Trà chiều

Những nỗi buồn dịu dàng

Tôi đã nấn ná ngồi lại trong văn phòng một chút sau giờ làm việc, nhìn ngày dần tàn qua khung cửa sổ, bật lên những bản nhạc của nàng, để nỗi buồn của nàng và nỗi buồn của tôi hòa làm một.

Published

on

cho những ngày âm nhạc là số một

Tôi biết Suzy đã lâu qua những bài viết thỉnh thoảng hay thấy trên Kênh 14. Đương nhiên là tôi chỉ đọc lướt qua tiêu đề chứ hiếm khi click vào đọc bất cứ bài nào viết về nàng. Đơn giản vì tôi chưa xem phim nàng đóng, nghe nhạc nàng hát nên tôi cũng không có hứng thú đọc thông tin về nàng lắm. Tôi cũng không có ý định sẽ thưởng thức bất cứ tác phẩm nào trong quá trình hoạt động nghệ thuật của nàng.

Năm 2016, tôi đắm chìm trong W và rất thích Lee Jong Suk mặc dù ý định xem phim ban đầu là vì Han Hyo Joo. Vậy nên năm ngoái, tôi đã quyết định xem While you were sleeping không chút đắn đo một phần vì tên phim đã khiến tôi ấn tượng với chủ đề nó hướng đến (tôi vốn rất thích Dream của Kim Ki Duk, tôi đã hình dung While you were sleeping cũng có không khí tương tự), và phần nhiều là vì Suk. Tôi không có chút gì mảy may xem phim này vì Suzy. Trên thực tế, cũng không vì bộ phim này mà tôi thích Suzy. Suzy thật xinh – điều này tôi đã thấy qua hình ảnh trước đó. Nhưng khi xem phim, ấn tượng đầu tiên của tôi không phải là vẻ đẹp nàng sở hữu, mà là giọng nói của nàng. Đó không phải là một ấn tượng tốt hay không tốt, đó là một ấn tượng trung tính. Nàng không có giọng nói nhẹ nhàng, thanh thoát như Song Hye Kyo, Son Ye Jin hay như một số nữ diễn viên Hàn mà tôi thích. Đó là lần đầu tiên tôi nghe được một giọng nữ Hàn với âm vực trầm và mạnh như thế. Trái với khuôn mặt nàng, có gì đó rất nam tính, thiên về dấu cộng nhiều hơn dấu trừ trong cách nàng nói, kể cả khi thốt ra những lời yêu thương đường mật nhất. Nhiều lúc tôi còn tưởng tượng không biết nàng có trải qua quá trình “vỡ giọng” của phụ nữ tuổi trưởng thành không. Tôi cũng không thể hình dung được nàng sẽ hát những bản tình ca như thế nào.

Tuy vậy, xem xong While you were sleeping, tôi vẫn thử download mini album Yes No Maybe của nàng về máy. Tôi không nghe ngay lập tức nhưng chép vào điện thoại để lúc nào đó sẽ nghe. Trong suốt hai tháng sau đó, tôi quên béng mất việc album này đã nằm gọn trong điện thoại. Cho đến một ngày, tôi chợt nhớ ra và mở nghe thử. Tôi không nhớ quá nhiều về ấn tượng những lần đầu tiên nghe, nó không để lại trong tôi ấn tượng mạnh mẽ ngay lập tức. Thế nhưng, không hiểu sao tôi vẫn đều đặn mở nó vào mỗi sáng thức dậy trong suốt một tuần. Và sau một tuần, tôi bỗng nhiên thấy nó hay, thấy nó xuất sắc một cách lạ lùng.

Bản nhạc đầu tiên chạm đến trái tim tôi là bài hát nằm cuối album: A little flower. Đây là một bản nhạc pop thông thường, giai điệu nghe thoáng qua có vẻ khá phổ biến với kiểu pop châu Á. Phần intro bản nhạc khiến tôi nhớ đến những bản nhạc pop nằm trong album Wishing for Happiness của Dương Thừa Lâm – đó có lẽ là album nhạc pop của Dương Thừa Lâm mà tôi thích nhất. Những nốt nhạc đầu tiên của A little flower khiến tôi nhớ đến Nỗi phiền muộn của chàng Werther, đến Tự tác tự thụ (My fault), đến Missing you trong album ấy. Và đoạn verse hay chorus lại khiến tôi nhớ đến những bài nhạc Việt như Cỏ mềm của Đỗ Bảo, Quên mất đã từng yêu của Đông Nhi… Đương nhiên, giai điệu những nốt nhạc không giống nhau, nhưng cảm giác của tôi ở đây là chúng cùng chia sẻ một bầu không khí. Tôi sẽ gọi bầu không khí ấy là những nỗi buồn dịu dàng. Đó là những nỗi buồn thật điềm tĩnh, thật trầm lắng, và sự dịu dàng ấy không đồng nghĩa với việc không đau. Như một vết cắt dù có lớn thế nào rồi cũng sẽ đến giai đoạn lên da non. Những bản nhạc này không nói về các vết thương trong giai đoạn còn rướm máu, hay mưng mủ, hay đã lên mài, nó chính xác là giai đoạn đã lên da non, là ngay điểm giao giữa ranh giới ở lại hay bước qua nỗi buồn. Và sự lựa chọn ấy là tùy thuộc riêng vào từng bài hát, từng giai điệu, từng tâm trạng.

Vì quá thích A little flower, tôi đã thử tìm hợp âm của bài này trên mạng và ngạc nhiên khi nó là tổ hợp của những hợp âm bậc 9. Dm9, G9, kính thưa 9 các kiểu. Đoạn mở đầu dịu dàng ấy hóa ra là thành quả của bậc 9 được thêm vào cơ đấy. Sau đó, tôi thử đàn đi đàn lại đoạn đầu với Dm9, G9, tôi nhấm nháp sự dịu dàng, bình yên của nó. Tôi cũng thử đàn lại đoạn mở đầu bằng Dm và thấy dù vẫn hợp nhưng không hay bằng Dm9. Tại sao điều đó lại xảy ra? Và rốt cuộc, tôi đã thức đến ba giờ sáng dù hôm sau còn phải đi làm để đọc qua hướng dẫn sơ lược về bậc 9, để nghịch với nó. Tôi không đọc lí thuyết nhiều, chỉ biết vừa đủ để nghịch, để tận hưởng sự kì diệu bậc 9 (hay bậc 2) mang lại. Lí thuyết nói rằng những nhóm hợp âm mở rộng như 9, 11, 13 được thêm vào dựa trên nốt của giai điệu, đơn giản là vậy thôi. Vây nên, khi muốn sử dụng 9, 11 hay 13 thì bản thân giai điệu cũng phải có những nốt bậc 9, 11, 13. Hợp âm mở rộng 9, 11, 13 chỉ đơn giản là để mang lại nét cá tính riêng cho phần hòa âm của chính bản nhạc, nếu cứ trưởng thứ hoặc thậm chí là cả 7 thì rất chung chung. Nên cẩn thận khi sử dụng hợp âm bậc 11 vì nó chính là nốt bậc 4 ở quãng trên, sử dụng 11 đôi khi dễ có cảm giác đang sử dụng hợp âm sus4 hơn là 11. Trong khi đó, bậc 13 đôi khi không khác mấy bậc 6, mà bậc 6 về cơ bản thì lại là bậc 7 của quãng 3 trên, nếu không tính toán cẩn thận thì nó cũng không có gì khác biệt. Qua chuyện này, tôi lại cảm nhận đôi khi âm nhạc cũng không khác toán học cho lắm, chúng đều có những phép tính đòi hỏi sự cẩn thận để làm tôn lên vẻ đẹp của kết quả (âm nhạc), hoặc để có một kết quả thật chuẩn xác (toán học).

Quay lại với bậc 9, phép tính trên cho thấy, trong nhóm hợp âm mở rộng, rốt cuộc sáng giá nhất hay dễ sử dụng nhất vẫn là bậc 9. Sau khi biết lí thuyết đơn giản như vậy, tôi lao vào thử đàn ngay bậc 9 theo tiến trình ngược để tự học. Theo qui luật tự nhiên, người ta sẽ soạn giai điệu cho tay phải trước rồi tìm hợp âm phù hợp cho tay trái. Nhưng ở đây, vì muốn thử âm tiết của bậc 9, tôi đàn hợp âm 9 bên tay trái trước và từ tay trái tìm ra giai điệu phù hợp cho tay phải. Tiến trình giúp tôi tìm được câu trả lời cho câu hỏi tôi đã thắc mắc bao năm qua. Làm sao để tạo ra âm điệu cho những nỗi buồn dịu dàng ấy? Hóa ra là bậc 9. Một hợp âm cơ bản, rất vui tươi như C khi có thêm nốt bậc 9 là D ở quãng trên thì bỗng nhiên nhuốm chút gì đó buồn ngay, nhưng đương nhiên là không buồn hẳn vì nếu buồn hẳn là đã sang hợp âm thứ trong khi nó vẫn đang là trưởng. Nếu như hợp âm cơ bản gồm bậc 1-3-5 cho ta xác định tâm trạng chung là vui hay buồn, hợp âm bậc 7 là vui buồn không rõ ràng, thì hợp âm bậc 9 là nỗi buồn dịu dàng. Nỗi buồn dịu dàng. Nỗi buồn dịu dàng của tôi. Tôi cứ vừa đàn vừa tấm tắc sung sướng trong đầu mãi: “Thứ mình cần đây rồi. Mình có thứ mới để chơi rồi.” Và cứ thế tôi đàn không biết mệt dù trước đó buồn ngủ lắm rồi, đã nhủ chỉ đàn một chút 10-15 phút thôi nhưng ba tiếng trôi vèo nhanh chóng, từ 12 giờ đêm, khi đồng hồ chỉ 3 giờ sáng lúc nào tôi không hay. Tôi nhớ lại khoảng thời gian này năm ngoái, khi ấy tôi cũng đang chơi đùa, nhưng đó là lần đầu tiên thử chơi đùa với hợp âm 6 sau khi đã viết được một bài phần lớn là dùng hợp âm 7. Hợp âm 6 là hợp âm bạn tôi không thích lắm vì anh nói hợp âm 6 thực chất chỉ là hợp âm 7 của quãng 3 trên thôi (đơn cử như C6 thực chất là chỉ là thế bấm đảo của Am7) nên dùng hợp âm 6 không có nhiều lợi ích lắm, có thể dùng 7 để thay thế và muốn dùng hợp âm mở rộng thì thử hợp âm 9 đi, nó mới thực sự là thêm nốt mới, thêm màu sắc mới cho bản nhạc, và âm bậc 9 khi thêm vào hợp âm nghe hay lắm. Tôi vẫn nhớ rõ từng lời anh nói như thế. Nhưng tôi chưa bao giờ thử dùng bậc 6 bao giờ nên cũng tò mò, muốn tự mình trải nghiệm, tự mình thử một lần trong đời xem như thế nào. Bậc 6 đến với tôi khi tôi thấy hợp âm của ai đó soạn cho bài La Vie En Rose trên mạng. Những đoạn bậc 6 khi thay thế bằng trưởng thứ bình thường nghe vẫn hợp với giai điệu bài hát, nhưng khi tôi đàn nó thử với bậc 6 thì nghe sướng tê người. Âm điệu lửng lơ của bậc 6 đặt ngay đúng chỗ trong giai điệu bài hát khiến tôi thấy xúc động. Bậc 6 rõ ràng không phải quá tệ nếu biết đặt đúng chỗ. Một trong những lí do tôi thích chính bài Drinking the fading sunlight của mình cũng chỉ đơn giản vì đó là một trải nghiệm vui vẻ, đáng nhớ khi thử thử ép mình phải viết giai điệu sao cho dùng bậc 6 mà nghe hợp. Đêm ấy tôi đã thức trắng đến 5 giờ sáng chỉ đàn bậc 6 và 7. Khoảng thời gian đó, tôi đã sao lãng mất lời dặn của anh về bậc 9. Và giờ thì tôi đã hiểu tại sao anh lại thích bậc 9 như vậy. Giờ thì tôi đã thấy được sự kì diệu của bậc 9, đã biết yêu nó và tôi muốn trong tương lai, một lúc nào đó lại thử viết lên giai điệu phù hợp với bậc 9.

Tôi đã đi chệch quá xa những điều ban đầu mình muốn viết. Tôi muốn viết về album Yes No Maybe của Suzy. Tôi phải nhắc lại điều này lần nữa. Bài tôi thích thứ nhì sau A little flower chính là bài đầu tiên của album: Pretending to be happy. Tôi thích phần hòa âm phối khí của bài này, thích giai điệu và thích cả câu chuyện trong lời bài hát nữa – đó là nỗi buồn mà có lẽ ai cũng từng một lần trải qua. Pretending to be happy không hiểu sao khiến tôi có cảm giác nó giống nhạc jazz, kiểu jazz nhẹ như được pha loãng với pop luôn là thứ đặc sản tôi yêu thích. Sau đó, tôi lại thích Like a heater – bài số năm trong album. Like a heater không hiểu sao khiến tôi nhớ đến những bản nhạc bossa nova thuần chủng dù có lẽ bài này không hẳn là điệu bossa nova (tôi không có đủ kiến thức để phân định) mà chỉ mượn bossa nova cho phần phối khí để tạo không khí. Vì vậy, Like a heater khiến tôi nhớ đến một bản bossa nova mà tôi rất thích trong album nhạc phim Alone in Love: What if we. Tôi đã bỏ cả một album tổng hợp nhạc của Antonio Carlos Jobim vào điện thoại để thẩm thấu vẻ đẹp của bossa nova nhưng đáng tiếc thay, đến nay số lần repeat album ấy trong điện thoại vẫn chưa nhiều lắm, phần lớn tôi vẫn nuông chiều tai mình với pop và thỉnh thoảng là jazz pha pop. Nhưng Like a heater dễ thương lắm, nó là kiểu bossa nova rất dễ nghe, câu chuyện trong lời bài hát cũng dễ thương như chính giai điệu của nó vậy.

Bài thứ 4 tôi thích trong album cũng là bài ở vị trí thứ tư trong album: Les Preferences. Những lần đầu tiên, bài hát này cho tôi cảm giác ngang phè phè, uể oải, buồn chán. Về sau, tôi lại thích chính sự ngang phè phè đó. Nỗi buồn đâu cần phải cố gắng tạo kịch tích để lên cao, xuống thấp, thắt nút mở nút như một phim giải trí. Khi bạn buồn thực sự hoặc khi bạn ở trong nỗi buồn nào đó quá lâu, bạn không còn muốn làm gì kể cả khóc, bạn chỉ đơn giản là vẫn tiếp tục sống ngày qua ngày. Giai điệu bản nhạc này cho tôi cảm giác đó. Nó là nỗi buồn khe khẽ thấm sâu từng ngày, một cơn đột kích tăng vọt đến cao trào là điều quá tàn nhẫn với nó. Phần phối khí của bản nhạc này là khiến tôi nhớ đến những bản nhạc pop quốc tế khoảng tầm thập niên 80, 90 chẳng hạn như là bài Take on me cua a-ha, Maria của Blondie, đây có thể không phải là những ví dụ thích đáng lắm nhưng đột nhiên tôi cũng không nhớ ra được bài nào khác. Phần đánh trống và phối khi của Les Preferences mang âm hưởng cũ xưa khá giống hai bài ấy nhưng chỉ khác là được chơi với tempo chậm hơn, trong giai điệu dường như cũng có lẫn chút âm hưởng blue của các bản jazz chậm.

Tôi lần lượt thích bài It’s all like thatYes No Maybe vào cùng thời điểm nhưng có lẽ sự yêu thích dành cho It’s all like that vẫn nhỉnh hơn một chút vì giai điệu bài này rất bắt tai, dường như là RnB lại có thêm đoạn rap nghe rất đã nữa. Yes No Maybe thì có lẽ để cho phù hợp với concept tribute Vương Gia Vệ nên đúng là nó ra được chút chất điên loạn của khung hình mắt cá, các chuyển động mờ nhòe đứt khúc vì quay thiếu hình trong một frame – những yếu tố thị giác rất đặc trưng trong phim của ông.

Tóm lại là, mini album này có 6 bài và tôi thích hết cả 6. Lâu lắm rồi, tôi chưa nghe một album nào khiến tôi hứng khởi đến mức thôi thúc tôi phải viết lại suy nghĩ như thế này. Khi bạn thích trọn vẹn một album, bạn sẽ có niềm vui là không phải khổ sở chọn bài để nghe, bạn cứ bấm bừa bất kì bài nào trong album nghe cũng được, nghe bao nhiêu bài một lúc cũng được, bạn nghe trọn vẹn từ đầu đến cuối, rồi lại từ đầu đến cuối, cảm nhận không khí riêng của từng bài hòa trong không khí toàn vẹn chung của cả album. Điều đó thật tuyệt vời. Một album tuyệt vời sẽ cho bạn cảm giác đó, giống như xem từng cảnh trong một bộ phim, đọc từng chương trong một cuốn tiểu thuyết, mỗi phần đều có vẻ đẹp của riêng nó và khi hợp lại, nó tạo thành một câu chuyện trọn vẹn. Album này của Suzy cho tôi cảm giác đó. Tôi rất trân trọng nhà sản xuất của công ty JYP đã vô cùng nỗ lực cho ra đời sản phẩm âm nhạc nhiều màu sắc, văn minh như thế này. Nó góp phần thay đổi định kiến của tôi về K-pop và những ca sĩ thần tượng của K-pop. Ban đầu, tôi đã không đặt kì vọng quá nhiều vào chất lượng âm nhạc của album này, chỉ nghe cho vui là chính. Nhưng quả thực, đúng là không nên vội đánh giá, phán xét sự vật qua vẻ ngoài của nó.

Có lẽ, trên thực tế, Yes? No? không phải là album quá xuất sắc với nhiều người nhưng chỉ cần nó xuất sắc với tôi, tôi nghĩ thế là quá đủ cho việc thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật. Tôi không chờ đợi đồng minh hay đánh giá tương tự từ những người khác nữa. Tôi ở trong nó, nó ở trong tôi, chúng tôi bao bọc lẫn nhau. Như thế là một không gian riêng tư toàn vẹn đã được hình thành.

Tôi muốn viết một chút nữa về giọng hát của Suzy. Giọng nàng khi hát thật khác với khi nói. Chất giọng ấy ngọt ngào và nữ tính đến lạ lùng khi cất lên những giai điệu mặc dù khi giao tiếp thông thường, nó khá cứng, mạnh và trầm, đôi lúc gần như một người đàn ông. Tôi không thể lí giải được việc này, có lẽ đó là điều kì diệu của âm nhạc. Cũng giống như cách nó kết nối hai không gian xa cách thành một, liên thông hai tuyến thời gian khác nhau thành một đường thẳng xuyên suốt. Và thế là, tôi đã nấn ná ngồi lại trong văn phòng một chút sau giờ làm việc, nhìn ngày dần tàn qua khung cửa sổ, bật lên những bản nhạc của nàng, để nỗi buồn của nàng và nỗi buồn của tôi hòa làm một. Những nỗi buồn dịu dàng.            

Album Yes? No? trên Spotify:

Kodaki

Click to comment

Viết bình luận

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Trà chiều

Văn hóa đọc tại Việt Nam: Hành trình tỉnh thức trong thời đại mất tập trung

Khi cả thế giới đang quay cuồng trong cơn lốc của tốc độ, của công nghệ số và mạng xã hội, văn hóa đọc – vốn là một hoạt động tĩnh tại, cô độc và đòi hỏi sự kiên nhẫn – bỗng trở thành hiện tượng lạ giữa đời sống hiện đại.

Published

on

Một cú chạm màn hình có thể đưa bạn tới bất kỳ đâu: từ buổi hòa nhạc ở Vienna đến một bữa ăn đường phố ở Bangkok, từ những khoảnh khắc riêng tư của người xa lạ đến bản tin thời sự lúc rạng đông. Nhưng càng dễ dàng kết nối, chúng ta lại càng khó khăn trong việc lắng nghe chính mình. 

Và trong cuộc hành trình ấy, đọc sách - hành động tưởng như đã cũ kỹ, đang âm thầm trở lại như một nơi trú ẩn cuối cùng của tâm hồn hiện đại.

Văn hóa đọc không chỉ là việc “đọc sách”

Văn hóa đọc không nên được định nghĩa đơn giản chỉ là hành vi tiếp nhận văn bản in ấn, cần phải nhìn nó như là một cấu trúc hệ giá trị, nơi người đọc không chỉ tiêu thụ thông tin, mà còn tương tác với tri thức, phản tư, và từ đó tạo ra tầng sâu văn hóa cá nhân. Nên hiểu đọc là một hành vi văn hóa, không chỉ là kỹ năng.

Thế nhưng, tại Việt Nam, hành vi đọc nhiều khi bị giản lược thành “hoạt động học thuộc”. Cái gốc của việc đọc để hiểu mình và hiểu thế giới vẫn còn mờ nhạt trong đời sống học đường lẫn đời sống đô thị.

Chúng ta từng được dạy rằng đọc là để biết nhiều hơn. Nhưng biết không đồng nghĩa với hiểu. “Biết” là quá trình tiếp nhận và lưu trữ dữ liệu dưới dạng thông tin. “Hiểu” vượt lên trên điều đó - nó đòi hỏi sự tham gia của trải nghiệm cá nhân, khả năng phân tích, đồng cảm và cả những va chạm nội tâm. Một tác phẩm có giá trị không chỉ cung cấp tri thức ngoại tại, mà còn tạo điều kiện cho chủ thể tiếp nhận được soi chiếu, phản tỉnh từ đó nhận diện những lớp ẩn sâu của bản thể qua hình ảnh của người khác trong trang sách. 

Khi một đứa trẻ đọc Những tấm lòng cao cả, em sẽ không chỉ học đạo đức, mà bắt đầu cảm nhận được trái tim nhân loại. Khi một thiếu niên lần đầu đọc Người xa lạ của Camus, cậu ấy có thể không lý giải nổi thế giới, nhưng sẽ bắt đầu đặt câu hỏi về nó và về chính mình.

Vấn đề không nằm ở việc thiếu sách, mà thiếu “thái độ văn hóa” với sách

Mặc dù Việt Nam có hơn 30.000 đầu sách xuất bản mỗi năm (theo Cục Xuất bản), thế nhưng lượng sách bán ra tập trung chủ yếu ở thể loại giải trí, ngôn tình, self-help, còn các dòng sách triết học, văn hóa, nhân văn… chiếm tỷ lệ nhỏ hơn. Ta không thiếu sách, ta thiếu một nền tảng thẩm mỹ và nhân văn để lựa chọn sách một cách có chủ đích.

Nguyên nhân không chỉ nằm ở thời đại số làm thay đổi thói quen tiếp nhận thông tin, mà còn nằm ở cách giáo dục về đọc sách. Tại nhiều trường học, việc đọc vẫn gắn liền với hình thức kiểm tra, chấm điểm, làm bài văn nghị luận sách giáo khoa - điều khiến đọc sách trở thành một “nghĩa vụ” hơn là một hành trình khám phá. Gia đình, các bậc phụ huynh còn chưa thực sự nghiên cứu và đặt mối quan tâm lớn lao cho việc giáo dục con trẻ dẫn đến việc các em phụ thuộc quá nhiều vào các thiết bị công nghệ. 

Nhưng tín hiệu đáng mừng là trong những năm gần đây, chúng ta chứng kiến sự nở rộ của các phong trào đọc sách tự phát, không phải từ chỉ đạo hành chính, mà từ những con người đang đi tìm lại bản thân giữa cơn hỗn loạn của thông tin.

Đáng chú ý, sự phát triển của nền tảng số cũng không còn là lực cản, mà đang dần trở thành đòn bẩy cho việc tiếp cận sách: audio book, book podcast, nền tảng chia sẻ tóm tắt sách hay các cộng đồng đọc sách online đang lan tỏa mạnh mẽ. Sách không còn là một vật thể bất động mà trở thành dòng chảy đồng hành với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, âm thanh và cảm xúc.

Tất cả đang làm sống lại một giá trị xưa cũ: sự tĩnh lặng nội tâm. Đọc sách giờ đây không chỉ là tiếp nhận thông tin, mà là một hành động phản kháng với sự phân tán, ồn ào, và tiêu dùng giải trí mang tính chất "mì ăn liền".

Văn hóa đọc trong thời đại “siêu dữ liệu”

Thách thức lớn nhất với văn hóa đọc trong thời đại kỹ thuật số không phải là sự biến mất của sách giấy, mà là sự thoái hóa khả năng tập trung, năng lực phản tư và thái độ nghiêm túc của con người với tri thức. Chúng ta sống trong thời đại mà nội dung có thể bị tiêu thụ như thức ăn nhanh, nơi mọi người “đọc để phản ứng”, thay vì “đọc để cảm nghiệm”. Bởi vậy, chọn đọc - nhất là đọc sâu, đọc chậm giờ đây không chỉ là một lựa chọn mang tính trí tuệ, mà còn là một cách gìn giữ bản thân trước sự xao nhãng của thế giới hiện đại.

Đọc là kháng cự lại tốc độ. Là từ chối cái dễ. Là chọn cái sâu - dù biết nó chậm.

Văn hóa đọc giờ đây không chỉ là sách, mà còn là cách ta sống. Không chỉ là hành động cá nhân. Nó phản ánh cả một văn hóa. Một đất nước biết trân trọng sách là một đất nước không dễ bị lãng quên ký ức. Một thế hệ đọc sách là một thế hệ có nội lực.

Ở Việt Nam, từng có một thế kỷ mà sách được đọc bằng ánh đèn dầu, được chép tay, được truyền tay như những báu vật. Sách đi qua chiến tranh, qua đói nghèo, qua đạn bom, nhưng vẫn sống. Vấn đề của hôm nay không phải là thiếu sách, mà là quá nhiều thứ giành giật tâm trí ta khỏi sách.

Vấn đề sâu xa hơn: ta không còn coi đọc là một phần của việc sống đẹp. Thế giới đang dần lãng quên sự im lặng, sự chậm rãi, sự suy tư. Trong truyền thống tư tưởng phương Đông, đọc không phải là phương tiện để đạt được cái bên ngoài, mà là trở về với cái bên trong. Từ thời Lão - Trang, việc học, việc đọc vốn gắn liền với sự tĩnh tại của tâm. Đọc là tu thân. Đọc là dưỡng khí. Đọc là hành động đi ngược lại với sự xao động của đời sống, để khơi mở “minh tâm kiến tánh”, thấy lại chân diện mục của chính mình. 

Ngày xưa, các nho sĩ khi đọc sách thường đặt một bát nước trong veo bên cạnh, để “nếu tâm xao động thì nước đục” như một cách tự phản tỉnh. Người đọc không chỉ là kẻ truy cầu tri thức, mà còn là người gìn giữ đạo lý, tiết tháo và sự lặng thầm bền bỉ của văn hóa.

Trong thời đại siêu kết nối hiện nay, nghịch lý lớn nhất là con người càng lúc càng rỗng hơn giữa vô số dữ liệu. Chúng ta “biết” rất nhiều thứ nhưng lại hiểu rất ít điều, và càng ít sống sâu. Văn hóa đọc nếu được xem là một hệ sinh thái văn hóa bền vững - chính là cơ chế tự phòng vệ của trí tuệ trước sự tha hóa của thị hiếu và tốc độ.

Bởi vì đọc không chỉ là để “biết”, mà để nghi ngờ cái mình biết. Không chỉ để “giỏi lên”, mà để hiểu mình và hiểu người hơn. Và không chỉ để có tri thức, mà để trở nên người hơn trong thế giới ngày càng thiếu vắng chất người. 

Đọc - tự bản thân nó là một hành động kháng cự lại sự lãng quên, sự cạn mỏng và cả sự dễ dãi. Nó khơi mở lại điều tưởng như đã mất: một chiều sâu văn hóa không thể số hóa, không thể sao chép, thứ văn hóa được chưng cất từ mỗi lần lật trang, từ mỗi khoảnh khắc im lặng tự đối diện chính mình. Để được sống với một trái tim có lớp lang. 

Và nếu phải chọn một hành động lặng lẽ nào đó để định nghĩa tinh thần của một dân tộc đang muốn trở mình từ bên trong, thì đó hẳn phải là: đọc sách.

Ngọc Trâm

Đọc bài viết

Trà chiều

Vẻ đẹp từ những cuộc đời bình thường

Không cần phải nổi bật, bạn vẫn có thể sống một đời ý nghĩa.

Published

on

Làm người bình thường giờ đây bị ngầm hiểu là một thất bại trong một thế giới say mê những con người xuất chúng. Từ những giải vàng trong các trường tiểu học đến danh hiệu “nhân viên xuất sắc của tháng”; từ những tấm hình, thước phim được chọn lựa kĩ càng để đăng trên Instagram đến cuộc đua trở thành “phiên bản rực rỡ nhất của chính mình”, văn hóa của chúng ta không ngừng nâng cao chuẩn mực cho những tính từ “thành công”, “xứng đáng” hoặc thậm chí là “đủ”. Nhưng liên tục chạy đua để trở thành người xuất chúng liệu có khiến chúng ta hạnh phúc hơn hay chỉ đang gieo thêm lo âu, mặc cảm và đứt gãy trong kết nối giữa người với người?

Ẩn giấu trong những cuộc đời không mấy nổi bật vẫn tồn tại sự bình yên sâu lắng, đích đến đáng quý, thậm chí là vẻ đẹp đáng tôn vinh. Có lẽ đã đến lúc ta nên giành lại chân lý ấy - rằng không cần rực rỡ để sống một đời đáng sống.

Những chuẩn mực ngày càng leo cao

Ngay cả trẻ con giờ đây cũng không thoát khỏi chuỗi dài những kì vọng từ gia đình và xã hội. Trước kia, thời chúng ta đi học, “trung bình” được coi là nền tảng để phấn đấu, không có gì đáng xấu hổ. Nhưng nhìn xem, lũ trẻ bây giờ đang bị áp lực phải trở thành những người có thành tựu từ khi còn chưa học được cách chơi đùa vô tư. Giành được điểm A vẫn bị coi là chưa đủ tốt nếu chúng không mang thêm giải thưởng, tham gia hoạt động ngoại khóa và trong vai những người dẫn dắt, lãnh đạo đội nhóm. Những rào chắn vô hình không ngừng cao lên, vì thế chẳng ngạc nhiên khi những sinh viên mới bước vào ngưỡng cửa đại học hay thị trường lao động đã kiệt sức thay vì hạnh phúc. 

Mạng xã hội chỉ đổ thêm dầu vào lửa, đốt cháy cuộc đua kì vọng ấy hơn. Không dừng lại ở việc lướt xem những khoảnh khắc rực rỡ của người khác, chúng ta bắt đầu so sánh với cuộc đời chưa được đánh bóng của bản thân. Đọc được câu chuyện về những bạn trẻ 22 tuổi khởi nghiệp, đi du lịch vòng quanh thế giới, tự sắm nhà riêng - ta cảm thấy mình tụt lại vì mỗi ngày chỉ dậy đi làm và thanh toán hóa đơn. Những điều ấy trước kia từng được coi là phi thường, nay bỗng hóa tiêu chuẩn tối thiểu.

Ngay cả trong đời sống riêng, áp lực vẫn len lỏi. Ta phải là những người yêu lý tưởng, cha mẹ dịu dàng, giỏi chăm sóc bản thân và công dân đầy chánh niệm - tốt nhất là xong hết trước 9 giờ sáng. Người ta truyền nhau một quan niệm hiện đại, rằng: bạn đang lãng phí tiềm năng nếu không tối ưu từng giây phút của cuộc đời mình.

Nhưng nếu tiềm năng không phải là một chiếc thang để leo, mà là một không gian để ta an trú thì sao?

Phẩm giá ẩn sau lựa chọn một đời an yên

Hãy đổi cách ta kể câu chuyện. Sẽ ra sao nếu một cuộc sống “tầm trung” lại chính là một công việc đủ nuôi sống bản thân, những mối quan hệ đầy yêu thương, và một mái nhà rộn tiếng cười xen lẫn tiếng bát đũa? Không phải thứ để ta trốn chạy khi nhắc đến, mà là điều đáng để gìn giữ và trân trọng đúng không?

Thật tuyệt khi bạn xuất hiện trên mạng xã hội với những khoảnh khắc như vậy, dù cho chẳng có lời tán dương nào. Chúng ta vẫn luôn cần một người bạn chân thành, một người lạ biết cảm thông, và một đồng nghiệp đáng tin cậy. Những vai trò ấy hiếm khi xuất hiện trên mạng xã hội, nhưng chúng là sợi chỉ âm thầm dệt nên kết cấu bền chặt của xã hội -  điều mà danh vọng và tiền bạc đôi khi không thể làm được.

Hãy nghĩ về những giáo viên, lao công, y tá, tài xế, đầu bếp, điều dưỡng - những con người mà công việc thầm lặng của họ vẫn đang giữ cho thế giới vận hành. Họ có thể không bao giờ được gọi tên rộng rãi, nhưng công sức của họ chạm đến cuộc sống của biết bao người. Những tên gọi nghề nghiệp nghe có vẻ “bình thường”, nhưng những gì họ làm được thì không hề nhỏ bé.

Bình thường không có nghĩa là tầm thường. Đó là sự biết đủ với những gì bạn có, thay vì liên tục đem so với những cuộc đời khác. Đó là việc bạn hiểu rằng mình không thất bại chỉ vì không xuất chúng - chỉ cần là một con người đã luôn là điều đặc biệt. 

Những đánh đổi phía sau niềm tin phải trở nên xuất chúng

Bị cuốn vào cuộc đua theo đuổi sự vĩ đại thường dẫn ta đến tình trạng kiệt sức, lo âu và cô đơn. Chủ nghĩa cầu toàn gây ra chứng tê liệt cảm xúc, còn việc so sánh khiến ta đánh mất niềm vui. Ai cũng có thể “trên mức trung bình” - rõ ràng về mặt thống kê quan niệm này sai. Ấy vậy mà xã hội vẫn tiếp tục bán giấc mơ ấy, và ta vẫn tiếp tục mua nó, rồi cảm thấy mình chưa bao giờ đủ.

Ở một góc độ khác, việc tôn vinh thành công thái quá cũng hình thành một tâm thức thiếu hoàn thiện: nếu chỉ có một vài người ở đỉnh cao, thì phần còn lại ắt phải là kẻ thua cuộc. Nhưng cuộc sống đâu phải là một bảng xếp hạng, nó là bức tranh khảm đầy những niềm vui nhỏ bé, những khoảnh khắc yên tĩnh, và những kết nối thành thật giữa con người với nhau.

Ta chỉ thực sự sống trong hiện tại khi ngừng đuổi theo những cột mốc tiếp theo. Ta có thể tìm thấy sự đủ đầy, không phải trong việc trở nên khác biệt, mà trong cảm giác được thuộc về gia đình, cộng đồng và chính bản thân mình.

Viết lại định nghĩa “cuộc đời ý nghĩa”

Định hình lại những gì là cốt lõi của cuộc sống đòi hỏi sự can đảm - nhất là trong nền văn hóa đầy rẫy phô trương. Nó đồng nghĩa với việc khước từ lối sống "cày cuốc", chọn thầm lặng thay vì tiếng tăm, chọn sống sâu thay vì sống gấp, chọn sống đúng với hệ giá trị riêng của bản thân thay vì đứng trên những tiếng vỗ tay hào nhoáng.

Một cuộc đời ý nghĩa không được xây nên từ giải thưởng hay thuật toán mà được dệt từ những cuộc trò chuyện chân thật, những thói quen bồi đắp nên chúng ta, những bữa cơm trong gian bếp, những bước đi chậm rãi, những cử chỉ tử tế nhỏ nhoi - và nghỉ ngơi mà không mang theo cảm giác tội lỗi.

Hà Nhi dịch từ Psychology Today

Đọc bài viết

Trà chiều

“Cạm bẫy tiện lợi” của AI

Published

on

Vào thứ Sáu ngay trước ngày khai mạc Hội sách Thiếu nhi Bologna, OpenAI đã tung ra công nghệ tạo hình ảnh mới tích hợp trong GPT-4o. Công nghệ này giới thiệu các khả năng đa phương thức tiên tiến, cho phép người dùng tạo ra những hình ảnh vô cùng chi tiết bằng nhiều phong cách nghệ thuật đa dạng. Gần như ngay lập tức, người dùng đã thử tạo hình ảnh theo phong cách thẩm mỹ đặc trưng của Studio Ghibli và thử nghiệm với nhiều phong cách minh họa sách thiếu nhi kinh điển. Độ chính xác của kết quả và khả năng bắt chước các họa sĩ minh họa nổi tiếng của công nghệ này đã thực sự gây sốc cho những người đang tề tựu tại Bologna.

Nổi bật trong các tiếng nói quan ngại về những bước tiến mới này là Nurgül Senefe, họa sĩ minh họa người Thổ Nhĩ Kỳ. Bà là nhà sáng lập của tổ chức vận động Illustrator’s Platform và Mạng lưới ZNN, một công ty đại diện tác giả và họa sĩ minh họa, đồng thời là Tổng Thư ký của Diễn đàn Họa sĩ Minh họa Châu Âu. Bà Senefe chia sẻ với tờ Publisher Weekly rằng, “sự lười biếng trong nhận thức” đang đe dọa khiến con người ngày càng phụ thuộc vào AI.

Bà Nurgül Senefe. Nguồn: Diễn đàn Họa sĩ Minh họa.

Từ kinh nghiệm điều hành một tổ chức với 400 nhân sự đang tận tâm bảo vệ quyền của họa sĩ minh họa và xây dựng những phương thức kinh doanh bền vững, bà Senefe cho rằng: “Điểm yếu lớn nhất của con người là cảm giác vui sướng đến từ sự tiện lợi mà AI mang đến”.

Mạng lưới ZNN hoạt động như một cầu nối trung gian giữa họa sĩ và bên đặt hàng, giúp thiết lập các quy chuẩn tối ưu cho ngành, đồng thời giám sát quy trình đặt hàng tác phẩm. Công việc của họ nay càng trở nên cấp bách hơn bao giờ hết khi AI ngày một tác động mạnh mẽ đến lĩnh vực sáng tạo.

“Đặc biệt với trí tuệ nhân tạo, chúng tôi đang nỗ lực xây dựng một nền tảng để đại diện cho quyền lợi của họa sĩ minh họa”, bà Senefe cho biết.

Khi khảo sát các thành viên trong tổ chức, bà Senefe thường đưa ra một câu hỏi lấy ví dụ từ bộ phim Ma trận (The Matrix), hỏi họ sẽ chọn viên thuốc nào – đỏ hay xanh. “Mọi người đều nói, ‘Tôi sẽ chọn viên màu đỏ’, bà kể lại, dùng phép ẩn dụ này để nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giữ chính mình “tỉnh táo nhận thức về những gì đang diễn ra hôm nay”.

Mối bận tâm hàng đầu của bà Senefe xoay quanh chính bản chất của con người. “Nếu bạn không ý thức được hành vi của mình, nó sẽ dần định hình nên tính cách của bạn.” Dù vấp phải sự phản đối từ nhiều chuyên gia sáng tạo – “Mọi người nói chúng ta không sử dụng AI tạo sinh, chúng ta chống lại nó”, bà vẫn quan sát thấy người ta tiếp tục thử nghiệm công nghệ này và ghi nhận rằng một số người cho biết nó “khá tiện lợi”.

Bà Senefe nhận định: Yếu tố tiện lợi này chính là mấu chốt của vấn đề. Bà cũng đưa ra các ví dụ tương tự trong đời thực. “Nếu bạn để ý, tôi chắc chắn bạn sẽ thấy ở ga tàu điện hoặc nhà ga xe lửa, mọi người xếp hàng dài hàng mét chỉ để đi thang cuốn, nhưng tại sao họ không leo thang bộ cơ chứ?” Các ví dụ khác bao gồm sự lệ thuộc của xã hội vào thức ăn nhanh, bất chấp những rủi ro sức khỏe đã được chứng minh, hay việc nhiều bậc cha mẹ dùng máy tính bảng làm "người giữ trẻ kiểu mới cho con” khi quá tải hay xao nhãng.

Họa sĩ Hayao Miyazaki, đồng sáng lập Studio Ghibli luôn thể hiện sự phản đối mạnh mẽ đối với AI trong sáng tạo. Trong bộ phim tài liệu Never - ending man: Hayao Miyazaki năm 2016, khi được giới thiệu về một dự án hoạt hình sử dụng AI, ông Hayao Miyazaki đã thẳng thừng chỉ trích công nghệ này. Ông gọi nó là "một sự xúc phạm đến cuộc sống" và nhấn mạnh rằng nghệ thuật không chỉ là kỹ thuật mà còn là cảm xúc, trải nghiệm và tinh thần con người.

Bà Senefe tỏ ra lo lắng về một khả năng trong tương lai, nơi những người làm sáng tạo cuối cùng sẽ phải “làm việc cho máy móc”, khi các nhà xuất bản có khả năng chọn AI thay vì sản phẩm của con người vì chúng “quá tiện lợi, rẻ, hiệu quả và nhanh chóng”.

“Dần dà, chúng ta sẽ quen xem cái ‘chưa đủ’ là đủ, ‘không đẹp’ là đẹp, ‘phi nghệ thuật’ là nghệ thuật. Điều này sẽ kéo tụt mặt bằng giá trị của nhận thức chung, hiểu biết và sự chấp nhận của xã hội, làm thay đổi cả một lĩnh vực mà chúng ta thậm chí không hề hay biết”.

Để mô tả quá trình bình thường hóa đáng lo ngại này, bà Senefe đã đặt hàng một bức tranh minh họa dựa trên ẩn dụ về con ếch trong nồi nước đang nóng dần lên, không nhận ra mối nguy hiểm đang cận kề. Bức tranh này đặt ra một câu hỏi nhức nhối: “Bạn sẽ dùng AI một cách có ý thức và để máy móc phục vụ cho bạn, hay bị AI thống trị và trở thành tay chân cho máy móc?”

“Thử thách lớn nhất của chúng ta trong cuộc đối đầu với AI chính là sự lười biếng trong nhận thức”, bà Senefe kết luận. Bà cho rằng, cũng như sự nghiện ngập và các thói quen độc hại khác, sự phụ thuộc vào AI có thể bén rễ từ từ và len lỏi vào đời sống một cách khó nhận biết nếu giới chuyên môn sáng tạo không duy trì cảnh giác.

Hoàng Thảo dịch từ Publishers Weekly

Đọc bài viết

Cafe sáng