng container trồng cần sa nhân tạo ở Amsterdam, từ ngày hiện tại trong công nghệ biến đổi gen ở khoai tây cho đến nhiều thế kỷ trước khi cơn sốt tulip vẫn còn là thứ gì đó cực kỳ bùng nổ... Pollan từng bước dẫn ta vào mạng lưới gắn kết đặc biệt, để biết con người xét cho đến cùng chỉ là một cực của các mối quan hệ, trong tính chủ động cũng như bị động.

Những câu chuyện về Johnny Hạt Táo, đặc tính có kế hoạch theo trường phái Apollo hay hoang dã của Dionysus... đã đưa người đọc không chỉ lướt qua lịch sử mà các loài cây gắn liền, mà cũng đồng thời là một biên niên sử về các khao khát và niềm đắm say của nhân loại này. Có thể xem đây là một tác phẩm rực rỡ, bao quát và choáng ngợp về mối gắn kết giữa con người cùng tự nhiên.

Con đường thủy vào Trung Hoa - Milton Osborne

Những ngày gần đây câu chuyện xoay quanh sông Mekong bỗng nóng trở lại trong việc xây dựng kênh đào Phù Nam và những được – mất sau đó. Chính điều này cũng đưa ta về lại với quá khứ của hơn 100 năm trước, khi những người Pháp tiên phong đã cố gắng tìm con đường thủy cho việc giao thương nối liền từ điểm tận cùng đổ ra biển Đông trên đất An Nam với thượng nguồn từ dãy Himalaya ở nơi đầu mút Trung Quốc.

Con sông hùng vĩ phần nào dự báo tầm vóc của cuộc thám hiểm, và quả đúng như thế, những gì được Milton Osborne kể lại có thể được xem như một bằng chứng lịch sử, nhưng cũng có thể quan niệm đó là một cuốn tiểu thuyết phiêu lưu nói gót những Thuyền trưởng Corcoran hay tác phẩm của Conrad danh tiếng... Những khó khăn, thách thức; sự thịnh vượng, trù phú nhưng cũng nguy hiểm chết người của miền nhiệt đới... cho ta thấy rằng con đường khai sáng của nơi mẫu quốc chưa khi nào là dễ, chưa cần bàn đến niềm tin, ý dân hay là những thứ thuộc về tư tưởng.

Bằng việc khai thác nguồn sử liệu phong phú và cách kể chuyện cuốn hút, Con đường thủy vào Trung Hoa là một tác phẩm đáng đọc, nên đọc, để biết về những khó khăn của con đường khai sáng văn minh, cũng như sự huyền diệu của miền nhiệt đới từ trăm năm trước hay trăm năm sau vẫn mãi như vậy.

Đọc bài viết

Trà chiều

Thế giới viễn tưởng độc đáo trong bốn bộ phim mang đậm tính thể nghiệm

Published

on

Thế giới của phim khoa học viễn tưởng không phải lúc nào cũng chỉ có AI, robot, hay du hành không gian mà còn vô vàn những điều đặc biệt khác có thể bạn chưa biết.

Năm 2023 vừa qua đã ghi nhận sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của AI. Điều đó khiến cho dòng phim khoa học viễn tưởng nhận được nhiều sự quan tâm trở lại. Nhắc đến dòng phim này, người ta vẫn thường đóng khung nó với vài yếu tố tiêu biểu thường gặp như: AI, robot, du hành vũ trụ, thế giới song song… Tuy nhiên, có rất nhiều tác phẩm sci-fi kinh điển đã chứng minh điều ngược lại.

Hãy cùng Bookish khám phá những bộ phim sci-fi không thuần túy là sci-fi vì ở đó, người xem được tận hưởng bữa tiệc điện ảnh đỉnh cao với những hương vị hòa quyện mĩ mãn từ nhiều thể loại khác nhau.

Back to The Future (1985)

Sci-fi x Road Trip Comedies

Cùng với The Terminator, Back To The Future ra đời năm 1985 đã trở thành biểu tượng kinh điển của dòng phim sci-fi lấy chủ đề du hành thời gian. Đó cũng là một trong những nguyên nhân mà bộ phim này được nhắc đến nhiều lần trong Avengers: Endgame lúc cả nhóm quyết định quay về quá khứ.

Tuy nhiên, không giống như The Terminator, Back To The Future mang màu sắc vui nhộn, hài hước của lứa tuổi học trò. Cậu học sinh tuổi teen Marty McFly ở thập niên 80 vô tình bị kéo về quá khứ trên chiếc xe cỗ máy thời gian của nhà khoa học Emmett Brown. Cậu quay trở về thập niên 50 – lúc này bố mẹ cậu cũng ở lứa tuổi học trò như cậu. Để có thể quay về hiện tại năm 80, cậu phải tìm cách hàn gắn mối quan hệ của bố mẹ, nếu không bản thân cậu cũng sẽ không tồn tại ở năm 80. Từ đó, câu chuyện nảy sinh nhiều tình huống dở khóc dở cuối. Nếu như The Terminator là sự phối trộn hoàn hảo giữa thể loại sci-fi và hành động thì Back To The Future lại là màn kết hợp ăn ý giữa thể loại sci-fi và hài hành trình. Bộ phim tốn kinh phí thực hiện là 19 triệu USD nhưng lại có doanh thu phòng vé lên đến 388 triệu USD. Chính vì thành công này mà đạo diễn Robert Zemeckis đã thực hiện hai phần tiếp theo cũng vui nhộn không kém.

Snowpiercer (2013)

Sci-fi x Dystopia

Bong Joon Ho không chỉ tạo ra những bộ phim sâu sắc về đề tài xã hội mà ông còn có khả năng làm phim khoa học viễn tưởng rất chặt chẽ, thuyết phục. Điều này thể hiện rõ nhất qua Snowpiercer. Phim dựa trên tiểu thuyết Pháp Le Transperceneige lấy đề tài hậu tận thế. Trong tương lai, sau một thí nghiệm thất bại, khí hậu toàn cầu biến đổi dẫn đến gần như toàn bộ sinh vật đều bị diệt vong, ngoại trừ một số người may mắn có mặt trên con tàu Snowpiercer chạy vòng quanh Trái đất với động cơ vĩnh cửu. Tại đây, một xã hội thu nhỏ mới lại được hình thành. Dưới bàn tay tài hoa của Bong Joon Ho, Snowpiercer cũng không đơn giản là tác phẩm sci-fi thuần túy mà ông còn lồng ghép vào nhiều thể loại khác nhau: có những phân đoạn hành động mãn nhãn, đồng thời cũng có những phân đoạn dí dỏm, và cách đặt vấn đề về giai tầng xã hội vẫn mang phong cách rất đặc trưng của Bong. 

Eternal Sunshine Of The Spotless Mind (2004)

Sci-fi x Romance

Sẽ như thế nào nếu kết hợp thể loại sci-fi với phim tình cảm? Khi đó, chúng ta sẽ có kiệt tác Eternal Sunshine Of The Spotless Mind của bộ đôi đạo diễn Michel Gondry và biên kịch Charlie Kaufman. Bộ phim sử dụng đề tài “can thiệp kí ức” để khám phá bản năng con người khi tình yêu tan vỡ. Sẽ ra sao nếu khi chia tay một ai đó, bạn có thể xóa toàn bộ những kí ức vui buồn liên quan đến họ ra khỏi tâm trí? Sau khi Joel biết được Clementine – người yêu cũ của anh đã xóa kí ức tình yêu, anh quyết định bản thân mình cũng sẽ thực hiện việc này. Nhưng khi anh khám phá được điều gì đã khiến họ gắn kết rồi lại chia xa, anh nhận ra mình vẫn còn tình cảm dành cho cô. Nếu như công nghệ trong phim là thứ hư cấu thì cảm xúc giữa hai nhân vật trong Eternal Sunshine hoàn toàn chân thực, lay động trái tim người xem, khiến ai cũng phải thổn thức.

Under The Skin (2013)

Sci-fi x Experimental film

Cuối cùng, không thể không nhắc đến bộ phim sci-fi mang tính thể nghiệm, tiên phong đáng nhớ: Under The Skin. Có rất nhiều phim lấy đề tài sinh vật ngoài hành tinh xâm nhập Trái đất, nhưng có lẽ chưa bộ phim nào kể câu chuyện thật đặc biệt nhưng lại với nhịp điệu từ tốn như Under The Skin. Scarlett Johansson trong vai sinh vật ngoài hành tinh vô danh chỉ làm đúng một công việc là đi lang thang trên một chiếc xe tải, lựa chọn những người đàn ông cô đơn làm con mồi. Bộ phim rất kiệm lời thoại, khiến người xem rợn người không chỉ bởi những hình ảnh thị giác lạ mắt mà còn bởi thứ âm nhạc cũng đầy tính thể nghiệm độc đáo của Mica Levi. Tuy nhiên, nếu chỉ tập trung vào thể nghiệm mà bỏ qua nội dung, Under The Skin đã không gây được tiếng vang lớn như thế trong cộng đồng điện ảnh. Sau tất cả, bộ phim của đạo diễn Jonathan Glazer lại khiến người xem trăn trở nhiều về thân phận làm người.

Hoàng Đức Nhiên

Đọc bài viết

Trà chiều

The Terminator & Blade Runner: Hai tượng đài điện ảnh độc đáo của thập niên 80

Published

on

Cùng ra mắt vào thập niên 80, The Terminator (1984) và Blade Runner (1982) đều là hai kiệt tác điện ảnh độc đáo, góp phần rất lớn trong việc tạo ra diện mạo mới cho thể loại sci-fi.

Bài viết này sẽ dẫn dắt bạn khám phá những vấn đề khác nhau được đặt ra trong hai phim: từ những dòng suy tư về mối liên hệ nhân quả giữa hành động và thời gian trong The Terminator đến không gian đô thị đậm chất noir và những truy vấn về bản chất con người trong Blade Runner.

The Terminator (1984)

The Terminator là bước đột phá ngoạn mục trong sự nghiệp điện ảnh của đạo diễn James Cameron. Vào thời điểm ra mắt, bộ phim gây ấn tượng bởi việc pha trộn nhiều đặc tính giữa các thể loại khác nhau, mang đến màu sắc mới cho dòng phim sci-fi.

The Terminator kể câu chuyện về một người máy sát thủ ra đời năm 2029, được trao nhiệm vụ quay về năm 1984 để giết người phụ nữ trẻ tên là Sarah Connor. Sarah hoàn toàn không biết rằng cuộc đời cô có ảnh hưởng đáng kể đến số phận nhân loại và cô có thể chết bất cứ lúc nào dưới sự truy sát của cỗ máy bất khả chiến bại được gọi là Kẻ Hủy Diệt. Kyle Reese cũng đến từ tương lai nhưng nhiệm vụ của anh là bảo vệ Sarah – người mẹ của thủ lĩnh tương lai.

Với cốt truyện như thế, The Terminator vừa có những pha hành động mãn nhãn, vừa có nhiều tầng suy tư phức tạp về dòng chảy của thời gian, về phương thức thay đổi một sự kiện trong quá khứ có thể dẫn đến tương lai khác biệt hoàn toàn – đây vốn là chủ đề hiếm gặp trong phim hành động ở giai đoạn đó. Ngoài ra, những bản nhạc nền tạo không khí căng thẳng của nhạc sĩ Brad Fiedel cũng góp phần lớn vào thành công của phim.

Tất cả những nhân tố đó đã khiến phim trở thành một mảnh ghép quan trọng của văn hóa đại chúng đến tận ngày nay. Câu nói “I'll be back” của nhân vật Kẻ Hủy Diệt trong phim được sử dụng phổ biến, trở thành slogan thương hiện cho chính Arnold Schwarzenegger.

Từ năm 1984 đến nay, The Terminator đã sản xuất 6 phần phim: The Terminator (1984), Terminator 2: Judgment Day (1991), Terminator 3: Rise of the Machines (2003), Terminator Salvation (2009), Terminator Genisys (2015), Terminator: Dark Fate (2019). Tất cả những phần phim này đều đạt được doanh thu khủng, riêng phần đầu tiên The Terminator đã trụ vững ở vị trí số 1 trên bảng xếp hạng phòng vé ở Mỹ trong suốt hai tuần. Năm 2008, The Terminator đã được Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ đưa vào Viện lưu trữ phim quốc gia để bảo tồn với lí do là bộ phim “nổi bật ở phương diện văn hóa, lịch sử, và mĩ học”.                          

Blade Runner (1982)

Không may mắn như The Terminator, Blade Runner của đạo diễn Ridley Scott là một tuyệt tác có số phận khá hẩm hiu khi vừa ra đời. Tuy nhiên, qua nhiều thập kỉ với những bản dựng khác nhau, tác phẩm này đã trở thành một tượng đài lớn của thể loại sci-fi.

Dựa trên tiểu thuyết gốc Do Androids Dream Of Electric Sheep? của nhà văn Philip K. Dick, Blade Runner vẽ nên viễn cảnh ảm đạm của thế giới vào năm 2019. Khi đó, thế giới tràn ngập những replicant – người máy có hình dạng giống con người, được tạo ra với vòng đời ngắn ngủi để làm những công việc nguy hiểm phục vụ cho con người. Một nhóm replicant bất mãn trước việc này đã làm một cuộc phản loạn, quay trở về Trái Đất và giết con người. Rick Deckard, một cảnh sát đã nghỉ hưu ở Los Angeles nhận nhiệm vụ phải truy lùng và tận diệt toàn bộ nhóm replicant nổi loạn này.

Blade Runner là sự pha trộn giữa sci-fi, trinh thám và phim noir – thể loại phim hình sự tội phạm mang đậm phong cách Hollywood, thường thể hiện thái độ hoài nghi, mỉa mai. Thông qua hành trình của Rick Deckard, bộ phim đặt ra nhiều câu hỏi triết học về tính người, thế nào là một con người.

Nhưng không chỉ sâu sắc về nội dung, Blade Runner còn là bữa tiệc chiêu đãi về thị giác qua cách bộ phim thể hiện không gian đô thị tương lai với những màn hình quảng cáo lớn, đèn neon luôn lấp lánh và đường phố lúc nào cũng nhộn nhịp. Cảm hứng thị giác của phim kết hợp từ những bức tranh cổ điển của danh họa Edward Hopper và các khu phố với những tòa nhà chọc trời ở Hong Kong. Sự kết hợp này đã tạo nên không gian thị giác ấn tượng của phim khi con người bị nhấn chìm trong công nghệ. Mĩ thuật của phim tạo ảnh hưởng lớn đến cách xây dựng không gian cho những phim sci-fi hay hành động của Hollywood ra đời sau đó như: The Matrix (1999), bộ ba Dark Knight (2005 – 2012) của đạo diễn Christopher Nolan, Ghost in the Shell (2017)…

Ngày nay, Blade Runner đã có một chỗ đứng không thể thay thế trong dòng phim sci-fi với nhiều ảnh hưởng mang tính định hình về mĩ thuật, tư duy về cách kể chuyện và nhân vật. Blade Runner 2049 – phần tiếp theo của phim ra đời vào năm 2017, đúng 35 năm kể từ phần đầu tiên đã không làm người hâm mộ thất vọng với điểm số trên Rotten Tomatoes lên đến 88%.

Hoàng Đức Nhiên

Đọc bài viết

Cafe sáng